Nguyên tác: The Bookseller Of Kabul
Số lần đọc/download: 2033 / 51
Cập nhật: 2015-11-23 23:45:13 +0700
Tội Ác Và Trừng Phạt
T
ừ tất cả các phía những hòn đá rít lên ném vào các cây cọc. Phần lớn đều trúng mục tiêu. Người đàn bà không thét lên, nhưng chẳng mấy chốc một tiếng rú vang lên từ trong đám quần chúng. Một người đàn ông lực lưỡng tìm được một hòn đá rất đẹp, to và đầy góc cạnh, ông ta ra sức ném, sau khi đã ngắm kỹ bà ta. Hòn đá trúng ngay vào giữa bụng bà, mạnh đến nỗi dòng máu tuôn ra đầu tiên buổi chiều hôm ấy thấm qua cả tấm burkha. Điều đó khiến quần chúng hoan hô vang dậy. Một hòn đá khác cùng cỡ trúng vào vai bà ta. Máu phun ra và tiếng hoan hô lại vang lên.
James A. Michenier, Đoàn người
Sharifa, người vợ bị ruồng bỏ, bị phế truất, sống ở Peshawar. Bà biết rằng Sultan sắp đến, nhưng ông chẳng thèm báo chính xác ông rời Kaboul khi nào, nên suốt ngày này qua ngày khác lúc nào bà cũng chờ ông.
Mỗi bữa ăn bà đều sửa soạn cứ như chồng bà sắp đến nơi rồi. Một con gà thật béo, rau bi na mà ông rất thích, món nước sốt xanh có gia vị làm ngay ở nhà. Quần áo sạch sẽ, là cẩn thận, đặt trên giường. Thư từ được xếp ngăn nắp trong một cái hộp.
Hết giờ nay đến giờ khác trôi qua. Bà gói con gà lại, chỗ rau bi na có thể hâm lại và món nước sốt thì đặt vào tủ hốc tường. Bà quét nhà, rủ các tấm rèm, lau lợp bụi vĩnh cửu. Bà ngồi, thở dài, khóc đôi chút. Không phải bà thấy thiếu vắng ông, cái bà thấy thiếu vắng là cuộc sống ngày trước của bà, là vợ của một ông chủ hàng sách thành đạt, được kính trọng và lịch sự, là mẹ của các con trai và con gái bà. Là người vợ được yêu quí.
Có lúc bà thấy ghét ông vì ông đã làm tan nát cuộc đời bà, đã cướp đi mất các con bà, đã làm nhục bà trước mắt thiên hạ. Sultan và Sharifa cưới nhau đã hai mươi năm và ông lấy vợ hai đã hai năm nay. Sharifa sống như một người đàn bà đã li dị chồng, nhưng lại không được tự do. Sultan vẫn tiếp tục chi phối mỗi bước đi của bà. Ông đã quyết định bà sẽ phải ở lại Pakistan để giữ ngôi nhà nơi ông cất những quyển sách quý nhất của ông. ở đây có một cái máy tính, một cái điện thoại, từ đây ông có thể gửi các bưu kiện cho khách hàng, có thể nhận các thư từ điện tử, mọi việc không thể làm ở Kaboul, nơi bưu điện, điện thoại và dịch vụ thông tin không hoạt động. Bà phải ở lại đây vì như vậy thuận tiện cho Sultan.
Sharifa không có khả năng li dị. Nếu một người đàn bà đòi li dị, bà hầu như chẳng có chút quyền nào cả. Con cái sẽ theo cha, thậm chí ông có thể cấm chúng không được gặp mẹ. Bà sẽ làm nhục gia đình mình, thường bị hắt hủi, và tất cả của cải đều thuộc về chồng. Sharifa sẽ phải sống ở nhà một người anh em trai của mình.
Trong thời gian nội chiến, đầu những năm chín mươi, và suốt những năm dưới chế độ taliban, toàn bộ gia đình Khan sống ở Peshewar, trong quận Hayatabad, nơi chín trong mười người dân là người Afganistan. Nhưng hết người này đến người khác, họ lần lượt trở về Kaboul, những người anh em trai, chị em gái, Sultan, Sonya, các con trai của bà, trước tiên là Mansur, mười sáu tuổi, rồi Aimal, mười hai tuổi, cuối cùng là Eqbal, mười bốn tuổi. Chỉ có Sharifa và đứa con gái út của bà là Shabnam, còn ở lại. Họ mong Sultan sẽ đưa họ trở về Kaboul, gần gia đình và bạn bè của họ. Ông hứa với họ mãi, nhưng bao giờ cũng có một trở ngại nào đó xảy đến. Ngôi nhà đổ nát ở Peshawar, nơi trú ẩn tạm thời tránh bom đạn ở Afganistan, đã trở thành chốn biệt giam đối với Sharifa. Bà không thể dời chỗ ở nếu không được chồng cho phép.
