Cuộc chiến thật sự là giữa những gì bạn đã làm, và những gì bạn có thể làm. Bạn so sánh bạn với chính mình chứ không phải ai khác.

Geoffrey Gaberino

 
 
 
 
 
Tác giả: Mạc Can
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2266 / 45
Cập nhật: 2015-12-12 10:58:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Bức Tường Biết Nói
húng tôi còn ngồi lại trong một căn nhà, bây giờ thì nguyên vẹn. Chung quanh những căn nhà đang đập bỏ. Tiếng búa nện đùng đùng át cả tiếng của tôi.
Có thể, nhiều đời người ở trong các căn nhà đang đập bỏ, nhiều kỷ niệm vui buồn nơi ngưỡng cửa, khi vợ trông chồng về, khi cha mẹ nhớ con. Một căn nhà, không hề vô tri, những bức tường biết nói.
Ngẫu nhiên làm sao mà tôi, một người viết tầm tầm, thích dấn thân tìm chút tư liệu về cuộc sống quanh tôi, lại mướn được căn gác xép, ở chung với những người không nhà, họ cứ sống đời du mục. Có cô Hạnh thợ may, đứa con gái mới lớn của cô tên Duyên, vừa học hết lớp 12, sau cùng là cô Vui, một cô gái tròn trĩnh hết sức hiền hậu, giữ chân bán quà lưu niệm cho khách nước ngoài của quán bar đêm.
Tôi nhớ, có một lần về nơi trường học cũ, cứ đứng nhìn hoài vào lớp học của tôi, nơi đây khi còn thơ dại tôi có nhiều bạn bè. Có lần tôi lại nhớ rồi trở về xóm cũ, nơi xưa kia tôi có một ngôi nhà, nhiều kỷ niệm với cô con gái nhỏ nhà bên, giờ thì không biết cô nhỏ ở nơi nao. Tôi cứ nhìn những người đang sống trong ngôi nhà xưa, lòng dạ bâng khuâng.
Nhỏ Duyên khôn trước tuổi. Trong những ngày ở chung với kẻ không nhà kiểu này, tôi khám phá ra cô bé hết sức siêng học. Bởi thứơng mình và thương bà mẹ thợ may tảo tần, Duyên muốn học cho giỏi, sau này đi làm dành dụm mua cho mẹ một căn nhà, hay không thể có, cô đã gá nghĩa với tay Đài Loan, cô có nhà... và có con. Ông Đài Loan sau đó ẵm đứa con chung về nước, cô gái được ngôi nhà trơ trọi một mình giữa những bức tường.
Như một cô gái khác, sống chung với gia.đình đông đúc, trong căn nhà ổ chuột. Bức bối làm cho cô phải suy tính có chồng sớm, để thoát khỏi hoàn cảnh này, mà không hề yêu, cũng là để có một ngôi nhà. Sau vài năm, cô nhỏ ẵm con trở lại căn nhà cũ ổ chuột. Một căn nhà, đó là ước mơ của một diễn viên già, nhớ khi ngôi chung xe với anh trên các nẻo đường lưu diễn, anh cứ nhìn hoài những ngôi nhà thoáng qua khung cửa xe anh nói: Cả đời lưu lạc, nay thèm một ngôi nhà, thèm một chỗ của mình, vợ bán tạp hóa, hay may vá bèo bèo đồng ra đồng vô, tạm thoát nợ áo cơm, còn mình sẽ có cái gác xép, tĩnh tại ngồi viết tuồng hát. Tôi là kẻ không nhà, ở nhà mướn chuyên nghiệp, nhờ vậy mà biết được rõ tâm sự kẻ không nhà. Dễ thương hết sức là đôi khi họ... quên, họ chăm sóc, quét dọn căn nhà mướn, có khi chỉ là cái phòng nhỏ ọp ẹp, ngăn vách chung đụng nhiều người, ý tưởng mơ hồ đó là ngôi nhà của mình. Như Hạnh là một thợ may siêng năng, có hoàn cảnh khá độc đáo. Cô Hạnh nuôi đứa con gái không cha từ ngày nó còn đỏ hỏn, tới tuổi trưởng thành. Phải nói và khâm phục dân miền Trung siêu thật, nhỏ Duyên ốm tong teo, suy dinh dưỡng lại học ngày học đêm, chỉ để thành người hữu dụng và để có ngôi nhà cho mẹ.
Dân ở nhà mướn vui cười nhiều chuyện hi hữu. Nhất là các cô gái lỡ thời và các cậu sinh viên tỉnh xa về Sài Gòn trọ học, các cô cậu học trò khó này cứ gặp nhau ở những chỗ ở mới, dân du mục đời mới này, nồi niêu xoong chảo, tập sách, thành thạo việc đi mướn và... dọn nhà. Tới hè tăng cường đàn rã nghé, gởi lại khá nhiều mối tình, rồi lại gặp nhau sau đó với khuôn mặt lạc quan.
