Kẻ nào chưa một lần thất bại trong quá trình trưởng thành, tức kẻ đó không có gan thực hiện những điều mới mẻ.

Woody Allen

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Nguyen Chi Hai
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2250 / 39
Cập nhật: 2018-02-01 09:48:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
răng sáng đến mức soi rõ cả bóng của Hằng và Hạ trên đường đi vào cổng tiểu đảo Đầm Sen. Trăng dát ánh vàng trên những tán lá và con đường đất đỏ, trăng lung linh óng ánh trên mặt hồ. Những con thiên nga - Ôi, lại những con thiên nga! - tối sẫm lượn lờ trên mặt nước lấp lánh ánh vàng ấy, làm Hạ chợt quay quắt nhớ lại ngày nào với Long ở Văn Thánh. Đôi mắt to đen buồn buồn của Long lại hiện ra trước mắt cô, nặng trĩu một nỗi niềm không sao bày tỏ...
Chuyện đáng buồn ở lớp 12A2 đã qua, nhưng không hề được quên trong tâm khảm mọi người. Cô hiệu phó tạm thời xuống dạy thay thầy Tùng, trong khi chờ Sở điều về một giáo sư Vật lý mới. Cô rất cố gắng, nhưng vẫn không sao lấp được khoảng trống thầy Tùng để lại. Giờ Vật lý trở nên nặng nề, khô cứng, và giá trị của người thầy đã vắng mặt càng thêm lấp lánh.
Ngôn đã vào lớp học trở lại, nhưng hầu như bị cô lập hẳn. Nhóm Bốn Mùa xem như tan rã. Không khí trong lớp chùng lại như sau một đám tang. Công việc của Minh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chi đoàn lớp họp và chính thức phản đối việc xử lý kỷ luật quá nhẹ với Ngôn, từ đó đã đưa đến việc thầy Tùng phải bỏ dạy. Nhiều học sinh tỏ thái độ bất mãn và mất niềm tin với Ban giám hiệu qua việc xử lý này.
Có lần, Hằng đã nói chuyện riêng với Minh:
- Thưa thầy, nếu Ngôn không phải là con của giám đốc ngân hàng quận thì đã bị đuổi học rồi phải không?
Minh tìm cách tránh né:
- Xin em hiểu cho Ban giám hiệu đã phải quyết định dựa trên rất nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố tạo điều kiện cho Ngôn sửa đổi trong năm học cuối cùng của bậc phổ thông. Nếu đuổi học em ấy thì coi như con đường vào đời sẽ bị cắt ngang. Cũng có yếu tố chiếu cố vì ba mẹ Ngôn đi làm suốt ngày, không có thời gian chăm sóc con cái...
Hằng nhìn thẳng vào mắt Minh bằng một ánh mắt trong veo - Minh vẫn sợ cái nhìn ấy:
- Nhưng không đuổi học thì ít ra cũng phải cảnh cáo và buộc Ngôn xin lỗi thầy Tùng, đồng thời Ban giám hiệu phải bằng mọi cách giữ thầy Tùng lại chứ? Thầy là chủ nhiệm lớp tụi em, không biết thầy đã làm gì...
Làm gì? Minh đang phấn đấu để trở thành giáo viên phụ trách cả khối 12. Anh cũng vừa được kết nạp Đảng, đang trong thời kì dự bị. Làm sao anh dám làm gì trái với tinh thần của Ban giám hiệu? Nhưng làm sao anh dám xác nhận điều đó với Hằng?
Minh thở dài, vờ cúi mặt:
- Thầy cũng đã có ý kiến với Ban giám hiệu đó chứ...
Hằng tiếp tục truy thầy:
- Thầy có ý kiến thế nào?
- Thì cũng như em vừa nói, phải có kỷ luật thích đáng hơn với Ngôn, và phải tìm cách giữ thầy Tùng ở lại...
Cả hai cùng im lặng, rồi Minh cố lấy giọng thật tự nhiên:
- Thứ bảy tới, ở công viên Đầm Sen sẽ có một đêm thơ giới thiệu các nhà thơ trẻ, trong đó có thầy. Thầy có một ít vé mời và muốn mời em đi. Không biết em có thích không? Đêm ấy là đêm rằm, trăng đẹp lắm!
Hằng tròn mắt:
- Sao thầy không rủ nhỏ Hạ? Nó thích văn thơ lắm đó.
Minh hơi sượng:
- Thì em đi với Hạ. Thầy thật tình muốn mời em.
Minh đã nói đúng ý của mình. Thật tình anh muốn mời Hằng, và chỉ một mình Hằng. Không hiểu sao, càng ngày anh càng cứ thấy mình phải nghĩ về Hằng, cô học trò mới mười tám tuổi mà đã có vóc dáng và phong cách trưởng thành hơn các bạn. Những ngày không có tiết dạy ở lớp Hằng, Minh cảm thấy như đang bị thiếu vắng một điều gì đó rất cần thiết. Anh thường tìm cách đi qua cái lớp 12A2 mà anh làm chủ nhiệm ấy, chỉ để liếc mắt nhìn vào và được thấy Hằng. Nếu cô nhìn thấy anh và khẽ chào, mắt long lanh sáng, thì anh cảm thấy lòng nhẹ hẳn. Minh hiểu như thế là mình đã sai, rất sai, nhưng anh không có cách nào chống cự được nỗi xúc cảm của mình. Lẽ nào cái điều kinh khủng ấy - một ông thầy, mà lại là một ông thầy đã có vợ con, đi thương yêu cô học trò của mình - lại đang xảy đến với anh? Minh tự tin cho rằng không phải điều ấy đang xảy ra. Chỉ là một thoáng rung động lãng mạn nghệ sĩ trước một vẻ đẹp tinh khôi mà thôi. Rồi tất cả sẽ qua đi khi năm học chấm dứt.
Hằng cười, cái răng khểnh dễ thương đến mức khó hiểu:
- Em dốt thơ lắm, sợ không biết thưởng thức, bị thầy cười. Nhưng thôi, để em đi với nhỏ Hạ. Nếu thầy còn vé, cho tụi em thêm hai cái...
Minh còn, nhưng từ chối vì biết Hằng sẽ rủ cả nhóm 4H cùng đi. Anh chịu đựng có thêm một Hạ là đã quá đủ. Là giáo viên dạy Văn, anh biết Hạ rất giỏi môn này và theo dõi rất sát hoạt động sáng tác văn thơ của thành phố. Trong lớp, người làm anh cảm thấy thiếu tự tin nhất chính là Hạ. Cô bé rất kín đáo, nhưng nhiều lần, trong lúc giảng bài, Minh vẫn cảm thấy nhột nhạt khi bắt gặp ánh mắt Hạ chăm chú nhìn như đang đánh giá trình độ của anh. Chỉ một lần duy nhất Hạ đứng lên hỏi Minh, sau tiết dạy của anh về văn học lãng mạn 1930 - 1945:
- Thầy nói văn học lãng mạn có nội dung bạc nhược, suy đồi và có tính chất phản động, không chiếm được cảm tình của quần chúng tiến bộ, và đã bị dư luận lên án nhiều. Nhưng sao em thấy những tác phẩm của nền văn học ấy vẫn cứ tồn tại bất chấp thời gian?
