A book that is shut is but a block.

Thomas Fuller

 
 
 
 
 
Tác giả: Đoàn Giỏi
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Dung Nguyen
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2828 / 39
Cập nhật: 2016-03-17 13:46:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Rừng Đêm Xào Xạc
a tính sáng mai về thôi, con à! - Bác Trần Vũ nằm trăn trở trên võng chợt nghe mùi thuốc lá từ trong màn cậu con trai bay ra bèn thở dài, chép miệng nói khẽ.
- Ủa, ba đã hứa với bác Tám Mun ở chơi vài ba tuần mà? - An hỏi lại, giọng chậm rãi hơi ngạc nhiên, vì anh còn dự tính làm vài phác thảo thuốc nước về các khu rừng mới.
- Phải. Có hứa... nhưng bây giờ ba có việc...
Việc gì? Chắc ông già lại buồn rồi. Cái buồn có phải là một thứ màu sáng làm giảm sắc độ ưu tư trong tâm hồn con người đâu! An nhìn lên nóc màn lơ mơ nghĩ vậy, nhưng anh vừa tiếp tục hỏi bố một câu bâng quơ:
- Hay ba giận bác Tám chuyện gì? Hồi chiều thấy hai ông đi thăm Bàn Sấu về, còn uống rượu vui vẻ mà!
- Thì vẫn vui vẻ...
Bác Vũ uể oải bước xuống võng, đến vặn bấc ngọn đèn trứng vịt đặt trên chiếc kỷ thấp chỗ giữa nhà. Gian nhà nhỏ ngời lên trong một sắc đỏ hung hung, phản chiếu bởi màu nâu bóng loáng của mặt gỗ đước lát sàn và bốn phía vách ván ám khói. Nghe tiếng nước giật ròng chảy róc rách dưới chân cột sàn nhà chồm ra mép sông trôi về phía biển, và tiếng muỗi không ngớt vo ve ngoài rừng tối. Bác vơ chiếc điếu cày tùy thân mang từ Hà Nội, khom xuống thổi lửa trong mẻ, châm đóm rít lọc sọc. Bác từ từ nhả khói ra, nheo mắt nhìn theo làn khói cay nồng đặc xệt tan dần vào lớp khói củi hun. Những con muỗi rừng U Minh Hạ dạn khói nhất cũng phải bay dạt ra. Nhưng con này vừa bay ra thì con khác lại lao vào. Tiếng muỗi như cùng dậy ran lên theo ánh sáng ngọn đèn. Bác mơ hồ cảm thấy chuyến về thăm lại góc rừng xưa, lần đầu sau trên hai mươi năm trời xa cách cũng có thể là lần cuối cùng mình trở lại đây. Điều đó có giống như tất cả dĩ vãng đều hiện lên trong thoáng chớp, vào khoảng khắc cuối cùng của đời người trước khi vĩnh biệt chăng?
Mà những ngày cũ cứ vùn vụt nối tiếp nhau, hiện lên rõ mồn một khiến bác nao lòng đến vậy. Nói cho đúng ra thì bác đã có về "đây" một lần rồi, sau ngày đại thắng, mà lần đó bác chỉ mới về tới thị xã Cà Mau thôi. Trần Vũ là người quê Bắc, ngày trẻ theo bộ đội Nam Tiến của Vũ Đức vào miền Tây Nam Bộ đánh Pháp, từ cuối năm 1945. Bị thương, sau đó được giải ngũ, trở thành dân địa phương và công tác ở vùng này. Bác đã thọ ơn cứu tử của một cô gái mồ côi từ miền trên xiêu lạc xuống đó, rồi hai người kết thành chồng vợ. Sau hiệp định Giơ- ne- vơ, vợ bác tình nguyện ở lại. Còn bác thì tập kết ra Bắc, dắt theo đứa con trai duy nhất cho nó tiếp tục được học hành theo ý định khăng khăng của mẹ nó. Xem như hai năm về chơi quê nội nhân thể, hoặc chứ lâu lắc gì. Đâu ngờ vụ thảm sát Phú Lợi, vợ bác có tên trong danh sách các tù nhân chính trị bị Mỹ- Diệm giết hại. Bác đã ở vậy, gà trống nuôi con, nuôi há vọng ngày giải phóng miền Nam chí ít cũng sẽ tìm ra hài cốt vợ, để tự tay đắp điếm cho người mình thương quý nhất một nấm mồ. Hai bố con đã về Phú Lợi, lặn lội cả tháng trường khắp vùng quanh, tìm gặp nhiều người dò hỏi nhiều nơi. Bác biết cặn kẽ anh em đồng chí đã khiêng xác người nữ đảng viên dũng cảm ấy tiếp tục đấu tranh với địch ra sao...
Còn như nấm mồ? Khi địch đã lén lút, bí mật chở những xác chết đi mất tích thì họa có Trời mới rõ nắm xương tàn ngày đó hiện đang vùi lấp dưới trảng cỏ xó rừng nào. Một chiếc lá xanh thiêu trong rừng cháy thì có còn ai biết cái sắc xanh lục diệp kia hóa vào lớp bụi tro nào? Thế là hết. Vĩnh viễn không còn lưu lại một dấu vết gì của vợ bác nữa rồi. Tuy nhiên, bác vẫn còn chút ít an ủi cuối cùng. Về thăm lại dấu Bàu Sấu, ấp Thiềng Liềng, chốn gặp gỡ đầu tiên với vợ mình, ít ra cũng còn có chỗ để cắm xuống một vài nén hương. Bác xuống Cà Mau, nằm chờ tại nhà giao tế mất mấy hôm vì mấy chiếc "vỏ lải" hỏng đang kéo lên bờ sửa chữa. Gặp được vài cán bộ lớp già quen biết cũ, hỏi thăm thì cũng không ai biết bác Tám Mun, người đồng chí thợ rừng xưa hiện ở đâu còn sống hay đã chết rồi. Cả một dọc dài rừng đước ven sông ngày ấy, nghe như cũng đã bị chất độc hóa học Mỹ phá trụi... Khi có được phương tiện giao thông để về tận nơi, thì đã tới ngày hẹn phải trở lên Sài Gòn, đưa An ra Hà Nội cho kịp kỳ thi tốt nghiệp. Từ chuyến cha con vào Nam trở ra Hà Nội, người bác như hẫng đi. Tất cả trong kia, giờ chỉ còn là những kỷ niệm, mỗi lúc nhớ thêm đau lòng. Bác chỉ còn có thể tìm nguôi quên trong kết quả công tác cần mẫn của một viên chức tu thư. Cho đến mùa hè 1980, bác bỗng nhận được bức thư một cô gái trẻ, xưng "cháu là con gái Tám Mun, biết tin năm nọ bác có về Cà Mau... ía cháu còn khỏe mạnh, má cháu mất rồi, anh cháu hy sinh, còn thì tất cả vẫn như xưa... Nếu bác không chê nhà cháu nghèo và xứ rừng lắm muỗi thì thế nào cũng xin mời bác về chơi một chuyến..." Dưới ký tên út Thảo.
Chỗ khoảng giấy trắng còn lại dưới cùng lá thư, chính tay Tám Mun còn viết thêm chữ to tướng, nguệch ngoạc: "Hay ông quên Bàu Sấu rồi?..." Một cơn gió lạnh từ mặt sông nổi lên, thổi thốc vào khu rừng tối. Rừng cựa mình, thầm thì trong thoáng chốc rồi tất cả lại chìm vào im lặng.
- Tôi mà quên Bàu Sấu! - Bác Trần Vũ bất chợt kêu lên, giọng khàn khàn đượm đầy chua xót, y như ngày bác nhận được lá thư.
