One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Louisa M. Alcott
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 338 / 20
Cập nhật: 2019-05-14 10:23:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Bước Đệm
áng thứ hai, khi Nat bước vào phòng học, cậu cảm thấy run sợ khi nghĩ sẽ phải phô sự dốt nát của mình trước mọi người. Ông Bhaer để cậu ngồi trong hốc cửa sổ, nơi cậu quay lưng về phía tất cả các học sinh khác; và chỉ có một mình Franz có thể nghe thấy cậu học bài, cho nên sẽ không ai khác nghe được cậu đọc vấp hoặc nhìn thấy cậu làm giây mực ra vở. Nat thực sự biết ơn vì điều này và rất cố gắng khiến cho ông Bhaer cười nói khi trông thấy gương mặt đỏ bừng và mấy ngón tay lem mực của cậu:
– Đừng gắng sức quá như vậy, con trai. Con sẽ mệt đấy. Còn đủ thời gian kia mà.
– Nhưng con phải chăm chỉ để bắt kịp các bạn. Các bạn biết bao nhiêu thứ, còn con thì không biết gì cả. - Nat đáp. Cậu có vẻ tuyệt vọng khi nghe các bạn trả bài ngữ pháp, lịch sử và địa lí một cách thật dễ dàng và chính xác.
– Con cũng biết nhiều thứ mà các bạn không biết. - Ông Bhaer nói và ngồi xuống cạnh cậu, trong khi Franz hướng dẫn một nhóm học sinh bé học bảng cửu chương.
– Thật không ạ? - Nat hỏi, không mấy tin tưởng.
– Ta tin chắc như vậy; trước hết con biết tự làm chủ mình, trong khi Jack, dù làm tính rất nhanh, lại không làm được như vậy; đó là một bài học tốt, và ta nghĩ là con đã học rất tốt. Rồi con còn biết chơi vĩ cầm trong khi không ai ở đây làm được việc đó, mặc dù tất cả đều rất muốn. Nhưng, đây là điểm tốt nhất, Nat à, con thật sự quan tâm đến việc học hỏi, như thế đã là phân nửa thành công rồi. Con sẽ thấy rất khó lúc ban đầu, và nhiều lúc con sẽ thấy nản; nhưng hãy tiến lên, và mọi việc rồi sẽ càng lúc càng dễ dàng hơn khi con tiến tới.
Mặt Nat rạng rỡ khi lắng nghe những lời ông Bhaer nói vì mặc dù kiến thức của cậu ngắn ngủi, nhưng cậu rất vui khi cảm thấy không việc gì phải xấu hổ cả. “Phải, mình có thể tự chủ - những trận đòn của cha đã dạy mình điều đó; mình biết chơi đàn mặc dù mình không biết Vịnh Biscay nằm ở đâu,” cậu nghĩ, với tâm trạng vui vẻ không thể thể hiện ra. Rồi cậu nói to, thành thực đến mức Demi cũng phải lắng nghe.
– Con rất muốn học và con sẽ cố gắng. Con chưa bao giờ đi học, nhưng đó không phải do con. Và nếu như các bạn không chế nhạo, con nghĩ con sẽ đứng đầu. Ông và bà thật tốt với con.
– Các bạn sẽ không chế nhạo cậu đâu! Nếu các bạn làm như thế thì tớ sẽ… tớ sẽ… bảo các bạn không làm vậy! - Demi kêu lên, hoàn toàn quên là mình đang ở đâu.
Cả lớp đều dừng lại ngước lên xem có chuyện gì đang xảy ra.
Vì nghĩ rằng học cách giúp đỡ người khác còn tốt hơn là học số học, nên ông Bhaer kể cho tất cả nghe chuyện của Nat, biến nó thành một câu chuyện thú vị và cảm động khiến các cậu bé tốt bụng đều hứa là sẽ giúp đỡ bạn, và cảm thấy niềm vinh dự được truyền kiến thức của mình cho nghệ sĩ vĩ cầm cừ khôi này. Lời kêu gọi này hình thành trong chúng một tình cảm đúng đắn, và Nat không thể cưỡng lại được, vì tất cả mọi người đều vui vẻ giúp cậu “tiến bộ” trên nấc thang học hành.
