Nguyên tác: Blink: The Power Of Thinking Without Thinking
Số lần đọc/download: 0 / 34
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:28 +0700
2.Phía Sau Cánh Cửa Khóa
S
ự tồn tại bí ẩn của các quyết định tức thời
Cách đây không lâu, một trong những huấn luyện viên hàng đầu trong làng quần vợt thế giới, ông Vic Braden đã bắt đầu để ý tới một điều kỳ lạ xuất hiện mỗi khi ông theo dõi các trận đấu tennis. Trong môn thể thao này, các tay vợt có hai cơ hội để thực hiện cú giao bóng thành công, nhưng nếu họ đánh hỏng lần thứ hai, họ sẽ mắc lỗi và người ta gọi lỗi này là double–fault (lỗi phát bóng hỏng hai lần liên tiếp), và những gì mà Braden nhận ra là ông luôn biết trước thời điểm khi lỗi phát bóng hỏng hai lần sắp xảy ra. Khi tay vợt tung bóng lên không, co người giật lùi cây vợt lại, ngay lúc vợt tiếp xúc với bóng ông đã thốt lên: “Ồ không, lại là một cú double–fault” và đúng khi ấy, chắc chắn, quả bóng hoặc là ra ngoài vạch vôi cuối sân, nhầm ô, hoặc không qua lưới. Vấn đề dường như không phải nằm ở chỗ vận động viên đang phát bóng là nam hay nữ, trận đấu đó là ông theo dõi trực tiếp trên sân hay gián tiếp qua màn hình ti vi, hay cũng như ông đã biết tay vợt đó giao bóng tốt hay không. Ông cho biết: “Tôi đã thốt lên ‘double–fault’ khi xem một trận đấu có sự tham gia của nữ vận động viên quần vợt đến từ nước Nga mà tôi chưa hề gặp trong đời.” Cũng chẳng phải do Braden đã gặp may mắn. May mắn là khi bạn đoán trúng trong trò tung sấp ngửa đồng xu. Còn lỗi hai lần phát bóng hỏng liên tiếp rất hiếm khi xảy ra. Trong cả trận đấu tennis, một tay vợt chuyên nghiệp có thể có hàng trăm cú phát bóng, nhưng lỗi double–fault xảy ra không quá ba đến bốn lần. Một năm, Braden đã quyết định theo dõi một giải đấu quần vợt chuyên nghiệp có quy mô lớn tổ chức tại Indian Wells, gần ngôi nhà của ông ở phía Nam bang California và nhận thấy trong các trận đấu quần vợt mà ông theo dõi, ông dự đoán chính xác mười sáu trong tổng số mười bảy lần xảy ra lỗi phát bóng hỏng hai lần liên tiếp. Braden cho biết: “Trong phút chốc, điều đó trầm trọng đến mức khiến tôi thấy hoảng sợ. Đúng là nó đã khiến tôi thực sự sợ hãi. Tỷ lệ đoán đúng của tôi gần như là hai mươi trên hai mươi, nhưng vấn đề là ở chỗ những tay vợt mà chúng ta nhắc đến ở đây lại là những người hầu như chưa bao giờ mắc phải lỗi phát bóng hỏng hai lần liên tiếp.”
Braden bây giờ đã ở vào độ tuổi bảy mươi. Thời trẻ, ông là một vận động viên trứ danh của làng quần vợt thế giới, trong năm mươi năm qua, ông đã từng huấn luyện, cố vấn và có quan hệ quen biết với rất nhiều những tay vợt cừ khôi nhất trong lịch sử phát triển của môn thể thao này. Tuy là người có vóc dáng nhỏ bé nhưng sức sống ở Braden luôn căng tràn như ở một người chỉ mới vào độ tuổi ba lăm. Nếu bạn trò chuyện với các nhân vật trong giới quần vợt, họ sẽ nói cho bạn biết rằng hơn ai hết, Vic Braden là người hiểu rõ nhất về sắc thái, sự tinh tế của bộ môn thể thao này. Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Vic Braden thực sự tài tình trong việc phán đoán các quả phát bóng chỉ qua một cái nháy mắt. Năng lực này không có gì khác biệt so với khả năng của các chuyên gia nghiên cứu về nghệ thuật khi quan sát bức tượng Kouros ở Bảo tàng Getty và ngay lập tức nhận ra rằng đó là đồ giả mạo. Braden chia nhỏ vài ba chi tiết nào đó trong động tác phát bóng thành những lát cắt mỏng và – nháy mắt! – ông đã hiểu ra vấn đề. Nhưng đây mới là điều đáng chú ý: Braden đã rất thất vọng, vì ông hoàn toàn không thể trả lời được câu hỏi: làm thế nào mà ông lại có khả năng dự đoán như vậy.
Braden nói: “Tôi đã nhìn thấy cái gì? Tôi nằm trên giường và suy ngẫm. Tôi đã thực hiện điều đó như thế nào? Tôi không có câu trả lời cho những câu hỏi đó. Điều này làm tôi như muốn phát điên lên. Nó hành hạ tôi. Tôi đã xem xét lại và kiểm tra một cách kĩ lưỡng quả phát bóng trong trí nhớ để cố gắng luận ra vấn đề. Liệu các tay vợt có sẩy chân, có bước thêm một bước nữa hay họ đã làm cho quả bóng bật cao hơn (đây là những yếu tố có thể thay đổi các động tác vận động của họ)?” Nhưng dường như những dấu hiệu mà Braden sử dụng để đưa ra các kết luận của mình đã được chôn sâu trong tiềm thức, và ông không thể lần ra được.
Đây là cơ sở lập luận then chốt thứ hai về ý nghĩ và các quyết định nổi lên từ tiềm thức con người. Trước hết, những đánh giá tức thời diễn ra trong khoảng thời gian vô cùng nhanh: chúng dựa trên những lát cắt mỏng nhất của kinh nghiệm. Nhưng con người lại không có ý thức về chúng. Trong thí nghiệm của trường Iowa, khá lâu trước khi những người chơi bài thực sự nhận thức được vấn đề, họ đã bắt đầu tránh bộ bài màu đỏ ẩn chứa nhiều nguy hiểm trong khi đó bộ não có ý thức của chúng ta cần thêm bảy mươi quân bài nữa mới đưa ra được kết luận cuối cùng về những gì đang diễn ra. Khi Harrison, Hoving cũng như các chuyên gia người Hy Lạp lần đầu tiên đối diện với bức tượng Kouros, họ cảm thấy một làn sóng của lực đẩy trực giác và những thông điệp bất chợt xuất hiện trong đầu khiến Harrison phải thốt lên: “Tôi rất lấy làm tiếc khi biết điều đó.” Nhưng từ lúc xuất hiện mối nghi ngờ đầu tiên ấy, còn một chặng đường rất dài nữa họ mới liệt kê chính xác được tại sao họ lại có cảm giác như vậy. Hoving đã nói chuyện với rất nhiều các chuyên gia nghiên cứu về nghệ thuật, những người mà ông gọi là những quả bom công phá đồ giả mạo (fakebuster) và tất cả những người này đều diễn tả hành động khám phá ra chân tướng của các tác phẩm nghệ thuật như là một quá trình mơ hồ đến kì lạ. Hoving cho biết những chuyên gia này cảm thấy “sự dồn nén đột ngột trong trí não, một loạt những dữ kiện rõ ràng phản ánh tràn ngập trong tâm trí khi họ quan sát tác phẩm. Một fakebuster mô tả lại trải nghiệm của mình cứ như thể đôi mắt và các giác quan của ông là một đàn chim ruồi đang bay tới bay lui qua rất nhiều trạm trung chuyển. Trong khoảng thời gian tính bằng phút nhưng cũng có lúc tính bằng giây, vị fakebuster này đã ghi nhận được những tín hiệu cảnh báo ‘Hãy cẩn thận!’”
