Số lần đọc/download: 1624 / 14
Cập nhật: 2016-03-01 22:26:27 +0700
Chương 4 -
T
ám giờ sáng! Tù cỏ vê đã có đủ số củi đã nộp cho cai tù. Số củi này họ đã làm dôi ra từ những phiên cỏ vê trước và giấu kín trên rừng. Nhờ vậy hôm nay, họ có thời giờ dài để nghỉ ngơi. Hôm nay tốp lính khố xanh áp tải là những người có chân trong tổ chức binh biến nên anh em tù càng được thoải mái. Họ cũng quý người cai chỉ huy tốp lính này. Cai Mánh rất cứng cổ với bọn đội, bọn quản nhưng anh rất thương lính. Tù cỏ vê và lính quý anh, họ đặt cho anh cái biệt hiệu là "xếp tiêu sầu". Với anh, mọi thứ trong cuộc đời hiện tại chẳng còn cái quái gì đáng để mắt tới, từ thăng thưởng, tăng lương, ăn ngon, mặc đẹp, thậm chí đến cái chết nữa... Mánh coi thường lễ giáo, coi thường hiện tại và coi thường cả tương lai. Anh có đồng nào cũng cho anh em ăn uống hết. Cỏ vê nặng, cỏ vê nhẹ cũng vậy thôi. Tù cỏ vê làm tàm tạm được phần việc là anh cho nghỉ. Anh em lính mới đỡ khổ rất nhiều nếu được cai Mánh chỉ huy. Anh cho tập bằng súng gỗ cho lính đỡ mỏi tay.
Anh dạy cho lính biết mánh khóe làm ít mà vẫn xong việc. Và chính anh cũng bắt tay vào làm đỡ anh em. Trong thâm tâm người cai khố xanh nửa đời lưu lạc ấy, những con người kia đều là những nạn nhân cần được che chở. Từ khi Mánh được dự vào âm mưu binh biến, thái độ của anh đối với quốc sự phạm trở nên tốt hơn, cởi mở hơn, kính trọng hơn. Anh để tù tự do tắm giặt, mua bán ngoài phố. Anh chuyện trò vui vẻ với họ. Anh không ngờ chính mối quan hệ ấy đem lại cho anh nhiều bài học tốt. Những người quốc sự phạm đã kể cho anh nghe về cụ Phan Bội Châu và những người Việt ở hải ngoại. Anh thấy tự hào về dân ta, thấy dân ta không dốt, không ngu mà trái lại đã từng có người đỗ đầu trường Chấn võ học hiệu là một trường võ bị Nhật nổi tiếng Y châu. Anh còn được nghe chuyện vua Duy Tân âm mưu lật thằng Tây nhưng việc bại lộ; chuyện Việt Nam Quang Phục Hội đem quân về đánh úp đồn Tây ở biên giới. Những chuyện ấy mở rộng tầm mắt của Mánh, biến anh từ một con người chán chường thành một người có niềm tin và sẵn sàng hi sinh thân mình vì đất nước. Có điều một số thói tục xấu anh nhiễm phải trong cuộc đời lưu lạc thì chưa nhạt được mấy. Những người quốc sự phạm đến yêu cầu cai Mánh dạy cách tháo lắp súng. Mánh bảo mấy anh lính đem súng đến. Anh cắt hai người gác hai đầu đường và bắt đầu dạy. Trang bị võ khí của lính khố xanh là thứ trang bị lẩm cẩm và lôi thôi nhất trong mọi loại lính ở Đông Dương trừ lũ lính khố vàng là lính hầu các quan tỉnh chỉ có cái roi mây làm võ khí. Võ khí chủ yếu của lính khố xanh là khẩu súng bắn phát một. Loáng thoáng từng xếch-xông có vài khẩu trường kiểu lơ- ben hoặc súng trường Nga dài như cái bơi chèo.
Cai Mánh lấy cả ba kiểu súng bày thành một hàng trên cỏ. Những người quốc sự phạm vây quanh Mánh chăm chú theo dõi những ngón tay thành thạo của anh đang tháo rời từng bộ phận của súng. Anh dạy bằng thứ ngôn ngữ của lính!
-Cái này-gọi-là-cái-củ-lách! Biết chưa? Thế này gọi là mở-củ-lách! Thế này gọi là khóa-củ-lách! phải khóa thế này này...
-Mánh rập mạnh cu-lát xuống và hất hàm dặn "học trò" của mình:
-Khóa củ lách không kỹ mà đã bắn thì nó bật hậu vỡ mặt, nghe chưa! Làm thử xem! Mánh giao súng cho một người tù trẻ. Bất chợt trong tâm hồn người cai khố xanh, một tình cảm lạ lùng từ một đáy sâu cùng nào đấy dấy lên chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng xâm chiếm anh một cách chắc chắn. Cai Mánh thấy mình yêu mình, quý mình và cuộc đời thật đáng sống. Những công việc dù đơn giản nhất nhưng nếu chúng có ích cho cuộc đời thì chúng trở nên hấp dẫn và có khả năng làm trẻ lại một tâm hồn chai, sẹo, làm trong trẻo lên một tấm lòng u ám. Từ sáng nay, tốp quốc sự phạm nhận thấy "xếp tiêu sầu" trầm lặng hơn mọi ngày. Anh tránh nhìn những người lính dưới quyền. Anh rất ít nói. Anh