Số lần đọc/download: 1510 / 37
Cập nhật: 2016-07-02 00:21:41 +0700
Chương 3: Đoàn Nam Đế - Lụy Phù Danh
Thố tủy vị hoàn tân đại dược
Báo bì nhưng lụy cựu phù danh
Nguyễn Du
(Tủy thỏ chưa xong liều thuốc mới
Da beo còn lụy chút danh hờ)
Tương truyền, khi vi hành vùng Giang Nam, có lần vua Càn Long cùng viên cận thần đứng ngắm cảnh trên một bến sông tấp nập, ông bảo: “Nhà người thấy có bao nhiêu thuyền bè qua lại trên sông?”. Viên cận thần tâu: “Tâu bệ hạ, thuyền bè qua lại nhiều quá, vi thần làm sao đến cho xuể”. Ông cười bảo: “Trong mắt ta, ta chỉ thấy có hai chiếc mà thôi!”. Viên cận thần ngơ ngác hỏi: “Vi thần ngu dốt không hiểu”. Nhà vua bèn giải thích: “Cả trăm ngàn con thuyền xuôi ngược nhưng thật ra chỉ có hai chiếc, một chiếc tên Danh, đó là thuyền của các quan lại, một chiếc tên Lợi, đó là thuyền của các con buôn!”.
Nếu giai thoại đó đúng thì ông vua nhà Thanh kia quả là người cực kỳ minh triết. Có thể nói hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các con thuyền đó đều vì Danh hoặc vì Lợi mà ngược xuôi trên sông nước. Thậm chí những kẻ thả thuyền trôi nổi trên sông để ngâm phong vịnh nguyệt, khinh thường quan chức biết đâu trong thâm tâm cũng vì chữ danh: “muốn mua được tiếng “cuồng sỹ” hoặc chữ “thanh cao”.
Câu nói không chỉ đúng cho bến sông lúc đó mà chắc chắn mãi mãi còn đúng cho khắp “cõi người ta”! Con người ta xuôi ngược lao lướt cả đời cũng chỉ vì hai chữ lợi danh. Lợi, nếu thực tình muốn tránh còn có thể tránh được, nhưng muốn tránh được chữ Danh thì quả thực đó là vấn đề vô cùng vi tế.
Tên gọi (danh) là cái phù hiệu để gọi và xác minh sự tồn tại của một đối tượng. Chữ danh trong tiếng Hán được cấu tạo bởi hai chữ “tịch” (buổi chiều) và chữ khẩu (cái miệng), nghĩa đen là “cái được gọi khi chiều tối”. Theo Thuyết văn giải tự của Hứa Thận thì: “Tên để tự xác định mình, từ miệng mà gọi. Gọi khi chiều tối, chiều tối thì không thấy nhau, nên mới dùng miệng để gọi tên”. Người ta khi chiều tối gặp nhau nhưng không thấy rõ mặt nhau, thì cần phải “dùng miệng để xưng tên”. Như vậy, xưng tên có nghĩa là xác định sự tồn tại, bằng thanh sắc hay bằng ý niệm, của một đối tượng.
Lợi được dùng để bảo đảm và xác định sự tồn tại đã đành, mà Danh cũng vậy. Nhà cao cửa rộng, của cải đầy kho hiển nhiên là những yếu tố cơ bản để đem lại cảm giác bình yên cho sự tồn tại. Nhưng bên cạnh đó, con người ta muốn được nhiều người biết đến, nghĩa là muốn được “gọi nhiều”. Sự ham muốn đó ngẫm ra từ căn để chỉ là muốn tìm thêm cảm giác bình yên để xác định sự tồn tại của mình.
Không hiểu sao chữ danh trong một vài ngôn ngữ Đông Tây lại có điểm trùng hợp khi vừa có nghĩa là tên gọi (name) lại vừa được chuyển dần thành danh tiếng (fame; reputation). Nổi tiếng, có nghĩa là được nhiều người nhắc đến, điều đó củng cố ý thức bình yên về sự tồn tại của bản thân, từ đó con người tự cảm thấy một sự thỏa mãn và ổn định tâm lý.
