Số lần đọc/download: 4219 / 54
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Chương 2: Chính Phủ Hồ Chí Minh (Dân Chủ Cộng Hòa)
T
rong khi các đảng phái chính trị như Phục Quốc, Đại Việt, Cao Đài, Hòa Hảo…công khai hoạt động dựa vào thế lực Nhật Bản, thì từ năm 1941, một đảng cách mệnh lấy tên là mặt trận Việt Minh thành lập hoạt động ráo riết. Mặt trận Việt Minh thoát thai Đông Dương Cộng Sản đảng, do một số người Mác Xít điều khiển, lực lượng cốt cán là những toán du kích Thổ địa phương. Khẩu hiệu tranh đấu của Mặt Trận: Bài Phong, Phản Đế, đoàn kết các giai tầng xã hội, các lực lượng cách mạng, các dân tộc thiểu số, liên kết với tất cả những Xứ bị áp bức ở Đông Dương và hợp tác với mọi phần tử chống Phát Xít.
Từ năm 1941, Việt Minh tích cực hoạt động.
Trên miền sơn cước, xúc tiến thành lập các chiến khu, gây cơ sở cho những đội du kích, thiết lập căn cứ địa và các kho dự trữ. Bắc Việt được chia thành những chiến khu:
– Khu I là trung tâm, gồm có Châu Tự Do và một phần hai Tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn. Chiến khu Cao Bắc Lạng gồm 3 Tỉnh biên cương Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
– Chiến khu II gồm mấy Tỉnh Sơn Tây, Hòa Bình, Phủ Lý, Hà Đông v.v..
– Chiến khu III và IV thuộc miền duyên hải.
– Sau đó, còn chiến khu V, VI, VII, VIII, IX ở Trung và Nam Việt.
Tại các chiến khu, những đội võ trang tuyên truyền được thành lập, với nhiệm vụ đi sâu vào các làng mạc để tuyên truyền cách mạng, thành lập các ổ du kích địa phương, huấn luyện chiến đấu cho dân quân, diệt trừ những phần tử đã liệt vào hạng ‘’phản động’’.
Ngoài những nhà cách mạng quốc gia lão thành, có kinh nghiệm, còn thì ít ai biết Việt Minh là Cộng Sản trá hình.
Khi lãnh tụ Cộng Sản là Hồ chí Minh bị bắt giam tại Trung Hoa (Liễu Châu), hoạt động Việt Minh còn kém cõi. Nhờ sự can thiệp của một Ủy Viên Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Nghiêm Kế Tổ) với chính phủ Trùng Khánh để xin tự do cho ông Nguyễn Tường Tam cũng bị giữ, tiện thể đã vận động cho cả hai người, nên Hồ chí Minh nhờ đó cũng được giải phóng.
Sau khi Hồ chí Minh thoát lao tù, Hồ chí Minh được các tướng lĩnh Trung Hoa thân cộng giúp đỡ tìm cách cho về nước nên Việt Minh càng ngày càng tiến triển hoạt động (****)
(****) Hồ chí Minh được Tướng Ngô Trạch, Tham Mưu Trưởng Đệ Tứ Chiến khu và Triệu Văn giúp đỡ. Tướng Ngô Trạch đã bị xử tử mới đây ở Đài Loan. Tiêu Văn hiện nay ở hàng ngũ Trung Cộng.
Về quân sự, Việt Minh tượng trưng phong trào Kháng Nhật cho nên được quân đội Đồng Minh giúp sức. Nào tiếp tế vũ khí, thuốc men, lương thực, tiền bạc. Nào giúp đỡ sĩ quan, huấn luyện quân sự, sử dụng vũ khí tối tân…Những khu du kích thi nhau phát triển ở Thượng Du, các thanh niên giác ngộ bỏ gia đình, trường học tìm đường lên chiến khu học tập.
Về kinh tài, Việt Minh tìm cách quyên tiền của dân chúng, chuyên chở khí giới, thuốc phiện lậu, cướp các đoàn xe vận tải, kho thóc lúa, tống tiền các quan lại, phú hào, điền chủ để lập Qũy hoạt động.
Về tuyên truyền, những sách báo bí mật như Quân Du Kích, Cờ Giải Phóng (Cộng Sản), Cứu Quốc (tổng bộ Việt Minh), Độc Lập (dân chủ đảng) được in và ngầm phát hành trong dân chúng, huấn luyện cho họ hiểu biết, quen thuộc với chính trị và tranh đấu, báo cáo tình hình trong và ngoài nước ngõ hầu người dân được thông thạo, am hiểu tình thế.
