Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Dinh Dung Nguyen
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2747 / 30
Cập nhật: 2017-08-27 19:08:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Lời Đáp Của Tất Đắc
ỏi: Năm trước vì đạo nhà bối rối, cha mẹ khuất hét, bạc tiền không có, cái mộng học đặng lập thân của anh phải tan vỡ. Anh thất chí không muốn làm việc chi hết, thà thả trôi tấm thân vất vả theo phong trần cho qua ngày, chớ không chịu làm tay sai cho những kẻ không xứng đáng. May gặp bà Huyện giàu sang mà có một ái nữ bà đem lòng quí trọng anh, lại cô Bạch Yến không phải xấu xa hay hư hèn gì, cô cũng thương yêu anh nữa. Anh vào nhà đó, anh cưới vợ đó, với học thức đủ dùng và với tính tình khéo xử của anh, chắc chắn anh khỏi lo gì hết, mà thân anh cũng được sung sướng trọn đời. Tại sao gần ngày cưới vợ, lễ cưới người ta lo cho anh hết, mà anh lại viết thơ từ hôn rồi trốn đi mất biệt?
Đáp: Tại tôi cầu vui, tôi nghe lời chị Cẩm Hương khuyến dụ, tôi giả danh Bác vật hầm mỏ. Chừng tôi được biết rõ nhà bà Huyện rồi, biết bà là người chơn chất đúng đắn thành thiệt yêu quí tôi, lại biết em Bạch Yến thiệt thà trong sạch tha thiết trìu mến tôi nên tôi hồi tâm, tôi bất nhẫn, tôi ăn năn cái tội giả dối mà gạt người, bởi vậy tôi phải từ hôn mà trốn lánh cho khỏi hổ, chớ có chi đâu.
Hỏi: Bà Huyện với cô Bạch Yến đều ép buộc anh đừng lên Lèo mà tìm hầm mỏ, nếu anh cưới vợ rồi anh húng hính ở nhà, anh cứ nói tại bà mẹ vợ không muốn cho anh đi làm việc mà phải tuông rừng leo núi cực khổ tấm thân, thì ai biết anh Bác vật thiệt hay Bác vật giả gì đâu mà anh hổ thẹn?
Ðáp: Mình là người có giáo dục, nếu mình gian xảo giả dối mình hổ với lương tâm của mình thì chịu không nổi rồi, đợi tới người ta vạch mặt mà chê cười khinh rẻ thì còn gì mà kể. Huống chi em Bạch Yến khêu gợi làm lửa tình phừng dậy trong lòng tôi nữa. Tôi nói chuyện với em lần chót tại nhà chị Cẩm Hương, tôi có hỏi thử em vậy chớ em yêu tôi có phải tại chức Bác vật hay không. Ví như tôi là một người vô gia trụ, vô nghiệp nghệ, không phải Bác vật gì hết, thì em yêu tôi hay không. Em trả lời em thương anh Tất Đắc chớ không thèm kể anh Tất Đắc nào hết. Một câu trả lời đó đủ cho tôi phải bỏ đất Sàigòn mà trốn đi mất. Vì tôi yêu quí em Bạch Yến, tôi đem giả dối của tôi mà đáp với thành thiệt của em, thì tôi hổ thẹn quá, phải từ hôn chớ không thể làm chồng em được. Khi em Bạch Yến về rồi tôi cò than thở nỗi lòng của tôi đối với chị Cẩm Hương. Chị không hiểu đầu óc của tôi, bởi vậy tôi phải viết thơ ngay cho em Bạch Yến mà từ biệt.
Hỏi: Ra đi anh có nói cho anh Võ Lộ với anh Tự Cao biết tại cớ nào mà anh phải bỏ đất Sài gòn và có nói anh đi đâu hay không?
Đáp: Không. Nói ra chắc hai ảnh cũng không hiểu nỗi lòng của tôi, chẳng khác nào chị Cẩm Hương, mà còn sợ hai ảnh đem chủ nghĩa ra mà lý luận dông dài làm nhọc lòng thêm nữa chớ ích gì, lại tôi quyết bỏ biệt đất Sài gòn đến chết cũng không trở về đó nữa, thì nói cho hai ảnh biết làm chi. Tôi đã tính lánh em Bạch Yến nếu nói đi chỗ nào cho người ta biết té ra tôi muốn cho em Bạch yến hỏi thăm rồi đi theo đặng yêu cầu tôi trở về hay sao.
Hỏi: Rồi anh đi tỉnh nào mà tôi tìm không ra?
