Điều tôi quan tâm không phải là bạn đã thắng hay thua, mà là bạn có sẵn sàng đón nhận thất bại hay không.

Abraham Lincohn

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 127 / 14
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
II - Mối Lo Ngại Trong Đế Chế "Hatter Industries"
hững quyền lợi làm ăn tối quan trọng đã thúc Hatter và những cộng sự chính của lão rời Thomson thân thương và nhào lên thủ đô. Chúng tôi đến đây chiều hôm qua bằng một chiếc chuyên cơ. Mark và Arthur, cánh tay phải và tay trái của Hatter từ sân bay vội vã lao thẳng đi làm những công việc cần kíp của mình. Còn tôi với ông chủ thì về nhà của lão, nằm ở ngoại vi thủ đô, bên bờ Potomac. Bên kia sông, ở cái vùng trũng Địa ngục cũ, hiện lên màu xám của cái khối năm cánh đồ sộ Lầu Năm góc, bao bởi mạn đường, những thảm cỏ, cây cối và nơi đỗ cho hàng nghìn ôtô. Hatter xưa kia đã từng khoan khoái ngắm nghía đứa con cưng của mình. Giá như tòa nhà chứa được ba mươi nghìn người này, tức là nhiều gấp ba lần tòa nhà chọc trời Empire State building[21] nổi tiếng thế giới mà không đứng lẻ một mình, giá như cơ quan quân sự đã không vươn tay chiếm giữ hết vùng đất bao quanh Lầu Năm góc, thì Hatter chắc chắn đã dọn đến ở cạnh nó.
Một trong những công ty xây dựng có vốn kiểm soát của Hatter đã xây Lầu Năm góc. Biệt thự riêng của Hatter trên bờ sông Potomac được xây toàn bằng tiền kiếm được do cung cấp hàng quân sự. ở đó vào các dịp dạ hội long trọng, hầu hết các Bộ trưởng Quốc phòng, hải quân, không quân đến vui thú. Khách của Hatter thời ấy là những viên tướng, đô đốc, bộ trưởng, nghị sĩ có tên tuổi nhất. Nhưng bây giờ một số kẻ có thế lực ở Washington, những kẻ quyền sinh quyền sát về chính trị đã dần dần quên đường đến đây. Dinh cơ thủ đô của lão tỉ phú Texas đã mất vẻ lộng lẫy và quyến rũ trước kia. Thời thế thay đổi thì nhà cửa, đồ đạc và hướng chảy của tiền cũng thay đổi. Bây giờ những đơn đặt hàng quân sự chủ yếu là đôla không chảy đến với Hatter, mà từ Hatter chảy đi. Chính nó là nguyên nhân của chuyến đi khẩn cấp đến Washington lúc này...
Từ cửa sổ nhà ăn, nơi tôi với Hatter đang sắp ăn tối, Lầu Năm góc, được chiếu sáng từ phía dưới bởi những đèn pha, trông rất rõ. Mọi cửa sổ đều tối, mà trong phòng của ông chủ Lầu Năm góc vẫn sáng. Ông ta bận việc gì vào lúc này? Nghiền ngẫm công việc gì? Tình báo của Hatter báo cáo mới đây là bộ trưởng thường thường, chủ yếu là buổi tối, gặp gỡ với người bạn cũ Charles Thornton, nhà kinh doanh Los Angeles, chủ toàn quyền của công ty “Latton Industries”, chủ yếu sản xuất đồ điện tử quân sự. Mới mười năm trước đây, Latton, chủ một nhà máy nhỏ, đúng hơn là xưởng máy, chế tạo hàng điện tử với số lượng cỏn con. Thornton đã mua lại xí nghiệp của người kĩ sư tài ba Latton và trong thời gian ngắn nhất, nhờ có Lầu Năm góc và sự khôn khéo có được ở bộ không quân và ở hãng “Hugh Air Craft”, ông ta đã làm nên và nắm công ty bạc tỉ “Latton Industries”, cung cấp cho Lầu Năm góc những loại vũ khí mới nhất – kĩ thuật điện tử.
Đã từng có thời Bộ trưởng Quốc phòng ngồi chiễm chệ trong phòng cho đến sáng, tiếp chuyện với Harold Hatter. Viên bộ trưởng mới bây giờ tiếp chuyện với các bạn bè của mình: Thornton, Propster v.v.....
Lầu Năm góc! Tòa nhà lớn nhất thế giới hình năm cạnh chia ra thành các khu vực, có sân bên trong, có hàng nghìn con mắt bằng kính chĩa ra mọi phía. Có sáu nghìn phòng. Năm vành đai hành lang dài hai mươi tám ki lô mét. Có cả chục nghìn, nếu không phải nhiều hơn, két bọc sắt chịu lửa với những lần khóa cẩn mật, những hầm niêm phong. Nhiều nghìn tấn giấy tờ có dòng chữ “Mật”, “Tối mật”, “Chỉ dành cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống”, “Dành riêng cho các thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia”. Lầu Năm góc là một công ty quân sự giàu có nhất thế giới, vạch kế hoạch chiến tranh trên đất người. Trong lòng nó tất cả những gì tinh tuý nhất mà gần mười triệu công nhận, chủ trại, kĩ sư, bác học nước ta làm ra đều bị đốt trụi. Năm này qua năm khác, nó ngày càng đòi hỏi thiêm nhiều tiền, ngày càng huỷ hoại người Mĩ bằng việc bắt họ làm công việc dã tràng. Con quái vật một lỗ mũi phun ra những núi vàng, lỗ kia phun ra đại bác, xe tăng, máy bay, bom đan, napan, tên lửa và xác người, xác người, xác người. Văn phòng ăn cướp to nhất thế gới. Và là xí nghiệp gieo chết chóc.
Vào cái thời ông chủ của tôi còn là người cung hàng chủ yếu của Lầu Năm góc, tôi thường đi dạo dọc những hành lang rộng rãi của nó mà hai chiếc “vi lít” đi lọt. Tôi đã vào cả nơi tôn nghiêm sùng kính nhất - 3-E-880 [22]. Kí hiệu ấy như sau: tầng ba, hành lang E, tên của Eisenhower, phòng 880. Trên tường xám bên cạnh cửa đen có tấm bảng chữ lấp lánh mạ vàng: “Bộ trưởng Quốc phòng”. Phòng 880 là cả những dãy phòng: phòng làm việc, phòng ngủ, phòng ăn, quán ba, phòng tắm, phòng dành cho thư kí và thang máy riêng chỉ dành cho bộ trưởng. Tấm thảm dày và đắt tiền phủ sàn phòng làm việc thênh thang. Từ những cửa sổ của nó, có thể ngắm hình bóng tòa nhà Capitol, đài kỉ niệm Washington và Nhà Trắng. Đồ đạc bày biện ở đây thuộc loại tân tiến nhất. Từ cái bàn làm việc mà ở đó trước kia tướng Pershing, chỉ huy lực lượng viễn chinh Mĩ ở Pháp năm 1918, đã ngồi làm việc. Các bộ trưởng đến rồi lại ra đi, còn cái bàn Pershing thì vẫn nằm ở đó. Bây giờ chễm chệ tại đó là McNamara, quản lí trưởng cũ của hãng độc quyền khác. Và sau McNamara trong các căn phòng của 3-E-880 sẽ là một kẻ kinh doanh tương tự. Theo truyền thống lâu đời, đứng đầu Lầu Năm góc không phải là một viên tướng, mà là một kẻ dân sự gắn chặt với các giới công nghiệp và tài phiệt. Về hình thức thì ông ta do Tổng thống bổ nhiệm, còn trên thực tế thì ông ta đại diện cho quyền lợi của nhóm có thế lực mà Tổng thống dựa vào. Lầu Năm góc nắm những vị trí then chốt của kinh tế đất nước và tác động đến chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ.
Tôi cũng chẳng để hở bí mật quốc gia quan trọng nào cả. Trong lời từ biệt nhân dân ngày 17 tháng Giêng năm 1961 trước khi rời Nhà Trắng và trao dây cương điều khiển cho John Kennedy, Eike[23] đã nói về nguy cơ nghiêm trọng của tổ hợp công nghiệp quân sự đang phình to. Là viên tướng cụ, cựu tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, cựu Tổng thống biết rõ tiền được Lầu Năm góc sử dụng như thế nào và vào đâu. Ông ta nói từng lời sau đây: “Chúng ta phải tránh ảnh hưởng thái quá mà tổ hợp công nghiệp quân sự tác động một cách cố ý hay vô tình lên các cơ quan chính phủ”. Tất nhiên, ông ta không chỉ nhắc đến Lầu Năm góc và hơn một trăm hãng cung cấp phương tiện chiến tranh, mà còn cả 2.700 căn cứ quân sự ở nước ngoài, nằm rải rác khắp thế giới.
Eisenhower cả đời toàn tâm toàn ý phục vụ nước Mỹ, thể hiện lợi ích của giới quân sự, từng là đồng minh của các vua đại bác, vua xe tăng, máy bay. Vào lúc cuộc đời xế chiều, về yên nghỉ, ông ta bỗng nói thật lòng đến mức tuyên bố liên minh của Lầu Năm góc với những kẻ cung hàng của nó là "lực lượng xảo quyệt và nguy hiểm, hiện ra lộ liễu trong thành phố Mĩ, trong từng cơ quan lập pháp, trong từng công sở của chính phủ liên bang”.
Trên tầng ba của Lầu Năm góc, ở hành lang E, hành lang mang tên Eisenhower, trên tường có gắn tấm băng kỉ niệm ghi lại thông điệp từ biệt của Tổng thống thứ ba mươi tám của Hoa Kỳ. Tôi đã đọc nó. Nhưng không tìm thấy một lời nào đã được trích dẫn trên đây. Trong diễn văn của Tổng thống, người ta đã cắt bỏ những gì gieo rắc ngờ vực xuống Lầu Năm góc và liên minh của nó với các nhà công nghiệp quân sự.
Từ xa, tôi nhìn qua sông Potomac và nhìn vào tòa nhà năm cạnh khổng lồ u ám. Nơi đáng sợ đối với những ai đã hay sẽ trở thành người lính, đặc biệt đối với tôi. Mỗi lần nhìn thấy nó, tim tôi lại thắt lại vì một linh cảm nào đó. Điều đó có cơ sở. Nếu đội canh gác đặc biệt nghi vấn việc tôi định kể về tổ hợp công nghiệp quân sự tất cả những gì tôi biết thì tôi không thoát khỏi cái chết.
Phải hành động sao cho người ta không ngờ tôi chừng nào tôi chưa viết xong quyển sách. Tôi nghĩ điều đó có thể thực hiện được. Dưới cái ô của Hatter, trong danh vị “ngòi bút riêng” của ông Bạc tỉ, tôi sẽ an toàn tuyệt đối.
Hatter đi vào phòng ăn: tôi nghe thấy những bước đi nặng nề như ngựa thồ của lão. Tôi cũng không quay lại. Tôi tiếp tục nhìn Lầu Năm góc dưới ánh đèn chiếu sáng. Ông Bạc tỉ tiến lại bên cạnh và cũng hướng cái nhìn về phía sông Potomac và xa hơn – về phía tòa pháo đài năm góc. Khoảng hai - ba phút ông ta vẫn yên lặng. Rồi ông ta cười khẩy và phán một cách cay độc.
- Một cái đu, kẻ nào trong túi có một triệu bạc đều cố sức nhảy lên nó, đu đưa, kiếm chác. Một cái đu không dừng bao giờ. Nó làm chóng mặt những kẻ đang phất. Nó làm gãy sườn những kẻ rù rờ. Nó đẩy xuống nghề bị gậy những kẻ mãi trố mắt nhìn. Nó nghiền ra cám những kẻ không mặc áo giáp. Lầu-Năm-Góc! Bục danh dự của những kẻ chiến thắng. Cái máng ăn của tướng lĩnh. Cái mộ tập thể của bọn lính. Cái thùng không đáy chở những người đóng thuế... Cái nhà thổ của những kẻ quyền cao chức trọng... Thế nào, tôn ông, tôi đã đoán ra ý nghĩ của anh rồi chứ?
- Không, ông Harold ạ, ông không đoán ra.
- Thế anh nghĩ gì lúc nhìn về phía đó?
- Trong một vài lời thì không nói hết được. Tôi đang nghĩ là trong cái miếu đường chiến tranh kia có hơn ba mươi nghìn giáo sĩ tài ba, giàu kinh nghiệm, sáng suốt, có tổ chức và khôn ngoan đang làm việc. Và ông phải thắng họ.
Hatter hừm một tiếng khinh bỉ và không muốn nghe tôi nói nữa:
- Tài ba gì lũ ấy?! Sáng suốt gì? Tính tổ chức tổ chiếc gì đâu?! Có một chuyện ngụ ngôn hay về cái miếu đường ấy và các giáo sĩ của nó.
Rồi lão vừa cười vừa kể câu chuyện tiếu lâm cũ rất phổ biến, một trong hàng nghìn chuyện:
- Đối phương không đến nỗi ngu ngốc mà đi ném bom Lầu Năm góc. Làm thế c hỉ tổ chấm dứt sự hỗn độn ngự trị ở đấy.
- Ông rất không cẩn thận, - tôi mỉm cười. – Ai mà biết được, bây giờ không khéo có cái micro định hướng nào đó của Lầu Năm góc chĩa vào đây.
- Thì cứ mặc nó chĩa. Tôi chẳng sợ ai cả. Những người khác không có quyền nói thế, nhưng tôi có thể cho phép mình nói thật. Hơn ai hết, tôi chăm lo sao cho xuất hiện “con bò thần”, mà lúc này Thornton, Propster và bọn cánh hậu của chính quyền hiện nay của Nhà Trắng đang hút bú.