Đó là câu hỏi Minh vẫn hằng sợ nhất, mỗi khi giảng đến bài Văn học lãng mạn. Trong thâm tâm anh, bài giảng khó thuyết phục nhất - cả với chính anh - cũng là bài này. Những tác phẩm thuộc dòng văn học lãng mạn 30- 45, dù thế nào đi nữa, vẫn có một sức quyến rũ đặc biệt, và theo anh, rất khó chê về giá trị văn học. Đó là cả một kho tàng của dân tộc, nhưng năm nào anh cũng mất mấy tiết đứng trên bục giảng kết tội nó. Kết tội, nhưng trong đầu anh vẫn thuộc làu làu những bài thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh... của thời tiền chiến, và tự thâm tâm anh luôn phải nhìn nhận những đoạn văn xuôi của nhóm Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ bảy có tầm cỡ mẫu mực của các bậc thầy trong thời kì bình minh của nền văn học Việt Nam.
Minh nói mà nghe như là ai khác đang nói:
- Điều gì đã khiến em kết luận như vậy? Ý nghĩa của sự tồn tại kiểu ấy, theo em là gì? Đâu là đa số và đâu là thiểu số? Đâu là giá trị đích thực và đâu là cái hào nhoáng phù phiếm?
Hạ không trả lời mà chỉ nói:
- Cảm ơn thầy.
Từ đó, không bao giờ cô đặt một câu hỏi nào với Minh nữa...
Giờ thì Hằng và Hạ đang đi bên nhau, dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Hằng cười khẽ, hỏi Hạ:
- Ê mày, thơ thầy Minh có hay không?
- Cũng có một vài bài được. Lúc đầu, ổng làm hay hơn, bây giờ theo tao thì hơi sút, nhiều bài chẳng có hồn gì cả!
- Sao ổng hay khoe tao những tờ báo đăng thơ của ổng? Lúc này người ta đăng thơ ổng nhiều lắm mà.
- Nhưng chắc tại lúc này ổng nổi tiếng rồi. Nhưng theo tao, thơ là một mặt hàng mà thường thường chất lượng ít đi đôi với số lượng... Ừa, mà sao ổng lại đi khoe mày thơ của ổng?
- Ừ, tao cũng không biết sao nữa. Ổng cho tao mượn cả những tập thơ chép tay của ổng nữa, mà ông gọi là thơ không đăng báo. Vậy là cũng có loại để đăng báo và loại thơ không để đăng báo nữa sao mày?
Hạ không trả lời, có vẻ trầm ngâm, liếc trộm bạn. Hằng vẫn rất hồn nhiên:
- Tức cười lắm, ổng đưa tao coi, rồi hỏi tao thích nhứt bài nào. Tao đâu biết nói sao, rủi nhằm bài ổng thấy là dở nhứt mà mình khen hay thì... Tao nói đại là bài nào tao cũng thích. Ồng khoái lắm!
- Mày khéo lo. Với các nhà thơ thì không có bài nào của họ là dở đâu. Văn mình vợ người mà!
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là bao giờ văn của mình cũng hay hơn của người khác, trong khi vợ người khác thì bao giờ coi cũng hay hơn vợ mình!
- Gì kì vậy?... Ờ, hèn gì mấy ông đàn ông có vợ rồi mới hay lộn xộn hả mày?
Hạ lại không nói gì. Cô chợt nhớ tới người đàn ông trông rất giống ông Quang, trong buổi tối ngày nào ở Văn Thánh. Không hiểu sao từ ấy đến nay Hạ vẫn không thể xóa được mối nghi ngờ rằng đó chính là ba của Hằng. Rồi Hạ lại nghĩ không hiểu tại sao thầy Minh lại quá quan tâm đến việc “giới thiệu sản phẩm” cho Hằng. Thường thì các nhà văn nhà thơ bao giờ cũng muốn giới thiệu thơ văn của mình một cách đặc biệt với những người mà mình cảm thấy đồng điệu. Thầy Minh tìm thấy điều gì đồng điệu ở Hằng nhỉ?
Hằng có vẻ lo lắng:
- Một hồi mày nhớ cho tao biết bài nào, câu nào hay, nghe. Ổng hỏi mà tao ú ớ nữa là kì lắm!
Họ đi qua chiếc cầu gỗ để sang tiểu đảo. Đã thấy Minh đứng chờ sẵn phía bên kia cầu. Mặt Minh sáng lên khi nhìn thấy Hằng, Hạ:
- À, hai em đến đúng giờ lắm. Mời vào.
- Thầy còn đợi ai nữa không?- Hạ hỏi.
Minh lúng túng:
- À... không.
Chỉ như vậy thôi là đã đủ cho Hạ hiểu thầy Minh chỉ đứng đó để chờ họ, nói cho đúng hơn là chờ Hằng. Trong khi đó thì Hằng hỏi, rất ngây thơ:
- Cô đâu thầy? Tụi em muốn chào cô.
Minh càng lúng túng hơn:
- Không... Cô không đi. - Và anh cười nói một cách đùa bỡn. - Hôm nay thứ bảy, tivi có tuồng cải lương. Mà cô thì vẫn thích cải lương hơn thơ của thầy.
Hạ bỗng thấy mất hết cảm tình với Minh. Dù đó là sự thật, hay dù chỉ là một câu nói đùa, Hạ vẫn coi đó là một lời nói xấu vợ, người vắng mặt. Chính vì vợ tôi như vậy nên tôi buồn lắm, chúng tôi không bao giờ hiểu nhau, tôi rất cần một người cảm thông, chia sẻ... Phải vậy không, cái điệp khúc ấy?Giờ này, phải chăng vợ thầy Minh đang ngồi coi cải lương, hay lại loay hoay với con cái, việc nhà, tạo điều kiện cho thầy đi bay nhảy, làm nghệ thuật, gặt hái những vinh quang hào nhoáng?
Minh đưa Hằng, Hạ vào ngồi ở một chiếc bàn gần sân khấu mà anh đã dành sẵn. Ở đó, còn có một thanh niên khác đang ngồi, chìm trong bóng tối. Anh ta mặc một bộ đồng phục thanh niên xung phong cũ kĩ. Đôi mắt anh lóe sáng theo mỗi làn đốm lửa ở đâu điếu thuốc trên môi anh cháy rực lên qua từng hơi rít. Thanh niên khẽ gật đầu chào Hạ. Nhưng khi quay qua Hằng, anh bất chợt nhìn cô, sững sờ. Môi anh chỉ khẽ mấp máy được một tiếng gì đó. Minh thích chí thấy bạn bối rối trước Hằng, chắc chắn là vì cô bé quá đẹp.
- Giới thiệu với hai em đây là anh Đoàn Hùng, nhà thơ thanh niên xung phong còn đây là Hằng và Hạ, hai cô học trò của tôi, rất yêu thơ.