Đáp: Khi ở trong kêu xích lô chở hoa ly ra đi, thì tôi quyết tránh Sài gòn chớ thiệt tôi chưa tính coi phải đi đâu, bởi vậy ra tới bến xe đò tôi bước xuống xe mấy anh lơ bắt mối áp lại giành xách hoa ly và hỏi tôi đi đâu. Tôi nắm chặt hoa ly không cho lấy và nói chưa biết đi đâu. Mấy ảnh ngơ ngáo ngó nhau mà cười, bộ họ tưởng tôi khùng. Tôi mới xách hoa ly lại quán mà ngồi, biểu anh bán quán làm cho tôi ly cà phê nóng, tính ngồi uống đặng quyết định phương hướng. Trước hết trí tôi nghĩ mãi xuất dương đi ra ngoại quốc, có cách đó mới khỏi sợ gặp Bạch Yến. Lại vùi thân nơi cảnh lạ quê người, dầu vất vả cũng không ai biết. Ngặt trong lúc không có tới ba trăm đồng bạc, làm sao mà xuất dương đi xa. Đi mấy tỉnh chung quanh Sài gòn thì gần quá, té ra còn giả dối nữa, giả trốn đặng người ta kiếm đem về hay sao. Tôi biết Bạch Yến giận thế nào em cũng tiền bạc bộn với tôi có lẽ nào chị chịu bỏ. Long Xuyên là chỗ cha mẹ tôi ở hồi trước, ở đến mười mấy năm nên tôi có quen biết nhiều người. Ngặt chị cẩm Hương biết gốc gác tôi ở đó, thế nào chị cũng xuống đó mà tìm kiếm trước hết, thì làm sao mà ẩn giúp cho yên được. Hơn nữa nhơn tình dầu ở xứ nào cũng vậy hễ giàu sang thì người ta ân cần bợ đỡ, còn nghèo hèn thì người ta bỉ bạc khinh khi. Chớ chi tôi về cố hương mà trong túi có bạc muôn ngồi xe huê kỳ lộng lẫy, có kẻ hầu người hạ rần rần thì vui lắm, chớ về xứ mà lang thang kiếm chỗ trốn tránh như kẻ phạm tội thì ai thèm chứa, ai vị tình. Nghĩ tới tình cảnh đó thì tôi lạnh ngắt trong lòng, đầu óc mới sanh chán nản. Trong lúc ấy có một hành khách vô quán thấy có vài anh sớp phơ đương ăn hủ tiếu, người mới hỏi thăm bến xe đi Nam Vang ở chỗ nào. Một anh sớp phơ nói tại Chợ lớn mới. Tôi chiếp trong bụng muốn đi Nam Vang, vì xứ Cao Miên bấy giờ cũng là ngoại quốc, tiền xe lên đó không tốn hao bao nhiêu đường sá cách trở ít ai đi, lại người Việt kiều cứ ở đó không ai biết gốc gác tôi, chớ trở về Long Xuyên mà lang bang thì tôi gieo tiếng không tốt cho vong linh của cha mẹ tôi, thiệt chắc tôi phải đau đớn lắm. Tôi bèn làm quen với người hành khách đó, hỏi ra mới biết người là chủ tiệm Tân Việt bán hàng vải tại chợ Mỹ Tho, người lên Nam Vang dọ giá lãnh đặng mua sỉ đem về mà bán. Tôi bèn hiệp với người ra đại lộ Trần Hưng Đạo đón xe lô vô Chợ lớn mới, rồi lên xe đờ đi Nam Vang với nhau. Đi dọc đường chủ tiệm Tân Việt hỏi tôi lên Nam Vang chơi hay có việc chi. Tôi cũng còn phải giả dối nữa. Tôi nói tôi thất nghiệp, ở Sài gòn xin không được sở làm, nên lên Nam Vang kiếm chỗ dạy học riêng, đặng có cơm mà nuôi sống. Người nghe tôi nói thất nghiệp thì đem lòng thương tôi, nên mời tôi nếu lên tới mà kiếm chưa được chỗ ngụ thì ở chung một phòng trong khách sạn với người đặng anh em có bạn cho vui. Người lại nói người phải ở cả tuần đặng quan sát coi có thứ gì mua về bán được thì người mua rồi chở tàu đem về mà bán. Xe chạy vo vo gió phất mát mát, tôi ngồi nhắm mắt lim dim, nghĩ cảnh đời mà cười thầm. Giả dối thì được lòng mọi người hèn chi thiên hạ mới đua nhau mà giả dối. Lên tới Nam Vang, chủ tiệm Tân Việt cứ theo nài nỉ, nên tôi phải theo người lại khách sạn ở chung một phòng với người. Bữa đầu anh em dắt nhau đi chơi cho biết đường sá. Đến bữa cơm thì kiếm tiệm mà ăn. Ăn uống thứ gì người cũng giành trả tiền, cương quyết không chịu để tôi trả, người nói tôi thất nghiệp mà đãi khách nỗi gì, chớ người đi mua bán đi sanh lợi, tự nhiên phải tốn sở phí. Người khuyên tôi đừng ái ngại chi hết. Bữa sau hai anh em tôi làm quen với một người Việt có tiệm buôn bán tại chợ Nam Vang. Người