Số lần đọc/download: 992 / 17
Cập nhật: 2016-06-27 09:57:10 +0700
Ngày Ra...
M
ột tình cờ kỳ thú. Thanh Tâm Tuyền và tôi vào tù cùng ngày cùng chỗ. Gần chín năm sau, ra tù cùng chỗ cùng ngày. Trong chuyến quy cố hương, có thêm nhà thơ Mai Trung Tĩnh.
Khi được tin thi sĩ Mai Trung Tĩnh qua đời lạnh lẽo tai Virginia năm 2002, tôi xúc động viết trên VĂN HỌC 193 bài tưởng nhớ “Giữa Hà Nội tìm mai”. Trong đó có nhắc nhiều kỷ niệm cùng Thanh Tâm Tuyền dạo phố Hà Nội. Nay xin trích có sửa đổi để cho ai chưa đọc bài trên biết thêm một kỷ niệm khó quên của tôi và anh.
“... Vào một ngày nắng lạnh trước Tết, cả trại bàn tán xôn xao tin sắp có đợt tha. Tôi dửng dưng. Loại binh chủng ngành nghề an ninh, biệt kích, tình báo như chúng tôi, cứ chuyển trại vào sâu vùng hiểm hóc thì vội vã chuẩn bị, chắc chắn thế nào cũng có tên. Lệnh tha trong lúc hạn tù chưa vượt quá mười năm thì đừng có mà mong. Nhưng ở đời, có những chuyện không tin mà có thật. Tôi có đứa cháu, con người bạn cùng đơn vị, thuộc loại tù nhí, rất trẻ. Mới hai mươi mấy tuổi, đẹp trai, nhanh nhẹn dễ thương mà lại hoa tay viết chữ rất đẹp. Tù vì theo Phong trào Phục quốc sau 1975. Vào trại được tay cán bộ giáo dục, một trong mấy chức phận quyền uy, tin cậy chọn làm thư ký kiêm tà lọt. Sai làm đủ mọi thứ việc. Ngược lại cũng nhận được nhiều đặc ân. Không ở buồng giam, không dầm mưa dãi nắng lao động khổ sai. Áo quần sạch mới không tả tơi rách vá chằng đụp. Tù mà được như vậy đã là tiên. Chiều hôm đó, cậu ta xuống bếp lãnh phần ăn tối, ra dấu gọi tôi ra góc nhà. Lấm lét nhìn trước sau, cười vui. “Chú có tên tha đợt này”. “Khó tin!”. “Thật. Chú đừng nói với ai. Chết cả chú lẫn cháu”. Tự nhiên tôi có linh cảm là sự thật. “Sao cháu biết? Có chắc không? Ðừng làm chú mừng hụt nghe!”. “Cháu đang chép danh sách. Có tên chú và tên cháu.” Thấy tôi ngẩn người. Như đã chuẩn bị, nó đọc rõ tên vợ tôi, địa chỉ nơi về. Nói xong nó mừng khóc. Tôi cười nghẹn. “Cám ơn cháu.” “Nhớ nghe chú. Ðừng nói cho ai. Tuần sau mới công bố”. Tin thì có tin nhưng tôi vẫn rất hồi hộp.
Mấy ngày sau thì một số lớn những người được tha, trong đó có tôi, được cán bộ quản giáo đội gọi lên cho biết bán chính thức và lại dặn dò đừng cho ai biết. Nhưng mọi người đã biết. Trại xôn xao hy vọng. Mai Trung Tĩnh đến gặp tôi lén gửi thư dặn đem về cho vợ. Hàng chục anh em khác cũng tin cậy gửi gắm. Họ biết chắc, bằng cách nào tôi cũng tìm cách giấu giếm những lá thư để đưa lọt về gia đình. Thời gian sau đó khi về Sài Gòn, hơn tháng trời tôi và đứa con gái 13 tuổi trên chiếc xe đạp cà rịch, ngày ngày tìm đến những địa chỉ khắp cùng ngõ ngách trao thư tận tay những người vợ, người mẹ, người cha, người tình. Sài Gòn, Thủ Đức, Biên Hòa. Nơi xa xôi thì gửi theo bưu điện. Qua việc làm này, tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện buồn vui tủi nhục của những bạn bè cùng cảnh đang còn kẹt trong tù, mà ngày về thì biết đến bao giờ. Tôi đã có ý định ghi lại những hoạt cảnh xã hội này, nhưng cuối cùng không thực hiện vì trân trọng những đau thương đổ vỡ riêng tư.
