We should read to give our souls a chance to luxuriate.

Henry Miller

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2032 / 40
Cập nhật: 2015-12-10 22:50:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 -
áu tuần sau, nằm trên chiếc giường bệnh chật hẹp, Duncan yếu ớt quay đầu lại khi nghe tiếng chân bước ngoài hành lang. Sức anh yếu đến tột cùng. Chưa bao giờ anh nghĩ ca mổ lại tàn phá sức khỏe của anh như vậy.
Người ta bảo anh đã trải qua bốn giờ trên bàn mổ. Trong biết bao nhiêu ngày nối tiếp nhau, ký ức về mùi ê-te vẫn còn làm anh buồn nôn. Bây giờ anh mới bắt đầu cảm thấy đau. Cái đau nằm đó, và không ngừng hành hạ anh. Cả bên trái người nhức nhối như nung trong một lò lửa.
Anna không những đã sửa lại các cơ xương, thần kinh mà cả những đám rối thần kinh với các động và tĩnh mạch chính nằm trong hốc nách. Ngay cả đến Morphine cũng không làm những sợi thần kinh bị hành hạ giảm đau hoàn toàn được.
- Ôi! Lạy trời! Bây giờ, sau khi đã thấm rõ ý nghĩa của nỗi đau đớn, tôi sẽ trở thành một thầy thuốc giỏi hơn… nếu tôi sống sót qua cơn đau này!
Cửa phòng hé mở và cô y tá bảo anh:
- Ông Stirling có khách. Cô ấy hứa là sẽ không ở lâu.
Một lát sau, Jeanne bước vào phòng. Cô mang theo hương thơm của đồi núi. Mùi thuốc sát trùng hôi nồng bị át đi bởi hương thơm của thông và sim, của khói rừng. Jeanne e ngại bước vào phòng. Cô mặc một chiếc áo giản dị bằng len màu nâu, mũ đội lệch sang bên, tay mang cái giỏ nặng. Đôi mắt thơ ngây của cô không giấu được vẻ hơi rụt rè kèm với nỗi lo lắng tột độ.
- Jeanne!
- Anh Duncan! Cô bật kêu lên. Anh gầy quá!
Cô bước lại gần anh.
- Ôi Jeanne, được gặp em, anh mừng hết sức! Anh cứ tưởng em bỏ mặc anh thật rồi.
Anh đưa bàn tay lành ra nắm tay cô, bàn tay kia đang bị bó bột.
- Em lên tỉnh mua ít hàng. Hay tin anh mổ, em đến thăm anh, mặc kệ nỗi hiềm khích giữa anh và ba em.
Dù đã bao lần tự nhủ là mối quan hệ giữa mình và bác sĩ Murdoch đã chấm dứt, nhưng Duncan vẫn không ngăn được lời thăm hỏi:
- Ba em ra sao?
Mắt Jeanne tối lại.
- Ba em không được khỏe lắm. Anh biết đấy, ba em ra khỏi nhà bất kể thời tiết nào và không chịu giữ gìn sức khỏe. Hiện ông đang bị viêm phế quản. Hơn nữa, dạo sau này ông lại còn phải lo lắng về đập nước mới xây ở Loch Linton. Người ta cũng đã xây một trung tâm biến điện với những nhà máy đúc nhôm, mấy cái ống khói to lớn của nhà máy sẽ phá đi vẻ đẹp của thung lũng.
Anh liếc nhìn khuôn mặt lặng đi vì xúc động của cô:
- Có phải một người tên Overton đã gây ra mọi chuyện ấy không?
Cô gật đầu:
- Ngay từ đầu, ba em đã chống lại ông ta. Em, em đã suýt e rằng… (cô vội nói lảng) nhưng mà này, em đến để thăm anh chứ có phải đến than vãn về ba em với những nỗi lo lắng của ông ấy đâu. Duncan này, anh sắp khỏe chưa?
- Anh cũng sắp biết. Hôm nay người ta sẽ tháo băng cho anh.
- Ôi! Em tin chắc là ca mổ đã thành công. Em không biết có nên nói với anh là em… (cô chợt đỏ mặt). Đêm nào em cũng nghĩ mãi, mong mãi là tay anh sẽ lành.
- Ít ra em… em cũng tin vào bác sĩ Geisler! (anh không thể ngăn mình thốt ra nhận xét ấy).
Cô nhìn anh và nói không một chút do dự:
- Em tin vào tất cả những ai có thể giúp anh, Duncan ạ!