Nhưng tất nhiên là phải chờ tới khi Nat khỏe trở lại. Nếu không, việc học nhiều sẽ không tốt cho cậu bé. Trong khi các bạn khác học bài thì bà Jo tìm cho cậu vô số điều thú vị trong nhà. Nhưng khu vườn mới chính là liều thuốc tốt nhất cho cậu. Ở đấy cậu làm việc cần mẫn như một chú hải ly, chuẩn bị đất, trồng đậu cô ve, háo hức chờ đợi chúng mọc lên và thích thú trước từng chiếc lá xanh cùng những mầm cây mảnh mai nhô lên và phát triển trong không khí ấm áp mùa xuân. Chưa có mảnh vườn nào được làm đất nhiều đến thế. Vì sợ không có gì mọc được khi thấy Nat xới đất nhiều quá, nên ông Bhaer giao cho cậu những công việc dễ trong vườn hoa hoặc ở ruộng dâu tây, nơi cậu miệt mài làm việc và ư ử hát không thua gì mấy con ong vo ve xung quanh.
– Đây là thứ cây ta thích nhất. - Bà Bhaer vừa nói vừa véo má Nat đã trở nên hồng hào và đầy đặn hơn, hoặc vuốt đôi vai khom khom đang dần thẳng lên nhờ lao động, ăn uống tốt và không còn phải chịu cảnh nghèo đói cùng những gánh nặng nữa.
Demi là bạn của cậu. Tommy là người giám hộ và Daisy là người an ủi tất cả những đau buồn của cậu. Vì mặc dù mấy đứa trẻ này ít tuổi hơn nhưng tính cách rụt rè của cậu hợp với thế giới thơ ngây của chúng và ngại ngùng trước những trò chơi dữ dội của các bạn lớn.
Ông Laurence không hề quên cậu: đều đặn gửi cho cậu quần áo, sách, tập nhạc, lần nào cũng kèm theo những lời nhắn dịu dàng. Thỉnh thoảng ông đến thăm để xem chàng trai của ông đã tiến bộ đến đâu, hoặc đưa em đi nghe hoà nhạc trong thị trấn. Những dịp đó, Nat như được lên thiên đàng, vì cậu được đến căn nhà lớn của ông Laurence, gặp người vợ xinh đẹp và cô con gái thiên thần bé nhỏ của chú Laurie, được ăn một bữa tối ngon miệng, được thoải mái, đến mức cậu còn kể và mơ mãi về điều đó nhiều ngày sau.
Để làm cho một đứa trẻ hạnh phúc chẳng mất bao nhiêu! Cho nên thật tiếc là trên thế giới tràn ngập ánh nắng và những điều kì diệu này vẫn nhìn thấy những gương mặt buồn, những bàn tay lẻ loi và những trái tim nhỏ bé cô đơn. Hiểu điều này, ông bà Bhaer chắt bóp tất cả những gì họ kiếm được để nuôi bầy chim non háu đói của họ vì họ không giàu có, ngoại trừ tình thương. Rất nhiều bạn của bà Jo có con nhỏ đã gửi cho bà những món đồ chơi mà con họ đã chán. Nat tìm được một công việc rất hợp với mình là sửa chữa những món đồ chơi này. Những ngón tay thon của cậu tỉ mẩn và khéo léo. Cậu đã mất nhiều buổi chiều mưa bên những lọ keo, mấy hộp sơn và dao để sửa đồ đạc, những con thú và đồ chơi trong khi Daisy làm cô thợ may quần áo cho mấy con búp bê bị hỏng. Khi đồ chơi được sửa chữa xong, chúng được cất cẩn thận trong một ngăn kéo để dành trang trí cây thông Giáng sinh cho trẻ nghèo trong vùng, và đó là cách các cậu bé ở Plumfield kỉ niệm ngày sinh của “Người yêu thương dân nghèo và ban phúc cho trẻ em”.
