He who lends a book is an idiot. He who returns the book is more of an idiot.

Arabic Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6550 / 575
Cập nhật: 2015-09-12 20:58:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tập 4
ự Sắp xếp Vĩ đại Ba sự hội tụ không chỉ sẽ tác động đến các cá nhân chuẩn bị chính mình cho công việc ra sao, các công ti cạnh tranh thế nào, các nước tổ chức hoạt động kinh tế và địa chính trị của họ ra sao. Với thời gian, nó sẽ định hình lại các thực thể chính trị, phân lại vai của các đảng chính trị, và xác định lại ai là một người làm chính trị. Tóm lại, theo sau ba sự hội tụ này mà chúng ta vừa điểm qua, chúng ta sẽ chứng kiến cái tôi gọi là “sự sắp xếp vĩ đại.” Bởi vì khi thế giới bắt đầu chuyển từ một mô hình tạo giá trị chủ yếu theo chiều dọc từ trên xuống (chỉ huy và kiểm soát) sang một mô hình tạo giá trị ngày càng ngang (kết nối và cộng tác), nó không chỉ tác động đến làm kinh doanh thế nào. Nó tác động đến mọi thứ- các cộng đồng và các công ti xác định mình thế nào; các công ti và các cộng đồng dừng và bắt đầu ở đâu; các cá nhân cân đối những bản sắc khác nhau của họ thế nào với tư cách những người tiêu dùng, các nhân viên, các cổ đông, và các công dân; và nhà nước phải đóng vai trò gì. Tất cả những thứ này sẽ phải được sắp xếp lại. Căn bệnh phổ biến nhất của thế giới phẳng là rối loạn đa bản sắc, đó là vì sao, nếu không gì khác, các nhà khoa học chính trị sẽ có một ngày khảo sát thực địa với thế giới phẳng. Khoa học chính trị có thể hoá ra là ngành công nghiệp tăng trưởng lớn nhất trong tất cả [các khoa học] ở kỉ nguyên mới này. Bởi vì khi đi qua sự sắp xếp lớn này trong thập niên tới, chúng ta sẽ thấy một số bạn đồng sàng rất lạ kì sẽ tiến hành một số hoạt động chính trị rất mới mẻ.
Đầu tiên tôi bắt đầu nghĩ về sự sắp xếp vĩ đại sau một cuộc trò chuyện với nhà lí thuyết chính trị nổi tiếng của Đại học Hardvard Michael J. Sandel. Sandel làm tôi hơi giật mình bằng nhận xét rằng loại quá trình làm phẳng mà tôi đang mô tả thực sự đã được Karl Marx và Friedrich Engels nhận diện đầu tiên trong Tuyên ngôn Cộng sản, được xuất bản năm 1848. Trong khi sự co lại và làm phẳng thế giới mà ta thấy ngày nay tạo thành một sự khác biệt về mức độ với cái Marx đã thấy xảy ra ở thời ông, Sandel nói, tuy vậy nó là phần của cùng xu hướng lịch sử mà Marx đã nêu bật trong các tác phẩm của ông về chủ nghĩa tư bản- cuộc hành quân không lay chuyển được của công nghệ và vốn [tư bản] để loại bỏ mọi rào cản, biên giới, ma sát, và ràng buộc đối với thương mại toàn cầu.
“Marx đã là một trong những người đầu tiên thoáng thấy khả năng của thế giới như một thị trường toàn cầu, không bị các biên giới quốc gia làm cho rắc rối,” Sandel giải thích. “Marx là một nhà phê bình mãnh liệt nhất của chủ nghĩa tư bản, thế nhưng ông kính sợ sức mạnh của nó để phá sập các rào cản và tạo ra một hệ thống sản xuất và tiêu thụ toàn cầu. Trong Tuyên ngôn Cộng sản, ông đã mô tả chủ nghĩa tư bản như một lực lượng sẽ làm tan rã tất cả các thực thể phong kiến, dân tộc, và tôn giáo, tạo ra một nền văn minh phổ quát được chi phối bởi các mệnh lệnh thị trường. Marx đã coi là không thể tránh khỏi rằng [vốn] tư bản có cách riêng của nó-không thể tránh khỏi và cũng đáng mong mỏi. Bởi vì một khi chủ nghĩa tư bản đã phá huỷ mọi lòng trung thành dân tộc và tôn giáo, Marx nghĩ, nó sẽ bóc trần toàn bộ cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động. Buộc phải cạnh tranh trong một cuộc đua toàn cầu đến đáy, những người lao động thế giới sẽ liên hiệp lại trong một cách mạng toàn cầu để chấp dứt áp bức. Bị tước đoạt mất sự an ủi những sự rối trí, như mất chủ nghĩa yêu nước và tôn giáo, họ sẽ thấy sự bóc lột họ một cách rõ ràng và đứng lên để chấm dứt nó.”
Quả thực, đọc Tuyên ngôn Cộng sản ngày nay, tôi kính sợ Marx đã nêu chi tiết sâu sắc đến thế nào các lực lượng làm phẳng thế giới trong sự nổi lên của Cách mạng Công nghiệp, và ông đã báo hiệu trước nhiều đến thế nào cách mà cũng các lực lượng này sẽ tiếp tục làm phẳng thế giới cho đến đúng tận hiện nay. Trong đoạn có lẽ là đoạn then chốt của Tuyên ngôn Cộng sản, Marx và Engels viết:
Tất cả các quan hệ cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng các định kiến và ý kiến vốn được tôn sùng, đều đang tiêu tan; những quan hệ mới hình thành chưa kịp cứng lại thì đã già cỗi ngay. Tất cả những gì vững chắc đều tan thành mây khói; tất cả những gì thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mỗi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo. Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu liên tục mở rộng thị trường cho sản phẩm của nó, giai cấp tư sản xâm lấn khắp toàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi. Do khai thác thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các nước mang tính chất thế giới. Mặc cho bọn phản động đau buồn, nó đã làm cho công nghiệp mất cơ sở dân tộc. Những ngành công nghiệp dân tộc đã bị tiêu diệt và đang ngày càng bị tiêu diệt. Những ngành công nghiệp dân tộc bị thay thế bởi những ngành công nghiệp mới, tức là những ngành công nghiệp mà việc thâu nạp chúng trở thành một vấn đề sống còn đối với tất cả các dân tộc văn minh, những ngành công nghiệp không dùng những nguyên liệu bản xứ mà dùng những nguyên liệu đưa từ những miền xa xôi nhất trên trái đất đến và sản phẩm làm ra không những được tiêu thụ ngay trong xứ mà còn được tiêu thụ ở tất cả các nơi trên trái đất nữa. Thay cho những nhu cầu cũ được thoả mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và các dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới.
Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn tất cả, ngay cả các dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh. Giá rẻ của các sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả các vạn lí trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất phải hàng phục. Nó buộc tất cả các dân tộc phải chấp nhận phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó.*
Khó có thể tin là Marx đã công bố nó năm 1848. Dẫn chiếu đến Tuyên ngôn Cộng sản, Sandel bảo tôi, “Anh đang lập luận cái gì đó tương tự. Cái anh lập luận là sự phát triển về công nghệ thông tin cho phép các công ti ép tất cả sự phi hiệu quả và ma sát khỏi các thị trường và hoạt động kinh doanh của họ. Đó là cái khái niệm ‘làm phẳng’ của anh thực sự muốn nói. Nhưng một thế giới phẳng, phi ma sát là một phúc lành ô hợp. Nó có thể, như anh gợi ý, là tốt cho kinh doanh toàn cầu. Hay nó có thể, như Marx đã tin, là điềm báo trước cho một cuộc cách mạng vô sản. Nhưng nó cũng có thể đưa ra một đe doạ đối với các chỗ và các cộng đồng đặc biệt cho chúng ta phương hướng, định vị chúng ta trên thế giới. Từ sự khuấy động đầu tiên của chủ nghĩa tư bản, người ta đã hình dung về khả năng của thế giới như một thị trường hoàn hảo- không bị cản trở bởi các áp lực bảo hộ, các hệ thống pháp lí khác nhau, các khác biệt văn hoá và ngôn ngữ, hay sự bất đồng ý thức hệ. Nhưng sức tưởng tượng này đã luôn va vào thế giới như nó thực sự là - đầy rẫy những nguồn ma sát và phi hiệu quả. Một số cản trở cho một thị trường toàn cầu phi ma sát là những nguồn thật của sự lãng phí và mất cơ hội. Nhưng một số trong những phi hiệu quả này là các định chế, tập quán, văn hoá, và truyền thống mà người dân yêu mến chính xác vì chúng phản ánh các giá trị phi thị trường như sự cố kết xã hội, niềm tin tôn giáo, và tự hào dân tộc. Nếu các thị trường toàn cầu và các công nghệ truyền thông mới làm phẳng những sự khác biệt này, thì chúng ta có thể mất cái gì đó quan trọng. Đó là vì sao tranh luận về chủ nghĩa tư bản, từ ngay ban đầu, đã là về các ma sát, cản trở, và ranh giới nào chỉ là những nguồn lãng phí và phi hiệu quả, và những cái nào là nguồn của bản sắc và sự thuộc về mà chúng ta phải cố bảo vệ. Từ điện tín đến Internet, mỗi công nghệ truyền thông mới đã hứa hẹn làm co khoảng cách giữa người dân, để tăng truy cập đến thông tin, và để đưa chúng ta hết sức gần hơn đến ước mơ về một thị trường toàn cầu hữu hiệu hoàn hảo, phi ma sát. Và mỗi lần, câu hỏi cho xã hội nổi lên với sự cấp bách được làm mới: Ở mức độ nào chúng ta phải đứng sang một bên, ‘bắt đầu với chương trình,’ và làm mọi thứ chúng ta có thể làm để ép bỏ càng nhiều sự phi hiệu quả, và ở mức độ nào chúng ta phải dựa vào xu hướng vì các giá trị mà các thị trường toàn cầu không thể cung cấp? Một số nguồn ma sát là đáng bảo vệ, ngay cả đối mặt với một nền kinh tế toàn cầu đe doạ làm phẳng chúng.”
Nguồn ma sát lớn nhất, tất nhiên, luôn là nhà nước quốc gia, với các biên giới và luật pháp được xác định rõ ràng. Các biên giới quốc gia như một nguồn ma sát chúng ta muốn duy trì, hay thậm chí có thể duy trì, trong một thế giới phẳng? Các rào cản pháp lí đối với dòng chảy thông tin, quyền sở hữu trí tuệ, và vốn- như quyền tác giả, bảo vệ người lao động, và lương tối thiểu- thì sao? Theo sau ba sự hội tụ, các lực lượng làm phẳng càng làm giảm ma sát và các rào cản, các thách thức càng gắt mà chúng sẽ đặt ra với nhà nước-quốc gia và với các nền văn hoá, giá trị, bản sắc dân tộc, truyền thống dân chủ, và mối ràng buộc cá biệt mà về mặt lịch sử đã cho sự bảo vệ và sự làm nhẹ bớt nào đó đối với người lao động và các cộng đồng. Cái nào chúng ta giữ lại và cái nào để cho biến thành mây khói để tất cả chúng ta có thể cộng tác dễ dàng hơn?
Điều này sẽ dẫn đến sự sắp xếp, phân loại nào đó, đó là vì sao điểm do Michael Sandel nêu ra là cơ bản và chắc chắn ở hàng đầu của tranh luận chính trị cả ở bên trong và giữa các nhà nước-quốc gia trong thế giới phẳng. Như Sandel lí lẽ, cái tôi gọi là cộng tác có thể được những người khác coi chỉ như một cái tên bóng bẩy cho khả năng thuê nhân công rẻ ở Ấn Độ. Bạn không thể phủ nhận điều đó khi bạn nhìn nó từ viễn cảnh Mĩ. Nhưng nó là thế chỉ nếu bạn nhìn từ một phía. Từ viễn cảnh của người lao động Ấn Độ, cùng hình thức cộng tác ấy, outsourcing, có thể được coi như cái tên khác của trao quyền cho các cá nhân trong thế giới đang phát triển như chưa từng có bao giờ, cho phép họ nuôi dưỡng, khai thác, và hưởng lợi từ tài năng trí tuệ Trời phú của họ- những tài năng mà trước sự làm phẳng thế giới đã thường mục rữa ở các cầu cảng của Bombay và Calcutta. Nhìn nó từ góc Mĩ của thế giới phẳng, bạn có thể kết luận là ma sát, các rào cản, và các giá trị cản trở outsourcing phải được duy trì, có lẽ thậm chí được tăng cường. Nhưng từ quan điểm của những người Ấn Độ, sự không thiên vị, công lí, và những khát vọng riêng của họ đòi hỏi rằng cùng các rào cản và nguồn ma sát đó phải được dỡ bỏ. Trong thế giới phẳng, sự giải phóng kinh tế của một người có thể là sự thất nghiệp của người khác.
INDIA (ẤN ĐỘ) ĐỐI LẠI INDIANA:
AI BÓC LỘT AI?
Hãy xem xét trường hợp này về rối loạn đa bản sắc. Năm 2003, bang Indiana mời đấu thầu một hợp đồng nâng cấp các hệ thống máy tính xử lí các đòi hỏi thất nghiệp của bang. Thử đoán xem ai trúng? Tata America International, công ti con có trụ sở ở
Mĩ của công ti Tata Consultancy Services của Ấn Độ. Giá bỏ thầu của Tata là 15,2 triệu $ rẻ hơn giá bỏ thầu của đối thủ sát nhất của nó, công ti Deloitte Consulting and Accenture có cơ sở ở New York, là 8,1 triệu $. Không công ti Indiana nào tham gia đấu thầu, vì nó quá lớn để họ có thể giải quyết.
Nói cách khác, một hãng tư vấn Ấn Độ thắng thầu để nâng cấp cục quản lí thất nghiệp của bang Indiana! Bạn không thể dàn xếp việc này. Indiana đã outsourcing chính cục phải làm cho người dân Indiana nhẹ bớt khỏi các tác động của outsourcing. Tata đã dự kiến gửi khoảng sáu mươi lăm nhân viên hợp đồng để làm việc tại Trung tâm Chính phủ Indiana, cùng với mười tám nhân viên của bang. Tata cũng nói nó muốn thuê các nhà thầu phụ địa phương và có tuyển dụng nào đó ở địa phương, nhưng phần lớn nhân viên sẽ đến từ Ấn Độ để tiến hành đại tu máy tính, hệ thống, một khi hoàn tất, được cho là “sẽ tăng tốc độ xử lí các đòi hỏi thất nghiệp, cũng như tiết kiệm bưu phí và giảm sự phiền nhiễu đối với các doanh nghiệp đóng thuế thất nghiệp,” tờ Indianapolis Star tường thuật ngày 25-6-2004. Có lẽ bạn có thể phỏng đoán câu chuyện kết thúc thế nào. “Các trợ lí chóp bu của Frank O’Bannon, thống đốc bang khi đó, đã kí hợp đồng nhạy cảm chính trị, có thời hạn bốn năm trước khi ông mất vào ngày 13-9-[2003],” tờ Star tường thuật. Nhưng khi tin tức về hợp đồng được công bố, những người Cộng hoà biến nó thành một vấn đề của cuộc vận động. Nó trở thành vấn đề chính trị nóng bỏng đến mức Thống đốc Joe Kernan, một đảng viên Đảng Dân chủ người thay thế O’Bannon, đã ra lệnh cho cơ quan của bang, cục giúp những cư dân Indiana không có việc làm, huỷ bỏ hợp đồng- và cũng đưa ra các rào cản pháp lí và ma sát nhất định để ngăn những việc như vậy xảy ra lần nữa. Ông cũng đã ra lệnh rằng hợp đồng phải được phân thành các miếng nhỏ mà các hãng Indiana có thể đấu thầu- tốt cho các hãng Indiana nhưng rất đắt tiền và phi hiệu quả đối với bang. Tờ Indianapolis Star tường thuật rằng một tấm séc 993.587 $ đã được gửi thanh toán cho Tata vì tám tuần công việc, trong thời gian đó nó đã đào tạo bốn mươi lăm nhà lập trình của bang về phát triển và kĩ thuật phần mềm tiên tiến: “‘Làm việc với công ti thật tuyệt vời,’ Alan Degner, uỷ viên của Indiana về phát triển lực lượng lao động, nói.”
