Số lần đọc/download: 6031 / 199
Cập nhật: 2023-09-04 21:33:35 +0700
Chương 4 : Pippi Đến Trường
C
ố nhiên là Thomas và Annika đi học. Sáng nào cũng vậy, chưa tới tám giờ là chúng đã cắp sách, dắt tay nhau rảo bước đến trường.
Đó là lúc Pippi thường bận bịu với việc chải lông cho con ngựa hay mặc cho ông Nilsson một bộ cánh bé xíu. Không thì nó tập thể dục buổi sáng bằng cách chống hai tay xuống đất trồng cây chuối thẳng tắp rồi lộn một lèo bốn mươi vòng liền. Sau đó nó sẽ ngồi vào bàn ăn và nhẩn nha nhấm nháp một cốc tướng cà phê cộng với chiếc bánh mì kẹp pho mát.
Lần nào cũng vậy, hễ lên đường đi học, Thomas và Annika lại thèm thuồng ngó vào Biệt thự Bát nháo. Chúng ước gì được vào trong đó chơi với Pippi. Nếu mà Pippi cùng đến trường như chúng thì còn đỡ.
“Thử tưởng tượng cả lũ cùng tan học về nhà có phải vui biết bao nhiêu không?” Thomas nói.
“Ừ, cả lúc cùng đến trường nữa.” Annika cũng nói.
Càng nghĩ chúng càng thấy chán vì Pippi không đi học, cuối cùng chúng quyết định sẽ thuyết phục nó đến trường.
Một chiều nọ, sau khi xong xuôi bài tập, Thomas cùng với Annika sang biệt thự Bát nháo thăm Pippi, và Thomas ranh mãnh bảo Pippi: “Cậu không biết chúng tớ có một cô giáo đáng yêu đến thế nào đâu.”
“Giá cậu biết ở trường vui thế nào.” Annika xuýt xoa “Tớ sẽ phát điên lên mất nếu tớ không được đi học.”
Pippi đang ngồi trên ghế, rửa chân trong chậu. Nó không nói gì, chỉ ngó ngoáy các ngón chân khiến nước bắn ra tung toé.
“Mà cũng chẳng phải ở trường lâu la gì, chỉ đến hai tiếng thôi,” Thomas tiếp.
“Đúng đấy, rồi còn được nghỉ lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh và nghỉ hè nữa,” Annika phụ hoạ.
Pippi cắn các ngón chân cái vẻ suy nghĩ, nhưng vẫn ngồi im. Bỗng nó cả quyết hắt cả chậu nước xuống sàn khiến ông Nilsson ướt sũng, chả là ông đang ngồi đấy nghịch một cái gương.
“Thật bất công,” Pippi nghiêm khắc nói, không thèm bận tâm đến vẻ hoang mang vì bất ngờ dính nước của ông Nilsson. “Tuyệt đối bất công, tớ không chịu để vậy đâu!”
“Bất công cái gì cơ?” Thomas hỏi.
“Bốn tháng nữa là Giáng sinh, và các cậu sẽ được nghỉ Giáng sinh. Thế còn tớ, tớ sẽ được cái gì nào?” Giọng Pippi rầu rĩ. “Không được nghỉ Giáng sinh,” nó nói giọng oán thán. “Phải thay đổi thôi, ngày mai tớ sẽ bắt đầu đi học.”
Thomas và Annika hoan hỉ vỗ tay.
“Hoan hô! Chúng tớ sẽ đợi cậu trước tám giờ ngoài cổng.”
“Không, không,” Pippi đáp, “tớ không bắt đầu sớm thế được đâu. Thêm nữa, tớ sẽ cưỡi ngựa đến trường.”
Và nó làm thế thật. Đúng mười giờ sáng hôm sau, Pippi nhấc con ngựa ra khỏi hành lang, và chỉ một chốc sau, tất cả dân thị trấn đã ùa cả ra cửa sổ để ngó xem con ngựa nào vừa vọt qua. Kỳ thực chỉ là Pippi đang vội vã đến trường, nó phi nước đại điên cuồng nhất. Cô bé lao vào sân trường, nhảy phắt xuống đất trong khi con ngựa vẫn còn phi, rồi nó buộc ngựa vào một thân cây và giật tung cánh cửa lớp khiến Thomas, Annika và đám bạn cùng lớp nhảy dựng khỏi ghế.
“Xin chào,” Pippi kêu lên, tay vẫy vậy cái mũ to đùng của nó. “Tớ đến kịp giờ học nhép nhân chứ?”
Thomas và Annika đã kể với cô giáo là sẽ có một cô bạn mới tên gọi Pippi Tất dài vào lớp học. Và cô giáo cũng đã nghe những bàn tán về Pippi trong thị trấn nhỏ. Bởi là một người rất đáng mến và tốt bụng, cô quyết định sẽ làm tất cả để Pippi yêu thích trường lớp.