Demi không bao giờ chán đọc sách và giải thích về các cuốn sách cậu thích. Bao nhiêu thời gian tuyệt vời em đã trải qua ở cây liễu già, say sưa với Robinson Crusoe, Nghìn lẻ một đêm và nhiều câu chuyện bất tử khác vẫn còn làm say lòng trẻ em bao thế hệ! Điều này mở ra một thế giới mới trước mắt Nat, và tâm trạng háo hức muốn biết đoạn tiếp theo của câu chuyện đã giúp cậu rất nhiều cho tới khi cậu đọc thành thạo như các bạn khác, và cảm thấy hãnh diện với kiến thức mới của mình, đến nỗi có khả năng cậu cũng sẽ biến thành một con mọt sách, giống như Demi.
Một điều hữu ích khác đã diễn ra một cách không ngờ. Một vài cậu bé đang “kinh doanh”, vì phần lớn chúng là con nhà nghèo, và biết là một ngày kia chúng phải tự xoay xở nên ông bà Bhaer khuyến khích chúng cố gắng tự lập. Tommy bán trứng của cậu; Jack thì đầu cơ với bầy gia súc; Franz dạy mấy đứa nhỏ học và được trả tiền cho công việc đó; Ned có năng khiếu trong việc làm đồ mộc và người ta đã lắp cho cậu một máy tiện để cậu làm ra bao nhiêu thứ xinh đẹp hoặc hữu ích và đem bán. Còn Demi thì xây những cối xay nước, vòng đu quay và những máy móc phức tạp vô ích rồi vứt bỏ cho đám bạn.
– Hãy cho thằng bé theo nghề cơ khí nếu nó thích. - Ông Bhaer nói. - Mỗi cậu bé cần có một nghề để tự lập. Lao động rất lành mạnh và cho dù bọn trẻ có tài gì, dù là thi ca hay cày ruộng, thì tài năng ấy cũng phải được phát triển và có ích cho chúng.
Một hôm Nat chạy đến hỏi ông Bhaer với nét mặt phấn chấn:
– Con có thể chơi đàn cho những người đi dã ngoại trong khu rừng của chúng ta không ạ? Họ sẽ trả tiền cho con, và con cũng muốn kiếm tiền như các bạn; chơi vĩ cầm là việc duy nhất con biết làm để kiếm tiền.
– Được. - Ông Bhaer đáp ngay. - Đó là một cách lao động dễ dàng và thú vị. Ta rất vui vì có người đề nghị với con như thế.
Nat chơi tốt đến nỗi khi về nhà, cậu có được hai đô-la trong túi mà cậu đem khoe với vẻ rất thỏa mãn khi kể lại cậu đã có một buổi chiều thú vị thế nào, những người đi cắm trại tử tế như thế nào, và khen cậu chơi đàn hay ra sao. Họ còn hứa sẽ nhờ đến cậu nữa.
– Thật thích hơn chơi đàn ngoài đường phố. Lúc đó tớ không được giữ một xu nào cả, nhưng bây giờ thì tớ được giữ tất cả và còn có một buổi chiều thú vị. Giờ tớ cũng “kinh doanh”, giống như Tommy và Jack, và tớ rất thích công việc này. - Nat nói, tự hào vỗ vỗ lên cái ví cũ của mình, cảm thấy như mình đã là một triệu phú.
Cậu thật sự đang “kinh doanh”, vì mùa hè đến có rất nhiều người đi dã ngoại và Nat được người ta mời biểu diễn liên tục. Cậu luôn được tự do đi nếu không bỏ bê bài vở và người mời là những du khách tử tế biết điều. Ông Bhaer đã từng giải thích cho cậu hiểu tất cả mọi người đều cần được giáo dục tốt và rằng không có món tiền nào đáng để cậu phải đi đến một nơi khiến cậu có thể làm việc không hay. Nat hoàn toàn đồng ý. Thật là vui khi nhìn cậu bé tâm hồn trong trắng ra đi trên những chiếc xe vui vẻ dừng lại đón cậu trước cổng, hoặc nghe thấy cậu dạo đàn trở về nhà, mệt mỏi, nhưng hạnh phúc, với số tiền xứng đáng kiếm được trong túi, cùng một ít quà bánh từ buổi tiệc để phần cho Daisy hoặc bé Ted mà cậu không bao giờ quên.
– Con sẽ dành tiền để mua một cây vĩ cầm cho riêng con, và sau đó con sẽ kiếm sống, được chứ ạ? - Cậu thường nói như vậy khi mang tiền tới nhờ ông Bhaer giữ hộ.