ấy lãnh dắt bạn tôi đi dọ giá hàng, tôi khỏi theo nữa. Tôi thả đi chơi một mình, kiếm xem mấy xóm Việt kiều, chiều mát ra cầu tàu ngồi ngó sông lớn. Nhằm mùa nước nổi nên giọt nước đổ xuống cuồn cuộn, mặt nước tràn trề gần tới lề đường. Người trí thảnh thơi được thưởng thức quang cảnh như vầy chắc ai cũng vui lắm. Hồi nhỏ tôi ở Long xuyên tôi ưa nước nổi, bởi vậy ngồi ngó mông tôi cảm xúc vô cùng. Tôi nhớ khoảng đời dĩ vãng thì tôi phơi phới trong lòng, mà rồi nhớ tới cha mẹ thì tôi ứa nước mắt. Nghĩ dĩ vãng đã bâng khuâng, mà nhìn hiện tại lại thêm bứt rứt khó chịu. Tôi biết hiện nay ở dưới Sài gòn có hai người phiền tôi lung lắm. Một là chị Cẩm Hương bị tôi gạt làm cho chị tốn hao gần bạc ngàn, hai là cô Bạch Yến bị tôi dứt tình yêu làm cho cô đổi thương ra giận. Nhưng chị Cẩm Hương có tiền dư nhiều dầu mất một ngàn không đến đỗi chị khổ. Còn Bạch Yến có giận thì trong một thời gian rồi em sẽ quên mà lấy chồng khác. Người có địa vị như em thiếu gì kẻ muốn cưới mà lo ế chồng. Mà nghĩ tới Bạch Yến có chồng khác, thì trong lòng tôi nao nao khó chịu. Tôi nhớ gặp nhau lần chót, Bạch Yến nói em yêu Tất Đắc chớ em không kể Bác vật, thì tôi chảy nước mắt ròng ròng. Tôi muốn xách hoa ly trở về tỏ thiệt nỗi lòng của tôi cho bà Huyện nghe, rồi tôi xin bà tha hết tội lỗi mà cho tôi cưới Bạch Yến đặng cho tôi hết đau khổ vì tôi đã yêu Bạch Yến lắm rồi, nếu xa em thì tôi không thể nào vui mà sống được. Nhưng mà tối tôi nằm im lìm mà suy nghĩ lại. Tôi tự hỏi trong trí vậy chớ bà Huyện tử tế mà bà đành quên cái tội giả dối đặng gả con cho thằng điếm hay sao? Bạch Yến thương yêu đến hiến thân cho bợm bải lận sao? Không chắc. Tôi đã thú thiệt tội lỗi rồi, bây giờ tôi ló mặt về, người ta xô tôi ra đường chớ ai cho vô nhà mà mong tha lỗi. Nghĩ tới tình cảnh ấy tôi càng buồn hơn nữa. Tấn thối lưỡng nan. Tôi ăn năn sự tôi dại nên gởi thơ mà từ hôn. Tôi khóc ngay.
Hỏi: Lỡ giả dối bây giờ thiệt Bạch Yến yêu anh mà cũng thiệt anh yêu Bạch Yến nữa, hai đàng thành thiệt thiết tha yêu nhau đắm đuối mà bị cái thầy Bác vật ma nó nằm cản ngang không cho phối hiệp với nhau được, dầu vẹt nó qua một bên mà phối hiệp, anh cứ ngó thấy nó đó hoài, thì anh cũng không được hưởng hạnh phúc hoàn toàn; Nghĩ tới trường hợp đó anh bực tức. Vậy mà có giờ phút nào anh nản chí thất tình đến muốn quyên sinh cho hết đau khổ hay không?
Đáp: Không, không. Thất trí thất tình mà tự tử đó là thói quen của đám đàn bà non trí, hoặc của hạng đàn ông thiếu học. Con người nuôi trí dõng đầy đủ, rèn tâm chí vững vàng, gặp giông gió không lung lay, thấy hoạn nạn không sợ sệt, dầu còn một tấc hơi cũng tranh đấu, dầu té quị cũng đứng dậy mà cười rồi lấy hơi sức lại mà tranh đấu nữa, chớ có biết sợ đâu nên cậy cái chết để khỏa lấp thất bại hay là che đậy tội lỗi. Nếu tôi biết nhìn nhận tội giả dối của tôi, thì tôi phải sống mà đền cái tội ấy cho xong chớ. Nếu tôi thành thiệt yêu Bạch Yến thì tôi phải sống mà vui với tình yêu ấy chớ chết đâu cho uổng. Nếu tội giả dối ngăn cản không cho phối hiệp làm vợ chồng, thì tôi tưởng hình dung, tôi nhớ giọng nói, tôi vui với tình yêu trong giấc mộng cũng được, có cần gì phải chung chăn gối mới gọi là yêu. Cái yêu ôm ấp là cái yêu thường tình, cái yêu tinh thần mới là cái yêu của tình cao thượng, cái yêu đó mới bền dai, mới quí giá, mới đáng phụng sự.
Hỏi: Nếu vậy thì anh cũng thờ một chủ nghĩa với tôi, nên anh mới biết nạng cao Ái tình. Mà không được thương theo thường tình thì anh yêu theo tình cao thượng, thoảng như cô Bạch Yến phiền anh cô lây chồng khác thì anh làm sao?
