Số lần đọc/download: 1302 / 27
Cập nhật: 2017-12-18 08:35:15 +0700
Chương 3: Dòng Sông
Đ
ại uý Fellow hát tướng lên chỉ để một mình ông nghe trong khi cái máy nổ nhỏ râm ran phía sau chiếc thuyền. Khuôn mặt rám nắng của ông trông như tấm bản đồ một vùng núi non, những vệt nâu đậm hay nhạt và hai hồ nước trong xanh là hai con mắt. Ông hát sai giọng những bài do ông tự chế.” Tôi về nhà, tôi về nhà, tất cả những gì tôi ăn sẽ rất ngon, ngon, ngon. Trong cái thành phố chó đẻ nầy, tất cả đều đáng phỉ nhổ, nhổ nhổ.” Ông rời giòng sông đi vào một con rạch nhỏ. Một vài con cá sấu phơi mình trên bờ sông.” Tao không thích cái mỏm của tụi mầy, lũ súc vật khốn kiếp...” ông hát. Ông là một con người hạnh phúc.
Đồn điền chuối kéo dài tới tận mép sông, bên phải cũng như bên trái. Dưới ánh nắng gay gắt, giọng ông vang lên; tiếng hát và tiếng máy nổ đều đều là những âm thanh duy nhất ông nghe được. Ông thấy vui với một niềm vui trai tráng:làm việc của người đàn ông,trong thiên nhiên, không chịu trách nhiệm với ai cả. Ông chỉ cảm thấy một nơi khác mà ông có được niềm vui lớn lao như thế: nước Pháp thời chiển tranh,giữa khung cảnh bị đào nát bởi những công sự. Con lạch vòng quanh rồi tiến vào vùng đầm lầy xanh ngắt; một con diều hâu lượn trên trời.
Đại uý Fellows mở hộp thức ăn và ăn một cái bánh kẹp. ( giữa thiên nhiên lồng lộng, ăn gì cũng thấy ngon). Một con khỉ chạy qua cất tiếng kêu the thé, vui vẻ. Đại uý Fellow cảm thấy mình hoà quyện với thiên nhiên: tình anh em nhẹ nhàng nhưng cao rộng kết nối ông với vạn vật: tình huynh đệ nầy chảy trong máu ông, ở đâu ông cũng cảm thấy như ở nhà.
“ Thằng ranh con, ông nghĩ,thằng ranh con!” Ông lại bắt đầu hát…Lần nầy lời ca như là của ai đó, lộn xộn, dù cho ông có ý tốt.” Cho tôi cuộc đời tôi yêu, cho tôi nhúng miếng bánh của tôi vào nước của giòng sông, dưới bầu trời đầy sao…,người thợ săn từ biển trở về..” Vùng trồng chuối thưa dần; phía xa, dải núi như một vạch đen kẻ lên bầu trời. Một vài căn nhà nhỏ hiện ra trong đám bùn lầy. Ông đã về tới nhà.Một đám mây mỏng che khuất niềm vui của ông.
“ Ai cũng muốn có người nào đó ra đón mình, ông tự nhủ”
Ông tiến về căn nhà lợp mái ngói – khác với những cái khác, cột cờ không treo cờ, tấm bảng trên cửa chính viết “ Công ty Chuối Trung Mỹ”. Hai cái võng mắc dưới mái hiên, nhưng không thấy ai cả. Ông đại uý biết phải tìm vợ mình ở đâu. Ông không mong bà sẽ ra đón ông ở cửa. Ông đẩy một cánh cửa và ồn ào đi vào, cất tiếng gọi: “ Ba về rồi đây nè!” Một ánh mắt thất thần nhìn ông xuyên qua cái màn, tiếng giày ông lộp độp phá tan yên tỉnh và an bình, bà Fellow giật mình trong mùng. Ông hỏi:
“ Anh về, có vui không, Trix?
Người đàn bà có khuôn mặt thất thần nhanh chóng tạo một nụ cười gượng gạo. Ông đại uý Fellow nói:
“ Anh rất sung sướng được về nhà”, và ông tin như thế.
Xác tín duy nhất nhưng chắc chắn của ông, và ông luôn có những biểu hiện phù hợp: tình yêu, niềm vui, đau khổ, hận thù. Ông luôn luôn là người cư xử đúng vào giờ H.
“Ở văn phòng,mọi việc ổn chứ?
• Tuyệt vời.
• Hôm qua em hơi bị sốt.
• À,phải có người chăm sóc em. Ông nói thêm vẻ lơ đễnh, em sẽ khoẻ thôi,nhất là bây giờ lại có anh ở đây.”
Ông đã nhẹ nhàng bỏ qua ý nghĩ về sốt; ông vỗ tay,cười lớn, còn trong màn, bà vợ run rẩy.
“ Côran đâu rồi?
• Đang đứng với viên cảnh sát.
• Anh muốn nó đến đón anh” đại uý nói vừa đi quanh căn phòng cho đến khi ông hiểu được điều vợ ông nói: “ Cảnh sát, cảnh sát đến đây làm gì?
