Số lần đọc/download: 4081 / 116
Cập nhật: 2021-01-12 19:44:56 +0700
Chương 4 -
M
ùa xuân đi săn! Không ai làm như vậy bởi vì mùa xuân là mùa thú sinh đẻ. Vì thế Trần Quang Khải tổ chức cuộc đi săn này chỉ bằng bẫy lưới nhằm bắt trọn từng bầy dê núi, kể cả các con mới đẻ để đem thả vào những cánh rừng trong châu Ái. Giống thú quý này vì sống trong cánh rừng gần kinh thành nhiều người săn bắt quá, nhất là săn bắn bằng lưới dồn lưới đuổi cho nên chúng đã ít đi rất nhiều. Trần Quang Khải muốn đem thả chúng vào vùng núi đá giáp giới giữa châu Ái, châu Hoan để lưu lại cho đất nước sau này một giống thú quý.
Đi từ trên mỏm núi cao Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nhìn sang phía bên kia con sông. Ông trông thấy đoàn thợ săn vùng sông Cà Lồ dắt theo những đàn chó săn nổi tiếng dữ tợn và can đảm. Cho đến lúc cuối cùng của cuộc săn, người ta mới nghĩ rằng mặc dù lần này chỉ nhằm bắt sơn dương nhưng những thú dữ khác vẫn cứ có. Muốn tránh nguy hiểm cho thợ săn tốt nhất là cho gọi phường đem thêm chó tới. Đằng sau mấy phường săn, Trần Quang Khải nhìn thấy một đoàn người ngựa di chuyển lên thượng lưu sông. Rõ ràng là những người này đang khép một mắt của vòng vây mà từ ba ngày nay đã bủa chung quanh khu rừng búng báng rất rộng ở mé sông Cà Lồ. Trần Quang Khải nhìn thấy người cưỡi con ngựa dẫn đầu đoàn người giơ tù và lên thổi một hồi dài. Đó là hiệu lệnh cho cả đoàn mau chóng vượt qua con sông mùa này cạn nước để chiếm lĩnh điểm hợp vây. Người thổi tù và đó là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Trần Quang Khải gọi tả hữu đem ngựa đến. Ông ra lệnh cho một gia tướng:
- Nhà ngươi thay ta chỉ huy cuộc săn. Ta lại chỗ đức ông Hưng Đạo. Ngươi không cho bất kì ai biết ta ở đâu.
Trần Quang Khải lên ngựa, ông chỉ mang theo một vệ sĩ thân tín. Hai con ngựa phi dọc theo bờ sông tiến về phía trước nơi có một ngọn miếu cổ bỏ hoang. Khi ông tới nơi đã thấy Trần Quốc Tuấn ngồi nghỉ ở cái sập lễ xây bằng gạch phía trước bàn thờ. Chính Trần Quốc Tuấn đã giao việc chỉ huy toán thợ săn cho gia tướng của mình còn ông đến miếu này rõ ràng là có hẹn trước với đức ông hoàng Ba. Hai người vái chào nhau vừa kín vừa thân. Trần Quang Khải nói:
- Đệ thấy anh trưởng phóng ngựa như bay xem ra phong độ vẫn như xưa.
Trần Quốc Tuấn cười. Ông đã ngoài năm mươi tuổi nhưng thực ra với một người sống ở thôn quê không khí trong lành, ăn ngủ điều độ lại luyện tập võ nghệ đều đặn thì năm mươi tuổi chưa phải là tuổi già. Có chăng tuổi này là tuổi thực chín để làm những công việc lớn. Đó là ông già quắc thước, gân guốc, râu ba chòm dài rậm, đôi mắt sáng lấp lánh dưới đôi lông mày to dài hình nét mác. Ông mặc một chiếc áo dài thâm may chẽn chân xỏ đôi hia kị sĩ cùng màu thâm, ngang sườn thắt dải lưng màu vỏ dà bình thường. Nếu chỉ bằng vào quần áo thì không ai có thể ngờ được ông già này lại là Trần Quốc Tuấn, vị vương trưởng tộc họ Trần, vị vương quyền uy như một người chủ nợ chưa hé răng đòi chi thứ một chiếc ngai vàng.
