Số lần đọc/download: 873 / 6
Cập nhật: 2016-02-04 15:02:59 +0700
Chương 4
N
ước mắt vương trào ra, giọng uất nghẹn hỏi Lữ Ngân:
Ngươi thấy công chúa vật thân vật mình dữ lắm hả! Người công chúa có tiều tụy lắm không?
Lữ Ngân chưa kịp trả lời thì vương gập bụng xuống mấy lần, nhăn mặt lắc đầu:
- Trời ơi trời có thấu cho không! Người thương quí nhất của ta bây giờ lại để cho người khác ôm ấp! Hận thù này làm sao nguôi trời ơi! Ta đâu ngờ chén rượu tiễn hành lại thành chén rượu vĩnh biệt!
Lữ Ngân thấy chủ quá đau đớn chịu không nổi, uất hận nói:
- Vương gia! Chúa nhục thì tôi phải chết! Để rửa hận cho vương gia, tôi xin sẵn sàng liều mình làm bất cứ việc gì vương gia sai khiến!
Hoài vương rên rỉ:
- Ta bây giờ bối rối tối tăm lắm rồi, các ngươi có ý gì hay nói thử giúp ta đi!
Phạm Vinh cũng uất hận nói:
- Xin vương gia tha tội, vương gia đã muốn sống như ẩn sĩ rồi mà vẫn không yên thân được, thật là quá lắm! Bây giờ có trở về sống ở triều cũng chẳng vui sướng gì nữa. Tôi xin đề nghị hai con đường vương gia có thể làm. Một là thầy trò mình lên núi tu hành cho xong! Hai là làm đại sự, ăn được cả, ngã phơi thây! Xin vương gia xét lại!
Hoài vương rầu rỉ nói:
- Vậy thì ta nên lên núi. Còn đại sự, ta như con cá nằm trên thớt, cô thế mức này còn mong làm được cái gì!
Phạm Vinh lại thưa:
- Bẩm vương gia, tôi nghe trước kia tướng Nguyễn Nộn khởi binh đã làm cho triều đình run sợ. Không may Nguyễn Nộn bị bạo bệnh mà chết thình lình triều đình mới yên. Tuy nhiên, những người theo Nguyễn Nộn đâu có phục tùng triều đình? Họ chịu yên chẳng qua chỉ vì thiếu người lãnh đạo. Nay ta hãy lấy cớ đi tuần du, lên Bắc Giang, Hồng Châu lấy danh nghĩa phục hồi nhà Lý ngầm chiêu dụ họ . Mặt khác, Lữ Ngân cấp tốc trở về ngầm chuẩn bị tổ chức gia đinh trong phủ làm nội ứng khi cần. Lòng người đang bàng hoàng hoảng sợ trước những đổi thay không thuận lòng người của Thái Sư, ta nhân cơ hội đó khởi hấn, biết đâu đại sự lại không thành!
Hoài vương Liễu đưa mắt nhìn Trần Quang Thiệu, một môn khách từng theo vương đã nhiều năm nay. Ông này vẫn theo vương như hình với bóng. Nãy giờ ông ta chỉ ngồi lắng nghe mọi người nói, thấy Hoài vương nhìn mình muốn hỏi ý, ông thủng thẳng lên tiếng:
- Vương gia! Không được đâu! Tôi nghĩ chuyện này đã nằm trong sự sắp xếp của Trần Thái Sư rồi. Chắc chắn Thái Sư đã tính toán trước những sự thay đổi trong cung đình cho nên mới cử vương gia đi tuần thú cho rảnh tay. Thế nào Thái Sư cũng đề phòng sự phẫn uất của vương gia có thể gây những hậu quả bất ngờ. Dĩ nhiên Thái Sư đã cho người bám sát chúng ta từ bước đầu rồi. Chúng ta không dễ gì hành động được đâu! Hơn nữa, vương gia nên lo kỹ cho hai vị vương tử ở nhà. Nếu chúng ta rục rịch, hai vị vương tử có thể sẽ thành kẻ hi sinh trước tiên! Vậy, xin vương gia hãy cẩn thận mới được!
Hoài vương trầm ngâm suy nghĩ rồi quay lại hỏi Lữ Ngân:
- Khi ngươi đến đây ở kinh thành có ai biết không?
- Bẩm vương gia, tôi khởi hành lúc nửa đêm, chỉ có Đinh Lang biết. Chính Đinh Lang cũng thúc đẩy tôi đi tìm vương gia.
Hoài vương có vẻ yên lòng:
- Vậy thì tết Đinh Lang là người thân tín của ta chắc không đến nỗi tiết lộ cho ai hay. Vậy ngươi cứ về trước kẻo lại sinh chuyện nghi ngờ phiền phức. Ta sẽ suy nghĩ xem phải nên hành động như thế nào rồi sẽ tìm cách cho ngươi biết! Ngươi đi đường gấp quá chắc cũng mệt lắm rồi. Hãy ăn uống nghỉ ngơi rồi thức dậy khi nào trở về lúc ấy chẳng cần chào ta làm gì, nhớ nhé!
Lữ Ngân vâng dạ . Vương lại quay sang Phạm Vinh và Quang Thiệu:
- Hai ông bảo tiểu nhị lấy thêm cho ta một bình rượu lớn rồi hãy đi nghỉ đi!
- Vương gia không để chúng tôi cùng hầu rượu cho đỡ buồn à!
- Khỏi cần! Các ông hãy đi nghỉ! Ta muốn được yên tĩnh một lúc!
