Số lần đọc/download: 1103 / 5
Cập nhật: 2015-11-05 18:32:06 +0700
Chương 4
K
hi tôi thấy trong giờ giảng của tôi có một sinh viên ngủ gật, tôi bèn cất cao giọng để đánh thức anh chàng bậy bạ đó! - bỗng nhiên Vadim nghe thấy một giọng trầm trầm vang lên. Đó là câu nói đùa ưa thích nhất của Kretsetov.
Anh ngẩng đầu lên. Cặp mắt xanh, nheo nheo một cách tinh nghịch của Kretsetov nhìn anh, và tất cả các sinh viên cũng đều ngoảnh lại nhìn anh, cười vang lên.
- Thầy nói gì vậy. Ivan Antonovich! Thậm chí em cũng không dám ngủ, - Vadim lúng túng nói - Những bi kịch của Puskyn là sự thể hiện những suy nghĩ của ông về… thế thôi!
- Ồ, ồ… - Kretsetov gật gật đầu, vì vậy mà trong một thoáng đôi mắt kính của ông lóe lên một cách sắc nhọn, và độc ác. - Cứ cho là anh nằm mơ thấy điều đó. Tôi nói đùa, tôi nói đùa. Thôi, tôi nói tiếp nhé…
Kretsetov hướng dẫn một chuyên để nghiên cứu về Puskyn. Không ai ghi kịp lời ông. Ông nói nhanh, sôi nổi, thoắt cái đã từ hình tượng này chuyển sang hình tượng khác. Theo dõi được ông rất khó, nhưng lại thích thú vô cùng. Nhưng ngồi phía trước Vadim, Sergei lại ghi chép những gì đó không biết mệt mỏi. Vadim nhìn qua vai anh ta, - những tờ giấy dài viết kín đặc, trên một từ có hàng chữ đậm viết kiểu in: “Chương Một”. À ra thè, mấy ngày gần đây, cậu ta nói rằng, cậu ta đã bắt đầu viết một cuốn truyện gì đó!. Cậu ta mang nó đến trường làm gì? Sergei thỉnh thoảng lại nhìn ra cửa sổ, cắn cắn móng tay, suy nghĩ. Khuôn mặt cậu ta có vẻ băn khoăn khác thường.
Khối trưởng - cô Tedia Velikanova to béo, mắt lồi chuyển cho Vadim một mảnh giấy: “Vadim, anh hãy nói với bạn anh là đừng cắn móng tay nữa. Một thói quen rất xấu”. Vadim nhún vai - chuyện vớ vẩn! Chỉ phá quấy không cho người ta nghe. Cô Tedia béo ị này làm ra vẻ một bà chủ của lớp, bất kỳ ai cô ta cũng đều nhận xét cả.
Vadim tò mò muốn biết: cuốn truyện - niềm say mê mới của Sergei đó là gì? Trong truyện đó viết về chủ đề gì? Trong thâm tâm anh không thật tin rằng Sergei bỗng nhiên lại có được tài viết văn. Và dù sao… Sergei là một người mà ta có thể hy vọng mọi chuyện. Nhưng Sergei lại trả lời Vadim một cách quanh co: “Cố mà chờ, anh bạn ạ, sắp tới, sắp tới cậu sẽ biết…”.
Lúc giải lao, Vadim hỏi Sergei:
- Thế nào, cậu đã hoàn thành “Chiến tranh và hoà bình“ rồi chứ?
- Chưa! Mình có mang đến đây chương thứ nhất, mình định đưa cho cô đánh máy của chúng ta đánh máy lại. Nhưng còn phải viết xong và xem lại cẩn thận, mà hôm qua thì mình chưa kịp. Thế là đành phải đưa lên lớp viết tiếp, tiếc thật! Cậu đã biết đấy, mình rất thích Ivan Antonovich…
Lena lại gần. Hôm nay cô mặc áo dài mới và tết tóc kiểu đặc biệt, đằng sau có buộc một chiếc nơ to. Trông cô giống như một nữ sinh lớp mười.
- Ai hoàn thành chương gì vậy? - cô sôi nổi hỏi.
- Sergei đang viết tiểu thuyết.
- Anh ấy à, Sergei? Ồ, thú vị thật! về đề tài gì, về chiến tranh à?
- Không phải, Lena ạ!
- Thế về gì vậy, anh? Hay đó là bí mật?
Không, hoàn toàn không phải là bí mật. Vấn đề là ở chỗ, cuốn truyện còn lâu mới hoàn thành, không biết nó sẽ ra cái gì! có thể chẳng ra gì cả.
- Sao vậy?
- Ồ, còn sao nữa… - Sergei mỉm cười khiêm tốn và dang tay ra. - Cần phải có tài năng, Lena ạ! Làm sao mà biết được là có tài năng hay không? Thế nên mình cũng không dám nói sớm.
- Chà, cậu khiêm tốn quá đấy! - Vadim mỉm cười nghĩ. - Còn chính cậu lại tin rằng cậu có tài -. Bỗng nhiên anh muốn chọc nhà văn mới vào nghề một chút! Anh nháy mắt với Lena và nói một cách nghiêm túc:
- Thế cô có để ý thấy hôm nay Ivan Antonovich giảng say sưa ra sao không? Thậm chí Sergei cũng phải ghi chép thì không phải chuyện đùa!
