Số lần đọc/download: 1275 / 21
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 4 -
9
giờ. Tôi bảo Đặng Xuân Côn thả tôi xuống trước rạp Kinh Thành. Côn chạy về Phú Nhuận. Mình tôi đứng bên dãy phố Hai Bà Trưng nhìn sang vỉa hè bên kia, buổi sáng Tân Định. Chỗ đó, vài hôm trước, tôi vừa gặp anh Trần Kim Tuyến, sơ-mi bỏ ngoài, giép Nhật Bản, thất thểu đi.
-Anh đi đâu đấy, anh Tuyến?
- Đi đâu?
Ông Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị, "tên trùm mật vụ ác ôn thời Diệm" - cộng sản nó gọi thế - thở dài.
- Chúng ta đã chống cộng. Riêng tôi thì cứ ngoác miệng đòi "chống cộng đến chiều." Và rồi chúng ta hỏi nhau đi đâu. Anh sẽ đi đâu, anh Tuyến?
-Chẳng hiểu.
-Mỹ nó không đón anh à?
-Không. Còn cậu?
-Có lẽ cũng không. Người Mỹ dành ưu tiên số một cho me Mỹ, cho bọn tham nhũng, thối nát, cho đám làm giầu bằng chiến tranh.
-Cậu định đi đâu?
-Chẳng hiểu, anh ạ!
Không có lối chạy cho người chống cộng. Những kẻ chống cộng tự nguyện rất kiêu hãnh nhưng luôn luôn thiệt thòi. Tôi là một trong những kẻ ấy. Vì chống cộng tự nguyện, tôi không bị xếp vào hàng ngũ đầy tớ Mỹ. Đó là một thiệt thòi. Sự thiệt thòi nhìn rõ: Có cả chục ngàn chỗ cho những người chưa hề chống cộng trên máy bay di tản của Mỹ mà lại không có chỗ nào cho Doãn Quốc sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền... Trong cuốn Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa - tư tưởng*, ở "Lời giới thiệu", cộng sản viết: "... Một số người khác như Duyên Anh, Nhã Ca... chấp nhận chủ nghĩa chống cộng với một thái độ hoàn toàn tự nguyện. Nhưng nếu xét gốc rễ thái độ thù địch của họ đối với cách mạng, thái độ đó có nguyên nhân ở sự tác động của chủ nghĩa thực dân mới. Họ vừa là kẻ thù của cách mạng, của nhân dân. Nhưng nếu xét đến cùng họ cũng vừa là một nạn nhân của đường lối xâm lược tinh vi, xảo quyệt của Mỹ. Dù xét dưới tác động nào, hoạt động chống cộng bằng văn nghệ của đội ngũ những cây bút này cũng là những hoạt động có ý thức. Ý thức đó biểu hiệu trước hết trong thái độ chấp nhận trật tự xã hội thực dân mới, chống lại một cách điên cuồng chủ nghĩa cộng sản. Họ cho văn nghệ làm sự chọn lựa một phạm vi hoạt động, một phương tiện đểà đạt mục đích và tự nguyện dùng ngòi bút của mình phục vụ cho chế độ. Thái độ tự nguyện của họ cũng đã có nhiều người tự nói ra. Vũ Hoàng Chương tự ví mình là "viên gạch để xây bức tường thành ngăn sóng đỏ." Doãn Quốc Sĩ coi mình như một "viên kim cương, răng cộng sản không sao nhá được." Thêm một thiệt thòi. Và cái thiệt thòi cay đắng là bị cộng sản chụp cái mũ khả ố "chấp nhận trật tự xã hội thực dân mới". Như thế, vẫn chưa đủ nghẹn ngào. Kẻ chống cộng tự nguyện còn bị những người tập sự chống cộng, bập bẹ chống cộng, vỡ lòng chống cộng, ngớ ngẩn chống cộng phán xét một cách dễ chửi thề. Hẳn nhiên, những kẻ chống cộng tự nguyện thường xuyên bị vây hãm, bị bêu nhục bởi bòn đầy tớ Mỹ chống cộng ở bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào. Nhưng mà những kẻ chống cộng tự nguyện phải chấp nhận, hiên ngang chấp nhận và can đảm chống luôn cả bọn đầy tớ ngoại bang chống cộng, bọn làm thui chột niềm tin chống cộng, bọn giúp cộng sản đánh bóng chính nghĩa của nó, bọn ảo tưởng và thù vặt vì bất đồng quan điểm. Những kẻ chống cộng tự nguyện ngổn ngang kẻ thù. Ngoài cộng sản, họ còn bị đánh dấu tuyết hận bởi bè lũ thống trị tôi mọi, tập đoàn ăn cắp, thảo khẩu chính trị, lũ thời cơ chủ nghĩa, đám buôn bán Phật Chúa... Song cần chi, hai tiếng tự nguyện mà kẻ thù cộng sản khoác hoa quanh cổ họ cơ hồ hào quang đốt cháy mọi rác rưởi, bèo bọt thế thời. Và họ vẫn ngồi lên tất cả như đã ngồi lên tất cả những khuôn mặt sa-đích chính trị rẻ tiền.