• Ông ta đến từ hôm qua và Côran đã cho phép ông ta ngủ dưới hàng hiên. Nó nói với em là cảnh sát đang truy bắt ai đó.
• Lại bày chuyện! Kiếm ai ở đây?
• Đó không phải là một cảnh sát thường, ông ta là sĩ quan. Ông ta nói với tôi là ông ta cho lính ở lại trong làng.
• Anh nghĩ là em cũng nên đứng dậy. Ý anh là…với các ngữ đó,không biết rồi sẽ có chuyện gì”.
Ông ta nói vẻ không tin tưởng chút nào:” Côran chỉ là một đứa bé”.
Bà vợ rên rỉ:
• Em đã nói là em bị sốt. Em mệt lắm.
• Không sao cả.Một chút nắng.Rồi em xem…Bây giờ đã có anh ở nhà.
• Em nhức đầu quá. Em không đọc sách hay may vá được.Và rồi, người đó…”
Sự kinh hãi đứng sau lưng bà,sát ngay vai bà, và bà liên tục cố gắng để không quay mặt lại.Bà che lấp nỗi sợ hãi của mình để khỏi nhìn nó…Bà gọi nó là sốt, chuột,thất nghiệp. Khuôn mặt thật của cái sợ là cái chết.Cứ qua một năm, bà càng cảm thấy gần nó hơn trong cái xứ xa lạ nầy. Họ sẽ thu dọn hành lý và ra đi, để bà lại một mình trong cái nghĩa trang,dưới một nấm mồ mà sẽ không có ai đến viếng thăm bà.
“ Tôi nghĩ là tôi phải đi gặp ông cảnh sát” ông đại uý nói.
Ông ngồi ghé xuống giường cầm tay bà. Họ có những cái chung, sự dè dặt. Ông lơ đãng nói thêm:
“ Tên ngoại quốc,thư ký của ông chủ, mình sẽ không gặp lại nữa.
• Đi rồi à?
• Qua bên kia thế giới.
Ông cảm thấy bàn tay ông đang cầm cứng lại; bà lùi vào tường, ra xa ông. Ông đã đụng đến từ cấm kỵ, mối giây liên kết giữa ông và bà đã đứt, ông không hiểu tại sao.
• Nhức đầu à,em yêu?
• Anh có phải đi gặp người đó không?
• Vâng, vâng, anh đi » Nhưng ông không nhúc nhích. Chính con bé đến gặp ông.
Con bé dừng trước cửa phòng và nhìn hai người với vẻ lo lắng vô cùng cho họ. Dưới cái nhìn trầm trọng của cô bé, họ trở thành, ông là một một cậu bé không tin tưởng được và bà là một bóng ma mà một cơn gió nhẹ cũng đủ làm cho bay biến.Cô bé còn rất trẻ, khoảng mười ba tuổi; ở tuổi nầy, người ta hầu như không sợ gì: tuổi già, cái chết,tất cả những gì có thể xảy ra, rắn cắn, sốt, chuột,mùi hôi. Cuộc đời chưa đụng đến nó, hình như,cô bé là bất khả chiến bại. Nhưng có thể nói là nơi cô bé, mọi cái đã được tinh giản tới mức tối đa. Đó là hệ quả của cái nắng trên một đứa bé, nắng nóng làm cho con bé gầy như một bộ xương. Cái vòng vàng đeo nơi cổ tay gầy guộc giống như cái ổ khoá móc trên một cánh cửa bằng vải mà ta có thể xuyên thủng bằng một cú đấm.
« Con đã nói với ông cảnh sát là ba đã về, cô bé nói.
• Vâng, vâng, đại uý Fellows trả lời. Con không hôn ba sao? »
Cô bé trịnh trong băng qua căn phòng và hôn lên trán ông, một cái hôn nhạt nhẽo: Ông ta cảm thấy cô bé thiếu nhiệt tâm.Nó còn phải lo nghĩ những chuyện khác.Cô bé nói:
• Con đã bảo nhà bếp là mẹ sẽ không dậy ăn cơm tối. Ông đại uý nói theo;
• Anh nghĩ là em nên cố gắng một chút.
• Tại sao? Côran hỏi
• Ồ,không...
• Con muốn nói chuyện riêng với ba, Côran nói.
Bà Fellows lùi sâu về phía cuối gường, bà tin rằng chuyến hành trình cuối cùng của bà sẽ được sắp xếp như thế đó, do Côran. Lòng tốt là một đức tính kinh khủng, bà chưa bao giờ có được. Chính lòng tốt tuyên bố:”Người chết không nghe”, hay “ Họ không còn đau khổ”, hay:” Hoa cườm tiện hơn.”
“ Ba không hiểu, ông đại uý nói, tại sao mẹ con không được nghe...
• Mẹ sẽ không muốn nghe. Mẹ chỉ thêm sợ thôi.”