đã ngồi dựa lưng vào một gốc cây, đầu cúi xuống. Những người quốc sự phạm tưởng cai Mánh buồn ngủ nhưng những người lính khố xanh thì biết người đàn anh của mình hổ thẹn vì vụ phạt sáng nay với ngọn gậy vụt ngang lưng. Buổi sáng trong rừng xanh dịu màu thiên lý man mát. Những con cu cườm "cúc cù" gọi bạn buồn buồn. Những con sơn tiêu màu đỏ tươi, những con phường chèo lộng lẫy vàng, xanh, tím... quấn quýt lấy đàn khướu đen má đào. Chim chóc lanh lảnh hót trong mọi vòm lá. Vài tia nắng rọi qua kẽ lá rỏ thành những giọt lấm tấm, lung linh trên nền mùn khô màu nâu bạc. Tất cả đều dịu dàng, phơi phới, không có một chút nào vẩn đục. Những người quốc sự phạm mặc áo tù vải thô đóng số hắc ín ngồi vây lấy người cai gầy, nhỏ. Tất cả loay hoay với mấy khẩu súng, vừa dạy nhau châm chọc để thỉnh thoảng cùng cười khúc khích và ngả ngốn dúi dụi vào nhau. Cai Mánh quên hẳn mình đi. Anh lưu lạc chỉ mới mươi năm nhưng là những năm tháng tủi nhất của đời người. Anh bị người ta đánh nhiều lần và anh cũng đã đánh trả lại nhiều lần. Lưng Mánh có những vết sẹo roi, sẹo dao chém, dao đâm. Có vệt sẹo lồi, có vết sẹo lõm, có vết sẹo rúm. Sẹo đầy cả hai cánh tay. Đó là những dấu vết, những bằng chứng của nhiều trận đấu "đoản", đấu "trường". Cai Mánh tha cái nón khố xanh qua hầu hết các đồn Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn... Dân quanh đồn ấy vẫn nhớ cái anh khố xanh héo quắt, gầy gò, chuyên môn đấm đá với lính Tây, lính lê dương trong những phố vắng. Các thứ cỏ vê, cúp lương pích-kê, nhà tối, tòa án binh, xan tù lính, Mánh đều trải qua cả. Một tháng phạt giam đối với anh chỉ như một giấc ngủ ngày, mà cúp lương một tháng cũng chỉ như nhịn tiêu rốn một bữa. Hôm nay, Mánh bị đánh một gậy trước đông đủ anh em trại Bô-dông. Anh cảm thấy hổ thẹn. Anh hổ thẹn không phải vì quyền sống làm người của anh bị xúc phạm mà chính vì sự nhục mạ ấy vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở khắp đất nước nhưng còn có biết bao nhiêu người sợ hãi hoặc dửng dưng không hiểu rằng dân tộc mình đang bị làm nhục. Mánh hổ thẹn vì mình bị làm nhục. Nguyên do là vì mình mất nước nên phải cúi đầu làm trâu ngựa. Không thể thế được! Đêm nay, Mánh này sẽ rửa nhục, rửa nhục cho mình và cho nòi giống.
-Còn môn đâm lê nữa, xếp tiêu sầu. Xếp tiêu sầu sực tỉnh. Anh gượng cười bảo quyền Nhiêu:
-Chú dạy thay tôi. Tập cố lên. Đã đến lúc làm thật chứ còn tập với tành gì nữa chứ. Cai Mánh đứng lên. Anh lẳng lặng theo con đường mòn đi ra bờ rừng. Anh muốn suy nghĩ một mình và muốn tìm sự yên tĩnh riêng. Đến gần đường cái quan, đột nhiên Mánh nghe thấy tiếng ai hấm hứ cãi cọ nhau. Một giọng đàn ông sấn sổ, xin xỏ. Một giọng đàn bà thì sợ hãi, van xin.
****
C ậu ấm Hỷ là người nổi tiếng "hào hoa" tỉnh Thái. Nhiều người nói vậy, nhưng cũng có người nói thẳng toẹt ra rằng: Cũng một nòi nham hiểm, ba tấc lưỡi sắc ngọt như lưỡi dao! Bố cậu ra làm quan mới mười năm nay đã từ tri huyện thăng tri phủ rồi bây giờ quyền nhiếp chức bố chánh tỉnh Thái. Sở dĩ thăng nhanh như vậy cũng là nhờ mấy người vợ lẽ ông bố chánh rất khéo chiều quan trên trong đó có cả các quan Tây. ông bố chánh lại khét tiếng trong việc bắt "giặc" và là một cánh tay đắc lực của "cụ" tổng đốc Lê Hoan. Việc thăng chức của ông ta xem ra rồi đây còn “sáng sủa" nhiều hơn nữa kể từ khi ông ta được cụ sứ Đác khen là "một người cai trị giỏi". Đặc biệt là vụ chia đất hoang vùng Thông Hóa, Định Hóa cho các bạn cụ sứ khai phá làm đồn điền thì được cụ sứ khen là giỏi luật và thông minh hiểu được ý cụ. Đó là một vùng rộng nhiều đồi chen những khoảnh ruộng mà đồng bào người Tày đã trồng trọt nhiều đời nay. Cụ sứ Đác đã bảo nha Địa chất Đông Dương kiểm nghiệm chất đất và được biết kết quả kiểm nghiệm là thứ đất trồng cam quýt tốt vô ngần. Cụ sứ đã cho gọi ông bố chánh đến giao cho ông ta việc định lô1.
