Số lần đọc/download: 2412 / 51
Cập nhật: 2016-05-06 23:10:32 +0700
Chiều
1
. Nếu lỡ một ngày ba đi lạc
“ Nếu lỡ một ngày ba đi lạc…” Đó chính là câu hỏi con tự đặt ra cho mình trong một ngày nắng ấm. Và để trả lời, con đã phải làm một chuyến du hành vào những miền ký ức xa xôi và tưởng tượng về một miền tương lai mới…
Khi đó, lúc giải trình với chú công an về sự biến mất của ba, con sẽ làm một thủ tục mà ai cũng làm phải, trả lời những câu hỏi.
“Ba con trông thế nào?”
“Ba con có đặc điểm gì khác biệt?”
“Ba con thường mặc áo gì và khi đi đã mặc áo gì?” “Ba con thích ăn gì?”
“Những chỗ nào ba con thường ghé?”
Con thấy mình ngồi lặng câm. Vì con không trả lời được câu nào trong số những câu đơn giản đó... Chỉ có gần ba tháng nay, những căn bệnh không rõ nguyên nhân khiến con thường xuyên phải ở nhà,
con bỗng nghiện và thích cảm giác được ở cạnh gia đình. Đơn giản là vì không phải cố tỏ ra lịch sự, không cần phải cứng cỏi, không cần phải có nhiều tiền trong túi mới an tâm. Những bữa cơm đúng giờ đã cải thiện tình trạng đau bao tử của con rõ rệt. Vì cứ đúng mười một giờ ba mươi ba sẽ về nhà. Ăn cơm. Rồi một giờ ba mươi ba sẽ đi làm.
Con nhận ra ba là người rất yêu gia đình trong một lần ba mua rất nhiều bánh mì… giảm giá ở siêu thị. Vì đơn giản là buổi tối em con vẫn hay đói bụng, nó có thể ăn bất cứ lúc nào mặc dù những mẩu bánh mì vàng ươm lần nào ăn không hết rồi nó cũng đem bỏ. Nhưng con hiểu phải là người rất yêu gia đình mới thích mua những thứ lặt vặt như thế.
Con thích cái cách ba tắm cho mấy con chó, ba bảo là nuôi chó thì phải thương, và khi con còn bé ba cũng dạy con không bao giờ được đụng đến thịt chó. Nhưng gì có tình có nghĩa, không vô tri vô giác thì cớ sao ta phải đối xử tệ bạc với chúng?
Khi biết con bị đau bao tử, dù đã xỉn quắc cần câu ba vẫn ngồi trên chiếc taxi để lang thang cùng con từ bệnh viện Nhiệt đới đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sém chút đã ngủ luôn tại bệnh viện nếu con không nói là có thể ở lại một mình. Một tháng sau, có lần ba bảo con chạy ra nhà thuốc mua bảy gói chữ P về. Rồi trong bữa cơm ba kể một câu chuyện…
“Người lính ngày xưa trị đau bao tử bằng cách nuốt nhựa của ốc bươu lúc năm giờ sáng, làm thế bảy ngày thì cả đời không đau nữa. Nay đã có thuốc chữ P, hãy sử dụng nó đúng cách!”
Con cười thầm, thế là đã có chiêu độc để giấu riêng cho con biết. Lúc ấy ba nói thêm: “Hãy chỉ cho những người xung quanh, những người mà con biết họ cũng đang đau bao tử để họ chữa bệnh.”
Một buổi trưa ba về nhà bảo con: “Này, con đổi nghệ danh đi!
“Tại sao hả ba?”
“Báo mới chửi con kìa!”
“Trời! Thế cả đời con phải đổi bao nhiêu cái tên nữa để vừa lòng thiên hạ?”
Ba im lặng. Im lặng là đồng ý. Ba ít khi ép uổng con những điều con không muốn.
Sau nhiều chuyện, con lại tìm thấy sự yên ổn trong chính ngôi nhà này. Là hoàng đế hay dân cày, nếu thấy được sự yên ổn dưới mái ấm gia đình thì đó là kẻ hạnh phúc nhất. Vì như vậy mà con đã biết buông nhiều thứ, tâm hồn cũng trưởng thành hơn, theo một cách hoàn toàn tích cực. Trở lại câu hỏi ban đầu. Nếu lỡ một ngày ba đi lạc và con không biết gì về ba cả thì với cảm giác của con, hằng ngày con vẫn sẽ đi tìm ba, bằng mọi giá…
2. Thiêu thân
Dọn về nhà mới. Cả nhà tôi phải dọn dẹp rất mệt mỏi và ngay sau đó chúng tôi phải đối mặt với một vấn nạn đau đầu: “Thiêu thân!” Có hàng ngàn con, hàng triệu con, cứ mở cửa sổ ra là chúng ùa vào. Có lẽ vì khu vực nhà tôi là nơi gần bụi rậm, chỗ mà thiêu thân trú ngụ. Mẹ tôi định tìm cái gì đó xịt phòng cho bớt. Tôi bảo: “Thôi! Mẹ cứ để yên đấy, đến sáng là chúng nó chết hết thôi…”. Quả thật, sáng ra thiêu thân chết như rạ, quét nhà gom được cả một bao. Thứ ánh sáng diệu kì mà chúng vẫn tưởng là nguồn vui từ những bóng đèn nê ông đã giết chúng. Thiêu thân lao vào niềm đam mê của chúng bằng mọi sức lực có được, chúng chẳng quan tâm đến kết quả ra sao, xung quanh đã có bao đồng loại đi trước chết rồi… Chỉ biết lao vào và mãi mãi lao vào.
Chợt nhớ câu chuyện của người Eskimo. Người Eskimo đem máu động vật tươi cùng một con dáo bén đông thành đá. Sau đó đặt ngoài đất trống. Bọn sói ngửi mùi máu liền đến liếm đá đông. Liếm mãi đến khi chạm lưỡi dao. Lưỡi chúng tóe máu, nhưng chúng vẫn tưởng đó là máu động vật tươi nên tiếp tục liếm. Cuối cùng, người Eskimo chỉ cần đi thu lượm những xác sói chết vì mất máu mà thôi…
Cạm bẫy thì bao giờ chẳng ngọt ngào
3. Trên bàn tay bà mụ
Hôm trước chạy ngang cầu chữ Y, thấy rất đông người tụ tập. Không quen hóng chuyện nên cứ thế mà chạy về. Sáng hôm sau nghe tin trên báo là có một người tự tử ở đó. Hôm qua, tiễn bạn về xong, đang mỏi mệt vì đường về vừa khuya vừa lạnh thì tôi lại thấy người ta tụ tập trên cầu Nhị Thiên Đường. Cũng không quen hóng chuyện. Nhưng tôi đã nghe tiếng một người đàn ông gần đó: “Nhảy xuống chết luôn rồi!”. Lại thêm một người tự tử…
Tôi đang đọc Bà mụ(1), một tác phẩm nằm trong danh sách những cuốn sách phải đọc của Oprah(2). Chủ đề của nó chưa từng có ai chạm vào, những người đàn bà chuyên đỡ đẻ. Người ta vẫn cho là một đứa bé sinh ra trong một không gian ấm cũng, dưới bàn tay mềm mại của bà mụ vẫn tốt hơn là với những dụng cụ y tế lạnh lẽo. Xem rồi mới biết, một đứa trẻ chào đời là biết bao nhiêu công sức khó nhọc, nó được bà mụ bế trên tay, đỏ hỏn và bật khóc, cùng một người mẹ đang đau đớn nhưng hạnh phúc, còn người cha thì thở phào nhẹ nhõm. Thế giới thường hân hoan chào đón một sinh linh như thế! (Trong cả trường hợp một đứa bé thiếu may mắn không sinh ra trong hoàn cảnh đầy đủ đó, thì việc nó ra suôn sẻ và có thể thở được đã là một đặc ân của đấng linh thiêng rồi, đúng không?)
Chị tôi cũng vừa sinh con, được hơn một tháng. Có mẹ và bà ngoại tôi ngày nào cũng cùng chị chăm sóc, con bé cháu tôi mới được khỏe mạnh như thế. Chăm một đứa trẻ, thật sực quá cực! Một bà mẹ phải có một sức lực khủng khiếp, một sự chịu đựng vượt trên tất cả. Chưa kể, sau này nó sẽ mọc răng, nó sẽ khóc cả đêm, rồi bệnh, rồi quấy, rồi bắt đầu biết lăn, bò, chạy và nói những từ đầu tiên… Tôi ước quá trình chăm sóc nuôi dưỡng một đứa bé được quay lại để phát trong một chương trình dạy học, giúp học sinh hiểu là để có được chúng ta toàn vẹn như hôm nay, bố m chúng ta đã khổ cự đến thế nào.
Và một ngày nào đó, vì một nỗi đau nào đó, chúng ta buông xuôi nhảy cầu tự vẫn. Mọi công sức, mọi khổ đau và hy sinh bỗng chốc tan thành mây khói…
Khi một người không còn muốn sống nữa, dĩ nhiên có nhiều lý do. Nhưng tôi nghĩ, nhiều bạn trẻ bây giờ hay có thói quen làm quá mọi chuyện lên so với bản chất thật của nó. Bị la mắng thì có thể bỏ nhà đi, không mua cho cái này cái nọ là bắt đầu vô lễ. Và đôi khi chỉ vì hiểu lầm mà cho là không ai cần mình nữa, vậy là chết! Nông cạn hết sức!
Bạn chết? Được thôi! Đơn giản là thế. Nhưng những người ở lại mới phải chịu một gánh nặng tâm lý khủng khiếp. Trong trường hợp những kẻ ghét bạn thì tôi không nói, nhưng những người thương bạn, họ sẽ mang vết sẹo đó suốt đời. Người ghét bạn, bạn chiều họ và chết cho họ khỏe. Còn người thương bạn, bạn lại ra đi để nỗi đau cho họ mãi mãi. Có bất công quá không?
Áp lực cuộc sống? Với hai mươi mấy tuổi đầu thì đã là gì? Mất việc chăng? Cánh cửa này đóng lại là nhiều cánh cửa khác mở ra. Tình yêu chăng? Kẻ làm bạn muốn chết rõ ràng cũng cho bạn một thông điệp: Đó không phải là người xứng đáng! Gia đình à? Dẫu cho bạn đang chịu ngược đãi thì cũng phải nhớ bạn lớn được như hôm nay là nhờ cơm gạo của ai. Và dù thế nào, bạn vẫn chưa là người có cuộc sống tồi tệ
nhất. Vì có người cụt tay cụt chân vẫn đi bán vé số. Có người mù lòa, câm điếc vẫn sống, sao bạn phải phí hoài một kiếp con người?
Hãy là “người lựa chọn”, đừng là “nạn nhân”. Vì cuộc sống này công bằng. Làm gì có nỗi đau nào không thể nguôi ngoai? Chỉ có con người cứ bị ám ảnh bởi nỗi đau như một cơn nghiện. Thử tự hỏi mình đi, thế nào cũng sẽ có câu trả lời. Ở trên đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới…
Tôi nhớ câu chuyện ngụ ngôn trong nhà thiền kể về một người đàn bà Tây Hạ đau buồn rớt xuống một vực sâu. Hôm sau thấy mặt trời lên, bình minh ló dạng, bà chợt nhận ra một điều: Cái gì rồi cũng qua, dù là niềm đau hay hạnh phúc, mặt trời vẫn lên mỗi ngày theo đúng những gì tự nhiên sắp đặt. Nếu đã từng có ý định kết thúc sự sống, hãy tin tôi, nó quá đẹp để bạn chối từ!
1. Tác phẩm của Chris Bohjalian.
2. Oprah Gail Winfrey (sinh ngày 29 tháng 1 năm 1954) là người dẫn chương trình đối thoại trên truyền hình (talk show host) và là nhà xuất bản tạp chí, cũng từng đoạt giải Emmy dành cho người Mỹ gốc Phi. Winfrey là phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có tên trong danh sách các tỷ phú và được xem là một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới.