Mọi người lần lượt đi nghỉ. Hoài vương ngồi lại bàn một mình uống hết chén này đến chén khác. . .Vương vốn ít uống rượu, thường chỉ uống ba chén trở lại. Hôm nay gặp chuyện buồn quá lớn nên vương mới phá lệ. Trần Quang Thiệu vốn biết như thế, khi thấy vương gọi thêm cả bình rượu lớn thì không yên lòng. Tuy phải nghe lời vương mà đi nghỉ nhưng Quang Thiệu không ngủ được. Chốc chốc Quang Thiệu lại trở dậy bước ra xem chừng. Khi chỉ còn một mình, Hoài vương đã vừa khóc vừa uống. Sau cùng vương say quá gục mặt xuống bàn. Thấy vậy, Quang Thiệu định ra đỡ vương vào giường. Nhưng chợt nhìn qua cửa sổ, Quang Thiệu thấy từ phía xa đèn đuốc lập lòe cả một vùng: chắc là quan binh đi đâu đây ! Chuyện gì vậy? Vốn tính cẩn thận, Quang Thiệu đứng quan sát hướng đi của đám người kia. Rõ ràng là họ đang tiến về phía công quán. Quang Thiệu lập tức trở vào đánh thức Phạm Vinh dậy, dặn Vinh ra trông chừng đám người kia. Mặt khác Quang Thiệu gọi tiểu nhị hỏi thăm lối thoát phía sau công quán nếu cần.
Không mấy chốc đám người cầm đèn đuốc trên đã đến trước cửa công quán. Phạm Vinh và mấy người người lính của Hoài vương chặn hỏi:
- Chẳng hay quan quân đến đây có chuyện gì?
Viên tướng cầm đầu, Hoàng Phụ, một tay thân cận của Trần Thái Sư hô lớn:
. Các ngươi hãy vào mời Hoài vương ra đây cho ta nói chuyện!
Nghe giọng nói thiếu lễ độ của viên võ quan triều đình đối với vị hoàng thân, Phạm Vinh đã hiểu ngay là có chuyện không lành. Phạm Vinh nói:
- Ngài đang nghỉ. Có chuyện gì sáng mai hãy hay!
Hoàng Phụ hách dịch nói:
- Lệnh của Thái Sư không được chậm trễ ! Thái Sư phái ta đến đây để bắt giặc Liễu ! Những ai kháng lệnh đều phải tru lục! Quân bây! Thi hành nhiệm vụ!
Phạm Vinh rút gươm hét lớn:
- Vương gia đang có thánh chỉ trong người. Chúng quân không được hỗn láo!
Khi đó Lữ Ngân cũng vừa thức giấc. Thấy có biến động, Lữ Ngân cũng bàng hoàng tuốt kiếm nhảy ra. Hoàng Phụ chỉ mặt Lữ Ngân hét:
- Giặc Liễu tuy có thánh chỉ trong người nhưng bây giờ y đã làm phản. Nếu không cố tình làm phản tại sao tên quản gia Lữ Ngân này có mặt ở đây? Đinh Lang đã tố cáo với Thái Sư tất cả rồi! Chúng bây hãy bó tay chịu tội may ra triều đình còn khoan thứ phần nào! Quân bây! Bắt chúng nó!
Thấy có giải thích với bọn này cũng vô ích, nếu để Hoài vương lọt vào tay Thái Sư thì coi như lánh mạng người khó toàn, Phạm Vinh và Lữ Ngân chỉ huy đám thuộc hạ liều mình tứ chiến. Quan quân dù đông đảo cũng phải vất vả lắm mới tiêu diệt được bọn Phạm Vinh. Nhưng khi họ lọt vào phòng Hoài vương thì vương và Trần Quang Thiệu biến mất cả rồi.
Hoàng Phụ chia quân lùng tìm ráo riết quanh vùng mấy ngày vẫn không có tông tích Hoài vương đành phải trở về triều phục mạng.
Những biến chuyển tại triều đình trong thời gian qua đã làm cho vua Trần Thái Tôn vô cùng phiền não. Ai gây ra không biết, nhưng trước mắt thiên hạ, ngài tự cảm thấy mình gánh tội lỗi ngập đầu. Ngài đã xa lìa người mình từng tay ôm gối ấp trong bao nhiêu năm không một lời từ giã. Ngài đã giựt người chị dâu về làm vợ mình trong khi anh ruột mình vắng mặt. Rồi bây giờ nữa, người anh ruột hiền lành của ngài bị triều đình gán ghép tội phản nghịch không biết đang trốn chui trốn nhủi phương nào, cũng có thể người đã không còn nữa. Có thể dư luận cho đó là một âm mưu của ngài. Càng nghĩ ngài càng thấm thía cái nhân sinh quan "đời là bể khổ". Muốn tẩy xóa được những gút mắc trong lòng thần dân của ngài cũng như tìm chút yên ổn trong tâm hồn cho chính ngài thật là muôn vàn khó khăn. Vua Thái Tôn lại nẩy ra ý định đến một ngôi chùa nào đó thật xa xôi để tìm phương giải thoát... Ngài rất sợ mang tiếng muốn đoạt vợ hay vì bảo vệ ngai vàng mà giết hại anh ruột mình. Hoài vương Trần Liễu đã bị ghép vào tội phản nghịch thì đương nhiên phải chết. Chính bản thân ngài không thể nào tin được người anh hiền lành trung hậu của mình lại làm phản. Hơn nữa, ông đâu có thể dựa vào thế lực nào? Nếu làm loạn, tất nhiên ông ta chỉ là một cofl thiêu thân!Có thể anh ngài trong lúc đau đớn tột cùng, đã có một vài hành động nào đó mà về mặt tình người rất đáng được thông cảm. Ngài đã từng nếm cảm giác đau đớn thế nào khi một người chồng phải xa na vĩnh viễn người vợ thương yêu. Kinh nghiệm chính bản thân ngài còn rành rành đó. Hình ảnh cảnh huynh đệ tương tàn đời Đường giữa anh em Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân (Đường Thái Tôn) cứ hiện lên trong óc khiến ngài cứ rùng mình.
