Tôi biết giá trị của thành công: cống hiến, làm việc chăm chỉ, và sự hy sinh không cần bù đắp cho những việc bạn muốn nó xảy ra.

Frank Lloyd Wright

 
 
 
 
 
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1478 / 15
Cập nhật: 2015-12-12 10:51:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Bóng Cây Cho Mai Sau
HẬT KÝ CỦA NGUYỄN VĂN ĐIỀN
Những ngày tháng tư. Bệnh viện Nguyễn văn Trổi
Đối với tôi, ghi nhật ký là điều bất thường. Tôi có điên không đây? Có bao giờ tưởng tượng đến một lúc nào đó mình có riêng một cuốn sổ nhỏ, dấu hết anh em bạn bè, ghi những công việc và cảm nghĩ từng ngày? Mình đã từng ghét cái trò mọn hết sức đàn bà này: một tập giấy xanh, những dòng lưu bút, những cái ảnh cười toe toét hay nghiêm nghị giả tạo, nào "hoa phượng đã nở ở bên thềm vắng" nào "bạn ơi ve đã gọi hè về"...
Tôi có điên không đây? Mày có điên không hỡi Điền? Lập trường của mày đã đánh mất đâu rồi? Còn nhớ không, những lời dạy của Hồ Chủ tịch:
"Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản thật vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao, đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải rửa sạch ảnh hưởng của những tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể".
Phải gạch dưới mấy chữ "rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể." cho nhớ kỹ nghe chưa! Trong cuộc tranh đấu chung, cả tâm hồn và thể xác phải dành cho tập thể. Từ một hơi thở, từ một nắm tay, từ một nụ cười. Còn dành một chỗ riêng tư cho riêng mày, để Nguyễn Văn Điền đối diện với Nguyễn Văn Điền, đọc hết những xao động và ray rứt, những chán chường hay hăm hở của Nguyễn Văn Điền, là còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng giai cấp bóc lột.
Nhưng tuy mắng chửi mình thậm tệ, tôi vẫn tiếp tục viết, viết một cách khổ nhọc. Hơn tuần nay, cơn sốt liên miên hành hạ tôi. tuy nhân viên bệnh viện chích thuốc ngày hai lần bệnh vẫn chưa thấy thuyên giảm. Buổi sáng cùng với mặt trời lên, tôi cảm thấy đôi chút sảng khoái. Đầu óc tỉnh táo. Mắt trông rõ ánh mắt xuyên qua khe lá rừng. Nhưng độ mười giờ cơn sốt bắt đầu kéo đến, làm run rẩy khắp mình, làm ớn lạnh ở xương sống, làm cay đắng cả vị giác. Cơn sốt kéo dài đến xế chiều để rồi vừa húp được chút cháo dằn bụng, đã phải nằm chịu đựng sự ê ẩm rã rời suốt cả đêm. Tôi chỉ có thể viết được vào khoảng thời gian mạnh khỏe ít oi đó. Khốn nỗi sinh hoạt bệnh viện lại hết sức ồn ào nhộn nhịp vào buổi sáng. Y sĩ đi thăm bệnh, y tá đi chích thuốc, y công đi thay chăn, quét tước lau chùi. Giữ một chút riêng trong khoảng chung đụng náo nhiệt này thật khó.
Vậy mà, tại sao tôi cứ viết?
Thú thực, tôi chưa đạt đến trình độ tư tưởng của đồng đội. Tôi còn có những yếu đuối cảm thấy chút gì mong manh mơ hồ, khiến không thể không cầu cứu đến những biện pháp hoàn toàn xa lập trường. Hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy cô độc. Tôi sinh năm 1935, đến nay đã được 30 tuổi đời. Không vợ con bận bịu. Không bạn bè chí thân. Gia đình tôi cách đây không xa. Sáng sáng từ trên bờ hầm nhìn về phương mặt trời mọc, tôi còn thấy được dãy núi cát loang lổ vệt xanh của lá. Từ nhà tôi nhìn về phương Đông, tôi cũng thấy núi cát đó, nhưng thấy rõ cả khóm lá, những đụn cát phẳng, những đường uốn cong kỳ diệu của ranh giới đất đá và thảo mộc. Như vậy là bệnh viện này chỉ cách nhà tôi độ nửa ngày đường. Xa nhà 10 năm, chắc mỗi thứ đã thay đổi hết. Ra đi tập kết theo đoàn thanh niên xung phong, tôi bỏ lại một người mẹ, và bốn đứa em. Không biết bây giờ gia đình tôi thế nào. Chắc chắn họ không còn ở chỗ cũ nữa. Khói từng đụn bốc lên từ phía đông, ai đủ can đảm ở lại mà thi gan với bom đạn!
Tôi bỏ nhà đi tập kết một mình, hoàn toàn lạc loài. Đầu tiên chú Tính rủ tôi vào Tuy Hòa rồi tìm cách vào Nha Trang. "nghe nói trong đó làm ăn dễ, có người mới trốn đi ba tháng đã mua được cái xe đạp đua-ra và cái đèn pin". Chú Tính bảo tôi vậy! Mẹ tôi còn ngần ngừ chưa nhất quyết, vì mùa gặt đến, tôi là con trai trưởng phải gánh vác mọi công chuyện. thiếm Tính tuy bịn rịn tình vợ chồng nhưng không khỏi bị quyến rũ bởi hình ảnh chiếc xe đạp mới có đèn trước đèn sau, vòng ngũ sắc trừ bụi ở trục bánh xe, cái bao yên có những đường ren bằng chỉ điều, đôi tay cầm bằng cao su xanh... Mấy đứa con của chú thì ao ước có cái đèn pin để rọi bắt chim hay chiếu bâng quơ vào khoảng sương đen mỗi đêm, rồi thích thú reo cười. Mùa gặt chưa tới, không thể chờ được tôi, chú Tính lặng lẽ ra đi. Nửa tháng sau, có người quen từ Tuy Hòa về vội đến nhà thiếm thì thầm cái gì đó. Thiếm Tính thoạt nghe đã khóc òa. Lũ con lao xao bu quanh mẹ. Chú có làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến một thời gian, và nhờ thành tích công tác, được xếp vào loại cảm tình viên. Nếu không có những biến đổi đột ngột của chính sách ruộng đất và chủ trương dành mọi quyền chủ động cho thành phần vô sản, chú đã được giới thiệu vào Đảng. Chú bị biên chế, vì thuộc thành phần phú nông bóc lột. Chú tự tin mình đã dứt khoát với kháng chiến, nên mới mạnh dạn vào Tuy Hòa, vùng quân đội Pháp đã tiếp thu và tổ chức lại cơ sở hành chánh. Từ đó, cả gia đình thiếm sống trong khắc khoải. Thiếm bỏ công việc nhà, từ cánh đồng cho tới bếp núc, heo gà, xuống túc trực ở đèo Cù mông để chờ tin chồng. Những tin tức về chú hoàn toàn mơ hồ, đôi khi trái ngược nhau. Có người bảo rằng chính mắt họ thấy người ta chở chú đi Nha Trang. Có người lại bảo hiện chú còn ở Tuy Hòa. Có người bảo tháng trước có một cuộc vượt ngục và cẩn thận rào trước đón sau trước khi đặt giả thuyết: Không biết trong mấy người bị lính bắn chết, có chú Tính hay không! Chưa biết mệnh hệ chú thế nào, cảnh nhà thiếm đã có vẻ tang gia bối rối. Mấy đứa em nhỏ không ai săn sóc, ăn uống dơ dáy, mũi thò lò và mặt mày lem luốc. Đàn gà sổng chuồng qua bươi vườn cải nhà làng xóm người ta đập chết rồi quẳng qua hàng rào mắng vốn. Con heo nái đào hết của người ta mấy luống khoai. Đến khi ông Lượng dưới An nhơn trốn khỏi được một cuộc tàn sát nhờ giả chết, mò được đến bên này chân đèo, vết chém vẫn hằn sâu nơi cổ, thì thiếm Tính không còn hy vọng gì về chú nữa. Chính quyền đem ông Lượng đi bêu riêu vết thương hết quận này đến quận khác, và tuy cổ còn quấn băng, ông cũng cố gắng tả sơ sài cho các cán bộ còn do dự nghe diễn tiến của đêm hãi hùng. Một cách vô tình ông có nhắc đến tên chú Tính và xác nhận chú đã bị "mò tôm". Nỗi đau đớn được chuẩn bị kỹ càng, đến độ khi nhiều người cùng xác nhận cái chết của chú, thiếm và mấy em chỉ ngẩn ngơ đôi chút rồi im lặng chịu đựng một số phận đã an bài. Thiếm không khóc, hình như nét mặt thiếm bình thản hơn, như đã tìm thấymột giải thoát khỏi nỗi ray rức băn khoăn nào đó. Thiếm lặng lẽ mua vải sô xé khăn tang cho gia đình, lặng lẽ lập hương án, lục tìm bức ảnh cũ nhập nhèm của chú, lồng gương, rồi đặt bàn thờ.