4. Chuyện về chiếc boomerang
Nếu bạn yêu cuộc sống, nó sẽ yêu lại bạn bằng một tình yêu gần như vậy…
Tôi có một cô bạn, chia tay người yêu đã hai năm, và hiện đã ở bên cạnh một người mới. Nhưng điều đáng nói là thái độ hằn học với quá khứ của cô ấy luôn hiện hữu cho dù chuyện đã qua rất lâu. Cô ấy không bao giờ đi lại những nơi đã từng hò hẹn, không mặc những bộ quần áo đẹp chỉ vì chúng gợi nhớ về người cũ, không đi con đường quen thuộc và chấp nhận con đường vòng xa hơn, không nói về người cũ, xem như anh ấy chưa từng hiện diện trong cuộc sống này. Có một hôm, người con trai ấy tình cờ xuất hiện trước mặt khi chúng tôi đang cùng nhau mua quà sinh nhật cho một người bạn. Cô bạn tôi chết lặng, rồi cô ấy lánh đi chỗ khác…
Boomerang là một loại vũ khí của thổ dân Úc. Khi bạn ném nó đi, nó sẽ quay trở lại với bạn sau khi đã bay một vòng. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã vô tình ném vào cuộc sống này khá nhiều những cái boomerang đâu đó, và theo đúng quy tắc, chúng sẽ trở về. Bạn tôi đã ném vào cuộc sống một sự trốn tránh, thì cô ấy mãi mãi sẽ mắc kẹt trong cái quá khứ ấy khi chiếc boomerang “trốn tránh” quay về… Tôi cũng từng như vậy. Khi tôi thất bại trong tình yêu đầu tiên. Tôi ném vào cuộc sống sự oán hờn và cay nghiệt. Tôi lôi hết tất cả những kỷ niệm từng có với người ta ra mà dằn vặt bản thân thật nhiều. Tôi sợ hãi mỗi khi tiếng chuông điện thoại báo có tin nhắn, vì tôi biết tôi đang mong đợi tin nhắn của ai, và biết thêm rằng điều đó sẽ không bao giờ đến. Tôi sợ vào Facebook của người tôi yêu, vì tôi sẽ thấy những điều không nên thấy… Suốt một tháng trời đó, tôi đã được chiếc boomerang “oán trách” trả về những gì?
Đó là một công việc trì trệ, sức khỏe xuống cấp trầm trọng và tinh thần luôn trong trạng thái “treo trên cành cây”. Tôi nhìn tôi trong gương, tất cả những điều người ấy từng yêu mến ở tôi bây giờ đã không còn nữa, chính tôi đã ném chúng đi và nhận lại sự thảm hại này. Tôi đã đọc về một bí quyết có tên là: “Nắm giữ sự đối lập”. Bạn giơ hai tay ra, giả vờ như gom hết những tuyệt vọng không thể thay đổi được trên một tay, còn tay kia, bạn sẽ tưởng tượng là mình đang nắm giữ một sự đối lập với điều tồi tệ trên. Bí quyết này sẽ giúp bạn cảm thấy bạn đang điều khiển cuộc sống của bạn, nhìn rõ đâu là lối thoát và dần lấy lại cái tôi tự tin. Sau khi đã phân tách hai thái độ trên hai bàn tay, tôi quyết định thêm một bước nữa: Ném vào cuộc sống chiếc boomerang với đầy đủ những điều tích cực.
Tôi và cô bạn của tôi đã cũng nhau làm một thỏa thuận với sự theo dõi sát sao của hai đứa với bảng kế hoạch của nhau. Tôi khuyên cô ấy hãy cho mình một cơ hội làm bạn với người yêu cũ và tập cho mình khả năng đối diện với quá khứ. Sau nhiều đắn đo, cô ấy đã quyết định chấp nhận thử thách này. Trong cùng một ngày, chúng tôi đi lại hết những con đường và những nơi hai người đó từng đến. Tôi luôn nhắc cô bạn của tôi nhìn mọi thứ đúng với bản chất của nó và cảm nhận cái đẹp của từng khoảnh khắc khám phá lại sự sống. Cảm giác lúc đầu thật khó chịu! Nhưng sau đó cô ấy dần dần làm quen với nó. Bạo dạn hơn, cô bạn tôi đã dám nhắn cho người yêu cũ một dòng tin hỏi thăm sức khỏe. Và thông điệp từ anh ấy hoàn toàn tích cực. Hai người cứ thế nói chuyện với nhau như hai người bạn, không giận hờn, tiếc nuối, mọi thứ bỗng nhẹ
nhàng như một giấc mơ trôi… Vì cách vượt qua nỗi đau buồn tốt nhất chính là đi xuyên qua nó! Còn tôi, tôi cũng “ném” vào cuộc sống những điều mới lạ. Tôi học làm bánh kem, tôi đi du lịch, tôi viết những ca khúc mới… Và tôi cũng đã nhận về từ cuộc sống một thông điệp rằng nó vẫn yêu tôi như nó đã từng. Điều tuyệt vời hơn, tôi cũng đã làm bạn trở lại với người tôi yêu (nhưng thất bại), vì sau khi suy nghĩ, chúng tôi không muốn đánh mất đi tình bạn tuyệt vời đã có với nhau.
Tôi biết bạn (và chính tôi) sẽ còn gặp thật nhiều những điều tồi tệ. Nhưng tôi nghĩ, ngay trong chính những điều tồi tệ, nếu chúng ta biết cách ném vào đó những chiếc boomerang tích cực, mọi thứ sẽ trở về một cách tích cực. Chúng ta là người quyết định cuộc sống của mình, nên khi chúng ta quyết định sẽ sống vui, thì chắc chắn chúng ta sẽ vui.
5. Những người thứ ba
Tôi còn nhớ một cảnh trong phim truyền hình nước ngoài tôi đã từng xem. Nhân vật có tên Chung Gia Hân đứng bên ngoài gõ cửa, còn bên trong là Mông Gia Tuệ và Lâm Phong. Lúc đó Chung Gia Hân vừa khóc vừa đẩy cửa, còn Mông Gia Tuệ thì hoảng hốt giữ chặt cách cửa ấy. Cảnh phim chỉ có vậy mà tôi nhớ hoài. Tối đó tôi còn viết bài hát Cô gái trốn trong phòng, nhưng rồi tôi xé đi, coi như nó chưa từng tồn tại. Trong phim, Chung Gia Hân và Lâm Phong đã từng yêu nhau và Mông Gia Tuệ là người thứ ba. Một người thứ ba xinh đẹp… Tôi không hiểu sao tôi lại không ghét Mông Gia Tuệ. Dù tôi rất thích tình yêu của Lâm Phong và Chung gia Hân. Tại sao vậy?
Người thứ ba là một cụm từ thú vị. Hình ảnh hạnh phúc là hình ảnh của một đôi, một cặp, cứ đến ba là đã lẻ, không trọn vẹn nữa. Mà từ trước cho đến nay làm gì có tình yêu nào tồn tại giữa ba người…
Làm người thứ ba có đau không? Đau lắm! Đau xé lòng. Nhưng đã yêu, thì nào ai hiểu được… Tôi quan niệm, yêu là một cuộc tìm kiếm, Chúng ta không có đủ khả năng để biết ai sẽ là người cuối cùng đi đến hết con đường với mình. Cho nên đừng bao giờ cố bấu víu vào cái gì một cách tuyệt đối. Bạn yêu hôm nay thì biết hôm nay, đừng dại dột khẳng định tình yêu này là mãi mãi. Tôi đã thấy nhiều người bỏ nhau chỉ sau vài tháng đám cưới. Tôi còn nghe ai đó đùa một câu đau lòng: “Tại sao người ta ly hôn? Là vì người ta đã kết hôn!”. Thế đấy! Chỉ nên giữ những gì thật sự là của mình, trong thời điểm hiện tại, mà thôi!
Và biết đâu những người thứ ba thật lòng cũng sẽ có một ngày được yêu trọn vẹn… Trong cái bể lều bều đó có những cảm giác được yêu thương trọn vẹn đã ngủ quên bất ngờ được đánh thức. Có nỗi thất vọng vì mãi không có được nhau. Có nỗi ê chề vì yêu thương một người mà cũng không dám. Có chút thầm lặng mãi không nói được thành lời. Tôi thương lắm cái phận làm người thứ ba. Nên ai đã và đang là người thứ ba, xin hãy vẫn yêu cho dù ngày mai có thế nào đi nữa. Bởi vốn dĩ là người thứ ba, phải yêu thầm lặng đã rất khổ và buồn rồi.
Cái phận làm người thứ ba…
Đến cả đau, cũng phải đau sau một người đến trước…
6. Duyên
Tôi đang ngồi trong phòng thì có một chú chim sẻ bay vào nhà. Nó lạc phương hướng rồi đâm đầu vào các góc nhà. Dĩ nhiên là tôi phải chụp nó lại, rồi thả cho nó bay ra ngoài.
Nếu một con người không vững vàng, cũng sẽ rất dễ lạc đường và hoang mang như con chim nhỏ đó, sẽ va côm cốp vào số phận đến tóe máu, kiệt sức. Nhưng con chim nhỏ đã có cái duyên với tôi, bàn tay tôi mang nó trả về với bu trời. Chúng ta cũng vậy, sẽ có lúc tìm thấy “bàn tay” cứu rỗi tâm hồn mình.
Tôi nhớ lại một câu chuyện về một người thất tình ngồi khóc. Anh vừa bị bạn gái đá. Một nhà sư đi ngang qua, thấy cảnh đó bèn hỏi vì sao anh lại khóc. Anh bảo rằng anh rất yêu cô ấy, vậy mà giờ cô ấy vẫn ra đi theo một người đàn ông khác. Vị sư bèn lấy một tấm gương ra cho anh soi vào. Anh nhìn thấy trong gương là một bãi biển, và có một xác chết trên bãi biển đó. Một người đàn ông đi ngang qua, thương hại cho cái xác, lấy tay vuốt mắt rồi dùng tấm vải che cái xác lại. Một lát sau, lại có một người đàn ông nữa đi ngang qua, người đó đã đem cái xác đi chôn cất cẩn thận. Nhà sư nói với anh: “Cái xác đó chính là kiếp trước của cô gái anh đang yêu, anh là kiếp sau của người đàn ông thứ nhất, người đã đắp vải cho cô ấy, kiếp này cô ấy trả cho anh như vậy là hết, người mà cô ấy nợ chính là kiếp sau của người đàn ông đã chôn cất cho cô ấy...”. Câu chuyện này ngụ ý rằng cái duyên của cuộc đời không ai có thể dễ dàng nắm được, khi nó đến thì nó sẽ đến, còn lúc phải đi, ắt nó sẽ ra đi…
Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người bạn cảm thấy tin tưởng và gần gũi, muốn chia sẻ và quan tâm, muốn áp đặt cho mình suy nghĩ rằng mình và người đó rồi sẽ là của nhau. Tôi đã từng rơi vào một tình huống như thế và tôi thường tưởng tượng về một viễn cảnh rất xa xôi, tươi đẹp nào đó… Kết quả như thế nào? Trật lất! Nếu người đó đúng là của tôi, người đó sẽ tự đuổi theo tôi…
Nếu đúng là nhân duyên của bạn, đúng ngày đó, giờ đó, bạn và người ấy sẽ trông thấy nhau. Và cảm giác sẽ đến từ hai phía. Điều cần làm trước một nhân duyên là để cho nó được tự nhiên nhất! Bạn không cần phải dàn cảnh hay sắp đặt một cuộc hẹn, tự dưng nếu muốn gặp, hai người sẽ có cách để tìm nhau. Bạn không cần cố tỏ ra khác biết với mọi ngày để mong mình trở thành người phù hợp với họ, vì khi bạn tự nhiên nhất mới đúng với mẫu người họ đang tìm. Bạn chỉ cần làm một việc đơn giản: lắng nghe con tim mình. Con tim mách bảo bạn hãy nói gì đó với anh ấy thì bạn nói. Con tim bảo bạn hãy nắm tay anh ấy thì bạn hãy nắm. Nhớ là thật tự nhiên nhé!
Không chỉ con người mới có “duyên”, cái gì trong vũ trụ này cũng đều là duyên. Hiện tại tôi đang sống, tôi sẽ không thể thay đổi gì, vì mọi thứ đã được an bài. Được an bài, không phải là do trời, mà do chính bàn tay con người tạo ra. Tác giả Minh Niệm(3) nói: “Nhân hôm nay là duyên cho tương lai và ngược lại, thế nên người ra mới gọi là “nhân duyên”. Không có cái duyên nào hoàn toàn mới, mà là sự cấu thành của nhiều duyên nhỏ trong đó đã từng gặp gỡ nhau. Vì vậy, nếu bạn muốn tạo ra những nhân duyên an lành trong tương lai, ngày hôm nay bạn hãy xây dựng những điều tốt đẹp quanh mình. Một ngày nào đó, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn.
3. Một thiền sư, tác giả cuốn sách Hiểu về trái tim do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2010.
7. Những người nhiều chuyện
Khi còn bé, tôi sống trong khu nhà nhỏ ở đường Dạ Nam của quận 8. Cái xóm bé nhỏ mà ba mẹ tôi rất sợ khi nhắc về nó, vì nó chứa đựng cả một quá khứ cơ cực và chật chội. Nhưng tôi thích về thăm lại vì bên cạnh những khốn khó vẫn có nhiều điều để nhớ về nó.
