Let your bookcases and your shelves be your gardens and your pleasure-grounds. Pluck the fruit that grows therein, gather the roses, the spices, and the myrrh.

Judah Ibn Tibbon

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hư muốn quên tất cả, nhưng ngày đêm cứ nung nấu, day dứt. Đến giờ thì trở thành hốt hoảng. Có lúc khóc, có lúc bồn chồn, ngồi đâu ngồi một xó. Không muốn bước chân ra thấy ban ngày nữa. Năm ấy, người các mạn ngoại ô tản cư cả vào vùng trong. Chị em Thư mỗi người mỗi nơi. Thư chạy với những người ở trong ngõ chợ. Trử thì theo bộ đội. Trử vừa mười lăm tuổi, đương háo hức đi.
Chị em Thư cũng không phải gốc người thành phố, dẫu cho thành phố nào cũng người tứ xứ đến làm ăn sinh sống. Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Bài, Hàng Bông Lờ, Hàng Thiếc - những phố có đình thờ tổ từng làng, từng chi họ các nơi đã đem nghề về Kẻ Chợ, những thợ khảm, thợ thêu, thợ nhuộm, thợ ngõa và cả những nghề mới, thợ giày da, thợ mũ, thợ ảnh. Từ Hà Đông, Thanh Hóa ra, Sơn Tây xuống, Hà Nam lên.
Bố mẹ chị em Thư chết sớm. Cũng không rõ, chỉ mang máng trước kia nhà ở đồng chiêm Chợ Cháy ra, ở vơ vất đầu ô ngoài trại hàng Hoa. Bố thì đi kéo xe, mẹ quảy nước thuê. Còn bé, Trử đã biết mò ốc các ao đầm quanh đấy đem bán ở chợ Ngọc Hà. Lấm láp quá, vẫn nhớ những buổi trưa nắng hoa cả mắt, giữa chiếc lá trang lá súng tròn xanh, có những con ốc nhồi lên ăn nổi.
Lúc ấy, đương nạn đói. Bố mẹ ốm chết đói cả. Rồi Hà Nội khởi nghĩa. Một đơn vị Vệ quốc đoàn ở đầu ô đem Trử về nuôi. Trử được cứu sống.
Rồi kháng chiến.
Cuộc kháng chiến mới bắt đầu, người tản cư làm ăn bám vào mấy cái chợ loanh quanh. Các chuyến đò dọc chằng chịt đồng chiêm xuôi ngược những chợ hôm, chợ mai, chợ mới bề bộn ngổn ngang, nơi nào cũng thế.
Thư cũng gồng gánh theo chân người ta. Thúng gạo, thùng mật, bó mía, gánh rau. Nay chợ gần, mai chợ xa.
Hôm Tây nhảy dù Vân Đình, giữa buổi phiên chợ Bồ Nâu. Tây tỏa ra càn lùa người về Quán Quạ, về Cự Đà, Khúc Thủy. Thư trong đám người hỗn loạn, bị dồn về.
Tây mới chiếm lại được Hà Nội, mới ở vòng quanh mấy phố chính. Một cái chợ lom đom ở bên góc Bờ Hồ, giữa đường Hàng Bài. Người hồi cư về trước đi hôi của các nhà vắng chủ.
Ít lâu sau, người về đã đông hơn. Thư đi buôn chè tươi. Chè tươi phải ra các vùng ngoại ô mới mua được, đường sá có phần nguy hiểm. Nhưng ít người đi buôn thứ ấy, nên được giá. Có khi Thư vào Hà Đông, mua đổi vai ở chỗ hẹn, có khi đi mua nhặt, vào tận chợ Trúc. Chè mang về, không đủ mà bán chợ. Chỉ việc đi đưa tháng cho những nhà uống quen, trả tiền trước. Còn thừa mới đến chợ Đức Viên.
Một hôm, Thư ra chợ Trúc. Lính lê dương ở bốt Đại Ơn đương đi càn. Du kích đánh chặn, bắn chết thằng quan ba. Tây cuồng lên, trông ai cũng ngỡ du kích, nó xông ra cướp tan chợ Trúc.
