When you love someone, the best thing you can offer is your presence. How can you love if you are not there?

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 84
Cập nhật: 2020-11-02 22:23:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Sắp Rồi
ai khuôn mặt nhìn nghiêng đâu vào nhau. Một là khuôn mặt nghiêng của con bê cái trắng tuyền, lộ rõ vẻ ngô nghê và ngoan ngoãn, còn gương mặt nghiêng kia là mặt đàn ông, xanh lè, không già không trẻ. Ông ta có vẻ là một công chức quèn - có lẽ là người đưa thư - vì ông ta đội mũ lưỡi trai kiểu công chức. Môi tái nhợt, tròng trắng trong mắt ông ta sáng trợn lên. Một bàn tay, có lẽ là của ông ta, từ lề dưới của bức tranh đưa lên một cái cây nhỏ, cũng có thể là một cành cây sum suê, trái cây là những viên đá quý.
Lề trên của bức tranh là những đám mây đen phủ xuống vài ngôi nhà nhỏ liêu xiêu và một ngôi giáo đường tí xíu với cây thánh giá xíu xiu, đậu cheo leo trên mặt đất cong cong. Lọt trong bề mặt cong đó là một người đàn ông nhỏ thó (tuy nhiên lại được vẽ theo tỉ lệ lớn hơn những tòa nhà) xăng xái bước đi với cái hái trên vai, và một người phụ nữ cùng tỉ lệ, dường như đang chờ anh ta. Nhưng cô này bị vẽ lộn ngược.
Còn vài chi tiết khác nữa. Chẳng hạn, một cô gái đang vắt sữa bò, được vẽ lên đôi má con bò.
Juliet lập tức quyết định mua bức này làm quà Giáng sinh tặng cha mẹ.
“Vì nó nhắc em nhớ tới bố mẹ,” cô nói với Christa, người bạn đi cùng cô từ vịnh Cá Voi tới đây mua sắm. Họ đang ở trong cửa hàng lưu niệm ở Phòng Trưng bày Tranh Vancouver.
Christa cười to. “Người đàn ông xanh lá cây và con bò cái ư? Họ sẽ hãnh diện lắm đấy.”
Tính Christa vốn không bao giờ chịu nghiêm túc cái gì vào lúc ban đầu, mà phải pha trò tếu táo gì đó mới chịu. Juliet không phật lòng. Sau ba tháng mang thai đứa bé mà sau này chính là Penelope, cô đột nhiên hết nôn ọe, rồi vì lý do đó hay lý do này khác, trong cô hay có những cơn hưng phấn. Lúc nào cũng nghĩ đến thức ăn, vừa nãy cô còn không muốn vào của hàng lưu niệm này vì đã phát hiện ra một quán ăn trưa.
Cô yêu mọi chi tiết trong bức tranh, nhưng thích nhất là những hình người nhỏ xíu và những ngôi nhà èo uột ở phần trên của nó. Cả người đàn ông vác hái và người phụ nữ lộn ngược nữa.
Cô nhìn tên bức tranh. Tôi và làng.
Cái tên quả thật tinh tế.
“Chagall. Chị thích Chagall,” Christa nói. “Picasso là gã lưu manh.”
Juliet đang háo hức với bức tranh mình tìm được đến nỗi cô hầu như không chú ý nghe Christa.
“Em có biết người ta bảo Picasso đã nói gì không?
Chagall chỉ dành cho các cô bán hàng, ‘‘Christa bảo cô. “Vậy chứ cô bán hàng thì đã sao nào? Đáng ra Chagall nên đáp lại rằng Picasso chỉ dành cho bọn mang bộ mặt khôi hài.”
“Ý em là, nó làm em nghĩ đến cuộc sống của bố mẹ, Juliet nói. “Em không biết tại sao, nhưng mà vậy đó.”
Cô đã kể với Christa ít nhiều về cha mẹ cô - họ sống tách biệt kỳ lạ nhưng không phải là không hạnh phúc, mặc dù bố cô là một thầy giáo phổ thông có tiếng. Họ biệt lập một phần do bệnh tim của bà Sara, nhưng một phần cũng là do họ đặt mua những loại tạp chí dài hạn mà dân quanh vùng không ai đọc, họ nghe những chương trình trên sóng phát thanh quốc gia mà người quanh đấy chẳng ai nghe. Bà Sara tự may đồ lấy - đôi khi vụng về - theo mẫu trên Vogue, thay vì theo Butterick*. Lại thêm chuyện họ vẫn giữ được ấn tượng tươi trẻ chứ không béo ra và rũ xuống như cha mẹ tụi bạn học của Juliet. Juliet mô tả ông Sam trông giống cô - cổ dài, cằm hơi u lên, tóc nâu nhạt lòa xòa - còn bà Sara thì tóc vàng nhạt, vẻ đẹp mong manh, không chải chuốt.
Ebenezer Butterick (1826-1903): thợ may. Năm 1863 ông cùng vợ thiết kế và kinh doanh một sản phẩm làm nên cuộc cách mạng may vá trong gia đình. Đó là những mảnh váy rời cắt sẵn trên giấy lụa đủ mọi kích cỡ, cho các bà nội trợ mua về chồng lên vải tự cắt may váy cho mình.
Khi Penelope được mười ba tháng tuổi, Juliet ôm con bay về Toronto, sau đó bắt xe lửa. Bấy giờ là năm 1969. Cô xuống xe tại một thị trấn cách thị trấn nơi cô lớn lên - và là nơi ông Sam và bà Sara vẫn còn đang sống - chừng hai mươi dặm. Có vẻ như xe lửa không còn dừng trạm ở đó nữa.
Cô thất vọng khi phải xuống nhà ga xa lạ này, không được tức khắc thấy lại hàng cây, những vỉa hè và nhà cửa mà cô nhớ... không được sớm thấy nhà mình, ngôi nhà của ông Sam và bà Sara, rộng nhưng chất phác, chắc chắn vẫn còn lớp sơn trắng bong rộp và tồi tàn, nằm khuất sau cây thích đỏ um tùm.
Ông Sam và bà Sara ra đón cô ở tận thị trấn nơi cô chưa từng thấy họ xuất hiện này, tươi cười nhưng thu mình lo lắng.
Bà Sara khẽ kêu lên một tiếng kỳ cục, như bị vật gì phang trúng. Vài người trên sân ga quay lại nhìn bà.
Có vẻ như đó chỉ là tiếng kêu phấn khích.
“Chúng ta dài và ngắn, nhưng vẫn hợp,” bà nói.
Mới đầu Juliet không hiểu mẹ nói thế có nghĩa là gì. Rồi cô hiểu ra - bà Sara đang mặc một chiếc váy lanh đen dài tới bắp chân kèm với áo vest xứng hợp. cổ và ống tay áo may bằng vải bóng màu chanh có chấm bi đen. Một dải khăn xanh cùng chất liệu trùm kín tóc bà. Chắc bà đã tự may lấy bộ cánh này, hoặc đã đặt thợ may giùm. Màu sắc của chúng không hợp với màu da của bà, vốn trông như có bụi phấn đắp lên trên.
Juliet mặc váy ngắn màu đen.
“Mẹ đang tự hỏi không biết con sẽ nghĩ gì về mẹ, mặc toàn đồ đen trong mùa hè, hệt như đang có tang,” bà Sara nói. “Ấy thế mà con mặc đúng tông luôn. Trông con tuyệt hết sức, mẹ lúc nào cũng mê váy ngắn hết.”
“Và tóc dài,” ông Sam chen vào. “Một bà hippy toàn tập.” Ông cúi xuống ngắm gương mặt đứa bé. “Chào cháu, Penelope.”
Bà Sara trầm trồ. “Ôi con cừu con.”
Bà chìa tay ra bế đỡ Penelope - mặc dù cánh tay thò ra khỏi ông tay áo trông như hai cái que, quá lẻo khoẻo nên chắc chẳng ẵm nổi con bé. Nhưng chúng cũng không cần phải ẵm, bởi vì Penelope, vốn sẵn hoảng sự từ lúc mới thoạt nghe giọng bà ngoại, đã khóc thét lên, quay đi, giấu mặt vào cổ Juliet.
Bà Sara bật cười lớn. “Bà giống thằng bù nhìn giữ dưa lắm hả?” Một lần nữa giọng bà không được kiểm soát, váng lên chói lói và rơi tòm xuống, kéo theo những cặp mắt nhìn chằm chằm. Sự này mới - tuy có vẻ không mới hoàn toàn. Juliet biết người ta luôn luôn ngoái nhìn về hướng mẹ mình mỗi khi bà bật cười hoặc cất tiếng nói, nhưng ngày xưa chắc hẳn người ta chú ý đến niềm vui bột phát toát ra từ bà, có gì đó rất thiếu nữ và lôi cuốn (mặc dù hồi đó không phải ai cũng thích thế, họ bảo rằng bà luôn cố gây chú ý).
Juliet nói, “Nó mệt mẹ ạ.”
Ông Sam giới thiệu người phụ nữ trẻ đang đứng đằng sau, chị ta giữ khoảng cách như thể đang rất cẩn thận để không bị cho là một thành viên thuộc nhóm của họ. Và quả tình Juliet cũng không mảy may nghĩ chị ta đi cùng với bố mẹ mình.
“Juliet, đây là Irene. Irene Avery.”
Juliet chìa tay ra hết cỡ trong khi cố giữ chặt Penelope và chiếc giỏ đựng tã lót, và khi thấy hiển nhiên là Irene không định bắt tay - hay có lẽ không để ý - cô mỉm cười. Irene không mỉm cười lại. Chị ta vẫn đứng yên nhưng lại tạo ấn tượng như thể chị ta muốn tháo chạy.
“Chào,” Juliet nói.
Irene nói, “Hân hạnh gặp cô,” bằng giọng rành rọt nhưng không biểu lộ gì.
“Irene là cô tiên của chúng ta đấy,” bà Sara nói, lập tức vẻ mặt của Irene biến đổi. Chị ta hơi cau lại, vẻ lúng túng lộ ra.
Chị ta không cao bằng Juliet - vốn thuộc loại cao - nhưng vai và hông rộng hơn, cánh tay chắc khỏe và cằm ngang ngạnh. Tóc chị ta đen dày bê bết, cột ra sau thành một túm ngắn, lông mày đen rậm và hơi hằn học, da nâu tự nhiên. Mắt chị ta xanh lá cây hoặc xanh da trời, một màu sáng đáng ngạc nhiên so với màu da như vậy, chúng sâu hút và rất khó nhìn vào. Điều đó cũng là do chị ta hơi cúi thấp đầu, quay mặt hẳn qua bên. Điệu bộ cảnh giác đề phòng này có vẻ kiên quyết và cố ý.
“Cô ấy làm cả đống việc của một cô tiên ấy chứ,” ông Sam nói, với nụ cười rộng mang đầy tính chiến thuật của mình. “Để rồi bố sẽ kể cho con nghe về thế giới cô ấy tạo nên.”
Đến lúc này thì dĩ nhiên Juliet đã nhớ lại lời kể trong những lá thư về một phụ nữ nào đó đến đỡ đần việc cho nhà mình, vì sức khỏe của bà Sara đang trên đà xuống dốc không phanh. Nhưng cô hình dung đến một người già hơn nhiều. Trong khi Irene không già hơn Juliet là bao.
Chiếc xe vẫn đúng là chiếc Pontiac mà ông Sam mua lại cách đây có lẽ cũng đến mười năm. Màu sơn xanh da trời nguyên thủy còn sót lại đây đó vài vệt, còn phần lớn đã ngả thành màu xám, những tác động của sương muối mùa đông trên đường có thể nhìn thấy được nơi những bản lề gỉ sét.
“Con ngựa xám già,” bà Sara nói, hầu như hụt hơi sau cuốc đi bộ từ sân ga ra xe.
“Nó chưa bỏ cuộc,” Juliet nói. Giọng cô đầy thán phục, xem ra đúng như mong đợi. Cô đã quên phéng rằng đây là tên họ gọi chiếc xe, mặc dù đó là cái tên do chính cô nghĩ ra.
