Số lần đọc/download: 830 / 2
Cập nhật: 2016-06-02 00:13:32 +0700
Chương 4
Hồi tôi 15 sắp bước qua 16 tuổi, tập tành viết truyện và thơ tình mặc dù chưa có “bồ”. Lúc đó tim tôi cảm thấy “biết rung động” rồi dù chưa có ai làm tôi yêu được cả.
Thực ra thì tôi đã bắt đầu viết từ khi lên 9,10 tuổi, về đề tài cổ tích và nhi đồng. Anh Kiệt cắt những tờ giấy trắng trong các quyển vở còn lại của niên học cũ, đóng thành từng tập dày chừng 30 trang, vẻ hình trang trí cho mỗi bài viết vì anh có khiếu hội hoạ bẩm sinh. Xuân Đào viết bài kể chuyện vui cười hoặc chuyện xảy ra ở lớp chỉ khoảng 10,15 dòng là hết. Văn thi sĩ là ba anh em tôi, độc giả cũng là chúng tôi và vài anh chị em họ bạn lối xóm cùng trang lứa. Họ rất bái phục tài, luôn nôn nóng chờ chúng tôi viết xong cuốn nào là đọc hết cuốn ấy. Tất nhiên lời lẽ rất non nớt ngây ngô, nhưng ở vào cái tuổi lên 9 lên 10 mà đã biết viết văn kể ra cũng đáng khen đó chứ.
Chị Anh Đào là con lớn nên đâu có thời giờ cho những trò giải trí vô tư như các em, học về còn phải lo phụ giúp má nấu cơm, may vá giặt giủ. Má hay nhắc nhở chúng tôi về những cực khổ hy sinh của chị ngay từ lúc năm, sáu tuổi biết thay mẹ săn sóc các em, dặn dò anh em tôi phải thương yêu và vâng lời chị như một người mẹ thứ hai vậy.
Từ trường chị Anh Đào, anh Kiệt mang về rất nhiều sách, thơ, nhạc đủ loại: truyện của các tác giả thời tiền chiến và đương thời, truyện dịch Pháp, Anh, Mỹ... lớp thì mua, lớp mượn ở thư viện trường, lớp được bạn tặng. Hay đúng hơn là của mấy anh trồng cây si chị tặng, có một ông sĩ quan tặng cây bút mực Caran d’Ache chế tạo ở Thuỵ Sĩ mắc ơi là mắc. Tất nhiên chị đem giấu biệt không dám dùng vì nếu ba má thấy chắc chị bị phạt vì ở đâu mà chị sở hữu cây viết de luxe đó được. Tôi cầu mong chị đừng nói yêu ai hết, cho họ nuôi hy vọng rồi cứ mua sách tặng để tôi có đọc hoài!
Giờ tôi không chơi bán hàng, chơi nhảy dây với Xuân Đào nữa mà chúi mũi vào kho tàng sách sau khi đã làm việc nhà và học ôn bài xong. Nhưng
thỉnh thoảng tôi vẫn còn trèo lên cây lý trước sân tìm những chùm trái chín để hái. Trái lý có màu ngà hoặc ửng đỏ cùng họ với mận nhưng hương thơm và ngọt ngào hơn, quyến rũ cả đàn dơi tối tối bay về kiếm ăn. Còn nhớ một buổi trưa tôi đang vắt vẻo tuốt gần tới ngọn cố hái cho được chùm lý chín thì tôi nghe tiếng xe ồn ào ngay phía dưới chỗ tôi ngồi. Vì cây trồng gần sát hàng dâm bụt ngăn sân với con đường lưu thông xe cộ mà cái nhánh tôi đang ngồi vươn ra tận hàng rào nên tôi nhìn thấy không sót những gì dưới đất.
Có hai chiếc honda 67 đang chầm chậm đi ngang nhà tôi, trên mỗi xe hai anh con trai độ 18, 20. Cả bốn gương mặt đều quay nhìn vô nhà, chắc chắn họ tìm chị Anh Đào đây. Xe đi qua đoạn ngắn rồi đảo vòng lại, một anh ngồi phía sau đứng hẳn người trên hai thanh kê chân để cố ngóng cho rõ vào trong xem có gặp người đẹp môi đỏ không? Chị Anh Đào đang tuổi dậy thì, đôi môi đỏ mọng tự nhiên mà nhiều người cứ tưởng chị thoa son ấy.