An nhìn qua vách màn thấy bố ngồi phệt xuống sàn nhà, hai tay chống cằm, mắt đăm đăm nhìn sững ngọn đèn. ắt có một uẩn khúc gì đây khiến ông bố mình đã phải hai lần kêu lên như thế? Mà điều đó hẳn bác Tám Mun là người biết rõ. Và liệu nó có còn liên quan gì tới mẹ mình chăng? Hình ảnh người mẹ thân yêu chỉ còn lưu lại những nét lờ mờ trong trí nhớ non nớt của cậu bé con, ngày xa mẹ mới lên bốn tuổi. Hồi mới ra Bắc, An sống ở trường học sinh miền Nam Đông Triều, thỉnh thoảng bố con mới gặp nhau. Sau tốt nghiệp phổ thông, nhờ có năng khiếu đặc biệt về vẽ, anh được chọn về học hội họa tại Hà Nội, mới có dịp ở chung với bố. Đối với con trai, Trần Vũ vừa có tình cảm thương yêu mẫu mực nghiêm khắc của một người cha, vừa có thái độ chăm sóc dịu dàng độ lượng của một người mẹ. Dường như cố gắng đầy mâu thuẫn đó là để bù đắp nỗi thiệt thòi cho đứa trẻ phải sớm chịu mồ côi. Giờ thì cậu đã tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật và đi thực tập ở Lê- nin- grát mấy năm, sắp hết hạn kỳ. Vào dịp An về Hà Nội xây dựng một tác phẩm hội họa để đưa sang Nga lấy chứng nhận về nước thì gặp đúng lúc bác Trần Vũ nhận được bức thư từ rừng Bàu Sấu. An cũng dự định vẽ một bức tranh về rừng. Thế là hai bố con lập tức đánh điện cho Tám Mun, báo tin sẽ vào và khấp khởi sắp sửa hành trang lên đường. Chuyến hành hương về vùng đất rừng Cà Mau đối với An chẳng những đầy xúc động, hồi hộp, mà còn mang một tính chất, một ý nghĩa hết sức thiêng liêng. út Thảo đã lên tận bến xe Bạc Liêu đón hai người về đây. Cô gái trẻ vui tính, liến thoắng, lúc nào cũng có thể nhảy nhót như một con chim. ở nhà tiếp khách vài buổi, đã lại vội vã trở ra Cà Mau dự hội nghị cán bộ lâm nghiệp toàn miền. Còn bác Tám Mun thì có ai gọi vừa lấy xuồng chèo đi đâu đó từ chập tối. Nhà chỉ còn hai cha con mỗi người nằm một chỗ lặng lẽ theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình.
- Tại sao mới ở chơi có năm ba ngày, mà ba lại muốn về? - An ngồi dậy bước ra ngồi xuống sàn đối diện với bố, với tay vặn thêm bấc đèn rồi nhìn vào mắt ông, hỏi giọng băn khoăn.
- Cái gì đã qua đi là đã qua rồi. Có đúng hẳn như vậy không con? - Ông bố không đáp mà lại hỏi con một câu thuộc vấn đề khác đang theo đà suy nghĩ của mình.
- Tất nhiên. Cái gì đã qua đi là đã qua rồi... Nhưng con chưa hiểu hết ý ba muốn nói gì?
- Có thể rồi đây con sẽ hiểu! Giờ ba kể cho con nghe câu chuyện này...
Bấy giờ là mùa khô năm 1946... Có hai người thương binh mất liên lạc sau một trận đánh lớn từ mạn Phước Long, lần mò về tới đây. Họ chống xuồng luồn rừng đuổi theo đơn vị nghe đâu rút về hướng này. Xuồng mắc cạn giữa rừng, mà trong bi- đông của cả hai người đều không còn lấy một giọt nước. Anh chàng trai trẻ bị thương nhẹ hơn, bảo bác thương binh già:
- Bác cứ đợi ở đây, để cháu lội ra bờ sông lớn đón thuyền đồng bào xin nước ngọt đem về cho bác...
- Thôi... chịu khó chờ!
Bác thương bình già gãy chân, khát gần kiệt sức, thều thào đáp và đôi môi khô héo cố mấp máy gắng gượng hé ra, vẫn không thành nổi một nét cười: "May ra... còn gặp ai..." Chàng trai trẻ cười lớn:
- Gặp ai... thì cũng phải chờ đến tối, khi nước triều lên tới đây. Mà đêm hôm chắc gì đã có ghe xuồng ai mò vào con lạch nhỏ heo hút giữa rừng sâu này làm gì!
- Nhưng biết sông lớn ở phía nào... Chúng ta đều lạ nước lạ cái...
- Không xa lắm đâu. Phía trước mặt chúng ta đó thôi.
Anh chàng thương binh trẻ vừa nói vừa ngước nhìn theo những cánh diều săn cá đang lượn vòng bên trên làn hơi nước bốc lờ mờ của một dòng sông không trông thấy, khuất sau những cụm rừng thưa. Và anh ta bẻ cây làm gậy chống, xách bi- đông càn rừng lội đi. Bác thương binh già nằm chờ. Chờ từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối vẫn không thấy anh trở về. Cho đến sáng hôm sau, có người đi đốn củi tình cờ bắt gặp bác già nằm lả trong chiếc xuồng con, bên hai khẩu súng trường hết đạn... Đồng bào cấp tốc chia nhau càn rừng, tìm anh thương binh thất lạc. Họ Huy động cả chó lùng sục khắp dọc dài lùm bụi ven sông, mất trọn ba ngày liền vẫn không thấy tăm dông anh đâu. "Nếu bị hùm tha rắn bắt thì tất phải còn lưu lại dấu vết chứ". Mọi người đành tự an ủi bằng cách tin rằng anh đã may mắn gặp một chiếc thuyền buôn nào đó, và biết đâu người ta đã chẳng đưa anh về đến đơn vị rồi cũng nên. Sáng sớm ngày thứ tư, có một người con gái chống xuồng vào sâu trong rừng, tìm bắt ba khía. Cô ta sửng sốt trông thấy vết chân to lớn của một người đàn ông lê lết đi về hướng Bàu Sấu.
- Xứ này, đàn ông có bao giờ chịu đi bắt ba khía! Còn như chú bác nào đó đi săn thì ắt phải có dắt chó theo. Lại không thấy vết chân chó. Có thể là anh ta chăng?
Cô gái nghĩ vậy mà cứ lần theo vết chân vạch cây rẽ lá, ộp oạp lội bùn đi tới. Tới cái lán rộng, trên phủ dày một lớp rong mềm, bên bờ láng có một tổ cá sấu mới đắp. Bấy giờ đã quá trưa. Ai đâu mà quần áo tả tơi, tóc tai rũ rượi, mặt sưng to như cái sàng nằm tựa lưng bên gốc cây mắm gần đó vậy? Trông không ra người mà cũng không ra ma. Hỏi thì quả đúng anh thương binh nọ. Anh ta đi lạc, nhịn đói đã hơn ba ngày. Đói quá, thấy tổ ong, trèo lên lấy mật ăn. Bị ong đánh, mặt mày mình mẩy tay chân mới sưng to thế ấy.
- Trời ơi, chỗ nguy hiểm chết người, sao anh lại nằm đây? - Cô gái ngạc nhiên, tặc lưỡi, hỏi.
- Tôi thấy cái mả trẻ con mới đắp, chung quanh đất còn láng bóng...
Tôi đuối sức, đi không nổi, nằm chờ tại đây. Định bụng sẽ có người ra thăm, ra mở cửa mả thì theo họ mà về. Ngờ đâu đó là tổ trứng cá sấu. Cá sấu đẻ trứng, bò quanh vun đất đắp lên. Sáng nó nằm hướng đông, chiều nó nằm hướng tây để che ánh nắng nóng mặt trời như thiêu như đốt. Anh chàng thương binh không biết ngỡ là cái mả con nít. Sau khi đã cho anh ta uống nước, ăn chút cơm nắm cho lại người
- Đói quá đi gì nổi.
