Số lần đọc/download: 3686 / 83
Cập nhật: 2015-03-16 08:50:06 +0700
Chương 3
T
rong khi ấy, Tsitsikôp, khá vui vẻ, đã đi được một lúc lâu trên đường cái lớn. Đã biết cái dục vọng mạnh hơn cả của y từ trước, chúng ta sẽ không lấy làm lạ thấy y đã nhượng bộ ngay dục vọng ấy, cả xác lẫn hồn. Kế hoạch tính toán, mưu mẹo phản ánh trên mặt y, đều phải là khá dễ chịu; điều ấy có thể đoán thấy ở nụ cười mà chúng luôn luôn làm nở trên môi y. Mải suy nghĩ, lữ khách không nghe thấy gã xà ích của mình, - mà sự đón tiếp của các gia nhân nhà Manilôp đã làm cho phấn chấn, - ngỏ những lời nhận xét đích đáng với con ngựa vằn thắng ở càng xe bên phải. Con láu cá này chỉ kéo vờ vĩnh cho qua chuyện, trong khi hai con kia vui vẻ kéo thật lực; người ta thấy rõ nỗi thích thú trong đôi mắt chúng: con ngựa hồng đuôi đen, bờm đen, thắng ở giữa và con ngựa hồng tuyền thắng ở càng xe bên trái, biệt hiệu là “trợ tá”, vì nguyên nó do một trong những vị công chức đáng kính ấy bán lại.
- Muốn xỏ lá bao nhiêu thì xỏ lá này, mày cũng không lừa nổi tao đâu! Xêlifan vừa nói vừa nhổm đít lên và vụt roi vào con ngựa lười. Này, học lấy cho thạo nghề, đồ phá hoại! Con hồng đen nó là một con ngựa lương thiện; nó làm ăn có lương tâm; tao sẽ vui lòng cho nó thêm một hộc thóc; con trợ tá cũng là một con vật ngay thẳng… Này! Này! Mày phởn cái gì mà vẫy tai? Nghe người ta bảo đây, đồ ngu! Ơ, xem cái quân mất dạy này; mình chỉ khuyên nó toàn những lời phải cả đấy chứ! Này thôi! Đi đâu mà lồng lên thế?
Nói đến đây Xêlifan lại quất một roi nữa: - À, đồ dã man! {Gôgôn viết: đồ Bônapact chết tiệt, nhưng kiểm duyệt bỏ} - Rồi nói với cả ba con, hắn hò: - Nào, các em yêu dấu! - Miệng nói tay vụt cả bọn, mà vụt lần này thì để tỏ vẻ hài lòng. Sau khi đã ban cho ba con vật cái thú ấy rồi, hắn trở lại với con Vằn: - Mày tưởng giấu được cái trò xỏ lá của mày đấy hẳn? Không, bạn thân ạ, cư xử cho đúng đắn nếu mày muốn người ta trọng mày. Hãy noi gương, chẳng hạn, ông chủ nhà ta vừa ra khỏi nhà; gia nhân người ta ngay thẳng biết mấy! Nói chuyện với một người ngay thẳng, bao giờ tao cũng thấy thích; chúng tao thành ngay đôi tri kỷ. Cho dù là uống chén trà, ăn miếng bánh, tao không thể từ chối người ta cái gì cả. Những người chính trực thì ai cũng quý mến. Chủ ta, chẳng hạn, mọi người đều tôn kính, vì ông đã phụng sự Nhà nước, mày nghe chưa; vì vậy ông đường đường là tư vấn bộ…
Những suy luận ấy đưa dần Xêlifan vào những nhận định trừu tượng. Giá Tsitsikôp thèm để ý nghe thì y đã được biết ngay ý kiến của người nhà quê ấy đối với y; nhưng ít nhất phải là một tiếng sét dữ dội mới kéo y ra khỏi những trầm tư, mặt tưởng và làm cho y nhìn ra chung quanh. Mây kéo đến đầy trời; những hạt mưa rơi xuống làm lỗ chỗ cả mặt đường phủ bụi dày. Một tiếng sét thứ hai lại nổ ra, dữ hơn và gần hơn; và mưa bỗng đổ xuống như trút. Trước, hạt mưa rơi nghiêng, đập vào thành xe, rồi rơi thẳng, như gõ trống trên mui xe. Bị nước bắn vào mặt, Tsitsikôp kéo rèm da xuống che và ở rèm đã có hai lỗ hở để có thể nhìn thấy phong cảnh bên ngoài; y ra lệnh cho Xêlifan đi gấp lên. Bị ngắt lại giữa lúc đang cao đàm hùng biện, gã xà ích hiểu rằng bây giờ không phải là lúc đủng đỉnh được nữa. Rút trong hòm ra một cái áo ngoài bằng dạ xám, hắn mặc vào người, rồi cầm lấy cương và quát mắng mấy con vật mà hình như bài giảng đạo của hắn ta đã làm cho đắm đuối vào một trạng thái hôn mê dìu dịu; hay ít ra cũng chỉ còn đi từng bước một. Nhưng hắn không tài nào nhớ ra là đã bỏ qua hai hay ba đường tắt ngang rồi. Sau vài phút suy nghĩ thì hắn biết là đã bỏ qua đi nhiều. Như người Nga, trong những lúc nguy nan, bao giờ cũng quyết định mà không cần suy nghĩ, Xêlifan kích thích mấy con vật một câu: “- Nào, các bạn hiền!” rồi phóng bừa vào con đường tắt ngang đầu tiên, không cần biết là nó đưa đến đâu.
Cơn mưa xem chừng còn kéo dài. Cánh đồng đã đầy sũng nước; mỗi lúc, công việc của mấy con ngựa lại càng vất vả thêm.
Ngạc nhiên vì thấy chưa đến ấp Xôbakiêvits, Tsitsikôp bắt đầu lo: y muốn thị sát bốn chung quanh, nhưng chỉ thấy đêm tối tò mò.
Sau cùng, nghiêng người ra ngoài xe, y gọi: - Xêkufan!
- Thưa ông, cái gì ạ?
- Có thấy làng mạc gì không?
- Thưa ông, không, chẳng thấy gì cả.
Và Xêlifan, khoa cái roi, cất giọng hát một bài hát, hay nói cho đúng là một bài kinh cầu nguyện, một bản tình ca trầm trầm, dài lê thê không dứt ra được. Hắn cho vào đấy đủ mọi thứ tiếng mà từ đầu đến cuối nước Nga, người ta quen dùng để vỗ về, khuyến khích loài ngựa; hắn rộng rãi ban cho mấy con vật đủ mọi thứ hình dung từ mà hắn chợt nhớ đến và cuối cùng gọi cả chúng là “thư ký” nữa.
Trong lúc ấy, Tsitsikôp, bị lắc qua, lắc lại theo những cái xóc của xe, hiểu rằng chiếc britska đang đi trên những luống cày. Hình như Xêlifan cũng ngờ thế; nhưng hắn chẳng nói năng gì cả.
- Cái đồ chết treo, mày đưa ông đi đâu thế này?
- Thưa ông, biết làm thế nào được trời đất như thế? Cả đến cái roi con cũng chẳng trông thấy nữa là!
Chiếc xe nghiêng đến nỗi Tsitsikôp phải bám cả hai tay vào thành xe; và bấy giờ y mới thấy là gã xà ích đang say rượu.