Thứ ba 18 - 4
Hôm qua, viết được nửa chừng thì y sĩ đến. Đành phải dẹp qua một bên. Nay cầm viết viết lại, cảm thấy khó khăn, nhất là câu hỏi này: "Tại sao lại viết ngật ký?" cứ ám ảnh hoài. Sau một đêm rã rời, bây giờ tâm trí mình lại trở về trạng thái mông lung ban đầu. Phải đọc lại hai lần mấy trang hôm qua, mình mới hiểu rõ minhy2 đôi chút.
Ừ, mình đã nói đến cái chết. Cái chết của chú Tính. Khi nghĩ đến điểm cuối, người ta đã cảm thấy cuộc đời hết còn vẻ hào quang huyền diệu ban đầu. Có lẽ bệnh hoạn đã đưa đẩy tôi đến trạng thái ấy. Tuy biết bệnh này chỉ làm hao mòn và ít khi gây những biến chứng đột ngột, như sự rời rã mệt mỏi như cái dốc trơn, chùi mình vào cái hố đen chung chạ: nỗi chết.
Tự tìm hiểu mình là một công việc cực nhọc! Cuối cùng mình đã nghĩ tới chú Tính. Tới cái chết của chú. Tin tức do ông Lượng xác nhận chỉ mới khiến thiếm hết phân vân giữa sống và chết. thiếm bình thản, lo lập bàn thờ, để tang. Nhưng khi nghĩ đến thủ tục "mở cửa mã", "làm tuần", thiếm lại phân vân. Chú mất ngày nào? Rồi hàng năm, phải chọn ngày nào đề làm ngày giỗ kỵ? Không ngờ sự đích xác của ngày ra đi quan trọng quá như vậy đối với những kẻ ở lại. Sự phân vân này làm héo hắt thiếm Tính nhiều và nặng hơn nỗi băn khoăn trước. Thiếm cứ hỏi mẹ tôi:
- Chẳng lẽ mình lấy ngày ổng bị bắt. Họ còn điều tra lâu lắc lắm rồi mới "đem đi". Ổng chưa chết, mình lại đem tế sống?
- Không "làm tuần" chẳng lẽ để hồn ổng vất va, vất vưởng, làm cô hồn? Mẹ tôi đề nghị lấy ngày ba mươi, lễ cúng rước ông bà làm ngày kỵ chú Tính. Thiếm phản đối:
- Dạo Tết ổng còn ở nhà, chọn ngày 30 sao được?
Mẹ tôi lại đề nghị lấy ngày rằm tháng bảy vì lúc đó ông Lượng đã về bên này Cù mông, chắc chắn chú đã mất rồi. Thiếm ngậm ngùi:
- Ổng đứng chung với cô hồn cầu bơ cầu bất, tủi phận quá!
Cuối cùng, dường như suốt tháng chú ra đi đến Tết, ngày nào cũng có thể là ngày kỵ của chú. Gia đình thiếm thường xuyên sống trong sự im lặng, thành kính, vì khoảng thời gian đó, đèn nhang luôn luôn chong sáng trên bàn thờ người đã khuất.
Vết thương sưng đỏ và giọng nói khò khè khó nhọc của ông Lượng tạo thành những phong trào tập kết rầm rộ. Những người có đôi chút dính líu với kháng chiến đều tất tả ra đi. Các bạn bè của tôi lần lượt kẻ trước người sau xuống Qui nhơn. Có gì cuốn hút khiến tôi ray rức! Nét mặt già cỗi của thiếm, cái khăn tang trên đầu mấy đứa em, vườn cải úa và cái chuồng heo xập xệ hư dột sau nhà chú góp một phần lớn vào quyết định của tôi: gia nhập đoàn thanh niên xung phong.
Thứ tư 19 - 4
Cứ tưởng giải thích như vậy vừa đủ để nêu lý do vì sao ghi nhật ký. Nay đọc lại mới thấy chưa có gì rõ ràng. Cái chết của chú Tính chỉ mới thúc đẩy tôi ra Bắc. Ngày nay tôi phải rán tự giải thích rành rẽ, đặt một qui luật. Tôi sợ không còn đủ may mắn rảnh rỗi để dài dòng.
Còn nhiều, nhiều cái chết khác nữa, ngoài cái chết của chú, ngoài nỗi ám ảnh rã rời, đã đưa tôi đi xa lập trường. Tôi tin vậy. Trên đường vào Nam, tôi đã vô tình nhặt được nhiều cuốn nhật ký ghi vội. Có cuốn mỏng manh, giấy ướt và chữ nhòe rơi đâu đó gần chỗ phóng uế công cộng. Có cuốn đã rách nát, mấy tờ đầu hoen chút ít máu và bùn, bị chôn một nửa xuống đất mủn bên các hố bom đọng nước đen và đầy lá mục. Không có cuốn nhật ký nào ghi rõ tên họ và địa chỉ, quê quán của chủ nhân. Với những nhật ký hoen máu, tôi tin chắc, tôi tin chắc người lính nào đó đã chết cách không xa chỗ nước đen hay chỗ vùi cuối cùng của cuốn lưu bút. Dấu tích của người đã khuất bao giờ cũng mang lại vẻ kỳ bí, linh thiêng. Tính mệnh của một người đủ biến mớ giấy nhòe còn lại này trở thành vô giá. Tôi đã tự hỏi: nếu những người thân bên kia sông nhận được kỷ vật này họ sẽ ra sao? Người mẹ nhận ra nét chữ con, người vợ nhận ra nét chữ chồng, hay thơ mộng hơn nữa, người tình nhận ra nét chữ của người tình, đem sa mấy nét "em yêu" trên lá thư xưa với những dòng còn. Tại sao không? Nếu cuốn nhật ký này đến tay người ở lại?
Rút kinh nghiệm, tôi phải ghi rõ tên họ quê quán, đơn vị lên ngay trang đầu. Cứ viết được 10 tờ, tôi ghi lại lý lịch một lần nữa phòng ngừa trường hợp mấy tờ ngoài bị nước mưa hay đất cát làm nhòe mực đi.