Lịch sử loài người sao trớ trêu đã tạo ra hai sự việc chẳng khác gì nhau mấy. Kiến Thành, Thế Dân là anh em cùng cha mẹ . Trong tiến trình khởi nghiệp gây dựng nhà Đường của Lý Uyên, Thế Dân là người đánh nam dẹp bắc công lao trùm hết. Thế Dân là một thiên tài quân sự, nhiều mưu lược, lại rất được lòng người. Trong khi đó, người anh, thái tử Kiến Thành ít tài, tánh tình lại nhỏ nhen hay đố kỵ, luôn tìm cách hại em mình để tuyệt mối lo về sau. Khi sự xung đột đến độ không đừng được, Thế Dân bắt buộc phải tự vệ và cuối cùng phải giết người anh. Hình ảnh Kiến Thành ngã xuống ngựa vì mũi tên của người em ruột Thế Dân làm ngài đau đớn lắm. Chính Thế Dân dù đạt tới tột đỉnh vinh quang do chính công lao của ông, suốt đời ông vẫn mãi ray rứt vì chuyện cũ trong gia đình.
Thái Tôn Cảnh tự xét, bản thân ngài chỉ là con cờ trong tay người chú họ, không có công trạng cũng như thực quyền. Người anh ngài cũng chỉ là một nạn nhân khốn khổ Hoài vương đã bị Trần Thái Sư đã chấm số tất nhiên không sớm thì muộn ông phải chết. Mà hễ ông ta bị hại, cái tội đó người ngàn sau tất nhiên lại đổ lên đầu ngài. Ngài nghĩ chỉ còn cách duy nhất là lên núi may ra giải được nỗi oan cho chính ngài. Đó cũng là cách có thể khiến Thái Sư Trần Thủ Độ chùn tay không giết Hoài vương Liễu. Từ đó, ngày nào nhà vua cũng lấy cớ giải sầu rong chơi sông này núi nọ, chờ cơ hội để thoát ly...
Nhưng vị vua trẻ này đâu có thể qua mắt được viên Thái Sư già "đã thành tinh". Những thám tử của triều đình luôn luôn để mắt đến từng hành động dù nhỏ nhặt của vua Thái Tôn.
o O o
Đang lúc Hoài vương say vùi tại công quán thì cơn nguy biến ập đến. Vương đã thoát được nhờ sự hết lòng của Trần Quang Thiệu và đám thuộc hạ trung thành. Nhưng vương phải trả một giá quá đắt: những người thân tín cố cựu như Phạm Vinh, Lữ Ngân đều phải hi sinh. Quang Thiệu cõng Hoài vương cố gắng chạy càng xa càng tết. Rất may, đêm không đến nỗi tối lắm và trên đường Thiệu cũng chẳng gặp trở ngại nào. Cho tới khi gặp được một khu vực cây cối um tùm Thiệu mới dám nghỉ chân. Sương gió đêm khuya lạnh lùng đã giúp vương sớm tỉnh người lại. Sự xúc động thái quá và chất rượu đã làm vương lả người đi nhưng trí óc vương vẫn còn đủ tỉnh để hiểu phần những chuyện gì đã xảy ra. Vương hỏi Quang Thiệu:
- Chắc chúng đã giết hết người của mình rồi! Còn ai thoát được nữa không biết?
Quang Thiệu hổn hển trả lời:
- Không hi vọng gì nhiều. Quân triều đông quá. May tôi đã nghi ngờ mà dò lối trước nếu không cũng kẹt luôn rồi. Bây giờ vương gia tính làm sao?
- Ta đang đau đớn trong lòng, không sao còn đủ sáng suốt để định liệu việc gì được đâu. ông hãy suy nghĩ giúp ta nên hành động như thế nào vậy. Nhưng ngay bây giờ hãy tìm chỗ nào tạm nghỉ đã . Ta đuối sức lắm rồi!
Sợ bị cảm mạo, Quang Thiệu đề nghị phải tìm một nơi khuất gió sương. Cũng còn may, hai người tìm được một cái chòi hoang, bèn ghé vào đó mà nghỉ. Qua cuộc bôn đào khá dài đầy hãi hùng để bảo vệ mạng sống, hai người đã hết sức mệt nhọc. Cho nên khi tìm được chỗ nghỉ, nằm một chốc, vương cũng như Quang Thiệu đều thiếp đi lúc nào không hay.