- Cẩn thận, đồ súc sinh, mày đánh đổ xe đây này! Y thét lên.
- Đổ xe ư? Thưa ông không ạ, Xêlifan bày tỏ ý kiến, đổ xe thì tệ quá, con chẳng làm đổ đâu, ông cứ yên tâm.
Nói rồi hắn cố sức quay xe lại và quay khéo đến nỗi hắn quật chiếc xe đổ nghiêng xuống thật. Tsitsikôp nằm sóng xoài trong bùn. Xêlifan kìm mấy con ngựa lại được; và chúng cũng tự dừng lại vì đều mệt lử cả rồi. Biến cố bất ngờ ấy làm cho hắn hoảng hốt. Trong khi ông chủ cố ra khỏi vũng bùn thì hắn từ trên ghế xà ích nhảy xuống, hai tay chống nạnh đứng sững trước chiếc britska; rồi sau vài phút suy nghĩ mới phát biểu:
- Vô lý, xe đổ à!
- Mày say khướt cò bợ rồi còn gì! Tsitsikôp nói.
- Say, thưa ông, ông nói đùa; say là không tốt. Con chỉ nói chuyện với một người bạn, đúng thế; thế thì chẳng có gì hại cả… Chúng con còn ăn với nhau miếng bánh nữa; giữa người lương thiện với nhau, con tưởng việc ấy cũng có thể được.
- Lần trước mày say, tao bảo mày những gì, mày quên hết rồi à?
- Xin thứ lỗi, bẩm quan lớn; làm sao mà quên được? Con biết phận sự mình chứ. Say rượu là nhơ lắm, có phải con không biết đâu. Nhưng còn chuyện trò với những người lương thiện…
- Đợi đấy, để tao dạy cho mày chuyện trò với những người lương thiện!... Mày muốn tao nện cho một trận chắc?
- Tùy ý Quan lớn, gã Xêlifan ù lì ấy trả lời. Ông chủ là ông chủ và cái roi cũng công dụng tốt; thằng ở mà làm bậy thì phải đưa nó vào trật tự.
Lý luận ấy làm cho Tsitsikôp phải thua; hơn nữa, số phận hình như đã muốn rủ lòng thương y: có tiếng chó sủa xa xa. Tức khắc được phục hồi dũng khí, y ra lệnh kích thích mấy con ngựa để đi tiếp. Người xà ích Nga thường thính vô cùng; khi không trông thấy gì hết, hắn cứ cho ngựa phóng nước đại và cuối cùng bao giờ cũng đến được một nơi nào đấy. Xêlifan, chẳng trông thấy tí gì, nhưng đã nhắm về phía làng mà tiến, đúng đến nỗi chỉ dừng lại khi hai càng xe húc vào một cái hàng rào và không tài nào tiến được nữa. Qua màn mưa tầm tã, Tsitsikôp đoán ra cái gì như hình cái mái nhà; liền bảo Xêlifan tìm cổng vào. Việc ấy đáng lẽ phải mất nhiều thì giờ; nếu ở nước Nga, những con chó sốt sắng đã không đóng cái vai người canh cổng. Việc khách đến được loan báo ầm ỹ đến nỗi Tsitsikôp phải bịt hai tai lại. Một tia sáng lờ mờ từ một cái cửa sổ chiếu xuống hàng rào, làm cho các nhà lữ hành của chúng ta trông thấy cái cổng; Xêlifan liền đấm vào đấy liên hồi. Một cánh cửa con mở, một hình dáng đàn bà khoác cái áo ngoài nhà quê hiện ra và một giọng khàn hỏi:
- Ai đấy? Làm gì mà ầm lên thế?
- Khách, bà lão ơi, xin ngủ nhờ đêm nay.
- Anh khéo chọn giờ mà đến thật, bà lão đáp. Đây không phải quán trọ, mà nhà bà chủ tôi đấy.
- Vâng đêm khuya rồi, mà trời tối như mực, Xêlifan nói theo.
- Có im mồm đi không, đồ ăn cắp! Tsitsikôp quát.
- Nhưng ông là ai? Bà lão hỏi.
- Một nhà quý tộc, bà lão ạ.
Tiếng quý tộc đối với bà lão có ảnh hưởng ngay.
- Chờ một tí; tôi đi trình bà đã.
Bà lão đi vào rồi hai phút sau trở ra, tay xách cái đèn. Cổng mở. Một khung cửa sổ sáng lên, chiếc britska vào sân, dừng lại trước một chiếc nhà nhỏ, khó mà nhìn rõ trong bóng đêm, vì ánh đèn từ các cửa sổ chiếu thẳng xuống các vũng nước, chỉ cho thấy có nửa nhà thôi. Mưa rơi như gõ trống xuống mái nhà bằng gỗ, rồi đổ ầm ầm xuống một cái thùng. Trong lúc ấy thì bầy chó tiến hành một cuộc biểu diễu thanh nhạc đón chào tân khách. Một con, đầu ngả ra đằng sau, ra sức chuyển giọng qua đủ các cung bậc đến nỗi người ta tưởng là nó được trả công rất hậu để làm việc ấy; một con xướng âm vội vã {Tác giả viết: như một người hát kinh, kiểm duyệt bỏ} giọng nữ cao không biết mệt của một con cún, hòa vào bản hợp xướng những tiếng lục lạc đồng; một con chó già vạm vỡ, - người ta thấy rõ như thế qua cái giọng ồ ồ của nó, - cò cử cái giọng nam trầm và, giữa lúc cuộc hòa nhạc hào hứng nhất, khi những kẻ hát giọng nam cao đang kiễng gót lên để ném ra một nốt và toàn thể các diễn viên đang cao hứng đến tột độ, thì một mình tay hát giọng trầm thấp. gục cái cằm râu cạo chưa nhẵn vào chiếc cà vạt, rồi cúi mình sát đất, phát ra một nốt làm rung chuyển các cửa kính.
Những danh ca tài ba toàn vẹn như vậy cho phép người ta đoán được là ấp này khá lớn; nhưng mà nhân vật của chúng ta, ướt như chuột, rét cóng và run cầm cập, chỉ mãi nghĩ đến việc được đánh một giấc mà thôi. Chiếc britska vừa đỗ, y nhảy phốc lên bậc tam cấp, trượt chân và suýt ngã. Một người đàn bà, giống như người lúc nãy, nhưng trẻ hơn, đón y trên ngưỡng cửa và đưa vào nhà.
Tsitsikôp liếc nhìn chung quanh một cách lơ đãng tường dán những giấy sòng sọc đã cũ; những bức họa chim chóc in bằng mộc bản; một cái đồng hồ treo, mặt vẽ hoa, sơn màu; những cái gương, cổ lỗ, khung gỗ đánh bóng chạm hình lá cây xoắn xít, có giắt một cái thư, một cỗ bài, một chiếc tất… Y chẳng nhìn thấy gì hơn nữa; mắt y nhắm nghiền lại như có dính mật.