Trần Quang Khải còn trẻ. Ông mới bốn mươi tuổi, cái tuổi phương cường vừa có sức khoẻ để xông xáo, vừa có kinh nghiệm của một người trí lự. Ngược lại với Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải mặc áo vóc tía thêu rồng bốn móng may chẽn như kiểu áo chiến. Ông thắt thắt lưng xanh. Bên sườn trái một thanh bảo kiếm vỏ thau cẩn chỉ bạc, thanh kiếm có cái chuôi ngà nạm hai con thuồng luồng bằng vàng. So với anh, Trần Quang Khải không cao lớn bằng, nhưng ông có dáng người cực kì linh hoạt và sắc sảo. Hai người mời nhau ngồi xuống cái sập lễ xây bằng gạch. Trần Quốc Tuấn mở một cuộn giấy màu vàng ra: Đó là một tấm bản đồ vùng Đông Bắc.
- Theo như thư trước chú viết về cho anh, anh đã cho thư nhi vẽ lại tấm bản đồ này. Chú hỏi về thế đất vùng này thì tốt nhất là vẽ ngay nó ra.
Rõ ràng hai người đều muốn làm việc thật nhanh gọn, Trần Quang Khải cúi xem bản đồ. Ông nói:
- Chỗ này vẫn là nơi chúng qua.
Ông chỉ tay xuống một hẻm núi ở phía bắc lộ Lạng Giang. Từ hẻm này một đường son nâu tượng trưng cho con đường cái quan ngoằn ngoèo chỉ xuống kinh thành Thăng Long.
- Trước đây quân Tống đã có một cánh quân xuyên cánh rừng phía tây nhưng vẫn chỉ là cánh quân phụ. Vả chăng hành quân đường này không sao biện nổi lương.
Trần Quang Khải cuộn tấm bản đồ lại, ông bồi hồi nhìn Trần Quốc Tuấn. Trước đây ít hôm ông chỉ muốn nhờ Trần Quốc Tuấn chỉ dùm cho địa thế vùng đông bắc vì Hưng Đạo vương là người rất thông thạo vùng này. Mà thực ra, Chiêu Minh vương cũng chỉ mượn cớ để cho tình anh em giữa ông và Trần Quốc Tuấn thêm thân. Những gì cha ông để lại, cả những hiềm khích đều dai đều bền. Giữa hai người đó là tình anh em con chú con bác mà cũng là anh em cùng mẹ khác cha. Ấy thế mà trong nhiều năm hai người nhìn nhau ngượng ngùng. Thiên hạ đa sự thì cho là hai vị huynh trưởng trọng yếu nhất của chi trưởng và chi thứ bị mối hiềm truyền kiếp du vào thế đối nghịch. Thực ra không phải như thế. Mỗi thế hệ trưởng thành phải gánh trên đôi vai mình những trách nhiệm mà trăm họ và đất nước giao cho. Thời cuộc bây giờ đang đòi hỏi họ phải sát cánh với nhau. Đó là khía cạnh dịu đi của mối hiềm xưa. Nhưng cũng có những khía cạnh trầm trọng hơn xưa. Nếu như trước đây là mối oán thù giữa hai người Trần Liễu và Trần Cảnh thì bây giờ người ta đã có thời gian sàng lọc để nhận chân nguyên nhân gây ra không phải là Trần Cảnh mà là Trần Thủ Độ. Gia dĩ Trần Thủ Độ làm như vậy cũng vì lợi ích của toàn họ Trần. Công lao của Trung Vũ vương càng ngày càng rõ rệt có ích cho xã tắc. Có thể nói tình hình hỗn loạn cuối đời Lý đã chấm dứt. Một xã hội mới hình thành dần dần. Trăm họ no đủ, mùa màng trúng liên tiếp, đêm đêm cổng ngõ không phải đóng chốt, của rơi ngoài đường không ai nhặt. Chi Vạn Kiếp chẳng còn lí do gì để trách cứ Trần Cảnh, cũng chẳng còn lí do gì để trách cứ Trung Vũ vương Trần Thủ Độ. Nhưng ở trong lòng những người chi trưởng, người ta lại thấy nảy sinh một mối băn khoăn mới, nhất là những người có đọc sách: Đó là chính kiến “ngôi vua phải nằm trong tay ngành trưởng”. Hiện nay chi thứ Tức Mặc giữ ngôi báu, Trần Quang Khải là người chủ chốt nắm giữ binh quyền, chính quyền. Còn người đại diện cho chi trưởng Vạn Kiếp là Đức ông Hưng Đạo. Cho nên hai người này thân mật hay lạnh nhạt với mức độ nào đó đều được triều thần, hoàng tộc và cả kẻ địch chú ý tới.