Lão dừng lời và nhìn tôi như muốn mời thổ lộ tâm sự. Trong những lúc như thế, theo quy củ trật tự có từ lâu, tôi phải tiếp chuyện, hoặc phức tạp hóa nó như thế nào đó, hoặc hướng sang chiều khác. Mỗi lần hành động tôi đều căn cứ vào hoàn cảnh, vào cái mà ông chủ muốn nghe. Ai cũng biết những kẻ quyền thế của thế gian này muốn cho người nói chuyện đoán ý nghĩ và mong muốn của chúng. Tôi nói:
- Hỡi ôi, Lầu Năm góc đã quên mất ai đã đẻ ra nó và định phá cả người mẹ đẻ ra nó.
- Nó sẽ gẫy răng, – Hatter quay lưng về phía Potomac và Lầu Năm góc, bẻ ngón tay răng rắc. – Ta không nói chuyện đó nữa. Để đến sáng mai. Nào ta đi ăn thôi.
Buổi sáng vào giờ giấc thường lệ, Hatter gọi tôi đến qua điện thoại nội bộ. Khi vào phòng ngủ của lão,tôi nhận thấy cái cửa sổ lớn hướng ra sông Potomac và Lầu Năm góc được che bằng cái rèm nặng nề màu sẫm. Người bố không muốn nhìn thấy đứa con của mình. Lão đang giận dữ. Phòng ngủ vắng không. Cửa vào buồng tắm mở toang. ở đó Harold Hatter đang đứng trước gương, mặc bộ pyjama màu xanh đã cũ kĩ và đang cắt tóc cho mình. Lão làm việc đó bằng cái kéo thợ may bình thường chẳng có lấy tí gì gọi là tài nghệ cắt tóc. Chẳng qua lão đưa kéo xoẹt những cụm tóc màu hung như lông cừu đang rũ xuống và quẳng nó vào sọt. Cái đầu to của lão đầy những bậc thang.
Không đẹp ư? Có hề chi, xuôi hết. Hatter đã đạt đến cái địa vị có thể cho phép lão không quá săn sóc đến sự trang điểm và diện mạo của mình. Lão đã quen với việc người ta tiếp đón lão không theo trang phục. Lão tự cắt tóc không phải vì tiếc vài ba đôla. Không. Lão không thể đi ra hiệu cắt tóc, ngồi vào cái ghế nào đó mà trước đó hàng nghìn người đã từng ngồi và kiên nhẫn đợi đến lượt anh thợ nào đó húi đầu cho. Ngoài ra, lão không thể cho phép mình ngồi không cả giờ đồng hồ. Thì giờ của Hatter là vô giá. Thu nhập hàng năm của đế chế của lão là hơn một trăm triệu đôla. Ba triệu một ngày đêm. Một trăm hai mươi lăm nghìn một giờ.
Một lần, vào thời kì tôi mới cộng tác với Hatter khi bắt gặp lão cầm kéo đứng trước gương, để trả lời cho cái nhìn thắc mắc của tôi, lão đã nói thế này:
- Mỗi phút ngồi không của tôi làm thu nhập hụt đi cỡ nghìn đôla. Anh thử tính xem, một giờ đồng hồ, ngồi ở hiệu cắt tóc sẽ tốn kém cho tôi bao nhiêu. Nào, tính ra chưa? ấy đấy! Bây giờ thì anh sẽ không mạo muội cho tôi là đồ keo bẩn.
Lão nói câu này với nụ cười nửa đùa nửa thật, dường như muốn giễu chính mình, nhưng theo tôi, lão còn cách rất xa cái điều mà lão vừa nói ra.
Không, tuyệt nhiên Hatter không hà tiện. Tôi đã vài lần có dịp trao những ngân phiếu có số tiền rất lớn cho viên tướng cũ Worke và thượng nghị sĩ Goldwater, các thủ lĩnh những phái cực hữu. Đến hàng trăm nghìn đôla, Hatter cũng không tiếc để duy trì hoạt động của các tổ chức đồng minh chính trị của mình. Lão không tiếc bạc triệu cho thắng lợi của bọn họ trong các cuộc bầu cử, điều đó tôi biết.
Bộ mặt một con người được tạo nên từ tất cả những gì người đó làm, người đó nói hàng ngày. Đôi khi cả những chuyện gọi là vặt vãnh cũng vẽ lên chân dung chính xác của con người.
Lão thả kéo xuống, cẩu thả rũ những món tóc hung thẫm khỏi vai và rời gương.
- Thế là xong. Đầu nhẹ đi đến hai pao [24] ấy. Suy nghĩ cũng sáng suốt hơn.
Lão đưa mặt sang tôi:
- Thế nào, ta ăn sáng chứ, tôn ông?
Người đầy tớ nhà Hatter đã thuộc những món ông chủ, những người thân cận và khách khứa vẫn dùng.
Tôi được dọn cho món trứng Lacock, giăm bông Đan Mạch, bơ, xa lát, rau, bánh mì xốp, cà phê. Khẩu phần sáng của ông chủ giản dị hơn: cốc nước cam, mẩu bánh mì đen, pho mát không tươi, táo tàu, một quả táo. Tôi biết Hatter lắm, lão không bao giờ vi phạm chế độ ăn uống nghiêm ngặt.
Chúng tôi ăn sáng và sốt ruột ngóng ra phía cửa. Chúng tôi chờ đợi các đại sứ đặc mệnh của mình được phái đi khắp các ngả của Washington từ chiều qua. Công việc của ông chủ phức tạp thêm ra, đòi hỏi phải thêm dầu bôi trơn. Người và tiền của Hatter được tung ra tranh đấu với các hãng thù địch, với Lầu Năm góc, Capitol, Nhà Trắng. Nhưng kẻ thù cũng xung trận với những lực lượng không nhỏ. Cược đặt rất lớn từ cả hai phía. Tôi biết Hatter là một trong những kẻ làm ăn khôn khéo nhất, nhưng không chắc rằng lão sẽ thắng. Lần này lão đụng độ với những kẻ không kém cạnh gì lão. Hôm nay, sau một hoặc hai g iờ nữa, nhiều cái sẽ sáng tỏ.
Ngay sau bữa ăn, Hatter lấy ra cỗ bài mới tinh bóng láng, sồn sột bóc ra.
- Nào, tôn ông, ta chơi chứ?
Tôi không thích bài bạc. Nhưng làm gì được bây giờ? Tôi nhún vai, mỉm cười:
- Chơi poker?
- Còn chơi gì vào đây nữa! Chỉ có poker là trò chơi thực sự.
Đã hai mươi năm nay, Harold Hatter, theo lời thừa nhận của lão, không hề chơi bài, dù kể cả ở các câu lạc bộ sự vụ lẫn ở các casino [25]. Chỉ khi ở nhà với tôi, lão mới cầm đến quân bài. Và cũng chỉ trong những trường hợp hãn hữu. Như khi chờ đợi những tin tức lành, dữ; khi suy ngẫm về nước đi của kẻ thù trong ngàn vạn nước đi. Trong lúc chơi, theo lời lão, lão cảm thấy mình thông minh hơn, ác hiểm hơn, nhìn xa hơn, suy tính nhanh hơn.
Tôi hẳn sẽ không kể về poker, nếu như cái say mê lâu đời của Hatter đối với trò chơi này không rọi thêm ánh sáng vào cá tính, những hành động của lão và thái độ đối với Tổng thống hiện nay.
Nhấp nước bọt ngón tay, lão xóc cỗ bài bóng láng một cách tài nghệ thành mặt cắt mà không nhắc bài khỏi bàn, hệt như người hồ lì vẫn làm, rồi ném lên đặt cược mười đôla, nháy mắt và cười như một đứa trẻ vớ được đồ chơi yêu thích.
Thật hiếm, rất hiếm khi tôi thấy Hatter cười:
- Nào, tôn ông, ta bắt đầu thôi!
Tôi cũng ném mười đôla lên đặt cược.
Poker đối với một con mắt không am hiểu là một trò chơi tầm thường, không đòi hỏi trí óc nhiều, không đòi hỏi sự khôn ngoan, khéo léo. Cứ ném những quân bài vô dụng xuống và lựa lấy bộ mạnh nhất. Chính sự khôn ngoan lọc lõi là ở đấy. Còn lại là chuyện may rủi.
Tôi đã nghĩ như thế trước khi nhìn thấy Hatter chơi bài. Bây giờ thì tôi đã biết rằng poker là trò chơi tài tình nhất thế giới.
Dù có đấu với Hatter bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn không thể hiểu lúc nào thì lão chơi thật với bộ bài đẹp trên tay còn lúc nào thì nghi binh. Vẻ mặt, giọng nói, cái nhìn không hề làm lộ ra ý nghĩ và xúc cảm thực của lão. Lão vẫn kín như bưng dù là lấy được bốn con K với con Phăng hay là chỉ có ba mụ Q tội nợ. Chính ở đó ẩn giấu bí quyết thắng lợi của lão. Tôi có cơ sở để cho rằng Hatter ngồi lên hàng kinh doanh loại bự chính là nhờ ở những thành công lớn lao trong nghề chơi bài. Dĩ nhiên, trong quyển tiểu sử về lão mà tôi viết ba năm trước, không có lấy một lời nào về những nhận định tư ơng tự. Lúc ấy Hatter ra dáng con người của thời đại anh hùng của nghề kinh doanh. Dòng dõi chi dưới của một gia đình đông đúc, con trai một điền chủ bang Illinois, là một thanh niên phóng túng, thích phiếu lưu, lão đã bỏ nhà từ thời trẻ, lang thang khắp đất nước. Làm bần nông, thợ đốn củi. Thả bè gỗ. Đắp đường. Và cuối cùng, sau khi dành dụm được ít tiền, lão lên đường đến Texas tìm dầu lửa. Anh chàng kinh doanh mới vào nghề khoan được cái lỗ khoan may mắn trong đời và tìm ra vỉa dầu lửa giàu nhất. Dường như là nhà kinh doanh Hatter, tỉ phú tương lai, đã sinh ra như thế.
Kẻ có hàng tỉ đôla trong tay thật khó mà cảm thấy mình bằng vai phải lứa với người khác. Hatter không thể và không muốn quên, lão là một con người khác thường, đứng trên mọi người, là người số một trong số những kẻ đầu đàn. Lão nói năng chậm rãi, oai vệ, không lo người ta ngắt lời. Lão đã quen được người khác kính cẩn lắng nghe, kèm với nhận thức hèn kém của họ so với lão. Lão tin chắc rằng hễ mở mồm ra là lão lại phán ra chân lí dưới dạng thuần tuý nhất. Lão lãnh đạm một cách chân thành và kiên định với vấn đề ăn mặc của lão. Luôn luôn ra ý cho mọi người hiều rằng tiền của lão là vô địch. Thật là lạ cho một người ở địa vị như lão, lão không bao giờ lai vãng các giải trí viện ở Las Vegas, không lôi về tư dinh của mình lũ gái đẹp đắt tiền, không tổ chức các cuộc vui, vũ hội sang trọng, xa xỉ như những trùm tư bản khác. Không hút thuốc. Không xài whisky, brandi, bia. Lão thường đi ngủ sớm. Dậy trước khi mặt trời mọc. Làm việc suốt ngày.
Năm năm sống kề với Hatter, hàng ngày tiếp xúc với lão, nhưng chưa lần nào tôi thấy lão thật sự vui với đời. Lúc nào lão cũng trầm ngâm suy tư. Lo nghĩ cái gì đó. Nhìn đăm đăm vào đâu đó, vào cái gì đó. Lão sợ những phiền toái, những cú giáng, sự rình mò, phản bội nào đó. Trạng thái thường xuyên của lão là cảnh giác đề phòng muôn thuở. Sự cảnh giác của một mãnh thú khôn ngoan luôn sẵn sàng đánh lui sự tấn công bất ngờ của đồng loại. Chỉ khi chơi poker với tôi thì lão mới cảm thấy vui vẻ ít nhiều.
Lão thường nói ít và dè lời, chỉ trong những trường hợp bất đắc dĩ, khi mà cái nhìn, cử động, cái gật đầu, nắm tay chặt ngón trỏ, lông mày rướn, cái mồm méo đi, cái hèm hay cái tặc lưỡi không thể thay thế cho lời nói được. Đôi khi lão thả lỏng cho cái lưỡi, dường như để bù cho những ngày im lặng, và đâm ra gần như là lắm lời, có lúc rơi vào khoác lác. Kẻ khoác lác hay quên sự cẩn trọng, hay hé mở những điểm yếu.
Lão chỉ đọc những giấy tờ sự vụ, Kinh Thánh và một vài tờ báo. Nhưng được cái có khả năng nghe và xem nhiều tiếng liền các chương trình của các đài phát thanh và vô tuyến thuộc quyền lão. Những kẻ chủ nhiệm thừa biết nhu cầu và sở thích của sếp họ và không đưa lên làn sóng điện những gì khả dĩ gây nên cơn giận dữ của lão hay chí ít là sự không hài lòng. Trong công ty của Hatter quyền làm tiền được ban cho tất cả nhân viên của lão, nhưng làm đại chính trị thì lão không giao thác cho ai. Tự lão làm lấy.
Hai mươi năm trước, lão mất vợ trong những tình huống bí ẩn. Từ đó, lão goá vợ. Con trai và hai con gái ngay sau khi mẹ chết vào ở trường cao đẳng nội trú kín và sau khi tốt nghiệp đều ở riêng. Hatter nói đến con cái với sự khinh thị như là nói đến những kẻ thừa kế phá gia chi tử. Lão chỉ còn thương mỗi đứa con trai cả Barry Mark bệnh tâm thần. Cạnh dinh thự chính ở Texas, lão xây cho đứa con ba mươi tuổi một căn nhà điều trị, thuê một đội đầy tớ, chỉ huy một đoàn thanh nữ yêu kiều. Cưu mang Barry làm lão tốn một phần tư triệu đôla hàng năm.
Vài nét phác qua như thế tạm thời là đủ. Tôi sẽ còn phải vẽ nhiều nữa chân dung ông Bạc tỉ. Lão làm mẫu vẽ cho tôi ngày lại ngày mà không ngờ. Nếu không bị rơi vào vó lũ thám tử đặc biệt canh giữ Hatter và những bí mật của lão, thì tôi sẽ viết câu chuyện xác thực về lịch sử thành đạt của Harold Hatter - “Success Story” [26].