Tôi ngồi chết trân không dám thở mạnh tim đập dồn, sợ lỡ họ ngước mắt nhìn lên bắt gặp tôi ngồi như con khỉ nhìn xuống thì xấu hổ không để đâu cho hết. Lại nhớ cái lần giả làm mẹ bế búp bê đi vòng vòng trong sân bị Đằng bắt gặp, lần nầy thì chỉ mình tôi ngồi đỉnh đạc trên cây chịu trận, Xuân Đào đi học rồi. May phước họ chỉ đảo xe qua lại có hai lần tức bốn vòng, thất vọng vì không thấy chị Anh Đào nên chạy luôn. Tôi hái vội vàng chùm lý rồi tuột xuống đất phóng nhanh vào nhà. Hú vía!
Mỗi khi ra ngoài hay đến lớp tôi có vẻ trang nghiêm khó tánh mà nhiều bạn kết luận tôi kiêu kỳ nhưng không ai biết đó là một hình thức nguỵ trang che giấu bản tính nhút nhát mà thôi. Chỉ ở nhà tôi mới thật sự là tôi: hồn nhiên, nhí nhảnh, nghịch ngợm đúng với cái tuổi của một cô bé bắt đầu lớn.
Có lẽ do đọc quá nhiều sách đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn nên tôi ôm mộng sau nầy trở thành ký giả hoặc nhà văn. Vì chỉ cónhà văn mới tạo ra phép lạ biến những người bất hạnh tìm ra hạnh phúc, những người nghèo khổ có cơm ăn áo mặc, những người bệnh tật có phương thuốc thần làm cho khoẻ mạnh, những đứa trẻ nghèo thông minh hiếu học trở thành nhà bác học, tỷ phú hiền lương tiếp tục cống hiến tài năng giúp đời. Còn những ký giả chân chính sẽ vạch trần những bất công oan trái, lấy lại công bằng cho người dân thấp cổ bé miệng..v..v..
Trong lúc chờ đợi để mai sau trở thành người cứu đời, tôi vẫn tiếp tục đến lớp để góp nhặt kiến thức từ thầy cô. Bạn bè người nghỉ học người chuyển trường đến và đi. Gia đình Đằng đã dời đi nơi khác hồi năm đệ ngũ ( lớp 8 ). Nghỉ tết xong, Đằng biến mất. Hỏi ra mới hay ba hắn vì nhiệm vụ phải đổi sang tỉnh khác, nghe tụi con gái kháo nhau là một người anh của Đằng vẫn ở lại vì chỉ còn mấy tháng thi tú tài 2 không muốn xáo trộn việc học. Rồi tụi nó chắt lưỡi xuýt xoa rằng anh em nhà Đằng ai cũng đẹp trai thông minh vóc dáng hiên ngang của con nhà võ lại có tài đàn hát hay. Anh đầu lòng tên Tường giỏi nổi tiếng đang du học bên Mỹ có người yêu là chị Khanh theo ngành Khoa Học. Toàn là mẫu người lý tưởng, ước gì tụi nó được là người yêu của họ...
Vắng Đằng lớp bỗng trống trải thế nào ấy tuy sĩ số học trò không thay đổi là bao. Sao hồi hắn hiện diện mình chả nghĩ ngợi gì, giờ hắn bỏ đi mình lại thấy mất mát nhỉ? Chắc vì không còn ai để hơn thua điểm cao điểm thấp chăng? Vẫn còn Quân, nhưng cậu nầy hiền quá có cái vẻ an nhiên nên tôi không hào hứng so tài chứ gì.
Nghĩ vậy nhưng tôi thấy có cái gì khập khiểng trong cách suy luận. Vì lâu rồi chúng tôi đâu còn tranh giành thứ hạng nữa. Chắc phải là một cái gì khác, thuộc về thói quen. Tôi coi Đằng hay các bạn là một phần trong cuộc đời học trò gắn bó hằng ngày với mình, nay Đằng tách ra nên tôi thấy thiếu đó mà. Ủa, vậy sao những bạn khác chuyển trường bỏ học tôi không có cảm giác hụt hẫng nầy? Hay bóng dáng Đằng đã nhảy vào tiềm thức tôi hồi nào rồi mà chính mình chưa nhận ra?