Một khoảng im lặng ngượng ngập trôi qua cho đến khi Jeanne lôi trong giỏ ra một lọ mứt cô làm lấy và bánh bích quy. Rồi cô kể cho anh nghe những tin tức về Strath, về Hamish, về chiếc xe cũ kỹ của cha cô, về lứa gà con mới đẻ, về cuộc đi săn mà ngài John Aigle dự định tổ chức vào ngày 12 tháng này, về Alex Aigle, con trai ngài John mới từ Đại học Oxford về và anh ta đang định chống lại chương trình điện khí hóa và công nghiệp hóa thung lũng. Nhiều lần, cô kêu lên là sợ làm anh mệt, là cô phải về, nhưng mỗi lần như vậy, anh đã giữ cô lại.
- Jeanne ạ! Tôi có thể đổi mọi thứ trên đời để có được cô làm em gái tôi.
Cô gái chợt quay đi:
- Anh hãy cố mau lành bệnh, cô thì thầm nói. Đó là điều duy nhất đáng kể, Duncan yêu quý ạ!
Cuộc thăm này đã làm anh thoải mái hẳn lên.
Vào đúng ba giờ, bác sĩ Geisler đến cùng cô y tá trưởng.
- Thế nào? Anna hỏi nhanh, ngồi xuống bên giường và xem xét lớp băng. Có thể nói là má anh gần như hồng trở lại rồi đấy (chị ngước mắt nhìn và mỉm cười với anh). Cô này, cho tôi xin kéo cắt băng. Anh đang căng thẳng đấy, chị nói tiếp.
Chị bắt đầu nhẹ nhàng tháo khuôn bột.
Anh đưa lưỡi lướt trên đôi môi khô nẻ của mình:
- Lẽ ra chị mới là người căng thẳng.
- Tôi có bị bệnh đâu mà căng thẳng, chị đáp lại. Tôi đã bảo mang lại máy điện để dò các phản xạ gân cơ của anh.
Duncan gần như xỉu đi khi thấy những mảnh bột cuối cùng rơi ra. Bây giờ mọi việc diễn tiến thật nhanh so với thời gian dài bất động chờ đợi vừa qua. Trong giây lát, anh chợt muốn bảo mọi người hãy tạm ngưng lại việc khảo nghiệm này, để đến sáng mai mới tìm kết quả.
Nhưng không kịp nữa, khuôn bột đã được hoàn toàn tháo ra khỏi tay anh, và Anna đang chăm chú gỡ băng gạc. Rồi thì mảnh băng quấn cuối cùng cũng đã được tháo và bây giờ, Duncan có thể nhìn thấy cánh tay trái để trần của mình.
Ban đầu, anh không thể nhận ra đấy là cánh tay mà trước đây anh không bao giờ thấy ở dạng nào khác với cái dạng teo và vẹo lệch; bởi vì hiện nay, trước mắt anh là một cánh tay, mặc dù còn gầy gò và có hơi nhão nhưng trời ơi… thật bình thường! Vâng, hoàn toàn bình thường. Những vết sẹo thâm tím chạy dọc theo cánh tay, nổi bật trên làn da tái xanh nhưng đấy đúng là cánh tay anh, cánh tay đã được tái tạo. Anna đã đập gãy xương và đã tái tạo chúng như một nhà điêu khắc đắp lại một mẩu tượng không hoàn hảo.
- Thế nào? Chị hỏi.
- Chị đã tạo ra một phép lạ! Anh ấp úng.
- Để xem đã, chị nhẹ nhàng đáp.
Chị ra dấu mang máy lại.
Cô y tá lăn chiếc máy điện đồ sộ đến cạnh giường, Với sự giúp đỡ của cô y tá thứ hai, Anna điều chỉnh lại các bánh xe và cắm điện.
Tiếng rù rù đều đặn tràn ngập căn phòng. Ngồi dựa vào gối, Duncan chờ được gắn các cực điện với nỗi lo âu mỗi lúc một tăng lên. Những phút kế tiếp sẽ định đoạt sự thành công của ca mổ. Anh gần như nghẹn thở khi thấy các bắp cơ lần lượt phản ứng với những kích thích điện. Khi đó anh hiểu ra là mình đã hoàn toàn lành bệnh.
- Bây giờ thì chúng ta không còn phải lo gì nữa, Anna nói, đương nhiên anh còn phải mất vài tuần xoa bóp và chạy điện. Nhưng cứ tin tôi đi… (Chị nói với vẻ giễu cợt, khô khan) cánh tay anh tốt như còn mới nguyên vậy.