Rút kinh nghiệm, tôi ghi rõ ngày tháng. Địa chỉ thì không cần, vì phòng gian bảo mật. Ngày nào có công việc gì, tôi ghi vào nhật ký. Hôm nào bận, hay không có gì đáng ghi, tôi sẽ chỉ ghi ngày tháng để đánh dấu ngày chót còn thấy được ánh sáng mặt trời, còn được lá rừng và đất đá ấp ủ, còn chung đụng với cuộc sinh hoạt hào tráng lẫn bi thảm của xã hội con người.
Chắc chắn những người thân yêu còn lại của tôi không gặp cảnh ngộ của thiếm Tính, sống trong nỗi ngờ vực và khắc khoải của những ngày kỵ liên tiếp tháng này qua tháng nọ. Với tôi, và với những người ở lại, giữa cõi sống và cõi chết, phải có ranh giới rõ ràng, phải có dấu tích làm mốc thời gian.
nhưng, tôi hy vọng cuốn nhật ký này sẽ về đâu? Về những đồng bào miền Bắc xa lạ đã giúp tôi sống trọn cái háo hức, hăm hở những ngày thanh xuân phiêu lưu? Về những bạn bè ở nông trường đã cùng tôi chứng tỏ sức mạnh của ý chí, non cao hạ thấp và vực sâu phải nâng lên, đá xeo đi, cây chặt xuống, để nẩy chồi non khoai bắp? Về những đồng đội tiếp tục băng rừng đi về phương Nam, mất dấu giữa đồi thưa hay rừng già, đột ngột thiếu mặt trong các buổi điểm danh_ trầm ngâm giữa bãi khói nghi ngút? Về người mẹ già tóc ngã màu sương, chắc chắn khuôn mặt hằn dấu ngang dọc lồi lõm của thời gian như vết luống cày trên những đám vàng gốc rạ? Về mấy đứa em, mà bây giờ tôi chỉ còn nhớ lờ mờ một cái miệng cười, một đôi mắt sáng, một giọng khóc the thé, một cái nguây nguẩy hờn dỗi bất bình?
Về đâu? Không biết, nhưng chắc chắn là nó sẽ rơi vào tay loài người, hoặc trước, hoặc sau.
Thứ năm 20 - 4
Tôi vẫn còn nằm bệnh viện, vẫn còn rã rời. Chắc chắn không có gì đáng ghi lại để đánh dấu một giai đoạn bặc nhược về thể xác, xuống dốc về tinh thần. tôi đã gạch chéo các ngày đã qua trong tháng. Ngày nào không viết được tôi gạch lên lịch mà thôi. Còn ngày nào viết tôi sẽ ghi rõ ngay đầu trang. Chẳng lẽ không tìm ra được chút thì giờ gạch chéo một con số? Cứ tin đi Điền, mày sẽ theo sát được cuộc sống từng ngày của mày, như các đồng chí phòng không theo các vị trí máy bay!
Thứ sáu 21 - 4
Cơn sốt có thuyên giảm đôi chút. Hôm qua mãi 12 giờ trưa mới lên cơn. Khoảng 3 giờ chiều đã hết. Nhờ vậy, suốt đêm ngủ được một giấc khá lành, nếu gần về sáng không có tiếng bom nồ liên hồi phía bên kia đồi. Nguyên tắc đặt ra là ghi việc cảm nghĩ từng ngày. Nhưng nằm dí ở đây mãi, có việc gì đâu mà ghi. Khung cảnh vẫn bao nhiêu đó: trần hầm bệnh viện, mùi thuốc sát trùng, y sĩ, y tá, tiếng rên rĩ ban đêm, sự nặng nề chập chờn... Có lẽ mình nên lợi dụng sự rỗng không nhàm chán này để ghin quá về trước. Từ lúc nào? Khi sáng, đang nằm trên giường, một chiếc lá vô tình bay lọt vào cửa hầm. Lá vẫn còn xanh, chỉ có chút vàng khoảng gần cuống. Lá rơi về cội. Lịch sử vô hình đã đẩy tôi về quê nhà. Kỳ lạ lắm! Nên tôi có ý muốn ghi lại sự việc từ ngày bắt đầu "trở về". Mỗi ngày ghi mỗi ít quá khứ và cố gắng ghi nhanh trước khi rời bệnh viện Nguyễn Văn Trổi. Gắng lên chút nghe Điền!
Những dòng ghi ngày thứ bảy 22 - 4
Từ 1958, 1959, đại đội của tôi đã được chuyển hẳn sang công tác nông trường. Số còn lại của sư đoàn 330 vẫn tiếp tục nhiệm vụ quân sự. Khi chúng tôi đến, Nông trường Lam sơn còn là một khu đất đầy cả cỏ dại và những loại cây rừng rậm rạp, gai góc. Công tác phá rừng thật cực nhọc kham khổ. Nhưng khi những cây non lá xanh nhú lên khỏi lớp đất xốp loang lổ tro xám, thay thế cho suốt sườn đồi hoang vu, chúng tôi sung sướng đến ứa nước mắt. Trong vòng mấy năm, 39 đại đội đã biến nơi hoang dã này thành một đồn điền trù phú trồng cà phê cao su, chúng tôi còn nuôi cả trâu bò và gà vịt nữa. Đó là những năm tươi đẹp nhất, vì tôi tìm lại được nếp sống cũ ở miền Nam: lấy cuốc xới gốc bắp, mê mãi ngắm những chồi nõn nà mọng sương mỗi sớm, ngồi trên cổng chuồng nhìn đàn bò nằm nhai lại nhóp nhép, cúc cu vãi lúa cho đàn gà mái đang lo lắng tìm mồi. Trong tận cùng hồn tôi, vẫn có cái gì vương vấn quấn quít với nét đẹp thôn dã. Trừ các buổi sinh hoạt tập thể và công tác lao động, tôi say sưa ngắm cả triền đồi xanh, khung trời cao, nằm dài theo luống cây ngửi mùi đất cát và thảo mộc. Cho đến tháng 9 - 1963, tôi mới xa nông trường.
Nửa đêm hôm đó, tôi được lệnh gọi trình diện Trung đoàn bộ kiêm Ban Chỉ huy nông trường. Trong căn phòng thường ngày làm phòng thuyết trình và học tập gần cả trăm người khác đã có mặt. Chỉ có ngọn đèn gần bục gỗ thắp sáng, chiếu hắt lên cái bàn vuông chất đầy hồ sơ. Mọi người ngồi trên băng, chìm trong bóng tối. Bóng đêm bên ngoài, bóng đêm bên trong, cử chỉ se sẽ và tiếng nói chuyện thì thầm của mọi người tạo một không khí nghiêm trang khác thường. Ai nấy hồi hộp chờ đợi, không hiểu Trung đoàn bộ triệu tập gấp như vậy để làm gì. Từ lâu lắm, gần chín năm trời, chúng tôi mới tìm lại được cái không khí chuẩn bị hành quân gây cấn và phiêu lưu ngày trước.
Vị sĩ quan lạ mặt đại diện Trung ương giải thích:
- Các bạn! Tôi xin trình bày vắn tắt. Không phải vô tình mà trung đoàn bộ mời các bạn đến đây. Trong mấy năm tích cực phục vụ công tác sản xuất, các bạn đã chứng tỏ là những đảng viên trung kiên và ưu tú, có lập trường và đạo đức cách mạng tốt. Các bạn đều còn là những người độc thân, có thể hết mình đảm nhận các công tác mới cho tình thế mới. Nói tóm lại, các bạn là những chiến sĩ chọn lọc cho giai đoạn cách mạng hiện tại. Bắt đầu ngày mai, các bạn nhận nhiệm vụ khác, đòi hỏi sự chịu đựng bền bỉ và sức mạnh ý chí kiên cường. Để bảo đảm sự thành công của công tác, các bạn ở luôn tại đây đêm nay, khỏi cần từ giã bạn bè hay đem theo đồ đạc. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ hành trang. Năm giờ sáng mai xe sẽ đến đây đón các bạn.
