Số lần đọc/download: 1332 / 7
Cập nhật: 2016-03-01 22:27:07 +0700
Chương 4
"Đêm hè mây trắng xôn xao
Hai vì sao lạ lạc vào mắt anh
Lá khô ngơ ngác trở mình
Hồn em bối rối nghiêng thềm mơ hoa"
- Hù!
Tôi giật bắn mình, Thúy Hậu đứng sau lưng tôi, cười khanh khách:
- Xin lỗi thi sĩ hí, xin lỗi đã làm cạn nguồn thơ của thi sĩ hí.
Tôi đỏ mặt, vò nát tờ giấy trước mặt. Thúy Hậu đưa tay cản:
- Ý đừng, bài thơ dễ thương rứa mà mi xé sao đành, cần phải chép vô tờ giấy hoa tiên tặng chàng chớ.
Tôi chối:
- Con ni đoán ẩu ghê, ngồi buồn tao làm thơ vớ vẩn chơi chứ tặng ai mà tặng.
Thúy Hậu để hai tay lên đôi má tôi, nâng nhè nhẹ:
- Thiệt không đó. Mi mà cũng giấu tao à, mi mà cũng nói láo với tao à?
- Ai giấu chi mô - Rồi tôi lảng sang chuyện khác:
- Mi đau chi mà nghỉ mấy ngày ni rứa?
Thúy Hậu kéo chiếc ghế ngồi xuống bên tôi:
- Tao cúm. Mới lành hẳn sáng ni, chờ đến thứ hai gặp mi lâu quá nên chừ tao mò lên mi.
Tôi nhìn ra hàng lá xanh xanh ngoài cửa sổ:
- Mi nghỉ học mấy bữa làm tao buồn rứa thê. Định mai chủ nhật lên thăm mi đó.
Và tôi bỗng nhớ ra:
- Nì Thúy Hậu.
- Chi?
- Có chuyện hấp dẫn lắm. Tin vui.
Mắt Thúy Hậu sáng lên:
- Chi rứa mi?
Tôi chìa tay:
- Hối lộ đi, rồi tao sẽ nói mi nghe. Bảo đảm một trăm phần trăm là khi mi nghe rồi, linh hồn mi sẽ bay bổng lên chín tầng mây hạnh phúc.
Thúy Hậu kéo đi:
- Khỉ nờ, giở cái giọng bắt chước tao không à. Chuyện chi thì nói đi, tao nóng ruột bắt chết..
Tôi càng làm cho Thúy Hậu hồi hộp:
- Thì hối lộ đi.
Thúy Hậu gật đầu:
- Ừ, để rồi mai tao sẽ bao mi bánh cuốn Lê Thánh Tôn nghe.
- Ô kê. Xích lại đây tao nói cho nghe.
Tôi thì thầm vào tai Thúy Hậu như sợ có ai nghe thấy dù trong phòng học của tôi chả có một ai.
- Hôm thứ năm. Thầy Trung kêu tao lên đọc bài rồi thầy hỏi thăm mi, thầy nói tại răng mi vắng mặt.
Đôi mi Thúy Hậu chớp nhanh, giọng nói run run:
- Thiệt hả mi? Rồi mi nói răng?
- Tao nói dạ em không biết. Tại khi đó con Liên chưa đưa tờ giấy của mi.
- Rồi thầy Trung có cho tao zero không?
Tôi trề môi:
- Sức mấy!
- Thường ngày, đứa mô vắng thầy hay cho zéro lắm.
Tôi mách:
- Hôm nớ có nhiều đứa vắng lắm, nhưng thầy chỉ hỏi có mỗi một mình mi, còn thầy không cho zéro ai hết a.
- Rứa à. Chắc là thầy Trung cũng đoán ra là tao mắc mưa nên bị đau.
- Ơ, con ni nói hay chưa.
Thúy Hậu xích lại gần tôi hơn:
- Bộ mi không nhớ hả Hạnh? Tao hứa trong thư là sẽ kể cho mi một chuyện ly kỳ
Tôi vỗ tay vào vai nó:
- Đúng rồi. Mi làm tao thắc mắc hoài không biết chuyện chi, chừ gặp mi tao lại quên mất. Kể đi.
Thúy Hậu lại cười:
- Chừ đến lượt mi phải hối lộ.
- Với điều kiện đó là tin mừng cho tao.
Thúy Hậu ngẫm nghĩ một lát:
- Rứa thì thôi, tha cho mi. Tại chuyện ni cũng là tin vui của tao nữa, kể cho mi mừng dùm.
Tôi xuýt xoa:
- Chao ôi, vậy thì người hạnh phúc kể đi, chắc cũng là chuyện "Dung nhan mùa hạ" chớ chi.
Thúy Hậu gật đầu:
- Ừ, mi đoán không sai. Hôm chiều tao lên phố đó, trời đang nắng ráo bỗng đổ mưa ào ạt, tao bị ướt nhèm trước khi tìm được chỗ núp. Mi biết răng không?
