Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Chương 4
T
rọng Khang ngần ngừ, rồi đĩnh đạc bước vào. Con gái ông chủ thầu lúc ấy đang cho phim vào máy ảnh, vội ngửng đầu lên. Một nét mừng bừng nở như hoa. Nàng chạy vội ra đón Trọng Khang:
- Ngài đã đổi ý kiến rồi à? Ngài đem ngựa lại bán cho tôi đấy à?
Sực nhớ lại cuộc nói chuyện ngày hôm qua về chỗ người Nam lại đi nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, nàng cười giòn tan:
- Ấy chết, tôi lại quên! Tôi lại nói tiếng Pháp với ngài rồi. Ngài nên biết cả đêm hôm qua, tôi cứ nghĩ vẩn vơ về con ngựa của ngài mà không tài nào ngủ được. Nếu ngài đổi ý kiến thì tôi sung sướng biết mấy.
- Tôi rất tiếc không thể làm cho cô sung sướng được. Tôi đến đây không phải là để bán ngựa, mà là để xin... việc làm.
- Việc làm? Tôi tuyệt nhiên chẳng biết một tí gì, tôi lên đây chỉ là đi chơi xem phong cảnh. Nếu thế xin mời ngài lên gác. Ba tôi với anh François đang ngồi ở trên đó bàn tính công việc.
Trọng Khang đi theo đến cầu thang thì người con gái bỗng quay lại:
- Tôi không biết có công việc gì có thể để cho ngài làm được không. Nhưng nếu có công việc, ngài cùng đi với chúng tôi thì vui lắm.
Trọng Khang khẽ nghiêng đầu để cám ơn. Lên khỏi cầu thang, người con gái vừa chạy, vừa gọi to:
- Ba ơi, người có ngựa hôm qua đã đến đây này.
Đến cửa, Trọng Khang ngừng lại. Cửa mở, Trọng Khang ngó vào thì thấy ông chủ thầu đang hí húi chỉ trỏ một tấm địa đồ và bàn luận với người mà con gái ông gọi bằng anh François. Con gái ông vào, ông cũng không ngửng đầu lên.
- Con thích thì con mua, rồi trả tiền người ta, chứ gọi ba làm gì?
Người con gái ấy đặt tay vào vai ông rồi nói một cách nũng nịu:
- Nhưng người ta đến không phải là bán ngựa...
- Thế thì người ta đến làm gì?
- Người ta đến xin việc làm.
Ông chủ thầu lúc ấy, mới ngửng đầu lên. Trọng Khang tiến vào. Ông ta nhìn chàng, rồi giơ tay bắt tay.
Đây ông François Giáp, kỹ sư giúp việc cho tôi.
Trọng Khang lại bắt tay Giáp:
- Còn đây là con gái tôi, chắc ông đã biết rồi.
Ông chủ thầu vừa nói, vừa quàng tay ra sau lưng con gái.
- Chúng tôi được hân hạnh biết cô là con ngài, nhưng chưa được cái vinh dự biết...
- Tên tôi chứ gì? Tên tôi là Marie Ngọc. Nhưng ông không thích tên Tây thì ông có thể gọi tôi là Khánh Ngọc.
Khánh Ngọc nói xong, chạy lại gần bên Giáp, hỏi bằng tiếng Pháp:
- Từ sáng đến giờ anh làm được nhiều việc chưa?
- Nhiều rồi. Thế nào, hôm nay đẹp trời, cơm xong, chúng ta đi chụp ảnh chứ?
- Còn để xem...
- Sao lại còn để xem?
Khánh Ngọc trả lời một cách hóm hỉnh:
- Ngộ trời mưa thì sao.
Rồi nàng chạy lại cạnh cha:
- Ba có việc gì cho ông ấy làm để thỉnh thoảng con được cỡi nhờ con ngựa của ông ấy.
Ông chủ thầu đặt điếu thuốc lá xuống bàn:
- Kể việc thì cũng có nhiều. Nhưng không rõ ông biết làm những gì, thì tôi mới có thể liệu mà mượn ông được chứ?