Cô gái dắt anh xuống xuồng chèo trở lại rừng. Không ngờ sau đó anh ta lịm dần rồi mê đi. Bà con xóm rừng xôn xao: "Tại sao biết phía bờ sông cũng gần, lần ra sông tìm ghe nước mà chú này lại mò vào chốn tuyệt lộ ấy làm gì? Đúng là bị ma rừng dắt rồi! Trớ trêu thay, những con người võ dõng "nhất phá sơn lâm, nhìn đâm hà bá" giữa chốn cùng trời cuối đất này, cọp hùm cá sấu không sợ mà lại sợ ma, mới lạ chứ! Và họ bàn nhau rước thầy pháp đến truá hồn truá vía nạn nhân. Thầy pháp chèo ghe đến, miệng ngậm rượu nhai râu phun phì phì, tay cầm nắm hương cháy quơ qua quơ lại trước đầu con bệnh, hát rằng: "Hiu hiu gió thổi Cỏ nội ngàn mây Hồn ở đâu đây Hồn ơi hồn hỡi Xa cây xa cối Xa cội xa nhành Đầu bãi cuối gành Hùm tha sấu bắt..." Giữa đêm khuya khoắt, tiếng hát gọi hồn rợn người của lão thầy pháp già mắt đỏ ngầu, vẫn còn âm vang trên mặt sông đen ngòm và một dãy rừng mờ sương. Hôm sau, lão ăn thịt gà, uống rượu, lận ba đồng bạc đi rồi, anh thương binh nọ vẫn nằm mê man bất tỉnh. Mông sống kể như chỉ mành treo chuông. ở xứ rừng thời buổi giặc giã này, tìm được danh y đâu phải chuyện dễ, trừ phi chèo thuyền đưa con bệnh ra tới chợ Cà Mau. Mà Cà Mau thì giặc Pháp đã chiếm đóng rồi. Các bà già ngồi sụt sịt mũi:
- Nó từ ngoài Bắc xa xôi, lặn ngòi ngoi nước vô đây đánh giặc cứu bà con mình. Nói đổ sông đổ biển, ví như có hy sinh chốn trận tiền thì cũng đành một lẽ đi. Đằng này lại bỏ mông giữa thanh lâm u cốc không phải vì hòn đạn mũi tên. Mà bà con mình đành chịu bó tay!
- Đâu dễ dàng vậy, các má? Để con lên coi coi...
Đúng lúc ấy cô gái đã tìm gặp anh bữa trước cặp xuồng vào sân nhà, vừa bước vội lên vừa nói vọng vào. Anh thương binh lạc rừng vẫn nằm lịm đi trên bộ vạt kê gần bếp lửa, mắt lim dim, hơi thở đoản, môi xanh nhợt nhạt, tay chân buông thõng. Cô gái kéo vạt khăn rằn lau mồ hôi trán, nhìn anh và lắc đầu:
- Trúng phong nặng lắm... Nhưng còn nước còn tát, con tin còn cứu được!
- Ủa con nhỏ này, bộ mày là... thầy thuốc sao Tư?
- Nghe đâu như tía nó trước kia là thầy thuốc nổi tiếng miệt Gò ân, Nước Xoáy gì đó mà!
Cô Tư- chính cô gái trẻ ấy- lấy tạm chiếc trâm cài tóc của mình luộc kỹ lau sạch bằng rượu gừng, dùng phép châm cứu châm ngay hai huyệt cốc: nhân trung, bách hội dưới mũi và giữa đỉnh đầu bệnh nhân.
Thấy tim anh đập nhanh mà nhịp đập yếu, cô bèn châm thêm vào hai huyệt thần môn chỗ cổ tay về phía trong mạch, đoạn dùng gừng và nước giải trẻ con cho uống, lại lấy nước gừng xoa khắp cơ thể...
Anh dần dần tỉnh lại, vài hôm sau uống thêm vài thang thuốc nam, sức khỏe của anh đã hồi phục lại bình thường. Bệnh thì nặng đến mức ngặt nghèo, bà con đâu ngờ bằng phương pháp đơn giản của dân gian mà hiệu nghiệm khôn lường đến vậy. Cô cho biết: Anh đã bị thương, yếu rồi, lại nhịn đói hơn ba ngày giữa rừng, "chính khí hư tổn", ra tới sông lớn gặp phải nắng gió, tức là gặp phải "ngoại tà" như phong, hàn, thử, thấp... bất kỳ ai yếu mà gặp một trong những điều kiện thời khí bất hòa này thì cũng đều bị. Thế thôi, chứ có phải bị oan hồn uổng tử gì bắt đâu. Bà con chịu lời giảng giải của cô nhưng có người còn thắc mắc: tại sao anh thương binh lại đi ngược vào hướng Bàu Sấu, nếu không phải bị ma rừng bắt? Chuyện ấy, mười hôm sau khi Tám Mun dẫn hai cậu thanh niên vào Bàu Sấu đâm bắt được con cá sấu và hốt luôn tổ trứng mang về làm tiệc, trong bữa rượu vui, anh đã kể lại thế này:
- Tôi đang đi bỗng thấy có con bìm bịp con mới tập bay sập sận lủi vào bụi đế. Tôi vung gậy đuổi theo, tính bắt về cho bác già, bởi từng nghe nói chim bìm bịp chữa trị gãy xương hay lắm.
- Phải rồi! Phải rồi!
- Chẳng những ngâm rượu uống rất tốt mà xác nó giã nhỏ đắp lên vết thương, xương gãy nát cũng lành ngay trong vài bữa!
- Nhiều người đồng tình nói thêm.
- Vậy rồi sao nữa? Vậy chắc là nó cứ dắt lần, đưa chú vô đó chứ gì?
Anh thương binh lắc đầu, rùng mình một cái:
- Đâu phải! Thấy tôi đuổi theo, nó vụt lủi sang bụi đế bên kia. Tôi bèn lội qua đám lục bình... Bỗng nghe khì... ì... ì... một tiếng lớn, rồi chân tôi nổi vồng lên. Tôi sợ quá không biết dẫm phải con gì. Liền trèo đứng lên một gốc cây mắm, lấy gậy hất lục bình lên xem. Mãi không thấy gì. Tôi lại lần vào trong, thấy phía trong có một khoảng trống nhỏ bằng cái mâm toàn bùn, có một khúc to bằng cái chân rút qua, rút qua đi hoài không dứt. Eo ôi! Mình nó đen thui, đi chậm từ từ, đen loáng có ngời chớp chớp. Khúc đó, nhỏ dần, nhỏ dần... còn cái đuôi. Tôi nén thở, đứng trố mắt xem. Gậy mà làm sao dám đập!
Tám Mun ực một hớp rượu gừng, cười lớn:
- Thứ đó, xứ này thiếu gì! Đó là rắn hổ đất sống cỡ bốn năm chục năm...
- Vậy rồi sao nữa? Sợ quá không dám đi tới nữa chứ gì? - Một người hỏi.
- Vâng. Nhưng không phải chỉ sợ con rắn đó. Còn ghê hơn nữa kia. Chờ nó đi một lúc khá lâu, tôi mới lội chếch ngược lên, lần ra hướng bờ sông. Bấy giờ đã chiều rồi. Chợt thấy phía mặt trời lặn xa xa có hai cây sào dựng đứng trên ngọn cây. Hễ cây sào đó ngả về phía nào thì chim cò phía đó kêu rộ lên, cất cánh bay tứ tán. Bụng mừng lắm, nghĩ là bà con đang trèo lên cây quơ sào đập chim, tôi bèn xăm xăm bươn tới...
Những người ngồi bên bếp lửa đồng thanh cười ha hả, gật gù nhìn nhau nhưng không ai nói gì, lại rót rượu uống và chúm chiếm cười lắng chờ nghe anh kể tiếp.
- Tôi lội gần đến nơi... Trời đất quỷ thần ơi! Thì ra đó là hai con rắn gì to lắm, mình xám mốc, vảy nổi như trái mây, đang cất cổ lên khỏi ngọn cây đón bắt chim về tổ...
- Rắn hổ mây chứ rắn gì nữa!
- Vâng. Vâng. Thảo nào mình nó vẩy nổi trái mây. Một con chim gì to bằng con ngỗng bị nó đớp được, đập cánh giẫy kêu quang quác. Nó ngậm con chim vung qua vung lại, lông đổ trắng xóa, còn cả cành cây ngọn cây thì chuyển động ào ào như bão giật sắp nhổ tung cả rễ. Tôi nhắm mắt nhắm mũi chạy ra xa. Nhìn về phía đầu cây xa lại thấy có năm sáu "cây sào" khác dựng đứng trên nền trời đỏ rực. Tôi thất kinh hồn vía, quay ngược lại, nghĩ rằng sông lạch xứ này chằng chịt như mông nhện, mình đi phía nào mà chẳng tới sông. Cứ thế tôi đi. Ngờ đâu... Cho tới cái hôm cô Tư đây tìm gặp tôi nằm ngoắc ngoải bên Bàu Sấu!