Trở lại chuyện poker.
Trong tay tôi là năm quân bài. Ba con át, con bảy và con chín. Mở đầu thế là không tồi. Tôi quẳng hai con bài lẻ xuống và lấy lên được con át rô và con phăng. Thành một bộ tuyệt vời. Ước mơ của một người chơi poker. Không còn gì tốt hơn nữa.
Hatter chỉ đổi một con bài. Lão hi vọng được bộ suốt?
Hay là lão đã có carê [27] rồi?
- Nghĩ lâu quá đấy, tôn ông ạ, - Hatter cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Lão chăm chú nhìn tôi và cười bằng đôi mắt trong như nước đá.
Lâu thế kia ư? Thế mà tôi cứ tưởng...
Tôi ném lên bàn tờ hai mươi đôla:
- Tôi chơi đấy.
Hoặc giả cử động của tôi vội vã, quá táo tợn, hoặc giả trên mặt tôi phản ánh sự tin chắc được cuộc, hoặc giả Hatter đã nhìn thấu qua quân bài của tôi, tôi không rõ, nhưng lão không để cho tôi cuốn lão vào cuộc. Lão lắc đầu, nói “Pass”[28]. Tôi hàng ngay để khỏi bị thua nhiều. Tôi không kìm được, nhòm vào bộ bài của lão. Một bộ tuyệt đẹp. Carê!
- Sao lại thế, ông Harold? Sao ông không chịu chơi?
- Thứ nhất là một người chơi poker thực thụ không cho phép mình có hành động bất lịch sự như thế; nhòm bài người khác sau khi người đó nói “Pass”. Chỉ nội hành động như vào thời khai phá Miền Tây cũng đủ để ăn roi đầu bọc chì rồi. Có khi đến chỗ vung súng lục ra. Thứ hai là, tôi chơi để làm gì khi đã hiểu là anh sẽ đánh cho đến kì thắng với quân bài chúa tể của mình.
- Ông làm thế nào hiểu được điều ấy?
- Tôi vẫn luôn nói với anh, tôi là tay chơi poker cự phách nhất thế giới mà lại.
Tôi không thể không lợi dụng dịp này mà hỏi:
- Xin ông nói thử, nếu không có gì bí mật, tay chơi poker cự phách nhất thế giới là thế nào?
Trước đây, khi chơi poker với Hatter, tôi đã thận trọng thử hỏi những câu tương tự, nhưng lão luôn nói giỡn. Lúc này đây, tuy tôi không tỏ chút năn nỉ nào và cũng không hi vọng được trả lời thì lão bỗng nhiên nhân nhượng. Tại sao? Cơn cởi mở chăng? Mong muốn khoác lác không cưỡng được? Dù với lí do nào đi nữa, nhưng bức màn đã từ lâu che giấu những năm trai trẻ của nhà tỉ phú, đã mở ra trước tôi.
Tay xóc bài và mắt nhìn qua cửa sổ sang Lầu Năm góc, lão nói:
- Được, đã thế thì tôi sẽ kể anh nghe tôi trở thành tay poker cự phách nhất thế giới ra sao. Cái đó rất đơn giản nếu như trong anh có thiên tư. Mọi cái có thể học được, chứ poker thì không. Nếu anh không phải là tay poker thiên bẩm, sớm hay muộn anh cũng thua bạc, dù anh có lắm tiền như quốc vương Saudi Arabia hay lão Onassis[29] người Hy Lạp.
Hatter dừng lại giây lát, độ lượng nhìn tôi ra ý bảo bây giờ tôi có thể nói được rồi. Tôi hỏi:
- Một tay poker thiên bẩm phải có những tài năng gì?
- Tôi sẽ giải thích ngay bây giờ. Anh hãy hình dung là quanh bàn có năm vị giàu có đang chơi poker. Tôi chia bài. Nhìn đây!
Hatter bằng động tác uyển chuyển của nhà ảo thuật rải bộ bài trên bàn sao cho các quân bài nằm ngửa mặt lên và xếp lớp nhau. Trong tích tắc, lão thu cỗ bài lên bằng tay áo sơ mi và cười khẩy.
- Thế là xong trò chơi. Trò chơi này tôi làm chủ! Tôi biết chính xác đối phương đó có những con bài nào. Bọn họ không tránh khỏi thua. Tôi đã tính hết, lường hết. Tôi được võ trang, còn bọn họ chỉ có tay không. Nào, ta kiểm tra xem.
Hatter đẩy cỗ bài về phía tôi:
- Trên cùng là con át nhép. Dưới nó là Q pích. Tiếp theo là tám cơ. Sau nữa là Q rô. Rồi át cơ. K pích. Q nhép. Mười rô. Tám pích. Cứ thế mà tiếp. Dưới cùng là hai con J đỏ, con phăng và K rô. Tất cả đều đúng.
- Làm cách nào ông biết được?
- Khi tôi chơi poker, tôi dựa vào trí nhớ máy ảnh của mình. Tôi có thể lướt qua các con bài rồi sau gọi tên lần lượt trong cỗ bài không hề nhầm lẫn. Chơi poker phải nhớ quân bài người ta đi, đã đành rồi. Còn cái này cũng quan trọng. Đa số người chơi xóc bài cẩu thả nên quân bài thường giữ nguyên thứ tự.
Khi đã tuôn lời, Hatter không thể dừng lại được nữa. Lão nói suốt lượt:
- Tôi thấy mình chơi poker cừ gần như từ khi còn trong bọc tã. Anh không tin chăng? Tôi nói thật đấy. Tôi còn chưa biết đọc biết viết, khó khăn lắm mới gạo được mấy chữ “Thưa Đức cha của chúng con”, mà đã chơi poker rồi. Không phải được chăng hay chớ đâu nhé: thắng cả các anh ruột là những người đã chơi poker đến nghiện ngập. Cả đến bố tôi, người chơi cự phách của bang Illinois, cũng bị đo ván. Và tôi vét sạch của hết láng giềng này đến láng giềng khác. Tôi đạt được điều đó cũng không vất vả gì lắm. Cái khiếu bẩm sinh, nhìn, nghe mọi thứ xung quanh, không bỏ sót cái gì quan trọng, cần thiết rất được việc. Và mọi cái không sót cái gì, cho đến những chi tiết nhỏ, tôi đều ghi nhớ. Tôi không phóng đại và vỗ ngực khen mình thiên tài đâu. Đầu tiên khi thắng, chính tôi cũng ngạc nhiên, không hiểu tại sao mình lại trúng như thế!
- Thế lần được món tiền to đầu tiên ấy, ông hãy còn nhớ?
- Sao lại không! Tôi nhớ rất rõ dù là đã hơn ba mươi năm. Những sự kiện như thế, anh bạn thân mến ơi, quên thế nào được. Chà tuổi trẻ! Ta sẵn lòng trả giá nhiều để lấy lại nó!... Tôi khai thác gỗ ở Pecos Valley và ở New Mexico. Trại chúng tôi nằm cạnh nhánh đường sắt, còn nhánh thứ hai cách chỗ chúng tôi hai dặm dẫn đến nơi người Mexico làm việc. Buổi chiều, tôi thường đến đó chơi cúp can. Đó là một trò chơi thông minh. Phải chơi bằng cỗ bài Tây Ban Nha có bốn mươi quân, không có các quân tám, chín và mười. Một chiều ấm áp, chúng tôi ngồi ngoài trời và tôi chia bài lên cái giỏ đựng đồ vải lộn ngược. Thình lình tôi bắt đầu thắng, và thắng to. Mọi người trong trại đổ xô đến nhóm chúng tôi. Máu hăng trùm lên mọi người, ai cũng lôi ra số tiền cất giữ được. Tôi ăn suôn sẻ hết ván này đến ván khác. Chúng tôi chơi đến tối khi mà tất cả số tiền của bọn Mexico chui vào túi tôi.
Buổi chiều hôm đó, tôi được bốn nghìn đôla. Tôi giấu tiền sâu trong túi, nhã nhặn tạm biệt đám người Mexico và đi bộ ra về dọc theo đường sắt. Khi đi được quãng đường vừa tầm súng, tôi nhảy phốc sang bên, lăn xuống nền đường và lẩn vào rừng. Tôi tin chắc rằng nếu cứ tiếp tục đi theo dẫy tà vẹt mà chưa hút tầm mắt những kẻ thua bạc thì không còn sống để thấy món tiền được cuộc nữa. Tôi chạy vòng vèo qua rừng, đi đường quành xa và tảng sáng mới về đến trại. Tôi đủ trí khôn để không hở cho ai hay chuyện hôm trước. Vào buổi trưa, cũng không hé răng với người nào, tôi lên tàu hỏa và đi nơi khác. Tiền luôn bên người tôi.
Đầy khâm phục và lễ độ, tôi hỏi thẳng:
- Bốn nghìn ấy là nền tảng cho của cải của ông bấy giờ?
- Không. Tôi còn nhiều năm tay trắng. Tôi phiêu bạt khắp các ổ bạc ở California, Bắc và Nam Dacota. Làm những cú con con. Lảng vảng ở các sòng bạc. Hợp tác với các tay anh chị hành nghề bí mật ở Canada. Tôi sống cũng không đến nỗi tồi, có tiền và đợi dịp may lớn. Người ta biết tôi ở khắp các sòng bạc miền Nam. Chính tại miền Nam, giờ phất của tôi đã đến. Vào một ngày kia, số phận run rủi tôi gặp lão chủ giếng khoan dầu. Đó là ở bang Arizona, trong sòng bạc có cái tên nhiều hứa hẹn “Eldorado” [30]. Đối thủ của tôi đấu dữ lắm. Hắn cũng biết mọi bí quyết poker không kém tôi. Chúng tôi chơi ở thế cân bằng. Nhưng tôi đã gặp may. Tôi ăn của hắn hết cả số tiền mặt, tất cả số ngân phiếu. Không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có bước ngoặt trong cuộc chơi. Đáng lẽ kẻ bị thua phải dừng lại. Nhưng ai lại bỏ cuộc vào giữa lúc quyết liệt nhất? Một tay poker thực thụ phải chơi cho đến thất bại hoàn toàn hay đến thắng lợi hoàn toàn. Đối thủ của tôi ném vào canh bạc cái quý nhất mà hắn có – giếng dầu sản lượng cao. Tôi được cuộc. Ngày hôm ấy “Thêm một công ty dầu lửa đã ra đời như thế đấy”, - tôi nghĩ bụng. Tôi không thổ lộ lấy một lời. Ngồi yên, tôi đợi Hatter quyền năng dốc tiếp bầu tâm sự.
Cả sau keo thắng như vậy – lão poker nói tiếp trong mớ kí ức ngọt ngào đang xâm chiếm lão – tôi vẫn chưa đặt nền cho cái bây giờ gọi là "Hatter Industries". Cái đó là chuyện mãi về sau. Quả thực, tôi đã có căn nhà sang, có gia đình, tiền bạc, đã mua vết cái lô có dầu ở Texas, nhưng chưa có được ảnh hưởng và người ta chỉ biết tôi trong phạm vi bang này. Nhiều kẻ hạng át của Texas còn chế giễu tôi. Cũng không phải là không có lí. Hồi ấy tôi hãy còn rất thô kệch. Còn xốc nổi lắm. Nghĩ thế nào là làm thế ấy. Trời xui khiến thế nào thì tôi dịch quân cờ thế ấy. Không hề nghĩ trước tới hai nước đi. Chỉ dựa vào cơn hứng, vào cảm tính, vào trực quan, vào sự may mắn.
Hatter nhìn đồng hồ, cười mỉm, khoan khoái nhấm nháp những gì sắp nói ra với tôi, rồi như sợ không nói hết trong khuôn khổ thì giờ cho phép, lão nói một thôi một hồi:
- Lúc ấy tôi đã mua những khu đất ở gần Leiker village. Mấy năm đã trôi qua sau lễ cưới của tôi, và chúng tôi đã có con. Một hôm bà vợ bảo tôi đưa con gái đến New Orleans: phải cắt amiđan cho nó. Thế là tôi đi. Sau khi để con gái ở bệnh viện, tôi tạt vào một câu lạc bộ ở trong khách sạn “Grunwald”.Bây giờ người ta gọi là khách sạn Rosevelt.
Tôi mua trăm đôla phiếu ghi điểm để chơi. Tôi định làm giảm xương giãn cốt một chút trước bữa ăn. Đến bữa ăn trong túi tôi đã có 700 đôla được bạc. Buổi chiều tôi lại đến câu lạc bộ và lại ngồi vào chơi. Bước vào phòng, nơi đang diễn ra canh bạc, tôi phát hiện ra những đấu thủ sừng sờ nước ta đang ngồi đó, những bậc thầy có tiếng về poker. Nhưng tôi có một lợi thế: tôi biết họ ở khắp các sòng bạc của nước Mỹ, người ta đều biết họ! Mà họ không biết tôi. Tất cả những gì họ biết về tôi chỉ có thế này: tôi là chủ đồn điền ở đồng bằng Mississippi, mà những anh chủ đồn điền, những anh tỉnh lẻ đù đờ và những cậu chàng ngô nghê đều không phải là đối thủ đáng gờm đối với họ.
Hôm đó rời câu lạc bộ vào quá nửa đêm. Trong túi tôi xủng xỉnh mười nghìn rưởi đôla. Chính vào cái buổi tô ëi ấy tôi đã vỡ lẽ, là đấu thủ poker cự phách nhất thế giới.
- Thế rồi sau thế nào?... Ông, theo tôi hiểu, bắt đầu làm ăn lớn?
Hatter gật đầu. Trong cái hố sâu sáng rực hai đốm mắt nhỏ, mà thường ngày đùng đục. Cái mặt dài nghêu xương xẩu ấm hẳn và hơi hồng lên. Lão tỉ phú không ngượng với quá khứ của mình. Trái lại, lão thích nó.
- Từ đó trở đi tôi không bao giờ bị thua. Khi đã bỏ túi một triệu, tôi thôi lai vãng đến các sòng bạc.
