Số lần đọc/download: 13190 / 450
Cập nhật: 2015-03-02 12:48:56 +0700
Chương III - Nhà Thương
T
heo Từ Hải và các bộ sử cũ thì nhà Thương bắt đầu từ khoảng 1766 trước công nguyên và chấm dứt năm 1122 trước công nguyên[1]. Nhưng theo Eberhard (sách đã dẫn) thì những niên đại đã được ghi nhận là sai. Nhà Hạ chỉ dài khoảng 300 năm từ 1800 đến 1500 trước công nguyên (phỏng chừng) chứ không phải từ 2201đến 1760 trước công nguyên, và nhà Thương bắt đầu từ khoảng 1450, chấm dứt khoảng 1050 trước công nguyên.
1. Đất đai, triều đại
Chương trên chép về thời đại tiền sử, bắt đầu từ chương này chúng ta bước vào thời đại có sử, vì sử nhà Thương được người đời sau chép và những điều chép đó đúng với kết quả các công trình khai quật. Tới 1964, người ta đã in và công bố 41000 hình khắc trên các giáp cốt, và trong số 3000 chữ khắc thời đó, đã có hơn 1000 chữ nhận ra (identifié) được nhờ ba nhà bác học Trung Hoa: Le Tchenyu, Wang Kouowei và Teng Tsepin.
Văn minh đời Thương đã cao rồi, nhưng "quốc gia" Thương thành lập trong hoàn cảnh nào, dân Trung Hoa từ văn minh nhà Hạ chuyển qua văn minh nhà Thương ra sao thì chúng ta còn thiếu nhiều tài liệu lắm.
Chúng ta chỉ biết đại khái rằng vua Thành Thang khi diệt vua Kiệt rồi, khai sáng nhà Thương, quy tụ được nhiều bộ lạc và đất đai nhà Thương gồm các tỉnh Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam ngày nay.
Kinh đô mới đầu ở đất Bạc, sau bị các dân tộc du mục ở phía Tây lấn, phải dời chỗ bảy lần, lần cuối cùng tới Ân Khư (khư nghĩa là đồi) ở phía Đông, gần An Dương, đổi quốc hiệu là Ân[2], và thời đó phải chiến đấu rất thường xuyên với các bộ lạc chung quanh.
Khổng Tử trong Luận ngữ khen Thành Thang biết dùng người hiền là Y Doãn (bài XII-22) và có tinh thần trách nhiệm cao: dân chúng mà có tội thì nhận là lỗi tại mình vụng cai trị chứ không phải tại dân (bài XX-1).
Điều đó ta có thể tin được một phần vì ông vua khai sáng nào cũng có ít nhiều đức tốt.
Nhà Thương gồm tất cả ba chục ông vua (theo các giáp cốt), gần đúng với Sử ký của Tư Mã Thiên, chỉ khác có năm ông. Mười ba vua đầu, anh truyền ngôi cho em cùng mẹ, hiếm lắm mới có trường hợp cha truyền cho con. Nhưng đến bốn đời vua cuối thì đều truyền tử và từ đó thành lệ cho tất cả các triều đại sau.
2. Xã hội: Tín ngưỡng - nông nghiệp ...
Hai nét căn bản của xã hội đời Thương là:
1) Mới đầu theo chế độ mẫu hệ cho nên vua chết thì truyền ngôi cho em cùng mẹ, rồi tới cuối theo chế độ phụ hệ, truyền ngôi cho con.
2) Tôn giáo đa thần: thần sông, núi, mưa, gió, sấm..., nhất là thần sinh sản (fécendité). Cao hơn hết là Thượng Đế, hình người, tạo ra người và vạn vật; rồi tới thần Đất, hình một người đàn bà, sinh và nuôi vạn vật.
Vua vừa cầm quyền trị dân, vừa là đại tư tế (grand prêtre).
Để cho đất sản xuất được nhiều, mùa màng trúng, người ta tế lễ và giết người, súc vật trong mỗi buổi tế. Các công trình khai quật ở An Dương từ 1950 chứng tỏ rằng số người bị hy sinh rất lớn, nhất là khi chôn cất nhà vua. Có một ngôi mộ, người ta khai quật được ở chung quanh trên 300 bộ xương người, có bộ được toàn vẹn, có bộ bị chặt đầu. Những bộ xương đó có thể là của hoàng hậu, cung phi, các kẻ hầu cận vua, vệ binh, đánh xe, một số quan tướng nữa.
Hơn một ngàn năm sau, Mặc Tử trong thiên Tiết Táng, hạ, mạt sát thói đó: “Theo chủ trương ma chay hậu hĩ (...), hạng chư hầu mà chết thì kho lẫm sẽ trống rỗng vì phải dùng vàng bạc, châu báu trang sức đầy xác chết, dây thao buộc áo quan, xe và ngựa chôn trong mộ, cùng với màn,trướng, vạc, trống (...). Có chôn những thứ đó vào mộ rồi mới vừa ý, thành thử tống táng mà như dời chỗ ở. [Lại thêm] Thiên tử và chư hầu mà chết, người tuẫn táng [người sống chôn theo người chết] nhiều thì tới vài trăm, ít cũng vài chục; tướng, đại phu mà chết, kẻ tuẫn táng nhiều thì vài chục, ít cũng vài người.”