Gần cuối năm học tôi bắt đầu làm thơ, một trong những bài thơ tình đầu tiênnghe ngây ngô lắm:
Bàn tay ngón dắn ngón dài
Em như cơn nắng nâng ngày lên cao
Tiếng con chim nhỏ kêu chiều
Em ngơ ngác mắt yêu kiều làm sao
Ngày đi qua tình lao đao
Bàn tay gân guốc hết cao gọi mời
( Bàn tay năm ngón, Th. H )
Thời gian nầy chị Anh Đào lên thành phố học Sư Phạm nên tôi tiếp má nấu ăn dọn dẹp nhà cửa. Dịp tết hay hè chị Anh Đào về là mấy chị em cứ quấn quít tíu tít không rời. Anh Kiệt như người bạn thân mà hai anh em có thể trao đổi mọi chuyện riêng tư thầm kín.
Bây giờ tôi được gia nhập vào hội những người lớn của chị và anh Kiệt, được ngồi nghe chuyện tình của hai anh chị với người yêu của họ rất thơ mộng và lãng mạn. Rồi chính tôi cũng có người ái mộ tặng sách, thiệp, thơ chứ không phải lúc nào cũng coi ké của chị Anh Đào.
Quyển đầu tiên do con trai tặng là Nỗi buồn thắp sáng của Cung Tích Biền. Đó là một bạn học ngang cấp nhưng khác lớp. Cậu nhờ chị Lành chuyển chứ không tự đưa nên tôi không biết là ai. Chị Lành nói chờ tan trường chị sẽ chỉ cho xem. Ra là cái cậu đứng thấp nhỏ hơn tôi mà có lần giờ ra chơi tôi tựa cửa ngó vu vơ thì chợt nhìn qua phòng kế bên thấy cậu cũng đang đứng tần ngần một mình, nét mặt ủ rủ. Thấy vậy tôi mĩm cười như để an ủi ( mà chả biết an ủi điều gì nửa ) cậu nhìn tô ingỡ ngàng (chắc tự hỏi vì sao tôi lại cười với cậu ). Những ngày sau đó cậu hay lân la qua lớp nhìn tôi, thấy thế tôi lại cười xã giao thêm một vài lần. A, chắc cậu nghĩ tôi thích cậu nên cố ý tìm một quyển truyện có nhan đề Nỗi buồn thắp sáng, viết kèm thêm mấy hàng: ” Tặng Trúc Đào, người đã thắp sáng tâm hồn tôi. Danh “. Úi trời, tôi mới 14 tuổi gần đây còn thích trèo cây me cây lý cây ổi tìm hái trái, hay cầm vợt đuổi theo đàn bướm định bắt đem về nuôi mà. Tôi cười với cậu là nụ cười của một người chị muốn an ủi em trai có gương mặt bí xị tưởng bị thầy cô phạt chứ có định làm ánh đèn thắp sáng tâm hồn cậu đâu. Bé cái lầm rồi, từ nay tôi phải cẩn thận mỗi khi cười với con trai mới được.
Quyển sách thứ hai tôi nhận được là Angelique, Nữ Hầu Tước của những Thiên Thần của nhà văn Pháp Anne Golon do Kiên bạn anh Kiệt, ở nơi khác mới về năm nay tặng qua trung gian anh Kiệt chứ không trao trực tiếp. Lúc đó tôi học lớp 10 tức 16 tuổi. Thấy tôi cứ ôm sách đọc ngấu nghiến anh Kiệtchọc:
- Sao không nhắn lời cảm ơn người tặng gì hết trơn vậy ta, miễn có
truyện đọc là thích thôi chớ không cần tìm hiểu là ai hết phải không?
Tôi cười, khó khăn lắm mới ngẫng đầu khỏi quyển truyện:
- Em không nói thì anh cũng thay em cám ơn anh ấy dùm. Mà ai vậy anh
- Kiệt?