Sau đây là đoạn tường thuật lại của Hoving về nhà sử học chuyên nghiên cứu nghệ thuật, ông Bernard Berenson: “[Berenson] thỉnh thoảng lại khiến cho các đồng nghiệp của mình phải khổ sở bởi vì không thể diễn tả nổi làm thế nào ông có thể nhận ra một cách rõ ràng những khuyết điểm rất nhỏ, những chi tiết mâu thuẫn trong tác phẩm để có thể khẳng định nó nếu không phải là đồ giả mạo thì cũng là một thứ đồ cóp nhặt. Trên thực tế, trong những trường hợp không rõ căn cứ như vậy, Berenson chỉ có thể nói rằng bụng ông cảm thấy có điều gì đó bất ổn. Trong tai ông văng vẳng tiếng chuông kích thích trí tò mò. Có một sự phiền muộn nhất thời khiến ông phải để tâm chú ý. Hoặc nếu không ông sẽ cảm thấy mê man, chóng mặt, mất cân bằng. Khó có một sự diễn tả mang tính khoa học nào có thể lý giải cho việc bằng cách nào Berenson nhận biết được ông đang đứng trước một thứ đồ giả mạo hay chỉ do người ta bịa đặt ra. Rõ ràng, phải mất một chặng đường rất dài nữa Berenson mới có thể hiểu được vấn đề.”
Những đánh giá tức thời và sự nhận thức nhanh nhạy diễn ra sau một cánh cửa được khóa kín. Vic Braden đang cố nhìn sâu vào trong cánh cửa đóng kín đó. Ban đêm, ông thức khuya hơn để cố gắng tìm ra điều ẩn giấu bên trong những quả phát bóng đã kích thích óc phán đoán của ông. Nhưng ông không thể.
Tôi cho rằng chúng ta không giỏi lắm trong việc tìm hiểu sự thực bên trong cánh cửa bị khóa đó. Đó là yếu tố giúp ta thừa nhận khả năng vô hạn của những phán đoán xuất thần và những lát cắt mỏng nhưng cũng khiến ta đặt niềm tin vào những thứ có vẻ huyền bí. Con trai của tỉ phú đầu tư George Soros đã cho biết: “Cha tôi sẽ ngồi xuống bên cạnh và giải thích cho bạn biết vì sao ông lại làm việc này hoặc việc kia. Nhưng tôi nhớ trước đây tôi đã chỉ xem xét điều này dưới con mắt của một đứa trẻ và nghĩ rằng, ít nhất một nửa trong số những điều đó là chuyện vô lý. Ý của tôi là, như bạn biết đấy lý do mà cha tôi cho rằng đã thay đổi vị thế của ông trên thương trường hay bất cứ cái gì tương tự như vậy là bởi những khi cần đưa ra quyết định, chứng đau lưng lại bắt đầu hành hạ ông. Đúng là lưng của ông đã xuất hiện những cơn đau co thắt, và điều đó là một dấu hiệu cảnh báo sớm.”
Rõ ràng, một phần lý do khiến George Soros thực hiện rất xuất sắc công việc của mình là do ông là người nhận thức được giá trị của các kết quả do những lập luận vô thức mang lại. Nhưng nếu bạn hoặc tôi có ý định đầu tư cùng với Soros, chúng ta sẽ cảm thấy lo ngại nếu lý do duy nhất khiến Soros có thể đưa ra quyết định của mình là lại nhờ vào cơn đau lưng của ông. Một giám đốc điều hành đã giành được nhiều thành công lớn như Jack Welch có thể lấy tựa đề cho cuốn tự truyện của mình là Jack: Thẳng tiến bằng lòng quyết tâm (Jack: Straight from the Gut), nhưng sau đó có nói rõ rằng điều khiến ông khác với những vị giám đốc điều hành khác không chỉ nằm ở lòng quyết tâm, can đảm thực hiện quyết định mà còn nhờ vào các thuyết quản lý, các phương thức, và cả những nguyên tắc mà ông đã thực hiện. Mọi người thường đòi hỏi phải trích dẫn nguồn và chú thích cho các quyết định mà người khác đưa ra, và nếu chúng ta cho họ biết những gì chúng ta cảm thấy, chắc chắn họ sẽ chuẩn bị thêm câu hỏi: tại sao chúng ta lại cảm thấy như thế. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Bảo tàng Getty, ít nhất là vào lúc đầu, rất khó chấp nhận ý kiến của các chuyên gia như Hoving, Harrison và Zeri: Họ có thể dễ dàng lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học cũng như các luật sư hơn bởi vì những người này có thể cung cấp những tài liệu giấy trắng mực đen chứng minh cho kết luận của mình. Theo ý kiến của tôi, phương pháp này là một sai lầm, và nếu chúng ta có ý định tìm cách để nâng cao chất lượng của những quyết định mình đưa ra, chúng ta cần phải chấp nhận bản chất đầy bí ẩn của những quyết định tức thời. Chúng ta cần phải tôn trọng một thực tế rằng chúng ta có thể biết một điều mà chúng ta không hiểu lý do tại sao chúng ta lại biết và phải chấp nhận rằng đôi khi bằng cách đó, chúng ta làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.
Khi được cung cấp thông tin để hành động
Hãy tưởng tượng rằng tôi là một giảng viên đại học và tôi vừa yêu cầu bạn đến văn phòng gặp tôi. Bạn đi xuống dãy hành lang dài, bước qua cửa và ngồi xuống bàn. Trước mặt bạn là một tờ giấy ghi danh sách những cụm có 5 từ. Dựa vào mỗi cụm từ này, tôi muốn bạn đặt một câu đúng ngữ pháp có chứa 4 từ càng nhanh càng tốt. Nó được gọi là bài kiểm tra sắp xếp các từ xáo trộn thành câu có nghĩa. Bạn đã sẵn sàng rồi chứ?
01 him/ was/ worried/ she/ always
02 from/ are/ Florida/ oranges/ temperature
03 ball/ the/ throw/ toss/ silently
04 shoes/ give/ replace/ old/ the
05 he/ observes/ occasionally/ people/ watches
06 be/ will/ sweat/ lonely/ they
07 sky/ the/ seamless/ gray/ is
08 should/ now/ withdraw/ forgetful/ we
09 us/ bingo/ sing/ play/ let
10 sunlight/ makes/ temperature/ wrinkle/ raisins
Bài kiểm tra chẳng có vẻ gì phức tạp, phải không? Nhưng thực tế thì lại không phải vậy. Sau khi hoàn thành bài kiểm tra đó – dù bạn có tin hay không – bạn có thể đã bước ra khỏi phòng và quay trở ra hành lang với tốc độ chậm hơn khi bạn bước vào. Qua bài kiểm tra này, tôi đã tác động đến hoạt động của bạn. Bằng cách nào ư? Nào, bạn hãy nhìn lại danh sách các chuỗi từ. Từ đầu đến cuối danh sách, xuất hiện một vài từ như “worried” (lo lắng), “Florida”, “old” (cũ), “lonely” (cô đơn), “gray” (xám xịt), “bingo” (trò bingo), và “wrinkle” (nếp nhăn). Có thể bạn cho rằng tôi chỉ đang yêu cầu bạn làm một bài kiểm tra ngôn ngữ đơn thuần. Nhưng trên thực tế, cùng lúc đó tôi đã bắt bộ máy phân tích thông tin lớn trong bộ não bạn – hay còn gọi là tiềm thức thích nghi – nghĩ đến những khía cạnh trong đời sống của người cao tuổi. Nó không thông báo những ám ảnh đột ngột đến các bộ phận khác của não bộ nhưng nó đã dẫn dắt bạn đến những chủ đề chính trong cuộc nói chuyện của tuổi già một cách nghiêm túc đến mức khi bạn hoàn thành bài kiểm tra và bước xuống hành lang, bạn hành động như một người đã cao tuổi. Bước chân của bạn chậm dần.