Đôi má cô gái đỏ bừng lên, không biết có phải vì ánh lửa hay bởi những cốc rượu hết người này tới người khác cứ thay phiên nhau chuốc, bắt ép cô phải uống, hay bởi cô vừa bắt gặp cái nhìn đầy sự biết ơn và chứa chan trìu mến của chàng trai xứ Bắc? Có thể vì tất cả cũng nên. Hơn năm sau, anh thương binh được giải ngũ trở lại ấp Thiềng Liềng. Vợ chồng Tám Mun đã đứng ra tổ chức một đám cưới "đời sống mới" cho hai người kết thành chồng vợ... Biết họ là ai không? Người con gái đó, cô Tư đó chính là má đẻ con đó, An ơi! Giọng bác Trần Vũ như khản đi, bác cúi xuống vê một mồi thuốc lào mà những ngón tay cầm dùm thuốc cứ run run.
- Chuyện này, lẽ ra con phải được biết từ lâu. Nhiều lần ba cũng đã định kể cho con nghe, nhưng mỗi lần sắp nói ba cảm thấy cổ như nghẹn lại... Ba có lỗi với má con nhiều quá... Có tấm ảnh duy nhất của má con, ba cũng không giữ được... để đến nỗi bây giờ con không hình dung nổi gương mặt mẹ ra sao! Ba rất đau lòng!
An ngồi lắng nghe chăm chú. Câu chuyện tình duyên của bố mẹ anh, hình thành trong một bối cảnh dữ dội và đẹp quá! Từ lâu, anh mặc nhiên xem sự cút côi của mình là một số phận. Giờ đây, qua cơn xúc động anh chỉ cảm thấy buồn lâng lâng, mơ hồ, giống như người nuối tiếc giấc chiêm bao, cố nhớ lại những hình ảnh... những gương mặt dường như quen lắm mà không sao hình dung rõ rệt được.
- Tấm ảnh không còn vì rủi ro bị mất cắp đã đành, mà một vài kỷ niệm có liên quan tới mẹ mày ngày xưa, còn trông thấy sờ sờ đó, bây giờ tao cũng không giữ được!
- Bác Trần Vũ bỗng đột ngột vung tay nói to một cách bất lực rồi bác từ từ cúi xuống úp mặt giữa hai đầu gối, thở ra.
o O o
- À! Hai bố con còn thức đó hả? Tưởng ngủ cả rồi... - Bác Tám Mun lích kích buộc xuồng dưới chân cầu thang, nói với lên.
- Muốn ngủ mà có ngủ được đâu, anh Tám!
- Bác Trần Vũ đứng dậy thắp thêm chiếc đèn "tọa đăng", cầm bước ra soi cho Tám Mun thấy đường lên.
- Khỏi. Khỏi. Mình lội giữa rừng ban đêm còn không vấp một rễ cây. Bố con ông còn thức đó thì hay quá. Mà có ngủ rồi thì mình cũng lôi dậy chứ!
- Chuyện gì vậy, anh Tám?
- Có chuyện gì đâu. Nhậu chơi vậy thôi. Thịt heo rừng mà! ở Hà Nội chắc ít khi bố con có dịp nhậu.
- Để mai cũng được mà. Mới nhậu hồi chiều...
- Hồi chiều là cua rang muối, canh chua cá lăng. Còn bây giờ là thịt heo rừng nướng. Hễ có, phải mần ngay. Ông đi lâu ngày, quên mất tục lệ xứ rừng rồi. Với lại để bàn tính coi ngày mai...
Thì ra Tám Mun chèo xuồng xuống ấp dưới, gặp đoàn nhà văn mới từ ngoài Bắc vào, người ta tính cậy bác đưa họ xuống Rạch Mũi tham quan rừng mắm. Trước đồng khởi chưa có khu rừng này. Hồi đó thằng Diệm nó kẹp chặt vùng Mũi, bà con qua lại rất khó khăn, có khi phải đổ máu. Chi bộ Viên An chủ trương đào một con kênh nhỏ đi tắt từ Rạch Tàu ra Rạch Mũi dài ba cây số, để tránh địch. Đồng bào hè nhau móc bằng tay. Toàn bãi lầy, đâu dùng cuốc xẻng gì được. Vậy mà hoàn thành chỉ trong có hai ngày. Hai bên bờ, bà con trồng mắm... Bác Tám Mun cầm nguyên một gắp thịt nướng cháy cạnh thơm lừng suốt vào bát cho An, nhướng mắt:
- Làm tới đi cháu. Học bên Nga về mà sao làm yếu vậy? Hồi nãy, nghe các ông ấy nói bên Nga có thứ Guốc- ka gì đó, cũng thứ dữ không thua rượu đế của mình...
- Dạ, Vốt- ka.
- Ờ, Vốt- ka hay Guốc- ka gì thì cũng là rượu thôi. Nè, mày đừng có quên gốc mày cũng nảy từ cái xứ rừng này đa! Làm tới tới đi.
- Dạ, cháu... yếu lắm...
- Yếu thì nhâm nhi... lai rai với bác và tía mày. Có chuyện gì đâu. Ờ mà nghe nói rừng bên Nga họ trồng ngay hàng thẳng lối, dưới đất sạch bong không một cọng cỏ phải không? Ước gì tao được qua đó thăm chơi một chuyến, có chết cũng hả. Mà thôi, chuyện đó còn lâu. Đang nói tới cái gì, quên rồi. à, chuyện khu rừng mắm dưới Rạch Mũi. Kỳ diệu phi thường mà mậy...!
Tám Mun mặt mày rông rỡ quay sang Trần Vũ, nói tiếp:
- Hồi đó tôi có tham gia công chuyện này. Lúc đó kênh móc rộng khoảng một thước, sâu lút đầu gối, nằm sát biển, vậy mà bây giờ thành một nhánh sông sâu ngập nửa cây sào, rộng đủ cho ba chiếc ghe máy chạy song song, nước cuồn cuộn tuôn ra biển. Còn mắm trồng hồi đó đã thành rừng già hơn hai mươi tuổi, bên bờ trái của nó, cũng mọc thêm. Mũi đất bồi rộng một cây số rưỡi, thành ra nó lọt thỏm giữa một thẳm rừng dày... Quả như lời thiên hạ, xứ này "rừng từ dưới biển mọc lên". Có thể nói cây mắm là cây tiên phong của rừng Cà Mau, có thể sánh như các bậc tiền bối, từ buổi ông bà mình mở đất về phương này được vậy.
- Sao cháu đọc sách báo, thấy người ta nói cây đước là linh hồn của rừng Cà Mau mà?
- Cũng đúng. Bởi cây đước là cây chủ lực ở đây mà. Mặc dầu mắm có trước, đước có sau, rồi sau nữa mới tới tràm. Tất cả các ngôi nhà vùng biển này, xưa nay đều dựng lên toàn bằng cây đước. Cho tới rượng phơi lưới, cột đáy sông, cột đáy bàng khơi... những cây cầu khỉ đi lại trong ấp và những "con đường" nối nhau chạy ngoằn ngoèo, ngang dọc và sâu trong các "làng rừng" hồi những năm đánh Mỹ... Gọi cây mắm là cây tiên phong, còn cây đước là cây chủ lực đều đúng cả có gì mâu thuẫn đâu!
- Nghe nói than đước tốt lắm hả bác?
- Nhất xứ mà. Thì cháu không thấy mình đang nướng thịt đây sao? Cháy phơ phất lửa xanh có khác gì than đá đâu? Mấy ổng nói nó nóng tới 6600 ca- lo ca- lô gì đó không biết nữa. Gỗ nó chắc thịt lắm, đóng bàn ghế giường tủ... còn xẻ ra làm ván lát sàn thì số dách. Nhà này mới cất sau đại thắng mà mặt sàn láng bóng, lên nước đỏ au, cháu không thấy sao? Cây lim phải bốn trăm năm mới xẻ được ván mặt 45 phân, chứ cây đước mươi mười lăm năm đã cao hai ba mươi thước, xẻ được ván mặt 50 phân rồi! Thằng Mỹ ác quá nó rải chất độc hóa học, tính triệt hết cây rừng Cà Mau là nó tính lột da mình. Đất đai trần trụi thì con chim trên trời, con cá dưới nước cũng chết. ờ, mới đây trên Lung Rắn trời mưa xói mòn lớp đất mặt, người ta phát hiện thấy ven khu rừng chết toàn sọ cá trê. Đào xuống tới đâu gặp sọ tới đó. Còn ở một chỗ khác thì tập trung toàn là xương cá sấu. Nếu đào hết thì phải chở cả ghe chài. Sọ cá trê bị ngấm chất độc thứ gì mà đen thui, thấy phát sợ. Rừng chết, cỏ cây muông thú đều chết thì con người sống vào đâu! Thật là quá ác! Mà nó làm sao diệt hết nổi cây rừng xứ này chứ? Đước, vẹt, giá, dà, tràm, chà là, dừa nước... tất cả mọi thứ cây rừng đều chết, nhưng còn một giống đương đầu, thằng Mỹ phải chịu thua. Biết cây gì không? Nó là cây mắm đó. Lá héo, lá rụng rồi lá lại nảy mầm xanh tươi trở lại như không. Có chuyện gì đâu!