Tôi nhớ một buổi trưa ngày tôi còn sống ở khu nhà nghèo nàn đó. Một thằng bé bán vé số trạc tuổi tôi lên cơn động kinh ngã vật ra giữa đường, miệng sùi bọt mép và giãy lên đành đạch. Tôi chỉ biết đứng chôn chân trước khung cảnh hãi hùng đó. Còn bà Bảy nhà xéo nhà tôi mấy căn đã nhanh chóng đưa ngay cái khăn bà đang cầm vào miệng nó để nó không cắn phải lưỡi rồi bà la lên, bà con trong xóm kéo ra. Bà Út nhanh chóng lấy miếng chanh vắt vào miệng thằng bé để nó mau dứt cơn. Cả xóm tôi đã cứu mạng một người như thế!
Một buổi chiều năm tôi học lớp 12. Khi tôi vừa bước ra khỏi lớp để chuẩn bị về nhà thì bị xô đẩy lọt luôn xuống mười ba bậc cầu thang! Lúc đó tôi thấy nghẹt thở. Tôi va mạnh xuống từng bậc thang và đứng ở bậc thang cuối cùng.
Đám học sinh vây quanh tôi, đứa la đứa hét. Một đứa gọi thầy giáo, đến giờ tôi vẫn không biết tên thầy giáo đó. Thầy bảo tôi đừng đứng dậy ngay, cứ ngồi đó, thở chầm chậm cho đến khi thở được bình thường. Cứ thế sau vài giây tôi tỉnh táo lại, hai bạn khác dìu tôi xuống nhà xe ngồi nghỉ…
Khi tôi qua nước ngoài, chị gái tôi chỉ dặn dò về sự nguy hiểm của những kẻ giết người ở Malaysia. Tình trạng này nguy hiểm tới mức ngay khi bạn vừa có một cái sim, gọi cuộc gọi đầu tiên là ngay hôm sau đã có kẻ sẵn sàng gọi vào số đó để lừa bạn. Và vì không một ai quan tâm đến ai trong cái sự phát triển của hệ thống xã hội tự động đó nên bạn có thể bị giết mà không ai biết. Khi cướp vào chợ, bạn phải đưa hết tiền không thì biết mùi ngay tức khắc! Một đồng nghiệp cũ của tôi khi về Việt Nam làm việc đã từng phải thay đổi cách sống, vì những ngày ở Nga anh phải đối mặt với một tình trạng khủng khiếp: bị đánh ngoài đường. Bọn côn đồ chẳng cần lý do gì, thấy anh đáng ghét là chúng cho anh vào bệnh viện ngay. Và cảnh anh nhớ nhất là sự ung dung của những người trên xe điện hôm đó, với những tờ báo trên tay và ánh mắt lạnh lùng.
Trở lại câu chuyện trên, đôi khi bạn đi qua một đám đông xúm xít trên đường ở Việt Nam và sẽ buột miệng: “Hiếu kỳ, nhiều chuyện!”. Nhưng bạn hãy tưởng tượng nếu một ngày bạn gặp nạn giữa đường, sẽ thật may mắn khi xung quanh bạn có rất nhiều người để ý đến bạn. Bởi trong đám đông “nhiều chuyện” vây quanh bạn, sẽ có một người gọi cấp cứu, hoặc lên tiếng đòi lại công bằng khi thấy bạn bị ức hiếp. Sự “nhiều chuyện” đó, so với sự lạnh lùng bỏ mặc người khác sống chết ra sao, cái nào rẻ tiền hơn?
8. Sự tôn trọng
Cuốn Trong chớp mắt kể về nghiên cứu đặc biệt của một trường đại học ở Mỹ. Họ mời các cặp vợ chồng đến tham dự và sử dụng những thiết bị đặc biệt để quy những cảm xúc của họ ra thành các chuỗi mật mã. Ví dụ giận hờn là 12, thương yêu là 2, cáu bẳn là 4… Dựa trên những phản ứng nhỏ nhặt trong vòng mười lăm phút của các cặp vợ chồng này, họ sẽ dự đoán kết quả của cuộc hôn nhân sau năm năm chính xác đến chín mươi lăm phần trăm!
Nổi bật trong các cặp đó là một đôi ăn mặc thời trang, nhìn rất hài hước và sâu sắc. Hai phút đầu họ nói chuyện bình thường. Nhưng đến khi nói về con chó cưng của cô vợ, các cảm xúc bắt đầu xuất hiện.
Người ra nhận thấy trong chuỗi cảm xúc của cô vợ có mã số biểu thị sự coi thường đối với người chồng, mặc dù chỉ là chuyện con chó. Và đúng như các chuyên gia dự đoán, sau một thời gian ngắn họ ly dị.
Tôi đã từng nhìn thấy ba mẹ cãi nhau. Nói chung là long trời lở đất. Ba mẹ tôi có vẻ khắc khẩu, cứ nói chuyện vài câu là lại thành ra cãi nhau. Nhưng những khi đi dự tiệc hoặc đi chơi xa cùng với bạn bè, tuyệt nhiên lại thấy họ nhường nhịn nhau đến lạ lùng. Không phải chỉ vì lịch sự, tôi hiểu vậy, mà vì bản thân người này rất muốn giữ thể diện cho người kia. Ở nhà thì sao cũng được, có thể ba tôi không bằng lòng mẹ thế này thế nọ, có thể mẹ tôi nói nhiều và nói dai thật, nhưng đó vẫn là vợ của ông, và ông cần tôn trọng dù thế nào đi nữa.
Tôi cũng từng nghe một chị kể chuyện người yêu của chị bị người ta bôi bác và nói xấu. Chị ngồi nghe người ta mỉa mai anh mà chỉ im lặng không biết nói gì. Nhưng chị cứ mãi ôm nỗi buồn ấy. Khi chị kể lại cho tôi nghe, giọng chị nghẹn ngào, nước mắt tuôn rơi, chị nói chị thấy người ta nói anh như vậy chị đau lòng lắm. Tôi hiểu, ngoài tình yêu ra, với chị, anh còn là một điều thiêng liêng mà chị hằng tôn trọng…
Có nhiều thứ cao cả hơn tình yêu đôi lứa mà có khi kể cả những người đang yêu cũng không nhận ra. Tình yêu như là một cái cây được lai tạo từ nhiều giống cây khác nhau, nên khi ra quả nó cũng cho ra nhiều loại quả khác nhau. Và cũng vì thế ta ghép vào cây tình yêu những gì, khi ra quả nó cũng sẽ ra những thứ ấy. Khi ta ghép niềm tôn trọng vào cây tình yêu, ta sẽ có được sự tôn trọng ấy khi tình yêu kết trái. Còn nếu ta bỏ hạt giống hay ghép cành từ sự khinh thường, thì tình yêu cũng sẽ cho ra loại quả của sự khinh thường.
Yêu một người, hoàn toàn không dễ. Ta có thể giữ lấy họ mãi mãi hay chỉ là có họ để thỏa nỗi hả hê thì chính ta là người hiểu rõ nhất. Nên tôi sẽ không bao giờ vội vàng để có một tình yêu chỉ là để - cho - có. Tôi muốn tình yêu được xây dựng trên sự tôn trọng, thậm chí là kính trọng. Chỉ có điều đó mới giữ một người không làm điều có lỗi với người còn lại, để “yêu và được yêu” luôn tồn tại giữa hai người.
9. Hãy… nói dối nhau đi!
Ngày xưa tôi vẽ rất đẹp. Cô giáo chủ nhiệm hay nhờ tôi vẽ tranh minh họa cho những bài học đạo đức. Có lần tôi vẽ minh họa cho chuyện những đứa trẻ đi chơi về rồi còn nói dối, bị ba mẹ phạt gấp đôi, tay vẽ mà miệng cứ ê a: “Nói dối này! Ba mẹ giận gấp đôi, giận gấp đôi...”. Có lẽ dó cũng là tâm trạng của những người bị nói dối, giận gấp đôi, tức gấp đôi.
Tôi cũng không nhớ rõ lần đầu tiên mình nói dối là khi nào. Tôi chỉ nhớ tôi thường xuyên nói dối, nói dối siêu dẳng, nói dối mà nét mặt luôn ngây thơ. Nhưng ấy là khi còn bé. Bây giờ với tôi nói dối đã mang một ý nghĩa khác, không chỉ đơn thuần là để tránh né một cái gì đó nữa rồi.
Nếu có dịp, bạn hãy tìm bộ phim có tựa đề là Phát minh ra nói dối. Bộ phim kể về một thành phố mà ở đó con người luôn nói thật. Không biết vì sao họ không thể nói những điều trái với sự thật, và từ đó gây ra những chuyện khôi hài kèm thảm họa. Người bồi bàn bưng ly nước ra và nói: “Tôi vừa nếm thử ly nước của ông ở mép bên phải!”. Người con gái trong buổi hẹn đầu tiên bảo rằng: “Em không muốn con em sau này bụng phệ và mũi hếch như anh”. Người con trai bảo: “Em thật đẹp, anh mong cuối buổi hẹn này chúng ta sẽ làm tình với nhau”. Đồng nghiệp bảo bạn rằng: “Tôi ghét anh! Và tôi luôn ghét anh, tôi còn đi nói xấu anh nữa, anh hãy biến đi vì anh là kẻ thất bại”. Thay vì “See u again!” họ sẽ nói: “Mong là không phải gặp lại anh lần nào nữa”.
***
Lúc đó chúng ta mới biết những lời nói thật đôi khi rất tàn nhẫn. Cuộc sống của chúng ta sẽ là thảm họa nếu từ sáng đến tối cứ phải nói thật và chỉ sự thật. Nói dối để người khác không bị tổn thương, để không gây ra một nỗi đau nào thì hoàn toàn có thể cảm thông. Hãy nói dối, chứ đừng lừa gạt, đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Tôi đã từng xem một bộ phim, khi mẹ của nhân vật chính trong phim sắp chết, anh đến bên cạnh bà và kể cho bà nghe về thiên đường. Anh ta nói: “Khi mẹ chết đi, hằng ngày mẹ sẽ không còn đau đớn như thế này và mẹ sẽ gặp lại những người thân, hãy nói với bố dùm con là con rất nhớ ông. Mẹ sẽ được ăn thoải mái những mùi vị kem mà mẹ thích. Mẹ sẽ được đi bất cứ đâu chỉ trong một cái nháy mắt...”. Và bà mẹ đã chết trong niềm hạnh phúc vô biên, trong những lời nói dối của tình yêu thương.
Chúng ta sống giữa những lời nói dối, thậm chí có kẻ còn lớn lên trong những lời nói dối. Nếu chúng ta cứ vịn vào đó để trách cứ và quay mặt đi, phải chăng là quá cực đoan? Sao lại không chấp nhận lời nói dối trong khi chúng ta không đủ bản lĩnh đón nhận một lời nói thật?
Hãy nói dối di! Nhưng hãy hiểu rằng lời nói dối sẽ càng đắt giá, nếu trước đó con người sống thật với nhau, quan tâm đến nhau bằng trái tim chân thành.
Và, một lời nói dối hợp lý đôi khi đáng nghe hơn một lời nói thật đau lòng.
10. Đồng tính
Có một trailer phim đồng tính Việt được đăng tải lên mạng, trong đó nhân vật chính thích giả gái và trang điểm, mặc đồ rất lòe loẹt. Cái tôi thấy buồn cười nhất là một bình luận của ai đó bên dưới: “Trời ơi, tôi muốn thét lên với mấy cha đạo diễn ngàn lần là đồng tính không phải như vậy!”.
Vậy đồng tính là như thế nào?
Có phải rất hay nói tục, xài từ lóng, chửi thề và lòe loẹt? Không hẳn! Trừ một số người thích thể hiện điều đó ra, có những người không như thế! Và nhiều gã đàn ông một trăm phần trăm cũng lòe loẹt, dùng nhiều từ lóng.
Có phải họ rất ẻo lả? Cũng không hẳn! Nhiều người đồng tính tôi biết vô cùng nam tính, không phải là cố “gồng” để nam tính, mà thật sự là như vậy. Chỉ khác là họ không có hứng thứ với phụ nữ thôi!
Và rất quan tâm đến sex? Lại càng không! Thời gian gần đây nhiều thông tin đại chúng công bố những vụ bê bối của giới đồng tính liên quan đến sex, và quả thật có những người như thế nên người ta mới quy chụp. Nhưng người đồng tính cũng có cuộc sống tâm hồn đẹp và cao quý.
Vậy, người đồng tính là gì? Họ là con người!
Tôi nhớ hoài một cảnh trong bộ phim về đồng tính nữ Saving face. Một cô gái bước ra giữa chốn đông người bảo với một cô gái khác: “Nếu yêu em, hãy ôm em trước mặt mọi người, em sẽ không ra đi nữa”, nhưng người kia không dám và họ chia tay.