Như thế bây giờ tôi nêu chỉ một câu hỏi đơn giản: Ai là người bóc lột và ai là người bị bóc lột trong câu chuyện India-Indiana này? Chi nhánh Mĩ của một hãng tư vấn Ấn Độ đề xuất để tiết kiệm cho những người đóng thuế Indiana 8,1 triệu $ bằng tân trang lại các máy tính của họ- sử dụng cả các nhân viên Ấn Độ và những người làm thuê địa phương từ Indiana. Doanh vụ sẽ rất làm lợi cho chi nhánh Mĩ của hãng tư vấn Ấn Độ; nó làm lợi cho một số người làm kĩ thuật của Indiana; và nó tiết kiệm cho cư dân bang Indiana những đồng tiền thuế quý báu có thể được dùng để thuê nhiều nhân viên nhà nước hơn ở nơi khác, hay để xây dựng các trường học mới làm giảm dài lâu vai của người thất nghiệp. Thế mà toàn bộ hợp đồng, được các đảng viên Dân chủ ủng hộ người lao động kí, bị xé dưới áp lực của những người Cộng hoà ủng hộ tự do-thương mại.
Hãy sắp xếp lại điều đó.
Trong thế giới cũ, nơi giá trị chủ yếu được tạo ra theo chiều dọc, thường ở bên trong một công ti đơn nhất và từ trên xuống, đã rất dễ để thấy ai ở trên đỉnh và ai ở dưới đáy, ai bóc lột và ai bị bóc lột. Song khi thế giới bắt đầu phẳng ra và giá trị ngày càng được tạo ra theo chiều ngang (qua vô số dạng cộng tác, trong đó các cá nhân và những kẻ nhỏ có sức mạnh hơn nhiều), ai ở trên đỉnh ai ở dưới đáy, ai bóc lột và ai bị bóc lột, trở nên rất phức tạp. Một số trong các phản xạ chính trị cũ của chúng ta không còn áp dụng được nữa. Có phải các kĩ sư Ấn Độ đã không “bị bóc lột” khi chính phủ của họ đã đào tạo họ ở một số trong các học viện kĩ thuật tốt nhất thế giới ở bên trong Ấn Độ, nhưng sau đó cũng chính phủ Ấn Độ đó đã theo đuổi chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa không thể tạo công ăn việc làm cho các kĩ sư đó ở Ấn Độ, nên những người không thể thoát khỏi Ấn Độ đã phải lái taxi để kiếm miếng ăn? Cũng các kĩ sư đó bây giờ có bị bóc lột khi họ gia nhập công ti tư vấn lớn nhất Ấn Độ, được trả lương rất thoải mái theo các điều kiện Ấn Độ, và, nhờ thế giới phẳng, bây giờ có thể áp dụng kĩ năng của họ một cách toàn cầu? Hay các kĩ sư Ấn Độ đó bây giờ bóc lột người dân Indiana bằng kiến nghị tân trang lại hệ thống quản lí thất nghiệp của bang họ với ít tiền hơn nhiều so với một hãng tư vấn Mĩ? Hay nhân dân Indiana bóc lột các kĩ sư Ấn Độ rẻ đó? Ai đó hãy nói cho tôi biết: Ai bóc lột ai trong câu chuyện này? Cánh Tả truyền thống đứng về phía ai trong câu chuyện này? Với các công nhân tri thức từ thế giới đang phát triển, được trả lương tử tế, thử dùng tài năng khó nhọc mới có được của họ trong thế giới đã phát triển? Hay với các chính trị gia Indiana, những người muốn tước đoạt công việc của các kĩ sư Ấn Độ này để các cử tri của họ có thể làm với giá đắt hơn? Và cánh Hữu truyền thống đứng với ai trong câu chuyện này? Với những người muốn giữ thuế thấp và giảm ngân sách Indiana bằng outsourcing một số việc, hay với những người nói, “Hãy tăng thuế để giữ công việc ở đây và dành chỉ cho người dân Indiana”? Với những người muốn duy trì ma sát nào đó trong hệ thống, cho dù điều đó đi ngược lại mọi bản năng Cộng hoà về tự do thương mại, chỉ để giúp nhân dân Indiana? Nếu bạn chống toàn cầu hoá bởi vì bạn nghĩ nó làm hại nhân dân ở các nước đang phát triển, bạn đứng về phía nào trong chuyện này: India hay Indiana?
Tranh luận India đối lại Indiana nêu bật những khó khăn trong vạch ra các ranh giới giữa những lợi ích của hai cộng đồng trước kia chẳng bao giờ hình dung là họ được kết nối, nói chi đến cộng tác. Nhưng đột nhiên họ thức tỉnh và phát hiện ra rằng trong một thế giới phẳng, nơi công việc ngày càng trở thành sự cộng tác theo chiều ngang, họ không chỉ được kết nối và cộng tác mà rất cần đến một khế ước xã hội để quản lí các mối quan hệ của họ.
Điểm lớn hơn ở đây là thế này: Bất luận chúng ta nói về khoa học quản lí hay khoa học chính trị, chế tác hay nghiên cứu và phát triển, rất, rất nhiều người chơi và quy trình sẽ phải bắt đầu giải quyết “sự làm ngang hoá.” Và nó sẽ cần phải sắp xếp lại rất nhiều.
CÁC CÔNG TI DỪNG VÀ BẮT ĐẦU Ở ĐÂU?
Hệt như mối quan hệ giữa các nhóm người lao động khác nhau sẽ phải được sắp xếp lại trong một thế giới phẳng, quan hệ giữa các công ti và các cộng đồng trong đó chúng hoạt động cũng sẽ thế. Giá trị của ai sẽ chi phối một công ti cá biệt và lợi ích của ai công ti đó sẽ tôn trọng và thúc đẩy? Người ta thường nói rằng do General Motors đi tới, nên Mĩ đi tới. Nhưng ngày nay người ta nói, “Do Dell đi tới, nên Maylaysia, Đài loan, Trung Quốc, Ireland, Ấn Độ … đi tới” Ngày nay HP có 142.000 nhân viên ở 178 nước. Nó không chỉ là công ti công nghệ tiêu dùng lớn nhất trên thế giới; nó là công ti công nghệ thông tin lớn nhất Châu Âu, nó là công ti IT lớn nhất ở Nga, là công ti IT lớn nhất ở Trung Đông, và công ti công nghệ thông tin lớn nhất ở Nam Phi. HP có là công ti Mĩ nếu đa số nhân viên và các khách hàng của nó ở ngoài nước Mĩ, cho dù tổng hành dinh của nó ở Palo Alto? Các công ti không thể sống sót ngày nay như một thực thể bị giới hạn bởi bất cứ một nhà nước-quốc gia duy nhất nào, không ngay cả bởi nhà nước-quốc gia lớn như Hoa Kì. Cho nên vấn đề giữ-cho-mình-tỉnh-táo-vào-ban-đêm hiện thời đối với các nhà nước-quốc gia và công dân của chúng là, ứng xử thế nào với các công ti không còn bị giới hạn bởi cái thứ gọi là nhà nước-quốc gia nữa. Chúng trung thành với ai?
“Tổng công ti Mĩ đã hoạt động rất tốt, và không có gì sai với việc đó, nhưng nó hoạt động tốt bằng cách liên kết mình với thế giới phẳng,” Dinakar Singh, nhà quản lí quỹ tự bảo hiểm [hedge fund], nói. “Nó làm việc đó bằng outsourcing càng nhiều thành phần càng tốt cho các nhà cung cấp rẻ nhất, hiệu quả nhất. Nếu Dell có thể xây dựng mỗi linh kiện của các máy tính của nó ở miền duyên hải Trung Quốc và bán chúng ở duyên hải Mĩ, Dell được lợi, và những người tiêu dùng Mĩ được lợi, nhưng khó để chứng tỏ rằng lao động Mĩ được lợi.” Cho nên Dell muốn một thế giới càng phẳng càng tốt, với càng ít ma sát và càng ít rào cản càng tốt. Hầu hết các công ti khác cũng thế hiện nay, bởi vì điều này cho phép họ sản xuất các thứ ở các thị trường có chi phí thấp nhất, hiệu quả nhất và bán chúng ở các thị trường sinh lợi nhất. Hầu như không có gì về Toàn cầu hoá 3.0 mà không tốt cho vốn cả. Các nhà tư bản có thể ngả người trên ghế, mua sạch bất cứ đổi mới nào, và sau đó thuê đầu vào lao động giỏi nhất, rẻ nhất từ bất cứ đâu trên thế giới để nghiên cứu nó, phát triển nó, sản xuất nó, và phân phối nó. Cổ phiếu Dell hoạt động tốt, các cổ đông làm ăn tốt, các khách hàng của Dell làm ăn tốt, và [sở giao dịch] Nasdaq làm ăn tốt. Tất cả các thứ liên quan đến vốn [tư bản] làm ăn tốt. Nhưng chỉ một số người lao động Mĩ sẽ được lợi, và chỉ một số cộng đồng. Những người khác cảm thấy đau khổ do sự làm phẳng thế giới gây ra.
