Số lần đọc/download: 1600 / 45
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Chương 4: Cuộc Tranh Hùng Giữa Trịnh Tùng Với Trịnh Cối
S
ách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 16, tờ 26 - b đến tờ 29 - a) chép rằng:
"Ngày 18 tháng 2 (năm Canh Ngọ, 1570 - ND) Thượng tướng Thái Quốc công là Trịnh Kiểm đau nặng và mất, triều đình truy tôn làm Minh Khang Thái Vương, đặt cho tên thụy là Trung Huân. Bấy giờ, có chiếu chỉ cho con trưởng (của Trịnh Kiểm) là Tuấn Đức Hầu Trịnh Cối nắm giữ binh quyền để cầm quân đánh giặc. Trịnh Cối đam mê tửu sắc, càng ngày càng ngông cuồng, kiêu ngạo, không xót thương gì đến quân lính, vì vậy, các tướng đều có ý xa lánh, lìa bỏ, kẻ theo giúp Trịnh Cối ngày một ít đi, lòng người đổi thay, ai cũng nghĩ đến chuyện gây biến, mầm tai họa kể như đã thành hình.
Ngày mồng hai tháng tư (năm Canh Ngọ, 1570 - ND), bọn Đoan Vũ Hầu là Lê Cập Đệ, Văn Phong Hầu là Trịnh Vĩnh Thiệu, Vệ Dương Hầu là Trịnh Bách, nhập với bọn Lương Quận công, Phổ Quận công và Lai Quận công là Phan Công Tích, đang đêm, dẫn gia quyến và binh sĩ dưới quyền tới nơi ở của Phúc Lương Hầu Trịnh Tùng để bàn định kế sách, ép Trịnh Tùng phải hành động. Trịnh Tùng bất đắc dĩ phải cùng với bọn (Lê) Cập Đệ, (Trịnh) Vĩnh Thiệu... thu tập binh tướng, ngay đêm đó chạy ra nơi hành tại ở Yên Trường. Sáng hôm sau, họ đến dinh Kim Thành, ép Nghĩa Quận công là Đặng Huấn cùng vào cửa khuyết để bái yết Nhà vua. Bọn Trịnh Tùng than khóc mà nói rằng:
- Anh thần là (Trịnh) Cối, vì say đắm tửu sắc nên làm mất lòng người, không sớm thì muộn, thế nào cũng có biến loạn. Đêm nay, họ mưu đoạt binh lính và ấn quý của thần, bởi thế, bọn thần phải đang lúc nửa đêm mà chạy vào cửa khuyết. Vậy xin đau đớn báo tin, mong hoàng thượng thương tình mà thu nạp.
Vua nói:
- Khi Thượng phụ (chỉ Trịnh Kiểm - ND) còn sống, đâu có nông nỗi này, nay phải làm sao đây?
Phúc Lương Hầu (Trịnh Tùng), cùng bọn (Lê) Cập Đệ, (Trịnh) Vĩnh Thiệu, (Trịnh) Bách... bí mật tâu Vua, xin dời hành tại vào cửa Vạn Lại, chia quân đóng giữ các cửa lũy để phòng bị quân giặc từ bên ngoài.
Hôm sau, Trịnh Cối thân hành đốc suất bọn Phúc Quận công là Lại Thế Mỹ, An Quận công là Lại Thế Khanh, Lâm Quận công là Nguyễn Sư Doãn, Thạch Quận công là Vương Trân, Vy Quận công là Lê Khắc Thận, Dương Quận công là Nguyễn Hữu Liêu, Hùng Trà Hầu là Phạm Văn Khoái, cùng Hoành Quận công (chưa rõ tên) và hơn một vạn quân, tiến đến phía ngoài cửa quan (chỉ nơi vua Lê và Trịnh Tùng ở - ND) và đóng dinh trại tại đấy. (Trịnh) Cối án binh bất động trong vài ngày, các tướng trong cửa ải (của vua Lê và Trịnh Tùng) cũng không xuất quân. Hai bên sai người đưa thư qua lại, nói xấu lẫn nhau, lời lẽ rất ngạo mạn.
Ngày mồng bay (tháng tư năm 1570 - ND), Vua sai sứ ra ngoài cửa quan chiêu dụ các tướng, bảo họ nên giảng hòa. Lại Thế Khanh thấy thế liền nói:
- Không ngờ ngày nay, bọn chúng ta hóa thành kẻ dưới quyền người khác.
Nói rồi không chịu giảng hòa, bày chiến trận, tuyên bố là sẽ đem quân đánh vào cửa khuyết. Lại Thế Mỹ vung giáo chỉ vào cửa quan nói rằng:
- Bao giờ bắt được người ở trong cửa quan thì mới nói chuyện giảng hòa được.
Vua biết không thể hòa giải, bèn sai các tướng đem quân chống lại, đánh. nhau suốt ngày đêm không nghỉ. (Trịnh) Cối thấy đánh mãi không xong, lòng có ý ngần ngại, bên lui quân về Biện Dinh, họp các tướng lại, nói rằng:
- Trong cửa quan có quân, ngoài cõi có giặc, ta ở giữa, nếu chẳng may có tai biến khẩn cấp thì khó mà chống đỡ.”
… "Trịnh Cối tự thấy không thể chống nổi, lực lượng ngày càng bị cô lập, bèn đem bọn Lại Thế Mỹ, Vũ Sư Thước, Trương Quốc Hoa... và vợ con đến hàng họ Mạc.”
Lời bàn: Dân gian có câu rằng:
Chuột chù chê khỉ rằng hôi,
Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm?
Chuyện Trịnh Tùng chê Trịnh Cối đam mê tửu sắc, cũng chẳng khác gì chuyện chuột chù chê khỉ vậy. Có điều, chuột chù và khỉ không cùng nòi cùng giống, chớ Trịnh Cối với Trịnh Tùng thì cùng máu mủ ruột rà, và họ không chỉ chê nhau mà còn so gươm đấu sức lẫn nhau, nghĩa là còn hơn cả chuột chù và khỉ một bậc cao nữa.
Đã đánh nhau, ắt có kẻ thắng kẻ bại. Trong chỗ không ngờ, nhà Mạc có thêm được một ít lực lượng do Trịnh Cối mang về. Vác gươm và xua quân đuổi anh ruột đi để chiếm lấy ngôi chúa. Trịnh Tùng thắng lớn trong cuộc tranh hùng nhưng lại thảm bại trong luân thường, đạo lí. Ôi, ngọn cờ chiến thắng của Trịnh Tùng mới tanh tưởi làm sao.
Dân gian có câu: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết,” Trịnh Cối và Trịnh Tùng chẳng phải là trâu bò, dân càng không phải là ruồi muỗi, nhưng chuyện dân phải chết oan chết ức bởi cuộc tranh giành này là chuyện có thật!