- Thật thế à? Sao bảo anh ấy viết truyện kia mà? - Lena cười vang. - Không, em muốn được đọc thật sự kia. Có thể, có lúc anh sẽ trở thành đại văn hào được giải thương, sẽ đi thăm nhiều nước…
Có mấy cô gái chạy đến với Lena và họ lập tức nói chuyện rất to, vội vã chen lời nhau. To hơn cả, tất nhiên, là Liuxia Voronkova - giọng cô ta vang to, the thé, đôi tay thon thon thấp thoáng trong không khí.
- Lena, cậu ghi lại bài của thầy Kretsetov đấy à?
- Ừ, có ghi một ít.
- Cậu thấy đấy! Điều đó thật đáng sợ. Mình rất thích học thầy Kretsetov, nhưng cậu hãy nghĩ xem - chúng mình còn phải thi môn của thầy ấy! Cách giảng văn hoa đỏ, việc so sánh, một thứ chủ nghĩa ấn tượng nào đó…
- Đúng, đúng, Liuxia, thật vậy! Mấy ngón tay mình bị cứng đờ…
- Người ta nghe bài giảng bằng óc, chứ không phải bằng ngón tay, - Nina Fonika, một cô gái mập mạp có khuôn mặt to, mang kính gọng sừng, nói.
- Ổ, thông minh thật! Không phải mọi người đều là thiên tài như cậu đâu.
- Bài giảng của thầy Kodensky, - Voronkova nói, - không phải là một giáo trình chuyên đề, mà là một giáo trình đại cương. Thế nhưng ai muốn ghi thì xin mời. Tất cả đều rõ ràng, mạch lạc…
- Và tỉ mỉ nữa chứ, đúng không? - Fonika ngắt lời, - thậm chí cũng không nên so sánh thầy Ivan Antonovich với thầy Kodensky.
- Thế còn thi? Thế còn thi thì sao?
- Các bạn gái ơi, các bạn sai rồi, - Lena nói. - Chúng ta chẳng đã học phổ thông rồi đó sao? Puskyn sinh năm 1799, mất năm 1837. Ông có một bà nhũ mẫu, ông học ở trường trung học v.v. Thầy Ivan Antonovich cho rằng, chúng ta đã biết khá đủ cả về tiểu sử, cả về hoạt động sáng tác của ông. Thầy chuyện trò với chúng ta như là với các bạn đồng nghiệp của mình.
Sergei chen vào câu chuyện!
- Các cậu ồn ào về chuyện gì đó? Nếu như các cậu không hiểu được thầy Kretsetov thì đó là do các cậu chứ. Kéo cả khoá tụt lại mà làm gì?
- Tất nhiên là thế rồi! - Vadim đáp.
Có tiếng chuông vang lên, và thầy Kretsetov cùng với một nhóm sinh viên bước vào giảng đường, ông đang cùng với họ tiếp tục câu chuyện đã bắt đầu ở ngoài hành lang.
- Vadim, anh im đi! - Voronkova thét lên và đi về chỗ mình. - Rõ ràng anh sẽ về hùa với Lena…
Vadim cau mày, đỏ mặt lên, lắp bắp một điều gì đó không nghe rõ về “những người phụ nữ mắc bệnh thần kinh đần độn” và ngồi xuống.
Buổi sáng mùa đông u ám như buổi chiều tà. Trong giảng đường là ánh sáng điện loãng, người ta sẽ tắt điện sau giờ giải lao thứ hai, khi trời đã sáng lên.
“Anh à? Không. Anh đã gọi tên em bao lần và.
Vui mừng thấy em giờ đây trước mắt.
Anh đang chết - tất nhiên rồi. Ồ, em.
Donna Anna”.
(Họ đang ngã xuống.).
Đã nhiều lần, cả khi còn thơ ấu, cả mới gần đây, Vadim đọc đi đọc lại bi kịch đó của Puskyn, và bốn tiếng cuối cùng của bi kịch đó của Puskyn, và bốn tiếng cuối cùng của bi kịch đó - “họ đang ngã xuống” - đối với anh đã vang lên một cách hài hước thật bất ngờ. Giờ đây bỗng nhiên anh cảm thấy hết ý nghĩa sâu xa của câu kết đó. Đông Gioăng đang “ngã xuống” bởi vì lần đầu tiên trong đời chàng đã yêu! Chàng - một con người hạnh vận, và một người anh hùng của vô số những chiến thắng dễ dàng - không được quyền hưởng hạnh phúc. Chàng sẽ phải chết. Vadim hình dung ra mình ở địa vị Đông Gioăng. Trong chớp mắt khi bàn tay sắc của gã huân tước thượng cấp siết chặt tay chàng ta, chàng ta thậm chí còn nhìn thấy khuôn mặt mình: tái nhợt, méo mó vì nỗi buồn da diết và nỗi sợ hãi đến rợn người. Đúng. Đông Gioăng dũng cảm và luôn luôn mỉm cười, trước mặt thần chết cũng run lên vì lo sợ cho cuộc sống của mình… Và cuộc sống đó thật là bất hạnh và đơn độc biết bao! Không ai thấy được tận cùng của nó. Ngay cả Đôn- na Anna, nàng hình như đã bị ngất đi…
Lena thỉnh thoảng lại ghi chép một điều gì đó. Khuôn mặt cô trông không rõ. Chiếc nơ trắng phản chiếu màu xanh lạnh lẽo của cửa sổ. Nó được là phẳng phiu cẩn thận và là chiếc nơ duy nhất trong cả khối. “Đông Gioăng của Puskyn là một con người cuồng nhiệt, đó không phải là một kẻ tán gái kiểu Molier… - Lúc này cô ta đang nghĩ gì? Đôi khuỷu tay của cô tròn tròn và đầy đặn bình thản đặt trên bàn. Cô ta đang chấm ngòi bút vào lọ mực, rút một sợi tóc vương ở đầu ngòi bút ra và lau những ngón tay vào tờ giấy thấm. Chắc cô ta cũng đang nghĩ về điều đó chăng?