Nhưng bà chủ nhà đã bước ra; một người đã có tuổi, đội mũ ngủ, một miếng nỉ quấn quanh cổ; đó là một kiểu bà già, đầu nghiêng nghiêng, lúc nào cũng kêu khổ, mà cứ từ từ nhét đầy những túi vải tréo go, giấu trong các ô của những chiếc tủ ngăn: túi thì đầy những đồng rúp, túi khác những đồng năm mươi kôpek và túi thứ ba những đồng hăm lăm kôpek. Tuy vậy, trông bề ngoài thì cái tủ chỉ đựng có quần áo vải, những áo ngắn đàn bà, những con chỉ, một cái áo choàng sổ đường khâu để chờ lúc thay cho cái áo dài đã rách hay bị cháy ngày hôm trước của buổi lễ nào đó, trong khi rán bánh đa hay thức ăn bọc bột. Nhưng đó chỉ là một việc phòng xa, vị tất đã xảy đến; bà lão này tằn tiện lắm và cái áo choàng sẽ cứ sổ chỉ nằm mãi đấy để sau cùng thì ghi vào chúc thư để truyền lại cho một người chắt gái nào đó gọi là cụ trẻ, cùng với những quần áo cũ khác.
Tsitsikôp xin lỗi vì đến khuya quá và làm phiền gia chủ.
- Không, không, bà lão nói, ông có làm phiền gì đâu! Trời đất như thế này mà Chúa phái ông tới đây! Mưa, gió, sấm sét!… Chắc ông cần phải ăn cái gì cho lại sức; nhưng mà khuya khoắt thế này, thì chẳng thể nấu nướng gì được…
Một tiếng rít kinh khủng ngắt câu chuyện đang nói. Sợ một bầy rắn đang kéo nhau vào, Tsitsikôp ngửng đầu lên, nhưng lại bình tâm lại ngay vì đoán ra là cái đồng hồ đang cố đánh giờ. Một tiếng khò khè tiếp theo tiếng rít; sau cùng trong một sức căng thẳng tột bực, con chim cu thả ra hai tiếng nghe như tiếng gậy đập lên cái chậu vỡ; rồi quả lắc lại tiếp tục những tiếng tích tắc bình thản của nó.
Tsitsikôp cảm ơn bà chủ nhà, nói rằng chỉ xin một chỗ ngủ. Nhưng y cũng hỏi đây là nơi nào; ấp của ông Xôbakiêvits có xa không? Bà lão trả lời là chẳng biết một trang chủ nào tên như thế và chắc rằng chẳng có người nào tên như thế cả.
- Nhưng chắc bà cũng biết ông Manilôp chứ? Tsitsikôp hỏi lại.
- Manilôp à? Ai ấy nhỉ?
- Một trang chủ, bà chủ ạ.
- Không, không tôi không biết; chẳng có trang chủ nào vùng này tên như thế cả.
- Vậy thì trang chủ ở đây là những ai?
- Bôbrốp, Xvinin, Kônôpatiep, Kharpakin, Trêpakin, Pliêsakôp {Tên Bôbrôp có từ bôbior nghĩa là con hải ly; Xvinin có từ xvinia nghĩa là con lợn; Kônôpatiep có từ kônôpatit nghĩa là bịt các khe, lỗ; Kharpakin có từ kharpiet nghĩa là ngáy; Trêpakin có từ trêpak nghĩa là nhảy; Pliêsakôp co từ pliech nghĩa là hói}
- Họ có giàu không?
- Ồ, có gì đâu! Người thì hai mươi, kẻ thì ba mươi nông phu, chẳng ai được tới trăm.
Tsitsikôp hiểu ngay là mình đã đi lạc đến một vùng hẻo lánh.
- Đây có xa tỉnh lỵ không ạ?
- Độ sáu mươi verxta. Tiếc là không mời ông ăn khuya được, hay ông uống tạm chén trà vậy?
- Cám ơn bà chị, tôi chỉ cần chỗ ngủ.
- Sau một đoạn đường như thế mà cần ngủ là phải. Nằm đây, ông anh ạ, trên ghế dài này… Fêtinia, mang vải trải giường, đệm gối, ra đây. Lạy Chúa, chao ôi là sét!... Suốt đêm tôi cứ phải thắp một cây nến trước tượng thánh đấy. Ơ này, lưng và sườn ông lão lấm bê bết như lợn ấy. Làm thế nào mà bẩn đến thế?
- May mà chỉ lấm thôi đấy! Nhờ ơn Chúa mới khỏi gãy xương sườn. Lạy thánh trên trời, khiếp quá!
- Vậy ông có muốn xoa lưng không?
- Cám ơn, cám ơn. Bà cứ mặc tôi. Chỉ nhờ chị người nhà hong giùm bộ quần áo.
- Nghe chưa, Fêtinia, bà chủ ra lệnh cho người đàn bà, tay cầm cây nến vừa hiện ra trên ngưỡng cửa, rồi đã đi mang ra một cái đệm và hai tay đập vào đệm làm tung đầy những lông độn ra sàn nhà. – Nghe chưa Fêtinia, cầm cái áo caftan {Áo dài kiểu Thổ Nhĩ Kỳ} của ông và quần áo lót, đem hong đi, như thời còn mồ ma ông nhà ấy; và nhớ chải cho sạch bùn.
- Thưa bà, vâng ạ, Fêtinia vừa đáp vừa trải giường và đặt gối.
- Giường xong rồi đấy! Ông anh ngủ ngon giấc, bà chủ nói. Ông không cần gì chứ? Có cần gãi gan bàn chân cho dễ ngủ không? Mồ ma ông nhà tôi bao giờ cũng bắt gãi thế.
Khách lại từ chối, bà chủ mới đi ra. Tsitsikôp vội vàng cởi áo và đưa quần áo ướt cho Fêtinia. Chị này cũng lại chúc y ngủ ngon rồi mang quần áo đi. Còn lại một mình, y thích thú liếc nhìn cái giường cao nghều nghện gần chạm tới trần nhà: Fêtinia thạo việc đập rũ đệm thật, bắc một cái ghế, y leo lên cái thứ giàn giáo ấy, người y vừa đặt lên thì nó bẹp ngay xuống và làm những lông độn bay ra tứ tung khắp buồng. Y tắt nến nằm quắp mình lại dưới cái chăn may chần hai lớp và ngủ tức khắc.
Sáng hôm sau y dậy khá muộn. Qua kính cửa sổ, mặt trời chiếu một tia nắng thẳng vào mắt y và những con ruồi, hôm qua ngủ trên tường, trên trần, bây giờ tha hồ mà xúm lại tấn công y. Một con bậu vào môi, một con khác vào tai, con thứ ba trên mắt, một con nữa đã dại dột chui liều vào lỗ mũi y làm cho y hắt hơi và tỉnh dậy. Xem xét căn phòng, y thấy là các bức tranh không những chỉ vẽ chim chóc, mà còn có cả một bức chân dung Kutuzôp {Kutuzôp (1745-1813) danh tướng Nga, lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi của nhân dân và quân đội Nga chống xâm lược của Napôlêông năm 1812} và một bức sơn dầu truyền thần một ông lão mặc quân phục, hai ống tay áo nẹp màu đỏ như người ta thường mặc thời hoàng đế Paven {Paven I, Nga hoàng trị vì từ 1796 tới 1801}. Đồng hồ rít lên đánh mười tiếng; qua cánh cửa hé mở, một cái mặt đàn bà hiện ra rồi vội vàng biến mất đi, để ngủ cho thoải mái, Tsitsikôp đã cởi bỏ hết mọi thứ che thân. Khuôn mặt ấy đối với y hình như không phải xa lạ; cố nhớ lại y nhận ra là mặt bà chủ. Y mặc sơ mi, quần áo bẩn đã hong khô và chải sạch đang sẵn sàng chờ y, Mặc vào, y đến trước một cái gương và lại hắt hơi to đến nỗi một con gà tây, đúng lúc ấy đang đứng gần cái cửa sổ khá thấp, phải liến thoắng nói với y, bằng cái ngôn ngữ lạ lùng của nó, mấy tiếng mà ý nghĩa nó có lẽ là “chúc ông mạnh!”.