Đương làm chủ, nay phút chốc gặp cảnh ngộ phải tụt xuống người làm công, Trọng Khang thấy khó chịu về những câu hỏi của ông chủ thầu. Nhưng chàng cố nén lòng tự ái:
- Những công việc chuyên nghiệp thì tôi không biết. Và tôi chắc ngài đã mượn đủ người làm rồi. Song sang đất Tàu và làm một công việc to lớn như thế này, hẳn ngài phải giao thiệp nhiều, tất ngài cần đến một người thông ngôn tin cẩn. Tôi biết tiếng Vân Nam nhiều, có thể thông ngôn được một cách rõ ràng. Với lại ở cái đất đầy giặc cỏ như thế, một người... can trường và tay súng giỏi cũng có thể giúp ngài được nhiều việc.
Khánh Ngọc hấp tấp hỏi ngay:
- Ông bắn giỏi lắm à?
- Tôi có thể bắn vỡ một quả trứng ngoài ba mươi thước.
Ông chủ thầu ngẫm nghĩ một lát:
- Phải, ông đoán đúng. Tôi hiện bây giờ cũng đã có nhiều người thông ngôn, nhưng tôi chưa được vừa ý. Trước khi mượn ông, tôi cần biết trước kia ông làm gì, và ông định lấy tôi một số lương độ bao nhiêu?
Trọng Khang tần ngần một khắc:
- Tôi trước đây mười lăm hôm là một người buôn gỗ. Vì trận bão hôm nọ, bao nhiêu bè gỗ của tôi bị vỡ sạch. Hết vốn, tôi phải buộc lòng đi làm công. Lương hậu thì tôi chưa cần nói vội, để ngài dùng tôi trong ít lâu, xem tôi đáng bao nhiêu thì ngài trả. Bao nhiêu tôi cũng xin vui lòng. Nhưng tôi cũng cần thưa để ngài biết, cái chủ định của tôi đến đây không phải là để làm công mãi. Tôi ở đất này đã lâu, thời thường cũng có sang Tàu chơi, có quen biết ít người ở bên ấy, công việc của ngài thì nhiều, nếu còn đoạn đường nào, ngài cho thầu lại, tôi xin mộ cu-li làm. Chứ ngài tính một khi đã buôn bán bạc vạn thì dẫu bây giờ mỗi tháng có được một trăm bạc lương chăng nữa cũng vẫn là ít.
- Sự thầu lại thì tôi chưa dám nói trước. Để sang bên ấy, rồi tôi sẽ liệu. Nhưng có phải ngài giỏi tiếng xạ phang thì ngài hẵng cứ theo chúng tôi, công xá tôi sẽ liệu cho ngài sau. Nếu ngài giúp việc cho tôi đắc lực thì tôi quyết chẳng để cho ngài phải ân hận. Sáng ngày kia tôi đi, ngài về thu xếp rồi ta cùng đi.
Ở nhà ông chủ thầu bước ra, Trọng Khang lòng nặng như chì, chàng về nhà nằm lặng ở giường nghĩ ngợi. Ông Phó thấy chủ buồn, cứ xoăn xeo ở chung quanh, nhưng không dám hỏi. Trọng Khang nằm chừng mười phút, rồi lấy giấy viết một bức thư dài cho em gái. Viết xong, chàng gọi ông Phó lại gần.
- Tôi không muốn chi cái cảnh thầy trò xa nhau, nhưng cảnh ngộ bắt buộc chúng ta phải thế. Bây giờ, tôi đã nhận lời làm công với ông chủ thầu đằng kia, tôi phải sang Tàu với ông ta.
Ông Phó vừa nghe đến đây, đã ứa nước mắt:
- Cậu đi làm công, khổ cực cậu chịu làm sao được! Ai hầu hạ trông nom cậu.
Ông Phó nói đến đấy ngồi thụp xuống, lấy hai tay bưng mặt khóc hu hu. Trọng Khang cáu tiết quát rầm nhà:
- Nếu ông khóc thì tôi tống ông về Hà Nội ngay mà không nói với ông một lời nào nữa.
Thấy chủ giận, ông Phó vội vàng lau nước mắt:
- Thì con nín rồi, cậu cứ nói đi.
- Ông bảo nếu tôi không đi làm như thế lấy gì mà sống sau này?