Trần Quốc Tuấn ngắm đăm đăm Trần Quang Khải:
- So với hồi tháng trước chú Ba nom gầy yếu hơn. Nhất là chỗ ấn đường có gân xanh nổi lên. Chú Ba nên bớt rượu đi. Ta nghe tả hữu nói chú Ba uống rượu nhiều lắm đó.
Nam vô tửu như kì vô phong. Trai không rượu như cờ thiếu gió. Cổ nhân đã nói như thế. Trần Quang Khải cả cười. Ông không biết trả lời anh như thế nào cả. Thực ra ông vẫn có uống rượu nhưng uống cũng ít thôi, ông có sút người đi là vì ngót một năm nay ông làm việc quá sức. Nào việc triều chính, nào việc quân cơ mật, nào việc duyệt xét bạ tịch các lộ xa xôi ở ven biển và vùng rừng núi tây bắc, nào việc tế lễ của quốc gia và dòng họ... có thể nói việc to việc nhỏ ông đều để mắt đến hết. Không phải Trần Quang Khải không hiểu rằng người làm việc giỏi là người biết xếp việc và chọn người giúp việc sao cho mình vẫn thư nhàn mà mọi việc đều chạy băng băng. Cũng không phải ông không chọn được người tin cẩn hoặc không biết chọn người. Lại càng không phải ông tham quyền cố vị. Việc của triều Trần, việc của quốc gia sơn hà xã tắc do hoàn cảnh lịch sử dun dủi đã rơi trọn vẹn vào tay ông. Lúc bình thì quyền thế danh lợi chen trộn vào nhau nhưng đến khi quốc gia có chuyện tày đình thì người ta mới thấy gánh nặng trĩu trên vai những người có trách nhiệm. Đúng, lúc ấy chỉ trách nhiệm mới nổi rõ lên trên mọi sự. Trần Quang Khải muốn thử xem mình làm việc được đến mức nào và khả năng của ông bao quát được đến đâu?
Bây giờ thì ông khẳng định được rằng ông có sức làm việc rất lớn, ông có khả năng bao quát một khối lượng công việc phức tạp, có nhiều mặt, nhiều loại, có tỉ mỉ cụ thể, có việc đòi hỏi một sự tổng định đại cương hết sức trừu tượng mà kết quả của loại công việc này cũng không thể tính đếm cụ thể được nhưng đó cũng là những công việc vô cùng quan trọng mà lịch sử đã minh chứng bằng gương thành bại của biết bao bậc tiền bối.
Tuy thế qua lần thử thách này một ý nghĩ đến với ông. Nếu ông có khả năng lớn như thế thì những người khác cũng có. Cần phải huy động được tiềm lực của tất cả mọi người vào sự nghiệp chiến đấu của đất nước. Chỉ cần người cầm quyền nhìn rõ và bạo dạn giao việc.
Và thế là một mối lo lắng mơ hồ nảy ra trong ông: Người cầm quyền ấy là ông hay là ông và vài người khác?