Kinh nghiệm cho ông hay là Côran có giải đáp cho mọi vấn đề.Nó không bao giờ nói mà không suy nghĩ: nó luôn luôn sẵn sàng, nhưng nhiều khi những giải pháp mà nó đã chuẩn bị bị ba nó xem như là mọi rợ. Nó được cảm hứng từ cuộc sống duy nhất mà nó biết: cuộc sống ở đây. Đầm lầy, diều hâu,không có trẻ con nào khác ở đây,có chăng là mấy đứa trẻ dưới làng, bụng đầy giun, ăn những thức ăn thừa rơi vãi trên bờ sông, như những con vật. Người ta nói rằng,một đứa trẻ tạo dựng mối ràng buộc giữa cha mẹ: đúng thế, ông cảm thấy rất khó chịu khi phải nói chuyện riêng với con bé. Ông không lường được hậu quả của những gì con bé sắp nói. Qua tấm màn, ông tìm tay vợ mình: họ là người lớn, họ cùng hội với nhau, con gái họ là người lạ ở trong nhà họ.
“ Con làm ba sợ, ông nói giọng đùa cợt.
• Con không tin,con bé cân nhắc từng lời, con không tin là ba sẽ sợ.
Ông chịu thua và siết tay vợ:
• Em yêu, con gái mình đã quyết rồi...
• Trước hết, anh phải đi gặp ông sĩ quan cảnh sát. Ông ta phải đi khỏi đây.Em không thích ông ta.
• Vậy thì chắc chắn hắn ta phải đi thôi, đại uý Fellows vừa nói vừa cười.
• Em đã nói chuyện với ông ta. Em đã giải thích là mình không thể từ chối cho ông ta ngủ trên võng qua đêm, vì họ đến quá khuya, nhưng bây giờ,em muốn ông ta đi khỏi nơi đây.
• Ông ta không nghe lời em à?
• Ông ta nói là ông ta muốn gặp anh.
• Ảo tưởng, đại uý Fellows nói.
Cay cú là vũ khí tự vệ duy nhất, nhưng con bé không hiểu loại ngôn ngữ nầy. Cô bé không hiểu những gì không rõ ràng, như hai với hai là bốn, như những niên đại trong sách sử. Ông ta rời tay vợ và đi theo con bé dưới ánh trời chiều. Dáng đứng bất động, màu ô liu, viên sĩ quan cảnh sát đứng trước mái hiên; ông ta không tiến lên bước nào khi ông Fellows đến.
« Chào trung uý, ông đại uý nói vẻ lơ đễnh. Ông ta tự nhiên có ý nghĩ là Côran có nhiều điểm chung với tên trung uý nầy hơn là mình.
« Tôi tìm một người, viên trung uý trả lời. Người ta báo là ông ta đang ở trong vùng nầy.
• Ông ta không thể có ở đây được.
• Con gái ông cũng đã nói với tôi như thế.
• Ông phải tin con tôi chứ.
• Cáo buộc cho người nầy rất nặng.
• Sát nhân?
• Không,phản bội.
• Ôi,phản bội… » ông Fellows nói và tự nhiên không còn quan tâm đến vấn đề.
Phản bội có mặt ở khắp nơi…cũng không nặng nề hơn mấy vụ ăn trộm vặt trong trại lính.
« Đó là một linh mục. Xin ông thông báo cho chúng tôi lập tức nếu ông nhìn thấy, tôi tin ở ông. »
Một chút im lặng, rồi viên trung uý nói tiếp:
« Anh là ngoại kiều,nhưng anh sống ở đây dưới sự bảo hộ của luật pháp chúng tôi.Chúng tôi mong đợi một sự báo đáp từ quý ông. Ông không phải là người công giáo chứ?
• Không.
• Vậy thì tôi có thể tin ông được. »
Viên trung uý đứng dưới ánh mặt trời như một dấu chấm hỏi đen, nhỏ nhưng đe doạ,thái độ của anh ta làm cho người ta nghĩ là anh không muốn nhận quà cáp gì từ người nước ngoài, ngay cả một chút bóng râm. Tuy nhiên, anh ta đã tranh thủ ngủ trên võng.( Có thể anh ta xem như là trưng dụng, đại uý Fellows nghĩ thầm.
• Ông uống nước khoáng không?
• Không, cảm ơn.
• Vậy sao, đại uý Fellow nói. Đó là tất cả những gì tôi có thể mời ông,phải không? Uống rượu là phản bội, đúng không. »
Đột nhiên, viên trung uý quay gót làm như thể ông không chịu đựng được khi nhìn những con người nầy; họ đứng nhìn ông đi nhanh xuống con đường mòn hướng về phía làng; đôi giày và bao súng ánh lên dưới ánh mặt trời.Khi ông ta đi được một đoạn, ông ta nhổ một cái; ông ta cũng lịch sự đấy nhỉ, ông ta chờ cho đến lúc mà ông ta nghĩ rằng người ta không còn nhìn thấy để bày tỏ sự thù hận, căm ghét một lối sống khác với lối sống của ông ta, ông chán ghét thoải mái, an toàn, dễ dãi.
« Ba thích là bạn của ông ta hơn là đối địch với ông ta, đại uý nói.