Khi mặt trời đã lên khá cao, Quang Thiệu mới thức dậy. Nơi này bóng cây rợp mát, chim chóc ca hót líu lo khắp chốn. ông hoảng hốt nhận ra cái sơ hở lớn của hai người là Hoài vương đang mặc phẩm phục triều đình còn ông đang mặc y phục thành thị. Không biết nơi đây là xứ nào nhưng chắc chắn nó thuộc miền trung du. Chuyện ăn mặc khác thường là điều tối kỵ trong hoàn cảnh này. Nếu có ai thấy được thì nguy hiểm không thể nào lường được. Quang Thiệu lật đật đánh thức Hoài vương. Vương thức dậy liền kêu nhức đầu và khát nước. Nhưng ban ngày ban mặt mà ăn bận như thế này thì dám đi đâu! Quang Thiệu nghĩ lui nghĩ tới rồi nói:
- Vương gia! Bây giờ chúng ta đang gặp nguy biến, phải uyển chuyển mới được. Xin vương gia hãy cởi phẩm phục triều đình giấu ới. Ngoài ra, khi có người lạ xin vương gia với tôi tạm thời đừng xưng hô theo tước vị mà chỉ nên tạm gọi nhau là huynh, đệ như vậy mới mong qua mắt được thiên hạ...
Hoài vương rầu rĩ im lặng gật đầu. Vương bèn cởi áo mão ra trao cho Quang Thiệu. Nhưng tình trạng vẫn chẳng ổn thỏa tí nào. Ngay cả đồ lót của vương cũng thêu thùa khác thường! Thế là cả hai người đành phải quanh quẩn vùng đó tìm phương kế an toàn. Ruột cồn cào và khát khô chịu không nổi nhưng họ phải cẩn thận lần từng bước để kiếm gì ăn uống. Khu vực này có chòi tất nhiên có người đến được. Người ta sẽ nhận ngay ra sự khác lạ trong lối ăn mặc của hai người. Vì thế, hai người chỉ dám đi sâu vào rừng để tìm kiếm thức ăn tạm thời trước khi nghe ra cách gì an toàn cho bản thân hơn. Hoài vương đi theo Quang Thiệu một cách miễn cưỡng.
May sao, đến giữa trưa thì họ gặp được một khe nước mà bên trên lại có mấy cụm chuối rừng. Họ mừng rõ bẻ ngay những buồng chuối trái nhỏ xíu, chín vàng rực, thơm phức rất hấp dẫn. Cả hai đều vội vàng vừa lột vỏ đưa lên miệng vừa đi xuống mép suối. Loại chuối rừng này thật kỳ lạ, nhìn thấy quá ngon lành mà không phải dễ gì ăn. Ngậm trái chuối vào miệng người ta tiếp nhận ngay một ít chất ngọt lịm đến mê ly nhưng liền đó lại gặp toàn hột là hột nhai ra chát đắng không thú vị gì. Hột chuối chiếm ước chừng hơn chín mươi phần trăm thể tích trái chuối. Chát thì chát, hai người vẫn chịu khó nhai để dằn bụng. ăn một hai miếng đã thấy nghẹn, họ vục từng ngụm nước để giúp sức đưa nó xuống cổ. Trời ơi, dòng suối trong mát lạ lùng. Ngậm một búng nước đã thấy người tỉnh táo, khỏe khoắn. Dù chỉ đưa vào bụng được một ít chất ngọt và hột chuối lảm xảm, hai người cũng cảm thấy lại sức nhiều. Nhưng nghẹn quá . Nhai chừng mươi trái là chán ngấy hết muốn nuốt.
Uống nước thỏa thuê, rửa ráy thoải mái xong, hai người ngồi xuống cạnh bờ suối tạm nghỉ. Họ cùng nhìn xuống dòng suối trong vắt, ngắm những đàn cá lớn nhỏ tung tăng lượn lờ. Chúng không có vẻ sợ hãi bóng người gì cả. Hoài vương lặng người để thương thức cái không khí mát mẻ dễ chịu dị thường bên bờ suối. Có lẽ cái không khí này vương mới được thưởng thức lần đầu trong đời. Tiếng chim hót líu lo, ríu rít nghe vang lừng khắp nơi. Thỉnh thoảng lại điểm thêm cả tiếng vượn réo hay một vài giống vật gì đó nữa kêu hú tạo thành một khúc nhạc tự nhiên đa dạng rất vui tai. Cảnh thật mà lại như trong mơ. Cái vẻ lâm tuyền huyền bí đầy thu hút khiến khách phong trần đang cơn khốn đốn cũng chợt tìm được giây phút êm dịu trong lòng. Hoài vương buột miệng than thở:
Loài cá, loài chim, loài thú ở đây sao đều sung sướng thế! Thật thân ta không bằng được một con vật nhỏ mọn! Lâu nay lăn lộn trong chốn bụi hồng ta nào có biết được những giây phút thoát tục này! Nếu việc nhà may mắn qua cơn gió bão chuyến này, có thể ta sẽ tìm tới những chỗ như thế này để tận hưởng cái hương vị lắng đọng của trời đất.
Quang Thiệu nhìn vương ái ngại mỉm cười:
Vương gia trong lúc bức xúc mà nhìn giả ảnh thanh
bình này rồi nghĩ vậy chứ không được đâu?
Hoài vương ngạc nhiên hỏi lại:
- Ta chẳng hiểu vì sao ông lại cho cảnh này là giả ảnh?