Đáp: Nếu em Bạch Yến giận mà lấy chồng khác thì tình yêu của em tầm thường quá, có quí giá gì đâu mà đáng kể. Tôi đã có viết trong bức thơ từ hôn và cáo biệt, tôi mong ước em quên tôi mà lấy chồng khác. Chỉ có cách đó mới phá tan ái tình của tôi được. Mà bao giờ tôi không hay em cải giá, thì ái tình của tôi nó còn triều triệu trong lòng hoài, trí tôi tưởng nhớ em không có gì cản được, mà sự tưởng nhớ đó không tội lỗi, bởi vậy tôi không lo. Tôi chỉ lo sợ có một điều là sợ em non trí, mà em không giận em bỏ tôi đặng lấy chồng khác, em lại dùng độc dược mà quyên sinh như nhiều cô gái khác cái đó mới gieo đau khổ cho tôi mãn đời, hễ tưởng nhớ thì than khóc, chớ không phải vui sướng.
Hỏi: Rồi tại sao anh qua đất Pháp mà học tiếp? Anh làm sao có tiền bạc mà đi?
Đáp: Đó là việc tình cờ. Có lẽ vì tôi có duyên nợ với em Bạch Yến nên trời không cho em lấy chồng khác mà cũng không xui khiến em tự tử, rồi Trời sắp đặt mà đổi cái giả dối của tôi ra thiệt sự đặng tôi hết hổ thẹn mà trốn tránh người yêu của tôi nữa. Chuyện nầy có tánh cách ly kỳ như tiểu thuyết. Để tôi thuật hết cho anh biên. Tôi ở khách sạn với ông chủ tiệm Tân Việt được ba bữa. Qua ngày thứ ba ông bạn ăn cơm chiều với tôi rồi ông than đi xem xưởng dệt lãnh cả ngày mệt mỏi nên ông tính đi nghỉ sớm đặng sang bữa sau người ta đưa ông đi xem hải khẩu đương tổ chức tại Vũng Som. Ở Nam Vang cũng như ở mấy tỉnh miền Hậu Giang ta gọi là nực nước, khó ngủ lắm. Tôi mới để cho ông bạn tôi nghỉ, tôi bận áo ra cầu tàu ngồi đặng có gió mát một chút. Đã có vài người ra ngồi đó trước rồi. Tôi ngồi ngó trời ngó nước mà suy nghĩ việc tôi đã làm. Tôi nhớ cụ Lão Tử có dạy rằng mọi việc trong đời đều do Tạo hoá sắp đặt sẵn hết. Mỗi việc đều biến chuyển tự nhiên theo định luật của nó, chẳng khác nào guồng máy tự động nó quay tự nhiên, chẳng cần phải ai xô đẩy. Nếu con người làm khôn mó tay vào mà chế sửa thì tánh cách thiên nhiên sai lạc, guồng máy quay bậy rồi công việc hư hỏng. Đó là học thuyết "vô vi" của Lão Tử, tôi lấy đó làm chủ nghĩa mà có người không hiểu họ tưởng tôi không làm gì hết, rồi họ cho tôi biếng nhác không chịu cần lao. Vô vi là không nên làm sai cãi thiên nhiên, chớ cái gì cũng phải làm, nhưng phải làm hồi việc còn nhỏ, còn dễ, chớ việc đã lớn, đã khó, rồi lại mó tay vào mà làm thì tự nhiên phải thất bại. Nếu tôi có duyên nợ với em Bạch Yến tôi để tự nhiên cho tình yêu cầu kết, tôi đừng dùng chước giả dối mà khuyến dụ thì sớm muộn gì Bạch Yến cũng sẽ là người vợ thân yêu của tôi, mà tôi khỏi hổ thẹn như vầy. Tại tôi ham vui quên lửng lời của cụ Lão Tử dạy, mó tay vào guồng máy thiên nhiên, nên việc hư hỏng mà còn đổ nợ lung tung, nợ tôi gạt chị Cẩm Hương mà làm cho chị tốn hao lại mang tiếng. Mà nợ tiền bạc có lẽ một ngày kia tôi đắc lộ tôi sẽ trả được, dầu không trả chị cũng không đói khát gì. Khó là khó mối nợ tình tôi gây ra với em Bạch Yến, tôi không biết làm sao mà trả được. Tôi đương thả trí bình bồng mà nghĩ ngợi, thình lình có một bà ngồi hứng gió chung một băng với tôi, song ngồi đầu kia, bà cất tiếng hỏi tôi ở xóm nào và làm việc sở nào. Tôi day lại, nhờ mấy ngọn đèn trên cầu tàu cháy sáng, nên tôi thấy bà mặc đồ đen, tai đeo đôi bông xoàn nhấp nhoáng, tuổi lối 45 hoặc 50, lại có một cậu trai mặc quần sọt xám, áo sơ mi xanh, cỡ 15 hoặc 16 tuổi, ngồi một bên.