– Ta hi vọng như thế, Nat à. Nhưng trước tiên chúng ta phải làm cho con khoẻ mạnh đã, và bổ sung thêm chút kiến thức vào cái đầu nhạc sĩ này của con. Sau đó chú Laurie sẽ tìm cho con một chỗ làm, và vài năm nữa tất cả chúng ta sẽ đến để nghe con biểu diễn.
Với mức độ lao động hợp lí, sự khuyến khích và niềm hi vọng, mỗi ngày Nat lại thấy cuộc sống dễ dàng và hạnh phúc hơn. Cậu tiến bộ rất nhanh trong môn âm nhạc khiến giáo sư quên hẳn sự chậm chạp của cậu trong các môn khác, vì biết rõ rằng tâm hồn ở đâu thì ở đó đầu óc ta làm việc tốt nhất. Hình phạt duy nhất mà cậu bé phải chịu vì lơ là những bài học quan trọng hơn là không được chơi đàn suốt một ngày. Nỗi lo sẽ làm cho các bạn thất vọng khiến cậu lại miệt mài với sách vở và cậu đã chứng tỏ rằng mình có khả năng hiểu bài.
Daisy rất mê âm nhạc nên rất nể trọng những người chơi nhạc. Em thường ngồi trên các bậc cầu thang, gần chỗ Nat tập đàn. Thế là Nat chơi hết mình cho vị thính giả bé nhỏ và duy nhất kia. Không bước vào phòng, nhưng em lặng lẽ lắng nghe trong lúc khâu vá hoặc chăm sóc một con búp bê, với nét vui thích mơ màng trên gương mặt khiến dì Jo phải thốt lên, với đôi mắt rớm lệ:
– Giống y như Beth của mình!
Và bà nhẹ nhàng rút lui vì sợ sự có mặt, dù quen thuộc, của bà sẽ phá hỏng niềm vui êm dịu của cô bé.
Nat rất yêu bà Bhaer, nhưng cậu thích ông giáo sư hơn vì ông chăm lo cho cậu bé như một người cha. Cậu bé nhút nhát vừa thoát khỏi vùng biển động của cuộc đời, nơi con thuyền nhỏ bé của cậu bị quăng quật suốt mười hai năm. Có lẽ một thiên thần tốt bụng đã bao bọc cậu vì mặc dù cơ thể cậu bị đau yếu, tâm hồn của cậu dường như không bị ảnh hưởng và cập bờ an toàn. Có lẽ tình yêu âm nhạc đã bảo vệ tâm hồn cậu bé, chú Laurie nói vậy. Dù sao đi nữa, bố Bhaer thật sự vui với việc rèn đúc những đức tính tốt và uốn nắn những tính xấu của cậu, nhận thấy cậu học trò mới của mình ngoan ngoãn và tình cảm không khác gì một cô bé. Ông thường gọi Nat là “con gái” khi nói chuyện với bà Jo về cậu, và bà cười trí tưởng tượng của ông, vì bà thích những cậu bé nam tính, và nghĩ rằng Nat đáng yêu nhưng yếu đuối, mặc dù độc giả chẳng bao giờ nhận thấy điều đó, vì bà đối xử với cậu như với Daisy, còn cậu xem bà như một phụ nữ rất đáng kính trọng.
Một tật xấu của Nat khiến ông bà Bhaer thật sự lo lắng mặc dù họ biết chủ yếu do tâm trạng sợ hãi và sự thiếu hiểu biết. Tôi lấy làm tiếc phải nói rằng đôi khi Nat nói dối. Không phải những lời dối trá trơ tráo, mà thường chỉ là những câu vô hại, nhưng nói dối vẫn luôn là nói dối. Mặc dù tất cả chúng ta thường nói những điều không đúng sự thật trong thế giới lạ lùng của chúng ta, nhưng chúng ta biết rõ đó không phải là điều hay ho.
– Con không bao giờ thận trọng cả, hãy để ý mồm miệng, mắt, và đôi tay của con vì chúng rất dễ nói, nhìn và làm những điều không đúng sự thật. - Ông Bhaer nói trong một buổi trò chuyện với Nat về nhược điểm ở cậu.