Tsitsikôp mắng nó là đồ ngu rồi ngắm cái cảnh trước mắt. Cửa sổ có lẽ trông ra chuồng gà, hay ít nhất cái sân con ở phía dưới kia cũng đầy gà vịt. Nhung nhúc những gà mái, gà tây mái, một con gà trống đi vênh vang giữa đám mái, vừa đi vừa vẫy mào, vừa nghiêng đầu như để lắng tai nghe. Một con lợn nái cũng ở đấy với cả gia đình; sục mõm vào một đống rác, nó nuốt tươi một con gà con và chẳng để ý gì, tiếp tục hốc nốt những miếng vỏ dưa hấu. Cuối sân gà vịt là một cái giậu và bên kia giậu là một cái vườn rộng trồng bắp cải, khoai tây, củ cải đường và các thứ rau. Vài cây táo, và cây ăn quả khác mọc tản mát; cành cây có phủ lưới để ngăn cản chim chìa vôi và chim sẻ, bọn này bay từng đàn lớn chéo qua vườn, khi ở bên này, khi ở bên kia. Cũng để nhát chim, người ta đã làm vài thằng bù nhìn, tay chéo hình chữ nhật, đầu một thằng chụp một cái mũ vải mà đàn bà thường đội để làm việc trong nhà. Đằng sau vườn rau là những izba {Nhà làm toàn bằng gỗ thông, rất thông dụng và điển hình ở Nga} rải rác khắp nơi. Tuy vậy, Tsitsikôp cũng nhận thấy là nhà cửa đều tươm tất chứng tỏ dân cư sống khá giả: Mái nhà đều lợp mới, không một cánh cửa nào lệch hay trẹo cả và trong các nhà xe đều có một hay hai chiếc Têlêga {Xe chở hàng bốn bánh} dự trữ khá mới.
- “A! Ấp này đẹp đấy chứ”. Nhân vật của ta tự nhủ như vậy, rồi tức khắc quyết hỏi han thêm bà chủ ấp cho rõ hơn. Lại đến lượt y ló đầu qua cái cửa hé mở và trông thấy bà chủ đang uống trà; y liền đi thẳng đến, vẻ mặt tươi cười nhã nhặn.
- Chào ông anh, ngủ có ngon không? Bà chủ vừa hỏi vừa đứng dậy. Bà ta ăn mặc tươm hơn hôm qua, áo màu sẫm và không đội mũ; nhưng cổ thì vẫn quấn khăn kín mít.
- Tốt lắm, tốt lắm, Tsitsikôp trả lời, vừa nói vừa ngồi vào một chiếc ghế bành. Còn bà thế nào, bà chị?
- Không ngủ được, ông anh ạ.
- Sao vậy?
- Tôi mất ngủ. Đau ở vùng thắt lưng và nhức buốt phía trên mắt cá chân.
- Rồi nó khỏi thôi, bà chị ạ, khỏi thôi. Đừng để ý đến lắm.
- Lạy Chúa! Tôi xoa mỡ lợn và dầu nhựa thông. Ông uống trà với gì nào? Bình rượu quả cây đây này.
- Tốt quá, bà chị ạ.
Tôi nghĩ là bạn đọc cũng nhận thấy rằng tuy bề ngoài có vẻ nhã nhặn đấy, Tsitsikôp vẫn tự ý mình, chẳng ngại ngùng gì và nói năng tự do hơn nói với Manilôp nhiều. Phải nói rằng ở nước Nga, chúng ta còn thua kém người ngoài về nhiều cái, nhưng đã vượt xa họ trong nghệ thuật dùng các công thức. Không thể nào mà kể hết những tinh vi, tế nhị trong cách nói chuyện của chúng ta được. Người Pháp cũng như người Đức, không bao giờ hiểu được tất cả các đặc điểm, các cách phân biệt ấy; mặc dù trong thâm tâm, họ bò sát đất trước mặt người triệu phú, họ vẫn nói với hắn cùng một giọng như nói với lão bán thuốc lá. Ở nước ta thì không thế. Trước một chúa ấp có hai trăm nông phu, những kẻ gian hùng của chúng ta hát một bài tụng ca khác với bài hát trước một chúa ấp ba trăm nông phu; họ không nói với chúa ấp ba trăm nông phu cùng một giọng như với chúa năm trăm nông phu và lại đổi giọng đối với chúa tám trăm nông phu; lên đến số triệu thì họ lại còn tìm ra nhiều cái tế nhị khác nữa. Giả sử có một công sở, không phải ở đây, tất nhiên, mà ở tận cùng thế giới cơ. Hãy lấy ông trưởng phòng này làm dẫn chứng. Nhìn ông ta ngự giữa những kẻ tùy thuộc: sự khiếp sợ làm chúng ta không dám hé môi, mặt ông ta đầy vẻ cao quý, tự kiêu và còn những gì gì nữa, lạy Chúa! Ông ta có thể đường đường là một Prômêthêux {Prômêthêux trong thần thoại Hy Lạp là vị thần khổng lồ đã tạo ra loài người và lấy lửa của Chúa Thần Zêux cho họ: vì vậy mà bị Chúa Thần gia hình, nhưng vẫn đường đường bất khuất}. Vẻ ngoài uy nghiêm biết bao, dáng đi đường bệ biết bao! Thật là một con đại bàng. Nhưng vừa ra khỏi phòng, nách cặp tập giấy để đến văn phòng ông giám đốc, thì đại bàng đã hóa thân thành chim đa đa. Ở nơi xã giao mà những người có mặt thấp kém hơn ông về phẩm hàm thì Prômêthêux vẫn là Prômêthêux. Nhưng nếu có một kẻ có hàm hơn một tí thôi, thì Prômêthêux của chúng ta đã biến hóa một cách thần thông mà đích thị Ôviđiux {Ôviđiux, thi sĩ Latinh (43tr.CN-16s.CN), tác giả tập thơ Biến hóa} cũng không bao giờ nghĩ ra được: ông ta hóa thành một con ruồi, nhỏ mọn hơn một con ruồi, thành một hạt cát! “Không phải đó là Ivan Pêtrôvits!” nhìn ông, bạn phải bảo thế. “Ivan Pêtrôvits không bao giờ cười, ông ta dáng người đường bệ, nói năng dõng dạc; còn cái anh tồi tàn này thì chỉ cười nịnh không ngớt mồm và tíu tít như một con chim”. Đến gần mà xem, bạn sẽ nhận ra Ivan Pêtrôvits và bạn sẽ nghĩ: à, à!...
Nhưng thôi, trở về với nhân vật của chúng ta. Chúng ta thấy là Tsitsikôp đã quyết tâm tấn công, không kiểu cách gì nữa; y cầm cái tách rót vào đầy một cốc rượu quả và đột nhiên hỏi ngay:
- Bà ạ, bà có cái ấp xinh quá. Được bao nhiêu nông phu?
- Gần tám chục, bà chủ nói. Nhưng thời buổi khó khăn: năm ngoái gay go lắm; cầu Chúa khỏi phải một năm như thế nữa!