- Tôi hiểu điều đó, anh giản dị trả lời. Ngay bây giờ tôi đã có thể nhận ra điều đó. Chị xem này.
Trước khi người ta kịp ngăn anh, anh đã nhanh nhẹn thử cố gắng và chụp lấy cái ly để trên bàn ngủ.
- Khoan, dừng lại, cô y tá hốt hoảng kêu lên, anh sẽ đau đấy!
Nhưng Anna đã chăm chú theo dõi Duncan và ra dấu bảo cô ta đừng ngăn cản anh.
Va họ sững nhìn anh đưa chiếc ly lên môi, uống rồi đặt nó xuống bàn. Từ khi bị sốt tê liệt đến nay, đây là lần đầu tiên anh có thể làm một động tác như vậy.
- Thế đấy! Cô y tá trưởng thốt lên hoàn toàn mất hết vẻ căng thẳng. Ông Stirling ạ, sau việc vừa rồi tôi không cảm thấy an toàn chút nào khi ở cạnh ông, chỉ một lát nữa, ông có thể sẽ quẳng bàn ghế vào đầu tôi đấy!
Sau khi hai cô y tá đã ra khỏi phòng, Duncan và Anna im lặng trong giây lát.
- Tôi mang ơn chị nhiều quá, Anna ạ! Cuối cùng anh nghiêm trang nói. Ngay ngày đầu, chị đã mở ra cho tôi thế giới của âm nhạc, hội họa, văn chương. Chị đã mở mang kiến thức cho tôi, đã dạy tôi. Chị đã tìm cho tôi việc làm khi tôi cần. Nhờ chị, tôi đã học được cách tạo ra cho mình một cái nhìn rộng, sâu về y khoa. Và bây giờ chị còn…
Giọng anh nghẹn lại.
- Trời đất! Thôi đủ rồi, Stirling! Người Tô Cách Lan các anh thật là những kẻ ủy mỵ ngốc nghếch! Tôi chẳng từng nói với anh là tôi thích thành công à? Tôi sẽ ghi lại trường hợp của anh vào quyển sách tôi soạn đấy, kèm với hàng tá hình ảnh và họa đồ…
- Dù có như vậy đi nữa, chị cũng phải cho phép tôi cám ơn chị, Anna ạ. Điều tuyệt vời là chị đã tiến hành ca mổ này hoàn toàn chỉ vì tình bạn, bỏ ngoài tai tất cả những lời gièm pha.
- Anh Duncan thân mến ạ, chị đột ngột cắt ngang, hóa ra anh lại phải giảng cho tôi một bài học triết lý à? Tôi nghĩ rằng tôi đáng được thưởng một cái gì hơn thế chứ?
- Hãy tha lỗi cho tôi, chị Anna ạ. Cũng vì tôi rất biết ơn chị nhưng lại có quá ít khả năng để chứng tỏ điều ấy.
- Anh có thể giúp tôi nhiều lắm, Duncan ạ. Tôi không hoàn toàn không lợi dụng như anh tưởng đâu. Tôi muốn anh hợp tác với tôi. Tôi muốn anh lo về phần cơ thể bệnh lý của các cuộc khảo cứu của tôi, tôi muốn anh trả nợ tôi bằng cách ấy đấy. Nhưng thôi, sau này chúng ta sẽ có dư thì giờ để bàn cãi chuyện này. Trong khi chờ đợi tay anh thật khỏe, tôi vừa chợt nghĩ là cô y tá chăm sóc anh đã lầm lẫn tai hại.
- Sao?
- Cô ấy đã gọi anh là “ông” Stirling. Trong khi đó, kể từ sáng nay, chức danh đúng của anh là “bác sĩ ” Stirling (chị mỉm cười với anh). Chính bác sĩ Inglis đã báo cho tôi hay tin ấy khi tôi tới đây. Ông ta rất náo nức về tin này. Duncan ạ, anh đã đạt hết các môn thi. Hơn thế nữa, anh còn được bằng khen của Ban Giám khảo.
Anna mở cửa, sau khi nhìn lại lần cuối bộ mặt sững sờ của Duncan, chị nhanh nhẹn bước ra khỏi phòng.
Duncan tựa vào gối và lặng đi một lúc lâu, rồi từ từ, anh mới hiểu ra tương lai của mình sẽ như thế nào. Một cách vô thức, anh cử động cánh tay trước đây đã bị bại liệt và nắm tay lại. Một cảm giác về quyền lực tràn ngập trong anh.