Tôi đã gặp lại biết bao lần các cô cậu trẻ tuổi này, cũng như gặp lại cô Hạnh, với nhỏ Duyên nhiều lần khi tôi tìm mướn nhà, dọn nhà và tới nơi ở mới. Đầu tiên vào những năm trước, tôi lọt thỏm vô một trại gia đình cũ, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngôi nhà tôn nóng dữ dằn, ngăn thành nhiều phòng nhỏ tí teo. Hạnh làm thợ may ở Sài Gòn ở với Duyên, còn có Sinh, cô thợ may tại gia luôn luôn trang điểm để mong có một tay nào đó Việt Kiều ngó tới. Sinh cũng có đứa con không cha tối ngày chửi rủa nó, hình như thằng con là một nỗi lo, nỗi hận của Sinh. Một chị sồn sồn cũng là dân miền Trung, có.đứa con trai trắng trẻo, người chồng của chị lặn tuốt bên Mỹ, thỉnh thoảng gởi chút hồi âm. Lại có một anh chàng khoảng hơn năm mươi tuổi, rất vui tính, người miền Bắc, nghe nói có bà vợ sư tử, sợ vợ nên trốn vào Nam. Anh làm một chân bảo vệ cơ quan, lúc đầu ve vãn chị sồn sồn, sau đó ngả qua Sinh, nhưng cuối cùng anh dọn đi cưới vợ, bà chị này có nhà. Mừng hết lớn cho anh chàng vui tính có vợ mới lại có nhà mới.
Những khu giải tỏa, hiếm khi người cũ ở lại được. Ví dụ như cô Hạnh, cô ở hộ ghép, nhà giải tỏa người ta chỉ đền bù nhiều cho chủ nhà chính diện, Hạnh cũng có một phần, tí teo, sau đó tiếp tục tìm nhà mướn, sống đời du mục. Tôi cùng dọn nhà với Hạnh và Duyên sau khi khu Nguyễn Bỉnh Khiêm giải tỏa, Hạnh tìm được một nơi, tôi thì chưa tìm được, vì vậy tôi phụ dọn với Hạnh, chúng tôi tới một căn nhà ven sông, dưới chân cầu Sài Gòn, đường qua xã An Khánh. Chủ ngôi nhà lý tưởng này có quá nhiều nhà, ở không hết, ngôi nhà ven sông đây chỉ để cậu con trai... ở tạm giữ nhà, lâu lâu cậu có cô bạn gái, cả hai tù ti, biến đâu mất. Cậu ta nghe nói có người tới mướn mừng rơn, để có dịp rong chơi. Ngôi nhà lý tưởng thật, dù hơi xa Sài Gòn, một phòng lớn lát gạch men, cửa sắt rất quý tộc, một phòng ngủ bên cạnh có giường tủ sẵn xinh xắn dành cho Hạnh và con. Trên gác nhìn ra mặt sông mát rượi là dành cho tôi để cái máy đánh chữ lộc cộc, khoảng sân còn trống, cạnh sông Hạnh dự định trồng những cây rau trái ăn được. Cô thợ may vốn tiện tặn với đồng lưng bé hạt tiêu của mình, chỉ nội tiền học phí, học thêm, sách vở của nhỏ Duyên cũng đã chiếm hết đồng lương. Vậy mà cả hai mẹ con sống được, tuy kho cá hơi mặn chút đỉnh cho đỡ cơm, và bây giờ thì trồng rau. Ý nghĩ trồng rau trái ăn được, với Hạnh thiết thực, bởi vì trồng hoa chỉ để ngắm.
Tôi lặn lội trên đường phố săn tin viết truyện trinh thám, hình sự, đôi khi viết truyện ngăn ngắn, và cũng đôi khi viết tin kịch trường, điện ảnh, cải lương và kịch Trong Nhà Ngoài Phố. Hạnh đi làm suốt bởi tăng ca, còn nhỏ Duyên cưỡi chiếc xe đạp sút tay gãy gọng của cháu đi học tận bên trường Trưng Vương, cạnh Sở Thú. Vui ơi là vui là ngày chủ nhật, cả nhà sum họp, tôi ghé quán mang về chai nước ngọt cho Duyên, mấy trái cà pháo dầm chua tặng Hạnh, tôi có một lon bia. Lối xóm cứ tưởng chúng tôi là một gia đình, tôi là... chồng của Hạnh, nhỏ Duyên tỉnh queo sự đời là con gái của tôi.