Bài thử nghiệm này do nhà tâm lý rất xuất sắc tên là John Bargh nghĩ ra. Và nó cũng là một ví dụ minh chứng cho cái được gọi là thử nghiệm về sự trang bị thông tin. Bargh cũng như các nhà tâm lý khác đã tiến hành rất nhiều những biến đổi xoay quanh thí nghiệm này làm cho nó thậm chí còn thú vị hơn nữa, và tất cả những biến đổi đó đều chỉ ra những gì đã diễn ra đằng sau cánh cửa bị khóa của tiềm thức. Chẳng hạn như, trong một lần Bargh và hai đồng nghiệp ở Đại học New York, Mark Chen và Lara Burrows, tổ chức một thí nghiệm trong căn phòng chỉ nằm ngay dưới văn phòng của Bargh. Họ đã sử dụng một nhóm sinh viên chưa tốt nghiệp làm đối tượng nghiên cứu và đưa cho mọi thành viên trong nhóm một trong hai bài kiểm tra sắp xếp các từ xáo trộn thành câu có nghĩa. Bài kiểm tra đầu tiên rải rác có những từ như “ aggressively” (xông xáo), “bold” (dũng cảm), “rude” (thô lỗ), “bother” (áy náy), “disturb” (làm phiền), “intrude” (vào bừa), và “infringe” (xâm phạm). Bài kiểm tra thứ hai lại có các từ như “respect” (tôn trọng), “considerate” (chu đáo), “appreciate” (đánh giá cao), “patiently” (nhẫn nại), “yield” (nhường đường), “polite” (lịch sự), và “courteous” (nhã nhặn). Hai bài kiểm tra không có nhiều từ tương tự, na ná nhau vì vậy các sinh viên đều nắm bắt được thông tin đưa ra. (Khi bạn ý thức được rằng bản thân đang được cung cấp thông tin, thì tất nhiên, việc trang bị thông tin không làm việc.) Sau khi làm xong kiểm tra – bài kiểm tra chỉ mất khoảng năm phút – các sinh viên được hướng dẫn đi xuống phòng đợi và nói với người điều khiển cuộc thử nghiệm để thực hiện tiếp nhiệm vụ tiếp theo.
Tuy nhiên, mỗi khi có một sinh viên đến văn phòng, Bargh phải đảm bảo được rằng người điều khiển thử nghiệm đó rất bận rộn, họ đang bị giữ chân trong cuộc đối thoại với một người khác nữa – tức một người tổ chức thí nghiệm (người đồng mưu) đứng ở hành lang, chặn cửa ra vào văn phòng người điều khiển thí nghiệm. Bargh muốn xem liệu rằng những sinh viên được trang bị những từ ngữ lịch sự có mất nhiều thời gian để xen vào cuộc nói chuyện giữa người điều khiển thí nghiệm và người đồng mưu hơn những người được cung cấp những từ ngữ thô lỗ không. Bargh hiểu rõ về sức mạnh kỳ lạ của các tác động của tiềm thức đến mức ông cảm thấy rằng các tác động này sẽ tạo ra sự khác biệt, nhưng ông cũng cho rằng các tác động sẽ là nhỏ. Trước đó, khi Bargh tham gia uỷ ban tán thành các thử nghiệm với người của Đại học New York, uỷ ban này yêu cầu ông phải cam kết rằng ông sẽ giảm bớt thời gian cho cuộc nói chuyện trong phòng đợi xuống chỉ còn mười phút. Bargh nhớ lại “Khi họ nói điều đó, chúng tôi nhìn họ và nghĩ thầm ‘Các ông chắc hẳn đang đùa’. Điều buồn cười là chúng tôi sẽ đánh giá sự khác biệt ở hai nhóm này trong khoảng thời gian 1/1.000 giây. Ý tôi là, đây là những người New York. Họ sẽ không chỉ đứng đó. Chúng tôi cho rằng có thể cuộc nói chuyện sẽ diễn ra khoảng một vài giây, hay nhiều nhất là một phút.”
Nhưng Bargh và các đồng nghiệp của ông đã nhầm. Những người được cung cấp những từ ngữ thô lỗ cuối cùng đã xen vào cuộc nói chuyện trung bình sau khoảng thời gian là năm phút. Tuy nhiên trong số những người được trang bị ngôn ngữ lịch sự, có đến đa số áp đảo – 82% – không hề ngắt lời chút nào. Nếu như cuộc thí nghiệm không kết thúc sau 10’, ai biết được họ sẽ đứng trong phòng chờ bao lâu với nụ cười nhẫn nại và lịch sự trên khuôn mặt?
“Cuộc thí nghiệm được tiến hành ngay phía dưới văn phòng của tôi”, Bargh nhớ lại. “Tôi phải lắng nghe cùng một cuộc nói chuyện được lặp đi lặp lại, giờ nào cũng thế mỗi khi có một sinh viên mới đi đến. Điều đó thật tẻ nhạt, rất rất tẻ nhạt. Những sinh viên này sẽ đi xuống hành lang và ở đây, họ sẽ nhìn thấy người đồng mưu mà người điều khiển thí nghiệm đang nói chuyện với nhau qua ô cửa. Và người đồng mưu cứ tiếp tục, tiếp tục nói về việc cô ta không hiểu mình đang định làm gì. Cô ta cứ hỏi và hỏi trong suốt mười phút liên tục, ‘Tôi sẽ đánh dấu cái này ở đâu đây? Tôi không biết được nữa.’” Bargh vẫn còn cau mày mỗi khi nhớ lại chuyện này và cả sự lập dị của nó. “Thí nghiệm này được tiến hành trong suốt cả kỳ. Và những người đã làm bài kiểm tra có chứa các từ ngữ lịch sự chỉ đứng đó.”
Cần phải nói rằng việc trang bị thông tin không giống với quá trình tẩy não. Tôi không thể làm cho bạn tiết lộ những chi tiết vô cùng riêng tư về thời thơ ấu khi cung cấp cho bạn những từ như “nap” (ngủ trưa), “bottle” (bầu sữa), “teddy bear” (gấu teddy). Tôi cũng không thể lập ra một chương trình yêu cầu bạn cướp ngân hàng. Tuy nhiên, các tác động của việc trang bị thông tin khá quan trọng. Hai nhà nghiên cứu người Hà Lan đã tiến hành một nghiên cứu trong đó các nhóm sinh viên sẽ trả lời 42 câu hỏi khá khắt khe trong trò board game (kiểu trò chơi diễn ra trên các tấm gỗ, ví dụ như cờ vua, cờ tướng...) có tên là Cuộc truy đuổi dễ dàng (Trivial Pursuit). Một nửa số sinh viên này được yêu cầu dành trước năm phút để suy nghĩ xem một vị giáo sư nghĩa là phải như thế nào và viết ra tất cả mọi phương án xuất hiện trong đầu họ. Kết quả là, những sinh viên này đã trả lời đúng 55,6% số câu hỏi. Số sinh viên còn lại đầu tiên sẽ phải ngồi và nghĩ về các cổ động viên bóng đá quá khích (các holigan). Họ hoàn thành trò chơi Cuộc truy đuổi dễ dàng với 42,6% câu trả lời đúng. Nhóm “giáo sư” không biết gì nhiều hơn so với nhóm “cổ động viên bóng đá quá khích”. Họ cũng không nhanh trí hơn, không nổi bật hay nghiêm túc hơn nhóm kia. Họ chỉ đơn giản đang ở trong trạng thái “nhanh trí” của trí óc, và rõ ràng việc liên tưởng bản thân với ý niệm về những gì thông minh, nhanh trí, như một giáo sư, đã khiến cho việc buột ra câu trả lời đúng trở nên dễ dàng hơn – ngay trong khoảnh khắc đầy căng thẳng sau khi một câu hỏi về những vấn đề vặt vãnh được đưa ra. Cần phải nói rõ rằng mức độ chênh lệch giữa hai kết quả 55,6% và 42,6% là rất lớn. Mức độ chênh lệch này có thể chính là sự khác biệt giữa việc qua và trượt một kỳ thi.
Hai nhà tâm lý học Claude Steele và Joshua Aronson đã tạo ra một phiên bản thử nghiệm thậm chí còn mang tính cực đoan hơn. Họ sử dụng những sinh viên đại học người da đen và 20 câu hỏi được lấy từ Kỳ thi tốt nghiệp (Graduate record examination), kỳ thi chuẩn hóa được dùng trong công tác tuyển sinh vào các trường đại học đào tạo hệ cử nhân. Khi những sinh viên này được yêu cầu xác định sắc tộc của mình trong một tờ câu hỏi điều tra kiểm tra trước, hành động đơn giản này cũng đủ để cung cấp cho họ tất cả những khuôn mẫu tiêu cực liên quan đến người Mỹ gốc Phi cũng như các thành tích học tập – và kết quả là số lượng những câu hỏi mà họ trả lời đúng giảm xuống chỉ còn một nửa. Với tư cách là một thành viên trong xã hội, chúng ta đặt niềm tin rất lớn vào những cuộc kiểm tra bởi vì chúng ta cho rằng chúng là một phương pháp đáng tin cậy, có thể chỉ ra được khả năng cũng như kiến thức của các thí sinh tham gia. Nhưng liệu điều này có đúng không? Nếu một học sinh da trắng đến từ một trường trung học tư thục có uy tín đạt được số điểm trong kỳ thi SAT cao hơn so với một học sinh người da đen đến từ một ngôi trường nằm trong khu vực ổ chuột của thành phố, liệu lý do có phải là cô học sinh người da trắng đó thực sự học giỏi hơn, hay là vì là một người da trắng và được học ở một trường danh tiếng đã giúp cô ta thường xuyên được trang bị ý niệm về “sự thông minh, nhanh trí”?