Pippi ngồi phịch xuống một cái ghế trống, chẳng đợi ai mời. Nhưng cô giáo không bận tâm đến thái độ bất nhã ấy. Cô chỉ nói hết sức thân mật:
“Hoan nghênh em đến trường, Pippi bé nhỏ. Cô hy vọng em sẽ thích trường lớp và học được thật nhiều.”
“Vâng, còn em hy vọng được nghỉ Giáng sinh.” Pippi đáp. “Vì thế mà em đến đây, công bằng là trên hết, cô biết đấy.”
“Bây giờ em có thể vui lòng cho cô biết tên họ của em, cô sẽ ghi tên em vào danh sách lớp.”
“Em tên là Pippilotta Viktualia Rullgardina Krusmynta, con gái Efraim Tất dài, ái nữa của thuyền trưởng Efraim Tất dài, người từng là nỗi kinh hoàng của các đại dương, giờ là vua của người da đen. Pippi thực ra chỉ là tên gọi thân mật của em, vì theo bố, tên Pippilotta quá ư là dài.”
“Ra thế,” cô giáo nói. “Vậy chúng tôi cũng sẽ gọi em là Pippi. Nhưng em nghĩ sao, chúng ta thử xem xem khả năng của em đến đâu nhé. Em đã là một cô gái lớn, và chắc hẳn đã biết được vô số điều. Có lẽ ta nên bắt đầu với môn làm tính. Nào, Pippi, em có thể cho cô biết Bảy cộng Năm bằng mấy không?”
Pippi ngạc nhiên và bất bình nhìn cô giáo. Đoạn nó nói: “Này, nếu chị không tự tìm hiểu để biết lấy thì cũng đừng có tưởng em sẽ bảo cho chị.”
Cả lớp thất kinh, trố mắt nhìn Pippi. Còn cô giáo giải thích cho nó rằng ở trường học sinh không được phép trả lời như vậy. Học sinh cũng không thể gọi cô giáo bằng chị, mà phải gọi bằng cô và thưa gửi đàng hoàng.
“Em vô cùng xin lỗi,” Pippi hối hận nói. “Em không biết, em sẽ không làm thế nữa.”
“Phải, cô hy vọng như vậy,” Cô giáo nói, “Còn bây giờ, cô muốn cho em hay rằng Bảy cộng Năm bằng Mười hai.”
“Đấy nhé” Pippi nói, “chị biết hẳn hoi.Thế sao chị còn hỏi? Chết, em ngu quá, em lại gọi chị bằng chị rồi. Xin lỗi chị,” nó nói và tự véo tai mình một cái rõ đau.
Cô giáo quyết định bỏ qua chuyện ấy, tiếp tục cuộc sát hạch.
“Nào, Pippi, theo em thì Tám cộng Bốn bằng bao nhiêu?”
“Khoảng Sáu mươi bảy gì đó,” Pippi đáp.
“Sai rồi” Cô giáo nói, “Tám cộng Bốn bằng Mười hai.”
“Không, chị gái bé bỏng ơi, như thế này thì thật quá lắm,” Pippi đáp. “Chị vừa mới bảo Năm cộng Bảy bằng Mười hai xong! Phải có vần điệu chứ, ngay cả ở trường cũng vậy. Thêm nữa, nếu chị thấy vui thú một cách trẻ con với những thứ ngốc nghếch như vậy,sao chị không tự mình ngồi vào một góc mà tính, để bọn em còn chơi trò đuổi bắt với nhau? Thôi chết, em lại gọi chị rồi!” Pippi kinh haĩ kêu lên. “Chị có thể tha lỗi cho em lần này là lần cuối không? Từ nay về sau em sẽ cố nhớ điều đó.”
Cô giáo nói rằng cô rất muốn bỏ qua cho Pippi. Nhưng cô không tin việc dạy toán cho Pippi sẽ mang lại một kết quả gì. Và thay vì hỏi Pippi, cô quay sang những đứa khác.
“Thomas, hãy trả lời cô câu hỏi sau: Nếu Lisa có bảy quả táo, Axel có chín quả táo, cả hai bạn sẽ có mấy quả táo?”
“Ừ, nói đi Thomas,” Pippi xen vào. “Rồi cậu còn có thể bảo luôn cho tớ biết, vì sao Lisa bị đau bụng và Axel còn đau nặng hơn nữa, lỗi tại ai và chúng đã vặt trộm táo ở đâu.”
Cô giáo cố làm như không hề nghe thấy, cô quay sang Annika. “Bây giờ đến lượt em, Annika, Gustav cùng các bạn đi chơi xa. Khi đi cậu bé có một đồng, khi về còn bảy xu. Vậy cậu bé đã tiêu mất bao nhiêu?”