Hùng đã trấn tĩnh lại được. Anh gượng cười, cất tiếng, giọng rất trầm, ấm:
- Rất hân hạnh. Bao giờ đứng trước các cô nữ sinh, tôi cũng có mặc cảm già nua và ngu dốt.
Hằng và Hạ đều phải bật cười. Hạ nói:
- Anh Hùng đùa hoài. Ai lại không biết anh đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Văn rồi mới đi thanh niên xung phong?
Hùng tròn mắt:
- Trời đất, sao cô nắm lý lịch của tôi còn hơn trưởng phòng tổ chức nông trường vậy?
Minh chen vào:
- Tôi quên giới thiệu với ông, cô Hạ này giỏi Văn nhất lớp và rất thích đọc các sáng tác mới trên báo. Chắc chắn tên tuổi của ông không xa lạ với Hạ đâu. Phải không Hạ?
- Dạ phải. - Hạ chỉ đáp vắn tắt.
Cô còn mải nhìn Hùng. Từ lâu cô vẫn rất thích thơ anh, những dòng thơ hồn nhiên giản dị, nhưng mạnh mẽ, quả đúng y như con người đang ngồi trước mặt cô. Hạ bỗng có ý nghĩ trêu chọc anh.
- Em không ngờ có ngày lại được biết anh. - Cô nói.
Hùng cười mỉm:
- Rồi sao?Biết rồi... chán lắm, phải không?
Hạ lắc đầu:
- Điều đó thì em chưa biết. Nhưng...
Hạ bỏ lửng câu nói, đưa tay hất nhẹ mái tóc ra sau lưng, đầu lúc lắc nhè nhẹ, trông thật tinh nghịch, dễ thương.
- Nhưng sao?- Hùng hỏi.
- Người ta vẫn nói là không nên biết con người cụ thể của một nhà văn nhà thơ, một khi đã yêu thích tác phẩm của ông ta. Em không hiểu câu đó có đúng không?
Hùng bật người ra sau, cười sảng khoái:
- Đúng quá rồi chứ còn gì nữa!
Rồi anh quay sang Minh:
- Đúng là các cô học trò của ông ác liệt thật!
Cuộc trò chuyện diễn ra khá vui vẻ. Nhưng không hiểu sao, Hùng hầu như không nói gì với Hằng, dù thỉnh thoảng Hạ bắt gặp anh thường nhìn trộm Hằng với một nét gì đó hơi khó hiểu cho buổi gặp mặt lần đầu tiên như thế này.
Trăng đã lên cao, tỏa ánh sáng nồng nàn quyến rũ xuống cả khu vực. Đêm thơ như nhờ được trăng soi mà trở nên lôi cuốn hơn. Trong phần giới thiệu về anh, Minh lên đọc hai bài thơ tình có một bài anh cho biết là để tặng riêng các cô học trò lớp 12 của anh. Minh liếc mắt xuống phía Hằng và Hạ, Hạ hiểu ánh mắt của thầy không phải dành cho mình. Sau đó, một cô gái khác bước ra ngâm hai bài thơ khác của Minh, cũng về đề tài tình yêu. Đại khái tình yêu là một điều gì đó vô cùng riêng tư, thiêng liêng, và tác giả là người luôn sẵn sàng chết cho tình yêu nhưng lại không bao giờ tìm được một mối tình như ý. Cả bốn bài thơ của Minh đều được vỗ tay như những bài thơ khác của các tác giả trước đó. Thậm chí còn có một cô gái cầm bó hoa đồng tiền ra tặng Minh. Nét mặt Minh sáng rỡ, và lúc đó Hạ mới hiểu rằng người ta có thể sống thích thú với những thứ rất phù phiếm như những đóa hoa đồng tiền kia, chỉ trong sáng mai là đã rũ tàn.
Đoàn Hùng đã làm thay đổi hẳn không khí đêm thơ khi tới phần dành cho anh, anh đã xin phép được hát một bài dân ca miền Trung, bằng một giọng địa phương rất chuẩn. Bài dân ca nói lên nỗi lòng của một anh chồng nghèo than thở về sự phụ tình của người vợ, được diễn đạt bằng lời văn hết sức mộc mạc nhưng lại thấm tận vào những cảm xúc bên trong của người nghe.
... Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang. Anh thấy em nửa tội nghiệp anh (đi) mang anh nuôi rày.
Hồi nào em bán nước đá anh đi may, hai đứa mình chung sống (chứ) không biết ngày (rồi) mai sau.
Hồi nào em bắt ốc (rồi) anh hái rau. Bây giờ em để lại mối sầu này cho qua.
Hồi nào trái chuối chín cũng cén làm ba, trái cam tươi cũng cén làm bốn, nửa trái cà cũng cén làm năm. Bây giờ em lấy nẫu em en nằm, em bỏ qua (chứ) qua hiu quạnh năm canh qua một mình.
Anh bây giờ khóe mắt sầu cứ rung rinh.
Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình tuôn ra.
Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa.
Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, ôi chu choa là buồn...
Khán giả vỗ tay nồng nhiệt. Hằng thúc khuỷu tay vào hông Hạ, cười thích chí:
- Ông này vui quá há mày!
- Ờ, dân thanh niên xung phong mà!
Trên sân khấu, Đoàn Hùng nghiêng mình, giọng buồn buồn:
- Thơ của tôi, nhất là thơ tình, thật chẳng là gì so với chất tình trong văn học dân gian chúng ta trong những bài ca dao, những điệu hò, lý... Vì thế, tôi chỉ dám đọc thơ tình cho một người duy nhất nghe, mà người đó hiện không có mặt ở đây. Xin các bạn thông cảm cho, tôi chỉ đọc hai bài thơ viết về cuộc sống của chúng tôi, những người thanh niên xung phong.
Hùng đứng im và nhắm mắt lại, như để tập trung. Mọi người cùng im lặng chờ đợi. Bài thơ thứ nhất anh kể về cái chết của một cô thanh niên xung phong ở biên giới Tây Nam. Cô và nhân vật xưng “tôi” trong bài thơ vốn cùng một đơn vị, từ lâu đã yêu nhau nhưng cũng chưa dám nói. Cái chết của cô đã để lại trong anh một nỗi đau khôn nguôi. Bài thứ hai, Hùng viết về những vui buồn sau mười năm ở thanh niên xung phong tự nhìn lại. Tất cả mọi gian khổ rồi cũng qua đi, cái còn lại chính là những kỷ niệm được chắt lọc, mãi mãi sẽ theo ta đến hết cuộc đời.
Sau những câu thơ quá trau chuốt và kiểu cách - thậm chí có những chỗ còn có phần lập dị, siêu thực - của Minh, những vần thơ mộc mạc, chân thành của Hùng càng trở nên có giá trị hơn. Khán giả vỗ tay nồng nhiệt, Hằng và Hạ cũng vỗ, mỏi cả tay. Hùng trở thành nhà thơ được hoan nghênh nhiều nhất từ đầu chương trình đến giờ. Anh cảm động đến lúng túng trên sân khấu. Còn Minh thì có vẻ khó chịu, mất tự nhiên, Hạ để ý thấy anh đốt thuốc hút mà tay hơi run run.