– Con biết là không nên làm thế. - Nat đáp và tỏ ra thật sự hối lỗi. - Nhưng sẽ dễ dàng hơn nếu ta không quá quan trọng hóa chuyện phải đúng sự thật. Con thường nói dối vì sợ cha con và Nicolo, còn bây giờ đôi khi con nói dối vì sợ các bạn chế nhạo. Con biết như vậy không tốt, nhưng con lại quên.
– Khi ta còn là một cậu bé, - ông Bhaer nói tiếp, - ta thường nói dối. Những lời nói dối vặt và bà nội ta đã chữa cho ta. Con có biết bằng cách nào không? Bố mẹ ta đã nói chuyện với ta, rầy mắng ta, trách phạt ta, nhưng tất cả đều vô ích. Thế rồi bà nội thân yêu của ta đã nói với ta: “Bà sẽ giúp con nhớ và kiểm soát được cái phần khó bảo trong con.” Rồi bà bảo ta thè lưỡi ra và dùng đầu mũi kéo đâm vào lưỡi cho đến khi bật máu. Thật là khủng khiếp, con có thể tin như vậy, nhưng nó đã giúp ta vì bị đau mấy ngày liền nên mỗi từ nói ra đều chậm đến mức ta có đủ thời gian để suy nghĩ. Sau đó thì ta chú ý hơn, vì rất sợ cái kéo to kia. Bà nội rất yêu ta và khi mất ở Nuremberg, bà đã cầu Chúa cho cậu bé Fritz của bà luôn nói sự thật.
– Con chưa bao giờ có bà nội, nhưng nếu bố thấy làm như vậy có thể giúp con thì con sẽ để bố chích lưỡi. - Nat dũng cảm nói vì cậu không muốn nói dối nữa mặc dù rất sợ đau.
– Ta có một cách tốt hơn. - Ông Bhaer lắc đầu cười nói. - Ta đã thử một lần và rất có hiệu quả. Hãy nghe đây: Bao giờ con nói dối ta sẽ không phạt con mà chính con sẽ phạt ta.
– Như thế nào ạ? - Nat hỏi, giật mình trước ý tưởng đó.
– Con sẽ dùng thước kẻ đánh ta như thời trước người ta hay làm. Ta ít khi đánh đòn nhưng có lẽ làm ta bị đau sẽ giúp con nhớ tốt hơn là để con nhận sự đau đớn.
– Đánh bố ư? Ôi không, con không thể! - Nat kêu lên.
– Vậy thì hãy coi chừng cái lưỡi của con. Ta không muốn làm con đau, nhưng ta sẵn sàng chịu đau để con bỏ tật xấu.
Đề nghị này gây ấn tượng mạnh với Nat, đến mức suốt một thời gian khá lâu cậu hết sức dè chừng mồm miệng của mình và chỉ toàn nói sự thật. Ông Bhaer đã không nhầm: tình thương của cậu đối với ông mạnh hơn nỗi lo sợ cho chính cậu. Nhưng than ôi! Một ngày đáng buồn kia, Nat mất cảnh giác. Khi anh chàng Emil nóng tính dọa sẽ đánh cậu nếu đúng cậu đã chạy qua mảnh vườn của cậu ấy và làm gẫy mấy cây ngô đẹp nhất. Nat tuyên bố không phải cậu, sau đó cậu vô cùng xấu hổ vì chính mình là thủ phạm khi bị Jack đuổi vào tối hôm trước.
Cậu nghĩ không ai khám phá ra, nhưng Tommy đã nhìn thấy. Và khi Emil nói tới vụ việc một hai ngày sau đó, Tommy đưa ra bằng chứng và ông Bhaer nghe thấy. Giờ học kết thúc, tất cả đều có mặt trong đại sảnh, và ông Bhaer chỉ vừa ngồi xuống tràng kỉ chơi đùa với Teddy; nhưng khi ông nghe thấy Tommy nói và mặt Nat đỏ rần và nhìn ông sợ hãi, thì ông đặt chú bé xuống và bảo:
– Con chạy lại chỗ mẹ đi, con trai. Ba sẽ đến ngay.
Rồi ông nắm tay Nat dẫn cậu vào phòng học và đóng cửa lại.