Cụ bảo ông ta: "ông làm cho khéo. Cắt lô nào đừng để lẫn ruộng tư của dân vào. Thử xem ông có giỏi luật và đủ năng lực làm tuần phủ không?". ông bố chánh hiểu ý cụ sứ và ông tỏ ra là một quan cai trị Nam triều đắc lực. ông cứ chia lô thành từng đồn điền cho các bạn cụ sứ như thường. Bản đồ đồn điền nào cũng có chữ ký của ông và dấu bố chánh đóng đỏ lòe để gửi về nha Địa chính Đông Dương kèm với đơn xin khai phá đúng luật phủ Toàn quyền đã định. Trong khi ấy giấy tờ còn nằm ở nha Địa chính thì ở tỉnh Thái, ông bố chánh làm luôn mấy cuộc "mộ lính tình nguyện" đi Tây và đặc biệt nhằm vào những gia đình có ruộng nằm trong vùng đất đã được ông liệt vào loại đất hoang trong việc chia lô. Sau khi tống cổ những người chủ ruộng xem ra bướng bỉnh đi Tây rồi, ông bố chánh cho gọi từng chủ ruộng còn lại lên đòi họ phải xuất trình văn tự chứng thực quyền sở hữu những cánh ruộng ấy. Tất nhiên là không ai xuất trình được cái gì cả, ấy thế là ông bố chánh đập bàn gọi họ là phạm luật nhà nước, "chưa xin phép ai đã dám chấp chiếm đất đai nhà nước". ông đe "gô cổ" lại. ông đe bẩm lên cụ sứ và sẽ truy tố trước pháp luật. Những chủ ruộng có người cố cãi là họ làm khoảnh đất công của làng. ấy thế là trúng kế ông bố chánh tính trước. ông cho lập biên bản có lời khai của những người đang làm "đất công" và có cả dấu tay điểm chỉ của những người ấy. Sau đó ông giảng giải cho bọn "dân ngu" này rằng ruộng công ở khắp nước Nam là của nhà vua. Bây giờ nhà vua đã nhờ nhà nước Đại Pháp "bảo hộ" cho nên quyền sở hữu ruộng đất công nhà vua cũng giao cho nhà nước Đại Pháp nốt. Quan Toàn quyền ngài muốn cho ai làm thì cho. Và ngài đã cho các ông Tây trồng cam. Trồng cam thì "ích quốc lợi dân" hơn trồng lúa (?). ông nghiêm sắc mặt bảo mấy ông chủ ruộng:
-Chúng mày không nghe thì cụ sứ cho đi Côn Đảo. Thế là mấy ông chủ ruộng khóc lăn ra đất, lạy ông bố chánh xin ông cứu cho. Họ nói những mảnh ruộng ấy là nguồn sinh sống của mỗi gia đình. Họ van ông bố chánh cứu mạng cho gia đình nhà họ. ông bố chánh thây kệ. ông để cho họ chầu chực cổng dinh mấy ngày rồi mới gọi họ vào. ông bảo rất ôn tồn:
-Tôi thương các người nhưng luật phép nước ban ra thế, tôi làm sao được. Thôi thì tôi sẽ xin các quan Tây bồi thường cho các người một ít, gọi là trả chút công sức khai phá. Về sau, mỗi mẫu ruộng, người chủ được Tây đền cho năm đồng. ông bố chánh lại chỉ cho họ một khu đồi hoang ra đấy mà khai phá. Khu đồi này thì đúng là đất hoang thật. Cậu ấm Hỷ chưa trực tiếp nhúng tay vào các việc nước việc dân như thế nhưng ông bố đã nói cho cậu hay những mưu mẹo của ông. Cậu đã học qua Tứ Thư, Ngũ Kinh và khi tập bài được khen là văn chương có nhiều điển cố sâu sắc. Có một ông thầy Tàu xem mạch Thái tố cho cậu đã phải thốt lên: "Có học có thi là có đỗ!". Nhưng chỉ tiếc "Nhà nước" đã bãi cả thi hương thi hội chứ không thì cậu đã được lĩnh cờ biển vua ban rồi. Vả chăng cái nghiệp bút lông đã hết, ông bố chánh học trường Thông ngôn. Chỉ mới ba năm cậu đã nói được tiếng Tây, cái bút sắt trong tay cậu khi cậu viết cứ múa nhoay nhoáy. Khi học xong, đáng lý cậu ấm được bổ thông phán. Làm ông phán tòa sứ cũng chả kém thớ gì chi huyện, tri phủ nhưng làm mãi cũng chỉ đến chức ông phán đầu tòa là cùng cho nên ông bố chánh nghĩ xa hơn. Với nòi nhà ông, với cái thế của ông, lại được quan thầy là cụ sứ Đác đỡ đầu thì cho cậu ấm đi làm thông phán nó "phí đi". ông giữ cậu ấm ở nhà, xin chân tri huyện hậu bổ sẵn cho cậu ấm và chờ dịp "bẩm cụ sứ" cho cậu ấm đi tri huyện một huyện thật "bẫm".
Từ tri huyện lên tri phủ, từ tri phủ lên bố chánh, tuần phủ, chả biết chừng lên đến tổng đốc như cụ Thượng Lê Hoan. Cụ Thượng Lê ngày xưa cũng chỉ là anh thư lại quèn thôi ấy thế mà bây giờ làm tổng đốc ba tỉnh, lĩnh hàm Binh bộ Thượng thư. Cụ Thượng Lê chỉ kém có một mình cụ Quận Hoàng ở cái đất Bắc Kỳ này. Con đường xuất chinh làm quan tính đến cùng vừa có danh vừa có vọng hơn. Mới gần đây món quốc văn trở thành tiêu biểu của một con người học thức. Cậu ấm Hỷ đặt mua năm các báo Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí. Cậu đọc say sưa những bài báo trau chuốt lịch sự, thông thái ngọt lịm đăng trong các báo ấy. Cậu coi những "danh sĩ tân học" Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh như những tấm "gương" sáng cho cậu noi theo. Ngoài việc đọc sách và tập nói thêm tiếng Tây, cậu ấm chỉ có một việc ăn chơi và đưa thời trang vào giới thượng lưu trong tỉnh. Chính cậu là người đầu tiên trong tỉnh Thái đi giày ban đánh xi đen và cũng chính cậu là người đầu tiên chít khăn chữ nhật, mặc quần là ống sớ. Mỗi ngày của cậu là một ngày bận rộn. sáng 1. Dinh ám sát. ra trà tàu, trưa rượu cúc cá chép nướng, chiều lại trà tàu, tối lại rượu cúc gà quay rồi xuống phố Ba toa đánh vài khổ trống hát ả đào.