Đôi khi tôi tự nhiên thở dài mà không biết. Tôi đã gần 50 tuổi, tài sản chĩ có cái máy đánh chữ lạc son, máy ảnh tàn từ thời vua Bảo Đại tắm cởi truồng, với chiếc Su 100 năm. Tánh Hạnh hài hước có duyên, Duyên cũng có đôi nét hài, còn tôi thì trông buồn cười. Đàn bà sợ tôi không nghiêm trang, vì nhà nghèo đã đành, lại còn làm như một ông cụ hom hem. Chưa lần nào tôi có vợ chính thức có đám cưới, thỉnh thoảng một chuyện tình qua đường lại tới, phần nhiều với các nữ đồng nghiệp rắn mắt, có nhiều tham vọng. Rồi người ta lại bỏ tôi, bỏ đi thật sự vì tôi chẳng có nổi một mái nhà. Tôi không hiểu sao Hạnh “ở không” như vậy tới mười mấy năm, bao nhiêu năm tháng trôi qua với một người đàn bà cô độc là một bí ẩn. Nhiều khi Hạnh cũng thờ dài như tôi, và chúng tôi bắt gặp những tiếng thở dài xót ruột đó. Nếu tôi nhớ không lầm, lúc đó Hạnh cũng đã có tuổi, ngoài bốn mươi, không đẹp, nhưng nhẫn nại dễ thương, tánh tình như bà vợ hiền, siêng năng mau mắn, may vá giỏi, nấu ăn ngon, nhất là các món miền Trung.
Năm 1975, gia đình Hạnh gồm cha mẹ, anh chị em theo dòng người xuôi về Nam. Qua Quảng Bình, tới Huế, Nha Trang, Đà Nằng, Quy Nhơn, sau cùng tạm cư ở Khánh Hội, Sài Gòn. Hầu như mấy chị em Hạnh đều biết ca hát, có một lúc Hạnh là ca sĩ ở Đài phát thanh Quy Nhơn, các cô em Hạnh đẹp hơn Hạnh đều biết văn nghệ. Duyên do tổ nghiệp, mấy chị em quen với một ông vũ sư bèo bèo rủ rong ruổi theo một đoàn ca nhạc tận miền Tây, các cô em đẹp gái đều trở về Sài Gòn bình yên, riêng cô Hạnh phải lòng một anh chàng diễn viên hài, kiêm hoạt náo viên Sài Gòn. Đó là một mối tình lạ lùng, anh chàng này vô tư, bình thản, nhưng ơương mặt đôi khi nhiều tâm sự, về sau bỏ đi mất tăm, để Hạnh ở lại đoàn hát chờ mỏi mắt, anh ta lại xuất hiện, sau nhiều năm gặp lại bỏ đi, bỏ đi gặp lại, không hiểu vì sao bỏ đi mất tăm, Hạnh trở thành bà bếp nấu cơm cho gánh hát, rồi về lại Khánh Hội sinh nhỏ Duyên mang họ mẹ.
Trong công ty may, Hạnh là niềm vui của nhiều người, ai cũng nói cô Hạnh nói chuyện hay, có duyên và hài hước. Hạnh lên chức KCS được tín nhiệm. Nhưng đồng lương vẫn chưa đủ là bao, mẹ con Hạnh cơ cực nhưng nhỏ Duyên được mẹ cho ăn học tử tế, chu đáo, vả lại Hạnh cũng có học nên dạy con nên hơn. Trước đó Hạnh đã tạo nhiều việc làm kiếm sống, trong buổi cơm ngày chủ nhật, cô thường mỉm cười kể lại mình đã làm gì. Nào là buôn chuyến, làm công nhân cho một hãng... chế tạo mắm ruốc, bán sinh tố, bún bò Huế, làm thợ may, có lúc còn bán đồ chơi tự tạo cho con nít:
- Anh Trần biết hông, tôi đi bán đồ chơi cho con nít, làm bằng vỏ lon bia, giấy bìa, nào là máy bay, tàu lặn, xe kéo, rồi con khỉ múa rối. Một buổi đang đứng bán trước cửa một tiệm lớn, nói thiệt không phải khoe với anh, tôi có duyên bán, tự nhiên có một ông coi bộ khá giả cứ đòi mua cho được con khỉ mẫu làm “quảng cáo” của tôi. Tôi nói đại là năm trăm ngàn cho ổng bỏ đi, anh biết sao hông, cha nội này mua thiệt, tôi trúng mánh, mua cho con Duyên này thêm tập sách đi học ngon lành. Con khỉ đó làm dễ ợt, bằng giấy chỉ có mấy chục đồng.
Hạnh cười, còn Duyên thì nháy mẹ đừng kể thêm, quả thật cũng có lúc phải hơi không thật mới sống cho khỏi những cơn hoạn nạn, miễn là lùi trở lại với chất lương thiện.
