Số lần đọc/download: 4411 / 93
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 4
C
huyến đi tìm hiểu khắp cánh rừng đại ngàn để mở mang rẫy bái, tìm một thung lũng màu mỡ, rộng rãi cho việc gieo trồng lúa nước, soi đường giao thông đi lại giữa cái làng của ông già xứ Quảng, ông già Đồng Nai và cái sóc Po của ông già Bách rất gian nan.
Ông già Bách giao công việc ở sóc lại cho chàng trai Suman. Ông Kỳ Ngoại lại muốn có Suman cùng đi. Thực ra ông Kỳ Ngoại không muốn để một mình Suman ở nhà, sự đi lại giữa Suman và Lâm Huỳnh sẽ thuận lợi hơn, mặc dù ông đã dặn dò thằng nhỏ Lâm Kỳ rất kỹ. Nói trắng cái chuyện ấy ra với nhỏ Lâm Kỳ cũng khá nguy hiểm, bởi vì nhỏ Lâm Kỳ rất thích Suman. Trong mắt nó, Suman là con đại bàng, là con thần hổ xứ này. Những ngày gần đây, hầu như lúc rỗi rảnh là nó tếch đến sóc Po la cà cùng Suman. Đi vào rừng săn bắn. Nhờ Suman dạy cách bắn ná thần, cách đánh bẫy thú. Có lần vô tình, ông bắt gặp nó và Suman múa võ dưới trăng, người loang loáng trong ánh thép, ánh trăng hoà cùng tiếng thét gần như tiếng hổ gầm, tiếng nai bép, tiếng sấu quẫy đuôi ầm ầm, ào ào, rung động cả ánh trăng.
Ông già Bách vẫn còn tráng kiện, tuy tuổi đã bảy mươi mùa rẫy. Hai cánh tay to lớn, gần guốc, dài ngoẵng như tay vượn thời xa xưa. Mắt ông toe toé, áng sớm còn mở tròn, xế nắng là thu hẹp lại như hạt dưa leo, gườm gườm.
Hai người vừa đi vừa kể chuyện. Chuyện ngoài đồng bằng sông Hồng. Chuyện ở đất rừng phương Nam. Gặp một bụi lồ ô già, ông Bách xông vào đốn hai ông tre già, trao ông Kỳ Ngoại hai khúc, bảo:
- Cho hai cánh tay vô đây
- Chi vậy?
- Vùng rừng già này còn sót giống đười ươi.
- Người rừng à?
- Người rừng. Đười ươi..gặp người đi rừng, đười ươi nắm chặt hai cánh tay họ, nhắm mắt cười cho tới mặt trời lặn mới ăn thịt. Cho nên mang hai ống tre giả, khi đười ươi nhắm mắt cười rúc nhẹ nhàng hai cánh tay thật, bỏ tay giả lại cho đười ươi…
Ông Kỳ Ngoại lạnh xương sống, nhìn quanh khu rừng đại ngàn lúc đỗ bỗng vang đến nhiều tiếng cười khủng khiếp.
- Không phải tiếng cười của đười ươi đâu, đừng sợ. Đó là tiếng kêu của loài vọc, loài vượn. Chúng đi hàng bầy. Nai mai ông sẽ gặp chúng thôi. - Giọng ông Bách đượm buồn. Ông ngồi phịch xuống tảng đá cạnh bờ suối, quẹt lửa cành cạch, lát lâu sau mới tiếp:
- Ông nội tôi trước đây cũng là đười ươi, người rừng. Thuở ấy, ông bà nội tôi nghèo lắm, sống ở đầu nguồn con sông Đạ Đồng, tận thần núi Liang Biang…Khi sinh ra cha tôi, gia đình bị bọn giàu có kéo đến vây đánh, phải địu cha tôi sau lưng chạy xuống vùng này. Chỉ còn hai bàn tay trắng và thằng nhỏ đỏ hỏn là cha tôi. Sống thế nào được? ông nội tôi đành phải ngậm ngải độc, ở vùng rừng này còn nhiều lắm. Quẳng con gà vào giữa bụi ngải độc, chỉ nghe rào rào, lát sau chỉ còn có lông gà. Người ngậm loại ngải độc ấy vào rừng ban đêm thú dữ, cả cọp báo nghe mùi ngải cũng tê cóng chân tay, mặc cho ông nội trói vác về. Trước khi vào rừng, ông nội dặn bà nội phải ráng