Xe đến đón sớm hơn giờ loan báo. Khoảng 4 giờ hay 4 giờ 30 gì đó. Trời hãy còn tối đen và gà chưa kịp gáy. Xe bịt bùng chở chúng tôi đến thẳng Hà đông. Mãi chiều tối, cả đoàn mới dừng lại trước một doanh trại rộng và biệt lập. Điều làm chúng tôi lưu ý nhất là khẩu hiệu thật lớn đập ngay vào mắt tôi, lúc vừa bước chân xuống xe:
"Vì miền Nam học tập, nổ lực để giải phóng miền Nam". Tôi đoán lờ mờ được nhiệm vụ mới, lòng rộn lên một nỗi hồi hộp hân hoan. Chỉ vài giờ sau, tôi đã biết đây là bản doanh của Sư đoàn 338 của tướng Tô Ký, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ đi B 1.
Những dòng ghi ngày chủ nhật 23 - 4
Chương trình thụ huấn quân sự ở đây không có gì khó khăn. Toàn là các bài ôn tập căn bản quân sự cũ: cách chỉ huy, cách huấn luyện tân binh, các kỹ thuật tác chiến. Chúng tôi được huấn luyện thêm về cách sử dụng các loại vũ khí, máy móc Hoa kỳ trang bị cho quân lính miền Nam như: máy truyền tin, máy ngắm pháo binh, máy nổ. Sau các buổi học tập lý thuyết, chúng tôi được thực tập kỹ càng thành thạo, mai sau dùng vũ khí địch tiêu diệt địch.
Tuy nhiên phần học tập chính trị được chú trọng hơn. Trước hết là quan điểm duy vật biện chứng, duy vật sử quan của Marx, giải thích sự tiến hóa của lịch sử nhân loại như tiến trình liên tục của các cuộc đấu tranh giai cấp. Chiến tranh không phải là sự ngẫu nhiên, mà do sự chi phối của yếu tố sản xuất thúc đẩy giai cấp này đấu tranh với giai cấp khác để sanh tồn.
Sau đó là các sách lược của Đảng trong giai đoạn hiện tại: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đi đến xã hội chủ nghĩa. Cuối cùng, nhiệm vụ trước mặt của những người cách mạng tiền phong ( tức chúng tôi) là thấu triệt tình hình cách mạng miền Nam và ý thức sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân.
Những dòng ghi ngày thứ hai 24 - 4
Đáng lý chương trình huấn luyện kéo dài sáu tháng. Nhưng chỉ ba tháng sau vì nhu cầu cấp bách, đoàn 14 của chúng tôi đã bắt đầu vào B. Đoàn gồm 400 người tất cả đều là cán bộ mùa thu 2. Hầu hết là đảng viên, và cấp bậc thấp nhất là trung sĩ, gồm các quân nhân chuyên môn về pháo, đặc công, trinh sát và cán bộ chính trị. Chúng tôi đi xe lửa xuống Quảng bình, vượt Trường Sơn qua Lào, rồi lại men theo Trường Sơn để vào B. Mỗi người được cấp phát một cái võng, hai bộ quần áo, một ba lô, 2 gói thuốc, 3 lạng đường, 2 lạng sữa, 2 gói muối chừng 2 ký. Vũ khí trang bị đủ loại. Tuy đã quen sử dụng vũ khí tối tân của các nước anh em bây giờ, chúng tôi phải dùng lại các loại cũ hồi kháng chiến chống Pháp, DK 75 garant M1, Thompson, Mass 36, trung liên Cock. Cuộc hành trình đầy gian lao, khổ nhọc. Tuy bây giờ chưa có cuộc oanh tạc của B 52 và sự kiểm soát của quân đội miền Nam ở các vùng hẻo lánh biên giới quá sơ sài, nhưng đoàn 14 đã gặp những trở ngại núi rừng dành cho những người tiền phong. Các con đường chưa mòn nên đầy gai góc. Cầu chưa bắt ngang các dòng suối nước xoáy và đá nhọn. Những trạm tiếp vận thiết lập sơ sài, thiếu thốn đủ mọi bề. Theo chương trình, chúng tôi sẽ lấy thêm gạo ở trạm 10. Đến nơi chỉ thấy có một lều gió lộng và đêm phủ đột ngột bên này sườn núi xanh. Đói khát, lạnh lẽo làm hao mòn sức lực nhiều người. Ở mỗi trạm có tiện nghi y tế và chuyển vận, đều có một số anh em dừng lại chờ chuyến hành trình ngược đường.
Đã thế, vì phải tuyệt đối giữ bí mật không cho dân chúng địa phương biết chúng tôi từ miền Bắc vào, nên lệnh trên tuyệt đối ngăn cấm mua bán với dân chúng. Đồ đạc mang trong người từ cái gương, cái lược cho đến tiền bạc áo quần đều sản xuất từ miền Nam. Nói với nhau chúng tôi cũng phải nói giọng Nam, và mỗi người rình rập để bắt bẻ, phê bình những câu, những tiếng Bắc pha trộn nơi lời nói kẻ khác.
Những dòng ghi ngày thứ ba 25 - 4
Lội suối băng rừng suốt 4 tháng, đoàn 14 mới đến được Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Trừ số rơi rớt dọc đường, đoàn chỉ còn lại hơn 250 người sinh quán từ Quảng Ngãi vào đến Khánh Hòa. Chúng tôi được phân chia đi các đơn vị theo quê quán để hoạt động tại địa phương. Tuy nhiên tuyệt đối không ai được tự ý về thăm gia đình. Tôi nghe lệnh với nhiều nỗi đau đớn xót xa. Từ núi Chóp Vung nhìn xuống, tôi nhận ra được con đường ngoằn ngoèo đất đỏ dẫn ra bờ sông, dòng suối chảy dọc theo các bờ đá, ẩn hiện đây đó, trước khi chui qua cây cầu gỗ, cánh đồng rộng từ chân núi đến bãi cát trắng. Tôi còn nhận ra đây là Xóm giữa, kia là Xóm gò, xa nữa là thôn ấp rải rác bám vào hai bên đường cái quan thẳng. Và đây rồi, đúng đây rồi, cái bàu nước đục quanh năm bên trái con mương đôi. Nhà tôi ở sát bên cái bàu đó. Những người bạn khác trong đơn vị cũng một tâm trạng xúc động như tôi. Đêm đêm chúng tôi ngồi vây quanh, vừa nhìn về những đốm sao lửa nhấp nháy ở các thôn ấp dưới kia vừa bàn kế hoạch gây cơ sở cho hạ tầng cách mạng. Không ai được về chính xã của mình, nhưng các đồng đội sẽ mang một số thư và ảnh các người tập kết đến cho thân nhân của họ. Nhìn lại ảnh con, cha, chồng, đọc được lá thư gửi từ Thanh hóa-Hà đông-Vĩnh phúc họ sẽ mừng rỡ và cảm động vô ngần. Đây là cảm tình đầu tiên, nhịp cầu đầu tiên liên lạc với quần chúng miền Nam.