- Thì còn hơn sáu mẫu ruộng ở nhà quê, bán đi cũng được một vài nghìn. Ít tiền thì ta làm ít vậy. Sang năm, gỗ may ra có giá thì cũng được ba bốn nghìn rồi. Ta lại gây dần dần vậy.
- Thế ngộ lỗ và bè vỡ như năm nay thì sao?
- Thì thôi.
Trọng Khang nắm tay ông Phó lôi dậy:
- Không tính quẩn như thế được. Ông ở với thầy mẹ tôi ngót bốn mươi năm, mới gây được một cái cơ đồ như thế. Vả lại ông còn vợ, còn con ông...
- Vợ con không đứa nào dám nói gì. Nói gì thì con giết. Con về bán chỉ mười ngày là con có thể mang tiền lên cho cậu. Cậu đừng đi làm công, người ta sai, khổ lắm.
- Tôi đã bảo ông đừng tính quẩn mà! Ý tôi đã quyết rồi, không được nói gì nữa. Nói nữa thì thầy trò lìa nhau đấy.
- Cậu lìa con, nhưng con không bao giờ lìa cậu.
- Thế thì ông im đi mà nghe tôi, đừng lôi thôi gì nữa.
- Thì con xin nghe.
- Ông cầm bức thư này về đưa cho em gái tôi, và ông cố khuyên giải nó đừng có buồn phiền gì cả. Tôi đi với người ta chừng một năm, xong công việc, thì thế nào tôi cũng có một cái vốn to trở về. Tôi chỉ lên làm công ít lâu thôi, rồi tôi sẽ thầu lại công việc của người ta.
- Thế thì cậu cho con đi theo với.
- Ồ! Theo là theo thế nào? Có đời nhà ai đã đi làm đầy tớ lại còn đem đầy tớ đi theo không?
- Nhưng cậu đi một mình như thế, không có người theo hầu hạ thì con chịu làm sao được?
- Thế ông già, mai kia ông chết đi thì ai hầu tôi. Ông đội đá ở đời mà hầu tôi mãi được à?
- Lúc ấy lại khác, chứ bây giờ...
- Thôi đừng có nói cùng. Người ta ở cảnh phú quý thì xử theo phú quý, ở cảnh bần hàn, phải xử theo cảnh bần hàn. Đàn ông như con dao pha, cảnh ngộ nào cũng xử được thì mới sống được chứ. Người ta mướn tôi để làm việc, chứ không phải để làm ông hạng. Xưa nay, tôi nể ông cho nên đem ông theo, chứ tôi có thích để ông hầu hạ tôi đâu. Thôi, thu xếp đồ để về đi. Chỉ để vào cái túi da cho tôi mấy cái sơ mi, hai bộ quần áo ngủ, cái áo len, cái áo da, vài quyển sách tôi chưa xem thôi, còn thì đem gửi ông Khôi. Thồ cả về Phố Lu. Đến Phố Lu ông bán con ngựa đi. Được bao nhiêu cho ông cả, mua quà về cho cháu. Đây còn hai mươi đồng, thầy trò chia nhau, mỗi người một nửa.
- Thì cậu cầm lấy cả mà tiêu. Con chuộc cái ống thuốc, mất có bốn đồng, còn một đồng đây, con về Phố Lu đủ rồi.
- Tôi đã bảo tôi không muốn ông cãi tôi một điều gì cả. Đây mười đồng, cầm lấy, rồi thu xếp đi, mai về sớm.
Ông Phó cầm lấy mười đồng bạc, vừa mếu vừa khóc:
- Thế cậu không cho con đi theo thật ư?
- Chẳng thật thì dối à?
- Nếu cậu thầu được thì con cũng có thể giúp cậu được nhiều việc.
- Ai chả biết thế. Nhưng từ nay cho đến ngày ấy thì tôi lấy cơm gạo đâu mà nuôi ông.
- Thì còn hai mươi đồng bạc đấy, con ăn dè cũng đủ đến ngày ấy.
- Thôi, lý sự thế thì không cùng. Thu xếp đi, rồi mai về sớm, có thế thôi. Ông có nghe tôi hay không thì ông bảo. Ông muốn cho tôi buồn tôi chết thì ông cứ trái lời tôi đi.