Hằng vô tình quay sang Minh:
- Anh Hùng làm thơ hay quá phải khòng thầy?
Minh phải gật đầu:
- Ừ, Hùng làm thơ về thanh niên xung phong thì khó ai qua được. Nhưng thơ tình thì...
Hạ nhìn sững thầy mình. Minh không thấy cái nhìn ấy, nhưng anh cũng đã kịp dừng câu nói. Sao thầy lại quá tự tin như vậy, Hạ nghĩ. Hùng không thích đọc thơ tình cho mọi người nghe, không có nghĩa là thơ tình của anh dở. Thậm chí Hạ còn thuộc được vài bài thơ tình của anh, chứ thơ của thầy Minh thì không. Tự tin, hay là một cách dè bỉu? Hạ tiếp tục nhìn thầy mình bằng một đôi mắt phán xét. Cô biết các nhà văn nhà thơ hiếm khi phục tài nhau, nhưng những lời chê bai thốt ra vào đúng lúc này thì thật không hay.
Hùng đã định đi xuống, nhưng tiếng vỗ tay kéo dài đã giữ anh lại. Một cô gái cầm đóa hồng nhung chạy ào lên sân khấu, trao tặng anh. Hết sức tự nhiên, Hùng quàng tay qua vai cô gái và cúi xuống hôn thật nhanh lên má cô. Tiếng cười và tiếng vỗ tay càng dữ dội hơn. Cô gái thẹn thùng chạy xuống. Người điều khiển chương trình tươi cười tiến ra:
- Trước tình cảm của khán giả như vậy, chúng tôi xin đề nghị anh Hùng phá lệ, đọc cho khán giả nghe một, hai bài thơ tình. Các bạn có đồng ý như vậy không?
Tiếng vỗ tay lại vang lên. Hùng ngần ngại một chút trước khi nói:
- Tôi xin phép chỉ đọc một bài thơ nữa thôi, để tặng mối tình đầu của tôi. Điều tôi muốn nói là mỗi người trong chúng ta đều có một mối tình đầu. Hãy biết trân trọng và gìn giữ nó, bởi đó cũng sẽ là một mối tình đẹp nhất trong đời.
Và anh cất tiếng đọc:
- Khi xa em
anh thắp đuốc nghìn phương soi người đẹp
những Tây Thi Đắc Kỷ cũng dễ tìm
duy có phiên bản của em là thất lạc.
Phiên bản của
người con gái đã đi qua đời anh
long lanh biển mắt buổi đầu
môi hôn thiết tha gặp lại
tình yêu không hề nói
vẫn đầy chật buồng tim.
Người ta có thể yêu nhau lan từ lúc biết yêu
cho đến khi không yêu được nữa
Ngày và Đêm rồi cũng theo nhau
những hạnh phúc trôi qua không ngừng lại
ai chà đạp tình yêu
thì hạnh phúc chẳng còn.
Khi anh không còn em
Ngày và Đêm giống nhau hết sức
ngày có lửa trời nóng nực
đêm bện ngót đêm đen.
Chào em, hạnh phúc của anh
phút thoảng qua đau nhói
những ngày đêm héo mòn chờ đợi
cuộc sống riêng tì vết của mỗi người
những nỗi buồn chen lẫn niềm vui
sự đổ vỡ bất ngờ đến thế?
Khi hạnh phúc bay đi lặng lẽ
cái bóng của đời ngước mắt tráo trưng
anh và em lẽ nào chỉ là những chứng nhân
cái o ép của đời bắt ta quay mặt lại
bên hông đời còn bày những con diều giấy
những hình nhân biết múa biết cười
những nông cạn bên trong
những hào nhoáng bên ngoài
những sâu thẳm chỉ đời ta biết được...
Tưởng như mình kết thúc
ngỡ mình sẽ nguội lòng yêu
lẽ đâu dễ dàng như thế
nên hoài hoài nhớ nhau
người ta có thể yêu nhiều lần từ lúc biết yêu
cho đến khi không yêu được nữa
có ai tan vỡ chẳng buồn?
Chính là anh đã mất em
chính là anh đã mất
phiên bản thứ hai của em không bao giờ anh còn bắt gặp
dẫu trên đời vẫn có những Tây Thi
những sắc đẹp và những con người mới
anh sẽ còn ôm đến cuối đời phiên bản tình yêu
em chẳng bao giờ gặp lại
dẫu cho anh thắp đuốc đi tìm...
Và như thế
đời bình yên hay đời sóng gió
hạnh phúc tầm thường hay hạnh phúc cao sang
những gặt hái trong đời anh nếu mai này tính lại
có lẽ nào không có mối tình em?[1]
[1] Thơ Phạm Thị Ngọc Liên
Hùng dừng lại và đám đông phải bàng hoàng mất mấy giây. Giọng điệu của thơ đã được đổi hẳn. Sự giản dị đan kết với những suy gẫm sâu xa. Nỗi đau mất mát và sự nuối tiếc chân thật như một lời tâm sự với chính mình. Hùng bước xuống sân khấu trong tràng pháo tay cuối cùng dành cho anh.
Minh bỗng hấp tấp đứng lên khi Hùng chưa kịp về lại bàn:
- Hai em cứ ở lại chơi. Thầy có việc phải về gấp.
Rồi anh cúi mặt bước nhanh ra ngoài. Hằng và Hạ ngạc nhiên nhìn nhau. Rõ ràng bài thơ vừa rồi của Hùng hơn hẳn những bài thơ sáo rỗng của Minh. Dù Hằng là người có trình độ cảm nhận về thơ yếu đến đâu đi nữa, cô cũng thấy được điều đó. Có lẽ Minh cũng biết vậy và trái tim kiêu ngạo của anh không chịu đựng nổi một sự thất thế như vậy.
Dù sao, cái tính hay thương người của Hằng đã khiến cô thấy tội nghiệp cho thầy mình. Hằng đứng lên bước theo Minh đi ra khỏi khu tiểu đảo. Dáng đi lầm lũi của Minh làm Hằng càng thấy se lòng.
- Thầy!
Minh dừng bước, quay lại, gương mặt dãn ra khi nhận ra Hằng. Họ đang đứng bên bờ hồ rộng. Trăng sáng rực trên tóc, trên cổ và trên cánh tay trần của Hằng.
- Sao thầy lại bỏ về? Bọn em đã làm gì cho thầy buồn?
- Không. Thầy có việc bận thật mà.
Lần đầu tiên Hằng cảm thấy thầy Minh có gì đó quá nhỏ bé, cô đơn. Cô chưa hiểu được rằng trên đời này có rất nhiều người không chịu nổi sự thành công của kẻ khác, nên cô chỉ đơn giản nghĩ rằng Minh buồn vì mặc cảm thua kém Đoàn Hùng. Hằng an ủi thầy:
- Em biết thầy còn có những bài thơ khác rất hay, nhưng em không hiểu sao thầy lại không đọc. Nếu có dịp, em mong được thầy đọc cho nghe.