Các cậu bé im lặng nhìn nhau một lúc lâu. Sau đó Tommy lẻn ra và nhìn vào qua chỗ rèm cửa buông hờ, sững sờ trước một cảnh tượng khiến cậu choáng váng. Ông Bhaer lấy xuống một cây thước dài treo phía trên bàn làm việc của ông, cây thước ít khi được dùng tới đến mức nó phủ đầy bụi.
“Chết rồi! Lần này thì bố sẽ nặng tay với Nat! Biết thế mình không nói ra nữa,” cậu bé Tommy tốt bụng nghĩ, vì bị đánh đòn bằng thước là điều bất hạnh lớn nhất ở ngôi trường này.
– Con còn nhớ những gì ta đã nói với con hôm trước không? - Ông Bhaer hỏi, giọng thật buồn nhưng không hề giận dữ.
– Thưa có, nhưng con xin bố, đừng bắt con phải làm việc đó, con không chịu được đâu! - Nat kêu lên, tựa vào cánh cửa, hai tay giấu sau lưng, mặt đầy đau đớn.
“Sao cậu ấy không dũng cảm nhận hình phạt như một trang nam nhi nhỉ? Mình làm như thế ngay” Tommy nghĩ, mặc dù tim cậu đập thình thình.
– Ta sẽ giữ lời và con phải ghi nhớ luôn nói sự thật. Hãy vâng lời ta, Nat, cầm lấy thước và đánh ta sáu roi thật lực.
Khi nghe những lời này Tommy sửng sốt đến nỗi cậu suýt ngã bổ chửng nhưng cố bám được vào thành cửa sổ, mắt mở to như mắt con cú nhồi rơm đặt trên bệ lò sưởi.
Nat cầm lấy thước vì khi ông Bhaer đã nói giọng đó thì ai cũng phải vâng lời. Trông khiếp đảm và tội lỗi như thể sắp giết chết người thầy của mình, cậu vụt nhẹ hai lần lên bàn tay to lớn chìa về phía mình. Rồi cậu ngừng lại và ngước cặp mắt mờ lệ lên, nhưng ông Bhaer nói cương quyết:
– Tiếp tục đi, và hãy đánh mạnh hơn.
Thấy rõ là không thể thoát được và muốn cho việc này kết thúc nhanh chóng, Nat lấy tay áo quệt nước mắt và đánh tiếp hai roi thật nhanh và mạnh khiến cho bàn tay đỏ lựng nhưng lại khiến người đánh đau hơn.
– Thế đã đủ chưa ạ? - Cậu hỏi, giọng như đã đứt hơi.
Câu trả lời là “Hai roi nữa”. Nat đánh tiếp mà gần như không nhìn thấy gì, rồi em ném cái thước về cuối phòng và ôm lấy bàn tay thân yêu bằng cả hai tay mình, úp mặt lên đó khóc nức nở với tình cảm yêu thương, xấu hổ và hối hận.
– Con sẽ nhớ! Vâng, con sẽ nhớ!
Ông Bhaer choàng tay qua vai cậu bé và nói giọng đầy tình thương, khác hẳn giọng cương quyết lúc nãy:
– Ta hi vọng sẽ như vậy. Hãy xin Chúa giúp đỡ con và hãy cố gắng tránh cho cả hai chúng ta cảnh này.
Tommy không muốn nhìn thấy thêm gì nữa. Cậu chạy vào đại sảnh, trông bàng hoàng đến nỗi các cậu bé bao quanh cậu để hỏi xem chuyện gì đã xảy đến với Nat.
Bằng giọng thì thào ấn tượng ghê gớm, Tommy kể cho các bạn nghe những gì cậu đã nhìn thấy. Tất cả như thấy bầu trời sụp xuống vì tình trạng đảo lộn trật tự này khiến chúng nghẹt thở.
– Chú ấy cũng bắt anh làm như thế một lần. - Emil nói, như thể cậu đang thú nhận một trọng tội.
– Và anh đã đánh ông à? Đánh bố Bhaer đáng kính ấy? Thật kinh tởm, em rất muốn trông thấy anh làm việc đó! - Ned nói, túm lấy cổ áo Emil đầy phẫn nộ.