Vadim cầm chiếc cặp của Lena trong lúc cô đi giày và đội mũ, Rồi anh giúp cô mặc áo khoác. Khuôn mặt cô đỏ ửng lên, bởi vì cô đứng lom khom qua lâu và máu dồn xuống má.
- Ôi, cảm ơn anh, - cô nói, tay kẻo căng những chiếc tất tay và chăm chú nhìn chúng. - tiếc thật, bắt đầu rách rồi.
- Đôi tất tay ấy à? - Vadim hỏi.
- Vâng ạ! Ba em mua một đôi xấu qua… Các anh, những người đàn ông, không thể mua được một cái gì ra hồn cả! - Lena lấy găng tay quất đùa vào Vadim và nói vẻ khuyên nhủ: - Anh hãy nhớ khi nào lấy vợ, đừng có mua cho vợ cái gì cả! chỉ cần kẹo với vé xem hát thôi.
- Nếu đúng thế thì tôi xin nhớ! - Vadim nói, mắt trợn tròn và giơ tay lên chào. - Cô ta sẽ trách ai trong trường hợp những thứ đó không được tốt? Đối với cô ta đó là điều hoàn toàn bất tiện…
Giọng đùa cợt của câu chuyện đó khiến Vadim thấy nặng nề. Nó làm cho anh xa cách Lena, mà anh thì lại cần nói chuyện một cách nghiêm túc. Không hiểu vì sao, lẽ ra phải coi là một điều thú vị, nếu được ba hoa với các cô gái bằng thứ ngôn ngữ hoa my rỗng tuếch, nhưng Vadim không bao giờ đạt được nghệ thuật đó cả. Mà với Lena nói như thế thì càng giả dối và thô bạo. Khi hai người bước ra đến cổng, anh nói:
- Hôm nay có một bộ phim mới rất hay. Báo chí ca ngợi lắm. Còn kịch bản thì…
- Vâng, em biết rồi. Em đã được xem duyệt bộ phim đó ở Nhà điện ảnh.
Họ bước mấy bước im lặng. Rồi anh nói không còn một chút hy vọng gì:
- Đã lâu lắm tôi không đến thăm nhà bảo tàng Puskyn…
- Em cũng thế, - Lena nói.
- Giáo trình văn học thời kỳ Phục Hưng đòi hỏi chúng ta phải đến đó.
- Em cũng rất thích, anh Vadim ạ, nhưng hôm nay em có chút việc bận. Em không thể đi được.
- Có chút việc bận, - anh nhắc lại như cái máy, không biết phải nói gì bây giờ.
- Đầu em làm sao bị nhức lắm, - Lena vừa nói, vừa thở dài mệt mỏi. - Trên giảng đường nóng quá…
Vadim nhếch mép cười:
- Cô đã xem duyệt phim đó rồi. Hôm nay cô lại có chút việc bận. Đầu cô làm sao lại bị nhức, và cuối cùng, ở giảng đường nóng quá…
- Thế thì sao? Anh nhắc lại lời em làm gì vậy?
- Nhắc thế thôi, vì thích phân tích.
- Ngốc qua! - Lena nhún vai. - Nếu anh nghĩ đến chuyện tự ái thì thật là ngốc… Hôm nay em có chút việc bận, thứ bảy chúng mình sẽ đi. Thứ bảy - được không anh?
Đôi mắt màu nâu sáng và thẳng thắn của cô bỗng trở nên rất nghiêm túc, có một thoáng gần như hoảng sọ. Và anh nhìn vào đôi mắt đó với vẻ làm lành, sẵn sàng tha thứ tất cả trong một thoáng như vậy. Đó là điều mà không thể một lời nói nào tạo ra được.
Sao ạ? Được không anh? - Lena hồi đi hổi lại và khẽ chạm vào tay anh.
Được thôi, - anh nói và mỉm cười. - Nhân tiện… Giá có đi xem phim, thì tôi sẽ lại không đủ tiền để ăn trưa được.
Ở nhà ăn giữa đợt ăn thứ nhất và đợt ăn thứ hai thường có những giờ cao điểm. Chổ nào cũng chật chội, vui vẻ, ngột ngạt hơi người và mùi thịt băm. Một sự ồn ào sảng khoái của bữa ăn trưa, sự tất bật của các chị phục vụ. Nơi nào cũng chuyện trò: về học kỳ mùa đông sắp đến, về các trận đấu quyến Anh, về cuốn tiểu thuyết mới nhất của Fedin, về chuyện Truman dù sao cũng khá hơn Dyui, về Năm Mới, về quần đảo Kurilsky, về giống ruồi drodophin, về tình yêu và về món thịt băm.
Như mọi lần, Vadim và Sergei cùng nhau đến nhà ăn. Hai người ngồi ghép cùng bàn với ông Kretsetov.
Kretsetov quay về phía Sergei:
- À, thế bản đề cương của anh về Haine tiến triển thế nào rồi?