- Sao vậy? Ông là tay chơi poker vĩ đại nhất thế giới cơ mà?
- Tôi đã thành ngoáo ộp đối với những đấu thủ nhiều tiền. Tôi chẳng có ai mà chơi nữa. Bọn người không có khả năng chơi lớn, thì tôi không thèm. Tôi chuyển sang kinh doanh thuần tuý.
Lịch sử làm giàu tiếp theo của Hatter thì tôi đã rõ. Lão kiếm những bạc triệu không lâu so với các dòng họ Rockefeller, Ford. Kennedy, v.v... Khoảng ba mươi năm nay, lão đi vòng vèo có tính toán theo những ngõ ngách chông gai của nghề kinh doanh của người Mỹ. Lão đã qua được những trở ngại nghiêm trọng nhất. Thâu góp được những bạc triệu đầu tiên. Lão không vội vã công bố điều đó từ đỉnh tòa Empire State building. Lão vẫn thu mình trong bóng tối, bên những nhà doanh thương hạng trung. Lão không xây cung điện cho mình. Lão không tậu những lâu đài cổ bên Anh và không dỡ chúng ra chở về qua đại dương. Lão không đi những xe hơi lộng lẫy, làm theo đơn đặt hàng đặc biệt. Lão mặc áo len thô, cổ trễ, đi giầy đã cũ kĩ, mặc quần nhung bông, sùi lên ở đầu gối.
Hatter xuất hiện trên đỉnh Ô-lim-pơ [31] tiền bạc của nước Mỹ bất ngờ đối với cả những nhà tài phiệt và công nghiệp lão luyện, am tường. Lão leo lên đây khi đã không sợ ai. Không sợ cái gì nữa. Vào lúc sức lực dồi dào nhất, có hàng trăm triệu trong tay, về mọi khía cạnh lão không còn chỗ yếu nào.
Các ông vua tiền tệ có nòi buộc phải xích chật lại để nhường một trong những chỗ số một cho một kẻ chơi trội, không dòng dõi, không gia thế. Bọn họ căm tức, nhưng phải chịu. Có những dấu hiệu cho thấy sự kiên nhẫn của bọn họ đã cạn. Chuyến đi bí mật của chúng tôi lên Washington lần này là do cú đấm choáng váng mà những kẻ thù của Hatter đã giáng xuống công ty của lão.
Chúng tôi chơi đã được một lúc, nhanh nhẹn và say sưa trong yên ắng, im lặng, đặt cược, cầm lên và hạ xuống những quân bài thừa, nghi binh và hé mở khi cần những bộ ăn được. Tôi chơi cẩn thận và may mắn vẫn rất hiếm khi ngoảnh mặt cười với tôi. Trí nhớ tài tình như máy ảnh của Hatter làm việc không chê được.
Bỗng lão lặng đi với cỗ bài trong tay, căng tai lắng nghe. Lập tức tôi cảm thấy ngay có luồng không khí mới sau lưng – ai đó mở cửa không một tiếng động và nhẹ nhàng đi vào. Qua vẻ mặt đấu thủ của tôi, tôi hiểu là viên đại sứ chính yếu đã về. Trán to, tức Mark Hasson. Chỉ có hắn được quyền đột nhập vào phòng riêng của Hatter mà không cần cho gọi, không phải gõ cửa bất kì lúc nào cả ngày hay đêm.
Tôi không thích Mark. Tôi sợ. Tôi đoán hắn ghét tôi. Tôi tin chắc rằng con người này chỉ rình dịp và đợi cớ để tóm lấy cổ tôi. Tôi lấy hết sức gắng giấu thái độ thật của mình với hắn. Trong mọi trường hợp, tôi đều biểu thị thiện ý cao nhất của mình với hắn.
Tôi quay nhanh người lại. Vâng, chính là hắn ta. Chủ tịch ban quản đốc công ty “Hatter Industries”. Cao. Đĩnh đạc. Lưỡng quyền to. Hói. Trán to. Cặp mắt bò đực lồi dưới hàng lông mày chổi xể.
- Hello, Mark!
Tôi mỉm cười với hắn. Nhưng hắn chỉ cau mày gật đầu với tôi và thả người đánh phịch xuống cái đi văng thấp. Hắn rút cái tẩu đen nặng tổ bố ra và châm lửa.
Mark Hasson bận đồ dân sự: comple bằng vải phlanel màu tro, sơ mi trắng, cravat bướm màu sẫm, ủng đen bóng. Tuy nhiên, kể từ phút giây hắn bước vào, trong phòng sực mùi đồ lính ướt, da lính, thuốc lá lính. Khi hắn ngồi xuống, tôi có cảm giác như thắt lưng đeo đạn dược đang rít lên.
Phần lớn cuộc đời mình, Mark vận bộ đồ quân nhân. Nhưng hắn chưa bao giờ là quân nhân theo cái nghĩa hẹp của từ này, tức là sĩ quan trong đội ngũ. Hắn chưa từng chỉ huy lấy một đơn vị nhỏ nhất. Sau khi tốt nghiệp West Point [32], hắn vào đội quân đặc nhiệm chuyển về công tác mật, phòng giấy, có tính chất nghiên cứu. Rời cơ quan CIA sau khi thay sếp. Bây giờ hắn phục vụ cho đế chế Hatter và thay mặt lão điều hành các nhà máy lớn, các cơ sở dầu lửa, các nhà băng, xí nghiệp, đài phát thanh, đường sắt huyết mạch, các hãng hàng không, hạm đội chở dầu, v.v... và v.v... ở đoạn khác, tôi sẽ đầy đủ hơn về tay quản lí kì lạ đối với cả giới kinh doanh nước Mỹ này.
- Sao? – Hatter hầm hừ lên tiếng, không cao giọng tay vẫn xóc bài.
Mark ngậm cái tẩu đã cháy hết, có thể quẳng đi từ lâu được rồi và không trả lời ngay.
- Sao! – Hatter sốt ruột nhắc lại, vẫn không cao giọng.
Mark Trán to rít òng ọc, ồm ộp cái tẩu, nhìn sang tôi không rời mắt, im lặng, khinh thị ra mặt.
Tôi đứng dậy, đi ra cửa.
- Ngồi xuống đi, Serge. – giọng Hatter vẫn nhẹ nhàng, đôn hậu, không bực dọc, cũng không có tính chất mệnh lệnh.
Tôi dừng lại dáng lưỡng lự:
- Nhưng... tôi cảm thấy hình như...
- Đó là anh cảm thấy hình như, - Hatter ngắt lời và oai vệ nhìn viên chủ tịch hãng của mình. – Có thể thế không, Mark?
Tay này im lặng nhún vai, bỏ tẩu đi và thong thả rành rọt, bằng giọng của kẻ cấp dưới trả lời cấp trên, hắn nói:
- Tùy ở ông, thưa ông Harold.
Hatter nhanh nhẹn đẩy cho tôi số tiền mà tôi được, rồi chuyển ngay cái chính sang Mark.
- Sao, có tin tức gì mới?
- Chẳng có gì tốt đẹp cả. Thất bại hoàn toàn.
Mặt Hatter không động đậy. Mắt vẫn bình thản. Tay chơi poker tự chủ một cách hoàn hảo.
- Tôi cũng đã nghĩ thế, – lão nói. Những ngón tay lão gõ gõ trên mép bàn bóng lộn. – Cứ kể đi!
- Ủy ban của Lầu Năm góc chống việc kí giao kèo với chúng ta. Propster sẽ nhận được đơn đặt hàng chế tạo máy bay “Tiên tri”.
- Sẽ nhận được hay đã nhận được rồi?
- Đa số các tướng lĩnh đã bỏ phiếu cho Propster.
- Cái đa số ấy ở đâu ra? Mới ba ngày trước, một nửa số thành viên ủy ban còn đứng về phía chúng ta cơ mà. Propster đã kéo về phía mình những kẻ hứa ủng hộ ta?
- Quả có như vậy?
- Có chuyện gì vậy. Mark? Anh không hào phóng với một vài viên tướng hay sao?
- Tôi không hà tiện, nhưng Lầu Năm góc vẫn ưa Propster hơn.
- Nói mông lung quá. Lầu Năm góc nó to, chia thành các khu vực. Trong mỗi khu vực từ “A” đến “E”, như anh cũng biết rõ, đều có bạn bè trung thành của chúng ta. Cụ thể là ai bỏ cho Propster?
- Tôi muốn nói dãy phòng của các ông chủ.
- Ai mới được chứ?
- Trước tiên là Lord Patrick.
- Hắn biện luận thế nào cho quyết định của mình?
- Hắn nói xí nghiệp của Propster thực hiện đơn đặt hàng rẻ hơn, nhanh hơn và tin cậy hơn.
Hatter cúi sát xuống bàn, bằng vài nét chì phác thảo lão vẽ nhanh trên giấy hình “Tiên tri” – máy bay tiêm kích oanh tạc đang được nhắc đến. Máy bay trông giống con cá mập: thân dài và hẹp có vây nhọn, mõm hung ác vươn ra, hơi khoằm xuống.
- Anh đã tính chưa, Mark, cái chiến dịch bị tiêu tan này làm chúng ta tốn phí mất bao nhiêu?
- Tôi không vội tính hao lỗ. Ta còn hai – ba đòn phản kích hay. Ông phải nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng. Nói rõ hơn thiệt, bảo chúng ta sẽ làm “Tiên tri” rẻ hơn, tin cậy hơn. Cứ hứa, rồi sau sẽ rõ. Ông phải gặp bộ trưởng càng sớm càng tốt.
- Vô vọng thôi. Tuy lão bộ trưởng ngồi ở chái nhà phía nam, nhưng lúc nào lão cũng nhìn lên hướng Đông bắc: lên các nhà của Dearborn[33], lên Chicago[34], các lò luyện thép của Gary[35], vốn tư bản của Cliveland, Boston[36]. Cựu quản lí các nhà máy công ty Ford cựu chủ tịch quỹ Ford không thể hiểu được quyền lợi của người Texas.
- Hãy giải thích cởi mở thẳng thắn với ông ta, ông ta sẽ không dám tuyên chiến với ta đâu.
- Đã tuyên chiến rồi đấy. Anh thử nhìn danh sách chủ thầu cho Lầu Năm góc xem nào. Texas ở đâu. Người ta dồn chúng ta xuống vị trí thứ mười một. Còn ai đứng trước? Những kẻ mà Nhà Trắng và Lầu Năm góc đỡ đầu. – “General Dynamics”, “Lockheed”, “Boeing”, “General Electric” v.v.. Texas hùng mạnh nhất, giàu có nhất, đang thịnh vượng với dầu lửa của nó, với Houston[37] với trung tâm vũ trụ lại ở vị trí thứ mười một! Đó là cuộc chiến tranh thật sự nhất của Lầu Năm góc và Nhà Trắng chống lại Texas.
- Ông cứ thế mà nói với ông ta. Tôi cho rằng ông ta sẽ không dám nhận lời thách thức của người Texas.
- Tôi sẽ không đến gặp ông ta. Quá là vinh dự.
- Ông muốn mất những bạc triệu sao?
- Tôi muốn giáng trả một đòn.
- Ông đã nghĩ ra kế gì?
- Phải. Công ty “Phụng sự thánh thần” và chủ tịch của nó Batistini lần này sẽ phục vụ ta đắc lực. Có điều là hơi đắt. Không sao, mọi chi phí ta sẽ lại bù bằng lãi ngay ấy mà.
-Vâng, Batistini là người được việc, – trán to nói và lại tắc họng ngay. Hắn nhìn chằm chằm vào tôi bằng đôi mắt bò đực, như muốn hỏi: làm sao mà ngươi lại lọt được vào đây?
Từ từ bất đắc dĩ quay mặt đi, hắn hỏi:
- Thế ông định làm gì, thưa ông Harold?
Hatter không trả lời ngay. Lão đứng dậy. Đi suốt căn phòng. Lão dừng bên cửa sổ và nhìn một lúc lâu cái khối khổng lồ năm góc lọt thỏm dưới thung lũng xanh ven sông.
- Đã là chiến tranh thì mọi phương tiện đều tốt cả. Hình như, một thống tướng đã nói thế khi bắt đầu cuộc chiến tranh khó khăn nhất đã làm tên tuổi ông trở thành bất tử. Chúng ta sẽ theo gương các nhà buôn vĩ đại thời cổ – Lão đi nhanh đến phía Trán to, tóm lấy cái khuy trên của chiếc áo vét phlanel của hắn, ấn nó, như ấn nút báo hiệu, mỗi lúc một sâu vào ngực Mark, lão nhấn từng câu ra lệnh ngắn: - Batistini phải thành đồng minh của chúng ta. Nó muốn bao nhiêu thì cho nó bấy nhiêu. “Tiên tri” phải được làm tại các nhà máy của ta. Hôm nay chỉ ngần ấy, tướng quân ạ! Hãy hành động đi! Tôi sẽ ở Niagara. Ba ngày chắc đủ cho anh?
- Tại sao ông lại không gặp chính Batistini nhỉ, thưa ông Harold? - Hatter phá lên cười.
- Nói chuyện với thằng lùn ấy? Nắm cái tay nhớp nháp của hắn? Cười với đồ ngợm ấy? Nghe cái giọng ái nam ái nữ ấy? Xin kiếu! Tiền tôi quẳng ra cho hắn là đủ rồi. Cộng với cú điện thoại nữa kia mà.
Mark Trán to cắn cặp môi dày, muốn nói điều gì, song lại thôi. Câu chuyện đến đây lẽ ra kết thúc, nếu không có sự xuất hiện của Arthur Bolte, mới được anh thợ cạo tỉa tót cho cái đầu theo kiểu Clark Gable [38] thời kì sau. Thường khi đến gặp ông chủ. Arthur phóng hết công suất nụ cười mãnh liệt của mình, tình yêu và lòng trung thành với con người giàu nhất, mạnh nhất trên đời, niềm tin không lung lay của anh ta rằng "Hatter Industries" là hãng lớn nhất, có ảnh hưởng nhất, thịnh vượng nhất thế giới, bây giờ đây bộ mặt Arthur trắng bệch, hoang mang.