Song, tác động của việc trang bị thông tin trước thậm chí còn gây ấn tượng lớn hơn. Khi bạn làm bài kiểm tra hoàn thành câu, bạn không biết rằng bạn đang được cung cấp thông tin để nghĩ đến “tuổi già”. Tại sao lại như vậy? Nhìn chung, các manh mối này hơi khó nhận ra, và có thể khiến mọi người khó nắm bắt được. Tuy nhiên điều thu hút sự chú ý là ở chỗ thậm chí sau khi đi chầm chậm ra khỏi phòng và xuống hành lang, những người tham gia thử nghiệm vẫn không nhận thức được hành vi của mình đã bị tác động. Trước đó, Bargh đã yêu cầu mọi người chơi những trò board games. Trong những trò chơi này, cách duy nhất có thể giúp người chơi chiến thắng là ở khả năng hợp tác với những người chơi khác. Vì vậy, Bargh đã cung cấp cho người chơi những ý niệm về tính hợp tác và trò chơi đã diễn ra trôi chảy hơn. Bargh cho biết “Về sau, chúng tôi hỏi họ những câu như ‘Bạn đã phối hợp nhiệt tình như thế nào?’ ‘Bạn mong muốn phối hợp với bạn chơi nhiều như thế nào?’ Và khi đó chúng tôi đặt ý niệm này tương quan với hành vi thực sự của họ – và mối tương quan bằng không. Đây là một trò chơi diễn ra trong vòng mười lăm phút, và vào phút cuối, những người chơi không biết họ vừa làm gì. Họ chỉ không nắm bắt được điều đó. Những lời giải thích của họ chỉ là những lời nói ồn ào, tuỳ tiện. Điều này đã khiến tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng ít nhất họ cũng có thể tra cứu lại trí nhớ của mình. Nhưng thực tế, họ lại không thể làm vậy.”
Aronson và Steele cũng thu được điều tương tự với những sinh viên người da đen có kết quả bài kiểm tra rất kém sau khi được gợi nhắc về sắc tộc của mình. Aronson cho biết “Sau này, tôi có nói chuyện với những sinh viên người da đen này, và tôi đã hỏi họ, ‘Có phải có điều gì đó làm giảm thành tích của bạn không?’, ‘Có phải việc tôi yêu cầu bạn cho biết về sắc tộc của mình đã khiến bạn khó chịu không?’ Bởi vì rõ ràng điều này đã tác động rất lớn đến thành tích của những sinh viên này. Tuy nhiên, họ luôn miệng nói Không và những thứ như ‘Ông biết đấy, tôi chỉ nghĩ là tôi không đủ thông minh và nhanh nhẹn để làm tốt được bài kiểm tra này thôi.’”
Rõ ràng, kết quả của các cuộc thí nghiệm này hoàn toàn khiến mọi người bối rối. Chúng cho thấy rằng khi không bị ràng buộc, những gì chúng ta nghĩ đến chỉ là ảo giác: quá nửa thời gian, chúng ta chỉ đơn thuần mổ xẻ mọi thứ trong vô thức và cách chúng ta suy nghĩ, hành động – cũng như mức độ hiệu quả mà chúng ta đạt được khi suy nghĩ và hành động dưới sự thôi thúc của tình thế – dễ bị tác động bởi những ảnh hưởng bên ngoài hơn những gì chúng ta có thể nhận ra rất nhiều. Nhưng theo tôi, việc tiềm thức thực hiện công việc của nó bí ẩn như thế nào cũng là một lợi thế rất lớn. Trong ví dụ về bài kiểm tra hoàn thành câu, tôi đã cung cấp cho bạn tất cả những từ ngữ về tuổi già, và bạn đã mất bao lâu để đặt một câu hoàn chỉnh từ những từ này? Tôi đoán là bạn sẽ phải mất một vài giây để hoàn thành mỗi câu. Đây là tốc độ khá nhanh, và bạn có thể thực hiện nhanh bài thử nghiệm vì bạn có thể tập trung vào yêu cầu và bỏ qua được sự ngắt quãng trong mạch tư tưởng. Nếu bạn xem xét kỹ những phần có thể tạo thành câu trong danh sách các từ, bạn sẽ không có cách nào để hoàn thành bài kiểm tra trong thời gian rất ngắn. Lẽ ra bạn đã bị rối trí. Đúng vậy, những chỉ dẫn ám chỉ đến người cao tuổi đã thay đổi tốc độ bước ra khỏi phòng của bạn, nhưng liệu điều này có gì xấu không? Tiềm thức của bạn chỉ đơn giản đang ra lệnh cho cơ thể bạn: Tôi nắm được một số manh mối rằng chúng ta đang ở trong môi trường thực sự liên quan đến tuổi già – vậy thì hãy cư xử sao cho phù hợp. Về mặt này, tiềm thức của bạn đang hành động như một đầy tớ thông minh. Nó chăm sóc tất cả những chi tiết nhỏ liên quan đến trí óc trong cuộc sống của bạn. Nó theo dõi mọi thứ xảy ra xung quanh bạn và đảm bảo rằng bạn đang hành động phù hợp, trong khi vẫn để bạn tự do tập trung vào vấn đề chính sắp xảy ra.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các thí nghiệm chơi bạc của Trường Iowa do nhà thần kinh học Antonio Damasio đứng đầu, và nhóm của Dasimo đã tiến hành một nghiên cứu thú vị về những gì sẽ xảy ra khi có quá nhiều suy nghĩ của chúng ta diễn ra bên ngoài cánh cửa khóa. Dasimo đã nghiên cứu các bệnh nhân có những tổn thương ở phần nhỏ nhưng quan trọng của não là thuỳ trước giữa của vỏ não trước trán, phần này nằm phía sau mũi. Khu vực trước giữa đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định. Nó vạch ra các sự kiện xảy đến bất ngờ và các mối quan hệ, rồi sau đó phân loại thông qua một núi thông tin mà chúng ta nhận được từ thế giới bên ngoài; nó ưu tiên và đánh dấu những thông tin yêu cầu cần sự chú ý ngay lập tức của chúng ta. Những người bị tổn thương ở thuỳ trước giữa hoàn toàn có lý trí. Họ có thể rất thông minh và vẫn có khả năng làm việc, nhưng họ lại thiếu óc phán đoán. Nói chính xác hơn, họ không có tên đầy tớ thông minh trong tiềm thức giúp họ tự do tập trung vào những gì thực sự có ý nghĩa quan trọng. Trong cuốn sách Sai lầm của Descartes (Descartes’ Error), Damasio miêu tả nỗ lực đặt một cuộc hẹn gặp với một bệnh nhân bị tổn thương não theo kiểu này:
Tôi đề nghị hai ngày hẹn khác nhau, cả hai ngày này đều nằm trong tháng tới, và chỉ cách nhau một vài ngày. Bệnh nhân đó lôi quyển sổ hẹn gặp của anh ta ra và bắt đầu xem lịch. Hành vi xảy ra sau đó, được một số điều tra viên chứng kiến, rất đáng chú ý. Trong vòng mười lăm phút, người bệnh liệt kê những lý do đồng ý và phản đối với mỗi ngày hẹn: những dàn xếp trước đó, ngày hẹn gần với những dàn xếp khác, những điều kiện khí tượng có thể xảy ra, gần như là bất cứ điều gì mà một người có thể nghĩ có liên quan đến một cuộc hẹn đơn thuần. (Anh ta) dẫn chúng tôi qua sự phân tích quan hệ lợi – hại chán ngắt, sự so sánh vô nghĩa và phác thảo không ngừng giữa các lựa chọn và những hậu quả có thể xảy đến. Cần phải có sự kiên nhẫn rất lớn mới có thể lắng nghe tất cả những điều này mà không đấm mạnh lên bàn và yêu cầu anh ta ngừng lại.