- Sao biết em vậy?
- Nói thì em cũng không biết đâu, để hôm nào anh rủ nó lại nhà chơi cho em xem mặt. Con chủ nhà sách Q.N đó. Còn sao biết em hả? Anh có chị em gái nổi tiếng ở trường ai mà không biết.
- Vậy nói bạn anh hể sách nào mới xuất bản ăn cắp ba má mang cho em đọc nghe, tôi đùa.
Lần kế Kiên tặng tôi tập thơ tình của thi sĩ Nguyên Sa.
Tôi như khám phá một chân trời mới với những lời đầy chất thơ và nhạc, qua đó tôi lấy cảm hứng để sáng tác thơ cho riêng. Tất nhiên là chẳng thể nào so sánh với Nguyên Sa được nhưng có hề gì. Ai cấm mỗi người nói lên cảm xúc của mình chứ.
Nếu viết truyện thì mình có thể lấy ngôi thứ ba làm nhân vật chánh nhưng trong thơ thì bắt buộc phải dùng ngôi thứ nhất hoặc anh hoặc em. Anh Kiệt đọc thơ tôi làm rồi hỏi:
- Bộ Trúc Đào biết yêu rồi hả?
- Trời, làm gì có. Bộ anh không hiểu em sao còn hỏi vậy? Tôi giẫy nẩy.
- Sao làm thơ như người có kinh nghiệm thế?
- Bài nào đâu?
- Bài Vương sầu đây thôi, rồi bài Chiêm bao trắng, Đêm hẹn nữa.
- Em làm nguyên cả tập, mỗi bài là mỗi trường hợp mỗi đề tài khác nhau. Chả lẽ em có từng ấy người yêu hả?
Anh cười cốc nhẹ đầu tôi:
- Ngoài đời em khờ như con ngốc ấy, mà sao viết văn thì già giặn gớm. Ba má đọc được chắc hoảng kinh lăn đùng ra xỉu quá.
- Phải có trí tưởng tượng dồi dào phong phú như vậy mai kia mới làm văn sĩ được chứ, bộ anh quên là hồi mình mới 9,10 tuổi đã biết viết văn rồi sao? Tôi giả bộ tự hào.
Lòng vẫn nhẹ như mây mềm dưới gót
Bước chinh nhân qua mấy bến tình hờ
Cho em sầu đời không mộng và mơ
Nghe vở vụn chạy dài trên sóng mắt
Từ một buổi nhìn nhau xa ngút mắt
Thoáng mĩm cười tìm hơi thở ngất say
Gặp gỡ nhau chi để nhớ bùi ngùi
Rồi cuốn hút cơn xoáy nào đi mãi
( Vương sầu, Th.H )
Bài thơ nầy tôi làm dựa theo chuyện tình của Hồng với một anh chàng lính Hải quân, tuy học cùng lớp nhưng Hồng lớn hơn tôi ba tuổi, thuở ấy các bạn đa số đều đến trường trễ. Vì gia đình Hồng có mở quán nhạc cà phê, các thanh niên học sinh lính tráng thường lui tới. Giờ rảnh Hồng ngồi làm thu ngân nên quen biết rộng rãi. Đời lính rày đây mai đó Hồng yêu anh chàng nầy sâu đậm nhưng chuyện tình ngắn ngủi vì anh chuyển đi nơi khác Hồng thất tình một thời gian khá lâu mới lấy lại nụ cười.
Như anh Kiệt nói, trong đời thường tôi là một cô bé ngây ngô không chút vốn sống nào nhưng thả vào thế giới sách vở thì tôi hoá thân thành đủ mọi nhân vật hoàn toàn khác với tôi.
Con chim dưới lá giật mình kêu hoang
Chân người đêm lạ êm ngoan
Bờ tường vi thấp thoáng choàng dáng tiên
Gái trinh thôi ngủ mơ hiền
Ta ngồi dạo nhạc giữa miền trăng tan
(Đêm hẹn, Th.H )
Mấy câu trên là cảm đề khi đọc về chuyện tình Romeo & Juliette, tưởng tượng cảnh anh chàng Romeomỗi đêm lén đến dưới cửa sổ phòng Juliette dạo những bản tình ca cho nàng nghe.