- Anh có lối nào khác lối Mỹ không?
Tôi hỏi. Bác sĩ Trần Kim Tuyến lắc đầu buồn bã:
-Không.
Không. Chúng ta đã chống cộng sản hai mươi năm và chúng ta không có lối chạy trốn cộng sản! Tại sao tổ tiên chúng ta đã không tìm đường chạy trốn mà chỉ tìm chỗ tạm lui về chờ đợi tiến lên? Chắc chắn, tổ tiên chúng ta chống giặc nước một mình. Còn chúng ta, chúng ta chống giặc nước với người Mỹ. Chúng ta đã đổ xương máu cho KHÔNG. Và cái không ủ ê nhất là cái không lối chạy trốn giặc. Liệu chúng ta đã học được một điều gì trong bài học chống cộng sản với Mỹ rồi không còn lối chạy trốn cộng sản? Chỗ đó, vài hôm trước... Chỗ đó, hôm nay...
Tôi đã thất thểu bước tới ngã tư Hai Bà Trưng - Yên Đổ - Trần Quang Khải. Nỗi chết không còn ám ảnh mà nỗi chết hiện dần. Tự nhiên, tôi thèm sống vô cùng. "Thoát chết, bung ra được là mày nên người, Duyên Anh a! Đỗ Bá Thế đã phán vậy. Sự thèm sống khiến tôi quên sợ chết. Lạ quá, lúc đó, tôi chẳng hiểu nổi tôi. Phải nói, tôi chẳng hiểu nổi sự chuyển dịch tâm hồn tôi. Nếu tôi đã chưa biết cái cảm giác lênh đênh của tâm hồn thì, bây giờ, tôi biết. Biết rõ. Tâm hồn tôi lênh đênh theo bóng ngã hoàng hôn của cuộc chiến đấu hai mươi năm hư ảo. Lênh đênh chạy trốn. Lênh đênh bất bình chạy trốn. Lênh đênh sợ chết. Lênh đênh chờ chiến đấu. Lênh đênh thèm sống. Lênh đênh ước mơ.
Đi ngược đường Yên Đổ, tôi về nhà tôi.
Thành phố Sài gòn bất chấp lệnh giới nghiêm 24 trên 24 của Dương văn Minh. Thành phố này, hình như, cũng bất chấp cả nỗi ngậm ngùi sắp đến. Sài gòn thản nhiên chờ đợi niềm bất hạnh. Mặt trời vẫn chưa mọc. Có vẻ mặt trời không thích mọc hôm nay. Tôi buồn bã đứng trước cổng nhà mình ngó ngang, nhìn dọc. Bà bán thuốc lá sát cổng nhà tôi hớt hơ hớt hải từ dưới Xóm Lách chạy tới chỗ tôi:
-Cậu không đi được à?
- Không.
-Liệu người ta có để cậu yên không?
- Ai?
- Thì... Việt cộng?
Bà ta nói nhỏ:
- Cậu ạ, người ta vây kín Sài gòn rồi!
Tôi thở hắt ra:
- Thế à?
Nhìn bà bán thuốc lá, tôi hỏi:
- Sao bữa nay bà không bán?
- Tôi tưởng giới nghiêm.
- Chứ không phải mệt vì đêm qua lo hôi đồ à?
- Tôi thề với cậu, không quen làm việc ấy.
- Làm thì đã sao, của Mỹ chứ bộ.
- Mà không quen.
Tôi nhìn thẳng vào mặt bà ta:
- Việt cộng vào, bà có để tôi yên không?
Bà ta chớp mắt lia lịa:
-Tôi mong cậu đi lọt mà.
Từ người vô sản bán thuốc lá, tôi quan sát những người vô sản Xóm Lách quanh tôi. Tất cả đều còn cho tôi những nụ cười, những ánh mắt chứa chan tình cảm. Tôi yên tâm. Đã quá hiểu những bài học căm thù của cộng sản, tôi sợ rằng những nụ cười, những ánh mắt chứa chan tình cảm của người vô sản Xóm Lách sẽ biến mất. Chưa biết bao giờ. Có thể lát nữa. Có thể trưa nay. Có thể chiều nay. Có thể tối nay.
-Bà Tẹo.
-Dạ.
- Tôi đã làm phiền bà điều gì chưa?
- Sao cậu hỏi vậy?
- Bởi vì sẽ thay đổi nhiều đấy.
- Không có gì thay đổi đâu cậu ạ? Tôi vẫn bán thuốc lá trước cổng nhà cậu, vẫn xin được bán thiếu cho cậu để cuối tháng có món tiền để dành lớn.
-Cám ơn bà.
Tôi bấm chuông. Nhà tôi ra mở cổng:
- Thế nào, bố?
-Thế nào là thế nào?
- Còn nước tát không?
- Cạn rồi. Mỹ thật sự cút rồi. Nhưng em yên tâm. Bằng hữu của chúng ta còn ở lại khá đông. Anh đã gặp Mai Thảo, Nguyễn Tuấn Anh...