Lần đầu tiên dân chúng được làm quen với những tờ báo khổ nhỏ, in thạch bản, những bài hát cách mạng hùng hồn, quyến rũ, những danh từ chính trị cứng cõi, mạnh bạo, những hoạt động oai hùng của quân giải phóng, của Phụ nữ Hồ Ba Bể.
Tại Thủ Đô Hà Nội, những hành động táo bạo khi ẩn, khi hiện của các đội xung phong tuyên truyền trong các trường học, rạp hát, các nơi công cộng đã làm cho dân chúng tin phục.
Dựa vào thế âm u, dầy đặc của núi rừng, Việt Minh đã tận dụng mọi khả năng để chiến đấu mỗi khi quân đội Nhật định lần mò lên tiêu diệt (Một đèo gần Châu Văn Lang thuộc Thái Nguyên được mang tên là Đèo Kháng Nhật, tại đây, du kích quân đã hạ nhiều xe cam nhông của Nhật).
Mỗi việc xẩy ra, hễ hơi có lợi là Việt Minh tận lực tuyên truyền đập thẳng vào tâm trạng chất phác và giầu tưởng tượng của người dân. Do đó Việt Minh hấp dẫn được đông đảo nhân dân theo họ và ủng hộ phong trào. Đám dân chúng đã biến thành những đợt sóng cồn để Việt Minh tha hồ mà thổi.
Từ khi được lòng thán phục của quảng đại quần chúng, Việt Minh hết sức khai thác năng lực của nhân dân. Nào là thúc đẩy thanh niên nam nữ lên chiến khu, xung vào bộ đội. Nào là yêu cầu ủng hộ thóc lúa, tiền bạc. Nào là yêu cầu nhân dân nuôi nấng, che chở cán bộ hoạt động…Thật chẳng thiếu một hình thức nào.
Tóm lại, Việt Minh đã khôn khéo biết dùng sinh lực của nhân dân, để bồi bổ tổ chức, ngược lại, gây được uy thế với nhân dân trong nước. Do đó, Việt Minh, bán chính thức đã được Đồng Minh công nhận là một phong trào chống Phát Xít Nhật Bản.
Được thế danh chính ngôn thuận, đáng lẽ phải liên kết tất cả các đảng phái hiệp lực cứu quốc, đằng này các lãnh tụ Đỏ lại chủ trương chính sách loại trừ. Các lực lượng, các nhóm, đảng khác mầu sắc chính trị lần lượt nằm trong chương trình thanh toán của Việt Minh.
Trong nước, Việt Minh không bao dung các nhóm khác mầu chính trị, khăng khăng đẩy họ vào thế đối lập. Ngoài nước cậy mình đã có tổ chức, cơ sở hoàn hảo, thẳng tay đối xử với các đảng cách mạng quốc gia còn phiêu bạt và các lãnh tụ không cùng xu hướng.
Chánh sách Dĩ Đảng Trị Quốc chưa chi đã nổi bật không dấu diếm khiến mầm chia rẽ, bất hòa đã khởi điểm sâu sắc.
Ngày mồng 9 tháng 3.1945, Nhật lật đổ chính quyền Pháp, đồng thời trao trả chủ quyền cho Việt Nam.
Nhưng quốc dân dần dần nhận rõ những hành động dối trá của Nhật. Mặc dầu đã có chính phủ Trần Trọng Kim, Nhật Bản vẫn chiếm đoạt thực quyền cai trị. Bao nhiêu ‘’Cố Vấn’’ Nhật, bao nhiêu chính khách Nhật len lõi và các cơ quan hành chính và chuyên môn, người ta không thể đếm xuể nữa.
Sau khi hai quả bom nguyên tử nổ ở Hiroshima và Nagasak, Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện. Để nắm lấy thời cơ, Việt Minh gấp rút chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Ngày 7.8.1945 một cuộc triệu tập ‘’Quốc Dân Đại Hội’’ tổ chức ở Khu giải phóng để bầu Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trước khi quân Đồng Minh đến tước khí giới quân đội Nhật.
Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc gồm có:
Chủ Tịch: Hồ chí Minh.
Phó Chủ Tịch: – Trần huy Liệu
– Võ nguyên Giáp
– Phạm văn Đồng
– Chu văn Tấn
Các Ủy Viên: – Nguyễn Lương Bằng
– Vũ đình Hòe
– Dương đức Hiền
– Cù huy Cận
– Nguyễn văn Xuyến
Một Ủy Ban Quân Sự được chỉnh bị, tập hợp lực lượng du kích quân và võ trang tuyên truyền thành quân đội giải phóng.