Một ngày trước khi tha, tôi và Thanh Tâm Tuyền cùng một người bạn trẻ rất khí khái, vốn là học trò, có bữa ăn đạm bạc chia tay. Thanh Tâm Tuyền lại giao thêm cho tôi một trách vụ hiểm nghèo khác là đem ra những bài thơ của anh sáng tác trong thời gian ở tù, viết trên những dung giấy nhỏ. Nhiều bài thơ này đến với những người hâm mộ trong thi tập Thơ ở đâu xa đã được Cơ sở Văn xuất bản tại Mỹ năm 1999. Ðem lén cả hàng chục lá thư gửi về gia đình lại thêm thơ lậu của Thanh Tâm Tuyền, qua mặt cán bộ ra khỏi trại là một “điệp vụ” căng thẳng. Có kẻ lén báo, cán bộ nhân lực, tức là an ninh trại, chặn xét tại cổng nhưng tôi đã chuyển giao cho anh bạn trẻ Phan Cảnh Phùng trước đó không lâu. Thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc.
Lúc ngồi với nhau, Thanh Tâm Tuyền cười nói. “Biết đâu ngày mai không phải là chú mà là tôi”. Không phải Nguyễn Ðức Tâm mà là Dư Văn Tâm, tên thật của nhà thơ tự do. Lời nói ỡm ờ này không ngờ lại đúng một phần. Nếu đúng thật thì quá tội cho tôi. Lúc đọc lệnh tha, cả hai Tâm đều trúng số và thêm Nguyễn Thiệu Hùng, Mai Trung Tĩnh.
Một buổi sáng cuối năm lạnh nhẹ và sương mù, bên bờ nhánh sông Thương hiền hòa, chúng tôi, có cả Mai Trung Tĩnh và Thanh Tâm Tuyền, ngồi tụm hút thuốc. Uống chia nhau gô trà mộc nóng đậm. Ôi tuyệt vời những giây phút đầu tiên, tạm gọi là tự do, sau bao nhiêu năm tù đày. Chúng tôi ngồi chờ ca nô xuôi sông Thương, vượt sông Hồng chở về trại chuyển tiếp Ấm Thượng, xóm nhỏ bên bờ sông Hồng. Ðể sáng hôm sau đáp tàu hỏa xuôi về Hà Nội. Ngày mai ra sao? Dẹp qua một bên.
“Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết”
("Xuân tâm").
Mấy toa tàu cũ kỹ lắc lư chở hơn bốn mươi người được tha từ ga Ấm Thượng về đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Tất cả được lùa nhốt trong nhà đợi. Ði tiêu tiểu phải xin phép. Chuyến tàu thống nhất tám giờ tối nay sẽ trả chúng tôi về miền Nam yêu dấu nay đã đổi chủ thay ngôi.
Hương âm vô cải mấn mao thôi”.
Ngày về tóc đã bạc phai mái đầu.
Tôi được giao nhiệm vụ sắp hàng anh em, điểm số.
“Thưa cán bộ thiếu mất một anh”. “Bỏ mẹ! Anh kiểm lại xem. Lúc lên tàu tôi đếm đủ. Không nhẽ rớt xuống đường. Ðếm lại!”. “Thưa cán bộ đúng là thiếu một”. “Có biết thiếu ai không?” “Thưa biết”. Ai?” “Nguyễn Thiệu Hùng”. Tôi vọt miệng nói tiếp “Tôi nghe nói anh ấy có bà cô ở đối diện ga. Chắc anh ấy tranh thủ ghé thăm. Cán bộ đừng lo. Ðúng giờ tàu vào Nam chắc chắn anh ấy sẽ có mặt thôi”. Tôi biết rõ vì trước khi lên tàu Mai Trung Tĩnh có nói với tôi. “Vô kỷ nuật. Ông nại cho vào tù ở thêm cho biết thế nào là nễ độ”. Tay cán bộ răn đe. “Anh đi ngay ra khỏi ga, túm đầu anh ấy về ngay cho tôi”. “Tôi không rành đường sá, nhỡ lạc không về kịp chuyến tàu thì bỏ bu”. “Ði. Tôi bảo đi là cứ đi. Ðừng nôi thôi”. “Hay là cán bộ cho anh Dư Văn Tâm cùng đi. Anh ấy là dân Hà Nội chính cống”. “Ðược. Nhớ tìm được thì về ngay nhé. Khẩn trương!”. “Vâng!”. Tôi chạy đến chỗ ông Thanh Tâm Tuyền. “Mình đi thăm Hà Nội ba sáu phố phường”. “Ði thế nào được. Chúng nó giam lỏng”. “Cứ theo tôi. Thế mới tài!”. Ông không tin. Tôi cười kể cho ông nghe. Ông vội vã khoác chiếc áo măng tô màu đen. Ðội nón công nhân kiểu Lenin. Nón này là bảo vật tôi để lại cho ông kỷ niệm chia tay. Không ngờ hai anh em cùng được tha. “Anh đem tôi đi tham quan Hà Nội”. “Ông Hùng thì sao?”. “Dẹp qua một bên. Lo bò trắng răng. Ðến giờ tàu chạy thì ông ấy mò về”.