Quang Thiệu lại cười:
- Vương gia không để ý đấy chứ cảnh thấy vậy nhưng không phải vậy. Như vương gia nhìn dưới suối cá lớn, cá nhỏ đang lượn lờ xôn xao tướng như vui vẻ với nhau lắm nhưng kỳ thật là con lớn đang chực đớp con nhỏ, giống này đang lăm le rỉa ổ trứng của giống kia. Trên đất thì con trăn đang chờ nuốt trộng con nai, con cú đang chực xé xác con chim cút... Nói chung mọi giống đều như vậy cả . Chúng ta sinh ra, mỗi người đều mang sẵn một cái nghiệp. Có rất nhiều chuyện cứ xảy ra ngoài ý muốn của mình. Cả ngày mai của chúng ta cũng chưa biết ra sao nữa. Tôi mong vương gia phải cố giữ vững tinh thần, giữ vững sức khỏe để vật lộn với cơn khốn đốn này. . .
Hoài vương cười gượng gạo:
- Ta đang chịu đựng một nỗi đau quá lớn nên đuối sức rồi. Người xưa nói "Kim triêu hữu tửu kim triêu túy, Minh nhật sầu lai minh nhật ưu ", hôm nay sẵn rượu cứ say cái đã, ngày mai sầu đến ngày mai hãy lo. Hiện chúng ta tình cờ gặp được nơi cảnh trí vui mắt, không khí dễ chịu thì cũng nên tạm gác mọi chuyện để giải khuây trong chốc lát có được chăng? Đời mình chắc gì gặp lại cảnh này một lần nữa!
Quang Thiệu lại cười:
- Vương gia có tâm hồn phóng khoáng như thế thì thật quá tốt. Tôi chỉ sợ vương gia quá bức xúc đau đớn làm nguy hại đến huyết mạch bản thân. Tuy nhiên, thì giờ qua vùn vụt mà hiện tại chúng ta chưa có thức ăn cũng như chỗ nghỉ an toàn đêm nay trước khi chúng ta có thể lẫn lộn giữa dân gian, chuyện ấy không thể không lo tới được. Tôi hiện còn có một ít vàng bạc, phải tìm cách nào đem đổi lấy một ít áo quần nhà quê để dùng tạm mới có thể né tránh tai mắt của triều đình. Thôi thì vương gia cứ nghỉ tạm một mình ở đây, tôi đi thăm dò quanh quanh một chốc rồi trở lại! Sau đó chúng ta phải rời chốn này trở về chỗ nghỉ hồi hôm chứ ở đây sao được!
Hoài vương nhìn Quang Thiệu ái ngại:
- Chốn rừng rú đi lẻ tẻ một mình cũng không hay. Thôi ta đi với ông nhé. Nếu kiếm được gì ăn thì cũng tốt nếu không thì chúng ta lại gắng nhai chuối rừng thôi. Khổ nỗi, mới ăn một lần đã thấy ngán rồi!
Quang Thiệu đi trước, Hoài vương theo sau, men xuôi dọc theo dòng suối. Một chốc sau, Quang Thiệu quay mặt ra hiệu cho Hoài Vương dừng lại: Một ông già đang ngồi trên mỏm đá bên bờ suối để câu cá. ông già giựt lên được một con cá trắng không lớn lắm. ông từ từ gỡ ra bỏ vào chiếc giỏ đan bằng mây theo hình dạng trái bầu eo rồi mắc mồi buông câu lại. Trông ông già có vẻ quắc thước, phong thái chững chạc, chừng như câu để giải trí hơn là kiếm cá đưa cơm. ông ta ăn mặc tươm tất, sạch sẽ, không có cái vẻ lam lũ của dân quê Hai người ngồi lại bàn bạc. Có thể đây là một viên chức sắc địa phương hoặc một vị quan hồi hưu. Phải tìm một cách nào để tiếp xúc với ông ta mà không bị lộ tông tích. Điều cần thiết bây giờ là phải kiếm được hai bộ quần áo nhà quê . Nếu chưa thực hiện được việc đó thì thật khó an toàn và điều trước mắt là phải ráng ăn chuối rừng trừ bữa. Nhưng bàn ới tính lại, không có lý do gì ổn thỏa để có thể tiếp xúc với ông già. Ngồi nán lén xem ông già bắt thêm vài con cá nữa rồi hai người men lối cũ tìm lại cái chòi đang tạm trú...
Chuyến đi quanh vừa rồi càng làm vương mệt nhoài, bước không muốn nổi. Vừa bước vào chòi, vương liền nằm lăn xuống đất, rên rỉ...
Biến cố ở triều đình đã làm vương đau đớn đến cực độ Vương bị xuống tinh thần một cách tàn tệ. Vả lại, Hoài vương xưa nay chưa từng quen với sự vất vả, sương nắng. Vì thế, người vương dễ trở nên bất an. Nỗi khổ nội tâm của vương bây giờ lại dấy lên dữ dội làm cho vương không còn biết sự việc gì xảy ra bên ngoài. Vương cứ để mặc cho muỗi mồng kiến bọ quấy rầy cho đến khi thiếp đi.
Về Quang Thiệu, hôm trước vì quá mệt mỏi, nằm xuống là ngủ liền, chẳng kịp để ý đến cảnh vật chung quanh. Nhưng hôm nay, cái bụng chỉ có nước suối và một ít chuối rừng toàn bã hạt cứ óc ách réo gọi, rất khó nhắm mắt. Những con muỗi rừng đua nhau tìm về cứ đốt vào da là sưng lên từng nốt gây ngứa ngáy rất khó chịu. Những cái vỏ chuối rừng còn sót lại ít chất ngọt vứt quanh chỗ nghỉ thu hút những đàn kiến đen, kiến đỏ lần lượt xuất hiện quấy phá lung tung. Chúng cứ bò quanh tìm thức ăn mà hễ gặp thịt da con người là cong mình nghiến lấy nghiến để từng miếng đau đến nhảy nhổm.