Ngày 10 tháng 8.1945, lệnh Tổng khởi nghĩa bắt đầu.
Vì tình hình biến chuyển quá nhanh, cuộc đại hội chưa đủ mặt các đại biểu, thì lệnh khởi nghĩa đã ban bố, một số đông cán bộ mới đi tới nửa đường đã phải quay trở lại.
Tại Trung Du, Việt Minh tiến chiếm một cách dễ dàng. Ở Thủ Đô Hà Nội, dân chủ đảng, một bộ phận trong mặt trận Việt Minh, gồm đa số là trí thức, sinh viên và tiểu tư sản thành thị, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
Chiều hôm 17 tháng 8.1945, Tổng Hội Công Chức triệu tập một cuộc mít tinh ở Nhà Hát Lớn Hà Nội để tranh đấu đòi Độc Lập (Trong Tổng Hội Công Chức lúc đó đã có nhiều phần tử Việt Minh hoạt động). Giữa lúc các diễn giả đang hô hào dân chúng, một lá cờ đỏ sao vàng vĩ đại bỗng nhiên xuất hiện và Quốc Kỳ Quẻ Ly từ từ hạ. Từ các ngả, đội xung phong tuyên truyền Việt Minh tiến tới, đồng thời vang lên những khẩu hiệu ‘’Ủng hộ Việt Minh’’. Các cán bộ Việt Minh đàng hoàng chiếm máy phóng thánh để nói trước dân chúng
Một cán bộ phụ nữ (Cô Tâm Kính, người Trung Việt, dân chủ đảng, sau được bầu đại biểu quốc hội) hăng hái kêu gọi dân chúng tham gia và ủng hộ phong trào.
Cuộc mít tinh biến thành biểu tình tuần hành, riễu qua Bờ Hồ, Hàng Đào, Hàng Ngang, giải tán ở Quan Thánh trước thái độ yên lặng của quân đội Nhật.
Ngày 18 tháng 8.1945, các đội tuyên truyền Việt Minh công khai chia nhau đi các phố, các ngả, dùng loa kêu gọi toàn thể dân chúng nội ngoại thành chuẩn bị cuộc biểu tình tuần hành võ trang sẽ tổ chức tại công trường Nhà Hát Lớn ngày hôm sau.
Hà Nội hồi hộp sống giữa rừng biểu ngữ, truyền đơn, cờ đỏ sao vàng la liệt. Thành phố như lên cơn sốt rét, chỗ nào cũng bàn tán xôn xao, mong đợi ngày mai chóng tới để được biết mặt ‘’Việt Minh’’, những con người ngang tàng đã từng đùa rỡn Hiến Binh Nhật, đã từng ‘’chiến thắng’’ quân đội Nhật.
Ngày 19 tháng 8.1945. Tại công trường Nhà Hát Lớn, hàng mấy chục vạn dân chúng đã rầm rộ từ khắp các ngả đường kéo tới, tập hợp dưới sự hướng dẫn của Ủy Ban Khởi Nghĩa. Người ta nhận thấy những đội xung phong tuyên truyền, võ trang bằng súng lục, dao găm đứng trên thềm cao. Ở dưới, những đội cảnh sát với y phục trắng, những đoàn hướng đạo, học sinh v.v…Trước mặt Nhà Hát Lớn, một hàng rào cờ đỏ nghễu nghện, san sát bao vòng lấy vườn hoa. Những vũ khí thô sơ đủ kiểu, đủ hình..từ dao bầu, kéo sắc, kiếm thờ, bù loong, cầy, cuốc, bồ cào cho đến mã tấu, đinh ba, gậy gộc, súng săn…thôi thì đủ thứ, cái gì có thể ‘’đánh người’’ được, đều bị mang ra để biểu dương ý chí
Sau khi nghe lời hiệu triệu của ủy viên mặt trận, dân chúng bị khích động, rầm rộ kéo đến Dinh Khâm Sai theo sự hướng dẫn của các đội xung phong võ trang, yêu cầu ông Phan Kế Toại trao lại chính quyền cho nhân dân. Không tốn một viên đạn, chính quyền được trao lại cho các ủy viên đại diện. (Thực ra, đã có cuộc điều đình từ đêm hôm trước). Đoàn người nhu nước vỡ bờ, vừa đi vừa hô những khẩu hiệu mạnh mẽ, tràn đến Tòa Đốc Lý. Đến đây, Thị Trưởng Trần Văn Lai thức thời, ra niềm nở đón tiếp.
