Số lần đọc/download: 1100 / 17
Cập nhật: 2016-06-21 08:45:38 +0700
Chương 4
T
ôi đỗ. Và sự ấy thực là một đắc thắng rực rỡ, một thành công trên cả mong đợi của thầy tôi. Người đã tiếp tin mừng với một gương mặt đỏ tưng bừng vì vui thỏa. Lần thứ nhất, thầy tôi không kiềm chế được sự xúc động. Và, trong lúc quá bồng bột, thầy tôi đã bế tôi lên lòng mà hôn tôi: "Bây giờ, con hãy theo thầy đi mua xe đạp!". Bây giờ, tôi còn bụng nào mà nghĩ đến xe đạp! Tôi đương ngây ngất bởi cái hôn của thầy tôi. Tim tôi đương đập như muốn phá vỡ cả lồng ngực tôi; và toàn thân tôi run chẳng khác trong một cơn sốt rét. Trời, cái hôn của một ông bố lúc nào cũng lạnh lùng, nghiêm khắc! Nó ăn sâu ngay vào trí não tôi; nó đảo lộn cả tâm hồn tôi; và, từ đấy, nó nhóm lên ở đáy tim tôi một khao khát yêu đương luôn luôn đòi thỏa mãn.
Thầy tôi quay vào đội mũ và nhắc lại với tôi: "Nào, hai thầy con ta đi chứ?". Tôi hớn hở nhìn gương mặt thầy tôi một lần nữa, rồi lặng lẽ theo thầy tôi ra đường. Lạ quá, chân tôi bước nẩy như cao su; phố xá, nhà cửa, cây cối, tất cả đều đổi mới và trở nên rực rỡ. Đám đông lao xao quanh mình tôi cũng không còn là đám đông mọi khi nữa. Trước mắt tôi, người qua kẻ lại sao có vẻ đáng yêu thế! Họ không còn khiến tôi nảy ra những ý ghét bỏ, chế giễu hoặc coi họ như những vật gở lạ phải đề phòng. Giữa họ với tôi, tóm lại, vừa phát sinh một cái gì như một mối đồng tình, nhờ nó tôi thấy hoạt động trong ánh mặt trời là một sướng khoái, và thấy cuộc đời là một cõi thần tiên. Này, cứ nghĩ lại một phút thôi những ngày mà thế gian, đối với tôi, chỉ gồm rặt những con người cô độc, cách xa nhau bằng sự lặng lẽ sâu thẳm, tôi cũng đủ rùng mình. Đến nỗi ngang đường, tôi đã cất mũ chào trước và niềm nở hỏi han ngay cả những đứa xưa nay tôi vẫn ghét, vẫn gặp đâu đánh đấy. Thầy tôi cau mặt hỏi:
- Sao con quen biết chúng nó nhiều thế?
- Vì dạo trước chúng nó vẫn đùa nghịch với con ở ngoài đường.
- Từ nay về sau, thầy cấm con không được chơi với những đứa ấy nữa!
Chơi với chúng nó thì đã lâu, chính tự tôi cũng đã thôi rồi. Nhưng không hiểu sao câu ngăn đoán của thầy tôi tự nhiên khiến tôi đâm tò mò.
- Thưa thầy, tại vì cớ gì ạ?
Thầy tôi, chừng cho câu hỏi nọ là quá đáng, liếc trông tôi bằng một cái nhìn nhanh và lạnh như ánh thép của con dao:
- Vì cớ chúng nó toàn là đồ mất dạy cả!
Mất dạy? Thế nào là mất dạy? Tại sao tôi lại không được phép chơi đùa với những đứa mà thầy tôi gọi là mất dạy? Tôi, một thằng trẻ con, cũng đã bị người ta gọi là đồ mất dạy, y như thầy tôi đã gọi các đứa kia? Những câu hỏi này hiện ra liên tiếp, làm cho óc khôn của tôi quay cuồng, bối rối.