Lâu lâu, có bạn ở Hà Nội lên chơi thì đổi món cờ tướng "khang khác" thì cậu đi kiếm "món lạ". Bởi vì nòi nhà cậu có cái máu ấy! ông bố chánh lấy hai vợ, ba nàng hầu, đó là những người đã làm bậc thang công danh cho ông. Còn cậu ấm chưa nạp thê nhưng đã có ba người thiếp, không kể những của dấm dúi ở rải rác những nơi cậu theo bố trị nhậm. Thế mà bằng ấy vẫn chưa vừa lòng con người mà máu ăn chơi chứa đựng tất ả chỉ trong đôi mắt đen nhẫy rất đa tình. Nhìn bề ngoài, cậu ấm Hỷ thật phong lưu trang nhã. Cậu dong dỏng cao, vầng trán rộng, sáng sủa và thông minh. Tay cậu luôn luôn có cái quạt, một chiếc quạt Hới nhỏ, lúc nào cũng cụp lại làm đồ trang sức hơn là để phảy mát. Có điều cậu ấm có cái mũi sần đỏ nom rất bẩn và chả biết ai đặt giễu cậu cái tên gọi trệch là ấm Hủi. Những con người cùng cái máu ấm Hỷ bao giờ cũng thích của lạ. ở Thái Nguyên nhiều gia đình nền nếp, phong lưu nhưng cậu ấm lại rất chú ý tới cô con gái nhà ông chủ quán rượu đầu làng Đồng Mỗ. Cậu đã gặp cô ta trong một phiên chợ huyện Đồng Hỷ. Cô vừa đi một đoạn đường xa gánh một gánh nặng dưa bở. Trời hơi nắng. Đôi má hồng lên, lấm tấm mồ hôi, hai con mắt hừng hực bốc sáng và những vệt áo ướt đẫm dán chặt vào những thăn thịt nây lẳn. ấm Hỷ đã theo cô vào chợ, ngắm cái dáng chắc nịch, ngắm hai cổ tay tròn trịa vắt chéo lên đầu đòn gánh. Thì ra vẻ đẹp của mỗi người đàn bà cũng tùy thuộc vào cảnh quan chung quanh nữa. ở nơi này thì cô không đẹp và người người khác đẹp; ngược lại với một nơi khác có những con người đẹp khác. Trong cái chợ miền ngược này cái đẹp khỏe mạnh của cô con gái ông chủ quán có một vẻ đẹp lạnh lùng quyến rũ khiến cậu ấm xao xuyến mất ngủ nhiều đêm. Cậu thèm thuồng tấm thân lực lưỡng nhiều chất rừng chất núi ấy. Dinh bố chánh có tên lính khố vàng trước đã từng theo nghĩa quân Yên Thế sau quay phản về hàng Tây. Tên này đã báo cho cậu ấm biết rằng cha con ông Quát vốn là "quân khởi loạn" cũ. ấm Hỷ bắt thằng lính phải kín miệng. Cậu ấm bày mưu chiếm lấy cô gái con ông chủ quán. Cậu cũng không nói cho bố biết chuyện này. Bố cậu chỉ hé một lời là bên tá Niết1 sai bắt ngay cha con ông chủ quán.
Như thế thì chả có lợi gì cho cậu cả. Cứ để thế này, cậu ấm sẽ có phép bắt cha con ông chủ quán làm theo ý cậu muốn. sáng hôm nay, chính vào lúc cậu ấm đang hừng hực trong lòng thì lại thấy hút bóng Lý đi về phía rừng. Thầy trò cậu ấm bảo nhau theo gót cô gái ngay. Hai thằng lính khố vàng cắp roi mây vào nách cũng hăm hở hơn, chúng mong được ông chủ nhỏ thưởng thật hậu. Ba thằng hấp tấp lội qua một chân ruộng trầm. Cậu ấm hụt bùn mất cả đôi giày Chí Long da đen mới. Cậu hớt hải trèo lên con đường mòn vắt qua sườn đồi dẫn ra đường cái quan đi nẻo Phấn Mễ, con đường này xuyên qua một cánh rừng chưa khai phá, xưa nay vẫn vắng teo. Bụng cậu ấm cứ réo sôi lên. Cậu dắt hai thằng lính khố vàng xuyên tắt qua một quả gò mọc đầy những bụi sim, mua. Mấy thầy trò rúc bụi tối mặt tối mũi, lao thật nhanh sang bên kia đường đón cô gái. Lý giật nảy mình khi nhìn thấy mấy bóng người từ vệ rừng bước ra. Nhận ra ấm Hỷ, Lý vừa tức vừa sợ. Cô đã nhiều lần bắt gặp ánh mắt thèm muốn của thằng này. Cậu ấm cười cợt nói, mắt liếc long lanh:
-úi chao, có duyên dù xa nghìn dặm vẫn gặp được mặt nhau. Đang mơ tưởng tới người ngọc thì người ngọc hiện lên ngay. Này, cô em đi đâu thế? Lý không chú ý đến cái giọng bờm xơm của hắn vì còn mải né tránh bàn tay nhỏ nhắn đang định nắm lấy vạt áo của cô. ấm Hỷ có bàn tay rất đẹp, da tay rất trắng, rất mịn, ngón thon thon để móng dài cong như cánh hoa ngọc lan. Lý sợ hãi kêu khẽ:
-Tôi ra chợ. Bác bỏ cho tôi đi.
-Sao lại gọi tôi bằng bác. Phải gọi bằng chàng chứ. Chàng đi thiếp cũng đi theo, lội sông vượt núi qua đèo băng khe. Theo kỳ tới chốn buồng the!... Chứ! l...ị... Lý cuống lên: cậu ấm đã nắm được đầu dải thắt lưng màu tím của cô. Hắn quấn luôn mấy vòng vào cổ tay, giữ thật chắc. Lý khom người, van nài:
-ông buông tôi ra kẻo tan chợ về thầy tôi mắng. Lý lăn lộn từ nhỏ nhưng chỉ mới lăn lộn trong những trận chiến đấu. Lý quen sống giữa những người thật thương yêu nhau. Cho nên cô rất luống cuống trước cái sàm sỡ của ấm Hỷ. Nhưng một cô gái đồng rừng mới dậy thì gặp chuyện như vậy thì cũng có cách phản kháng riêng của mình. Lý gắt ấm Hỷ:
-ông có buông tôi ra không? Tôi kêu lên bây giờ!
-Lại gọi bằng ông rồi. Này, tôi bảo thật, phải gọi tôi bằng chàng. Như thế mới là người con gái biết điều. Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta chòng. Được, cô cứ kêu lên. Chỗ này vắng quá, cô kêu thì được cái gì. Mà nếu có ai thì chỉ có cô thẹn thôi chứ. Lý uất lên, không nói ra lời được nữa. Cô nắm chặt lấy cổ tay phải của ấm Hỷ. Cô ra sức vặn tay gã. ấm Hỷ cũng níu riết lấy mẩu thắt lưng của cô gái. Gã thở hổn hà hổn hển. Gã thò bàn tay trái lên định vuốt má cô gái.