thức chờ ông nội trở về lúc gà gáy sáng, đập chổi dơ lên đầu ông nội ba cái cho tan chất ngải độc, ông nội mới tỉnh lại làm người…Đêm thứ nhất, bà nội nằm trên sạp tre ru cha tôi ngủ. Cha đói sữa, khóc thâu đêm. Đến gần sáng có tiếng loạt soạt ngoài rừng, ông nội vác trên vai một con nai to lớn. Bà nội vội vàng xách chổi dơ ra đập mạnh lên đầu ông nội ba cái, tan ngải độc, ông nội quẳng con nai gần trăm ký xuống sân, lảo đảo vô nhà nằm sải lai, tàn điếu thuốc mới biết đây là lều của mình, đây là vợ, là con của mình…Nhiều đêm sau, cha tôi bị bệnh bà nội lại sốt rét rừng, mệt mỏi phải thức đêm dỗ con, nên một đêm khuya ông nội trở về, bà nội lỡ ngủ quên. Đau lắm, ông nội vác con nai hàng trăm kí trên lưng, quẩn quanh khắp sân lều, rồi vác con nai trên lưng ra đi..Bà nội giật mình thức dậy khi cha tôi khóc thét đòi sữa hay do Thần rừng mách bảo không biết…không thấy ông nội đâu? Chỉ còn dấu chân của ông Nội quẩn quanh khắp sân lều, vài đốm máu tươi rơi lại theo dấu chân.. Địu cha tôi sau lừng, bà nội chạy vào rừng già, kêu thét, gào khóc đến chảy máu họng..Đêm sau, vừa kịp thấy cái lưng của ông nội bà đã chạy ra nhưng ông nội đã hoàn toàn quên mất đây là đâu, bà nội là ai? Ông lại biến vào rừng đêm mịt mùng.. Bà nội đành luộc khoai đặt ở các gốc cây quanh lều. Mỗi sáng các chỗ khoai ấy biến mất, ông nội có về rồi thưa dần. Vài tháng sau, một đêm khuya bà nội dỗ con ngủ say, ra rình ngoài bìa rừng, đến gần sáng, chỉ kịp nhìn thấy một con người lưng khòm, đi bằng cả hai chân hai tay như thú rừng, vừa nghe tiếng bà nội gào thét là chạy biến vô rừng sâu…Vậy đó…Sau này cha tôi lấy con gái của một tộc trưởng ở thượng nguồn sông Đạ Đồng sinh ra tôi.
Câu chuyện người rừng – đười ươi do ông già Bách kể hết lúc nào không hay biết. Hai ông già im lặng bập thuốc trong tẩu bằng gốc ớt hiểm khoét lỗ.
- Khi bà nội chết, tôi là người sóc Po cho tới bây giờ. Lâu lâu, tôi vẫn trông thấy người rừng- Đười ươi quẩn quanh các sóc người Po, người Hơre dọc con sông này. Nhưng chẳng ai làm cách nào bắt được để chăm nuôi họ, biến họ trở lại làm kiếp người. Riêng tôi, lần gặp thứ nhất vào một chiều nắng. Người rừng xuất hiện bất ngờ.. May quá tôi đã mang sẵn hai ống lồ ô bao hai cánh tay, nên thoát. Tôi thoát mà gần như chết đứng vì hình ảnh ông nội ngày xưa cứ ám bảo tôi: Người rừng đang nắm chặt hai cánh tay tôi chính là ông nội tôi năm xưa. Tôi thét to: Nội ơi cháu đây cháu là Bách của nội đây. Đôi mắt người rừng vẫn nhắm tít. Miệng rộng, răng nhọn dài như nanh heo rừng nhe ra, cười dài, ghê sợ. Không phải tiếng cười đe doạ hai vui mừng vì sắp được ăn thịt no nê. Mà lúc đó tôi cảm thấy rất rõ đó là tiếng cười vì được sum họp, được gặp lại người xưa, thuở họ còn là người, là ông Nội.
Một cơn gió đi lao xao trên cao. Vài vì sao đổi ngôi kéo dài qua kẽ lá, in vệt sang vào bầu trời lỗ rỗ. Tiếng con vượn hú gọi bầy véo von. Đó là tiếng kêu gọi bầy, tiếng kêu đầy hối tiếc một thời đã qua.
