Tôi không thể cho bạn một công thức thành công, nhưng tôi có thể cho bạn một công thức cho sự thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng mọi người.

Herbert Bayard Swope

 
 
 
 
 
Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Sakitabi
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1390 / 16
Cập nhật: 2016-06-17 07:56:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hông, cuộc đời chưa kể là hết được, khi người ta mới hơn ba chục tuổi!".
Ý nghĩ ấy lòe ra trong trí tôi khi tôi mở bừng mắt dậy.
Lúc ấy đã quá trưa.
Sẩu và thằng Noọng đã lên nương hay đã luồn rừng tự đời kiếp nghiệp lai nào ấy rồi.
Tôi ra khỏi giường nằm, và ngạc nhiên thấy mình nao nức trước sự sống như một chàng trai mười tám tuổi.
Ồ, chẳng nhẽ nào một buổi tối đi xem làm then mà lại có cái hiệu lực biến tôi thành một người khác hẳn. Rừng núi trở nên tưng bừng và đầy phong phú.
Chính nàng đã cho tôi nhìn tương lai qua cái nụ cười tươi thắm như một bông đào. Chính nàng đã hòa giải cho cuộc sống và tôi. Chính nàng đã trả lại cho lòng tôi cái hơi ấm dịu dàng của hy vọng.
Tuy thế, tôi vẫn chưa có cái ý nghĩ tìm sự gần gụi với nàng, hoặc ngỏ niềm riêng với Sẩu.
Tôi vẫn biết nếu tôi ngỏ thực niềm riêng với Sẩu, anh thể nào cũng hết sức tán thành và còn sốt sắng giúp tôi nên việc nữa. Sẩu chẳng vẫn nói ở một mình, không có người bạn nào cùng một trình độ trí thức để trò chuyện với nhau, anh vẫn cảm thấy cô quạnh và buồn đấy ư? Vậy thì còn gì vui cho anh bằng có tôi ở đây để hôm sớm bè bạn cùng anh.
Ngoài ra, nếu tôi muốn gần gụi với cô then, sự ấy chẳng khó gì.
Các cô gái rừng bao giờ cũng được hoàn toàn tự do. Các cô vẫn được cha mẹ cho riêng một gian trái để làm nơi se sợi và tiếp các bạn trai đến nói chuyện, hát thi, tình tứ hoặc gắn bó việc trăm năm. Mỗi ngày cứ lúc chập tối mọi việc đã vãn, bọn trai tơ ưng cô nào thường họp nhau ở nhà cô ấy. Để tránh sự mở cổng đóng cổng, coi chó dữ, họ dùng những đôi cà kheo tre vừa bước nhảy qua rào.
Trong những gian phòng khách của các cô sơn nữ, trai gái ngồi riêng làm hai hàng. Rồi thì các cô cứ việc xe sợi, thêu áo, các cậu cứ việc đan giỏ, vót tên hoặc trạm trổ các vỏ dao bằng gỗ thừng mực. Câu chuyện ái ân đằm thắm vẫn tiếp tục mà công việc vẫn không hề bị cản trở. Và, sau những cuộc poóc ỏi đầy những câu nồng nàn, nó xây trong óc mọi người những tòa lầu mộng rỡ ràng lộng lẫy, người ta liền mời nhau ăn trầu: cuộc nhân duyên của từng đôi bắt đầu gắn bó.
Giản dị như thế, tôi tại sao không thể gần gụi Ẻn như bất cứ một anh con trai nào khác ở đây?
Phong tục của người dân tôi hiểu rõ lắm. Tôi có thể đi cà kheo bước qua rào nhà Ẻn và, lâm thời, tôi cũng có đủ những câu hát đưa duyên để cùng nàng xướng họa.
Ấy thế mà tôi vẫn không nghĩ đến sự nhờ Sẩu làm mối hoặc mon men đến làm thân cùng Ẻn.
Là vì, do một éo le của tình cảm, tôi nhất định yêu cô then như một cậu trai mười tám yêu người tình thứ nhất của mình. Tôi muốn nàng là cái bí mật riêng cho lòng tôi, một cái gì quý báu lắm mà tôi ủ ấp ở đáy tim. Như thế, tôi sẽ tự do gây nên ở quanh cái ảnh tượng nàng bao nhiêu thơ mộng tùy ý, không bị ai tò mò cản trở hết.
Cái ý định đó đã có một hiệu lực thú vị không ngờ: Nó làm cho thiếu nữ trở nên một cái gạch nối giữa tôi và vũ trụ.