“Ô, hẳn nhiên rồi,” Pippi nói, “Và em muốn biết tại sao nó tiêu hoang thế, nó có mua nước ngọt không, và trước khi ra khỏi nhà, nó có chịu ngoáy tai cẩn thận không.”
Cô giáo quyết định ngừng giờ toán. Cô nghĩ có thể môn tập đọc sẽ đem lại cho Pippi nhiều thú vị hơn. Cô giơ lên một bức tranh nhỏ rất đẹp có vẽ một con cá. Ngay trước mũi con cá là chữ C.
“Pippi, bây giờ em sẽ thấy một điều hết sức thú vị,” Cô nói nhanh. “Đây, em nhìn xem, một con cá nhé, và chữ cái trước con cá này là chữ C.”
“Dào, em chả đời nào tin.” Pippi nói. “Cứ như em thấy thì nom nó chẳng khác gì một nửa quả trứng. Nhưng em thật sự muốn biết con cá thì có liên quan gì đến quả trứng vỡ ấy.”
Cô giáo bèn giơ bức tranh khác vẽ một con rắn, và bảo Pippi rằng chữ cái trước con rắn là chữ R.
“Nhân thể nói chuyện con rắn,” Pippi nói, “tớ sẽ chẳng bao giờ quên cái đận tớ đánh nhau với con rắn khổng lồ ở bên Ấn độ. Một con rắn đến là kinh, các cậu chẳng tưởng tượng nổi đâu, dài Mười bốn mét nhé, và dữ như ong vò vẽ. Ngày nào nó cũng nuốt chửng năm người Ấn Độ, và tráng miệng hai đứa trẻ con. Một lần nó định dùng tớ để tráng miệng, nó vờn quanh tớ, xì…ì, nhưng …. “Đây đã từng là người đi biển nhé,” tớ nói thế và nện thẳng vào đầu nó, bum ……, thế là nó phun phì phì, tớ táng thêm cú nữa, bum…., và ái chà chà, nó ngoẻo, thế đấy, à vâng, thì ra đấy là chữ cái R, kỳ cục ghê?”
Pippi ngừng lại để lấy hơi. Và cô giáo lúc này đã hiểu Pippi là một đứa trẻ hiếu động và khó dạy. Cô bèn đề nghị cả lớp chuyển sang tập vẽ. Chắc chắn Pippi sẽ ngồi yên mà vẽ, cô nghĩ thế. Cô lấy giấy và bút chì chia cho lũ trẻ.
“Các em có thể vẽ gì tuỳ thích,” Cô nói rồi ngồi sau bục giảng bắt đầu giở xem chồng tập viết. Lát sau cô ngẩng lên xem lũ học trò vẽ thế nào. Và kìa, cả đám trẻ con đang ngồi giương mắt nhìn Pippi nằm bò dưới đất mà vẽ.
“Ô kìa, Pippi,” Cô giáo nóng nẩy nói, “Sao em không vẽ vào giấy?”
“Giấy em đã vẽ kín từ đời nào rồi, nhưng cái mẩu giấy thổ tả ấy không đủ chỗ cho toàn thân con ngựa của em,” Pippi nói. “Em đang vẽ dở hai cẳng trước của nó đây, nhưng khi nào em vẽ đến đuôi thì có lẽ em phải bò ra tận ngoài hành lang mất.”
Cô giáo suy nghĩ một lát.
“Các em nghĩ sao, ta cùng hát một bài hát ngắn nhé?”
Tất cả học trò đều trở về chỗ ngồi, tất cả, ngoài Pippi vẫn nằm bò dưới đất. “Các cậu cứ việc hát, trong khi tớ chợp mắt một tẹo.” Nó nói. “Học nhiều thế này thì đến người khoẻ nhất cũng phát ốm.”
Nhưng lúc này cô giáo đã mất hết kiên nhẫn.
Cô bảo lũ trẻ ra sân chơi, vì cô muốn nói chuyện riêng với Pippi.
Khi chỉ còn cô giáo và Pippi trong lớp, nó vội đứng lên, đi về phía bục giảng.
“Chị biết không,” nó nói. “ý em muốn nói là chị biết không, thưa cô giáo, việc em đến đây và được chứng kiến mọi thứ ở đây thực sự là cực kỳ vui. Nhưng em không tin em sẽ quan tâm đến việc tới trường nữa. Thôi thì với em có kỳ nghỉ Giáng sinh hay không cũng đành. Chứ cứ như em thấy thì ở đây có quá nhiều táo, rồi nào cá, nào rắn, rồi những gỉ gì gi nữa. Chóng cả mặt. Em mong rằng, thưa cô giáo, chị sẽ không vì thế mà buồn lòng chứ?”