Mặc cho Tám Mun bô lô ba la với An, bác Trần Vũ ngồi lặng lẽ uống từng ngụm rượu nhỏ, mắt đăm chiêu nhìn ngọn lửa. Ngẫu nhiên nào khiến xui nên cuộc tìm gặp dưới cội mắm bên rừng Bàu Sấu, để từ đó ơn cứu tử kết chặt hai tấm lòng tha hương thành một khối tình? Rồi kẻ Bắc người Nam và giờ đây dương gian âm cảnh chia đường đôi ngả. Chỉ có những cội mắm xưa bên Bàu Sấu còn lại thành cổ thụ vẫn đứng trầm ngâm đó. Rễ cây nào cây nấy ngoằn ngoèo bò lan thành chùm rậm rạp, cành nhánh cây nào cũng sù sì uốn khúc như những con rồng. Bao trận mưa khai quang của thằng Mỹ không diệt nổi nó. Vậy mà bây giờ Tám Mun đồng tình với người ta để triệt nó.
- Cái gì đã qua đi là đã qua rồi! - Bác Trần Vũ lại chép miệng nói như tự nói với mình, và từ từ đặt cốc rượu xuống. Một giọt nước mắt lăn ra, ngập ngừng đọng lại bên chòm ria, rồi rơi vào giữa lòng chiếc cốc vừa uống cạn.
- Ủa, chuyện gì vậy, ông Vũ? - Tám Mun đang thao thao bất tuyệt bỗng dừng lại, chồm tới ngơ ngác nhìn vào mắt ông bạn già.
- À... chuyện cây cối nãy giờ của anh... khiến tôi nghĩ về lẽ thường tình biển dâu lòng thiên hạ. Phải. Cây mắm phải nhường chỗ cho cây đước, rồi cây đước phải nhường chỗ cho cây tràm, đó là quá luật của sự hình thành nên xứ rừng U Minh này. Có là bậc "khai quốc công thần" như cây mắm đi nữa, khi thế tình biến đổi thì cũng chẳng ai nhớ tới nó làm gì!
- Chà... chà... Thôi, tôi lạy ông. Hồi chiều, bên Bàu Sấu tôi đã nói cặn kẽ với ông rồi. Rằng tôi bây giờ được bà con bầu ra làm việc, có chân trong đảng ủy, ủy ban thật đó, nhưng tôi đâu có quên gốc mình là anh thợ rừng xưa. Con gái tôi cũng là con gái nghề rừng, mà tôi lại ông đồng tình với chuyện phá rừng ư? Tôi đã nói với ông là các ông cán bộ ở Tá Y tế về bảo rằng đất chỗ Bàu Sấu toàn lung, bàu, vũng... nó là cái gì quên rồi? à, nó là "sinh địa cảnh" rất thích hợp với sự phát triển của muỗi, vì vậy phải đốn hết cây, cải tạo thành đầm nuôi cá, nuôi tôm...
- Ở đó, toàn những cây mắm già, thứ vô tích sự chứ gì?
Bác Trần Vũ thều thào, mặt tái xanh, với cầm chai rượu rót vào cốc trào cả ra sàn nhà rồi ngửa cổ uống một hơi sạch cốc.
- Thôi, xin phép anh Tám, để ngày mai tôi về!
- Có chuyện gì đâu mà căng vậy, ông Vũ. ông muốn về, tôi cũng nhất định không cho ông về mà. Tại ông tưởng tôi có quyền quyết định mọi chuyện, nên ông giận tôi lắm chứ gì? Nói thật, phá vạt rừng Bàu Sấu, tôi cũng đau lòng chứ. Đâu phải riêng một mình ông. Chính ngôi mộ vợ tôi còn nằm ở đó, ban chiều ông cũng biết...
Tám Mun thở dài, cúi xuống cời than một lúc rồi nói tiếp, giọng trầm hẳn xuống.
- Ông tập kết ra Bắc rồi, ông đâu rõ hết gian khổ của vợ chồng tôi. Thằng Mỹ phá trụi rừng đước ven sông. Vợ chồng con cái tôi phải dắt díu nhau vào che chòi nương náu dưới các cội mắm vừa phủ lại sắc lá màu xanh. Những năm ác liệt nhất, chúng càn đi quét lại, vây rừng chặn hết mọi nẻo giao thông. Một hột gạo cũng không có. Cả nhà tôi và anh em cán bộ, du kích còn bám trụ phải hái từng thúng mắm luộc đi luộc lại năm bảy lần cho hết đắng, để ăn thay cơm hằng tháng. Còn nước uống thì phải múc nước mặn cất lên, hứng từng giọt. Vợ tôi bị chất độc hóa học xong mù đôi mắt, rồi chết mấy tháng sau đó... Trước lúc xuôi tay, bà dặn con út Thảo bấy giờ mới lên mười tuổi: "Gì thì gì, tía con mầy cũng phải gấp gáp trồng lại rừng đi. Chuyện sống chết như chuyện đánh Mỹ đó". Thằng Hai tôi - không biết cháu An đây còn nhớ không chứ - lúc cháu ba bốn tuổi nó vẫn hay cõng cháu lội rừng bắt cua.
- Ờ nó cùng anh em du kích ngụy trang làm dân đánh cá, ra cả chục cây số ngoài biển chặn đánh bọn hải thuyền địch, rồi hy sinh giữa biển. Còn lại có hai cha con. Tôi thì có mấy khi ở nhà, hết việc nọ tới việc kia, nào lo tiếp tế nào lo tải thương... Địch khủng bố càng ác liệt, trực thăng từng bầy phành phạch bay đen như ruồi, hễ phát hiện một sợi khói bốc lên trên cụm rừng nào thì lập tức từ xa nó đã "cảo... đùng, cảo... đùng" phóng rốc- két xuống ngay. Ban ngày chẳng ai dám ra các trảng trống săn con cầy, con cáo. Đêm nọ tôi đi công tác về khuya, thấy út Thảo một mình đang bơi xuồng giữa bãi sình loang loáng nước. Nó mặc chiếc áo cộc tay bạc phếch. Dưới ánh trăng xanh lạnh ngắt, chiếc xuồng nó chầm chậm nhích từng khoảng ngắn. Thoạt đầu tôi không biết nó làm gì. Thì ra nó đang thực hiện lời trăn trối cuối cùng của mẹ nó. Tay trái nó khỏa dầm, tay phải thoăn thoắt cắm từng trái đước xuống bùn. Bãi bùn mênh mông, trông nó càng bé lại như con dã tràng. Tôi ới nó: "Thôi về, về đi con. Chuyện đó để cha làm cho mà!" Biết nó trả lời sao không?
- Để chờ ba!... Chờ cho thằng Mỹ nó phá hết rừng không chỗ ở à? Sớm giờ nào hay giờ ấy. Con phải tranh thủ làm giúp ba chứ. Ba về trước đi, con trồng hết xuồng trái nầy rồi con về liền mà! Tới hửng sáng nó mới về, mình mẩy lấm lem... Vài tuần sau, những trái đước út Thảo cắm xuống đã mọc rễ, đâm lá sữa. Hơn năm sau đã thành bãi đước cao lút đầu tôi rồi. Những chi rễ vừa kịp lớn lên như những cánh tay thò ra bám đất, giữ cho cây đứng vững giữa bùn lầy thì thằng Mỹ lại thả sương mù hóa học xuống. Rồi út Thảo lại bơi xuồng ra sông vớt từng trái đước trôi, ky cóp trở về trồng lớp khác. Trời ơi, nó kiên nhẫn còn hơn con dã tràng mà. Để mai mốt nó về, nó kể hết mọi nỗi đoạn trường cho ông nghe. Thôi uống đi chứ, ông Vũ. ông có còn hờn tôi, có muốn bỏ về nữa không?