Damasio và nhóm của ông cũng cho các bệnh nhân bị tổn thương thuỳ trước giữa tham gia vào cuộc thử nghiệm của những người chơi bạc. Giống như phần lớn trong số chúng ta, hầu hết các bệnh nhân cuối cùng cũng nhận ra rằng vấn đề là ở cỗ bài màu đỏ. Tuy nhiên, tất cả các bệnh nhân này chưa từng có cảm giác kiến bò khiến cho mồ hôi toát ra trong lòng bàn tay; họ chưa bao giờ linh cảm rằng cỗ bài màu xanh sẽ thích hợp hơn cỗ bài màu đỏ và thậm chí sau khi đã hiểu ra được trò chơi, họ cũng chưa bao giờ điều chỉnh chiến thuật của mình để giữ khoảng cách với những quân bài gây rắc rối. Về mặt lý trí, họ biết điều gì là thích hợp nhưng sự hiểu biết này không đủ để thay đổi cách chơi bài của họ. Antoine Bechara, một thành viên trong nhóm nghiên cứu của Trường Iowa cho biết “Trường hợp trên giống như trạng thái của những kẻ nghiện ma tuý. Người nghiện có thể nhận thức rất rõ những hậu quả do hành vi của họ gây ra. Nhưng họ đã không thể điều khiển hành động sao cho phù hợp. Nguyên nhân nằm ở não bộ. Đó là những gì mà chúng ta có tham gia vào thực hiện. Tổn thương ở khu vực trước giữa của phần vỏ não trước trán gây ra sự phân tách giữa những gì bạn nhận thức được và những gì bạn làm.” Điều mà các bệnh nhân này thiếu là người đầy tớ lặng lẽ đẩy họ đi theo hướng thích hợp, thêm vào đó là chút ít tình cảm để chắc chắn rằng họ đã làm điều phù hợp – ở đây là cảm giác kiến bò khiến mồ hôi toát ra. Trong những cuộc đánh cược lớn, những tình huống cần hoạt động nhanh, chúng ta không muốn là những người bình thản và thuần tuý dựa vào lý trí như những bệnh nhân bị tổn thương vùng trước giữa của Trường Iowa. Chúng ta không muốn đứng đó nói không ngừng về các lựa chọn của mình. Đôi khi chúng ta sẽ có thể tốt hơn hơn nếu trí óc đứng đằng sau cánh cửa bị khóa đưa ra các quyết định.
Rắc rối trong những câu chuyện kể
Vào một buổi tối mùa đông cách đây không lâu lắm, có mười hai cặp đàn ông và phụ nữ tụ tập trong phòng sau của một quán bar ở Manhattan để tham gia vào một buổi họp mặt khác thường được gọi là hẹn hò chớp nhoáng (speeding – date). Tất cả những người này đều là người có nghề nghiệp trong độ tuổi từ 20 đến 29, một số là những người giàu có đến từ phố Wall, một số khác là sinh viên trường y, vài người là giáo viên, và có bốn phụ nữ sống ở khu vực gần các trụ sở chính và cơ quan quan trọng của Anne Klein Jewelry. Tất cả phụ nữ đều mặc áo len phối màu đen đỏ, quần Jeans hoặc quần tối màu. Ngoại trừ một hoặc hai trường hợp, còn tất cả những người đàn ông tham gia đều mặc bộ đồng phục công sở ở Manhattan: áo sơ mi màu xanh đen và quần thụng. Lúc đầu, họ còn ngượng nghịu khi hòa vào đám đông, chỉ nắm chặt đồ uống trong tay, và sau đó, điều phối viên của buổi tối, một phụ nữ cao ráo và hấp dẫn tên là Kailynn yêu cầu mọi người trong nhóm ổn định lại vị trí.
Theo yêu cầu của Kailynn, mỗi người đàn ông có sáu phút để nói chuyện với từng phụ nữ. Những người phụ nữ sẽ ngồi suốt buổi tối, quay lưng vào tường trên những chiếc ghế thấp và dài được kê vòng quanh phòng, trong khi đó những người đàn ông sẽ đi xung quanh tới từng phụ nữ một và chuyển sang người kế tiếp khi Kailynn rung chuông, ra hiệu rằng thời gian sáu phút đã hết. Tất cả những người tham gia đều được phát một huy hiệu, một số hiệu và một tờ giấy nhỏ có chỗ trống để điền vào. Theo hướng dẫn, nếu có cảm tình với ai đó sau sáu phút nói chuyện, họ sẽ phải đánh dấu vào ô nhỏ bên cạnh số hiệu của người đó. Nếu người được họ đánh dấu cũng đánh dấu vào số hiệu của họ thì cả hai sẽ nhận được địa chỉ email của nhau trong vòng 24h. Sau khi hiểu kỹ quy định, đã có những tiếng nghi ngại thì thầm vang lên. Vào phút cuối, có một số người chạy vào phòng vệ sinh. Kailynn rung chuông báo hiệu.
Những người đàn ông và phụ nữ ngồi vào vị trí của mình và ngay lập tức căn phòng rộn lên những đợt nói chuyện. Ghế của những người đàn ông được đặt cách ghế của những người phụ nữ một khoảng vừa đủ để hai bên phải ngả người về phía trước, chống khuỷu tay lên đầu gối. Có một hoặc hai phụ nữ nhấp nhổm trên đệm ghế sofa. Người đàn ông nói chuyện với người phụ nữ ở bàn số 3 làm đổ cả bia lên vạt áo của cô ấy. Ở bàn 1, người phụ nữ da ngăm đen tên là Melissa, chẳng còn hi vọng gợi được chuyện từ phía bên kia, bèn dồn dập hỏi anh ta, “Nếu anh có 3 điều ước, anh sẽ làm gì? Anh có anh chị em gì không? Anh sống một mình à?” Ở bàn khác, một chàng thanh niên trẻ với mái tóc vàng hoe đã hỏi xem tại sao người bạn của mình lại đăng ký tham gia buổi tối hò hẹn này. Và cô ấy đã đáp lại “Tôi đã 26 tuổi rồi. Nhiều người bạn của tôi đã có bạn trai từ khi họ còn học phổ thông với nhau, và tất cả bọn họ đã đính hôn hoặc đã kết hôn rồi, còn tôi thì vẫn độc thân, tôi thuộc vào tuýp người như vậy đấy.”
Kailynn đứng bên cạnh, gần thanh chắn ngang một bức tường của căn phòng. Khi quan sát những cặp bồn chồn nói chuyện với nhau, Kailynn nhận xét “Nếu bạn thích mối quan hệ này, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh. Còn nếu bạn không thích, đấy sẽ là sáu phút dài nhất trong cuộc đời bạn. Đôi khi có những điều kỳ lạ xảy ra. Tôi không bao giờ có thể quên được, trong một buổi tối hẹn hò tổ chức vào tháng 11, một anh chàng đến từ Queens đã xuất hiện với 12 bông hồng đỏ, và anh ta đã tặng những đoá hoa đó cho tất cả những người phụ nữ anh ta nói chuyện cùng. Hôm đó anh ta có mặc một bộ vét.” Kailynn cười nửa miệng “Đúng là anh ta đã thật sự sẵn sàng tham gia vào cuộc.”