• Dĩ nhiên rồi, ông ta căm hận chúng ta.
• Những người đó căm ghét hết tất cả mọi người.
• Con nghĩ,Côran nói, ông ta nghi ngờ gì đó.
• Tình nghi là nghề của họ mà.
• Tại vì con không để cho ông ấy lục xét nhà.
• Tại sao con lại ngăn cản ông ta? đại uý Fellows nói. Ông ta mơ hồ cảm thấy có chuyện gì đó.
• Con nói con sẽ thả chó ra cắn ông ta...và con sẽ khiếu nại lên lãnh sự quán. Ông ta không có quyền…
• Ồ, ông đại uý Fellows nói, quyền của họ, họ mang bên đùi trái đó. Cho họ xét nhà có trở ngại gì đâu.
• Con đã hứa »
Con bé cũng cương quyết như ông trung uý: nhỏ, đen, lạc lõng giữa rừng chuối. Sự giản đơn không cho phép nó nhân nhượng ai; tương lai, đầy bất trắc, lo âu, hận thù còn ở xa nó.Cánh cửa mà ngày kia tương lai đi vào đang đóng.Nhưng từ nay, một lời nói, một cử chỉ, một hành động đều cũng có thể là « vừng ơi, mở ra… » và sau đó con bé sẽ thấy gì? Đại uý Fellows cảm thấy sợ: Ông thấy rằng sự nuông chiều quá độ của ông đối với con bé làm cho ông mất quyền uy trên nó. Người ta không thể áp đặt sự kiểm tra trên đối tượng người ta yêu mến…Ông hình dung thấy nó đang chạy cách bất cẩn về phía chiếc cầu gãy,trên con đường dốc đứng mà không cản nó lại được. Đại uý nhắm mắt-ông ta là người hạnh phúc- và hát một câu ngắn.
« Con không muốn những người như thế biết con nói dối, ba hiểu không. Côran nói.
• Con nói dối sao? Ông ba thốt lên, ý con nói là ông linh mục ở đây chứ gì!
• Dĩ nhiên là ông ta ở đây,Côran trả lời.
• Ở đâu?
• Trong vựa chuối, cô bé nhỏ nhẹ giải thích. Chúng ta không thể để cho họ bắt ông ta.
• Mẹ con có biết không?
• Không! Con không tin tưởng mẹ được.”
Con bé không lệ thuộc vào ông cũng như vào mẹ nó: cả hai đều thuộc về quá khứ. Trong bốn mươi năm nữa, họ sẽ chết như con chó hồi năm ngoái.
“Đưa ba đến chổ ông ấy”.
Ông ta bước đi chầm chậm; hạnh phúc rời xa ông nhanh chóng và toàn diện như thể ông ta từ bỏ một người bất hạnh; nhưng người bất hạnh thì luôn sẵn sàng. Khi nhìn con đi trước mặt ông với hai bím tóc nhỏ nhoi, bị ánh nắng làm phai màu, ông ta lần đầu tiên nhận ra rằng ở tuổi nó,các cô người Mễ đã ngủ với đàn ông. Cái gì sẽ xảy ra? Tâm trí ông lùi bước trước những vấn đề mà ông không bao giờ dám nghĩ tới.Khi đi ngang cửa sổ phòng ngủ, ông thấy vợ gầy mòn, xanh xao, nằm co quắp trong mùng. Ông tiếc nuối hồi tưởng lúc ông còn ở trên sông, khi ông làm công việc của người đàn ông, không bận tâm đến ai. “ Giá như mình không cưới vợ...”
“Chúng ta không nên dính líu tới chuyện chính trị của họ”
• Đây không phải là chuyện chính trị, cô bé nhẹ nhàng giải thích. Con biết chính trị là gì. Mẹ và con đã học “Đạo luật Cải tổ.”
Cô bé lấy chùm chìa khoá trong túi ra và mở cửa nhà kho nơi chứa chuối trước khi xà lan chở ra bến cảng. Sau khi từ ngoài nắng vào, trong kho rất tối: nghe có cái gì động đậy ở trong góc. Đại uý Fellows cầm đền pin chiếu về phía người đàn ông mặc đồ tây màu sẫm nhưng rách nát, một con người nhỏ bé hai mắt linh hoạt, râu nhiều ngày chưa cạo.
“Ông là ai? Đại uý Fellows hỏi.
- Tôi nói tiếng Anh được.
Ông ta cầm khư khư trong tay một cái cặp nhỏ như thể đang đợi một chuyến tàu mà ông không thể trể.
• Đáng ra anh không nên đến đây.
• Vâng, tôi biết.
• Chúng tôi không liên quan gì đến việc của các anh. Chúng tôi là người nước ngoài.
• Đúng thế, tôi đi ngay đây », người đàn ông đáp. Ông ta đang đứng, đầu hơi cúi xuống như đang chờ lệnh từ cấp sĩ quan. Đại uý Fellows dịu giọng.
• Chờ trời tối đã, đừng để bị bắt.
• Vâng.
• Ông đói không?