Năm đầu tiên sau khi Sultan cưới vợ lẽ, bà sống chung cùng họ. Bà thấy Sonya dốt nát và chẳng biết làm việc gì cả. Có thể cô ta cũng không đến nỗi lười biếng, nhưng Sultan không để cho cô động chân động tay. Sharifa nấu bếp, dọn ăn, giặt giũ, soạn giường. Lúc đầu nhiều khi Sultan hú hí với với Sonya trong phòng ngủ nhiều ngay liên tiếp, lúc lúc lại gọi trà hay nước. Từ phòng ngủ vẳng ra những tiếng thì thầm và tiếng cười, đôi khi những tiếng động xé nát trái tim Sharifa.
Bà cố dẹp nỗi ghen tuông và làm ra mặt một người vợ mẫu mực. Bố mẹ và bạn bè của bà bảo rằng bà đáng tặng giải người vợ cả. Không bao giờ nghe thấy bà than phiền bị ruồng bỏ, gây gổ với Sonya hay nói xấu cô ta.
Những ngày trăng mật nóng hổi nhất đã qua, Sultan rời căn phòng vợ chồng để trở lại với ông việc của ông và hai người đàn bà bây giờ quay tròn quanh nhau. Sonya còn bận đánh phấn lên cái mũi của cô và thử các bộ áo váy mới, trong khi bà cố đóng vai mẹ gà đáng kính. Bà đảm nhận lấy những công việc nặng nhọc nhất và dần dà dạy Sonya cách thức nấu các món ăn Sultan ưa thích, chuẩn bị áo sống cho ông, đun nước đến bao nhiêu độ thì vừa cho các lễ tắm gội của ông và những việc khác mà một người vợ phải tỏ tường.
Nhưng còn nỗi nhục, nỗi nhục... Nếu việc một người đàn ông lấy vợ hai, thậm chí vợ ba, cũng chẳng phải là chuyện bất thường, thì cũng chẳng vì thế mà kém nhục nhã cho bà. Người vợ bị hắt hủi dẫu sao cũng bị coi là không còn được việc gì nữa. Sharifa càng cảm thấy điều đó, khi chồng bà tỏ ra ưa thích cô vợ trẻ quá lộ liễu.
Sharifa phải cố tự giải thích vì sao ông lại tái hôn. Bà phải bịa ra rằng chẳng phải là bà không còn được việc gì nữa, mà có những ngoại cảnh đã đẩy bà ra ngoài cuộc. Bà kể cho người muốn biết chuyện rằng bà đã phải mổ một cái u ở vòi trứng và bác sĩ đã bảo bà nếu muốn sống sót thì không được để cho chồng ngủ cùng nữa. Bà khẳng định rằng chính bà đã khuyên Sultan tái hôn và đã chọn Sonya cho ông, và còn nói thêm dẫu sao ông ấy cũng là đàn ông.
Đối với Sharifa, căn bệnh tưởng tượng nọ còn đỡ nhục nhã hơn là thú nhận rằng chính bà, người mẹ những đứa con của ông, đã không còn hấp dẫn đối với ông nữa. Gần như là theo lời khuyên y tế mà ông ta đã tái hôn. Khi muốn tăng thêm ấn tượng, đôi mắt ướt long lanh bà còn kể thêm rằng bà thương yêu Sonya như em gái ruột của bà và Lafita, đứa con mới sinh của cô, như là con bà đẻ ra.