Dưới ánh trăng, da mặt Hằng mượt mà như lụa. Những sợi tóc mai óng ánh vàng lất phất bay. Đôi mắt to long lanh nhìn Minh. Đôi môi hồng hé mở. Khoảnh cổ vàng sữa phập phồng. Minh muốn nghẹt thở vì vẻ đẹp trước mắt. Anh biết từ nay anh đã hoàn toàn quỵ ngã. Vâng, anh sẵn sàng đọc thơ cho Hằng nghe trong suốt cả đời còn lại, nhưng đêm nay thì... Anh không còn cách nào khác hơn là phải bám lấy cái lý do “bận việc” của mình.
- Được rồi, để hôm khác. Thôi, thầy về.
Hôm đó, trên đường về, lần đầu tiên Hạ thấy thầm lo cho bạn.
Minh dắt xe vào nhà lúc vợ và bé Bi đang quây quần trước chiếc tivi. Một chàng kép mặt bết phấn, mặc đồ rằn ri của lính ngụy, đang gân cổ lên ca một khúc nhạc vàng rồi bất chợt đổi giọng để vào một câu vọng cổ dài thậm thượt. Cô đào đang diễn với anh thì ngồi ghế mây tay cầm điếu thuốc, khinh khỉnh quay lưng lại. Lại một tuồng cải lương của một đoàn tỉnh nào đó, tiết mục mà Minh vẫn ghét cay ghét đắng. Thế mà Cúc lại ngồi coi say mê, miệng há hốc, quên bẵng cả chén cơm đang cầm trên tay đế đút cho Bi. Mái tóc của Cúc buộc lại một túm ở phía sau bằng sợi dây thun. Bộ quần áo mặc trong nhà xốc xếch, nhàu nát. Những món đồ chơi bằng nhựa của Bi thì vứt bề bộn chung quanh.
Bỗng dưng Minh thấy hết sức bực dọc. Anh bảo con:
- Bi, vặn nhỏ tivi lại! Ồn quá!
Con bé len lét nhìn anh rồi đi lại vặn volume nhỏ bớt. Vợ Minh nhăn mặt. Cô ấy vẫn thích nghe cải lương với âm lượng lớn, và thật đáng tiếc, đó là một trong những điều mà chỉ sau ngày cưới Minh mới biết, những điều tưởng như nhỏ nhặt thế mà bào đi rất nhanh lớp mạ tình yêu mong manh bọc ngoài mối quan hệ giữa hai người.
- Sao hôm nay anh về sớm vậy? - Cúc hỏi.
- Xong phần mình thì về chứ.
- Phải lúc nào cũng được vậy thì đỡ quá!
Cúc đút một muỗng cơm cho Bi, rồi đặt chén xuống, đi lại bên Minh:
- Cho mượn coi chút đi.
- Cái gì?
- Thì… cái bao thư. Hôm nay về làm lơ nghe.
- Chưa có. - Minh sực nhớ mình đã bỏ về mà quên cả khoản thù lao ít ỏi của mấy bài thơ. Có lẽ người ta cũng không ngờ anh lại về đột ngột như vậy. Chẳng lẽ ngày mai phải quay lại để xin nhận? Bực mình quá!
- Cái gì? - Cúc hỏi lại.
- Thì chưa có.
- Sao mấy lần trước...
- Hôm nay anh mệt về trước, mà người ta chỉ phát sau khi kết thúc. Chắc có đứa lãnh giùm, mai sẽ đem lại.
- Đem lại! Rồi lại kéo nhau đi nhậu cho hết thì có!
Minh quay mặt đi, cố dằn để không phải hét lên với vợ. Rằng sao cô lại nhỏ nhen, tầm thường như vậy. Rằng tôi đã hết chịu đựng nổi những cuộc tra tấn - chì chiết thế này. Xin hãy để tôi yên! Để tôi yên!
Nhưng anh vẫn cố giữ được giọng bình tĩnh:
- Có là bao nhiêu đâu em...
- Bao nhiêu! Thế lương thầy giáo của anh được bao nhiêu?
Minh thở dài:
- Thôi, anh hiểu rồi. Em đừng nói nữa. Em vặn nhỏ tivi chút nữa đi, cho anh lên gác làm việc. Ngày mai sẽ có tiền cho em.
Minh ngồi gục đầu trước trang bản thảo. Hình bóng Hằng lại hiện lên trong anh, tươi tắn, xinh đẹp. Đôi mắt trong sáng long lanh. Chiếc cổ tròn trĩnh. Những ngón tay thon dài… “Em biết thầy còn có những bài thơ khác rất hay. Nếu có dịp, em mong được thầy đọc cho nghe...”. Minh ngồi thẳng dậy, cầm bút, nắn nót viết cái tựa cho bài thơ mới: Đêm trăng. Ở dưới, anh viết một hàng chữ nhỏ hơn: tặng H., rồi ngồi thừ người. Câu thơ đầu tiên, quan trọng nhất, mãi vẫn chưa bật ra được. Đúng lúc ấy, cái giọng mái eo éo, nhừa nhựa của chàng kép hát khi nãy bất chợt vang lên chát chúa, rồi tiếng quát của Cúc: “Bi, nhỏ lại chút!” Minh hiểu chắc là Cúc lại ra hiệu cho con Bi đến vặn volume lớn lên một chút, nhưng con bé đã vụng về mở hết ga.
Âm thanh nhỏ lại, nhưng những tiếng đàn ca vẫn lồng lộng tràn lên gác, ập vào hai tai Minh. Minh nhăn mặt, ném bút. Anh đứng dậy, đi xuống nhà, lẳng lặng bước ra cửa. Cúc hỏi, chén cơm trong tay hầu như vẫn còn nguyên vẹn:
- Anh còn đi đâu vậy?
- Ồn quá, tôi không làm việc được. Tôi ra quán uống cà phê, bao giờ hết tivi thì về.
Cúc cười mỉa:
- Lúc này bày đặt khó khăn gớm! Chưa ra được câu thơ nào, đã tốn hết ly cà phê.
Minh không trả lời, bỏ đi. Gió đêm mát rượi hất vào mặt, làm anh thấy dễ chịu hẳn. Trăng đã lên cao, sáng vằng vặc. Minh bỗng tự hỏi không biết giờ này Hằng đã về chưa, đang làm gì. Buổi học thơ, với anh, chỉ còn chút an ủi: sẽ có một dịp khác, anh đọc thơ riêng cho Hằng nghe. Chỉ một mình Hằng.
*
* *
Không chỉ Hạ mà cả Hân, Hoa cũng cảm nhận dường như thầy Minh có một mối quan tâm khác thường với Hằng. Đó chỉ mới là một cảm nhận mơ hồ, nên chưa đứa nào dám nói ra. Một buổi tối Chủ nhật, Hoa và Hân tìm tới nhà Hạ rủ Hạ ra quán Bố Già ăn kem. Sau khi thanh toán gọn ly kem sầu riêng đâu tiên, Hoa tấn công Hạ:
- Ê Hạ, tao coi bộ tên Long kết môđen mày lắm phải không?