Trong ánh trăng suông, rừng đêm đại thụ mỗi cây như một con người kỳ bí, im lặng, lay động, thở dài. Ở đồng bằng sông Hồng hay khắp cánh rừng đại ngàn phương Nam này đâu đâu cũng chứa đầy nỗi buồn, oan ức. Đêm nay, ông Kỳ Ngoại mới cảm nhận hết cái vẻ bí hiểm toát ra từ con người ông già Bách tộc trưởng sóc Po này.
Đến ngày thứ năm sau chuyến đi, hai ông già dừng chân bên dòng con sông Nhánh, chiều ngang độ hơn trăm thước, hai bên bờ song cây cối rậm rạp, tre nức um tùm. Một dãy đá hàn lô nhô, lẩn khuất từ bờ này sang bờ bên kia. Dòng nước từ nguồn sông nhánh chảy xuống, tìm cách vượt qua dãy đá hàn, sôi sùng sục. “Con sông nhỏ. Sông nhỏ này chảy ra sông Đạ Đồng.” – ông già Bách đứng trên ghềnh đá mòn nhẵn, bờm xờm nhiều bụi cây rù rì khẳng kheo, chỉ về phía bên kia, nói – “còn chừng hai quăng rựa nữa tới cái làng Tri Ân của ông già Đồng Nai, ông Quảng. Coi cái thung lũng kia kìa? Trồng lúa, chăn nuôi được lắm. Cái thung lũng này có thể nuôi hằng trăm người. Lúa rẫy, lúc nước. Giống lúa nước xin chỗ ông già Đạ Đồng”.
Hai ông già đốt thuốc lá bằng lá cò ke khô, ngắm dòng sông nhỏ và cả thung lũng nghiêng nghiêng gồm nhiều chiếc chảo úp từ bìa rừng rậm ra tận bờ song. Giữa các bụi tre già, vươn cao hằng trăm mục măng vàng khè, chọc thẳng lên trời, khẽ đu đưa theo gió. Ông Bách, ông Kỳ Ngoại càng ngắm quang cảnh, càng thấy thích thú. Trên rừng dưới nước cả hai đều muốn dời sóc Po, gia đình ông Kỳ Ngoại xuống đây sinh sống.
Chiều xuống, chim chóc kéo về hàng bầy. Két mòng, cu xanh, khỉ từng đàn chuyền cành trên cây cao, de ra sông, đùa nghịch, kêu la ỏm tỏi. Hai con công xoè cánh bay là là sát mặt sông, tố hộ vang rừng. Bên kia sông, hai mẹ con con nai nhởn nhơ lần chân xuống bến nước.
- Ta sang bên kia sông coi thử cho chắc ăn – Ông Kỳ Ngoại nói.
Ông già Bách cầm dao rừng, xốc lại chiếc gùi mây sau lưng, tay cầm ná, lần bước theo từng gộp đá hàn gập ghềnh giữa dòng. Ông già Kỳ Ngoại cắn răng, lấy can đảm lần theo. Đến giữa dòng sông, bỗng từ phía thượng nguồn, một cây gỗ rất to rất dài lao xuống, băng băng. Ông già Bách chỉ kêu: “Coi chừng”, ông già Kỳ Ngoại đã bị cây gỗ gõ cổ thụ lao vào người, cuốn luôn theo. Lập tức, ông già Bách lao xuống nước, bơi theo, bám được vào thân cây gỗ gõ. Chẳng ngờ một dãy đá hàn hiện nhấp nhô phía hạ nguồn. Chỗ đó dòng sông eo thắt lại, dòng nước càng chảy xiết. Cây gỗ chở hai ông già bị một xoáy nước xoay tròn, ồ ồ, hút sâu xuống tận đáy sông. Từng bị cảnh này nhiều lần ông già Bách bám chặt vào thân cây gõ, cùng chìm xuống và cùng trồi lên mặt nước với cây gõ. Ông già Kỳ Ngoại đâu rồi?
Lạnh run lại vì sợ tính mạng ông bạn già, ông già Bách che tay hú rền rừng. Chẳng thấy ông già Kỳ Ngoại đâu. Không đắn đo ông già Bách lao khỏi cây gõ, bơi vượt dãy đá hàn sắc cạnh như răng cá sấu, chới với trên thân cây gõ kêu réo bạn.
