Số lần đọc/download: 7337 / 83
Cập nhật: 2015-03-15 22:28:51 +0700
Chương 4 - Tới Hố Bần, Bảy Trân Thuyết Khách
- A
nh Hai!- Thằng Mười chưa tới cửa đã kêu lên:
Hai Vĩnh buông quyển Thủy Hử chạy ra mừng rỡ.
- Mười! Có tin vui hả em?
- Có! Ba em mời anh chiều nay qua nhà chơi.
Hai Vĩnh ngẩn ngơ:
- Ba em mời anh? Chớ không phải chị Tư em?... Có việc gì?
- Em không biết, nhưng quan trọng lắm. Ở nhà đang làm heo.
- Làm heo? Hay là đám cưới của...
Cậu bé lắc đầu:
- Không phải đám cưới đâu! Anh Hai qua thì biết ngay. Đi ngay bây giờ kẻo trễ...
Hai Vĩnh lật đật thay đồ. Trên đường anh không ngớt phân vân. Cậu bé đưa Hai Vĩnh đi ngã sau. Cảnh làm heo diễn ra nhộn nhịp. Kẻ cạo lông, người xả thịt. Tất cả các chị em con ông Tám đều có mặt. Lên nhà trên, Hai Vĩnh gặp các anh Ba Mãi, Năm Hồi, Bảy Hải là con trai của ông Tám. Ngoài ra còn có ba anh em Tư Phương, Chín Mập và Mười Nhỏ là em bà Tám. Năm Hồi đang bắt Mười Nhỏ kể lại vụ thằng Tây lại bót Ba-tít-ta ở cầu Chữ Y bao “săn chê” (1) Nhật, bắt bọn Mười Nhỏ. Mười Nhỏ bị bắn trúng vai nhưng vẫn lặn sông Rạch Ong lớn trốn thoát.
Anh kể chuyện chết sống hết sức thản nhiên như chuyện đùa giỡn không đáng quan tâm.
Ngoài số bà con còn trên chục người mặt rằn mày rện trông thật hầm hừ. Có người xách theo cả “xà búp” và giáo mác... Nhưng Hai Vĩnh đặc biệt để ý hai người ngồi trên trường kỷ đang uống trà nói chuyện với ông Tám. Thấy cách tiếp đãi đầy kính trọng của ông Tám, anh biết hai người lạ mặt ấy chính là thượng khách của bữa tiệc hôm nay. Một người mặc áo dài trắng, úp cái nón chóp trắng trên đầu gối, giống như một chức sắc Cao Đài. Người kia mặc bộ bà ba mốc cời, đầu trần, chân đi guốc mòn lẻm, có thể làm dao cạo được. Tóc ông hớt cao, kiểu “tiền văn minh, hậu sư cụ”. Tuy giống dân quê, nhưng ông có khuôn mặt thông minh và nhất là đôi mắt sáng như cặp đèn pha.
Khi tất cả đã đến đông đủ, ông Tám đứng lên vỗ tay làm hiệu cho mọi người ngồi xuống và giữa trật tự:
- Hôm nay gặp được quới nhơn, tao làm heo gọi tụi bây về đây chung vui. Tụi bây hãy nghe quới nhơn nói chuyện trước khi nhập tiệc.
Người hớt tóc cao đứng lên cúi đầu chào mọi người. Anh ta lớn hơn Hai Vĩnh một con giáp, mình dây, dong dỏng cao. Với giọng chậm rãi, anh bắt đầu nói:
- Ông Tám gọi tôi là “quới nhơn”. Quả tình tôi không dám nhận vinh dự lớn lao đó. Tôi chỉ là một người làm chính trị, cũng là người trong tổng Tân Phong Hạ này, cha tôi ở An Phú, còn mẹ tôi ở Đa Phước. Tôi tên Bảy Trân, chú Tư Ó trụ trì chùa Cao Đài Phú Lạc đây là em bạn dì ruột của tôi- anh chỉ người mặc áo dài trắng. Có tiếng xì xào trong đám đông. Chờ vài giây, Bảy Trân nói tiếp:
- Tôi kể lai lịch ra đây để anh em thấy rõ tôi là đồng hương với anh em. Tôi với anh em tuy hai mà một, bởi vì chúng ta lò mò ra xóm thì làng lính tóm ngay để đưa về Khám Lớn… thằng Tây rất sợ chúng ta, bởi chúng ta không nhìn nhận ách thống trị của chúng nó. Các anh bất bình trước bao nỗi bất công nên kéo lá cờ Thế Thiên Hành Đạo lên, đánh bọn nhà giàu, cứu giúp đám nhà nghèo.
Những người làm cách mạng chúng tôi cũng nhằm lật đổ ách thống trị ấy, nhưng bằng cách đánh Tây chớ không đi ăn cướp như các anh.