Tục đó duy trì rất lâu, mãi đến thiên niên kỷ thứ nhất trước kỷ nguyên Tây lịch mới gần hết; và người ta lần lần thay những kẻ bị tuẫn táng bằng những hình nộm đan bằng tre, hay những tượng lớn như người thật, bằng đá, gỗ hay đất nung; sau cùng bằng những hình nhỏ bằng đất nung và những đồ vàng giấy (đồ vàng mã) đốt trong đám táng. Tục đốt hàng mã đó, ngày nay ở nước ta cũng chưa bỏ hẳn
Có người cho rằng tục chôn người sống đó là chứng cớ xã hội Trung Hoa đời Thương có chế độ nô lệ nhưng không phải vậy, vì những kẻ tuẫn táng thường không phải là nô lệ, trái lại là những người thân tín của người chết.
Trong các vụ khai quật ở An Dương, người ta tìm được rất nhiêu giáp cốt ghi các quẻ bói. Vua chúa nhà Thương thờ tổ tiên trong những nhà riêng đời sau gọi là thái miếu. Mỗi khi có việc gì quan trọng, họ cũng cầu khấn tổ tiên phò hộ cho, hoặc bói một quẻ, xin tổ tiên chỉ bảo cho.
Họ dùng yếm rùa, xương vai, xương chậu của bò, ngựa, dùi những lỗ dễ nứt, rồi hơ lửa xương nứt ra, tùy theo vạch nứt mà đoán. Bói cách đó thì chỉ biết được có hay không, tốt hay xấu thôi.
- Nhà Thương gọi vua là đế, trời là Thượng Đế.
Đất nhà Thương còn hẹp (phía Nam tỉnh Hà Bắc, phía Đông tỉnh Hà Nam, phía Đông tỉnh Sơn.Tây và phía Tây tỉnh Sơn Đông) chỉ bằng khoảng hai tỉnh ngày nay. Sử chép thời đó có tới ngàn chư hầu; có lẽ chỉ một số ít ở gần kinh đô mới tùy thuộc nhà Thương, còn ở xa kinh đô chỉ là những bộ lạc tương đối độc lập. Đó là nguồn gốc của chế độ phong kiến mà chúng ta sẽ thấy phát triển ở đầu đời Chu rồi suy tàn ở cuối đời đó:
Khoảng giữa đời Thương, có một sự thay đổi quan trọng do ảnh hưởng của nền văn minh du mục của dân tộc Mông Cổ: người Trung Hoa bắt đầu nuôi ngựa. Có ngựa rồi thì có chiến xa, mà chiến thuật đánh trận thay đổi hẳn. Chiến xa của Trung Hoa có nhiều liên quan với chiến xa của các nước Tây Á, có thể của Thổ Nhĩ Kỳ. Không rõ chiến xa cuối nhà Thương ra sao, nhưng chắc cũng không khác gì mấy so với chiếc xe đời Chu mà Mercel Granet (trong La Civilisation chinoise- Albin Michel-1948) đã tả. Xe có hai bánh, một thùng xe hẹp, ngắn, bịt ở phía trước, mở ở phía sau. Phía trước có một cái gọng. Mỗi xa có bốn con ngựa, người đánh xe ngồi ở giữa xen cầm cương, bên trái là một chiến sĩ cầm cung, bên phải là một chiến sĩ cầm thương. Ngựa và ba người trên chiến xa đều mặc áo giáp bằng da thú. Có ba chiếc mộc bằng gỗ nhẹ đặt ở phía trước xe che chở cho ba người trên xe. Mỗi người còn đeo thêm một chiếc mộc. Thêm một vài khí giới nữa đặt ở tầm tay người cầm thương: vũ khí cán dài có mác, đinh ba bằng kim thuộc để móc, đâm quân địch. Người đánh xe và chiến sĩ đều ở giai cấp thượng lưu. Lính là thường dân, đi bộ, để chiến sĩ sai bảo: đào đất, bắc cầu, chăn ngựa, đốn cây, kiếm củi... Họ không dự chiến, chỉ đứng ở xa ngó.
Từ trước các sử gia cho rằng nông nghiệp phát triển rất sớm ở Trung Hoa và văn minh đời Thương là văn minh nông nghiệp. Có thể điều đó sai. Đời Thương chỉ có ít khí cụ bằng đồng; người ta sống bằng săn bắt hơn là bằng trồng trọt. Phải tới khi có khí cụ bằng sắt, cuối đời Xuân Thu, nông nghiệp mới thật phát triển, mà lưu vực sông Hoàng hà, rồi lưu vực sông Dương Tử mới lần lần được khai phá.