Thực thế, lòng tôi, sau khi bị những đau đớn liền liền gây nên bởi sự tiếp xúc giữa tôi với hoàn cảnh và đồng loại, đã gần héo quắt và khép kín lại.
Đến nay, nhờ có thiếu nữ, tôi thấy nó lại như bông hoa gần héo bỗng được mùa xuân làm cho hồi sinh. Cuộc sống của tôi từ mấy hôm nay có thể gọi là một sự nói thầm với vạn vật những câu tha thiết êm đềm. Một phút đến với tôi đều có cái phong vị của một bài thơ hay một khúc nhạc nhỏ.
Tôi trở nên ít nói. Là vì óc tôi luôn luôn nghĩ ngợi. Tôi lại không thích những sự tụ họp đông người, chỉ tìm những chỗ thực vắng vẻ để ngồi mà lắng nghe lòng mình rung động giữa tĩnh mịch.
Ngay xế cửa nhà bạn tôi, có một con suối chảy ẩn hình giữa khoảng rậm rạp.
Giữa dòng suối ấy có một phiến đá phẳng, bề mặt rộng bằng một cái sập gụ. Dòng nước từ phía trên dội xuống, rẽ làm hai và réo quanh thạch bàn như một khúc nhạc tươi vui, mát mẻ.
Tôi hay một mình xuống chơi ở đấy.
Tôi còn níu các dây leo hai bên bờ kết lại thành một cái võng để nằm lửng lơ giữa không trung.
Chỗ thạch bàn chỉ có một mình tôi lui tới, một mình là vì ở đây người ta ai nấy bận việc suốt ngày, không rảnh đi chơi như tôi được; hai là cái đẹp, cái thú nơi này, ngoài tôi ra, không một ai thưởng thức.
Luôn luôn phải tranh đấu với hoàn cảnh sinh hoạt thiên nhiên, người dân đường rừng thường không mấy khi kịp nghĩ đến sự thưởng thức cái ráng mây chiều muôn sắc, cảnh khúc suối reo qua những gốc cổ thụ xanh rêu.
Mỗi lần nhìn tạo vật, người ta chỉ cốt dò hỏi về thời tiết, về sự tốt xấu có thể biết trước do kinh nghiệm mà một tiếng chim gâu, một bông hoa sớm muộn có thể hẹn trước cho mùa màng sắp tới vậy.
Người và tạo vật đứng trước nhau với một thái độ cừu địch, nó làm cho đời sống tình cảm của thổ dân do đấy càng ngày càng nghèo nàn.
Hoặc giả, đôi khi trăng hoa, rừng núi cũng có in dấu vết những câu ca của trai gái miền rừng, song đó lại chỉ để tỏ ra sự chia ly, cách biệt làm cho người phải đau đớn mà thôi.
Bởi vậy, tôi có thể nói rằng cả vùng này, cảnh sắc thiên nhiên chỉ có độc một người yêu mê say đắm, và người ấy là tôi.
Một buổi trưa, tôi ra chỗ thạch bàn, nằm trên võng đọc sách.
Ngày mùa đông có mặt trời ấm áp như một trưa mùa hạ. Ánh nắng và bóng râm in loang lổ trên mặt càng làm cho cảnh rừng trở nên tranh tối tranh sáng rất đẹp.
Gió chảy rì rào qua kẽ lá cây rung, hòa với tiếng suối róc rách trên lòng sỏi trắng. Dưới gốc cỏ rậm, tiếng trùng ri rỉ kêu như chúng vẫn kêu từ thiên vạn cổ. Và thỉnh thoảng, một con gà rừng gáy lanh lảnh đâu đó làm cho một con gà lôi, lông trắng như bông, cất cánh bay ràn rạt, lòe ra giữa cõi mơ hồ một tia sáng trắng.
Tôi thả tâm hồn để tiếp xúc với muôn nghìn thanh sắc của ngoại cảnh.
Qua rèm mi mắt tôi, bay lao xao một ít bụi phấn vàng của tia nắng. Chiếc võng lung linh, rung rinh. Ý nghĩ của tôi được thả rông, chạy lăng băng từ chuyện này qua chuyện khác.
Bỗng, tôi mở mắt ngóc đầu nhìn xuống suối:
Ở bờ trước mặt, giữa một đám cỏ rác xanh vàng, một con hươu sao đương cúi xuống uống nước.