Vì các công ti đa quốc gia đầu tiên bắt đầu tìm nguồn khắp thế giới để kiếm lao động và các thị trường, các lợi ích của chúng luôn vượt quá các nhà nước-quốc gia trong đó chúng có hội sở. Nhưng cái xảy ra ngày nay, trên một trái đất phẳng, là một sự khác biệt về mức độ chẳng khác gì một sự khác biệt về loại. Các công ti đã chưa từng bao giờ có nhiều tự do hơn, và ít ma sát hơn, trong cách phân công nghiên cứu, chế tác cấp thấp, và chế tác cấp cao ở bất cứ đâu trên thế giới. Điều này có nghĩa gì đối với mối quan hệ dài hạn giữa các công ti và các nước mà nó có trụ sở chính đơn giản là không rõ.
Hãy xét thí dụ sống động này: Ngày 7-12-2004, IBM công bố là nó bán toàn bộ Bộ phận Tính toán Cá nhân cho công ti máy tính Trung Quốc Lenovo để tạo ra một công ti PC toàn cầu mới - lớn thứ ba thế giới- với gần 12 tỉ $ doanh thu hàng năm. Đồng thời, tuy vậy, IBM nói nó sẽ có 18,9 phần trăm cổ phần trong Lenovo, tạo ra một liên minh chiến lược giữa IBM và Lenovo về bán hàng, cấp tài chính, và dịch vụ trên toàn cầu. Người ta công bố tổng hành dinh toàn cầu của công ti mới được phối hợp sẽ ở New York, nhưng các hoạt động sản xuất chủ yếu của nó sẽ ở Bắc Kinh và Raleigh, Bắc Carolina; các trung tâm nghiên cứu sẽ ở Trung Quốc, Hoa Kì, và Nhật Bản; và các văn phòng bán hàng sẽ ở khắp thế giới. Lenovo mới sẽ là nhà cung cấp PC được ưa thích cho IBM, và IBM sẽ cũng là nhà cung cấp tài chính và dịch vụ được ưa thích của Lenovo.
Bạn vẫn cùng với tôi? Khoảng mười ngàn người sẽ di chuyển từ IBM sang Lenovo, công ti được thành lập năm 1984 và là công ti đầu tiên đưa khái niệm máy tính gia đình ở Trung Quốc. Từ 1997, Lenovo đã là nhãn PC hàng đầu ở Trung Quốc. Phần tôi ưa thích của thông cáo báo chí nhận diện các nhà điều hành của công ti mới như sau.
“Yang Yuanqing -Chủ tịch HĐQT. [Ông là CEO hiện hành của Lenovo]. Steve Ward – CEO [Tổng điều hành, Chief Excecutive Oficer]. [Ông hiện là phó chủ tịch cấp cao của IBM và tổng giám đốc của Personal System Group của IBM.] Fran O’Sullivan - Tổng Điều hành COO [Chief Operation Officer]. [Bà là tổng giám đốc của Bộ phận PC của IBM.] Mary Ma - Tổng Quản lí Tài chính CFO [Kế toán trưởng]. [Bà là CFO của Lenovo.]”
Nói về tạo giá trị theo chiều ngang: Công ti mới do Trung Quốc sở hữu này có trụ sở ở New York với các nhà máy ở Raleigh và Bắc Kinh sẽ có một Chủ tịch Trung Quốc, một CEO Mĩ, một COO Mĩ, và một CFO Trung Quốc, và nó sẽ được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Bạn sẽ gọi công ti này là một công ti Mĩ? Một công ti Trung Quốc? Lenovo sẽ cảm thấy gắn bó nhất với nước nào? Hay nó sẽ chỉ thấy mình là thứ trôi lềnh bềnh trên trái đất phẳng?
Câu hỏi này đã được lường trước trong công bố báo chí công bố công ti mới: “Trụ sở chính của Lenovo sẽ ở đâu?” nó hỏi
Trả lời: “Như một doanh nghiệp toàn cầu, Lenovo mới sẽ phân tán về mặt địa lí, với con người và các tài sản đặt trên khắp thế giới.”
Hãy sắp xếp lại điều đó.
Sự thật lạnh lùng, khắc nghiệt là ban quản lí, các cổ đông, và các nhà đầu tư về cơ bản thờ ơ với việc lợi nhuận của họ đến từ đâu hay thậm chí công ăn việc làm được tạo ra ở đâu. Nhưng họ muốn các công ti bền vững. Các chính trị gia, tuy vậy, buộc phải thúc đẩy việc tạo ra công ăn việc làm ở một nơi nhất định. Và những người thường trú- bất luận họ là những người Mĩ, Châu Âu, hay Ấn Độ - muốn biết rằng công việc làm tốt sẽ ở gần nhà.
CEO của một công ti đa quốc gia Âu Châu nói với tôi, “Chúng tôi là một công ti nghiên cứu toàn cầu bây giờ.” Đó là tin tức tuyệt vời cho các cổ đông và các nhà đầu tư của ông ta. Ông đánh giá các bộ óc giỏi nhất trên hành tinh, bất luận chúng ở đâu, và hầu như chắc chắn tiết kiệm tiền bằng không làm mọi nghiên cứu ở vườn sau của mình. “Nhưng cuối cùng,” ông nói riêng với tôi, “điều này sẽ có các hệ luỵ ở một thời điểm tương lai đến công ăn việc làm ở chính nước chúng tôi- có lẽ không phải năm nay mà trong năm hay mười lăm năm.” Với tư cách một CEO và công dân Liên Hiệp Âu Châu, “bạn có thể có đối thoại với chính phủ mình về làm thế nào chúng tôi có thể giữ lại các năng lực [trong chính nước mình]- nhưng hàng ngày bạn phải ra các quyết định nhớ đến các cổ đông.”
Dịch ra là: Nếu tôi có thể mua năm nhà nghiên cứu xuất sắc ở Trung Quốc và/hoặc Ấn Độ với giá của một nhà nghiên cứu ở Châu Âu hay Mĩ, tôi sẽ mua năm người ấy; và nếu, về dài hạn, điều đó có nghĩa là xã hội của chính tôi mất một phần cơ sở kĩ năng của nó, thì đành vậy. Cách duy nhất để hội tụ các lợi ích của cả hai – công ti và nước xuất xứ của nó- là có một dân cư thật sự nhanh trí có thể không chỉ đòi miếng của mình trong cái bánh toàn cầu lớn hơn mà cũng sáng chế ra các miếng riêng của mình nữa. “Chúng tôi đã lớn lên bị nghiện các khoản lương cao của mình, và bây giờ chúng tôi sẽ thực sự phải kiếm chúng,” CEO đó nói.
Nhưng ngay cả nhận diện nước xuất xứ của một công ti hiện nay ngày càng khó hơn. Sir John Rose, CEO của Rolls-Royce, một lần nói với tôi, “Chúng tôi kinh doanh lớn ở Đức. Chúng tôi là nhà sử dụng lao động công nghệ cao lớn nhất trong bang Brandenburg. Mới đây tôi ăn tối với Thủ tướng [Gerhard] Schroder. Và ông bảo tôi, ‘Các anh là một công ti Đức, vì sao lại không đi cùng tôi trong chuyến viếng thăm tiếp của tôi đến Nga’- để thử lôi kéo việc kinh doanh ở đó cho các công ti Đức.” Thủ tướng Đức, Rose nói, “đã nhận ra rằng tuy trụ sở của chúng tôi ở London, việc kinh doanh của tôi liên quan đến tạo giá trị ở Đức, và điều đó có thể có tính xây dựng trong quan hệ của ông với nước Nga.”