Khác với Sultan, phần lớn những người đàn ông đa thê, suốt nhiều chục năm, vẫn giữ một sự cân bằng hoàn hảo trong việc sử dụng các bà vợ của họ: một đêm với bà này, một đêm với bà khác. Thường các bà sinh con cùng một lúc và chúng lớn lên như anh em chị em. Mỗi người mẹ bo bo lo sao cho con mình cũng được chăm sóc, đầy đủ quần áo và quà cáp như con bà vợ kia. Không hiếm khi họ thật sự hằn thù nhau và không bao giờ nói chuyện với nhau. Nhiều bà khác chịu chấp nhận chồng lấy nhiều vợ bởi vì đó là quyền của ông và đôi khi cuối cùng họ trở thành bạn bè tốt của nhau. Thường khi kẻ tình địch trở thành vợ hai ngoài ý muốn của mình, vì bố mẹ họ ép. ít cô gái trẻ mong muốn trở thành vợ một người đàn ông đã lớn tuổi: trong khi người vợ cả đã được hưởng những năm tháng trẻ trung của ông ta, thì họ chỉ được hưởng mót tuổi già của ông. Trong một số trường hợp, chẳng bà nào còn ham muốn ông và họ lấy làm mừng không phải ngủ với ông hằng đêm.
Đôi mắt đẹp màu hạt dẻ của Sharifa nhìn ngơ ngác vào khoảng không, đôi mắt ngày xưa Sultan từng tuyên bố là đẹp nhất Kaboul. Bây giờ chìm giữa hai hàng mi nặng trĩu và những nếp nhăn nhỏ, chúng đã không còn long lanh nữa. Làn da tái của Sharifa đã lốm đốn những vết thâm mà bà cẩn thận giấu dưới lớp trang điểm. Trước nay đôi chân ngắn của bà đã được bù lại bằng làn da rất trắng. Đối với phụ nữ Afganistan, tiêu chuẩn thanh nhã quan trọng nhất là có được một thân hình cao ráo và nước da xanh tái. Gìn giữ lấy vẻ tươi trẻ của mình là một cuộc chiến đấu thường trực và bà giấu việc kỳ thực bà hơn ông mấy tuổi. Bà tự nhuộm tóc để giấu đi mái tóc đã ngả xám của mình, nhưng chẳng làm sao giấu được nỗi đau buồn lộ trên khuôn mặt.
Từng bước nặng trĩu, bà đi qua căn phòng. Chồng và ba đứa con trai đi Kaboul đã khiến bà có phần vô công rồi nghề. Bà bật ti vi và nhìn một cuốn phim hành động của Mỹ, một bộ phim phiêu lưu trong đó những người hùng đẹp đẽ và khỏe mạnh chiến đấu chống lại những con rồng, những quái vật và những bộ xương và cuối cùng chiến thắng những đại diện của cái ác. Sharifa chăm chú, mặc dầu lời đối thoại bằng tiếng Anh, thứ tiếng bà không biết. Khi hết phim, bà gọi điện thoại cho người chị dâu, rồi đứng dậy và ra nhìn qua cửa sổ. Từ tầng một, có thể nhìn thấy rất rõ tất cả những gì diễn ra ở sân sau được vây kín bằng những bức tường cao ngang đầu người. Cũng giống như ở sân sau nhà bà, ở đây giăng đầy quần áo phơi.
Dẫu sao, ở Hayatabad, chẳng cần nhìn cũng biết được tất. Nhắm mắt lại, ngồi trong phòng của mình, cũng có thể biết được bà hàng xóm đang nghe nhạc pop Pakistan cực mạnh, bọn trẻ đang hò hét còn những đứa khác thì đang chơi đùa, một người mẹ đang mắng con, một người đàn bà đang rũ một tấm thảm, một người khác đang giặt quần áo ngoài nắng hay đang thái tỏi, còn món ăn trong bếp bà hàng xóm thì đang cháy. Những gì không biết được bằng tiếng động và bằng mùi, thì lại được tiết lộ qua những lời đồn. Chúng lan tỏa đi như những làn thuốc súng trong cái khu phố này nơi mỗi người tự coi mình là kẻ giữ gìn đức hạnh cho những người khác.
Sharifa sống trong căn hộ xây cũ kỹ lở lói này và cái sân sau bé tí trát xi-măng của nó cùng với ba gia đình khác. Không thấy Sultan đến, bà bước xuống gặp các bà hàng xóm. Bên dưới tất cả đàn bà trong nhà cộng thêm đôi bà khác được chọn lựa kỹ lưỡng ở các nhà chung quanh đã tập họp đông đủ. Tất cả các buổi chiều thứ năm, họ họp nhau ở đây để làm lễ nazar, một thứ lễ tôn giáo. Để ngồi lê đôi mách và cầu nguyện.