Bọn lính đương dồn đám các chị ra giữa đồng. Thư lúng túng trong đám.
Một người lính khác đột nhiên giằng Thư lại.
Những mũi súng chĩa vào người ấy.
– Vợ tôi, đấy là vợ tôi. Vợ tôi đi chợ.
Người lính nọ dắt Thư về làng.
Từ đấy, tháng ngày lại đổi khác.
Tới hôm nay.
o O o
Và tối hôm ngõ phố ghi tên học, Thư đã có ra đứng trong đám đông. Đến khi Thư nhìn vào, trông thấy có người hao hao giống Trử, em mình. Thế là Thư hốt hoảng về ngay. Hôm sau, Thư lên phố cả ngày.
Mấy hôm sau, đến khuya, Thư mới về. Thư đứng lại phía ngoài. Trên khe cửa lều My Lan còn ánh đèn. Thư bàng hoàng. Thư cứ lúc phân vân, lúc ngơ ngác, tự mình cũng không biết rồi nên thế nào. Sau cùng, Thư vào.
Đi qua bờ rào ngoài, Thư hỏi bà lang thuốc ê một câu không có chủ định:
– Cô My Lan có nhà không, bà lang ơi!
Rồi Thư len lén vào. Cô ả thức, đương nằm khoèo trong góc nhà. Và đương mở xem một quyển sách.
– A chị Thư đi đâu hôm nay mới về? Không ở nhà mà ghi tên đi học. Em ghi tên rồi.
My Lan chồm dậy, kéo Thư ngồi xuống.
– Em bảo chị chuyện này nhé.
– Chuyện gì?
My Lan thì thào:
– Bói quẻ năm mới.
Thư thở nhẹ, trong lòng nguôi một nỗi bồn chồn.
Thư gượng nói pha:
– Chả thiết nữa!
Tuy vậy, Thư cũng cầm quyển sách lên. Thư không biết chữ, mà cũng chẳng lạ quyển sách ấy. Đó là quyển sách có mấy tờ, tên là “Đời người một năm một tháng một tuần một giờ”.
Vợ lính, me Tây, gái giang hồ đều có quyển sách bói Tây này gối đầu, cả những người không biết chữ cũng thuộc. Cuộc sống nhốn nháo, thay đổi từng lúc, đẩy mọi người đi tìm số mệnh. Các cửa đền, cửa miếu, các nhà thầy bói, thầy tướng tay tướng mặt, đoán tử vi, đông người ra vào.
Nhưng bây giờ thì sao. Thư ngồi thừ người. My Lan cũng đăm đăm, nghĩ ngợi. Quyển sách chẳng qua cũng chỉ để làm trò, như đầu năm đi bói cải lương. Vui thì cười, buồn thì vơ vẩn nghĩ một chút, đời vẫn là đời. Chứng mình đã trải lắm nỗi, cũng chỉ phân vân thoáng qua. Rồi My Lan cũng không đưa quyển sách cho Thư mở bói như lúc nãy định thế.
My Lan mỉm cười, chăm chú nhìn Thư.
Thư đập vào vai My Lan, hơi bực:
– Tao làm sao mà mày nhìn lỗ đáo mắt ra thế?
Nói vậy, nhưng Thư cũng lo lo khi thấy My Lan vẫn chưa trả lời. Lúc nào Thư cũng sắp giật mình.
My Lan hỏi Thư:
– Thằng Lâm đâu?
– Ở đằng kia.
– Đằng nào?
– Chị lại xích nó ở đâu rồi. Đừng nhé.
– Không. Nó ở chơi đằng Chùa Vua ấy mà.
– Này em bảo thật, đừng có xích trẻ con nữa. Nó hư thì bảo nó thôi. Bây giờ không cho làm thế đâu.
Thư cứ ơ mặt nghe My Lan giảng giải, không cãi, cũng không trả lời. Rồi My Lan lại chăm chú nhìn Thư. Thư có vẻ thảng thốt, áy náy.
Nhưng My Lan đã hấp tấp, như chợt nhớ điều gì.
– Chị Thư à, anh Trử, anh cán bộ ấy mà, anh vào ngõ, đi thăm từng nhà...
