You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Duy Cao
Upload bìa: Duy Cao
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 36
Cập nhật: 2021-04-18 17:57:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
à HAI TUẦN LIỀN, TÔI ĐỂ CHỊ em Tường Thanh chờ đợi. Tôi không hiểu, với Tường Thanh, thuở chờ đợi thời gian có rét mướt như thơ Huy Cận. Riêng tôi, vì là kẻ bắt người khác đợi chờ, thời gian chẳng lấy chi làm rét mướt. Chỉ thấy nổi dậy ờ đáy hồn mình một nỗi niềm vừa ái ngại vừa bâng khuâng. Không có gì lạ lùng cả khi một người con gái tỏ tình với một người con trai đã thành đàn ông, đã có bổn phận với vợ con hắn ta. Nhưng một người chị tỏ tình giùm em với một người đàn ông bằng cầu khẩn van xin thì cũng hơi lạ lùng. Từ sự lạ lùng đó, tôi suy ra và càng tin rằng có một sự bí ẩn trong căn nhà nhỏ tôi đã đến hai lần. Rồi công việc quá bề bộn, tôi không còn thì giờ tơ tưởng con đường thơm mà tôi đã ao ước là đà bay trên ngọn cỏ hoa!
Một hôm, người phóng viên của tôi bận đi theo một cuộc hành quân, tôi phải thay thế anh ta, đi thăm một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tê liệt vì, bà phước trông nom trung tâm này gọi dây nói nhiều lần, khẩn khoản mời tôi. Tôi đành chiều lòng bà phước nhân từ. Và, đây là lần đầu tiên, tôi được tận mắt nhìn hàng trăm đứa trẻ tật nguyền. Trái tim tôi thắt lại trước sự đầu hàng bệnh tê liệt của y tế Việt Nam.
Sau một cơn sốt tàn nhẫn, một cẳng chân hay hai, hoặc cả hai tay, hai chân của đứa bé mất phản ứng. Thế là đứa bé bị tê liệt. Những đường gân co lại. Những thớ thịt teo nhỏ. Đứa trẻ sẽ lết bằng khuỷu tay nếu bị tê liệt tứ chi. Đứa nào chỉ bị tê liệt ở chân, phải thửa giầy, bó chân bằng kim khí nhẹ và chống nạng đi khập khiễng. Tất cả đều trở thành những đứa trẻ bị bệnh hoạn cướp mất tuổi hồng. Nhiều đứa trẻ đã chết trước nỗi thẹn thùng của người thầy thuốc giầu lương tâm và lòng bác ái. Ở Việt Nam mới chỉ có thuốc chích ngừa, uống ngừa bệnh tê liệt. Chưa có một bệnh viện chữa cho những đứa trẻ bị tê liệt lành lặn. Bởi thế, trẻ con bị tê liệt, không những chúng mất tương lai mà người lớn cũng mất hạnh phúc gia đình. Nếu đứa trẻ không chết sớm, lớn dần, nó sẽ tủi thân, sẽ cảm thấy nó sống thừa, sống để làm khổ thân nhân nó. Và nó là đứa trẻ cô đơn, đứa trẻ ưa mộng mị hay tàn bạo, cộc cằn.
Theo tôi biết, bên Âu châu, nhất là ở Tây Đức, có những bệnh viện tối tân chuyên trị bệnh của trẻ con. Nhưng phải cần bạc tỷ mới có
thể gửi con mình sang bên đó mà chữa hàng mấy năm. Lương tâm chức nghiệp của nữ điều dưỡng viên và nữ y tá trong những bệnh viện này đều là lương tâm ngà ngọc. Họ thừa kiên nhẫn, dư hồn nhiên đề vừa ngồi xoa bóp chân tay cho bệnh nhân nhỏ bé vừa kể chuyện cổ tích. Niềm hy vọng từ trái tim của bệnh nhân lớn dần cùng với lòng kiên nhẫn của thầy thuốc. Rồi cái chân, cái tay bị teo nhỏ sẽ lớn ra bình thường cử động như cũ. Đứa trẻ hết bệnh. Tổ chức Terre des hommes đã nghĩ đến những đứa trẻ xấu số trên thế giới. Chương trình của tổ chức là, hàng năm, đưa một số trẻ em tê liệt, mà gia đình chúng nghèo nàn, qua Tây Đức, Bỉ, Thụy Sĩ chữa bệnh miễn phí. Terre des hommes đã, đang hoạt động ờ Việt Nam. Con số bệnh nhân tê liệt được cứu chữa đáng kể. Tiếc rằng thời gian nằm trị bệnh ngắn ngủi nên bệnh chỉ bớt chứ chưa khỏi hẳn.