Suy cho cùng, thể diện, danh dự nặng bao nhiêu? Khi ta vì nó mà đánh mất người ta yêu dấu. Ngành giải trí nhiều gay, les và bisexual. Thần tượng của bạn, cho dù rất manly với bạn, nhưng có thể anh ấy cũng như bạn, cũng cần một bờ vai rắn chắc để tựa vào. Đó phải chăng là điều bất thường? Khi anh ấy cũng cần được yêu, cần được quan tâm chăm sóc mỗi khi yếu lòng. Và cần một nơi để trở về thanh thản nhất, không lo nghĩ và sợ hãi cuộc đời hung tợn ngoài kia. Vậy mà tôi thấy nhiều bạn và nhiều tờ báo cứ thích “hỏi tới” những chuyện này. Hỏi ra rồi sao? Rồi ta vẫn sống đời ta, họ vẫn sống đời họ, có ai sống dùm cho ai? Nhưng sự tổn thương và xúc phạm là có thật.
Việc tác động vào cuộc sống người khác cũng có nhân quả, khi bạn gây xáo trộn tâm tư người khác, bạn đã nợ họ một món nợ cảm xúc, vũ trụ sẽ có trách nhiệm lấy lại từ bạn để trả cho họ. Nên thần tượng của bạn không nói, đôi khi còn là vì họ không thể lường trước được thông tin đó sẽ gây ra những hậu quả gì. Và tại sao ta không thể yêu quý một người chỉ vì tài năng và tính cách của họ? (Thậm chí tôi biết những người thích đào bới giới tính của người khác, thật ra cũng là những người... y chang!)
“Phải, em bệnh. Bao nhiêu cô gái không thích lại đi thích anh.”
Đó là một câu thoại nhỏ trong một bộ phim mà tôi quên mất tên. Dù nhỏ, nhưng chứa đựng một thông điệp lớn: Ngay trong chính những người đồng tính, họ luôn mang một gánh nặng tâm lý khổng lồ. Vì thế, sẽ rất độc ác, nếu ta giẫm gót giày vào vết thương vốn có của người khác.
Những ai đang xem đồng tính là mốt, tôi xin can! Vì đó sẽ là hành động gián tiếp gây tổn thương cho
người yêu thương bạn khi bạn rời xa họ và trở về với giới tính thật. Những ai đồng tính mà vẫn vờ vịt với một mối tình khác giới, tôi cũng xin can! Vì đó cũng là hành động gây tổn thương đến cuộc đời người khác, nếu không yêu, hãy để người đó tìm thấy một nửa thật sự của họ. Nếu bạn có một người bạn. Hãy quan tâm người đó đối xử với bạn như thế nào. Hãy nhìn xem cách họ chọn để giúp đỡ bạn ra sao. Chứ đừng chọn vì họ mang giới tính nào. Còn nếu bạn yêu một người. Hãy chăm sóc và quan tâm tới người ấy đúng như những gì bạn muốn. Hãy xem cách họ hy sinh những gì chỉ để nhìn thấy bạn hạnh phúc. Chứ đừng nghĩ đến họ giống hay khác tôi. Vì tình yêu thương là sự kết nối của hai tâm hồn. Chỉ thể xác mới có “nam, nữ”. Chứ tâm hồn và đạo đức thì làm gì có “đực, cái”! Phải không?
“Ơ kìa, các chị! Em có khác gì các chị khi em cũng yêu và muốn được yêu!”
…
“Em là ai?” “Là Romeo.”
“Chúng tôi yêu Romeo.” “Yes, me too!”
(Trích vở kịch Lùng người trong mộng)
11. Chỉ là anh ấy chưa chọn bạn mà thôi!
Tôi không thể đếm hết trên thế giới này một ngày có bao nhiêu lời tỏ tình được nói ra, bao nhiêu người trong số đó thành công và bao nhiêu người trở về với nỗi thất vọng ê chề. Nhưng tôi biết có rất nhiều người đã không ngại nói lời yêu nhiều hơn một lần, không sợ sẽ thất bại thêm một lần nữa.
Đó là khi họ đã đi một vòng quá xa, gặp quá nhiều chuyện và họ biết không ai có thể làm họ có những cảm giác đặc biệt ngoài người họ yêu. Thì không có sự xấu hổ hay muối mặt nào đủ sức kéo họ ra khỏi việc tiếp tục chinh phục trái tim người yêu dấu.
Và hôm nay, bạn tôi đã thất bại trong lần nói yêu đầu tiên...
Chỉ là anh ấy chưa chọn bạn mà thôi... Bởi bạn chưa làm được điều gì gây một ấn tượng mạnh đủ để anh ta nhớ dến bạn. Trong hàng vạn cô gái sẵn sàng làm mọi thứ cho anh ta, một hộp cơm hay một ly cà phê dù được làm với cả tấm lòng của bạn cũng chưa đủ cho tình yêu bắt đầu. Rất dễ để biết tôi đang yêu, nhưng không thể biết tôi yêu khi nào và không thể phân biệt được lằn ranh mong manh giữa yêu và ngưỡng mộ. Sự ngưỡng mộ không khác tình yêu là mấy, chỉ là trong đó, một người sẽ luôn chạy theo một người, làm theo một người và quên mất bản thân mình là ai. Người bạn ngưỡng mộ thì sẽ không ngoáy mũi, không chửi thề, không ở dơ, thậm chí là không... đi vệ sinh!
Chỉ là anh ấy chưa chọn bạn mà thôi. Nhưng không có nghĩa là anh ta sẽ mãi mãi không chọn bạn! Vì cũng như trên, sẽ không thể biết tôi yêu khi nào. Biết đâu một ngày không có hộp cơm hay ly cà phê của bạn anh ta lại thấy nhớ. Những gì chân tình nhất rồi sẽ được cảm thấu, cũng bằng sự chân tình, không lời, không ngôn ngữ, chỉ có cảm giác mà tự lòng hiểu với lòng. Vì thế bạn không được nản. Mà phải tự xác định xem đó có thật sự là người đáng để bạn hy sinh. Nếu không thể phân tích được, cứ mãi vò đầu bứt tai không hiểu sao không rời xa anh ấy được, thì tôi cũng bát đầu tin rằng bạn đang yêu thật sự. Chứ nếu yêu mà giải thích được tôi yêu ai vì cái gì, thì tôi sẽ phải yêu rất nhiều người giống họ trên thế giới này, phải không?
Chỉ là anh ấy chưa chọn bạn mà thôi! Nên anh ấy chắc chắn sẽ cho bạn một cơ hội, bạn cũng phải cho bạn một cơ hội nữa. Niềm hy vọng cho tôi những điều lý tưởng lắm, thậm chí còn đẹp hơn cả khi bạn đã đến được với điều bạn muốn. Như anh bạn tôi mê mải những cảnh tuyết rơi ngập đường trong các bộ phim Hàn Quốc, chỉ đến khi đi du học, sống chung với tuyết anh ta mới hiểu nó vừa... dơ vừa lạnh lẽo.
Và khi anh ấy chưa chọn bạn, bạn cũng phải cười, vì bạn có nhiều hơn hẳn người anh ấy chọn một giấc
mơ.
12. Đừng đòi hỏi quá nhiều ở một con chó!
Để xem, tôi đã nuôi chó được hai năm. Kinh nghiệm không nhiều mà cũng không ít. Đi làm về mà dòm thấy tụi nó là cũng vui vui trong lòng. Chó là loài động vật thân thuộc và gần gũi với con người suốt bao đời nay, được yêu thương và chăm sóc hơn hẳn những loài khác.
Có một đặc điểm của loài chó mà tôi rất ấn tượng, đó là cho dù người chủ có đánh đập nó tàn nhẫn đi chăng nữa, lần sau nhìn thấy chủ nó vẫn quẫy đuôi mừng và đi theo. Chó là loài trung thành, sống rất tình cảm.
Tuy nhiên, không phải vì quá thân thiết mà bạn có thể đòi hỏi ở loài vật này những điều vượt xa bản năng của nó.
Bạn không thể yêu cầu nó ngừng ăn món nó thích! Chó là loài háu ăn và hư ăn, khi nó đang ăn thì ai tới gần nó đều cắn để bảo vệ món ăn đó. Nghĩa là một con chó đã chọn được món ăn nó thích, thì nó sẽ ăn, và những người xung quanh có nói gì hay tẩy chay nó, nó cũng sẽ ăn.
Bạn không thể yêu cầu nó... biết điều! Vì nó không biết “biết điều" là cái gì, hoặc là nó biết, nhưng nó định nghĩa “biết điều” theo ngôn ngữ giống loài của nó. Vậy nên bạn nói nó đừng làm cái này, sẽ có hại cho người khác đấy! Nó cũng đành chịu thua.
Bạn không thể yêu cầu nó... đừng sủa! Nhiều người nuôi chó lâu năm, muốn chó ngừng sủa thì phải đánh mạnh tay hoặc hét lớn, nói chung phải có cái gì đó giáng xuống đầu con chó thì nó mới ngừng sủa.
Bạn không thể yêu cầu nó... đừng tà giáo. Vì nó cũng không biết “tà giáo" là cái gì. Hành động của nó, bạn cho là “tà giáo”, nhưng đó chỉ là cách nghĩ của bạn thôi, với nó có khi đó lại là cách chứng minh tôi khác biệt.
Bạn không thể yêu cầu nó... biết yêu thương đồng loại. Đôi khi vì miếng ăn hay sở thích của nó, nó cũng sẽ... cắn đồng loại.
Ôi trời! Người nuôi chó Việt Nam khác người nuôi chó nước ngoài. Ở nước ngoài nuôi kiểu khác, ở Việt Nam nuôi kiểu khác. Chó ở nước ngoài tự do hơn, vì người nuôi chó hiểu hết mọi quy tắc cơ bản của việc nuôi chó. Còn một số người Việt nuôi chó mà nuôi theo kiểu nước ngoài, bà con chòm xóm dòm thì thấy có vẻ “Tây” lắm, nhưng mà rồi chẳng ai dám đến gần nữa. Chó nuôi theo kiểu nước ngoài tự do quá, tới gần nó cắn!
13. Đừng hâm lại cà phê!
Trong một chuyến đi chơi cùng những người bạn cũ, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy hai người bạn ngày xưa không thèm nhìn mặt nhau giờ đã nói cười ríu rít. Hỏi lại là có còn nhớ chuyện ngày xưa đã giận nhau vì điều gì mà đến mức không nhìn mặt thì hai đứa lắc đầu. Thời gian trôi qua nhanh quá, đã năm năm, những giận hờn bỗng hóa thành bong bóng xà phòng. Thế mà lúc xưa tôi bảo, thôi ra trường rồi, có gì bỏ qua hết cho nhẹ, làm bạn đã bao lâu mà không nhìn mặt sao đặng thì đứa nào cũng kiên quyết: “Tao giận nó suốt đời”. Khi nhớ về nhau, hai người bạn đã không còn hằn học, tôi vui lắm. Tự lúc nào họ bước ra khỏi tầm mắt nhau, không gặp nhau hàng ngày thì còn cớ gì để giận? Không nghe được tiếng nhau biết lấy cớ gì để hờn? Và khi gặp lại, niềm hạnh phúc tái ngộ xóa sạch mọi vách ngăn.
Khi nhớ về một ai đó, tôi hay nghĩ đến những điều tốt đẹp đã từng có với họ hơn là những nỗi đau. Và chỉ cần một tín hiệu tích cực, tôi sẵn sàng “buông súng” để khởi đầu lại một mối quan hệ. Điều đáng phải suy nghĩ đó là mong cho người xung quanh cũng giống như vậy, sẽ tập được thói quen nhớ về nhau bởi những điều tốt đẹp, khi đó trái tim sẽ có cách tự chữa lành những tổn thương.
Người thích uống cà phê đều biết rằng nếu cà phê đã nguội thì đừng đem hâm nóng, vì vừa mất đi hương vị vừa tăng vị đắng gấp nhiều lần. Cũng giống như vậy, những gì đã cũ, đã không còn trong thì hiện tại thì cũng xin để nó được ngủ yên hoặc vĩnh viễn biến mất. Để khi nghĩ về nhau, khóe môi sẽ được dịp nở nụ cười...
14. Hãy về nhà khi có thể
Lúc còn sống ở khu nhà cũ, những dịp thức khuya được tôi xem như một lễ hội. Đặc biệt nhất là những ngày Tết, khuya bọn trẻ con không cần phải leo lên giường đúng giờ nữa.
Khu phố cũ cho đến tận bây giờ vẫn có người bán đồ ăn khuya. Và nếu tôi đang gần đó trong một khắc khuya lơ khuya lắc, tôi sẽ chạy ngang chỉ để nhìn một chút...
Những khi tôi sắp đi ngủ, nếu ai đó trong nhà bật ti vi, trong lòng tự thấy yên tâm lạ, giấc ngủ cũng vì thế mà đến nhanh hơn, không mộng mị, dù là mộng đẹp hay cơn ác chiêm bao. Hình như mỗi người chúng ta đều sợ và lo lắng bởi cảm giác phải ở một mình. Cho nên, nếu còn ai đó xem ti vi, nghĩa là vẫn còn một người đứng sau lưng mình. Điều đó hạnh phúc hơn cả việc được ăn những món ăn đắt tiền rồi trở về nhà mà không có ai đợi cửa.