“Ồ, nó không bao giờ bỏ cuộc đâu,” bà Sara lại nói, khi đã ngồi yên vị vào ghế sau với sự giúp đỡ của Irene. “Và chúng ta sẽ không bao giờ bỏ rơi nó.”
Juliet lên ngồi ghế trước, dỗ dành Penelope, con bé lại đang bắt đầu hậm hẹ. Hơi nóng trong xe quá kinh khủng, dù đã hạ hết cửa sổ và đậu trong bóng râm ít ỏi dưới hàng cây dương ngoài nhà ga.
“Thật ra bố đang tính...” ông Sam nói khi ngả lưng ra sau, “bố đang nghĩ đến chuyện biến nó thành xe tải.”
“Ông ấy không có ý đó đâu,” bà Sara kêu thất thanh.
“Để kinh doanh,” ông Sam tiếp. “Vậy sẽ hữu dụng hơn. Ta sẽ quảng cáo được đôi chút mỗi lần ta lái xe ra đường, ngay từ cái tên ghi trên cửa sổ xe.”
“Ông ấy đùa đấy,” bà Sara nói. “Làm sao tôi dám đi trên chiếc xe đề chữ Rau Tươi được hả? Bộ tôi là quả bí hay cái bắp cải sao?”
“Xin hạ giọng xuống thưa Phu Nhân,” ông Sam nói, “kẻo bà sẽ chẳng thốt ra hơi khi chúng ta về đến nhà đâu.”
Sau gần ba mươi năm dạy học tại các trường công khắp hạt - mười năm ở ngôi trường cuối cùng - ông Sam đột nhiên bỏ hết và quyết định gây dựng cơ nghiệp bán rau quả toàn thời gian. Từ lâu ông đã trồng một vườn rau lớn kèm với cây mâm xôi trên mảnh đất thừa bên hông nhà và họ vẫn bán rau ăn không hết cho vài người quanh thị trấn. Nhưng giờ đây, có vẻ như việc này sẽ trở thành phương cách kiếm sống của ông - bán rau cho các cửa hàng rau quả và có khi rốt cuộc ông sẽ dựng hẳn một quầy tiêu thụ rau trước cổng nhà.
“Bố nghiêm túc thật đấy ạ?” Juliet khẽ khàng.
“Hoàn toàn nghiêm túc.”
“Bố không nhớ lớp chứ?”
“Không đời nào. Bố chán rồi. Chán tới tận cổ.”
Sự thật là sau ngần ấy năm, ông không bao giờ được đề bạt chức hiệu trưởng, ở bất kỳ trường nào ông dạy. Cô cho rằng đó là nguyên nhân khiến ông chán ngấy. Ông là một giáo viên nổi bật, có óc khôi hài và tâm huyết, khiến ai ai cũng đều nhớ, lớp Sáu ông dạy không giống với bất kỳ năm nào khác trong cuộc đời lũ học trò của ông. Nhưng hết lần này tới lần khác ông luôn bị bỏ qua, có lẽ cũng chính vì lý do đó. Những phương pháp giảng dạy của ông có thể bị nhìn nhận là hạ thấp uy quyền nhà giáo. Vậy nên ta có thể tưởng tượng nhà chức trách bảo ông không phải típ người được giao trọng trách, và ở vị trí hiện tại ông sẽ ít gây tổn hại hơn.
Ông thích công việc ngoài trời, ông quảng giao với mọi người, vậy nên có lẽ ông sẽ giỏi bán rau.
Nhưng bà Sara ghét ý tưởng đó.
Juliet cũng không thích. Tuy nhiên nếu chia phe thì chắc cô sẽ chọn đứng về phe bố. Cô không định biến mình thành đồ kỳ đà cản mũi.
Vả lại, thật ra cô tự thấy mình - cô thấy mình, ông Sam và bà Sara, nhất là thấy mình và ông Sam - luôn ở vị trí cao hơn so với mọi người xung quanh, theo cách rất riêng. Vậy nên việc bán rau dạo của ông thì có vấn đề gì cơ chứ?
Giờ ông Sam hạ giọng nói nhỏ nhẹ và bí ẩn hơn.
“Tên nó là gì đó?”
Ý ông muốn hỏi tên đứa bé.
“Penelope. Bọn con sẽ không bao giờ gọi cháu là Penny đâu ạ. Penelope.”
“Không, ý bố muốn biết... muốn biết họ của nó.
“À. Ờm, con nghĩ có lẽ là Henderson-Porteous. Hoặc Porteous-Henderson. Nhưng thế hình như dài quá, trong khi tên nó đã là Penelope rồi? Tụi con biết vậy nhưng vẫn cứ muốn là Penelope. Dù gì tụi con cũng sẽ phải quyết định dứt khoát.”
“Ra thế. Anh ta cho nó mang họ mình,” ông Sam nói.
“Ừ, vậy được. Ý bố là, vậy là tốt.”
Juliet ngạc nhiên một thoáng, nhưng rồi thôi.
“Dĩ nhiên,” cô nói. Giả bộ lấy làm khó hiểu và mắc cười. “Nó là con anh ấy mà.”
“Ừ. ừ phải. Nhưng vì hoàn cảnh.”
“Con quên những hoàn cảnh đó rồi,” cô nói. “Nếu bố có ý nhắc đến việc chúng con không kết hôn thì cái đó hầu như đâu đáng nói. Ở chỗ tụi con sống, những người tụi con biết, không ai nghĩ ngại tí gì về việc đó cả.”
“Cứ cho là vậy đi,” ông Sam nói. “ Thế cô vợ đầu anh ta có cưới không?”
Juliet đã kể với bố mẹ về vợ của Eric, người anh đã chăm sóc trong tám năm chị sống sau tai nạn xe hơi
“Ann ư? Có. Hừm, con không biết chắc. Nhưng có. Con nghĩ vậy. Có.”
Bà Sara nói vọng lên đằng trước. “Dừng lại ăn kem không thích sao?”
“Chúng ta có kem trong tủ lạnh ở nhà rồi,” ông Sam nói với ra đằng sau. Rồi ông khẽ thêm, khiến Juliet sửng sốt, “Đưa bà ấy tới đâu chè chén là bà ấy sẽ biểu diễn liền.”
Các cửa sổ xe vẫn hạ xuống, gió nóng thốc vào xe. Giờ đang giữa hè - một mùa không bao giờ đến ở bờ biển Tây, theo như Juliet thấy. Những cây gỗ cứng rạp xuống phía bờ bên kia cánh đồng, quây thành những khoảng bóng râm xanh thẫm, và dưới ánh nắng gay gắt, hoa màu và đồng cỏ trải ra vàng óng và xanh rì trước mặt họ. Lúa mì, lúa mạch, bắp và đậu... non mướt, cường tráng, chói mắt.
Bà Sara nói, “Hội nghị nhằm mục đích gì đó? Ở đằng trước ấy? Chúng tôi dưới này không nghe được gì cả.”
Ông Sam nói, “Chả có gì thú vị. Chỉ hỏi Juliet xem anh chàng của nó còn đánh cá hay không.”
Eric vẫn kiếm sống bằng nghề đánh tôm như bấy lâu nay. Có thời anh từng là sinh viên y khoa. Việc đó chấm dứt do anh nạo thai cho một người bạn (không phải bạn gái). Vụ việc tốt đẹp, nhưng vì sao đó mà câu chuyện bị xì ra. Đây là chuyện mà Juliet đã tính tiết lộ với hai bậc phụ huynh đầu óc phóng khoáng của mình. Có lẽ cô muốn dựng lên hình ảnh anh là người có học vấn, chứ không chỉ là một ngư dân. Nhưng còn quan trọng gì nữa, nhất là khi bây giờ ông Sam đã thành người trồng rau? Vả lại, đầu óc phóng khoáng của họ có thể không đáng tin cậy như cô từng nghĩ.
Còn nhiều thứ khác để bán ngoài rau tươi và quả mọng. Mứt, nước xốt, nước ép trái cây đóng chai được sản xuất ngay trong bếp. Sáng đầu tiên Juliet về thăm nhà đúng lúc quy trình làm mứt mâm xôi đang tiến hành. Irene quán xuyến tất cả, áo blu của chị ta ướt hơi nước hay mồ hôi, dính bết vào da giữa hai bả vai. Chốc chốc chị ta lại liếc nhìn vào chiếc ti vi vốn đã được đẩy qua hành lang nhà sau, đem đặt ở giữa của bếp khiến ai nấy phải ép mình lách vòng qua nó mới vào được phòng. Trên màn hình là chương trình thiếu nhi buổi sáng, đang chiếu phim hoạt hình Bullwinkle. Thỉnh thoảng Irene lại bật ra tiếng cười lảnh lót trước một pha hề trong phim, Juliet cũng cười một chút, để tỏ vẻ thân thiện. Vậy nhưng Irene chẳng mảy may để ý.
Không gian bệ bếp phải dẹp bớt để Juliet lấy chỗ luộc và nghiền trứng làm bữa sáng cho Penelope, cũng như pha cà phê với nướng bánh mì cho mình. “Như thế có đủ chỗ không?” Irene hỏi cô bằng giọng hồ nghi, như thể Juliet là kẻ xâm phạm với những đòi hỏi khôn lường.
Nhìn cận kề, ta có thể thấy lông măng đen phủ đầy cánh tay Irene. Một ít lông còn mọc trên má chị ta nữa, ngay đằng trước tai.
Đứng dịch qua một bên, chị ta dõi theo không sót một cử động nào của Juliet, nhìn cô loay hoay vặn các núm bếp (mới đầu cô không nhớ núm nào điều chỉnh mặt bếp nào), nhìn cô vớt trứng ra khỏi nồi và bóc vỏ (quả này bị sát, chỉ bóc được từng mảnh nhỏ chứ không phải những mảng lớn), sau đó nhìn cô chọn cái đĩa lót chén để dằm trứng.
“Cô không muốn con bé làm rơi cái đó xuống sàn đâu.” Câu này ý nói đến cái đĩa sứ. “Cô không dùng đĩa nhựa cho nó được sao?”
“Tôi sẽ canh chừng,” Juliet bảo.
Hóa ra Irene cũng đã làm mẹ. Chị ta có một thằng con trai ba tuổi và một đứa con gái gần hai tuổi. Tên chúng là Trevor và Tracy. Cha của chúng bị giết vào mùa hè năm ngoái trong một tai nạn ở trại gà nơi anh ta làm việc. Bản thân chị ta trẻ hơn Juliet những ba tuổi - hai mươi hai. Thông tin về con cái và anh chồng lộ ra từ việc trả lời các câu hỏi của Juliet, còn tuổi tác thì được tính toán từ những gì chị ta nói tiếp theo.
Khi Juliet nói, “ Ôi, tôi xin lỗi” - lúc nghe kể về tai nạn và cảm thấy mình vừa thô lỗ tọc mạch vừa giả nhân giả nghĩa khi tỏ ra thương cảm - thì Irene bảo, “Ờ. Ngay đúng ngày sinh nhật thứ hai mươi mốt của tôi,” như thể tai ương là thứ để tích góp, tựa những miếng mề đay trên một sợi dây chuyền.
Sau khi Penelope ăn hết lượng trứng con bé có thể ăn được rồi, Juliet cắp con vào hông và mang lên lầu.
Đi được nửa chừng cô sực nhớ mình chưa rửa đĩa.
Không có chỗ đặt con bé xuống, giờ nó chưa biết đi nhưng đã biết bò nhoay nhoáy. Dĩ nhiên không thể bỏ nó trong bếp, dù chỉ năm phút, giữa nước sôi trong nồi, mứt còn nóng và dao thớt - còn nhờ Irene trông giúp thì thật quá đáng. Mà sáng sớm hôm đó con bé một lần nữa lại không chịu làm thân với bà Sara. Vì vậy cô bế con đến cái cầu thang kín dẫn lên tầng gác mái - đóng cửa lại đằng sau - đặt nó ở đó chơi trên những bậc thang, trong khi mình đi tìm chiếc cũi cũ. May làm sao Penelope là chuyên gia bò cầu thang.