Giữ chức cán bộ Trung đội chiến đấu Tiểu đoàn J 153 thuộc C 59 không đầy một tháng, bệnh sốt rét kinh niên đột ngột kéo đến, hành hạ tôi không ngớt. Đến lúc không thể không có giải pháp nào khác, Tiểu đoàn gửi tôi về đây....
Tiếp theo, nhật ký chỉ có 4 trang trắng ghi lịch bốn tháng 5, 6, 7, 8 / 1964. Ở khuôn lịch tháng 5, 6, 7 các ngày đầu có gạch chéo. Trong tháng 8, người ghi gạch đến ngày 25....
_
Ngày 26 - 8 - 1964
Suốt bốn tháng hành trình cực nhọc không có thì giờ ghi lấy được một chữ. Mình tưởng đánh chéo một ngày là dễ. Không! Khó lắm! Trong các cuộc chiến đẫm máu và gian nan, kề cận với cái chết, nhiều lúc tìm không ra thì giờ riêng tư để gạch một dấu chéo. Đôi lúc cuộc sống sôi động quá, hỗn loạn quá, tuy có thì giờ gạch chéo một ngày, nhưng lúc ấy mình lại cảm thấy thừa vô lý. Người chết đang say ngủ, bạn bè đang im lìm. Cuộc sống tràn trề mà mỏng manh, đến nỗi mình ái ngại nghĩ đến sự ghi dấu hay vạch giới hạn biên cương. Cho nên tuy cầm bút gạch ngược lại các ngày qua, mình vẫn không thể làm y như qui luật: qua một ngày gạch một ngày.
Hy vọng với công tác mới, mình có nhiều thời giờ thanh bình hơn mấy tháng chiến đấu. Ở bệnh viện, đã tưởng dứt khoát được với thần sốt rét. Vậy mà trở lại đơn vị, đôi lúc nó trở về bất ngờ làm run tay súng. Thủ trưởng J 153 phải đề nghị chuyển tôi từ đơn vị chiến đấu về đoàn hậu cần 84.
Ngày 27 - 8 - 1964
Quả thật mình bỡ ngỡ hết sức với công tác mới. Tuy có trình độ văn hóa tương đối khá, tôi lại không chuyên môn về ngành tiếp liệu kinh tài. Có bao giờ nghĩ lúc mình kè kè bao tiền đi mua sắm muối, dầu đèn, gạo thóc, rồi bù đầu với mấy con số cộng, trừ, nhân, chia?
Ngay ngày đầu đã gặp khó khăn, từ phía anh em cán bộ mùa thu lẫn anh em cán bộ mùa đông. Phần đông anh em mùa thu xuất thân từ trường cấp hai trình độ văn hóa khá nhưng thiếu kinh nghiệm và sự hiểu biết về tình hình địa phương. Có người quê quán cũng gần đó, nhưng xa nhà lâu rồi, kiến thức cũ không còn thích hợp nữa. Chẳng hạn có người quả quyết ngay cuối làng có một con mương dẫn về phía sông. Anh em mùa đông cho biết, con mương đó bị lấp từ thời ông Diệm, và bây giờ có một lô cốt của nghĩa quân. Hoặc cái cầu gỗ trước kia giờ đã thành cầu sắt. Bị hố nhiều lần, anh em mùa thu tìm cách chê bai cán bộ địa phương có tinh thần Lương sơn Bạc, hoặc đi xa chủ trương cách mạng. Anh em mùa đông bực tức bảo: Được, chúng tôi dốt nát về cách mạng - nhưng có phải hiện giờ chúng ta chiến đấu để diệt địch không? Mà muốn diệt địch phải "làm thế này, thế này". Trung đoàn bộ đã cho biết các mâu thuẫn, nhưng tôi không ngờ khó giải quyết như vậy.
Ngày 29 - 8 - 1964
Chưa gì anh em mùa thu đã muốn phân công về hoạt động tại quê quán để thăm gia đình. Tôi bảo Song và thường phải làm đơn, rồi cấp trên chuyển về chi bộ xã Vinh An, Xương Phú điều tra cặn kẽ. Phải chờ hai tháng hay hơn nữa, khi nhận được phúc trình các xã đó mới có thể quyết định được. Cả hai đều bất mãn trông thấy. Thường than:
- Hơn mười năm nay hy sinh cuộc đời cho cách mạng, tôi chỉ ao ước nhìn lại khu vườn và mái nhà cũ.
Song thì bảo:
- Khi đã cho người tỉnh nào về tỉnh nấy sao không cho người làng nào về làng nấy để dễ dành xây dựng cơ sở?
Tôi phải đem lập trường ra trấn áp:
- Các cậu đều xuất thân từ hàng ngũ thanh niên xung phong trước khi nhập bộ đội chắc không ai quên hai câu:
Đảng vần, thanh niên: có
Việc gì khó, có thanh niên.
Việc khó khăn gioan khổ còn tự nguyện thiu hành, huống chi là dằn một chút lòng nhớ nhà. Hãy chờ điều tra của địa phương, rồi cấp trên sẽ liệu.
12 - 10 - 1964
Mấy tháng nay công việc điều hòa, không có gì trở ngại. Kế hoạch tỉ mỉ đã do ban kế hoạch và tham mưu trên trung đoàn bộ nghiên cứu. Đại đội C8 và 130 phụ trách an ninh. Ban quân nhu gồm đại đội 139, 212, 332 lo thu mua lúa gạo, tiếp tế lương thực, chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho các đơn vị, phân phát phiếu gạo và phiếu quân trang. Đại đội 212 của mình chỉ lo nhận tiền của ban tài vụ phân phát cho các tổ đi mua, rồi lo chuyển vận số thực phẩm vật dụng mua được nộp cho đoàn 84.
Ở 212, tôi phụ trách Hương tín, C8 cho biết an ninh bảo đảm. Cán bộ và các đại diện các đại đội chiến đấu cử tới họp "hội đồng thu mau" vào sáng nay để định giá gạo.
Đại diện đại đội 335 than phiền:
- Tháng trước chúng tôi lãnh 30 bao, nhưng khi đem về, số ẩm mục chiếm tới 1/3. Anh em than phiền đã chiến đấu kham khổ, còn phải nuốt một loại cơm mốc và nhão.
Đại diện 135 thì bảo:
- Phiếu gạo của đại đội là 500 kg kỳ 1-10 vừa rồi. Vậy mà quản lý xuất kho chỉ chịu cân có 300 kg, lấy có 212 thu mua không đủ số lượng đã ấn định. Chúng tôi lưu ý hội đồng về sự thiếu sót này.
Nhưng gay go nhất là lúc định giá. Cán bộ địa phương mời một cụ già lạ mặt trình bày tình hình mua bán từng quận, cụ bảo:
- Lâu nay dân ở đây chỉ sống hoàn toàn nhờ mấy hột lúa. Trừ lúa giống, lúa để ăn giáp hột, lúa trả công cày, công cấy, dư bao nhiêu họ để dành đó. Nhà sắp có giỗ, họ làm vài vuông đem ra chợ bán lấy tiền sắm sửa. May quần áo cũng lúa, mua đồ ăn cũng lúa. Đó là hạng tương đối dư dả, số này có ít. Số còn lại mang công mang nợ từ năm trước, chờ mùa đến lấy lúa trả, để nợ cứ dây dưa như thế hoài. Tết không có tiền mua thịt cúng rước ông bà, họ cứ xách đại vài phân, mùa tháng ba lấy lúa trả. Đến mùa tháng ba hết tiền trả công cấy, họ hẹn mùa tháng tám. Cho nên số lúa mùa họ dồn hết vào kho mấy nhà giàu cho vay. Bây giờ mặt trận qui định mọi nóc gia nhín lại 10 kg, 20 ký thì nhiều gia đình thiệt tình không có gạo mà nhìn.