Con vật xinh quá!
Toàn thân nó chỉ bằng một con dê nhỡ. Sắc lông nó vàng thẫm điểm những nốt trắng tròn. Trong khi mõm nó hớp nước nghe lép bép, cái mẩu đuôi nó chỉ bằng hai đốt ngón tay, luôn luôn vẫy đi vẫy lại.
Tôi lặng người ngắm con vật một lúc lâu. Sau cùng tôi khẽ "suỵt, suỵt" để thử xem nó ra làm sao.
Con hươu không những không sợ mà còn hếch mắt trông tôi với cái vẻ ngẩn ngơ rất đáng yêu của một đứa bé chưa biết gì là ngờ vực, là nguy hiểm.
Cái nhìn ấy đã chinh phục tôi.
Một sự tò mò đầy những cảm tình yêu dấu làm tôi muốn cúi xuống ôm con vật lên lòng. Tôi nghĩ vẩn vơ đến nhà đạo sĩ của nước Ấn Độ, một mình tu luyện trong thẳm rừng sâu, tấm lòng từ bi cảm hóa được cả những loài sơn cầm sơn thú dù có tiếng là ác như hổ, rắn, kền kền. Người và vật sống thân mật với nhau, giữa một bầu không khí yên tĩnh; và cao hứng, tôi cất tiếng ngâm to bài Rừng thu của Lưu trọng Lư:
... Lá thu rơi xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô...
Con hươu ngơ ngẩn nhìn tôi một lần cuối cùng nữa đoạn thủng thỉnh quay vào rừng rậm, vừa đi vừa ngoe nguẩy cái đuôi nhỏ xíu.
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô...
Tôi đắc trí ngâm vang mãi hai câu thơ rất hợp thời hợp cảnh.
Thốt nhiên, một dịp cười lanh lảnh tiếp theo tiếng ngâm nga của tôi.
Tôi ngơ ngác nhìn các bụi rậm trên bờ suối. Tia mắt tôi đứng sững lại ở một khóm hoa mai trong đó, một thiếu nữ vụt hiện đứng nhìn tôi, miệng hãy còn mủm mỉm cười.
- "Thầy hát hay quá nhỉ!".
- Nhưng cô đứng đấy nghe trộm tôi tự lúc nào?
Ẻn - vì chính nàng - cười khanh khách:
- Hát hay thì người ta khen chứ ai thèm nghe trộm!
- Hay cũng chẳng bằng cô!
- Thầy cứ nói!... à, làm cái võng như thế ngồi chơi cũng thích đấy nhỉ!
- Thích lắm chứ.
Giọng thiếu nữ trở nên lần khân:
- Cho ngồi với nào!
- Thế thì còn nói gì! Mời cô lên đây.
Thiếu nữ rời khỏi bụi hoa mai, chạy xuống bờ suối và bước thoăn thoắt qua những hòn đá nhỏ ra thạch bàn.
Trong khi ấy, tôi ngồi dậy, cố thu cho cô một chỗ.
Thiếu nữ giơ tay nắm lấy mép võng, rún mình thót lên rất nhẹn.
Chúng tôi ngồi sát nhau.
Mấy phút đầu, không ai nói câu gì, chỉ nhìn nhau với một cảm giác hoang mang ngây ngất.
Tôi thấy rằng càng trong ánh sáng ban ngày Ẻn càng đẹp một cách dị thường và lộng lẫy.
Dưới vuông khăn nhuộm màu chàm thẫm, da mặt nàng trắng như sữa. Hai gò má nàng ửng hồng và mòng mọng làm cho cặp mắt lòng thau cái màu đặc biệt của mắt gái Thổ, càng trong vắt và sâu thăm thẳm. Một nụ cười luôn luôn đứng sững trên môi thiếu nữ để lộ ra hai hàm răng đen nhánh.
Do đấy, câu nàng hỏi tôi đêm hôm làm then vụt lòe ra như một tia lửa qua óc tôi. Máu tôi sôi lên. Da thịt tôi nóng ran, giọng nói của tôi đâm thất thố:
- Đêm hôm nọ, cô Ẻn làm tôi xấu hổ quá!
Nàng nhìn rõ tôi tỏ ý không hiểu:
- Tôi có làm gì đâu!
- Có. Cô hay quên thật...
- Chắc hẳn thế!
- Ai lại đương lúc cúng mà cô hỏi tôi thế...
Thiếu nữ chợt hiểu. Gò má nàng thêm đỏ thắm:
- Ồ...