Ngôi nhà hai tầng, các phòng đều có trần cao nhưng chẳng khác nào cái hộp - hoặc bây giờ Juliet cảm giác thế. Mái nhà dốc để có thể bước quanh ở khoảnh giữa gác mái. Juliet hay làm thế khi còn bé. Cô thường đi loanh quanh, vừa đi vừa tự kể cho mình nghe câu chuyện mình vừa mới đọc, có thêm thắt hay thay đổi chút ít. Rồi nhảy nhót múa may - thế nữa - trước một đám khán giả tưởng tượng. Khán giả thật gồm đồ đạc hư gãy, hoặc chí đơn giản là bị trục xuất lên đây, mấy cái rương cũ, một chiếc áo khoác da trâu nặng kinh khủng, một cái tổ chim nhạn tím (món quà học sinh tặng ông Sam từ lâu, chẳng thu hút được con nhạn tím nào), chiếc mũ cối hình như của ông nội Juliet mang về nhà từ Thế chiến thứ nhất, và một bức tranh nghiệp dư hài hước không chủ tâm về con tàu Đế Chế Alien chìm trong vịnh Thánh Lawrence, với những hình nhân nhìn như cái que văng tung tóe ra khắp mọi hướng.
Và ô kìa, dựa vào tường là bức Tôi và làng. Chìa mặt ra - không một cố gắng che giấu. Không có bụi bám trên đấy, có lẽ nó ở đó chưa lâu.
Cô tìm thấy cái cũi, sau vài phút sục sạo. Đó là một món đồ đỏm dáng, to dềnh dàng, mặt cũi bằng gỗ và các thanh chắn hình con suốt. Cô thấy luôn cả chiếc xe đẩy trẻ em. Cha mẹ cô đã giữ lại tất cả, hy vọng sinh thêm con. Ít nhất đã có một ca sảy thai. Tiếng cười trên giường bố mẹ vào những sáng Chủ nhật hồi ấy khiến Juliet cảm thấy như ngôi nhà bị xâm chiếm bởi một sự quấy rầy vụng trộm, thậm chí đáng xấu hổ, không có lợi cho cô.
Chiếc xe đẩy này là loại có thể mở ra thành kiểu xe cho em bé hướng mặt về phía trước. Điều này Juliet đã quên, hoặc không hay biết. Giờ đây, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, người bám đầy bụi, Juliet phải ra sức thực hiện việc biến đổi ấy. Thứ công việc như thế này không bao giờ dễ dàng đối với cô, cô không bao giờ nắm bắt được ngay lập tức cách gắn lắp các bộ phận lại với nhau, và đáng lẽ cô đã kéo nguyên cái khối này xuống cầu thang, mang ra vườn nhờ ông Sam làm giúp rồi, nhưng nghĩ đến Irene cô lại thôi. Đôi mắt nhợt nhạt lấp lánh của Irene, ánh nhìn len lén nhưng phán xét, đôi bàn tay thành thục. Vẻ cảnh giác của chị ta ẩn chứa cái gì đó không hẳn là sự khinh khi. Juliet chẳng biết gọi nó là gì. Một bộ điệu thờ ơ nhưng bất nhượng bộ, tựa như thái độ của loài mèo.
Cuối cùng cô cũng xoay xở đưa được chiếc xe về kiểu mong muốn. Nó cồng kềnh, to gấp rưỡi chiếc xe đẩy cô đã quen hồi bé. Và dĩ nhiên nó bẩn phát khiếp. Nhưng cô lúc này, và cả Penelope trên bậc thang, cũng bẩn không kém. Sát cạnh bàn tay con bé là cái gì hồi nãy Juliet không thấy. Một cái đinh. Một vật mà ta thường chẳng thèm để ý, cho đến khi ta có một đứa con ở vào thời kỳ ngậm tay, và lúc đó thì ta luôn luôn ở trong trạng thái canh phòng cẩn mật.
Vậy mà cô chẳng đề phòng gì. Tất cả mọi thứ ở đây khiến cô bị phân tâm. Hơi nóng, Irene, những đồ vật quen thuộc và những đồ vật không quen.
Lại cả bức Tôi và làng.
“ Ối,” bà Sara kêu lên. “Mẹ đã hy vọng con sẽ không để ý. Đừng để bụng con ạ.”
Phòng đón nắng giờ là phòng ngủ của bà Sara. Mành trúc được treo trên mọi ô cửa sổ, lấp đầy căn phòng nhỏ - có thời từng là một phần mái hiên - thứ ánh sáng vàng nâu và cái nóng không đổi. Ấy vậy nhưng bà Sara lại mặc pyjama vải len màu hồng. Hôm qua, lúc ở sân ga, với đôi lông mày kẻ chì và đôi môi tô son mọng màu quả dâu, cùng khăn đội đầu và bộ vest, bà hiện ra trong mắt Juliet như một mệnh phụ người Pháp (nói thế không có nghĩa là Juliet đã trông thấy nhiều mệnh phụ Pháp), nhưng bây giờ, mái tóc bạc xổ ra từng lọn, đôi mắt sáng bồn chồn dưới cặp lông mày gần như không còn tồn tại, trông bà giống một đứa trẻ già kỳ quặc hơn. Bà đang ngồi dựa vào đống gối, đắp chăn bông tới thắt lưng. Lúc sáng sớm khi dìu bà vào buồng tắm, Juliet phát hiện ra bất chấp cái nóng bà đi cả tất và dép lê lên giường.
Một chiếc ghế lưng tựa thẳng đặt ngay sát giường bà, mặt ghế giúp bà lấy đồ dễ hơn khi phải với lên mặt bàn. Trên ghế để thuốc viên và thuốc nước, phấn rôm, kem giữ ẩm, một tách trà sữa đang uống dở, một cái ly mờ những vệt thuốc bổ sẫm màu, hình như là thuốc bổ sung sắt. Trên đầu giường xếp tạp chí - các ấn bản cũ của Vogue và Ladies Home Journal.
“Con đâu có để bụng,” Juliet nói.
“Bố mẹ đã treo nó lên rồi. Treo trong hành lang phía sau gần cửa phòng ăn. Sau đó bố lại tháo nó xuống.”
“Sao vậy?”
“Ông ấy có nói gì với mẹ đâu. Cũng chẳng nói trước là sẽ tháo nó xuống. Đùng cái một ngày kia nó biến mất.”
“Sao bố lại dỡ nó xuống.”
“Ờ. Chắc là do một ý tưởng gì đó của ông ấy, con biết mà.”
Ý tưởng gì?
“À. Mẹ nghĩ... con biết đấy, mẹ nghĩ có lẽ có liên quan tới Irene. Hình như nó làm phiền Irene.”
“Đâu có ai trần truồng trong đấy đâu. Nó đâu như tranh Botticelli.”
Quả tình là có một bản in bức Sự ra đời của thần Vệ Nữ treo trong phòng khách của ông Sam và bà Sara. Nhiều năm trước nó từng là đề tài của những câu đùa chẳng ai cười nổi nhân dịp họ mời các giáo viên khác tới nhà ăn tối.
“Ừ. Nhưng mà nó hiện đại. Mẹ nghĩ nó làm bố không thoải mái. Hoặc có lẽ nhìn ngắm nó khi mà cả Irene cũng nhìn... ông ấy thấy bất tiện. Có lẽ ông ấy sợ nó khiến cô ta thấy... ờ, khinh miệt chúng ta. Con biết đấy... rằng chúng ta lập dị. Ông ấy không thích Irene nghĩ chúng ta là loại người ấy.”
Juliet nói, “Loại người treo loại tranh đó ấy hả? Ý mẹ nói rằng bố quan tâm đến cả việc chị ta nghĩ gì về tranh ảnh chúng ta treo?”
“Chị thừa biết bố chị mà.”
“Bố vốn không sợ bất đồng ý kiến với mọi người. Chẳng phải điều đó đã từng gây rắc rối cho công việc của bố sao?”
“Gì hả?” bà Sara nói. “À. ừ. Ông ấy hay bất đồng. Nhưng đôi khi ông ấy cũng thận trọng. Và-Irene. Irene thì... ông ấy thận trọng với cô ta. Vì cô ta, cái cô Irene này rất có giá trị đối với chúng ta.”
“Bố ngại chị ta sẽ bỏ việc vì chị ta nghĩ chúng ta có một bức tranh kỳ cục à?”
“Đáng lẽ mẹ nên treo nó lên, cưng à. Mẹ quý bất kỳ thứ gì con tặng. Nhưng bố con...”
Juliet không nói gì. Ngay từ năm cô lên chín mười tuổi gì đó cho tới khi cô hình như mười bốn tuổi, cô và bà Sara đã hiểu rõ về ông Sam. Chị thừa biết bố chị mà.
Đó là quãng thời gian mẹ con họ quấn quít vì cùng là giới nữ với nhau. Đề tài cố hữu trong nhà thường là đối phó với mái tóc bướng bỉnh của Juliet, những buổi may đo cho ra những sản phẩm không giống ai, những bữa bánh mì sandwich kẹp bơ đậu phụng-cà chua-xốt mayonnaise vào những buổi tối ông Sam về muộn vì phải họp ở trường. Những câu chuyện được kể đi kể lại về những người bạn trai và bạn gái cũ của bà Sara - những câu đùa tiếu lâm và những trò vui họ đã chia sẻ - vào cái thời bà Sara cũng là một giáo viên phổ thông, trước khi tim bà trở bệnh nặng. Rồi những câu chuyện trước cả thời đó, khi bà nằm bẹp giường vì sốt thấp khớp và có những người bạn tưởng tượng tên là Rollo và Maxine, chuyên điều tra vụ án, kể cả án giết người, giống nhân vật trong vài cuốn truyện thiếu nhi. Những chuyện kể loáng thoáng về hành động tán tỉnh ngây ngô của ông Sam, những thảm họa từ chiếc xe đi mượn, lúc ông đến trước cửa nhà bà Sara trong bộ dạng ngụy trang thành một kẻ lang thang.
Bà Sara và Juliet, hai mẹ con khăng khít không rời, cùng làm kẹo mềm và xâu ruy băng vào những cái khuyết trên váy lót. Rồi bất thình lình, Juliet không muốn như thế nữa, thay vào đó cô muốn trò chuyện với ông Sam trong nhà bếp lúc tối khuya, hỏi ông về những lỗ đen, về Kỷ Băng Hà, về Thượng Đế. Cô ghét cái cách bà Sara phá ngầm cuộc chuyện trò của hai cha con bằng những câu hỏi ngây ngô, trợn tròn mắt, ghét cả cái cách bà Sara hay cố giành đề tài nói chuyện về mình. Chính vì thế mà những buổi nói chuyện luôn phải diễn ra vào đêm khuya và phải có sự đồng lõa rằng cả cô lẫn ông Sam sẽ không bao giờ nói ra. Chờ đến khi chúng ta thoát khỏi Sara. Dĩ nhiên, chỉ là thoát trong lúc đó thôi.
Kèm theo đó là lời nhắc nhở. Hãy tử tế với Sara. Mẹ đã đánh cuộc mạng sống của mình để sinh ra con, điều đó đáng để con ghi nhớ.
“ Bố con vốn không ngại bất đồng với những người bề trên” bà Sara nói, hít một hơi thật sâu. “Nhưng con biết với những người bề dưới thì ông ấy thế nào rồi. Ông ấy sẽ làm tất cả để bảo đảm họ không cảm thấy ông ấy khác biệt họ, ông ấy phải hạ mình thấp xuống cho vừa tầm với họ...”
Juliet biết chứ, dĩ nhiên. Cô biết cái cách ông Sam nói chuyện với anh chàng ở trạm bơm xăng, cái cách ông đùa tếu ở cửa hàng gia dụng. Nhưng cô không nói gì.