Hai thằng lính khố vàng đứng bên ngoài xem, nhe răng cười hềnh hệch. ấm Hỷ vuốt nhẹ được vào má Lý. Cô gái nổi khùng chộp bàn tay ấm Hỷ kéo vào miệng, cắn luôn một miếng. Gã đau quá ối to lên một tiếng và buông tay cô gái ra. Mặt gã nhợt đi vì tức. Hắn không ngờ cô gái lành, đụt ấy dám làm dữ đến như vậy. Hỷ giở mặt:
-Con khốn nạn. Đồ cú được đậu cành hoa còn làm bộ. Tao bảo cho bố con mày biết mà liệu xác. Cái tội theo giặc chống nhà nước còn kia. Tao chỉ bẩm quan Tây một câu là bố mày bị gô cổ lại ngay. Biết điều thì đừng có cưỡng lại tao. Cái thằng lính khố vàng cao lênh khênh mặt choắt như hai ngón tay chéo vun khéo một câu:
-Cái nhà cô này, đường quang chẳng đi lại đâm choàng vào bụi. Được cậu ấm thương đến, một bước lên bà bé, ra giày vào dép, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu, lại còn ẻo ọe. Thằng kia, một thằng mặt bì bì, mắt lồi như mắt cá vàng, đầu như lợn mà nói năng lại xỏ lá ra mặt:
-Thôi cô ơi, một đêm quân tử nằm kề còn hơn mãn kiếp một bề chồng ngu. Cậu ấm để mắt đến cô là phục cả nhà cô rồi. ông ấm là người thanh cao đến tôi còn kính phục cơ mà. ấm Hỷ được thể sấn đến giơ tay nắn vào ngực Lý một cái. Cô gái rú lên, lùi một bước vội vã thụt vào chỗ lõm. Lý hẫng chân, ngã ngồi xuống đất. ấm Hỷ bổ nhoài vồ lên Lý, ôm chầm ngang lưng cô gái. Lý hấm hứ trong cổ họng. Cô gái nắm chặt tay đặt lên mặt gã, cố đẩy gã ra. Cô thấy sợ toát mồ hôi ra: đôi mắt gã bây giờ nom dài dại nhưng vẫn long sòng sọc như mắt người điên. Miệng gã đẩu ra chới với tìm đôi má cô gái. Một thằng khố vàng, cái thằng mắt cá vàng ấy, cầm một cổ chân Lý nhấc lên khiến cô gái vật ngửa ra dất. ấm Hỷ thừa cơ chộp đánh thụp một cái vào ngực Lý khiến cô gái chu lên như bị ong đốt:
-ối giời ơi... thằng đểu! Một tiếng quát ở phía sau:
-Này! Ban ngày ban mặt mà anh dám giở cái trò khốn nạn này ra à? Bọn ấm Hỷ giật nảy mình. Một bàn tay gầy đen nhưng cứng cáp nắm lấy cổ áo cậu ấm, kéo cậu ta đứng dậy. Đó là bàn tay của xếp tiêu sầu. Cai Mánh giơ tay như muốn tát cho ấm Hỷ một cái. Hai thằng lính khố vàng cậy đông, bênh chủ:
-Đừng có láo. Mày là thằng nào mà dám đụng đến cậu ấm. Quan bố mà biết thì rũ tù. Thằng mặt choắt còn đe một câu:
-Tăng xương! Tăng xương! (liệu hồn! liệu hồn!). Cai Mánh vằn mắt lên. Anh đang ghê tởm cái lối nói tiếng Tây bồi của ngay chính anh. Người cai khố xanh chẳng do dự gì nữa. Anh nắm chặt giáng cho cậu ấm một quả nghe đánh hự vào giữa ngực. Như bị trời giáng, cậu ấm ngã kềnh ngửa, khăn khố xổ tung ra, tròng vào cổ. Hai thằng lính khố vàng vội xông ngay vào. Thằng mặt choắt túm tóc Mánh, thằng mắt cá vàng giơ hèo sơn đỏ vụt đen đét vào lưng Mánh. Cai Mánh không thèm để ý đến hai thằng lính khố vàng. Anh nghiến răng, không kêu, không la, cứ nhè toàn chỗ hiểm của cậu ấm mà giọt liên tiếp. Bàng quang một đấm, bụng dưới một đấm, ức một đấm, mạng sườn hai, ba, bốn đấm. Mánh đánh như nện đòn thù. Lý được người cứu, đã gỡ được mình và chạy tránh ra xa, đang đứng xốc lại quần áo. Cô ý ớ kêu người lại cứu Mánh. Cô thấy Mánh có vẻ yếu thế vì hai thằng khố vàng cũng khỏe cả. Hai đứa đã ôm được ngang lưng Mánh, muốn vật anh xuống. Nhưng người cai khố xanh co đầu gối thúc cho thằng mặt choắt một cái vào bụng khiến gã rống lên è è... Thằng mắt cá vàng ở đằng sau cũng ăn một khuỷu tay nhưng gã ngáng chân vật Mánh ngã sấp xuống đất rồi đè sấn lên trên. Vừa lúc ấy, có tiếng chân chạy tới. Đó là quyền Nhiêu và cái đờ-mi gờ-rúp cả cai Mánh! Họ chẳng cần biết nếp tẻ ra sao, cứ thế là hai nện một, ba nện một. Họ giọt cho hai thằng lính khố vàng trận no đòn. ấm Hỷ lùi vội ra xa, gã không lạ gì bọn lính tráng, cái gì cũng coi bằng con kiến. Nhưng cai Mánh đã chồm đến. Anh nắm cổ áo cậu ấm kéo một cái xoạc tung cái áo the của gã từ cổ đến bụng áo. ấm Hỷ la toáng lên:
-s xơ cua! ô xơ cua (Cứu tôi! Cứu tôi!). Lúc ấy, có một toán sen đầm Tây đi "roỏng" tỉnh lỵ nghe thấy tiếng kêu cứu liền chạy đến. Viên chỉ huy là đọi sen đầm Bơ-de (Besait). Cai Mánh bảo khẽ Lý:
-Tránh đi. Cô gái lùi ra xa mé sau toán lính khố xanh. ấm Hỷ hai tay ấp hai mảnh áo the rách lên ngực. Gã hổn hển mách Bơ-de bằng tiếng Pháp:
-Mấy thằng này định lột áo tôi. Nó còn đánh tôi. Gã nói bằng tiếng Pháp nên bọn Mánh nghe chỉ hiểu lỗ mỗ. Bơ-de nhìn Mánh, nhìn những người lính khố xanh. Đột nhiên cái thói sợ lính Tây, sợ người Tây tưởng đã hết trong con người Mánh bỗng từ xó xỉnh nào tuồn ra. Hiện tượng ấy cũng xảy ra cả ở các người lính khố xanh của Mánh. Bơ-de khoằm ngón tay trỏ, gọi như gọi chó:
-Lại đây! Đằng sau toán lính khố xanh, những người quốc sự phạm đang đi tới. Họ dừng lại cách đám đông chừng mười thước và đứng yên lặng nhìn. Bơ-de hỏi Mánh:
-Thế nào? Việc thế nào? Mánh im lặng. ấm Hỷ liến thoắng tiếng Tây:
-Thằng này nó ghen. Nó không có tiền. Tôi có tiền, con kia nó đi với tôi. Câu này thì Mánh hiểu. Anh cáu:
-Nói láo! Tao dần tan xương bây giờ. Thằng hủi! Cai Mánh đỏ mặt lên. Anh muốn nói cho thằng sen đầm Tây hiểu rằng ấm Hỷ định làm nhục cô gái này và anh can thiệp theo lẽ phải. Nhưng số vốn liếng Tây bồi của anh ít quá. Anh rặn mãi chẳng ra được nửa câu. Bơ-de bảo:
-Nói đi! Mày câm à? Gọi tao bằng xếp! Há! Bơ-de trước là cai pháo thủ nay quá tuổi nên chuyển sang làm sen đầm. Y rất hiểu đặc quyền "màu da" vì y ở Đông Dương đã hơn mười năm. Y lại rất cao lớn. Hai thằng khố vàng đã tìm được hèo sơn đỏ bị văng trong đám cỏ. Hai thằng đứng sau lưng cậu ấm. Toán lính khố xanh cũng áp vàp sau lưng xếp tiêu sầu. Còn thì chẳng hiểu Bơ-de nghĩ gì, ý cứ giục:
-Nói đi chứ! Chúng mày câm à? Vừa lúc ấy, viên đội khố xanh chạy từ xa đến.