Phía hạ lưu, bóng ông già Kỳ Ngoại lặn hụp, khi trồi nhô lên, khi bị các xoáy nước hung dữ cuốn hút xuống sâu…
Chợt trên bờ, có tiếng hú văng vẳng, lớn dần rất nhanh, Và bóng một chàng trai từ trên cành cây lao thẳng xuống dòng nước, bơi rất nhanh, lao vượt băng băng qua các xoáy nước chụp được vai ông già Kỳ Ngoại đang chới với, sặc sụa. Chàng trai sải tay bơi nhanh vào bờ, kéo theo ông già Kỳ Ngoại ướt lóp ngóp. Từ trên bờ, một cô gái kêu khóc, chạy nhanh xuống bậc đá, lao vào ông Kỳ Ngoại, cùng chàng trai dìu ông trên tảng đá đầy rong rêu. Cô gái khóc thét: “Bố. Bố…Tỉnh lại Bố”. Chàng trai nói lớn: “không có khóc làm như vầy nè, mai lên ổng tắt thở bây giờ?” Lâm Huỳnh con gái ông Kỳ Ngoại cùng Suman làm hô hấp cho ông. Đến lúc ấy, ông già Bách mới lóp ngóp từ mép nước bò lên run bần bật, tóc tai dã dượi. Ông già Bách đập như điên cục đá lửa vào miếng thép. Tay bị ướt, đánh đến rớm máu tay, vẫn chưa mồi được lửa. Lâm Huỳnh chùi tay cho khô đánh lửa cho ông Bách. Cạch, cọc cạch…Một tia lửa xanh bám vào cục bùi nhùi, nhuốm khói. Lâm Huỳnh chạy vào rừng gom lá mục, cành khô nhóm lửa. Ông già Bách và Suman khiêng ông Kỳ Ngoại đặt gần đống lửa, dung sáu bàn tay của ba người hơ ấm cho ông Kỳ Ngoại. Gần tàn điếu thuốc, ông Kỳ Ngoại đã nóng người, thở hắt ra một tiếng nào nễ trong tiếng reo của Lâm Huỳnh.
Người nóng ran, da mặt ông Kỳ Ngoại đã hồng trở lại. Ông hết sức kinh ngạc khi nhìn thấy chàng trai Suman, cả cô gái rượu của ông cũng có mặt nơi đây. Ông rưng rưng nắm chặt bàn tay móp méo vì lạnh của Lâm Huỳnh. Lâm Huỳnh nghẹn ngào lau nước mắt cho bố giọng run rẩy: “Mẹ bảo phải đi tìm bố. Mẹ khóc hoài. Con đành phải rủ anh Suman dẫn đường. Thằng Lâm Kỳ nằng nặc đòi theo. Mẹ bảo nó ở nhà lo trỉa bắp với mẹ..” “Thôi không sao đâu. Bố khoẻ rồi” và ông ngẩn nhìn Suman đỏ ngời trong ánh lửa, ông Kỳ Ngoại nén xúc động ở ngực bảo Suman: “Bác cám ơn cháu, không có cháu đến kịp, chắc bác khó sống được…”
Ông già Bách hắng giọng bảo Suman:
- Đi kiếm cái gì ăn cho ấm bụng- Chỉ tay sang ông Kỳ Ngoại- Đói lắm rồi, khó lấy lại sức, hơi ấm.
Ông Kỳ Ngoại nhìn Suman, lắc đầu:
- Không đói lắm đâu. Cháu có mệt lắm không?
Suman lắc đầu phân trần cùng ông già Bách:
- Nghe lời bố - Bắt chước Lâm Huỳnh, Suman gọi hai ông già là bố không chút ngượng ngùng- Cả sốc đều biểu tui đi tìm hai bố. Vùng này nguy hiểm lắm có cọp có sấu dữ..- Và chỉ sang Lâm Huỳnh nói- Nhìn Huỳnh khóc than, không chịu được. Phải đi thôi. Hai bố có mắng chửi mình tui chịu.
Ông già Bách bảo:
- Thôi hiểu rồi, đi tìm cái ăn đi?
Suman nhìn Lâm Huỳnh, ý chừng muốn rủ Lâm Huỳnh cùng đi cho vui.
Lâm Huỳnh liếc nhìn bố lắc đầu.
Suman xách xà búp nhọn, cây ná thần lủi rừng, lần theo triền con sông nhỏ bảo Lâm Huỳnh-Ở nhà nhớ giữa lửa, tàn điếu thuốc tui đem thức ăn về.
Tàn điếu thuốc, Suman chạy rầm rầm, vẹt cây cối lủi về, thở ồ ồ, tay cầm hai con cá éc lấp lánh, mỗi con độ năm ký. Lâm Huỳnh vội vàng quẳng hai con cá éc, còn gọi là cá éc quạ vì nó đen mun, ngời ngời vào đống lửa. Chợt trông thấy dòng máu đỏ ở bắp chân Suman, cô hốt hoảng chạy lại:
- Sao vậy? Bị thương à?