Chúng tôi giải đáp:
- Đoàn thu mau của chúng tôi có cả các cán bộ địa phương, nên biết được khả năng của từng nhà. Hơn nữa số gạo tiêu chuẩn cho mỗi gia đình cũng không bao nhiêu, nên chúng tôi nghĩ không có gì thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân.
Cụ già trả lời:
- Làm sao cán bộ địa phương hiểu rõ số lúa mang công mắc nợ của từng nhà được. Đã đành mỗi nhà có bao nhiêu công cấy, gặt bao nhiêu vuông, thì cán bộ biết, nhưng số nợ họ phải trả thì chắc khó biết. Cho nên tôi đề nghị quý ông nghĩ đến việc dài hạn, cho dân vay tiền trả xong nợ nần, và đến mùa họ sẽ trả lại bằng lúa cho mặt trận như hội đồng nhân công đã làm.
Tôi nêu ra thủ tục sổ sách:
Nếu vậy ngược lại, chính chúng tôi lại gặp nhiều trở ngại. Sau khi mua gạo xong, các cán bộ đã nhận tiền của ban tài vụ phải trở về đoàn để làm sổ sách kế toán chứng minh, rồi lại nhận một số tiền khác đi mua. Thành thử không có việc xuất ngân mà không có gạo nhập kho. Nhưng, chúng tôi sẽ ghi điều này vào biên bản và chuyển lên ban kế hoạch nghiên cứu cho các chương trình tiếp trợ dài hạn sau này.
- Lúc định giá lại có sự sai biệt khá xa giữa giá ấn định và thị trường. Cán bộ địa phương cho biết vì tình hình an ninh ở hai quận kia, một số đất đai bị bỏ hoang. Quận lỵ và tỉnh lỵ đã dùng gạo Mỹ nhập cảnh. Do đó gạo lên giá vì thơm ngon dẻo hơn gạo Mỹ. Mặt trận lại chỉ thu mua với giá cũ.
Đại diện đoàn 84 phải dài dòng giải thích về sự gian khổ của cách mạng và sự đóng góp của toàn dân.
Lúc giải tán tôi có hỏi hai cán bộ địa phương về cụ già lạ mặt. Họ trả lời đây là một phụ lão nhiệt thành với cách mạng, rất có uy tín với đồng bào Hương tín. Tôi hỏi: Ai mời? Họ trả lời: Chúng tôi mời, vì như vậy sẽ tăng uy tín của mặt trận. Tôi trách họ không hội ý với tôi trước khi mời cụ già. Họ im lặng, bỏ đi.
26 - 10 -1964
Trong số giấy tờ kế toán đoàn 84 gửi xuống có tờ thông cáo về đơn xin thăm gia đình của Song và Thường, kèm hai bản báo cáo của chi bộ xã Vĩnh An, Xương Phú.
Bản báo cáo từ Vĩnh An ghi:
"Gia đình Trần Văn Song gồm một người vợ tên Lê thị Miễn và hai đứa con. Người mẹ đã chết năm 1960. Lê thị Miễn không còn ở tại Vĩnh An nữa vì đã theo người chồng sau là Lưu Tất, trung đội trưởng nghĩa quân phòng thủ chi khu lên ở quận lỵ. Trong hai đứa con, đứa trai đầu con của Trần văn Song hiện học sửa xe gắn máy trên quận. Đứa sau con gái là con của Lưu Tất".
Bản báo cáo từ Xương Phú ghi:
"Gia đình của Lê Thường hiện vẫn ở tại Xương Phú. Cha mẹ đương sự vẫn làm nghề nông, về phương diện chính trị không có gì đáng nói. Nhưng hai em trai của Lê Thường là Lê Di và Lê Bé đều là lính nhảy dù. Lâu lâu hai người này có gửi tiền và thư về xã".
Tôi trả lại hai tờ đơn với lời phê: không đồng ý của Trung đoàn bộ cho Song và Thường. Cả hai đều hỏi lý do. Tôi cho xem báo cáo địa phương. Họ xem xong, im lặng hồi lâu rồi bỏ đi.
5 - 3 - 1965
Đây là chuyến chuyển gạo thành công thứ 8. Tôi nhớ rõ thứ tự, là vì từ ngày về đây, việc chuyên chở của đoàn hậu cần gặp trở ngại ngày càng nhiều. Năm trước, lúc mặt trận kiểm soát được hầu hết vùng thôn quê vây quanh quận lỵ nhất là về ban đêm, thì việc chuyển lương thực và vũ khí quá dễ dàng.
Phương tiện chuyên chở của đoàn 84 lúc đó là xe bò, ghe máy. Xe bò của dân địa phương, chở thuê gạo cho mặt trận. Hễ chở một bao gạo trong khoảng hai cây số rưỡi thì được trả 50 đồng. Tư nhân chuyên chở là thành phần tốt đã được hội đồng nhân công địa phương giới thiệu. Những thành phần nghèo có lý lịch tốt được ban tài vụ cho vay tiền theo đề nghị của hội đồng nhân công để họ mua bò trả góp, dùng vào việc chuyên chở.
Đoàn 84 cũng đã có thời tổ chức các đội xe bò cơ động đặt dưới sự chỉ huy của liên đoàn trưởng. Đội gồm các cổ xe có phận sự chở vũ khí đạn dược đến bất cứ nơi nào, kể cả tiền tuyến.
Gặp mùa nước lớn, đoàn cũng dùng xe chở gạo từ An Sơn đến Hương Tín, thường đi ban đêm, giá mỗi bao là 100 đồng.
Bốn tháng sau ngày tôi về, tình hình an ninh không như trước nữa. Địch đã thường xuyên kiểm soát con đường cái quan cắt ngang quận. Cả trung đoàn địch đã hành quân thường xuyên bên kia sông và đặt các đồn bót sang cả bên này. Xe bò không còn dùng được nữa vì vừa chậm chạp, vừa lộ liễu. Ghe máy gây tiếng động ban đêm nên chỉ có thể chở bằng các xuồng nhỏ nép sát bên các rặng dừa nước. Tuy vậy trong chuyến chuyên chở thứ 5, hai xuồng gạo không thoát khỏi ánh đèn pha trên cầu, và bốn người đã hy sinh.
Từ cả tháng nay, các trung đội chủ lực phải phân tán thành các tổ 5, 6 người, sống ẩn núp trong các hầm che bằng cây rừng. Các tổ này ban đêm lãnh tiền của trung đội mua gạo giao lên đại đội, rồi đại đội chuyển lên khu. Nhưng thực tế, các tổ mua gạo được quá ít không đủ cho các chiến sĩ trong tổ ăn, nên đoàn thực sự không còn làm công việc tiếp tế. Tình trạng ấy gây ảnh hưởng lớn cho cuộc chiến đấu chung.
Chỉ còn có trung đội phụ nữ là thu mua đắc lực, nhờ ngụy trang đem tiền vét gạo ở chợ. Bên nam phụ trách việc chuyển gạo từ các nơi về kho Hương Tín, rồi vượt ngang quấc lộ đem vào rừng chuyển sâu lên khu.
7 - 3 - 1965
Đã họp trung đội hậu cần xong, phân công tỉ mỉ công việc của từng người để chuyển gạo từ kho 8 vượt ngang đường cái quan. Có thể gặp các trở ngại sau đây:
- Cái đèn pha trên cầu gỗ bắt ngang qua suối chiếu xa về địa diểm ấn định.