-Nào, nào... cái gì thế này? Viên đội khố xanh ấy là đội Giá.
****
T ừ lúc rời quán rượu, đội Giá đi lang thang như người vô định. Đôi chân lơ đãng đưa anh đi men theo con hào quanh chân thành cổ Thái Nguyên về nẻo trại Bô-dông như con ngựa già về chuồng cũ. Nắng lên, chói lòa. Cây cối bạc màu vì bụi. Có lẽ đã quá chín giờ. Đội Giá đi bàng hoàng giữa tỉnh lỵ vắng teo trong giờ làm việc. Anh nghĩ nhiều nhưng nghĩ mung lung và không thu gọn được việc phải nghĩ. Những phố Tây sạch sẽ, hai bên hè trồng những cây me, cây phượng vĩ. Tán lá trùm mát, đầu cành rũ những quả lủng lẳng nhọn đầu. Những ngõ ngang lát đá, ngắn và hẹp với những gian quán nhỏ mở he hé một bên cửa lùa. Phố vắng. Chỉ thỉnh thoảng một bà lão quảy đôi thúng, lọm khọm như chiếc bóng. Tất cả đều lặng lờ, nhẫn nhục bỏ mặc thời gian trôi đi lặng lẽ. Đội Giá triền miên trong suy nghĩ riêng tư đang cắn rứt lương tâm anh. Anh nghĩ đến cái làng nhỏ xinh, nằm bên bờ sông Văn úc.
Những kỷ niệm cũ trở về cả vui lẫn buồn. Tuổi trẻ của Giá đã trôi đi nhạt nhẽo. Anh được tin cha anh qua đời khi anh đang bị đẩy ra mặt trận sông Đà. Anh không được vuốt mắt cha và nhận lời trăng trối nhưng anh tin rằng cha anh chết không vui. Từ đấy, Giá trầm lặng đi. Anh có một lời nguyền là sẽ dùng hai bả vai mình mở lấy một đường đi trong cuộc đời. Chính cái lời nguyền ấy đã dẫn anh đến con đường làm một tên lính khố xanh. Anh được thăng cấp cũng mau. Anh có một chỗ đứng tưởng như mọi người nể sợ. Nó đã có lúc làm cho anh lóa mắt nếu như dần dà anh không nhận ra trong đời lính tráng chẳng bao giờ có công lý. Anh đã từng bị đứng nghe chửi như tát nước vào mặt, đã từng hiểu sự sung sướng khi thoát được lệnh phạt giam và sau đó thấy hổ thẹn. Anh đã từng chịu đựng những cặp mắt lặng lẽ, lạnh lùng và ghê sợ của những người dân Nhã Nam, Yên Thế. Anh đã từng nghe thoảng qua tai lời nguyền rủa những thằng lính khố đỏ, khố xanh, khố vàng phản nước. Tóm lại, đất đứng chỉ là sự ngộ nhận của Giá. Anh đã hiểu rằng cái lon đội của anh chẳng là cái gì cả. Nếu bị giám binh gọi lên văn phòng, anh cũng run sợ hồi hộp như lính. Dân tránh anh cũng như tránh bọn Tây. Rời quán nước của cụ Quát, Giá đi lang thang, trong lòng xúc động rất mạnh. ông Quát và Giá đều muốn nói một điều mà cả hai chưa ai đả động tới: "Việc hứa hôn giữa Giá và Lý". Đặt chuyện này ra khi đang gấp chuẩn bị cuộc binh biến thì thật kỳ quặc. Nhưng Giá muốn được cụ Quát nói cho một lời tin cậy dù chỉ mới là lời hứa gả con gái. Trước kia, khi anh còn ngộ nhận về chỗ đứng của mình, thì anh sẽ mang cái lon đội ra làm của dẫn cưới. Anh cho rằng làm điều đó là anh hạ mình. Anh tin chắc hễ ngỏ lời là được như ý. Nhưng câu chuyện cụ Quát kể lại về tình bạn của cụ với người bạn còn bị tù đã làm cho Giá hiểu thế nào là niềm tin và cái gì làm gốc rễ cho niềm tin ấy. Anh mong muốn được một lời nói chân thành quý mến mình.
Anh đã được thời thế gọi thức dậy tình yêu nước và lương tri của một con người trung thực. Anh về gần tới trại Bô-dông lúc nào không biết. Anh gặp đội Cấn đi ra một mình. Đội Cấn chăm chú nhìn đội Giá:
-Sao lại về một mình? Tù trốn à?
-Không... Sao anh lại hỏi thế?
-Nom mặt chú... thế kia. Đội Giá sực hiểu chắc vẻ mặt anh nom rất ngơ ngác. Anh kéo ông Cấn đi xa trại Bô- dông. Đội Cấn hỏi:
-Đã đưa tin bên đề lao chưa?