- Sấu, sấu dữ rượt. Nghe mùi máu của hai con cá này, tự nhiên con sấu bự lắm, già lắm, như cây gỗ trắc đầy rong rêu lao vào tôi. May quá, tui phóng lao trúng mắt trái nó. Giàng ơi, nó quẫy ầm ầm, tối tăm trời đất. Cũng may, nếu lúc bố lộp ngốp hồi chiều mà nó hay được, nguy lắm.
Ông già Bách vào rừng bứt lá thuốc bảo Lâm Huỳnh: “Con nhai bảy lá thuốc này, bó rịt vô vết thương cho nó, lát sau khỏi ngay”.
Lâm Huỳnh nhìn bố đẻ, ngập ngừng đưa bảy chiếc lá thuốc vào miệng nhai ngấu nghiến, đắp vết thương cho Suman hỏi nhỏ:
- Đỡ nhức chưa? Sao liều quá vậy? Gặp xấu dữ thì bỏ chạy lấy thân cho xong. Miễn có cá cho hai bố là được rồi, đánh nhau với nó có ngày…
- Được rồi. Huỳnh lại với bố đi. Tôi tự lo vết thương được rồi. Nhằm nhè gì ba cái nhỏ nhặt này. Cọp dữ vùng sông nhỏ này, tôi đã nhiều lần đánh nhau với chúng. Gặp thú dữ mình bỏ chạy, chúng được trớn, rượt theo tới cùng. – Suman đưa tay chỉ đám cây leo quấn chặt thân cây huỳnh đường cổ thụ gần đấy, bảo – Huỳnh nhìn kia, đám cây leo này lúc nhỏ cũng muốn sống riêng rẽ lắm chứ, nhưng sức lực lại thua cái cây huỳnh đường kia đành phải bám vào nó, quấn lấy nó trọn đời.
Nghe thế, ông già Kỳ Ngoại nhìn ông già Bách, gục gặc thầm nghĩ cái anh chàng Suman này mang trong dòng máu Phú Xuân- Huế và dòng máu bộ tộc Po núi rừng phương Nam, một kiểu người lai hợp đáng quý.
Đêm hôm đó, bên dòng sông nhỏ thâm u giữa rừng già, hai ông già và chàng trai, cô gái trẻ đốt lửa rừng xua tan cái khí rừng lạnh lẽo, ăn khoai mì nướng với cá sông. Chim bắt cô trói cột kêu trên cây cao, chim rù rì đào bới gì đó, thì thầm: “Chị Trùm, mở cửa chị Trùm”. Dưới sông, cá đớp móng. Lâu lâu lại có tiếng sấu quẫy đuôi, kêu be be như nghé con kêu. Đã quyết định sẽ dời sóc xuống nơi này, hai ông già thiu thỉu, chập chờn. Bỗng Suman đang thổi kèn môi ngoài bờ suối chạy nhào vào, khều ông già Bách: “Có người rừng, đười uơi”. Trừ Lâm Huỳnh đã ngủ say, hai ông già cùng Suman chạy nhanh ra bờ sông, chỉ thoáng thấy bóng một người đầy lông lá đi bằng hai tay hai chân về phía hẻm núi đá. Trong ánh trăng lạnh lẽo, bóng người rừng-đười ươi khiến ông già Bách run bắn, bá vai ông Kỳ Ngoại, mắt trợn trừng, thì thầm trong tiếng nấc: “Nội, ông nội đó..” Ông già Kỳ Ngoại dìu bạn vào gần đống lửa, hơ ấm hai bàn tay áp vào má, vào ngực bạn, lẩm bẩm: “Nếu còn sống, ông nội cũng hơn trăm tuổi rồi. Không phải nội đâu. Anh chả bảo xứ rừng này còn rất nhiều người rừng-đười ươi là gì. Còn biết bao người, bao gia đình ly tán, tha phương, thất cơ lỡ vận lắm. Như cái gia đình cỏn con của tôi, nếu tôi không gặp được cái sóc Po của anh, không gặp được anh cùng Suman tốt bụng, liệu bốn cha con chúng tôi có thoát khỏi cái cảnh ngậm ngải độc, lang thang vô định giữa rừng sâu như người rừng-đười ươi kia không?