Trả lời được câu tự hỏi đó không phải là dễ dàng. Ông đã trằn trọc nhiều đêm. Ông đủ tài, đủ sức đảm đương trọng quyền. Ông cũng nhận rằng nhiều người trong anh em cùng họ cũng đủ tài đủ sức như ông hoặc hơn một chút, kém một chút. Ví như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, như Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Hưng Ninh vương Trần Tung, Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang...
Đem so sánh đến cùng, xứng đáng giữ trọng quyền có hai người là ông và đức ông Hưng Đạo. Tài sức ngang nhau, kiến văn quảng bác, đọc thông kim cổ bốn phương, hào khí hiên ngang, trí lực sâu sắc. Đó là hai người có tài nguyên thủ và có đức thu phục được trăm họ. Có thể ông, Chiêu Minh vương trẻ trung hơn, xông xáo sát phạt hơn một chút còn đức ông Hưng Đạo già dặn hơn, điềm đạm quyền biến hơn. Nhưng chỗ hơn kém ấy cũng chỉ chút xíu có thể nói hầu như không đáng kể. Chỉ mới so sánh thầm thôi ông đã băn khoăn, Chiêu Minh vương đã phải triệu phó quan của ông đến vấn kế. Đó là quan đại học sĩ Lê Văn Hưu. Ông này năm xưa đỗ bảng nhãn, đã từng làm việc trong Viện Hàn lâm trong nhiều năm sau đổi sang làm việc của quan chép sử trong Thái viện sử. Khi hoàng tử Quang Khải lớn lên, để trong hoàng cung không tiện, vua cha bèn phong tước vương Chiêu Minh và đưa ra ngoài hoàng cung, mở vương phủ cho ở, cử quan giỏi làm phó để giúp việc trong mạc phủ nhưng kì thực là làm hai việc: một là dạy dỗ ông hoàng tử mới được phong vương thành người có tài đắc dụng với quốc gia và hoàng tộc, hai là giám sát vị vương ấy và chịu trách nhiệm với nhà vua về đức trung quân của người học trò vương giả. Có nghĩa là phải dạy và kèm chặt hoàng tử trẻ, dẫn ông ta đi đúng đường là giữ vững phận thần tử khi vua cha truyền ngôi cho thái tử. Hoàng tử trẻ phải biết trung thành với vị vua mới anh mình, người được vua cha đã chọn để nối ngôi. Nếu ông ta trung thành, ông phó quan sẽ được khen thưởng trọng hậu, nếu ông ta nổi loạn tranh ngôi thì triều đình sẽ phát quân trừng trị cả hai thầy trò.
Lê Văn Hưu được cử làm phó quan của đức ông Chiêu Minh cũng với trọng trách như thế. Khi Thánh Tông lên ngôi, Trần Quang Khải được anh trọng vọng. Ông từ những chức trấn thủ nhiều lộ quan trọng như lộ Hồng, Khoái, Hoàng Giang, Thanh Hoá... và mau chóng được giao quyền Tể tướng Thái sư, nắm trong tay cả chính quyền lẫn binh quyền. Trải qua các chức, Trần Quang Khải đi đến đâu cũng mang theo Lê Văn Hưu, ông bảng nhãn này trở thành người tả hữu không thể thiếu được của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Mãi cho đến khi Trần Quang Khải về kinh nhận chức Tể tướng, Lê Văn Hưu mới thôi chức phó quan để nhận quan chức của triều đình. Ông chuyên tâm vào việc chép sử và soạn bộ sử của nước ta từ thời các vua Hùng lập quốc cho tới bây giờ. Tuy vậy, đôi khi gặp việc khó khăn, éo le, trọng đại, đức ông Chiêu Minh thường tìm đến bậc thầy mình để vấn kế.