Có tiếng hỏi từ đám đông:
- Thằng Tây có súng, mình tay không, làm sao đánh?
Bảy Trân cười:
- Đánh Tây không khó lắm đâu! Chỉ cần quyết tâm và gan lì là được. Ta cứ kiên nhẫn rình rập, chờ làng lính bén mảng tới nơi vắng vẻ như vùng Hố Bần này là ta từ trong bụi nhảy ra đập đầu như đập đầu cá lóc rồi cướp súng. Xác chúng nó ta vùi xuống hố. Hễ ta có súng là bọn hương quản, cai tuần “xếp ve”, hết dám “cà xóc”. Làng tổng nào cũng đồng lòng như vậy thì thằng Tây hết dám tác oai, tác quái. Về việc này, các anh là thầy của chúng tôi nữa mà!
Có tiếng cười thích thú trong đám đông. Bảy Trân hứng chí nói tiếp:
- Sống trong thời buổi này, chúng ta chỉ còn ba con đường. Một là yếm thế đi tu như chú Tư Ó của tôi đây. Cả đời chú lo tụng kinh gõ mõ, khuyên dạy bổn đạo làm lành lánh dữ, nhưng ta càng tu tâm dưỡng tánh kiểu đó thì bọn cường hào ác bá càng mượn hơi Tây để hiếp đáp dân lành. Theo tôi nghĩ con đường đi tu không đưa đến đâu. Kế đến là con đường giang hồ, đánh cướp kẻ giàu giúp đỡ người nghèo. Đây là con đường các anh đang đi. Nhưng rồi con đường này sẽ đưa các anh đến đâu? Nếu không tử vong thì cũng nằm Khám Lớn hay đi đày Côn Lôn, Bà Rá... mà bọn thực dân Pháp vẫn vững như bàn thạch. Bây giờ còn con đường thứ ba: đi làm cách mạng như bọn tôi. Ông Tám đây cũng là một nhà cách mạng. Ông là thống lãnh binh Thiên địa hội tại vùng này. Dù là kèo xanh hay kèo vàng, Thiên Địa Hội vẫn là hội kín đòi Tây trả lại đất nước cho chúng ta.
Cũng như phong trào Cần Vương, Văn Thân, Thiên địa hội không làm suy suyển thằng Tây chút nào. Nhưng kể từ năm 30 đã có Đảng Cộng sản. Đảng sẽ lèo lái cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến nơi đến chốn- Bảy Trân ngưng vài giây rồi nhấn mạnh:
- Hôm nay, tôi được Xứ ủy phải đến đây để đề nghị với ông Tám và các anh em, kể từ giờ phút này, chúng ta bắt tay chuẩn bị khởi nghĩa, cướp chính quyền trong tổng Tân Phong Hạ này.
Như có một luồng điện xẹt ngang, không khí trong nhà bỗng nhiên im phăng phắc. Hai Vĩnh nghe được tiếng mấy con muỗi vo ve bên tai.
Có tiếng hỏi từ trong đám đông:
- Đánh Tây khó hơn đi ăn cướp nhiều. Sợ làm không kham!
Bảy Trân gật:
- Đúng là đánh Tây nguy hiểm hơn ăn cướp những kẻ tay không. Nhưng đối thủ nguy hiểm mà ta đánh thắng mới là anh hùng. Nói vậy chớ không phải là ta nhắm mắt nhắm mũi nhào vô đánh bừa. Đảng đã nhận định thật kỹ lưỡng: lúc này đúng là thời cơ đã đến. Pháp đang gặp khó khăn từ hai phía. Bên chánh quốc thì bị Đức lăm le xâm chiếm. Còn ở Đông Dương thì Nhật cũng thập thò toan nhảy vô. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở đó các anh.
Lại có người hỏi trống:
- Mấy anh làm cách mạng nói hay lắm, nhưng có gan ra trận hay ngồi tù như bọn này không?
Không khí bỗng trở nên ồn ào. Từng nhóm xì xào với nhau: Kế một người đứng lên xin nói. Hai Vĩnh đã để ý người này ngay từ đầu. Ông ta sồn sồn, có cặp mắt đỏ, bộ tướng hầm hừ, đi đâu cũng không quên cây “xà búp”:
- Tôi là Năm Chảng, vô ra Khám Lớn như đi chợ. Tôi nhớ có lần được nhốt chung với mấy ông “pôlitic” Hình như tôi đã gặp quới nhơn này tại “xoa- xăng- nớp La-răn-đe” (69 Lagrandière). Tôi nhìn nhận các ông “pôlitic” gan lì hơn anh em giang hồ mình. Tụi mình ở ngoài nói nghe ngon lành, chẳng hạn như: “chừng nào cầu sắt khai thì tụi tao mới khai”. Vậy mà vô trong đó, chịu mới được vài chập, tới màn đi tàu lặn hoặc đi máy bay là khai tới ông bà, ông vải… Còn tôi thấy một ông “pôlitic” bị đánh, đầu mềm như trái dưa vẫn nhất định không hé môi.