Họ siết chặt khăn quàng trên đầu, trải thảm cầu nguyện quay về hướng Mecca, cúi rạp xuống, đọc kinh, ngẩng lên, lại đọc kinh, lại cúi rạp xuống, tất cả bốn lần. Họ lặng lẽ cầu xin Thượng Đế, chỉ có đôi môi họ mấp máy. Mỗi lần các tấm thảm cầu nguyện vừa trống người, người khác đã thay vào.
Nhân danh Người, Đấng Rất Mực Độ Lượng, Đấng Rất Mực Khoan Dung
Mọi lời ca ngợi và biết ơn đều dâng lên Thượng Đế, Đấng Chủ Tể của vũ trụ
Đấng Rất Mực Độ Lượng, Đấng Rất Mực Khoan Dung
Đức Vua của Ngày Phán Xử
Chúng con chỉ thờ phụng một mình Ngài và chỉ với riêng Ngài chúng con cầu xin được cứu giúp
Xin Ngài dẫn dắt chúng con theo con đường Ngay Chính
Tiếng cầu nguyện thì thầm vừa dứt, đã nghe rộn lên những tiếng nói chuyện phiếm ồn ào. Đám phụ nữ ngồi trên những chiếc gối đặt dọc tường. Trên tấm vải bạt đánh xi trải ngay nền đất đã đặt đầy những chiếc tách và cốc nhỏ. Người ta mang đến trà có pha đậu khấu vừa mới hâm lại, một món ăn ngọt tráng miệng làm bằng bánh bich-quy và đường. Tất cả các bà đưa hai bàn tay lên trước mặt và cầu kinh lần nữa, tiếng cầu nguyện thì thầm quanh chỗ thức ăn: la ilaha illa Allah Mohammadour rasou lou Allah - chỉ có một bậc thần thánh là Thượng Đế và Mahomet là đấng tiên tri của Người.
Đọc kinh xong, họ lại đưa hai bàn tay lên vuốt mặt. Từ mũi đưa lên trán, đưa lên rồi đưa xuống trên hai gò má, tì vào cằm, trước khi đặt trước miệng, cứ như là họ nuốt lấy lời cầu nguyện. Từ đời mẹ truyền đến đời con gái, họ đã được dạy dỗ rằng những gì ta cầu xin trong lễ nazar sẽ được toại nguyện nếu ta tỏ ra xứng đáng. Những lời cầu xin này bay thẳng đến chỗ Allah và Người sẽ quyết định có cho ta được toại nguyện hay không. Sharifa cầu sao cho Sultan đón bà, cả bà và Shabnam, trở về Kaboul, để bà được sống gần các con.
Khi mọi người đã cầu xin Thượng Đế thực hiện các lời nguyện của mình xong, nghi thức chính của ngày thứ năm có thể bắt đầu: ăn một món ngọt tráng miệng, uống trà có pha đậu khấu và trao đổi những tin tức mới nhất. Sharifa nói đôi lời về việc Sultan sắp đến, nhưng chẳng ai nghe bà. Đã rất xa rồi cái thời tấn bi kịch tay ba của vợ chồng bà được đem ra làm chuyện chê cười ở đường phố số 13 Hayatabad. Bây giờ Saliqa, mười sáu tuổi, mới là đầu đề chủ yếu của những lời đồn đại ác hiểm. Bị nhốt chặt trong một căn phòng nhỏ, sau khi phạm phải một tội không thể tha thứ hai ngày trước đó, cô nằm, mặt mày bê bết máu, lưng ngang dọc những vết phồng rộp đỏ.
Mắt mở to, những người phụ nữ chưa biết được hết chi tiết câu chuyện chong tai lắng nghe. Tội lỗi của Saliqa bắt đầu từ sáu tháng trước, vào cái buổi chiều Shabnam, cô con gái của Sharifa, vẻ bí mật mang đến cho cô ta một mảnh giấy nhỏ.
- Em đã hứa không tiết lộ tên người gửi thư, nhưng đây là của một người con trai, cô bé hăng hái và kích động thì thào. Cậu ấy không dám ra mặt, nhưng em biết cậu ta.
Shabnam liên tục mang về những bức thư mới của cậu con trai nọ, đầy những hình quả tim bị mũi tên xuyên ngang, với dòng chữ "I love you" nét chữ con trai góc cạnh, những bức thư ca ngợi sắc đẹp của cô gái. Gặp cậu con trai nào Saliqa cũng tưởng như đấy chính là tác giả bí mật của những bức thư nọ. Cô ăn mặc chải chuốt, chải bóng mái tóc và nguyền rủa tấm khăn choàng dài mà ông chú cô bắt cô phải che.