Khi dân chúng tiến đến Trại Bảo An Bình, quân lính Nhật thoạt tiên còn khăng khăng không chịu giao những kho vũ khí, viện cớ để trao trả Đồng Minh. Dân chúng phẫn nộ bao vây hàng mấy tiếng đồng hồ, sau đó quân lính Nhật đành xử nhũn để cho dân chúng chiếm trại.
Công việc chiếm đoạt chính quyền tại các Tỉnh tiến hành rất dễ dàng. Riêng có Hà Đông, khi dân chúng tiến vào Dinh Tỉnh Trưởng bị Quản Dưỡng hạ lệnh cho binh lính bắn chết và bị thương mất một số, nhưng sau Quản Dưỡng cũng bị bắt. (Khi chính quyền đã hoàn toàn về tay Việt Minh, Quản Dưỡng đã bị xử tử hình)
Tại Nam Việt, lực lượng Việt Minh rất kém cõi, nên hoạt động hầu như không có ai biết đến.
Ngày 14 tháng 8.1945, các nhóm chính trị gồm các Đảng Độc Lập, Thanh Niên Tiền Phong, Cao Đài, Hòa Hảo, Phục Quốc, Đệ Tứ cùng các đoàn thể trí thức, công chức tập hợp thành một Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Gia, mục đích để giao thiệp và trực tiếp nhận khí giới của Nhật trước khi Đồng Minh tới. Đại biểu của Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Gia là Trần Văn An, Hồ Văn Ngà và Nguyễn Văn Sâm, Khâm Sai Nam Việt.
Các cán bộ Việt Minh lãnh đạo Nam Việt nhận thấy nếu để khí giới lọt vào tay các đảng phái khác, Việt Minh sẽ thất thế.
Do đó, trong một cuộc hội họp, các lãnh tụ Đỏ đã khôn khéo thuyết phục các nhóm khác với lý luận: Nếu những đảng phái thân Nhật đứng ra tiếp thu khí giới, Đồng Minh sẽ viện cớ là đã hợp tác với Nhật từ trước, chủ quyền vì thế khó lòng đạt được, tốt hơn hết Đồng Minh đã biết mặt trận Việt Minh là phong trào duy nhất kháng Nhật, nên để Việt Minh tiếp nhận những vũ khí đó. Các đảng phái đồng ý, cho rằng Việt Minh đại diện là hợp lý.
Được thể, Việt Minh ra luôn công khai tuyên truyền sự hoạt động và hiện diện của Việt Minh trên toàn lãnh thổ, sự thành công Chống Pháp, Kháng Nhật của Việt Minh từ mấy năm nay…
Cờ đỏ sao vàng mọc lên như nấm. Đối ngoại, Việt Minh tiếp nhận quyền hành và võ khí của Nhật Bản. Đối nội, Việt Minh thành lập cấp tốc các ủy ban nhân dân địa phương, các sư đoàn dân quân, tăng cường lực lượng Thanh Niên Tiền Phong (lực lượng cốt cán, do Bác Sĩ Phạm ngọc Thạch, lãnh tụ Đỏ lãnh đạo), lấn át dần các đảng phái khác.
Tóm lại, Việt Minh đã hoàn thành ‘’sự nghiệp vĩ đại ‘’của họ mặc dầu thực lực của họ chẳng có gì, chỉ có một thiểu số khôn khéo lãnh đạo. Thời gian và tâm trạng dân chúng đã trực tiếp giúp cho Việt Minh thành công đưa nước Việt Nam tiến đến một bước ngoặt lịch sử.
Thâu đoạt được chính quyền trong tay, Việt Minh thành lập tức khắc các ủy ban để thay thế cho chế độ cai trị cũ tại các thành phố, các tỉnh, phủ, huyện, làng. Tất cả mọi hoạt động đều đặt dưới quyền điều khiển của Tổng Bộ Việt Minh gồm các lãnh tụ Cộng Sản:
Nguyễn lương Bằng, bí danh Anh Cả, Sao Đỏ,
Trần huy Liệu,
Võ nguyên Giáp, bí danh là Dương hoài Nam, đồng chí Văn,
Lý Ban bí danh Hoài Bắc,
Trần đăng Ninh, bí danh To đầu,
Đặng xuân Khu, bí danh Trường Chinh,
Phạm văn Đồng, bí danh Lâm bá Kiệt,
Chu văn Tấn,
Trần tử Bình,
Lê văn Hiến,
Lê Giản,
Trần văn Giầu v.v…
Trước khi Việt Minh chiếm Bắc Việt, từ ngày quân đội Nhật đầu hàng Đồng Minh, Vua Bảo Đại cũng đã nhìn rõ những sự khó khăn sẽ xẩy đến giữa Việt và Pháp cho nên Người đã ra lệnh tổ chức một Hội Đồng Cứu Quốc (18.18.1945) dự định tập hợp tất cả các đảng phái chính trị chuẩn bị một cuộc chiến đấu lâu bền nếu người Pháp còn ngoan cố không chịu nhìn nhận nền tự chủ của Việt Nam.