Thình lình, anh chống một tay lên và lôi từ trong cái ví cũ sờn của mình một tấm ảnh nhỏ và một cánh hoa rừng ép khô. Đó là tấm hình của Margaret và cành hoa rừng mà cô đã tặng anh cách đây hằng bao năm. Anh biết là cô ta đang đi nghỉ mát.
“Bây giờ ta đã có một cái gì đó để dâng hiến cho nàng khi nàng trở về ”, anh thầm nghĩ, lòng bỗng dâng lên một tình cảm thiết tha.
Một buổi sáng cuối tháng bảy đẹp trời, Duncan mặc áo blouse trắng, đứng chờ Overton ở cửa khoa của bác sĩ Inglis, tại bệnh viện Victoria.
Sáu tuần trước đó, khi Duncan xuất viện, bác sĩ khoa trưởng đã chỉ định anh làm bác sĩ nội trú trong khoa ông, khoa lớn nhất của bệnh viện Victoria.
- Tôi vẫn luôn tin tưởng vào tài anh, anh Stirling thân mến ạ. Ông vừa nói vừa vỗ vai anh.
Duncan cười thầm khi nhớ lại buổi gặp đầu tiên với bác sĩ Inglis, khi ấy vẻ bi quan của ông tí nữa đã phá vỡ hết mọi hy vọng của anh.
- Và nói riêng giữa chúng mình với nhau, ông nói thêm, tôi muốn nhấn mạnh lòng tin tưởng của tôi vào anh mặc dù gần như khắp nơi… trong tỉnh và… hừm, hừm… ở cả nhà tôi nữa, có những người đã cố khuyên tôi đừng giao cho anh chức vụ này.
Rồi, nắm lấy cánh tay Duncan, ông dẫn anh đến một phòng thí nghiệm trang bị theo những kỹ thuật tiên tiến nhất.
Duncan đã đến ở khu dành cho anh trong bệnh viện và giờ đây, thật là sung sức nhờ vào hai bàn tay đều lành lặn, anh đã lăn xả với tất cả sức lực của mình vào cái công việc mà từ bao lâu nay, anh vẫn hằng mong ước.
Những ngày làm việc của anh thật hào hứng và khẩn trương. Anh thức dậy lúc bảy giờ và ghi chép các quan sát của mình cho tới giờ ăn điểm tâm. Sau đó, buổi sáng được dành cho việc đi theo bác sĩ Inglis khám bệnh tại khoa, việc này là cả một bài tập tính kiên nhẫn ở Duncan vì tính chậm chạp của bác sĩ khoa trưởng đã trở thành truyền thuyết trong bệnh viện. Sau bữa cơm trưa ăn vội vàng, tiến hành một loạt các cuộc thử nghiệm sinh hóa thì đã sáu giờ chiều. Buổi tối, đi rảo lại khoa với Overton, bây giờ là phó giám đốc bệnh viện, một phó giám đốc rất hãnh diện về tầm quan trọng và bo bo giữ quyền lực của mình.
Sau sáu tuần lễ mệt phờ người, một nỗi bất mãn kỳ lạ đã làm giảm đi nhiệt tình của Duncan. Anh không để ý đến sự đều đặn nhàm chán của công việc, cũng bỏ mặc những biểu lộ hợm hĩnh nhỏ nhen của Overton, nhưng càng ngày, nỗi ước muốn tạo mối dây liên lạc thật sự giữa anh và bệnh nhân càng trở nên mong manh, và điều đó làm anh thất vọng.
Anh ngẩng đầu khi nghe tiếng bước chân vang lên trong hành lang. Thì ra là Overton. Anh đợi anh ta lại gần:
- Overton này, tôi muốn bàn với anh về ca Walters.
- Walters nào? Tớ đang bận, tớ sắp đi ăn cơm trưa.
- Việc này quan trọng đấy, Overton. Walters là anh chàng bệnh nhân ở giường số bảy, tôi thấy anh ta có những triệu chứng hô hấp hơi kỳ lạ. Tình trạng anh ta đã trở nặng nhiều lắm.
- Vậy cậu muốn tớ làm cái quỷ gì cho nó?
Duncan biết rằng đêm qua Overton đã đi khiêu vũ tới tận đêm khuya với cô y tá Damson, và vì những lý do có lẽ liên quan đến cô y tá xinh đẹp ấy, anh ta có vẻ bực bội.
- Bọn tớ đã làm tất cả những gì có thể làm được.
- Tất cả, ngoại trừ việc tìm ra cái gì không ổn (Giọng Duncan đanh lại) Trong tuần, ngày nào cũng thế, tôi cứ phải dành hết thì giờ để làm các xét nghiệm xuẩn ngốc không chút ích lợi nào, trong lúc ấy thì bệnh nhân cứ chết dần chết mòn.