Một hôm mảnh giấy nhỏ chỉ dẫn rằng cậu ta sẽ đứng cạnh một cây cọc màu đen cách không xa nơi cô ở vào lúc 16 giờ và cậu sẽ mặc áo pun màu đỏ. Khi bước ra khỏi nhà, Saliqa run bắn người lên. Cô trang điểm khác hẳn mọi ngày và mặc đồ nhung màu xanh nhạt, đeo những đồ trang sức cô mê nhất, vòng tay bằng vàng và dây chuyền nặng. Cô đi với một người bạn gái và cố lắm mới dám bước qua trước cậu con trai cao và gầy mặc áo pun đỏ nọ. Cậu quay mặt đi chỗ khác, không nhìn cô.
Bây giờ thì đến lượt cô viết thư. "Ngày mai, anh phải quay mặt lại", cô viết trước khi trao mảnh thông điệp cho Shabnam, người đưa thư hăng hái và chu đáo. Nhưng lần này nữa, cậu vẫn không quay mặt lại. Lần thứ ba, cậu chỉ thoáng quay lại. Saliqa cảm thấy trái tim mình tụt hẫng xuống ruột, cô bước đi như máy. Chờ đợi kéo dài trở thành ám ảnh yêu đương. Chẳng phải vì cậu ta quá đẹp trai, nhưng cậu là tác giả những dòng thư nọ. Suốt nhiều tháng dài, họ trao đổi thư từ và những cái nhìn vụng trộm.
Tiếp theo việc cô nhận thư của một cậu con trai và, cầu xin Thượng Đế che chở cho, đã trả lời thư cậu, lại thêm những tội lỗi khác. Tội thứ hai là cô đã đem lòng yêu một người không phải do bố mẹ cô chọn. Mà cô lại biết bố mẹ sẽ không ưa cậu ta đâu. Không nghề nghiệp, cũng chẳng có đồng nào, gia đình cậu không ra gì. ở Hayatabad, ý muốn của gia đình mới là quyết định. Người chị của Saliqa đã lấy chồng sau năm năm đấu tranh chống lại bố. Cuộc đấu tranh kết thúc khi cặp tình nhân đã nuốt mỗi người một lọ thuốc và phải đi rửa ruột ở bệnh viện. Chỉ đến lúc đó bố mẹ họ mới chịu nhượng bộ.
Một hôm, tình cờ Saliqa và Nadim gặp nhau. Mẹ cô đi chơi một tuần ở nhà họ hàng tại Islamabad và ông chú cô có việc vắng nhà suốt một ngày, chỉ có vợ ông ở nhà. Saliqa nói với bà cô đến nhà một người bạn gái.
- Cháu có được phép không đấy? bà thím hỏi.
Ông chú giữ vai trò chủ gia đình trong khi bố Saliqa sống ở một trại di cư bên Bỉ, ở đấy ông chờ được cấp giấy phép cư trú để có thể làm việc và gửi tiền về cho người thân, thậm chí, còn hơn thế nữa, có thể đưa tất cả họ sang bên ấy.
- Mẹ cháu bảo sau khi đã làm xong mọi việc trong nhà thì cháu có thể qua thăm cô bạn, Saliqa nói dối.
Cô không đến nhà bạn gái, mà đi tìm Nadim, chỉ riêng hai người với nhau.
- Chúng ta không thể nói chuyện ở đây, cô vừa nói vừa thở khi họ gặp nhau giả như tình cờ ở một góc đường.
Cậu gọi một chiếc taxi và đẩy cô lên xe. Saliqa chưa bao giờ lên một chiếc taxi cùng một người con trai không quen, cổ họng cô nghẹn lại. Họ dừng lại cạnh một công viên, một trong những công viên hỗn hợp ở Peshawar.
Trong nửa tiếng đồng hồ, họ ngồi nói chuyện trên một chiếc ghề dài. Nadim phác ra những dự tính to lớn về tương lai, cậu sẽ mua một cửa hàng hay trở thành người buôn thảm. Saliqa hoảng sợ khi nghĩ có người sẽ nhìn thấy họ. Không đầy một giờ sau khi rời nhà, cô đã trở về. Nhưng đã náo động cả lên rồi, vì Shabnam đã nhìn thấy Nadim đưa cô lên taxi và đã báo lại với Sharifa, đến lượt bà bà lại báo lại với người vợ của ông chú.