“Ông ấy phải nịnh hót bợ đỡ họ,” bà Sara nói bằng giọng thay đổi đột ngột, thoáng hằn học, và một nụ cười khẩy yếu ớt.
Juliet lau sạch chiếc xe đẩy, rồi lau chùi cho Penelope, và cả cô nữa, sau đó lên đường đi vào thị trấn. Cô lấy cớ là mình cần mua một nhãn hiệu xà phòng tẩy trùng nhất định để giặt tã - nếu dùng xà phòng thường em bé sẽ nổi mẩn ngứa. Nhưng cô còn những lý do khác, không cường được, dù nói ra thì xấu hổ.
Đây là con đường cô từng đi học nhiều năm trong đời. Ngay cả khi cô đã vào đại học và về thăm nhà, cô vẫn vậy - một cô gái đi học. Liệu có bao giờ cô ngừng đi học? Có người đã hỏi ông Sam câu đó khi cô vừa đoạt giải Dịch thuật Latin liên trường, và ông đáp, “E rằng không bao giờ.” chính ông đã kể ra chuyện này. Chúa cấm ông nhắc đến giải thưởng. Cứ mặc cho bà Sara làm điều đó - dù bà Sara có thể quên mất tên giải thưởng đó là gì.
Và giờ cô lại đi trên con đường này, khi đã được bồi hoàn danh dự. Như bất kỳ phụ nữ trẻ nào khác, đang đẩy xe chở con. Bận tâm đến xà phòng giặt tã. Và đây không chỉ là con cô. Mà là đứa con hoang của cô. Thỉnh thoảng cô nói về Penelope kiểu như thế, chỉ với Eric thôi. Anh xem đó là lời nói đùa, cô cũng nói theo kiểu bông đùa, bởi vì tất nhiên họ có sống với nhau, và đã như thế được một thời gian rồi, và họ dự định sẽ tiếp tục sống với nhau như thế. Việc họ chưa có hôn thú chẳng mang nghĩa lý gì với anh, còn với cô, theo như cô biết thì chính cô cũng thường quên luôn điều đó. Nhưng thi thoảng, nhất là bây giờ, khi về nhà, danh phận không cưới hỏi làm dâng trào trong cô một cảm giác mãn nguyện, một niềm hạnh phúc ngớ ngẩn.
“Vậy là... hôm nay con đã ra đường cơ đấy,” ông Sam nói. (Phải trước đây ông vẫn nói là ra đường không nhỉ? Bà Sara và Juliet hay nói là ra phố). “Con có gặp ai quen không?”
“Con phải ra hiệu thuốc,” Juliet nói. “Nên con đã nói chuyện với Charlie Còi.”
Mẩu đối thoại này diễn ra trong nhà bếp, sau mười một giờ đêm. Juliet quyết định đây là thời điểm tốt nhất để súc bình sữa cho Penelope ngày mai có cái dùng.
“Charlie Còi?” ông Sam nói - ông vốn luôn có thói quen này nữa mà cô không nhớ, thói quen tiếp tục gọi người ta bằng biệt hiệu thời đi học. “Chắc cậu ta thán phục cháu tôi lắm nhỉ?”
“Dĩ nhiên.”
“Chắc rồi.”
Ông Sam đang ngồi bên bàn, nhấp whisky và hút thuốc. Việc ông uống rượu là một điều mới mẻ. Bởi cha của bà Sara là một tay nghiện - không phải loại bợm nhậu vô công rồi nghề, vì ông vẫn tiếp tục hành nghề bác sĩ thú y, nhưng nghiện đủ để khủng bố gia đình, khiến cho con gái ông khiếp đảm chuyện rượu chè - trước kia ở nhà ông Sam vốn không bao giờ uống gì ngoài bia, ít nhất theo Juliet biết.
Juliet ghé vào hiệu thuốc bởi vì đó là nơi duy nhất có thể mua được xà phòng để giặt tã. Cô không ngờ lại gặp Charlie, dẫu đó là cửa hàng của gia đình anh ta. Lần chót cô nghe tin về anh ta là anh ta sắp trở thành kỹ sư. Hôm nay cô nhắc chuyện đó với anh ta, có lẽ không được khéo cho lắm, nhưng anh ta chỉ xuề xòa vui vẻ bảo với cô rằng chuyện đó không thành. Anh ta đã lên cân ở thân giữa, tóc đã mỏng đi, đã mất một chút độ bóng và độ quăn. Anh ta nồng nhiệt chào Juliet, khen cô cũng như con của cô hết lời, điều này khiến cô bối rối nên cảm thấy mặt và cổ mình nóng lên, hơi vã mồ hôi suốt lúc anh ta nói chuyện với cô. Nếu còn ở trường trung học, hẳn là anh ta đã không có thời gian cho cô - ngoài câu chào lịch sự, bởi vì phong thái của anh ta vốn luôn niềm nở và hòa đồng. Anh ta hẹn hò với những cô gái đáng mong ước nhất trường, và giờ, như anh ta nói với cô, đã cưới một người trong số họ. Janey Peel. Họ có hai con, một đứa cỡ Penelope, một đứa lớn hơn. Đó là lý do - anh ta nói, với vẻ bộc trực dường như hàm ơn gì đó với cảnh ngộ của Juliet - đó là lý do anh dở dang việc học thành kỹ sư.
Vậy nên anh ta biết làm thế nào để chiếm nụ cười ọ ẹ từ Penelope, anh ta tán gẫu với Juliet với tư cách một người đã làm bố, một người giờ đây cùng cấp bậc. Cô cảm thấy mình được tâng bốc, và cô vui một cách ngô nghê. Nhưng thái độ lưu tâm của anh còn được thể hiện hơn thế - cái liếc nhanh tới bàn tay trái không đeo nhẫn của cô, lời bông phèng về cuộc hôn nhân của chính mình. Và còn một điều gì đó khác nữa. Anh ta đánh giá cô, ngấm ngầm, có lẽ anh ta nhìn nhận cô giờ là một phụ nữ đã đơm hoa kết trái từ một đời sống tình dục táo bạo. Ai mà ngờ, cái cô Juliet đó, trong số bao người khác. Cái cô khù khờ, học giả ấy.
“Cô bé giống mẹ quá nhỉ?” anh ta hỏi, khi ngồi xổm xuống nhìn sát vào Penelope.
“Giống cha nó nhiều hơn,” Juliet buột miệng, nhưng với niềm tự hào dâng tràn, mồ hôi lấm tấm đọng nơi môi trên của cô.
“Thế ư?” Charlie nói, rồi thẳng người lên, thì thầm một cách tin cẩn. “Dù sao tôi cũng nói với cô điều này. Tôi nghĩ thật không may...”
Juliet nói với ông Sam. “Anh ta bảo với con rằng thật không may cái chuyện xảy ra với bố.”
“Nó đã nói thế? Rồi con đáp làm sao?”
“Con không biết phải đáp làm sao. Con không biết anh ta ngụ ý gì. Nhưng con không muốn tỏ ra cho anh ta biết.”
“Ừ.”
Cô ngồi xuống bàn. “Con muốn uống chút gì đó nhưng con không thích whisky.”
“Thì ra bây giờ con cũng uống rượu rồi à?”
“Chỉ rượu vang thôi. Rượu tụi con tự làm lấy. Mọi người ở vịnh đều tự làm lấy cả.”
Sau đó ông kể cho cô nghe một câu chuyện tiếu lâm, loại chuyện tếu mà trước kia ông sẽ không bao giờ kể với cô. Về một cặp tình nhân đi nhà nghỉ, và kết thúc chuyện bằng câu, “Nó giống hệt như điều bố hay nói với những nữ sinh ở trường Chủ nhật... rằng ta không cần phải uống rượu, hút thuốc mới hưởng được thú vui.”
Cô bật cười lớn nhưng cảm thấy mặt mình nóng ran, như khi nói chuyện với Charlie.
“Sao bố lại bỏ dạy?” cô nói. “Bố bị cho nghỉ là vì con phải không?”
“Trời đất,” ông Sam cười to. “Đừng nghĩ con quan trọng đến thế. Bố không bị cho nghỉ. Cũng không bị đuổi.”
“Thôi được rồi. Bố bỏ việc.”
“Ừ, bố bỏ đấy.”
“Có gì dính líu tới con không?”
“Bố bỏ là vì bố đã phát sốt phát rét khi phải treo cổ mình ở trong cái tròng ấy rồi. Bố đã có ý muốn bỏ từ nhiều năm trước.”
“Chắc chắn không có gì tại con?”
“Thôi được rồi,” ông Sam nói. “Bố rơi vào một trận tranh cãi. Rồi lời qua tiếng lại.”
“Lời gì?”
“Con không cần biết.”
“Mà con đùng lo,” ông nói sau một lúc dừng. “Người ta không đuổi bố. Họ không thể đuổi. Còn có luật lệ chứ. Giống như bố đã nói với con đấy - bố đã sẵn sàng ra đi.”
“Nhưng bố không nhận ra,” Juliet nói. “Bố không nhận ra. Bố không nhận ra chuyện này xuẩn ngốc đến thế nào và nơi này là nơi đáng tởm để sống ra sao, chuyện ấy mà người ta cũng bàn tán, nếu con kể với những người quen của mình điều này thì họ sẽ không tin đâu. Họ sẽ nghĩ con nói đùa thôi.”
“Hừm. Rủi cái là bố mẹ không sống ở nơi con sống. Đây là nơi bố mẹ sống. Anh chàng của con cũng nghĩ đó là đùa à? Tối nay bố không muốn nói gì thêm về việc này nữa, bố đi ngủ đây. Bố sẽ ghé qua xem mẹ con thế nào rồi đi ngủ.”
“Còn chuyến tàu khách...” Juliet vẫn tiếp tục, một cách quyết liệt, thậm chí khinh miệt. “Nó vẫn dừng ở đây. Đúng không? Bố không muốn con xuống ở đây. Đúng không”
Trên đường ra khỏi phòng, bố cô không trả lời.
Ánh sáng từ ngọn đèn đường cuối cùng trong thị trấn đổ vào giường Juliet. Cây thích đỏ lớn đã bị đốn hạ, nhường chỗ cho vườn rau đại hoàng của ông Sam. Đêm qua cô đã đóng rèm lại để che giường, nhưng đêm nay cô cảm thấy mình cần chút khí trời. Thế nên cô phải quay gối xuống chân giường, nằm cạnh Penelope, con bé ngủ như một thiên thần với ánh sáng rực rỡ chiếu vào mặt.
Cô ước gì lúc nãy mình uống chút whisky. Cô nằm im, trong lòng sôi sục giận dữ, hình dung trong đầu lá thư sẽ viết cho Eric. Em không biết mình đang làm gì ở đây nữa. Đáng ra em đừng bao giờ nên tới đây. Em nóng lòng chờ tới lúc được về nhà.
Nhà.
Lúc gần sáng, cô tỉnh giấc giữa tiếng ồn từ một chiếc máy hút bụi. Rồi có tiếng người - tiếng của ông Sam - cắt ngang tiếng ồn, và chắc hẳn cô lại ngủ thiếp đi. Sau đấy khi tỉnh dậy lần nữa cô nghĩ hình như đó là một giấc mơ. Nếu không thì Penelope chắc đã thức rồi, trong khi nó chưa thức.
Sáng nay nhà bếp mát mẻ hơn, không còn nồng mùi trái cây nấu sôi nữa. Irene đang đậy nắp bằng vải bông kẻ và dán nhãn lên tất cả các hũ.
“Tôi tưởng mình nghe thấy tiếng chị hút bụi,” Juliet nói, cố nặn ra vẻ hớn hở. “Chắc là tôi mơ. Chỉ mới năm giờ sáng mà.”
Irene không trả lời một lúc. Chị ta đang viết lên một cái nhãn. Viết với sự tập trung cao độ, môi bặm vào giữa hai hàm răng.
“Đó là bà,” chị ta nói khi viết xong. “Bà đánh thức bố cô dậy nên ông ấy phái đến bắt bà thôi đi.”