Bao nhiêu năm trời, nếu không có việc khẩn cấp, tôi sẽ phải về nhà. Không ngủ lại ở đâu khác ngoài căn phòng này. Ba giờ sáng, bốn giờ sáng vẫn phải về. Nhiều khi về nhà, thấy ba hay anh trai còn ngồi coi đá banh, tự nhiên hân hoan và vui vẻ hẳn, những mệt mỏi hay cáu gắt vì ai đó ngoài đường nhanh chóng tan biến, chỉ còn lại cảm giác thân quen khi về đến nơi tôi vốn thuộc về.
Có những lúc chạy xe trong trời mưa lớn. Môi đánh bò cạp, tay chân lạnh cóng, thèm cảm giác chui trong mền. Rồi những sáng mưa lất phất nằm lười nhác nhìn ra khung trời loáng thoáng mưa, thấy yên lòng đến lạ thường...
Mỗi người đều có những dự định lớn lao, nhiều khi chạy đua với thời gian và không bao giờ nhìn lại. Điều đó cần cho tuổi trẻ, nhưng không có lợi cho sự bình yên. Bình yên và cảm xúc chính là cái đỉnh cao nhất mà con người thèm muốn sau nhiều thứ, và nếu mải mê rong ruổi bạn sẽ đánh rơi nhiều điều hơn bạn tưởng.
Thế nên tôi thèm một bữa cơm có mặt cả nhà. Thích đi siêu thị với ba, thích đi bơi với thằng út, hay đơn giản là tự nấu cho tôi một bữa ăn. Thích chọc để bị mẹ mắng, thích bày bừa lung tung cho bà ngoại la, thích tắm cho con Boo và dùng chân khều khều con Lucky.
Nếu đang đọc những dòng này, bạn hãy dừng lại một giây và hạnh phúc với những gì bạn đang có. Có thể ngày mai bạn sẽ quên và tiếp tục chạy theo điều bạn ao ước, nhưng chí ít bạn cũng sẽ hiểu rằng khi bạn có gia đình, nghĩa là sẽ luôn có một nơi để quay về. Tất nhiên, họ sẽ bật ti vi và xem trong khi bạn say mê ngủ.
Vì thế, hãy về nhà ngay khi có thể! Nhé!
15. Bài học vỡ lòng
Sáng tôi dậy trễ nhưng chạy xe đi làm vẫn rất ung dung, vì tôi không ưa chạy nhanh, ghét tốc độ. Ở phía bên kia đường hình như người ta đang chơi đá gà. Một đám đàn ông đang tụm năm tụm ba la hét cổ vũ. Còn dưới chân họ là một đôi gà. Con gà thứ nhất đang hăng hái mổ, đạp con gà kia. Còn con thứ hai, đã gần như kiệt sức, nằm cứng đờ ra như chết. Tôi không biết họ cổ vũ cái gì: chắc họ cần một cái chết để thỏa cơn khát chiến thắng.
Cách đây một năm, cư dân mạng phẫn nộ trước clip một đám trai trẻ quẳng con chó vào bao tải rồi dùng gậy đập liên tục đến khi con chó chết mới thôi. Chúng bệnh hoạn quay clip lại để làm bằng chứng cho việc sát hại một sinh mạng.
Cũng cách đó không xa, người ta rỉ tai nhau về một con bé giết mèo bằng giày cao gót. Đâu đó trên mạng, một ca sĩ, diễn viên Hồng Kông đăng trên blog bức hình con mèo bị nhốt trong bình sữa, cho dù sau đó cô bảo là hình photoshop, nhưng vẫn không thể nào khiến người ta thôi ghê tởm.
Có một điều sâu thẳm trong tim mình mà tôi biết đó là: Tôi sợ đau! Và khi tôi sợ đau thì người khác cũng sợ đau như vậy. Tôi từng nhìn thấy và tham gia vào trò đốt kiến bò ngang tường cùng đám trẻ trong xóm. Cho đến khi một đứa buột miệng: “Tao mà bị đốt vậy chắc đau dữ lắm”, tôi mới mơ hồ hình dung trong đầu về sự sống. Và từ đó, đã thôi những trò làm tổn hại đến sự sống.
Khi ông ngoại tôi mất, cả nhà khóc. Bà ngoại khóc, mẹ cũng khóc, dì Hai, dì Út cũng thét gào. Những điều mà chưa bao giờ tôi thấy ở họ thường ngày. Lúc đó tôi hiểu ông ngoại đã ra đi không bao giờ trở lại, và sự sống của ông, những vui mừng, buồn giận cũng theo đó mà không còn.
Người ta khóc ông, vì người ta thèm được nhìn thấy ông như ngày xưa, điều mà không bao giờ còn nữa trên đời. Có một thứ đã vĩnh viễn mất đi, trôi vào hư vô của vũ trụ.
Những con chó, con mèo, con gà, con kiến đã mất. Chúng sẽ đi về đâu? Có ai khóc chúng? Chúng chết trong im lặng.
Để hiểu được sự sống, bạn nên trồng một cái cây bên cửa sổ. Rồi mỗi ngày bạn thấy nó lớn lên. Thật nhẹ nhàng và tươi mát. Lòng bạn chợt vui vì sự sống sao mà ngọt ngào quá!
Của biếu không bằng tấm lòng người biếu, sống lâu không bằng cách sống. Và nhiều người sao lại chọn cách tước đi mạng sống khác với một vẻ lạnh lùng cứ như đó là một điều bình thường?
Tôi nhớ mãi hình ảnh một con chó què trong khu chợ, người ta nói nó bị đánh què chân. Ngày nào nó cũng lết đi bằng ba chân, vậy mà nó vẫn bình thản, có khi còn chạy hộc tốc với cái chân què lết dài trên đất. Sự sống, thật sự đáng trân trọng lắm bạn biết không?
Khi ta trân trọng sự sống, tự khắc ta sẽ biết cách sống hết lòng. Hằng ngày, chúng ta sẽ học thêm nhiều cách sống cho ý nghĩa, vì còn rất nhiều sinh mệnh thèm được sống mà không thể.
Hãy trân trọng sinh mệnh của mình cũng như những sự sống khác, đó là cách để học nhanh nhất bài học vỡ lòng làm người.
16. Hét to vào mặt!
Hôm qua xảy ra vụ cháy nhà gần khu tôi ở. Chị Hai tôi qua phòng khều khều bảo là đang có cháy nhà kìa! Đang đêm mà điện cúp, xe cứu hỏa hú còi inh ỏi.
Bỗng nhiên tôi hoang mang, không biết phải làm gì. Một chút phản ứng cũng không có. Tôi thấy mình bất lực trước những chuyện kiểu này. Rồi mọi chuyện cũng qua nhưng nó đã làm tôi thực sự sợ hãi.
Sợ vì không thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi muốn học thật nhiều thứ, muốn sống một cách vồn vã, sống như chết đói cái sự sống mỗi ngày.
Một trong những việc mà người lính cứu hỏa phải làm khi cứu người bị kẹt trong đám cháy đó chính là hét thật to vào mặt họ! Vì đa số những người tử nạn trong các vụ cháy là do não bị tê liệt vì gặp chuyện bất ngờ, tay chân bỗng cứng lại và đứng đờ người ra. Hét to vào mặt họ là để giải thoát họ khỏi cơn tê liệt và giúp họ trở lại là chính mình.
Ước gì khi tôi “cứng đờ” như vậy, cũng sẽ được ai đó hét to vào mặt…
17. Khi thương
Khi em nói với anh là “Em yêu anh”, anh tin rằng điều đó là sự thật. Nhưng anh biết ngay sau lời yêu đó một giây, tình yêu trong em đã khác. Có thể là yêu nhiều hơn, cũng có thể là ít đi, và cứ thế, mỗi một giây trái tim lại đập những nhịp khác nhau. Yêu không bao giờ là vĩnh cửu, cảm giác cũng thay đổi nhanh, trong từng khoảnh khắc, với từng người.
Nhưng khi thương…
Là khi mà ba mẹ anh có thể sống với nhau đến ngần này tuổi. Tình cảm đó không thể gọi là yêu nữa, vì nó không say đắm, không mong nhớ và cuồng nhiệt như lúc ban đầu. Vậy mà anh thấy điều đó thiêng liêng hơn bất cứ tình yêu nào.
Là khi một tình yêu chấm dứt. Ta vẫn nhìn về người đó với tất cả sự quan tâm vốn có. Không nói xấu, không hằn học. Ta muốn người đó khi không có ta vẫn vui, muốn những điều tốt đẹp đã có không bao giờ mất đi, và muốn bên cạnh chia sẻ nhưng không còn mong chiếm hữu. Điều đó thiêng liêng hơn một tình yêu kết thúc trong ám ảnh và dằn vặt nhau.
Là khi vỗ đồm độp vào vai bạn thân bảo: “Cấm mày buồn nữa! Tao không rảnh để ngồi nghe đâu nha!”. Nhưng bụng bảo dạ phải kìm lòng không khóc theo nó.
Là người đã đi xa, nhưng có dịp chắn chắn sẽ quay về khu phố cũ. Bồi hồi nhận ra mình đang mất đi những gì trong hiện tại, vì đã lỡ giam lỏng quá khứ, nên day dứt sẽ trôi mãi đến tương lai.
Là không ngừng cho bản thân cơ hội để thứ tha. Trong mọi chuyện, không có lỗi lầm nào chỉ từ một phía. Cái lỗi lớn nhất của bản thân là tạo điều kiện cho người ta có lỗi với mình.
Khoảng cách giữa yêu và thương ngỡ là mong manh nhưng rất rành mạch. Cái nào cao hơn cái nào, tự bản thân người ta qua trải nghiệm sẽ hiểu thấu. Chỉ biết rằng, thương ai đó rõ ràng là một cái nợ. Mà để trả hết cái nợ này, một cuộc đời là chưa đủ…
18. Những cô gái yêu con trai đồng tính
M. của tôi vốn dĩ là một cô gái thông minh và bước ra đời sớm. M. làm bánh rất ngon, nhà ở khu Dương Bá Trạc sát nhà cũ của tôi. M. đem lòng yêu chàng lớp trưởng. M. rung động khi thấy chàng năng nổ, mồm miệng nhanh nhảu, rất hay đứng ra tổ chức những cuộc thi cho lớp.
Tôi cũng có lần gặp anh chàng đó. Và ở anh, có một nét… mỏng manh rất dễ nhận ra. Trong điệu bộ và cách nói chuyện nữa. Tôi quay lại nhìn M., tôi vừa buồn cười vừa thấy thương bạn. Đã mấy lần tôi sém buột miệng hỏi thẳng: “Ủa, mày không thấy nó rành rành là… hả?”. Mà nghĩ kỹ lại thôi. Vài năm sau gặp lại. Tôi nghĩ chúng tôi đã lớn, có thể nói chuyện thẳng thắn với nhau. Tôi hỏi về chàng. Nàng vẫn thích chàng. Và nàng thỏ thẻ: “Tao biết nó gay lâu rồi mà!”.
Điều gì ở một chàng gay hấp dẫn phụ nữ đến vậy?
- Chàng rất đẹp trai! Vì chàng rất biết cách chăm sóc bản thân mình.
- Chàng cao ngạo. Chẳng bao giờ chàng liếc nhìn phụ nữ nên luôn có một nét lạnh lùng thường trực.
Mà càng lạnh lùng thì con gái càng mê.
- Chàng tâm lý. Chàng có thể ngồi nghe bạn nói hàng giờ liền và tư vấn đủ thứ trên đời cho bạn.
- Chàng thoải mái. Chàng sẽ mua thuốc tránh thai cùng bạn, hay lê la cùng bạn hàng giờ để mua những thứ “trời ơi đất hỡi” của con gái.
- Chàng nam tính, đúng, thậm chí là siêu nam tính! Không phải trai đồng tính nào cũng ẻo lả.
…
Chàng có quá nhiều ưu điểm. Nhưng những ưu điểm đó không đủ lớn để che lấp đi một sự thật phũ phàng: Chàng không thể yêu bạn!
Cuộc đời này rất trớ trêu. Những chàng trai hoàn hảo, e là chỉ có trên phim. (Mà khối chàng diễn viên diễn đạt vai ấy trên phim cũng đã là gay rồi!). Những cô gái quanh tôi, rất nhiều cô thích lao đầu vào yêu những hàng trai đồng tính, rồi cuối cùng phải chấp nhận hai chữ “người thương” thay cho “người yêu”. Vì cũng là đồng hành, cũng có thể ôm lấy nhau, nhưng không thể có cảm giác hòa quyện giữa hai tâm hồn nồng nhiệt. Cũng chia sẻ, tâm sự, nhưng chỉ có thế, không thể đến gần hơn, chỉ cần một vòng tay hay một chiếc hôn đã có thể xóa đi tất cả muộn phiền. Cũng quan tâm, quan tâm đến những điều vụn vặt, nhưng rồi bạn vẫn phải trả anh ấy lại với cuộc sống thật của anh ấy mà thôi.