- Nhưng nông phu của bà vẫn có vẻ lắm: nhà cửa chắc chắn… Xin bà cho biết tên. Đêm qua tôi đến muộn quá… lại quên đi mất.
- Họ Kôrôbôtska {Kôrôbôtska có nghĩa là cái rổ nhỏ chỉ đựng bột vừa đủ làm một cái bánh thôi, cái tên này chỉ rõ tính tằn tiện, chi li, vặt vãnh của bà lão}, chồng là thư ký bộ {Chồng nguyên là thư ký bộ, chức quan văn bậc 10 tương đương với thượng úy bên quan võ}.
- Cám ơn, còn tên thánh và phụ danh? {Người Nga gọi tên theo cách: tên thánh của mình đặt trước, tên của bố mình đặt sau (gọi là phụ danh), sau cùng là họ}
- Naxtaxia Phêtrôpna.
- Naxtaxia Phêtrôpna, tên đẹp làm sao! Tôi có một bà dì, em mẹ tôi, cũng tên như vậy.
- Còn ông, ông tên là gì? Bà chủ hỏi. Chắc ông là trợ tá? {Chức quan văn bậc thứ tám, tương đương với thiếu tá bên quan võ, thường coi việc thu thuế, trưng dụng đồ đạc của dân và làm bối thẩm các tòa án}
- Không, bà chị ạ, - Tsitsikôp mỉm cười đáp, - tôi không phải là trợ tá, tôi đi có việc riêng.
- À, ông đi buôn! Hoài của, tôi bán mật của tôi rẻ quá cho bọn lái đi buôn lại mất rồi! Giá còn thì chắc ông cũng mua cho tôi.
- Mật à? Không!
- Vậy ông mua gì? Sợi gai, phải không? Tôi chẳng còn bao lăm. Độ ba mươi cân là cùng.
- Không, bà chị ạ, mua một thứ khác cơ. Này, bà có bị chết nhiều nông dân không?
- Ồ, ông anh ạ, mười tám đứa! Bà lão thở dài, mà toàn trai tráng cả, toàn là thợ giỏi! Thật ra thì nó có đẻ thêm. Nhưng đồ tép ấy thì làm gì? Thế mà ông trợ tá vẫn đến thu thuế đầu người, như là chúng nó còn sống cả. Tuần trước, thằng thợ rèn của tôi lại chết cháy; nó khéo lắm lại biết làm cả thợ khóa!
- Cháy nhà à?
- Lạy Chúa! Thế thì chết! Tự nó thiêu nó ấy chứ, ông anh à. Nó nghiện rượu và ruột gan nó phát hỏa; một ngọn lửa xanh từ mồm nó thè ra và cả người nó bốc cháy, đen thui như than… Nhưng nghề rèn của nó thì giỏi lắm! Bây giờ thì tôi bị buộc chân ở nhà: chẳng còn ai để đóng móng ngựa cho tôi nữa!
- Số phận cả, bà ạ, Tsitsikôp thở dài. Không nên than phiền vì Thượng đế… Này, để chúng nó lại cho tôi đi, Naxtaxia Phêtrôpna ạ.
- Ai hả, ông anh?
- Ai nữa, tất cả những đứa chết ấy.
- Thế nào?
- Thế này nhé… Hay là, bà muốn thì bán cho tôi. Tôi trả tiền.
- Tôi chẳng hiểu ra. Ông muốn đào chúng nó lên à?
Trước sự hiểu lầm như thế, Tsitsikôp nghĩ cần phải nói rõ mấy điều cần thiết. Chỉ ít lời, y cắt nghĩa cho bà lão hiểu là việc chuyển hay bán chỉ có trên giấy tờ và những nông phu ấy đều ghi là còn sống.
- Nhưng ông dùng chúng làm gì? Bà lão hỏi, đôi mắt thao láo.
- Việc ấy mặc tôi.
- Nhưng mà chúng nó chết rồi!
- Có ai bảo chúng nó sống đâu? Chính vì thế mà chúng làm cho bà thiệt: bà phải đóng thuế đầu người cho chúng. Tôi giúp bà không phải tốn kém, lo phiền gì nữa, lại đưa bà thêm mười lăm rúp. Rõ chưa?
- Tôi chẳng biết nói sao cả, bà lão nghĩ một lát rồi nói. Tôi chưa bao giờ bán người chết cả.
- Lạy Chúa! Nếu bà đã bán rồi thì quả là một chuyện lạ. Vậy bà cho rằng nông phu chết còn có thể dùng để làm việc gì nữa à?
- Thật ra thì không. Có thể dùng làm gì được? Đối với tôi, cái khó nghĩ là chúng đã chết rồi.
“Mụ già đần độn thật!” Tsitsikôp tự nhủ.
- Nghĩ mà xem, bà chị này, - Y lại nói to, - bà sạt nghiệp đi để đóng thuế cho đứa chết cũng như đứa sống…
- Ôi, đừng nói với tôi chuyện ấy nữa! Bà già ngắt lời y. Cách đây mười lăm ngày, tôi phải đóng hơn một trăm năm mươi rúp!... Thế mà đã phải đấm mõm cho ông trợ tá rồi đấy…
- Bà thấy chưa! Từ nay về sau bà không cần đấm mõm cho lão ta nữa! Tôi sẽ đóng thuế, chứ bà không đóng nữa; tôi nhận lấy mọi khoản; ta sẽ lập văn tự và tôi chịu cả các phí tổn. Bà hiểu chưa?
Bà lão suy nghĩ. Dù việc có vẻ lợi, nhưng mà mới lạ quá, làm bà ta sợ: người khách hàng này, lạy Chúa, chẳng biết từ đâu đến, giữa lúc đêm khuya, có phải là để đánh lừa bà ta không?
- Nào, bằng lòng chứ? Tsitsikôp hỏi.
- Nói thật, ông ạ, tôi chưa từng bán người chết bao giờ. Người sống thì khác; cách đây hai năm, tôi bán hai đứa con gái cho Prôtôpôpôp {Gôgôn viết cho cha tổng tư tế (prôtôpôp), người kiểm duyệt xóa; tác giả bèn đổi chữ prôtôpôp thành riêng Prôtôpôpôp}, mỗi đứa một trăm rúp; lão còn cám ơn tôi mãi. Hai đứa là thợ giỏi: chúng biết dệt cả khăn!
- Thôi để yên cho người sống; cầu Chúa ban phúc lành cho chúng! Tôi đang nói chuyện người chết cơ mà.
- Thật ra mới bán lần đầu tôi sợ thiệt. Ông không đánh lừa tôi chứ? Chúng không đáng giá cao hơn thế chứ?
- À, ra bà lại thế cơ đấy! Chúng còn giá trị gì nữa? Đã ra bụi cả rồi, bà hiểu chưa: ra bụi cả rồi! Này, bất cứ một cái đồ vật gì, một miếng giẻ chùi cũ chẳng hạn, cũng còn có giá trị ít nhiều: có thể đem bán cho người làm giấy. Nhưng cái này thì dùng được việc gì? Có phải không, bà nói tôi nghe nào!
- Chẳng được việc gì đúng thế. Nhưng chỉ có điều làm tôi ngại là chúng đã chết rồi.