Anh ta chỉ vừa mới bước qua ngưỡng cửa đi vào thì Hatter đã lại với lấy quân bài, bắt đầu xóc.
- Có chuyện gì thế?
Arthur kiệt sức nhào xuống ghế bành, lấy khăn lau khuôn mặt ướt như mới đi mưa về.
- Nhà Trắng kiên quyết thực hiện ý định của mình, giáng vào các nhà công nghiệp dầu lửa: bãi bỏ đạo luật về giảm giá thuế. Một dự luật đang được chuẩn bị[39].
- Thật quái dị! Bốn mươi năm nay đạo luật này phục vụ chúng ta, thế mà bây giờ... Anh nghe thấy chưa, Mark? Tình hình đã phức tạp thêm. Ngày mai anh phải gặp người mà chúng ta cần. Tôi sẽ gọi điện cho hắn. Serge sẽ cùng đi với anh?
- Thêm người cùng đi làm gì?
- Cần phải thế, – lão ôm tôi và Trán to rồi đẩy nhẹ ra phía cả. – Chúc các bạn may mắn!
o O o
Tôi gặp Mark, theo hẹn ở phía nam Houston, gần trạm tiếp xăng: tôi đến đấy bằng xe buýt, còn hắn đi xe Cadillac sự vụ màu đen. Chúng tôi bảo anh nhân viên mặc đồng phục rót cho xe chúng tôi nhiên liệu đầy đến tận cổ bình xăng để mà, như lời chúng tôi nói, có thể đi một mạch đến bờ Đại Tây Dương, đến tận Orleans.
- OK! Đủ cho các ông đến New Orleans rồi quay về ấy chứ! – anh chàng da đen cười, lấy khăn giấy ẩm lau kính ôtô.
Chúng tôi trả tiền, đeo kính đen lên và phóng dọc kênh đại dương trên xa lộ ngược chiều với mặt trời chói chang trên đ ỉnh đầu. Thực ra chúng tôi phải đi về hướng khác cơ,
- lên miền bắc Texas.
Ít ai gọi anh bạn đồng hành của tôi theo đúng tên họ, hắn thường được biết dưới cái tên Mark Trán to, hay gọn hơn, – Mark. Hắn điều hành Bạc tỉ và cả một đội quân nhân viên, nhưng qua hình dáng bên ngoài thì không khác mấy một tay quản lí trung bình ta thường gặp đây đó. Hắn cố ý giản dị. Bây giờ cái này đang mốt và được các ông chủ tán thưởng. Một tay kinh doanh điển hình trong comple xám bằng vải phlanel, được ca tụng trong tiểu thuyết nổi tiếng của Slow Wilson. Trên bộ mặt ra vẻ cởi mở, thông minh, siêu nghị lực kia tỏa sáng một nụ cười hào hiệp mời chào không tắt, luôn thường trực đối với tất cả mọi người. Tôi biết Trán to như thế cho đến ngày hôm nay.
Mark lái xe. Tôi ngồi cạnh và hút thuốc. Trong giây lát, hắn rời cái nhìn không lấy gì làm hoan hỉ khỏi mặt đường bê tông bê tông, xiên chéo sang tôi một cách nghi ngờ và nghiêm nghị hỏi:
- Anh mò đến tận chỗ hẹn gặp một cách bình yên đấy chứ?
- Có lẽ thế.
Hắn không thích câu trả lời thiếu quả quyết của tôi, và hắn còn nhìn tôi u ám hơn. Trán to thay đổi đến mức không nhận ra. Không còn nụ cười mời chào, đôn hậu, vui vẻ thường trực trên mặt hắn nữa. Cái mặt nạ chán ngấy đã bị vứt bỏ. Tham mưu trưởng của Hatter hiện ra trước mắt tôi đúng như chân tướng của mình. Hắn ác độc, hách dịch kiêu ngạo hỏi:
- Nghĩa là, anh không dám bảo đảm là không kéo theo mình một cái đuôi nào đấy?
Tôi bất giác quay lại phía sau, nhìn dòng ôtô hàng ba vô tận.
- Làm sao biết được ai vô tình, ai chủ ý bám đuôi mình?
- Tôi muốn biết có ai theo dõi anh khi lên x e buýt đi gặp tôi không?
- Tôi không phát hiện thấy ai.
- Tốt lắm! Tôi cũng không bị theo dõi.
- Chúng ta làm ra vẻ đi New Orleans, trong khi lẽ ra phải đến Ford Worth để làm gì?
- Để phòng xa, – Mark làu bàu.
- Thưa ông, ông sợ địch thủ của ta ở hãng “General Dynamics” sao?
Hắn quay phắt lại phía tôi, ngạo mạn nói:
- Không. Chẳng qua tôi quen làm công việc của mình cho tốt, với dự trữ sức bền cao. Đã đến lúc anh phải hiểu điều đó, Brooks ạ!
- Hình như tôi đã làm ông mất vui, thưa ông? Xin lỗi, tôi đâu muốn thế.
Mark Trán to im lặng đầy ngụ ý, cắn lớp môi dày, rồi hỏi:
- Anh đã khi nào trông thấy lão quỷ sứ ấy chưa... Giovanni Batistini ấy mà?
- Không, thưa ông. Nhưng tôi nghe nhiều về hắn ta.
- Thế hả, thế anh đến gặp lão với tâm trạng thế nào?
- Tò mò xem con người bé nhỏ mà người ta thêu dệt lắm huyền thoại.
- Chỉ có thế thôi?
- Còn gì nữa? Bạc triệu của Batistini không làm tôi ngạc nhiên. Harold Hatter còn nhiều đôla hơn lão... hơn lão quỷ sứ này.
- Giovanni Batistini là tỉ phú loại đặc biệt. Có một gia hệ khác thường. Với anh, tư cách một nhà văn thì nhân vật này, tôi cho là phải làm anh ngạc nhiên.
- Để xem đã!
- Một nhà văn mất khả năng biết ngạc nhiên thì cũng mất luôn sự mắn viết. Anh không lo điều đó à? Anh định bỏ nghề sao?
- Thưa ông, ông đã trả về cho tôi khả năng biết ngạc nhiên... Tôi không ngờ là ông lại thẩm vấn tôi đến mức ấy.
Hắn không hề lúng túng trước sự công kích của tôi.
- Anh nói xem, Serge, tại sao Harold lại tin cậy giao cho anh tiến hành thương lượng bí mật với Giovanni Batistini
- Người tiến hành thương lượng là ông, thưa ông.
- Cái ấy tôi lại càng không hiểu. Tại sao tôi với Giovanni lại phải có thêm người thứ ba?
- Thưa ông, Harold Hatter đã cử tôi đi chuyến này. Ông quên rồi sao?
Thậm chí lúc này tôi cũng không cho phép mình được thiếu lễ độ:
- Vì sao ông lại ghét tôi vậy. Ông Mark? Tôi có làm điều gì xấu với ông đâu?
Hắn im lặng, chăm chú nhìn xuống đường, vào dòng ôtô xuôi ngược. Khuôn mặt hắn khó đăm đăm. Trên trán hằn rõ những nếp nhăn. Cặp môi dày mím lại.
- Ông nói đi, vì sao?
Hắn yên lặng một chút nữa rồi nói:
- Chắc là vì bản năng tự vệ. Không hiểu sao tôi thấy ngài ngại khi trông thấy anh. Tín hiệu nội tâm nổi còi báo động.
Hắn loay hoay lúc lâu với điếu thuốc: vặt bỏ đầu bẹt, vân vê, ngửi hít, châm lửa. Sau khi hút cho đã, hắn quay luôn lại phía tôi:
- Anh hãy thành thực trả lời một câu hỏi của tôi, rồi có thể tôi sẽ thay đổi thái độ đối với anh.
- Tôi sẵn lòng trả lời đến một trăm câu hỏi của ông.
- Tại sao Harold lại tin cậy anh trong mối liên hệ với Giovanni?
- Tôi không biết, thưa ông. Tôi chỉ có thể đoán ra thôi.
- Nào!
- Tôi đã nhiều lần chứng minh cho ông ấy lòng chung thuỷ của mình. Bây giờ ông ấy chứng minh điều đó với tôi.
- Nực cười chưa! Harold không phải chứng minh cho ai cái gì hết.
- Không đúng, thưa ông. Harold muốn cho cấp dưới phục vụ ông ấy có ý thức, toàn tâm toàn ý.
- Cái trò khôn ranh của anh không đáng một xu gì. Đừng có lừa qua mắt tôi. Anh xin xỏ đi chuyến này để dò xét tôi.
- Thưa ông, ông nhầm đấy. Harold tin cậy ông không điều kiện. Tôi không thể dò xét ông, bởi vì tôi thán phục nghị lực và khả năng của ông.
Hắn cười khẩy:
- Ồ, nghe bùi tai quá! Người ta đã định nép vào ngực tôi để chờ cơ hội thuận tiện là chìa vòi ra đốt tôi phải không?
- Tôi làm thế để làm gì?
- Đơn giản thế thôi, phòng bất trắc.
- Tôi không thấy ý nghĩa.
- Thế loài bọ cạp nó bị chi phối bởi ý nghĩa gì mà vẫn giết nhau?
- Đội ơn Chúa, tôi là người.
- Trong mỗi chúng ta đều có một con bọ cạp náu mình. Thôi được, triết lí đủ rồi! Đây là những điều kiện của tôi đối với anh. Từ nay anh không được ló mặt trong phạm vi những lợi ích của tôi, động chạm đến công việc của tôi.
- Đồng ý, – tôi nói.
- Bất kì ở đâu, bao giờ anh cũng không được thảo luận những hành động của tôi, ngay cả trong trường hợp Harold đòi hỏi ở anh.
- Được. Tôi sẽ im lặng, dù người ta có đổ thiếc nóng chảy vào mồm hay cù vào nách tôi.
Trán to gõ nắm tay vào tay lái:
- Đừng có nhe răng ra thế, đồ nhãi ạ! Tôi đang nói nghiêm chỉnh với anh.
- Xin lỗi ông. Tôi quên là ông không thích đùa.
- Tôi không thích những thằng ba hoa.
o O o
Khi trao qua đổi lại những lời lẽ lịch duyệt đại loại như trên, chúng tôi đã đi về phía nam được khoảng hai mươi dặm. Xa xa, trong sương mờ oi bức hiện ra cái lỗ đường hầm lớn của chiếc cầu bê tông bắc qua xa lộ.
- Đã đến lúc đổi hướng đi! – Mark Trán to lầu bầu.
Hắn giảm tốc độ và cẩn thận phanh dần lại. Những chiếc xe đằng sau, phả vào chúng tôi luồng gió nóng thảo nguyên, vút qua chiếc Cadillac. Mark bật cần quay phải và rời con đường chính Houston – New Orleans.
Chúng tôi làm một vòng lượn vọt lên cây cầu vừa mới ở trên đầu chúng tôi rồi quay lại, hướng về Houston.
Mười lăm phút sau, chúng tôi đã lặn vào đường hầm mát lạnh, đào chui dưới con kênh nước sâu Hu-xtơ - Đại Tây Dương. Ngang qua thao trường, nơi thử các con tàu vũ trụ lên mặt trăng. Xuyên qua thành phố từ nam lên bắc. Bên con đường nhỏ ngoại ô êm ả trong trạm đỗ xe có trả tiền với cái chắn đường tự động, chúng tôi để chiếc Cadillac lại, ngồi vào chiếc Saveson xuềnh xoàng cho thuê, và thong dong đi lên hướng bắc trên xa lộ Houston – Ford Worth, trải dài trên đất đen vùng thảo nguyên Texas. Thảo nguyên trước kia. Bây giờ, nhìn đi đâu cũng chỉ thấy các tháp dầu, các bể chứa khổng lồ lóng lánh ánh bạc và các cột điện cao áp. Miền Tây cao bồi[40] thuần tuý, hoang dã xưa kia đã trở thành bang công nghiệp giàu có nhất nước, thành kho vũ khí mới. Chỉ có California có thể đọ được với Texas. Hãng của Harold Hatter và hãng “General Dynamics” đã đưa lên dây chuyền lớn việc sản xuất máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, máy bay vận tải chuyên tuyến, xe tăng, đại bác, tên lửa, lựu đạn, bom thường và bom nguyên tử, vũ khí tự động và napan.
Chuyến đi của chúng tôi có quan hệ trực tiếp đến các quyền lợi đối địch nhau của các công ty đang cạnh tranh. Chúng tôi đi vào dinh luỹ của những kẻ thù không đội trời chung của Hatter, một trong những thái ấp của “General Dynamics”, vào thành phố Ford Worth. Cuộc đi thăm của chúng tôi tốn kém cho Hatter vài triệu đôla, địch thủ của lão còn tốn gấp nhiều lần. Hiện giờ chỉ có một mình Giovanni Batistini là thu lãi.
Con đường tương đối ngắn mà chúng tôi kéo ra đi mất cả ngày. Đi được khoảng mười tám dặm, chúng tôi dừng lại ở motel “Carilira tuyệt vời” vui vẻ, có bể bơi và bãi tắm. Chúng tôi khoan khoái nằm dưới lều bạt màu da cam. Tắm thỏa thích. Nghỉ ngơi chán chê. Chỉ khi mặt trời sắp lặn, bóng vạn vật ngã dài trên mặt đất, chúng tôi mới đi tiếp trên mảnh đất bình nguyên vĩ đại.
Mark Trán to dù đã chén món thịt dầm mềm và nghỉ xả hơi khá lâu, vẫn chăm chú im lặng, mắt khó đăm đăm và thường ném cái nhìn lên cái gương phản chiếu xem có kẻ nào bám đuôi không và bám cách nào?
- Ông vẫn còn sợ ư, thưa ông?
Trong câu hỏi của tôi, sự tôn trọng và lễ độ có pha với vẻ mỉa mai.
- Vâng. Tôi không thích chiếc mustang xám, cái đang lao theo chúng ta từ chỗ đỗ xe của motel.