Sergei nói rằng bản đề cương tiến triển tốt và hai tuần nữa sẽ xong. Công việc có nhiều khó khăn, thời gian không đủ, nhưng bản đề cương sẽ được hoàn thành đúng thời hạn. Cậu ta nói điều đó một cách nghiêm túc và tự tin đến nổi Vadim thầm ngạc nhiên: “Chính cậu ta vừa nói với mình là chưa bắt tay vào công việc và cũng chẳng có chút hứng thú gì kia mà”.
- Khẩn trương lên, anh Palavin ạ, khẩn trương lên cho kịp kết thúc trước khi hết học kỳ, - Kretsetov nói. - “Haine và chủ nghĩa phát- xít“ - một đề tài rất quan trọng, tôi muốn nói là một đề tài có tính chất triết học. Anh đã hỏi ý kiến Nina Arkadievna rồi chứ? Hãy chú ý đến Haine nói về nước Mỹ trong cuốn: “Ludvich Bern“ - ông ta nói về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở “cái đất nước trời đánh đó”. Nhất thiết phải tìm cho được đoạn đó. Còn điều chủ yếu là: hãy mạnh dạn lên, hãy khái quát hoá vấn đề, chứ đừng đi sâu vào những chuyện vụn vặt. Đó là tai hoạ của những người mới tập sự - các anh thường hay say sưa với những chi tiết thuộc về sinh hoạt, với những hồi ức lỗi thời và với những giai thoại. Chuyện đó luôn luôn làm người ta lạc hướng. Mà các anh thì cần phải đi đúng hướng. Anh sẽ thành công, tôi tin tưởng ở anh! - Ông vỗ vai Sergei động viên. - Ồ, tôi phải chia tay các anh rồi, các chàng trai ạ! Cuộc họp của khoa bắt đầu vào ba giờ, tôi bị chậm rồi. À, thế còn bản đề cương của anh ra sao rồi, anh Belov?
- Có lẽ em không kịp viết xong trước Tết mất, - Vadim nói.
- Sao vậy?
- Em không kịp ạ, thưa thầy Ivan Antonovich!
- Anh không kịp à? tiếc thật. Tôi thì lại hy vọng ở anh. Thôi được, chúng ta sẽ còn nói chuyện với nhau nữa! - Kretsetov giơ ngón tay đe đoạ vẻ nghiêm khắc và xách cặp bước ra cửa. Cặp của ông lúc nào cũng chật ních đến nổi không thể đóng khoá được, và Ivan Antonovich thường cắp cặp vào nách.
- Cậu nói thực đi, tại sao cậu lại không kịp? - Sergei hỏi.
- Mình làm việc bao giờ cũng chậm chạp, cậu biết đấy!
Đúng, Vadim làm việc thường là chậm chạp và tỉ mỉ, lệ thuộc vào tài liệu một cách vất vả - anh không biết làm cách nào khác. Anh tự gọi mình là anh chàng chậm nghĩ, và anh cảm thấy rằng phương pháp và phong cách của anh rất vất vả, buồn chán và tầm thường, và anh không bao giờ biết cách nâng công trình của mình lên bằng cách nói lưu loát, bằng nhiệt tình bút chiến, bằng những ý nghĩ bất ngờ và sắc sảo - tóm lại là bằng những cái mà Sergei tỏ ra xuất sắc.
Tuy vậy, Vadim vẫn chưa nói hết sự thật. Tuần trước anh làm việc còn chậm hơn, công việc hoàn toàn bị trì trệ. Anh suy nghĩ quá nhiều đến Lena. Giá như hàng ngày không phải gặp Lena ở trường, có lẽ anh thấy dễ chịu hơn. Ngay lúc này đây, khi Sergei đang sôi nổi kể chuyện, xì xụp húp từng ngụm xúp một, anh cũng có nghe được điều gì đâu, bởi vì anh còn đang nghĩ đến Lena…
Andrei Syryk, một chàng trai vai rộng, to bè bè có khuôn mặt nhút nhát, mắt đeo kính bước lại gần bàn. Tay anh ta cầm một cốc nước quả.
- Trời, nóng quá… - anh ta nói, rồi ngồi xuống và bỏ chiếc kính đẫm hơi nước ra. Không có kính, khuôn mặt anh ta trở nên hoàn toàn ngây ngô và hiền lành. - Nóng không chịu được!…
- Đừng ăn nhiều thế, - Sergei nói, - cậu phải gầy bớt đi một chút. Cậu béo xấu quá!
- Tớ mà béo à! Lạ thật! - Andrei cười vang thoải mái và, cúi xuống cốc nước, chìa tay phải ra: - Này cậu thử sờ xem, béo gì đâu!
- Dù sao người cậu cũng toàn thịt là thịt. Và vì vậy mà trong tình yêu cậu thường không gặp may, - đúng không, Vadim? Đàn ông là phải xương xương mới đẹp chứ!.
- Đúng thế. Mình không gặp may thật.
- Giảm bớt trọng lượng đi! Khi các võ sĩ quyền Anh không gặp may, họ thường tự làm giảm bớt trọng lượng và dự đấu ở loại khác. Thế tại sao cậu lại không gặp may?
- Mình cũng không biết nữa… Không đủ thời gian. - Andrei uống hết cốc nước quả và chùi mép bằng tờ giấy mềm. - Thế là mình không gặp may, - anh nhắc lại và vừa nhìn Sergei vừa mỉm cười - Mình sống ở ngoại ô, đi về phải mất ba tiếng đồng hồ. Ngoài ra còn tham gia các nhóm này, hội khoa học này… hiện nay lại thêm nhóm tuyên truyền cổ động nữa. Như vậy là càng không gặp may.