Ở đây bạn có công ti Anh tinh hoa, Rolls-Royce, tuy vẫn có trụ sở ở Anh, bây giờ hoạt động qua một chuỗi cung ngang toàn cầu, và CEO của nó, một công dân Anh được nữ hoàng phong tước hiệp sĩ, được Thủ tướng Đức ve vãn để giúp ông lôi kéo việc kinh doanh ở Nga, bởi vì một mắt xích trong chuỗi cung của Rolls-Royce tình cờ chạy qua Brandenburg.
Hãy sắp xếp lại điều đó.
TỪ CỘNG MỆNH LỆNH VÀ CHỈ HUY ĐÉN CỘNG TÁC VÀ LỜI NÓI
Trước khi Collin Powell từ chức bộ trưởng ngoại giao, tôi đi vào một cuộc phỏng vấn, mà hai cố vấn báo chí của ông cũng tham gia, ở tầng bảy của Bộ Ngoại giao của ông. Tôi đã không thể cưỡng lại được để hỏi ông đã ở đâu khi ông nhận ra rằng thế giới đã trở nên phẳng. Ông trả lời với một từ: “Google.” Powell nói rằng khi ông tiếp quản với tư cách bộ trưởng bộ ngoại giao năm 2001, và ông cần một mẩu thông tin nào đó – thí dụ văn bản của một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc – ông gọi một trợ lí và phải đợi hàng phút hay thậm chí hàng giờ để ai đó bới lên cho ông.
“Bây giờ tôi chỉ gõ vào Google ‘UNSC Resolution 242’ [nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo An LHQ] và văn bản hiện lên,” ông nói. Powell giải thích rằng với mỗi năm trôi qua, ông thấy mình làm ngày càng nhiều việc tìm kiếm của riêng mình, tại điểm đó một trợ lí báo chí của ông nhận xét, “Phải, bây giờ ông không còn đi hỏi thông tin nữa. Ông đã có thông tin rồi. Ông đi hỏi về hành động.”
Powell, một cựu thành viên HĐQT của AOL, cũng thường xuyên dùng e-mail để tiếp xúc với các bộ trưởng ngoại giao khác, và theo một trong các trợ lí của ông, giữ quan hệ nhắn tin ngay lập tức liên tục với bộ trưởng bộ ngoại giao Anh, Jack Straw, ở các cuộc gặp thượng đỉnh, cứ như họ là một cặp sinh viên đại học. Nhờ điện thoại di động và công nghệ không dây, Powell nói, không bộ trưởng ngoại giao nào có thể chạy và ẩn nấp khỏi ông. Ông nói ông đã tìm bộ trưởng bộ ngoại giao Nga tuần trước. Đầu tiên ông đã theo dõi và gọi được ông ta trên điện thoại di động của ông ta ở Moscow, rồi sau đó trên điện thoại di động của ông ta ở Iceland, và sau đó trên điện thoại di động của ông ta ở Viên Chăn, Lào. “Chúng tôi có số điện thoại di động của mỗi người,” Powell nói về các bộ trưởng ngoại giao đồng nghiệp của mình.
Điểm mà tôi lấy ra từ tất cả điều này là khi thế giới trở nên phẳng, các cơ cấu thứ bậc không chỉ được làm phẳng bởi những kẻ nhỏ có khả năng hành động lớn. Chúng cũng được san phẳng bằng những người quan trọng có thể hành độc thực sự nhỏ - theo nghĩa rằng họ có khả năng tự mình làm nhiều thứ hơn nhiều. Nó thực sự trúng tôi khi cố vấn báo chí trẻ của Powell, một thiếu nữ trẻ, dẫn tôi xuống từ văn phòng của ông và nhận xét dọc đường rằng do có e-mail, Powell có thể nắm chặt cô và thủ trưởng cô bất cứ lúc nào thông qua BlackBerrys của họ- và ông đã làm thế.
“Tôi không thể thoát khỏi gã này,” cô nói đùa về các chỉ dẫn e-mail liên tục của ông. Nhưng trong lời thì thầm tiếp cô nói thêm rằng cuối tuần trước, cô đang mua hàng ở phố với vài người bạn khi cô nhận một tin nhắn tức thì từ Powell yêu cầu cô làm công vụ nào đó. “Các bạn tôi đều bị ấn tượng,” cô nói. “Bé đây, và tôi đang nói chuyện với bộ trưởng bộ ngoại giao!”
Đấy là cái xảy ra khi bạn di chuyển từ một thế giới dọc (mệnh lệnh và chỉ huy) sang một thế giới phẳng, ngang hơn nhiều (kết nối và cộng tác). Thủ trưởng của bạn có thể làm việc của ông và việc của bạn. Ông ta có thể là thư kí quốc gia [secretary of state: bộ trưởng ngoại giao] và là thư kí riêng của mình. Ông ta có thể cho bạn các chỉ dẫn ban ngày hay đêm. Như thế bạn chẳng bao giờ ở ngoài cả. Bạn luôn luôn ở trong. Vì thế bạn luôn luôn mở. Các sếp, nếu họ thích, có thể cộng tác trực tiếp hơn với nhiều nhân viên của họ hơn từng có trước đây - bất luận họ là ai hay họ ở đâu trong bộ máy thứ bậc. Nhưng các nhân viên sẽ cũng phải làm việc cật lực hơn nhiều để am hiểu hơn các sếp của họ. Ngày nay có nhiều cuộc nói chuyện giữa các sếp và nhân viên bắt đầu như thế này: “Tôi biết rồi! Tôi đã tự Google lấy. Bây giờ tôi làm gì với nó?”
Hãy sắp xếp lại điều đó.
NHIỀU RỐI LOẠN BẢN SẮC
Không chỉ có các cộng đồng và các công ti là có nhiều bản sắc cần phải sắp xếp lại trong một thế giới phẳng. Các cá nhân cũng vậy. Trong một thế giới phẳng, những sự căng thẳng giữa các bản sắc của chúng ta với tư cách những người tiêu dùng, người làm công, công dân, người đóng thuế, và cổ đông sẽ trở nên xung đột ngày càng gay gắt hơn.
“Ở thế kỉ mười chín,” nhà tư vấn kinh doanh Michael Hammer nói, “xung đột lớn đã là giữa lao động và vốn [tư bản]. Bây giờ nó là giữa khách hàng và người lao động, và công ti là gã ở giữa. Người tiêu dùng quay sang công ti và nói, ‘Bán cho tôi nhiều với ít [tiền] hơn.’ Và sau đó các công ti quay sang những người làm công và nói, ‘Nếu chúng ta không bán cho họ nhiều hơn với ít [tiền] hơn, chúng ta gặp rắc rối. Tôi không thể bảo đảm cho bạn một việc làm và một uỷ viên công đoàn không thể đảm bảo cho bạn một việc làm, chỉ có khách hàng mới có thể’.”
The New York Times tường thuật (1-11-2004) rằng Wal-Mart chi khoảng 1,3 tỉ trong số 256 tỉ $ doanh thu của nó năm 2003 cho chăm sóc sức khoẻ nhân viên, để bảo hiểm cho khoảng 537.000 người, hay khoảng 45 phần trăm lực lượng lao động của nó. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Wal-Mart, Costco Wholesale, tuy vậy, bảo hiểm 96 phần trăm nhân viên làm việc toàn thời hay bán thời đủ tư cách của nó. Nhân viên Costco có đủ tư cách với bảo hiểm y tế sau ba tháng làm việc toàn thời hay sáu tháng làm việc nửa thời gian. Tại Wal-Mart, hầu hết người làm việc toàn thời phải đợi sáu tháng để trở thành đủ tư cách, còn những người làm việc bán thời là không đủ tư cách trong ít nhất hai năm. Theo Times, nhân viên toàn thời ở Wal-Mart kiếm được khoảng 1.200 $ một tháng, hay 8$ một giờ. Wal-Mart yêu cầu người lao động góp 33 phần trăm chi phí của các phúc lợi của họ, và nó dự tính giảm đóng góp đó của nhân viên xuống 30 phần trăm. Các sơ đồ chăm sóc sức khoẻ do Wal-Mart tài trợ có phí bảo hiểm hàng tháng cho bảo hiểm gia đình trải ở mức cao đến 264$ và các chi phí từ tiền túi cao đến 13.000$ trong một số trường hợp, và các chi phí y tế như vậy làm cho đảm bảo sức khoẻ là không thể có đủ sức ngay cả với nhiều nhân viên Wal-Mart những người được bảo hiểm, tờ Times nói.