Để thực hiện ý định đó, Người đã vạch rõ chí quật cường của dân tộc Việt Nam trên 2000 năm lịch sử trong những Thông Điệp gửi cho các cường quốc. Người nhấn mạnh Việt Nam ngày nay đã đủ sức tự chủ và không muốn chịu đựng một cuộc đô hộ nào nữa. Nếu người Pháp cố ý thiết lập lại nền thống trị, họ sẽ thấy ở Việt Nam, mỗi làng là một ổ kháng chiến, mỗi người Việt Nam bạn cũ của Pháp là một kẻ thù mới, những công chức và kiều dân Pháp sẽ phải tự bỏ Việt Nam mà rút đi…Người nhấn mạnh sự cương quyết của dân tộc Việt Nam hiện tại.
Trong khi ấy, tại Thủ Đô Hà Nội đã tràn ngập bóng cờ đỏ sao vàng và một yêu cầu lịch sử của ủy ban giải phóng điện vào Huế yêu cầu Đức Vua thoái vị.
Tại Hoàng Cung, các cận thần của Vua đều vắng mặt. Người ta đã được nghe nhiều đến sự hoạt động của Việt Minh và đã quá sợ sệt cao trào cách mạng. Những tin tức về Việt Minh có lực lượng hùng hậu được Đồng Minh công nhận và giúp đỡ v.v…đã làm sôi nổi Đế Đô. Những tin tức ấy càng ngày càng nhiều, càng ngày càng được phóng đại.
Tiếp đến khi Hoàng Cung nhận được điện của ủy ban giải phóng thì bên cạnh Hoàng Đế trơ trọi đến phút cuối cùng chỉ còn có ông Nguyễn Duy Quang, một người chủ trì thuyết chống Việt Minh. Ngoài ra còn có một vị cận thần hồi đó hết sức khuyên Hoàng Đế đánh Việt Minh. …nhưng Hoàng Đế trả lời không nỡ gây cuộc huynh đệ tương tàn nên mới vui lòng thoái vị.
Ngày 24.8.1945, Hoàng Đế chuẩn y lời yêu cầu của ủy ban cách mạng để vui lòng làm công dân một nước độc lập.
Về mặt tinh thần, cử chỉ ấy thật là một việc phi thường, một hy sinh cực độ. Người quả xứng đáng là công dân số một của nước Việt Nam.
Về phương diện tâm lý, dân Việt Nam phải nhận thấy một niềm bùi ngùi, thương xót nơi Hoàng Đế. Không phải là Hoàng Đế quý ngai vàng bệ ngọc hơn nền Độc Lập của Tổ Quốc Giang Sơn, nhưng chính vì một lẽ rất thành thực là: Hành động của Hoàng Đế thoát thai ở những tin tức sai lầm, xảo trá, phóng đại, phiến diện, những tin tức có tổ chức, có hướng dẫn. Hành động của Hoàng Đế là kết quả của những ý kiến thiên lệch của đám cận thần ‘’Thân Cộng’’. Hành động ấy không hoàn toàn ‘’chủ động’’ và ‘’chín mùi’’ của một vị Hoàng Đề ‘’cô thế’’ giữa đám cận thần ‘’Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai…’’
Sự bùi ngùi và lo âu trong thâm tâm của Hoàng Đế có nghĩa là Người nghĩ đến những hậu quả có thể có sau quyết định của Người.
Nói đến thoái vị, phải nói đến phù hợp và ích lợi cho quốc dân, cho Tổ Quốc, nếu không, sẽ là một tội đối với Giang Sơn, đối với Liệt Thánh. Nếu sự thoái vị là kết quả của thủ đoạn chính trị do một nhóm người chủ trương lợi dụng lòng hy sinh cao quý của Người thì tránh sao Hoàng Đế chẳng lo âu.
Nhưng dù sao, lịch sử sẽ không phê phán hành động thoái vị của Hoàng Đế. Lịch sử sẽ riêng chỉ trích thái độ ‘’vỗ tay vào’’ của một số cận thần trong triều đã tắc trách, đã rũ áo trốn trách niếm, phó mặc Hoàng Đế đối phó với biến chuyển của thời cuộc.