- Đúng… cậu là một chàng trai tốt. - Sergei đăm chiêu nói. - Cậu phải biết là cậu giống như nhân vật Dymov của Tsekhov. Thật là ngây thơ và tốt bụng. Và rất khỏe nữa - như dầu cá thu ấy. Chứ sao? Ha… ha…
- Lại còn đáng ghét đến thế kia - như dầu cá thu?
- Cậu thật là, thật là buồn cười, anh bạn ạ! Mình mong sao cho cô em họ mình có được một người chồng như vậy. Đáng tiếc là mình không có em ruột…
- Sao hôm nay cậu ỡm ờ thế, - Andrei nói, mỉm cười độ lượng. - Có chuyện gì mà cậu vui thế?
Bên cạnh bàn bỗng nhiên xuất hiện Aliosa Remescov - mà mọi người vẫn gọi là Lesik, - một chàng trai cao kều, tóc xoăn, vui nhộn và nói năng hóm hỉnh, đang học năm thứ ba. Anh ta sôi nổi nói với Andrei:
- Chẳng lẽ cậu chưa biết gì hay sao? Cậu ấy đang viết truyện đấy! Truyện vừa kia chứ!
- Truyện gì thế?
- Truyện chứ sao! Người thì nói đó là một tác phẩm có tầm cỡ thiên tài thời đại. Người thì cho rằng đó là một tác phẩm có tính chất thời đại thiên tài. Nhiều cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra. Trong lúc đó thì cậu ấy cứ cắm cúi viết. Truyện vừa kia mà!”.
Và Lesik cứ tiếp tục nói to, vang khắp cả nhà ăn: - Palavin đang viết truyện vừa! Truyện vừa của Palavin! Sẽ đưa in!
Từ các bàn bên cạnh mọi người tò mò nhìn sang. Có một người kêu lên từ xa:
- Alô, ở đó có ai viết truyện vừa đấy?
- Palavin! Dựa theo các chữ cái đầu: Puskyn - Aliger - Lermontov…
- Thôi đủ rồi! - Sergei cười khà khà nắm lấy cánh tay áo Lesik. - Im đi, đồ quỷ…
Andrei đứng dậy và chào chia tay. Anh ta được mời lên dự cuộc họp khoa về việc gì đó. Vốn to béo và vai rộng, nên anh ta thận trọng di chuyển giữa những dãy bàn kê sát nhau, sợ vô ý chạm phải ai đó và, theo thói quen của những người có sức khỏe, anh khuỳnh khuỳnh rộng hai khuỷu tay. Sergei nheo mắt nhìn anh ta.
- Cậu ta giống như chiếc tủ com- mốt của bà cô mình. - Sergei đột ngột nói. - Lúc nào cũng lặng lẽ, kín đáo và không biết dưới cặp kính kia là những gì. Cái tủ com- mốt của bà cô mình cũng luôn luôn khoá kín, cũng to bè bè và nặng nề như vậy… Mình không bao giờ thấy nó được mở ra cả và không hiểu sao từ nhỏ mình đã có cảm giác rằng ở đó phải có những điều kỳ diệu gì đó hoặc là những điều đáng ngạc nhiên. Mà ở đó, có thể, chẳng có cái gì cả - chỉ là những ngăn trống không, hoặc một mành giẻ cũ rách nào đó… Đúng không?
Họ đã ăn xong, và Vadim đứng dậy.
- Ta đi chứ!
- Ừ, đi. Chờ mình một phút nhé! Theo mình chuyện đó không xấu, chuyện chiếc tủ com- mốt ấy mà, cần phải ghi nó lại… - Sergei rút cuốn sổ tay ra và ghi nhanh điều gì đó. - Cần thiết đấy. Mình ghi ngay tất cả bây giờ đây. Nếu không ghi lại thì nhiều chuyện sẽ bị quên đi, - anh nói với vẻ băn khoăn. Cậu biết không, gần đây mình đã học được cách nhìn mọi việc theo một lối mới hẳn. Cậu có nhận thấy bác phục vụ của chúng ta đầu hói bóng lên không? Lập tức mình nảy ra ý nghĩ: “Đầu hói là một vết sáng duy nhất trong cuộc đời bác ta”. Đúng không? Ha, ha, ha… Đó là một hình tượng. Đúng không? Vadim?
- Không sao, - Vadim nói.
Nhà ăn nằm trong ngôi nhà đối diện với trường đại học ở bên kia đường. Lúc họ mặc áo khoác trong phòng treo áo và sau đó, khi họ bước ra phố, và bước qua vườn hoa trơ trụi của trường Với những chiếc ghế dài trống không, Sergei đã kể lại tất cả mọi chuyện về những sự so sánh và những hình tượng khác nhau đang hiện ra trong óc và về việc anh viết truyện một cách khó khăn, nhưng đó là một công việc hấp dẫn vô cùng, về đề tài cuốn truyện của mình, anh vẫn chưa hề nói ra. “Rồi mình sẽ đọc và cậu sẽ biết”. Đã hai ngày liền Sergei không hút thuốc điếu, mà hút một chiếc píp rất đẹp có tẩu bằng hổ phách. Và từ anh toả ra một mùi thuốc thơm thơm.