Nông dân đời Thương còn dùng những nông cụ rất thô sơ, chưa biết đến lưỡi cày, chỉ dùng cuốc và một thứ bừa. Nhiều nơi còn làm rẫy, trồng ngũ cốc; họ biết đưa nước vào ruộng. Họ trồng ngũ cốc, nuôi trâu, cừu, chó, lợn, và rất ít ngựa. Biết làm rượu, chứng cớ là trên giáp cốt, đồ đồng đã thấy khắc hình một cái bình với ba giọt rượu, hình đó sau thành chữ tửu (酒) là rượu.
Đã có sự phân công: đàn ông làm ruộng, săn bắn, câu cá, đàn bà nuôi con, nuôi tằm, dệt lụa. Một khu ruộng với một cái cuốc ở bên phải là một hình tượng để chỉ người đàn ông làm ruộng, sau giản dị hoá cuối cùng thành chữ nam là đàn ông, con trai.
Họ phân biệt mùa làm ruộng thì ra ngoài đồng, mùa đông thì ở trong nhà; phân biệt phía có ánh nắng, phía rợp trong hai hình.
Hình số 1 gồm hai phần: bên trái là sườn núi hoặc bức tường; bên phải, trên là mặt trời lên khỏi chân trời, dưới là những tia sáng mặt trời chiếu xuống. Hình trỏ phía có ánh nắng, phía sáng; sau giản dị hoá thành chữ dương .
Hình số 2, bên trái cũng là sườn núi, bên phải trên có nóc nhà, dưới có đám mây, do đó trỏ phía mặt trời bị che khuất, không có ánh nắng, phía tối; sau giản dị hoá thành chữ âm.
Vậy là từ đời Thương, người Trung Hoa đã có quan niệm âm, dương, và cuối đời đó, họ dùng quan niệm âm dương để tạo nên bát quái, cách bói, Kinh Dịch. Họ đã dùng thập can (giáp, ất, bính đinh...) và thập nhị chi (tý, sửu, dần; mão...) để chỉ ngày tháng (coi quẻ bói ở trên), và chắc chắn họ đã có âm lịch.
Nông dân sống ở đồng ruộng,thợ thủ công sống ở thành thị. Công nghệ đã khá phát triển. Đồ gốm có thứ tốt, đẹp gần như đồ sứ; đồ đồng đúc thành hình loài vật, có bình hình con cừu, con voi, con tê giác, con chim; dĩ nhiên họ cũng đúc khí giới bằng đông, có nghệ thuật khá cao.
Thành thị thời đó nhỏ thôi. Người ta đã khai quật được ở An Dương, thành lớn nhất đời nhà Thương, tức kinh đo cuối cùng của đời đó, mà chu vi chỉ có 800 mét. Cung điện của nhà vua hướng về phía Nam, gồm ba cái điện (minh đường), điện nào cũng cất bằng gỗ, nóc có hai mái. Một điện ở giữa là chỗ họp triều, phía Đông điện đó là nhà thái miếu, thờ tổ tiên nhà vua; phía Tây là nơi thờ thần Xã Tắc.
Ở phía Bắc cung điện, dựng một cái chợ; phía Nam dành cho các triều thần, và một số thợ thủ công chế tạo vũ khí, chiến xa,các đồ tự khí bằng đồng... Đồ đồng thời đó đẹp nhất thế giới.
Chữ viết xuất hiện ở đời Thương trên các giáp cốt, đồ đồng. Ở chương 2, tôi đã xét nguồn gốc của chữ Trung Hoa, lợi và hại của nó, nên ở đây không nhắc lại.
Vua Trụ
Theo các sử gia thời xưa thì ông vua cuối cùng đời Thương, Đế Tân, hiệu là Trụ cũng dũng mãnh, hoang dâm (mê nàng Đát Kỷ), cũng xa xỉ, đặt ra thuế khoá nặng nề, bắt dân dựng lâu đài,xây hồ ao, cũng hiếu sát, đặt ra những hình phạt thảm khốc, cũng không nghe lời căn ngăn của các gián thần, y hệt vua Kiệt cuối đời Hạ, và sau cũng bị các nước chư hầu đem quân vào đánh như vua Kiệt, chỉ khác Kiệt bị truất ngôi và đày còn Trụ thì đốt cung điện, rồi nhảy vào lửa mà chết. Theo Eberhard thì Trụ bị vua Chu giết.
Vài học giả thấy hai truyền thuyết về Kiệt, Trụ đó giống nhau quá, cho rằng không đáng tin. Nhưng Gernet bảo có thể sự thực như vậy vì các cuộc khai quật ở An Dương cho biết cuối đời Thương, các vua rất xa xỉ, tàn bạo; người và súc vật bị hy sinh rất nhiều trong các cuộc tế lễ, ma chay; mà trong số các bình bằng đất nung, bằng đồng thì bình rượu nhiều nhất. Đời sau, nhà Chu cũng chê nhà Thương quá ham tửu sắc.
[1] Theo Gernet: 1112
[2] cho nên sử thường gọi là nhà Ân, nhưng chúng tôi vẫn gọi là nhà Thương