• Hơi hơi.Nhưng không sao. » Ông ta nói tiếp giọng từ tốn: « Nếu ông có thể giúp tôi một việc…
• Việc gì?
• Cho tôi xin chút rượu.
• Vì anh, tôi đã vi phạm luật rồi, đại uý Fellows nhắc.
Ông đại uý bước nhanh ra, bỏ rơi người đàn ông nhỏ bé trong bóng tối, giữa những quày chuối. Côran khoá cửa rồi đi theo ông.
« Đạo gì thế không biết! ông Fellows càu nhàu. Đi ăn mày rượu. Nhục nhã.
• Nhưng đôi lúc ba cũng uống.
• Con gái ơi, khi con lớn lên con sẽ hiểu sự khác biệt giữa uống một chút rượu sau khi ăn cơm và…Chúa tôi, nghiện rượu.
• Con mang cho ông ta chút bia được không?
• Không mang gì cả.
• Nhưng không thể tin được những người giúp việc.
Ông đại uý thấy mình bất lực và tức giận.
-Con thấy con làm khổ ba chưa!
Ông nặng nề đi vào nhà, vào phòng ngủ và ông giận dữ đi lui đi tới. Bà Fellows ngủ chập chờn, bà đang mơ thấy đám cưới.
Bà nói lớn:
“Coi chừng cái váy của tôi.”
• Em nói gì? Ông hỏi giọng bực bội. Đêm buông xuống như một tấm màn.Mới đó còn có mặt trời, thế mà chỉ một lúc sau...Bà Fellows choàng tỉnh dậy.
• Anh nói gì thế, anh yêu?
• Em nói đó chứ. Em nói đến tàu lửa.
• Chắc là em mơ.
• Còn lâu ở đây mới có tàu lửa, ông ta lầm bầm.
Ông đến ngồi xuống cạnh giường, tránh xa cửa sổ: xa những cái ta không muốn thấy,không muốn biết. Những con dế mèn bắt đầu gáy và sau khung màn cửa kim loại, đom đóm bay qua lại chập chờn như những ánh đèn. Ông ta đặt bàn tay to xù của mình lên tay vợ như để trấn an và nói: “Cuộc sống của mình cũng không đến nỗi tệ lắm, phải không em, Trixy!”
Nhưng ông thấy hình như vợ ông co rúm lại: từ “sống”làm liên tưởng đến từ “ chết”. Bà quay mặt đi. Sợ hãi, bà thấy càng lúc giới hạn của sự kinh hoàng càng lùi xa. Bà liên kết mọi loài,mọi vật với những ý niệm đó...Do đó từ “ khăn trải giường” cũng thế. Bà hất cái khăn trải giường đi và nói:
• Nóng quá,nóng quá.
Người đàn ông lúc nào cũng yêu đời, người đàn bà lúc nào cũng cảm thấy bất hạnh, im lặng trên giường, nhìn đêm càng lúc càng tối mịt. Họ là hai người bạn đời bị chia tách ra khỏi thế giới nầy! Không còn gì có ý nghĩa, chỉ còn cái gì đó trong tim họ; họ đã được đưa qua những không gian vô tận như những đứa trẻ, không biết rồi sẽ đến đâu. Họ bắt đầu hát, với niềm vui tuyệt vọng, một bài hát cũ từ thời chiến tranh; họ không muốn nghe tiếng bước chân đi ngang qua sân về hướng vựa chuối.
Côran đặt mấy cái đùi gà và bánh xoắn xuống đất rồi lấy khoá mở cửa. Cô bé còn mang theo một chai bia. Em nghe tiếng số soạt trong bóng tối: một người đang nhúc nhích và sợ. “ Tôi đây” em nói để trấn an ông ta, nhưng không bật đèn pin lên. Cô bé nói thêm:” Cháu mang cho ông một chai bia và chút thức ăn.
• Cảm ơn.
• Cảnh sát đã đi khỏi làng. Họ đi về phía Nam. Ông phải đi lên hướng Bắc thôi.
Ông ta không trả lời.
Cô bé hỏi theo tính tò mò của trẻ con:
• Nếu họ bắt được ông, họ sẽ làm gì ông?
• Họ sẽ bắn chết tôi.
• Chắc là ông sợ lắm nhỉ, cô bé có vẻ quan tâm.
Ông ta mò mẫm tiến ra phía cửa về hướng ánh sao nhạt nhoà.
• Tôi rất sợ, ông ta vấp một quày chuối.
• Ông không trốn đi được sao?
• Tôi đã cố gắng trốn. Cách đây một tháng. Con tàu sắp rời bến và ngay lúc đó tôi nghe có tiếng gọi.
• Có ai đó cần ông à?
• Bà ta cũng không cần tôi nữa » ông linh mục chua chát trả lời.
Nhờ ánh sao, Côran đã có thể được mặt ông ta: Ba cô nói khó tin tưởng những người có khuôn mặt như thế.
• Tôi thật bất xứng?
• Bất xứng với cái gì?
Ông ta siết chặt cái va li và hỏi: « Cô có thể cho tôi biết bây giờ là tháng mấy rồi không? Tháng Hai phải không?