Thư nghẹn ngào nhìn My Lan.
– Anh ấy trông thấy cái ảnh của chị.
Thư kêu lên:
– Sao cô lại đưa ảnh tôi ra?
My Lan cười:
– Chị vẫn để kia thôi.
Thư buông tay, hoảng hốt đến độ hai con mắt chớp chớp và hai bàn tay mở to, vuốt lên vuốt xuống mặt chiếu mà không biết.
My Lan nói tiếp:
– Sao giống chị anh ấy thế. Anh ấy bảo thế.
Thư nói trong tiếng thở dài:
– Đời thiếu gì người giống nhau.
– Nhưng anh ấy lại bảo chị anh ấy chết rồi, chết đã bảy tám năm nay.
Thư bâng khuâng, oải đi, như người ốm, lơ đãng nghe. My Lan vẫn thản nhiên nói:
– Anh ấy buồn mãi. Bảo nhà có hai chị em, bây giờ chỉ còn một mình.
My Lan nói anh Trử kể rằng năm ấy anh Trử được tin Pháp nhảy dù Vân Đình. Từ đấy, không được tin tức nữa. Có người lên nói lần nhảy dù ấy Tây giết nhiều người lắm. Chắc chị chết ở đấy rồi.
My Lan lại mỉm cười nói:
– Đời cũng lắm cái oái oăm, chị ạ. Không ngờ mà cái anh gặp ở cửa đền Ngọc Sơn đêm ba mươi em về đã kể chuyện với chị lại là cái anh Trử này. Buồn cười nhỉ?
Thư không buồn cười được, Thư cố bình tĩnh, như nói tiếp câu lúc nãy đương nghĩ:
– My Lan ạ, tôi vẫn định nói với cô, bấy lâu cô cho mẹ con tôi ở nhờ.
– Chị dọn đi à?
– Ừ, chị đi.
– Chị đi đâu?
– Chẳng nói My Lan cũng biết cảnh tôi chỉ sống được quanh cái chợ Giời. Tôi lên đằng ấy để tiện chạy chợ. Tôi đã định nói với cô từ trong năm.
– Nhưng mà vội đâu thế. Năm sớm mà.
– Ừ, là nói để cô biết, hôm nào tôi không về thì cô yên tâm.
Lát sau, Thư lại đi. Thư nói ra tìm thằng Lâm. Sợ nó lại theo bọn du côn đi chơi. Thư đi khỏi, My Lan còn bó gối ngồi một lúc, nghĩ về Thư và mình.
Năm ấy, chỉ độ mười ba mười bốn tuổi, cô bé đi ở cho nhà người ta. Đêm Hà Nội nổ súng, lạc giữa đám người bị vướng lại. Rồi lại đi ở, rồi mấy năm sau, thành gái nhảy. Điều ấy hầu như số phận của những người bơ vơ giữa cái thành phố loạn những cạm bẫy ăn chơi, những lính tráng vừa thoát chết về. Ai đặt cho cô cái tên Lan mỹ miều. Một người nào khác thêm lên đầu một chữ ngộ nghĩnh và hợp mốt, Mít (miss) Lan. Dần dần, chữ Mít Lan, thành My Lan, cô My Lan dịu dàng.
Rồi thế nào nữa đây.
Nhưng, thoáng nghĩ lại, My Lan không thấy chua xót, chán chường như mọi khi.
My Lan cúi xuống. Thấy cái quyển “số mạng...” còn trên gối. My Lan ném toạch quyển sách xuống đất, mỉm cười một mình.
o O o
Tứ đến chơi.
Người bạn chải chuốt ấy của My Lan, cả cái ngõ không lạ. Chỉ lạ sao người như ông ấy mà còn ở đây.
Thỉnh thoảng, Tứ vẫn đến. Thời ấy, ăn mặc sang hết cỡ vào cái bãi rác này, tuy trái ngược màu sắc, nhưng cũng không có gì là mới. Bởi vì, nhiều người các loại ra đường cũng chải chuốt chẳng kém Tứ. Quần áo thì mua ở chợ Giời, hay đi trộm cướp được, không biết thế nào. Có người chui ở cái lều che ni lông ra, đứng lên, đã ra công tử đầu bóng, sơ mi kẻ, giày Hồng Kông bít tất đỏ. Ở đất màu mỡ riêu cua, rách rưới nhăn nhó chỉ chuốc được đống nước bọt vào mặt. Phải quần lành áo tốt mới đi vay, đi lừa được. Người diện công phu như Tứ, không biết người có của hay người đi vay.