Tôi trả lời với bà rằng tôi không phải ở đây. Tôi ở Sài gòn lên đây kiếm sở xin làm hoặc dạy học, ngặt chưa quen với ai, nên không biết chỗ nào cần dùng người giúp việc mà xin. Bà hỏi tôi lên bao giờ, ngụ tại nhà ai và có đem vợ con hay không. Tôi nói tôi lên đã được 3 bữa rồi, tôi mướn phòng ở khách sạn một mình, vì tôi chưa có vợ con chi hết. Bà vui vẻ nói chuyện với tôi một chút thì tôi biết bà là goá phụ, cha mẹ gốc ở Hà tiên lên đây buôn bán làm ăn, sanh bà tại đây. Bà chỉ có một người con. Con trai lớn của bà đã co vợ có con, hiện đương quản lý hãng xuất nhập cảng của chồng bà để lại tại chợ Nam Vang. Đứa con gái thì bà đã gả lấy chồng thuộc con nhà phú thương ở trong Bắt Tâm Băng. Hiện giờ bà ở trong một biệt thự, bà mua năm trước ngang xóm Chui chàn Hoa, mà ở cho thanh tịnh với đứa con trai út đi chơi với bà đó. Bà nghe tôi kiếm chỗ dạy học coi bộ bà mừng. Bà hỏi tôi học lực tới bực nào. Tôi nói tôi đã có bằng tú tài kỳ nhứt ở bên xứ Pháp và chưa kịp thi kỳ nhì thì cha mất nên tôi phải bỏ mà về, rồi kế mẹ tôi mất nữa nên tôi phải bỏ luôn. Bà suy nghĩ một chút rồi bà nói bà có hãng xuất nhập cảng để cho con trai lớn bà coi, mà nó biết chữ việt và nói tiếng thổ giỏi, song không biết chữ Pháp và chữ Anh nên giao dịch nhiều khi bất tiện. Con bà thường nói phải cho thằng em nó học chữ Anh chữ Pháp rành đặng sau anh em chung nhau mà mở rộng ngành xuất nhập cảng mới có lợi lớn. Vì vâỵ nên bà cho con út của bà tên Khai 15 tuổi, học trường trung học Nam Vang năm nầy đương ngồi lớp tư. Vì nghe tôi muốn kiếm chỗ dạy học bà muốn rước tôi về nuôi đặng ban đêm và chúa nhựt dạy riêng cậu Khai học cho mau tinh tấn, chớ nhà trường không đủ Giáo sư nên sự dạy dỗ không được cần mẫn lắm. Tôi đương kiếm nơi nương náu cho qua ngày, nghe bà nói như vậy tự nhiên tôi mừng nên tôi chịu liền. Bà mới mời tôi lên xe đặng bà đem về cho tôi biết nhà bà rồi sẽ tính. Tôi theo mẹ con bà vô mé sông thì có chiếc xe hơi lộng lẫy đậu đó mà chờ bà. Bà mời tôi lên xe rồi dạy sốp phơ, người thổ, chạy vô hãng. Xe ngừng bà dắt tôi vô hãng chiếm hai căn lầu trước có gắn bảng hiệu:
THIỆN CHÍ
Xuất nhập cảng
Bà giới thiệu tôi với con trai lớn của bà là chủ hảng, tên Hai Quảng tuổi lối 25-26, vui vẻ bặt thiệp. Cậu Hai Quảng nghe mẹ nói tôi có ở học bên Pháp năm sáu năm, đậu bằng Tú tài nên tính cậy tôi về ở đặng dạy riêng Khai thì cậu bằng lòng lắm. Cậu lại tính như vầy: ban ngày Khai mắc tới trường mà học, tôi rảnh rang thì giúp cho hãng. Nếu có thơ từ bằng chữ Pháp thì cắt nghĩa cho cậu với nhơn viên trong hãng hiểu. Sớm mơi xe hơi đưa Khai đi học thì tôi theo xe ra hãng ở chơi, như có giấy tờ thì coi giùm. Trưa xe rước Khai thì tôi theo mà về; Buổi chiều tôi ở trong nhà mà nghỉ. Nếu có thơ từ chi gấp thì sẽ cho xe vô rước tôi hoặc sai người đem vô cho tôi coi. Cậu Hai Quảng hỏi tôi vừa dạy em cậu học vừa giúp cho hãng như vậy tôi muốn số lương tháng bao nhiêu. Tôi khiêm nhượng nói rằng tôi là người mồ côi lưu lạc đương kiếm chỗ an toàn mà dung thân. Tôi không biết uống rượu, không biết hút thuốc, cũng không ham vui chơi. Bởi vậy bà với cậu nếu tin cậy mà xin tôi giúp thì miễn bao cơm nước áo quần cho tôi no ấm thì đủ, còn lương bổng thì trả bao nhiêu cũng được, tôi không có vợ có con, lại không phải việc mua bán nên tôi đòi hay chê ít mà ngại. Mẹ con cậu nghe tôi nói dễ dãi như vậy thì rất vui lòng, nên nói mẹ con cậu làm ăn lớn biết công ơn của người giúp sức, bà khuyên tôi yên lòng mà phụ giúp, mẹ con bà biết xử phải quấy chớ không phải hạng bạc ơn bội nghĩa đâu. Rồi đó bà chở tôi về biệt thự cho biết chỗ bà ở đặng sáng bữa sau đem hành lý vô liền.