Tôi không bao giờ tin tưởng ở lương tâm của các cô y tá Việt Nam. Mỗi ngày, tôi thường nhận được nhiều thư tố cáo, phàn nàn tác phong hỗn láo, làm tàng, bắt nạt thân nhân của bệnh nhân tại nhà thương nhi đồng. Các cô y tá này mà săn sóc trẻ em tê liệt, các em sẽ chóng chết vì bị cấu véo trả thù. Tôi nghĩ, chỉ các nữ tu sĩ mới lo lắng giùm các em bị bệnh tê liệt. Và tôi đâm ra thèm một cái nhà thương. Nhà thương với nghĩa là nhà của tình thương. Tôi ghét hai tiếng bệnh viện thậm tệ. Điều khiến tôi xúc động nhất, tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tê liệt này, là bắt gặp những cô bé dậy thì quay lưng về phía những người đến thăm viếng các cô. Những cô bé đã mất thời thơ ấu, sẽ mất luôn thời con gái. Tình yêu không bao giờ tới với các cô. Mà chỉ có lòng thương hại qua đường.
Một cô bé chống nạng, quay cổ nhìn lén tôi. Tôi mỉm cười hiền hòa và tỏ dấu hiệu trìu mến. Cô bé bĩu môi, quay đi. Tôi biết cô bé khinh bỉ sự giả dối. Làm thế nào giải nghĩa nổi? Tôi đem hình ảnh cô bé trở về, lòng mang máng một nỗi buồn vô duyên cớ. Cái trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tê liệt, theo tôi, là một chiến khu sầu đau. Ánh sáng, thời tiết, mưa nắng, gió cát, nụ cười, tiếng khóc không ảnh hưởng gì đến chiến khu này. Ở đó, hoàn toàn thiếu vắng kỷ niệm và rặt trông chờ nỗi chết. Nỗi chết còn đi xa. Lưỡi hái tử thần nhìn rõ song kẻ sử dụng lưỡi hái không chịu xuất hiện. Nỗi chết kéo dài, vất vưởng, đau đớn. Ước chi có bà tiên ban một lời nguyền cho những kẻ bất hạnh nhất trần ai được ngủ ngon một giấc ngủ muôn đời.
Bất giác, tôi nhớ Tường Thanh và những câu hỏi vẩn vơ của nàng. "Ông Hoài đã viếng thăm một trại cùi, một nhà thương điên nào chưa?" Chưa. "Ngay cả một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tê liệt?" Bây giờ tôi có thể trả lời nàng là tôi đã viếng thăm chiến khu sầu đau của loài người. Bỗng dưng tôi buồn quá. Ngay tối hôm ấy, tôi xuống nhà Tường Thanh. Nàng mừng rỡ cơ hồ đứa trẻ con đón mẹ về chợ. Nàng cười. Rất hồn nhiên. Nụ cười, mãi hôm nay, tôi mới gặp nở trên đôi môi úa héo của nàng.
-Ông Hoài, tôi muốn khóc.
-Cô cứ khóc đi.
Nàng ứa nước mắt:
-Ông đúng là Bụt của con Tấm Tường Vi. Tôi nói:
-Tôi chỉ là người thích phiêu lưu.
Nàng đưa cánh tay áo quệt ngang mắt:
-Vâng, ông là người phiêu lưu. Và ông sẽ dẫn em gái tôi đi phiêu lưu. Từ ba năm nay, em tôi không biết cười.
Tôi lại hút thuốc. Ngồi trước đàn bà, con gái là tôi phải hút thuốc.
Chẳng phải thói quen. Chỉ là một trấn an xúc động.
-Cô Thanh.
-Dạ.
-Sáng nay, tình cờ tôi đã đến thăm một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em tê liệt.
Nàng mở căng mắt:
-Ông... ông... thấy thế nào? Tôi đáp:
-Thấy cần gặp cô ngay để nói với cô rằng tôi đã đến một chiến khu sầu thảm. Và tôi sẽ không xúc động đến ngất xỉu nếu phải phiêu lưu
tới niềm sầu thảm tương tự hoặc hơn nữa. Tôi xin lỗi cô vì đã để cô chờ đợi.
-Ông đến là hy vọng đến.
-Tối nay cô không muốn nói dối tôi chứ?
-Nhưng mà...
-Sao?
-Tường Vi ngủ rồi. Con bé uống hai viên thuốc ngủ tự chiều. Nó có giác quan thứ sáu sao ấy, ồng Hoài ạ! Con bé quả quyết thế nào tối nay ông cũng đến. Nó viết cho ông một bức thư, nhờ tôi trao. Sáng mai tôi nghỉ việc, mời ông tới, chị em tôi sẽ đón tiếp ông bằng cả tấm lòng.
Tôi đùa:
-Có vẻ trinh thám tiểu thuyết ghê, cô Thanh nhỉ? Tường Thanh gật đầu:
-Vâng, một trinh thám tiểu thuyết đau thương. Tôi hỏi:
-Bức thư đâu?
Nàng đáp:
-Khi ông về, tôi sẽ trao lại ông. Ông Hoài, ông đã gấp về chưa? Nàng trả lời giùm tôi:
-Có lẽ ông không gấp. Tôi hứa kể ông nghe nhiều chuyện. Ông Hoài muốn nghe chứ?
Tôi ngó đồng hồ đeo tay:
- Còn sớm.
Nàng tươi khuôn mặt:
-Ông dùng cà phê nhé? Tôi chỉ gói thuốc lá trên bàn:
-Hình như cô vẫn cần nhiều hương khói? Nàng nhìn tôi đăm đăm:
-Ông đã phả một thứ hương khói đặc biệt vào căn nhà lạnh lẽo này. Đó là hương khói của tình thương chứ không phải là hương khói của thuốc lá. Và, ông Hoài ạ, chỉ cần một làn khói mỏng toát ra tự một tấm lòng, căn nhà này đã hết đìu hiu. Ông nên dùng một tách cà phê.
-Cô pha?
-Vâng, tôi pha. Ông Hoài sẽ khen ngon.
-Đã ai khen cô pha cà phê ngon chưa?
Nàng chớp mắt, giọng trĩu buồn như giọt sương lớn đọng trên đầu nhánh cỏ non. Tôi vội nói:
- Xin lỗi cô Thanh, tôi quá tò mò.
Nàng vẫy nhẹ bàn tay khô đét, khẽ thở dài:
-Đã có một người khen tôi pha cà phê ngon. Nhưng không cánh bướm nào say mê nụ hoa cả. Chờ mãi, nụ hoa không nở, cánh bướm đã ghé một vườn hoa khác.
Tường Thanh đứng dậy:
- Ông Hoài cho phép tôi pha một tách cà phê mời ông nhé?
Không đợi tôi trả lời, nàng bước xuống nhà. Tôi đã nghĩ thật đúng về Tường Thanh. Nàng là cây chết. Là kẻ tình nguyện chê bỏ mùa xuân con gái của đời mình. Còn Tường Vi? Sớm mai tôi sẽ biết về người con gái này. Hẳn nàng sẽ cho tôi cái cảm giác lâng lâng như kẻ là đà bay trên con đường thơm mơ tưởng. Tôi sẽ biết rõ, tại sao đang học ở Régina Mundi nàng bỏ dở dang, tại sao nàng chọn tôi làm tay vịn để bước qua cầu.
Tường Thanh đã bưng tách cà phê phin lên cùng với bình thủy nước nóng nhỏ và bình đựng đường viên. Nàng nói:
-Ông phải chờ cà phê nhỏ giọt. Tôi cười:
-Kiên nhẫn nổi với cô, tôi ngại gì cà phê nhỏ giọt. Ta bắt đầu chuyện gì đây?
-Tường Vi.
-Tên một loài hoa.
-Hoa hèn.
-Không, một loài hoa tôi ưa thích dù chưa hề trông thấy.
-Ngày mai ông Hoài sẽ thấy. Tôi xin ông một điều.
-Cô nói đi.
-Ông nhớ quên giùm cái thực tại của ông.
-Cô bắt tôi lừa dối.
-Xin ông hãy lừa dối em gái tôi.
Trong đời, tôi đã gặp nhiều chuyện lạ lùng, nhưng chưa hề gặp một chuyện lạ lùng nào như chuyện đang xảy ra. Người khuyến khích tôi lừa dối một người con gái để nói rằng đem hy vọng đến cho nàng.
-Ông Hoài.
-Tôi nghe cô đây, cô Thanh.
-Ông ưa chuyện cổ tích không?
-Thích lắm. Tôi hằng mơ ước, về già, sẽ viết được những truyện thần tiên Việt Nam. Cứ phải phóng tác những truyện của Perrault, Grimm, Andersen, tôi thấy tưng tức làm sao.
-Ông đọc truyện "Công chúa ngủ trong rừng" rồi chứ?
-Rồi.
-Ông sẽ là vị hoàng tử mong đợi của những bà tiên tốt. Thưa ông, Tường Vi đang thiếp ngủ, ông sẽ đánh thức con bé dậy bằng một chiếc hôn nhẹ trên môi nó. Tôi chỉ cần em tôi thức giấc khoảng thời gian ngắn đủ để nó mỉm nụ cười hồn nhiên, nghe một tiếng chim hót, nhìn một khoảng trời xanh và,..
-Và sao nữa?
-... Và biết chắc nó được yêu.
Tôi nhấc cái phin khỏi tách nước. Nước cà phê đen đặc. Tôi mơ hồ thấy tâm sự Tường Vi đen đặc như cà phê trong tách nước. Nhưng hẳn tâm sự ấy thơm nồng y hệt hương vị cà phê đương thấm vào khứu giác tôi.
-Ông Hoài.
-Dạ.
-Xin ông nhường tiếng "dạ" cho tôi.
-Vâng, tôi vẫn nghe cô.
-Cuộc đời Tường Vi giống cà phê đắng trong cái tách này. Ông làm ơn bỏ đường, đổ thêm nước...
Nàng còn muốn nói thêm, song vội ngừng ngay. Tôi hỏi:
-Chuyện Tường Vi chỉ có thế? Nàng buồn rầu:
-Tôi không biết thêu dệt thêm. Sự đau khổ không thể nói hết trong một lúc.
Nàng nhón viên đường toan bỏ vào tách. Tôi gạt đi:
-Cô Thanh, tôi ưa uống cà phê đắng. Thi sĩ Hàn Mạc Tử rồi thi sĩ Dương Kiền đều thích cái "Thú đau thương ". Tôi muốn bắt chước hai thi sĩ ấy.
Tôi nâng tách cà phê, uống ực một hơi cạn như một người cả đời chưa biết thưởng thức cà phê. Đặt cái tách xuống bàn, tôi nói:
-Sáng mai tôi đến sớm. Tường Thanh ra chiều tư lự:
-Sau một phút sung sướng, tôi bắt đầu lo lắng.
-Cô lo tôi không đến?
-Lo ông đến.
-Lạ vậy!
-Nhỡ ông đến, ông quên cái "Thú đau thương " thì còn khốn nạn hơn là ông không đến.
-Thú thực với cô Thanh là tôi đang choáng váng vì tách cà phê của cô. Xin phép cô, tôi về. Mai tôi sẽ đến trước khi con chim đậu gần nơi "Công chúa ngủ trong rừng" cất tiếng hót.
Tôi đứng dậy. Lần này, Tường Thanh tiễn tôi một quãng đường khá xa. Hai chúng tôi đi bên nhau. Trời không trăng nhưng rất nhiều sao. Tôi chẳng còn thấy vì sao đơn độc được ví như bà tiên lẻ loi ứa những giọt lệ tím. Tưởng tượng một ngày đã qua trên quê hương bình yên. Tưởng tượng đang sóng đôi cùng người tình yêu dấu, người tình đầu của tuổi mới lớn. Tưởng tượng người tình đầu ấy là Tường Vi. Tôi đang là đà bay trên một nội cỏ ngàn hoa.
5
CĂN PHÒNG NHỎ CÓ NẮNG BAN MAI. Cửa sổ, đứng bên song nhìn xuống, thấy cỏ hoa; nhìn lên, thấy khoảng trời xanh. Ban ngày mây bay. Ban đêm sao mọc. Và trăng, đôi khi, hôn lên má mình mà mình không biết. Và gió, luôn luôn, đùa cợt tóc mình. Trên tường dán toàn những tranh màu dịu cắt từ những báo tuổi ngọc. Khi tôi bước vào, nhạc êm đềm trong chiếc "transistor" còn mơn trớn giấc ngủ của Tường Vi. Nàng nằm yên. Đầu nghiêng về một bên, má áp gối. Tóc như muốn phủ khuôn mặt. Hơi thở đều đều. Chiếc chăn mỏng đắp kín nửa thân thể nàng. Nàng công chúa ngủ trong rừng của tôi đấy.
Anh hãy đến như một hoàng tử. Em mơ ước thế. Và em, em là công chúa bất hạnh sau một lời nguyền của bà tiên độc ác, tham ăn. Em mơ ước thế. Và anh sẽ hôn em. Em thức giấc. Anh sẽ nói anh yêu em dù em không đẹp, dù em tật nguyền, anh Hoài nhé!
Tôi bước nhẹ tới đầu giường, tắt nhạc đi. Yên lặng. Chỉ thấy nắng nhẩy múa và nghe rõ hơi thở của Tường Vi. Sự yên lặng khiến tôi bối rối. Tường Thanh đang ngồi dưới nhà với nỗi lo âu,
Tên Một Loài Hoa Quê Hương Tên Một Loài Hoa Quê Hương - Duyên Anh Tên Một Loài Hoa Quê Hương