My Lan còn co ro trên cái giường lộn xộn những bít tất, khăn quàng màu. Mái tóc mới uốn lại ở hiệu Mỹ Lệ hôm cuối năm, cong sóng gọn trong cái khăn vuông mấp mé thò ra từ một đống đụp hai ba cái chăn lính màu cứt ngựa đã rách lướp tướp.
Tứ không để ý những vặt vãnh đó, bệu dệch lung tung của người ta bỏ lại, nơi nào chả có. Mùi nước hoa đắt tiền lẫn với mùi thum thủm nước cống, hai lỗ mũi ngửi thấy mùi khác nhau ở chỗ này cũng là sự thường. Mọi khi, đến thấy trẻ con, Tứ hay cho tiền.
Tuy vậy, hôm nay khác mọi khi: không đứa nào chạy xúm quanh Tứ.
Tứ bật ngón tay, gọi:
– Ê, ê, mở hàng, mở hàng này...
Những đứa đứng đằng xa, cười ầm:
– Chúng mày ơi! Ra xem Tây tung tiền.
Bọn trẻ xúm lại. Cũng chỉ đứng yên xem, không chìa tay. Tứ chưng hửng.
Rồi Tứ dửng dưng vào nhà My Lan.
Tứ hỏi:
– Ngủ hay ốm đấy?
My Lan mở mắt, uể oải:
– Không.
– Năm mới xuất hành chưa?
– Chưa.
– Đi Hồ Tây nhé?
My Lan lắc đầu.
Năm tháng qua đi, ngày ngày gặp những cảnh quanh mình, toàn những người ác mà nói ngọt, người rủ rê, người bỏ rơi, người bị rơi, rồi lại người tán tỉnh, đời cứ rồng rắn đầu bắt đuôi như thế. Đến lợm giọng rồi. Đêm qua, ném quyển “số mạng...” xuống đất, rồi lại nhặt lên và My Lan đã khóc - nước mắt với nụ cười lẫn lộn.
Tứ đến, My Lan trông ra thấy cái mặt bóng nhờn, My Lan rợn người, My Lan rùng mình, nghĩ gợi lại màu xám nhợt như mặt Tứ trông ban ngày.
Hồi ấy, My Lan gặp Tứ ngoài Tiên Yên. Tiên Yên - nơi đồn trú quan trọng đầy các thứ lính, từ lê dương đến “ta–bo”, ở Phòng ra, dưới bể lên, đợi đi trận vùng Đông Bác. Những người gái nhảy “biên thùy” được xếp lên xe tải, theo lính và súng đạn, đồ hộp, rượu, chăn áo nhà binh cuốn ra đấy. Hợp đồng đi “biên thùy” các cô đã ký với nhà thầu từ Hà Nội.
My Lan gặp Tứ một tối nhảy ở “xéc” trên đồi trại chính. Vừa gặp, cũng là mang ơn nữa. Chị em được chủ “ba” thầu đi “biên thùy”, ra đây, bọn nhà binh lại định đưa các cô vào lẫn với B.M.C.[1], có cả điếm da đen. Chúng nó lại sắp đem một số chị em về Kiến An rồi lên tàu bay đi vùng núi ở Sìn Hồ trên Lai Châu. Các cô khiếp quá.
Nhưng Tứ can thiệp, chủ “ba” không dám ăn tiền thêm để gạ, để dọa các cô - mà bọn Pháp cũng thôi. Chị em thì thầm: “nó” là Phòng Nhì mặc “xi vin” ra Tiên Yên mới có thế lực vậy.
Cho đến năm trước, Tây đã rút xuống Phòng còn ở một trăm ngày, My Lan chạy khắp Hà Nội rối rít trong đám người định đi hay ở lại. Giữa đường, gặp Tứ.