Lúc tôi thuê căn phòng nhỏ, ngăn vách ở “chung cư” Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hạnh đang là thợ may, khu ổ chuột trại gia binh cũ được giải tỏa, có nhiều chuyện vui. Một trong các chuyện cười muốn chết là có một ông tồng ngồng bộ đồ của ông Adam đòi đền bù thỏa đáng, nếu không ông ta cương quyết ở lại.
Cậu con chủ nhà lý tưởng ven sông cám cảnh “gia đình tôi” nói cứ yên tâm ở lại nơi đây, cho tới mười năm nữa, đời con đời cháu ngoại cũng tốt, an cư lạc nghiệp. Nhưng chưa tới ba tháng, ngôi nhà lại có người tới coi mua, cậu chủ mất tăm, mẹ của cậu ta bán ngay cho người ta. Chúng tôi... những kẻ không nhà lại dọn nhà, tìm tới ở chỗ khác. Nhỏ Duyên tỉnh queo với chuyện dọn nhà, bởi vì theo cháu mỗi năm mẹ dọn nhà tới năm, sáu lần. Quả thật vậy, tôi cũng đã phụ dọn với mẹ con Hạnh không dưới bốn lần trong một vài tháng, nhỏ Duyên cười: Tụi bạn con hỏi con nhà ở đâu số mấy con cũng không biết làm sao mà nói. Có khi sáng con gái xe đạp đi học, chiều lại Duyên đi kiếm ngôi nhà... mới.
Lần dọn nhà này chúng tôi tới ở một căn nhà cạnh cầu Văn Thánh, khu chợ chiều thường bị thổi còi... ép sát hẻm, lại dọn ra bán tiếp. Hạnh mở quán giải khát bún bò Huế, Hạnh đã kiệt sức với nghề thợ may tăng ca. Quán bún bò kiêm luôn tiệm may, Hạnh vừa nấu bún vừa may vá, nhiều lúc may những món tức cười, như một ông tới may lại may lại cái phẹt-ma-tuya quần Tây đã cũ xì, ông ta nói nghe đồn đây có cô Hạnh may đẹp. Sống cũng tàm tạm qua ngày, nhưng tiếc quá xóm này phải dọn đi vì nới đường, vì dưới cột điện cao thế.
Cả nhà dọn tới chỗ ở mới nữa, một căn nhà trong hẻm, gần chợ Thị Nghè, lúc này đã quen nhau nhiều, tôi như người trong nhà, mặc dù tôi với Hạnh chẳng là cái gì của nhau. Nhà vắng vẻ, có cửa sắt khóa, tôi chạy xe về tới thì không Hạnh cũng Duyên ra mở cửa, lối xóm lại cứ tưởng chúng tôi là một gia đình hạnh phúc tràn trề.
Duyên sắp học thi hết lớp 12, nhiều khi tôi chở Duyên đi học, bởi vì xe đạp của cháu hư, rồi nhiều khi tôi chở Hạnh đi chợ, bởi chiếc Su nữ tuổi thọ 100 của Hạnh cũng nhõng nhẽo. Tôi năn nỉ Hạnh để cho tôi đóng tiền nhà bởi Hạnh hết đường binh, ban đầu thì cô không chịu nhưng biết làm sao mà không nhận, mà nói thiệt tôi cũng phải viết nhiều hơn, có khi gỡ mấy trăm của anh tổng biên tập tốt bụng, trừ vô nhuận bút bài sau.
Đang sắp bình yên thì cô chủ nhà tươi cười báo tin buồn. Có... người mướn giá cao hơn, lại mướn trọn mấy năm, với số tiền đặt cọc lớn mà cô chủ lại cần tiền sửa nhà. Vậy là “gia đình” tôi lui cui đi tìm, một buổi Hạnh cho biết có một chỗ khác, chúng tôi dọn tới khu Phạm Viết Chánh này, mới tới ông chủ nhà đã tử tế cho biết, xui cái là khu này đã có quyết định... đập để phóng một con đường lớn, từ Lê Thánh Tôn xuyên qua Phạm Viết Chánh. Nhà cho chúng tôi mướn đã có cô Vui ở trước, chỉ ở tạm được tới đâu hay tới đó, khi ông chủ nhà nói đã vang vang tiếng búa đập, nhiều nhà chung quanh đó thành gạch vụn, người ta nói với nhau về giá đền bù, về mọi sự nhiêu khê. Và hôm nay ngôi nhà chúng tôi ở trơ trọi giữa sự đời.