- Ông kì thật! Trong xe ấy là đôi vợ chồng mới cưới hết sức đáng yêu đang đi du lịch. Họ chẳng dính dáng gì đến ta cả.
- Vợ chồng mới cưới cũng nhiều loại. Chính tôi cũng nhiều lần đóng thành những thanh niên đáng yêu như thế đi bám đuôi và lấy được nhiều tin tức quý giá. Cái đôi bồ câu này tôi cảm thấy như đóng giả ấy.
Tôi nhìn vào cái gương đang phản chiếu xa lộ chạy về phía sau và dòng xe đủ các màu chạy đằng sau.
- Thế nào?
- Chẳng có gì đặc biệt. Họ cười. Tán dóc. Hôn nhau.
- Nhưng tại sao họ lại không vượt chúng ta dù chúng ta đi chẳng nhanh gì cho lắm?
Hắn nhả hơi, phanh dần lại. Chiếc mustang xám vượt lên bên trái. Đôi vợ chồng trẻ lấp lánh cười, vẫy chúng tôi rồi tan biến vào dòng xe hơi.
Chúng tôi đứng bên lề đường mười phút, cho qua đến cả nghìn chiếc xe và đi tiếp.
- Bây giờ thì mọi cái đều ok.
Mark yên lòng cho đến tận Ford Worth. Chúng tôi vào thành phố, cắt ngang nó, lại ra ngoại ô, từ đường chính ngoặt vào con đường địa phương ở bên sườn, rồi cô quạnh một mình lăn bánh tới đích. Địch đã ở gần. Ngang qua một vài trang trại. Xuyên một đồng cỏ xanh bát ngát không có bóng người, bóng chim, bóng súc vật và dừng lại bên cái hào sâu rộng đầy nước và hoa, trước cái cầu nhấc hẹp.
- Việc gì đấy, các vị? – một giọng the thé được tăng âm qua loa vang lên.
Mark nói vào khoảng không.
- Chúng tôi từ Washington, đến săn bắn trong khu các ông.
- Thế có mang súng theo người không? – kẻ canh gác vô hình lại hỏi.
- Sẽ kiếm ra, – Mark trả lời. – Chỉ quên chó thôi.
- Không sao. Chó thì chúng tôi có.
Sau những lời này, chiếc cầu sắt từ từ hạ xuống không một tiếng động.
Qua cầu rồi, chúng tôi lọt lên đảo. Không thấy có người. Những chú chim bạo dạn. Những dây cây trong Kinh Thánh. Thảm cỏ với lũ công. Mark lái thận trọng, chầm chậm. Hắn đỗ xe lại, những nhường đường cho lũ hươu. Những chú hươu này chầm chậm, lừ lừ như không nhận thấy xe chúng tôi, gõ móng lên nền bê tông rồi lẩn vào chỗ rừng thưa.
Chúng tôi tiến sát đến cổng lúc đèn có ren, có trang hoàng những chú thiên nga bằng thép không gỉ. Một thám tử đứng bên lề đường. Anh ta trưng chiếc chevrolet rẻ tiền, không phải dành cho những nhân vật quan trọng.
Chúng tôi đi dọc qua dãy sân quần vợt, dọc bãi đánh golf[41] dọc sân bóng đá, qua bể bơi bằng đá hoa to có chòi nhảy, nước nhuộm màu xanh thắm. ở đây cũng chẳng có ai. Có lẽ ông chủ không thích kẻ nào khác ngoài hắn ra sử dụng cái thiên đường của mình.
Quanh tòa lâu đài, nơi dây leo trường xuân quấn từ sát đất lên đến mái kiểu gô-tích cũng chẳng thấy có người. Cửa sổ chăng chấn song.
Những bức tượng nhạt nhẽo được tô son hoa mĩ, tạc hình anh chị em và người thân của Giovanni Batistini, xếp hàng hai bên lối đi. Hình chính ông chủ được nặn bằng kích thước thật trên con ngựa trắng. Lâu đài trước kia thuộc một huân tước người Anh đã đứng hàng trăm năm trên núi non xứ Scottland. Hai mươi năm trước, vào lúc trước chiến tranh, nó đã được Giovanni tậu, được tháo dỡ, chuyển qua đại dương và ở đây lại được lắp ráp lại.
Sống trong lâu đài quý tộc Ăng-lê là một công dân Mỹ, giàu kếch xù, cầm đầu mafia[42] bí mật “Cosa Nostra” – “Sự nghiệp chúng ta”, chủ tịch công ty hợp pháp “Phụng sự thánh thần” có đăng kí đúng mọi thủ tục, phân nhánh khắp Texas. Hắn còn được biết đến dưới cái tên Thợ giày. Biệt hiệu đó gắn với hắn từ thời hắn còn là một kẻ hèn mọn trong thế giới của bọn tội phạm. Cả cảnh sát, cả các chủ nhà băng, các nhà công nghiệp lẫn những người Mỹ bình thường, khi gọi hắn là Thợ giày đã không đặt vào từ ấy cái ý nghĩa lăng mạ ban đầu nữa. Trong miệng họ nó vang lên hoàn toàn lễ độ, hoàn toàn tôn kính cũng như Rocky đối với Tếc-pheo-lơ, đích đối với Richard Nixon và Bobby đối với Robert Kennedy. ở nước Mỹ, người ta thích thay tên họ bằng biệt hiệu hay tên gọi tắt. Các kí giả trong các ghi chép của mình thường gọi Tổng thống đương kim một cách đơn giản là JFK [43].
Thợ giày, nhà kinh doanh hợp pháp và bất hợp pháp, được hưởng tự do và mọi thứ sung sướng của đời như những người Mỹ khác. Tại sao hắn không ngồi tù? Bạn thấy chưa, cả FBI, cả Bộ Tư pháp, cả các quan chức nhà nước không ai có thể chứng minh rằng Giovanni Batistini đã làm điều gì phạm pháp đáng kết án. Mọi người đều nghe nói rằng hắn là tên tội phạm lớn, nhưng những chứng cớ vạch rõ hoạt động bí mật đẫm máu của hắn thì không người nào có thể đưa ra. Mọi người đều nói rằng, trong lãnh địa của hắn có một nhà thiêu xác nhỏ, ở đó thiêu xác những người bị nhân viên của “Cosa Nostra” giết. Tuy nhiên, chưa ai được chứng kiến tận mắt xem nó được thực hiện như thế nào và vào lúc nào. Không bị bắt quả tang thì không phải là ăn trộm. Với lại không chỉ có thế mà thôi. Lối sống của chúng ta trao quyền bất khả xâm phạm cho những kẻ nào có thể trả nhiều tiền. Ông Batistini có cái đặc quyền ấy. Hắn có Bạc tỉ và hàng nghìn thuộc hạ, nhân viên các công ty của hắn, biết cách giết đối thủ mà không bị trừng phạt.
Chúng tôi đến làm khách một kẻ như thế, với sứ mạng bí mật mà Hatter trao cho.
Đón chúng tôi ở tiền sảnh không phải anh đầy tớ hay anh quản gia, mà là đích thân Giovanni Batistini. Đó là một con người khô không khốc, giọng khẽ khàng, nhỏ như cậu thiếu niên. Hắn mặc áo vét đen bằng lụa và sơ mi trắng. Ngón tay đầy những nhẫn kim cương. Khuôn mặt chai sạm nắng gió và được phủ một lớp rám nắng còn mới, có lẽ là lớp rám Xixilia. Mắt to quá khổ so với khuôn mặt, có ánh lửa. Đầu phủ tóc bạc cứng và rậm.
Sếp hung hãn của mafia hung hãn trước mặt anh đấy! Ta hãy xem cái lõi của hắn như thế nào.
Sau những lời chào hỏi thông thường, ông chủ lâu đài dẫn chúng tôi lên tầng hai vào phòng làm việc của hắn, - căn buồng thênh thang làm bằng gỗ đen, có bàn giấy màu đen, ghế bành da màu đen, thảm dày màu đen dưới sàn, khung cửa sổ màu đen.
Mark hạ người xuống ghế, châm điếu thuốc, nhìn chủ nhà một cách có ngụ ý bằng cặp mắt bò đực lồi.
- Giovanni, ông đã sẵn sàng nói chuyện chưa?
- Rồi. Từ hôm qua kia, từ cái phút tôi được báo qua dây nói.
- Thế thì hay lắm. Ta sẽ không bỏ phí thì giờ. Harold uỷ quyền cho chúng tôi tiến hành cho đến cùng chiến dịch “Tiên tri”. Vấn đề này, và chỉ có vấn đề này sẽ được thảo luận bây giờ.
Batistini gật đầu.
- Lũ cá mập hãng “General Dynamics”, như ông biết đấy. – Mark Trán to vào đề,
- đã chà đạp mọi tiêu chuẩn trong quan hệ giữa các nhà kinh doanh đứng đắn, đã tranh mất của chúng tôi đơn đặt hàng của Lầu Năm góc đối với máy bay oanh tạc nhiều tính năng “Tiên tri”. Điều đó xảy ra đúng vào lúc chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để sản xuất nó và đã chi phí rất lớn.
Giovanni lại chầm chậm, im lặng gật đầu. Hai cánh tay ngắn của hắn khoanh trên bụng.
- Thật rõ như ban ngày, - Mark tiếp tục, - là chúng tôi có quyền hành động trả đũa bất kì kiểu nào. Chúng tôi bắt đầu cuộc chiến tranh lớn chống họ. Và chúng tôi đã chọn ông làm đồng minh của mình, Giovanni thân mến ạ.
Lão chủ bé nhỏ của lâu đài to lớn, cười nhã nhặn và nói cái giọng yếu ớt của mình:
- Ông làm tôi ngạc nhiên đấy, Mark ạ. Tôi là đồng minh của ông! Thường thường người ta chạy đến nhờ tôi trong trường hợp vạn bất đắc dĩ. Ông là tướng cũ, biết hết đường ra lối vào ở Lầu Năm góc, có một lô bạn bè trong tất cả các phòng, ban. Ông đã làm việc ở CIA. Đã và vẫn là người cánh hẩu ở FBI. Chả lẽ không có tôi, ông chịu chết hay sao?
Trán to mặt trắng bệch ra. Hắn hút thuốc và im lặng một cách khinh bỉ.
Thợ giày ngắm nghía chỗ kim cương trên tay, cười khẩy và nói:
- Tôi hiểu! Ông đã ấn hết các nút, đã xong mọi đòn bẫy, – mà chưa ăn thua gì.
Trán to dịch điếu thuốc từ mép này sang mép kia:
- Giovanni, ông đừng có làm cao. Không cần làm thế chúng tôi cũng vẫn sẵn sàng trả hậu hĩ.
- Vâng, Mark thân yêu của tôi ạ, cuộc chiến tranh này tốn kém cho các ông đấy.
Hai chủ tịch công ty chẳng thèm để ý gì đến tôi, vì họ biết vai trò khiêm tốn của tôi trong cuộc thương lượng.
- Theo chỗ tôi biết thì các ông có người ở các nhà máy của “General Dynamics”,
- Mark nói.
- Vâng. Có cả tham gia thiết kế “Tiên tri”. Cái máy bay tốt hết chỗ nói.
- Không thể không có nhược điểm trong máy bay. Nhất định phải có! – Mark đặt bàn tay thô của mình lên bàn tay trẻ con đầy những kim cương của tên trùm. - Ông hãy tìm xem! Chúng tôi sẽ trả cho từng phát hiện.
Giovanni lại ngắm nửa tá nhẫn kim cương tuyệt mĩ của mình và hỏi:
- Trả thế nào?
- Chiếc máy bay sản xuất hàng loạt giá bao nhiêu theo thiết kế?
- Gần ba triệu đôla. Hai triệu tám.
- Giá máy bay phải được tăng ít ra là thêm một triệu nữa, và ông cũng thu được ngần ấy tiền.
- Được lắm!
- Tốc độ thiết kế của máy bay là bao nhiêu?
- Một nghìn sáu trăm năm mươi dặm, – Giovanni trả lời, như thể đã chờ sẵn câu hỏi này.
- Ông hãy rút xuống dù chỉ một phần tư. Chúng tôi sẽ trả một nghìn đôla cho mỗi dặm được giảm, và ông sẽ kiếm thêm được bốn năm trăm nghìn đôla. Nhưng mà chưa hết. Độ cao bay của nó là bao nhiêu?
- Hai mươi lăm nghìn foot[44].
- Phải giảm xuống mười lăm nghìn. Mười nghìn foot đầu tiên chúng tôi sẽ trả nửa triệu đôla. Còn sau đó, cứ mỗi một nghìn foot, chúng tôi sẽ trả một trăm nghìn đôla.
Giovanni rút từ túi trong áo vét ra quyển sổ con và ghi chép tất cả những gì Mark nói.
- Trọng lượng máy bay bao nhiêu?
- Bảy mươi tấn.
- Ông hãy cho lên một trăm hay chí ít thì cũng chín mươi. Cứ mười tấn thêm được sẽ đem lại cho ông một trăm nghìn đôla.
- Tôi chấp nhận!
- "Tiên tri" có thể bay thấp dưới tầm radar với tốc độ nào?
- Trong thiết kế là bốn trăm.
- Ông hãy hạ nó xuống. Chúng tôi sẽ trả cho từng dặm một.
- Sẽ hạ!
- Máy bay tới mục tiêu ra sao?
- Tốc độ và tính cơ động được đảm bảo.
- Chỗ này cũng phải góp một tay. Làm sao cho khi ném bom, nó chỉ lượn vòng dưới sự yểm trợ của các máy bay tiêm kích. Chúng tôi sẽ trả gộp lại là hai trăm nghìn.
- Tôi đồng ý! Chà chà! Chiến dịch này ngốn của các ông ra trò đấy! Các ông định bù lỗ thế nào nhỉ?
- Đó lại là việc riêng của chúng tôi, ông Giovanni!
- Không, Mark ạ, không chỉ của các ông. Tôi phải biết, Harold có thể kiếm được bao nhiêu khi hợp tác với tôi.