Con người vẫn luôn sợ hãi cái trống rỗng hư vô vì sợ phải đối diện với sự đớn hèn, nhỏ nhoi, vô nghĩa của chính mình. Muốn nổi tiếng suy cho cùng cũng chỉ là cảm thức đớn hèn, muốn chạy trốn sự thực trần trụi và sự cô đơn. Càng muốn nổi tiếng là càng cảm nhận được sự đớn hèn của mình một cách vô thức, nên phải tìm cách khỏa lấp.
Xứ châu Phi có câu chuyện cổ rất đơn giản nhưng ý nghĩa lại vô cùng sâu sắc. Có một người thợ săn vào rừng rồi mất tích, để lại người vợ và ba đứa con trai còn nhỏ dại. Dân làng cho rằng anh ta đã bị sư tử ăn thịt, câu chuyện lâu rồi cũng bị lãng quên.
Đứa con đầu lớn lên và học thành nghề nặn tượng như thật, người con thứ hai học nghề phù thủy và có phép biến một vật chết thành một vật sống, người con út chỉ ở nhà làm lụng chăm lo cho mẹ.
Một hôm, cả nhà đang ăn cơm người con út bỗng hỏi: “Bố mất tích đã lâu, sao anh em ta không đi tìm bố?”. Ba anh em bèn vào rừng. Người con út tìm thấy một bộ xương và biết đó là xương của bố mình. Người con cả bèn lấy đất sét nặn lại thành người bố trông giống như thật. Cuối cùng, người con thứ hai làm phép cho bố sống lại. Bốn cha con ôm nhau mừng rỡ và cùng về nhà.
Cả nhà đoàn tụ, hai người con đầu tranh công với nhau về việc đã cứu bố sống lại, nhưng người bố ôn tồn bảo: “Chính con út mới có công lớn nhất vì đã nhắc đến bố. Khi ta còn nhớ đến ai thì người ấy vẫn còn sống!”.
Câu kết luận quả đầy minh triết và đẹp như một bài thơ. Chỉ có trí tuệ dân gian mới có thể đúc kết được ý nghĩa sâu sắc như thế trong một câu nói cùng cực giản đơn. Cỏ cây, sỏi đá… đều có thể tồn tại độc lập với ý thức con người, trừ chính con người, có lẽ bởi chỉ có con người mới có cảm thức về cô đơn, và xao xuyến trước cõi hư vô!
Con người chỉ cảm nhận một cách thỏa mãn về sự tồn tại của mình khi con-người-tồn-tại-trong-thân-xác tồn tại đồng thời với con-người-tồn-tại-trong-sự-nhớ-tưởng-của-người-khác. Bị lãng quên có nghĩa là không còn tồn tại trong ý thức của người khác, điều đó quả là một nỗi kinh hoàng, nhất là đối với những người đã “lỡ” nổi tiếng.
Tránh được hệ lụy từ cái danh là vấn đề vô cùng vi tế. Và chỉ có các bậc chân nhân mới có thể cảm nhận được sự tĩnh lặng mênh mông trong cõi vô danh, nghĩa là trong sự quên lãng của người đời.
Cụ Nguyễn Du nhà ta viết về ngôi chùa của Giác Duyên bằng hai câu bí hiểm, mà ngoài nhà thơ Bùi Giáng ra, chưa thấy ai quan tâm đến: “Chùa đâu trông thấy nẻo xa. Rành rành Chiêu Ẩn am ba chữ bài”.
Nghĩ cũng lạ, đã một mực “Chiêu ẩn” rồi, nghĩa là đã muốn gọi con người lánh xa cõi hồng trần rồi nhưng lại vẫn cứ phải mang cái sự “Chiêu ẩn” để “rành rành” bày ra đấy, cho cả bàn dân thiên hạ, dù ở thật xa cũng đều trông cho rõ! Tại sao cụ không viết là “Lờ mờ Chiêu Ẩn am ba chữ bài” hoặc “Chiêu Ẩn am thấp thoáng ba chữ bài”… hoặc những câu đại loại như thế để phù hợp với ý nghĩa của hai chữ Chiêu ẩn?