Một số cô tôi biết đã từng mơ ước… lấy người ấy làm chồng! Vâng, chấp nhận luôn một người đồng tính làm chồng, miễn sao được kề cạnh. Còn các anh đồng tính, sẵn sàng gật đầu để các cô làm bình phong cho gia đình và xã hội khỏi nghi kỵ. Nhưng, đó chỉ là những thỏa thuận, không phải tình yêu. Trong khi hôn nhân rất cần phải có tình yêu. Những thỏa thuận đó khi vỡ ra sẽ làm rất nhiều người đau lòng. Vì thế giới này phẳng lắm, nào có ai giấu ai được cái gì lâu.
Đến giờ tôi mới hiểu tại sao có người từng nói tình yêu một phía không thể gọi là tình yêu. Bạn sẽ hỏi tôi, ôi thời gì mà toàn gay với les thế này?
Nếu đã lỡ yêu, bạn phải làm thế nào?
Cô bạn nhỏ của tôi đã nói về người yêu (một chàng gay) với vẻ mặt tự hào. Cô ấy đã chọn làm bạn, thay vì tiếp tục yêu như cũ. Vì sau nhiều chuyện, cô ấy hiểu ra rằng, những rung động thực sự sẽ chỉ đến khi trái tim nhìn thấy điều phù hợp với mong muốn của nó. Việc cố chấp yêu một người đồng tính sẽ gây tổn thương cho bạn và khó xử cho chàng. Điều đó cũng ngăn cản bạn đến với người đàn ông thật sự dành cho bạn sau này.
Là bạn bè, không tốt hơn sao, bạn sẽ còn chàng mãi mãi…
19. Tha thứ
Tôi từng giận một người bạn bảy năm! Bạn có từng như thế?
Đó là vì một hôm tôi chợt nghe thằng bạn thân nhất chê dàn máy vi tính nhà tôi là… đồ bỏ. Không cần biết nó nói đùa hay thật. Không quan tâm nó nói vậy là có ý gì. Tôi không thèm nhìn mặt nó đến nay ngót nghét đã bảy năm.
Tôi đã không nhớ đến những lúc cùng nhau chơi một trò game, đã không nhớ những khi không có ai thèm đếm xỉa tới, chỉ có hai đứa đi cùng nhau thế nào, quên cả những buổi ăn trưa không có tiền thì bạn trả giùm. Chỉ vì một câu nói…
Mẹ tôi là một người coi trọng quá khứ. Bà thường nhớ và nhớ rất lâu những gì đã diễn ra. Bà có thể kể thao thao về những lúc đói khổ đã bị đối xử như thế nào, về chuyện dì Hai đã sai vặt tôi ra sao, dì Út ghét bỏ tôi thế nào… Lúc đó tôi cười: “Con chẳng nhớ, mà nhớ cũng chẳng làm gì, sao mẹ thù dai vậy?”. Mẹ tôi không nhìn mặt hai dì của tôi lâu rồi. Họ cũng phá sản, nợ nần lâu rồi. Đến bây giờ họ cũng chẳng đến nhà tôi làm gì nữa, mẹ cấm cửa. Bà ngoại thì thương con, không bỏ đứa nào, nên khi mẹ tôi bảo bà lên ở cùng nhà tôi, bà từ chối. Mẹ giận cả bà. Tôi bảo: “Mẹ cũng chẳng giận ngoại được mấy năm nữa đâu, coi chừng sau này tiếc!”.
Trái tim con người nhỏ lắm. Nhỏ hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Một câu chuyện vui không làm tôi nhớ bằng một câu chuyện buồn. Người làm ta cười không khiến ta nhớ bằng người làm ta khóc. Chính vì vậy, sẽ thật khó khi quyết định tha thứ cho ai, cho điều gì hoặc cho chính mình. Nhưng chẳng bao giờ người ta tự hỏi, liệu những chấp nhất đó có làm cho mình sống thoải mái hơn, hay chính nó đang tước đi niềm hạnh phúc mình đang có? Khi có thể trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ thấy mọi thứ oán hờn hóa ra thật… vô nghĩa! Nói như trong phim thì đời người có mấy cái mười năm. Sao ta uổng phí thời gian để trách hờn những điều vốn không thay đổi được?
Tôi tìm cách làm huề với bạn tôi nhiều lần. Mà không thể. Thời gian trôi qua, tôi đã khác, nó đã quá khác. Có muốn cũng không thể bắt cùng một nhịp như tình bạn trước đây. Tôi lỡ mất chặng đường lớn khôn cùng người bạn thân của tôi chỉ để mang lấy một gánh nặng suốt bảy năm. Và nhìn lại, tôi không những chỉ mất bảy năm mà mất luôn cả bạn.
Tha thứ là sự luyện tập của trái tim. Chỉ cần ta biết cách nới rộng trái tim ra, ta sẽ có được sức chịu đựng tuyệt vời. Theo khoa học, cứ mười lăm phút, máu và các tế bào trong não sẽ được thay mới dần một lần. Tức là cảm xúc tại thời điểm đó không bao giờ là mãi mãi. Giận rồi sẽ giận nhiều hơn, hoặc ít đi, hoặc đổi lại thành yêu thương chỉ sau vài phút. Chỉ là ta có đủ bản lĩnh để hiểu và chuyển hóa năng lượng xấu thành tốt hay không.
Một thanh niên sau thời gian tu hành đã quyết định nghỉ tu để ăn chơi lêu lổng và trở thành kẻ phóng đãng, phong lưu trong nhiều năm. Một hôm anh tỉnh ngộ, muốn quay về tu hành. Anh bèn tìm đến vị sư phụ ngày xưa. Vị sư phụ giận anh, bảo là: “Nhà ngươi muốn tu hành? Không được nữa…”, rồi ông chỉ ra cái
bàn đá ngoài sân nói: “Chỉ trừ khi bàn đá nở đầy hoa!” Anh thất vọng ra về.
Sáng hôm sau, vị sư giật mình khi thấy chiếc bàn đá nở đầy hoa ngũ sắc. Ông hiểu ra mình đã sai, bèn đi tìm chàng trai, nhưng không thể. Và bàn đá cũng chỉ nở hoa một ngày.
Không có lỗi lầm nào trên đời là không thể hối cải. Chỉ cần biết ăn năn, tức là đã rất đáng được tha
thứ.
Lòng hối lỗi là một kỳ quan. Và ta sẽ đập nát kỳ quan đó bằng một trái tim lạnh lùng bỏ mặc…
20. Hẹn yêu
Trong bộ phim Letters to Juliet, ngoài những cánh đồng rộng thênh thang và khung trời mộng mơ của vùng Verona nước Ý, cô gái trẻ người Mỹ do Amanda Seyfried thủ vai đã tìm thấy một hành trình thú vị. Cô ấy nhìn thấy một bức tường, với đầy thư trên đó. Những người đau khổ vì tình yêu đã đến và viết những lời tâm sự lên đó. Và có những con người hằng ngày vẫn làm công việc đến lấy thư về và trả lời. Sau đó cô ấy cũng hứng thú tham gia vào công việc trả lời thư tình yêu cho những con người đau khổ. Và cô ấy phát hiện ra một lá thư đã được gửi từ cách đó mấy chục năm…
Người phụ nữ gửi thư ấy giờ đã già. Nhưng chỉ với một lần liên lạc, Amanda đã gọi được người phụ nữ ấy đến Verona, và cả hai cùng làm một việc động trời: Đi tìm lại chàng “Romeo” của bà ấy!
Tôi sẽ không kể hết hành trình này. Vì bạn nên xem DVD để thấy hết nét đẹp của phim. Tôi chỉ không ngừng thắc mắc về tình yêu tồn tại mãi qua nhiều năm tháng của những con người đó. Những trái tim không hẹn, nhưng cũng không bao giờ lỗi hẹn nếu có cơ hội được nhìn thấy nhau một lần. Khoa học chứng minh, tình yêu kéo dài ba năm. Còn niềm đau vì tình yêu sẽ nguôi ngoai sau bốn mươi hai ngày. Và cái gì lặp đi lặp lại hai mươi mốt lần thì sẽ trở thành.
Những con số khoa học khô khan này không nói lên điều gì. Vì tôi biết những chuyện tình dài hơn ba năm. Những nỗi đau dài hơn bốn mươi hai ngày và cả những thói quen phải rời xa dù lòng không hề muốn, vì những người tôi chờ không bao giờ đến. Còn những người đang đến, tôi chẳng chờ…
Tôi có rất nhiều cái hẹn.
Cái hẹn trong lưu bút của một người bạn về việc sẽ gặp lại nhau khi cả hai đứa đã thành đạt. Cái hẹn của người thầy rằng hãy trở về khi con có thể. Cái hẹn với một người sắp đi xa là sẽ thương nhau mãi nhưng tôi chưa có một cái hẹn yêu nào đủ để lòng thấy ấm áp cho một mùa yêu thương đang về.
Yêu sao lại phải hẹn? Tôi rất cần một cái hẹn yêu để lòng từ tốn và nhẫn nại hơn chút nữa.
Bạn có nhớ cô gái trong bài hát Bảy ngày đợi mong không? Một cái hẹn yêu, có thể tôi sẽ chờ, có khi người tôi yêu sẽ đến muộn, hoặc sẽ lỗi hẹn. Nhưng đó cũng là cơ hội để tôi suy nghĩ nhiều hơn, yêu nhiều hơn, cảm thấy tình yêu trọn vẹn và lâu dài hơn. Hẹn như vậy dễ thương hơn quen nhau vài tuần, nắm tay vài giờ, nằm cạnh nhau một đêm và sáng mai đường ai nấy bước… Thật may là tôi đã tìm thấy bài học của tôi. Vì nếu không, tôi sẽ tiếp tục là một sinh viên thi rớt mãi bộ môn “Yêu văn minh” và sẽ không bao giờ tốt nghiệp. Yêu phải văn minh. Biết chờ đợi cho tình yêu chín chắn và không vồn vã lao vào khiến người khác e ngại cũng là văn minh.
Cuối phim Amanda đã tìm thấy tình yêu của mình. Đó là cháu trai của người đàn bà đi tìm chàng Romeo đó! Anh ấy đi theo bà, và không thôi cãi nhau với Amanda về quyết định điên khùng đó. Không hẹn mà gặp. Đó là cái hẹn yêu dễ thương nhất trên đời.
Một nửa của tôi và của bạn đang ở đâu, trông người ấy thế nào? Không biết! Vì ta chưa có. Nhưng tôi chắc người đó cũng đang trên đường đi tìm chúng ta, như ta đang đi tìm người đó. Có lẽ sớm mai, tôi sẽ
gặp nhiều người hơn. Nhiều người cũng sẽ đến gặp tôi. Một trong số họ sẽ ngỏ ý với tôi và tôi sẽ nói rằng: “Cho tôi một cái hẹn yêu nhé!”.
21. Thời gian để yêu
Hôm qua tôi nghe tin má Kim Ngọc qua đời. Tôi nhớ cái tuồng Bóng hồng sa mạc, tuồng cải lương mà mẹ tôi và tôi hay nghe trong những lúc ngủ trưa. Giờ thì tiếng còn đó, mà người đã về với cát bụi. Tôi nói gì về điều này hay bất cứ ai nói về điều này cũng sẽ chỉ là sáo ngữ. Nhưng từ sự ra đi của người nghệ sĩ đó, tôi giật mình nhận ra nhiều thứ. Thời gian má sống trên đời là sáu mươi bảy năm. Tôi đã hai mươi ba, nghĩa là đã đi qua một phần ba cuộc đời mình. Chúng ta đã làm được gì? Đã có những gì? Đã mất những gì? Và đã biết yêu cuộc sống này chưa?
Não chúng ta có mười hai bộ luật. Một trong đó là: “Chỉ nhớ và tập trung vào những gì bạn say mê”.
Khoa học đã nói và chứng minh như vậy, nhưng chúng ta còn e dè với nhiều thứ lắm.
Chúng ta không dám thi vào nghành nghề mình thích, vì ba mẹ chúng ta bảo phải làm nghề khác nó mới sang. Chúng ta không dám hát trên đường đi về nhà, vì sợ người đi đường nói chúng ta bị khùng. Chúng ta không dám bước xuống xe đỡ giúp một người té xe, vì chúng ta nghĩ sẽ có người làm điều đó thay mình.
