Số lần đọc/download: 1370 / 8
Cập nhật: 2015-07-18 07:19:24 +0700
Chương 4
Đ
ến góc đường Cơ-rớt, Lâm gặp lại bạn. Trước nhà hàng do Sĩ Tâm làm chủ, đèn điện đủ màu đang nhấp nháy mời chào. Sĩ Tâm xưa kia là nữ hoàng của vũ điệu Flamenco, hiện giờ bà điều khiển một đoàn vũ công và ca sĩ. Tiếng tăm bà vang khắp xứ Tây Ban Nha.
Mỗi mùa đông, đoàn ca vũ của bà ta gặt hái nhiều kết quả rực rỡ ở Paris và Madrid. Suốt tuần trình diễn, lúc nào hí viện cũng chật như nêm.
Hai đứa trẻ nghèo nắm tay nhau vào một tiệm nhỏ đưa đến hông sân sau. Chị Mỵ Lan của nó ở một trong những phòng nhìn ra cái sân nhỏ lát gạch trắng ấy. Lâm gõ cửa, có tiếng hỏi "Ai?" Lâm trả lời:
- Em đây, chị Mỵ Lan!
- Vào đi, em.
Hai trẻ ngạc nhiên vì phòng chị nó tối om, cửa sổ đóng kín bưng. Lâm hoảng hốt khi quen với bóng tối trong phòng, nó kêu lên:
- Mỵ Lan, chị ốm hay sao đó?
- Chị hơi sốt, không sao...
- Trông chị xanh thế kia...
- Đã nói, chị không sao mà.
Cô gái nằm trên giường, trán đắp cái khăn tẩm nước. Cô nói như rên:
- Lâm! Chị biết mà, linh tính báo cho chị biết: em liều lĩnh quá… Chị lo cho em...
- Và có phát sốt vì em?
- Không, chị sốt từ chiều chúa nhật kia. Cảm ơn Chúa đã che chở cho em... Sao? kể lại chị nghe xem.
Lâm hí hửng trải vuông khăn đỏ trên sàn nhà, đặt thanh kiếm lên rồi thao thao kể chuyện mạo hiểm lý thú của nó, thái độ rộng lượng của Đỗ Tân v.v...
- Chị Mỵ Lan! Chị mà thấy con bò "Núi Đá Đen" chị cũng khiếp: hơi thở nó nóng hổi, mắt nó như tóe lửa, nó hung hăng...
- Thế còn khi người ta nhốt em vô tù... thì...
- Kể gì chuyện đó? Thì lúc Đỗ Tân bằng tuổi em, ảnh cũng vậy mà! Có chuyện này, chị biết không: chính Đỗ Tân nộp phạt cho em. Chị nhìn đây: chính ảnh cho em hai thứ này, ngon không?
- Ngon thật! Nhưng chỉ ngon với em thôi, vì chị không ăn được hai thứ đó, và...
Chị Mỵ Lan nghẹn ngào, trào nước mắt:
- Chúa ơi! Chị sợ cho em quá! Em hãy hứa là không đấu bò trên sân cỏ nữa. Nguy hiểm quá.
- Em không hứa đâu. Chị lau nước mắt đi! Em không muốn thấy chị khóc! Chị nghĩ coi, em phải làm sao để được vô sân, em có phải hạng quí phái quen biết người lớn đâu? Dễ gì mà vô đó, phải liều...
Mỵ Lan khóc nức lên, Lâm nắm tay chị, van nài:
- Chị đừng khóc, em đau lòng lắm, em không muốn chị khổ, nhưng em là con trai mà. Chị phải hiểu cho em... Từ giờ cho đến lúc được công khai đấu bò như Đỗ Tân, em còn phải lén tập đấu ngoài sân cỏ, trong đêm khuya, giữa mùa trăng.
Phong chen vô:
- Chị đừng lo, chị, em và mọi người đều phải biết: Lâm sinh ra để đấu bò, nếu chị là con trai coi: chị không khác gì nó đâu...
- Thôi đi, Phong! Các em một bụng với nhau, không biết gì cả.
- Chị không biết đúng hơn, vì chị là con gái...
Mỵ Lan nín lặng, cô không thể thú nhận với chúng là cô cũng từng mơ ước đến trò chơi nguy hiểm, gan góc đó.
Lâm bọc thanh gươm quý trong vuông vải đỏ. Nó và bạn sửa soạn từ biệt chị trở về làng. Kể từ ngày mai, sớm tinh sương chúng phải cuốc bộ hàng giờ để đến trang trại của Mã Ninh.