Quang Thiệu chỉ có thể ngủ chợp được từng giấc ngắn. Năm ba lần ông nghe tiếng nói mớ, tiếng rên rỉ, tiếng nấc của Hoài vương. Quang Thiệu cảm thấy đêm sao quá dài. Tiếng côn trùng, tiếng chim đêm, tiếng tắc kè, sóc kêu rắn gáy vài lúc hòa thành một điêu nhạc kỳ dị cứ lập đi lập lại. Thỉnh thoảng lại điểm thêm vài tiếng thú lạ kêu hú nghe đến rợn người.
Điều Quang Thiệu lo sợ nhất là vấn đề sức khỏe của Hoài vương. Nếu vương lâm bệnh lúc này thì thật khốn đốn chỉ trong vài ngày sau khi xảy ra biến cố, người vương xuống dốc một cách lạ thường. Chuyện xui xẻo vẫn có thể xảy đến bất ngờ, Quang Thiệu cứ trông cho mau sáng. Nhưng đến khi trời sáng thật sự thì Quang Thiệu cũng thật sự chìm vào giấc ngủ...
Sinh hoạt xôn xao của núi rừng và ánh nắng buổi trưa đã đánh thức Quang Thiệu dậy. ông quay lại, thấy Hoài vương vẫn nằm im. Không muốn phá giấc ngủ của vương, ông nhè nhẹ bước ra ngoài đảo mắt nhìn bốn phía.
Một chốc sau, Quang Thiệu trở vào định đánh thức Hoài vương để cùng đi xuống suối. Thấy vương vẫn còn có vẻ mê mệt, ông đặt bàn tay lên tay vương. ông bỗng giật mình phát hiện ra rằng tay Hoài vương đang nóng như cái bánh hấp, Quang Thiệu hoảng hết nắm lấy lay lay giật giật. Vương thức dậy nhưng rên hư hử kêu nhức đầu và kêu khát. Quang Thiệu lấy cái bong bóng lợn đựng nước suối lấy chiều hôm qua đem lại. Vương ngồi dậy súc miệng sơ rồi uống một mạch xong ôm đầu nằm xuống lại. Quang Thiệu lo lắng hỏi:
- Vương gia thấy khó chịu trong người lắm à! Chuối rừng còn một ít ngài liệu có dùng được không?
Hoài vương rên rỉ:
- Miệng ta đắng nghét, đầu ta nhức dữ dội lắm, ta không muốn ăn gì hết...
Quang Thiệu sờ lên trán Hoài vương, ông càng hoảng sợ. Trán vương cũng chẳng khác gì cái bánh mới hấp. Bình thường Quang Thiệu không rành rẽ gì về chuyện thuốc men nên ông bối rối lắm. Hoài vương đã thật sự nhuốm bệnh sốt. Quang Thiệu chỉ biết đơn giản có vài loại bệnh sốt mà ăn vào một cái gì khó tiêu là bệnh trở nên nguy hiểm. Với tình trạng không thể chạy ra một miếng cháo như lúc này thì làm sao đây! Hình như Hoài vương đang lên cơn, ông kêu lạnh và co người lại, run bần bật. Túng thế, Quang Thiệu phải lấy chiếc áo triều đã gói lại giấu kỹ ra để đắp cho vương. Nhưng vương cứ tiếp tục kêu lạnh và càng run dữ dội. Quang Thiệu chỉ còn biết ngồi bên cạnh vương để ôm giữ vương, xoa bóp cho vương. Một lúc khá lâu cơn rét của vương mới giảm dần. Bấy giờ vương chịu nằm yên, nhắm mắt, chốc chốc lại buông một tiếng hư hử. Quang Thiệu hơi yên tâm, ông lại đưa bong bóng nước cho vương nhắp vài hớp. Bong bóng chứa nước uống cũng đã cạn.
- Vương gia tạm đỡ rồi tôi đi lấy nước cái đã rồi tính nhé!
Hoài vương gật đầu. Quang Thiệu nhai vài quả chuối để lấy sức trước khi xuống suối. Những bắp thịt trong người ông không mấy khi vận động tối đa như hôm kia bây giờ còn đau còn mỏi. Hai hôm nay lại chỉ lót lòng bằng mấy trái chuối rừng nên người ông muốn rệu rã. Đầu óc ông vô cùng căng thẳng. ông có thể tạm thời nhai chuối qua ngày nhưng Hoài vương đang bị sốt không thể ăn chuối rừng được thì làm sao! ông vừa đi vừa nghĩ muốn nát óc. Không thuốc, không cháo thì bệnh nào mà lành được! Muốn cứa mạng Hoài vương chỉ còn đánh nước liều, đi vào vùng dân cư cầu may...
Khi Quang Thiệu trở lại, Hoài vương vẫn còn nằm thiêm thiếp. ông vỗ nhẹ vào tay Hoài vương. Hoài vương mở mắt lơ láo, ứa nước mắt, hổn hển nói:
- Công chúa Thuận Thiên đã về tay người khác, lẽ sống của ta đã mất. Chuyện đời đau đớn ta không tường tượng nổi. Mất vợ ta đã đau lắm, nhưng ta còn đau hơn nữa khi chính em ruột ta cướp vợ ta rồi vu họa để giết ta. Thật là chuyện hiếm có trong dân gian. Ta biết sức ta lắm, chuyến này chắc không qua khỏi. Nếu vương vấn vì ta chắc ông cũng khó trở về . Thôi thì ông cứ bỏ mặc xác ta đây để làm cách nào tự toàn được thì làm. Ông là người khôn ngoan, ta hi vọng ông thoát khỏi bàn tay kẻ thù của chúng ta. Sau này, nếu may mà còn cơ hội gặp một trong hai vương tử thì ông nhớ nhắc lời ta, ta tha thiết muốn chúng trả thù cho ta. Đó là cách ông đã sống trọn tình trọn nghĩa với ta vậy!