Nhưng cô giáo đáp rằng cô hết sức buồn, nhất là vì Pippi không chịu cố gắng cư xử cho có nền nếp, và chẳng một cô bé nào ngỗ nghịch như Pippi lại được phép đến trường cả, dù có muốn đến đâu.
“Em đã cư xử không hay chăng?” Pippi vô cùng ngạc nhiên hỏi. “Vâng, nhưng em đâu có biết,” Nó nói, và trông nó mới buồn làm sao. Không ai có vẻ mặt buồn bằng Pippi một khi nó đã buồn. Nó đứng câm lặng giây lát, đoạn cất giọng run run:
“Chị phải thông cảm mới được, thưa cô giáo, khi người ta có một người mẹ là thiên thần và một người bố là vua của da đen, và bản thân người ta suốt đời lênh đênh trên biển, thì làm sao người ta biết phải cư xử thế nào ở trường, giữa một đống nào táo nào rắn.”
Cô giáo bèn nói rằng cô rất thông cảm, rằng cô đã hết giận Pippi, và rằng biết đâu Pippi sẽ lại có thể đến trường khi nó lớn lên chút nữa. Rạng ngời vì vui sướng, Pippi đáp lại:
“Em thấy chị cực kỳ tốt bụng, thưa cô giáo, đây em cho chị cái này.”
Và nó rút trong túi ra một chiếc đồng hồ vàng xinh xắn, đặt lên bàn. Cô giáo nói rằng cô không thể nhận một quà tặng qúy giá như vậy, nhưng Pippi đã bảo:
“Chị phải nhận! Nếu không mai em sẽ lại đến, và sẽ có một trận loạn trường lên cho mà xem.”
Đoạn nó phóng ra sân, nhảy phốc lên lưng ngựa. Tất cả bọn học trò xúm lại quanh Pippi để vuốt ve con ngựa, và xem Pippi rút quân.
“Tớ khá khen cho các trường học ở bên Argentina,” Pippi vừa nói vừa nhìn lũ trẻ. “Các cậu phải sang bên ấy mà học. Bên ấy, kỳ nghỉ lễ Phục sinh bắt đầu sau kỳ nghỉ Giáng sinh có ba ngày, và hết nghỉ lễ Phục sinh đúng ba ngày là vừa nghỉ hè. Kỳ nghỉ hè chấm dứt vào ngày đầu tiên của tháng Mười một, và sau đó sẽ phải vất cả ra trò. Cho đến ngày Mười một tháng Mười một lại bắt đầu nghỉ Giáng sinh. Nhưng phải cố mà chịu thôi. Gì thì gì chứ bài tập là không có rồi. Ở Argentina người ta nghiêm cấm không được làm bài tập. Thỉnh thoảng lại xảy ra chuyện có một đứa trẻ Argentina nào đó lén chui vào tủ làm trộm bài tập. Nhưng mẹ nó mà bắt được thì chết. Bên ấy hầu như không có môn toán ở trường, và hễ đứa trẻ nào tỏ ra biết Bảy cộng Năm bằng mấy và lại ngu ngốc đi khoe điều ấy với cô giáo thì nó sẽ bị phạt đứng trong góc lớp cả ngày. Tập đọc thì lũ trẻ chỉ có vào chiều thứ Sáu, nhưng với điều kiện phải có sách, mà sách thì chúng chả bao giờ có.”
Lũ trẻ cực kỳ sửng sốt.
“Ừ nhưng thế thì chúng làm gì ở trường?” một cậu bé hỏi.
“Chúng nó ăn kẹo” Pippi đáp như đinh đóng cột “Từ một nhà máy kẹo gần đó có một cái ống dài nối thẳng vào lớp học, suốt ngày tuôn kẹo ra, bọn trẻ con chỉ lo ăn cho hết cũng đã đủ bận.”
“Ừ nhưng còn cô giáo sẽ làm gì?” một cô bé hỏi.
“Bóc kẹo cho lũ trẻ, đồ ngốc ạ.” Pippi nói “Thế cậu tưởng chúng sẽ bóc lấy đấy chắc? Còn lâu nhé! Ngay đi học chúng cũng chẳng tự đi lấy nữa là. Anh chúng sẽ đi hộ.”
Pippi vẫy cái mũ to tướng của nó.
“Tạm biệt, các bạn trẻ.” Nó kêu lên thích thú. “Giờ thì còn lâu các cậu mới lại trông thấy tớ. Nhưng hãy luôn nghĩ xem Axel có bao nhiêu quả táo, nếu không các cậu sẽ khốn khổ đấy, ha ha ha!”
Pippi cười vang, phóng ngựa vọt qua cổng trường khiến những hòn sỏi dưới vó ngựa tung lên, va lách cách vào cách ô kính cửa sổ trường học.