Xem ra không phải thế. Hôm qua bà Sara rời giường chỉ để đi vào toa lét.
“Ông đã nói với tôi vậy,” Irene nói. “Bà hay thức dậy giữa đêm khuya, nghĩ mình sẽ làm gì đó, sau đó ông phải dậy, dỗ cho bà thôi.”
“Chắc là lúc đó bà bất chợt hồi sức,” Juliet bảo.
“ Ừm.” Irene bắt đầu tỉ mẩn với một cái nhân khác. Khi viết xong, chị ta nhìn thẳng vào mặt Juliet.
“Muốn đánh thức bố cô dậy để gây chú ý, thế thôi. Ông mệt chết lịm mà phải ra khỏi giường để dỗ bà.”
Juliet quay đi. Không muốn đặt Penelope xuống - như thể ở đây đứa trẻ được không an toàn - cô bế con bé dập dình bên hông trong khi lấy thìa vớt trứng, đập, bóc vỏ và nghiền, tất cả chỉ bằng một tay.
Trong khi cho Penelope ăn, cô tránh nói chuyện, sợ giọng nói của mình sẽ đánh động khiến con bé khóc. Tuy vậy, Irene cứ như đang nói chuyện với ai đó. Chị ta nói nhỏ hơn - nhưng với vẻ chống đối ngầm - “Ai cũng vậy cả. Khi bị ốm như thế người ta không kiềm chế được. Người ta không thể nghĩ tới ai khác, ngoài bản thân mình.”
Mắt bà Sara nhắm nghiền, nhưng bà mở ra ngay lập tức, “ Ối, những người thân yêu của ta,” bà nói, như tự cười nhạo mình. “Juliet của ta. Penelope của ta.”
Penelope dường như đã dần quen với bà. Ít nhất sáng nay nó không khóc, hay quay mặt đi nữa. “Nào,” bà Sara nói, với lấy một cuốn tạp chí. “Đặt nó xuống đây cho nó xử lý cái này.”
Penelope nghi hoặc nhìn một lúc, rồi nắm lấy một trang báo, xé toạc.
“Thế chứ,” bà Sara nói. “Đứa bé nào cũng khoái xé tạp chí cả. Mẹ nhớ rõ lắm.”
Trên chiếc ghế bên cạnh giường đặt một tô kem yến mạch hầu như chưa đụng tới.
“Mẹ không ăn sáng à?” Juliet nói. “Hay mẹ không muốn ăn cái đó?”
Bà Sara nhìn cái tô như thể đang cố cân nhắc thật nghiêm túc, nhưng bà không tài nào làm được.
“Chả nhớ. À, mẹ nghĩ là mẹ không muốn ăn.” Bà cười khúc khích một chút nhưng rồi thở hổn hển. “Ai biết? Chợt nảy ra trong óc... biết đâu ả có ý đầu độc mẹ.
“Mẹ đùa thôi,” bà nói khi điềm tĩnh lại. “Nhưng cái nhà chị Irene này ghê gớm lắm. Chúng ta không được coi thường... Irene. Con có thấy tay chị ta đầy lông không?”
“Như lông mèo,” Juliet nói.
“Như lông chồn hôi.”
“Chúng ta đành hy vọng không có cọng nào rơi vào mứt.”
“Đừng làm... mẹ chết cười...”
Penelope mê mải xé tạp chí đến nỗi Juliet có thể để bé trong phòng bà Sara một lúc và đem kem yến mạch xuống bếp. Không hé một lời, cô bắt đầu làm món rượu trứng. Irene đi ra đi vào, khiêng những thùng đựng hũ mứt ra chiếc xe hơi cũ. Ở bậc thềm sau nhà, ông Sam đang phun nước rửa đất bám vào đống khoai tây mới đào. Ông vừa làm vừa hát, mới đầu khe khẽ không nghe thấy. Sau đó, đến khi Irene đi lên bậc thềm thì ông hát to lên.
“Irene, chúc ngủ n-g-o-o-on,
Irene, chúc ngủ ngon,
Chúc ngủ ngon, Irene, chúc ngủ ngon, Irene, Tôi sẽ gặp cô trong giấc mơ. “
Irene, ở trong bếp, quay ngoắt ra quát, “Đừng hát cái bài về tôi đó.”
“Bài nào về cô?” ông Sam nói, giả bộ ngạc nhiên. “Ai hát bài gì về cô?”
“ Ông. Ông chứ ai.”
“À... bài đó hả. Cái bài về Irene á? Cô gái trong bài hát? Chúa ôi... tôi quên phứt mất đó cũng là tên của cô.”
Ông lại hát từ đầu, nhưng ư ử, lén lút. Irene đứng lắng nghe, mặt đỏ phừng, ngực phập phà phập phồng, chờ để vô xem có nghe được từ nào không.
“Đừng có hát về tôi. Nếu nó có tên tôi trong đó thì nó là về tôi.”
Bất ngờ ông Sam hát toáng lên hết cỡ.
“Đêm thứ Bảy tuần trước tôi cưới vợ
Tôi và vợ an cư...”
“Im đi. Ông im ngay,” Irene hét om, mắt trợn trừng, đổ lửa. “Nếu ông không im tôi sẽ ra bắn vòi nước vào ông đấy.”
Chiều hôm đó ông Sam đi giao mứt cho các tiệm tạp phẩm và vài cửa hàng lưu niệm đã đặt hàng. Ông rủ Juliet đi cùng. Ông đã tới tiệm gia dụng mua một chiếc ghế ngồi xe hơi mới toanh cho Penelope.
“Món đồ này chúng ta không có sẵn trên gác xép,” ông nói. “Hồi con còn nhỏ bố không biết là người ta có thứ này. Vả lại cũng chẳng thành vấn đề. Lúc đó chúng ta làm gì có xe.”
“Trông nó thích mắt quá bố nhỉ,” Juliet nói. “Con hy vọng nó không đắt quá trời.”
“Ít tiền còm ấy mà,” ông nói, cúi người mời cô lên xe.
Irene đang ở ngoài đồng hái thêm mâm xôi. Mẻ này để làm bánh nướng. Ông Sam nhấn còi hai lần và vẫy tay khi họ đi ngang qua, Irene quyết định đáp lại, giơ cánh tay lên như phẩy một con ruồi đi.
“Một cô gái cừ khôi,” ông Sam xuýt xoa. “Bố không biết chúng ta sẽ sống sót thế nào nếu không có cô ấy. Nhưng bố nghĩ hình như đối với con, cô ấy hơi cộc cằn.”
“Con không biết cô ấy.”
“ Ấy. Cô ấy sợ con phát cứng cả người.”
“Không phải đâu.” Rồi ráng nghĩ ra điều gì ca ngợi, hay ít ra là vô thưởng vô phạt về Irene, Juliet hỏi chồng chị ta bị giết trong trại gà như thế nào.
“Bố không biết anh ta là tội phạm hay chỉ không chín chắn thôi. Chỉ biết anh ta vào cùng với tụi đâm thuê chém mướn đang tính kiếm thêm bằng cách ăn trộm gà, tất nhiên người ta xoay xở ấn nút báo động và chủ trại xách súng xông ra, chẳng biết ông ta có cố ý bắn anh ta hay là không...”
“Lạy Chúa.”
“Sau đó Irene và họ hàng bên chồng cô ấy kiện ra tòa nhưng lão kia thoát tội. Đương nhiên thôi. Dầu sao cũng cực kỳ khó khăn cho cô ấy. Dù có vẻ như anh chồng cũng chẳng phải là phần thưởng gì cho cam.”
Juliet đồng tình bảo dĩ nhiên là thế, rồi hỏi Irene có phải học sinh cũ của ông không.
“Không không không. Cô ấy hình như không đi học, theo như bố hiểu thì thế.”
Ông bảo gia đình chị ta sống ở miền Bắc, đâu đó gần Huntsville. Phải. Đâu gần gần mạn đó. Một ngày nọ cả gia đình họ chuyển tới thị trấn. Cả cha, mẹ, con cái. Người cha bảo với vợ con rằng lão ta bận việc phải đi và hẹn gặp họ sau đó. Lão cho họ biết địa điểm. Thời gian. Họ đi vớ vẩn, không một đồng xu để tiêu, cho tới giờ hẹn. Nhưng lão ta không bao giờ tới.
“Không bao giờ có ý định đi tới, cắt đứt quan hệ với họ. Nên họ phải sống dựa vào trợ cấp. Sống trong túp lều nào đó ở thôn quê, nơi giá cả rẻ. Chị cả của Irene, rường cột gia đình, hơn cả mẹ - bố suy ra thế từ lời kể - chết vì vỡ ruột thừa. Không cách chi đưa chị ta vào thị trấn, bão tuyết, họ không có điện thoại. Sau đó Irene không muốn đi học lại, bởi vì trước kia cô ấy còn có chị cả đã bảo vệ cô khỏi cái lối bọn trẻ khác đối xử với họ. Giờ thì cô ấy mặt dày rồi, nhưng bố nghĩ bản tính cô ấy không phải lúc nào cũng thế. Ngay cả bây giờ, có lẽ đó cũng chỉ là lớp mặt nạ giả trang thôi.
Bây giờ, ông tiếp, mẹ Irene đang chăm sóc đứa bé trai và bé gái, nhưng con biết sao không, sau ngần ấy năm người cha bỗng nhiên xuất hiện và đang cố thuyết phục bà mẹ trở lại với lão, mà nếu chuyện đó xảy ra thì Irene không biết phải làm thế nào, vì cô ấy không muốn con cái mình gần lão ta.
“Chúng là lũ trẻ dễ thương. Đứa bé gái hơi có vấn đề hàm ếch, đã giải phẫu một lần rồi, nhưng sẽ cần phải mổ thêm lần nữa. Con bé rồi sẽ ổn thôi. Nhưng còn một điều khác.”
Lại điều nữa.
Juliet bị làm sao thế này? Cô chẳng thấy cảm thông gì cả. Mà sâu thẳm trong lòng, cô còn cảm thấy nổi loạn, muốn dập tắt chuỗi lải nhải kể lể này. Quá lắm rồi. Khi tình tiết hở hàm ếch xuất hiện trong câu chuyện thì cô đã vô cùng muốn lên tiếng rồi. Thật là quá lắm.
Cô biết mình sai, nhưng cái cảm giác đó không suy suyển. Cô sợ nói bất cứ điều gì thêm nữa, sợ cái miệng mình phản bội trái tim cứng rắn của mình. Cô sợ mình sẽ nói với ông Sam, “Tất cả bất hạnh này có gì tuyệt vời, nó biến chị ta thành vị thánh hay sao?” Hoặc cô sẽ nói không chút dung thứ, “Con hy vọng bố không có ý định hòa trộn chúng ta với những người như thế.”
“Để bố nói con nghe,” ông Sam tiếp, “lúc cô ấy đến giúp nhà mình thì bố đang bí bét, vô phương kế. Mùa thu rồi, mẹ con suy nhược hết sức. Không phải bà ấy buông xuôi tất cả. Không. Thà bà ấy buông xuôi còn tốt hơn. Thà bà ấy đừng làm gì hết thì tốt hơn. Vậy bà ấy làm gì, bà ấy bắt đầu bới việc ra làm, sau đó không làm được cho xong. Hết lần này tới lần khác. Chuyện này không phải là mới xảy ra. Ý bố là, bố đã luôn phải chạy theo dọn dẹp đằng sau mẹ, chăm sóc mẹ và giúp mẹ làm việc nhà. Cả con và bố... nhớ không? Mẹ luôn là cô gái xinh đẹp, dịu dàng với quả tim yếu ớt, và mẹ con đã quen với việc được phục vụ. Trong những năm ấy, đôi khi, bố chợt nghĩ đáng lẽ bà ấy đã có thể cố gắng hơn.”