Tôi đi mua bánh mì. Tôi thấy anh chàng bán bánh mì có những điệu bộ rất dễ thương. Anh tung hứng ổ bánh, tay chân liến thoắng, xịt tương ớt thôi mà cũng có dáng vẻ một nghệ sĩ. Đó là điều anh ấy say mê, cho dù chỉ là công việc phải làm để kiếm sống. Ai dám bảo nghề của anh là thấp hèn, là không nghệ thuật?
Thời gian để yêu. Vâng. Tôi thích lắm cái tựa đề này của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Thời gian là để yêu bạn à! Yêu đời, yêu người, yêu bạn bè, gia đình, yêu những gì bạn làm. Yêu chính bản thân mình nữa! Đó là điều quan trọng nhất! Tôi viết những dòng này vì đã là lúc tôi đứng lên mạnh mẽ sau những suy sụp. Tôi bắt đầu chăm sóc tâm hồn, cơ thể và lắng nghe những tiếng nói tâm hồn mình. Tôi chợt thấy chính tôi cũng chưa hoàn toàn hiểu hết về con người mình, vậy thì làm sao dám hiểu một ai khác?
Hãy tung mền và thôi biếng nhác, ngoài kia nắng đã về…
22. Nhảy ùm xuống nước
Những ngày trời lạnh, nếu đi bơi, đứng trên thành hồ bơi quan sát xung quanh sẽ thấy có ba biểu hiện:
- Một: Vớt nước vẩy vẩy lên người cho da thịt quen dần với cái lạnh, sau đó mới xuống bơi.
- Hai: Khởi động cho nóng người, chạy lòng vòng, thọc bàn chân xuống trước, rồi tới đùi, tới chỗ cao hơn đùi xíu xuống cho quen trước rồi mới để nước ngập hết người.
- Ba: Nhảy ùm xuống nước mà bơi, không quan tâm tới những chuyện khác.
Tôi đọc một cuốn sách. Người ta nói ngần ấy biểu hiện cũng chia làm các loại người khác nhau:
- Một: Luôn chuẩn bị sẵn sàng, làm mọi chuyện chậm rãi và thận trọng hoặc bỏ cuộc từ đầu.
- Hai: Lao vào việc, nhưng hay do dự và đắn đo, không quyết đoán.
- Ba: Có bất cứ khó khăn gì cũng lao vào, làm hết lòng mà quên đi mệt nhọc.
Trong ba cách xuống nước ở hồ bơi, người ta nghĩ với hai cách đầu sẽ giúp cơ thể không bị lạnh, nhưng thực ra cách thứ ba mới là cách tốt nhất để không bị lạnh. Vì khi bạn nhảy ùm xuống nước, tập trung tổng lực cho việc bơi lội, bạn sẽ mau chóng quên đi cái lạnh. Còn hai cách đầu là hai cách khiến bạn cảm nhận cái lạnh một-cách-từ-từ, vì thấy lạnh từ từ như vậy, ý chí sẽ nhát sợ hơn, thậm chí lạnh quá sẽ bỏ cuộc không bơi nữa.
Cho nên, gặp bất cứ chuyện gì, khó khăn gì hay thậm chí là tai họa, không nên ngồi tập làm quen từ từ với áp lực, mà phải không ngừng lao vào áp lực, vừa lao vào vừa động não rồi tìm cách cân bằng mọi thứ.
Rồi bạn sẽ thấy cái hạnh phúc của sự vẫy vùng, nhất là khi nhìn người khác còn đang run rẩy sợ lạnh trên bờ…
23. Khoảng chờ trong chiếc kén
Chở bạn đi trên đường, bất giác phỏng vấn ngắn khi xe chạy gần tới chợ Bến Thành: “Này, đố anh tại sao người ta có thể ngồi chờ một ai đó mấy tiếng đồng hồ không sao, mà chờ đèn đỏ có vài giây đã thấy bực bội?”. Anh bạn tôi ngẩn người không hiểu. “Chạy xe là tư thế đi không ngừng, và khi người ta bị bắt buộc phải dừng lại một việc gì đó đang làm mà người ta không muốn, dĩ nhiên sẽ phải bực thôi!”
Cũng như câu chuyện này: Một người con trai đang dạo chơi trong vườn chợt nhìn thấy một con bướm đang cố sức thoát khỏi cái kén của mình. Trông nó đến là tội nghiệp vì cái kén quá chật để thoát ra. Chàng trai động lòng thương, bèn dùng hai ngón tay rạch cái kén ra để con bướm dễ dàng thoát khỏi cái kén.
Nhưng trời ơi, đôi cánh của nó yếu ớt và bèo nhèo, không thể cất lên không trung được. Và ít lâu sau thì một bầy kiến đến tha nó đi… Chính những giây phút nỗ lực trong cái kén, ngỡ là khó khăn vất vả, nhưng sẽ cho nó một đôi cánh khỏe mạnh khi tung trời. Đó là một khoảng lặng cần-phải-có trước khi đạt được điều nó mong muốn. Và sự chờ đợi, theo một cách nói nào đó, chính là vị thuốc đắng dã không biết bao nhiêu tật. Bởi cái gì cũng có thời điểm của nó, như trái cây chín rồi mới mỏng cuống mà rơi về đất. Người ta cho rằng hạnh phúc mà cứ phải kiếm tìm, chờ đợi thì nào còn gọi là hạnh phúc. Nhưng ta không nên gọi đó là chờ đợi, hãy xem đó là một khoảng lặng để học cách biết-trước-những-gì-sẽ-xảy-ra, và rồi một ngày tung trời lộng gió, ta sẽ cám ơn những khoảng chờ không-vô-nghĩa.
24. Stress
Trong những cuộc nói chuyện của giới trẻ ngày nay, người ta hay khoe là người ta bận rộn. Rằng là hôm nay tôi phải họp, phải làm thêm giờ, còn dự án chưa xong… Rồi vò đầu bứt tai, trời ơi áp lực quá. Người đối diện cũng không vừa, cũng nói là đang bận lắm, không rảnh để làm gì cả, cuộc cà phê này chỉ là thời điểm hiếm hoi để thư giãn…
Dần dần, stress trở thành một cái mác sang trọng cho những người trẻ thích thể hiện mình bận rộn. Còn tôi, tôi không bận, ở nhà mà rảnh là sẽ coi phim bộ, đi làm xong chỉ muốn về nhà chơi với ba con cún, cuối tuần nào cũng có bạn qua nhà nấu ăn. Tui không quá bận, vậy tui không trẻ và không giỏi?
Nếu ai đó nói với bạn rằng họ đang nghiện stress hoặc “stress là một điều tích cực, thúc đẩy bạn làm việc” thì cứ yên tâm nhé, đó là lừa dối và ảo tưởng. Về cơ bản, stress là một thứ không lành mạnh, nó mách bạn rằng có-gì-đó-phải-thay-đổi hoặc có-gì-đó-phải-tìm-hiểu. Trạng thái này mang đến cảm giác khó chịu, tiêu cực và đôi khi là đau đớn về cảm xúc, tinh thần, thể xác.
Có mấy ai trên đời này biết rằng, chỉ cần một suy nghĩ tiêu cực thôi cũng đã đủ để tàn phá hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn? Nói dễ hiểu xíu nữa, khi bạn đưa tay vào lửa, bạn cảm thấy gì? Đau! Và bạn rụt tay lại! Từ trong trí não của bạn lập tức phát đi tín hiệu cho bạn hiểu là bạn-sẽ-không-làm-điều-đó một lần nữa! Và bạn tin vào điều ấy.
Còn với stress, vì bạn đã được người ta tiêm vào đầu rằng stress là tích cực, nên bạn không lắng nghe cơ thể về sự cảnh báo cho những đau đớn stress gây ra nữa. Cứ thế, stress lớn dần trong bạn, và trở thành một quả bom nổ chậm chết người.
Một số người khác nghiện stress do nghiện cảm giác giận dữ mà stress mang lại, sự đạp đổ, đập bàn đập ghế và tàn phá kích thích cơ thể sản sinh ra một thành phần tạo nên hợp chất gây nghiện.
Tôi nói những chuyện này là vì tôi nhắn tin rủ bạn tôi đi chơi, thấy ai cũng trả lời là bận, tôi biết, có ít nhất phân nửa trong số đó là nói dối. Bận rộn nghĩa là đang đến gần với stress, stress nghĩa là đang đến rất gần với sự tổn thương. Tại sao vậy? Tôi chỉ đang kiếm người đi chơi, chứ đâu có phải mở một cuộc thi tranh giành mức độ tổn thương cơ chứ?
25. Việc tốt tưởng tượng
Con hẻm chật hẹp đang sửa chữa. Đất đá bị xới tung hết lên, bùn sình lầy lội. Có một phụ nữ và đứa con gái đang đẩy chiếc xe ba bánh khó nhọc qua đoạn đường đó. Vì sức yếu nên chị ta đẩy không nhanh, cô bé ngồi trên xe cũng đang gắn sức phụ chị ta. Tôi bị kẹt xe trong con hẻm đó với họ.
Tôi nghĩ trong đầu. Bây giờ tôi sẽ dừng xe lại, và phụ họ một tay qua đoạn đường này, vậy là họ qua được, tôi cũng sẽ qua nhanh…
Nhưng tôi vừa nghĩ xong thì họ đã đẩy được xe qua chỗ đó bằng chính sức của họ. Tôi đành chạy tiếp con xe.
Đường đi làm cũng đang bị sửa. Mà khu nhà tôi thì ngập nước khỏi chê! Chiếc xe ba gác lọt một bánh xuống một cái ổ gà. Giao thông khu vực đó đột ngột bị dừng lại. Cái xe ba gác lớn quá, nó chắn giữa đường. Hai lượt xe đi, về kẹt cứng. Người ta thi nhau bấm còi, than phiền, cau mày… Người đàn ông chủ xe ba gác tiếp tục ráng sức đẩy xe lên, nhưng không thể. Xe bị lún sâu quá, mà sức ông ta có hạn.
Tôi nghĩ trong đầu. Bây giờ tôi xuống phụ, có thể sẽ bị dơ đôi giày, nhưng mà giày sẽ khô, tôi cũng sẽ được đi làm đúng giờ…
Nhưng tôi vừa nghĩ xong thì có một chàng trai khác dừng xe lại và nhảy xuống đẩy giúp người đàn ông. Cái xe nhanh chóng thoát khỏi ổ gà và giao thông trở lại bình thường.
Một người phụ nữ đang chở đứa con đi học về, họ vượt qua tôi một chút và làm rơi cái mũ của thằng nhóc. Người phụ nữ dừng xe, loay hoay mãi vì đường thì đông mà mũ rơi xa quá.
Tôi nghĩ trong đầu. Hay là tôi sẽ nhặt giúp mũ cho họ đỡ mắc công?
Nhưng tôi nghĩ xong thì xe tôi đã vượt qua xe họ rồi, nếu tôi quay lại, sẽ mất thời gian hơn, nên tôi đi luôn.
Chắc chắn rằng tư tưởng tốt sẽ tạo ra những hành động tốt và tôi rất vui vì tôi đã biết suy nghĩ và vẽ ra những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, vì tôi chưa bao giờ bắt tay vào làm nên vĩnh viễn tôi không phải người tốt.
Cứu lấy thế giới to lớn trong tưởng tượng, chẳng bằng dắt tay một bà cụ qua đường trong thực tế.
26. Đàn ông – Đàn bà
Đàn ông thích sự tôn trọng và kính nể, họ sẽ chứng minh sức mạnh và khả năng nếu bị một ai đó khiêu khích. Đặc trưng này giúp đàn bà điều khiển đàn ông.
Đàn bà thích tiền. Dùng tiền để dụ đàn bà. Sau đó dùng đàn bà để dụ đàn ông.
Đàn ông không thích bị điều khiển, nhưng thực ra là họ luôn bị ảnh hưởng hành vi bởi ít nhất một người đàn bà.
Đàn bà thích đàn ông nói những lời ngọt ngào mà phải chân thành. Trong khi đàn bà toàn dùng những lời ngọt ngào để… dụ dỗ đàn ông.
Đàn ông nói từ chối một người, điều đó có nghĩa là: “Chúng ta không thể là một đôi, nhưng em phải luôn thích anh và yêu anh đấy nhé!”.
Đàn bà thích nhìn mình trong gương nhiều hơn là đọc sách. Đàn ông cũng có nhiều kẻ càng ngày càng thích soi gương.
Đàn bà có một đồng tiền, họ sẽ làm ra chín đồng còn lại và góp thành mười. Sau đó ngu dại đem tặng cho… đàn ông!
Đàn ông có một đồng tiền, họ ăn nốt. Sau đó đi kiếm đồng khác để ăn nốt tiếp.
Đàn bà có một đôi mắt mà luôn bảo là mình có thêm một đôi mắt sau gáy để trông chừng đàn ông. Lẽ ra đàn bà phải có thêm một đôi mắt trên đầu để thấy cái sừng bị cắm đang mọc dài ra mỗi ngày.