Nhớ mấy năm trước, trong giờ Kim văn có bài Anh Phải Sống của hai tác giả Khái Hưng và Nhất Linh, là một trong vô vàn tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc khó phai mờ trong tâm khảm tôi. Truyện nói về hai vợ chồng nghèo đi vớt củi vào mùa lụt sông Hồng, chiếc thuyền nan bị lật úp vợ yếu sức nên anh Thức một tay ôm chị Lạc một tay cố bơi vào bờ. Nhưng lũ mạnh quá người chồng mệt dần. Biết nếu tiếp tục như thế cả hai sẽ cùng chết nên chị Lạc buông tay để nước cuốn trôi cho chồng sống sót trở về nuôi ba con còn nhỏ dại. Tôi vẫn nhớ như in câu chị Lạc nói trước khi chìm xuống nước: “ Thằng Bò! cái Nhớn! cái Bé! Không! Anh phải sống! “
Câu chuyện thương tâm nầy cứ ám ảnh tôi mãi.
Rồi tôi thấy mình trong nhân vật cô bé Perrine mồ côi can trường lương thiện trên hành trình gian nan tìm về nguồn cội đã chinh phục ông nội khắc khe đã từ bỏ cha cô vì dám cưới người đàn bà ngoại chủng là mẹ cô
bằng chính nhân cách cư xử đầy lòng tự trọng đáng ngưỡng mộ, là một gương điển hình mà tôi nguyện sẽ noi theo (Trong Gia Đình, Hector Malot).
Óc tưởng tượng đưa tôi nhập vai Angelique, Nữ Hầu Tước hoang dã, ngỗ ngáo có một nghị lực và lòng can đảm ngoại hạng dám một mình chống lại mọi thế lực mạnh nhất của vua chúa, bọn cướp, bọn buôn người để sau cùng thành công và nhất là đòi lại công lý cho người chồng yêu dấu bị kẻ ganh ghét hãm hại.
Tôi mến phục và thương cảm cho ông già Jean Valjean, nhưng chắc chắn không muốn là phiên bản của một Cosette xinh đẹp hiền lành nhưng nhu nhược đã nghe lời anh chồng Marius vì hiểu lầm tưởng cha vợ là kẻ xấu nên bắt vợ phải từ bỏ người cha nuôi có công đem mình từ cuộc đời tăm tối biến thành một tiểu thơ cành vàng lá ngọc trong tác phẩm Những Người Khốn Khổ của đại văn hào Victor Hugo.
Hình tượng lý tưởng của tôi là những cô gái, phụ nữ nghèo khổ cô thân
nhưng có nghị lực ý chí để thay đổi vận mệnh chính mình. Giàu lòng nhân hậu, dịu dàng nhưng có chính kiến, không khuất phục trước sự tàn ác. Vì vậy mà tôi rất bực mình cho cái cô Cosette quá yếu đuối, bị động mà trở thành vô ơn vớicha nuôi. Có điều sau cùng anh chồng công tử bột hiểu ra sự thật, hối hận đưa vợ quay về thăm ông Jean Valjean trên giường bệnh.
Tôi mê sách đến độ nếu ai đó chịu thảo luận về đề tài nầy thì tôi có thể ngồi cả buổi không chán. Tiếc thay anh Kiệt thi đậu tú tài xong rời nhà đi học Khoa Học Saigon nên chẳng còn ai để trao đổi. Kiên cũng nối gót anh Kiệt về thành phố học Luật. Trước khi đi có tặng cho tôi quyển Cuốn Theo Chiều Gió (Margaret Mitchell ) và nói riêng với anh Kiệt nhưng anh đem kể lại tôi nghe
- Mầy nói Trúc Đào chờ tao học xong luật sư ra cưới nhé
- Không ngỏ ý với em gái tao giờ đi, lỡ có đứa nhảy vô giành thì đừng khóc, anh Kiệt nói
- Trúc Đào còn nhỏ tao chưa nói đâu. Chờ có sự nghiệp đã.