Chờ tất cả im lặng, ông Tám Mạnh đứng lên:
- Quới nhân đã tỏ bày mọi việc. Tụi bây nghĩ sao?
Ông Tám nhìn Tư Phương như hỏi ý. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Tư Phương là tướng cướp khét tiếng từng chặn đường cướp cặp da đựng tiền lương của tên cò Ba-tai ở Nhà Bè.
Tư Phương gật gù:
- Anh sao thì tụi tui vậy!
Ông Tám vui mừng:
- Tao thấy tâm đồng ý hiệp. Tụi bây phải nghe tao.
Bà Tám đứng tựa cửa sau lắng nghe nãy giờ nói nhỏ với mấy người ngồi gần:
- Mấy ông làm quốc sự, có khiếu ăn nói, nghe hay quá! Các ông mà nói thì kiến trong hang cũng bò ra!
Ông Tám nghe vợ nói bật cười:
- Bà cũng khen nữa hả? Khen thì mau mau đem rượu ra đây để anh em thích huyết ăn thề.
Lập tức một thố rượu trắng được mang ra, ông Tám mở dao con chó khứa đầu ngón út, đổ vài giọt máu nhỏ xuống thố rồi trao dao cho Bảy Trân. Lần lượt tất cả đều góp vài giọt máu vào thố rượu. Hai Vĩnh cũng làm theo.
Ông Tám trịnh trọng thắp nhang khấn vái:
- Kính cáo cùng trời đất. Hôm qua chúng tôi làm lễ thích huyết ăn thề, sống chết có nhau, một lòng đánh Tây, giành lại đất nước. Ai sanh tâm làm phản, xin trời tru đất diệt!
Thố rượu pha huyết được chuyền tay, mỗi người uống một chung. Đi giáp vòng thì tiệc đã bày xong. Tất cả xúm lại cười nói vui vẻ. Bảy Trân được mọi người mời cụng ly. Anh kém tửu lượng, chỉ chịu nổi mấy chung đầu, về sau nhờ Tư Ó “vớt” giùm, viện cớ đau bao tử. Có chút rượu hâm nóng, Tư Ó vui vẻ nói:
- Thú thật với anh em, từ sáng tới giờ tôi như ngồi bàn chông, bây giờ mới dám thở mạnh. Khi Bảy Trân nhờ tôi đưa vô đây gặp ông Tám, tôi lo quá! Chỗ này đâu phải ai muốn vô cũng được? Biết bao nhiêu làng lính, “anh-đi-ca-tơ” (1), vô đây rồi mất tích luôn. Bảy Trân không phải là chó săn cho Tây, ảnh là cộng sản có bằng cấp, từng học ở Nga ba năm, nhưng lý tưởng cộng sản của Bảy Trân có điểm nào thích hợp với chí khí giang hồ của ông Tám và các anh hay không, tôi làm sao biết được? Chỉ sợ đưa Bảy Trân vào hang cọp. Nhưng Bảy Trân nói rất tỉnh: “mình có chánh nghĩa, nói phải là người ta nghe! Chú cứ đưa tôi đi…”. Tôi không ngờ đại sự lại kết quả tốt đẹp như vầy.
Bảy Trân hân hoan nói:
- Nay ta đã thích huyết ăn thề, xem nhau như anh em đồng sanh đồng tử, tôi đề nghị anh em kể từ giờ phút này tạm ngưng “đi hát” để thì giờ luyện tập võ nghệ, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp tới. Bây giờ là tháng mười một. Có thể trong vòng một hai tuần nữa là đến ngày trọng đại. Hễ tôi cấp báo cho ông Tám thì anh em phải sẵn sàng ra tay. Anh em có đồng ý không? Ai có điều gì cần biết thêm, xin cứ hỏi.
Chín Mập đưa tay lên:
- Xin hỏi quới nhơn một câu: đi đâu chúng tôi cũng nghe bàn câu sấm của Trạng Trình “Chừng nào lúa mọc lên chì, voi đi trên giấy, còn gì thầy Tăng”. Ý gì vậy?
Bảy Trân cười lớn:
- Trước hết, đây không phải là sấm Trạng Trình, bởi hồi thời của ổng, cách đây trên ba trăm năm, người ta chưa biết “nói lái” thầy Tăng- thằng Tây…- Ông móc túi đưa ra một đồng hai cắc bảo chuyền tới Chín Mập, nói tiếp: Lúa mọc trên chì là hình bụi lúa đúc trên mặt đồng tiền. Còn voi đi trên giấy thì ai có tờ giấy “xăng” mới, hãy chuyền tay cho anh em xem. Một bên có in hình con voi, thay cho bộ lư trên tờ giấy “xăng” cũ.