Việc chọn nguyên thủ lần này đúng là một việc trọng đại. Trần Quang Khải mời Lê Văn Hưu đến phủ Thái sư vào một buổi tối, đối ẩm song bôi, đánh với nhau một ván cờ tướng. Lê Văn Hưu không còn lạ gì tính người học trò trẻ của mình, ông cứ uống rượu, cứ đánh cờ thản nhiên và điềm đạm. Đầu canh hai, thình lình Chiêu Minh vương dẹp bàn cờ, giơ tay đuổi tả hữu ra hết và ngồi trân trân suy nghĩ. Lê Văn Hưu cũng không hỏi. Ông quan chép sử thu tay trong lòng và cũng im lặng nhìn người học trò của mình. Ông thừa hiểu người học trò của mình lúc chưa muốn nói thì có cậy răng cũng không nói mà lúc muốn nói rồi thì cũng không gì ngăn cản nổi.
Lê Văn Hưu ngồi lặng thinh nhìn Trần Quang Khải. Ông già chép sử biết tỏng cơn phong ba trong lòng người học trò mình. Vốn là kẻ chép sử, quen với việc phải nghiền ngẫm biết bao chuyện cổ kim cân nhắc và đánh giá chúng để chép lấy đôi hàng chữ, Lê Văn Hưu như người sống ngoài thời gian. Việc một nghìn năm trước với ông cũng có khi như việc mới xảy ra và việc hôm nay tưởng như chỉ là việc quá ư xưa cũ. Mọi người, mọi việc trong tâm trí ông như đông cứng lại theo mẫu sử bút cổ: Viết sử là để khuyên can thiên tử, răn đe chư hầu, trấn áp các đại phu. Cho nên giới vương giả quyền quý đối với ông vốn cực kì quen thuộc, họ cũng chỉ là những con người có thể thành hay bại, có thể vinh hay nhục, có thể được sử sách nêu tên bằng chữ vàng chói lọi hay bôi nhọ bằng giấy trắng mực đen. Công việc của ông từ mười năm nay được hoàng đế sủng ái giao cho đã làm cho vô khối công hầu khanh tướng hoảng sợ ngầm. Mỗi bận gặp gỡ ông họ cứ lấm lét thăm dò bằng những lời ngọt ngào mong được ông lộ cho đôi điều về cái đức cái nhân cái trí cái dũng của họ dù chỉ tí chút để họ mừng còn ngược lại nếu ông nghiêm mặt không nói (vì tính Lê Văn Hưu lầm lì) hoặc ông đang bận nghĩ một chuyện gì khác mà không trả lời là họ băn khoăn lo lắng. Trần Quang Khải vốn là người có đức lớn, ông không ham danh vọng, không ham giàu sang mặc dầu ông sống trong khung cảnh giàu sang danh vọng từ tấm bé. Những điều Lê Văn Hưu đã rèn dạy ông từ thơ ấu có điều ông theo, có điều ông không chịu nhưng chỉ duy một chữ “Hành” là ông tâm đắc nhất. Ông không thể có một ngày một khắc ngồi không. Con người không làm việc đối với ông không khác gì thú vật. Lê Văn Hưu thừa hiểu tâm tính đó của Trần Quang Khải. Vậy thì học trò của ông có băn khoăn thì chỉ vì công việc mà là những việc quân quốc trọng sự. Chả phải suy nghĩ sâu xa ông cũng đoán ra đó là việc gì. Và ông cứ ngồi nhìn...
Trần Quang Khải đột nhiên hỏi:
- Lão ân sư, nhà Nguyên có dị chí, ai là người đảm đương được trách nhiệm cự địch?
Đúng rồi, ông đoán đúng rồi, học trò của ông băn khoăn về vị thế của nguyên thủ trọng thần. Lê Văn Hưu điềm đạm mỉm cười hỏi lại:
- Hay lắm, vương gia hỏi câu ấy cho ai vậy đó?
Câu hỏi của Lê Văn Hưu làm cho Trần Quang Khải sửng sốt. Chiêu Minh vương nhíu cặp mày lưỡi mác suy nghĩ trầm ngâm. Như thế là Lê Văn Hưu có thể có nhiều cách trả lời khác nhau tuỳ theo phía người cầu nghe.