Tôi khẽ nắm lấy tay nàng:
- Sao lại hỏi thế?
Nàng cúi đầu:
- Hèm thần phải như thế!
- Lạ nhỉ? Mà cô hỏi thế, cô có thấy... khó chịu không?
- Sao lại khó chịu?
- Ngượng hẳn chứ!
- Không!
- Không à?
Tôi như người say rượu. Tôi im lặng một phút, muốn nói mà chưa biết nói câu gì.
Nàng hỏi:
- Thầy còn ở chơi lâu với ông giáo?
- Phải.
- Độ bao nhiêu ngày nữa?
- Tôi chưa định.
- Chưa định à? Thế vợ thầy ở nhà nhớ chết.
- Tôi chưa có vợ.
- Thầy bao nhiêu tuổi?
- Ba mươi nhăm.
- Ba mươi nhăm tuổi mà còn chưa có vợ? Thầy nói dối.
- Tôi nói thật đấy!
- Tôi không tin.
- Thế cô cho rằng cứ hễ ba mươi nhăm tuổi thì phải có vợ à?
- Chứ gì.
- Lạ nhỉ! Ấy thế mà tôi thực quả là chưa vợ. Tôi ở đây chơi với anh giáo, vẫn định tìm một người vợ ở xóm ta...
- Ứ ừ! Thầy người Kinh khi nào lấy vợ Thổ.
- Sao lại không? Người nào cũng là người chứ!
- Con gái Kinh đẹp.
- Con gái Thổ cũng đẹp... Ví dụ như cô chả hạn.
- Phấy, thầy chỉ nói nịnh!
- Tôi nói thật đấy...
- Thôi, tôi đi về đây.
Tôi vội ngăn nàng:
- Đừng, hãy ngồi chơi nói chuyện đã.
- Ngồi lâu rồi.
- Chưa lâu đâu... à, cô Ẻn ạ tôi nói thật đấy, cô Ẻn đẹp lắm kia. Tôi mà có một người vợ như cô Ẻn thì tôi quyết làm nhà ở đây không về dưới xuôi nữa.
Thiếu nữ lại sắm nắm đứng lên:
- Chào thầy nhé.
- Đã bảo cô đừng về vội. Tôi yêu cô lắm!
- Nói thế đấy.
- Tôi nói thật. Mà cô có yêu tôi không?
- Yêu thầy ấy à?
- Chứ sao!
- Tôi không biết.
- Sao lại không biết! Tôi yêu cô lắm.
Gương mặt nàng càng đỏ; hai mắt nàng long lanh ướt; nàng nhìn thẳng vào tôi một cách say sưa và nói bằng một giọng mà bất kỳ anh con trai nào, dù khờ khạo đến đâu, cũng không nhầm về cái ý nghĩa được:
- Thầy yêu tôi thì yêu!
Tôi làm ra không hiểu:
- Cô nói gì?
- Tôi bảo thầy có muốn yêu tôi thì yêu.
... (kiểm duyệt bỏ)
Chạy thoăn thoắt vào bờ rồi biến mất, sau một dịp cười giòn.
Tôi ngây người nhìn theo cho mãi khi nàng đã mất hẳn vào rừng rậm mà tôi vẫn chưa thể nhúc nhích.
Tôi ngạc nhiên về thái độ của thiếu nữ.
Tôi cố ôn lại trong trí nhớ bàng hoàng của tôi tất cả các hành vi và các câu nói của nàng và của tôi...
Tất cả rõ ràng lắm.
Tất cả lại càng bề bộn quá!
Không thể cho là sự thực được.
Nhưng, nói là một giấc mộng cũng không phải.
Chỉ có...
Da tôi gợn lên bởi một cảm giác lạnh và nhanh.
Tôi nghĩ đến hồ tinh, đến con ma rừng đã chòng ghẹo ông hội Cảnh.
Tôi nhớ đến con hươu sao...
Người ta vẫn truyền rằng giống vật rừng có con thành tinh có thể biến hóa được.
Tôi nhớn nhác nhìn quanh.
Cây cỏ vẫn rì rào lay động trong hơi gió.
Làn suối vẫn reo trên lòng sỏi trắng.
Những con gà rừng ẩn hình vẫn gáy lanh lảnh như tiếng kèn đồng...
Thực ư?
Mộng ư?
Trần gian hay yêu ma?
Suối Đàn Suối Đàn - Lan Khai Suối Đàn