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, không khí bàng bạc buồn tênh muôn thuở của Đế Đô đã chứng kiến cuộc ‘’bể dâu’’ tại Ngọ Môn Đài. Vị Hoàng Đế cuối cùng của triều Nguyễn cũng như của dân tộc Việt Nam nghiêm trang trao Bửu Kiếm và Ngọc Tỷ, biểu hiệu Ngai Vàng cho đại diện cách mạng (Nguyễn lương Bằng) đại diện tổng bộ (Trần huy Liệu, phó chủ tịch ủy ban giải phóng lâm thời và Cù huy Cận, ủy viên). Đồng thời Người tiếp nhận dấu hiệu ‘’Người Công dân thứ nhất của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa’’.
Lá cờ đỏ rực, mầu máu lửa, thấp thoáng ánh sao từ từ được kéo lên Ngọ Môn Đài thay cho lá Cờ Vàng nho nhã Quẻ Ly…
Trước hoan hỷ chất phác của quốc dân, Vua Bảo Đại ban bố một tờ chiếu.
Chiếu rằng:
‘’Hạnh phúc của dân Việt Nam
Độc Lập của nước Việt Nam.
Muốn đạt mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố sẵn sàng hy sinh hết thảy, và muốn rằng sự hy sinh của Trẫm phải lợi ích cho Tổ Quốc.
Xét tới sự đoàn kết toàn thể quốc dân trong lúc này là điều tối cần thiết, Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi trong giờ nghiêm trọng của Lịch Sử Quốc Gia: Đoàn Kết là sống, Chia Rẽ là chết.
Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc Bộ lên cao, nếu Trẫm cứ yên vị đợi một Quốc Hội thì e rằng khó tránh được sự Nam Bắc tương tàn, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận lợi cho người ngoài lợi dụng.
Mặc dầu Trẫm đau đớn nghĩ đến công lao Liệt Thánh đã vào sinh ra tử đã gần 400 năm để mở mang non sông đất nước từ Thuận Hóa tới Hà Tiên. Mặc dầu Trẫm buồn rầu nghĩ tới 20 năm qua Trẫm ở trong cái cảnh không thể thi hành được việc gì đáng kể cho nước nhà như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị nhường quyền điều khiển quốc dân cho chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa.
Sau khi thoái vị, Trẫm chỉ mong ước có 3 điều:
Đối với Tôn Miếu và Lăng Tẩm của Liệt Thánh, chính phủ mới nên giữ gìn cho có trọng thể.
Đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền Độc Lập Quốc Gia nhưng không đi sát phong trào dân chúng, Trẫm mong chính phủ mới ôn hòa mật thiết đối xử để những phần tử ấy cũng có thể góp sức kiến thiết quốc gia và để tỏ ra rằng chính thể mới xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
Trẫm mong tất cả các đảng phái, các giai tầng xã hội, các người trong Hoàng Tộc nên hợp nhất ủng hộ triệt để chính phủ dân chủ để giữ vững nền Độc Lập nước nhà.
Riêng Trẫm trong 20 năm Ngai Vàng Bệ Ngọc, đã biết bao lần ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân một nước Độc Lập, quyết không để ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay danh nghĩa của Hoàng Gia mà lung lạc quốc dân nữa.
Việt Nam Độc Lập muôn năm!
Dân Chủ Cộng Hòa muôn năm!
Khâm thử: BẢO ĐẠI.
Bản tuyên chiếu của Hoàng Đế Việt Nam biểu dương một tinh thần siêu việt, đậm đà lòng yêu mến quốc dân, lòng nhiệt thành với non sông, lòng quảng đại hiếm có.
Sau lễ Thoái vị cử hành ở Đế Đô, ngày 2 tháng 9 tại Hà Nội, Hồ chí Minh đọc trước quốc dân bản tuyên ngôn độc lập và tuyên bố nước Việt Nam hoàn toàn tự chủ.
Hồ chí Minh giới thiệu chính phủ lâm thời của chính thể mới:
Chủ Tịch kiêm Ngoại Giao: Hồ chí Minh.