Đàn ông cũng thi thoảng như đàn bà, nói không là có, nói có là không.
Đàn bà thích nói nhiều hơn làm, sau đó nằm mơ thấy mình làm nhiều hơn nói.
Thế gian tỷ tỷ người, chắc thế nào cũng có vài người khác đi, như những gã đàn ông rất đàn bà hoặc những người đàn bà rất đàn ông.
Nói cho cùng, áo quần bảnh bao, chức vụ cao sang cỡ nào đàn ông cũng cúi đầu thật thấp trước đàn bà trong phòng ngủ.
Còn đàn bà, trang điểm đẹp cỡ nào cũng chỉ là cố gắng dụ dỗ được một gã đàn ông mà thôi.
Ngày xưa Adam và Eva vui vẻ cùng nhau không lo nghĩ gì nhiều. Bỗng dưng khi họ ăn trái cấm, họ bắt đầu biết ngượng ngùng khi thấy nhau trần trụi. Rồi họ tìm lá cây để che đậy những chỗ kín đáo nhất.
Trái cấm là biểu tượng của luân lý xã hội và phép lịch sự. Còn lá cây là cái mặt nạ người đời hay mang theo.
Trái cấm thì ai cũng sẽ nếm, còn lá cây thỉnh thoảng cứ rớt xuống hoài…
27. Làm sao biết đã đánh rơi cái gì?
Anh ngồi cà phê ở một góc khuất trong nhà, trước mặt anh là khung cửa sổ ô vuông. Nơi anh ngồi và không gian ngoài ô vuông ấy khác xa nhau lắm. Mọi thứ chỉ cách nhau có lằn ranh mỏng manh mà thôi.
Đa phần thời gian anh đã ngồi phía bên trong ô cửa sổ để ềm đềm đọc sách, nghe nhạc, uống cà phê và suy nghĩ.
Một buổi sáng nọ. Anh liều lĩnh đứng thật sát ô vuông đó. Anh len lén vén tấm rèm cửa, thò đầu ra ngoài. Mây bay tạo thành hình con phi mã, gió lùa qua những tán cây xào xạc, tiếng chim hót véo von và rất nhiều màu sắc trộn lẫn trong bức tranh thiên nhiên sống động. Anh ngạc nhiên hỏi mình sao bao lâu nay không thấy những thứ này? Anh trở lại không gian sau ô cửa. U tối và im lặng quá…
Cũng vì anh mãi ở sau ô cửa, nên anh nghĩ về thế giới rất nông cạn. Ô vuông ánh sáng còn là lằn ranh mỏng manh giữa thương và ghét, giữa quên và nhớ, giữa vứt bỏ và níu giữ…
Sáng hôm nay, anh ngồi dậy, cầm theo cuốn sách, mạnh dạn đưa tay ra ngoài ô cửa sổ, cảm nhận rõ nét nhất sự ấm áp của nắng và sự mát mẻ của gió.
Anh vô tình làm rơi cuốn sách xuống đường…
Đó là cái cớ để anh bước ra ngoài kia mà không hổ thẹn với những luật lệ của mình. Vì nếu anh không bước ra, làm sao biết anh sẽ còn đánh rơi thêm cái gì nữa?
28. Ai bảo rằng tình bạn không cần say mê?
Có rất nhiều thứ bạn dùng làm tôn chỉ trên đời: gia đình, tiền bạc, tình yêu, bạn bè… Và khi bạn đã chọn cái gì làm tôn chỉ, thì đó sẽ là cái bạn đặt lên hàng đầu.
Với gia đình. Không phải ai cũng sống gần gia đình, không phải ai cũng sống cùng gia đình, hoặc thậm chí không phải ai cũng có gia đình. Vì vậy, một đứa con đôi khi rất thờ ơ với những việc xảy ra trong gia đình đó. Vẫn yêu thương, nhưng là thứ tình cảm lặng lẽ, không lời, không tín hiệu. Khi vui vẻ, không cười nhiều, khi khổ đau, không khóc lóc…
Với tình yêu. Ít lắm những người có thể yêu chỉ một người trong cả cuộc đời. Thi thoảng người ta thay đổi, lắm khi người ta thay lòng. Và khi yêu mặn nồng bao nhiêu, thì khi xa thù ghét bấy nhiêu. Có thể ca tụng nhau hằng giờ lúc còn chung giường, thì cũng có thể lăng mạ nhau từng ấy giờ sau lưng lúc chia tay. Nên trong tất cả tình cảm, tình yêu là thứ nên bị coi thường nhất.
Với bạn bè. Vừa đủ gần gũi để ở cạnh nhau 24/24, cũng không quá phiền phức để cái gì của nhau cũng phải biết. Đủ thân ái để giúp đỡ, phê bình, cũng đủ kiên nhẫn để thông cảm cho nhau. Tìm được một người bạn tốt sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều so với việc có một núi tiền mà chẳng biết xài ra sao.
Ai bảo rằng tình bạn không cần say mê?
Nếu vậy trong câu chuyện Bá Nha – Tử Kỳ đã chẳng có cây đàn nào bị đập khi có một người chết vì người còn lại cho rằng sẽ chẳng ai trên thế giới này hiểu được tiếng đàn của mình nữa…
Tình bạn cũng có ghen tị, trách móc, cũng có giận hờn, tiếc nuối. Giống như một thói quen đã hình thành lâu ngày, lại phải thay đổi vì một điều gì đó không xứng đáng.
Tình bạn cũng chịu quy luật của “có mới nới cũ”, cũng sẽ có những điều mới mẻ cuốn ta đi theo những mối quan hệ mới, để rồi một là có tất cả, hai là ta mất tất cả.
Tình bạn cũng được xây dựng trên quy luật vun đắp. Và người ta phải đủ rộng lượng khi quy luật này mất đi.
Và…
Hai người bạn hiểu được nhau, có khi chẳng cần nói đến nửa lời…
Tôi nghĩ mỗi người nên tìm kiếm những người bạn bằng cách quan tâm tới người xung quanh một cách thật thà, giản dị nhất. Bởi chúng ta không thể nói chính xác từ lúc nào tình bạn hình thành, cứ như việc nhỏ dần từng giọt nước vào cái ly, sẽ có một giọt nước làm tràn ly. Giống y vậy, trong một chuỗi những điều dễ thương, sẽ có điều làm trái tim người bạn ấy được lấp đầy…
29. Không có sau đó…
Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện…
Một con ba ba sống trong một hang động, cái hang này đã che nó qua nắng qua mưa. Một ngày nọ nó phát hiện ra có một cái lỗ hổng khiến nước mưa cứ rơi xuống đầu nó khi nó ngủ, và nó quyết định bò ra khỏi hang…
Rồi sao nữa? Sau đó thế nào?
Không có sau đó! Vì không có con ba ba nào sống trong hang động cả!
Một buổi sáng bạn nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con đã yêu một người, và con quyết định sẽ bỏ nhà ra đi cùng người đó”. Mẹ, với đôi mắt nhân từ, gật đầu đồng ý. Bạn hốt hoảng: “Mẹ ơi, sao mẹ không cản con lại? Con đi như vậy rồi sau đó sẽ thế nào?”.
“Không có sau đó. Vì mẹ cũng đã từng cùng cha con trốn đi.”
Anh nói với em, em à, anh em mình còn phải học rất nhiều. Em cũng phải dẹp bớt những mơ mộng của em đi, vì em thừa biết em sẽ khó mà có được nó cơ mà? Em cứ nghĩ đi, bây giờ người ta đâu cần người như em, không lẽ em lại dở ông dở thằng trong cái hồ nước em tưởng là mát lạnh hóa ra cạn khô đấy à? Em cứ sống như vậy khi còn trẻ, thì sau đó sẽ thế nào?
Không có sau đó. Vì khó không có nghĩa là không thể.
Em có một khối tình, em đong đếm sao cho đầy tim em cuồng dại. Sau đó em dùng khối tình đó nện vỡ đầu anh ra bằng đủ thứ điều vừa nên thơ vừa ngớ ngẩn.Em đã yêu anh vậy đó, em không cần biết đến ai khác ngoài anh, và em rất muốn một lần sống mà không cần biết sau đó thế nào…
Không có sau đó. Vì anh không yêu em.
Đừng bao giờ cho mình là người giỏi nhất, đó chính là sai lầm chết người trong công việc. Vì người ta rất dễ dàng tìm thấy một người giỏi ngang bằng hoặc có khả năng thay thế. Cũng đừng tự tin bạn sẽ không bao giờ mất đi một người hay một nhóm người, bởi người khác cũng đang tìm họ như bạn. Là ai cũng vậy, phải tin yêu cho đến khi không thể, rồi sau đó…
Không có sau đó.
Vì đơn giản chỉ là một ghi chú.
30. Yêu không ngừng được
Khi hay tin chị tôi có chuyến công tác nước ngoài nhằm ngay đất nước có người yêu chị đang du học, tôi nửa đùa nửa thật: “Trời sắp xếp cho chị đi đúng nơi anh ấy học như vậy, nhưng sao chị không thử cãi lại ý trời xem có gì vui!”
Chị cũng gật gù. Xong rồi cuối cùng chị vẫn đi. Tôi hiểu, nỗi nhớ nhung và yêu thương trong chị lớn lắm, làm sao có thể ngăn lại được. Hai người chia tay sau chuyến đi đó. Giờ thỉnh thoảng chị vẫn tiếc nuối sao mình không thử cãi trời như lần nói đùa đó. Nhưng đã muộn rồi. Ý trời nào mình đoán được. Và một trăm người con gái đang yêu như chị, có trời nào xuống ngăn chị lại cho đành…
Tôi có hai đứa bạn. Giờ chúng đã là một cặp vợ chồng. Nhưng cái thành đôi của chúng là nhờ sự… ngăn cản bạo liệt của gia đình. Số là bạn tôi yêu nhau từ khi học lớp mười hai, gia đình không cho, kiên quyết bắt hai đứa phải lo học và lo kiếm việc làm.
Hai đứa không thể nghe lời, trốn đi biệt tích, bỏ luôn cả một tương lai sau lưng để có cơ hội sống với nhau. Chúng sống với nhau một năm, hai năm… Rồi cô nàng có bầu. Chàng và nàng vác cái bụng bầu về nhà bố mẹ vì cuộc sống cơ cực quá.
Ban đầu tôi trách chúng, sao còn bé mà đã vội khờ dại chấp nhận đổi hết tất cả để lấy một tình yêu mong manh thế. Sau này tôi ngẫm lại thì thấy dù đó là dại khờ nhưng vẫn có cái đáng… hâm mộ! Chí ít họ đã tìm ra ý nghĩa sống của mình và cũng đã kiên trì trong ngần ấy năm. Còn khối kẻ ngoài đời kia vẫn lao đao và lang thang vô định ấy chứ!
Giờ hai anh chị ấy đã đăng ký kết hôn, vẫn nghèo. Nhưng đã có một cháu trai và vẫn ở bên nhau đúng như ước nguyện. Tình yêu đó! Ai mà ngăn cho được hở trời…
Nếu bạn hỏi tôi, lời khuyên nào là dại dột nhất.Thì tôi sẽ trả lời rằng đó là khi bạn khuyên một người đang yêu hãy… ngừng yêu! Nó giống như việc bắt một con cá phải nhảy ra khỏi vũng nước yêu thích của nó. Con cá ra khỏi vũng nước, sẽ thở vài phút, rồi chết.
Yêu là thở. Thở cùng một nhịp với người ấy. Ngừng yêu cũng là ngừng thở. Không phải vì mình vô tâm mà không can ngăn bạn bè, mà vấn đề là có-ngăn-được-không? Trở lực ngăn cản chỉ làm tình yêu được trui rèn mạnh mẽ hơn, vì con người vốn sinh ra là để làm ngược lại những điều người khác áp đặt lên họ. Những ai thích cho lời khuyên, hãy cân nhắc lại điều này.
Đâu đó trong cuộc đời mình. Đến một thời điểm định, bỗng bạn gặp một người mà bạn thấy rất-là- liên-quan. Người đó có thể là một người mới. Hoặc cũng có thể là một người cũ đột ngột tỏa sáng trong một khoảnh khắc nào đấy. Bạn không còn nhìn thấy chân mình đang đi đâu, dù trước mặt có thể là một cái hố sâu. Nếu bạn cũng hoang mang như tôi thì hãy tự nhắc mình là chúng ta đang rất may mắn vì vẫn còn cảm thấy rõ ràng nhịp đập của trái tim mình. Kết quả của tình yêu đó thế nào đâu có quan trọng. Cũng như chọn con đường nào để đi không quan trọng bằng thái độ bước đi của bạn. Bạn dám yêu, dám chấp nhận cả thất bại, thì trời ơi, còn gì xứng đáng hơn nữa hả trời!