Trong sân sau chuồng ngựa của chủ nhân, chúng sẽ đợi lệnh lão cai rồi cùng một toán nhân công khác, ra vườn nho hay vườn dâu, cắm cúi làm việc. Tại nơi này, mồ hôi chúng đổ ra từ đầu, cổ, mặt, vai, chảy vào mắt làm chúng xót mắt, làm chúng nghe mặn ở miệng và khi ngẩng lên để lau, chúng nhìn thấy tiểu thư Mai trên mình ngựa ngoài đồng cỏ: một thiếu nữ xinh đẹp, quí phái như một bức tranh trong truyện thần tiên. Rồi mỗi chiều, chán nản và mệt mỏi, chúng mang về nhà một pesetas và vài xu
- Hôn lũ nhỏ ở nhà hộ chị, nghe em!
- Vâng!
- Mẹ có bớt không?
- Không! Mẹ vẫn còn ho đấy. Làm sao bớt được? Chị tính mẹ phải giặt giũ cho người ta để có tiền mua bánh, mua dầu... Tụi em đây cũng vất vả...
Giọng Lâm bực tức. Mỵ Lan cố gượng đưa tay vuốt tóc em, an ủi:
- Lâm! Em chỉ biết can đảm trước mặt bò thôi ư?
- Vâng! Em hiểu...
- Đây! Em đem tiền này về cho mẹ... (cô đưa cho em một gói giấy mỏng) chị tập sự nên bà Sĩ Tâm không trả lương cao.
- Khổ! Chị phải nhảy múa thâu đêm...
- Nghề nào cũng là nghề, chị được nghỉ ban ngày, thôi! Hôn chị đi rồi về.
- Nhưng tối nay làm sao chị nhảy được? Chị sốt thế kia?
- Phải làm việc. Ai thay chị được? Em cứ yên tâm...
Bỗng, Mỵ Lan sáng mắt lên, cô muốn tặng em món quà dù cô tiện tặn từng đồng trinh một. Cô hỏi em:
- Lâm, em thích gì nào?
- Em chả thích gì hết...
- Thôi đi! Em làm chị buồn...
- Em có thanh gươm và vuông khăn rồi.
- Đó là của Đỗ Tân cho em, phần chị...
Phong biết bạn thích một đôi giày mà chưa bao giờ có được, liền đáp thay bạn;
- Em biết, chị Mỵ Lan ơi, nó ưng một đôi giày.
- Ai bảo mày? Được cái tài...
Mỵ Lan ngăn em:
- Đừng phật ý vì sự thật. Đây, chị còn 40 pesetas đây. Hãy cầm lấy. Chị để dành nhưng có tiêu gì đâu.
Lâm đỏ mặt vì sung sướng. Tuy ao ước đôi giày nhưng không bao giờ nó tin là mình sẽ có, nó và các bạn đã quen đi chân không. Một đôi dép cũng đã là quá sang rồi! Trời ơi! Một giày bóng loáng như bậc phú gia! Tuyệt quá!
10 phút sau, hai đứa nắm tay nhau đi tìm hiệu bán giày. Đến một góc phố, bỗng Lâm nhìn chăm chăm vào một tủ kính hiệu buôn.
- Phong, mày thấy không? Một cái xe...
- Thấy rồi sao?
- Bán đại hạ giá, nghe!
- Xe cũ rích, bánh xe méo mó, tay quay rì sét, vải bọc rách bày cả lớp rơm độn trong, chắc là không đắt đâu...
- Cứ vô hỏi xem!
- Hai đứa cùng vô, nào!
Người bán hàng nhìn hai đứa bằng đôi mắt khinh bỉ:
- Tụi bay muốn gì?
Tính nhẩm số tiền chị Mỵ Lan cho, Lâm muốn hy sinh đôi giày để mua cái xe tặng bạn, nên nó dạn dĩ:
- Thưa ông, chúng tôi muốn mua cái xe nhỏ kia, cái xe dành cho người tàn tật ông bày kia...
- 340 pesetas...
- 340 pesetas? - Lâm lập lại như cái máy - Thưa ông, nó đã cũ thế kia?...
- Phải! không bớt một xu, nếu nó còn mới ấy à, hạng tụi bay có mà sờ đến được cái bánh xe! 1500 pesetas hiểu không? Phải! 1500 nếu nó còn sáng chói...
- Cảm ơn ông...
Hai đứa lắp bắp vì xót xa, đau đớn. Cúi đầu đi ra. Hai đứa sóng đôi, im lặng.
Một chốc sau, Lâm nói:
- Tao bằng lòng đổi thanh gươm và cái khăn đỏ để lấy chiếc xe cho Đông Bá Tước, nếu lão chịu...
- Đừng nói thế, lão tưởng mình điên. Bọn nhà buôn chỉ quí có tiền thôi...