Nội Vụ: Võ nguyên Giáp
Tuyên Truyền: Trần huy Liệu
Quốc Phòng: Chu văn Tấn
Tài Chính: Phạm văn Đồng
Kinh Tế: Nguyễn mạnh Hà
Lao Động: Lê văn Hiến
Thanh Niên: Dương đức Hiền
Giáo Dục: Vũ đình Hòe
Tư Pháp: Vũ trọng Khánh
Giao Thông, Công Chánh: Đào trọng Kim
Y Tế Vệ Sinh: Phạm ngọc Thạch
Xã Hội: Nguyễn văn Tố
Bộ Trưởng không bộ nào: – Cù huy Cận,
– Nguyễn văn Xuân
Chính phủ lâm thời nhấn mạnh trước thế giới những lời mà Cựu Hoàng đã tuyên bố ngày 11.3.1945: Chính phủ lâm thời thay mặt toàn thể dân tộc tuyên bố từ nay Việt Nam không còn ràng buộc phụ thuộc gì với đế quốc Pháp, hủy bỏ mọi Hiệp Ước đã ký giữa Pháp và Việt Nam, thủ tiêu mọi độc quyền của Pháp trên toàn lãnh thổ. Toàn thể dân Việt Nam nhất quyết tập hợp mọi khả năng tinh thần và vật chất, hy sinh tính mạng, tài sản để giữ gìn tự do và độc lập…
Chính phủ lâm thời ra mắt dân chúng được ai nấy đều hoan hô, tỏ tinh thần ủng hộ.
Nhìn qua danh sách, những người hằng tâm nghĩ đến quốc gia đều nhận thấy đa số lãnh tụ Cộng Sản nắm giữ những Bộ trọng yếu. Chính phủ đã ĐỎ, lại chịu quyền chi phối trực tiếp của Tổng Bộ Việt Minh, ‘’ĐỎ hơn một chút’’. Tổng Bộ lại là con đẻ của trung ương đảng Cộng Sản Đông Dương, như thế, ta thấy chính phủ lâm thời ấy quả chỉ là một kiểu ‘’bù nhìn’’.
Bắt tay vào việc, quốc dân ai cũng phải công nhận chính phủ lâm thời phải đối phó ngay với tình thế bi đát, vẫn do nạn đói, nạn lụt, nạn máy bay vừa qua…nhưng thực ra, chính phủ đã đặt công tác tuyên truyền lên hàng đầu và thứ đến là công tác diệt trừ các đảng phái chính trị khác như Đại Việt, Thanh Niên Ái Quốc v.v…
Các ủy ban hành chính thành phố, tỉnh, phủ, huyện, Làng được thành lập. Nơi nào cũng xúc tiến việc tập họp các giai tầng xã hội, các đoàn thể mọc lên như nấm: Thanh niên, phụ nữ, phụ lão cứu quốc, nhi đồng cứu vong, tự vệ phố, tự vệ thành, tự vệ chiến đấu v.v…
Tuy vậy, toàn dân chúng, lần đầu tiên tham gia hoạt động chính trị, cũng thấy vui và ham thích. Sự ham thích nhiều khi quá trớn đã gây nên nhiều chuyện đáng chê trách. Có nơi, con cái sau khi hội họp về, gọi luôn Cha, Mẹ bằng ‘’đồng chí’’, đáng lẽ dò la địch, lại về nhà dò la ngay trong họ để báo cáo lên cấp trên, nhiều thanh niên và phụ nữ cứu quốc ‘’hỗn loạn’’ khiến các bậc huynh trưởng phải bực mình.
Đám con trẻ của thời đại vừa chớm phải nọc ‘’duy vật’’ đã hăng hái bỏ hết thuần phong mỹ tục của cha, ông, tự coi mình là thần thánh.
Những chuyện đau lòng: Bỏ tù bố, giết anh, bỏ vợ, bỏ chồng ‘’không cùng lý tưởng’’ để lấy ‘’đồng chí’’ đã xảy ra không sao đếm xiết.
Trong mấy tháng đầu, ngoài việc tổ chứ hạ tầng cơ sở hành chính, chính trị, phân chia các Khu, các Phố, mở các trường quân chính, đào tạo cán bộ quân sự, chính trị, gây phong trào ‘’Khỏe vì nước’’, ‘’Đời Sống Mới’’…, chính phủ lâm thời tích cực tuyên truyền và sửa soạn bầu cử quốc hội vào tháng Giêng năm 1946.
Danh từ ‘’phổ thông đầu phiếu’’ là một mới lạ đối với người dân còn bỡ ngỡ.
Ngày 6 tháng 1.1946, lệnh Tổng tuyển cử được thi hành.
Các lãnh tụ Việt Minh và một số ‘’dân chúng’’ chia nhau ứng cử tại các tỉnh trong toàn quốc.
Thường thường danh sách đã được để sẵn gần như chỉ định để dân chúng, trong tâm trạng hào hứng nhất thời cứ việc biên lia lịa.