“À! Con mẹ rắn đầu thật!”, Tsitsikôp tự nhủ và bắt đầu sốt ruột. “Đi mà điều đình với hắn! Cái con mụ già quỷ bắt, làm mình tháo cả mồ hôi”.
Y rút mùi soa ra lau cái trán nhớp nháp. Nhưng y mà giận là sai quá, vì biết bao kẻ rất đáng kính, những chính khách, cũng chỉ xử sự y hệt bà Kôrôbôtska mà thôi. Họ mà đã có cái ý định gì thì không tài nào làm họ nhả ra được! Anh có dồn đủ mọi lý lẽ, rõ ràng như ban ngày đi nữa, họ vẫn chống lại với cái sức ỳ ngoan cố của một bức tường làm bật một quả bóng cao su. Thấm xong mồ hôi trán, Tsitsikôp lại thử nói ngọt với bà lão bằng cách khác.
- Bà chị ạ, y nói, hoặc là bà không muốn hiểu lời tôi nói, hoặc là bà nói với tôi như thế chỉ cốt để tỏ ý gì… Tôi xin đưa bà mười lăm rúp giấy {Rúp - giấy chỉ đáng giá bằng một phần tư đồng rúp bằng bạc thật thôi}. Bà hiểu chưa? Số tiền có nhỏ đâu! Có phải cứ ra ngoài đường là nhặt được đâu. Này, tôi hỏi thật, bà bán mật được bao nhiêu nào?
- Mười hai rúp một pút {Một pút là 16kg380}.
- Nói dối tội chết đấy mẹ ạ, bà không bán được giá ấy đâu.
- Xin thề danh dự.
- Ừ thì cho là như thế! Nhưng mà đó là mật. Được ngần ấy chắc bà đã phải mất một năm chăm sóc, lo lắng, chạy vạy; bà phải nuôi ong ở dưới hầm suốt một mùa đông. Trái lại, nông phu chết không phải là cái mà ta làm ra được ở thế gian này. Bà có góp phần gì vào đấy đâu: nhờ Chúa mà chúng đã từ giã cuộc đời và làm cho bà thiệt lây. Một đằng thì phải làm, phải chăm mới kiếm được mười hai rúp; một đằng thì hưởng không mười lăm rúp mà lại bằng giấy bạc xanh nữa cơ.
Sau những lý lẽ vững vàng như thế, Tsitsikôp tưởng đã thắng cuộc.
- Thật ra, bà chủ nhà nói, tôi chỉ là một bà góa tội nghiệp, chẳng biết gì mấy cả. Tôi muốn chờ ít lâu, thế nào chả có khách mua hàng tới đây; tôi sẽ so xem giá cả thế nào đã.
- Gớm chửa! Bà lão ơi, nói gì thế! Thử nghĩ xem nào. Ai nó đi sắm người chết về làm gì? Để dùng làm gì cơ chứ?
- Biết được? Để dùng vào việc đồng ánh, có lẽ… bà lão nói nhưng chưa hết câu đã há hốc mồm ra nhìn Tsitsikôp, lo ngại chờ câu trả lời của y.
- À! À! Chắc bà định dùng chúng làm bù nhìn để ban đêm nhát chim sẻ ở ngoài vườn chứ gì?
- Lạy Chúa, cứu giúp con! Ông nói cái gì mà khiếp thế! Bà lão vừa kêu vừa làm dấu thánh.
- Vậy thì bà muốn dùng chúng làm gì nào? Vả lại, xương cốt và mồ mả, tất cả vẫn là của bà: ta chỉ chuyển quyền sở hữu trong văn tự mà thôi. Thế nào, đồng ý chứ? Nào, nào, trả lời đi chứ!
Bà lão suy nghĩ.
- Bà nghĩ gì thế, Naxtaxia Phêtrôpna?
- Tôi chẳng thể quyết định được; ông mua cho tôi sợi gai thì hơn.
- Sợi gai à! Tôi hỏi thứ khác mà bà lại muốn tống sợi gai cho tôi! Để đấy đã, lần khác ta sẽ nói chuyện. Thế nào, Naxtaxia Phêtrôpna?
- Nói thật, chịu thôi; thứ hàng này lạ quá, tôi không biết bán.
Nghe đến đấy, Tsitsikôp, không nhịn được nữa, vớ lấy một cái ghế, giận dữ nện xuống sàn và rủa cho quỷ sứ tha bà lão đi.
Quỷ sứ làm cho bà ta hoảng hốt.
- Lạy trời, đừng nói đến tên hắn! Bà kêu lên, thất sắc. Hôm kia, tôi nằm mê thấy hắn suốt đêm. Tôi đã có ý định bói bài sau khi cầu kinh buổi tối; có lẽ Chúa phái hắn đến để phạt tôi. Trông hắn khiếp lắm: sừng hắn dài hơn sừng bò mộng!
- Tôi lấy làm lạ rằng sao bà không trông thấy hàng tá những của như thế! Tôi làm việc chỉ vì lòng nhân ái cơ đốc giáo; tôi chỉ nghĩ rằng “đây là một bà lão góa bụa tội nghiệp, làm ăn vất vả và đến chết được!...”. Đã thế, bây giờ thì cứ việc mà phèo đi, bà và tất cả cái làng của bà nữa!
- Ồ sao ăn nói thô tục thế! Bà lão vừa nói vừa sợ sệt liếc nhìn Tsitsikôp.
- À! Vậy phải dùng những lời lẽ như thế nào để nói với bà? Xin lỗi bà, bà chẳng khác gì con chó giữ của nằm lên trên đống rạ; mình thì không biết hưởng nhưng chẳng muốn cho ai. Vậy mà tôi lại có ý định mua cho bà các thứ nông sản đấy, vì tôi cùng thầu một số việc mua bán cho Hoàng gia.
Lời nói dối vô hại và không dụng ý ấy lại có kết quả bất ngờ. Những việc mua bán cho Hoàng gia có tác động lớn đối với Naxtaxia Phêtrôpna; với một giọng đã trở thành quỵ lụy, bà ta nói:
- Sao ông lại giận? giá tôi biết ông giận dữ thế, tôi đã chẳng nói trái lại ông.
- Không giận à? Thế mà không giận được à! Tất cả công việc chẳng ra cái quái gì!
- Vậy thì được, tôi để cho ông mười lăm rúp giấy; nhưng, ông lão ạ, khi cần các thứ cung cấp cho Hoàng gia thì nhớ tới tôi: nếu ông cần bột lõa mạch hay bột mì đen, lúa mới xay, thịt gia súc, xin ông đừng quên tôi.
- Đúng thế, bà chị ạ, đúng thế! Vừa nói, y vừa lấy bàn tay quệt mồ hôi chảy thành ba dòng trên mặt.
Y lại hỏi xem bà lão có giao thiệp với ai ngoài tỉnh để ủy quyền cho họ lập văn khế và làm mọi việc cần thiết.
- Có chứ! Bà Kôrôbôtska nói. Tôi có quen con trai Cha Kyrin {Giáo sĩ đạo Chính thống Nga, không cấm lấy vợ}, tổng tư tế, anh ta làm thư ký ở phòng lục sự.
Tsitsikôp yêu cầu bà ta cho một tờ ủy quyền và, để khỏi làm phiền bà ta, y tự mình viết hộ.