Tôi cười:
- Con nít cũng đoán được. Mi gặp thầy Trung ở đó.
- Con ni tài gớm. Ừ, thầy Trung cười với tao. Thầy Trung ân cần hỏi han, rồi cuối cùng mời tao vào một quán nước bên đường chờ mưa tạnh.
Tôi cười lớn:
- À, rứa thì tao biết rồi. Hôm đó mi về bị cúm là do cảm chàng chứ không phải cảm mưa.
Thúy Hậu lại đỏ mặt:
- Khỉ nờ, cứ chọc tao hoài. Tao khát nước lắm rồi, khách đến nhà mà chủ nhà bắt khách nhịn hả?
Tôi đứng dậy:
- Yên chí, có dưa hấu trong tủ lạnh.. Đợi tao một xí, tao chạy xuống nhà lấy cho mi.
Tôi bưng dĩa dưa hấu lên thấy Thúy Hậu đang ngồi mơ màng trước bàn viết, trên tay cầm cây viết hý hoáy ký vào tờ giấy trước mặt. Tôi rón rén lại gần, mặt giấy chằng chịt những chữ ký bay bướm ghép tên hai người Hậu-Trung. Tôi đặt dĩa dưa trên bàn cười chúm chím.
- Chà tình tứ ghê. Chừ ăn có nổi không đây, nuốt có nổi không đây, hay là vui mừng đã làm mi nghẹn họng rồi.
Thúy Hậu cuống quýt vò tờ giấy lại, tôi được thể bắt chước giọng nói của nó:
- Ý đừng, bài thơ dễ thương rứa mà mi xé sao đành. Phải chép vào giấy hoa tiên tặng chàng chứ.
Thúy Hậu đứng lên đấm thùm thụp vào vai tôi:
- Nì nì, cho mi chừa nì, chọc tao chi mà chọc vô hậu rứa.
Có tiếng còi xe vang ngoài cổng, tôi nhìn xuống:
- Ba tao về.
- Mi xuống mở cổng đi.
- Chị bếp đang ra mở.
- Thôi tao về hí.
- Ăn dưa đi đã nờ.
- Tao ăn ớn rồi. Mai đi phố chơi nghe Hạnh, đi chọn cho tao cái áo dài luôn.
- Mi định may áo chi rứa?
- Tao thích ghé Hồng Hoa chọn một áo lụa, nghe nói có nhiều bông mới ra dễ thương lắm.
- Ừ, thì đi. Mai tao đem xe qua nhà chở mi hí, nhớ sửa soạn trước đó.
- Tốt quá. À, mi khoan ăn sáng đã nghe. Mai tao bao mi ăn sáng bánh cuốn Lê Thánh Tôn.
Tôi đổi ý:
- Thôi, ăn hủ tiếu Thanh Xuân đi.
Ba lên lầu gặp tôi đưa Thúy Hậu xuống:
- Cháu Thúy Hậu đến chơi với Hạnh hả. Về chi sớm rứa cháu?
- Dạ, bác cho con về, mai chừ con tới chơi lâu rồi.
Tôi tiễn Thúy Hậu ra cổng:
- Mi về hí, đêm nay mơ nhiều mộng đẹp hí.
Mặt mày Thúy Hậu tươi rói:
- Tao cũng chúc mi lại như rứa. Mai nhớ qua nghe, đi sớm sớm cho mát.
- Thôi đi mi, đi chợ sớm mua hàng, trả giá xớn xác bị chửi chừ. Tao ớn mấy cái mụ bán hàng ở chợ Bến Thành quá đi.
- Mi quên rồi à. Ở Hồng Hoa bán giá nhất định mà, hơn nữa tụi mình còn đi ăn sáng nữa.
Tôi kêu lên:
- À, tao quên mất cái mục hấp dẫn nó. Mai tao qua mi sớm hí. Tao sẽ dậy đi lễ sớm. rồi tới mi.
- Ừ, tao đợi, tám giờ nghẹn.
- Ừ.
Tôi trở về phòng, cúi xuống bàn viết, lượm lại tờ giấy có bài thơ vừa bị tôi vò nát vì thẹn với Thúy Hậu. Tôi chép trang trọng bốn câu thơ vào tờ pelure hồng, xếp tư tờ giấy lại, nhét vào cuốn nhật ký. Chương ơi, Hạnh đã yêu anh rồi ư?
o O o
Giòng đời phẳng lặng trôi qua... Ba vẫn đi vắng nhà hoài vì công việc, chị Sương vẫn chưng diện ham chơi, sẵn sàng cúp cua vài ngày để dự những cuộc vui vô bổ. Tôi sống cô đơn trong gian nhà vắng, ngày hai buổi cắp sách tới trường nhu mì hiền hậu. Tình cảm giữa tôi và Chương đậm dần theo thời gian và sự chăm lo thăm viếng của Chương đã làm tôi quên bớt phần nào mặc cảm bơ vơ của mình... Còn Thúy Hậu, cô hé đã đạt được ước mơ, ngày được thầy Trung ngỏ ý là ngày Thúy Hậu khóc thật nhiều trên vai tôi. Những giọt nước mắt vui mừng ấy đã làm ánh mắt Hậu trong veo:
- Hạnh ơi, thầy Trung nói thầy Trung yêu tao. Tao quýnh quá, tao mừng quá, nên tao khóc.