- Trẻ con mà mất dạy thì ai cũng ghét. Mày là con nhà gia giáo, mày phải biết xa lánh và thù ghét những đứa mất dạy, nghe chưa?
Ồ, thế nghĩa là tôi phải biết xa lánh và thù ghét ngay cả từ tôi mà đi rồi còn gì! Chúng tôi chỉ đã nghịch ngợm thôi. Trẻ con không nghịch thì chịu sao nổi! Sự ấy có thể coi là tự nhiên được. Vậy cớ sao người ta lại bảo chúng tôi mất dạy, nghĩa là đáng ghét, đáng khinh? Tôi tức lắm! Tôi muốn nói cho ra lẽ. Cái nhìn của thầy tôi, khốn nỗi, vừa đã ngầm bảo tôi rằng nói cho ra lẽ tức là khiến cho thầy tôi phải nổi giận. À, nhưng sao thầy tôi có thể nổi giận được, khi tôi chỉ muốn một điều hợp lý và tầm thường: hiểu rõ cái mà tôi chưa hiểu? Thế phải chăng, thầy tôi chỉ bằng lòng cho tôi cứ nhắm mắt mà vâng theo ý thầy tôi, bảo vặt thì vặt, bảo dệt thì dệt, như con trâu cày vâng theo ý người làm ruộng? Trong tôi, cả một cái gì chồm dậy: "Không, không thể như vậy được!...".
Thầy tôi quay lại:
- Con nói gì?
- Thưa thầy con có nói gì đâu!
Tôi luống cuống đáp câu hỏi của thầy tôi, trong khi mặt tôi vụt nóng như bị chàm lửa. Thầy tôi đã bắt tôi chỉ được là một con trâu; thầy tôi lại đã dồn tôi vào sự nói dối, điều mà hết thảy các sách luân lý giáo khoa đều công kích! Tôi thầm buông một tiếng thở dài: Thầy tôi đã là một ông thần. Thầy tôi đã sống biệt ra một thế giới riêng, bất khả xâm phạm, bí mật và khó hiểu cho tôi, mặc dầu tôi đã nhiều lần cố hiểu người. Có ông thần nào lại lẫn lộn với ta! Chẳng thà cứ như vậy... Chẳng thà tôi, suốt đời, cứ phải sợ hãi và xa cách ông thần của tôi, còn hơn là thấy ông thần ấy càng ngày càng từ trên cái bệ sơn son thếp vàng lụt thấp mãi xuống tới chỗ không xứng đáng.
Có lẽ cái bản chất đa cảm và cái khuynh hướng hay phân tích tỉ mỉ đã khiến tôi thành bi quan? Dù sao, mối liên lạc giữa thầy tôi và tôi đã không còn y nguyên nữa. Nó đã trải qua một biến cố bất lợi cho thầy tôi. Tôi, lúc này, vẫn có thể sung sướng một cách sâu xa, nếu thầy tôi bế tôi lên mà hôn tôi; nhưng tôi đã cho phép tôi được phán đoán các hành vi của thầy tôi, cân nhắc những lời thầy tôi nói, có những ý nghĩ về thầy tôi, những ý nghĩ làm tôi phải hoảng sợ và gây ra cho tôi nhiều nỗi buồn lòng.
Thầy tôi bao giờ cũng vẫn là thầy tôi. Chỉ tai hại một điều là, ở con người, trí tuệ thường sống riêng biệt, không dính líu chi tới trái tim mà thôi!
Chính cái trí tuệ, độc lập đến mức tàn ác này, nó đã làm nguội hẳn cái háo hức của tôi đối với cái xe đạp bóng loáng. Cái xe mới tinh kia đành rằng là một phần thưởng hậu hĩ, mà không phải bất cứ cậu học trò thi đỗ nào cũng mong có được. Nhưng, than ôi! Nhận lấy nó còn có một nghĩa, mà tôi vừa cảm thấy thấm thía như một vết thương, là nhận lấy sự phục tòng súc vật của con trâu cày!...