• Không bữa nay là mồng bảy tháng ba rồi.
• Tôi ít khi gặp được người nhớ ngày tháng.Như thế trong một tháng nữa, sẽ bắt đầu mùa mưa. » Ông giải thích: « Khi mùa mưa đến,tôi gần như được an toàn,em thấy không, vì cảnh sát không thể hành quân được.
• Ông sẽ được mưa cứu sao?
Cô bé hỏi vì muốn học hỏi thêm.Đạo luật Cải Cách, đồi Senlac,một vài từ tiếng Pháp cất dấu trong đầu cô như một kho tàng bí mật. Cô bé đòi phải có lời giải cho những thắc mắc của mình.
« Ồ, không.Mưa sẽ cho tôi sống thêm sáu tháng. » Ông ta gặm một cái đùi gà. Côran nghe mùi hơi thở ông chua như vật gì đó bị phơi nắng nhiều ngày.
• Tôi thích người ta bắt được tôi.
• Nhưng, cô bé lý luận, sao ông không ra đầu thú?
Những câu trả lời của ông ta cũng trực tiếp và rỏ ràng như những câu hỏi của cô bé.
• Phải chịu đau đớn, ông nói. Chấp nhận đau đớn như thế là điều không thể. Hơn nữa, nhiệm vụ của tôi là không để bị bắt. Em hiểu không, giám mục của tôi không còn ở đây nữa. » Một chút giả hình thúc giục ông nói. « Đây là địa phận của tôi. »
Ông lấy một cái bánh cuốn và ăn ngấu nghiến.
• Khó thật,cô bé trịnh trọng nói.
Cô nghe tiếng uống ực ực.
• Tôi cố nhớ lại cuộc sống hạnh phúc ngày xưa. »
Một con đom đóm chiếu sáng khuôn mặt ông trong vài giây rồi tắt ngúm, đó là khuôn mặt một người vô gia cư. Đâu là nguyên nhân hạnh phúc của ông ta nhỉ?
• Lúc nầy, ông nói tiếp, ở thành phố Mêxicô, người ta đang chầu phép lành…Có cả Đức Giám mục…Em có nghĩ là có lúc nào đó…? Họ cũng không biết là tôi còn sống ở đây.
• Dĩ nhiên rồi, cô bé nói, ông có thể ….từ chối.
• Tôi không hiểu.
• Từ chối đức tin của ông đó, cô bé dùng một từ trong sách lịch sử châu Âu.
• Không thể được. Tôi là linh mục. Tôi hoàn toàn không có quyền. »
Cô bé say sưa lắng nghe.
• Như một cái vết tích bẩm sinh,phải không?
Cô nghe tiếng môi ông trượt tuyệt vọng trên miệng chai.
• Em có thể lấy rượu cô nhác của ba cho ông.
• Đừng, không nên ăn trộm.
Ông ta uống đến giọt bia cuối cùng, không còn gì cả.
• Tôi phải đi đây, ông nói, đi ngay thôi.
• Lúc nào ông cũng có thể trở lại đây.
• Ba em sẽ không bằng lòng.
• Ông ta không biết đâu,cô bé nói, tôi sẽ lo cho ông.Phòng ngủ của tôi ở đối diện cửa kho nầy. Ông chỉ cần gõ cửa. Có lẽ, cô bé nói giọng nghiêm trang, có lẽ chúng ta phải có ám hiệu.Nếu người khác đến gõ thì sao…?
• Một người đàn ông khác, ông ta nói giọng kinh ngạc.
• Vâng,ai biết được. Một người đi trốn pháp luật khác.
• Có thể lắm.
• Đôi lúc cũng có đấy,cô bé nói vẻ hờ hững.
• Đã có như thế chưa?
• Chưa.Nhưng bây giờ em muốn chuẩn bị sẵn sàng. Ông sẽ gõ ba tiếng: một ngắn, hai dài.”
Ông linh mục phì cười như trẻ con:
• Làm sao gõ tiếng dài được?
• Như thế nầy nầy.
• Ah,cô muốn nói là gõ mạnh vào.
• Em nói dài vì đó là tín hiệu morse.
Ông ta không hiểu morse là gì, ông nói với cô bé:
• Em là một cô gái tốt. Em có muốn cầu nguyện cho tôi không?
• Không,tôi không tin vào những cái đó.
• Em không tin vào lời cầu nguỵện sao?
• Tôi không tin vào Thiên Chúa. Tôi mất đức tin khi lên mười.
• Thôi, thế cũng được. Tôi sẽ cầu nguyện cho em.
• Nếu ông muốn thế, em nói. Nếu ông quay lại, em sẽ bày cho ông vần morse. Ông có thể cần dùng đến.
• Dùng làm gì?
• Nếu ông trốn trong đồn điền, em có thể liên lạc với ông với cái gương soi, em có thể thông tin cho ông về hoạt động của kẻ địch.
Ông linh mục chăm chú lắng nghe.
• Nhưng quân địch có thể thấy em.