Câu thơ đó dĩ nhiên mang nhiều ý nghĩa mênh mông trên bình diện ontologique, mà chỉ có những tâm hồn thượng đạt không bị vướng víu vào cái trò tranh luận rối rắm và vô ích về ngôn ngữ truyện Kiều, như Bùi Giáng, mới cảm nhận ra. Ở đây chỉ mạn phép thiên tài Nguyễn Du xin dời hai câu lục bát kỳ diệu đó xuống bình diện ngữ ngôn.
Cõi người ta có biết bao nhiêu kẻ muốn sống bất cần đời, nhưng trong thâm tâm lại muốn đời cần đến mình. Rất cần nữa là khác. Lại có không ít kẻ luôn luôn muốn đám đông kia phải biết rằng mình là kẻ đang sống cô đơn, xa lánh đám đông để đắm chìm trong những nỗi cô liêu trầm mặc! Những kẻ đó thường phải “triển lãm” sự cô đơn vì e ngại rằng không có ai biết rằng mình đang cần cô đơn!
Đó cũng là loại: “Rành rành Chiêu Ẩn am ba chữ bài” vì ba chữ “lụy phù danh”
Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng, vua Nghiêu nghe tiếng Hứa Do là người hiền nên cho người mời đến bàn chuyện truyền ngôi. Hứa Do nghe xong bèn đi xuống suối rửa tai vì cho rằng những lời đó làm bẩn tai mình. Sào Phủ đang cho trâu uống nước, thấy vậy bèn hỏi. Sau khi nghe chuyện, Sào Phủ lặng lẽ dẫn trâu lên vùng nước cao hơn để uống vì cho rằng nước rửa tai đó làm “ô nhiễm” cho cả trâu mình!
Hứa Do, ngay ngôi vua cũng không màng, có lẽ tự cho rằng mình đã thoát khỏi danh lợi, nhưng thực ra vẫn còn vướng víu ở chữ danh một cách vô cùng vi tế. Không màng danh lợi nhưng vẫn để cho vua Nghiêu biết được rằng mình là người thanh cao không màng danh lợi (mà một ông vua biết có nghĩa là phải qua rất nhiều người trung gian!), há chẳng phải trong thâm tâm vẫn còn lụy vì danh hay sao?
Sào Phủ còn “chơi” cao hơn một bậc theo kiểu người nông dân chân chính bằng cách dắt trâu đi chơi chỗ khác.
Đoàn Nam đế trong Xạ điêu anh hùng truyện lại là một điển hình cho ba chữ lụy phù danh.
Trước kỳ Hoa sơn luận kiếm giữa các đại cao thủ võ lâm để chọn ra vị Thiên hạ đệ nhất nhân, bang chủ Thiết chưởng bang là Cừu Thiên Nhận đã lén dùng thiết chưởng, đánh tử thương đứa con tư sinh của Châu Bá Thông và Anh Cô, một ái phi của Đoàn Nam đế, với ý đồ buộc Anh Cô đem đứa bé đến nhờ Đoàn Nam đế cứu chữa. Như thế y sẽ loại bỏ được một tay kình địch vì vị vương gia kia sẽ phải tổn hao nội lực và không thể tham gia kỳ luận kiếm. Vị vương gia kia, do còn chút ghen và hận nhưng cũng chính là vì lòng háo danh còn quá bồng bột, nên đã kiên quyết khước từ khi người mẹ khốn khổ kia ôm đứa con sơ sinh đến khóc lóc xin ông cứu chữa. Kết quả là, Anh Cô như người điên loạn, rút kiếm đâm chết đứa bé với lời nguyền khủng khiếp sẽ trả thù.