- Chuyện kiếm chác hãy còn xa. Hiện giờ chỉ thấy có thua với lỗ. Vấn đề thu nhập ta sẽ bàn sau, khi mà “Tiên tri” cất cánh bay. Độ ba năm nữa.
- Lúc ấy thì muộn quá.
- Không bao giờ muộn, Giovanni ạ, khi ta bàn lợi ích chung chỗ anh em với nhau.
- Không, tôi muốn bảo vệ lợi ích riêng của mình từ bây giờ cơ. Thế chắc chắn hơn. Các nhà máy của Hatter, theo tôi biết, có phương án thiết kế riêng của mình loại máy bay ném bom nhiều tính năng “Tiên tri”. Các ông định ngay bây giờ, chỉ đợi cái máy bay của địch thủ các ông bị thất bại ê chề sau khi thử hàng loạt là đưa cái đồ án thiết kế hoàn hảo hơn của mình ra. Nó sẽ được chấp nhận. Và các ông nhận được đơn đặt hàng cho cả nghìn chiếc. Các ông hốt bạc tỉ, còn tôi... Tóm lại, Mark thân mến ơi, tôi muốn có phần lãi của mình với mỗi cái máy bay bán được của các ông.
- Tôi xin nhắc lại với Giovanni thân mến rằng, chia lãi bây giờ hãy còn quá sớm.
- Có hề chi, tôi sống có phải chỉ với một ngày hôm nay đâu. Vậy nhé, tôi sẽ được một phần ba thu nhập? Nếu các ông không đồng ý, thì chúng ta chia tay nhau.
Mark Trán to nghiện thuốc sực nhớ ra điếu thuốc đã tắt. Hắn quẳng nó vào cái gạt tàn, lấy ra điếu khác. Hắn trầm ngâm hút, chăm chú nhìn vào cái đầu thuốc nóng đỏ, không nói gì cả.
- Tôi hiểu, Mark ạ. Ông không có toàn quyền thay mặt cho Hatter. Biết làm sao được, ông hãy về kể lại cho ông ấy cuộc nói chuyện của chúng ta và xin ý kiến. Nếu những điều kiện của tôi chấp nhận được thì hãy báo cho tôi biết.
Trán to ném điếu thuốc, cương nghị ngẩng đầu lên:
- Không, ông Giovanni, tôi nói hết nhẽ với ông đây: ông đòi hỏi quá nhiều.
- Không quá cái phần hợp pháp của mình. Chỉ bằng một phần ba những gì mà "Hatter Industries" kiếm được.
- Số tiền ấy rất không chắc chắn có được.
- Ông khéo đùa dai, Mark ạ. Xin cứ việc! Còn tôi sẽ nói thẳng ra với ông.
- Lẽ nào tôi dám đùa dai với một người bạn cũ tốt nhất? Tôi đến với ông với tấm lòng mở ngỏ. Lời nói đứng đắn và chân thực.
- Thôi đừng làm bộ nữa, ông Mark. Tôi biết cả rồi.
- Sao? Ông biết cái gì?
- Tôi biết rằng người bạn lớn từ Texas của các ông, Phó Tổng thống Lin đơn Johnson, mới đây đã sang Sài Gòn với sứ mạng bí mật của Nhà Trắng. Ông ấy đòi Tổng thống Ngô Đình Diệm mời các sư đoàn Mỹ vào nước này để cứu chế độ khỏi sụp đổ. Diệm mọi khi vẫn ngoan ngoãn,lần này lại bướng bỉnh. Ông thấy không, hắn đã vỡ mộng ở những người bạn giàu có và là những người bảo hộ mạnh mẽ của mình, hắn đã chán đánh nhau và đổ máu người Việt cho lợi ích của Mỹ. Hắn mơ tưởng một nước Việt Nam trung lập. Hắn định thỉnh nghị với De Gaulle ủng hộ lập trường trung lập của hắn. Có những nghi vấn cho rằng hắn không chống lại việc đàm phán với cộng sản.
Mark sốt ruột ngọ nguậy trong ghế bành, không nén được và ngắt lời ông chủ lâu đài:
- Giovanni thân mến, những gì mà ông nói thì hay đấy, nhưng nó có liên quan gì đến chúng ta? Lúc này chúng ta đang bàn chuyện gần gũi và thiết thực với chúng ta, chứ đâu phải chuyện Việt Nam xa xôi.
- Tôi nói vừa vặn đúng vào chuyện gần gũi và thiết thực nhất đối với tôi và ông đấy chứ. Tôi xin tiếp tục. Thế là Diệm, Tổng thống Nam Việt Nam, đã được tay chúng ta bệ lên ngai, bỗng sực nhớ ra mình là kẻ cai trị chân chính của đất nước và vì thế trở thành nguy hiểm cho chúng ta. Chúng ta đã hất hắn khỏi vị trí cao sang, rồi giết hắn. Và chúng ta đặt viên tướng này nọ vào chỗ này. Tôi không nhớ họ tên bọn chúng. Đừng có nhăn mặt, ông Mark, bây giờ tôi sẽ trình bày cái cốt yếu cho ông nghe. Những viên tướng này, cũng có khi là những nguyên soái hoặc nguyên soái tương lai đồng ý mời quân Mỹ vào nước này. Bọn chúng đồng ý chiến đấu, vì lợi ích của Mỹ đến người lính Việt Nam cuối cùng. Bọn chúng lấy học thuyết Lindon Johnson đem vũ trang cho mình. “Tư tưởng trung lập hóa ra là tư tưởng bỉ ổi. Phải đập nát nó ở bất cứ nơi nào nó định ngóc cái đầu ghê tởm của nó dậy". Hình như nó được diễn đạt như vậy. Johnson không chỉ mang cái học thuyết ấy từ Việt Nam về. Ông ta đem từ đó về cả một kế hoạch đồ sộ nhằm tiêu diệt các binh đoàn du kích Việt Cộng và đánh bại “sự xâm lược từ miền Bắc và đệ trình cho Tổng thống Kennedy xem xét. Nhà Trắng đã phê chuẩn về cơ bản. Ông thấy đấy, cái đó có liên quan trực tiếp đến các ông, đến Hatter và doanh nghiệp của ông ta, đến đề tài câu chuyện hôm nay. Trực tiếp đấy nhé. Không quanh quẹo tí nào. Thẳng một cách không tưởng? Kế hoạch của Johnson bình định Việt Nam đến việc phái sang Đông Dương hàng vạn, hàng vạn chàng trai của chúng ta, hàng đoàn đại bác, xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến, máy bay. Chỉ nay mai cuộc chiến tranh lớn sẽ bắt đầu ở Việt Nam. Một cuộc chiến tranh mà không có thứ máy bay tiêm kích – oanh tạc “Tiên tri” tuyệt vời của các ông thì không xong... Đấy, tôi đã nói xong cái đoạn tình tứ lạc đề của mình rồi.
Và hắn vui vẻ nháy mắt với Trán to, vỗ vai lão này rồi cười ha hả. Tên cầm đầu công ty vẫn quen làm người khác bẽ mặt, giờ đây lúng túng im tịt.
- Tôi phục các ông lắm, - Giovanni tiếp tục. - Cuộc chiến tranh lớn còn đang được vạch kế hoạch, mà các ông đã sẵn có máy bay tối tân nhất. “Tiên Tri”! Cái tên ý nghĩa lắm. Quả thật, đó là máy bay của những thắng lợi tương lai. Cái có triển vọng đem lại những lời lãi lớn cho công ty "Hatter Industries".
Thằng lùn lại nháy mắt lần nữa với Trán to:
- Tôi thật khờ nếu không biết lợi dụng dịp này mà dành ít phần cho mình. Bây giờ tôi chắc ông đã hiểu rạch ròi là tôi không thể, không có quyền bỏ lỡ cơ hội may mắn này. Xin nhường lời cho ông, ông Mark.
Trán to tư lự thêm một lúc nữa:
- Thôi được, tôi sẽ báo cáo cho ông chủ về tối hậu thư của ông, – cuối cùng hắn nói.
- Đây không phải là tối hậu thư. Chuyện làm ăn bình thường. Harold chắc phải biết tôi.
- Ông ấy biết! Ông ấy đã nói trước là ông sẽ đòi một phần lãi.
- Harold của ông thông minh lắm. Thật dễ chịu khi giao dịch với những bạn hàng thông minh. Tôi cho rằng ông ấy không quên khoản tiền tạm ứng.
- Vâng. Séc trả tiền cho ông tôi đang giữ. Đây!...
Mark đặt lên bàn tờ giấy dài gập làm đôi. Giovanni chăm chú xem nó.
Trong khi các ông chủ đang thỏa thuận với nhau, tôi ngồi trong góc phòng hút thuốc liên tục và nghĩ ngợi.
Giá như cái xã hội được gọi là cởi mở của chúng ta biết được bọn trùm kinh doanh lớn làm ăn như thế nào! Những người Mỹ bình thường không có khái niệm nào về những kẻ đại loại như Thợ giày và Trán to, về cảnh tượng bọn chúng nói năng một cách thông thạo, thản nhiên những cái khó tin nhất mà không hề ngượng ngùng, không bọc lớp hương thơm nào lên những bí mật bẩn thỉu, thô bạo. Chúng đã quen xỉa bạc tỉ, cắt xén các dư luận, lái đường lối đối ngoại và đối nội sang hướng bất ngờ nhất.
- Thỏa thuận thế nhé! – Mark cựa quậy không yên trong ghế bành, nhìn tôi ra ý chuẩn bị ra về.
- Chỉ có thế thôi à? Không còn đơn đặt hàng nào nữa à? – Giovanni ngạc nhiên hỏi, có vẻ ngao ngán.
- Ông thấy còn ít ư? – Mark cũng tỏ ra ngạc nhiên và ngao ngán.
- Không sao, vừa rồi! Nhưng tôi còn có thể đề xuất với ông cái này.
- Cái gì thế?
- Chúng tôi phục hồi hoạt động của bọn tàng hình phát đạt hồi những năm ba mươi.
- Bọn tàng hình?
- Vâng. Nếu các ông khẩn cấp muốn gạt một con tốt nào đó khỏi vướng chân con tường, thì xin mời, cứ đặt đơn, chúng tôi sẽ thực hiện cẩn thận, đúng vào thời hạn đã thỏa thuận. Tiền trả theo bảng giá. Rất rẻ, nếu xét đến tính chất công việc. Làm một kí giả thù nghịch biến đi chỉ tốn có một nghìn đôla. Cái đầu một nhà kinh doanh thông thường giá năm nghìn. Chủ tịch thì mười nghìn. Hạ nghị sĩ từ ba mươi đến năm mươi. Thượng nghị sĩ thì chúng tôi lấy một trăm nghìn.
Trán to cười khùng khục trong cổ, lấy tay lau cái đầu hói bóng, nhìn sang tôi rồi mỉm cười và nói:
- Tại sao thượng nghĩ sĩ lại cao giá hơn nhà kinh doanh? Không công bằng.
- Thượng nghị sĩ trong nước chỉ một trăm, mà nhà kinh doanh thì hàng nhiều nghìn. Có điều nhà kinh doanh cũng có nhiều loại. Tay triệu phú thì chúng tôi lấy đắt hơn. tùy từng người!
- Rõ rồi! Về nguyên tắc, như thế là có thể khử bất kì người nào.
- Không. Nếu đó là thành viên khối anh em của chúng tôi và lọt vào Nhà Trắng, dĩ nhiên là người đó sẽ bất khả xâm phạm.
- Ra thế! Ông hi vọng lọt vào Nhà Trắng?
- Sao lại không? ít ra thì bây giờ chúng tôi cũng gần đích hơn thời Al Capone [45]. Giờ chúng tôi có nhiều đôla hơn, có nhiều những người quả cảm hơn, có kĩ thuật và tính tổ chức cao hơn. Ba bốn mươi năm trước, công ty chúng tôi chủ yếu chuyên về hăm dọa, tống tiền, tiêu thụ ma tuý, hớt phần ngọn số thu nhập của các ổ bạc và ít lưu tâm đến đại kinh doanh hợp pháp. Bây giờ chúng tôi đã trở thành chủ xí nghiệp, chủ nhà máy, chủ nhà băng, có cổ phần ở các hãng đáng kính, chúng tôi hợp tác bình đẳng với những người như ông, bạn Mark thân mến của tôi ạ.
Giovanni cười, lại nháy mắt thân thiện với khách và vươn người về phía lão này.
Mark đăm chiêu, chăm chú nhìn tên Gangster[46].
- Cơn bộc trực của ông làm tôi ngạc nhiên, ông Giovanni. Trước kia ông kín tiếng hơn. Cái đó làm tôi thích hơn.
- Bây giờ chúng tôi cũng vẫn giữ mồm giữ miệng. Nhưng có chi phải giấu khi giao dịch với ông?
- Ông có thấy không, Giovanni...
- Tôi hiểu! Ông muốn nói là chúng ta không cùng một giuộc, tuy cùng kéo chung cỗ xe. Ông muốn giữ cái sắc màu kinh doanh thuần tuý của mình.
Trên mặt Trán to bừng lên sự phản đối. Hắn cười gằn và không rời mắt khỏi kẻ đối thoại, hắn nói: - Tôi muốn cái hoàn toàn khác cơ, Giovanni ạ. Đấy, tôi nghe ông nói rồi nghĩ, tại sao trong bảng giá của ông không có Tổng thống?
Thằng lùn nhìn chỗ kim cương của mình và đáp:
- Công việc ấy thực hiện theo đơn đặt hàng đặc biệt, cho nên cũng đòi hỏi tiền thù lao đặc biệt. Hãy nhớ điều ấy, Mark ạ, khi ông nảy ra ý nghĩ gạt bỏ một Tổng thống ở Nacaragoa, Costa Rica, Philippine hoặc ở đâu đó.
- Cánh tay ông dài đấy, Giovanni ạ. Ngày xưa nó còn ngắn hơn nhiều kia.
- Chúng tôi đã lớn lên, Mark thân mến ạ, lớn cả về bề sâu lẫn bề rộng.
- Nghĩa là, ông có thể khử bất kì Tổng thống nào của bất kì nước nào?