- Chẩn đoán không rõ ràng, Overton nhanh chóng đáp, chúng ta không thể làm gì hơn. Ông sếp nghĩ là một ca thiếu máu ác tính.
- Theo ý tôi, đó đơn thuần và giản dị chỉ là một ca mủ màng phổi. Cần phải chọc dò màng phổi. Nếu không, bệnh nhân sẽ chết.
- Ai thèm hỏi ý kiến cậu? Nên nhớ đến chỗ đứng của cậu ở đây, Stirling ạ. Chỉ vì ý thích nhất thời nên bác sĩ khoa trưởng mới đem cậu vào đây. Có khối người nghĩ rằng đây không phải là chỗ dành cho cậu.
Và hắn ta tiếp tục đi. Duncan nhìn hắn bỏ đi xa, mặt căng ra vì giận.
Chiều hôm ấy, anh được một giờ rảnh. Như thường lệ, anh dùng nó với Anna. Anh có được nỗi thích thú tinh nghịch trong việc thách thức những lời gièm pha trong tỉnh.
Chị pha cho anh một ly cà-phê và ngạc nhiên về sự im lặng bất thường của anh.
- Có chuyện gì thế? Lại có ai nói gì về chúng ta à?
Anh lắc đầu:
- Không, đó chỉ là tôi đang thích thú về sự nhận môn của mình vào ngành y học cơ khí hóa. Thật là thú vị, anh giễu cợt nói tiếp, khi được chơi với ống hút, ống nghiệm, thử biến diễn cơ bản, trong khi đó, chỉ cần áp tai vào ngực một bệnh nhân khoảng mười phút là đã có thể nói anh ta mắc bệnh gì.
Chị chăm chú nhìn anh:
- Đừng coi thường những vũ khí của nền y học hiện đại, Duncan ạ.
Anh bùng nổ:
- Điều này đã làm tôi không yên từ bao tuần nay! Tôi muốn làm việc với hai bàn tay tôi chứ không phải với những ống nghiệm; chính những ống nghiệm đã làm tê liệt ngành nghề chúng ta! Đương nhiên một phần cũng do những bác sĩ bị thoái hóa bởi đồng tiền gây ra, nhưng đó chỉ là phân nửa của mối nguy hại. Điều tệ hại hơn cả là, trong hệ thống hiện nay của chúng ta, nhiều thầy thuốc đã không còn những đức tính thật sự quan trọng như cá tính, khả năng tạo niềm tin ở bệnh nhân, tài chẩn đoán chính xác. Họ không còn muốn tự mình làm việc gì nữa. Luôn luôn phải có một cô y tá, một cô xét nghiệm viên, và ngay cả một cái máy đa năng để làm hết mọi việc thay cho họ. Ngay lúc này, một người đang hấp hối trong khoa của tôi bởi vì sự thật bị bưng bít đằng sau một rừng họa đồ, đường biểu diễn, bài tính và xét nghiệm.
Sự im lặng của Anna rõ ràng là chống lại những điều Duncan vừa nói.
- Đã đến lúc anh cần có một quan điểm khoa học về công việc của anh hơn.
- Thế còn quan điểm nhân đạo thì sao? Chẳng lẽ tôi phải vứt bỏ nó à? Anh giận dữ hỏi.
- Tại sao không? Rồi anh sẽ thấy là nó chẳng quan trọng bao nhiêu khi anh bắt đầu với môn cơ thể học bệnh lý.
Sững người, anh nhìn chị.
- Chắc anh không quên là cả hai chúng ta sắp thành một tổ nghiên cứu? Tôi sẽ cần đến một chuyên gia về môn cơ thể bệnh lý trong cuộc nghiên cứu về mối liên lạc giữa các dây thần kinh – cơ.
- Cuộc nghiên cứu của chị?
- Cứ gọi là của chúng ta đi. Anh hãy nhớ là anh đã thật sự bị cột vào tôi (chị mỉm cười bí hiểm, và khéo léo chuyển câu chuyện sang một hướng khác). Còn bây giờ, thì hãy thoải mái thư giãn một chút. Để tôi đàn cho anh nghe vài bản nhạc của Bach.
Chị đã không giải quyết được những khó khăn của anh mà trái lại, còn tạo thêm một khó khăn mới.
Những Năm Ảo Mộng Những Năm Ảo Mộng - Archibald Joseph Cronin Những Năm Ảo Mộng