Vadim nghe bạn nói một cách lơ đãng. Anh nghĩ rằng Lena hôm nay có việc bận và điều đó chẳng có gì đặc biệt cả. Cô ta luôn luôn học nhiều, đôi khi học gạo hàng ngày liền và ngoài ra, cô ta còn “ca hát” nữa chứ. Hừ “ca hát “… Đã lâu nay, anh cảm thấy cái thuật ngữ âm nhạc đó thật là buồn cười, qua trang trọng và lòe loẹt và anh thường trêu chọc cô ta, còn cô ta thì tự ái: “Đùa gì mà ngu ngốc thế! Mọi người thường nói như thể điều đó đã được chấp nhận trong môi trường của chúng ta”. Dù thế nào đi nữa thì việc “ca hát” đó cũng đòi hỏi phải có thời gian. Không phải ai cũng có thể vừa học tập vừa làm công tác xã hội và “ca hát” được. Không, cô ta cừ thật! Nhưng mấy tiếng “có việc bận” sao mà đáng ghét thế… Và từ nay đến thứ bảy còn đằng đẵng biết bao! Những ba ngày nữa!
Và, mặc dù Vadim đã tự giải thích cho mình một cách chu đáo vì sao hôm nay Lena lại bận, nhưng trong lòng anh vẫn đọng lại nỗi bực mình vì cái ngày bị vỡ kế hoạch này. Đúng, một ngày bị vỡ kế hoạch. Tất cả là do anh đã vạch ra nhiều kế hoạch khác nhau liên quan đến ngày hôm nay từ qua sớm và đến nay thì mọi chuyện đều sụp đổ. Và chẳng một ai có lỗi trong chuyện này cả. Vậy, thực ra thì cái gì đã bị sụp đổ? Anh đã mơ mộng qua, nên giờ đây anh bị vỡ mộng nhiều. Tốt nhất là quay về nhà và ngồi mà đọc “Tư bản”. Môn học khó nhất trong học kỳ này là kinh tế chính trị học. Hôm nay cần phải ngồi mà làm đề cương tóm tắt cho một, hai chương. Phải làm ngay, chứ đừng hoãn lại đến chiều… Nhưng lịch “ca hát” của Lena là vào ngày thứ tư và thứ hai, còn hôm nay lại là thứ ba cơ mà?
Sau khi qua vườn hoa, Vadim và Sergei vừa bước ra ngoài đường lớn thì có người ở đằng sau gọi giật họ lại. Nina Fonika bước nhanh theo kịp họ và vẫy vẫy tay:
- Chờ một chút! Sergei!
Vadim và Sergei dừng lại.
- Sergei, cậu có mang theo bản đề cương của mình đấy không? - Nina vừa thở hổn hển vừa hỏi. Khuôn mặt rộng đầy tàn nhang của cô đỏ bừng lên vì đi nhanh, và cặp kính thì trễ xuống đền tận giữa mũi.
- Có chuyện gì vậy? - Sergei hỏi. - Lau mắt kính đi, mồ hôi…
- Mình muốn hoãn buổi thảo luận ngày mai lại. Mình đã đưa cho Andrei đọc và cậu ấy cũng góp cho mình một số ý kiến nhận xét rất nghiêm khắc. Cậu ấy thậm chí còn tự nguyện giúp mình phát triển một đề tài về số phận của cá nhân trong xã hội xã hội chủ nghĩa, điều này mình chỉ mới vừa vạch ra đề tài này quan trọng, không thể tùy tiện được, vả lại trong công trình có nói về Panova, cậu hiểu chứ? Cậu ấy hoàn toàn đúng! Và cậu ấy đã hứa sẽ cho mình một số tài liệu lý luận, một số bài báo mà mình vẫn chưa biết tới. Cậu hãy trả lại bản đề cương, mình sẽ viết lại…
- Mình không mang theo đây, - Sergei nói. - Và nói chung… Mình cảm thấy đó không phải là một phương pháp.
- Sao lại không là một phương pháp?
- Đúng thế đấy - lấy lại tài liệu, sửa lại không đúng thời hạn, hoãn cuộc họp. Cậu sợ là sẽ bị phê bình phải không?
- Không hề. Mình chỉ mong sao được mọi người phê bình một cách xác đáng. Nhưng đưa cái mà mình không vừa lòng ra thảo luận để mà làm gì? Nếu mình thấy được khuyết điểm và thấy được cách sửa chữa khuyết điểm thì làm sao mình lại không làm việc đó trước khi thảo luận được.
- Là bởi vì cậu đã trì hoãn cuộc họp lại! - Sergei bực mình nói. - Mình đã đọc và suy nghĩ về bản báo cáo của cậu, đã vạch đề cương phát biểu, đã tiêu phí thời gian, và tất cả đều vô nghĩa hay sao? Mọi người sẽ đến, cậu hiểu không?. Mọi người đều biết và đang chuẩn bị… Tại sao lại không thể tiến hành họp, nghe phê bình và sau đó hãy viết lại?
- Không, mình không muốn thế. Thứ năm này mình sẽ gặp Andrei, chúng mình sẽ làm việc với nhau một buổi chiều và trong tuần này mình sẽ hoàn thành tất cả. Còn ngày mai có thể sẽ có một bài viết khác…
- Thế cậu lấy đâu ra bài ấy?
Nina im lặng, lúng túng vì giọng nói gay gắt của Sergei.
- Sao mà cậu sôi lên sùng sục như vậy? - Vadim hỏi và nhìn bạn một cách ngạc nhiên. - Nina nói đúng. Nếu cô ấy muốn nhận lại bản đề cương để hoàn chỉnh nó, thì cũng chẳng có gì đáng sợ cả.
- Thế thì xin mời! Các cậu muốn làm gì thì làm!. Chỉ có điều là lần thứ hai mình sẽ không phản biện nữa.