“Nhưng tình hình trở nên quá tệ,” ông tiếp. Bố đi làm về để lại thấy máy giặt nằm giữa sàn bếp và quần áo ướt vương vãi khắp nơi. Mẻ bánh nướng rồi bỏ đấy, cháy thành than trong lò. Bố sợ mẹ tự thiêu cháy mình mất. châm lửa đốt nhà. Bố bảo đi bảo lại bà ấy hãy nằm yên trên giường. Nhưng mẹ con không nghe, cứ xáo tung lên, khóc lóc. Bố đã thuê vài cô gái đến giúp, nhưng không ai khống chế được bà ấy. Sau đó thì... Irene.
“Irene,” ông nói với một cái thở phào thẳng tuột. “Bố mang ơn cái ngày đó. Bố nhắc lại. Bố mang ơn ngày đó.
Nhưng xem ra, như mọi điều tốt đẹp khác, ông nói, chuyện này rồi cũng kết thúc. Irene sắp lấy chồng. Một ông góa vợ bốn mươi hay năm mươi tuổi gì đó. Nông dân. Người ta cho rằng lão có tiền, và vì lợi ích của chị ta nên ông Sam cũng hy vọng thế. Bởi vì người đàn ông đó chẳng có gì khác đáng giá.
“Lạy Chúa, đúng vậy. Theo như bố thấy lão chỉ có mỗi một cái răng trong mồm. Dấu hiệu xấu, theo quan điểm của bố. Quá ngạo mạn hoặc quá keo kiệt nên không trồng lấy một bộ hàm giả. Nghĩ coi... một cô gái ưa nhìn như thế.”
“Khi nào thì cưới ạ?”
“Đâu đó mùa thu. Vào mùa thu.”
Penelope ngủ suốt quãng thời gian đó - bé thiếp ngủ trên chiếc ghế trẻ em gần như ngay khi xe khởi hành. Các cửa sổ trước hạ xuống, Juliet ngửi thấy mùi cỏ khô mới cắt chất thành kiện - giờ không ai còn cuộn rơm thành đống nữa. Vài cây du vẫn đứng riêng biệt, giờ được xem là điều kỳ lạ.
Họ dừng ở một ngôi làng xây cặp theo con đường xuyên qua thung lũng hẹp. Tầng đá nền lời ra khỏi các vách thung lũng - nơi duy nhất trong chu vi nhiều dặm có thể nhìn thấy những tảng đá to lừng lững đến vậy. Juliet nhớ nhà mình đã tới đây hồi có một công viên đặc biệt, phải trả tiền mới được vào. Trong công viên có vòi phun nước, có quán giải khát phục vụ bánh dâu và kem - chắc chắn còn những món khác nữa mà cô không nhớ. Những hang động trong vách đá đều được đặt theo tên của Bảy Chú Lùn. Ông Sam và bà Sara ngồi phệt dưới đất bên vòi phun nước ăn kem trong khi cô xông xáo lao đi thám hiểm các hang động (thực ra chúng không sâu lắm - nông choèn). Cô muốn bố mẹ vào cùng với mình nhưng ông Sam bảo, “Con biết là mẹ không thể leo được mà.”
“Cứ chạy đi, con, rồi trở ra kể cho bố mẹ nghe,” bà Sara nói. Bà diện đồ đẹp. Váy phi bóng màu đen quét xòa một vòng cỏ quanh mình. Loại váy này được gọi là váy múa ba lê.
Hôm đó chắc hẳn là một ngày đặc biệt.
Khi ông Sam ra khỏi cửa hàng, Juliet hỏi ông về ngày này. Mới đầu ông không nhớ. Sau nhớ ra. Bọn làm ăn bịp bợm, ông bảo. Ông không biết cái công viên ấy đã biến mất từ khi nào nữa.
Juliet không thấy một vết tích gì của vòi phun nước hay của quán giải khát dọc theo con đường.
“Người mang tới bình yên và trật tự,” ông Sam nói, và phải mất một lúc cô mới nhận ra ông vẫn đang nói về Irene. “Cô ấy không nề hà bất cứ việc gì: cắt cỏ, tưới vườn. Làm gì cô ấy cũng hết sức mình, cứ như thể được làm là một đặc quyền. Đó là điều không bao giờ khiến bố thôi ngạc nhiên.”
Dịp thảnh thơi ấy có thể là gì? Ngày sinh nhật, hay kỷ niệm ngày cưới?
Ông Sam nói nhiệt thành, thậm chí rất nghiêm trang, át cả tiếng xe ì ạch lên đồi.
“Cô ấy giúp bố lấy lại niềm tin vào phụ nữ.”
Trước khi xộc vào mỗi cứa hàng, ông Sam đều bảo Juliet rằng ông sẽ ở trong ấy chẳng quá một phút đâu, để rồi mãi mới trở ra xe và giải thích rằng mình không sao dứt ra mà đi được. Người ta muốn nói chuyện với ông, người ta dành chuyện bông lơn để đùa với ông. Có vài người còn theo ông ra xem mặt con gái và đứa cháu của ông.
“Thì ra đầy là cô gái nói tiếng Latin,” một phụ nữ nói.
“Dạo này chắc lơi là rồi,” ông Sam đáp lời. “Gần đây cháu nó chẳng được hở tay mấy tí.”
“Phải thôi,” người phụ nữ đó tiếp, đoạn nghển cổ vào nhìn Penelope. “Nhưng thế này chẳng phải phúc lành sao? Ôi, thương quá.”
Juliet đã định bày tỏ với ông Sam chuyện mình đang lên kế hoạch trở lại hoàn tất bản luận văn - mặc dù hiện tại đó chỉ là ước mơ. Những đề tài đại loại như thế vốn nổi lên rất tự nhiên trong câu chuyện giữa hai cha con họ. Không phải với bà Sara. Bà Sara có thể sẽ ướm lời, “Nào, con phải nói cho mẹ biết con tính sao với việc học của con,” Juliet tóm tắt sự tình, rồi bà Sara có thể hỏi làm sao cô không lẫn lộn mấy cái tên Hy Lạp đó được nhỉ. Trong khi ông Sam biết rõ cô đang nói về cái gì. Ở đại học cô hay kể chuyện bố đã giảng giải cho mình ý nghĩa của từ thaumaturgy*như thế nào, khi cô tình cờ bắt gặp cái từ ấy vào năm mười hai hay mười ba tuổi. Mọi người hỏi có phải bố cô là học giả không.
Tiếng Anh. nghĩa là phép thần thông.
“Phải,” cô trả lời. “Ông ấy dạy lớp sáu.”
Giờ cô có cảm giác như bố đang khéo léo khiến cô bớt tự tin đi. Hoặc có lẽ không khéo léo tí nào. Ông có thể dùng từ mộng tưởng hão huyền. Hoặc quả quyết mình đã quên những chuyện mà cô không thể tin là ông lại quên.
Nhưng có lẽ ông đã quên thật. Các ngăn trong bộ não ông đã đóng lại, như những của sổ bị sơn đen - những gì ở trong đấy đã bị ông phán xét là quá vô dụng, quá mất thể diện để phơi ra dưới ánh sáng ban ngày.
Juliet bật nói chói tai hơn dự định.
“Chị ta có muốn lấy chồng không? Chị Irene ấy?”
Câu hỏi này khiến ông Sam giật mình, bởi nó được thốt ra bằng tông giọng như thế, mà lại còn là sau một lúc lâu im lặng.
“Bố không biết,” ông đáp.
Hồi sau ông thêm, “Bố không nghĩ cô ấy muốn lấy đâu.”
“ Hỏi chị ta ấy,” Juliet nói. “Chắc bố muốn biết, theo như cách bố cảm nhận về chị ta.”
Họ lái xe đi tiếp một hai dặm nữa thì ông mới lên tiếng. Rõ ràng ông hiểu cô vừa tấn công mình.
“Bố không biết con đang nói về cái gì,” ông nói.
“Vui Vẻ, Gắt Gỏng, Ngốc Nghếch, Ngái Ngủ, Hắt Hơi,” bà Sara nói.
“Thầy Lang,” Juliet nhắc.
“Thầy Lang. Thầy Lang. Vui vẻ, Hắt Hơi, Thầy Lang, Gắt Gỏng, Bẽn Lẽn, Hắt Hơi... Không. Hắt Hơi, Bẽn Lẽn, Thầy Lang, Gắt Gỏng... Ngái Ngủ, Vui vẻ, Thầy Lang, Bẽn Lẽn...*”
Tên của bảy chú lùn trong bộ phim hoạt hình Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn của Disney.
Vừa đếm trên đầu ngón tay, bà Sara bảo, “Vậy tới tám chú cơ à?
“Chúng ta đã tới đó vài lần rồi,” bà nói. “Chúng ta hay gọi đó là Miếu Bánh Dâu... úi chao, sao mà mẹ muốn tới đó lần nữa quá.”
“Ừm, giờ ở đó chả còn gì,” Juliet nói. “Thậm chí con còn không thấy nó đâu.”
“Mẹ chắc chắn sẽ tìm thấy nó. Sao không cho mẹ đi với con? Một chuyến xe mùa hè. Đi xe thì mất bao nhiêu sức chứ? Bố mày lúc nào cũng bảo mẹ không có sức làm gì.”
“Mẹ đã đi đón con đấy thôi.”
“Ờ. Phải. Nhưng ông ấy đâu có muốn mẹ đi. Mẹ đã phải nổi cơn tam bành lên đấy.”
Bà xoay người lôi đống gối kê đầu mình lên, nhưng không sao làm nổi khiến Juliet phải làm giúp cho bà.
“Quái quỷ,” bà Sara nói. “Mẹ là một cục thịt vô dụng biết chừng nào. Nhưng dù sao mẹ nghĩ mình vẫn tự tắm được. Nhỡ bạn bè đến thì sao?”
Juliet hỏi mẹ có đang chờ ai không.
“Không. Nhưng nhỡ may thì làm sao?”
Vì vậy Juliet dìu bà vào phòng tắm còn Penelope bò theo họ. Đến khi nước đã xả đầy và bà ngoại được bế vào bồn, Penelope quyết định việc tắm táp cũng dành cho cả mình nữa. Juliet tuột hết đồ của nó ra, thế là đứa bé con và bà già tắm chung với nhau. Mặc dù bà Sara, khi trần truồng, trông giống một cô gái già hơn là bà già - một cô gái, nói sao đây, bị một căn bệnh quái lạ, gây hao mòn và hút khô thể xác.
Penelope chấp nhận sự có mặt của bà không chút sợ hãi, nhưng quyết giữ tịt lấy bánh xà phòng hình con vịt màu vàng của mình.
Chính giữa lúc tắm như thế mà cuối cùng bà Sara cũng lấy được can đảm hỏi về Eric, một cách dè dặt.
“Chắc anh ta dễ mến lắm nhỉ,” bà nói.
“Đôi khi,” Juliet hờ hững.
“Anh ta đã rất tốt với vợ trước mà.”
“Vợ duy nhất,” Juliet sửa lại. “Cho đến nay.”
“Nhưng mẹ tin là giờ con có đứa con này... con hạnh phúc, ý mẹ vậy. Mẹ chắc chắn con hạnh phúc.”
“Hạnh phúc tương đương với chấp nhận sống trong tội lỗi,” Juliet vừa nói vừa vắt kiệt tấm khăn nhỏ nước ròng ròng lên mái đầu đầy xà phòng của mẹ, khiến bà ngạc nhiên.
“Ý mẹ là thế đấy,” bà Sara nói sau khi né đi, che mặt lại và thét lên vui thích. “Juliet này?”
“Dạ?”
“Nếu mẹ có bao giờ nói xấu về bố của con thì con biết là mẹ không hề có ý đấy mà. Mẹ biết ông ấy yêu mẹ. Chỉ là ông ấy buồn thôi.”