Chỉ còn độ chừng hai ngày nữa, các tay thầu mua xác nhà cũ, lấy sắt, tôn, thiếc, khung cửa, gạch... sẽ tới... đập nhà. Chúng tôi đã thấy và nghe mấy ông đó nói giá khi chúng tôi trầm ngâm nghĩ ngợi chưa biết phải đi đâu, nhỏ Duyên vẫn đi học bình thường, đúng là cháu không có địa chỉ chính thức, tức cười là nhỏ Duyên coi chuyện đó là thường ngày với cháu. Hạnh là chuyên gia dọn nhà, cứ mỗi lẫn dọn tới chỗ ở mới, cô đã có sẵn những thùng giấy đâu vào đấy, thùng nào khăn màn, thùng nào bếp núc, đâu là sách vờ của nhỏ Duyên, cô thạo việc dọn nhà ngăn nắp như dọn... gánh hát. Điều không thể quên là tới đâu Hạnh cũng “thiết kế” cho nhỏ Duyên chỗ thuận tiện nhất, tốt nhất trong cái nhà sẽ dọn đi nữa, một bàn học, kệ sách, ngọn đèn cho con. Việc dọn nhà sẽ không ảnh hưởng tới việc đèn sách thi cử “Trạng Nguyên” của Duyên. Nhìn Hạnh lui cui tự làm những ổ điện, lôi kéo cái bàn quen thuộc Duyên, vẻ trầm ngâm và khéo léo của Hạnh khiến cho tôi cười buồn, vì tôi rất sợ điện, không dám làm phụ. Hạnh cười nhìn tôi: đàn ông như anh khỏi cần có trên trái đất này, tụi tui phụ nữ mà biết làm nhiều chuyện hơn ông, điện mà cũng sợ. Một người cực kỳ giỏi, tôi nghĩ thầm và ao ước có được một người... vợ tốt như Hạnh và đứa con dễ thương như Duyên. Có lẽ đó là “tham vọng” duy nhất trong cuộc đời tầm thường của tôi. Hạnh hay gây với tôi, có khi những ý kiến manh nha hơi thiếu lương thiện của tôi làm cho Hạnh bất bình. Tôi thì nóng tính nhưng với Hạnh tôi tốt nhịn, nhiều khi Duyên ngắm nhìn hai đứa tôi, nó cười mỉm chi. Chúng tôi là bạn tốt của nhau, kể cả nhỏ Duyên, nó thông minh và rất thực tế tới đỗi ngạc nhiên, sự đau khổ không hề thấy trong mắt của cháu. Đó đã là một đời sống lý tưởng của một gia đình nghèo nhưng hạnh phúc, kể cả lúc dọn nhà suy tư, tới đâu người ta cũng gọi tôi là chủ hộ khẩu, tức chồng của Hạnh, cha nhỏ Duyên.
Chúng tôi, ngồi lại căn nhà đường Phạm Viết Chánh này, ngôi nhà đã có kỷ niệm. Tuy mong manh vài tháng, hầu như đã quen từ viên gạch tới thềm nhà, Vui trầm ngâm nói: Nhiều khi em cũng muốn lấy... đại một ông Tây, ông Tàu, ông Ả Rập nào đó để ổng sắm cho mình một căn nhà. Nhưng nói tiếng khác nhau, râu ria xồm xoàm, lại còn không yêu nổi thì càng khổ đời. Con nhỏ bạn em nè... sau khi nghỉ mát Đà Lạt về tới Sài Gòn với một thằng Tây. Thằng Tây nó xù bạo, gặp tỉnh rụi như không có chuyện gì xảy ra, con nhỏ mất... trắng mà nhà đâu trời! Em phục nhỏ Duyên, nó nói nhà nó do công sức mình làm ra là nhà của mình.
Cả xóm ngạc nhiên và tức cười, gia đình tôi, có Vui một tay, dọn đồ bằng xe Su 100 tới một nhà chỉ cách đó chừng trăm thước, con đường lớn chỉ đập một khoảng dài đúng chóc ngay chỗ tôi kể. Lần này lại ở chung với cô cậu sinh viên quen biết, cả bọn cười rần. Tay bắt mặt mừng.
Những bức tường chung quanh chúng tôi, những ngôi nhà chúng tôi thuê mướn cứ mất dần đi và tương lai sẽ là những con đường lớn, khu xóm khang trang, tiện nghi. Nhưng phải điều kiện nào đó cho người chủ mới, như khu Phạm Viết Chánh này chẳng hạn, hiện nay vang lên tiếng búa. Giữa xôn xao lộn xộn, nhỏ Duyên chưa cho mẹ coi điểm học kỳ của cháu, Duyên học hết ý, tất cả đều có điểm cao, duy chỉ có môn văn là cháu yếu, có lẽ cháu quá cứng cỏi. Tôi nói về nghề mình, chữ nghĩa có thể xào nấu như nấu ăn, nhỏ Duyên cười hiểu ngay. Mỗi lần tới nơi ở mới, tôi lại chụp cho cháu vài bức ảnh, cháu sẽ có nhiều kỷ niệm sau này, nhiều hơn hẳn các nhỏ khác, tụi nó chi có một ngôi nhà, còn Duyên trần ai của tôi, cháu có nhiều ngưỡng cửa, bậc thềm mà mẹ cháu ưu tư trông ngóng cháu từ trường học về. Duyên đang thi tú tài, sau đó có nguyện vọng vào đại học. Tôi hỏi cháu sẽ theo học và tương lai sẽ chọn nghề gì. Nhỏ Duyên bâng khuâng:
- Cháu sẽ học kiến trúc, sẽ xoay sở học dù biết học môn này nhiều tiền mà nhà cháu thì nghèo. Cháu sẽ sống với nghề xây nhà, xây cho nhiều người, cho cô Vui, cô Sinh, cho mẹ cháu. Cháu cũng thiết kế xây nhà cho bác Trần. Thành phố của chúng ta sẽ đẹp, đẹp hơn và lúc đó những bức tường sẽ không còn vang lên tiếng búa đập.