- Điều đó theo mình không thông minh lắm.
- Mình biết mình nói điều gì chứ, Vadim!
- Được rồi, - Nina nói sau khi đã im lặng. - Mình đã báo trước cho cậu rồi kia mà. Nếu cậu cho rằng cậu đã tiêu phí thời gian vì mình - thì xin lỗi vậy, tất nhiên… Còn sáng mai thì đừng quên mang đến cho mình! Xin chào!
Sergei bước đi, cau có cúi gằm mặt xuống, và lấy mũi giày đá một hòn đá phủ băng nằm trước mặt. Bỗng nhiên anh nhún chân lấy đà và hòn đá bay xa về phía trước.
- Đồ đần độn! Phá vỡ mọi việc…
- Cô ấy phá vỡ việc gì của cậu? - Vadim hỏi, vẫn còn đang băn khoăn.
- Việc gì là thế nào? Cậu phải hiểu: mình đã chuẩn bị phát biểu không chỉ về bản đề cương của cô ta mà còn về toàn bộ công việc của chúng mình. Mà bản đề cương của cô ta đúng là sự minh hoạ cho suy nghĩ của mình - nó chứng minh cho một sự thiếu suy nghĩ. Cậu rõ chứ?. Mình tin rằng trong đó cô ta sẽ chẳng thay đổi một chút gì cơ bản cả, chỉ bôi bác ra khoảng mười trang thế thôi! Chỉ được cái nhút nhát. Và Andrei ở đó lại ra vẻ “Mạnh Thường Quân“… Ồ! - Sergei thở dài rầu rĩ và vung tay làm điều thất vọng. - Hội khoa học, hừ, hừ… Người này ký nhận giả mạo cho người khác.
- Giả mạo cái gì? nếu Andrei bắt tay vào giúp đỡ…
- Ồ, rõ rồi! Bọn mình không thể làm khác được! - Sergei mỉa mai ngắt lời. - Quen sao chép mọi thứ của nhau rồi mà - cả những bài tập tiếng Anh, cả những bản đề cương, và bây giờ thì cả những công trình khoa học cũng cùng nhau viết!
- Khoan đã! Không phải là cùng nhau, mà nói thế… Mình không hiểu, chẳng lẽ lại phải giải thích cho cậu cả những điều đơn giản đó? - Vadim nói và đã bắt đầu bực mình. - Cậu toàn nói nhảm nhí!
- Mình không phản đối việc giúp đỡ, nhưng phải là giúp đỡ kịp thời! Kịp thời! - Sergei nói bằng giọng mũi mạnh và đặc biệt thường chỉ thấy ở anh một cách đột ngột trong những phút quá giận dữ.
- Cố nhiên là cậu không phản đối rồi!
- Mình phản đối cái thói ỷ lại - cậu hiểu không? thói ỷ lại vào người khác.
- Ỷ lại ở chổ nào? Chính cậu cũng không biết là cậu phản đối cái gì kia mà! Chỉ bởi cậu… cậu muốn ngày mai sẽ trở nên xuất chúng, nhưng không được.
- Ồ, rồi xem!
- Vấn đề không phải là ở những lời phát biểu, Sergei ạ, cũng không phải là ở những trận đánh thất bại. Cậu định ngợi ca cái gì nếu người ta bắt cậu làm cái việc mà bản thân cậu chưa sẵn sàng làm?…
Họ tranh luận hồi lâu và đi đọc đường phố, hết bến này đến bến khác, quên cả việc là cần phải đi xe buýt. Sergei hơi có vẻ chịu thua và cuối cùng thì tuyên bố: có thể, anh đã không đúng, đã đòi hỏi những cái không thể thực hiện được, nhưng chẳng qua cũng chỉ vì anh muốn cho hội khoa học thật sự là một hội khoa học. Còn đối với Nina thật ra anh có hơi qua quắt - lẽ ra cần phải lịch sự hơn. Một tính xấu, có quỷ mà biết được, thần kinh. Nói chung, anh không hài lòng vì cuộc họp ngày mai phải hoãn lại, nhưng dù sao ngày mai anh vẫn sẽ phát biểu.
Vadim lặng lẽ nghe tất cả những lời đó, vui vẻ thấy rằng Sergei có vẻ hơi lúng túng trước sự phản công bất ngờ của anh và bây giờ cậu ta đang thấy khó xử, đang cố muốn chấm dứt câu chuyện này.
Sau phút im lặng và rít mạnh chiếc píp, Sergei thở dài nói:
- Không, chính Andrei đối với mình mới thật sự là cái tủ “com- mốt” đóng kín… Là một sinh viên, cậu ta rất có năng lực. Cậu còn nhớ, cậu ta thi môn ngữ pháp truyền thống thế nào không? Ông già của chúng mình phải trố mắt lên.
- Mình nhớ, lúc đó cậu suýt bị trượt.
- Đúng, mình không thể chịu được cái thói mọt sách đó. Nhưng dù sao vẫn được điểm 4 - cậu nhớ chứ? Mình chẳng cần sổ sách trong tay. Nhưng Andrei… dù sao cậu ấy cũng là một người đáng chán.