Một chút rộn ràng. Thiếu nữ nào mà không thích khi biết có người để ý đến mình. Nhưng như tâm hồn tôi ảnh hưởng bởi sách vở quá nặng, từ sách học làm người, rèn luyện nhân cách, bàn về Chân Thiện Mỹ cho đến tiểu thuyết về thân phận con người, chiến tranh, diễm tình...nên tôi đâu chịu an phận làm một thiếu nữ không sự nghiệp, không hoài bảo? Tôi nhủ thầm là chính tôi cũng quyết phải đạt một cái gì kiểu như cụ Nguyễn Công Trứ nói:
Đã mang thân ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
( Nợ Tang Bồng )
Rồ itôi tự chế giễu: không khéo mình giống như truyện ngụ ngôn Con ếch muốn to bằng con bò, tài cán thì không có mà cứ tưởng mình xuất sắc lắm rồi đến lúc nổ tung bụng chết không kịp ngáp.
Trước mắt tôi lo gạo bài để chuẩn bị mùa thi, phải đậu nếu muốn trở thành ký giả văn sĩ gì đó chứ.
Tôi than với anh Kiệt: Mấy người theo tán tỉnh em nếu như họ biết đánh vào yếu điểm của em là thích đọc sách, thì không chừng họ đã chinh phục trái tim em từ lâu rồi.
- Có thằng Kiên đó, nó “cua” em bằng cả đống sách còn gì.
- Ừ nhỉ. Nhưng mà sao em chưa thấy rung động gì hết vậy
- Có nói chuyện với nhau bao giờ đâu mà rung động, thằng Kiên rất sâu sắc chứ không lắt chắt như mấy đứa khác đâu nha. Anh nói nếu muốn anh giúp bửa nào anh giả bộ chở em đi ăn kem rồi như vô tình nó cũng tới cùng chỗ tạo dịp cho hai đứa gặp mà nó lắc đầu lia lịa thôi tao chưa sẳn sàng đâu, lỡ nói mà bị nàng từ chối thì tao buồn chết, phải kiên nhẫn và xem tình ý của người ta thế nào đã.
Anh Kiệt đi, đổi lại chị Anh Đào tốt nghiệp xin về dạy trường trung học tỉnh cho gần nhà. Xuân Đào bắt đầu trổ mã, xinh xắn ra phết. Thỉnh thoảng nghe ba má nói nhỏ với nhau tưởng chúng tôi không nghe được:
- Nhà có con gái lớn thật như bom hẹn giờ, chả biết khi nào nó nổ.
Có mấy người đi dạm hỏi chị Anh Đào, nhưng chị ngập ngừng chưa nhận. Lấy lý do mới ra trường muốn trả hiếu ba má một hai năm nữa. Nhưng tôi biết nguyên nhân chính là chị chờ anh Long. Anh mồ côi cha từ nhỏ lại vừa để tang mất mẹ. Thêm vào cái nghiệp binh chủng nhảy dù sống chết như trò đùa nhảy từ trực thăng xuống đất. Ba má biết phong phanh, không cấm đoán nhưng cũng không đồng tình, sợ con gái lấy chồng quân nhân có nguy cơ trở thành goá phụ sớm.
Mùa hè năm đó tôi thi đậu tú tài một. Hồng nhắn ghé chơi nhiều lần nhưng bận học thi nên chưa đi. Nay có thời gian tôi xin ba má chở Xuân Đào đến quán Hồng ăn chè. Bất ngờ gặp Đằng với Thi, Phú, Mạnh và cả nhóm, tất nhiên Đằng cũng thi đậu về quê nội chơi vài tuần. Giờ Đằng trở thành thư sinh tuấn tú, dáng cao ráo rắn chắc mất đi cái vẻ háo thắng của một học sinh biết mình giỏi. Những hình ảnh xưa lần lượt hiện về như khúc phim quay chậm. Tôi khó khăn lắm mới kết nối giữa quá khứ và hiện tại: một Đằng vẻ mặt hầm hầm vì bị tôi chiếm điểm Anh văn; Đằng dương dương tự đắc vì thắng tôi toán lý hoá; Đằng đạp xe ca hát như điên rồi té lăn cù đau đớn mà tôi chả một lời thăm hỏi hay một cử chỉ lo lắng. Hình ảnh nhích gần hơn là Đằng bỗng trở nên thân thiện từ sau lần bắt gặp tôi làm mẹ búp bê; Đằng thử bắt chuyện khen tôi giỏi... Rồi Đằng bằng xương thịt đang ngồi trước mặt với nụ cười yêu đời tự tin. Bỗng nhiên tôi thấy lòng xôn xao gợn sóng trước người bạn học cũ!