Khi Saliqa về đến nhà, cô bị vả ngay một cái tát điếng người vào mồm. Bà thím nhốt cô vào một căn phòng trước khi gọi điện cho mẹ cô ở Islamabad. Ông chú về, cả gia đình bước vào phòng và buộc cô phải kể lại những gì cô đã làm. Ông chú run lên vì giận khi nghe nhắc đến chuyện chiếc taxi, chuyện công viên và chiếc ghế dài. Ông tìm được một đoạn dây cáp dài và đánh lên lưng cô, cứ đánh cô mãi trong khi bà thím giữ lấy cô. Ông tát cô cho đến khi máu tuôn ra ở mũi và miệng.
- Mày đã làm gì, hả? Mày đã làm gì? Đồ điếm! ông thét lên. Mày gieo nhục cho cả gia đình! Một vết nhơ. Một nhánh dòng họ bệnh hoạn!
Tiếng quát tháo của ông vang lên trong phòng và bay qua cửa sổ các nhà hàng xóm. Chẳng bao lâu sau, mọi người đã biết rõ tội lỗi của Saliqa. Cái tội lỗi khiến cô bị phạt hôm nay, bị nhốt và cầu khấn Allah xin được Nadim đến hỏi cô làm vợ, bố mẹ cô đồng ý, Nadim tìm được việc làm ở một cửa hàng buôn thảm, và họ được sống cùng nhau.
- Nó đã dám lên xe taxi với một đứa con trai, thì chắc chắn nó còn dám làm bao nhiêu chuyện khác nữa, Nasrin, một người bạn gái của thím cô nhận xét, vừa ném một cái nhìn khinh bỉ về phía mẹ Saliqa.
Nasrin ăn món bánh ngọt tráng miệng, vừa chờ đợi người ta phản ứng lại lời nói của mình.
- Nó mới đi tới công viên thôi, chẳng nên đánh nó dữ quá như vậy, Shirin, làm nghề thầy thuốc, phản đối.
- Nếu chúng tôi không can ngăn thì Saliqa đã bỏ mạng trong nhà thương rồi, Sharifa nói thêm. Suốt đêm qua nó cầu nguyện mãi, cho đến giờ cầu kinh sáng, bà nói tiếp, chứng mất ngủ khiến bà có thể nhìn thấy rõ cô bé khốn khổ.
Các bà thở dài, một bà thì thầm một lời cầu nguyện. Tất cả họ đều đồng ý rằng Saliqa đã sai lầm khi đi gặp Nadim ở công viên, nhưng họ có ý kiến khác nhau về chỗ đó chỉ là một chuyện không vâng lời hay là một tội lớn.
- Thật nhục nhã quá chừng! Nhục nhã quá chừng! Mẹ Saliqa than thở. Làm sao tôi lại có thể có một đứa con gái như thế này?
Các bà bàn nên làm gì bây giờ đây. Nếu cậu ta xin cưới cô gái, thì người ta có thể quên đi nỗi nhục, nhưng mẹ Saliqa không muốn nhận cậu ấy làm con rể. Gia đình cậu nghèo, cậu chẳng bao giờ được đi học và suốt ngày lang thang ngoài đường. Cậu chỉ có được việc làm ở một cửa hàng bán thảm nhưng cũng đã bị mất việc rồi. Nếu Saliqa lấy cậu, nó sẽ phải sống ở nhà bố mẹ cậu, vì chúng sẽ không thể có nhà.
- Mẹ cậu ấy là một người mẹ không tốt, một bà khẳng định. Nhà cửa thì bẩn và đổ nát. Bà ta rất lười biếng và bạ đâu đi đó.
Một bà đã luống tuổi nhớ đến bà nội Nadim.
- Khi họ sống ở Kaboul, bạ ai họ cũng tiếp, bà ta kể trước khi hạ giọng tâm sự. Thậm chí có lúc đàn ông đến nhà bà ấy khi bà ta ở nhà một mình. Mà lại không phải là họ hàng.
- Tôi rất kính trọng bà, một bà nói với mẹ Saliqa, nhưng tôi phải nhận rằng tôi luôn nghĩ con bé Saliqa quả hay làm đỏm, lúc nào cũng son phấn, lúc nào cũng ăn diện. Lẽ ra bà phải thấy nó có những ý nghĩ không trong sạch chứ.