Trần Vũ nghe tim mình nhói lên. Dù vậy, bác vẫn không muốn thay đổi ý định:
- Trước sau gì rồi cũng phải về mà. ở lâu chỉ thêm buồn, anh Tám ơi! Còn thằng cháu An thì tùy nó...
- Con ở lại, ba à! Con còn phải vẽ nhiều. Mai mốt con vào Bàu Sấu làm một số ký họa, không thì rồi đây sẽ mất hết. - An cúi cúi nói mà không nhìn bố, và châm một điếu thuốc hít lấy hít để.
"Vẽ thế nào đây? Thiên nhiên ở đây vừa rất mực hiền hòa, mà cũng vừa cực kỳ dữ dội. Mình làm một bức tranh về rừng, không thi mà cũng như thi, còn hơn thi, bởi nó thiêng liêng quá đối với mình. Chỉ e sức không làm nổi. Thể hiện cách nào đây? Thuốc nước trên lụa chăng? Nhẹ nhàng mềm mại quá. Sơn mài chăng? Cũng chưa ổn. Sơn dầu chăng? Trên thế giới, xưa nay có biết bao nhà danh họa chuyên vẽ rừng vẽ thiên nhiên bằng sơn dầu rồi. ở Nga như Sức- kin, như Pê- rốp... như Lê- vi- tan. Vẽ như Lê- vi- tan chăng? Những bức tranh mùa thu nổi tiếng của Lê- vi- tan còn lưu lại bảo tàng Trê- ti- a- cốp Mát- xcơ- va, đẹp tuyệt vời. Tất cả đều mang một nỗi buồn nhớ xa xôi... Bãi biển đìu hiu, một cánh hải âu. Chiếc cầu gỗ bắc qua đập nước chiều hôm... Buổi chiều thu vàng, dòng sông quanh lượn lờ, những cây bạch dương lá vàng, bờ cỏ úa heo hút con đường mòn... Tất cả đất trời cây cỏ dưới mắt Lê- vi- tan, đều nhuốm trong một sắc vàng buồn, yên tĩnh, không rực rỡ chói chang như vàng Van Gốc. Mà rừng phương Nam hùng vĩ bạt ngàn của quê mẹ ta bốn mùa náo động một sắc lá màu xanh. Vẽ như Vơ- ru- ben chăng? Dùng toàn sắc độ lạnh tím, biếc, xanh, đen màu rất ma quái trong bức Đi- ê- mông mà từ 1902 đến giờ còn rất nhiều người tranh luận, cãi nhau về màu sắc, nội dung. Cũng có thể mình chỉ dùng chủ yếu là xanh và nâu chứ không chơi tím. Vơ- ru- ben trong Hoa Xá- rin đã đạt tới đỉnh tột cùng của nghệ thuật dùng tiếng nói màu sắc. Tím và xanh của ông rất huyền ảo, như trong chuyện thần kỳ dường nửa thực nửa hư. Không. Nhất định là không thể bắt chước người khác. Tìm tòi và thành tựu của họ chỉ có thể gợi cho ta một phát kiến gì." An nhìn theo làn khói thuốc thở ra và chậm rãi lắc đầu.
- Sao, con bực mình về chuyện ba phải về trước con à? - Bác Trần Vũ hỏi, giọng buồn buồn.
- Dạ, đâu có! Con đâu dám. Con đang nghĩ không biết phải vẽ bức tranh của con về rừng Cà Mau như thế nào đây cho ba vui lòng. Đành rằng tất cả những gì đã qua đi là đã qua rồi. Nhưng trong bản thân hiện tại nào cũng đều mang một nguồn gốc quá khứ và cũng đồng thời chứa đựng một mầm mống tương lai. Cái mắt thấy bên ngoài thì dễ mà lột tả được điều hiểu biết bên trong mới khó. Bởi một khu rừng đều có cuộc sống, biến đổi... có lịch sử thăng trầm của nó như đời sống buồn vui của con người. Mới nghe chuyện ba và bác Tám, con đã "ngợp" rồi.
Tám Mun khoát tay, cười cười:
- Chuyện của bố mày và tao là chuyện đời xưa. Cháu là lớp bây giờ. Chuyện rừng bây giờ cũng ối ra đấy. Mà muốn biết thì phải hỏi con út Thảo, nó thuộc nhiều hơn bác.
Cả ba người cùng im lặng. Những phút im lặng đột ngột giữa lúc cuộc rượu chẳng trọn vui, mang nhiều tâm trông éo le của người cùng ngồi quanh mâm thế này thường khiến người ta dễ sinh chán nản, mệt mỏi, và nói cười gượng gạo.
- À ai vừa tốp máy... có khi con út Thảo về cũng nên!
- Bác Tám Mun bỗng nhổm lên nói vậy, rồi nhìn ra sông nghe ngóng.
- Ba ơi ba! Còn thức đó hả ba?...
- Đúng là nó. Bố con ông Vũ coi tôi nhắc có linh như miễu không chứ? - Tám Mun cười lớn, mặt mày rông rỡ, bộ tịch trở lại vui vẻ hoạt bát hẳn lên như khi mới xách đùi heo rừng về.
Chốc sau, nghe có tiếng vụt gàu kéo nước rửa chân sạt sạt và tiếng cười rúc rích ngoài sàn cầu. Rồi út Thảo bước vào nhà, dắt theo một cô gái trẻ vai đeo máy ảnh, đầu trùm kín khăn rằn. Cô gái tủm tỉm tháo khăn ra và đặt chiếc túi du lịch xuống cạnh chân, cúi đầu chào mọi người.
- Con nhỏ này là bạn con, hồi trước cùng học trường trung cấp lâm nghiệp. Bây giờ nó làm phóng viên báo tỉnh, bên Kiên Giang. Tên nó là con Kim Dung
Rồi út Thảo quay sang bô lô ba la giới thiệu về bố con bác Trần Vũ với cô bạn trẻ của mình, đoạn mặt mày tỉnh bơ, hỏi bác Tám Mun.
- Nhà còn có gì mặn mặn ăn cơm không ba? Nghe mùi thịt nướng thơm điếc mũi từ lúc còn dưới sông, đói bụng quá! Hội nghị xong, gặp xuồng chở gạo về Rạch Tàu, tụi con liền nhảy xuống quá giang về đây. Chẳng kịp ở lại dự liên hoan buổi tối.
- Thịt heo rừng nướng thiếu gì đó, con.
- Ối, mồi nhậu để ba đãi khách. Mà nói vậy chớ con có mua mấy ổ bánh mì, lạp xưởng. Có cả cà- phê, đường sữa. Đường, sữa là tiêu chuẩn bồi dưỡng của con, không phải mua mà.
- Ờ! Mà ba hỏi mày kiếm ở đâu ra cái này mày đội vậy?
Bác Tám Mun nheo mắt nhìn chiếc mũ lông màu nâu xám đội lệch trên đầu con gái, thứ mũ hao hao kiểu bộ đội biên phòng miền Bắc, bác thường thấy trong các phim truyện, phim thời sự trung ương, tỉnh đưa về chiếu ở đây. út Thảo đứng chéo chân, khuỳnh tay ra sau lưng mặt nghếch nghếch:
- Ba coi con đội có đẹp không? Đẹp hả?
Nói xong, xòe hai bàn tay ra làm bộ xấu hổ che mặt, khom xuống cười ngặt nghẽo.
- Con nhỏ này lúc nào cũng đùa giỡn được. - Tám Mun quay sang nói với bác Trần Vũ đang mỉm cười, rồi mắng yêu con.
- Lớn đại, hăm hai, hăm ba tuổi rồi mà cứ như con nít. Tại hồi nhỏ má mày cưng chiều mày quá mà! Thôi hai chị em vào trong thay quần áo đi, không khéo cảm lạnh chết đa!
- Cảm sao được ba! Con có cái mũ này, hết sẩy. Đố ba thấy bán ở một tiệm mũ nào. Mũ kỵ phong mà ba. Ba coi nè, khô queo chớ có thấm một giọt sương. Của con nhỏ này mới tặng con hồi chiều này đó!