Nhưng cùng bài báo tiếp tục nói thế này: “Nếu có bất cứ nơi nào mà chi phí lao động của Wal-Mart được ủng hộ, đó là Wall Street, nơi Cosco bị các nhà phân tích cho đòn đau khi nói rằng chi phí lao động của nó là quá cao.” Wal-Mart đã bỏ đi nhiều mỡ và ma sát hơn Cosco, công ti vẫn để lại nhiều hơn, bởi vì nó cảm thấy một nghĩa vụ khác với những người lao động của mình. Lãi gộp trước thuế của Cosco chỉ là 2,7 phần trăm doanh thu, ít hơn một nửa của lãi gộp 5,5 phần trăm của Wal-Mart.
Người mua hàng Wal-Mart trong tất cả chúng ta muốn giá càng thấp càng tốt, với tất cả những người trung gian, mỡ, và ma sát bị loại bỏ. Và cổ đông Wal-Mart trong chúng ta muốn Wal-Mart loại bỏ không thương tiếc mỡ và ma sát trong chuỗi cung của nó và trong các gói phúc lợi nhân viên của nó, để vỗ béo lợi nhuận của công ti. Nhưng người lao động Wal-Mart trong chúng ta căm ghét lương và gói phúc lợi nó chào cho các nhân viên mới làm việc. Và công dân Wal-Mart trong chúng ta biết rằng vì Wal-Mart, công ti lớn nhất ở nước Mĩ, không bảo hiểm y tế cho tất cả nhân viên của nó, một số trong số họ sẽ chỉ đến khu cấp cứu của bệnh viện địa phương và cuối cùng những người đóng thuế sẽ phải trả hoá đơn. Tờ Times tường thuật rằng một khảo sát của các quan chức Georgia thấy rằng “hơn 10.000 trẻ em của các nhân viên Wal-Mart trong chương trình sức khoẻ của bang cho trẻ em tốn gần 10 triệu $ tiền của những người đóng thuế hàng năm.” Tương tự, nó nói, một “bệnh viện Bắc Carolina thấy rằng 31 phần trăm của 1.900 bệnh nhân nói họ là nhân viên Wal-Mart nhờ cậy đến Medicaid, còn thêm 16 phần trăm nữa không có bảo hiểm gì cả.”
Trong cuốn sách, Bán non Phụ nữ: Cuộc Chiến đấu Bước Ngoặt vì các Quyền của Người Lao động tại Wal-Mart, nhà báo Liza Featherstone theo đuổi vụ kiện phân biệt đối xử phụ nữ khổng lồ chống lại Wal-Mart. Trong một phỏng vấn với Salon.com về cuốn sách (22-11-2004), bà đưa ra điểm quan trọng sau: “Những người đóng thuế Mĩ góp thêm vào để trả cho nhiều nhân viên Wal-Mart toàn thời bởi vì họ thường yêu cầu thêm bảo hiểm sức khoẻ, nhà ở công, phiếu thực phẩm – có rất nhiều cách theo đó các nhân viên Wal-Mart không có khả năng tự túc. Đây thật rất mỉa mai, bởi vì Sam Walton được đón nhận như biểu tượng Mĩ về tính tự túc. Thực sự gây lo lắng và bất lương rằng Wal-Mart ủng hộ các ứng cử viên Cộng hoà theo cách họ làm: 80 phần trăm của các khoản đóng góp của công ti họ cho cuộc vận động là cho những người Cộng hoà.
Nhưng những người Cộng hoà có xu hướng không ủng hộ các loại chương trình hỗ trợ công mà Wal-Mart phụ thuộc vào. Phải chăng, Wal-Mart phải vận động cho bảo hiểm sức khoẻ quốc gia. Họ chí ít phải thừa nhận rằng bởi vì họ không có khả năng cung cấp những thứ này cho nhân viên của họ, chúng ta phải có một nhà nước phúc lợi chung hơn.”
Khi bạn sắp xếp và cân nhắc nhiều bản sắc của bạn- người tiêu dùng, người làm công, công dân, người đóng thuế, cổ đông - bạn phải quyết định: Bạn thích cách tiếp cận Wal-Mart hay Costco? Đây sẽ là một vấn đề chính trị quan trọng trong một thế giới phẳng: Bạn muốn các công ti trở nên phẳng chỉ đến thế nào khi bạn tính hết các bản sắc khác nhau của bạn? Bởi vì khi bạn bỏ người trung gian ra khỏi công việc kinh doanh của bạn, khi bạn làm phẳng hoàn toàn chuỗi cung của mình, bạn cũng vứt bỏ luôn một yếu tố nhân đạo nhất định khỏi đời sống.
Cùng câu hỏi áp dụng cho chính phủ. Bạn muốn chính phủ phẳng đến đâu? Bao nhiêu ma sát bạn muốn chính phủ dỡ bỏ, qua phi điều tiết, để cho các công ti cạnh tranh dễ hơn trên Hành tinh Phẳng?
Nghị sĩ Rahm Emanuel, một đảng viên Dân chủ Illinois cựu cố vấn cấp cao cho Tổng thống Clinton, nói, “Khi tôi phục vụ ở Nhà Trắng, chúng tôi đã hợp lí hoá quá trình chấp thuận thuốc của FDA để đáp lại các mối quan tâm về bản tính phức tạp của nó. Chúng tôi đã đi các bước đó với một mục tiêu trong đầu: đưa thuốc ra thương trường nhanh hơn. Kết quả, tuy vậy, đã là mối quan hệ cánh hẩu giữa cơ quan thực phẩm và dược, FDA, và công nghiệp dược, gây rủi ro cho sức khoẻ cộng đồng. Sự thất bại của thuốc Vioxx [thuốc chống kích động bị phát hiện dẫn đến tăng rủi ro truỵ tim và đau tim] cho thấy mức độ mà sự an toàn dược phẩm đã có một bước lùi đối với chấp nhận nhanh. Một điều trần ở Thượng Viện mới đây về Vioxx đã nhắc đến các thiếu sót lớn được tiết lộ về khả năng của FDA để loại bỏ các dược phẩm nguy hiểm khỏi thương trường.”*
Với tư cách người tiêu dùng chúng ta muốn các dược phẩm rẻ nhất mà chuỗi cung toàn cầu có thể chào, nhưng với tư cách công dân chúng ta muốn và cần chính phủ giám sát và điều tiết chuỗi cung, cho dù nó có nghĩa là duy trì hay đưa thêm ma sát.
Hãy sắp xếp lại điều đó.
AI SỞ HỮU GÌ?
Cái gì đó khác chắc chắn sẽ phải được sắp xếp lại trong một thế giới phẳng: Ai sở hữu cái gì? Chúng ta xây dựng các rào cản pháp lí thế nào để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nhà đổi mới để anh ta hay cô ta có thể thu về các lợi ích tài chính và tái đầu tư lợi nhuận đó vào một đổi mới mới? Và từ phía bên kia, chúng ta giữ các bức tường thế nào cho đủ thấp để khuyến khích chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ, điều ngày càng cần phải có để tiến hành đổi mới sắc sảo nhất?
“Thế giới dứt khoát không phẳng khi đi đến xử lí đồng đều về quyền sở hữu trí tuệ,” Craig Mundie, tổng giám đốc kĩ thuật của Microsoft, nói. Thật tuyệt vời, ông lưu ý, để có một thế giới nơi một nhà đổi mới duy nhất tự bản thân mình có thể dồn rất nhiều nguồn lực, lập một nhóm các đối tác từ khắp thế giới phẳng, và làm một đột phá thực sự với sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Nhưng kĩ sư đổi mới sáng tạo tuyệt vời đó làm gì, Mundie hỏi, “khi ai đó khác dùng cùng nền và các công cụ thế giới phẳng đó để sao chép và phân phối sản phẩm tuyệt vời của anh ta?” Điều này xảy ra trong giới phần mềm, âm nhạc, và dược phẩm hàng ngày. Và công nghệ bây giờ đang đạt tới một điểm nơi “bạn phải cho rằng chẳng có thứ gì không thể được làm giả một cách nhanh chóng” - từ Microsoft Word đến các cấu kiện máy bay, ông nói thêm. Thế giới càng trở nên phẳng, chúng ta càng cần một hệ thống quản trị toàn cầu theo kịp với mọi hình thức cộng tác hợp pháp và phi pháp.