Nhà tôi nín thinh. Tôi vào, gieo người xuống ghế bành, gác chân lên bàn xa-lông. Tôi cảm giác căn nhà của gia đình tôi đã trở thành cái nghĩa địa hoang vắng. Nỗi hiu quạnh đùn lên, đùn lên, dâng ngập trắng xóa. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn rõ cái lẽ phù ảo của đời sống. Nhờ vậy, tôi thanh thản dọn chết. Và tôi còn dọn thêm cả sự "thoát chết, bung ra." Nếu lúc này có Mai Thảo ngồi đấu hót? Tôi trách tôi đã quên rủ Mai Thảo đi nhìn Sài gòn hấp hối và rủ Mai Thảo về nhà tôi uống rượu. Tôi vẫn còn vài chai Table du roi. Tôi nhớ, mới đây thôi, Mai Thảo tâm sự với tôi:
- Tôi ở một nơi chốn nào là lòng gửi nơi chốn đó nên xa một nơi chốn là nhớ vô cùng, dẫu nơi chốn cũ chẳng xa gì nơi chốn mới. Thật sự, tôi không thích di tản. Xa quá, xa quá...
Và Mai Thảo rất lừng khừng chuyện ra đi- Anh ta cứ ra, theo triết lý cù nhầy của Nguyễn Bính "ngày mai ra sao rồi hãy hay." Mai Thảo tâm sự tiếp:
- Tôi có ông thày học khá lạ lùng. ông ta đã nói với tôi rằng, người ta chỉ cần sống đến 50 tuổi. Là đủ rồi. Tôi đã 50 tuổi. Sống thêm có lẽ thừa thãi.
Mai Thảo đã 50 tuổi. Tôi mới 40. Cho nên, dù đã vỡ lẽ phù ảo của cuộc đời, Cứ thèm thuồng "thoát chết, bung ra" trong những giờ phút dọn chết.
- o O O -
10 giờ thiếu 10 phút. Chuông điện thoại reo vang:
-Long hả?
- Ừ!
- Chúng nó xuất hiện ở Xóm Gà, Gò Vấp rồi. Trên ấy ra sao?
-Im lặng.
-Mày nghĩ xem có nên chở gia đình lên bà Nguyễn Đình Vượng tránh né cảnh tranh tối tranh sáng không?
-Không cần.
-Tại sao không cần?
- Vì bà Vượng cũng bị ném vào biển máu! Nếu ông muốn cùng chết với tôi thì lên đây.
Đặng Xuân Côn, Thằng Côn, người bạn ấu thời của tôi, người bạn đã, cơ hồ cái bóng, theo sát tôi 30 năm ròng rã, đã chia xẻ vinh nhục với tôi, đã đau khổ vì tôi, đã ôm đau khổ của tôi làm đau khổ của mình. Chúng tôi học tiểu học ở trường Monguillot thị xã Thái Bình. Côn là cháu đích tôn của cụ Đặng Đình Điền, tự Hào Điển, một trong những lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng. Năm 1951, sau khi cộng sản quy định thành phần, giai cấp, mặc dù đã mù lòa, bệnh hoạn, cộng sản vẫn bắt cụ Hào Điển, bỏ cụ vào cái rổ xề, khiêng cụ ra giữa cánh đồng hoang vắng và để cụ chết đói chết khát ở đó. Qua mấy năm tao loạn, chúng tôi lại gặp nhau ở thị xã Thái Bình đổ nát vì tiêu thổ kháng chiến. Tình bạn vẫn khắng khít. Chúng tôi học trung học tại trường Trần Lãm và không ngớt tương tư thị xã đềm êm cũ với những hàng hồi thơm hăng hắc dọc vỉa hè đường phố. Rồi chúng tôi lên Hà Nội trọ học. Mùa hè 1954, tôi về Thái bị kẹt vì Pháp "di tản chiến thuật". Tôi ở lại chứng kiến quân cách mạng tiếp thu Thái Bình. Rồi hội nhập đời sống mới.
Cuối tháng 7-1954, Côn trở lại Thái với nhiều ưu tư. Nó không hé miệng nói cho tôi nghe những ưu tư của nó. Chúng tôi thường lên cầu Bo ngắm dòng sông Trà Lý đỏ ngầu phù sa mùa nước lũ. Cầu Bo. cây cầu kỷ niệm của chúng tôi, bị quân Pháp đánh sập nhịp giữa trước đêm rút lui. Người ta bắc cầu giây đi tạm. Côn ở Thái hai tuần lễ và lỉnh tránh mọi công tác... cách mạng. Một buổi sáng nó tìm tôi khi tôi đang bận kê bàn ghế cho lớp học dạy "công nhân" vỡ lòng quốc ngữ. Côn rủ tôi sang Nam Định chơi. Tôi từ chối, vì... công tác khẩn trương. Tôi bảo Côn đợi vài hôm nữa. Nó bỏ về. Rồi nó sang Nam Định lúc nào tôi không rõ. Cuối tháng 8-1954, Nguyễn Thịnh từ Hà Nội về Thái. Tôi hỏi thăm Côn. Thịnh nói Côn đã vào Sài gòn..