Chiếc mũ nóng ấm hơi người vừa đội đã đành mà lớp lông mịn màng bên ngoài vuột qua vẫn khô rang không thấy lạnh thấy ẩm chút nào. Bác Tám Mun chuyền tay cho bố con Trần Vũ nâng lên kề sát vào ánh sáng đèn săm soi một lúc, và cả ba người đều không giấu được vẻ ngạc nhiên:
- Như là bằng lông rái cá thuộc, phải không cháu? - Bác Tám Mun hỏi cô gái.
- Dạ. Ngoại con nói mũ này kỵ phong. Người già đội nó rất tốt, rất ấm. Vì hay con đi đây đi đó luôn, nên ngoại con kiếm cho con.
- Ờ, Cà Mau dạo này ban ngày nóng cháy da, chớ đêm sương xuống nhiều lắm.
Bác Trần Vũ gật gù tiếp lời Tám Mun:
- Năm tôi về tới Cà Mau trước Tết bảy sáu đó... đứng trên lầu giao tế, sáng sớm ngó xuống thấy sương đọng trên vải bạt mui xe com- măng- ca, ước chừng có thể múc được vài bát. Còn bồn hoa chậu kiểng thì ướt sũng như vừa tạnh cơn mưa.
- Hồi xưa đâu có như vậy. Tại thằng Mỹ phá gần hết trọi rừng...
- Tám Mun vừa nói vừa ngắm nghía chiếc mũ.
- Cái này hiếm lắm đây!
- Bạn con đứa nào cũng muốn mượn đội, bác à! Hồi mới khâu xong, con đặt thử ngoài trời sương qua một đêm nó vẫn khô queo. Chung quanh mũ cách mười xăng- ti- mét và ngay trên lông mũ không có một giọt sương bám, bác à!
- Chà, vậy thì quý lắm!
- Dà.
- Sao cháu không để dành đội mà đi công tác?
- Rồi ngoại con sẽ kiếm cho con cái khác, không lo đâu bác. Chị út công tác ngành rừng còn xông pha nhiều hơn con. Với lại để kỷ niệm... về câu chuyện bầy rái cá của chị út kể ở hội nghị... hay lắm!
- Chuyện gì vậy con? - Tám Mun ngạc nhiên quay lại hỏi út Thảo.
- A! - Út Thảo vỗ tay kêu lên. - Chuyện tối ư quan trọng. Tụi con về ngay là để báo cho ba hay liền đó. Vậy mà nãy giờ mắc lòng vòng chuyện cái mũ...
- Mà chuyện gì vậy chứ?
- Thôi. Ba gắt thì thô... ô... ôi, con không nói nữa đâu. Con đi nấu cơm ăn đây.
- Nè, đừng có nhõng nhẽo. Lúc nào mày cũng cứ như con nít.
- Không con nít đâu, bác ơi! Chị út khôn lắm. Nhờ câu chuyện chị kể mà hội nghị xúc động, thảo luận lại, đi tới quyết định không phá khu vực rừng Bàu Sấu, để xây dựng thành "Lâm viên quốc gia" đó bác à!
Cô phóng viên trẻ cười nói vậy rồi ngồi xuống bên bếp than mở túi du lịch lấy tấm bản đồ trải ra.
- Để con chỉ con bác xem đường ranh giới. Chỉ còn chờ trên Bộ phê chuẩn.
Bác Tám Mun cùng Trần Vũ đưa mắt nhìn nhau, cả hai đều sửng sốt mừng ra mặt. Tám Mun vội quờ tay chụp lấy tấm bản đồ, cười hềnh hệch:
- Thôi, khỏi xem. Cháu kể từ đâu tới đâu, bác biết liền. Bác nóng nghe con út nó làm sao? Nó nói chuyện gì?
- Dạ. Chỉ nói về chuyện "doi ông Trừng" đó, bác!
- Lạ há! Doi ông Trừng?
- Bác rành quá. Sông Bảy Háp và rạch Bù Mắt, tạt qua một con rạch nhỏ kêu là kênh Chống Mỹ, gặp một con kênh lớn đào từ thời Gia Long tẩu quốc, gọi là rạch ông Trừng... rồi từ rạch này đổ ra sông Cái Ngay có cái doi...
- Đó, chỗ đó... tít trên đó, có liên quan gì tới Bàu Sấu dưới này đâu kìa? Mà sao, nó nói thế nào?
- Chị út nói: Thằng Gia Long bảo ông này đào một con kênh mở đường chạy từ Cây Thơ ra Cái Ngay bây giờ đó, phòng khi bị Nguyễn Huệ rượt thì buồm cho lẹ. Gặp rừng dày, ông cho đào rẽ tránh rừng để bớt khổ nhọc cho dân. Nên cứ tiếp vào ngọn rạch Cái Ngay chớ không đào thẳng, xuyên rừng. Bọn nịnh thần tâu: "Con đường ấy có ý đồ dẫn tới chỗ giết vua!" Thằng Gia Long bèn hạ lệnh chôn sống ông...
- Nó chôn ổng chỉ để ló ra khỏi mặt đất có cái đầu, mắt ổng mở trừng trừng lên vì phẫn nộ, ba ngày ba đêm mới chết chớ gì? - Bác Tám Mun sốt ruột, nói tiếp cho sớm kết thúc. - Chuyện đó, xứ Cà Mau này nhiều người biết mà.
- Dà. Đúng! Chỉ kể đúng vậy đó. Nhưng còn chuyện ổng gặp bầy rái cá chận ghe rồi tối về ổng nằm chiêm bao nữa chứ!
- Lạ há? Sao tôi không biết kìa? - Tám Mun vỗ vỗ trán, nhìn bố con bác Trần Vũ đang chăm chú ngồi nghe cô gái kể.
Cô phóng viên lại tiếp tục nói, giọng thích thú và hào hứng:
- Bữa nọ ổng ngồi ghe đi thị sát vùng rừng đó. Có bầy rái cá cứ bơi qua lại như muốn chặn mũi ghe. Hễ lính chèo đuổi đằng trước thì chúng lặn xuống bơi theo đằng sau kêu léc chéc mãi. Bởi vùng lắm rái cá nên ai cũng coi là chuyện thường, không lấy đó làm sự lạ. Đêm đó, ổng về nằm chiêm bao thấy có người đàn bà bỏ tóc xõa, tay bồng con thơ, dắt theo một đám con nít đông lắm. Người đàn bà quỳ xuống, kêu khóc thảm thiết cầu xin ông cứu mông. ông giựt mình thức dậy, nhớ lại bầy rái cá lúc ban ngày... rồi cứ chong đèn ngẫm nghĩ thao thức suốt đêm. Sáng hôm sau, ổng mới ra lịnh đào tránh khu rừng... Dà, ngoài chuyện đỡ khổ nhọc cho đồng bào, ổng còn muốn cứu các loài muông thú đang sinh sống trong khu rừng đó. Vì vậy, ổng còn bị buộc thêm tội coi trọng thú cầm hơn "vương mệnh". Nên ông mới phải tội chết hai lần. Khi ổng chết rồi, không ai dám tới đắp mộ vì có lệnh cấm rất ngặt. Ai cưỡng lịnh sẽ bị chôn sống theo ổng. Vậy mà có một ngôi mộ bỗng cứ tự nhiên mọc lên rất cao tại đó. Bọn nịnh thần bèn mật sai lính tới rình bắt. Nhưng chúng đâu có bắt được ai. Thì ra không phải ai, mà có nhiều bầy rái cá đêm nào cũng đến móc bùn dưới sông lên đắp mộ cho ông...
Kim Dung hạ thấp giọng, mắt đăm chiêu nhìn vào khoảng không trước mặt rồi nhìn hết người này tới người khác, hai đồng tiền bên hai má lúm xuống nở một nụ cười sáng trưng.
- Cho tới "chín năm" vùng đó hãy còn rất nhiều rái cá mà!
- Con nghe ai kể vậy, út? - Bác Tám Mun hả hê, khoái trá hỏi con gái.
- Con nghe má nói. Má bảo nghe bà cố kể từ lúc má còn nhỏ lận. Con nhớ sao thuật lại cho hội nghị nghe y vậy. Con chỉ còn thêm là ở Bàu Sấu hiện còn nhiều cây cổ thụ, còn nhiều muông thú hiếm sống sót... đề nghị hội nghị xét xem có nên phá đi hay nên giữ lại làm rừng quốc gia như rừng Cúc Phương ở miền Bắc chẳng hạn... Chỉ có vậy thôi... Vậy mà con nhỏ Kim Dung này tính sẽ đăng báo đó ba à! A, mà ba ơi, nghe có đoàn nhà văn ngoài Bắc vào, họ còn ở đây hay đi rồi?