Còn bà Kôrôbôtska thì nghĩ rằng: - “Nếu hắn mua bột và thịt của mình cho Hoàng gia thì hời biết mấy! Phải nịnh hắn một tí. Tối hôm qua còn bột nhồi; ta xuống bảo Fêtinia làm bánh kẹp và bánh bao nhân trứng nữa; nó làm ngon lắm mà chẳng mất bao nhiêu thì giờ”.
Trong lúc bà chủ nhà phúc hậu đi xuống bếp để thực hiện cái dự định ấy và hoàn thành nó với mấy kỳ công về nấu nướng khác nữa, thì Tsitsikôp trở vào phòng khách mà y ngủ đêm trước, để lấy giấy má cần thiết ở cái tráp ra. Gian phòng đã dọn dẹp lại, cái đệm êm ấm đã cất đi, một cái bàn được đặt trước ghế dài. Y để cái tráp lên đấy và nghĩ rằng nên nằm nghỉ một lát, vì từ sơ mi cho đến bít tất, trên người y chẳng có một sợi chỉ nào là khô cả.
- Con mụ phù thủy già nó làm cho mình đến thế này! Nghỉ được một lúc rồi y nói thế; xong mở cái tráp ra.
Tác giả tin chắc rằng có những bạn đọc khá hiếu kỳ, muốn biết cách sắp xếp bên trong của cái vật gia dụng này. Tại sao lại không chiều các bạn ấy cơ chứ? Ở chính giữa là một cái hộp xà phòng; phía sau, năm hay sáu cái túi con đựng cát dùng để thấm mực; ở giữa hai ô ấy là một ngăn dài khác; rồi thì, đủ mọi thứ ô: ô có nắp, ô không nắp, dành cho những đồ vật ngắn hơn: danh thiếp, thiếp báo hỷ, báo tang, vé xem hát gấp lại giữ làm kỷ niệm. Nhấc cả bộ phận ấy lên thì bên dưới là một cái khoang đựng đầy giấy. Ở một phía thành tráp, còn có một ngăn kéo bí mật để cất tiền; ngăn ấy mở ra và đóng lại nhanh như chớp đến nỗi không ai tài nào mà biết được nó chứa đúng là bao nhiêu tiền.
Tsitsikôp gọt bút {Bút bằng cọng lông ngỗng, mỗi lúc viết lại gọt} và bắt đầu vào việc. Giữa lúc ấy thì bà chủ trở vào.
- Ông có cái tráp đẹp quá, ông lão ạ. Chắc là mua ở Mạc-tư-khoa, có phải không.
- Mạc-tư-khoa, Tsitsikôp vừa đáp, vừa tiếp tục viết.
- Tôi nói không sai mà: ở đấy người ta làm gì cũng khéo. Năm kia, chị tôi có mua về những đôi ủng lót lông cho trẻ em; bây giờ vẫn chưa mòn… A, lạy Chúa! Ông có lắm giấy tín chỉ nhỉ! Bà lão nói tiếp sau khi liếc nhìn vào cái tráp có đựng một tập dày giấy tín chỉ thật. Ông để lại cho tôi một tờ; tôi đang thiếu đây; khi làm đơn xin việc gì, không biết lấy gì mà viết.
Tsitsikôp cắt nghĩa cho bà ta là giấy ấy dùng để lập văn tự, chứ để viết đơn thì không cần gì đến nó cả; nhưng để cho bà ta yên tâm, y cũng cho một tờ có đóng tem một rúp. Viết xong tờ ủy quyền, y đưa bà ta ký và đòi danh sách những người chết. Bà ta không có và cũng không hề có sổ sách ghi chép gì cả, nhưng thuộc lòng hết các tên. Y bảo bà ta đọc cho chép. Nhiều tên làm y ngạc nhiên, nhiều tên phụ để đùa hay nhạo lại càng làm y ngạc nhiên hơn nữa; mỗi khi ghi những tên ấy, y không khỏi ngập ngừng. Một kẻ tên là Piôtr Xavêliep Chẳng kiêng nể gì ai làm cho y sửng sốt hết sức.
- Thế này thì biết bao giờ mới hết! Y không khỏi kêu lên như vậy.
Một kẻ biệt hiệu là Gạch cho bò cái, kẻ khác thì tên gọn thỏn lỏn là Ivan Bánh xe {Tiếng Nga là Kôlexô Ivan}. Chép xong những lời thần chú của phù thủy ấy thì y thở hít vào nhiều lần và nhận ra cái mùi quyến rũ của bơ rán.
- Mời ông vui lòng ăn bữa sáng, có được không? Bà chủ nói.
Tsitsikôp quay lại và thấy trên bàn một bữa ăn lót dạ rất thịnh soạn: nấm, bánh rán giòn, trứng lập là, thức ăn tẩm bột, bánh kẹp, bánh kem và đủ thứ bánh ngọt hấp: bánh nhân hành, nhân hạt anh túc, nhân pho mát trắng, nhân cá đối.
- Bánh bao nhân trứng đấy! Bà chủ giới thiệu.
Tsitsikôp đến cạnh cái bánh bao, và sau khi đã nuốt hết một nửa to tướng, mới thèm hạ cố cho là bánh hợp với khẩu vị của mình. Thật ra thì cái bánh bao, tự nó đã ngon rồi, nhưng lại càng ngon hơn nữa, sau bao nhiêu bực bội.
- Thế còn bánh kẹp? Bà lão hỏi.
Tsitsikôp chẳng nói năng gì, cuốn ba chiếc bánh kẹp làm một, rưới ba nước lên cẩn thận và ngốn, rồi chùi tay và mồm. Sau khi thao diễn ba lần như thế, y nhờ bà chủ bảo thắng xe. Naxtaxia Phêtrôpna liền truyền lệnh ngay lại cho Fêtinia, vừa truyền vừa bảo đem thêm bánh kẹp nóng lên.
- Bánh kẹp của bà tuyệt thật, bà ạ, Tsitsikôp vừa tuyên bố vừa lao vào đĩa bánh mới.
- Vâng, chúng tôi làm cũng khá; chỉ không may là năm nay bột không được như mọi năm… Nhưng ông có việc gì mà vội, ông anh à? thấy Tsitsikôp tay cầm mũ lưỡi trai, bà ta nói thêm, - Xe chưa thắng xong đâu.
- Xong ngay đây, bà chị ạ. Thằng xà ích của tôi nó không đủng đỉnh đâu.
- Vậy, khi đi mua hàng ông không quên tôi chứ?
Tsitsikôp đã ra đến phòng đợi, liền đáp: - Dĩ nhiên, dĩ nhiên.
Bà chủ nhà đi theo, lại hỏi gạn: - Thế còn mỡ lợn ông có lấy không?
- Sao lại không? Nhưng rồi hãy hay.
- Đến kỳ Giáng sinh thì tôi có.
- Đồng ý. Tôi sẽ mua cho bà tất, mỡ lợn nữa, cùng một dịp ấy cả.
- Chắc ông cũng cần lông gà, lông vịt chứ? Đến tuần Chay {Những ngày trước lễ Giáng sinh} thì tôi cũng có.
- Tốt, tốt.
- Ông thấy chưa, ông lão ạ, xe đã ra đâu; bà chủ nói khi ra đến tam cấp lớn.
- Nó sắp ra đấy. Trong khi chờ, bà bảo giùm tôi ra đường cái quan thì đi theo lối nào đây.