- Sao lại đáng chán? - Vadim nhún vai. - Chụp mũ cho mọi người, cũng là một thói xấu đấy! Chẳng lẽ mình thì không đáng chán à? Còn cậu cũng không đáng chán à? Mỗi người đều có một điểm gì đó đáng chán, có một điểm gì đó hấp dẫn và đối với mỗi người…
- Không. Andrei dứt khoát là đáng chán qua đi chứ. Chán thật sự. Không phải tranh cãi gì cả. Vadim, cậu lại sắp tranh luận theo thói quen rồi đấy. Cậu ấy đáng chán là bởi vì cậu ấy làm mọi việc đều với một sự cố gắng như nhau. Cậu ấy không có một đề tài nghiên cứu chủ yếu, một đề tài nghiên cứu của bản thân. Chỉ học chung chung thôi, cậu hiểu không? Như là một quá trình. Cậu đừng có tranh luận nữa, cậu ấy có bị hạn chế. Cái gì? ừ, ừ, cậu ấy biết những điều người khác nói và viết, nhưng chính cậu ấy lại không biết nghĩ… Một chiếc máy ghi âm. Trong tương lai đó sẽ là một sự cóp nhặt, nếu cậu ta trở thành nhà bác học.
- Sao tự nhiên cậu lại công kích cậu ấy như vậy? - Vadim ngạc nhiên hỏi.
- Cậu tranh luận, còn mình thì chứng minh. Mình chẳng có gì phản đối cậu ấy cả. Cậu ấy là một chàng trai rất hay, tốt bụng, trung thực, nhưng… đáng chán. Và cũng còn bởi vì cậu ấy im lặng quá nhiều. Và chẳng biết cậu ấy hiểu tất cả mọi chuyện hay cậu ấy chẳng có gì để mà nói.
- Chỉ vì cậu ấy không bao giờ nói về mình.
- Ồ, đó không phải là lý do.
- Không, “Keks” thân mến, cậu ấy có năng lực hơn tất cả bọn chúng ta, còn cậu… Cậu đã chẳng phát ghen với “con người đáng chán” đó sao?
- Mình ấy à? Phát ghen à?! - Sergei cười khanh khách. - Thật là ngốc! Mình ghen về cái gì nhỉ?. Vì cậu ấy hết ngày này đến ngày khác gầy mòn trên những cuốn vở dày có bìa bọc vải chăng? Vì cậu ấy “thắp sáng cuộc đời” trong các thư viện chăng? Mình có những phương pháp học tập khác, còn cậu ấy có biết nhiều hơn mình không - điều đó mình còn nghi ngờ. Mình ghen tức! Tuyệt thật! Ha, ha, ha… Mình chỉ nói rằng Andrei là đáng chán. Mình không thể thân với cậu ấy được, chỉ hai ngày là sẽ buồn ngủ thôi. - Im lặng, rồi chậm rãi rít vài hơi thuốc, Sergei nói thêm: “điều đáng sợ nhất trong tình bạn khi là con người trở nên buồn chán. Đó là một lớp gì không phương cứu chữa.”.
- Hãy ghi vào sổ đi, - Vadim cười, nói.
Họ bước đến gần quảng trường. Đài kỷ niệm Puskyn bạc trắng vì đẫm sương, Nhưng tuyết vẫn chưa buông và mặt đất vẫn khô và cứng như đá. Sergei gõ gõ chiếc píp vào cái cột đèn bằng gang, rồi đút nó vào túi.
- “Năm đó tiết thu kéo dài.”, - anh vừa nói vừa đưa mắt nhìn đài kỷ niệm. - Đúng, thời tiết tệ hại… Cậu lạ thật đấy, Vadim ạ! Mình chủ yếu ghen tức… ư, hừm, lạ thật! Mình thích cậu ấy. Andrei ấy, cũng như tất cả mọi người ở trong khối. Mọi người đều mến cậu ta. - Nhân tiện xin nói, một người được tất cả yêu mến không phải là điều tốt lắm!
- Lại một câu cách ngôn nữa! Ghi đi!
- Không, Vadim, mình không khoan nhượng đâu, cậu hiểu chứ? - Sergei sôi nổi nói - Mình không chịu được sự tầm thường, sự xuất sắc đó. Và mình cũng không tin vào các bậc thiên thần. Thử xem, trong chúng ta ai sẽ đạt được thành tích lớn hơn: Andrei, một kẻ trong trắng như thánh nữ Silixia, hay là mình với một màn đến những thiếu sót.
- Những điều đó cậu có chịu coi là thiếu sót đâu.
- Không, chỉ có điều mình quan hệ với chúng về mặt triết học thôi. Vì mình biết rằng những thiếu sót của chúng mình thực chất là sự tiếp tục những ưu điểm mà thôi. Nghĩa là, mình cũng có một số ưu điểm nào đó, đúng không? - Sergei nháy mắt nói.
- Một sự biện chứng rất tiện! - Vadim cười vang.
- Còn nếu nói nghiêm túc, - Sergei tiếp tục, - thì “Có, không mùa đông mới biết giàu, nghèo ba mươi Tết mới hay”.
- Điều đó sẽ là vào bao giờ vậy, bốn mươi năm nữa à?
Sergei không đáp, lắc đầu vẻ quanh co và cười khẩy như muốn nói: “ồ, anh bạn, cậu chẳng hiểu gì cả, và giải thích cho cậu có lẽ cũng vô ích”. Đến bến xe, Sergei cùng với Vadim đứng chờ xe điện đến.
- Mình mong rằng thế nào cậu cũng sẽ đến và nghe một số đoạn trích.
- Nhất định rồi. Chính mình cũng rất thú, - Vadim nói. Thực sự anh rất thú điều đó.
Từ bậc lên xuống của xe điện, Sergei kêu vang:
- Sáng mai phát biểu xong là mình sẽ đi! Cậu có thể đến đó, nếu cậu muốn!.