-Rồi. Nhưng mình làm... cũng thừa sức. Việc gì mà cứ phải hỏi họ.
-Không, phải hỏi. Vì đây là việc chung và họ quen hơn ta, họ giỏi hơn ta. Giá lẩm bẩm đau đớn như nói một mình:
-Nhưng họ có tin ta đâu. Nếu như ta chiếm xong tỉnh lỵ đêm nay thì còn nói gì nữa.
-Đúng thế! Lòng ta sẽ giãi bày đêm nay.
-Và mọi người sẽ tin cậy, kính phục nhau. Đội Cấn tò mò nhìn bạn mình. Giá đang xúc động và có thể đang bị ai chạm tới niềm tự ái tự tôn của mình. Cấn kéo Giá đi, hỏi nhỏ:
-Có chuyện gì thế? Đội Giá khẽ lắc đầu.
-Chú không nói được với anh à? Đội Giá chợt thấy lòng nô nao rối lên. Anh cảm thấy được tin cậy là một niềm hạnh phúc và bị ngờ vực là một sự xúc phạm ghê gớm. Anh nói rít hai hàm răng:
-Rồi không ai có quyền khinh ta nữa.
-Nhưng bây giờ nếu có ai khinh ta cũng phải chịu.
-Sao? Bác nói sao?
-Phải, họ có quyền khinh ta. Giá ngoảnh nhìn Cấn, kinh ngạc, tức giận.
-Họ có quyền vì chúng ta còn đeo cái này... Đội Cấn chỉ vào cái "khuy xông"1 lính khố xanh đeo ở ve áo.
-Và tôi cũng còn đeo nó. Đội Cấn chậm rãi nói buồn bã:
-Nó là vết nhơ đeo đẳng mãi anh em ta hàng chục năm nay. Lắm lúc tôi thấy bộ áo lính cọ vào thân thể như muốn bỏng da thịt lên. Và còn cái này nữa! Đội Cấn giơ ngón tay trỏ bên phải lên.
-Chú thử nghĩ xem cái ngón tay này có đáng tin không? Chú tự hỏi lương tâm mình xem công nó, tội nó thuộc về ai? Giá nhìn ngón tay trỏ của mình, như để nhớ lại những năm, tháng đã qua. Những người lính khố đỏ, khố xanh đã từng là cái máy giết người của bọn Tây. Quân thù đã hiểm độc lại có lực. Chú còn nhớ lời ông Ba không? Giá nhớ lại lần gặp Lương Ngọc Quyến đầu tiên. Hôm ấy, anh là người chỉ huy toán lính khố xanh canh đề lao. Anh có nghe nói đến một người tù mới bị Tây đem về đây phạt giam cấm cố. Người ta kể rằng người tù này là người của đảng cụ Phan Bội Châu. Anh đang tìm cách bí mật gặp người tù thì viên phó công sứ vào đề lao. Y là một viên quan cai trị bậc bốn ngạch thuộc địa và là trung úy pháo binh trù bị. Viên phó sứ bảo đội Giá: 1.écusạon, quân hiệu.
-Đi theo tôi!
Giá theo viên phó sứ. Anh không hiểu ý định của gã. Gã vào tới xà lim cấm cố và sai mở cửa. Ngăn xà lim tối đen. Chưa quen với bóng tối, không ai nhận ra trong xà lim có cái gì. Một mét hai, hai mét. Đó là chiều dài và chiều rộng của xà lim cấm cố tường quét hắc ín. Một chiếc phản gỗ lim chân bằng sắt chôn xuống nền. Cuối phản có bắt bằng bu- lông một chiếc cùm sắt hai lỗ dành cho hai chân người tù. Giá nhận ra dần: một người tù còn trẻ, dáng điệu mệt mỏi và khinh thị. Anh ta gối đầu lên cánh tay phải, chân vắt chéo nhau, lạnh lùng chẳng thèm để ý đến người làm rầy anh ta. Viên phó sứ gắt lên:
-Ngồi dậy! ......... Y gắt bằng tiếng Pháp rồi văng cả ra bằng tiếng Việt, nhưng người tù vẫn nằm thản nhiên. Viên phó sứ bước hẳn vào xà lim và giơ tay lên...
-Đừng động vào tôi. ông muốn gì? Người tù có một giọng nói oai vệ của người quen ra lệnh. Người ta dễ dàng nhận thấy đó là cách nói của một sĩ quan chuyên nghiệp. Chính cách nói ấy làm cho viên phó sứ rụt tay lại. Người tù ngồi dậy một cách khó nhọc, trên khuôn mặt hốc hác, một cặp mắt lạnh lùng từ từ nhìn từ viên phó sứ sang người đội khố xanh trẻ. Sau đó, người tù ngoảnh mặt đi không để mắt tới đội Giá một lần nào nữa.
-Các người muốn gì vậy?
-Anh xin phép ai mà bỏ chân ra khỏi cùm?
-Các người muốn làm gì thì làm chứ ta chẳng xin xỏ gì ai. Thì ra viên phó sứ đi kiểm tra chế độ trừng phạt áp dụng cho Lương Ngọc Quyến theo lệnh của công sứ Đác. Lệnh rất ngặt: Suốt ngày cùm trong xà lim cấm cố, hai nắm cơm, một dúm muối, một gáo dừa nước lã! Viên phó sứ nói lại cho Quyến nghe về lệnh cấm đó và thêm:
-Để cho anh biết uy lực của tòa án binh Pháp! Rõ chưa. Quyến lạnh lùng đáp:
-Ta chỉ biết có uy lực của tòa án lương tâm ta thôi.
-Tòa án lương tâm!
-Viên phó sứ hơi nhếch mép cười. Quyến im lặng. Viên phó sứ gọi giám ngục, quát tháo ầm ĩ. Y ra lệnh cùm ngay chân Quyến lại và hàng ngày viên đội khố xanh chỉ huy việc canh phòng đề lao phải đích thân kiểm tra việc cùm này... Lời nói của Lương Ngọc Quyến đã làm đội Giá bàng hoàng. Anh không thể ngờ được một con người tàn tạ lại có tâm hồn sắt đá và trong sáng như thế. Anh đã kể lại cuộc gặp gỡ trong đề lao cho Trịnh Văn Cấn nghe và chính người bạn này đã nhắc anh nhớ tới câu nói đanh thép của Lương Ngọc Quyến.