- Sự ồn ào bất cẩn đánh thức tiểu đội gác cầu dậy.
- Xe trên quận đột ngột chạy về tỉnh lỵ.
Đây là các tiên liệu khó gặp, vì nhiều người đã am hiểu thói quen sinh hoạt trên con đường này. Lần chuyên chở gạo thứ 9 sẽ không có gì trở ngại. Tôi tin như vậy.
° ° °
Trung úy Tịnh lật tiếp mấy trang sau của cuốn nhật ký tù binh số 59.5326 Nguyễn văn Điền, nhưng không thấy gì. Cái bìa sau đã bị rách mất, và trên hai trang giấy trắng bên ngoài, dầu nhớt, bụi và hình như có cả máu khô nữa, loang lổ đây đó.
Trung úy bỏ cuốn nhật ký vào xấp hồ sơ, lơ đãng nhìn vào mảnh giấy trắng trên mặt bàn. Làm gì đây? Tóm tắt cách nào?
Lệnh của Thiếu tá là vắn tắt cho biết quá trình hoạt động của năm tù binh sách động cuộc tuyệt thực chiều kia trong đó có tù binh 59.5326. Bản báo cáo phải trình lên trước 5 giờ chiều để mang ngay lên sư đoàn. Tin tức về xách động trong trại đã lan truyền ra ngoài gây phiền phức không nhỏ cho ban chỉ huy trại: đài BBC loan tin, báo chí khai thác, hồng thập tự cử đại diện đến thanh sát, còn các cú tê lê phôn từ mọi nơi tới tấp gọi đến. Tất cả tin tức bên ngoài đều phóng đại tầm quan trọng của biến cố. Thiếu tá trại trưởng bị đặt vào cái thế phòng vệ nên cấp tốc cho ban an ninh, một mặt kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động trong trại, một mặt sưu tập hồ sơ, dữ kiện để nếu cần, trình bày trước tất cả những đại diện báo chí hay truyền thanh, truyền hình.
Nhưng đọc xong cuốn nhật ký, Tịnh không biết phải tóm tắt thế nào, phải xếp 59.5326 vào loại cứng đầu ngoan cố hay loại vô hại? Tịnh chỉ còn thấy, chỉ còn nhớ những hình ảnh không mấy quan trọng của cuộc đời Điền. Hình ảnh mấy đứa bé lấy đèn pin chiếu vào màn đêm rồi vui thú reo cười, hình ảnh người vợ chịu đựng, trang nghiêm thành kính thường xuyên suốt mấy mùa giỗ kỵ, hình ảnh những chồi non mộng sương mai trên triền đồi xanh, hình ảnh đồng nội bao la, dòng sông uốn khúc dưới tầm mắt người đứng trên chóp núi cao, hình ảnh cái bàu bên con mương đôi và nhà cửa rải rác bám dọc bên con đường cái. Những hình ảnh đó đập sâu vào trí nhớ Tịnh, vì tuy không sinh trưởng nơi đây, Trung úy cũng cảm thấy quê hương mình có đủ các nét phát họa trên kia. Tịnh đã đi nhiều, lê gót khắp bốn vùng chiến thuật. Trừ cảnh vật hai vùng 3 và 4, còn thì làng xóm, cây cối, nhà cửa, đường sá các tỉnh dọc Trường sơn không khác nhau bao nhiêu. "Quê hương xứ dân gầy" chỉ có cái bao la của sông núi và cuộc sống nhọc nhằn của dân cư rải rác, vừa bám vào đất đá cằn cỗi, vừa bám vào các trục lộ an ninh để giữ liên lạc với xã hội văn minh.
Tịnh băn khoăn: Có nên làm cho xong chuyện bằng cách báo cáo theo lời biên niên. Năm đó tháng đó, đương sự làm chức này. Năm đó, tháng đó, đương sự làm chức kia. Tập kết năm nào, hồi kết năm nào? Tịnh cảm thấy mình có tội nếu có ý dập xóa hình ảnh một cuộc đời, ép cho nó vào cái khung tiêu chuẩn đơn giản.
Đồng hồ tay đã chỉ 4 giờ rồi; đối với hồ sơ của 4 tù binh kia, vì chỉ có các câu hỏi và câu trả lời của Trung tâm thẩm vấn nên tóm tắt dễ dàng. Câu hỏi xếp đặt theo khuôn có sẵn, và dĩ nhiên câu trả lời cũng gọn ghẽ bó mình trong cái khung ấy. Mọi người Tịnh chỉ bỏ 10 phút là đánh máy xong bản tóm tắt. Chỉ có trường hợp của Nguyễn văn Điền là rắc rối, đặt Trung úy vào một trạng thái xao xuyến ít thấy. Trong tâm hồn Tịnh, cũng có cái vương vấn quấn quít với nét đẹp thôn dã. Tịnh cũng say mê những triền núi xanh, những khung trời cao, những cành cây ngọn cỏ mỗi loại tỏa ra một mùi thơm quyến rũ. Cậu bé Tịnh cũng đã trải suốt quãng đời thơ ấu bên những bờ bàu, khi thì hái bông súng, khi thì chịu đựng ánh nắng chói chang để chăm chăm nhìn cái phao động đậy trên mặt nước rong rêu. Cậu bé Tịnh cũng đã hái những bông cỏ thả cho gió thổi trên đường cái quan hay đứng bên đường hò hét ghen tương tới các chuyến xe chạy về thành phố.
Làm sao bây giờ? Tịnh tìm tiếp các bản báo cáo liên quan tới Điền: một bản phúc trình của chi khu về cuộc phục kích bên cầu nước xanh đêm 7-3-1965.
"...một trung đội nghĩa quân đã phục kích thành công một lực lượng địch không rõ quân số tại vùng 4 cây số phía đông nam Hương Tín. Kết quả có 11 tên địch bị hạ sát tại chỗ, tịch thu bốn khẩu carbine, 3 AK, một số lựu đạn nội hóa và đạn dược cùng hơn hai tấn thực phẩm nhiên liệu gồm muối, dầu hôi, cá khô. Số còn lại tẩu thoát, bỏ tại trận một tổ trưởng và một trung đội trưởng bị thương nặng. Quân ta hoàn toàn vô sự".
Một xấp hồ sơ bệnh trạng từ quân y viện gửi tới, chứng nhận đương sự bị đau ở ruột và cánh tay. Xương tay bị nát không thể băng bột được nữa, vả lại thịt quanh vết thương đã thối nên phải cưa đến cùi chỏ. Vết thương ở bụng đã hoàn toàn bình phục, không tác hại cho bộ phận tiêu hóa.
Cuối cùng là các bản thẩm vấn và ý kiến ban an ninh các trại giam khác. xác nhận đương sự thuộc thành phần có thiện chí, không có gì đáng phàn nàn hay đáng lưu ý về phương diện chánh trị.
Lúc 4 giờ 30. Trung úy Tịnh đánh lấy các bản thẩm vấn cũ tóm tắt theo mẫu có sẵn quá trình hoạt động của 59.5326, rồi vội vã thu xếp giấy tờ đem lên văn phòng Thiếu tá lúc 5 giờ giờ kém 10.