Trong vài năm trở lại đây, phương thức hẹn hò chớp nhoáng đã trở nên rất phổ biến trên khắp thế giới, và lý do giải thích cho hiện tượng này không có gì khó hiểu. Hẹn hò chớp nhoáng thực chất là sự đơn giản hóa những cuộc hẹn hò thành những đánh giá nhanh và đơn giản. Tất cả những người ngồi xuống một trong những chiếc bàn này đều cố gắng trả lời một câu hỏi rất đơn giản: Mình có muốn gặp lại người này không? Và để trả lời câu hỏi đó, chúng ta không cần phải mất toàn bộ buổi tối mà thực sự chỉ cần một vài phút. Ví dụ như trường hợp của Velma, một trong 4 phụ nữ thuộc nhóm Anne Klein, cô cho biết mình đã không chọn được người đàn ông nào và khi nói chuyện với mỗi người đàn ông cô đều ngay lập tức đi đến quyết định. Velma đảo mắt và nói tiếp “Ngay từ lúc họ chào tôi, tôi đã không có cảm tình với họ,”. Ron, chuyên viên phân tích tài chính tại một ngân hàng đầu tư, lại chọn được hai người phụ nữ. Trong hai người phụ nữ ấy, có một người Ron đã quyết định ngay sau khoảng một phút và sau khi cuộc nói chuyện đã được một nửa. Còn quyết định hẹn hò tiếp với người kia, Lillian ở bàn số hai, đã được đưa ra ngay lập tức khi Ron ngồi xuống đối diện cô. Ron nói đầy ngưỡng mộ “Cô ấy có khuyên lưỡi. Bạn đến một nơi như thế này và bạn nghĩ rằng mình sẽ gặp toàn những luật sư hay những người đầy vẻ nghiêm nghị. Nhưng Lillian lại hoàn toàn khác.” Lillian cũng có cảm tình với Ron. Cô cho biết “Bạn có biết tại sao không? Anh ấy là người Louisiana. Tôi thích giọng nói của những người ở vùng đó. Và tôi đã làm rơi cái bút của mình chỉ để xem anh ấy sẽ làm gì, và ngay lập tức anh ấy đã nhặt nó lên.” Kết thúc buổi tối tham gia vào cuộc, có rất nhiều phụ nữ có cảm tình với Ron ngay khi họ gặp anh, và có nhiều người đàn ông, ngay khi nhìn thấy Lillian, cũng để ý đến cô. Cả hai người đều là những người vui tính, lôi cuốn và dễ truyền cảm hứng sang người khác. Cuối buổi tối hò hẹn, Jon, một sinh viên y khoa mặc bộ vét màu xanh đen cho biết “Bạn biết không, những cô gái đều rất thông minh nhanh nhẹn. Ngay trong phút đầu, họ đã biết ngay rằng họ có thích anh chàng này không, họ có thể đưa anh ta đến ra mắt cha mẹ không, hay anh ta chỉ là một anh ngốc theo kiểu wham–bam.” Jon hoàn toàn đúng, chỉ trừ chi tiết: không phải cô gái nào cũng là người nhanh nhẹn và sắc sảo. Ở một buổi hẹn hò có khả năng cần phải áp dụng phương pháp chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng, phần đông những người tham gia thường là người khá nhanh nhẹn và thông minh.
Nhưng giả sử rằng, tôi sẽ thay đổi một chút nội quy của cuộc hẹn hò chớp nhoáng. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cố gắng nhìn vào sau cánh cửa khóa và yêu cầu mọi người giải thích về sự lựa chọn của họ? Tất nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng điều đó không thể thực hiện được: bộ máy suy nghĩ trong tiềm thức của chúng ta mãi mãi bị giữ kín. Nhưng nếu tôi không cẩn trọng khi hành động và bắt mọi người dù gì đi chăng nữa cũng phải giải thích về ấn tượng đầu tiên cũng như quyết định nhanh chóng của họ thì điều gì sẽ xảy ra? Đó là những gì mà hai giảng viên của Đại học Columbia, Sheena Iyenga và Raymond Fisman đã thực hiện, và họ khám phá ra rằng khi bạn bắt mọi người phải tự giải thích, một điều rất kỳ lạ và rắc rối sẽ xảy ra. Những gì trước đây có vẻ giống như những bài tập chia nhỏ vấn đề thành những lát cắt mỏng rõ ràng và thuần tuý nhất giờ lại trở nên hoàn toàn khó hiểu.
Iyenga và Fisman là một bộ đôi kỳ quặc: Iyenga là người gốc Ấn Độ còn Fisman là người Do Thái. Iyenga là nhà tâm lý còn Fisman là một chuyên gia kinh tế. Lý do duy nhất khiến họ tiến hành nghiên cứu về cuộc hẹn hò chớp nhoáng là vì trước đây tại một bữa tiệc cả hai đã từng tranh cãi về những kết quả tương ứng của một cuộc hôn nhân vì tình yêu và một cuộc hôn nhân do sắp xếp. Fisman đã nói với tôi “Mọi người cho là chúng tôi đã có được một mối tình lãng mạn dài lâu.” Fisman là một người đàn ông mảnh khảnh trông giống như một cậu thiếu niên, và anh ta có kiểu hài hước đầy vẻ chế giễu. “Điều đó làm tôi cảm thấy tự hào. Rõ ràng tất cả những gì bạn cần là con số ba để đến được với thiên đường của người Do Thái, vì thế tôi là người may mắn trên con đường của mình.” Cả hai giảng viên này đều giữ vai trò là người điều khiển các buổi tối hẹn hò chớp nhoáng ở phòng sau của quán Bar West End trên đường Broadway, đối diện với khu vực của Đại học Columbia. Những buổi tối hẹn hò này được tổ chức tương tự như các cuộc hẹn hò chớp nhoáng khác như ở New York ngoại trừ một yếu tố: Những người tham dự những buổi tối hẹn hò không chỉ hẹn hò và đánh dấu vào các ô trống mà trong 4 giai đoạn: trước khi cuộc hẹn bắt đầu, sau khi cuộc hẹn kết thúc, một tháng, và rồi 6 tháng sau buổi tối hẹn hò, họ phải điền vào một phiếu câu hỏi điều tra ngắn yêu cầu họ đánh giá lại những gì họ trông đợi ở một người bạn cặp đôi tiềm năng theo các mức độ từ 1 đến 10. Các mục được chia thành: hấp dẫn, những sở thích chung, khiếu hài hước, thật thà, thông minh, và tham vọng. Ngoài ra, vào cuối mỗi buổi hẹn, những người tham dự sẽ phải đánh giá người họ vừa gặp dựa trên những những mục giống như trên. Cuối mỗi buổi gặp gỡ, Fisman và Iyenga có một bức tranh chi tiết đến không ngờ mô tả một cách chính xác những gì mọi người cảm thấy trong suốt thời gian diễn ra cuộc gặp. Và chính khi bạn nhìn vào bức tranh đó, điều kỳ lạ sẽ bắt đầu xuất hiện.
Ví dụ trong một buổi tối hẹn hò chớp nhoáng ở trường Columbia, tôi đặc biệt chú ý tới một phụ nữ trẻ có làn da nhợt nhạt, mái tóc vàng xoăn và một người đàn ông trông rất mạnh mẽ với đôi mắt xanh và mái tóc nâu dài. Tôi không biết tên họ là gì, nhưng hãy cứ gọi họ là Mary và John. Trong suốt thời gian hai người nói chuyện, tôi đã để ý quan sát họ. Ngay lập tức, tôi nhận ra rằng Mary thực sự thích John và John cũng thực sự thích Mary. John ngồi xuống bên bàn của Mary. Mắt họ không rời nhau. Mary e thẹn cúi đầu nhìn xuống. Có vẻ như cô hơi lo sợ. Mary nghiêng người về trước trong chiếc ghế bành của mình. Đứng ở bên ngoài nhìn vào có vẻ như đây là một trường hợp hấp dẫn tức khắc hoàn toàn chân thật. Nhưng chúng ta hãy đào sâu xuống dưới bề mặt ngoài ấy và đưa ra một số câu hỏi đơn giản. Trước nhất, liệu những đánh giá của Mary về con người John có tương ứng với con người mà Mary cho biết cô ấy trông đợi trước khi buổi tối bắt đầu không? Hay nói cách khác, khả năng dự đoán những gì mà cô ấy thích ở một người đàn ông chính xác như thế nào? Fisman và Iyenga có thể trả lời câu hỏi này thực sự dễ dàng, và nhiều khi so sánh những gì người tham gia cuộc hẹn chớp nhoáng cho biết họ muốn với những gì họ thật sự bị thu hút trong phút chốc, hai người nhận thấy hai điều này không tương ứng với nhau. Ví dụ, nếu lúc đầu Mary cho biết cô trông đợi một người đàn ông thông minh và thật thà thì điều đó không có nghĩa là cô chỉ bị hút bởi những người đàn ông như thế. Có thể rằng John, người Mary có cảm tình hơn so với những người khác, sẽ trở nên lôi cuốn và vui nhộn nhưng anh ta không phải là người hết sức thật thà hay thông minh chút nào. Điều thứ hai, nếu trong buổi hẹn hò đó, tất cả những người đàn ông mà Mary thích đều lôi cuốn, vui nhộn hơn là thông minh và thật thà thì vào ngày hôm sau khi được yêu cầu miêu tả về người đàn ông lý tưởng, Mary sẽ nói rằng cô thích những người đàn ông lôi cuốn và vui nhộn. Nhưng đó chỉ là kết quả của ngày hôm sau. Nếu một tháng sau bạn vẫn lặp lại câu hỏi này, Mary sẽ quay lại nói rằng cô ấy thích người thông minh và thật thà.