- Còn. Họ tính cậy ba ngày mai đưa họ xuống thăm Rạch Mũi.
- Cô phóng viên này muốn gặp họ để phỏng vấn hay đặt bài gì nữa đó, ba à!
- Vậy thì ngày mai cùng đi, tốt quá.
- Rồi quay sang Trần Vũ, bác nói vui.
- Thôi, ông muốn về chừng nào cũng được. Mà nhất định ngày mai phải đi với chúng tôi xuống tham quan dưới đó cái đã. Hồi nãy tôi về sớm là tính rủ bố con ông sắp đặt mai đi đấy chứ!
- Để tính coi...
- Thì còn có với tính gì nữa!
Út Thảo không thổi cơm thêm. Hai cô gái ăn vã thịt heo rừng nướng và chút bánh mì rồi uống nước, dọn dẹp cho hai ông già nghỉ để sáng mai còn đi sớm cho đỡ mệt. Lâu lắm không biết đôi bạn già nằm gác chân bên nhau đã ngủ chưa mà không nghe thì thầm gì nữa. Còn hai người con gái mới còn cười rúc rích sau bức vách ngăn đó, cô phóng viên Kim Dung vừa hát lên khe khẽ: "Rừng ơi! Ta đã về đây!..." thì nghe có tiếng đấm vào lưng nhau thùm thụp rồi tiếng Kim Dung nói hơi to hơn, dường như cố ý cho người nằm ngoài trước nghe: "Thì mày tặng lại cho ổng đi!" giờ cũng đã nghe rõ nhịp thở trẻ trung khỏe mạnh của họ kéo đều đều. Anh họa sĩ nghiên cứu sinh nằm trong màn cố chợp mắt một tí, nhưng đầu óc vẫn sáng trưng, không sao ngủ được. Câu chuyện về cuộc đời bố mẹ anh, về gia đình bác Tám Mun cộng thêm chuyện "doi ông Trừng" và bầy rái cá càng làm An thêm băn khoăn, suy nghĩ. Đành rằng mọi dông truyền thuyết, huyền thoại tốt đẹp đều là thành quả sáng tạo xây dựng trên những hiện tượng có thực, mang tính nhân đạo và mơ ước tốt lành của nhân dân. Vậy thì trong lĩnh vực hội họa mà tiếng nói chủ yếu của nó là màu sắc, mình phải thể hiện cả một quá trình to lớn của những con người và những cánh rừng ở đây bằng cách gì đây? Giá như chỉ để kêu gọi bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống thì mình có thể dùng hình thức áp- phích. Chẳng hạn cách điệu hóa một cổ thụ to xám, trụi lá bị cưa ngang đổ xuống liền bên cạnh gốc vươn thẳng một mầm mắm khỏe mới màu xanh. Hoặc có thể tượng trưng đơn giản hơn bằng hai quầng đen trên dưới của một khung xanh da trời, ở quầng đen trên là một con chim phượng hoàng, đặt lộn đầu rơi trút xuống, lả tả đổ lông vàng và dưới là nguyên hình bộ xương cá chép màu trắng, vân vân... Chuyện này mình có thể nghĩ ra được nhiều kiểu đây. Còn tranh thì vẽ sao? An cứ châm thuốc lá hút, nằm nhìn lên nóc màn ngẫm nghĩ mãi. Cho đến khi bao thuốc lá lép kẹp thì anh vụt ngồi dậy vỗ trán:
- A may ra còn có cách này mới giúp mình giải quyết được vấn đề bố cục, để xếp chỗ cho hàng nghìn hình họa tiêu biểu.
An vừa nghĩ đến một bức hoành tráng kiểu tranh tường Mê- hi- cô, mà hình thức nghệ thuật là tranh sơn khắc to, nhiều tấm ghép lại kiểu bình phong... Toàn cảnh nhìn chếch từ cao xuống. Tất nhiên là từ cây mắm già tiên phong, cây đước chủ lực đến cây tràm hậu bị đều phải chiếm những vị trí quan trọng, trong toàn bộ mười lăm họ thực vật ở đây. Mà cảnh đẹp là nhờ có người. Và lòng người ở tận cùng mũi đất phương Nam của Tổ quốc này đây, trước vạn trùng nguy biến vẫn luôn luôn giữ trọn một hình ảnh Bác Hồ trong tim.
Đền thờ Bác Hồ trong rừng Đước Viên An phải đặt vào trong điểm giữa tranh. Còn người mẫu và cảnh điển hình không lo thiếu. Cả những loài bò, bay, máy, cựa... từ chim thú đến rùa rắn tôm cá nói chung cũng vô cùng phong phú, đến nỗi Trần Hiếu Minh, trong tiểu thuyết "Rừng U Minh" đã viết "chỉ chịu khó bước chân vô rừng là có thịt, thò tay xuống nước là có cá" kia mà! Còn điều sau cùng là làm sao phân biệt được hiện diện của rừng Cà Mau khác với các vùng rừng cát khác ở vài khu vực lục địa thuộc vĩ tuyến 28 trên thế giới? Cũng bốn mùa tám tiết xanh rờn, chói chang ánh nắng? Như rừng A- ma- dôn ở Bra- xin chẳng hạn? Chỉ những hình ảnh con người với trang phục Việt Nam có mặt trong tranh thì cũng được. Nhưng làm sao thấy hết tầm quan trọng của nó, hơn các nơi khác nhiều, ngoại trừ vùng rừng A- ma- dôn của Nam Mỹ? Phải rồi, chỉ có tranh hoành tráng mới khả dĩ giúp anh giải quyết vấn đề này. Có thể bố cục phía trên cùng một dòng hải lưu màu sáng trôi từ Bắc xuống Nam, dòng hải lưu này đón bắt tất cả những hạt phù sa của chín cửa sông Cửu Long đổ ra, trôi xuống nữa, bởi vấp đảo Hòn Khoai mới cuộn vòng trở lại tấp hết lên Bãi Bùn. Trên nền xám Bãi Bùn nhú lên những cây mắm nhỏ đầu tiên... Vậy là có thể tạm ổn rồi... Bên những vệt đen của các khu rừng bị giết vì chất độc hóa học, trong đó quanh những gốc đước, gốc dà đang mục rữa còn trắng hếu xác vỏ sò vỏ ngao, là các mảng lớn màu xanh của rừng tạ mới phục hồi. Và xa xa phía trên một chút là những cánh rừng tương lai, rừng lô thẳng lối ngay hàng với đủ tất cả các phương tiện vận chuyển khai thác hiện đại. Một nhóm các cô gái trồng rừng tụ tập bên bờ kênh thoát nước, dưới những cụm tràm hoa nở trắng... Có nên vẽ thêm chi tiết con dao rựa chém phập vào thân cây đước còn dính miếng da cọp, và đống xương người nằm đó để nhớ những ngày xa xưa gian khổ, ông bà ta đã phải từng bỏ xác trong cuộc chiến đấu với thiên nhiên dữ dội, mới định cư được trên những cánh rừng này chăng? Chà chà... Nhiều thứ quá. Rồi còn phải tính lại, phải chọn lọc coi nên vẽ cái nào, nên bớt cái nào chứ! Chưa bao giờ trong quá trình sáng tác, dự kiến về phác thảo một bức tranh còn nằm trong đầu óc khiến An phải nỗ lực tìm tòi, suy nghĩ đến khổ sở và cũng chưa bao giờ anh thấy khoan khoái sung sướng như giờ phút này đây.
- Ngày nay rừng Cà Mau sẽ khác nhưng vẫn không mất đi những chứng tích của ngày cũ. Và rừng mới sẽ mất hết cái ma lực đáng sợ "đi xa thì nhớ, ở lâu thì buồn". Biết đâu rồi mình sẽ về ở luôn đây cũng nên. Cả ba mình nữa, ở đây còn có...
Anh mỉm cười một mình trong tối và kéo chăn lên đắp ngực, nằm nghe tiếng rừng đêm âm âm như tiếng sóng vỗ bờ xa. Và anh cứ nằm im như thế, chờ cho ngày rông.
Tiếng Gọi Ngàn Tiếng Gọi Ngàn - Đoàn Giỏi Tiếng Gọi Ngàn