Bà chủ nhà cùng cậu Khai đưa tôi đi xem hết các phòng trong biệt thự, tới cái phòng lớn, chỗ Khai ngủ, bà nói sáng bữa sau bà sẽ dọn dẹp lại mà để hai cái giường, hai cái tủ, một bàn viết cho thầy trò ở chung đặng thầy dạy trò học cho tiện. Chung quanh biệt thự có cây mát mẻ, phía trước có đường lộ nằm dọc theo mé rạch lớn, đứng ngoài cửa thấy sông Cửu Long. Ấy là một chỗ ở dưỡng nhàn dưỡng trí êm ấm thần tiên không có chỗ chê được.
Tôi nghĩ Trời thương tôi lắm nên mới sắp đặt có người hảo tâm cứu vớt tôi và có chỗ an ổn cho tôi nương náu. Tôi cám ơn bà chủ và xin phép vô khách sạn thâu xếp hành lý rồi bữa sau tôi sẽ vô mà ở. Bà biểu sốp phơ đem xe ra đưa tôi cho biết chỗ ngụ. Bà dặn tôi bữa sau cứ ở khách sạn mà chờ, xe đưa Khai đi học rồi sẽ trở lại đó rước tôi.
Đi về dọc đường tôi hỏi anh sốp phơ tôi mới biết bà chủ nầy là Ba Hòa, người Việt giàu nhứt nhì ở đất Chùa Tháp, bà nhơn đức, tử tế, rộng rãi, biết thương kẻ thất thời suy sụp.
Về tới khách sạn tôi thuật chuyện gặp gỡ may mắn của tôi cho ông chủ tiệm Tân Việt nghe đặng sáng bữa sau tôi từ biệt ông. Ông mừng giùm cho tôi có chỗ dung thân. Ông tỏ ý muốn giúp tôi một số tiền để ăn xài cho tới cuối tháng rồi mới lãnh lương. Tôi cám ơn thạnh tình của ông và nói tôi còn tiền đủ dùng, hổm nay tôi làm hao tốn của ông nhiều rồi, tôi không dám thọ ơn thêm nữa.
Thế là từ đó đã an thân rồi. Tôi quyết để cho guồng máy thiên nhiên tự động, tôi lo làm phận sự của tôi cho vuông tròn mà thôi, không dám mó tay mà chế sửa gì nữa. Vô ở hồi sớm mai thì tôi bắt đầu dạy cậu Khai học liền.
Tôi sắp đặt chương trình làm việc. Buổi sớm mai tôi theo xe ra hãng Thiện Chí mà coi chừng cho nhơn viên làm sổ sách và nếu có thơ từ chữ Pháp thì tôi viết hoặc đọc cho cậu Hai Quảng. Buổi chiều tôi soạn bài vở để dạy cậu Khai. Bữa nào trời tốt cậu Khai đi học về tôi dắt cậu đi bộ chơi đặng giải trí. Sáu giờ rưỡi về ăn cơm. Bảy giờ cắt nghĩa bài của trường ra cho cậu hiểu và chỉ cách cho cậu làm rồi tiếp dạy bài riêng của tôi thêm nữa cho tới 9 giờ sẽ để cho cậu nghỉ.
Đêm đầu thì bà Ba Hòa đưa cho tôi 200 đồng bạc, biểu tôi cất để muốn mua vật chi thì sẵn có tiền mà mua. Tôi nói tôi còn tiền tôi không chịu thâu nhận. Bà nài ép quá tôi không dám từ chối nữa.
Cách ít bữa sau ông bạn của tôi là chủ tiệm Tân Việt lại hãng Thiện Chí kiếm tôi mà từ giã đặng về Mỹ Tho. Tôi giới thiệu ông với cậu Hai Quảng chủ hãng. Hai đàng nói chuyện buôn bán với nhau, rồi thỏa thuận cùng nhau trao đổi hàng hóa, như Mỹ Tho thì cần phải có cá khô, đậu khấu, tiêu sọ, hàng lụa Nam Vang, còn Nam Vang cần dùng muối hột, chén dĩa, lu mái của Nam Việt thì hỏi nhau mà chịu giá.
Vì mỗi buổi chiều tôi thuờng đi chơi với cậu Khai, khi đi xe khi đi bộ, nên trong vài tuần những người giàu có ở trong vùng họ hay bà Ba Hòa nuôi tôi trong nhà đặng dạy riêng con bà lúc ban đêm. Ông Lái Hiền người Việt với ông Kim Sung người Thổ làm quan trong Hoàng cung, cả hai đều giàu có ở gần đó và có con học một lớp với Khai, hai ông đến cậy bà Ba Hòa nói với tôi dạy luôn giùm con của hai ông đồng một tuổi với Khai, con ông Hiền tên Lương, còn con ông Kim Sung tên Kim Yum. Bà Ba chịu cho tôi dạy giúp thì tôi dạy luôn 3 trò cũng như một nên không có gì mà từ chối. Bà Ba nói mỗi tháng bà đền ơn cho tôi 200. Hai ông kia hứa sẽ làm y như bà và lãnh chịu quần áo cho tôi bận.