Nếu tiếng khóc của hài nhi giữa đêm khuya thanh vắng trên Băng Hỏa đảo đã đánh thức lương tri của con hùng sư Tạ Tốn trong cơn túy sát, thì cái chết của một hài nhi vô tội khác đã “khai ngộ” cho vị vương gia họ Đoàn nhận chân ra thực tướng của chút hư danh mà xuống tóc quy y thành Nhất Đăng đại sư! Một kẻ cố sát hài nhi, một kẻ ngộ sát hài nhi cũng chỉ vì một chữ danh. Than ôi, lụy phù danh gây nên tội lỗi cho bao con người đâu khác gươm đao. Biết đâu, số người chềt vì chữ danh còn nhiều hơn số người chết vì gươm đao trên chốn giang hồ!
Cái chết của một hài nhi để trả giá cho cơn mê muội chữ danh chắc chắn có giá trị “khai ngộ” gấp ngàn lần những lời thuyết giảng của các bậc chân sư đông tây kim cổ. Hoát nhiên ngộ được chữ danh, phiêu nhiên thành vị chân tăng giữa đời, Nhất Đăng – Nam Đế mấy người? Đâu là đại sư Nhất Đăng, đâu là đấng vương gia Đoàn Nam đế? Hay tất cả cũng chỉ là cái hư ảo của phù danh? Hãy thử tĩnh tâm ngồi yên lặng mà ngẫm chữ danh đến chỗ rốt ráo, ta sẽ thấy nó cũng chỉ là cái hư không phù phiếm. Danh dùng để xác định cái thực, nhưng nếu cái thực đã thực-sự-là-thực rồi thì đâu cần gì đến cái danh nữa?
Cừu Thiên Nhận cũng được Nhất Đăng đại sư điểm hóa để quy y thành Từ Ân đại sư, nhưng vì nghiệp chướng quá nặng nên con đường đi đến giác ngộ còn tiệm tiến. Chỉ đến khi sắp chết thì vị đại sư đó mới tìm đến được những gì mà vị Nhất Đăng đại sư đã cảm thấy ngay sau cái chết của một hài nhi vô tội.
Trong tác phẩm Kim kiếm điêu linh của Ngọa Long Sinh, ba vị cao nhân Võ Đang là Trang Sơn Bối, Nam Dật Công và Liễu Tiên Tử tự ẩn mình tuyệt tích trong núi hoang, tu tập võ công để hàng năm lại tỷ thí tranh chức vô địch. Họ là những bậc cao nhân thực sự không muốn biết đến đời và cũng không cần ai biết đến mình, nhưng vẫn tranh giành nhau ngôi thứ chốn hoang sơn, bởi vì họ cũng còn bị hệ lụy bởi chữ danh, dù đó là cái danh không được một ai nhắc đến và không có kẻ tung hô.
Cái danh đã bủa một cái luới vô hình vây chặt bọn họ từ thuở tráng niên, cho đến khi tro tàn thời gian bay bạc trắng cả mái đầu. Chính cơ duyên đã đưa cậu bé Tiêu Linh đến chốn hoang sơn để “khai ngộ” cho ba vị cao nhân tuyệt tục. Tiếng thở dài của Nam Dật Công chốn hoang sơn khi giật mình ngẫm lại, nghe thê lương như cơn gió lạnh thổi suốt cõi biển dâu.
Con báo vì lớp da mà bị chết, con người vì cái danh mà bị lụy. Những bậc tài hoa như Nguyễn Du muốn tĩnh tâm ẩn dật phải luôn hối tiếc vì đã lỡ bị đời khoác lên người “tấm da báo”, để phải than thở “Báo bì nhưng lụy cựu phù danh”. Nhưng lại có những kẻ bản chất là giun dế vẫn cố khoác lên người “tấm da báo”, ngẫm cũng đáng thương!
Chỉ khi nào con người có cơ duyên thấu triệt được thực tướng của chữ danh như Đoàn Nam đế thì có lẽ ngày đó cõi người ta mới thực sự là chốn lạc phúc trong cõi vô danh.