• Ồ,em sẽ kiếm cách giải thích.
Cô bé tiến tới mấy bước, cố tránh những chướng ngại vật.
• Vĩnh biệt cô bé, ông nói.
Ông chần chừ gần cửa đi ra.
• Có thể...nhưng em không tin vào lời cầu nguyện..có lẽ em thích....Tôi có một trò ảo thuật rất hay.
• Ồ,em thích lắm.
• Nhưng phải có bộ bài tây. Em có bộ bài nào không?
• Không.
Ông ta thở dài:” Vậy thì chịu”, và ông ta lại cười. Cô bé ngửi thấy mùi bia trong hơi thở của ông.
• Như vậy tôi chỉ còn cách cầu nguyện cho em.
• Có vẻ như ông không sợ, cô bé nói.
• Một chia bia là thay đổi một thằng hèn cách kỳ diệu. Nếu tôi uống được chút rượu, tôi có thể đối đầu với cả quỷ dữ..” Ông linh mục loạng quạng ở cửa ra vào.
• Vĩnh biệt, cô bé nói. Em hy vọng là ông sẽ thoát.”
Nghe có tiếng thở dài trong bóng tối. Cô bé dịu dàng nó tiếp:” Nếu họ giết ông,em sẽ không bao giờ tha thứ cho họ.” Cô bé sẵn sàng chấp nhận, không do dự, mọi trách nhiệm, kể cả trách nhiệm trả thù cho ông. Đó là lẽ sống của em.
Sáu bảy căn nhà chòi làm bằng cành cây và đất bùn nằm trong một khoảng đất trống; hai cái đã sập. Vài con heo dùng mõm cày đất, một bà già cầm bó đuốc cháy, đi từ chòi nầy qua chòi kia để hun khói tránh muổi. Phụ nữ ở trong hai chòi,mấy con heo trong một chòi; trong căn chòi còn lại, cái vững chãi nhất,dành để dự trữ bắp, có một ông già,một cậu bé và một đàn chuột trông coi. Ông già đứng trong khoảng trống nhìn ngọn lửa di chuyển từ chổ nầy qua chổ kia trong bóng tối. Nó giống như một nghi thức lặp lại hàng ngày, vào cùng một giờ trong suốt cuộc đời. Mái tóc bạc, chòm râu cũng bạc nhiều ngày chưa cạo, hai tay chai sần và mong manh như lá vàng mùa thu, ông già cho ta cảm tưởng của sự trường tồn. Từ nay, ông ta không thay đổi gì được nữa vì ông đã đến tận giới hạn của cuộc sống: ông đã già từ nhiều năm nay.
Người khách lạ tiến vào khoảng đất trống. Ông ta mang cái mà trước đây gọi là giày của dân thành phố, đen và nhọn; chỉ còn phần mũ giày, và thực ra thì ông ta đi chân đất. Đôi giày của ông cũng chỉ còn giá trị biểu trưng như những lá cờ đầy mạng nhện treo trong nhà thờ. Ông mặc áo sơ mi và quần tây đen,nhưng đã rách, tay cầm một vali nhỏ như hành khách đi tàu lửa. Ông ta cũng đạt đến tình trạng trường tồn, nhưng người ta còn thấy nơi ông những dấu ấn của thời gian; đôi giày rách minh chứng cho một qúa khứ khác hơn; những nếp nhăn trên mặt là dấu tích của sợ hãi và hy vọng cho tương lai. Bà già mang đuốc dừng lại ở giữa hai căn nhà để quan sát ông già mới đến. Ông già tiến lại, mắt dán xuống đất, vai trĩu xuống khi ông biết có người khác nhìn mình. Ông già đi đến gặp ông ta: ông hôn tay người mới đến.
• Ông cho tôi một cái võng để ngủ nhờ hôm nay được không?
• Ôi, cha ơi. Cái võng, cái đó chỉ có ở thành phố. Ở đây, cha phải bằng lòng với những gì đang có thôi.
• Không quan trọng. Một chổ nào đó tôi có thể nằm một chút. Và ông có thể kiếm cho tôi…cho tôi…một chút rượu được không?
• Ở đây chỉ có cà phê thôi, cha ơi. Chúng con không có gì khác.
• Có gì ăn không?
• Dạ không có gì cả.
• Không sao.
Cậu bé ra khỏi chòi và nhìn hai người đàn ông.Mọi người đều nhìn họ: giống như trong trận đấu bò,con vật đã đuối sức, khán giả chờ hành động sắp tới của nó. Không phải là họ vô cảm; họ thưởng thức cảnh tượng khác thường nầy: một người cùng khốn hơn cả họ nữa. Người đàn ông lạ khập khiễng đi vào lều. Bên trong, ánh sáng chỉ chiếu tới ngang đầu gối. Trên nền đất, đó không phải là một ngọn đèn nhưng là một đống củi cháy đang lụi dần. Cái bồ chứa bắp chiếm hết nửa diện tích căn phòng: tiếng chuột chạy sột soạt trong lá bắp khô. Trong đó có một cái giường đắp bằng đất, có trải chiếu; hai cái thùng gỗ dùng làm bàn. Vị khách lạ nằm dài và ông già đóng cửa lại.