My Lan hỏi Tứ:
– Anh chưa đi à?
Tứ chép miệng:
– Mình trốn ra vùng tự do mới về. Tây không biết đâu mà bắt đi Nam được. Bây giờ mình cẩm như KC[2] rồi. KC thì ở đây chứ đi đâu!
Tứ làm gì, My Lan không rõ. Cũng không muốn hỏi. Anh ta vẫn ăn mặc ra trò. Giày đen, mũ phớt không thắt cà vạt nhưng sơ mi cổ cứng, quần đứng nếp thẳng.
My Lan biết bọn Phòng Nhì nói dối như cuội, nhưng cũng cứ hỏi:
– Đi hay ở? Xuống Hải Phòng còn được đấy.
– Đã bảo anh ở lại với My Lan mà.
– Đừng có màu!
Từ hôm ấy, thỉnh thoảng lại gặp. Trong đời giang hồ, khi vui nhất cũng đượm buồn. Mà đã ngán thì ngán đến kinh, vứt hết, chẳng thiết.
Tứ đến. My Lan có cảm tưởng ghê ghê, như khi nhớ lại cái vòi nước nhà xăm, đứa nào rửa ráy xong chẳng buồn khóa, nghe qua tường rõ tiếng nước rỏ tanh tách, khó chịu đến buồn nôn.
Tứ lại nói:
– Đi Hồ Tây mà.
My Lan nguỷu mặt, giọng tất tưởi:
– Không!
Vẻ không bằng lòng, Tứ hỏi:
– Ốm à?
My Lan không đáp. My Lan đã ngồi dậy, bó gối ngồi lơ đãng nhìn ra. Chưa bao giờ Tứ tưởng có lúc My Lan không làm theo ý mình. Nhưng My Lan cũng như đám trẻ không chìa tay xin tiền lúc nãy, mà Tứ không để ý. My Lan nghĩ: “Tưởng có tiền thì gọi êu êu người ta cũng phải đến à? Không đâu, tôi đã bảo cho anh biết thế từ cái phong bao tôi ném lại đêm giao thừa ở nhà con Kim Kim mà. Không, không không...”.
Quả là Tứ chỉ quan tâm việc mình định làm. Không được thì phát bực. Toan bước ra, nhưng lại ngồi xuống, nhoẻn miệng cười:
– Để hôm khác vậy nhé!
Rồi Tứ sang chuyện khác.
– Này cái thằng mà My Lan kể gặp phất phơ tối hôm giao thừa ấy. Mê nó rồi à?
My Lan nhanh nhảu vui vẻ nói:
– Hóa ra “cái thằng ấy” là cán bộ.
– Gặp lại à?
My Lan lúng túng:
– Về dạy học tận ngõ này.
Tứ im lặng, nhìn My Lan, nửa nghiêm:
– Được đấy, quen nhau đi.
Rồi Tứ rút trong ví ra một đệp giấy bạc, đưa cho My Lan:
– Cầm lấy mà tiêu. Cứ làm quen tự nhiên. Không ghen đâu. Còn khi phải dùng đến.
My Lan cười gượng, khó chịu. Tứ chợt nhận ra cái cười hơi lạ. Có thể không phải vì mình. Cũng không vì những tờ giấy bạc. Nụ cười của My Lan cho Tứ cắt nghĩa được những băn khoăn của Tứ từ hôm nọ. My Lan bây giờ có vẻ khác.
Tứ là người xưa nay chắp tay vái một câu của Béc-na Phôn[3], chỉ phục một câu thôi: “Dù cho một trăm năm nay, những người thực dân Pháp có làm gì cho Đông Dương hay không thì người lính Pháp cũng chẳng cần biết, họ chỉ biết họ đến đây vì đồng tiền”. Tứ ngạc nhiên đấy, nhưng cũng vẫn ngờ ngợ. Bởi vì đồng tiền, sức mạnh đồng tiền kia mà. Được, hãy để đấy.
Tứ đứng dậy:
– Về nhé.