Juliet mơ mình lại trở về là đứa bé sống trong căn nhà này, dẫu sự sắp xếp các phòng có hơi khác. Cô nhìn ra cửa sổ của một trong những căn phòng xa lạ ấy, và thấy một vòm nước phun lấp lánh lên không. Vòm nước này bắt nguồn từ vòi nước. Bố cô, quay lưng về phía cô, đang tưới vườn rau. Một dáng người đi vào rồi đi ra giữa những bụi mâm xôi, để một lúc sau thì hiện hình, hóa ra là Irene - mặc dù là một Irene khờ khạo hơn, phồn thực và hớn hở. Chị ta đang né tia nước xịt ra từ vòi. Ẩn rồi lại hiện, phần lớn là né được, nhưng luôn bị trúng tia nước một thoáng trước khi chị ta chạy đi mất. Trò chơi đúng ra rất vui vẻ, nhưng Juliet, đằng sau cửa sổ, theo dõi nó với vẻ ghê tởm. Cha cô luôn quay lưng lại cô, nhưng cô tin chắc - cô gần như đã thấy - rằng ông cầm vòi thấp xuống, ngay trước thân người, và duy chỉ cái miệng vòi là ông đang ngoáy tới ngoáy lui.
Giấc mơ tràn ngập nỗi kinh sợ nhớp nháp. Không phải kiểu sợ giật thót ngoài làn da, mà là kiểu sợ len lỏi hun hút tận sâu vào máu.
Khi cô bừng tỉnh, cảm giác đó vẫn còn nấn ná trong cô. Cô thấy giấc mơ của mình thật đáng xấu hổ. Rõ mồn một, vô vị. Một nỗi thèm muốn tục tĩu trong chính cô.
Có tiếng gõ cửa trước vào lúc xế chiều. Không ai dùng cửa trước cả - Juliet thấy nó hơi khó mở.
Người đàn ông đứng đó mặc sơ mi ngắn tay là phẳng phiu màu vàng với quần tây màu nâu. Trông anh ta có lẽ chỉ hơn cô vài tuổi, cao nhưng lẻo khoẻo, ngực hơi hõm xuống, tuy nhiên lại vồn vã trong câu chào và không nao núng trong cái cười.
“Tôi đến thăm bà chủ nhà,” anh ta nói.
Juliet để anh ta đứng đó và đi vào phòng đón nắng.
“Có người ở ngoài cửa. Hình như anh ta bán hàng chi đó. Để con bảo anh ta đi nhé?”
Bà Sara cố hích người lên. “Không, không,” bà hụt hơi. “Vuốt đồ cho mẹ cái? Mẹ nghe tiếng cậu ấy rồi. Đó là Don. Bạn của mẹ, Don.”
Don đã bước vào nhà và cất tiếng từ bên ngoài phòng đón nắng.
“Không phải chộn rộn thế đâu bác Sara. Chỉ là tôi thôi mà. Bác tươm tất rồi chứ?”
Bà Sara, với vẻ mặt vui sướng mê dại, nhướn lấy cái lược nhưng không xong, bèn bỏ đấy và lùa vội những ngón tay vào tóc. Giọng bà hân hoan gióng ra, “Tôi tươm tất như muôn thuở mà, tôi e là vậy. Vào đây.”
Người đàn ông xuất hiện, vội vã đến bên bà, và bà vươn cả hai tay về phía anh. “Anh phả ra đầy mùi mùa hè. Gì thế này?” bà rờ rẫm áo sơ mi của anh. “Ủi láng. Vải cô tông ủi láng. Trời, bảnh hết sức.”
“Tự tôi ủi đấy,” anh nói. “Sally đang ở nhà thờ loay hoay với đám hoa hoét. Tôi là lượt không tệ chứ ạ?”
“Đẹp lắm,” bà Sara nói. “Nhưng suýt nữa anh đã không được vào. Juliet tưởng anh là người bán hàng. Juliet là con gái tôi. Con gái cưng. Tôi kể với anh rồi phải không? Tôi đã bảo anh là nó sắp về rồi mà. Anh Don đây là mục sư của mẹ. Vừa là bạn vừa là mục sư.”
Don đứng thẳng người lên, bắt tay Juliet.
“Cô về đây thật tốt quá... Tôi rất hân hạnh được gặp cô. Cô nghĩ thế cũng phải. Tôi cũng là một loại người bán hàng.”
Juliet mỉm cười lịch sự trước câu đùa đầy tính nghề nghiệp đó.
“Anh phụng sự ở nhà thờ nào ạ?”
Câu hỏi này làm bà Sara cười phá lên. ‘Trời ơi... thế thì để lộ bí mật còn gì?”
“Tôi ở nhà thờ Chúa Ba Ngôi,” Don nói, cười không hề bối rối. “Còn về việc tiết lộ bí mật... tôi chẳng lạ gì việc bà Sara và ông Sam không gắn bó với bất kỳ giáo hội nào trong cộng đồng. Dù sao tôi cũng chỉ bắt đầu ghé thăm đây, bởi vì mẹ của cô là một phụ nữ rất lôi cuốn.”
Juliet không thể nhớ nổi nhà thờ mang tên Chúa Ba Ngôi thuộc giáo hội Anh hay hội thánh Tin Lành.
“Con lấy cho anh Don cái ghế vừa tầm được không?” bà Sara bảo. “Đứng thế anh ấy phải cúi xuống mẹ như con cò. Dùng món nhè nhẹ gì nhé, Don? Anh dùng rượu trứng đi? Juliet làm cho tôi món rượu trứng ngon nhất quả đất. Không, không, thế quá nặng. Anh vừa từ ngoài trời nóng vào mà. Trà nhé? Cái đó cũng nóng luôn. Bia gừng? Hay ít nước trái cây ép. Mình có loại nước ép gì hả Juliet?”
Don bảo, “Tôi không cần gì cả ngoài một ly nước lọc. Vậy là tốt rồi.”
“Không trà sao? Thật à?” Bà Sara nói như hết hơi. “Nhưng tôi nghĩ là mình cần. Anh có thể uống nửa tách, dĩ nhiên. Juliet?”
Trong bếp, một mình - nhìn ra thấy Irene ở ngoài vườn, hôm nay chị ta đang cuốc đất vun gốc đậu - Juliet thầm hỏi liệu trà nước có phải là cái cớ để mẹ tống mình ra khỏi phòng, cho mẹ có thể nói vài lời riêng tư. Vài lời riêng tư, thậm chí có khi là vài lời cầu nguyện? Ý niệm đó khiến cô phát ốm.
Ông Sam và bà Sara không bao giờ đi nhà thờ nào mặc dù ông Sam đã bảo với ai đó, hồi họ mới về đây sống, rằng họ theo giáo phái Druids*. Người ta xì xào đồn quanh rằng họ theo một nhà thờ không có trong thị trấn này, và thông tin đó nâng họ lên tới mức thành những kẻ vô đạo. Bản thân Juliet từng có dạo đi học trường Chủ nhật ở nhà thờ Anh giáo, mặc dù nguyên nhân chính là vì cô có một người bạn theo Anh giáo. Ông Sam, ở trường, không bao giờ chống đối lại việc đọc Kinh Thánh và Kinh Lạy Cha mỗi sáng, cũng không phản đối câu “Chúa phù hộ Nữ hoàng”.
Một tôn giáo cổ ở Anh, Alien và xứ Gaul trước khi dân chúng các vùng này theo đạo Cơ Đốc.
“Có lúc phải nói lên ý kiến của mình dù trái tai người khác, có lúc không,” ông Sam bảo. “Ta làm hài lòng họ theo cách này thì có lẽ ta sẽ được đi giảng cho lũ trẻ nghe mấy thứ về tiến hóa.”
Bà Sara có thời quan tâm đến đức tin Baha’i*, nhưng Juliet tin rằng sự quan tâm này đã mai một.
Một đạo giáo hình thành vào năm 1863 tại Iran, chủ trương tôn trọng các lời giáo huấn của mọi tôn giáo, xem toàn thể nhân loại là một thể thống nhất về mặt tâm linh và mọi người nên yêu thương nhau như anh em một nhà.
Cô pha trà đủ cho ba người rồi tìm được một ít bánhquy dễ tiêu trong tủ bếp - tìm thấy cả cái khay đồng mà bà Sara chỉ lấy ra dùng vào những dịp đặc biệt.
Don nhận lấy một tách và uống ừng rực ly nước đá lạnh mà cô nhớ mang cho anh, nhưng anh lắc đầu với bánh quy.
“Không dành cho tôi, cảm ơn.”
Hình như anh nói câu này bằng vẻ nhấn mạnh đặc biệt. Như thể chính sự ngoan đạo đã cấm cản anh.
Anh hỏi Juliet sống ở đâu, thời tiết ở bờ Tây ra sao, chồng cô làm nghề gì.
“Anh ấy là người đánh tôm, nhưng thật ra anh ấy không phải là chồng tôi,” Juliet vui vẻ nói.
Anh Don gật đầu. À, ừ.
“Biển ngoài đó dữ không?”
“Đôi khi.”
“Vịnh Cá Voi. Tôi chưa bao giờ nghe nói nhưng giờ thì tôi sẽ ghi nhớ cái tên ấy. Cô hay đi lễ nhà thờ nào ở vịnh Cá Voi?”
“Chúng tôi không đi. Chúng tôi không đi lễ nhà thờ.”
“Không có nhà thờ đạo cô theo ở gần đó à?”
Mỉm cười, Juliet lắc đầu.
“Chúng tôi không theo đạo nào cả. Chúng tôi không tin vào Chúa.”
Tách trà của Don dằn hơi mạnh khi anh đặt nó xuống đĩa. Anh bảo anh lấy làm tiếc khi nghe vậy.
“Thật sự tiếc khi nghe vậy. Cô có quan niệm này bao lâu rồi?”
“Tôi không biết. Kể từ khi tôi suy nghĩ nghiêm túc về nó.”
“Và giờ mẹ cô bảo với tôi là cô đã có con. Một bé gái xinh xắn, phải không?”
Juliet nói phải, đúng rồi.
“Bé chưa được đặt tên thánh à? Cô định sẽ nuôi dạy con trong sự tăm tối?”
Juliet bảo cô trông chờ Penelope sẽ tự quyết định việc ấy, một ngày nào đó.
“Nhưng chúng tôi dự định sẽ nuôi dạy nó không cần tôn giáo. Đúng vậy.”
“Thế thì thật buồn,” Don lặng lẽ. “Thật buồn, cho hai người. Cô và... gì đó của cô... cô gọi anh ta là gì cũng được... hai người quyết định khước từ hồng ân của Chúa. Ồ. Các người là người lớn. Nhưng khước từ cho con của các người... khác nào khước từ nguồn dinh dưỡng của nó.”
Juliet cảm thấy sự điềm tĩnh của mình bị lung lay. “Nhưng chúng tôi không tin,”cô nói.“Chúng tôi không tin vào hồng ân của Chúa. Vậy không phải là khước từ nguồn dinh dưỡng của nó, mà là từ chối nuôi dạy nó trong dối trá.”
“Dối trá. Thế hàng triệu người trên khắp thế giới tin vào cái mà cô gọi là dối trá đấy à. Cô không nghĩ gọi Chúa là dối trá là hơi xấc xược ư?”
“Hàng triệu người không tin thế, họ chỉ đi nhà thờ thôi,” Juliet nói, giọng cô nóng lên. “Chỉ là họ không suy nghĩ. Nếu có Chúa thì Chúa sẽ cho tôi một bộ óc, vậy lẽ nào ngài không định cho tôi dùng nó hay sao?
“Thêm nữa,” cô cố giữ bình tĩnh. “Thêm nữa, còn có hàng triệu người tin vào những điều khác. Họ tin vào đạo Phật, chẳng hạn. Chẳng lẽ cứ có hàng triệu người tin vào điều gì là điều ấy biến thành hiện thực hay sao?”
“Chúa sống,” Don nói. “Còn Phật thì không.”
“Đó chỉ là lời nói thôi. Nó có nghĩa gì chứ? Tôi chả thấy có gì chứng tỏ cả hai từng sống, theo như sự thật cho thấy.”
“Cô không thấy. Nhưng những người khác thấy. Cô có biết Henry Ford - Henry Ford đệ nhị, người có tất cả mọi thứ mà bất cứ ai trên đời cũng thèm khát - vậy mà ông ấy quỳ gối cầu nguyện mỗi đêm trong đời.”