Chúng ta cũng có thể thấy điều này trong trường hợp luật patent khi nó tiến hoá ở bên trong Hoa Kì. Các công ti có thể làm một trong ba thứ với một đổi mới. Họ có thể patent dụng cụ mà họ sáng chế ra và tự mình bán nó; họ có thể patent nó và cấp license nó cho ai đó khác để sản xuất; và họ có thể patent nó và cấp license-chéo với nhiều công ti khác sao cho tất cả họ có quyền tự do hành động để tạo ra một sản phẩm- như một PC- được sinh ra từ sự hoà trộn nhiều patent khác nhau. Luật patent Mĩ về mặt kĩ thuật là trung lập về điều này. Nhưng cách mà luật dựa trên án lệ được xác lập đã tiến hoá, các chuyên gia bảo tôi, nó dứt khoát thiên vị chống lại cấp license chéo và các dàn xếp khác khuyến khích cộng tác hay quyền tự do hành động cho càng nhiều người chơi càng tốt; nó tập trung hơn vào bảo vệ các quyền của các hãng riêng lẻ để chế tác [theo] các patent riêng của họ. Trong một thế giới phẳng, các công ti cần một hệ thống khuyến khích cả hai. Cơ cấu pháp lí của bạn càng cổ vũ cấp license chéo và các tiêu chuẩn, bạn càng nhận được nhiều đổi mới cộng tác. PC là sản phẩm của nhiều license chéo giữa công ti có patent về con trỏ và công ti có patent về chuột và màn hình.
Con người phần mềm miễn phí trong tất cả chúng ta không muốn có luật patent nào. Nhưng nhà đổi mới trong tất cả chúng ta muốn một chế độ bảo vệ chống lại sự ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ. Nhà đổi mới trong chúng ta cũng muốn các luật patent khuyến khích cấp license chéo với các công ti sẵn sàng trả tiền theo quy định. “Ai sở hữu gì?” chắc chắn nổi lên như một trong những vấn đề chính trị và địa chính trị lôi thôi nhất trong một thế giới phẳng- đặc biệt nếu ngày càng nhiều công ti Mĩ bắt đầu cảm thấy bị ngày càng nhiều công ti Trung Quốc lừa gạt. Nếu bạn ở trong nghề bán từ ngữ, âm nhạc, hay dược phẩm và bạn không lo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, thì bạn là người vô tâm.
Và trong khi bạn đang sắp xếp lại điều đó, hãy sắp xếp lại cả điều này nữa. Ngày 13-11-2004, Lance Cpl. Justin M. Ellsworth, hai mươi tuổi, bị bom chết bên đường trong một cuộc tuần tra ở Iraq. Ngày 21-12-2004, hãng AP tường thuật rằng gia đình anh đòi Yahoo! cho họ mật khẩu đối với tài khoản e-mail của đứa con đã chết của họ để họ có thể truy cập đến tất cả e-mail của anh, kể cả các bức thư đến và từ những người khác. “Tôi muốn có thể tưởng nhớ đến nó bằng lời của nó. Tôi biết nó đã nghĩ nó làm cái nó phải làm. Tôi muốn có cái đó cho tương lai,” John Ellsworth, bố của Justin, nói với AP. “Đó là thứ cuối cùng tôi có từ con tôi.” Chúng ta chuyển vào một thế giới nơi ngày càng nhiều truyền thông là ở dạng các bit di chuyển trên không gian điều khiển và được lưu trữ trên các máy chủ nằm trên khắp thế giới. Không chính phủ nào kiểm soát vương quốc điều khiển này. Như thế câu hỏi là: Ai sở hữu các bit của bạn khi bạn chết? AP tường thuật rằng Yahoo! đã từ chối mật khẩu của con họ đối với gia đình Ellsworth, trích dẫn sự thực rằng chính sách của Yahoo! buộc phải xoá tất cả các tài khoản không hoạt động trong chín mươi ngày và sự thực rằng tất cả người dùng Yahoo! đều đồng ý khi đăng nhập rằng các quyền với ID hay nội dung tài khoản của một hội viên chấp dứt khi chết. “Trong khi chúng tôi đồng cảm với bất cứ gia đình đau buồn nào, các tài khoản Yahoo! và bất cứ nội dung nào trong đó là không thể chuyển giao được” ngay cả sau khi chết, Karen Mahon, một phát ngôn viên của Yahoo! nói với AP. Khi chúng ta thoát khỏi ngày càng nhiều giấy tờ và truyền thông qua ngày càng nhiều dạng thức được số hoá, tốt hơn bạn hãy sắp xếp trước khi bạn chết, kể cả ý nguyện của bạn, bạn muốn để các bit của mình cho ai, nếu có. Tôi lưu trữ nhiều chương của cuốn sách này trong tài khoản AOL của tôi, cảm thấy nó là an toàn nhất trong không gian điều khiển. Nếu giả như có gì xảy ra với tôi trong khi viết, gia đình tôi và nhà xuất bản chắc đã phải kiện AOL để cố lấy văn bản này. Ai đó, hãy sắp xếp lại tất cả việc này.
CÁI CHẾT CỦA NHỮNG NGƯỜI BÁN HÀNG
Mùa thu năm 2004, tôi đi Minneapolis để thăm mẹ tôi và chạm trán với ba cái thế giới-là-phẳng liên tiếp. Thứ nhất, trước khi tôi dời khỏi nhà ở Washington, tôi quay số 411- số trợ giúp chỉ dẫn- và thử kiếm số điện thoại của một người bạn ở Mineapolis. Một máy tính trả lời và một giọng nói máy tính hỏi tôi đọc tên của người mà tôi hỏi số điện thoại. Vì bất luận lí do gì, tôi đã không thể khiến máy tính nghe tôi một cách chính xác, và nó cứ nói lại với tôi bằng giọng máy tính rằng, “Có phải ông bảo là …?” Tôi phải tuân theo để nói họ tên với một giọng che giấu sự bực tức của mình (khác đi thì máy tính chẳng bao giờ hiểu được tôi). “Không, tôi đã không nói điều đó … Tôi đã nói …” Cuối cùng, tôi được kết nối với một nhân viên, nhưng tôi đã không thích thú sự chạm trán phi ma sát này với thông tin chỉ dẫn. Tôi khao khát ma sát của một con người khác. Có thể rẻ hơn và hiệu quả hơn để có một máy tính phân phát số điện thoại, nhưng với tôi nó chỉ gây thất vọng.
Khi tôi đến Mineapolis, tôi ăn tối với các bạn của gia đình, một trong những người đó đã sống cả đời với tư cách một nhà bán buôn ở miền Trung Tây, bán hàng hoá cho các nhà bán lẻ lớn nhất trong vùng. Ông là một người bán hàng bẩm sinh. Khi tôi hỏi ông có gì mới không, ông thở dài và bảo rằng việc kinh doanh đúng đã không còn như trước kia. Bây giờ mọi thứ được bán với lãi gộp 1 phần trăm, ông giải thích. Không có vấn đề gì. Ông bán chủ yếu các mặt hàng thông dụng cho nên, căn cứ vào khối lượng, ông có thể giải quyết lãi gộp mỏng tanh này. Nhưng cái làm ông bực bội, ông kể, là sự thực rằng ông không còn có tiếp xúc con người với vài khách hàng lớn nhất của ông nữa. Ngay cả hàng hoá thông dụng và hàng giá hạ cũng có các yếu tố phân biệt nào đó cần phải được bán và làm nổi bật. “Bây giờ mọi thứ đều bằng e-mail,” ông nói. “Tôi làm ăn với một cậu bé ở [một trong những nhà bán lẻ lớn nhất quốc gia], và nó bảo, ‘Cứ e-mail cho tôi chào hàng của anh.’ Tôi chẳng bao giờ gặp nó. Phân nửa thời gian nó chẳng trả lời tôi. Tôi không chắc phải giải quyết với nó ra sao …Ngày xưa, tôi thường ghé qua văn phòng, biếu những người mua vài cái vé Vikings. Chúng tôi đã là bạn hữu… Tommy, ngày nay tất cả cái người ta lo là giá.”