- Đừng có nói tầm bậy tầm bạ nghe! - Hạ trợn mắt.
- Ờ, tầm bậy tầm bạ vậy mà trúng tùm lum tùm la phải không?
Hạ nhăn mặt:
- Mày cũng biết là tao không ưa trò cáp đôi nhảm nhí đó mà.
Hoa vẫn tỉnh queo như không:
- Thì tao có nói mày kết đâu? Tao chỉ nói hắn thôi! Chưa hết đâu. Tao còn thấy có một tên nữa cũng kết mày lắm.
- Ai?
- Thấy chưa? Hỏi vậy tức là xác nhận có rồi chứ gì?
- Đồ con quỷ! Đừng có tung tin đồn thất thiệt.
Lúc đó Hân mới xen vào:
- Ai vậy Hoa?
- Mày không biết à? “Con ma mới” đó! - Hoa đáp.
Cả ba cùng bật cười. Hoa cười to đến nỗi một vài người ở những bàn gần đó phải tò mò quay lai nhìn. Hạ nghiêm mặt:
- Thôi, giỡn vậy đủ rồi. Tao nghỉ chơi tụi bây ra à!
Nói vậy, nhưng Hạ làm sao không cảm nhận, trước hơn ai biết, những điều Hoa vừa nói. Vâng, Long và Thiện... Hiếm có cô gái nào không ý thức được mình đang được ai quan tâm, để ý. Hạ biết hai người bạn ấy đều đang dành cho mình một sự chú ý đặc biệt, dù cả hai cùng đều rất kín đáo.
Nhất là Thiện.
Có lẽ vì mang ý nghĩ mình chỉ mới được quen Hạ, và nhất là biết bên Hạ còn có Long - vâng, lại cũng hiếm có chàng trai nào không ý thức được là mình dang có đối thủ hay không - nên Thiện luôn giữ một khoảng cách trong quan hệ với Hạ. Chính điều đó lại làm lộ ra sự bất thường, khiến một vài bạn trong lớp, trong đó có Hoa - đã để ý.
Sự thân tình đã đến với hai người từ sau cái hôm xảy ra vụ Ngôn chặn đường đánh Thiện, rồi cả bọn bị công an đưa về phường. Hạ chạy ngay về nhà Thiện, báo tin cho mẹ Thiện, báo tin cho bà biết và bà đã lén giấu chồng, nhờ người can thiệp cho tất cả cùng được thả ra ngay. Sau đó, Thiện đã đến nhà để cảm ơn Hạ. Mẹ Thiện còn bảo Thiện mời Hạ đến nhà chơi trong dịp sinh nhật bà. Bà tỏ ra rất quý Hạ. Hạ cũng thấy thích gia đình Thiện. Là gia đình một cán bộ công an cao cấp, nhưng sinh hoạt trong nhà Thiện rất giản dị, bình thường. Bạn bè đến với Thiện đều được ba má Thiện coi như con cháu. Mới quen, nhưng Hạ không khỏi thấy phục Thiện. Cũng như Long, Thiện học rất giỏi nhờ một ý thức tự giác rèn luyện nghiêm túc. Ngay từ bây giờ, Thiện đã có một mục đích để hướng tới: trở thành một bác sĩ. Không hiểu sao Hạ chỉ thích những người sống có mục đích. Cô quan niệm đó chính là cái giúp phân biệt một con người tầm thường hay tốt đẹp.
Nhưng trong Hạ, Thiện chỉ có vậy. Một tình bạn mới, thân và phục nhau. Chỉ vậy thôi. Hạ không bao giờ bắt gặp ở mình một cảm giác xúc động lạ lẫm về Thiện, như cô đã từng có với Long. Có những lúc bất chợt trong khi đang đạp xe trên đường, đang ngồi học bài ở nhà, đang mơ màng sắp ngủ hay khi vừa tỉnh giấc, Hạ bỗng nghĩ tới Long. Ý nghĩ ấy thường mơ hồ, ngắn ngủi. “Cậu ấy” đang làm gì nhỉ? Vậy thôi. Vậy thôi, mà Thiện không hề được chen vào. Vậy thôi, và gương mặt của Long nhiều khi cũng rất mờ nhạt, chỉ còn được đôi mắt. Và khi Hạ lúc lắc đầu để xua đi cái ý nghĩ mà cô cho là lộn xộn đó thì đôi mắt ấy cũng bay biến.
Lúc sau này, Hạ hơi băn khoăn khi thấy chính Long cũng cố tình giữ một khoảng cách với mình. Hạ cảm thấy, trước cô, Long vẫn còn giữ một mặc cảm nào đó. Rồi gặp Thiện, mà hoàn cảnh gia đình có ưu thế hẳn - lẽ tất nhiên Long cũng hiểu Thiện rất quan tâm đến Hạ - Long đã lui về vị trí cũ. Có những lần, đi từ xa, thấy Thiện và Hạ đang đứng nói chuyện trên hành lang, Long băng ngang lớp khác để đi vòng ngõ sau vào lớp. Long không đến rủ Hạ cùng đi học lớp sinh ngữ nữa, nói gì những cuộc đi chơi riêng của hai đứa!
Hạ âm thầm thấy thương bạn, nhưng cô hiểu mình không thể làm gì để khuyến khích Long. Đây là năm quan trọng nhất của đời học sinh, cả hai đứa phải tập trung hết sức lực và thời gian cho nó. Hơn nữa, hơn cả Long, Hạ hiểu cả hai sẽ gặp khó khăn rất lớn nếu cái điều mơ hồ giữa họ bỗng trở thành sự thật. Mẹ cô có quan điểm rất khắt khe trong việc chọn lựa đôi bạn cho con gái. Anh Vũ của Hạ đã tốt nghiệp đại học và ra đi làm. Năm ngoái, anh có một cô bồ, dẫn về nhà giới thiệu. Nhưng khi biết cô ấy là con một sĩ quan cao cấp chế độ cũ còn học tập chưa về, mẹ Hạ đã buộc anh Vũ phải thôi ngay quan hệ. Có lẽ hai người chưa yêu nhau đủ liều lượng, nên sau đó Hạ không còn nghe anh nhắc đến cô ấy nữa. Câu chuyện đó cho Hạ hiểu khó lòng mẹ cô chấp nhận Long. Khi thấy đôi lần Long đến rủ Hạ đi học, mẹ cô đã hỏi Long là con cái nhà ai. Đó là lần đầu tiên Hạ nói dối mẹ, rằng Long là con của một gia đình buôn bán nhỏ. Mẹ không nói gì, chỉ dặn Hạ:
- Con còn nhỏ, không nên chơi thân với bạn trai. Chơi với các bạn Hằng, Hân, Hoa được rồi. Nên nhớ năm nay là năm con thi tốt nghiệp rồi còn phải vào đại học...