Tôi choáng váng. Côn đã nghi ngờ tôi theo... cách mạng, không dám tâm sự với tôi. Tôi vội vàng chuồn lên Hà Nội, kiếm nhà Vũ Thượng Văn ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, hỏi thăm đia chỉ Côn tại Sài gòn. Tiêu pha hết đồng bạc cuối cùng ở Hà Nội, cuối tháng 9-1954 tôi mới vào Sài gòn, đến phố Heurtaux bên Khánh Hội tìm Côn. Thế là chúng tôi có tháng ngày nhà hát Tây ba đào, có tình yêu lẩm cẩm, có Đỗ Tiến Đức, Hà Huyền Chi... Chúng tôi thêm những kỷ niệm cay đắng vào đời. Sự nghiệp văn chương của tôi, phần lớn, là do Thằng Côn đóng góp. Bằng khích lệ. Bằng cả những đồng tiền mồ hôi của nó. Tập truyện Hoa thiên I)" của tôi, Côn bỏ tiền xuất bản. Nếu có lần nào đền ơn Thằng Côn thì chỉ một lần Thằng Vũ nghiến răng chịu nhục, chịu hành hạ cả thể xác lẫn tâm hồn để ngậm miệng cho Thằng Côn bình yên ngoài nhà tù mà tìm cách đưa vợ con trốn khỏi Việt Nam. Đáng lẽ, Côn ra đi bình yên trước 30-4-75, nó cứ bám sát tôi Cho đến phút chót, nó vẫn lo tôi bị tàn sát trước nhất.
- Tao nghĩ mày nên đưa vợ con lỉnh chỗ khác.
-Chỗ nào? Không còn chỗ nào cho tôi ẩn thân cả. Mà tôi cũng cóc cần ẩn thân nữa.
- Mày đừng chướng.
-Cúp điện thoại đi!
Tôi cúp trước, khỏi cần đợi Côn.
10 giờ 20 phút. Chuông điện thoại lại reo:
- Long hả?
- Ừ!
- Chúng nó đã lảng vảng khu nhà anh Hoàng văn Đức rồi. Tao lên mày nhé?
- Hỏi chi nữa!
Tôi cúp điện thoại ngay. Và, thật sự, kể từ phút này, tôi đã té nhào khói lãng du lênh đênh trên ước mơ, tôi hết dám thèm "thoát chết, bung ra." Tôi sợ hãi. Tôi trở về với sự sợ hãi 0 giờ 1 phút. Nỗi chết gần kề. Đao phủ và hình cụ của nó đang chờ tôi bên bờ biển máu. Làm thế nào đểà con người được chết ngon lành? Tôi chợt nhớ một truyện ngắn của Jack London, nhan đề Mất mặt. viết về sự dọn chết tuyệt vời của một người không thích chết đau đớn, sợ hãi chết khắc khoải. Câu chuyện như thế này: Một gã phiêu lưu da trắng lạc vào một bộ lạc hung dữ nhất của một vùng Bắc cực. Các bộ lạc ở đây đánh giá trị vĩ đại nhất bằng sự tàn ác nhất. Bộ lạc nào giết kẻ thù chết từng giây, chết đếm nỗi chết từng giây, chết quằn quại, rên la lâu nhất, bộ lạc ấy được tôn vinh và công nhận là minh chủ. Thế thì gã phiêu lưu của Jack London đã rơi vào tay bộ lạc minh chủ. Gã hiểu gã sẽ bị chết co rút mỗi tế bào. Gã cũng hiểu những kẻ tàn ác nhất đều là những kẻ thèm sống "muôn năm", thèm bất tử, nên gã xin được kéo dài ngày chịu tội để kiếm lá luyện thuốc bất tử. Môn thuốc này bôi khắp mình mẩy, tên bắn vào văng ra, búa bổ xuống nẩy tung, lao phóng trúng cong oằn... Tù trưởng của bộ lạc minh chủ sướng quá, bèn cho gã phiêu lưu đi tìm lá. Gã khôn ngoan, luyện thuốc bất tử thật lâu. Khi đã luyện xong, gã yêu cầu vị tù trưởng thử. Vị tù trưởng sợ, không dám thử. Không ai trong bộ lạc dám thử cả. Tất cả những kẻ hung ác đều sợ chết thảm và đều thích người khác chết thảm. Cuối cùng, gã phiêu lưu tình nguyện thí nghiệm thuốc bất tử của mình. Bộ lạc đồng ý. Gã yêu cầu kê cổ gã trên một 1 húc gỗ tròn và chắc và phải dùng một cái búa sắc như nước do tay lực lưỡng xử dụng. Gã bôi thuốc đầy cổ. Rồi gã dục hạ búa. Nhát búa vung lên, bổ mạnh xuống. Gã phiêu lưu bay đầu. Gã được chết ngon lành. Bộ lạc minh chủ mất mặt, mất ngôi minh chủ và bị các bộ hạ khác khinh bỉ, vì đã để kẻ thù chết sung sướng, chết thanh, chết gọn...