– Chuyện xảy ra lâu lắm rồi. Anh thà bị chặt đầu còn hơn phải làm như vậy lúc này. - Emil nhẹ nhàng đặt tay lên lưng Ned thay vì nện cậu ta, vì cậu vẫn còn nguyên cái cảm giác lúc phải thực hiện nhiệm vụ không lấy gì làm vinh dự kia.
– Anh lòng dạ nào làm việc đó được chứ? - Demi nói, kinh hoàng trước ý nghĩ đó.
– Anh chỉ ước sao lúc đó mình hóa điên, và anh nghĩ anh không bao giờ làm nổi việc đó. Nhưng khi đã đánh một roi, anh nhớ lại tất cả những gì chú ấy đã làm cho anh, và anh không thể tiếp tục. Nếu chú ấy đạp anh xuống và bước qua, thì anh còn cảm thấy dễ chịu hơn. - Emil xỉa ngón tay vào ngực để diễn đạt cái cảm giác hối hận của mình.
– Nat khóc và cảm thấy cực kì hối hận. Cho nên chúng ta đừng nói gì về chuyện này, được chứ? - Tommy tốt bụng lên tiếng.
– Dĩ nhiên, nhưng thật khủng khiếp khi nói dối.
Demi trông như thể đã nhận thấy sự kinh khủng khi hình phạt không dành cho kẻ phạm lỗi mà lại rơi vào chú Fritz thân yêu của cậu.
– Hay chúng mình giải tán để Nat có thể chạy lên cầu thang. - Franz đề nghị, và dẫn đầu cả đám đi về phía kho cỏ, nơi ẩn náu của lũ trẻ những lúc gặp rắc rối.
Nat không xuống ăn tối, nhưng bà Jo mang một ít thức ăn lên cho cậu và nói mấy câu dịu dàng khiến cậu cảm thấy dễ chịu hơn mặc dù cậu không dám nhìn bà. Dần dần, bọn trẻ chơi trong vườn nghe thấy tiếng vĩ cầm của em và nói với nhau: “Giờ thì bạn đã ổn rồi.” Cậu bé đã ổn, nhưng quá xấu hổ không dám xuống dưới nhà. Đến khi mở cửa định lẻn vào rừng thì cậu thấy Daisy đang ngồi trên cầu thang, không làm gì cũng chẳng ôm con búp bê nào, chỉ có chiếc khăn xinh xắn trên tay như thể cô bé đang khóc thương người bạn bị phạt.
– Anh định đi dạo một chút, em có đi cùng anh không? - Nat hỏi, cố gắng tỏ ra như không có chuyện gì, nhưng rất biết ơn về sự im lặng đầy cảm thông của cô bé bởi cậu hình dung tất cả mọi người sẽ coi cậu như một kẻ rất xấu xa.
– Ồ vâng! - Daisy đáp, và chạy đi lấy mũ, hãnh diện vì được chọn làm bạn đồng hành cùng một người anh lớn.
Những cậu khác nhìn thấy họ đi, nhưng không ai theo vì các cậu bé đều hết sức tế nhị và đều cảm thấy rằng, khi ở trong tâm trạng xấu hổ thì cô bé Daisy dịu dàng là người bạn thích hợp nhất của chúng.
Cuộc dạo chơi rất tốt cho Nat. Khi trở về nhà, cậu bé lặng lẽ hơn nhưng khá vui vẻ. Cậu treo những dây hoa cúc do cô bạn nhỏ kết trong lúc cậu nằm trên cỏ và kể chuyện cho cô nghe.
Không ai nhắc đến chuyện xảy ra lúc sáng, nhưng ảnh hưởng của nó kéo dài. Nat cố gắng hết mình, và nhận được sự giúp đỡ từ tất cả, không chỉ từ những lời cầu nguyện chân thành cậu gửi tới “Người bạn trên Trời”, mà cả ở sự chăm lo đầy kiên nhẫn của người bạn nơi trần thế, người có bàn tay mà mỗi khi chạm đến cậu nhớ lại nó đã tự nguyện nhận lấy sự đau đớn vì cậu.
Những Chàng Trai Nhỏ Những Chàng Trai Nhỏ - Louisa M. Alcott Những Chàng Trai Nhỏ