Hoàn toàn bình thường nếu bạn thấy khó hiểu với những điều tôi vừa nói đến ở trên. Đúng là rất rắc rối: Mary cho biết cô ấy mong muốn một mẫu người cụ thể. Nhưng sau đó cô ấy lại được đưa đến một căn phòng có rất nhiều người đàn ông để cô chọn lựa, cô ấy sẽ gặp được một ai đó mà mình thực sự thích và trong phút chốc cô ấy hoàn toàn thay đổi suy nghĩ về mẫu người đàn ông mà cô ấy chờ đợi. Nhưng khi một tháng trôi qua, cô ấy lại trở lại với mẫu hình mà cô ấy cho biết lúc ban đầu. Vậy thì, Mary thực sự muốn điều gì ở một người đàn ông?
Khi tôi hỏi Iyenga câu hỏi này, cô ấy đã đáp “Tôi cũng không biết nữa. Điều này cũng giống như câu hỏi: liệu chính bản thân tôi có phải là người như tôi vẫn miêu tả từ trước đó hay không?”
Iyenga ngừng lại và Fisman lên tiếng “Câu trả lời là không, con người thật của tôi được thể hiện qua những gì mà tôi để lộ ra qua hành động của mình. Đó là những gì mà một nhà kinh tế học sẽ nói với anh.”
Iyenga trông có vẻ bối rối “Tôi không biết liệu đó có phải là điều mà một chuyên gia tâm lý sẽ nói không nữa.”
Cả hai không thể đi đến một câu trả lời chung. Nhưng lúc này nguyên nhân là do không có câu trả lời nào giải đáp được chính xác vấn đề này. Mary đã có một ý niệm về những gì mà cô ấy mong đợi ở một người đàn ông và ý niệm đó không có gì là không đúng đắn, nó chỉ không phải là một ý niệm hoàn chỉnh mà thôi. Miêu tả ban đầu của Mary là một hình mẫu lý tưởng được suy xét có ý thức: đó là những gì Mary tin mình muốn khi cô ngồi xuống và nghĩ đến. Tuy nhiên, Mary không thể nắm chắc những tiêu chí mà cô ấy sử dụng để hình thành nên sở thích ngay trong phút giây đầu tiên đối diện với một người nào đó. Thông tin này nằm sau cánh cửa khóa.
Braden cũng đã có một thí nghiệm tương tự trong công trình nghiên cứu về các tay vợt chuyên nghiệp. Trong nhiều năm, mỗi khi có cơ hội, Braden luôn dành thời gian để tiếp xúc với càng nhiều cây vợt tennis hàng đầu thế giới càng tốt, ông đặt ra cho họ những câu hỏi như: tại sao họ lại chơi theo cách của họ và họ đã chơi theo cách đó như thế nào; và Braden chưa bao giờ cảm thấy thất vọng về những gì mà ông đã nhận được. Braden cho biết “Trong số tất cả những nghiên cứu mà chúng tôi đã tiến hành với các tay vợt tennis nổi tiếng, chúng tôi không tìm thấy được một tay vợt nào kiên định trong việc hiểu và giải thích chính xác những gì anh ta thực hiện. Ở các thời điểm khác nhau, họ lại đưa ra những câu trả lời khác nhau, hoặc nếu không, những câu trả lời của họ cũng không rõ.” Ví dụ một trong những việc mà Braden đã làm là ghi hình những tay vợt này rồi sau đó số hóa các chuyển động của họ, và chia nhỏ chúng ra theo từng khung hình trên máy tính. Công việc này giúp cho Braden biết và nói được chính xác Pete Sampras thường xoay vai bao nhiêu độ trong cú ve bóng sang góc đối diện của sân chơi.
Một trong những cuộn băng được số hóa của Braden có ghi lại hình ảnh của cây vợt nổi tiếng Andre Agassi khi anh này đang đánh cú tin. Hình ảnh này đã được tách rời, Agassi xuất hiện dưới dạng một khung xương để làm sao cho mỗi khi anh ta chuyển động để đánh bóng, người ta có thể nhìn thấy và đo đạc chính xác mọi khớp nối trong cơ thể anh ta. Cuộn băng về tay vợt Agassi là ví dụ minh họa hoàn hảo cho sự bất lực của chúng ta trong việc miêu tả hành động của mình trong phút chốc. Theo Braden “Hầu hết mọi tay vợt nhà nghề trên thế giới đều nói rằng khi đánh cú tin, họ thường dùng cổ tay để đánh lăn vợt trên quả bóng. Tại sao lại như vậy? Họ đang quan sát cái gì? Chúng ta hãy xem này!” lúc này Braden chỉ vào màn hình “hãy thử xem khi nào thì anh ta sẽ đánh quả bóng? Bằng những hình ảnh số hóa, chúng tôi có thể khẳng định liệu rằng cổ tay của tay vợt đó có quay một góc 80 không. Nhưng các tay vợt hầu như chưa bao giờ cử động cổ tay họ cả. Hãy nhìn xem vị trí của cổ tay cố định như thế nào kìa. Tay vợt đó không cử động cổ tay cho đến rất lâu sau khi quả bóng bị đánh đi. Anh ta nghĩ rằng anh ta đang sử dụng cổ tay của mình ngay khi chạm vào bóng, nhưng phải rất lâu sau khi chạm bóng, cổ tay anh ta mới thực sự cử động. Vậy nhiều người đã bị lừa? Người ta sẽ đi đến gặp các huấn luyện viên và sẵn lòng trả hàng trăm đô la để học được cách cử động cổ tay khi đánh bóng, và điều xảy đến là rất nhiều chấn thương cánh tay xuất hiện.”
Braden cũng tìm thấy vấn đề tương tự xảy ra với cầu thủ bóng chày Ted Williams. Có lẽ Williams là người đánh bóng vĩ đại nhất của mọi thời đại, một người đàn ông được sùng kính vì sự am hiểu và những pha xử lý sáng suốt trong các trận đấu bóng chày. Có một điều William luôn nói đến, đó là anh ta có thể nhìn thấy quả bóng ở phía trên gậy, anh ta có thể tìm thấy đúng điểm tiếp xúc giữa gậy và bóng. Nhưng qua công trình nghiên cứu về các tay vợt tennis, Braden biết rằng đó là điều không thể. Trong khoảng cách 5 feet cuối trên đường bay của quả bóng đến một tay vợt, quả bóng nằm ở vị trí quá gần và lại bay quá nhanh nên tay vợt đó sẽ không thể nhìn thấy được. Lúc này quả bóng thực sự rất khó nhìn thấy. Điều này cũng đúng với môn bóng chày. Không cầu thủ nào có thể nhìn thấy quả bóng hướng về phía trên gậy. Braden nói: “Tôi đã gặp Ted Williams một lần. Cả hai chúng tôi đều làm việc cho Sear và chúng tôi đều có mặt trong một sự kiện. Lúc đó, tôi đã nói ‘Này Ted. Chúng tôi chỉ tiến hành một nghiên cứu để chứng minh rằng con người không thể chọn đúng điểm tiếp xúc khi quả bóng ở phía trên gậy được. Khả năng đó chỉ có ba phần nghìn giây thôi.’ Và Ted đã rất trung thực, anh ta nói ‘Ồ, tôi đoán việc đó có vẻ đúng như điều tôi có thể làm được.’”