Cộng sản ác hơn và khôn ngoan hơn bộ lạc minh chủ bị mất mặt trong truyện ngắn của Jack London. Và tôi, tôi không có can đảm dọn cho mình cái chết ngon lành. Tôi sợ luôn cả cái chết ngon lành, cái chết của chiến sĩ, cái chết của liệt sĩ, cái chết của thánh tử đạo. Rốt cuộc, tôi thèm sống, sợ chết. Bởi tôi vừa nhận ra tôi đích thực rằng tôi chỉ là nghệ sĩ. Tôi cần sống sót. "Cậu là nhà văn, cần buôn kinh nghiệm mà bán." Cao Dao khuyên tôi thế. Tôi cần sống sót. "Thoát chết, bung ra được là mày nên người, Duyên Anh ạ"? Đỗ Bá Thế dạy tôi thé. Nhà văn không cần thiết tử vì đạo. Vì y vô đạo. Nhà văn không cần thiết tuẫn tiết. Vì y tuẫn tiết sẽ chẳng còn ai sống để viết về những cái chết đẹp trong cõi đời. Nhà văn cần thiết có tác phẩm, và phải là tác phẩm rực rỡ kinh qua mọi sợ hãi, mọi thống khổ mỏi mòn. Nhà văn là người viết về sự sống ngoạn mục, nỗi chết phi thường của người khác, không bao giờ là kẻ trông đợi người khác viết về cái chết, nỗi chết của mình. Do đó, nhà văn bất chấp những kẻ bỉ thử mình, lăng mạ mình đủ điều về sự sống của mình. Rất tự hào và đủ quyền kiêu hãnh để nói, những kẻ bỉ thử, lăng nhục nhà văn là những kẻ không biết viết hay viết chẳng ra gì. Những kẻ này không bao giờ được phục sinh, bởi vì họ không hề có một cái gì đểà lại cho đời sống kế tiếp. Tôi là nhà văn, tôi chẳng lấy gì làm xấu hổ mà công khai nhận mình thèm sống sợ chết. Tôi đã bày tỏ thái độ của tôi rõ rệt trong bài Chút tâm sự của người làm thơ trong tù. Theo tôi, sự tồn tại khác hẳn với sự sống. Tôi chưa thấy một nhà văn chuyên nghiệp nào - nhà văn nuôi mình, nuôi vợ con mình bằng hàng tỉ chữ thao thức viết - khi chết được vinh tôn như một anh hùng, liệt sĩ. Người ta đã chỉ vinh tôn tác phẩm của nhà văn. Tôi cũng chưa thấy ai nhận trách nhiệm nuôi vợ con nhà văn, nuôi nhà văn cả, nhưng người ta cứ bắt nhà văn phải có đủ thứ trách nhiệm, đủ thứ đạo đức, đủ thứ can đảm. Người ta còn bắt nhà văn dấn thân, nhà văn tranh đấu cho đủ thứ quyền của con người, nhưng, mỉa mai thay, cái quyền lợi thiết thực của nhà văn là tác phẩm mồ hôi, tim óc của họ bị đạo tặc công khai tước đoạt, không ai tranh đấu cho nhà văn cả Tôi đã thấy chính xác nhà văn tạo hào quang rực rỡ cho anh hùng, liệt sĩ, thần thánh. Nhân loại đã thờ phụng hình chúa Giêsu vẽ theo trí tưởng tượng của Michel Ange mà không thờ Michel Ange. Những bức tượng, những tranh vẽ trong giáo đường của Léonard de Vinci, của Raphael về Đức Mẹ, về thiên thần đều được kính cẩn thờ phụng cả đấy. Ai đã nói cho nhân loại biết tài năng của Michel Ange, Léonard de Vinci, Raphael? Nhà văn. Nhà văn viết về Thượng Đế. Nhà văn làm ra Thượng Đế. Thượng Đế không làm ra nhà văn. Gần gũi chúng ta nhất, người Tầu và cả người Việt Nam đều đèn nhang, trầm hương xì xụp vái lạy ba anh Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi mà quên nhà văn La Quán Trung đã phong thánh cho ba anh rất lơ mơ trong lịch sử Trung Hoa. Tài năng của nhà văn La Quán Trung đã biến nhân vật tiểu thuyết thành thánh. Không ai thờ La Quán Trung cả. Người ta hằng luận về hào khí Võ Tòng, Lâm Xung mà quên Thị Nại Am; ngợi ca Kiều Phong, Lệnh Hồ Xung, Dương Quá, Quách Tĩnh mà quên Kim Dung. Vân vân... ở thời đại của tôi và ở đất nước tôi, nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc đã phong thánh cho Hồ Chí Minh. Khi đất sét được nặn hóa thánh, thánh tưởng mình thiêng đã bỏ tù những kẻ phong thánh cho mình. Nhân Văn giai phẩm là thí dụ điển hình. Nguyễn Bính có câu thơ mà tôi rất thích: Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ. Cái đám