- Bảo thế nào được, rẽ nhiều lắm. Tốt hơn là cho một con bé đi theo nó chỉ cho; ghế xà ích còn một chỗ ngồi đấy chứ?
- Có chứ!
- Vậy tôi cho một con bé biết đường đi theo ông. Nhưng đừng bắt cóc của tôi đi đấy! Bọn lái buôn đã bắt mất của tôi một đứa.
Về mặt ấy Tsitsikôp khuyên bà Kôrôbôtska cứ yên tâm. Bà ta liền đưa mắt xem xét cái sân. Bà ta nhìn người đày tớ gái đang cầm một bát mật từ kho thực phẩm đi ra, rồi quay lại nhìn một nông dân vừa bước vào cổng, rồi dần dần những cái vặt vãnh của việc nhà, việc cửa thu hút hết sự chú ý của bà ta.
Nhưng việc gì mà phải nói dông dài mãi về một Kôrôbôtska như vậy? Bà Kôrôbôtska, bà Manilôva, việc nội trợ, việc vặt vãnh, - thôi bỏ qua đi! Đó chẳng phải là cái gì lạ lùng trên thế gian này. Cứ nhìn lâu thì những cảnh vui cũng thành ra cảnh buồn, và bấy giờ chỉ có Chúa mới biết được những chuyện hão huyền gì hiện lên trong đầu óc ta. Có lẽ bạn sẽ nói: - Này, nhưng mà, cái mụ Kôrôbôtska ấy lại ở một địa vị thấp kém đến thế trên các bậc thang xã hội kia à? Một cái hố sâu đến thế, ngăn mụ ta với người em mụ, đang ngự ở chốn thâm nghiêm sau những bức tường của một tòa nhà quý tộc có thang gác bằng sắt rèn lộng lẫy, giữa những đồ đồng, đồ gỗ đào hoa, những đệm, thảm? Vị phu nhân cao quý ngáp ngắn, ngáp dài trước một quyển sách đọc dở, trong khi chờ một người khách thượng lưu; với người ấy, bà có thể tha hồ trổ hết tài trí và phát biểu những ý kiến đã được đúc sẵn. Mà những ý kiến rất đúng thời thượng từ tám hôm nay ấy không liên quan gì cả đến công việc làm ăn của bà, đã khá nguy ngập vì tình trạng không hiểu biết gì hết về thực tế, mà lại liên quan đến vụ đảo chính đang được mong xảy ra ở nước Pháp hay những xu hướng mới nhất của đạo Gia tô trong giới xã giao! Nhưng thôi, hãy bỏ qua, bỏ qua đi! Nói đến những điều ấy làm gì?... Và tại sao trong những phút vui vẻ tư lự, ta lại cảm thấy cái buồn len lén vào lòng ta? Cái cười ngừng lại trên môi ta, mặt ta sầm lại và tức khắc chúng ta khác hẳn những người chung quanh ta…
- A! Xe đây rồi, xe đây rồi! Tsitsikôp kêu lên khi thấy xe đến. Quỷ sứ, mày chui vào tận những đâu, đồ đểu? thế nào? chưa tọng rượu vào cho say à?
Xêlifan chẳng trả lời thế nào cả.
- Thôi, chào bà chị! Còn con bé đâu?
- Này, Pêlagêia! Bà chủ nhà gọi một đứa bé gái độ mười một tuổi, đứng cạnh tam cấp lớn, diện một cái áo vải to và phô đôi chân trần trát đầy bùn ướt, nom xa tưởng như đi ủng. Pêlagêia, đi chỉ đường cho ông đây.
Xêlifan giúp con bé leo lên xe. Nó đặt một chân lên bậc xe, dây bùn be bét, rồi leo lên ghế, ngồi cạnh xà ích. Tsitsikôp bước lên làm nghiêng hẳn chiếc xe về phía bên phải, vì bụng y cũng đã phệ; y ngồi chỉnh chiện trong xe rồi nói.
- Xong rồi, chào bà chị.
Mấy con ngựa bắt đầu phóng.
Dọc đường, Xêlifan ương lắm, nhưng rất chú ý đến công việc; đó là cái thói quen của hắn sau những khi đã làm bậy và say sưa. Mấy con ngựa đã được chải rất sạch. Một cái đai thắng, từ trước đến nay vẫn tả tơi, da ngoài bong ra để lộ cái cốt bên trong, đã được chữa lại rất khéo. Lần này thì Xêlifan chỉ vụt cây roi, không khiển trách gì mấy con ngựa; tuy vậy con Vằn vẫn sẵn sàng lắng tai nghe những lời lẽ như thế, vì những lúc ấy, dây cương lỏng lẻo trong tay người xà ích hùng biện và cây roi chỉ vuốt ve cái mông nó một cách chiếu lệ mà thôi. Lần này, đôi môi rầu rĩ chỉ thốt ra những câu than đơn điệu: “- thong thả, thong thả, tao sẽ bảo cho mà xỏ lá!”. Chính con Hồng bờm đen và con Trợ tá cũng không bằng lòng vì chẳng được nghe những lời thường lệ: “- các em yêu dấu của ta! Các của quý của ta!”. Con Vằn thì cảm thấy bị ngoạm rất khó chịu vào những bộ phận phốp pháp của nó. Nó vừa co đôi tai vừa tự nhủ thầm: “ấy, chẳng biết hôm nay nó làm sao? Nó chọn toàn những chỗ hiểm, quân súc sinh! Nó không đánh trên lưng mà chỉ nện vào hai tai hay vụt vào bụng dưới mình!”
- Bên phải à? Xêlifan hỏi con bé mấy tiếng cụt ngủn, vừa hỏi vừa lấy cái roi chỉ con đường đã đen sạm vì mưa, chạy tít giữa những đồng cỏ màu lục rực rỡ.
- Không, không, để tôi chỉ cho, con bé đáp.
Khi đến chỗ rẽ Xêlifan lại hỏi: - Lối nào hả?
- Lối này! Con bé trả lời và dang tay ra chỉ.
- Vậy, chẳng bên phải là gì! Xêlifan cầu nhầu. Đồ ngốc con; tay phải, tay trái cũng không biết phân biệt!
Mặc dù hôm ấy đẹp trời, nhưng đường toàn là đất sét và rất dính nên lầy lội đến nỗi bùn bết vào bánh xe một lớp dày, làm cho cái xe nặng thêm nhiều. Vì vậy, các nhà lữ hành của chúng ta không thể ra khỏi đường làng trước khi đứng bóng. Không có con bé thì họ chẳng bao giờ lần ra được, vì các lối đi cứ tỏa ra khắp mọi hướng như những con tôm càng xổng ra khỏi một cái bị; nhiều lần Xêlifan lại suýt lạc nữa, nhưng bấy giờ thì không phải lỗi tại hắn. Sau cùng, con bé, trỏ một cái nhà lớn đằng xa, kêu lên:
- Đường cái đây rồi!
- Còn cái nhà kia là nhà gì? Xêlifan hỏi.
- Quán rượu, con bé đáp.
- Thôi được, cút đi! Bây giờ thì chúng tao có thể tìm ra lối rồi.
Hắn kìm ngựa lại và đỡ con bé bước xuống, mồm lẩm bẩm: - Ê, đồ dơ dáy!
Tsitsikôp cho con bé một đồng tiền. Nó chạy về làng, loắt choắt như con chuột nhắt, và sung sướng vì đã được ngồi vênh vang trên xe ngựa.