- Khi nào tao làm có tiền, trước hết mày biết tao sắm gì không?
- Sao không? Chúng ta sẵn sàng nhảy vào lửa cho
Đông Bá Tước kia mà?
- Tao hết thích giày rồi!
- Đừng điên! Mày sẽ vui khi có đôi giày. Tạm gác cái xe lại đó.
Rẽ qua một con đường khác hai đứa dừng lại trước tủ kính chưng đầy giày: giày ống cao, giày thấp cổ, giày cao gót của phụ nữ, đủ thứ da, đủ màu: da cam, vàng, nâu, đen, đôi nào cũng ngon mắt, bóng lộn, soi rõ mặt người! Hai đứa rụt rè tiến vào. Gã đàn ông bán giày tóc đen nhoáng, bóng lưỡng vì chất bi-ăng-tin và người gã bốc mùi thơm điếc mũi. Gã ném cho hai đứa một cái nhìn xoi bói miệt thị, nhưng giọng lưỡi lại ngọt ngào:
- Hai cậu muốn mua giày?
- Vâng
Gã bán hàng liếc nhanh đôi chân trần đầy bụi của Lâm:
- Không có vớ, khó thử giầy lắm, cậu ơi! Tôi có sẵn vớ nếu cậu muốn mua...
Chẳng có lý do từ chối, đành mua đôi vớ "cô tông" vậy. Với sự cố vấn của bạn, Lâm mua một đôi giày thấp cổ. Gã bán hàng đon đả:
- Vừa vặn quá, thấy chưa? Thật cứ như là giày đặt ấy!
Số tiền còn lại, đủ cho hai đứa mua một bao thuốc lá, nhưng cả hai do dự vì nếu mua thuốc thì sẽ đói lòng. Phong đi sau bạn, hãnh diện vì đôi giày mới, vì tiếng cồm cộp trên nền xi măng...
- Phong! Tao đói quá. Đường về còn xa...
- Cái đó thì chắc rồi.
- Mình kiếm gì ăn đi!
- Mày còn bao nhiêu mà tính chuyện...
- Chắc đủ cho hai đứa.
Lâm xóc xóc mấy pesetas còn sót lại và Phong cũng chợt nhớ ra:
- Tao cũng còn đây: tiền xin nộp phạt mà khỏi nộp...
Hai đứa cười vang, quên cả mọi việc. Chúng nắm tay nhau bước xuống mươi bậc cấp để vào quán, kéo nhau ngồi xuống một chiếc ghế dài nhỏ kêu bánh mì, tôm luộc và thịt nguội. Lại được nhấm nháp một thứ rượu ngọt pha lẫn với nước cam, chanh và nước mía ép.
Bàn đối diện, hai gã ốm nhom đang bàn tán về tay đấu số một. Hai đứa lắng nghe không bỏ sót nửa câu. Chúng hiểu ngay họ là những tay đấu phụ hết thời.
- Ê! Bồ có thấy Đỗ Tân tự tay ghim mấy cái xiên không?
- Ủa, một mình thôi sao?
- Chớ sao, mà xiên ba cái, quên, ba cặp lận kia!
- Dễ nể thiệt đó!
- Lúc ghim cái đầu tiên xong, anh ta xoay trên cát như là khiêu vũ đẹp quá! Tới chừng ghim cặp ghim thứ hai thì ảnh như bay lên... làm cả đấu trường ngưng cả thở. Rồi ảnh đứng yên giống cái tượng chờ con bò xông tới mới nhảy qua một bên đoạn ghim thật mau cặp ghim chót lên vai nó. Tài quá, tao thấy anh ấy phóng ghim như là kẻ thiện xạ bắn cung: hai cái ghim cùng bay ra một lượt, ngay ngắn, chính xác...
Tên bạn lặp lại:
- Thì đã nói dễ nể mà!
Chợt họ xoay qua bàn về thằng nhỏ nhảy bừa vào đấu trường:
- Này, tao thấy thằng nhóc đó coi bộ có máu đấu bò trong huyết quản đa!
- Thì hồi xưa, tao cũng vậy!
- Mày đã nhảy bừa xuống ở Sơ-vinh chớ đâu! Mày tính đấu thử với con bò của Bắc Lộ nhưng mày bị nó húc cho phải vô bệnh viện, tao đi theo, tao có quên đâu mà nhắc...
- Mà con bò thì dở ẹt, mới là uất chớ! Thứ bò đó đem ăn thịt cho xong!
- Thôi bồ ơi! Hát dở lại chê rạp chật! Nội đất Tây Ban Nha này một trăm thằng nhỏ đều có ước vọng trở thành tay đấu bò cừ khôi, mà 99 thằng đều được vô bệnh viện hay về vườn hết... Vinh quang xa quá, lấp lánh như sao hôm về sáng...