thế nhân mắt trắng có thánh để thờ, có thần tượng để chiêm ngưỡng, có lãnh tụ để suy tôn, có ước mơ để mơ ước, đã không đem gạo nuôi nhà văn, đã không biết ơn nhà văn, lại còn ong óng lời chó dại, lại còn phun phì nọc rắn rết lên án nhà văn, thống trách nhà văn. Vậy thì nhà văn, anh đã sáng suốt nhận ra anh chưa? (Tôi đã nhận ra tôi. Và tôi cho rằng tôi chỉ có trách nhiệm với những thống khổ tôi đã kinh qua, đã thể nghiệm. Tôi không được phép phản bội những oan khiên, những cay đắng, những cô đơn đã soi sáng cuộc đời tôi. Và tôi hiểu rằng nhà văn có quyền phép ghê gớm. Nhà văn đưa thằng bán chiếu Lưu Bị lên ngôi anh hùng và bắt kẻ anh hùng Tào Tháo làm đứa gian hùng. Thế nhân mắt trắng, cái đám ưa hạch sách nhà văn, vấn nạn nhà văn, thị phi nhà văn, chụp mũ nhà văn, sống nghìn đời vẫn không đủ tư cách và khả năng hủy diệt nổi tác phẩm của nhà văn. Nhưng, nhà văn chỉ cần cuốn sách mỏng, viết bằng chân trái, cũng đủ nhốt cái đám gian dối lương tâm vào ngục tù muôn thuở. Đừng có đùa với văn chương Và đừng có rỡn mặt nhà văn. Chưa quán triệt sức mạnh của văn nghệ, học đòi làm lãnh tụ, học đòi mưu đồ quốc sự, đã không biết kính trọng nhà văn còn xúi dục tiểu yêu bôi bẩn nhà văn, quả là bọn cắn hạt gạo chưa vỡ đôi Người ta chỉ đố kỵ niềm vinh quang của nhà văn mà không chịu cảm thông nỗi nhục nhằn nhà văn phải kiên nhẫn chịu đựng, chịu đựng không ngừng. Và nhà văn làm việc cho ai, tác phẩm của nhà văn để lại cho ai, người ta cứ giả vờ không thèm biết. Rồi mỗi năm bao nhiêu tiến sĩ tốt nghiệp và bao nhiêu năm mới nẩy sinh một danh sĩ, người ta cũng cứ giả vờ không biết. Và nhà văn chờ đợi cái chết vì tác phẩm của mình thì không ai biết. Nhưng cần gì ai biết mình sống ra sao, viết trong những hoàn cảnh nào, nhà văn, có vẻ như kiêu ngạo để không lý tới cái hôm nay. Mà đúng thế, nhà văn đã không lý tới cái hôm nay, cũng chẳng thèm lý tới những phán xét ngu xuẩn của thời nay. Trên sầu đạo và ngược dòng nghịch lũ oan khiên, nhà văn mang tâm sự của con gọng vó, âm thầm bước, âm thầm lội. Và âm thầm đợi chết. Như tôi. Không ai chia xẻ với tôi nỗi sợ hãi cả. Ngày nào đó "thoát chết, bung ra", tôi viết những trang sách ghi lại cảm giác rụng rời của tưởng tượng nỗi chết, cách chết, kiểu chết tính bằng co rút của tế bào, tính bằng héo khô của mạch máu, tính bằng rời rạc của nhịp tim, chắc chắn, tôi vẫn được chiếu cố tận tình bởi soi mói của cú vọ, bởi phẩm bình của quạ diều. Có phải đó là sự trả nghiệp, theo nhà Phật?
o O o
Đặng Xuân Côn chở vợ con lên. Tôi cũng tính xong sổ đời. Thấy chẳng để lại vết tích nào dơ bẩn trên 200 số báo Tuổi Ngọc và suốt 1 5 năm viết văn, làm báo, tôi cam đành đợi chết. Nói cam đành vì tôi thèm sống, sợ chết. Để cực tả, phải viết: Tôi thèm sống vô cùng. Lúc này tôi mới cảm Tư Mã Thiên và phục Tư Mã Thiên. Than ôi, Tư Mã Thiên chịu nhục hình, cố bám lấy cái sống hèn chỉ vì chưa lo xong Sử ký. "Ta hồ văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ Nếu Tư Mã Thiên không chấp nhận hình phạt thiến, không vượt lên sự khinh bỉ của thể nhân mắt trắng, không cô đơn những ngày tháng còn lại, sẽ muôn đời không có Sử ký của Tư Mã Thiên. Kẻ làm việc cho muôn đời chấp nê chi cái lẽ sống hèn, sống hùng. Những đứa chê bai Tư Mã Thiên đều đã chết như cây cỏ. Chúng nó sống hùng lắm, sống hùng miệng lưỡi mà chẳng có gì để lại: Chúng nó chê Tư Mã Thiên sống hèn, sống nhục nhã tội bị thiến, không dám chết giữa pháp trường, nhưng nhờ biết sống hèn, sống nhục, Tư Mã Thiên có Sử ký. Tư Mã Thiên được phục sinh bằng Sử ký. Và bằng Sử ký, Tư Mã Thiên bất tử.