“Henry Ford?” Juliet thét lên. “Henry Ford? Henry Ford làm gì thì liên quan gì đến tôi?”
Cuộc tranh luận sa đà vào quỹ đạo những loại tranh luận kiểu này thường đi. Giọng mục sư - lúc đầu mang vẻ sầu muộn hơn là giận dữ, dù luôn ngụ ý thuyết phục đanh thép - đang cao dần lên thành tiếng rít róng la hét, trong khi Juliet, khởi đầu, theo như cô nghĩ, bằng thái độ đối kháng vừa phải - điềm đạm, sắc sảo, bực bội một cách nhã nhặn - giờ nổi cơn thịnh nộ, lạnh lùng và chua ngoa. Cả hai tung ra từng miếng tranh luận và phản biện mang tính lăng mạ hơn là có mục đích thực tế.
Trong lúc đó bà Sara nhấm nháp một chiếc bánh bích quy dễ tiêu, không ngước nhìn họ. Chốc chốc bà lại co rúm mình, như thể những lời nói họ nói đâm thẳng vào bà, nhưng cả hai đều không nhận ra như vậy.
Điều đưa cuộc phô trí này đến hồi kết thúc là tiếng thét thất thanh của Penelope, con bé đã thức giấc, đái dầm ướt người và đã rấm rứt suốt một hồi, sau đó càm ràm dữ hơn, để rồi cuối cùng bùng nổ cơn tức giận. Bà Sara nghe thấy tiếng nó trước tiên, bèn cố làm họ chú ý.
“Penelope,” bà thều thào, sau đó cố gân sức, “Juliet. Penelope.” Juliet và mục sư, cả hai nhìn bà ơ hờ, rồi mục sư đột ngột buông thõng giọng, nói, “Con cô.”
Juliet vội vã rời khỏi phòng. Cô run bần bật khi bế Penelope lên và suýt đâm trúng người con bé khi cài kim băng thay tã khô cho nó. Penelope nín bặt, không phải vì được vỗ về mà vì cảnh giác trước sự chăm sóc thô bạo này. Đôi mắt ướt mở to, cái nhìn sững kinh ngạc của con bé xuyên thủng mối bận tâm của Juliet, và cô cố dỗ dành cho con an lòng bằng giọng dịu dàng hết mức, rồi bồng nó đi dong tới lui trên hành lang lầu hai. Penelope không yên tâm ngay, mà phải mất vài phút sau, vẻ căng thẳng mới bắt đầu biến mất.
Juliet cảm thấy điều tương tự cũng đang xảy ra với mình, và khi nghĩ hai mẹ con đã phần nào tự chủ và bình tĩnh lại được, cô bế Penelope đi xuống lầu.
Mục sư đã ra khỏi phòng bà Sara và đang chờ cô. Bằng giọng có vẻ hối hận, nhưng thật ra là hoảng sợ thì đúng hơn, anh nói, “Đứa bé xinh quá.”
Juliet bảo, “Cảm ơn.”
Cô nghĩ đây là lúc thích hợp cho họ chào tạm biệt, nhưng có gì đó đang giữ anh lại. Anh vẫn nhìn cô, không nhúc nhích. Anh chìa bàn tay ra như định chụp lấy vai cô, nhưng rồi lại buông thõng xuống.
“Cô xem coi cô có cốc...” anh nói, sau đó khẽ lắc đầu. Từ có nghe giống như là quá.
“Đước đép,” anh nói, rồi ụp mạnh bàn tay bịt lấy cổ họng mình. Anh ra hiệu về phía nhà bếp.
Ý nghĩ đầu tiên ùa vào Juliet là anh say rượu. Đầu anh ngật ngưỡng gật lên gật xuống, mắt như bị che màng. Anh đã say trước khi đến đây, hay là anh đã mang theo thứ gì đó trong túi quần? Bỗng cô sực nhớ. Một đứa con gái, học sinh ở trường cô từng dạy trong nửa năm. Đứa con gái này bị tiểu đường, nó sẽ lên cơn tai biến ngập máu, lưỡi cứng lại, bấn loạn, lảo đảo nếu không ăn gì trong một thời gian quá lâu.
Xốc lại Penelope cho chắc bên hông, cô nắm cánh tay anh, dìu về phía nhà bếp. Nước ép. Đó là thứ người ta đã cho con bé kia uống, đó là thứ anh đang muốn nói tới.
“Một phút, một phút thôi, anh sẽ ổn,” cô nói. Anh cố đứng thẳng, chống tay xuống bệ bếp, đầu rũ gục.
Không có nước cam ép - cô nhớ mình đã cho Penelope uống hết hồi sáng và nghĩ sẽ phải mua thêm. Nhưng có một chai xi rô nho mà ông Sam và Irene hay uống khi vừa làm việc từ ngoài vườn vào.
“Đây,” cô nói. Cố xoay xở chỉ bằng một tay như cô đã quen, cô rót ra một ly đầy. “Đây.” Và trong khi anh uống, cô bảo, “Xin lỗi vì không có nước ép. Nhưng nó là đường, phải không? Anh phải ăn thứ gì có đường?”
Anh uống cạn ly, rồi nói. “Phải. Đường. Cảm ơn.” Giọng anh đã rành rọt hơn. Cô nhớ đứa bé gái ở trường cũng vậy - bình phục nhanh như phép thần. Nhưng trước khi bình phục hẳn, hoặc hoàn hồn, trong khi đầu vẫn nghiêng oặt, anh bắt gặp ánh mắt cô. Không cố ý, dường như thế, chỉ vô tình thôi. Cái nhìn trong mắt anh không phải là sự biết ơn, hay tha thứ - nó không thật sự mang tính người mà như cái nhìn của một con thú bị choáng, bám lấy bất kỳ cái gì lọt vào tầm mắt.
Chỉ vài giây thôi, đôi mắt đó, vẻ mặt đó, liền trở lại là người, ông mục sư - anh đặt cái ly xuống và không nói thêm lời nào nữa, rời khỏi ngôi nhà.
Bà Sara đang ngủ hoặc giả bộ ngủ khi Juliet lên cất dọn khay trà. Trạng thái ngủ, trạng thái lơ mơ và trạng thái thức của bà bây giờ có những ranh giới mập mờ, mong manh rất khó nhận dạng. Dù sao đi nữa thì, bà cất tiếng, bằng giọng không hơn một lời thì thầm là bao, “Juliet?”
Juliet dừng lại ở khung cửa.
“Chắc con nghĩ Don... là một tên ngốc. Nhưng anh ấy không được khỏe. Anh ấy bị tiểu đường. Rất nặng.”
Juliet nói, “Vâng.”
“Anh ấy cần niềm tin.”
“Cuộc tranh luận vớ vẩn,” Juliet nói, nhưng rất khẽ, có lẽ bà Sara không nghe thấy, bởi vì bà vẫn đang tiếp tục nói.
“Niềm tin của mẹ không đơn giản thế,” giọng bà Sara hơi vỡ (và hình như, vào khoảnh khắc này, còn thống thiết một cách có chủ đích, Juliet cảm thấy thế). “Mẹ không sao diễn tả được. Nhưng nó... mẹ chỉ có thể nói... rằng nó là cái gì đó. Nó là... cái gì đó... tuyệt vời. Khi tình thế thật sự tệ hại xảy đến với mẹ... khi mẹ rơi vào khủng hoảng... con biết mẹ nghĩ gì không? Mẹ nghĩ, ổn thôi. Mẹ nghĩ... Sắp rồi. Sắp rồi. Mình sắp gặp Juliet rồi.’’
Eric yêu quái (yêu quý),
Biết bắt đầu từ đâu đây? Em khỏe và Penelope cũng khỏe. Cứ cho là vậy đi. Con tự tin bước đi quanh giường của bà ngoại Sara nhưng vẫn cảnh giác không dám bước vụt đi nếu không có gì đỡ. Hơi nóng mùa hè thật đáng ngạc nhiên, so với bờ Tây. Kể cả khi trời mưa. May mắn là trời mưa bởi vì ông ngoại Sam đang dốc hết tốc lực vào việc kinh doanh vườn rau. Hôm nọ em đi với bố trên cỗ xe cổ lỗ sĩ đi giao mâm xôi tươi và mứt mâm xôi (do một Ilse Koch* đệ nhị sống trong bếp nhà em làm) cùng khoai tây mới đào đầu mùa. Bố nhiệt tình lắm. Mẹ ở trên giường, ngủ gà gật hoặc xem những tạp chí thời trang lỗi mốt. Có một mục sư đến thăm mẹ, anh ta và em đã có một trận cãi nhau ngớ ngẩn về sự tồn tại của Chúa hoặc đề tài nóng đại loại. Dù vậy, cuộc viếng thăm cũng trót lọt...
Ilse Koch (1906-1967): một thư ký Đức Quốc xã, vợ của Karl Otto Koch, trưởng các trại tập trung Sachsenhausen và Buchenwald. Mụ nổi tiếng với những thú hành hạ và giết chóc tù nhân vô cùng dã man, tàn bạo. Sau Thế chiến thứ hai, mụ bị kết án tù chung thân. Cuối cùng mụ tự tử trong nhà tù bang Bavaria.
Đây là lá thư Juliet tìm thấy mấy năm sau này. Chắc hẳn Eric đã vô tình giữ nó lại - nó chả mang ý nghĩa gì đặc biệt trong cuộc sống của họ.
Cô đã trở về ngôi nhà thời thơ ấu một lần nữa, để dự đám tang bà Sara, vài tháng sau khi lá thư kia được viết. Irene không còn quanh quẩn ở đó nữa, và Juliet chẳng nhớ mình có hỏi hay được nói cho biết chị ta đã đi đâu không. Nhiều khả năng chị ta đi lấy chồng. Cũng giống như ông Sam vài năm sau đó. Ông tục huyền với một giáo viên, một phụ nữ xinh đẹp, hiền hậu, vén khéo. Họ sống ở nhà bà vợ - ông Sam dỡ ngôi nhà ông và bà Sara đã sống để cơi rộng vườn. Khi bà vợ nghỉ hưu, họ mua một chiếc nhà xe di động và bắt đầu những chuyến đi dài vào mùa đông. Họ đến vịnh Cá Voi thăm Juliet hai lần. Eric đưa họ đi thăm thuyền của anh. Anh và ông Sam hợp nhau. Như ông Sam nói, hợp nhau nhanh như ngôi nhà bắt lửa vậy.
Khi đọc lá thư này, Juliet nhăn mặt, như người ta nhăn mặt khi phát hiện ra giọng nói bối rối lưu giữ từ bản ngã hư cấu nào đó trong quá khứ. Cô băn khoăn về cái vỏ che đậy vui tươi ấy, trái ngược hẳn với nỗi đau cô còn lưu trong ký ức. Sau đó cô lại nghĩ chắc hẳn đã có một biến đổi nào đó xảy ra mà cô không nhớ. Một sự biến đổi liên quan đến việc nhìn nhận đâu là nhà. Không phải ở vịnh Cá Voi với Eric, mà ngược trở về trước đó, suốt cuộc đời cô từ đó trở về trước.
Bởi vì chính những gì xảy ra ở nhà là thứ ta cố bảo vệ hết sức có thể, và lâu nhất có thể.
Nhưng cô đã không bảo vệ bà Sara. Khi bà Sara nói, sắp rồi, mình sắp gặp Juliet rồi, Juliet đã không tìm được lời nào để đáp lại. Lẽ nào cô không cố nói được một câu? Tại sao chuyện đó lại khó khăn đến vậy? Chỉ cần nói Vâng.Với bà Sara, hẳn nó có ý nghĩa rất nhiều - trong khi với cô là rất ít. Đằng này cô lại quay đi, bưng cái khay đem cất vào bếp, ở đó cô rửa và lau khô những cái tách uống trà, kể cả cái ly đựng xi rô nho. Xong cô đem cất tất cả đi.
Trốn Chạy Trốn Chạy - Alice Munro Trốn Chạy