Quang Thiệu cũng ứa nước mắt thưa:
- Vương gia, tôi nỡ nào bỏ vương gia trong hoàn cảnh này để bảo toàn lấy mình! Nhưng chúng ta gặp đường cùng rồi, mà cứ ở đây tất nhiên phải chết hết. Còn nước còn tát, chúng ta thử liều tìm đến khu dân cư cầu may, vương gia nghĩ có nên không?
Hoài vương uể oải:
Ông ăn ở hết tình như vậy ta cám cảnh vô cùng. Nhưng thân ta đau đớn, ruột ta rối bời đâu còn nghĩ ra điều gì Thôi, tùy ông muốn làm sao được thì làm! Nếu ở đâu cũng chết thì thà chết ở chỗ này, ta không muốn bị chúng làm nhục thêm một lần nữa.
- Thế bây giờ vương gia cứ chịu khó nằm nghỉ, tôi thử tìm đến chỗ ông già câu cá hôm qua xem sao. Tôi trông tướng ông già có vẻ phúc hậu đấy ! Nếu gặp ông ta thuận tiện, tôi sẽ dò hỏi tình hình để tính toán việc mình. Nếu không gặp, tôi cũng sẽ đi kiếm chút cháo cho vương gia đỡ lòng. Tôi sẽ trở về sớm cho vương gia khỏi trông ngóng. Xin vương gia yên chí, tôi đi một chốc sẽ về .
Hoài vương có chút sắc vui:
- Ông đi thì phải cẩn thận đấy nhé !
o O o
Vì tính mạng Hoài vương đã sắp nguy, Quang Thiệu không dám thậm thụt dè dặt nữa. ông cố gắng đi thật nhanh. Nhưng mới đi khỏi chòi chừng hơn trăm bước, Quang Thiệu gặp ngay hai người đang đi ngược chiều. Đó là một người đàn ông trung niên và một thiếu nam còn vẻ khờ dại trên mặt, chừng mười lăm tuổi. Hai người một cầm rựa, một vác búa. Nhìn thấy họ, Quang Thiệu nghĩ đây là hạng dân dã quê mùa áo rách quần bươm. Quang Thiệu rất mừng vì ông cho họ là những đối tượng không có gì nguy hiểm. ông vồn vã chào hai người:
- Xin quí vị làm ơn cho tôi hỏi thăm một chút!
Chú nhỏ nhìn khách có vẻ ngạc nhiên trong khi người lớn tuổi vui vẻ hỏi lại:
- Ông làm gì ở đây? Cần đến chúng tôi chuyện gì xin cứ nói!
Quang Thiệu nhỏ nhẹ:
. Thưa, chúng tôi là khách buôn bán vải vóc đường xa. Giữa đường không may gặp giặc cướp lấy hết của cải Chúng tôi phải chạy trốn mới thoát thân được. Không ngờ lại lạc đường đến xứ này, lương khô mang theo cũng hết sạch rồi. Chưa tìm được đường về thì người anh tôi không may mắc bệnh sốt rét rất nặng. Hai ngày nay ông ấy không có chút thuốc chút cháo nào vào trong bụng. Xin ông làm ơn làm phước giúp đỡ
Người đàn ông nghe qua chuyện có vẻ động lòng. Ông sốt sắng nói với Quang Thiệu:
- Thôi được, cứu người tức là gieo nhân lành. Nhà tôi cũng gần đây thôi. ông hãy dắt người bệnh theo chúng tôi về nhà nghỉ tạm mà lo chạy chữa.
Nói với khách xong, ông ta quay lại vẫy tay về phía cậu bé:
- Mình đình việc ấy lại đã con, ngày khác làm. Bây giờ đưa hai người này về nhà cứu người ta cho kịp cái đã!
Quang Thiệu thấy cách nói năng của người đàn ông thì mừng rỡ, yên lòng dắt hai người về chòi. Khi ba người đã bước vào chòi Quang Thiệu mới giật nẩy mình. ông đã quên lửng việc bộ phẩm phục triều đình đắp trên mình Hoài vương. Quang Thiệu chỉ còn biết tự trách mình bối rối quá đã sơ sót cả chuyện cảnh giác. Hai người dân quê hết sức ngạc nhiên khi thấy người bệnh đang đắp trên thân một bộ áo quần sang trọng. Quang Thiệu biết ý lúng túng giải thích cho qua:
- Chúng tôi đi buôn vải vóc mà bây giờ vốn liếng chỉ còn bấy nhiêu đấy!
Cha con người đi rừng như có vẻ tin lời, không nói gì Hoài vương đang mê man nằm chèo queo trên tấm ván mục, thỉnh thoảng vẫn rên hư hử. Quang Thiệu ngồi xuống bên cạnh nhẹ nhàng đánh thức vương dậy. Vương mở mắt ngơ ngác nhìn hai người lạ và vẫn rên hư hử. Quang Thiệu nói nhỏ với vương điều gì đó, vương mệt mỏi gật đầu. Quang Thiệu xếp bộ triều phục của vương lại cất đi. Người đàn ông giao cái búa cho người con cầm đi trước rồi cùng Quang Thiệu dìu Hoài vương về nhà mình.