- Thầy Trung tỏ tình với mi khi mô rứa?
- Dạo thầy gọi tao lên trả bài, hỏi thăm tại răng tao nghỉ, rồi từ đó thầy tới nhà tao hoài.
Tôi có vẻ không bằng lòng:
- Rứa mà mi giấu tao.
- Không phải tao giấu, nhưng tao thấy sự việc chưa đi đến mô hết. Chừ tao tìm mi để kể cho mi nghe đây nì, thấy chưa?
Tôi nhìn thẳng vào mắt Thúy Hậu:
- Vui không Hậu?
Thúy Hậu khép hờ đôi mi:
- Mi còn phải hỏi. Mi thử đặt mi vào địa vị của tao đi, khi được Chương tỏ tình...
Tôi bịt miệng nó:
- Chương chưa nói chi với tao hết.
- Răng cũng đến ngày đó, tao thấy mi và Chương xứng đôi vừa lứa lắm, Chương đẹp trai, mi đẹp gái.
Tôi lại nghĩ đến Chương, mơ màng:
- Hơn một năm rồi, từ ngày gặp lại Chương, tao cảm thấy tao mến Chương và Chương cũng mến tao lắm:
Thúy Hậu làm ra vẻ sành sỏi:
- Tao đoán là anh chàng đang đợi một dịp mô đó, thiệt thuận tiện, anh ta sẽ trải tâm hồn mình ra cho mi xem.
Thúy Hậu đã đoán đúng thật. Ngày tôi thi đậu Toàn phần là ngày Chương nói lên ước mơ thầm kín của anh:
- Hạnh, đời anh không thể thiếu Hạnh được.
Tôi cúi đầu mân mê tà áo. Vâng, anh là giọt sương mai và em là cánh hoa, đời em cũng không thể thiếu anh.
Chúng tôi đang ngồi dưới tàng cây trứng gà râm bóng, trên chiếc ghế đá tráng men hồng. Chương cầm lấy tay tôi:
- Răng Hạnh lại im lặng, Hạnh trả lời cho anh biết đi.
Tôi ngước lên nhìn Chương, ánh mắt anh ngọt ngào tha thiết, và xúc động quá tôi bật khóc. Chết chưa, tôi lại giống Thúy Hậu mất rồi.
Chương cuống lên:
- Kìa Hạnh, sao Hạnh lại khóc. Nếu Hạnh không bằng lòng, cho anh xin lỗi.
Tôi lắc đầu:
- Anh Chương, đừng hiểu lầm Hạnh. Khi mô Hạnh vui, khi mô Hạnh mừng, Hạnh thường hay khóc rứa.
Chương lấy mùi soa trong túi thấm nhè nhẹ lên má tôi:
- Hạnh đừng khóc. Hạnh làm anh cảm động, dám anh khóc theo lắm đó.
Tôi cắn môi, cố nín:
- Hạnh nín khóc rồi đây nì.
Chương nâng cằm tôi:
- Mắt Hạnh vẫn còn đỏ.
Tôi e thẹn gỡ tay Chương ra:
- Anh Chương đừng nhìn Hạnh nữa, Hạnh dị lắm.
Chương cất mùi soa vào túi:
- Hạnh nì, khi mô anh ra trường, tụi mình làm đám cưới nghe, ở nhà thờ lớn nghe.
Tôi đáp lí nhí:
- Dạ mô cũng được.
- Hạnh định học Dược phải không?
- Dạ.
- Năm Hạnh tốt nghiệp cũng là năm anh ra trường. Hạnh có chờ anh nổi không?
Tôi nhìn Chương trìu mến:
- Khi mô Hạnh cũng chờ anh được hết a. Trừ khi Hạnh chết.
Chương nhíu mày:
- Hạnh đừng nói dại miệng như rứa, anh không bằng lòng mô.
Tôi nói nhanh:.
- Hạnh xin lỗi anh.
- Hạnh nì.
- Gia đình anh sắp dọn vào Sài Gòn, Hạnh đã hay tin chưa?
- Dạ, ba Hạnh có cho Hạnh biết, hình như anh đã nói cho ba Hạnh nghe rồi?
Chương gật đầu:.
- Ừ, hôm qua lại nhà không gặp Hạnh, anh có tin cho bác trai biết.
- Nghe bác Nghè sắp vào, ba Hạnh mừng lắm. Hai ông bạn thân lại có dịp hàn huyên.
Chương cười:
- Hai ông sui gia chứ. Hạnh quên rồi sao?
Tôi nghe lòng rộn rã niềm vui, lòng nhẹ nhàng phơi phới hơn cả lúc hay tin thi đậu. Quả các cụ ngày xưa nói không sai, tin tiểu đăng khoa làm sao vui bằng đại đăng khoa.