Tôi ở đây trong 3 tháng bà Ba Hòa yêu tôi cũng như em cháu ruột thịt trong nhà, cậu Hai Quảng nhờ có tôi nên cậu mua bán mạnh mẽ dễ dàng, còn 3 em nhỏ nhờ tôi dạy riêng nên trong lớp 3 em vượt lên học giỏi hơn chúng bạn hết thảy. Tôi cứ cặm cụi làm phận sự, ban đêm nằm tưởng nhớ tới Bạch Yến đặng may có gặp em trong giấc mộng vậy thôi, tôi để cho thời gian trôi chảy tự do, mà cũng để cho máy thiên nhiên mặc dầu tự động, tôi không muốn toan tính hay sửa đổi gì hết. Thế mà mọi người ở gần ai cũng vui lòng nên ai cũng yêu quí tôi, nên người chăm nom lo cho tôi mặc đàng hoàng. Còn người xa tôi không hiểu họ thương ghét lẽ nào, chỉ thầm vái cho người ta quên cái thói điếm đàng giả dối của tôi lầm lỗi.
Qua năm sau phong trào quốc gia độc lập tiến triển khắp trong nước Cao Miên. Những người Thổ có cơm tiền đều đua nhau cho con trai xuất dương du học đặng un đúc tài nghề mà giúp nước. Phần nhiều thì qua nước Pháp đã quen biết rồi. Ba cậu nhỏ học trò của tôi rộn rực đòi đi, sợ lục đục học trong nước ngày sau thua sút chúng bạn về mặt tài trí.
Bà Ba Hòa thương lượng với hai ông kia rồi cả ba người hiệp ý nhau mà cậy tôi dìu dắt ba cậu nhỏ qua Pháp ở chăm nom chỉ biểu cho chúng nó ăn học. Tiền ăn học của ba cậu nhỏ thì con của ai nấy chịu riêng. Còn tôi ăn ở mà dìu dắt trông nom thì mỗi người chịu cho tôi mỗi tháng một ngàn cộng chung là ba ngàn đồng bạc Cao Miên tính ra 30 chục ngàn quan tiền Pháp, tiền máy bay bận đi cũng như bận về thì ba người chung đậu mà chịu cho tôi. Mỗi năm bãi trường ba người cũng chung đậu số tiền mà gởi cho tôi đặng dắt ba cậu nhỏ đi nghỉ hè, hoặc đi du lịch.
Thiên cơ tự động biến chuyển qua thế nầy tôi cứ để cho nó quay luôn, tôi không dám thò tay mà chận lại. Vì vậy nên không tính trước mà tôi phải trở qua Paris với ba cậu Khai, Lương và Yum. Tôi mướn hai phòng ở với ba cậu, đem ba cậu vào trường Trung học mà học tiếp lớp ba, ban đêm tôi dạy ba cậu học riêng, ban ngày tôi rảnh tôi học toán pháp. Cuối niên khóa đó ba cậu thi đậu bằng Trung học đệ nhứt cấp hết cả ba. Cha mẹ vui lòng gởi tiềm thêm mà thưởng công tôi. Tôi cũng thi đậu Tú tài toàn phần về môn toán nữa. Cũng nhắm mắt mà để thiên cơ tự động, chừng khai trường tôi đem ba cậu nhỏ học lớp nhì. Còn tôi thì tôi thi đậu được học trường đại học về ngành khoáng sản, tôi nhờ tội cũ nên tôi nổ lực mà học hoặc may có trúng câu lộng giả thành chơn mà đổi Bác vật giả ra Bác vật thiệt hay chăng.
Thiệt nhờ có kinh nghiệm, tôi cứ lo nhiệm vụ không dám mó tay vào cái máy thiên nhiên của Tạo hóa nữa, bởi vậy ba năm sau ba học trò của tôi đều lấy được bằng Tú tài toàn phần cả ba. Còn tôi cũng lấy được bằng Bác vật hầm mỏ nên trở về đây. Ba trò của tôi đã lớn tuổi và lịch lãm đường đi nước bước rồi không cần tôi dìu dắt nữa. Lương với Yum thì ở luôn bên Pháp chờ khai trường vào trường đại học mà học tiếp. Còn Khai thì mẹ nhớ nên cậu về thăm mẹ vài tháng rồi gần khai trường cậu sẽ trở qua. Tới sân máy bay có mẹ với anh chực rước cậu đi luôn về Nam Vang tôi mới rẽ mà về đây.
Hỏi: Trong lúc anh qua Pháp ở học mấy năm đó anh có gởi thơ cho cô Bạch Yến biết hay không?
Đáp: Không dám. Khi ra đi tôi chưa có Tú tài toàn phần, tôi đâu dám mong học trường khoáng sản được mà gởi thơ. Chừng được vào học trường ấy tôi cũng không dám mong chắc thi đậu Bác vật hầm mỏ mà khoe khoang. Tôi thất kinh một lần rồi, không dám lợi dụng chủ nghĩa "vô vi " nữa, để cho máy thiên nhiên tự động thế nào thì thế.