Quang Thiệu để ý thấy con đường đi cong queo được đắp bằng thứ đất cứng khô chai bạc màu. Hai bên là hàng rào trồng cây xanh tốt có bóng mát để khách có thể nghỉ tạm núp nắng ven đường. Đi được một đoạn khá dài, người đàn ông nói với Quang Thiệu:
- Nãy giờ quên mất, tôi là Cả Lục, gia đình tôi làm cả nghề rừng lẫn nghề rẫy ở nơi đây đã nhiều đời. Vùng này dân chúng thưa thớt, hay bị sốt rét nên ai cũng có phòng trữ thuốc trị trong nhà . Tôi sẽ cho thuốc để ông anh đây uống. Nếu không giảm, tôi sẽ nhờ ông cậu tôi chữa cho. ông cậu tôi trước là quan ngự y của triều đình. Có lẽ vì buồn phiền thế sự, ông đã xin về hưu hơn năm năm nay, hiện cũng ở gần đây.
Bây giờ thì Quang Thiệu mới biết người đàn ông này không phải thuần túy là hạng vai u thịt bắp như ông đã tưởng lúc mới gặp. Rõ ràng Cả Lục có vẻ hiểu biết thời thế, có tư cách đàng hoàng. Anh ta đã có một ông cậu là cựa ngự y của triều đình thì gia thế anh ta chắc không phải tầm thường. Quang Thiệu nói:
- Thưa ông Cả, lúc nãy tôi cũng bối rối quên giới thiệu mất. ông anh tôi đây là Hai Hoàng, còn tôi là Quang, đều là người hạt Nam Định.
Nói chuyện đến đây thì đã tới nhà Cả Lục.
Nhà Cả Lục gồm hai phần. Nhà trên rộng, nền cao gồm ba gian hai chái lợp lá chung quân. Nhà dưới thấp hơn gồm ba gian nhỏ hơn thẳng góc và nối liền với nhà trên bằng một cái máng xối, lợp bằng tranh. Cả Lục sai người nhà dọn một phòng cho ông Hai Hoàng nằm nghỉ dưỡng bệnh. Quang Thiệu thì được mời nghỉ ờ một cái giường lèo. Cả Lục thân hành coi mạch, rồi chế thuốc cho người bệnh. Đồng thời, ông thúc người nhà nấu cháo loãng cho người bệnh dùng. Cả Lục cũng cho người nhà lựa một số áo quần cho hai người khách tạm thay.
Đêm đó, ông Hai có vẻ bớt sốt. Đến ngày hôm sau, ông Hai cũng ăn được ít cháo và vẫn tiếp tục uống thuốc. Thấy người bệnh thuyên giảm mau chóng ai cũng mừng. Nhưng không ngờ vào nửa đêm sau thì bệnh ông Hai bỗng trở nên nguy kịch. Người ông nóng lên dữ dội trở lại. ông cứ nói mê sảng từng hồi. Quang Thiệu lo sợ lắm, phải túc trực bên mình ông để coi chừng. ông Cả Lục cũng lăng xăng lo thuốc. ông rất lấy làm lạ vì xưa nay thứ thuốc ông ai dùng cũng công hiệu. Với người khách này, hôm qua bệnh cũng giảm thấy rõ, bây giờ lại trở nặng đột ngột chắc phải có một nguyên do gì. Cả ngày người khách chỉ dùng một ít cháo trắng chứ có ăn gì nữa đâu! ông chỉ còn cách cứ cho khách uống tiếp thuốc, nếu tới sáng không bớt thì đành phải cầu cứu ông cậu vậy. Người bệnh vẫn chốc chốc lại nói lãm nhảm không ai hiểu gì. Một lần thình lình người bệnh ú ớ rồi kêu to lên:
- Thuận Thiên công chúa! Nàng bây giờ ở đâu? Ta không muốn mất nàng. Ta chết mất công chúa ơi!
Câu nói đột ngột của người bệnh đã làm Quang Thiệu tái mặt, Cả Lục thì trố mắt ngạc nhiên rồi quay lại nhìn Quang Thiệu. Quang Thiệu lật đật cầm tay người bệnh lắc lắc với thái độ lúng túng:
- Tỉnh dậy, tỉnh dậy... huynh ơi! Đây là nhà thầy thuốc !
Người bệnh trở mình vài cái rồi lại thiêm thiếp.
Nhưng không lâu sau đó ông lại nấc lên đau đớn:
- Thuận Thiên! Thuận Thiên! Tấm thân ngà ngọc của nàng đã được tay người khác ôm ấp rồi! Trời ơi là trời...
Quang Thiệu lại một lần nữa lay người bệnh thức dậy. ông mở mắt nhìn hai người đang đứng bên giường một chút rồi trở lại thiêm thiếp. Hai người vẫn còn nghe người bệnh tiếp tục lảm nhảm nho nhỏ: "Thuận Thiên! Thuận Thiên!...". Một chốc sau, thấy người bệnh đã ngủ yên, Cả Lục nắm tay Quang Thiệu kéo lại ngồi bên chiếc bàn nhỏ:
- Ông Quang đừng ngại nhé, tôi hỏi thật các ông là ai?