Thấy mặt Hạ có vẻ “hình sự” quá, Hân đá chân Hoa:
- Thôi, đừng nói chuyện đó nữa.
Hoa ngoan cố, nói Hạ sao lúc này kì trước đây ba cái chuyện giỡn chơi như vậy giữa bốn đứa là tha hồ, bây giờ vừa mới động đến đã khó chịu quá. Hay đúng là… có gì rồi? Hạ làm thinh không thèm nói, quay mặt nhìn ra ngoài. Con đường Ngô Đức Kế tối Chủ nhật đông nghẹt người. Hàng loạt quán kem ngon mọc san sát đã lôi kéo các bạn trẻ nườm nượp đến, xe máy đủ loại dựng muốn kín cả một khúc đường. Đèn màu và nhạc nhẹ. Ly cốc khua lanh canh. Tiếng cười nói ồn ào. Tiếng máy xe giòn giã. Bên phía đường Đồng Khởi, dòng xe cộ hối hả nối nhau chạy, những ánh đèn pha loang loáng. Từng đôi bạn bước vào và đi ra khỏi những quán kem. Ơ kìa, Hạ lại nghĩ tới Long nữa rồi!
Hoa hào phóng gọi thêm ba cái kem dừa. Hạ thờ ơ múc một thìa. Miếng kem thơm mát tan dần trong miệng, nhưng sao Hạ không cảm thấy ngon như những lần trước. “Cậu ấy” đang làm gì? Có lẽ đang ngồi học. Hạ đã biết thời khóa biểu của Long. Các tối hai - tư - sáu, đi học Anh văn về còn dành thêm một giờ để làm các bài tập Toán, Lý. Những tối còn lại trong tuần, kể cả Chủ nhật, đều vào bàn ngồi học từ đúng bảy rưỡi. Không tivi, không nghe nhạc, không mọi thứ giải trí. Hạ chưa từng được thấy bàn học ở nhà của Long. Cô chỉ hình dung có lẽ nó không đẹp bằng bàn của mình, nhưng sẽ rất ngăn nắp, sạch sẽ. Long nói bàn học của Long đặt trên gác, ngay trước một cửa sổ. Mỗi lần mệt, Long ngước mặt nhìn lên là thấy cả một bầu trời trăng sao trước mắt. Có một ngôi sao rất sáng trong chùm Đại hùng tinh, Long đã gọi nó là ngôi sao bổn mạng của Thúy Hạ. Mỗi lần Long nhìn lâu, nó lại càng lấp lánh sáng...
Hạ mơ màng nhìn lên trời. Trời tối đen, không một vì sao.
Hoa lại cất tiếng:
- Tụi bây có tin là thầy giáo và học trò có thể yêu nhau không?
Hân dè dặt:
- Chắc có, nhưng cũng hiếm lắm.
Hoa cười:
- Hiếm gì? Cô giáo với học trò còn yêu nhau được, nói gì! Tụi bây coi truyện “Vòng tay học trò” chưa? Hết ý!
Hân dọa:
- Mày coi truyện chép tay bậy bạ chứ gì? Tao mét bí thư chi đoàn bây giờ?
- Thách mày mét đó! Tao coi truyện in đàng hoàng...
- Nhưng mà là truyện của chế độ cũ. - Hân cãi.
- Thì mình phải coi để biết nó bậy bạ như thế nào mà cấm chứ.
Hạ phải phì cười với hai bạn. Hoa quay sang Hạ, gợi chuyện:
- Ê bí thư chi đoàn, mày thấy sao? Chuyện thầy giáo với học trò yêu nhau đó?
- Tao thấy đó là chuyện thường. - Hạ đáp.
- Nhưng nếu ông thầy đó đã có vợ con rồi thì sao? Có là chuyện thường không?
Hạ ngồi thẳng người dậy, nghiêm mặt nhìn Hoa:
- Tao biết tụi bây đang định nói chuyện gì. Không nên. Nhỏ Hằng không có dính dáng gì trong chuyện đó đâu. Đừng làm nó buồn.
Hoa không chịu thôi:
- Vậy là mày cũng công nhận thầy Minh có dính dáng trong chuyện đó phải không?
Hạ ngẫm nghĩ rồi thở dài:
- Cũng có thể... Nhưng, có thể đó chỉ là một thoáng xúc động nghệ sĩ. Tụi bây nên nhớ ổng còn là nhà thơ nữa.
Hân không đồng ý:
- Bộ nhà thơ là có quyền xúc động lia lịa như vậy sao? Rồi rủi con người ta thương lại thiệt thì sao? Ráng chịu hả?
- Nhiều khi ở nhỏ Hằng có những điều gì đó mà thầy Minh hằng mơ ước. - Hạ vẫn ráng tìm cách lý giải.
- Rồi coi như có quyền theo tán tỉnh nó?- Hoa bực bội hỏi.
- Tao chưa thấy có bằng chứng gì gọi là ổng theo tán tỉnh nhỏ Hằng cả.
Hoa đặt mạnh quả dừa xuống mặt bàn:
- Nói thiệt tụi bây, từ đâu tao đã thấy có gì đó không ưa được thầy Minh. Coi ổng dỏm quá! Trong vụ thầy Tùng, càng thấy rõ con người ổng hơn.
Hân trầm ngâm:
- Nhưng mình phải làm gì để nhỏ Hằng đừng bị ảnh hưởng chứ?
Hạ quyết định:
- Tụi bây cứ yên tâm, tao tin nhỏ Hằng không để bị ảnh hưởng đâu. Phần tao, tao nhận với tụi bây là sẽ nói chuyện riêng với nó để lưu ý nó hơn. Được chưa?
*
* *
Hằng nằm dài trên giường, hai tay lót phía sau gáy, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Hạ ngồi chỗ bàn học của Hằng, im lặng đọc lại lần thứ hai một bài thơ viết tay bằng nét chữ nắn nót quen thuộc...
NHỮNG NGÀY THÁNG HỌC TRÒ[2]
(Tặng H.)
Tôi đến giảng đường những buổi sớm mai,
Không có em chợt nhiên lòng hờn dỗi
Đứng ngẩn ngơ nhìn mây bay và hỏi:
Em có yêu không hay nhí nhảnh giả vờ?
Thấy em cười - tôi lại muốn đọc thơ
Ca tụng một năm chỉ toàn ngày Chủ nhật
Tương tư tóc em thơm hơn cỏ mật
Nên đến gần hơi thở lại run run.
Không dám điêu ngoa như một kẻ đi buôn
Tôi chỉ làm thơ và yêu em đắm đuối
Dư dả nụ cười tặng em từng buổi
Lại thiếu lời gian dối để huênh hoang
Dòng sông xưa con nước vẫn trong xanh
Ngày tháng học trò mưa về chưa ướt tóc
Trên đỉnh trời ngàn ngôi sao đang mọc
Đừng để nỗi buồn rơi xuống lạnh môi
Tôi làm thơ như một kẻ rong chơi
Trước sân trường nâng niu vài quyển vở
Lật từng trang lại thèm hôn ngọn cỏ
Dòng chữ nào cũng có dáng hình ai
Rồi buổi sáng nào cầm chiếc dép trong tay
Tối đến tặng em như trong cổ tích
Chỉ em mới mang vừa đôi hài ngọc bích
Nên em thành... công chúa của riêng tôi
[2] Thơ Lê Minh Quốc
Hạ thở dài. Phải công nhận đây là một trong những bài tương đối khá của thầy Minh trong thời gian gần đây. Cảm xúc có phần thật hơn. Thầy Minh yêu Hằng thật hay sao?
Hằng nói, giọng đều đều, mắt vẫn nhìn lên trần nhà:
- Đó là bài thơ thứ hai ổng tặng riêng cho tao. Khi đưa tặng tao, mắt ổng nhìn tao ghê lắm. Lúc này tao hơi sợ ổng, nhưng tao biết làm sao bây giờ? Ổng có làm gì đâu mà tao phải tránh?
Hạ thấy bối rối thay cho bạn. Cả hai cùng còn quá trẻ để có thể hiểu được tình huống này và thái độ xử sự nên như thế nào. Hạ rụt rè hỏi bạn:
- Nhưng mày... thấy thế nào... với thầy Minh?
Hằng im lặng một lúc lâu. Hạ không chờ đợi được:
- Ý tao muốn nói là...
Hằng ngồi thẳng dậy, nhìn Hạ:
- Tao hiểu rồi! Nói thiệt mày tao cũng thấy mình hơi khó hiểu. Tất nhiên là tao không thể nào thương thầy Minh được, nhưng khi tao cũng thấy có gì đó tội nghiệp ổng. Ồng kể tao nghe hết chuyện nhà của ổng rồi. Gia đình ổng không được hạnh phúc...
- Thầy Minh kể với mày như vậy? Hồi nào? Tại sao lại kể?
Hằng nhún vai:
- Ai mà biết tại sao? Hôm Chủ nhật vừa rồi, tự nhiên ổng đến đây, tặng tao bài thơ này. Nhà chẳng có ai. Ổng đọc tao nghe mấy bài thơ, rồi bỗng dưng ổng tâm sự... Kể cũng tội nghiệp ổng. Nhưng biết làm sao bây giờ?
Hạ lo ngại khi nghe bạn liên tiếp hai lần nói đến chữ “tội nghiệp”. Cô chẳng có chút xíu kinh nghiệm gì về chuyện yêu đương, nhưng sách vở cũng giúp cô hiểu người ta rất dễ lầm lẫn giữa tình yêu và cái gọi là lòng thương hại. Kể cả một tình yêu, nếu được xây trên nền tảng của sự thương hại, cũng khó lòng bền vững.
Chợt Hằng nhoài người, cầm lấy tay Hạ:
- Ổng chưa nói gì với tao đâu, nhưng tao muốn hỏi mày cái này... Ví dụ ổng... thương tao thiệt thì... sao?
Hạ thấy về điều này thì mình có thể trình bày rõ ràng ý kiến:
- Không có sao gì hết! Làm sao chấp nhận được! Mình còn nhỏ, còn đi học. Ổng đã có gia đình. Ổng muốn gì thì muốn, nhưng thái độ mày phải rõ ràng, dứt khoát. Như thế chính ổng cũng sẽ không dám làm gì khác hơn.
Hằng nằm lăn ra giường, cười sằng sặc:
- Đúng mày là bí thư chi đoàn! Nhưng thôi, tụi bây cứ yên tâm, không có chuyện gì xảy ra đâu. Có lo là lo cho... mày kìa!
Hạ ngơ ngác:
- Cho tao?
- Chứ còn gì nữa? Thầy Minh nói vậy chứ làm sao thương tao bằng lớp phó học tập thương mày? Rồi “con ma mới” nữa!
Hạ xô vào bạn:
- Đồ quỷ! Nói bậy không à!
Hai đứa ôm nhau vật lộn trên chiếc giường nệm mousse rộng thênh thang của Hằng. Tóc Hằng, người Hằng, giường gối Hằng đều thơm ngát, và lần đầu tiên sau mấy năm không vật lộn như thế này, Hạ chợt ý thức bạn mình đã trở thành một cô gái hoàn chỉnh, nở nang, đầy sinh lực. Hai chiếc nút bấm ở ngực áo Hằng bật ra, phô gần trọn vẹn bộ ngực đầy đặn, trắng hồng, phập phồng thở. Má Hằng đỏ hây hây. Chẳng buồn cài lại nút áo, cô nhảy ào xuống giường:
- Ê, hai đứa mình đi tắm đi. Lâu quá tao với mày không có tắm chung. Nhớ hồi lớp bảy, lớp tám không? Vui dễ sợ!
Bỗng dưng Hạ thấy thèn thẹn.
- Thôi, kì lắm.
- Kì gì? Đi. Xuống phòng mẹ tao đi, có bồn tắm nước nóng nước lạnh đàng hoàng.
- Rồi mẹ Hằng đâu?
- Giờ này mẹ tao đâu có ở nhà.
- Sao lúc này nhà mày vắng quá!
- Thì lúc này ba tao ổng đi suốt ngày, có khi hai ba hôm mới về. Mẹ tao thì có hôm ở lại cơ quan cả buổi trưa... Kệ, vắng thì tao càng được tự do.
Nghe bạn nói, Hạ lại chợt nghĩ tới ông Quang. Có đúng là ông quá bận rộn chỉ vì công việc?
Người đàn ông lần ấy Hạ gặp, có phải là ông không? Nhìn nét mặt hồn nhiên, vô tư của bạn, Hạ thấy trong mình gợn lên một nỗi lo âu. Hằng rất thần tượng hóa ba má. Điều gì sẽ xảy ra khi một trong hai thần tượng ấy bị sụp đổ?
Hạ đầu lắc nhẹ để xua đi nỗi ám ảnh ấy, rồi hỏi bạn:
- À, lúc nãy đi vào nhà, tao thấy có cái ông nào lạ lạ chạy chiếc Cub 70 ra. Ai vậy?
Hằng cười:
- À, chú Đăng. Ông đó vui lắm. Bạn của ba má tao, đang ở nhờ tạm cái phòng trên sân thượng. Tức cười lắm, ổng chưa có vợ mà...
Hằng định kể bạn nghe câu chuyện về cái lưng đầy vết móng tay phụ nữ của chú Đăng, nhưng dừng lại kịp. Không khéo Hạ lại nghĩ mình là con nhỏ vô duyên, nhiều chuyện!
Hạ chưa kịp hỏi thì Hằng đã rút phắt cái khăn lông lớn, vung tay:
- Thôi, dẹp! Đi tắm! Hôm nay ra lệnh cho bí thư chi đoàn phải... kì lưng lớp trưởng! Đi!
Vĩnh Biệt Mùa Hè Vĩnh Biệt Mùa Hè - Nguyễn Đông Thức Vĩnh Biệt Mùa Hè