Vui ở lại đâu đó với nụ cười buồn. Cô Hạnh với tôi chạy lên Hóc Môn. Hạnh đã hơn 40 tuổi, tôi nghĩ cứ rong ruổi chờ tới ngày nhà cô sẽ mòn mỏi. May làm sao cuộc đời thật đáng sống. Ông bạn già cùng nghề của tôi lo xa, anh có mảnh đất nhỏ xíu như hộp quẹt ở Trung Chánh, Quận 12. Anh này ruột để ngoài da, tốt bụng... bẩm sinh, anh nói khi nào tôi muốn “đậu lại” khi anh còn đây thì nói với anh. Tôi nghĩ nhiều, và đó là một tuyệt đỉnh đời, tôi sẽ “đậu lại” với mẹ con Hạnh, nếu như cô và nhỏ Duyên... không chê tôi.
Chúng tôi sẽ cùng nhau xây một cái tổ chim muộn màng, với rơm và cỏ, không quên trồng những cây rau quả... ăn được. Rồi một ngày nào đó đẹp trời, tôi sẽ mua về những hạt giống, tôi sẽ trồng một vườn hoa tặng Hạnh và Duyên. Bởi vì con người ta không chỉ sống bằng thức ăn mà còn phải có hoa.
Biết bao lâu tôi không có được một bông hoa, giờ thì duyên trời đã tới, tôi càng siêng năng hơn vì có một hạnh phúc trước mắt, tôi đi săn tin viết chuyện hình sự, tôi viết tin tức điện ảnh, sân khấu, làm luôn chuyện Trong Nhà Ngoài Phố, kiếm tiền cất nhà, lo cho Duyên học, phụ với... má nó. Nhỏ Duyên ở lại Sài Gòn với Vui, sau khi thi xong tú tài, và trở thành sinh viên. Hạnh sẽ bán tạp hóa, tôi bắt chước mơ ước của anh bạn diễn viên già mỏi cánh. Hạnh sẽ làm thợ may vườn trong xóm nhỏ, cháu Duyên sẽ về nhà những ngày chủ nhật vui nhộn, tôi sẽ bắt điện, làm đèn nơi bàn học cho Duyên, không để Hạnh chê tôi chết nhát. Vào những lúc đêm về, tôi với Hạnh sẽ dõi mắt hướng về Sài Gòn thật đẹp với vầng sáng rực rỡ, nơi có Duyên ngồi học, cháu học để làm chủ ngôi nhà của cháu, của người Sài Gòn, nơi Duyên được hạ sinh bởi một mối tình độc đáo, trắc trở.
Chuyện lớn nhất của ba chúng tôi khi còn những ngày thuê nhà. Người chủ quê quán miền Trung nhận Hạnh là đồng hương, bà vui lòng cho ở lại vì người ta cất nhà mà, có phải “dân thường” đâu và đó là ngày thi của Duyên, và chuyện chạy tiền của tôi, trong đó vai chính là Hạnh, bởi tôi ngô nghê trong việc xin “cứu trợ”.
Tôi chờ Hạnh sau yên xe tàn của tôi lên Trung Chánh, Hóc Môn, quận 12. Khi thấy mảnh đất Hạnh bùi ngùi, nhỏ và xanh rờn cỏ dại, cây trái. Xóm nhỏ ngoại thành hiền hòa chào đón người mới, bà con xúm xít hỏi thăm, có người nhắc ghế để “hai vợ chồng” tôi ngôi, còn rót nước mời trà. Lần này chúng tôi cất nhà mới là oai chớ. Dự định chỉ có vỏn vẹn hai bức vách còn thì vách mượn, tất nhiên phải có mái nhà, cái cửa ra vào. Nơi nào Hạnh để máy may, chỗ nào tôi đặt máy chữ, chu đáo, Hạnh nói:
- Em sẽ để cho anh thật yên tĩnh, máy chữ của anh và chỗ anh ngồi sẽ nhìn ra một nơi có trời đất mà lâu nay anh thích, có cành cây, mấy con chim se sẻ mà anh vẫn thích.