Ông đau vết hoạn lưỡi dao hèn
Từ đó, cung giương một mũi tên
Theo hồn tài tử. tên bay vút
Ngạo nghễ hành tinh Tư Mã Thiên
Những đứa chê ông chết cả rồi
Nhưng ông sống mãi như mây trôi
Hai nghìn năm ngỡ chùng gang tấc
Mảnh đất oan này lại có tôi...
Sử ký và Tư Mã Thiên đã đủ soi sáng thân phận nhà văn và tác phẩm hoàn thành bất chấp nghịch cảnh, bất chấp mọi hoàn cảnh, bất chấp cung cách sống, bất chấp cảnh ngộ sống chưa? Có lẽ, với ngự sử vô học, với "sa đích phê bình văn nghệ rẻ tiền", cần được giáo dục thêm nữa. Tôi không thừa thì giờ nói với hai hạng người vừa kể. Tôi tâm sự với nhà văn. Nhà văn có sức mạnh tuyệt luân. Nhà văn là con người như mọi con người. Y cũng phải chết thôi. Có thểà, y sẽ bị chết theo cung cách Gandhi đã bị chết. Nhưng tác phẩm của y không bao giờ chết. Y có thể chịu hình phạt nhục, chịu phán xét ngu xuẩn như Tư Mã Thiên, như Gheorghiu. Chính sự chịu nhục sống hèn (hiểu theo nghĩa bần tiện của thế nhân mặt trắng) của nhà văn đã làm tác phẩm của y rực rỡ và tác phẩm của y phục sinh y sau cái chết. Nhà văn, có thể, chết thảm như Khái Hưng và Lan Khai. Cộng sản đã nhận chìm Khái Hưng, Lan Khai dưới nước mà không thể nhận chìm tác phẩm của tác giả Hồn bướm mơ tiên, Dọc đường gió bụi, của tác giả Cái hột mận, Lầm than... dưới nước. Cộng sản kiêu ngạo nhất loài người, đầy đủ quyền uy và biết chơi bạo lực mà vẫn ngậm ngùi sợ hãi văn chương - tư tưởng: "Cơ sở giai cấp của bọn phá hoại còn tồn tại lâu dài trong xã hội ta. Khi đã hết giai cấp, thù địch vẫn còn. Vì tư tưởng của giai cấp có sức sống dai hơn giai cấp tính ra nó"*. Nghĩ cũng tội nghiệp cho đám lãnh tụ ễnh ương của quyền uy ảo tưởng và đồ đệ cứ hăm hở đòi hủy diệt nhà văn và tư tưởng của nhà văn. Phải nói rõ rệt là nhà văn cố gắng soi sáng những mê muội của thời đại mình. Thời đại mê sảng, cố tình mê sảng thì người đời sau sẽ làm công việc thương người đời xưa. Nguyễn Du còn ngờ vực, 300 năm sau, có ai hiểu ta chăng, thì nhà văn xá chi những hạch hỏi vô lý, vô nghĩa, vô học, vô ơn của cóc nhái thời thượng. Song, cần thiết, nhà văn phải nhận ra mình, phải nhận ra sức mạnh tuyệt luân của mình và phải biết xử dụng, dám xử dụng sức mạnh đó để chế ngự bạo lực đến từ bất cứ phía nào, ở bất cứ nơi đâu, dẫu sự chế ngự có mang tới những cay đắng nghiệt ngã, những oan khiên ứa máu, những ngộ nhận nứt tim. Và cả nỗi chết. Và luôn sự thèm sống hèn đểà thoát chết. Tôi nghĩ rằng cái cứu cánh biện minh cho cung cách sống chết của nhà văn là tác phẩm y để lại cho đời sống. Trong bộ cassette tưởng mộ Victor Hugo, một vị viện sĩ của Viện Hàn Lâm Pháp quốc đã múa một tuyệt chiêu: "Nước Pháp không được phép nói tha thứ những bê bối trong cuộc đời của Victor Hugo mà phải có bổn phận chấp nhận những bê bối ấy. Vì sự nghiệp văn chương của Hugo đã làm rạng rỡ cho đất nước Pháp và dân tộc Pháp."
Tôi không ở nước Pháp, không là nhà văn Pháp. Georges Simenon viết nhiều, viết khỏe, chẳng cần phải quan tâm văn chương, tư tưởng của Simenon, Jean-paul Sartre đã vinh tôn khả năng sáng tạo của Simenon. Tôi cũng viết nhiều, viết khỏe, thì chỉ nghe Sài gòn dè bỉu và đợi Hà Nội vào tàn sát. Và tôi thèm sống hèn. Để hy vọng có một Sử ký như Tư Mã Thiên.
10 giờ 30. Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng. Đặng Xuân Côn mở radio thật lớn. Tôi lặng người trong giọng nói cơm nguội của Big Minh. Tôi mất miền Nam từ giây phút này.
- Tắt radio đi, Côn?