Ted Williams có thể đánh quả bóng chày tốt hơn bất kỳ ai trong lịch sử của môn thể thao này, và anh ta cũng có thể giải thích về cách chơi của mình một cách đầy tự tin. Nhưng những lời giải thích ấy không ăn khớp với hành động của anh ta, cũng giống như những gì Mary mong muốn ở mẫu hình người đàn ông lý tưởng không nhất thiết phải xuất hiện ở người đàn ông thu hút cô trong khoảnh khắc. Là con người, chúng ta gặp phải vấn đề trong việc kể lại những gì diễn ra trong suy nghĩ của mình. Suy nghĩ của chúng ta diễn ra quá nhanh vì vậy chúng ta không thể bắt kịp và chúng ta không thể đưa ra lời giải thích hoàn chỉnh.
Nhiều năm trước đây, chuyên gia tâm lý Norman R.F. Maier đã treo hai đoạn dây thừng dài trên trần của một căn phòng chứa tất cả các loại dụng cụ, đồ đạc khác nhau. Hai sợi dây thừng được đặt cách nhau một khoảng sao cho nếu bạn giữ đầu một sợi dây thì bạn sẽ không thể tiến lại gần để chộp lấy đầu của sợi dây kia. Những người đặt chân vào căn phòng này đều được hỏi một câu giống nhau: Có bao nhiêu cách để bạn có thể tiến lại gần và thắt đầu của hai sợi dây thừng này với nhau? Có 4 phương án để giải quyết được bài toán này. Phương án thứ nhất là kéo căng một sợi dây đến hết mức về phía sợi dây kia rồi buộc nó vào một đồ vật, như ghế bành chẳng hạn, sau đó đến và nắm lấy sợi dây thứ hai. Cách thứ hai là sử dụng một đoạn dây dài thứ ba, như là dây thừng nhỏ có thể kéo dãn, buộc nó vào đầu của một trong hai sợi dây sao cho khoảng cách của nó vẫn đủ dài để kéo được đến sợi dây còn lại. Phương án tiếp theo là nắm lấy một sợi dây trong tay và dùng một đồ vật ví dụ như một gậy dài để kéo sợi dây kia về phía bạn. Maier đã nhận ra rằng hầu hết mọi người đều dễ dàng tìm ra ba giải pháp này. Nhưng chỉ có rất ít người tìm ra được cách giải quyết thứ tư – đánh đu một sợi dây về trước và sau như một quả lúc lắc rồi sau đó chộp lấy đầu của sợi dây kia. Số còn lại đều rất bối rối không biết xử trí thế nào. Maier để họ ngồi yên trong 10 phút và sau đó ông đi ngang phòng về phía cửa sổ và tình cờ chạm vào một trong hai sợi dây, khiến cho nó đung đưa về sau rồi lại ra trước. Chắc chắn, sau khi Maier làm điều đó, hầu hết mọi người sẽ đột nhiên thốt lên aha! và nghĩ đến giải pháp con lúc lắc. Nhưng khi Maier yêu cầu tất cả những người này miêu tả cách họ tìm ra phương án giải quyết vấn đề, chỉ duy nhất một người đưa ra được lý do xác đáng. Như Maier đã viết: “Họ nói những câu như ‘Nó chợt loé lên trong óc tôi’; ‘Đó là phương án duy nhất còn lại’; ‘Đúng là tôi đã nhận ra sợi dây có thể đung đưa nếu tôi buộc một vật nặng vào nó’; ‘Có lẽ khóa học vật lý đã gợi ý cho tôi nghĩ đến phương án đó’; ‘Tôi đã cố gắng nghĩ đến một cách để đưa sợi dây ngang qua đây và cách duy nhất để thực hiện điều đó là đung đưa nó.’ Một giảng viên khoa Tâm lý học đã tường trình lại như sau: ‘Sau khi suy xét đến tất cả các phương án khác, cách tiếp theo là đung đưa sợi dây. Tôi đã nghĩ đến tình huống khi đu người qua sông. Tôi nhớ đến hình ảnh những chú khỉ đu từ cây này sang cây khác. Hình ảnh này xuất hiện cùng một lúc với cách giải quyết tình huống. Ý tưởng dường như hoàn chỉnh.’”
Liệu những người này có nói dối không? Họ có cảm giác xấu hổ khi thừa nhận rằng họ chỉ tìm ra giải pháp sau khi đã được gợi ý? Câu trả lời là không. Rõ ràng rằng hành động gợi ý của Maier tinh vi đến mức nó chỉ được thu nhận ở mức độ vô thức. Nó được xử lý đằng sau cánh cửa khoá, vì vậy, khi bị yêu cầu đưa ra lời giải thích, tất cả những gì mà các đối tượng nghiên cứu của Maier có thể làm là bịa đặt ra điều gì đó dường như là đáng tin cậy nhất đối với họ.
Đây là cái giá mà chúng ta phải trả cho những lợi ích mà cánh cửa khóa đem lại. Khi chúng ta yêu cầu mọi người giải thích suy nghĩ của họ – đặc biệt là những suy nghĩ đến từ tiềm thức – chúng ta phải chú ý cẩn thận đến cách họ diễn giải lại những câu trả lời của mình. Khi lời giải thích được thêu dệt, tất nhiên chúng ta sẽ hiểu được điều đó. Chúng ta biết rằng chúng ta không thể dựa trên lý trí để miêu tả mẫu người mà chúng ta yêu: đó là lý do tại sao chúng ta tiếp tục các buổi hẹn hò – để kiểm tra những giả định về người hấp dẫn chúng ta. Và tất cả mọi người đều biết rằng tốt hơn là nên có một chuyên gia chỉ cho bạn thấy chứ không chỉ nói cho bạn biết cách chơi tennis, chơi golf hay một dụng cụ âm nhạc nào đó. Chúng ta học qua các ví dụ và những kinh nghiệm trực tiếp bởi vì sẽ có những giới hạn về sự tương ứng của những hướng dẫn bằng lời nói. Nhưng về các khía cạnh khác trong đời sống, tôi không chắc chúng ta có luôn đánh giá cao những điều bí ẩn của cánh cửa khóa và những nguy hiểm của những câu chuyện kể. Có những khi chúng ta yêu cầu được giải thích, nhưng trên thực tế lời giải thích đó thực sự là không thể. Và bởi chúng ta còn tiếp tục khám phá lời giải đáp cho những vấn đề này ở những chương sau nên việc yêu cầu giải thích như thế có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Chuyên gia tâm lý Joshua Aronson cho biết “Sau lời phán quyết về trường hợp của O.J. Simpson, một trong những thành viên của ban hội thẩm đoàn đã xuất hiện trên truyền hình và phát biểu ‘Quyết định của tôi hoàn toàn không chịu những tác động của những định kiến về vấn đề chủng tộc.’ Nhưng làm sao bà ta có thể biết được điều đó chứ? Những gì mà nghiên cứu của tôi thực hiện với những thông tin cung cấp về sắc tộc và khả năng thực hiện nhiệm vụ của con người, và nghiên cứu của Bargh với những người ngắt lời, cũng như thí nghiệm của Maier với những sợi dây thừng đã chỉ ra rằng con người không hay biết gì về những thứ tác động lên hành động của họ, nhưng họ lại rất hiếm khi cảm thấy mình không biết. Chúng ta cần phải chấp nhận sự thật này và nói câu ‘tôi không biết’ thường xuyên hơn nữa.”
Tất nhiên, trong thí nghiệm của Maier còn có bài học thứ hai cũng có giá trị tương đương. Các đối tượng nghiên cứu của Maier đều không tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đưa ra. Họ đều nản chí. Họ ngồi đó trong 10 phút và chắc chắn nhiều người trong số họ cảm thấy họ đang trong tình trạng như khi trượt một kỳ thi quan trọng, rằng sự ngu dốt của họ đã bị vạch trần. Nhưng họ không hề ngu ngốc. Vì sao lại thế? Bởi vì tất cả mọi người trong căn phòng đó không phải có một trí óc mà là hai, và cùng lúc trong khi trí óc tri giác được của họ bị chặn lại thì tiềm thức của họ lại xem xét tỉ mỉ căn phòng, phân tích chọn lọc các khả năng, và xử lý mọi manh mối có thể nhận thức được. Và khoảnh khắc nó tìm ra câu trả lời cũng là lúc nó hướng dẫn họ giải đáp vấn đề – một cách thầm lặng và chắc chắn.