- Về nguyên tắc là như vậy. Nước càng lớn thì tiền đặt càng cao.
Rồi chúng không nói đến đề tài đó nữa. Chúng nhìn nhau đầy ngụ ý trong im lặng. Một màn kịch câm lí thú. Lúc này, cái máy ghi âm bí mật của tôi vô tác dụng. Tiếc thật!
Rồi đến bữa ăn tối với những cái chạm cốc và những lời cam đoan thề thốt và tình thân hữu vĩnh cửu. Giovanni bé nhỏ uống ít mà đã say nhiều. Trán to uống nhiều, hết cốc này đến cốc khác mà vẫn tỉnh. Chúng đứng dậy khi trời đã tối. Chúng tôi trìu mến từ biệt vị chủ tịch công ty “Phung sự thánh thần” và ra về.
Sau khi chúng tôi đã bình yên đi vòng qua Ford Worth theo những con đường đất bên sườn và đã ra đến xa lộ lớn, Mark cất tiếng, sực nhớ ra tôi:
- Anh nghĩ gì vậy, Serge?
- Tôi chẳng nghĩ gì cả. Tôi ngủ thiu thiu...
- Cái đồ văn sĩ thiết bì! Díu mắt lại sau cuộc gặp gỡ như thế!
- Thưa ông, ông chưa đánh giá hết cái sức mạnh ám thị của tôi. Không trông thấy gì! Không nghe thấy gì! Không nhớ gì! Không biết gì! Không đoán cái gì!
- Được lắm. Anh thông minh đấy, Serge. Hãy lặp lại những từ ấy thường xuyên hơn. Lặp ra tiếng và lặp thầm. Anh hợp với cái vai thuộc lòng như thế. Trong trường hợp nhỡ xảy ra việc điều tra những hoạt động phi pháp của "Hatter Industries".
- Đội ơn Chúa, cái đó sẽ không bao giờ xảy ra.
- Không phải tạ ơn Chúa, mà tạ ơn tôi đây này. Chừng nào tôi còn là quản trị trưởng của "Hatter Industries", thì sẽ không có điều tra điều triếc gì hết.
Trán to dúi nắm tay lông lá của mình dưới mũi tôi:
- Nó đây này, ủy ban điều tra và toàn bộ FBI.
Tôi coi việc nghi ngờ câu nói cuối cùng của Hasson là nghĩa vụ. Tôi làm điều đó cố gắng trong khuôn khổ lễ độ:
- Cả đến FBI cơ mà! Nhưng nó dưới quyền Trưởng công tố và Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy.
- Thế thì đã sao?
- Mà Robert Kennedy đâu có nuôi mối cảm tình đặc biệt nào đối với "Hatter Industries".
- Đúng!
- Thế ông làm sao dàn xếp được với FBI, một khi có Robert?...
- Tôi đã dàn xếp với ông chủ thực tế và không thay đổi của FBI, Hoover dưới mọi thời Tổng thống vẫn làm không phải cái mà các vị giám hộ hình thức của ông ta muốn, mà là cái lợi ích nước Mỹ đòi hỏi. Tức là chúng ta – những người điều hành kinh doanh của nước Mỹ.
- Và hắn cười ha hả. Hài lòng với sự vô liêm sỉ của mình. Kẻ mặc bộ đồ xám, viên tướng cũ, người của FBI hôm qua đang say sưa với quyền hành thâu tóm được. Tên thủ quân hôm nay của ngành công nghiệp quân sự, nhân vật chủ chốt trong bầu đoàn những kẻ quyền thế của thế gian này, che mờ những triệu phú kiểu cũ. Qua bàn tay của Trán to, ông Bạc tỉ tha hồ ngồi mát ăn bát vàng, đôla.
Chúng tôi trở về Houston, đổi chiếc Chevrolet xuềnh xoàng sang chiếc Cadillac lộng lẫy và ai về nhà nấy: Trán to về dinh thự riêng trị giá cỡ ba trăm nghìn đôla, tôi thì về căn nhà xa lạ của Hatter mà tôi ở không mất tiền. Ngày hôm sau, tôi bay chuyến đầu tiên đi Detroit, rồi từ đó tới Niagara Falls, tới thác Niagara.
o O o
Tuy đã muộn và thường quen đi ngủ sớm, Harold Hatter sau khi nhận được điện, vẫn chờ tôi trong phòng làm việc của mình.
- Thế nào? – lão hỏi khi tôi vừa bước vào phòng.
- Có lẽ mọi việc đâu vào đấy rồi. Ông có muốn nghe giọng lão Thợ giày Thánh thần không?
- Mở lên!
Harold Hatter chỉ việc nghe băng ghi cuộc thương lượng của Mark Trán to và Giovanni Batistini, còn tôi lúc đó nhìn ngắm lão kĩ càng.
Ông Bạc tỉ là một nhân vật cực kì khó gần, không chỉ đối với những loại trần tục lèm nhèm, mà còn đối với các nhà kinh doanh có thế lực và các kí giả nổi tiếng. Nhiều người biết lão nhưng thường cũng chỉ là "văn kì thanh bất hiếu kỳ hình". Mọi công việc lão đều làm thông qua bộ tham mưu, đứng đầu là Mark Trán to, thông qua những người tin cậy và các luật gia hay qua dây nói. Lão không ló mặt ở phố Wall[47], trong các cuộc tiếp khách ở Nhà Trắng, cũng không ở nơi nào khác dành cho tầng lớp trên. Không một phóng viên nhiếp ảnh láu lỉnh nào tìm được đường tiếp cận lão. Tấm ảnh cuối cùng của lão được in ra cách đây vài năm. Còn bây giờ, mùa thu năm 1963, trông lão ra sao?
Lão cao, vai rộng, tay dài, gầy gò, xương xương. Cái đầu to phủ lớp tóc cứng màu hung đốm bạc. Tai thòi lòi như lá cờ con. Mặt như mặt ngựa, nặng nề, dài, môi dưới dầy chìa ra. Dưới đáy hai hốc mắt ngựa tôi tối, nhấp nháy cặp mắt thông minh, sắc, thấu đáo. Răng to phủ một lớp mỏng màu vàng.
Sự hao hao giống mõm ngựa của bộ mặt Hatter vào khoảng năm năm trước, đã khích tôi vẽ một bức biếm họa đùa. Trên tờ giấy to, tôi vẽ cuộc đua ngựa vượt chướng ngại bằng bút chì màu. Phía trước một tá ngựa đua dũng mãnh là một chú ngựa trai tráng bờm vàng, được rắc đầy đôla vàng. Đôla vàng bay ra từ dưới vó. Thay cho mắt và răng là những đồng đôla sáng loáng. Chướng ngại mà chú ngựa đua vượt qua hết cái này đến cái khác cũng là đôla. Đống tiền con đề chữ “một nghìn”, đống to “một triệu”, đống đồ sộ “một tỉ”. Quay lại nhìn các đối thủ tụt hậu, con ngựa chiến thắng nhe răng bằng vàng và nháy mắt cũng bằng vàng. Harold Hatter tình cờ trông thấy bức tranh táo tợn của tôi và thích thú cười ha hả. Cái tác phẩm nghiệp dư của tôi làm lão thích đến nỗi lão đem treo nó trong căn nhà Niagara của mình, ở trên lò sưởi.
Trước khi đi ngủ, Harold Hatter đã vào bồn tắm, và từ người lão tỏa ra mùi rượu thuốc tùng bách. Lão mặc chiếc pyjama mỏng xanh thẫm có bộ cúc xà cừ to và áo choàng trắng tinh bằng len Angora [48]. Con chó lông xù Bax nằm dưới chân lão. Năm máy điện thoại khác màu đặt dưới tay phải của lão trên bệ đặc biệt bằng kính dày và thép không gỉ. Máy trắng nối thẳng với phố Wall, với thị trường chứng khoán. Qua máy xanh lá cây, lão có thể gọi cho London, Brooksxen, Paris, Amsterdam, Hong Kong, Tom Avip, Pocait [49], Aden[50], Teheran vào bất kì phút nào. Mây đen nối với bản doanh của đế chế súng ống và dầu lửa của lão. Lão sử dụng máy đỏ, được bọc chống nghe trộm, trong những trường hợp phải thông qua các biện pháp gìn giữ lợi ích sống còn của công ty hoặc an ninh cá nhân. Máy đen được nối vào mạng chung, nhưng số của nó chỉ có hai người thân cận của Hatter biết: Mark Trán to và tôi. Năm máy điện thoại chủ yếu để cho chính Hatter dùng. Đã thành lệ, lão và chỉ có mình lão gọi những người cần cho lão. Người ta chỉ gọi cho lão khi có những việc khẩn cấp nhất. Quy củ trong đế chế làm như vậy, không ai dám vi phạm.
Harold im lặng, với vẻ mặt kín đáo, căng tai nghe câu chuyện được tái hiện lại giữa Mark và Giovanni. Con Bax cũng dóng tai lên, và như hiểu câu chuyện liên quan đến hàng trăm triệu đôla. Con chó mới được tắm rửa. Bộ lông lụa dài, được chải kĩ lưỡng hãy còn âm ẩm. Mắt nó được lau rửa bằng loại dung dịch đặc biệt, đang sáng lên. Cái cổ dề mềm bằng ni lông, có những tấm thẻ bằng vàng và cái vòng cổ dầy bằng vàng. Móng được cắt gọt. Một con chó sung sướng nhất thế giới. Được săn sóc tại các mĩ viện đặc biệt cho chó. Được chăm nom bởi một bà bảo mẫu cho chó tại gia. Ngủ trên đệm lông. Đêm ngày nó làm bạn với con người khó gần đối với toàn nước Mỹ. Bất cứ lúc nào, nó cũng có thể liếm tay lão.
Cuộn băng quay đã đến cuối. Tôi ấn nút, tắt máy ghi âm. Con Bax ngáp, liếm mép rồi lại nằm dưới chân thần tượng của nó.
- Chà chà!.. – Hatter gầm gừ khoan khoái. – Thật vậy, mọi việc đâu vào đấy cả. Lần này Thợ giày hóa ra dễ tính và linh họat. Cừ lắm! – Lão gật đầu với cái máy ghi âm, cười khẩy: - Những anh bạn không đội trời chung của ta ở “General Dynamics” hẳn không tiếc một cái gì để đoạt được cuộn băng này đây.
Lời lão nói mang tính chất câu hỏi rõ ràng, nhưng tôi lặng im. Tôi làm như không hiểu lời ám chỉ.
- Harold, chả lẽ ông lại đồng ý với những điều kiện nô dịch của hắn?
- Sao lại nô dịch?
- Còn không nữa! Hắn đòi một phần ba lợi nhuận.
- Anh tính kém lắm, Serge. Thu nhập của hắn ít hơn của tôi. Thử xét xem một đằng một phần ba, một đằng hai phần ba.
- Nhưng ông là nhà kinh doanh hợp pháp, còn hắn...
Hatter phẩy tay, ngắt lời tôi.
- Nếu tôi cứ bo bo đi găng trắng kiếm tiền, tránh tiếp xúc với những tên Thợ giày các loại, thì đã không gom góp nổi lấy một nghìn đôla, chứ đừng nói đến hàng triệu.
Quan điểm vô cùng ngắn gọn và trắng trợn của ông Bạc tỉ về làm ăn và về toàn bộ lối sống Mỹ của chúng ta là như vậy.
Ở Nhà Trắng, ở Bộ Ngoại giao, ở Lầu Năm góc nhiều ông chủ không khá gì hơn Hatter, Trán to và Thợ giày. Bạn hãy hình dung các viên tướng của Lầu Năm góc vạch chiến tranh chống Việt Nam nói với nhau những gì. Chúng thành thạo chuẩn bị cho việc chém giết hàng vạn, hàng triệu người. Nhiên liệu và súng ống của Hatter, máy bay và tên lửa của “General Dynamics”, “Lockheed, “Boeing” nhằm làm cho máu đổ thành biển ở Đông Dương, ở Trung Đông, ở châu Âu – ở khắp nơi nào có sự đe dọa đối với lợi nhuận của các vị tỉ phú.
- Nào, đã đến giờ đi ngủ, tôn ông.
Hatter đặt tay lên vai tôi, đẩy nhẹ ra phía cửa.
o O o
Tôi ngồi trong căn phòng dành cho mình trong biệt thự, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, nhìn vào đống đầu mẩu, nghĩ và viết... Viết và nghĩ... Tôi biết nhiều bí mật của Hatter, nhưng cái bí mật nhất trong tất cả các bí mật, tôi vẫn chưa được nhòm vào.
Một đêm đã qua. Nơi cửa sổ đang rạng. Niagara đang đổ ào ào, sủi bọt, trắng xoá. Đâu đó trong bờ bụi công viên, lũ chim đang thử giọng. Trước ban mai, bầu trời trong trẻo, không gợn mây, như ở Arizona. Khi xưa, lúc bắt đầu phục vụ cho Hatter, tôi cũng có một tâm hồn trong trẻo, êm lặng như thế kia. Tôi đã tin như nhiều người tin rằng những nhà kinh doanh kiểu Hatter là những anh hùng dân tộc, là động cơ và đôi cánh của nền kinh tế năng động của chúng ta, nguồn thịnh vượng chính của nước Mỹ. Tôi đã ca tụng lão trong những cuốn sách đầu tay. Tôi nhận tiền của Hatter không hề day dứt lương tâm và tiêu chúng như những món làm ăn chính đáng mà nên.
Tôi có thể viết hàng chục trang về trạng thái tinh thần của mình do chuyến đi gặp Giovanni Batistini. Nhưng tôi không muốn làm điều đó. Tôi sẽ chỉ kể những gì đã trông thấy, đã nghe thấy, đã chứng kiến khi sống giữa những kẻ nắm vận mệnh nước Mỹ và sẽ ít viết nhất về những xúc cảm của mình. Bi kịch của một người bị lừa dối và tự lừa dối mình là đề tài của một cuốn sách khác mà tôi nhất định sẽ viết nếu còn sống.
Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình - Alexsandr Avdeenko Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình