Love is a puzzle posed by the emotions and not likely to be solved by reason.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đê Quy
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 109
m thầm bố trí kỳ binh, khổ nhục kế của Chu Du
Được rồi lại mất
Mở đầu trận đánh Tào Tháo đã gặp bất lợi, ông cho đại quân đồn trú ở Ô Lâm - bờ bắc sông Trường Giang, còn Chu Du đóng tại Xích Bích bên phía bờ nam, từ đó hai quân đối trận. Hơn nửa tháng liền, Tào Tháo không chủ động tấn công, Chu Du cũng không có phản ứng gì. Gần hai mươi vạn binh đổ về sông Trường Giang, thế mà lại không nổi sóng gió, không chém giết nhau, thực là lạ lùng. Ngay cả khi thuyền xích mã của hai quân đụng nhau, cũng chỉ bắn tên từ mãi đằng xa, rồi bên nào làm việc của bên ấy, không quấy nhiễu nhau.
Chiến sự rơi vào thế giằng co do cả hai bên đều không nắm chắc phần thắng, quân Tào đông nhưng không tinh nhuệ bằng bộ quân của Chu Du. Trận đầu tiên đã khiến Tào Tháo hiểu ra, cố chết mà đánh, thương vong vô số, cũng chưa chắc giành được thắng lợi sau cùng. Ngược lại, bên phía Chu Du, dù có sở trường đánh dưới nước, nhưng lại chênh lệch quá lớn về binh lực so với quân Tào, nếu như dốc toàn lực quyết một trận sống mái, vạn nhất một chút sơ sẩy, sáu quận Giang Đông sẽ bị hủy trong chốc lát. Vậy nên, cuối cùng hai quân đều chọn chung một kế sách như có thần giao cách cảm, đó là án binh bất động đợi thời cơ đến.
Nhưng đối trận kiểu này cũng không công bằng, vì hai doanh không chỉ so về độ kiên trì, mà quan trọng hơn là thực lực tổng thể. Đánh trận phải cần đến lương thảo, của cải, đằng sau Tào Tháo có vùng Trung Nguyên, Hà Bắc rộng bằng nửa thiên hạ, thừa sức chu cấp cho đội quân hơn mười vạn người. Còn Chu Du chỉ có thể dựa vào sáu quận Giang Đông, mà trong cõi lại không yên, người Sơn Việt tạo phản, phe chủ hàng vẫn tranh cãi ồn ào. Trong lúc Chu Du ngăn địch ở tiền phương, Tôn Quyền cũng phải áp chế hậu phương, trong ngoài đều bị khốn, liệu chống đỡ được bao lâu? Huống chi Tào Tháo còn một cánh quân đứng ngoài thế trận giằng co này, bảy bộ quân của bọn Vu Cấm, Trương Liêu đóng ở gần Tương Dương cũng có cả thảy bốn vạn binh mã còn chưa nhập trận.
Cán cân thắng lợi nghiêng dần về phía quân Tào, Tào Tháo cảm thấy cục thế hiện giờ không chỉ tạm ổn, mà phải nói là vô cùng tốt. Hằng ngày ngoài việc đi tuần doanh trại của hai quân thủy bộ, ông còn phải xem tấu báo từ hậu phương, dù vậy ông vẫn dành thời gian bàn luận quốc sự với các nhi tử. Lão tướng Tào doanh cai quản bộ trại, chư tướng Kinh Châu phòng giữ thủy trại, giúp ông san sẻ không ít việc. Tóm lại, Tào Tháo nghĩ rằng không cần đặt quá để tâm vào trận đánh lần này, tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian.
Hôm đó trong quân lại có tin vui, Tào Tháo lệnh cho Sái Mạo ở lại Tương Dương chiêu mộ danh sĩ, dù sao Sái thị là danh môn vọng tộc, nên cũng có thể diện, chưa đầy hai tháng đã mời được hơn chục nhân sĩ gửi thân tại Kinh Châu mà trước đó đều không chịu ra làm quan dưới trướng Lưu Biểu. Tào Tháo sai Tuân Du, Khoái Việt dẫn duyện thuộc ra ngoài doanh nghênh đón, hội kiến chúng nhân trong trướng trung quân. Ông tất nhiên vui vì có được những người này, nhưng vui hơn cả là ông có thể dùng Sái Mạo, cầm tay lão bằng hữu nửa ngày không buông. Ông đưa mắt nhìn hết lượt chúng nhân, người nhiều tuổi uy nghi tao nhã, người ít tuổi mạnh mẽ oai hùng, người nào dường cũng có một túi khôn trong bụng. Trong đó có một người đặc biệt thu hút ánh nhìn của Tào Tháo.
Người này tướng mạo rất xấu, mặt dài như trái dưa lại hơi tròn, da mặt đỏ tía; trán rộng mũi tẹt, lông mày bên cao bên thấp, mắt tam giác, bên dưới còn có một nốt ruồi, miệng hơi chìa ra ngoài, bộ râu khá rậm, nhưng mọc quắp vào trong; dáng người vốn không thấp, có điều ngực dô, lưng còng, tựa như mình rắn, chân hơi vòng kiềng khuỳnh ra giống chữ bát. Thực không biết ông ta đi đứng làm sao.
— Đức Khuê, vị này là... - Tào Tháo không tiện nói thẳng ra: ta bảo ông chiêu nạp hiền sĩ, sao lại tìm một kẻ xấu như ma thế này?
Sái Mạo hắng giọng, nói vẻ nghiêm túc:
— Vị này họ Hòa, tên Hiệp, tự Dương Sĩ.
— Ông ta chính là Hòa Dương Sĩ, người Nhữ Nam sao?
Duyện thuộc Tào doanh châu đầu ghé tai, không dám tin vào tai mình.
Tào Tháo tất nhiên có nghe nói về người này, ông ta được Hứa Thiệu khen là “có gan bình phẩm”, năm xưa Hà Tiến mấy lần trưng vời mà không được, đến cả Viên Thiệu cũng muốn lôi kéo, nhưng ông ta lại chọn cách nhàn cư ở Kinh Châu. Người ta thường nói nghe danh không bằng gặp mặt, nhưng với người này thì phải hiểu ngược lại. Tào Tháo ngây ra một lúc mới nói câu khách khí:
— Ngưỡng mộ đã lâu, ngưỡng mộ đã lâu.
Hòa Hiệp dường đã quen bị người khác bàn tán, ông ta thi lễ, nhìn một lượt duyện thuộc, dửng dưng nói:
— Các vị đang cười nhạo tướng mạo xấu xí của tại hạ à?
— Không dám, không dám. - Dương Tu cười ha hả bước ra, - Người mang quái tướng thường có kỳ tài. Thuở xưa, đế Hoàng mặt rồng, đế Khốc răng mọc liền, đế Nghiêu lông mày hiện tám màu, đế Thuấn mắt hai con ngươi, Văn vương ngực có bốn vú, Chu công lưng còng, Trùng Nhĩ hai xương sườn dính vào nhau. Những bậc tiên nhân dung mạo cổ quái ấy không phải là minh quân cũng là danh tướng, có gì không tốt?
Tào Tháo khá hài lòng, Dương Tu đứng ra chào hỏi, thể hiện kiến văn sâu rộng của mình, đồng thời lấy thể diện cho Tào doanh, khiến cho những người thanh cao này không dám coi thường. Không ngờ, khuôn mặt xấu xí của Hòa Hiệp giật giật mấy cái, ông ta thản nhiên đáp:
— Những lời tiên sinh nói đều là lời truyền miệng trong dân gian, nếu họ thật sự có hình dáng như thế hẳn không phải là người! Luận hành có câu “Hỏa bất khổ nhiệt, thủy bất thống hàn, kỳ tính tự nhiên dã.”(*) Tướng mạo của tại hạ cũng là vốn có, không thể khác được. Còn để tâm người khác chê cười sao? Kinh dịch nói “Bĩ cực thái lai”, có lẽ chỉ kiểu người như tại hạ.
Dứt lời khuôn mặt lại giật giật thể hiện ý cười, nhưng còn khó coi hơn cả khóc.
— Không thể đánh giá con người ta qua bề ngoài được, không nhìn ra vẻ đẹp của Vô Diệm(*) là bởi vô tâm.
Tào Tháo nhận ra người này xuất khẩu thành thơ, không phải dạng chỉ có hư danh, muốn xin ông ta chỉ giáo vài câu, nhưng Hòa Hiệp lại mở miệng trước:
— Thừa tướng, tại hạ có một chuyện không hiểu, muốn được thỉnh giáo ngài.
— Không dám nhận.
Tào Tháo nhìn vẻ mặt nghiêm túc của ông ta, không dám xem thường.
Hòa Hiệp chậm rãi nói:
— Thừa tướng phụng lệnh thiên tử thảo phạt kẻ bất thần, đưa quân triều đình nam chinh, tại hạ thiết nghĩ cha con Lưu Cảnh Thăng đều là kẻ tài sơ mưu ít, không hiểu việc quân, không biết đạo trời, tự biết quy hàng là tốt. - Nói đến đây, ông ta bắt đầu chuyển ý, - Nhưng dân Kinh, Tương chưa nghe nói về quân triều đình còn an tâm cày cấy, nghe tin quân triều đình kéo đến thì lũ lượt bỏ chạy, trở thành lưu dân giữa thời loạn. Lưu Bị là tên bỉ ổi, gửi thân ở Kinh Châu, trong lúc trốn về nam còn dẫn theo mười vạn bách tính, già trẻ trai gái dắt díu nhau. Trong trận dốc Trường Bản, ngài tuy phá được Lưu Bị nhưng lại hại đến gần một vạn người vô tội, cha con ôm nhau khóc dưới đất, vợ chồng ly biệt kêu gào oán than. Ân đức của Thừa tướng đã thấm xuống những kẻ bé mọn như chúng tại hạ, sao không có được nhân tâm Kinh Châu để cho bách tính bỏ đi chịu nạn?
Khi ông ta thốt ra câu hỏi này, trong trướng bỗng chốc im bặt: ông ta dám chỉ ra khuyết điểm của Tào Tháo ngay trước mặt mọi người sao?
Tào Tháo không đáp lại được, nhưng có lẽ do Hòa Hiệp xấu xí nên ông không buồn nổi giận, chỉ thầm nghĩ: “Xem ra những kẻ ẩn cư ở Kinh Châu này cũng không dễ kết giao, ta phải giáo huấn một chút, không thể để chúng coi thường ta được.”
Tào Tháo đang tìm lời đối lại, Dương Tu đứng cạnh nhanh nhảu đỡ lời:
— Hồi Lưu Biểu vi chính lúc nào cũng bôi nhọ triều đình, một là bách tính Kinh Châu sợ phải làm đồn điền, hai là họ sợ quân ta phá thành giết hại dân chúng. Đó đều là những lời đồn thổi, truyền tai nhau, lại thêm Lưu Bị lòng lang dạ thú, đầu độc nhân tâm, kỳ thực quan quân có thể làm chuyện bất nghĩa ấy sao? Chẳng qua là nghe hơi nồi chõ.
Hòa Hiệp lại “mỉm cười” dữ dằn, không quan tâm chuyện này có thật hay không, chỉ nói:
— Là đúng hay sai, thật hay giả, tại hạ không biết. Có điều không có lửa làm sao có khói, đã có lời đồn thì không phải phúc của triều đình.
— Thời xưa có lời đồn, “Sở Vương thích người có eo nhỏ, hậu cung lắm kẻ đói chết”, rất nhiều sách của chư tử đều nhắc đến chuyện này. Sau Tuân Tử lại nói, “Sở Vương thích eo nhỏ, cho nên trong triều có người đói.” Đến Hàn Phi Tử lại nói, “Sở Linh Vương thích eo nhỏ, trong nước lắm kẻ đói.” Mặc Tử còn nói kỹ rằng, “Sở Linh Vương thích sĩ nhân eo nhỏ, nên bề tôi của Linh Vương đều nhịn ăn, mỗi ngày chỉ ăn một bát, ngồi xổm nín thở, sau đó mới thít chặt đai, vịn tường mà từ từ đứng dậy.” Miêu tả chi tiết. - Dương Tu nói rành rọt, trích dẫn câu từ của bách gia chư tử không sai một chữ, - Xin các vị thử nghĩ, Sở Linh Vương thích cung nữ eo nhỏ, liên quan gì đến triều thần và người dân? Các bậc tiên hiền còn nghe tin đồn nữa là những bách tính một chữ bẻ đôi cũng không biết?
Dương Tu ném lại câu hỏi này cho Hòa Hiệp, trong lòng Tào Tháo rất khoan khoái - lúc trước nghe Dương Tu giải thích về văn bia Tào Nga, ông chỉ nghĩ hắn có chút tài mọn, giờ mới thấy hắn khác xa với phụ thân của mình, không những có học vấn tốt mà còn rất thức thời, nghĩ rằng có thể trọng dụng tiểu tử này.
Hòa Hiệp không nói gì nữa, nhưng lại thầm nghĩ: “Bất luận chuyện phá thành là lớn hay nhỏ thì chắc chắn có, còn chế độ thu thuế đồn điền bằng năm phần thành phẩm là sự thật rành rành. Thiên hạ đang hỗn loạn mà lại áp dụng những pháp lệnh nặng nề, sớm muộn gì cũng phải xóa bỏ. Lưu Huyền Đức cố nhiên là kẻ lòng lang dạ sói, song Tào Mạnh Đức cũng là người cai trị hà khắc, hai người họ có thế lực khác nhau, nhưng đều không có ưu khuyết điểm nào đáng tranh biện. Người thực sự chịu khổ là bách tính vô tội. Sau này dốc sức cho Tào doanh, ta nhất định phải làm một bề tôi biết can gián, để sửa chính những sai lầm của ông ta...”
Sái Mạo dường như muốn giảm bớt không khí căng thẳng, lại giới thiệu một vị khác, là Hoàn Giai, tự Bá Tự, người quận Trường Sa. Tào Tháo chưa nghe danh của người này. Khoái Việt vội nói:
— Hoàn tiên sinh chính là người năm xưa đã du thuyết Thái thú Trường Sa Trương Tiễn khởi binh.
Tào Tháo nghe xong vội sửa lại mũ áo, vái một vái dài:
— Thì ra là người đã giúp ta thắng trận Quan Độ.
Trong trận Quan Độ, Lưu Biểu vốn thông đồng với Viên Thiệu hưng binh đánh úp Tào Tháo từ phía sau, nhân lúc hai quân đang giằng co. Nhưng vào lúc then chốt, Hoàn Giai lại xui Thái thú Trường Sa lúc bấy giờ là Trương Tiện tạo phản. Lưu Biểu vội vàng đem quân đi dẹp loạn, lỡ mất giao hẹn với Viên Thiệu, nhờ đó Tào Tháo có thể tập trung vào chiến trường phương bắc, sau cùng giành thắng lợi. Bởi vậy, dù cho Hoàn Giai không ở trong Tào doanh, nhưng đã lập được đại công với Tào Tháo.
Hoàn Giai không dám tự nhận công:
— Xưa, Tề Hoàn Công dẫn đầu các chư hầu tôn sùng nhà Chu, Tấn Văn Công đuổi Thúc Đới mà nghênh đón Chu Vương. Viên thị đối nghịch với triều đình, Lưu Biểu còn hưởng ứng hắn, đó là việc làm gây họa. Tại hạ du thuyết thực ra vì bách tính Kinh Châu, chứ không riêng gì Thừa tướng.
Tào Tháo liên tục gật đầu: “Người này ngay thẳng, cũng có thể dùng được.”
Sái Mạo lần lượt giới thiệu những người khác, Ngỗi Hi, tự Tử Nha, nhân sĩ kinh học; Hàn Ký, tự Công Chí, con của Thái thú Hà Đông triều trước là Hàn Thuật; Triệu Tiễn, tự Thúc Mậu, từng nhận chức Thượng thư ở tây kinh; Đậu Phụ, cháu của Đại tướng quân Đậu Vũ triều trước, cùng với hai hậu sinh trẻ tuổi là Thạch Thao, tự Quảng Nguyên và Mạnh Kiến, tự Công Uy, đều có giao tình với Gia Cát Lượng. Ngoài ra, còn một vị họ Tư Mã, tên Chi, tự Tử Hoa, người Tư Mã thị ở huyện Ôn, Hà Nội, có thể xem là họ hàng xa của Tư Mã Lãng và Tư Mã Ý.
Tào Tháo hậu đãi tất cả bọn họ, người lớn thì mời làm duyện thuộc, còn kẻ nhỏ thì nhận mệnh làm lệnh sử. Đang lúc hàn huyên, ông chợt phát hiện ra một nhân sĩ mặc áo đen, từ đầu đến cuối luôn đứng sau cùng, những người khác nói cười vui vẻ, trong khi ông ta trốn tiệt phía sau, ông ngó trái ngó phải mãi vẫn không nhìn được mặt ông ta, cứ như chơi trò trốn tìm. Dù vậy, Tào Tháo vẫn đoán ra người này:
— Lương Thượng thư! Tuyển bộ Thượng thư Lương Mạnh Hoàng, là lão ngài sao?
Lần này không trốn được nữa, Lương Hộc thành thật chui ra:
— Tham kiến Thừa tướng đại nhân, kẻ hèn này chỉ là một người lánh nạn, từ lâu không còn là Thượng thư. Chuyện năm đó mong ngài thể lượng... - Dứt lời liên tục khom người, không biết vái bao nhiêu cái.
Chúng nhân thấy ông ta đã gần bảy mươi tuổi còn xưng là “kẻ hèn này” đều cảm thấy nực cười. Kỳ thực, Lương Hộc không phải người đức hạnh gì, ông ta làm Tuyển bộ Thượng thư không tuyển chọn nhân tài một cách công chính, làm Thứ sử Lương Châu cũng khiến mọi việc nát bét, chỉ vì giỏi thư pháp nên được Linh Đế yêu dùng, cùng một hạng với bọn nịnh thần Giả Hộ, Giang Lãm, Nhậm Chi xuất thân từ Hồng Đô môn.
Tào Tháo trước khi gặp Lương Hộc còn có mấy phần oán hận ông ta, nhưng lúc này nhìn ông ta dáng vẻ tiều tụy, run rẩy, không còn ngạo khí của một sủng thần ông lại cảm thấy thương xót và hoàn toàn nguôi giận, cố ý trêu chọc:
— Lương Thượng thư, chúng ta là người quen cũ, nếu như không phải năm đó ông từ chối ta ở ngoài cổng, làm sao có tể phụ của triều đình như hôm nay? Đa tạ, đa tạ!
Lương Hộc nào dám nhận? Càng cúi người thấp hơn:
— Kẻ hèn này có mắt mà không nhìn thấy Thái Sơn. Trước đây tại hạ đã đắc tội với Thừa tướng, nếu ngài không chê, tại hạ nguyện đem bút mực văn chương chuộc tội.
Dương Tu thấy ông ta nhiều tuổi mà thật thiếu liêm sỉ, bèn chế giễu:
— Lão ngài năm đó viết chữ cho thiên tử, sau lại viết chữ cho Lưu Biểu, giờ lại muốn viết chữ cho Thừa tướng. Ngài thật sự cho rằng chữ của ngài không ai sánh bằng sao?
Lương Hộc thấy một người trẻ tuổi lên tiếng, không biết lai lịch thế nào nên cũng không dám đắc tội, cười nói:
— Tiên sinh chỉ giáo rất phải, bút pháp của kẻ hèn này cũng chỉ là hạng tầm thường. Nhưng hiện thời có nhiều người tự xưng giỏi chữ triện mà lại không hiểu rõ về nó. Chữ triện bắt nguồn từ việc Thương Hiệt quan sát những dấu vết của chim chóc để lại, sau đó tạo ra chữ viết, cho nên chỗ hạ bút tựa như hình con chim cụp cánh, còn chỗ hất bút lại tựa như hình con chim đang dang cánh. Rướn cổ tung cánh, thế như bay lên bầu không, không vuông cũng không tròn, lúc thì như đi, lúc lại như bay...
Trong trướng có không ít người kiếm cơm bằng cán bút, nghe lời phân tích biết là cao thủ từng trải, ai nấy đều vui vẻ gật đầu. Lão già này tuy nhân phẩm thấp kém, nhưng không thể không phục trình độ thư pháp của ông ta.
Việc này cũng chạm vào chỗ khó xử của Tào Tháo, cố nhiên Lương Hộc đáng hận, nhưng dù sao chuyện đã qua mấy chục năm, Sái Mạo còn không làm khó ông ta, Tào Tháo lại hẹp hòi sao? Huống chi chữ triện của ông ta đúng là có một không hai trên đời, chớ nói Linh Đế triều trước, ngay đến Tào Tháo cũng yêu thích, nghĩ đến đây, ông gật gật đầu:
— Ông đã nguyện đem bút mực của mình ra dốc sức, thì hãy ở lại trong doanh của ta làm Giả tư mã đi.
Bọn Tuân Du, Dương Tu đều kinh ngạc, Giả tư mã trong trung quân là một chức quan trọng, có địa vị cao hơn cả những duyện thuộc bình thường, bất quá Tào Tháo chỉ muốn dùng chữ đẹp, sao phải trao cho chức vị cao thế? Bọn họ không biết rằng Tào Tháo còn có dụng ý khác, ông đã chịu tha thứ cho Lương Hộc thì phải để cả thiên hạ biết ông độ lượng nhường nào. Vả lại, ông đã lên kế hoạch thay đổi triều đại, lại sắp cho dựng cung điện ở Nghiệp Thành, nên cũng muốn Lương Hộc múa bút lên những tấm biển mới.
Những người cùng tới không ngờ rằng lão già này lại chiếm được chức tước cao nhất, bèn rối rít chúc mừng, trong lời nói có ý chế giễu. Lương Hộc cũng không tức giận hay dằn lòng lắng nghe, còn liên tục cám ơn, người cong như con tôm, khiến chúng nhân thầm bái phục “da mặt” của ông ta.
Tào Tháo nhìn đám người này, trong lòng rất không vui, ông chiêu mộ nhân sĩ ẩn cư Kinh Châu là muốn thể hiện mình có được nhân tâm, và quan trọng hơn là hy vọng bọn họ góp sức cho ông. Thế nhưng họ lại lắm lời chỉ trích cách hành xử của ông, đến giờ vẫn không rõ bọn họ coi ông và triều đình bên nào nặng, bên nào nhẹ. Nếu như ông không uốn nắn, khó có thể đảm bảo sau này sẽ không nảy ra một kẻ giống Khổng Dung:
— Lão phu muốn đi tuần doanh trại, các vị đã vào trong quân, chớ ngại đi cùng ta.
Thì ra, ông muốn lấy quân thế ra nẹt người. Bọn Hòa Hiệp, Hoàn Giai đều hiểu dụng ý của ông, nhưng không tiện từ chối, chỉ có thể vui vẻ đi theo. Bình thường Tào Tháo chỉ đi tuần loanh quanh bờ sông, hôm nay ông cố ý dẫn bọn họ đi một vòng lớn, đầu tiên xem doanh trại, quân nhu của Tào quân, sau đó lên chiến thuyền quan sát đội hình thủy quân.
Trên sông Trường Giang sóng lớn cuồn cuộn, mấy trăm chiến thuyền tinh kỳ san sát, cột buồm tựa như những ngọn núi cao tận tầng mây, trận thế thực khiến người ta kinh sợ, nhưng nhìn kỹ lại phát hiện ra vấn đề: chiến thuyền lừng lững, trận thế cũng được bố trí cẩn mật, nhưng sĩ tốt chẳng có chút tinh thần nào. Từ lúc bắt đầu nam chinh đến nay, bắc quân vẫn chưa giải quyết được chuyện say sóng và không hợp thủy thổ, những binh sĩ được chọn lên thuyền đều không được phép tùy tiện di chuyển, mà phải coi chiến thuyền như doanh trại, ăn ngủ cả ở trên thuyền. Nửa tháng qua, đám lính phương bắc này chịu đủ khổ sở, người nào người nấy mặt mày vàng võ, mệt mỏi, có kẻ chống binh khí đứng xiêu vẹo ở mạn thuyền, có kẻ lại ngồi co quắp dưới sàn, hai mắt nhắm hờ cố chống lại cơn chóng mặt. Trên thuyền lớn còn tạm ổn, chứ người ở trên những thuyền nhỏ càng không thể chịu được, sóng đánh vào mạn thuyền, chiếc thuyền còn chưa nghiêng ngả, binh sĩ đã ngã dúi dụi như đám say rượu. Còn có kẻ nôn thốc nôn tháo xuống sông - ăn gì thì nôn đó, trong bụng họ trống không, chỉ còn dịch dạ dày, một cơn gió lạnh thổi qua cũng làm mọi người rét run. Theo lý mà nói, khi trông thấy chủ soái binh sĩ phải hô thật to để tỏ rõ quân uy, nhưng vào lúc này so với việc chào hỏi Tào Tháo thì chẳng bằng rên rỉ kêu than. Đội quân như này có uy thế gì cơ chứ?
Mấy ngày trước Tào Tháo đi tuần trên sông, binh sĩ có chút không quen thủy thổ, nhưng không thảm hại như hôm nay. Không ngờ chỉ cách vài ngày, tình hình lại trở nên nghiêm trọng như vậy, bình thường nghe tướng lĩnh bẩm báo, ông chỉ bỏ ngoài tai, nghĩ rằng mặc cho bọn họ nhẫn nhịn một chút là qua, giờ xem ra không thể đánh trận được. Các danh sĩ mới quy thuận tỏ ra hơi khó xử, nhưng không thể bảo Thừa tướng xuống nước được, Hòa Hiệp thay đổi thái độ cứng rắn, nói lời an ủi:
— Quân triều đình quả nhiên có nhiều thuyền chiến, chắc chắn có thể khắc chế...
— Ọe...
Hòa Hiệp chưa nói hết câu, một thân binh đứng cạnh Tào Tháo đã ói vì chóng mặt, những thứ dơ bẩn dây đầy dưới sàn.
— Ngươi! Ngươi...
Tào Tháo mất hết thể diện, chỉ vào thân binh kia, giận đến run người. Tuân Du, Khoái Việt vội bước ra khỏi hàng, nói:
— Các vị tiên sinh đường xa đến đây cũng đã mệt, chi bằng sắp xếp cho mọi người ở trong doanh trước, hôm khác lại bàn quân vụ.
— Cũng được...
Tào Tháo cuối cùng cũng chịu xuống nước, cố nặn nụ cười tiễn chúng nhân. Đợi bọn Hòa Hiệp lên bờ đi xa, ông xoay người lại cho thân binh vừa mới ói một cái bạt tai đau điếng. Cái tát ấy làm thân binh càng cảm thấy quay cuồng, phục xuống mạn thuyền nôn thốc nôn tháo. Tào Tháo chưa hết giận, đạp vào mông khiến anh ta ngã lộn xuống sông. Thân binh này không biết bơi, chới với dưới nước kêu cứu - chúng sĩ chỉ giương mắt nhìn, kẻ nào dám kéo anh ta lên?
Sái Mạo, Dương Tu chưa lui xuống, im lặng đứng cạnh Tào Tháo. Sái Mạo khuyên can:
— Người phương bắc không hợp thủy thổ nơi đây, say sóng là lẽ thường, ngài đâu cần nổi giận? Xin hãy bỏ qua cho hắn.
— Hừ! Không chịu an phận, mau kéo hắn lên. - Sái Mạo nói đỡ cho anh ta, Tào Tháo gằn giọng bảo, - Ta không phải giận vì mất thể diện, quân ta tuy đông, nhưng sức lực kém cỏi thì làm sao đánh địch, chỉ e Chu Du thừa cơ tiến vào. Đệ lo việc quân ở Giang Hán đã lâu, liệu có cách nào đối phó với sóng gió trên sông không?
— Cách thì cũng có, có điều... - Sái Mạo ngập ngừng.
— Chớ ngại nói ra!
— Khi không có chiến sự, hằng năm vào mùa này, tướng sĩ thường dùng dây xích khóa chặt các thuyền lại với nhau. Thuyền lớn thì năm chiếc một hàng, còn thuyền con thì mười chiếc một hàng, được cố định bằng những chuỗi xích sắt. Ghép thuyền lại thành từng cụm như thế không những không bị sóng đánh tròng trành, mà đến ngựa cũng có thể chạy bên trên...
— Được. - Tào Tháo không đợi ông ta nói hết đã muốn truyền lệnh ngay, - Lệnh cho toàn quân đúc xích.
— Hây khoan. - Sái Mạo lại nói, - Phàm việc gì có lợi tất có hại, cách này tránh được sóng gió, nhưng có một khuyết điểm. Sau khi ghép liền, chiến thuyền không thể tự do tản ra, nếu quân địch dùng hỏa công, e là sẽ cháy hết tàu thuyền. Thủy quân Kinh Châu nhiều lần ghép thuyền, nhưng đều là khi không có chiến sự, chỉ nhằm tránh mùa đông, chứ chưa từng làm vậy khi hai quân đang đối chiến.
— Hỏa công? - Tào Tháo ngây ra suy nghĩ, lại cười, - Quân ta ở phía bắc, địch ở phía nam, mùa đông chỉ toàn gió tây bắc. Chu Du dùng hỏa công định thiêu ta hay thiêu chính hắn?
Sái Mạo vẫn không dám xem thường:
— Dù là vậy, gió mưa thất thường, không nói trước được!
Nhưng Tào Tháo đã có chủ ý:
— Trước tiên cứ khóa chặt chiến thuyền để tướng sĩ đỡ khổ, đợi đến đầu mùa xuân lại tháo xích ngăn địch, khi đó quân ta cũng nghỉ ngơi khỏe rồi. Chúng ta người đông thế mạnh, dù binh sĩ mệt mỏi cũng thừa sức áp chế quân Đông Ngô, dốc toàn lực của Trung Nguyên vào chiến dịch này, có lẽ chưa cần đến đầu mùa xuân, bên phía Chu Du quân tâm dao động, không đánh mà tan, dâng đất quy hàng cũng chưa biết chừng. Đệ đã vào trong quân, lại cai quản thủy quân nhiều năm, việc này đệ làm đi.
Sái Mạo thấy suy nghĩ ấy quá lạc quan, chưa nói việc Tôn Quyền, Chu Du quyết tâm chống lại Tào Tháo, dù cho bọn họ thực sự mất đi thế lớn thì cũng là con thú cùng quẫn, thực sự chịu uốn gối đầu hàng sao?
Tào Tháo nhìn Sái Mạo vẻ mặt trầm lặng, nhưng không nghĩ ông ta lo lắng cho chiến sự, mà nghĩ ông ta đang đắn đo nghi ngại, liền nói:
— Luận về đánh trên cạn đệ không bằng ta, nhưng xét về trị lý thủy quân ta lại không bằng đệ. Đệ chớ nghĩ nhiều, ta ban quân lệnh rõ ràng, lệnh cho đệ kiêm nhiệm chức Đô đốc thủy quân. Chúng ta là bằng hữu cũ, ta không trông cậy vào đệ thì còn biết nhờ ai?
Lời này của ông khiến lòng Sái Mạo sục sôi, nhưng ông ta lại thở dài nói:
— Đệ không dám với tới chức Đô đốc, nhưng sẽ tận lực mà làm...
Dứt lời ông ta quay đầu nhìn bờ sông, có một cảm giác khó nói vây lấy ông ta: “Giữa ta và Tào Tháo liệu còn tình bạn năm xưa không, hay chỉ đơn thuần là quan hệ chủ tớ? Thật thật giả giả, những lời đó có mấy phần thật lòng đây?”
Trong lúc ông ta tư lự, Tào Tháo đổi chủ đề:
— Hiền đệ từng nhắc tới hai vị tiên sinh Tư Mã Huy và Bàng Đức Công, vì sao không thấy bọn họ đến?
— Tư Mã công và Bàng Đức công danh vọng rất cao, đệ đích thân đi bái yết, nhưng hai người họ đã đưa gia quyến dời đi, không biết đi đâu.
— Không biết đi đâu? - Tào Tháo hiểu rõ họ không muốn làm quan nên cố ý trốn đi, - Vậy còn Thôi Châu Bình? Ông ta là đệ đệ của Nguyên Bình, không trốn ta chứ?
Tào Tháo nói trúng, Sái Mạo móc ra một túi gấm:
— Suýt nữa thì quên! Châu Bình hiền đệ cũng đã rời khỏi Kinh Châu, đệ sai người tìm hiểu, dân làng nói không biết ông ta đã đi đâu. Có điều, ông ta để lại cho ngài một túi gấm trong căn nhà trống.
— Cho ta?
Tào Tháo nhận lấy túi gấm, bên ngoài đúng là để mấy chữ “Hán Thừa tướng Tào công Mạnh Đức thân khải”, miệng túi phong kín, Sái Mạo không dám mở ra xem trước. Ông vội vàng mở ra, hóa ra bên trong nhét miếng vải gai có hàng chữ ngay ngắn chép lại một bài ca dao trong thôn:
Ông chớ sang sông,
Ông lại cố sang,
Lộn cổ xuống sông,
Làm sao đây ông!
— Rủa ta bại trận? Đáng hận! - Tào Tháo ném túi gấm xuống sông, - Nể mặt huynh trưởng của hắn, bằng không ta chắc chắn bắt hắn hỏi tội. Bọn ẩn sĩ thanh cao này quá cay nghiệt, thiên hạ rộng lớn còn sợ thiếu người tài hay sao? Năm trước, ta đánh Ô Hoàn có tên Điền Trù, ta hai ba lần dâng tấu gia phong mà hắn không thèm để ý, mấy tên hôm nay cũng cùng một hạng như thế. Ta coi như đã nhìn thấu, bọn chúng đều gan lỳ. Đời Nghiêu, Thuấn còn có Sào Phụ, Hứa Do(*) ở chốn thôn dã, từ nay về sau không cần bận tâm đến những kẻ này nữa, cho bọn chúng tự giữ lấy thanh cao!
Sái Mạo thấy ban nãy Tào Tháo còn nói giọng nhẹ nhàng, ôn tồn, thế mà phút chốc ánh mắt lại toát lên vẻ hung dữ, trong lòng không khỏi run sợ, cúi đầu rất thấp. Dương Tu im lặng nửa ngày lúc này không nhịn được nói chen vào:
— Thuộc hạ còn muốn tiến cử với chúa công một người, chính là sứ giả Trương Tùng mà lần này Ích Châu Lưu Chương phái tới. Hôm đó thuộc hạ gặp ông ta ở hậu doanh, chuyện trò vài câu, nhận thấy người này có hiểu biết không tầm thường. Tính ra ông ta đã ở lại trong quân hơn nửa tháng, sao Thừa tướng không thử tiếp kiến ông ta?
Tào Tháo cười nhạt:
— Nửa tháng trôi qua mà không có lúc nào rảnh sao? Thực ra, lão phu không muốn gặp. Lưu Chương hơn mười năm không đi lại với triều đình, giờ lại liên tục sai phái sứ giả, nếu như ta đối đãi quá trọng hậu hắn sẽ được đằng chân lân đằng đầu! Trước đây, khi Âm Phổ triều kiến từng có giao ước, Ích Châu sẽ nộp thuế, điều binh và lao dịch. Nhưng hai năm qua, hắn bất quá chỉ dâng ít gấm vóc của đất Thục, nói là điều binh, song lại nhét mấy trăm người Tẩu, Man vào cho đủ quân số. Ta đãi ngộ hơn nữa, hắn còn biết lượng sức mình sao? Trên đời này có những kẻ không biết tốt xấu, ngươi càng chiếu cố hắn càng được đà!
Dương Tu không dám bác lại “đạo lý” đó, nhưng vẫn nói:
— Trương Tùng chẳng qua là người hành sự, chúa công đâu cần làm khó ông ta? Huống hồ người này có tài, lại tự tìm đến tận cửa, có thể giữ ông ta ở lại dưới trướng cũng là một chuyện tốt.
Tào Tháo chưa chính thức tiếp kiến Trương Tùng, nhưng mấy lần tuần doanh đã nhìn thấy ông ta từ đằng xa. Người này dáng thấp, tướng xấu, không khác Hòa Hiệp là bao, lại còn không có được danh vọng như Hòa Hiệp. Một tiểu lại tầm thường như thế kiếm đâu chẳng được, có gì người khác chứ? Cho nên, Tào Tháo nói:
— Thiên hạ lắm kẻ sĩ, hôm nay ta có thêm hơn chục người, nếu còn giữ lại thuộc hạ của Lưu Chương há chẳng khiến người đời chế nhạo? Ta cũng không muốn làm khó hắn, sớm đuổi hắn đi. Lát nữa quay về, ngươi nói với chủ bạ một tiếng, bảo ông ta tra lại quan sách, cho hắn một chức quan quận huyện là được.
Dương Tu trịnh trọng tiến cử, thế mà ông mới nói hai ba câu đã đuổi phắt người ta đi, khiến Dương Tu dở khóc dở cười...
Tào Tháo không hậu đãi Trương Tùng, đẩy việc phong quan cho chủ bạ Ôn Khôi, Ôn Khôi bận nhiều công vụ cũng không có thì giờ tra lại danh sách quan lại Ích Chầu, chỉ bàn qua với các duyện thuộc khác. Bởi vì lần trước Tòng sự Ích Châu là Trương Túc vào kinh yết kiến được tấn thăng làm Thái thú Quảng Hán, Trương Tùng là đệ đệ của Trương Túc, xét đến việc chức quan của em không nên đứng trên anh, Ồn Khôi bèn viết vào sách văn, nhận mệnh Trương Tùng làm Huyện lệnh Tỉ Tô, thuộc địa hạt quận Vĩnh Xương. Huyện Tỉ Tô là đất làm muối ở Thục Trung, cũng được xem là trù phú, Tào Tháo nghĩ, đối với một người nhỏ bé, không có tiếng tám gì như Trương Tùng, thì chức Huyện lệnh này đã là quá tốt.
Ngờ đâu Trương Tùng nhận được sắc lệnh lại ngẩn người ra - ông ta là đệ đệ của Trương Túc, song rất được Lưu Chương trọng dụng, phong làm biệt giá Ích Châu, tương đương với phó Thứ sử. Mặc dù chức quan đó không do triều đình nhận mệnh, nhưng ông ta cũng là nhân vật có thể diện ở đất Thục. Giờ đây, Tào Tháo vô duyên vô cớ biếm chức vị trưởng quan thứ hai của Ích Châu này xuống làm một Huyện lệnh cỏn con.
Trương Tùng khổ sở chờ đợi nửa tháng trời rốt cục đổi lấy kết quả như vậy, không biết mình đắc tội Tào Tháo ở chỗ nào, lại không dám hỏi nhiều, đành mang lệnh bổ nhiệm rời khỏi. Trên đường trở về, ông ta càng nghĩ càng giận, cuối cùng xé nát sách vần, ném xuống sông Trường Giang.
Tào Tháo không hề ý thức được rằng, chuyện nhỏ ấy lại có sức nặng ngang với sự thành bại trên chiến trường, chính sơ suất này về sau đã khiến ông phải ôm hận cả đời!
Bệnh ác lan tràn
Để binh sĩ phương bắc bớt khổ vì say sóng, Tào quân đã đúc xích ghép hầu hết chiến thuyền lại với nhau, không cho sóng gió đánh nghiêng ngả. Thế nhưng, tình hình không khởi sắc như Tào Tháo dự liệu mà lại càng xấu đi, từ khi bước vào mùa đông, một lượng lớn binh sĩ ngã bệnh. Quân Kinh Châu không sao, nhưng Bắc quân cứ mười người thì có đến ba bốn người không khỏe, hơn nữa số người bệnh mỗi ngày lại tăng thêm, thâm chí cả những binh sĩ đóng trại trên bờ cũng nhiễm bệnh. Tất cả đều có triệu chứng giống nhau là phát sốt, mất sức và chán ăn. Tào Tháo lờ mờ cảm thấy sự việc không đơn thuần do binh sĩ không hợp thủy thổ, Thái thú Nhữ Nam là Mãn Sủng và biệt giá Dương châu là Tưởng Tế được triệu tới đã giúp ông khẳng định suy đoán này...
— Sao kia? Bệnh thương hàn!
Trán Tào Tháo túa mồ hôi lạnh. Tưởng Tế vẻ mặt nghiêm túc:
— Mùa đông năm nay thời tiết không tốt, đất Giang Hán bệnh dữ hoành hành, không riêng gì Kinh Châu, các nơi khác như Hoài Nam, Lư Giang cũng đang có dịch thương hàn. Nửa tháng trước, Lưu sứ quân ra ngoài xem xét việc trị thủy, trở về cũng sốt không dứt.
“Lưu sứ quân” mà ông ta nói tới là Thứ sử Dương châu Lưu Phức, phụ trách xây dựng thành Hợp Phì và những công trình thủy lợi như đập Thược Bi, rất được Tào Tháo trọng dụng. Không ngờ, ngay đến người đứng đầu một châu cũng nhiễm trọng bệnh.
Mãn Sủng thở dài sườn sượt:
— Nhữ Nam cũng có hàng trăm bách tính nhiễm bệnh này. Có những dân phu khổ sở vì bệnh tật, không có sức cày cấy đành phải trốn khỏi đồn điền. Nhữ Nam xuất hiện một thổ phỉ tên là Trương Xích, chuyên đi thu nạp lưu dân gây loạn, hiện đã tập hợp được hơn năm ngàn hộ ở núi Đào Sơn, Lý Thông tướng quân đang bận dẹp loạn.
Tào Tháo không dám chậm trễ, đích thân dẫn hai người họ đến bờ sông, kiểm tra mấy người nhiễm bệnh đều có những biểu hiện của bệnh thương hàn đang bùng phát ở Hoài Nam, Nhữ Nam. Xem ra, đúng là trận đại ôn dịch ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn. Thiên hạ chiến loạn, xuất hiện ôn dịch là việc không hiếm, nhưng chủ yếu xảy ra vào cuối xuân đầu hè, duy có bệnh thương hàn thường phát sinh khi bắt đầu bước vào tiết lập đông, do thời tiết thay đổi quá nhanh, ăn uống không đảm bảo nên quá nửa người bệnh cơ thể suy nhược. Binh sĩ trong quân thân thể cường tráng hiếm người mắc bệnh này, song bắc quân tiến xuống phía nam, không hợp thủy thổ, lại bị say sóng, cho nên những tướng sĩ vốn có thể trạng yếu ớt nhiễm bệnh thương hàn cũng không có gì là lạ. Quân đội bị ôn dịch là chuyện rất đáng sợ, huống chi hiện giờ có hơn mười vạn người chen chúc ở bờ sông, vạn nhất bệnh dịch lan rộng sẽ không chỉ ảnh hưởng tới sức chiến đấu mà còn làm dao động quân tâm.
Mãn Sủng nhăn mày một lúc lâu, chợt nhớ ra một người:
— Thừa tướng, sao không lệnh cho Hoa Đà tiên sinh khám cho vài người, để kê phương thuốc có thể dùng rộng rãi.
Tào Tháo cười nhăn nhó như đang tự chế giễu mình:
— Hoa Đà... đã bị ta xử tử.
Mãn Sủng không biết chuyện này, đứng ngây người ra. Tưởng Tế lại nói:
— Hoa Đà chết rồi, thì còn có Trương Cơ, người này soạn cuốn Thương hàn tập bệnh luận, tinh thông nhất về bệnh này. Sao ngài không điều ông ta từ Trường Sa tới?
Tào Tháo càng lắc đầu quầy quậy:
— Trương Trọng Cảnh bị ta tước chức quận thú, đang lưu lạc dân gian.
Hai vị danh y được ví là Kỳ Hoàng(*) đương thời đều bị đối xử bất công, Tưởng Tế và Mãn Sủng đưa mắt nhìn nhau, thực không hiểu vì sao Tào Tháo lại làm vậy, chỉ biết an ủi:
— Không sao, có thể phái người đi tìm. Hơn nữa, Kinh Châu còn lưu truyền y thư của ông ta, chúa công chớ ngại sai các y quan khác tìm hiểu, để cứu chữa binh sĩ.
Cũng chỉ còn cách đó thôi. Tào Tháo hạ lệnh, điều hết những người nhiễm bệnh về doanh trại trên bờ, đưa bộ binh lên thuyền thay thế, tướng lĩnh phụ trách các bộ cũng được đổi thành người Kinh Châu - Tất nhiên tướng lĩnh Kinh Châu giỏi đánh dưới nước, nhưng họ vừa mới quy thuận, nhân tâm chưa vững, cho bọn họ cai quản binh sĩ cũng không phải là thượng sách. Vì vậy, ngoài bọn Sái Mạo, Văn Sính, Trương Doãn ra, những tướng khác hầu hết chỉ được làm cấp phó.
Khi thực hiện lệnh điều động, những người bệnh nhẹ chống binh khí bước đi lảo đảo, người bệnh nặng lăn lông lốc xuống thuyền, còn mấy chục người đã nhiều ngày liền không cho được hột cơm nào vào miệng, chẳng thể cứu được nữa, thì được khiêng thẳng tới hậu doanh nằm chờ chết. Tào Tháo nhìn cảnh này, trong lòng không khỏi hoang mang, nhưng vẫn quyết tâm đánh tiếp. Ông nghĩ, mặc dù binh sĩ bên mình mỏi mệt, nhưng dù sao người đông thế mạnh, thừa sức đánh địch, thực lực của Chu Du không đủ để giằng co lâu dài với ông, qua được đận này tất có cơ chuyển biến.
Giữa lúc ồn ào, Tào Phi, Tào Thực chen vào nói:
— Phụ thân, Xung nhi đổ bệnh rồi.
— Cái gì!
Mấy ngàn quân sĩ nhiễm bệnh cũng không khiến Tào Tháo bị kích động mạnh bằng câu nói này.
Tào Thực sợ hãi nói:
— Tối qua đệ đệ ra ngoài chơi đùa gặp gió lạnh, sáng nay trán âm ấm, không buồn ăn cơm.
Tào Tháo thấy con cưng của mình nhiễm bệnh, chẳng thèm để ý đến những tướng sĩ trên thuyền, hớt hải chạy đi thăm nhi tử. Tào Xung cùng với các huynh đệ ở chung một cái lều da trâu, lúc này bên trong chật kín người, ngoài y quan, nô bộc, các tướng tá trung quân cũng có mặt. Tào Tháo thấy vậy càng sốt ruột, đẩy đám người ra chen vào cạnh giường - Tào Xung không nằm nghỉ, cậu bé chỉ ngồi xếp bằng, khuôn mặt nhợt nhạt hơn so với mọi khi.
— Phụ thân...
Tào Xung muốn đứng dậy thi lễ, nhưng Tào Tháo ấn xuống, ông đưa tay sờ trán cậu bé, quả nhiên hơi nóng, tinh thần cũng không được nhanh nhẹn, hoạt bát như mọi khi. Tào Xung rất hiểu chuyện:
— Phụ thân chớ lo, nhi tử không có bệnh gì lớn đâu, mọi người lo quá đấy thôi.
Chúng nhân nghe cậu ta nói như vậy đều lui lại phía sau - xem ra, bệnh của cậu bé này không nặng, nhưng có ai không biết cậu ta chính là cái rễ sinh mệnh của Tào Tháo, giả như có sơ sẩy gì thì người của trung quân ai gánh nổi trách nhiệm? Bởi vậy, dù cậu bé bệnh nặng hay nhẹ tướng tá cũng kéo cả đến.
Tào Tháo thở phào nhẹ nhõm, nhìn cạnh giường đặt một bát cháo vẫn còn nguyên, ông cầm lên đút cho nhi tử. Tào Xung cố lấy tinh thần, giành lại bát cháo:
— Thật có tội, nhi tử sao có thể để phụ thân đụng tay.
Dứt lời, cậu đưa bát cháo lên miệng húp xùm xụp mấy ngụm thì hết veo, còn liếm mép. Kỳ thực, lúc này dù có ăn sơn hào hải vị cũng thấy nhạt thếch, cậu bé xưa nay luôn hiếu thảo, nhân ái nên cố ỷ làm ra vẻ ăn ngon, để cho phụ thân yên tâm.
Nhưng Tào Tháo há có thể yên tâm? Quân trướng mà các nhi tử của ông ở khá ấm áp, người nhà bếp cũng chú ý chuyện ăn uống hơn những chỗ khác, dù vậy cũng có thể sinh bệnh. Còn những tướng sĩ bên ngoài thì tính sao? Nghĩ đến đây, ông liền lên tiếng:
— Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, những người không liên quan đến quân vụ không nên ở lại lâu. Xung nhi, Lâm nhi đều còn nhỏ, phải khẩn trương rời khỏi đây. Ta thấy Giang Lăng, Tương Dương cũng chưa chắc an toàn, không bằng quay về huyện Tiều trú tạm.
Nghe nói quay về huyện Tiều, lão tướng Tào Du đứng hầu một bên chủ động xin lệnh:
— Mạt tướng là người hộ tống các công tử đến đây, nên để mạt tướng đưa về.
Tào Du là tộc thúc đằng xa của Tào Tháo, vốn hiền hậu nhưng không có bản lĩnh gì, binh sĩ dưới trướng ông ta đều là hương dũng huyện Tiều. Ông ta có chức quan không nhỏ nhưng chưa từng đánh trận, giờ không phải buổi thái bình, ngộ nhỡ đụng phải quân địch đi tuần bờ sông thì không phải chuyện đùa, làm sao tin tưởng vị thúc thúc này được. Tào Tháo nói khéo:
— Vậy làm phiền lão ngài. Có điều chuyến này đường xa, ta sợ ngài không lo hết được, cho Trọng Khang, Bá Nhân dẫn ít binh mã đi cùng vậy.
Xét về sự trung dũng có Hứa Chử, về độ thân cận có nữ tế Hạ Hầu Thượng, có hai người này đi theo Tào Tháo mới yên tâm.
Tào Thực đứng phía sau ngượng ngùng nói:
— Trong quân còn không ít người tôn quý, như mấy vị lão tiên sinh Tống Trọng Tử, Hàm Đan Thuần. Cũng nên đưa họ đi nữa chứ ạ.
— Ừ! Con suy nghĩ chu toàn.
— Nhi tử cũng muốn xin lệnh, hộ tống các lão tiên sinh về huyện Tiều.
Tào Thực nói là đi bảo vệ, kỳ thực chỉ là học làm sang, quan trọng hơn là muốn tìm cơ hội kết giao với danh sĩ. Tào Tháo tất nhiên nhìn ra tâm tư của con mình, nhưng không vạch trần, mà chỉ căn dặn:
— Cũng được, trên đường nhớ phải quan tâm đến đệ đệ của con.
Nhưng Tào Xung không mấy vui vẻ, cậu siết chặt bàn tay to bản của phụ thân:
— Phụ thân không phải nói dẫn nhi tử cùng đi phá địch sao?
Tào Tháo vuốt vuốt búi tóc của nhi tử, chậm rãi nói:
— Tiểu tử ngốc, con nghĩ ta cho con ra trận thật sao? Con theo phụ thân xuất chinh, giờ phải bình an trở về mới là quan trọng nhất...
Nói đến đó, Tào Tháo dường có một dự cảm chẳng lành, không hiểu sao ông lại chợt nhớ đến Tào Ngang đã chết trong trận Uyển Thành. Năm đó, ông yêu quý Tào Ngang nhường nào, nếu đích trưởng tử còn sống, e là vị trí người kế vị không đến lượt Tào Xung, thế nhưng chỉ một lần xuất chinh đã lấy đi tính mạng của đứa con tài giỏi đó. Có lẽ vì có hồi ức đau buồn ấy, nên tự dưng Tào Tháo lại có dự cảm sẽ lại mất đi Tào Xung, trong đầu ông còn chợt hiện ra hình ảnh cơ thể nhỏ bé đó đang nằm trong quan tài... Nghĩ vậy, ông dứt khoát lắc đầu, không cho nhi tử nhiều lời:
— Ý ta đã quyết, con phải lên đường ngay bây giờ, về quê ngoan ngoãn dưỡng bệnh.
Tào Xung dẩu miệng nói:
— Nhưng...
Tào Tháo tỏ vẻ kiên quyết, giọng hơi nghiêm khắc:
— Nếu con hiếu thuận với phụ thân, thì phải biết nghe lời phụ thân. Thứ gì nên là của con thì mãi mãi thuộc về con, con chỉ việc đi về thôi!
Tào Phi, Tào Thực đều cúi đầu ngẫm nghĩ: “Thứ gì nên là của con thì mãi mãi thuộc về con, phụ thân muốn nói câu này cho ai nghe?”
Có lẽ ý nghĩ đáng sợ ban nãy vẫn lần khuất trong đầu Tào Tháo, nên dứt lời ông liền đứng dậy bỏ đi. Tào Xung dù có thông minh, nhưng cũng chỉ là một cậu bé, cứ lải nhải mãi câu muốn theo phụ thân phá địch. Lúc này, ngay đến Tào Tháo cũng có chút bất an, bệnh thương hàn có khả năng tiếp tục lan rộng, theo chiều hướng này, trận chiến mà ông vốn nắm chắc phần thắng có thể trở nên vô cùng gian nan, ông không ngờ tru diệt Hoa Đà, trục xuất Trương Cơ lại là một sai lầm lớn đến vậy. Trước mặt mọi người ông không chịu thừa nhận, nhưng đã bắt đầu hoài nghi: đưa quân tiến vào Trường Giang, uy hiếp Giang Đông, lẽ nào là một bước đi sai? Ông đứng lặng ở viên môn, một nỗi bất an đang dần xâm chiếm cõi lòng.
Nhưng đúng lúc này, Trung lĩnh quân Sử Hoán và Trung quân hiệu úy Đặng Triển lại phấn khởi xuất hiện trước mặt ông:
— Khải bẩm chúa công, chúng mạt tướng có chuyện quan trọng cần bẩm tấu.
Tào Tháo đang không tập trung, lơ đễnh bảo:
— Nói đi!
Sử Hoán ra vẻ thần bí, ghé sát tai ông:
— Có một kẻ ăn vận như ngư dân xin vào trong quân. Hắn tự xưng là sứ giả của lão tướng Giang Đông Hoàng Cái.
— Mật sứ?
Ánh mắt u ám của Tào Tháo chợt sáng lên.
— Bọn mạt tướng không dám lớn tiếng, lẳng lặng đưa hắn vào đại trướng. Hắn nói lòng quân Giang Đông có biến, Hoàng Cái muốn lén lút đầu hàng quân ta, còn có một phong thư muốn tự tay dâng lên ngài. Không biết có gian kế gì không, xin chúa công cho biết nên xử trí như thế nào.
— Hừ, - Khuôn mặt Tào Tháo lộ ra nụ cười, - Ta muốn đích thân đi gặp người này, gọi cả quân sư cùng tới nữa.
Sử Hoán mới nói phân nửa, Tào Tháo đã tin ngay, bởi từ trong tiềm thức ông tự nhủ:
— Ta sẽ không sai! Đối trận cách con sông là đúng, Giang Đông quả nhiên không cầm cự nổi.
Từ sau trận Quan Độ, ông chưa mắc sai lầm lần nào trên chiến trường, tuyệt nhiên không nghĩ mình sai. Trận Liễu Thành hầu như mọi người đều phản đối xuất chinh, nhưng ông vẫn một mực làm theo ý mình, chẳng đã đúng hay sao? Ông vốn được mệnh trời che chở, mỗi khi gặp nguy đều có chuyển cơ, trận Quan Độ là thế, trận Nghiệp Thành là thế, trận Liễu Thành cũng thế, giờ cũng sẽ có chuyển biến như vậy thôi.
Tào Tháo nghĩ những hoài nghi của mình ban nãy là không đâu, ông nhủ đi nhủ lại: Tào mỗ sẽ không sai!
Mật sứ dâng thư
Khoảnh khắc tận mắt nhìn thấy vị sứ giả kia, Tào Tháo, Tuân Du đều cảm thấy chán nản - người này nào giống thân binh tâm phúc của một tướng tá, chẳng khác gì ông lão đánh cá tầm thường. Ước chừng ông ta tuổi gần bảy mươi, khuôn mặt hóp hép, nhăn nheo như vỏ quả hạch đào, chòm râu dài chớm ngực; đầu đội nón lá rách bươm, mình mặc áo tơi cũng rách tả tơi, lưng thắt dây cỏ, chân đi giày cỏ. Khi Thừa tướng và quân sư đương triều bước vào trướng, ông lão này không vái chào, cũng không dập đầu, mà vẫn ngồi trên ghế lim dim ngủ. Cũng khó trách, ông ta tuổi đã cao, lại một mình chèo thuyền qua sông, hẳn là rất mệt.
— Dậy đi! Ông không nhìn xem là chỗ nào hả?
Sử Hoán muốn cười mà không dám cười, giơ chân đá nhẹ vào ông ta - người này quá lớn tuổi, Sử Hoán không nỡ dùng sức.
— Ờ... - Ông lão từ từ mở mắt, sửng sốt hồi lâu mới bỏ nón lá, quỳ xuống thi lễ, - Tiểu nhân bái kiến chư vị đại nhân.
Một ông già như thế mà là sứ giả của Hoàng Cái hay sao? Tào Tháo không khỏi nhíu mày:
— Đứng lên rồi nói.
— Rõ.
Ông ta đáp một tiếng rõ to, cử chỉ nhanh nhẹn như một binh sĩ. Tào Tháo ngồi xuống, đánh giá kỹ người này rồi hỏi:
— Ngươi thật sự là sứ giả được Hoàng Cái phái tới?
Ông lão hơi nhướng mày:
— Tiểu nhân tuổi đã cao còn nói nhảm sao?
Tuân Du tinh ý nói:
— Nghe giọng ngươi không giống người đất Ngô.
— Bẩm đại nhân, tiểu nhân là người quận Linh Lăng, Kinh Châu, chưa đến hai mươi tuổi đã vào ở nhà họ Hoàng, làm thân binh cho tướng quân nhà tiểu nhân bốn mươi năm. Không giấu gì ngài, ở trước mặt người ngoài tiểu nhân gọi ngài ấy là tướng quân, nhưng sau lưng ngài ấy vẫn gọi tiểu nhân là lão huynh đấy!
Ông ta vừa nói vừa vuốt vuốt chòm râu bạc, ra vẻ đắc ý. Việc này rất có thể là đúng, trong nhà quan tướng đều có những lão binh là bộ quân đã theo chủ vào sinh ra tử nửa đời người, nhưng không có bản lĩnh gì nổi trội nên không được cất nhắc, chỉ giữ lại đến già, trên thực tế cũng không khác gì gia bộc. Hoàng Cái là người quận Linh Lăng, lão binh của ông ta tất nhiên cũng là đồng hương, trong mạc phủ của Tào Tháo cũng có những lão binh như thế, thảy đều là đồng hương huyện Tiều. Sử Hoán đứng cạnh rỉ tai nói:
— Ban nãy mạt tướng hỏi hắn một số chuyện của Giang Đông, hắn đều nói rành rọt, không giống giả mạo.
Tào Tháo gật gật đầu, lại hỏi:
— Hai bên giao chiến có nhiều ám muội, tướng quân nhà người sai ngươi đến vì chuyện gì?
Lão binh lại quỳ xuống:
— Tướng quân đặc ý sai tiểu nhân tới xin hàng.
Tuân Du nói vẻ cảnh giác:
— Giang Đông hết người rồi sao? Vì sao lại sai một tên già khụ như ngươi đến?
— Thực không dám giấu, chuyện xin hàng lần này là ý riêng của tướng quân nhà tiểu nhân, không liên quan gì đến Chu Du. Quân trại ở Xích Bích có rất nhiều binh lính tuần tra, trên sông cũng có xích mã, nếu không cho người già lụ khụ như tiểu nhân giả làm ông lão đánh cá, để binh sĩ khỏi chú ý đến thì làm sao có thể qua Giang Bắc?
Lý do này cũng chấp nhận được, Tào Tháo hỏi tiếp:
— Nói miệng không đáng tin, ngươi có đem theo thư của tướng quân nhà ngươi chứ?
— Có! Có điều... - Ánh mắt ông ta chợt hiện lên vẻ nghi kỵ, - Có điều chuyên này can hệ trọng đại, tiểu nhân phải gặp được Tào Thừa tướng mới lấy ra.
— Lão phu chính là Tào Tháo.
— Hả? Là thật sao?
Lão binh vẫn không dám tin. Sử Hoán quát lớn:
— Thật giả cái gì, ngài ấy chính là Tào Thừa tướng đương triều!
Lão binh vội quỳ sụp xuống lần nữa, lúc này ông run rẩy nói:
— Ôi, tiểu nhân đã mạo phạm. Chu Du thường nói Thừa tướng là người hung dữ, hôm nay được gặp mới biết, thì ra ngài mắt mũi hiền từ, tựa như một vị thanh quan tọa điện trị dân.
Sử Hoán, Đặng Triển đều che miệng cười: không thể sai được, hắn chắc chắn là một lão binh lõi đời. Nói nịnh quá giỏi.
Tào Tháo cũng cười:
— Chớ vội nhiều lời, hãy lấy thư ra đây.
— Rõ.
Lão binh nói xong không móc ống tay áo, cũng không sờ trước ngực, mà cởi áo tơi trước, tiếp đến cởi áo choàng, cởi áo gai bên trong, để lộ những chiếc xương sườn, rồi còn cởi cả đai lưng. Đặng Triển cầm bội kiếm đứng cạnh nhìn chằm chằm, chỉ sợ người này là một kiếm khách ẩn mình, giấu đao sắc để hành thích Tào Tháo. Thế nhưng, trên người ông ta chớ nói là binh khí, đến một mảnh sắt cũng chẳng có, cởi hết lớp áo trong thì thấy một đoạn xà cạp quấn quanh bắp đùi nhão lùng nhùng. Lão binh loay hoay cởi xà cạp, mãi mới lấy ra được một mảnh lụa mỏng từ bên trong - quấn mảnh lụa trên người, một là binh sĩ khó lục soát được, hai là cũng tránh bị rơi xuống nước khi chèo thuyền qua sông.
Đặng Triển nhận thư không dám mở trước, dâng hai tay lên Tào Tháo. Tào Tháo nghiêng người cùng xem với Tuân Du. Nét bút trên thư vẫn rõ ràng, chỉ hơi ẩm và có mùi mồ hôi. Bên trên viết: Cái ta chịu ân sâu của Tôn thị, thường làm tướng soái, lĩnh binh chinh chiến, biết mình không bị bạc đãi. Nhưng xét nghĩ, thiên hạ đã có thế lớn, dùng người Sơn Việt ở sáu quận Giang Đông để kháng cự trăm vạn đại quân Trung Nguyên, thực là ít không địch nổi đông, người trong bốn bể đều nhận ra vậy. Văn thần võ tướng Giang Đông, bất kể hiền ngu, đều biết không thể chống lại, chỉ có Du và Túc nông nổi ngu đần, không hiểu lẽ này. Nay ta quy thuận là mưu tính thật lòng. Du thống suất tướng sĩ, dễ phá hoại từ bên trong. Đến ngày giao tranh, Cái nguyện làm tiền bộ, tùy cơ ứng biến, dốc sức cho ngài.
Tào Tháo lật đi lật lại mảnh lụa trong tay, đọc thầm mấy lần, rồi đưa cho Sử Hoán, khẽ căn dặn:
— Tìm xem trong quân có người nào nhận ra bút tích của Hoàng Cái không, thử xác nhận lại.
Dứt lời, ông quay lại đập soái án, giận dữ nói:
— To gan! Đây rõ ràng là kế trá hàng của lão Hoàng Cái, muốn thừa dịp ấy mà đánh úp ta. Một lão già như ngươi cũng dám tới lừa dối ta?
Lão binh không buồn mặc áo vào, quỳ xuống dập đầu lia lịa:
— Oan uổng quá! Tiểu nhân có gan lớn bằng trời cũng không dám dối gạt ngài, tướng quân nhà tiểu nhân quả thực thành tâm quy hàng, tiểu nhân tận mắt nhìn ngài ấy viết... Nhưng, ngài ấy, ngài ấy viết những gì vậy?
Lão binh này vốn không biết chữ.
— Viết gì ngươi không cẩn biết. - Tuân Du cười nhạt, - Ta lại muốn hỏi, tướng quân nhà ngươi đã thờ mấy chúa họ Tôn?
— Trước kia theo Tôn Phá Lỗ, sau theo Tôn Thảo Nghịch, nay đến Tôn Trọng Mưu là đời thứ hai của Tôn thị, và là chủ thứ ba.
— Đúng vậy, Hoàng Cái dốc sức cho hai đời Tôn thị, thờ phụng ba chúa công, một người thân tín như thế mà lại mang lòng phản trắc sao? Không phải trá hàng thì là gì? - Tuân Du hỏi đúng điểm mấu chốt.
Lão binh thở dài:
— Tiểu nhân nói thật với ngài. Tướng quân nhà tiểu nhân cũng được xem là lão thần của họ Tôn, tuyệt không dễ phản chủ, việc này thật sự là bị ép, không còn cách nào khác...
— Bên trong có ẩn tình gì? - Tào Tháo và Tuân Du cùng nhìn chằm chằm, để ý kỹ từng thay đổi nhỏ trên nét mặt ông ta.
Lão quân ngẩng mặt lên, thở ngắn than dài:
— Tướng quân nhà tiểu nhân từ hồi trẻ đã đi theo tiên chủ, lập được công lao hãn mã, hiện giờ chức quan không cao, chỉ là một Đô úy, nhưng theo hai đời phụ tử Tôn chủ nên có cảm tình, quan lớn hay nhỏ đều được. Kỳ thực, phàm là người già đều nhớ đến tình xưa, nói ngay như tiểu nhân, từ năm mười chín tuổi đã theo...
— Lôi chuyện của ngươi ra làm gì? Nói chuyện chính đi! - Tào Tháo cau mày quát.
— Dạ. Lão tướng quân vốn không phải nhân sĩ Giang Đông, nhưng được đối đãi không bạc, chí ít hai đời chúa công đều rất kính trọng lão ngài. Thế nhưng, đám tiểu bối Chu Du, Lỗ Túc từ ngày làm chủ sự tới nay lại rất tùy tiện, vô lễ. Lần xuất chinh này, Trình lão tướng quân và Chu Du cùng làm tả hữu Đô đốc, nhưng Chu Du ỷ mình thân với chúa công, phàm việc gì cũng tự ý chủ trương, không thèm bàn với lão Đô đốc, chớ nói là tướng quân nhà tiểu nhân. Hôm xuất binh ở Phàn Khẩu, tướng quân nhà tiểu nhân thống lĩnh hậu quân, chỉ vì đến chậm hai ngày mà bị Chu Du trách mắng té tát ngay trước mặt chúng nhân. Đám Lỗ Túc xấu xa không bớt chuyện, còn to nhỏ với kẻ dưới, nói cái gì là già rồi còn không chết đi, thằng già, đồ vô dụng. Tướng quân nhà tiểu nhân hơn sáu mươi tuổi đầu còn phải nghe những lời dèm pha thế ấy! Ngài nói xem có đáng hận không?
Tuân Du chưa nhìn ra sơ hở gì, nửa tin nửa ngờ, bảo:
— Chẳng lẽ chỉ vì chuyện nhỏ như thế thôi sao?
— Chuyện nhỏ? Hừ! - Lông mày lão binh dựng ngược, dường như vô cùng phẫn nộ, - Ban đầu chẳng qua là mấy lời xì xào, về sau lại càng không coi các vị lão tướng ra gì. Đám thuộc hạ tâm phúc của Chu Du, nào là Đổng Tập, Trần Vũ, Phan Chương, Tống Khiêm đều là trẻ ranh miệng còn hôi sữa, ngày ngày nhậu nhẹt, lại dám cắt xén lương thực mấy doanh của lão tướng quân. Bữa trước tiểu nhân đi thúc lương, bị thân binh của Lỗ Túc túm râu trêu chọc. Đúng là đám nhãi hỗn xược! - Ông ta vẫn không quên đệm chuyện của mình, - Trước khi đánh trận này, mọi người đều không đồng lòng. Trương Tử Bố, Tần Văn Biểu đều nói không thể đánh, tranh cãi gay gắt, nhưng không lay chuyển được chúa công. Đã quyết định đánh ai ngờ lại thành như này, đóng quân ở Xích Bích, có câu... nói thế nào nhỉ... À! Dụng binh quý ở chỗ thần tốc. Tới nay đã được một tháng mà vẫn không có động tĩnh gì, dù có là thiên binh thần tướng cũng nản lòng.
Tào Tháo có nghe phong phanh những chuyện này, nên tin vài phần:
— Tình hình bờ bên đó hiện ra sao?
— Bẩm, không ổn lắm... - Lão binh lắc đầu quầy quậy, - Lúc này Chu Du có hơn bốn vạn quân, ngoài ra còn một vạn quân của Lưu Bị. Mấy ngày nay không biết vì sao mà hay có người đau ốm, mọi người tranh luận ầm ĩ, Chu Du cũng không có chủ ý gì, chỉ biết đem chúng tiểu nhân ra trút giận! Thực sự, khá nhiều người bất mãn trong lòng. Trình lão Đô đốc là người Bắc Bình, Hàn lão tướng quân là người Liêu Tây, Trương Tử Bố và Tần Văn Tùng xuất thân từ Từ Châu, họ chẳng qua niệm tình tiên chủ, chứ có ai không muốn trở về cố hương? Mấy năm qua, triều đình trưng vời nhiều danh sĩ, không ít ngươi không muốn ở lại nữa. Tôn Trọng Mưu năm nay hai mươi bảy tuổi, Chu Du ba mươi tư, Lỗ Túc ba mươi mốt, còn đám tiểu tướng còn lại càng không đáng nhắc tới, chỉ dựa vào bọn họ có thể làm nên công trạng gì? Trong doanh của tiểu nhân có binh lính lén bàn với nhau, đợi đến đầu mùa xuân thời tiết ấm hơn sẽ bỏ về nhà cho sướng, ai muốn bán mạng cho Chu Du?
Lời này ý nói binh sĩ muốn bỏ trốn, nhân tâm ly tán, hoàn toàn khớp với dự liệu của Tào Tháo. Đúng lúc này, Sử Hoán sải bước tiến vào, ghé sát tai Tào Tháo:
— Bẩm, Lưu Ba là người Linh Lăng, từng được xem bút tích của Hoàng Cái, hắn nói thư này là thật.
— Được. - Tào Tháo rất hài lòng, - Căn dặn hắn, không được để lộ chuyện này.
— Vâng, mạt tướng đã nói rồi.
Sử Hoán làm việc trong trung quân nhiều năm, nên biết phải giữ bí mật. Trước đó Tào Tháo nghe lời lão binh nói đã tin vài phần, giờ biết phong thư là thật, ông tin đến bảy phần, chuyển sang hỏi:
— Tướng quân nhà ngươi nói “tùy cơ ứng biến”, rốt cuộc là hẹn ngày nào khởi sự hàng ta?
— Thưa, khó nói lắm. - Lão binh mím môi nói, - Chuyện lén lút phản chủ sao có thể ấn định thời hạn? Nếu định ngày trước, đến khi khởi sự lại không thuận lợi tất bị bại lộ. Tướng quân viết thư từ hôm trước, mãi hôm nay tiểu nhân mới tìm được cách qua sông, binh sĩ kiểm soát quá nghiêm ngặt.
— Cũng có lý. - Tào Tháo cúi đầu thầm suy xét.
— Nhưng tiểu nhân đoán chừng là trong mười ngày tới. - Lão binh lại nói, - Theo tình hình hiện nay, Chu Du cũng không giữ được mấy ngày nữa. Quân tâm tan rã, có lẽ vài ngày sau chỉ cần bỏ ra nén vàng là có thể trốn qua trạm tan gác. Tướng quân nhà tiểu nhân đã nghĩ, đến lúc khởi sự, bên đó phóng hỏa làm tín hiệu, ngài phái binh tiếp ứng. Nếu chuyện không thành, tướng quân bỏ qua sông theo ngài. Hoàng tướng quân dù sao cũng là người có thể diện, một khi ngài ấy quy hàng, nhân tâm bên ấy càng loạn.
Tào Tháo thấy không còn cần hỏi gì nữa, đọc lại hàng thư một lần nữa từ đầu đến cuối, sau cùng nói:
— Cũng được, chỉ mong khởi sự thành công. Trên đường có nhiều trạm gác không tiện qua lại, ngươi lại là người được Hoàng tướng quân tin cẩn, ta không viết thư hồi đáp nữa. Ngươi trở về chuyển lời đến tướng quân nhà ngươi, nếu khởi sự không thành, khi sang sông quy hàng phải cắm cờ xanh trên đầu thuyền làm tin, tránh cho hai quân giao tranh...
— Hãy khoan! - Tuân Du thấy Tào Tháo có ý thả ông ta đi, vội ngắt lời, - Hoàng Cái chỉ nói miệng, không nên quá tin tưởng. Sao ngài không giữ người này lại làm con tin?
Nhưng Tào Tháo lại nói:
— Một tên lính già, giữ lại làm gì? Thả hắn về chuyển lời tới Hoàng Cái cũng an tâm.
Lão binh coi như cũng lanh lợi:
— Tạ ơn Thừa tướng, thân già này phải trở về nhân lúc trời chưa tối kẻo tướng quân mong.
— Ngươi vất vả nhiều rồi, - Tào Tháo gọi Sử Hoán, - Ban cho ông ta ít vàng lụa.
Lão binh lắc đầu nói:
— Tiểu nhân không cần của nả. Tiểu nhân đã ngần này tuổi, cả đời làm lính, không có con cái, rời khỏi quân doanh cũng không sống được, có tiền biết dùng vào đâu? Lại để cho đám nhãi ranh kia cướp mất thôi! Chỉ mong trận chiến này sớm ngày kết thúc, tướng quân nhà tiểu nhân được sống yên bình ngày nào, tiểu nhân cũng mới được hưởng phúc lành ngày đó.
— Ây dà... - Tào Tháo cảm thấy thương xót lão binh.
— Nhưng... - Ông ta ngập ngừng nói, - Thừa tướng có thể thưởng cho tiểu nhân một bữa no không?
— Sao? - Tào Tháo ngạc nhiên.
— Trên đường tới đây, tiểu nhân thật sự đói bụng, hơn nữa bên phía tiểu nhân cũng không cho phép ăn no vì thiếu lương nghiêm trọng. Ngài có địa bàn rộng lớn, có nhiều lương thực, chỗ tiểu nhân bé tẹo có được bao nhiêu lương thực? Đã thế còn phải chia cho Lưu Bị! Đất mới khai khẩn vốn của người Sơn Việt, Tôn thị đuổi họ đi rồi mới vỡ hoang, hơn nữa dân phu đều là bách tính bị bắt về từ Lư Giang, Giang Hạ, há lại chăm chỉ cày cấy cho Giang Đông hay sao? Nói thật lòng, tiểu nhân không muốn quay về, chỉ vì nghĩ tới lão tướng quân nên đành nhẫn nhịn.
Tào Tháo nghe được lời ấy lại càng mừng thầm:
— Sử Hoán, dẫn ông ta đi ăn chút gì đó, lấy thêm bộ áo ấm nữa. Đi đi!
Tuân Du nói thêm:
— Dẫn thẳng đến nhà bếp, không được cho đi lung tung.
Ông ta vẫn ngờ vực, sợ người này dò xét quân tình, càng sợ người này nhìn thấy đám binh sĩ bệnh nặng đang nằm ở phía hậu doanh.
Đợi lão binh đi khỏi, Tào Tháo nhét hàng thư vào trong tay áo:
— Ta đã sớm biết quân địch khó có thể cầm cự lâu được, quả nhiên không ngoài dự liệu. Giang Đông nhiều ao đầm, ít ngũ cốc, Chu Du kiêu ngạo thiếu lễ, không được lòng người, dưới trướng Tôn Quyền lại có nhiều nhân sĩ gửi thân muốn trở về cố hương. Có ba mối lo đó há có thể không thua?
Tuân Du chưa hết hoài nghi:
— Thuộc hạ thấy vẫn nên cẩn thận thì hơn.
— Yên tâm đi. - Tào Tháo đã có dự tính, - Hoàng Cái khởi sự ở bờ bên kia, không ảnh hưởng gì đến ta. Dù cho là giả, chỉ cần lúc phái binh chúng ta cẩn thận chút là được.
— Ngộ nhỡ Hoàng Cái giả tới đầu hàng, rồi bất ngờ tập kích quân ta thì sao?
Tào Tháo lại cười nói:
— Mẹo đó sao phá được đại quân của ta? Kể cả Chu Du có phát hết binh mã ở bờ nam, cũng có thể làm gì được ta?
Lời ấy còn chưa dứt, Đặng Triển lại hớn hở tiến vào, Tuân Du hỏi ông ta:
— Ông thấy hành động này của Hoàng Cái là thật hay giả?
Đặng Triển cười đáp:
— Ta không nghĩ bên trong có bẫy, nhưng ngờ rằng lão binh này là ma đói. Ngần ấy tuổi mà ăn được bốn năm cái bánh, nhân lúc người nhà bếp không để ý còn nhét trộm miếng thịt khô vào trong ngực. Cứ như chưa từng được ăn no!
— Ha ha! Việc này chứng tỏ Chu Du thiếu lương, lời hắn ta nói ban nãy đều không sai. - Đến lúc này, Tào Tháo đã hoàn toàn tin tưởng, - Con người ta ở đời hầu hết đều nghĩ một đằng nói một nẻo, càng giỏi ăn nói thì lại càng dối trá, bộc trực như lão binh này lại là giả hay sao?
Tuân Du vẫn có chút bất an, nhưng không nói ra được lý do, chỉ có cảm giác sự việc không đơn giản như vậy, quân địch có lẽ đang ủ mưu gì đó mà ông ta không tìm ra được manh mối. Nỗi lo lắng này có vẻ không đâu vào đâu, Tuân Du cũng không biết phải giải thích thế nào với Tào Tháo, nên đành căn dặn tướng sĩ phải cảnh giác hơn...
Thơ phú lai láng
Chuyện Hoàng Cái dâng thư xin hàng vô cùng cơ mật, Tào Tháo chỉ tiết lộ với vài người thân cận, còn những tướng lĩnh khác hoàn toàn không biết gì. Có điều, chúng nhân đều nhận ra gần đây Thừa tướng tâm trạng rất tốt, động tý là ngâm thơ họa phú, có lúc còn đứng bên bờ sông nhẩn nha đi dạo. Binh sĩ đang bị bệnh tật giày vò nhìn thấy biểu hiện ấy cũng đoán là trận chiến sắp đến hồi kết thúc.
Chớp mắt đã gần đến đông chí, những ngày lạnh nhất trong năm, có lẽ Tào Tháo thực sự được ông trời phù trợ, bệnh thương hàn bùng phát nghiêm trọng trước đó dần được khống chế. Mặc dù vẫn còn mấy ngàn người bệnh nằm bẹp trong doanh, cũng có không ít người đã chết, nhưng bệnh dịch không lan thêm, coi như trong họa có phúc. Tuy nhiên, cùng với thời tiết lạnh dần, Trường Giang cũng bắt đầu bước vào mùa khô, mực nước rút xuống mấy trượng so với lúc mới đồn trú ở Ô Lâm, tất cả tàu thuyền đều phải di dời để tránh bị mắc cạn, doanh trại trên bờ cũng phải tiến sát bờ sông, một lần nữa bố trí trạm gác. Tướng sĩ nhổ doanh dựng trại, bận đến không thở nổi, thế mà Tào Tháo không bớt hứng khởi, còn bày đặt mừng tiết đông chí.
Theo lễ chế, vào tiết đông chí, đế vương an thân dưỡng thể, bách quan tuyệt gác mọi sự, không nghe chính sự, chỉ diễn múa bát dật, tấu nhạc hoàng chung, tế tự lăng tẩm. Có điều khi ở trong quân, thảy đều giản lược. Nhưng Tào Tháo tâm tình vui vẻ, vẫn muốn tổ chức yến hội. Việc này khiến Tuân Du, Khoái Việt đều lo sợ: tướng soái tụ tập uống rượu, vạn nhất quân địch tập kích thì làm sao? Hai người họ ra sức can gián, song không lay chuyển được Tào Tháo, sau một hồi thương lượng chuyển địa điểm tổ chức yến tiệc từ trướng trung quân đến thuyền lầu của chủ soái, lại bố trí thêm hơn chục chiến thuyền đi tuần tra phòng bị, việc này mới được tiến hành.
Hôm đó, khí trời trong mát, gió yên sóng lặng, Tào Tháo đổi một bộ áo giáp mới tinh, đợi đến sẩm tối thì lên thuyền lầu. Toàn bộ tham mưu duyện thuộc đều đến dự, không ít tướng lĩnh đóng trại trên bờ cũng có mặt. Chiếc thuyền này dài mười sáu trượng, trong gác rộng rãi, đầu thuyền còn rộng hơn, Tào Tháo lệnh cho Hạ Hầu Thượng, Biện Bỉnh trải chiếu ngồi ngoài khoang, muốn cùng quần liêu uống rượu, thưởng cảnh. Nô bộc tả hữu có đến gần trăm người, đều mặc gấm vóc, dâng rượu bưng đồ nhắm, chạy tới chạy lui như con thoi. Vệ sĩ trung quân đội khôi mặc giáp, tay cầm giáo mác, đứng giữ hai bên, mười bước lại có một bó đuốc, soi sáng con thuyền lớn tựa như ban ngày.
Tào Tháo ngồi ngay ngắn ở giữa, bên trái có các tướng tá thân tín như Tuân Du, Hứa Du, Lưu Huấn, còn bên phải là các hàng tướng Kinh Châu như Khoái Việt, Sái Mạo, Phó Tốn, ai nấy trò chuyện vui vẻ. Mặc dù tối hôm đó trời không có gió, nhưng dù sao cũng đang ở giữa mùa đông, trên thuyền khó sưởi ấm, binh sĩ bèn kê hơn chục bếp lò cạnh bờ sông nhóm lửa, bắc nồi, đun nước ngâm những bình đồng đựng rượu, sau đó sai nô bộc chuyển dần lên trên thuyền, nên khi uống vẫn còn nóng, uống xong vẫn ấm người.
Thức nhắm trong quân không có quá nhiều món, song cũng có cá, có thịt, đặt biệt còn một món như điểm tâm khiển Tào Tháo rất thích thú. Món này có bột mì bọc bên ngoài thịt băm, được nhúng trong nước sôi, bày trên đĩa trông nó trong suốt lại có màu hồng, khá giống hình cái tai, khi bỏ vào miệng có vị béo nhưng không ngậy. Tào Tháo án liền mấy miếng, tấm tắc khen ngon, còn hỏi:
— Đây là món gì, sao lão phu chưa từng ăn qua?
Khoái Việt trịnh trọng đứng lên nói:
— Hồi bẩm Thừa tướng, món này có tên là “hòn tai”(*), do Trương Trọng Cảnh người Nam Dương nghĩ ra. Ban đầu chỉ cho vị thuốc vào trong vỏ bánh, đem nấu cho người bệnh ăn, về sau bách tính Kinh Châu lại lấy thịt, rau làm nhân, thêm nhiều nguyên liệu khác làm thành món điểm tâm. Nhất là vào ngày đông giá rét, họ làm nhân thịt dê, bỏ thêm thuốc trừ hàn, có tác dụng bồi bổ. Chúng tại hạ ở đây đến tiết lập đông đều ăn món này. Tại hạ muốn Thừa tướng nếm thử hương vị Kinh Châu, nên đặc ý căn dặn người nhà bếp chuẩn bị.
— Ha ha ha!... - Tào Tháo liếc mắt nhìn ông ta, - Dị Độ đúng là người có tâm, có điều ngươi đặc biệt chuẩn bị bánh hòn tai cho ta không phải chỉ vì muốn ta được ngon miệng thôi chứ?
Khoái Việt thấy ông đã nhìn ra dụng ý của mình, không vòng vo nữa:
— Trương Trọng Cảnh tạo phúc cho dân, là người hữu dụng, tại hạ cho rằng không nên bỏ mặc ông ta lưu lạc dân gian. Xin Thừa tướng nghĩ lại...
Tào Tháo mấy ngày nay cũng nghĩ, ông quả thực không nên quá hà khắc với Hoa Đà và Trương Cơ. Khi bệnh thương hàn lan rộng trong quân doanh, y lại đã sử dụng phương thuốc do Trương Trọng Cảnh kê cứu, nhà bếp cả ngày sắc nước ma hoàng, sài hồ, trên dưới toàn quân người có bệnh hay không có bệnh cũng đều phải uống. Dịch bệnh được kiểm soát thực là nhờ y thư của Trương Trọng Cảnh. Ngay như bữa trước, Tào Xung bệnh không nặng lắm, nếu Hoa Đà còn sống, chỉ cần châm vài cây kim là có thể trị khỏi bệnh, đâu đến nỗi phải lo lắng không yên? Trong thiên hạ hiện nay, trí sĩ, dũng tướng nhiều vô kể, nhưng xét về người có thể được coi là thần y thì chỉ có hai bọn họ. Ông đã giết mất một người là Hoa Đà, chẳng lẽ còn muốn bỏ mặc Trương Trọng Cảnh ở chốn hương dã hay sao? Cũng may trong bữa tiệc, tâm trạng Tào Tháo đang tốt nên đối đãi có tình với người này:
— Dị Độ nói có lý, mấy ngày nữa lão phu phái người tới Trường Sa điều tra, nếu tìm được ông ta sẽ mời về làm quan. Đại khái không cần làm quận tướng, mà vào thẳng trong triều làm y quan, người này hẳn là biết điều hơn Hoa Đà.
— Tạ ơn Thừa tướng khoan thứ. - Khoái Việt vất vả dụng tâm, có thể giữ toàn cho nhân sĩ nào gốc Kinh Châu, ông đều tận lực bảo vệ.
Những người khác thấy Tào Tháo ban ơn cho người này, đều nghĩ ông đang có tâm trạng tốt, cũng thoải mái thưởng thức rượu ngon và thức nhắm.
Lúc đầu còn nhìn thấy sông núi xanh biếc, đến khi màn đêm dần buông xuống, không ngờ trên mặt sông lại xuất hiện một lớp sương mờ mịt, khiến chúng nhân đều chưa hết nhã hứng. Tào Tháo đã sắp xếp từ trước, ông quay đầu dặn dò kẻ dưới vài câu, không lâu sau có đến mấy chục nhạc công bước ra cùng với đủ loại đàn sáo, chuông nhạc. Người đứng đầu tuổi ngoài năm mươi, dáng người gầy khô, khuôn mặt trắng trẻo, đầu đội mũ kiến hoa, mình vận áo tay rộng, chân xỏ hài vân, vừa lên thuyền liền thi lễ vấn an mọi người.
Người này tên Đỗ Quỳ, tự Công Lương, là nhân sĩ Hà Nam, từ nhỏ thông minh hơn người, am hiểu bát âm(*), từng nhận chức Nhã nhạc lang trong triều, có sở trường về nhã nhạc cung đình. Khi phương bắc xảy ra chiến loạn, ông ta đến Kinh Châu lánh nạn. Lưu Biểu là người phong nhã, thu nhận ông ta làm Tư nhạc, nay chuyển làm thuộc hạ của Tào Tháo, nhận chức Quân mưu tế tửu, cùng lo việc với quan Thái nhạc.
Tào Tháo cười nói:
— Công Lương, hôm nay chớ tấu những bản nhạc phủ cũ. Hãy tấu một khúc nhạc mới sáng tác trong mấy năm nay gần đây cho bọn ta nghe thử.
— Dạ.
Đỗ Quỳ khẽ đáp một tiếng, đoạn xoay người lại, vung hai cánh tay, mấy chục nhạc công lập tức diễn tấu. Người thổi kèn, người thổi sáo, người gảy gàn, Đỗ Quỳ cũng cầm một cây đũa nhỏ điều khiển chuông nhạc. Khúc nhạc này lúc thì sôi nổi, dữ dội tựa như nước sông cuồn cuộn, lúc lại nhẹ nhàng, du dương tựa như tiếng suối róc rách - nhạc cung đình vẫn phong nhã hơn so với những bài dân ca tầm thường. Khúc nhạc huyền diệu cùng với màn sương mờ ảo khiến con thuyền như đang lạc vào cõi tiên.
Chúng nhân say sưa nghe nhạc, uống rượu. Đám ký thất Trần Lâm, Nguyễn Vũ, Lưu Trinh vốn thích phong nhã, không ngớt lời khen:
— Khúc nhạc này trầm lắng mà không bi thương, cao vút mà không vội vã, hợp với cổ phong cũng lại độc đáo, Lễ ký nói “Phu kính dĩ hòa, hà sự bất hành.”(*) Đỗ Công Lương đúng là cao nhân!
Khoái Việt nói:
— Công Lương sửa nhạc nghiêm cẩn, hiếm có trên đời. Trước kia, Lưu Cảnh Thăng lệnh cho ông ấy làm chuông nhạc, sau khi thợ đúc xong, ông ấy đích thân gõ thử, chúng tôi nghe không hiểu gì, nhưng ông ấy nói không được, lấy búa đập nát. Cứ làm xong lại phá, phá rồi làm lại như thế, mãi ba năm sau mới được chuông nhạc ưng ý ông ấy!
Lưu Trinh cố ý nói nịnh, cười bảo:
— Thừa tướng nhà ta làm thơ cũng cầu toàn. Bài Quan thương hải, Quy tuy thọ Thừa tướng làm năm ngoái cũng hợp với nhạc phủ, sao không cho Công Lương diễn thử?
Nhưng Tào Tháo lại nói:
— Bỏ đi, bảo bậc đại sư diễn thơ của lão phu, thì thực là lãng phí nhân tài!
Dù vậy, ông cũng cảm thấy rất hãnh diện.
— Phụ thân, - Tào Phi cũng góp vui, - Lần này nhi tử theo quân xuất chinh, có rất nhiều cảm ngộ, đêm qua nhi tử không ngủ, viết một bài phú, muốn mời phụ thân và các vị đại nhân chỉ giáo. Dứt lời liền rút từ trong ngực ra một bài văn.
— Sao cơ? - Tào Tháo rất cao hứng, chỉ vào chúng nhân trên thuyền, - Bao nhiêu cao nhân ngồi đây mà một hậu sinh như con cũng dám khoe khoang sao?
Tào Phi dâng bài văn, cúi đầu nói:
— Nhi tử không dám khoe khoang, xin dâng một bài phú vụng để hầu rượu phụ thân và chư vị đại nhân. Bài phú có tên Thuật chinh phú, kể lại thần uy của quân mong phụ thân sớm ngày quét sạch khói lửa, an định thiên hạ!
— Được lắm! - Câu ấy chạm vào tâm khảm Tào Tháo, - Vậy hãy đọc để các vị đại nhân cùng nghe.
— Dạ.
Tào Phi hắng giọng, mở bài văn đọc dõng dạc, giọng rất vang:
— Năm Kiến An thứ mười ba, Lưu Biểu ở Kinh Châu ngạo mạn không chịu xưng thần, Tào công lệnh cho tướng tá điểm quân chinh phạt, ta cũng nguyên nam tiến thể hiện tài nâng. Đánh trống trận âm vang thình thình, dựng đại kỳ phần phật trong gió. Binh sĩ mặc giáp sáng lấp lóa, vạn mã tung vó chạy băng băng. Dương đạo nghĩa nhân ái lớn lao, đón uy linh trời đất phù trợ. Đường lớn thẳng bước tới phương xa, lưới trời lồng lộng đã bày sẵn...
Bài Thuật chinh phú này ca ngợi quân Tào thần uy hiển hách, thiên hạ vô địch, lại do chính Tào Phi viết ra, có ai dám không khen hay? Phút chốc rộ lên tiếng ca ngợi, chúng nhân nâng chén liên tục kính rượu. Nhưng Tào Tháo vuốt vuốt râu cười:
— Bài phú của con tuy hay, nhưng mới chỉ dừng lại ở chỗ trau chuốt câu từ, chứ trong tâm chưa chắc lĩnh ngộ hết được, hay mà chưa tốt!
Hứa Du mượn hơi rượu, chế giễu:
— A Man huynh, ngài nói hiền điệt tài lực chưa tới, liệu người làm phụ thân như ngài có làm được một bài thập toàn thập mỹ chăng?
— Ông dám khinh thường ta? Hứng lên ta cho các ông biết chuyện này! - Tào Tháo uống hết chén rượu, bỗng đứng phắt dậy nói lớn, - Chư vị!...
Chúng quan văn võ lập tức yên lặng, Đỗ Quỳ cũng vẫy tay ra hiệu cho các nhạc công dừng cả lại, trên thuyền phút chốc im bặt, chỉ có giọng nói sang sảng của Tào Tháo:
— Lão phu từ khi khởi binh, vì xã tắc diệt trừ hung bạo, thề phải quét sạch bốn biển, san bằng thiên hạ, đến giờ đã lấy được quá nửa, chỉ còn một góc Giang Đông. Ta có hơn chục vạn binh hùng, chiến thuyền có đến mấy trăm chiếc, tung hoành Giang Biểu, cờ phướn rợp trời, hợp với thiên thời, thần minh che chở, lại có các vị dốc sức phụng sự, lo gì không thành? Thằng nhãi Chu Du không thức thời, sức mình chỉ như con sâu cái kiến lại muốn dịch chuyển núi Thái Sơn, không biết rằng đại tướng của hắn đã âm thầm hàng ta, không bại được sao?
Tuân Du nghe lời này, không khỏi giật mình, suýt nữa vẩy rượu lên người:
— Thừa tướng! Chuyện cơ mật trong quân không thể tùy tiện nói ra được, e rằng bị lộ!
Không biết do Tào Tháo uống quá say hay quá tự phụ, mà không thèm để ý lời Tuân Du vừa nói:
— Các vị có mặt ở đây đều là tâm phúc của lão phu, nói ra ngại gì? Ha ha ha!...
Tuân Du không biết làm sao, chỉ đành thở dài, lắc đầu quầy quậy.
— Ban nãy Tử Viễn khích ta làm thơ. - Tào Tháo chỉ vào Hứa Du, - Vậy lão phu làm một bài thổ lộ niềm vui, cũng để trợ hứng cho chư vị.
— Không dám, chúng tại hạ xin rửa tai lắng nghe.
Quần liêu đều cúi người chắp tay, duy có Hứa Du vẻ mặt thách đố, kiễng chân mà nghe.
Tào Tháo siết chặt áo lông cừu, đoạt lấy một ngọn đại giáo dài tám trượng từ tay thân binh:
— Lão phu cử binh mười chín năm, chuyện bình định giặc Khăn Vàng như còn hiện ra trước mặt, tuy không phải bách chiến bách thắng, nhưng tự cho rằng võ lược khắp thiên hạ không ai sánh bằng! Nay mượn ngọn giáo này vừa múa vừa ngâm...
Dứt lời ông ngửa cổ nhìn bầu trời đêm, ngẫm nghĩ câu từ. Kể ra cũng lạ, khi nãy trên sông còn một lớp sương mù, lúc này đã tan dần, mây mỏng gió mát, một vầng trăng sáng nhô lên cao. Bỗng một tiếng chim xé toạc bầu không, hóa ra có con quạ vụt qua từ phía bờ sông, nó trông thấy ánh trăng ngỡ là trời đã sáng. Tào Tháo nhất thời cao hứng, múa ngang ngọn giáo, ngâm rằng:
Cuộc vui có được là mấy chốc?
Có khác chi hạt móc sáng ngày.
Nguồn sầu lai láng vơi đầy,
Giải phiền họa có rượu này làm vui!
Tràng áo xanh ngậm ngùi làm tớ,
Hươu ngoài đồng hớn hở gọi nhau.
Khách ta, ta đã gặp nhau,
Gảy đàn, thổi sáo ngõ hầu thêm vui!
Trăng sáng tỏ, bùi ngùi trong dạ,
Nỗi lo này biết ngỏ cùng ai?
Chuyện trò kể lể xa xôi,
Nhớ người nghĩa cũ cười vui đề huề.
Quạ đêm trăng bay về nam hậu,
Lượn ba vòng biết đậu cành nao?
Nước càng sâu, núi càng cao,
Chu Công trọng khách xôn xao kéo về.(*)
Bờ sông mênh mông, ánh đuốc sáng trưng, không người nào trên thuyền lên tiếng, cơ hồ cũng đang bồi hồi nhớ lại những chuyện đã qua, chỉ có Tào Tháo mơ màng múa giáo, giọng nói hùng hồn vang đi thật xa cùng với những lớp sóng... Kẻ hát hào sảng, người nghe như say, trên sông loáng thoáng tiếng vọng. Chớ nói chúng nhân bị bài thơ làm rung động, ngay cả Tào Tháo cũng cảm thấy bài Đoản ca hành này chính là kiệt tác của đời mình.
Có điều, ngoài sự đắc ý, trong lòng Tào Tháo cũng có một cảm giác khó hiểu: rõ ràng là ngày vui, sao tự dưng lại ngâm một bài có ý buồn thương? Ngay cả ý cuộc đời tựa như hạt sương mai cũng nói ra được, do thời gian trôi quá nhanh, nên ta còn vương vấn chuyện xưa chăng! Nhưng cũng vì ý buồn thương ấy mà bài thơ đoạn đầu buồn, đoạn sau vui, trước trầm sau bổng, không ngờ những lời thơ được làm trong lúc ngẫu hứng lại trở thành kiệt tác...
Lát sau có tiếng tán thưởng, Dương Tu đứng lên khen:
— Xưa Chu Công mỗi khi tắm phải ba lần cột tóc, mỗi bữa ăn phải ba lần nhả cơm, vì sợ để mất kẻ sĩ trong thiên hạ. Nay Thừa tướng nói: “Nước càng sâu, núi càng cao. Chu Công trọng khách xôn xao kéo về”, đủ thấy tấm lòng sùng hiến đãi sĩ của ngài sánh ngang với bậc tiên hiền!
— Quá khen...
Tào Tháo mỉm cười xua tay, trong lòng càng vừa ý người này. Vương Xán cũng lắc lư cái đầu, nói:
— Câu “Hươu ngoài đồng hớn hở gọi nhau” lấy từ Kinh thi - Tiểu nhã, nhưng không có cảm giác chắp ghép, ngược lại còn giống như chính Thừa tướng sáng tác! Thật tuyệt diệu!
Vương Xán năm xưa được Sái Ung truyền dạy, ngay đến ông ta cũng đánh giá cao như vậy, người khác lại càng tán dương. Trong lúc Tào Tháo đang vuốt râu đắc ý, lại chợt nghe Hứa Du the thé nói:
— Không hay! Nói gở...
Chúng nhân thấy ông ta vô duyên dội gáo nước lạnh, ai nấy đều lừ mắt nhìn lại. Tào Tháo biết tính ông ta, cũng không thèm để ý, cười khà khà:
— Ông thật làm mất hứng, bình phẩm không giống ai. Bình phẩm câu từ cũng được thôi, tại sao lại bảo là nói gở?
Hứa Du nốc cạn chén rượu, quệt miệng nói:
— Hôm nay mọi người cùng ngồi uống rượu bên bờ sông là chuyện vui, nhưng ngài vừa mở miệng đã nói mẩy câu buồn khổ liền, còn bảo “có khác chi hạt móc sáng ngày’ chẳng phải gở ư?
Tào Tháo nói vẻ khinh thường:
— Ông có khi nào hiểu được ý thơ của ta? Chẳng lẽ ông chưa nghe nói thi, phú đều có tỉ, hứng sao? Bình phẩm lung tung thật làm mất hứng!
— Ta đang xét theo tỉ, hứng đấy chứ. Đoạn đầu than thở âu sầu thì thôi, ngài muốn cầu hiền, vì sao còn nói “Lượn ba vòng biết đậu cành nao”? Lẽ nào ngài muốn nói cái cây lớn là Tào A Man cũng không đáng nương dựa hay sao? Thật chẳng tốt lành chút nào!
Mặt Tào Tháo bỗng chốc sa sầm - lúc này ông đang để tâm tới chuyện chiêu nạp hiền tài trong thiên hạ và mưu tính ngôi cửu ngũ chí tôn, những lời mất hứng ấy đã đụng chạm đến ông.
Hứa Du không ý thức được điều đó, vẫn vui vẻ phê bình tiếp:
— Còn nữa, hiện nay quân ta ở bờ bắc, Chu Du ở bờ nam, thế mà ngài lại nói “Quạ đêm trăng bay về nam hậu”. Há chẳng nói ngài không đáng trông cậy, trái lại còn đầy những nhân sĩ có tài chạy về phương nam theo Tôn thị? Giữa lúc đại quân đối trận, tướng sĩ đang cố sức, bài thơ này có gở không?
Sái Mạo nhận ra sắc mặt Tào Tháo thay đổi, vội đứng ra giảng hòa, la ầm lên:
— Hứa Tử Viễn, con ma lắm mồm nhà ông! Rượu còn chưa lấp đầy mồm à?
Mọi người đang khó xử, thấy vậy đều nâng chén:
— Mời mời mời...
Bất kể tả hữu là ai, cũng đều kính rượu loạn lên. Bỗng tiếng nhạc cất lên, Đỗ Quỳ chỉ huy một đám nhạc công vừa tấu nhạc vừa hát chính lời thơ Tào Tháo mới sáng tác ban nãy: “Cuộc vui có được là mấy chốc? Có khác chi hạt móc sáng ngày...”
— Ôil Tuyệt thay, chỉ chốc lát đã tấu nhạc được!
— Thừa tướng làm thơ hay, xin kính rượu Thừa tướng... Xin kính rượu Thừa tướng...
Chúng nhân liên tục mời rượu, coi như đã lảng sang chuyện khác. Tào Tháo tay cắp ngọn giáo, đứng lặng một lúc, sau cùng cười nhạt, quay lại chỗ ngồi. Sái Mạo cả người túa mồ hôi, ông ta ngây ra giây lát, chợt nhớ ra một việc: mùa đông vốn có gió tây bắc, nhưng mỗi năm cứ vào đông chí lại có mấy ngày chuyển gió đông nam. Để tránh gió, tránh sóng, hầu hết chiến thuyền đều được ghép liền, giờ cần phải nhắc Tào Tháo đề phòng quân địch dùng hỏa công. Nghĩ đến đó, ông ta đưa mắt nhìn, nhưng bàn chủ tiệc trống không.
— Dị Độ huynh, Thừa tướng đi đâu rồi?
Khoái Việt nói:
— Ban nãy nổi gió, Thừa tướng hình như đứng lên đi thay y phục. Đợi ngài ấy quay lại, ông khuyên giải một chút, giờ không còn sớm nữa, nên tan tiệc thôi, không ít người cũng đã lặng lẽ lui xuống. Hôm nay thời tiết không tốt, chớ để đổ bệnh.
— Được. - Sái Mạo vội đứng dậy, - Đúng lúc tôi có việc muốn nói với ngài ấy, nhân tiện nhắc nhở. - Dứt lời liền đi lên lầu gác.
Chiếc thuyền lầu này có ba tầng, tầng dưới cùng tương đương với quân trướng nghị sự, từ tầng hai trở lên là nơi ở của tướng lĩnh, có thể bố trí cung nỏ. Lúc này chúng nhân đều đang uống rượu ở đầu thuyền, vệ binh, nô bộc cũng hầu hạ bên ngoài, Tào Tháo bình thường không ở đây nên bên trong đến một tên lính cũng không có, chỉ châm một ngọn đèn lờ mờ. Sái Mạo đi dạo hai vòng không thấy Tào Tháo đâu, đang định leo lên gác thì cửa sổ mé đông vọng lại tiếng trò chuyện, ông bước qua đó xem, không khỏi bật cười - hành lang chỗ mạn thuyền có mười mấy thân binh đứng gác hai bên, vị đại Thừa tướng của họ đang vén áo tè xuống sông.
Sái Mạo muốn qua chào hỏi, lại sợ làm Tào Tháo “giật mình”, coi như chưa nhìn thấy chuyện này thì hơn. Ông nấp vào sau cửa sổ, lại nghe Tào Tháo nói:
— Ta tưởng lão già nhà ông khoác lác giỏi lắm, hóa ra cũng là kẻ tầm thường uống rượu xong lại phải đi giải quyết.
Ông ta nói ai vậy? Sái Mạo đang ngạc nhiên, bỗng một giọng nói the thé cất lên:
— A Man huynh chẳng giống ta sao?
Sái Mạo không kìm được sự hiếu kỳ, lén thò đầu ra nhìn - quả nhiên là Hứa Du, cũng đang vén áo đứng ở đó.
Kỳ thực, hai người họ đều đã nhiều tuổi, nhưng Hứa Du vốn tính hay nói, đi tiểu cũng muốn tán chuyện:
— Ây dà... Chúng ta đều đã già, cơ thể không được khỏe nữa. Tối nay ta đã đi hai ba lần.
Nhưng Tào Tháo lại nói:
— Thân thể ta vẫn rắn rỏi lắm, không giống đồ bỏ đi nhà ông. Ta thấy ông như cái cây mềm oặt, đi tiểu mà cũng mất cả nửa ngày liệu có đỡ nổi con chim nào không? Còn dám nói ta?
Sái Mạo phải lấy tay bịt miệng mới không bật cười thành tiếng, nhìn hai người họ đấu võ mồm, ông cảm thấy an tâm hơn nhiều - dù sao cũng là bằng hữu, ban nãy còn đang tức giận, thế mà lúc này lại cười nói vui vẻ.
Hứa Du cũng cười nói:
— Ngài hẹp hòi quá, chuyện gì cũng để bụng. Đang đi tiểu còn muốn ức hiếp ta.
— Ta ức hiếp ông? Ông có khi nào nể mặt ta?
— Trong trận Quan Độ nếu không phải tôi...
Tào Tháo vội chặn miệng ông ta:
— Được rồi, được rồi! Chớ nói mãi, bao nhiêu năm chỉ có câu đó, đến nói mê cũng không quên!
— Công lao do ta lập, làm sao quên được?
— Ta cũng chưa từng bạc đãi ông còn gì, tặng ông tiền của, chia hưởng phú quý. Gia nô của ông ở bên ngoài vơ vét của cải của dân, chiếm đoạt ruộng đất, ta có khi nào hỏi đến?
Hứa Du cười khì khì:
— Mặc Tử nói “Cứ tài bất năng dĩ phân nhân giả, bất túc dữ hữu.”(*) Từ xưa, của cải là thứ bậc trí dũng mưu cầu, ngài không nên báo đáp ta sao?
— Nên? Được, được! Coi như ông nói đúng, ông nói đúng... - Tào Tháo cười ha hả, cài lại áo trong, bỗng nhiên chỉ đằng trước, - Tử Viễn mau nhìn kìa, có một con cá phát sáng!
— Ở đâu? - Hứa Du không hiểu sự tình, còn chưa kéo quần lên đã cúi người rướn cổ để nhìn, nhưng thu vào tầm mắt chỉ là mặt sông đen sì, nào có con cá phát sáng? Đương lúc ngẩn người, ông ta chợt thấy lưng đau điếng, cả người lảo đảo rơi tòm xuống sông.
Nước sông mùa đông lạnh thấu xương, Hứa Du hốt hoảng đập chân đập tay kêu cứu:
— Mau kéo ta lên đi, ta không biết bơi!
— Ha ha ha!... - Tào Tháo ngửa mặt cười lớn, - Trên đời này có gì mà Hứa Tử Viễn không biết? Ta không tin!
— Ta thật sự không biết bơi!... - Hứa Du chưa nói dứt lời đã uống cả một ngụm nước, chới với gọi, - Ặc ặc! Cứu ta với...
— Cứu ngươi? - Nụ cười trên mặt Tào Tháo vụt tắt, ánh mắt hiện lên vẻ dữ dằn, - Lượn ba vòng biết đậu cành nao. Ngươi đã là cái cây mà ta không thể trông dựa, sao ta còn phải cứu ngươi? Nói thật cho ngươi biết, ta nhịn ngươi không chỉ mới ngày một ngày hai!
— Tào A Man... - Hứa Du sực hiểu ra, lại càng cố vùng vẫy, - Tào A Man... Tào Thừa tướng! Xin ngài nể... - Nói được nửa câu lại chìm xuống nước.
— Nể tình xưa mà tha cho ngươi sao? - Tào Tháo cười lạnh lùng, - Ngươi đúng là ngu xuẩn, đến chết cũng không hiểu. Chính vì ngươi là bằng hữu của ta, nên ta càng không thể cho phép ngươi kể công mà tự cao, khoa tay múa chân! Chớ tưởng rằng ngươi lập được chút công lao thì muốn làm gì cũng được, mọi thứ của ngươi đều là ta ban cho. Ta cho ngươi phú quý, cũng có thể lấy mạng ngươi! Thuận theo ta thì sống, chống lại ta thì chết!
— Ta sai rồi... Xin ngài... - Hứa Du càng lúc càng đuối sức.
— Muộn rồi. - Tào Tháo lắc đầu, - Trời tạo nghiệt còn có thể tránh, chứ tự mình tạo nghiệt thì không sống được. Ta không thể tha cho ngươi, nhưng nể tình bằng hữu năm xưa, ta tiễn ngươi ngươi một đoạn đường, để ngươi bớt chịu khổ.
Nói xong, ông quay đầu ngọn giáo ban nãy lấy từ thân binh, phóng mạnh xuống dưới.
Ngọn giáo ấy cắm phập vào vai Hứa Du, ông ta nhịn đau, cố đạp nước, miệng ú ớ. Là van xin? Chửi mắng? Hay gào khóc? Không ai nghe rõ tiếng gì cả, chỉ thấy tiếng ấy nhỏ dần, yếu dần... Còn Tào Tháo vẫn đứng im như tượng gỗ, lặng lẽ nhìn xuống mặt sông, mãi đến khi tất cả trở lại tĩnh lặng, chỉ còn bóng tối mênh mông. Những thân binh kia cũng đều im thin thít, như thể không nhìn thấy gì.
Sái Mạo nấp sau cửa sổ, chứng kiến tất cả sự việc, sợ đến nỗi hai chân mềm nhũn, quên mất cả chuyện mình muốn nói. Ông ta co rúm người, dựa vào cửa sổ, bịt chặt mũi miệng, sợ phát ra tiếng động lại chuốc họa vào thân, trong lòng tê tái: trời ơi! Đây chính là kết cục của người kết bằng hữu với Tào Tháo sao?
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8