Nguyên tác: Everyman
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Chương 3
C
hỉ vài ngày sau khi ông trở về sau kỳ nghỉ một tháng hạnh phúc như mọi kỳ nghỉ ông từng biết kể từ hồi vẫn đi nghỉ cùng gia đình tại Bờ biển Jersey trước chiến tranh, cảm giác khó ở đã bắt đầu. Trước đó, ông đã dành cả tháng Tám ở một ngôi nhà xiêu vẹo đồ đạc chưa lắp đặt xong trên một con đường cách xa bờ biển trên đảo Martha's Vineyard cùng người phụ nữ mà suốt hai năm qua ông đã cặp kè chung thủy. Đến tận giờ họ vẫn chưa từng dám chuyển sang chung sống cùng nhau hằng ngày, nhưng cuộc sống thử đó là một thành công vui sướng, một tháng tuyệt vời chỉ toàn đi bơi, đi bộ leo núi và tình dục thoải mái suốt cả ngày. Họ bơi qua vịnh tới một dãy cồn cát nơi họ có thể nằm khuất tầm mắt thiên hạ mà làm tình dưới ánh mặt trời rồi thức dậy mặc lại đồ bơi rồi bơi ngược lại bãi biển và bắt được cả mớ trai trên đá cho vào một cái xô đầy nước biển đem về nhà làm bữa tối.
Những khoảnh khắc bất ổn duy nhất là ban đêm, khi họ cùng sóng bước đi trên bờ cát. Biển tối thẫm ầm ào nặng nề xô bờ cùng bầu trời sao chi chít khiến Phoebe sung sướng vô ngần nhưng lại làm ông sợ hãi. Sự vô biên của trời sao nói với ông không chút mơ hồ rằng định mệnh của ông là phải chết, và cơn thịnh nộ của biển chỉ cách ông vài mét kia - cùng cơn ác mộng về bóng đen tối tăm nhất bên dưới mặt nước cuồng nộ này - khiến ông muốn bỏ chạy khỏi mối đe dọa bị tan thành cát bụi mà về với ngôi nhà chưa trang bị đủ nhưng thoải mái, sáng đèn của họ. Hồi còn anh dũng phục vụ trong hải quân ngay sau Chiến tranh Triều Tiên ông đâu có trải nghiệm sự bao la của biển cả và trời đêm rộng lớn theo cách ấy - hồi đó chúng chưa bao giờ là những tiếng chuông nguyện hồn ai. Ông không thể hiểu nỗi sợ này ở đâu ra và phải dùng hết sức che giấu để Phoebe không nhận thấy. Tại sao ông lại hồ nghi chính đời mình thế này đúng vào lúc đang làm chủ nó hơn bao giờ hết? Tại sao ông lại đi tưởng tượng ra chính mình đứng trên bờ tuyệt diệt khi dòng suy nghĩ bình tĩnh, hiển nhiên vẫn bảo ông rằng cuộc sống sắp tới sẽ còn vững chắc hơn thế này nhiều? Vậy mà đêm đêm điều đó vẫn xảy ra trong lúc họ đi dạo trên bãi biển dưới sao trời. Ông không phải là kẻ thích cường điệu hay bệnh hoạn hay cực đoan ở bất cứ dạng nào, vậy thì tại sao, ở tuổi ấy, ông lại bị ám ảnh bởi những ý nghĩ về cái chết? Ông là người hiểu lý lẽ và tốt bụng, một gã đàn ông thân mật, khiêm nhường, chăm chỉ, hẳn ai biết ông cũng sẽ nhất trí như thế, ngoại trừ, đương nhiên rồi, người vợ đầu và hai đứa con trai mà ông đã bỏ rơi và những người, cũng dễ hiểu thôi, không thể cân bằng phương trình giữa hiểu lý lẽ và tốt bụng với việc cuối cùng ông đã từ bỏ một cuộc hôn nhân thất bại mà đi nơi khác kiếm tìm sự gần gũi với một phụ nữ mình hằng khao khát.
Hầu hết mọi người, ông tin thế, hẳn đều nghĩ về ông như một hình vuông. Hồi còn trẻ, ông cũng nghĩ về chính mình như một hình vuông, tuân thủ lệ thường và thiếu tính phiêu lưu đến độ sau khi học xong trường mỹ thuật, thay vì tự thân lao ra đường mà vẽ và sống bằng bất cứ khoản tiền nào kiếm được từ những công việc lặt vặt - một ước mơ bí mật của ông - ông lại là một đứa con quá ngoan, và, để đáp lại nguyện vọng của bố mẹ hơn là của chính mình, ông lấy vợ, sinh con, rồi đi vào ngành quảng cáo để có thu nhập đảm bảo. Ông chưa từng nghĩ gì về mình hơn một người bình thường, một kẻ sẵn sàng đánh đổi tất cả để giữ cho cuộc hôn nhân của mình kéo dài suốt kiếp. Khi lấy vợ, ông cũng mang theo chính cái mong đợi ấy. Nhưng rồi cuộc hôn nhân đã trở thành gian xà lim, và thế là, sau nhiều suy nghĩ dằn vặt choán hết đầu óc khi làm việc cũng như trong những lúc đáng lẽ phải dành để ngủ, ông bắt đầu ngập ngừng, khổ sở, đào một đường hầm tẩu thoát. Chẳng phải người thường vẫn làm thế sao? Chẳng phải người thường ngày nào cũng làm như thế sao? Trái ngược với những gì vợ ông kể với mọi người, ông chẳng hề thèm khát gì thứ tự do lố lăng là được làm mọi thứ. Khác xa. Ông thèm khát thứ gì đó ổn định trong lúc vẫn căm ghét những gì mình từng có. Ông cũng không phải loại người thích sống hai mặt. Ông chẳng oán thù gì với những giới hạn hay sự thoải mái khi tuân theo quy tắc. Ông chỉ muốn trút sạch khỏi tâm trí mình những suy nghĩ khó chịu đẻ ra từ nỗi hổ thẹn của cuộc chiến hôn nhân kéo dài. Ông không đòi được làm ngoại lệ. Chỉ là ông dễ bị tổn thương, và dễ bị tấn công và bối rối. Và tin chắc rằng mình, với tư cách một người phàm, có quyền được tha thứ tuyệt đối cho dù đã giáng lên đầu con cái bất cứ mất mát gì chỉ để không phải sống trong cảnh loạn trí nửa đời.
Cuộc chạm trán khủng khiếp với cái kết ư? Mình mới ba mươi tư! Đợi đến khi bảy mươi lăm, ông tự nhủ, thì hẵng lo lắng về cái chết! Từ giờ tới tương lai xa vẫn còn đủ thời gian để khổ sở vì thảm họa sau chót ấy!
Nhưng ngay khi ông và Phoebe trở về Manhattan - nơi họ sống trong những căn hộ cách nhau chừng ba mươi khối nhà - ông lập tức cảm thấy ốm mệt không rõ nguyên do. Ông đánh mất sự ngon miệng và sinh lực, suốt ngày thấy buồn nôn và chẳng thể đi hết một dãy phố mà không thấy lả người và chóng mặt.
Bác sĩ chẳng phát hiện ra điều gì không ổn ở ông. Ông đã bắt đầu điều trị với một nhà phân tâm học từ sau vụ ly dị, và tay phân tâm học ấy quy nguyên nhân tình trạng của ông là vì ghen tị với một giám đốc nghệ thuật đồng nghiệp vừa được thăng tiến làm phó chủ tịch chi nhánh.
"Điều này khiến ông phát bệnh," tay phân tâm phán.
Ông phân trần rằng đồng nghiệp đó là cấp trên của ông đã mười hai năm rồi, đồng thời còn là một đồng nghiệp hào phóng và ông chỉ cầu cho ông ta những gì tốt đẹp, nhưng tay phân tâm cứ ca mãi bài "mối ghen tị ngấm ngầm" là lý do ẩn sau tình trạng khó ở này, và khi hoàn cảnh đã chứng minh là gã đã sai, tay phân tâm có vẻ vẫn thản nhiên trước đánh giá sai lầm của chính gã.
Những tuần tiếp đó ông đi khám bác sĩ thêm vài lần nữa, dù bình thường phải vài năm một lần ông mới ghé chỗ ông ta vì con ốm vặt. Nhưng giờ ông bị sút cân và những cơn buồn nôn đang trở nên trầm trọng. Chưa bao giờ ông cảm thấy mình mục rữa như thế, chưa bao giờ ngay cả sau khi ông bỏ Cecilia và hai đứa con nhỏ rồi cuộc chiến tòa án sau đó về những điều khoản ly hôn và ông được luật sư của Cecilia mô tả trước tòa là "một gã lăng nhăng nổi tiếng" chỉ vì vụ ngoại tình với Phoebe, copywriter [1] của hãng (đồng thời là người được nguyên đơn đứng trên bục nhân chứng - đau khổ, rã rời, như thể thấy mình đang kiện Marquis de Sade [2] - gọi là "cô thứ ba mươi bảy trong đội quân gái gú của anh ta," trong khi trên thực tế bà đang nhìn quá xa vào tương lai và Phoebe khi ấy mới là số hai), ít nhất thì lần đó cũng có một nguyên nhân dễ nhận ra cho toàn bộ sự khốn khổ ông cảm thấy. Còn lần này, việc ông đã thay đổi trong chớp mắt từ một người dồi dào sức khỏe thành một kẻ mất sức thật không sao lý giải.
Một tháng trôi qua. Ông không thể tập trung vào công việc, ông bỏ thói quen bơi buổi sáng, và tới lúc này ông đã chẳng thể nhìn vào thức ăn. Vào một buổi chiều thứ Sáu ông về sớm bắt taxi tới chỗ bác sĩ mà không đặt lịch hẹn, thậm chí không gọi điện báo trước. Ông chỉ gọi báo cho mỗi Phoebe.
"Cho tôi nhập viện đi," ông nói với bác sĩ. "Tôi thấy như sắp chết rồi."
Bác sĩ sắp xếp, và khi ông tới bệnh viện thì Phoebe đã ở chỗ quầy thông tin. Đến năm giờ chiều ông đã yên vị trong một phòng, và vừa chớm bảy giờ đã có một người đàn ông trung niên cao ráo, rám nắng, đẹp trai mặc com lê dự tiệc bước vào tự giới thiệu là chuyên gia phẫu thuật mà bác sĩ điều trị của ông đã gọi tới thăm bệnh cho ông. Ông ta đang trên đường tới một sự kiện trang trọng nhưng muốn ghé qua đây trước để khám qua. Những gì ông ta làm chỉ là ấn tay thật mạnh xuống bên phải bụng dưới ông. Không như tay bác sĩ vẫn điều trị cho ông, ông này cứ ấn mãi ấn mãi khiến ông đau thấu trời. Ông cảm thấy chực nôn. Chuyên gia phẫu thuật nói, “Trước đó anh có thấy đau bụng chỗ nào không?" "Không," ông đáp. "Chậc, đau ruột thừa rồi. Anh phải mổ thôi." "Khi nào?"
Ngay bây giờ."
Tiếp đó ông trông thấy ông ta trong phòng mổ. Ông ta đã thay đồ dự tiệc bằng áo choàng phẫu thuật. "Anh vừa cứu tôi khỏi một bữa tiệc chán chết," bác sĩ phẫu thuật nói.
Đến sáng hôm sau ông mới tỉnh. Đứng cuối giường ông, cùng với Phoebe, là cha mẹ ông, trông cả hai đều căng thẳng. Phoebe, người họ chẳng hề biết đến (ngoài những miêu tả bôi xấu của Cecilia, ngoài những tràng diễn văn kết thúc bằng "Con thấy tội nghiệp cho con nha đầu đến sau này - con thật lòng thấy thương hại con đĩ Quaker đê mạt này!"), đã gọi điện báo và họ đã lập tức lái xe tới từ New Jersey, cố hết sức, ông lờ mờ nhận thấy hình như một nam y tá đang gặp rắc rối với việc cắm một loại ống gì đó vào mũi ông, hoặc cũng có thể anh ta chỉ đang cố rút nó ra. Ông thốt ra những từ đầu tiên - "Đừng có làm hỏng việc!" - rồi lại rơi vào vô thức.
Lần kế ông tỉnh lại thì thấy cha mẹ ngồi ghế. Có vẻ như họ cũng bị sự mệt mỏi hành hạ và đè nặng.
Phoebe ngồi nắm tay ông trên chiếc ghế bên giường. Khi ấy bà là một phụ nữ trẻ, xanh xao, sở hữu một vẻ ngoài yếu mềm che giấu sự điềm tĩnh và kiên định. Bà không để lộ chút sợ hãi nào, không cho phép nó lộ ra trong giọng nói.
Phoebe rất hiểu về nỗi thống khổ thể xác vì từng phải chịu những cơn đau đầu mà thời còn đôi mươi bà chẳng coi ra gì nhưng đến ba mươi khi chúng trở nên thường xuyên và liên tục thì bà đã nhận ra đó là chứng đau nửa đầu. Bà may mắn khi vẫn ngủ được khi bị đau, nhưng những lúc mở mắt, những lúc bà tỉnh táo thì nó lại xuất hiện - cơn đau không thể tưởng tượng nổi ở một bên đầu, sức nặng đè xuống trên mặt và quai hàm, và ở tận đáy hốc mắt như có một bàn chân đặt lên cầu mắt bà mà di nát nó. Những cơn đau nửa đầu thường bắt đầu với những vòng xoáy ánh sáng, những đốm sáng chói lòa chuyển động xoắn ốc trước mắt ngay cả khi bà đã nhắm lại, rồi tiếp diễn với sự mất phương hướng, chóng mặt, đau đớn, buồn nôn, và nôn. "Chẳng có gì khổ như việc có mặt trên cõi đời này," về sau bà bảo ông. 'Chẳng có gì trong cơ thể em ngoại trừ sự đè nặng trong đầu." Tất cả những gì ông có thể làm giúp bà là đem đổ cái chậu nôn lớn của bà, rửa sạch nó trong phòng tắm, rồi rón rén trở vào phòng ngủ đặt lại bên giường để bà dùng lúc nào buồn nôn tiếp. Trong lúc cơn đau diễn ra, từ hai mươi tư tới bốn mươi tám tiếng đồng hồ, bà không thể chịu đựng nổi sự hiện diện của ai khác trong căn phòng tối om, cũng như không sao chịu nổi ánh sáng dẫu chỉ là một tia mảnh mai nhất lọt vào qua những tấm mành kéo kín. Và thuốc thang chẳng ích gì. Không loại nào có tác dụng. Một khi cơn đau nửa đầu đã tới, không có cách gì ngăn nó lại.
"Chuyện gì đã xảy ra thế?" ông hỏi bà.
"Vỡ ruột thừa. Anh để lâu quá."
"Anh bị nặng đến mức nào?" ông yếu ớt hỏi.
"Viêm phúc mạc nặng. Đang đặt ống dẫn lưu trong vết thương. Họ đang dẫn dịch mủ ra ngoài. Anh đang phải truyền kháng sinh liều cao. Anh sắp vượt qua. Tụi mình sắp sửa lại được bơi qua vịnh."
Thật khó mà tin. Nhớ lại hồi năm 1943, cha ông cũng đã suýt chết vì viêm ruột thừa không chẩn đoán kịp gây viêm phúc mạc nặng. Hồi ấy cha bốn mươi hai, có hai con nhỏ và phải nằm viện - tức là nghỉ việc - ba mươi sáu ngày. Khi về nhà, cha ốm yếu đến độ hầu như không leo nổi một lượt cầu thang ngắn dẫn lên căn hộ của họ, và sau khi được mẹ đỡ từ cửa nhà vào phòng ngủ, ông ngồi lên mép giường, ở đó, lần đầu tiên trước mặt con cái, ông sụp xuống mà khóc. Mười một năm trước đó, em trai út của cha, chú Sammy, đứa con cưng trong tám người con của ông bà nội, cũng chết vì viêm ruột thừa cấp khi vừa học năm thứ ba trường đào tạo kỹ sư. Khi ấy chú mới mười chín, mười sáu tuổi chú đã vào đại học, và tham vọng của chú là trở thành kỹ sư hàng không. Trong số tám anh chị em của bố, chỉ có ba học hết được phổ thông, chú Sammy là người đầu tiên và duy nhất vào đại học. Bạn bè chú là những anh chàng giỏi giang nhất vùng, tất cả đều là con cái của dân nhập cư Do Thái, họ thường xuyên qua nhà nhau chơi cờ và đàm đạo nảy lửa về chính trị và triết học. Chú là thủ lĩnh của bọn họ, là thành viên đội điền kinh đồng thời là một thiên tài toán học với một nhân cách tỏa sáng. Sammy chính là cái tên cha cứ gọi mãi trong lúc nức nở ở phòng ngủ ấy, kinh ngạc khi thấy hình ảnh chú ấy trở lại giữa cái gia đình mà giờ ông là người chu cấp.
Chú Sammy, cha ông, và giờ là ông - kẻ thứ ba bị hạ gục bởi một mẩu ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc. Trong hai ngày tiếp đó, ông cứ trôi qua trôi lại giữa hôn mê và tỉnh nên không ai biết số phận của ông sẽ như Sammy hay như cha.
Đến ngày thứ hai thì anh trai ông bay tới từ California, và khi ông mở mắt và trông thấy anh đứng bên giường, một vóc dáng to lớn và dịu dàng, điềm tĩnh, tự tin, vui tươi, ông chợt nghĩ, mình không thể chết khi Howie ở đây. Howie cúi xuống hôn trán ông, và ngay khi ông ấy ngồi xuống ghế cầm tay người em ốm yếu thì thời gian chợt ngưng đọng, hiện tại biến mất, và ông trở về thời thơ ấu, lại là một cậu bé con, được người anh trai tốt bụng ngủ giường kế bên bảo vệ khỏi mọi nỗi lo lắng và sợ hãi.
Howie ở lại bốn ngày. Trong bốn ngày đó thỉnh thoảng ông lại bay tới Manila, Singapour, Kuala Lumpur rồi khứ hồi. Ông khởi đầu sự nghiệp của mình bằng vị trí nhân viên chạy việc văn phòng ở tập đoàn chứng khoán Goldman Sachs nhưng đã nhanh chóng đi từ việc sắp xếp thư từ tới vị trí sếp trưởng của phòng buôn bán ngoại tệ và bắt đầu tự mình đầu tư chứng khoán. Cuối cùng ông trở thành người đầu cơ tiền tệ cho các tập đoàn đa quốc gia lớn ở nước ngoài - những nhà sản xuất rượu tại Pháp, những nhà sản xuất máy ảnh ở Đức, những nhà sản xuất ô tô ở Nhật, giúp họ biến franc Pháp, mark Đức và yen Nhật thành đô la. Ông thường xuyên đi xa để gặp khách hàng, tiếp tục đầu tư vào những công ty ông thích, và đến tuổi ba mươi hai ông đã kiếm được triệu đô đầu tiên.
Tiễn cha mẹ về nhà nghỉ xong, Howie đã cùng với Phoebe ở bên ông qua giai đoạn tồi tệ nhất và chỉ chuẩn bị về hẳn sau khi nhận được lời đảm bảo của bác sĩ rằng đã hết nguy hiểm rồi. Vào buổi sáng cuối cùng, Howie nói khẽ với ông, "Lần này chú kiếm được một cô gái tốt đấy. Đừng làm hỏng chuyện. Đừng để cô ấy đi."
Ông nghĩ, trong niềm vui sướng vì đã được sống sót, liệu đã bao giờ có ai sở hữu một lòng ham sống dễ lây như Howie? Đã bao giờ có một gã em trai may mắn như ông?
Ông nằm viện ba mươi ngày. Các y tá hầu hết là những phụ nữ trẻ dễ chịu, chu đáo, nói giọng Ai Len và dường như luôn có thời gian tán chuyện một lát khi ngó vào kiểm tra ông. Tối nào Phoebe cũng đi làm về thẳng phòng bệnh này để ăn tối với ông; ông không thể hình dung ra sẽ thế nào nếu phải ở trong tình trạng cần chăm sóc và yếu ớt thế này, phải đối mặt với bản chất huyền bí của sự ốm yếu mà không có bà. Anh trai ông không cần phải nhắc ông đừng để bà đi; ông chưa bao giờ quyết tâm giữ ai lại nhiều đến thế.
Bên ngoài cửa sổ ông đã trông thấy lá cây chuyển màu khi từng tuần của tháng Mười qua đi, và khi bác sĩ phẫu thuật đến ông liền nói, "Khi nào tôi mới được ra khỏi đây? Tôi sắp bỏ lỡ mùa thu của năm 1967 rồi đây này." Tay bác sĩ tỉnh queo lắng nghe, và rồi, với một nụ cười, ông ta đáp, "Anh vẫn chưa hiểu sao? Anh đã bỏ lỡ hầu như mọi thứ."
Hai mươi hai năm đã qua. Hai mươi hai năm của sức khỏe tuyệt vời và lòng tự tin vô hạn luôn theo sau sức khỏe - hai mươi hai năm thoát khỏi kẻ thù là ốm đau và tai họa đang đợi sau cánh gà. Như đã tự trấn an khi cùng Phoebe bước dưới trời sao trên đảo Vineyard, khi bảy mươi lăm tuổi ông mới lo về cái chết.