Còn tôi thì nói thầm: Anh sẽ ngồi canh chừng, nhm qua khung cửa nhà mình. Nếu như anh chàng diên viên hài kịch, kiêm hoạt náo viên đó tới, anh sẽ báo động với em, hoặc là anh sẽ lừa cho hắn lạc đi đường khác.
Tôi biết trong tận cùng trái tim Hạnh, sau mười tám năm dài, vẫn còn hình bóng anh chàng lãng tử đó. Tôi cũng đoán có một lúc nào đó anh chàng mỏi cánh tìm về, nhưng giờ thì anh mải lang thang không nhà, còn tôi thì đã có một mái nhà. Đàn bà cần một người đàn ông và cần một bếp lửa, một mái nhà. Tôi có trội hơn chàng nghệ sĩ quá đáng kia, vả lại nhỏ Duyên càng ngày càng quyến luyến tôi, cháu mong mỏi tôi sống chung một mái nhà, sáng lên ánh đèn mà từ lâu nó không có. Tôi được Hạnh cho phép làm lễ cúng đất, con nít tới coi vui vô cùng vui. Tôi chụp ảnh Hạnh và tôi trong ngày trọng đại này, máy ảnh được một anh hàng mộc mạc sẽ là hàng xóm của chúng tôi bấm máy, tôi khấn, còn Hạnh thì... nhắc tuồng:
- Hôm nay là ngày thứ sáu, 25 tháng 5 năm 1999. Tôi tên Trần, 49 tuổi, tuổi con Gà, tôi tới đây cúng đất, xin thổ địa cho “gia đình” tôi được động thổ, xin thổ thần cho... vợ con tôi và... tôi bình yên, an cư lạc nghiệp, làm ăn được khấm khá và hạnh phúc.
Tôi chở Hạnh theo dòng người xuôi ngược trở lại Sài Gòn, lần dọn nhà sắp tới sẽ là lần sau chót, chúng tôi sẽ không lo chuyện trả tiền mướn nhà. Duyên gặp chúng tôi, nó báo là thi đậu tú tài với điểm khá. Một ngày không thể quên đối với những người không nhà như chúng tôi.
Hạnh không đồng ý về đoạn kết của câu chuyện Những Bức Tường Biết Nói mà tôi kể cho Hạnh nghe khi chúng tôi ngồi bên thềm nhà nhìn những loại cây ăn quả được Hạnh vun trồng khá có nghề... làm rẫy. Chính Hạnh và tôi cũng phân vân. Tôi muốn một ngày kia anh chàng lãng tử sẽ trở lại, sau khi một bà đồng nghiệp cũ, rã gánh hát từ miền Tây tới thăm mẹ con Hạnh, sau đó thì tôi sẽ tìm cách ra đi với một nụ cười buồn và niềm hãnh diện đã làm một việc tốt cho gia đình Hạnh sum họp. Hạnh nói: Như vậy thì ác quá, khán giả hay độc giả sẽ tội nghiệp cho ông nhà báo, còn Duyên thì phải có quá trình chờ cha ruột của nó đã đành, người phụ nữ chung thủy mà anh viết làm em phân vân. Anh bỏ quên một nhân vật rất hay.
Tôi chợt nhớ là quên cô Vui, đang sống thấp thỏm ở môi trường xấu, quán bar đêm. Có một câu chuyện thật, nơi Vui làm đã xảy ra một án mạng, một cô gái qua đêm với một người nước ngoài với ý tưởng có một ngôi nhà, nhưng tay ngoại quốc này lạnh nhạt bỏ cô. Án mạng đó diễn ra trong chuyến du lịch có Vui, sự ngộ nhận rất bi kịch, nhiều tình huống hấp dẫn.
Rồi một thời gian khá dài trôi qua, chúng tôi quen thân với người trong xóm nhỏ ngoại thành này. Khu xóm mọc dần những bức tường thật vui, nhiều người tới ở, mỗi cảnh đời khác nhau. Chúng tôi bận bịu với nhà mới, tiền nợ còn phải trả, vì anh thợ hồ tốt bụng xây đẹp hơn là chúng tôi định. Vả lại nhỏ Duyên ở lại Sài Gòn, nhưng không phải ở với Vui. Tôi đưa đón Duyên về thăm Hạnh, và chúng tôi cùng bàn chuyện về Những Bức Tường Biết Nói phần kết.
Một đêm trước thềm nhà chúng tôi, mảnh trăng tròn hiện ra rực rỡ, soi ánh sáng huyền diệu qua những cành lá dừa. Hạnh dưới trăng đẹp hơn là tôi tường, bên cạnh là nhỏ Duyên đẹp hơn mẹ, hai mẹ con đều đẹp, tôi ngồi nơi thềm nhà hút thuốc lá. Hạnh xoay qua nói:
- Anh hút thuốc nhiều quá không tốt đâu.