- Xin lão ân sư nói rõ thêm.
- Được lắm, tôi là người được vương gia coi như sư phó, tình thân, tâm phúc, tri ngộ đã lâu dài. Đây này, vương điệt nhi, ta nói rõ ý ta. Việc chọn người có thể vì hoàng gia, có thể vì hoàng thượng, có thể vì ngành trưởng hay ngành thứ và cũng có thể vì giang sơn trăm họ. Vương điệt nhi chỉ cần nghĩ một tí thôi là cũng thấy câu trả lời nên như thế nào.
Trần Quang Khải suy nghĩ rất lung. Câu nói của Lê Văn Hưu rõ ràng giúp cho ông xếp sắp lại bao mối lo âu lộn xộn trong đầu. Chợt Lê Văn Hưu lại tiếp:
- Nên trả lời như thế nào ư? Đâu chỉ nên dừng lại ở đó mà nên vì ai để lựa chọn cách nên theo.
Như thế lại càng rõ, mặc dù sự thật quả có tàn nhẫn, Trần Quang Khải hiểu rằng thầy mình đã khéo vạch ra chỗ khiếm khuyết trong cách suy nghĩ của ông. Lê Văn Hưu lại cười, ông già đã từng danh đứng tam khôi thừa hiểu ý nghĩ của Trần Quang Khải. Nhìn học trò, Lê Văn Hưu mừng thầm và thấy lúc này thiện lương đang đột khởi thì dấn luôn tí nữa cũng hay.
-Vương gia nên nhớ cổ nhân đã có câu: “Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng”. Biết được mình là anh, thắng được mình là hùng. Bậc anh hùng chỉ có vậy đó thôi. Trong việc chọn nguyên thủ trọng thần lần này, người quyết là vương gia. Chẳng những cần người có tài mà cái chính là phải quy tụ được hoàng gia, chư tướng, anh hùng nghĩa sĩ và trăm họ.
Lê Văn Hưu chỉ nói có vậy nhưng dư thừa sức thuyết phục với Trần Quang Khải và Chiêu Minh vương quả quyết vào cung bàn riêng với Thượng hoàng Thánh Tông một buổi tối. Sau đó người ta thấy có chiếu chỉ triệu đức ông Hưng Đạo tiến kinh bàn việc quân quốc trọng sự. Hưng Đạo vương không bao giờ ngờ tới việc tiến kinh của ông nảy ra từ bữa rượu giữa thầy trò ông già chép sử. Ông lên kinh và mơ hồ nhận thấy đức ông Chiêu Minh hết sức chăm chút ông một cách kín đáo. Trong sự chăm chút đó, đức ông Chiêu Minh còn tỏ ra kính trọng và tin cẩn Hưng Đạo vương bội phần. Từ việc to việc nhỏ, Chiêu Minh vương đều khéo léo hỏi ý ông, lắng nghe và thân mật bàn bạc. Ngay việc tìm hiểu địa thế vùng đông bắc này chả hạn, tuy nó là việc quan trọng đó nhưng đâu đã phải đến hai đức ông lo lắng nhiều. Nó chỉ là một trong những cái cớ để hai người mỗi lúc mỗi thân thiết gần gũi nhau thêm, và mỗi lúc mỗi quen có nhau.
Trên bờ sông Cà Lồ hôm đó cuộc săn thật mĩ mãn. Người ta bắt được hơn mười đôi sơn dương trong đó có ba đôi mới được ba năm tuổi, đúng vào thời sinh sản thuận lợi. Trần Quang Khải sai đóng cũi bầy dê. Đàn dê được đưa qua Thăng Long một cách ồn ào và lộ liễu, chúng được thuyền quân chở thẳng xuống phía nam để thả vào những cánh rừng đại ngàn giáp ranh hai châu Hoan, Ái.
Nhưng rất ít người lưu ý và cũng ít người được biết có cuộc gặp gỡ giữa hai đức ông.