Anh thứ nhất ngắt lời bạn:
- Hồi đó tao thấy Bắc Lộ cũng tay chì...
- Thấm gì? Không bằng gót chân anh Đỗ Tân!
Và câu chuyện lại trở về với thằng nhỏ liều lĩnh:
- Thằng coi khá, hà? Nó đã chọc tức con bò đến ba lượt chớ ít ỏi gì?
- Đỗ Tân tốt bụng, anh ta vẫn cho tụi vô danh tiểu tốt thử thời vận luôn đó chớ, nhưng công bình mà nói, tao chưa thấy thằng nhỏ nào gan dạ như thằng nhỏ hôm nay. Nó mà tập luôn là có cơ...
- Phải, biết đâu?
- Vậy mà tối nay phải nằm trong tù, tội nghiệp
- Tù sao nổi, bạn? Hồi nãy tao thấy bạn nó xin tiền khán giả để nộp phạt cho nó, và chính tao nghèo kiết đây mà cũng không thể làm ngơ...
- Cha! Tụi tôn tốt như bọn mình sao cứ nghèo mạt?
Còn tụi bất lương thì lại giàu sụ, ức không? Này, tao nó...i...
Hai tướng đã say khướt. Họ uống để quên vận đen, để tưởng tượng đến ngày vinh quang của kẻ khác, để an ủi chính mình?
Nhưng dù họ uống vì cái gì đi nữa, hai đứa trẻ cũng lấy làm sung sướng mà thấy được họ chú ý, dù họ chỉ là những tay đấu phụ, bất phùng thời... Những lời của họ làm chúng ngây ngất hơn cốc rượu vừa chua, vừa ngọt, vừa nồng.
Chúng uống những lời của họ ngon hơn uống rượu, trong lúc họ thao thao kể lể, không nhận ra chúng là ai.
° ° °
Trời tối mịt. Hai đứa song đôi đi qua nhà thờ St. Nicolas và băng ngang những con đường tắt, quanh co ở ngoại ô Juy-da. ánh sáng từ trong các nhà gần đó hắt ra ngoài, chiếu trên những cái sân nhỏ lát đá. Một cơn gió nhẹ lành lạnh làm giòng sông gợn sóng...
Chúng co ro đi sát vào nhau, qua cầu... đến những căn nhà rải rác ven đường rồi băng đồng, để nhịp cho bước chân đi, Phong huýt sáo điệu Paso Dople của Đỗ Tân, một điệu nhạc mà tất cả nhạc sĩ ở đấu trường đều biết, thường được trổi lên để đệm cho đấu thủ dùng mảnh khăn đỏ mà khắc phục bò.
Tiếng huýt sáo trong trẻo, giòn và nồng ấm, đôi chân không của nó nện mau trên cát trong lúc Lâm gần như lê chân không nổi. Phong ngạc nhiên quá, lần thứ nhất nó thấy bạn đi chậm hơn mình:
- Sao đó? Mệt rồi ư?
- Mệt cóc khô! Ai bảo là tao mệt?
- Ủa, chớ sao cậu lùi lại vậy?
Lâm cau có thêm:
- Tại sao hả? Đáng ra mày phải biết chớ, tại đôi giày quỉ…
- A!
- Mang như mang xích sắt... chán quá đi!
Từ nhỏ đến giờ nó chưa từng được mang giày, đôi chân nó như bị hơ trên lửa đỏ: da phồng lên, đến nỗi nó tưởng như đôi giày sắp nứt ra...
- Đợi chút...
- Chi vậy?
- Còn hỏi hoài... chờ chút được không?
- Sao lại không?
Lâm ngồi bệt xuống đất, cời phăng đôi giày ra, tuột luôn đôi vớ. Nó cảm thấy khoan khoái hơn bao giờ cả: còn gì thích hơn là được để đôi chân trần dẫm lên cát mịn, lạnh rợi, giữa đêm!
- Nào, lên đường!
Vừa nói, Lâm vừa nhét vội đôi vớ vào túi áo, cột dính hai chiếc giày lại với nhau rồi móc lên vai. Lại vui vẻ ngay, Lâm nói với bạn:
- Kỳ này về, tao sẽ gạ bán đôi giày lại cho lão thợ xóm mình. Thôi đi! Bây giờ tao mới thấy đi chân không thật thích.
Trong vắng lặng, tiếng cười trong trẻo vô tư của hai đứa lại vang lên. Chân dẫm đất, đầu trần và áo quần rách rưới, nhưng tình bạn sưởi ấm chúng, giúp chúng bất chấp sương lạnh, đêm dày.