Số lần đọc/download: 2293 / 76
Cập nhật: 2015-07-10 14:35:13 +0700
Chương3
T
hế là tôi mất toi gần một năm, những ngày bị tạm giam ở Băng Ky. Ngày tù (học tập cải tạo) của tôi chỉ được tính từ ngày lên trại học tập cải tạo, nhận lãnh án lao động khổ sai, tôi không được biết người ta vô tình hay cố ý, khi đó thật lòng tôi cũng chẳng cần biết đến chuyện đó. Cứ ra khỏi chốn địa ngục này là tốt rồi. Ra khỏi cổng trại người ta lại đổi ý thì khốn. Mắt tôi đã thấy một anh bạn tù, tên là Ái, ra khỏi trại mua một thẻ nhang cắm ở cổng đốt lên vái vọng vào trong, nơi mình đã ở nhiều năm, lập tức bị anh cán bộ vệ binh lôi tuột trở vào. Thây kệ lời khóc than van xin, tôi không biết sự thể kết quả ra sao. Tôi và anh bạn tù, luật sư Triệu Bá Thiệp dìu dắt nhau đi thật xa mới dám dừng bước.
Thiệp nói:
- Bao giờ mình ăn gì thì ăn, xa nơi hắc ám này đã.
- Tôi thèm ăn phở, nhưng tiền nhà nước chi mình về xe ít quá.
- Phải ăn ngay, cần thì mình đi ăn mày, đồng bào ta thương người cải tạo lắm, ít có người từ chối bọn “áo xanh” chúng mình.
Chúng tôi đồng loạt vận quần áo bà ba màu xanh nước biển, áo quần đều có in bí số trại học tập cải tạo, kẻ đi đất, người đi dép râu. Ai nhìn cũng biết ngay là tù. Số tiền được cấp phát để “về quê” sau ba năm lao động học tập cải tạo đủ ăn một bữa, đến vèo một cái, miệng còn chua. Đường về thành phố Sài Gòn, nay gọi là thành phố Hồ Chí Minh còn xa quá… Chúng tôi đi ăn mày ở thị xã. Ngượng miệng rất là khó nói. Tôi đùn cho Triệu Bá Thiệp:
- Anh xin đi, anh là luật sư quen ăn nói.
- Bố láo, tôi ăn nói, bào chữa ở tòa án chứ đâu có gào ăn xin bao giờ… Anh cũng là nhà văn nhà báo quen ăn nói vậy…
- Tôi chỉ gào thét bằng chữ chứ chưa hề lạy ông, lạy bà.
Chúng tôi suýt nữa cãi nhau. Đang đôi co thì có một tay khác, chú Hạp gọi giật giọng:
- Lại đây đi xe về Sài Gòn, đồng bào thuê nguyên một xe cho mình.
Tôi ngạc nhiên, nhưng hết ngạc nhiên ngay ví các bà bỏ tiền ra thuê nguyên một chuyến xe than cho chúng tôi về thành phố, là những con buôn chuyên nghiệp, họ chất theo hàng tạ bắp đậu, khoai theo lên xe. Họ dặn chúng tôi khi nào đến trạm kiểm soát thì đứng lên, cần thì hô khẩu hiệu, người ta biết cải tạo được tự do sẽ cho xe đi. Các bà sẽ đóng vai vợ con, mẹ già của các cải tạo viên đi đón thân nhân “lầm đường lạc lối” về xây dựng lại đất nước làm công dân Việt Nam lương thiện. Màn kịch thành công mỹ mãn, cả hai bên đều có lợi. Dựa vào nhau mà sống. Tôi chia tay “bà vợ hờ” nào đó ở bến xe Văn Thánh. Ở đây bây giờ là buổi chiều. Bến xe náo nhiệt, ráng chiều đỏ phía miền Tây. Thành phố đối với tôi trở nên xa lạ, hình như người ta có đông hơn hồi tôi ra đi, những quán nhậu dài dài hai bên lề đường. Tôi về đâu chiều nay? Tôi không còn vợ con nữa. Tôi về với mẹ. Tôi nhớ câu hát của Nguyễn Tôn Dục trong trại học tập:
“Mai tôi về.. chắc gì gặp lại…
Mẹ già tôi… tóc trắng bạc sương…”
Nguyễn Tôn Dực vẫn còn ở lại trại học tập cải tạo. Có lẽ tội anh ta còn nặng. Tay điêu khắc gia Nguyễn Đức Điệp, người chuyên khắc tượng Chúa, người ta đầy ải anh đến đỗi đã bỏ xác, Chúa đã gọi anh về. Linh hồn anh được tự do bay bổng lên trời. Bay đến mỏi cánh thiên thần. Cầu cho anh đừng rụng lông cánh rơi xuống trở lại thế gian. Tôi lầm lũi đi trong buổi chiều tàn với một ba lô nặng trĩu niềm thống khổ trên lưng.
Tôi vào thành phố, qua Dakao, qua đường Nguyễn Phi Khanh, căn nhà của tôi, tôi đã ở đó, vợ con tôi đã ở đó. Nay thì không còn gì nữa.
Nhưng sao tôi vẫn đến. Tôi ngồi xuống bậc thềm trước cái song cửa sắt to rộng, mà xưa kia chiếc xe hơi của tôi có thể lái thẳng vào trong nhà.
Hiện tôi đang ngồi trước căn nhà đó như một tên ăn mày chờ bố thí. Trong căn nhà đó mọi người đang sinh hoạt. Những người hoàn toàn xa lạ với tôi. Còn đâu hai đứa con gái nhỏ của tôi reo vui, đứng trong cửa sắt:
- A! Bố về, mở cửa cho bố, mẹ ơi!
Tôi muốn khóc khi nghĩ đến những điều đó. Không còn gì hết. Con tôi giờ không biết ở phương trời nào. Ngôi nhà này tôi đã mất, dù rằng tôi biết từng viên gạch, từng cái bể nước, từng miếng gạch men làm bếp, cái cầu tiêu, buồng tắm, cái bàn viết của tôi kê ở đâu. Con chim trống đã xây dựng nên cái tổ ấm, nay thì… gió mưa tơi tả.
Tôi không gọi cửa để xin vào thăm lại ngôi nhà xưa, mà chắc gì họ đã cho vào. Nhưng nỗi đau còn đó, nằm trong đầu tôi. Tôi mất thật rồi, mất tất cả.
Ngôi giáo đường họ Tân Định cao vút có cây thập tự giá mỏng manh vẫn vươn lên trời xanh. Cạnh đó là trường học Thiên Phước của các bà sơ, hai đứa con gái tôi đã theo học. Rồi sau vào hẳn viện mồ côi cũng ở đó do các bà sơ đói rách sau năm 1975 nuôi dạy. Các bà sơ làm chuyện phước thiện, nhưng không còn được một sự tài trợ nào. Bà thì phải về quê làm ruộng kiếm khoai sắn mang về cho bầy trẻ đói, bà đi bán bún riêu ở chợ Tân Định, bà đứng đánh đu lên bánh xe quay ép nước mía bán như con nhái bén ở cửa trường. Hai đứa con gái tôi được sửa soạn hai mẹt hành tỏi chanh ớt ra chợ bán, kiếm lời góp lương thực. Tôi tìm thấy chúng. Ba bố con ôm nhau khóc trong sân trường. Tôi được bà sơ nhất của viện mồ côi Thiên Phước cho biết mẹ nó đã gửi chúng cho các bà nuôi nói rằng bố nó (là tôi) đã bị giết chết ngày 30 tháng 4 rồi. Mẹ nó không còn đủ sức nuôi nên xin nhờ vào lòng bác ái của Chúa. Bà nhất nói làm chuyện bác ái thì không cần phải xác minh. Ai dối trá sẽ tự có tội với Chúa. Đơn giản thế thôi. Những làm cũng phước thiện tấm lòng ngay thẳng không có gì làm cong queo được.
Tôi biết mẹ chúng hiện sống một mình trong căn nhà rộng thênh thang, thỉnh thoảng có những anh chị em tập kết từ miền Bắc về sống chung. Căn nhà đủ tiện nghi có ti vi, tủ lạnh, đài, píc cớp, xe cộ. Bộ xa lông quí giá của tôi thay vì ngòi thì những đôi dép râu chồm chỗm trên đó. Còn mẹ các con tôi có việc làm ở một ngân hàng đường Trần Quang Khải, gần nhà. Nàng là công nhân viên, lý lịch có giòng giống liệt sĩ. Tôi đã bị tống khứ khỏi nhà do những nguyên nhân sâu xa từ sau năm 1975. Bà vợ tôi không còn muốn chung sống với tôi nữa. Điều đó thú thật tôi không ham, tôi chỉ tội nghiệp hai đứa con tôi bỗng dưng bị sống cảnh gia đình ly tán. Nên cố níu kéo, nhưng rồi ngày đó cũng tới, thời cơ thuận lợi cho người đàn bà ở thế mạnh. Tôi ngã ngựa rồi. Tôi mất trắng, tay không ra khỏi nhà trong niềm sợ hãi, bị bắt bớ, bị đánh đập, có thể. Tôi bị đổ lên đầu nhiều thứ tội, từ tội trộm cắp tài sản của chính mình, tôi phản động, tôi nhà văn, nhà báo người chế độ cũ. Phiên tòa án gia đình toàn là người anh em bà con vợ tôi, những người có “bề dầy” làm cách mạng xử tôi những tội danh trên. Họ kịch liệt lên án tôi.
Vợ tôi, người vợ đã có một thời đầu gối tay ấp của tôi, lấy nhau vì tình. Quả nhiên dũng cảm đến độ “tàn bạo”. Nàng quất tôi tơi bời tá lả. Rụng như lá mùa thu… Tôi thua sau trận bị bôi tro trát trấu vào mặt, bị ỉa lên đầu. Nhưng ỉa lên đầu của cải tôi trong căn nhà này. Tôi tự an ủi, cũng chẳng sao, tôi có phải ra đi con tôi cũng hưởng. Bây giờ thì tôi biết con tôi chẳng hưởng gì, chúng bị bỏ trong viện mồ côi cho mấy bà sơ đói rách trách nhiệm. Nhưng đầy tình người bác ái. Đó là sự thật. Sau phiên tòa, bị cáo (tôi) được tự bào chữa, cũng là nói lời cuối cùng. Lời nói bây giờ yếu xìu, không hiệu quả. Tôi nói như thế này:
- Tôi lấy vợ do hai bên cùng ưng thuận, có tí ti tình yêu. Vợ tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ sống với ông chú là công chức bưu điện. Sau này bà ta là con nuôi ông Chu Tử, chủ nhiệm tờ báo Sống. Chúng tôi lấy nhau, thời gian đó tôi đang làm ký giả cho báo Sống. Việc chúng tôi lấy nhau cũng do ông Chu Tử giúp đỡ. Vợ tôi chưa từng có của cải hay đồng xu teng hồi môn mang về. Gia đình tôi có tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, kẻ ăn mg làm cũng do một bàn tay tôi gây dựng, bằng công việc làm của tôi, nghề cầm bút. Bây giờ khép tội tôi là kẻ ăn cắp tiền bạc thì tôi ăn cắp của ai? Các ông các bà hãy nhìn xem bộ quần áo bà ta đang mặc trên người cũng do tiền tôi mua sắm..
Còn nguyên nhân tôi lộn xộn đòi ly dị không phải mới có đây, có từ khi miền Nam này còn thịnh trị, quân đội Mỹ còn ở miền Nam kia. Người vợ tôi có mộng đi ra nước ngoài để mở tầm mắt nhìn thế giới, nhìn văn minh loài người không phải người Việt Nam. Vợ tôi đưa ra một đề nghị mà người chồng Việt Nam nào cũng phải thất kinh. Bắt chồng phải ly dị, để làm hôn thú với ngoại kiều, chẳng biết một anh lính Mỹ, anh Tây hay anh thợ điện Phi Luật Tân nào đó. Để ra đi hợp pháp. Dĩ nhiên tôi không thể chấp nhận đề nghị đó, một đề nghị tàn nhẫn, vô nhân đạo, cạn tàu ráo máng, bôi cứt vào mặt chồng. Thuở đó miền Nam này việc đi lấy Mỹ, lấy ngoại kiều là điều không tốt đẹp gì, một việc bần cùng bất đắc dĩ, việc làm vì hoàn cảnh. Gia đình tôi không đến đỗi ở trong hoàn cảnh đó. Ông Chu Tử, chủ nhiệm của tôi, người bố nuôi của vợ tôi, ông là nhà văn, tâm hồn phóng khoáng. Ông phải la vào mặt tôi:
- Anh nên nhớ rằng người ta lấy đĩ về làm vợ, không ai lấy vợ về cho đi làm đĩ. Nếu anh chiều theo ý cô ấy, tôi không biết anh là con người gì. Anh bôi cứt vào mặt anh, vào liêm sỉ của anh mà sống được à? Chuyện này không thể được!
Ngày 30-4 dịp may đến. Quân miền Nam bại trận. Gia đình tôi trốn đi mà đi không thoát. Hôm nay tôi còn ngồi đây… Tôi biết còn nhiều hoàn cảnh bi thảm khác, hơn hoàn cảnh của tôi nhiều mà người ta vẫn còn chịu đựng được. Tôi linh cảm thấy sắp có những chuyện xấu tồi tệ xảy ra cho tôi. Tôi sẵn sàng đón nhận nó.
Tôi trở thành một tên ngoan cố, ngụy biện. Tôi bị điệu lên phường rồi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Tôi không gặp hai đứa con tôi. Nhưng tôi cố nhẫn nại chịu đựng, rồi cũng có ngày nhìn lại được chúng. Tôi chỉ không ngờ khi nhìn lại hai đứa trẻ trong hoàn cảnh thảm hại như thế. Trong ai oán, trong nước mắt.
Tôi ngồi mãi ở thềm nhà xưa nhìn lên cây thập tự trên tháp chuông nhà thờ Tân Định. Bộ quần áo cải tạo bạc màu có nhiều miếng vá vụng về, cái túi xách nghèo nàn chứa vài món đồ kỷ niệm con con, lương thực không còn đến một củ khoai. Tôi nhớ con, nhớ những người bạn tù còn ở trong trại, giờ này kẻng đã đánh vang, tất cả đã phải vào lán trại. Niềm vui cuối cùng của kẻ tù tội được ngồi bên nhau. Có lẽ bạn tôi đang nghĩ đến tôi, tôi mang những lời nhắn nhe về cho gia đình họ. Những đứa trẻ xa lạ, con bạn tôi gọi tôi bằng chú hoặc bác. Còn con tôi, chúng ở phương trời nào? Bây giờ cuối năm hơi lành lạnh.
Trong căn nhà cu của tôi có tiếng đàn bà:
- Con ra xem ai ngồi ngoài cửa kia!
Có tiếng mở cửa sắt, rồi một cái đầu cô gái ló ra hỏi tôi:
- Ngồi chi vậy, đi đi, không có gì đâu.
Thân phận tôi bị hạ thấp xuống thêm một bậc nữa. Tôi giải thích làm gì, tôi đứng dậy và uể oải đi. Bà Tàu, hàng xóm nhà tôi, nhìn tôi, có lẽ nhận ta, bà ta lên tiếng:
- Ông về đó à, sao gầy ốm thế, cô ấy đi rồi, bây giờ nhà ông chó hủ khác.
- Cám ơn, tôi biết cả, tôi chỉ về nhìn lại căn nhà xưa một lần cuối.
- Mời ông vào nhà tôi uống ly nước.
- Xin cảm ơn!
Nhiều năm sau tôi không về lại căn nhà xưa, con đường quen thuộc xưa. Tôi giữ tiếng reo cười của con tôi vang mãi trong đầu tôi, tôi không muốn tiếng cười trong sáng ấy lẫn trong những lời rủa xả cay nghiệt của cuộc đời.
Tôi thất thểu đi trên con đường Nguyễn Phi Khanh, dời xa dần ngôi nhà mang số 100. Ngôi nhà mà trước đây nổi tiếng Ô Mai Mơ Bắc Việt. Con đường cũng nổi tiếng theo là con đường ô mai cho lứa tuổi mộng mơ, mà một thời nhà văn Duyên Anh đã phong cho nó qua những tác phẩm trong sáng viết cho tuổi thơ ngọc ngà. Bây giờ chính anh ta cũng đang nằm trong trại học tập cải tạo, trại Gia Trung. Chúng tôi biết tin nhau qua những buổi được đi thăm nuôi.
Đi hết con đường Nguyễn Phi Khanh, băng qua ngã tư Trần Quang Khải, tôi đi vào đường Trần Khắc Chân. Leo qua hai cây cầu gỗ bắc ngang kinh Nhiêu Lộc xuống cù lao địa phận ấp Đông Ba, nay là Phường 6 quận Phú Nhuận. Tôi trở về ngôi nhà xưa thuở đầu đời. Nay mẹ tôi đang sống. Trời tối mịt tôi mới về đến nhà. Mẹ tôi mừng rỡ:
- Mẹ biết con về, hôm qua mẹ đi họp người ta nói con được tha, chỉ về trong nay mai. Ngày hôm nay mắt mẹ nháy nhiều.
Mẹ tôi vét thùng gạo, toan nấu cho tôi một chút cơm. Nhưng tôi từ chối, tôi xin mẹ tôi đi thăm hàng xóm, những người đã gửi cho tôi nải chuối, củ khoai hoặc tán đường trong những lần mẹ tôi đi thăm nuôi tôi trong trại học tập cải tạo.
Tôi trình ngay giấy tờ ra trại cho công an phường. Người công an nghiêm khắc nói với tôi:
- Anh được ra trại nhưng chưa phải là tốt đâu. Anh chưa thể có quyền công dân, anh phải chịu sự thử thách của phường, chừng nào thật tốt mới có quyền công dân. Từ ngày mai anh làm gì, đi đâu, gặp ai phải ghi vào một cuốn sổ, cuối tuần phải trình cho công an duyệt xét. Không được từ chối bất cứ điều gì phường yêu cầu.
Thế là tôi phải làm công việc ấy. Trước khi cuốn sổ báo cáo được ký, tôi phải làm công việc quét phường, nhặt cỏ rác hay lên một luống khoai. Chịu sự sai bảo của những “ông bà chủ”. Tôi chỉ không đến đỗi bị đánh đập như những tên nô lệ da đen ở Mỹ thời mới lập quốc. Tôi là tên nô lệ chưa được phóng thích. Điều đó gọi là“quản chế”, một người tù được tha mà vẫn bị coi là tội phạm.
Hai mươi năm sau, tôi vẫn là người sống không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân, dù rằng tôi phải chạy chọt khắp nơi, qua các cơ quan cửa quan cả chục lần. Tôi cư ngụ bất hợp pháp trong căn nhà tôi làm chủ. Mãi sau tôi được cấp một tờ kiểm tra, một chứng minh thư nhân dân tạm, có giá trị đến năm 1999. Không có giá trị gì hết ngoài sự kiểm tra. Tôi không biết mình đã có quyền công dân chưa. Tôi vẫn được đi bầu cử, bỏ phiếu. Điều ước mơ của tôi bấy nhiêu năm là được đi nước ngoài, sống tự do những năm tháng còn lại cửa tuổi già. Tôi đã bị ngồi lại ở đây không biết đến bao giờ ước mơ của tôi mới thành sự thật.
Những lần được gọi lên công an thành phố, phòng PA15 hỏi ba điều bốn chuyện, tôi đều mang theo một giỏ xách, trong đó đựng quần đùi, áo may ô, bàn chải đánh răng. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng để đón nhận tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho tôi. Dù rằng tôi biết chắc tôi chẳng làm điều gì đến nỗi….
Ra khỏi tù tôi lại lang thang ở chợ trời, vừa kiếm ăn và cũng vừa tìm đường biến. Nói cách khác là tìm đường vượt biên bất cứ cách nào, đường biển hoặc đường bộ. Ở một nơi nào đó có thể cầm lại được cây bút. Sáng tác những gì tôi thích viết. Đó là một nghề tôi theo đuổi từ thuở đầu đời, đam mê nó đến độ không thể từ bỏ được, như cai thuốc phiện, bỏ rượu hay bỏ thuốc lá.. Cho đến bây giờ, khi viết những trang hồi ký này, đời sống tôi khác xưa nhiều lắm. Tôi đã từ bỏ nhiều thứ cho đời sống đỡ rắc rối, nhưng viết thì không bỏ được, không cần cả đăng báo, in sách nữa, chẳng thành vấn đề với tôi. Tôi viết và viết, cũng chẳng ai biên tập, có thể gặp nguy hiểm. Có sao đâu. Tôi vẫn an toàn trên gác bút. Trên cái bàn tự đóng lấy, thô sơ, mộc mạc bằng gỗ tạp. Tôi có thể ngồi như thế suốt đêm, từ đêm này qua đêm khác. Những ngày tháng năm còn cầm nổi cây bút. Sự nghèo nàn, túng thiếu, miếng muối mè, chao tương, rau mồng tơi leo hàng rào không làm tôi nản. Thế là đủ rồi. Tôi lại lảm nhảm, rồi có lẽ bởi tuổi già nên hơi lắm điều và lẩm cẩm. Tôi nhớ ra rồi, tôi đang viết hồi ký, thuở những năm 1980, thuở đất nước Việt Nam tôi hiện đang sống, chế độ đang đứng trước ngưỡng cửa của cái gọi là “mở cửa” để dân mình đỡ khổ sở sau nhiều năm chiến tranh. Đổi mới, danh từ vừa xa lạ vừa gần gũi với tất cả mọi người. Người ta vẫn tìm mọi cách để vượt biên, chết không sợ, nguy hiểm cũng coi thường, cướp biển Thái Lan chỉ là bọn côn đồ, mất nhân tính. Tù tội chẳng may sa cơ thì thành thật khai báo rằng: Chúng con đói, chúng con đi tìm miếng cơm, mánh áo. Ở đâu cũng được hết. Chuyện thập tử nhất sinh mà. Người ta phát xuất ra nhiều câu vè, đồng dao, đồng dao trẻ con réo vang ngoài đường phố. Nay thì tôi lú lẫn nên quên mất những câu đồng dao đó rồi. Nhưng có đó, hẳn có người còn nhớ. Kể cả những mẩu chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt. Nhà văn Vũ Bằng đã mất nhiều năm ngồi cà phê chợ trời ghi ghi chép chép. Nay ông đã mất. Tập truyện tiếu lâm và những bài đồng dao ấy còn hay không, tôi không được biết.
Tôi vài ba phen ở tù và xém ở tù vì có âm mưu trốn ra nước ngoài. Rồi tôi có vợ, có con. Tôi dẹp cũng đau khổ vì đời vợ trước sang một bên, nhưng rồi cũng chẳng lâu la gì. Tôi làm nghề bán phụ tùng xe đạp.
Giỗ Minh Đăng Khánh lần thứ ba, chúng tôi có đủ mặt. Có mặt Duyên Anh, “người tù mới được tha”. Duyên Anh vẫn cái tính ngổ ngáo, lóc chóc, ưa chọc ghẹo, ưa chửi bới người khác và ưa “nói giọng cha”. Có lẽ vì vậy mà suốt những năm tù tội anh mang tiếng rất nhiều. Tôi không ở chung một trại với anh nên không rõ. Tôi nghe toàn những lời đồn đãi, dĩ nhiên là không tốt cho Duyên Anh. Anh ta làm “ăng ten” đã hại ai chưa, tôi không biết và những ai là nạn nhân, tôi cũng chưa gặp. Tôi nghe rất nhiều những lời đồn kẻ này anh hùng, ca tụng một tấc đến trời, kẻ kia xấu xa bị băm vằm đến bầy hầy như thịt xíu mại. Kẻ tốt người xấu lẫn lộn. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường, ắt phải có thôi.
Sau bữa giỗ, Duyên Anh rủ tôi và họa sĩ Vị Ý đi chơi. Chúng tôi lại ngồi nhậu với nhau ở chợ Thái Bình, phía trước nhà in Nguyễn Đình Vượng ngày xưa. Anh hiện ở nhờ nhà bà Nguyễn Đình Vượng. Căn nhà của anh ở đường Công Lý đã bán rồi, vợ con anh đã được bảo lãnh đi Pháp hết. Chỉ còn mình ở lại Việt Nam.
Duyên Anh cho tôi xem những giấy tờ xuất cảnh hợp pháp:
- Nhưng “moa” không đi bằng mớ giấy tờ này đâu, “moa” phải tự “chuồn” mới anh hùng.
- Phải có “cây cối”!
- Dĩ nhiên, cái nhà ở Công Lý moa bán được mấy chục cây, dư sức chưa nào. “Toa” có đi không?
- Không có tiền!
- Moa cho toa một vé có đi không?
- Không!
- Lý do?
- Moa chờ một thằng con trai, vợ moa sắp đập bầu.
- Thì thôi vậy, đỡ tốn, ít khi moa tốt với ai lắm. Đừng hối hận cũng đừng tiếc rẻ.
Buổi tối hôm đó, lần cuối cùng tôi gặp Duyên Anh. Sau này tôi nghe anh đã vượt biên thoát. Nhưng gặp nạn ở đảo, bị “kẻ thù” là những người anh em đập tơi tả, đến độ trại phải cho sống cách ly và anh được bảo lãnh định cư sớm ở Anh hay Pháp gì đó. Thời gian sau, tiếng tăm anh lại nổi dậy, nghe nói ngoài nghề viết văn ra anh còn sáng tác nhạc, cũng có thớ lắm. Năm 1990 tôi lại nghe anh bị nạn nữa. Anh bị kẻ lạ mặt đánh, khi anh từ Pháp qua Mỹ để phát hành một cuốn sách vào ngày 30-4. Không biết có phải vì ân oán giang hồ không? Kết quả là anh bị tê liệt và á khẩu một thời gian. Đầu năm 1997, năm con trâu, tôi nghe tin Duyên Anh đã chết. Dù muốn dù không, tôi ngậm ngùi nghĩ đến anh. Nhớ truyện ngắn đọc đến mủi lòng của anh, có tựa đề là “con sáo của em tôi” đăng trên Chỉ Đạo năm 1956. Rồi “Dưới dàn hoa thiên lý”. Những truyện ngắn, dài thật trong sáng cho tuổi ô mai. Với Duyên Anh tôi chỉ có những cảm nghĩ đó, loại truyện du côn du đãng, anh chị tôi không muốn có ý kiến.
Hồi tháng tư vừa qua (1997), nhà báo Hồng Dương từ Mỹ về Việt Nam chơi. Trong câu chuyện nói về Duyên Anh, Hồng Dương khen:
- Thằng ấy có chí thật, nó bị liệt, tự tập viết lấy bằng tay trái. Thế mà thành công. Nhiều thằng đã phải bỏ nghề, vậy mà nó đeo nghề đến hơi thở cuối cùng.
Tôi xin thắp cho Duyên Anh Vũ Mộng Long một nén nhang.
Những nhà văn dù có bị đe dọa bị áp lực, bắt phải uốn cong ngòi bút, không nhiều lắm. Ít ai có đủ nghị lực đeo đuổi nghề của mình, hay ngụy trang cho mình một nghề nghiệp kiếm cơm rồi vẫn âm thầm đeo đuổi, âm thầm suy nghĩ. Những con người ấy sống cô đơn trong niềm kiêu hãnh vĩ đại. Anh sống một mình trong những đêm trường. Ngoài kia là bóng đêm trùng trùng, anh âm thầm với bầy muỗi đói, dàn trải mình trên trang giấy dưới một khoảnh ánh sáng hạn hẹp. Có lẽ xưa kia Đặng Trần Côn cũng đốt lửa dưới hầm trong kinh thànhThăng Long để có Chinh Phụ Ngâm. Có lẽ đầu đời nhà Nguyễn ở kinh đô Huế trong cảnh ngựa xe rộn rã, mũ áo xênh xang, trong những đêm mưa dai dẳng Tiên Điền Nguyễn Du đã sáng tác nên Kim Vân Kiều.. Tâm hồn người nghệ sĩ bay bổng, toát ra khỏi đời sống thường tình để làm nên những trang tuyệt bút. Tôi suy nghĩ hoài về những tác phẩm kỳ diệu ấy. Thời gian đứng lại mà đời sống thì sinh động, êm đềm hoặc bát nháo, gây gổ hoặc nổi giận trên những trang giấy. Tư Mã Thiên có sử ký, Thị Nại Am có Thủy Hử, một vũng đầm lầy tầm thường trở thành một thiên anh hùng ca vang mãi đến muôn đời.
Sự nguy hiểm luôn rình rập người nghệ sĩ, Biết đâu? Biết đâu đó? Hàng loạt cái biết đâu như những móc câu trên tấm đại kỳ của giặc cờ đen chuyên dùng để bắt người sẵn sàng chụp xuống đầu kẻ bất hạnh. Nạn nhân yếu đuối, mong manh nhưhg chỉ còn ánh mắt long lanh phán xử trên tất cả.
Hai mươi hai năm sau tôi ngồi trên gác bút, tôi suy nghĩ và tự hỏi. Mình bắt đầu từ đâu? Dừng lại ở đâu? Công việc viết hồi ký này ví như một chiếc xe đứt thắng, không hãm lại được, nó chỉ dừng lại khi hết đà, hết nhiên liệu. Với con người tuổi già và cái chết. Hai thứ đó đã gần kề với tôi. Tôi cố gắng giữ vững tay lái để không rơi xuống vực thẳm. Không tan tành xác thân thành những mảnh phế liệu. Những tác phẩm của tôi, của bạn bè tôi từng bị thiêu đốt. Lá đại kỳ có móc lưỡi câu của giặc cờ đen từng chụp lên vò xé thi hành án cho những thứ tội danh mơ hồ. Điều đó đã xảy ra ngày đó tháng đó năm đó. Tượng đài nhà học giả Trương Vĩnh Ký, do tiền đóng góp của nhân dân lục tỉnh Nam kỳ bị kéo sập, trong một lý do căm thù vu vơ. Ông Trương Vĩnh Ký là sĩ phu miền Nam nói riêng, Việt Nam nói chung. Là học giả suốt một đời làm văn hóa và hy sinh cho văn hóa. Cái đó không thể gọi là tội được, không thể căm thù. Giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung có ghi lại trong sách “Trương Vĩnh Ký nhà văn hóa”. Có ai quên quên đâu, dễ gì quên được?
Đêm hôm qua trời nồng nực, nửa đêm trời đổ ập cơn mưa rào. Tảng sáng nay tôi ngồi trước bàn trên căn gác bút nhìn qua cửa sổ. Tôi thấy những đám mây đen bị gió Tây thổi bạt về hướng Đông, tôi có cảm tưởng mây đen là thấp sát mái nhà. Trên ngọn dừa cao kia. Tuy tường che khuất nhưng tôi cũng biết dưới gốc dừa là sân chơi của một trường mẫu giáo, một nhà trẻ vang tiếng cười trẻ thơ trong sáng và hồn nhiên. Ve sầu kêu ra báo hiệu mùa hè.