° ° °
Ở đây buổi xế đột ngột về lúc 5 giờ rưỡi. Trại ở sát chân núi, nên ánh nắng vừa chói chang đó, một lúc sau, bóng tối đã men tìm đến. Trung úy Tịnh rời văn phòng Thiếu tá trưởng trại trở về căn nhà ván dành riêng cho các sĩ quan trực. Thiếu tá đã đọc kỹ bản báo cáo. Ông nói. "Rõ ràng lắm rồi. Cảm ơn anh". Tịnh định nói thêm về trường hợp Nguyễn văn Điền, nhưng ngập ngừng ậm ừ một lúc lại thôi. Thiếu tá chăm chú làm việc, ngước lên vẫn thấy Trung úy an ninh ngồi chỗ cũ, ngạc nhiên hỏi:
- Trung úy có việc gì cần tôi nữa không?
Tịnh phải đứng vội dậy, nghiêm người chào viên chỉ huy trưởng, rồi bước nhanh khỏi văn phòng.
Một tù binh cụt tay đang cầm cái cuốc nhỏ vụng về xới gốc cây me tây lá bắt đầu xếp ngủ cao lối một thước. Bên cạnh là thùng nước tưới, Trung úy Tịnh đã khó nhọc lắm mới xin được mấy cây me này dưới sở Thủy Lâm và cho trồng một dãy trước mặt doanh trại chỉ huy. Lúc Trung úy đi qua, người tù binh liếc nhìn, khẽ chào, nên vô ý lưỡi cuốc bổ vào gốc cây. Trung úy hốt hoảng:
- Sao anh vô ý thế? Coi lại xem bị đứt gốc chưa?
Người tù binh giọng phân trần:
- Xin lỗi Trung úy, tôi làm việc bằng tay trái vẫn chưa quen, chỉ mới phạm sơ sài ngoài vỏ thôi.
Trung úy cuối xuống gốc, thấy đúng như lời người tù binh. Lưỡi cuốc cùn, tay của người tù binh lại yếu. nên vết đứt chưa phạm sâu vào trong. Tịnh lấy cây cuốc xới giùm người tù. Đất sét cứng lẫn lộn nhiều viên sỏi lớn, kêu rào rào sau mỗi nhát cuốc. Lúc xới xong Tịnh bảo:
- Anh tưới nước nhiều nhiều chút. Hôm qua trời nóng, đất khô cằn trở lại rồi.
Người tù binh đến bên thùng nước dùng tay trái xách nước đến bên hố cây, đặt thùng xuống đất, rồi nghiêng nhẹ cho nước chảy từ từ. Trong một lúc vụng về, nước tạt mạnh tràn ra ngoài lề đường. Trung úy định cáu, nhưng thấy bàn tay người tù run run chịu đựng sức nặng thùng nước, nên lại thôi.
Tịnh vẫn ngồi dưới gốc cây, ngước nhìn lên mặt người tù Tịnh thấy quen quen. Hình như mình đã gặp người này nhiều lần rồi. Trung úy nghĩ vậy, ngơ ngẩn suy nghĩ trong khi người tù vẫn khom mình tiếp tục tưới nước. Khi nhìn thấy con số trên ngực áo nâu, Tịnh hoàn toàn nhớ lại, Tịnh hỏi:
- Số của anh đúng là 59.5326 chứ?
- Vâng, số 59.5326.
- Anh tên Nguyễn văn Điền?
- Vâng.
Tịnh nhìn kỹ nét mặt Điền. Khuôn mặt xương xẩu, da đen mắt nhỏ, đôi môi dày và cằm hơi lẹm. Tịnh thất vọng tìm thấy sự tương phản giữa tâm hồn và ngoại diện một con người. Tịnh nhìn kỹ hơn vào đôi mắt của người tù. Không có gì đặc biệt: hơi lờ đờ buồn hiu, gân máu làm cho tròng trắng ngã sang màu vàng đục, khiến thiếu hẳn vẻ tinh anh.
Trung úy hỏi:
- Anh thuộc loại nan y tàn phế, sao hôm qua không xin về?
Điền trả lời:
- Thôi, về ngoài đó làm gì. Bắc Nam một nhà. Tôi ở lại đây cũng như về khác gì đâu.
Tịnh thấy nét mặt Điền thản nhiên, giọng nói đều đặn, nhạt nhẽo. Điền đã tưới xong, và hình như đang chờ Tịnh ra đi để tiếp tục xới cây khác. Đột nhiên Tịnh nói:
- Tôi vừa đọc tập nhật ký của anh.
Điền có vẻ xúc động, quay lại nhìn thẳng vào Tịnh. Tia sáng xa lạ lóe lên ở trong cái nhìn ấy.
- Tôi tưởng đã thất lạc lúc bị phục kích. Ở nhà thương tôi lục tìm trong quần áo không thấy nó. Sau mới nhớ là đang mặc bộ đồ bệnh viện.
- Đọc xong, tôi chỉ còn nhớ đến mấy hình ảnh vụn anh ghi: vệt đèn pin quất qua quất lại giữa đêm, tiếng cười của trẻ thơ, chồi non đọng sương trên đồi, cái bàu bên con mương đôi, nét mặt chai lì héo hắt của người thân. Quê hương tôi cũng có hình ảnh đó.
- Tại tôi xa chúng nên thấy vẻ đẹp. Gần mười lăm năm rồi. Đôi lúc tôi sợ chết già vẫn không nhìn lại được cảnh cũ.
Tịnh đặt lại câu hỏi trước:
- Anh vẫn có thể về, nếu muốn. Những tù binh xâm nhập nhưng quê quán tại miền Nam có thể xin trở về quê quán thay vì trở lại Bắc.
Điền trầm ngậm, liếc nhìn Tịnh một lúc như dò xét rồi mới nói:
- Thôi ở lại đây cho xong. Mặc cho số phận!
Cả hai người đều im lặng, và đều cảm thấy bức rức khó chịu trong sự im lặng nặng nề. Tịnh nói lảng trước:
- Anh thấy mấy cây me này mau lớn không? Tàn của nó rậm lá và xanh tốt.
- Thường thường người ta không trồng me tây. Lá nó rụng làm dơ sân. Phải chăm quét luôn. Hơn nữa buổi chiều lá me xếp lại trông như cây héo. Thảm đạm lắm!
- Càng thích hợp với ánh chiều, có sao đâu!
- Nhưng ở quê tôi, chung quanh nhà đã đầy cả táo nhơn cũng thuộc loại cây lá ngủ. Chiều đã buồn, cây cối lại ủ rũ hết, chịu sao nổi. Dân miền tôi thường trồng cây bàng, hay cây vông. Nhất là cây vông, nhờ nhiều gai, trẻ con ít leo lên phá phách.
Điền dừng lại rồi ngập ngừng hỏi:
- Loại me tây này lâu lớn. Muốn có bóng mát ít ra phải mười năm. Thường thường muốn cho mau, người ta trồng trứng cá. Một mai hòa bình, vùng đất này hoang phế, còn ai ở đâu mà Trung úy trồng me?
Tịnh suy nghĩ, rồi nhìn Điền. Vẻ bơ phờ, lạnh lẽo không còn nữa trên gương mặt đã bắt đầu chìm trong bóng tối, Tịnh chậm rãi trả lời:
- Biết đâu đấy: Lúc ấy cái trại này không còn, vùng đất này cỏ mọc. Cả khu gia binh ngoài kia cũng phân tán đi xa. Nhưng dưới gốc cây này biết đâu không còn có một người thợ rừng nằm ngủ.
Nguyễn Mộng Giác
--------------------------------
1 B tức là chiến trường miền Nam.
2 Cán bộ mùa thu: các cán bộ tập kết ra Bắc, rồi hồi kết hoạt động ở miền Nam.
Qua Cầu Gió Bay Qua Cầu Gió Bay - Nguyễn Mộng Giác Qua Cầu Gió Bay