Từ 9.9.1945, quân đội Tưởng Giới Thạch do Tướng Lư Hán đặt chân lên Bắc Việt để tước khí giới quân đội Nhật. Cùng đi về có những nhà cách mạng quốc gia như Cụ Nguyễn Hải Thần, các ông Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, v.v…Trên đường hành quân của quân đội Trung Hoa, lực lượng cách mạng quốc gia, nhờ sự giúp đỡ, đã thiết lập luôn được căn cứ địa suốt dọc Lao Kay và Vĩnh Yên.
Đến Hà Nội, phong trào quốc gia mạnh bạo lên tiếng phản tuyên truyền Việt Minh, tố giác hành động Cộng Sản của Việt Minh, thành lập các trụ sở, xuất bản báo chí…Một mối nguy hại lớn cho phe Việt Minh.
Trước tình thế cấp bách có thể bị lộ chân tướng với quốc dân và thế giới, trung ương Cộng Sản đảng Đông Dương tuyên bố tự giải tán. Nhưng họ đã khôn khéo biến hình thành Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác Xít để che mắt mọi người. Thủ đoạn chính trị ấy vẫn không thể hoàn toàn lừa bịp nổi những chính khách đối lập khiến cho cuộc đấu tranh thật sự giữ những cán bộ hạ tầng tiếp diễn đẫm máu luôn luôn, trong các hang cùng ngõ hẻm, trên hè phố. Các đảng phái đòi thành lập một chính phủ Liên Hiệp.
Dưới sự tranh đấu gắt gao của các lực lượng Quốc Gia, Việt Minh gấp rút tổ chức tổng tuyển cử.
Tại Hà Nội, Hồ chí Minh được đắc cử với 98 phần trăm phiếu bầu. Võ nguyên Giáp trúng cử ở Nghệ An với 97 phần trăm phiếu bầu. Phạm văn Đồng, Lê văn Hiến trúng cử tại Trung Bộ. Ngoài ra còn có Cựu Hoàng trúng cử tại Thanh Hóa, và ở các nơi khác, những đảng viên dân chủ đảng: Vũ đình Hòe, Dương đức Hiền, Đỗ đức Dục…
Được đắc cử thực ra không ngoài các lãnh tụ Việt Minh và những người thân Việt Minh. Những người bị nghi ngờ ‘’đối lập’’ không hy vọng gì được tham gia quốc hội.
Nhưng bị áp lực của các lãnh tụ Quốc Gia, Việt Minh ép lòng thêm 70 ghế nghị sĩ cho phe ‘’đối lập’’ của họ. 70 ghế này dành cho Việt Nam Quốc Dân Đảng (50) và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (20).
Sau khi chính phủ lâm thời giải tán, Hồ chí Minh tuyên bố quyền tổ chức chính phủ mới do quốc hội định đoạt.
Quốc hội được triệu tập dưới quyền chủ tọa của Cụ Nguyễn Văn Tố quyết định những việc quan trọng: Quốc kỳ, Quốc ca, Hiến pháp và thành lập chính phủ Liên Hiệp.
Quốc hội biểu quyết lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ. Bài Tiến Quân Ca làm quốc ca thay bài Tiếng Gọi Thanh Niên. Nhưng thực ra, cờ đỏ sao vàng, mầu cách mạng quốc tế, là cờ Đông Dưong Cộng Sản đảng đã được quyết định từ trước, cho nên Việt Minh vấp phải sự bất đồng ý của những người Quốc Gia.
Tiểu ban dự thảo Hiến Pháp được quốc hội giao cho nghị sĩ trẻ tuổi Nguyễn đình Thi phụ trách.
Chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia được thành lập gồm có thành phần của các đảng phái:
Hồ chí Minh: Chủ tịch
Nguyễn Hải Thần: Phó Chủ tịch
Huỳnh Thúc Kháng: Nội vụ
Nguyễn Tường Tam: Ngoại giao
Phan Anh: Quốc phòng
Vũ đình Hòe: Tư pháp
Trần đăng Khoa: Công chánh
Nguyễn Văn Tạo: Lao động
Lê văn Hiến: Tài chánh
Chu bá Phượng: Kinh tế
Nguyễn tấn gi Trọng: Tuyên truyền (Tổng giám đốc)
Trương Đình Tri: Y tế
Huỳnh thiện Lộc: Canh nông
Nghiêm Kế Tổ: Ngoại giao (Thứ trưởng)
Cù huy Cận: Canh nông (Thứ trưởng)
Quân Sự Ủy Viên Hội:
Chủ Tịch: Võ nguyên Giáp
Phó Chủ Tịch: Vũ Hồng Khanh
Cựu Hoàng giữ chức Cố Vấn Tối Cao của chính phủ.