Thanh Tâm Tuyền hóa xác. Thường ngày thong thả chậm chạp, giờ đi như chạy. Ðường phố dường như quá quen thân cho dẫu bao tang thương biến đổi. Ông bươn bả đi trước, tôi chạy theo. Không nói với nhau nhưng tôi biết ông đang xúc động khi trở về nơi chốn cũ. Tấp vào một quán phở bên kia đường để thưởng thức tô phở Bắc chính hiệu. Gọi mỗi đứa một cốc cà phê. Thế là nhất. Mấy năm đói khát thèm ăn, tô phở làm chúng tôi thất vọng đã đành mà ông chủ quán, thuộc loại bộ đội giải ngũ, trong bộ đồ lính cũ, lại càng làm cho tôi phát ngấy. “Phở ở đây mới là phở. Trong Nam các anh nàm sao sánh được”. Tô phở phất phơ hai lát thịt nhỏ, mỏng dính. Nước dùng bột ngọt đậm chát. “Phét. Chúng mày lấy đâu ra thịt. Bố khỉ!” Tôi chửi thầm. “Ông đói dài mấy năm còn chả thấy ngon huống hồ...!”. “Các bác được Đảng khoan hồng nhớ về lao động...” Tôi nói đểu: “Thôi nhờ ông anh tốp lại! Mấy năm nghe chán rồi. Biết rồi khổ lắm nói mãi! Vào đây đớp phở mì chính (bột ngọt) chứ không phải nghe ông lên lớp. Tính tiền!”. Ông Thanh Tâm Tuyên thấy tôi sửng cồ vội vàng đứng dậy ra khỏi quán. Bác Nguyễn Tuân ơi! Chúng bán phở Bắc như thế này là chúng nó làm nhục bác rồi!
Chúng tôi, những thằng tù khổ sai biệt xứ mới được thả, đi giữa đường phố Hà Nội trong túi cũng xu hào rủng rỉnh. Ðã gần mười năm toàn thắng, thế mà những bộ đồ lính, tấm vải dù làm võng của chúng tôi đem theo từ ngày Sài Gòn thất thủ vẫn còn là món đồ đắt giá hợp thời trang. Dân Hà Nội chen lấn qua song cửa nhà ga tranh nhau mua. So với tô phở giá năm đồng, chiếc áo lạnh áo jacket nhà binh tôi bán bảy trăm. Miếng vải dù tưởng vất đi cũng có người mua đến chín chục.
Ông Thanh Tâm Tuyền dẫn tôi đi như chạy trên Phố Thuốc Bắc rực mùi cao đơn hoàn tán, lần đến ngôi nhà cũ nát tường vôi loang lổ. Căn phố hẹp tối tăm, nhiều gia đình cùng ở, ngăn chia nhau bởi những tấm màng vải nhàu bẩn. Người cô già mù lòa vẫn nhận ra tiếng nói của đứa cháu sau bao năm trời chia cách. Ôm chầm. Cô khóc, cháu sụt sùi. Và tôi, người chứng kiến những giây phút cảm động nhất của một cuộc kỳ ngộ, bước ra hàng hiên lau vội nước mắt.
“Anh đưa tôi đi xem Hồ Hoàn Kiếm và phố Hàng Ðào”, từ giã người cô, ra khỏi nhà, tôi đề nghị. “Thong thả”. Anh chặn bà già bưng mẹt bán bánh dày kẹp chả chiên. Món ăn đã biến mất trong trí nhớ của tôi. “Cho chúng cháu hai cái”. Anh thích thú nói với tôi. “Ăn đi. Ðặc biệt Hà Nội”.
Ði qua những con đường loang lổ rêu phong, dễ chừng từ thời Pháp thuộc đến nay chẳng hề tu bổ. Nước cống rãnh tràn ướt lối đi rác bẩn. Những ngày giáp Tết, đường phố chen chúc bụi bặm người lam lũ, xám xịt. Nam nữ áo quần bộ đội, dép nhựa nón cối. Ôi! Ðâu Hà Nội dáng kiều thơm của Quang Dũng? Ôi! Ðâu áo dài tha thướt, đâu tóc dài thả gió lê thê của nhạc sĩ Hoàng Dương, Anh Bằng, Vũ Thành? Và rồi phố Hàng Ðào với những thiếu nữ khuê các của Nhất Linh, của Khái Hưng? Trước mắt tôi chỉ là một phố nhỏ lạc hậu so với Sài Gòn thân yêu của tôi mười năm trước đó. Hình ảnh sau cùng đổ vỡ thảm thương trong mơ tưởng của tôi. Hồ Gươm! Một vũng đọng. Tháp Rùa! Rêu bẩn, trơ trẽn phất phơ một ngọn cờ.
Cám ơn Mai Trung Tĩnh. Nhờ ông, tôi có dịp thăm Hà Nội và Thanh Tâm Tuyền trở lại cố đô”.