- Đểà nghe xem còn tin tức gì nữa.
- Hết rồi.
- Chưa.
-Tôi bảo hết rồi. Tắt đi?
Tôi nhìn Côn:
- Có thể ông thoát biển máu. Vợ con tôi cũng có thể thoát biển máu. Tôi thì khó thoát.
Côn an ủi tôi:
- Mày sẽ thoát.
Tôi lắc đầu:
- Khó lắm. Tôi biết tôi. Cộng sản biết tôi. Những kẻ muốn làm tốt đẹp cho xã hội miền Nam sẽ bị quăng xuống biển máu. Nếu ông thoát...
Côn chớp mắt:
- Tao hiểu tao sẽ phải làm gì cho mày.
- Cho vợ con tôi thôi.
-Mày muốn tao sẽ làm gì?
- Đưa vợ con tôi rời khỏi Việt Nam.
Im lặng. Hai chúng tôi nhìn nhau, nước mắt ứa ra. Trong phòng ngủ, hai người đàn bà và những đứa trẻ con khóc nức nở. Tôi biết, cả Sài gòn đang khóc....
NẾU CUỘN BĂNG NHỰA GHI LỆNH ĐẦU HÀNG CỦA DƯƠNG VĂN MINH THẤT LẠC
Mỗi biến cổ lịch sử xảy ra thường kèm theo những chuyện ngoài lề. Và những chuyện ngoài lề được truyền kể, được thêu dệt thành huyền thoại. Một trong những chuyện ngoài lề dưới đây không phải là huyền thoại. Mà là chuyện ở quán cà-phê vỉa hè sau ngày 30-4-1975. Người ta thuật cho nhau nghe, người ta luận bàn và người ta không thèm quan tâm đến cái vô lý của câu chuyện.
10 giờ, Phủ tổng thống gọi cho Đài phát thanh sài gòn, yêu cầu gửi gấp sang một chuyên viên ghi âm. Anh chuyên viên đem máy móc, băng nhựa đến trình diện ông Giám Đốc Nha báo chí Phủ tổng thống. Anh vào phủ bằng lối góc ngã tư Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân - Huyền Trân Công Chúa. Giám đốc Nha báo chí hướng dẫn anh chuyên viên tới phòng họp của Tổng thống. Dương văn Minh đọc lệnh đầu hàng cộng sản tại đây. Kẻ viết lệnh đầu hàng là Lý Quý Chung, Tổng trưởng Thông tin của nội các Vũ văn Mẫu, "danh sĩ" của môn phái Hoa Lan. Dương văn Minh đọc lệnh đầu hàng xong, anh chuyên viên Đài phát thanh đem băng về đài. Anh ta lái chiếc Honda 50. Cuốn băng lịch sử được giao cho phòng phát thanh và được ra lệnh phát vào đúng 10 giờ 30 phút.
Câu chuyện vắn tắt trên đây ví như Kinh Xuân Thu của Khổng Tử. Các vị Đông Lai, các Mao Tôn Cương "phản động" đã "bác nghị", đã "lời bàn" sôi nối.
- Tôi không tin đại sự lại giản dị thế.
-Dương văn Minh hiểu gì đại sự? ông thử nhìn kỹ coi, bọn Minh sún có thằng nào ra cái giống người?
-Tôi nghĩ lệnh đầu hàng trực tiếp truyền thanh.
-Trực tiếp con khỉ! Chúng nó quýnh hét, đâu kịp chuẩn bị. Phải tin tôi, thằng chuyên viên Đài Sài gòn là bạn tôi.
-Là bạn ông à?
-Ừ! Nó lái Honda "chở" lệnh đầu hàng. Tôi tự hỏi, nếu nó bị đụng xe, chết ngỏm, lịch sử sẽ ra sao? Hoặc nó phẫn nộ, vất cha nó cuốn băng ghi lệnh đầu hàng của Dương văn Minh, về ngủ với vợ, lịch sử sẽ ra sao?
-Chắc chắn Sài gòn nổ lớn.
-Nổ lớn, tôi đã mong mỏi. Rốt cuộc, chỉ tại thằng chuyên viên mẫn cán, ngu đần, sợ lệnh lạc mà cộng sản vào Sài gòn ngon ơ. Tức muốn hộc máu mồm.
- Tôi nghe nói cộng sản đã vô Dinh Độc Lập từ đêm trước, chúng dí súng sau ót Dương văn Minh, bắt Minh đọc lệnh đầu hàng.
- Không có vụ ấy.
Nếu câu chuyện kể trên đúng 80%, nếu anh chuyên viên của Đài phát thanh Sài gòn bị đụng xe chết giữa đường Thống Nhất, nếu anh chuyên viên quên Dương văn Minh, quên lệnh đầu hàng về ngủ với vợ, tôi tin chắc rằng lịch sử khác đi một chút. Nó cũng sẽ bị sang trang nhưng không đến nỗi sang trong buồn tủi. Sẽ có máu, nhiều máu của Sài gòn 30-4-1975. Và đó là những dòng máu cần thiết cho Sài gòn ngày mai...