Nhỏ Duyên cười thật lớn, lần đầu nó nghe Hạnh chăm sóc tới tôi.
- Bác Trần, ai đọc truyện của bác cũng thấy thương ông nhà báo, nhưng con coi phim truyện cũng nhiều, phim mình thiếu những chuyện như thật, đoạn kết viết sao đây?
Tôi đã quyết định rất đẹp, không phân vân. Khuôn hình cuối cùng khi tôi rời xóm nhỏ trên chiếc Su 100 của tôi, tôi sẽ ngoái lại nhìn một lần chót căn nhà kỷ niệm của mình. Tôi thì thầm nói với Hạnh, sau một lúc trầm ngâm, Hạnh nói:
- Án mạng xảy ra chỗ bar đêm của Vui, anh có mặt với tư cách phóng viên, vả lại khi còn chung nhà Vui cũng có tình cảm với anh, em nghĩ rằng nếu ông nhà báo rời khỏi nhà mình, sẽ gặp lại Vui. Phải có hậu, những mối tình éo le như vậy mới có chuyện hay.
Hình ảnh người nhà báo tôi mường tượng như nghệ sĩ, kịch sĩ, đạo diễn Công Ninh, nếu như chuyện Những Bức Tưàng Biết Nói được dựng thành phim. Anh Công Ninh nghe tôi kể rất thích. Còn tay lãng tử giang hồ chồng cô Hạnh, cha ruột của bé Duyên, tôi thích được nghệ sĩ Thanh Bạch diễn xuất. Người nghệ sĩ rất có tài đó, cứ tỉnh táo đóng vai vô tư lự và rất được đàn bà yêu, vui vẻ và màu sắc. Thanh Bạch chịu tham gia, tuy chưa có kịch bản hoàn chỉnh. Nhỏ Duyên thắc mắc, vậy khi bác Trần về ở chung một nhà, bác ở và ngủ chỗ nào. Tôi nghĩ nên cho nhân vật điềm đạm này ngủ... ngoài sân, tôi không muốn một mối tình trăng gió của các nhân vật lớn tuổi. Người ta có thể yêu nhau, nhưng rất đẹp.
Tôi thật sự thích căn nhà mới, trong đó Hạnh thật siêng năng, cô trồng những luống cải do hột giống tôi mua về, có cây bàng, cây ổi và những cành hoa do các trẻ nít tới cho, chúng còn hứa sẽ đem tới nhiều hơn. Hạnh cười nói có bữa cô ăn cải vườn nhà, khi về nhà tôi còn mang theo những cành lan, và cây hoa hồng nhung. Đêm Hạnh ngồi may, cô đã có mối hàng gia công, còn may áo cho hàng xóm, tôi có chỗ để máy chữ, tôi ghi dòng chót của câu chuyện, nhân vật dễ thương như sau:
Một sớm nào đó anh sẽ lên yên “con ngựa” già, chiếc Su 100 năm, và chính “tôi” sẽ nhìn lại ánh đèn trong căn nhà dễ thương một lần cuối, theo dòng người về Sài Gòn, tôi ghé thăm Duyên, với Vui tôi sẽ tìm cách nào đó cho cô nhỏ thoát khỏi môi trường xấu mà cô nhỏ khó bề vượt qua, tôi sẽ chăm sóc Duyên học đại học. Khi cháu trờ thành sinh viên, nhất định anh chàng lãng tử mỏi cánh sẽ bay về, dù sao đó cũng là mối tình tuyệt vời của Hạnh, mối tình đầu, phụ nữ thì chung thủy hơn đàn ông. Nghề làm báo cần bản chất đẹp như một bác sĩ, cho dù thế nào đi nữa sống cho đẹp là một niềm vui.
Hạnh phân vân nhiều, chuyện đời có khi lại khác hơn tôi nghĩ, nhất là trong các truyện ngắn hay phim, tay lãng tử sẽ không về... và Hạnh sẽ ra cửa nhà chờ một bóng hình mà tôi nghĩ là cô đã thôi thương. Tôi nhớ nhỏ Duyên, với má nó, nhớ ngôi nhà có mảnh vườn nhỏ trồng hoa, cải, cây bàng, tuy nó còn chưa có tán lá che mát. Tôi nhớ đêm trăng Hạnh ngồi bên thềm nhà mái tóc dài thơm mùi bồ kết. Rong ruổi trên khắp ngả đường, tôi luôn nhớ về nơi đó, nơi Những Bức Tường mọc lên chung quanh ấm cúng tình chòm xóm, nếu có người trách Hạnh, tôi xin trách tôi, vì tôi làm cho người ta băn khoăn.
Tờ 100 Đô La Âm Phủ Tờ 100 Đô La Âm Phủ - Mạc Can Tờ 100 Đô La Âm Phủ