Hỏi: Sao thi đậu bằng Bác vật rồi, anh không viết thơ cho cô Bạch Yến hoặc cho anh Võ Lộ hay Tự Cao mà hỏi thăm coi cô Bạch Yến đã lấy chồng khác hay không, mà về tới Sài gòn anh dám đi ngay vô nhà cô.
Đáp: Có hại gì đâu mà ngại việc đó. Vì trước kia tôi dối với bà Huyện và em Bạch Yến, bây giờ hết dối rồi, tôi phải ghé mà cho hay và xin tha lỗi cũ. Dầu em Bạch Yến có chồng tôi cũng được phép thăm em vậy chớ.
Hỏi: Anh làm như vậy, anh không sợ cô Bạch Yến, nếu cô có chồng khác, thì cô buồn cô hổ thẹn hay sao?
Đáp: Tôi không có ác ý đến chọc cho em Bạch Yến buồn hay hổ thẹn đặng cười em. Tôi không có đầu óc tiểu nhơn như vậy được. Vì trước kia tôi yêu em quá, tôi mới ăn năn cái tội giả dối mà viết thơ từ hôn. Tôi tha thiết yêu cầu em quên tôi, giận tôi là thằng điếm mà lấy chồng khác, ưng người thẳng ngay trong sạch cho xứng với tình yêu nồng nhiệt của em. Trót mấy năm tôi thầm mong ước em có chồng khác đặng tôi dứt mối nợ tình. Tôi đã có nói tình yêu ôm ấp là tình yêu tầm thường, tình yêu tưởng nhớ là tình yêu cao thượng. Nếu tôi biết em đã có chồng khác thì tôi giữ tình yêu cao thượng càng quí, cần gì có bằng Bác vật thiệt rồi tôi còn lết tới với cái ý trêu bẹo đặng hoặc làm cho em thương tiếc hoặc phá cho em lỗi đạo cang thường của em. Sỡ dĩ tôi về tới tôi nhơn tiện đường tôi ghé nhà em trước hết mà thăm bà Huyện và em đặng tôi xin tha thứ tội giả dối trước của tôi, là vì tôi hay em Bạch Yến kiên tâm thủ tiết mà chờ tôi, em không lấy chồng khác. Tôi kính mến ái tình của em mà thâu ngắn thời giờ chờ đợi của em càng sớm càng hay.
Hỏi: Té ra anh có dọ hỏi trước nên anh biết cô Bạch Yến chờ anh hay sao?
Đáp: Đó là việc tình cờ mà tôi biết chớ không phải tôi dọ hỏi. Số là lúc tôi gần thi ra trường, một bữa cậu Khai là học trò của tôi và ngụ chung một phòng với tôi cậu dắt về một người bạn học chung một lớp với cậu mà tiến dẫn cho tôi bết. Cậu nói bạn cậu tên là Thường người Sài gòn, vì năm nay cậu qua Pháp học toán lại mà thi. Cậu Thường muốn cậy tôi dạy toán cho cậu ít bữa đặng cậu vào thi cho chắc ý. Tôi hỏi cậu Thường là con của ai, ở Sài gòn mà ở mé nào; Cậu Thường nói cậu là con ông Phán Qui ở Tân Định, cậu mới qua đây học tiếp lớp toán mấy tháng nay.
Tôi nhớ năm trước bữa làm lễ cầu thân tại nhà bà Huyện thì có đủ vợ chồng ông Phán Qui dự tiệc. Tôi hỏi thăm bà Huyện Hớn. Cậu Thường nói chuyện với tôi một hồi thì không cần phải hỏi tự nhiên tôi được biết con gái của bà Huyện đã hứa hôn rồi, nhưng chưa cưới mà người chồng lại từ hôn nên cô giận cô thề ở vậy mà nuôi mẹ, cô không thèm ưng ai nữa. Rõ ràng đó là cái máy thiên nhiên Tạo hóa sắp đặt cho nó quậy như vậy. Tôi để cho nó quay, tôi không dám đụng chạm tới nó nữa.
Hỏi: Hôm nọ anh nói bằng Bác vật khoáng sản, rồi đây anh lên vùng cao nguyên Trung phần mà tìm mỏ. Cưới vợ rồi anh lại vui lòng mà đi và bà Huyện cũng bằng lòng mà để cho anh đi hay sao?
Đáp: Phụng sự quốc gia là một nghĩa vụ không ai được phép thối thoát. Dầu tùng quân làm binh nhì mà xông tên lướt đạn cũng không từ, chẳng luận mà đi tìm hầm mỏ để giúp cho nhà nước kiến thiết nền kinh tế. Lo việc chung cho nước có ai mà không vui lòng.
Hỏi: Tôi hỏi đủ rồi. Tôi cám ơn anh. Khuya rồi để tôi về cho anh nghỉ. Buổi chiều mai sẽ trở lên mà phỏng vấn cô Bạch Yến.
Nợ Tình Nợ Tình - Hồ Biểu Chánh Nợ Tình