Ông tám giục bà Tám mở tủ lấy tờ giấy một trăm đồng mới để mỗi người xem một chút. Chờ mọi người xem xong, Bảy Trân nói:
- Như vậy, các anh thấy rõ đây không phải là do ông Trạng Trình tức Nguyễn Bỉnh Khiêm làm. Mà đây là sấm giả do một tay nào đó muốn tuyên truyền hạ thằng Pháp xuống để đưa thằng Nhật lên.
Mọi người gật gù thỏa mãn với cách giải thích của Bảy Trân. Rượu được vài tuần, Bảy Trân nảy ra sáng kiến:
- Bấy lâu nghe danh ông Tám, nay được dịp gần gũi, tôi nghĩ nhân dịp này ông Tám nên ôn lại vài ngón sở trưởng để anh em lên tinh thần.
Tất cả vỗ tay tán thưởng. Ông Tám không tiện thoái thác, bảo bé Mười vô buồng lấy cây siêu cho ông. Mọi người bỏ chén đũa ra đứng trước hàng ba xem “sư phụ” biểu diễn. Đây là lần đầu tiên Hai Vĩnh được thấy ông nhạc tương lai của mình trổ tài. Anh nhận thấy khi ông Tám cầm cây siêu thì con người ông bỗng nhiên khác hẳn, ông già phúc hậu bỗng hóa thành võ tướng oai phong lẫm liệt.
Cây siêu khá nặng, nhưng trong tay ông, nó chỉ là một ngọn roi nhẹ bổng múa vùn vụt. Trong ánh hoàng hôn, lưỡi siêu sáng loáng phản chiếu một màu đỏ rực. Ông múa hết bài, trụ bộ bái tổ, mặt không hề đổi sắc. Tất cả vỗ tay nồng nhiệt.
Nhiều người ngứa tay ngứa chân nhảy ra biểu diễn đủ các thứ binh khí, roi, côn, kiếm…
Năm Chảng sôi nổi kể cho Bảy Trân về thành tích của ông Tám:
- Trước đây ông Tám để tóc dài: trong chuyến đi ghe lúa, bị hai tướng cướp Đại Mạnh Thường và Tiểu Nhạc Vân ở vàm Chà Là xã Phước Khánh chặn đánh. Một mình ông Tám đương cự hai tên này, thằng Thường có súng. Ông Tám phải dùng mưu.
- Phải mày không, Thường?
- Đúng!
- Nghe nói mày có súng. Bắn một phát coi súng thiệt hay giả?
Thường móc súng bóp cò thị oai. Nhưng nhanh như chớp, ông Tám phòng một đá cho hắn đo đất rồi quay lại đánh thằng Vân. Đang đánh, đầu tóc sút ra. Ông Tám chỉ đánh một tay, còn tay kia phải giữ đầu tóc. Đánh xong trận này, ông vô tiệm hớt tóc cắt bỏ cái củ nừng lượt bượt không chút thương xót.
Cuộc vui chơi kéo dài tới sẩm tối. Ông Tám biểu bầy trẻ thắp đèn măng xông tiếp tục chơi tới khuya, nhưng Bảy Trân cản:
- Không nên! Vui bấy nhiêu đủ rồi! Thực lực của ta không mạnh không nên vỗ ngực xưng tên như vậy. Sau này, khi thành công rồi, ta có thể vui chơi ba ngày ba đêm hay nhiều hơn nữa. Bây giờ chúng tôi xin kiếu ông Tám và các anh em.
Tất cả đứng lên tiễn Tư Ó và Bảy Trân ra về. Lúc quay trở vô, ông Tám vỗ tay gọi tất cả lại:
- Quới nhơn đã về rồi, bây giờ tao căn dặn tụi bây điều này: Chúng ta bắt tay với Đảng Cộng sản làm cuộc khởi nghĩa trong tổng Tân Phong Hạ này là việc vô cùng hệ trọng. Thành công thì không nói làm chi, lỡ thất bại thì thân bại danh liệt, nhà cửa tiêu tan, vợ con nheo nhóc. Bởi vậy tụi bây phải kín miệng, dù là vợ con, hay cha mẹ, anh em cũng không được hé môi. Nghe chưa?
Tất cả đều dạ răm rắp. Ông Tám nói tiếp:
- Bây giờ thì mỗi đứa xách một miếng thịt đem về cho vợ con để chung vui trong ngày đáng ghi nhớ này.
Hai Vĩnh cũng được một phần thịt về cho các em dù anh không chịu nhận.