Tứ bước ra. Còn nghiêng mắt nhìn lại đệp bạc trên đầu chõng, cạnh cái chăn rách. Ý nghĩ cho là My Lan có gì khác lại át đi trong tiếng cười thầm: “Đói rồi, con ạ. Nhưng cá còn lượn, cá làm bộ nhìn mồi”.
– Anh Tứ!
– Thế nào?
– Anh cầm lấy.
– Sao thế?
– Không sao cả.
Tứ bình thản quay lại, cầm nắm giấy bạc, bỏ vào túi quần, rồi cười: “Mê KC rồi a?”, rồi lẳng lặng đi ra.
Trong ngõ, chốc lại có người đi qua. Ở bãi rác, người ta đi làm ngay từ hôm Tết. Bà bún riêu nói Tết ra ai cũng háo, thích ăn bún, bán được hàng.
Tiếng ông Ba Gác ê a.
Trèo lên cây trắc, ngắt ngọn đinh lăng
Anh thương em thương trắc không phải thương lường
Chẳng tin em hỏi lại phố phường mà coi
My Lan chợt mỉm cười một mình.
Giờ này, mọi khi, ông Ba Gác có nhà đâu. Hôm nay còn hơi hướng Tết, ông Ba Gác đi làm muộn. My Lan tưởng như lão ấy ở tít đằng kia, nhưng trông thấy Tứ đi vào rồi đi ra. Lão ấy hay tò mò lắm. Chẳng thế lại làm ban trật tự ngoài phố. Có lẽ lão ấy muốn hát xỏ, mỉa mai mình.
o O o
Trử vào ngõ ấy.
Phía sau mảng tường loang lổ, từng mảnh trời vuông. Vào bãi rác, thấy chỗ nào che miếng ni–lông, cái khố tải hay giấy dầu, biết đấy nhà người ở. Những gò rác bao quanh, cao hơn nóc lều. Chỗ này là mụn nhọt để lại.
Gió ào qua những cành vông, những mái lều lật bật, lởm nhởm, xởn lên. Một vùng xám ngắt, như đuổi bạt buổi chiều ở đâu đến sớm hơn mọi khi.
Đến chỗ vách tối trống huếch, nhớp nháp, Trử phải bật một que diêm nước ngoài dài và sáng vừa một que đóm hút đủ mồi thuốc lào.
Rồi hỏi to:
– Cô My Lan có nhà không?
– Ai đấy?
– Tôi.
– Mời anh vào chơi.
Trử ngồi xuống. Bóng Trử im lặng. Ở Tiên Yên, ở Thất Khê, ở Lạng Sơn, My Lan đã thấy chúng nó khiêng về nhà thương những lính chết. Có thằng, hôm trước còn ngoe nguẩy, hò hét, uống rượu như tắm, hôm sau đã ra tha ma. Hỏi bảo nó đi “ba tui” bị Việt Minh giết. My Lan không trông thấy Việt Minh bao giờ. Nhưng nghe hai tiếng Việt Minh đã sợ.
Không ngờ Việt Minh lại là những người hiền lành. Bây giờ, Việt Minh là người thanh niên chân chỉ, đúng mực. My Lan chưa bao giờ quen một người chững chạc như thế. Ý nghĩ ấy làm cho My Lan mỗi lần gặp Trử, tự nhiên được yên lòng.
Trử nhìn quanh, hỏi:
– Cái ảnh hôm nọ đâu, hả cô?
– Chị ấy lấy đi rồi.
– Tôi định đến xem lại. Sao ảnh giống chị tôi thế.
– Chị anh chết rồi cơ mà.
Trử ngồi im.
Lát sau, Trử nói:
– Anh Bốn có cho tôi biết qua về My Lan. Không sợ, xã hội bây giờ khác. My Lan cố học, có văn hóa rồi đi công tác, dễ thôi.
[1] B.M.C (Bordel mobile de campagne): Gái điếm lưu động ở mặt trận.
[2] KC (kháng chiến) tiếng lóng, một số người thành phố hay dùng gọi cán bộ, lúc Hà Nội mới giải phóng.
[3] Bernard Fall, tác giả phóng sự "Đông Dương 1946 - 1962".
Những Ngõ Phố Những Ngõ Phố - Tô Hoài Những Ngõ Phố