Đang câu chuyện cởi mở, Xuân Đào đòi về. Tôi tức nhỏ quá muốn ngồi nán thêm chốc lát nhưng phải chìu. Thầm mong Đằng gàn tôi ở lại, thế mà người ta nín thinh. Mong Đằng hỏi địa chỉ để liên lạc, nín thinh! Mong Đằng hứa câu gì thí dụ “mai Đằng ở lại thêm ngày nữa nếu Trúc Đào đi vườn trái cây với tụi bạn “ chắc chắn tôi sẽ gật đầu liền, nín thinh! Tiễn hai chị em ra xe, tôi dùng thần giao cách cảm xúi Đằng hẹn hò với tôi như trong sách khoa học viết. Hy vọng tắt lịm theo câu nói của Đằng: Ừ Trúc Đào về nhé!
Có lẽ chúng tôi không cùng tần sóng nên Đằng không bắt được tín hiệu của tôi chăng.
Rồ máy xe đi một khoảng, tôi nhìn vào kính chiếu hậu thấy bóng Đằng còn đứng ngó theo thật lâu. Nhớ lại ánh mắt sáng ngời của Đằng khiến tối đó giấc ngủ không về ru tôi tròn mộng như mọi đêm.
Ngày lại ngày qua, mùa thi đến. Năm nay là lần đầu tiên Bộ Giáo Dục áp dụng lối thi trắc nghiệm, chấm thi bằng máy IBM cho tú tài toàn phần. Tôi học xanh xao gầy rộc, vì mỗi một câu hỏi có sẳn bốn câu trả lời. Câu nào cũng tương tự nhau, nếu không hiểu thật kỹ bài thì dể rơi vào bẫy như chơi. Không còn thời gian hay chỗ trống trong tim óc nghĩ ngợi vẩn vơ nữa. Kiên biết tôi lo học nên nhắn anh Kiệt là qua kỳ thi sẽ tặng tôi một thùng sách đọc bù, anh đã để dành sẳn rồi.
Thời gian nầy anh Long lên tiếng dạm hỏi chị Anh Đào. Ba má miễn cưỡng đồng ý, chờ sang năm mãn tang mẹ anh là cưới. Chắc sẽ có nhiều người
ca bài Tôi đưa em sang sông lắm.
Kết quả kỳ thi tôi đậu hạng bình, không uổng công bao đêm thức trắng miệt mài (lúc ấy các kỳ thi có năm hạng: thứ, bình thứ, bình, ưu, tối ưu )
Tôi theo anh Kiệt lên Saigon ghi danh vào Văn Khoa, khấp khởi tưởng con đường trở thành ký giả hoặc văn sĩ đang bắt đầu hé lộ.
Trong vài chục quyển sách Kiên tặng, không biết điềm báo hay ngẫu nhiên tôi chọn mấy quyển để đọc trước, là Tầng đầu địa ngục của nhà văn Nga Alexandre Solzhenitsyn, kể về cuộc đời đày ải lao tù của những nhà bác học, trí thức Nga dưới thời Sô Viết. Và quyển Lửa thương yêu lửa ngục tù của nhà văn Đức Erich Maria Remarque nói về các tù binh chiến tranh và Do Thái thời Đức Quốc Xã. Nó vạch cho thấy tính phi nhân tàn bạo của một nhóm người mà ngay trong ác mộng kinh hoàng nhất tôi cũng không hình dung ra nổi.
Có đâu ngờ một thời gian không lâu sau đó, những trầm luân thống khổ tôi tưởng chỉ đọc thấy trong sách như tài liệu lịch sử bên lục địa Châu Âu
xa xôi kia bỗng hiện tiền ngay trong đời tôi.