• Có gì đáng sợ không?
• Thằng bé sẽ canh chừng.Nó biết làm việc đó.
• Ông có đợi cha không?
• Không. Nhưng năm năm rồi chúng con không thấy linh mục…rồi cũng có ngày được gặp..”
Ông ngủ một giấc ngủ tràn đầy lo âu còn ông già đang cúi rạp trên nền nhà để thổi lửa.Có ai đó gõ cửa và vị linh mục vùng dậy.” Không có gì, thưa cha. Cà phê của cha đây mà.” Người ta mang cho vị linh mục cà phê làm từ bắp rang cháy đang nghi ngút khói đựng trong ca sắt,nhưng ông linh mục mệt đến nổi không uống được. Ngài nằm nghiêng trên giường, bất động; một con chuột trong đống bắp nhìn ngài.
• Hôm qua,lính có đến đây, ông già nói.
Ông tiếp tục thổi lửa; căn phòng đầy khói. Vị linh mục hung hắng ho, con chuột chạy trốn vào trong đống bắp.
• Cha ơi, thằng bé chưa đuợc rửa tội. Vị linh mục trước đây đi qua đây đòi hai pesô. Con chỉ có một pesô. Và hiện nay con chỉ còn năm mươi xu.
• Để mai,vị linh mục mệt mỏi nói.
• Mai cha có làm lễ không?
• Có,có.
• Và giải tội. Cha có giải tội không?
• Có,nhưng để cho tôi ngủ một chút đã. »
Ngài nằm ngữa ra, nhắm mắt để tránh khói.
• Chúng con không có tiền trả cho cha. Cha kia,cha Jôsê thì...
• Cho cha áo quần cũng được, cha có vẻ giận dữ.
• Nhưng chúng con chỉ có bộ đố mặc trên người.
• Ông lấy áo quần tôi mà mặc.
Ông già bắt đầu càu nhàu gì đó, mắt nhìn liếc bộ đồ đen rách nát của vị linh mục.
• Thưa cha, cũng phải vậy thôi.
Ông tiếp tục thổi lửa.Vị linh mục nhắm mắt.
• Sau năm năm, có nhiều tội phải xưng lắm.
Vị linh mục chợt ngồi dậy:” Ông nói sao?”
• Thưa cha, cha nằm mơ.Thằng bé sẽ báo động nếu có lính đến. Con chỉ muốn nói...
• Ông không thể để cho tôi ngủ năm phút sao?
Linh mục nằm xuống: đâu đó trong chòi của phụ nữ có tiếng hát: “ Tôi đi vào trong vườn, tôi đã tìm thấy một bông hoa hồng...”
Ông già dịu giọng:
• Nếu giờ nầy lính đến thì....Cha biết gánh nặng đè lên linh hồn chúng con...
Vị linh mục ngồi dậy, dựa vào tường nói giọng tức giận:
• Được, bắt đầu đi. Tôi cho mấy người xưng tội.”
Mấy con chuột ngọ ngậy trong đống bắp.
• Sao, nói đi. Đừng làm mất thời gian. Nhanh lên.Khi nào..?
Ông già quỳ bên đống lửa, trong lúc đó, bên kia khu rừng thưa có tiếng phụ nữ hát:” Tôi đi vào trong vườn và đoá hoa hồng đã úa tàn.”
• Cách đây năm năm.” Ông ta dừng lại thổi lửa. “Khó nhớ quá, cha ơi.
• Có khi nào ông có ý nghĩ xấu không?
Vị linh mục dựa lưng vào tường, chân xếp bàng, mấy con chuột, đã quen giọng nói, lại nhao nhao trong đống bắp.
Ông già vừa xưng tội cách khó nhọc, vừa thổi lửa.
• Việc đền tội, đọc... đọc...Có tràng hạt không?...Vậy thì đọc năm sự Vui.
Linh mục nhắm mắt, thì thầm công thức giải tội và ông không đọc hết được...Ngài choàng tỉnh.
• Con cho mấy bà đến được không, ông già nói.Năm năm rồi mà.
• Ừ, cho họ đến đi, linh mục giận dữ nói. Tôi là đầy tớ của các ông các bà mà.”
Ngài lấy tay che mặt và khóc. Ông già ra mở cửa; bên ngoài, trời chưa tối hẳn dưới vòm trời đầy sao. Ông đến chòi các bà gõ cửa.
• Qua đây, đi xưng tội đi.Phải lịch sự với cha chứ.
Các bà đáp rằng các bà mệt, thôi để sáng mai.
• Các bà muốn chống lại cha à? Các bà có biết tại sao ngài đến đây không? Đó là một linh mục thánh thiện.Ngài đang khóc trong lều vì tội của chúng ta đó ».
Ông xua các bà ra; các bà băng qua sân đến trước căn chòi, còn ông già đi xuống con đường mòn dẩn xuống sông để thay phiên cho thằng bé phòng khi lính đến bất chợt.