Họ im lặng một lúc, cứ như họ đều đồng ý với nhau nhưng không muốn nói ra, vì nể mẹ Saliqa. Một bà chùi mồm, đã tới lúc nghĩ đến bữa trưa. Những bà khác lần lượt đứng dậy. Sharifa bước lên thang gác, lên đến căn hộ ba gian của bà. Bà đi qua trước căn phòng nơi Saliqa bị giam, cô bé sẽ phải ở đấy cho đến khi gia đình cô quyết định hình phạt.
Sharifa thở dài. Bà nhớ đến hình phạt đối với cô em chồng của mình.
Jamila thuộc gia đình rất danh giá, cô giàu có, đức hạnh, và tươi đẹp như một bông hoa. Người em trai của Sharifa đã chắt bóp được một món tiền lớn ở Canada và do vậy đã có thể lấy được mỹ nhân mười tám tuổi này. Đám cưới thật khác thường, có đến năm trăm khách mời, bữa tiệc thịnh soạn, cô dâu rực rỡ. Jamila chưa bao giờ gặp mặt người em trai của Sharifa trước ngày cưới, mọi sự đều do bố mẹ cô sắp đặt. Chàng rể, một người đàn ông tứ tuần cao lớn và mảnh dẻ, từ Canada bay thẳng về đây để làm lễ cưới theo phong tục Afganistan. Họ sống cùng nhau hai tuần, rồi ông ta ra đi để lo chuyện thị thực cho Jamila, để cô có thể sang bên ấy cùng ông. Trong khi chờ đợi, cô sống ở nhà những người anh em trai của Sharifa và vợ họ. Nhưng thời hạn xin được thị thực kéo dài hơn dự tính.
Sau ba tháng cô bị bắt quả tang ngoại tình. Cảnh sát đã báo cho họ biết có một người đàn ông lén vào phòng cô qua đường cửa sổ. Họ chưa bao giờ bắt được anh chàng nọ, nhưng những người anh em trai của Sharifa tìm thấy cái điện thọai di động của anh chàng trong phòng Jamila, bằng chứng cô đã đi lại với anh ta. Gia đình Sharifa lập tức hủy cuộc hôn nhân và tống Jamila về nhà bố mẹ cô. Cô bị nhốt trong một căn phòng trong khi diễn ra cuộc họp gia đình kéo dài hai ngày.
Ba ngày sau, người em trai của Jamila đến gặp Sharifa báo tin chị gái mình đã chết vì vướng điện ở cái quạt máy. Ngày hôm sau người ta chôn cô. Rất nhiều hoa, nhiều bộ mặt trầm ngâm. Bà mẹ và các cô chị em gái khóc mãi. Mọi người đều tiếc cho cuộc đời ngắn ngủi của Jamila.
Người ta bàn tán:
- Đám tang cũng tuyệt vời như đám cưới.
Sharifa có một băng vidéo ghi hình đám cưới, nhưng người em trai Jamila đến mượn lại. Cậu ta không bao giờ đem trả, không được giữ bất cứ bằng cớ nào chứng tỏ đám cưới đã được cử hành. Tuy nhiên Sharifa còn giữ được mấy tấm ảnh hiếm hoi mà bà có. Cô dâu chú rể trông có vẻ cứng đơ và nghiêm trang khi họ cùng nhau cắt chiếc bánh cưới. Rất thản nhiên, Jamila trông thật trang nhã trong chiếc áo dài và tấm khăn choàng của cô trắng tinh như chính sự ngây thơ, mái tóc đen và đôi môi đỏ thắm. Sharifa thở dài. Quả đúng là Jamila đã phạm một tội nặng, nhưng vì dại dột chứ cô không phải là người xấu.
- Cô ấy không đáng chết. Nhưng Allah ngự trị, bà lẩm nhẩm trước khi thì thầm một lời cầu nguyện.
Tuy nhiên có một điều bà không sao hiểu nổi, đó là hai ngày họp hội đồng gia đình, và bà mẹ Jamila, chính mẹ ruột cô, đã chấp nhận để cho người ta giết chết cô. Cuối cùng chính bà đã phái các cậu con trai của mình đi giết đứa con gái của mình. Trong căn phòng người chị gái của chúng, chúng đã cùng nhau phủ một cái gối lên mặt cô, và cùng đè mạnh xuống, mỗi lúc một mạnh hơn, cho đến khi cô tắt thở.
Trước khi quay lại với mẹ chúng.