-Thôi! Chú về chỗ anh em làm cỏ vê đi.
Phải coi việc tự vấn lương tâm mình là quan trọng nhất. Đội Cấn quay về trại Bô-dông. Giá cúi đầu lầm lũi bước đi. Anh trở lại bình tĩnh. Anh tự nhủ mình còn nông nổi quá. Anh giơ ngón tay trỏ bên phải lên ngắm nghía. Ngón tay có chai ở đốt giữa, chỗ vẫn xiết cò súng. Anh thấy hai tai nóng lên và anh cụp vội ngón tay lại. Chính vào lúc ấy, Giá nhìn thấy bọn cai Mánh đang gầm ghè với sen đầm và lính khố vàng. Anh vội vàng chạy lại. Bơ-de và cai Mánh vẫn chưa nói cho nhau hiểu đầu đuôi câu chuyện xảy ra. Giá nhìn quanh từ Mánh, Hỷ, Bơ-dê đến cô gái và anh giật mình khi nhận ra Lý. Bơ-de nhìn cái lon đội của Giá. Gã hỏi anh:
-Có nói được tiếng Pháp không? Giá gật đầu. Anh bảo Bơ-de:
-Để tôi hỏi xem chuyện gì đã. Thằng lính khố vàng mặt choắt liến thoắng:
-Thằng này dám đụng đến cậu ấm con cụ lớn. Thằng lính khố vàng kia cũng nói theo:
-Nó đánh cả chúng tôi. Hai thằng chỉ cai Mánh. ấm Hỷ nhăn nhó ôm ngực:
-Thế này anh đội. Con kia vẫn theo tôi. Tôi cho nó tiền luôn. Thằng này nó ghen, nó hành hung tôi. Giá liếc vội về phía Lý và thấy cô gái thẹn đỏ mặt lên. Anh còn lạ gì cai Mánh, đó là con người tránh đàn bà. Chẳng rõ trong cuộc đời riêng thầm kín của anh có điều chi gieo nặng nhưng chỉ biết cai Mánh tránh tất cả những gì dính líu đến họ. Nếu buộc phải giao dịch với đàn bà con gái, anh chỉ nói rất ngắn đủ nghe, thậm chí đến mức cộc lốc, cục cằn. ấm Hỷ sợ Lý nói chen vào, gã nói tiếp ngay:
-Nhưng con này cũng hỗn lắm. Hôm nay nó vòi thêm tiền. Tôi không sẵn nên không cho nhưng cũng vì bây giờ tôi biết rõ cha con nó là quân phiến loạn cũ của Hoàng Hoa Thám. Đội Giá thất sắc. Anh đưa tay lau mồ hôi trán để giấu sắc mặt. Anh đã hiểu cái chuyện không đâu này có thể dẫn đến một hậu quả tai hại thế nào. Nếu không khéo dìm đi, chuyện có thể đưa đến chỗ cha con cụ Quát bị bắt. Anh hỏi cai Mánh làm phép nhưng anh đã hiểu đầu đuôi câu chuyện là như thế nào rồi. Nhìn toán khố xanh cầm súng lăm lăm, anh e sợ một sự manh động xảy ra. Anh dùng tiếng Pháp nói với Bơ-de:
-Đây là chuyện ghen tuông bình thường. Tôi sẽ ra lệnh phạt thằng cai này. Anh chỉ vào Mánh.
-Còn cái nhà anh con quan này thì thả hắn đi. Bơ-de đột nhiên cười hềnh hệch:
-Tại sao mày lại công bằng thế. Để tao tạt tai cho thằng công tử bột này một trận. Còn mày thì bảo lính nó nện hai cái thẳng khỉ quấn khăn vàng kia đi. Mày phải biết bênh lính của mày chứ. Đội Giá nghĩ rất nhanh. Thì ra bọn chúng có một cách bảo vệ công lý rất lạ. Nếu có việc xích mích giữa dân với lính thì bênh lính. Nếu một bên là lính khố vàng, một bên là lính khố xanh thì bênh lính khố xanh. Cứ như thế công lý xếp theo trật tự: Tây chính cống đúng nhất rồi đến Tây lai. Sau Tây lai là da đen. Sau đa đen là khố đỏ rồi đến khố xanh, khố vàng. Chót cùng là dân đen. Bơ-de sẽ theo trật tự chân lý ấy bênh bọn Mánh và tạt tai cậu ấm Hỷ. Cậu ấm Hỷ mách bố và thế là tá Niết sẽ phóng trát tống giam cha con cụ Quát. Tốt nhất là bị vụ xô xát này đi. Anh bảo ấm Hỷ:
-Cậu ấm cứ đi về. Tôi sẽ phạt bọn này. Anh bảo cai Mánh:
-Dẫn lính đi. Và anh bảo Lý:
-Còn cô này theo tôi. Anh chào Bơ-de. Viên sen đầm tiện tay véo má Lý một cái và nháy mắt bảo Giá:
-Đừng để sổng mất nhé. Gã nói bằng tiếng Pháp nhưng Lý cũng đoán ra. Cô gái lầm lũi theo gót Giá. Hai người về đến hào thành cũ Thái Nguyên. Đã vào thu, lá sen trong hào rách úa tả tơi rồi. Những hàng cuống cụt ngọn, héo đen nhô lên xơ xác. Đôi ba cái gương sen già lấm chấm hạt vỏ nâu. Hai người cùng im lặng đã lâu. Đột nhiên Giá cảm thấy tủi nhục. Bây giờ anh mới thấy rõ nỗi nhục sâu cùng của người dân mất nước là không che chở nổi cho vợ con và người thân không bị làm nhục. Còn Lý, cô không sao hiểu nổi thái độ của đội Giá. Cô đột nhiên ghét con người ấy. Hai hàng nước mắt Lý từ từ ứa ra, chảy lăn trên má cô gái. Giá bình tĩnh và đau khổ bảo Lý:
-Thôi bây giờ cô đi đâu thì đi đi. Lý trân trân nhìn Giá. Viên đội khố xanh lặng lẽ quay đi. Anh hiểu rằng muốn làm rõ ràng mọi chuyện không thể chỉ bằng lời nói mà xong được. Và bây giờ anh cũng hiểu rằng trong cuộc sống còn những điều ngang trái hơn thế nhiều.