May thay, bạn tôi là một doanh nhân thành công và có một loạt doanh nghiệp. Nhưng như tôi suy ngẫm muộn hơn về cái anh ta nói, tôi bị kéo lùi về một cảnh trong tác phẩm Death of a Salesman [Cái Chết của một Người Bán hàng] trong đó Willy Loman nói rằng, không giống đồng nghiệp Charley của anh, anh muốn được “ưa thích.” Anh bảo các con mình rằng trong kinh doanh và trong cuộc sống, tính nết, nhân cách, và các mối quan hệ con người là quan trọng hơn sự khéo léo. Willy nói, “Người xuất hiện trong giới kinh doanh, người tạo ra mối quan tâm cá nhân, là người vượt lên. Được quý mến và bạn chẳng bao giờ thiếu.”
Không khi thế giới trở nên phẳng. Khó tạo một mối quan hệ con người bằng e-mail và Internet tuôn chảy. Ngày hôm sau, tôi ăn tối với bạn tôi Ken Greer, anh vận hành một công ti media mà tôi sẽ thảo luận chi tiết muộn hơn. Ken có lời than vãn tương tự: Những ngày này rất nhiều hợp đồng đến với các hãng quảng cáo chỉ bán số lượng, không phải bản năng sáng tạo. Rồi Ken nói cái gì đó thực sự trúng đích với tôi: “Cứ như họ cắt sạch mỡ khỏi việc kinh doanh” và biến mọi thứ thành một trò chơi số [lượng]. “Nhưng mỡ là cái cho miếng thịt vị của nó,” Ken nói thêm. “Các miếng thịt nạc nhất không có vị rất ngon. Bạn muốn nó có vân với chí ít một chút mỡ.”
Quá trình làm phẳng lóc một cách không thương tiếc mỡ ra khỏi việc kinh doanh và cuộc sống, nhưng như Ken lưu ý, mỡ là cái cho cuộc sống hương vị và texture [kết cấu]. Mỡ cũng giữ cho chúng ta ấm.
Phải, người tiêu dùng trong chúng ta muốn giá Wal-Mart, với tất cả mỡ bị lóc đi. Nhưng người làm công trong chúng ta muốn một chút mỡ trên xương, theo cách Costco làm, sao cho nó có thể đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho hầu hết nhân viên của nó, hơn là chỉ ít hơn một nửa, như Wal-Mart làm. Nhưng cổ đông trong chúng ta muốn lãi gộp của Wal-Mart, không phải của Costco. Nhưng công dân trong chúng ta muốn phúc lợi của Costco, hơn là của Wal-Mart, vì sự chênh lệch cuối cùng xã hội có thể phải trả. Người tiêu dùng trong tôi muốn hoá đơn điện thoại thấp hơn, nhưng con người trong tôi cũng muốn nói chuyện với một nhân viên khi tôi gọi 411. Phải, bạn đọc trong tôi thích lướt Net và đọc các blogger, nhưng công dân trong tôi cũng muốn một vài trong số các blogger đó có một biên tập viên, hay một người trung gian, để bảo họ hãy kiểm tra một số sự thực mà họ viết một lần nữa trước khi họ bấm nút Send và nói với toàn thế giới cái gì đó sai hay không ngay thẳng.
Căn cứ vào các tình cảm và áp lực mâu thuẫn nhau này, có khả năng ở đây cho hoạt động chính trị Mĩ xốc lại hoàn toàn- với người lao động và các lợi ích công ti tổ chức lại mình vào các phái khác nhau. Hãy nghĩ về: Những người bảo thủ xã hội từ cánh hữu của Đảng Cộng hoà, những người không thích toàn cầu hoá hay hội nhập sát hơn với thế giới bởi vì nó mang lại quá nhiều người nước ngoài và tập quán văn hoá nước ngoài vào Mĩ, có thể đứng cùng với các nghiệp đoàn từ cánh tả của Đảng Dân chủ, những người không thích toàn cầu hoá vì cách nó tạo thuận tiện cho outsourcing và offshoring công ăn việc làm. Họ có thể được gọi là Đảng Tường và chiến đấu cho nhiều ma sát và mỡ hơn ở mọi nơi. Hãy đối mặt với nó: Các nhà bảo thủ văn hoá thuộc đảng Cộng hoà có nhiều điểm chung hơn nhiều với các công nhân thép ở Youngstown, Ohio, các nông dân ở nông thôn Trung Quốc, và các giáo sĩ hồi giáo ở trung tâm Saudi Arabia, những người cũng thích nhiều tường hơn, so với các nhà ngân hàng đầu tư ở Wall Street hay các công nhân dịch vụ gắn với nền kinh tế toàn cầu ở Palo Alto, những người đã trở nên giàu có bởi sự làm phẳng thế giới.
Trong khi đó, cánh kinh doanh của Đảng Cộng hoà, tin vào thương mại tự do, phi điều tiết, hội nhập hơn, và thuế thấp - tất cả mọi thứ có thể làm phẳng thế giới thậm chí còn nhiều hơn- có thể đi đến đứng cùng với những người tự do xã hội của Đảng Dân chủ, nhiều trong số họ là những người lao động trong ngành dịch vụ toàn cầu ở Bờ Đông hay Bờ Tây. Tham gia với họ cũng có thể là những người lao động ở Hollywood và ngành giải trí. Tất cả họ là những người được lợi to lớn từ thế giới phẳng. Họ có thể được gọi là Đảng Web, mà nền tảng chính của họ là thúc đẩy hơn sự hội nhập toàn cầu. Nhiều cư dân ở Manhattan và Palo Alto có nhiều lợi ích chung với người dân Thượng Hải hay Bangalore hơn là họ có với dân cư Youngstown hay Topeka. Tóm lại, trong một thế giới phẳng, chúng ta chắc sẽ thấy nhiều nhà tự do xã hội, các công nhân cổ trắng ngành dịch vụ toàn cầu, và loại Wall Street tụ hợp với nhau, và nhiều nhà bảo thủ xã hội, công nhân cổ trắng ở nghành dịch vụ địa phương và các nghiệp đoàn lao động tụ hợp với nhau.
Độc giả của Passion of the Christ [Nỗi khổ hình của chúa Christ] sẽ ở trong cùng [chiến] hào với các Teamster và AFL-CIO [Phong trào nghiệp đoàn Mĩ], trong khi những người tự do Hollywood và Wall Street và cánh You’ve Got Mail [Bạn có Mail] sẽ ở trong cùng [chiến] hào với các công nhân công nghệ cao của Silicon Valley và các nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu ở Manhattan và San Fransisco. Nó sẽ là Mel Gibson và Jimmy Hoffa Jr. đối lại với Bill Gates và Meg Ryan.
Trong thế giới phẳng hoạt động chính trị ngày càng gồm việc hỏi các giá trị nào, ma sát nào, và mỡ nào đáng được duy trì – cái nào, dùng từ ngữ của Marx, phải được giữ vững chắc – vài những cái nào phải để cho tan thành mây khói. Các nước, các công ti, và các cá nhân sẽ có khả năng cho các câu trả lời thông minh đối với các câu hỏi này chỉ nếu họ hiểu bản chất thực và kết cấu (texture) của sân chơi toàn cầu và nó khác sân chơi đã tồn tại trong kỉ nguyên Chiến Tranh Lạnh và trước đó. Và các nước, các công ti, và các cá nhân sẽ có khả năng đưa ra những lựa chọn chính trị đúng đắn chỉ nếu họ nhận thức đầy đủ sân chơi được san phẳng và hiểu tất cả các công cụ mới sẵn có bây giờ đối với họ để cộng tác và cạnh tranh trên đó. Tôi hi vọng cuốn sách này sẽ tạo một khung khổ có sắc thái cho cuộc tranh luận chính trị vô cùng quan trọng này và cho sự sắp xếp vĩ đại vừa mới quanh đây.
Cho mục đích đó, ba mục tiếp theo xem xét sự làm phẳng thế giới và ba sự hội tụ sẽ ảnh hưởng ra sao đến những người Mĩ, các nước đang phát triển, và các công ti.
Hãy chuẩn bị tinh thần: Bây giờ bạn sắp bước vào thế giới phẳng.
Thế Giới Là Phẳng Thế Giới Là Phẳng - Thomas L. Friedman Thế Giới Là Phẳng