Số lần đọc/download: 3125 / 50
Cập nhật: 2017-08-30 02:57:13 +0700
Chương 4 -
C
huông đồng-hồ gõ bon … bon … bon…Cô Minh-Nguyệt đếm 8 tiếng. Ở trên lầu đi xuống, cô dòm bàn ăn thấy chén đũa đặt sẵn-sàng, mà vắng tiếng bà Hội-đồng, cô bèn hỏi mấy đứa ở trong nhà rằng: “Bà chưa về hay sao? Ði đâu mà từ hồi chiều tới bây giờ vậy kìa?” Mấy đứa ở nói đồ ăn nguội hết, mà không biết tại sao bà không về.
Cô Minh-Nguyệt châu-mày, bước ra cửa đứng ngó chừng, mặt có sắc lo. Cách chẳng bao lâu, có một cái xe hơi ngừng ngay cửa, bà Hội-đồng Quỳnh leo xuống, đưa tiền cho Biện Huỡn trả tiền xe, rồi bà xâm-xâm đi vô nhà. Cô Minh-Nguyệt bước ra mừng mẹ, miệng cười và hỏi rằng: „Má đi chợ mua giống gì đâu mà lâu dữ vậy, ở nhà con lo quá!“ Bà Hội-đồng đáp cụt-ngủn rằng: „Lo giống gì? Ði có chuyện mà về mau sao được”.
Bà Hội đồng lột khăn thay áo, bộ bà quạu lắm, cô Minh-Nguyệt không dám hỏi nữa, bèn lo biểu trẻ ở dọn cơm. Bà Hội-đồng ngồi ăn cơm với con, má bà không thèm ngó con, lại cũng không nói chi hết. Cô Minh-Nguyệt tánh hòa-huỡn, nói dịu-dàng, cô thấy mẹ cùn quằn không vui, thì cô lo trong lòng, một lát cô liếc mắt dòm lén một cái mà thôỉ, chớ không dám nói.
Ăn cơm rồi, bà Hội-đồng lên lầu, ngồi trên bộ ván cẩm-lai têm trầu mà ăn. Cô Minh-Nguyệt bước lên coi mẹ có sai-khiến việc gì không. Bà thấy cô thì nói rằng: “Con Minh-Nguyệt lại đây biểu chút”.
Cô rón-rén bước lại đứng trước mặt mẹ chờ lịnh. Bà ngồi xỉa thuốc long-mốt, mà ngó ngay ngoài cửa một hồi rất lâu, rồi tằng-hắng một tiếng thật lớn mà nói rằng: “Việc chồng đi nói mầy đã hư rồi. Không làm đám cưới, đám hỏi gì đâu, đừng có lo may áo nữa mà thất-công”.
Cô Minh-Nguyệt chưng-hửng, nghẹn-ngào nói không được. Cô ứa nước mắt mà hỏi rằng : “Sao vậy má? Tại ai mà hư việc hôn-nhơn của con?”
Bà Hội-đồng ngó con mà đáp rằng:
- Tại thằng cha mầy chớ tại ai. Nó khốn-nạn lắm, nó không chịu ký tên cho phép mầy lấy chồng thì làm sao mà lập hôn-thú cho được.
- Cha của con ở đâu bây giờ?
- Nó làm thợ sơn ở trên chợ Xã Tài.
- Cha của con nói làm sao mà không chịu ký tên?
- Nó nài phải cho nó gặp mặt ông Tấn-sĩ đặng nó biết ông, rồi nó mới chịu ký. Ðồ ăn mày mà nhiều chuyện! Ông Tấn-sĩ thấy mặt nó thì mình mang xấu cả đám hết thảy, cho thấy mặt sao được Tao nghĩ thiệt tao giận lắm. Không biết ai khiến hồi trước tao đụng người đó mà sanh mầy ra làm chi, nên bây giờ phải chịu nhọc lòng như vầy. Phải tao dè ngày sau khó dễ, thì hồi đẻ tao không cho khai sanh hay hơn. Nó vịn cớ khai sanh, nó có quyền làm cha mầy, rồi nó nói động óc chịu không nổi.
Cô Minh-Nguyệt nghe mẹ nói như vậy, cô đau-đớn trong lòng quá, đau về nỗi hôn-nhân trắc-trở, mà lai đau về câu nặng nhẹ thân cha, bởi vậy cô bước lại cái ghế để gần đó mà ngồi, lấy khăn đậy mặt mà khóc tấm-tứ tấm-tủi. Cách một hồi lâu cô mới nói rằng:
- Tại cha con bỏ con hơn 10 năm rồi, cha con không nuôi dưỡng con, nên cha con mới không biết thương con. Vậy con xin má cho phép con đi lên chợ Xã Tài kiếm cha con mà nói phải quấy cho cha con hiểu. Ví như thiệt cha con không thương con, muốn phá cuộc hôn-nhân của con, thì con chết phứt cho rồi, cho trọn niềm cha con.
Bà Hội-đồng ngồi lặng thinh suy-nghĩ rồi hỏi rằng:
- Mầy muốn kiếm cha mầy đặng nói giống gì?
- Con muốn hỏi cha con có cái công nuôi dưỡng dạy dỗ con hồi nào đâu, mà bây giờ lại sanh chuyện làm khó cho con như vậy?
- Mầy muốn đi thì mai tao biểu thằng Biện Huỡn nó dắt cho mà đi. Nè, mà tao nói trước cho mà biết, cha mầy bây giờ nó nghèo rồi nó láo-xược, gian-xảo, khốn-nạn lắm. Nó nói giống gì cũng đừng tin nó. Nó gặp mầy đây chắc nó bày chuyện nói xấu cho tao, vì nó xin tiền không được nó oán tao lắm. Mầy phải liệu nói sao cho nó mắc-cỡ đặng nó ký tên, chớ nếu nó không ký thì có làm đám cưới được đâu. Mà tao lén tao cho mầy đi đây mầy phẩi kín miệng, chừng ba mầy ở Long-hải về đừng có nói cho ổng hay. Lại ông Tấn-sĩ chưa biết cha mầy là ai ở đâu. Xưa rày tao giấu, tao nói cha mầy cờn ở trên Battambang khẩn đất làm ruộng và mua thủy-lợi Biển-Hồ. Mầy phải nói với ông Tấn-sĩ như vậy, chớ đừng có xì ra thành tao nói láo với người ta.
- Thưa má, con biết. Chuyện xấu của mình, con dại gì mà khai cho người ta hiểu.
- Ðược. Thôi, để mai rồi tao cho đi.