Nguyên tác: Повесть О Суровом Друге (1937)
Số lần đọc/download: 271 / 6
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:36 +0700
Chương 3 - Hoa Anh Túc Đỏ
G
ió bốc hằn thù điên cuồng tàn phá
Thế lực hắc ám bóp nghẹt chúng ta.
Ta bước vào trận đấu tranh quyết liệt
Số phận không ai biết còn chờ đợi ta
1
Mùa đông đã qua. Bão tuyết ngừng thổi. Trên thảo nguyên, sau xóm thợ, những bãi tuyết mùa đông phủ đầy muội than xám ngắt làm người ta phát chán đã tan hết.
Mùa xuân đã tới. Những khóm hoa mận dại nở rộ dọc sườn hầm đá dốc thoai thoải hệt như một tấm ren bằng tuyết trắng toát. Xa hơn một chút, nơi những vườn rau còn chưa ngả xanh đổ xuống phía sông, là những cây mơ, cây mận và anh đào đã tàn hoa. Mặt đất dưới gốc cây rải đầy những cánh hoa thơm ngát. Chim sơn tước véo von, chim mai hoa líu lo và những chú sẻ hoa bay liệng trong vòm lá rậm rạp của những bụi tử đinh hương. Từ phía sông vọng lại tiếng ếch nhái ồm ộp. Bản hợp ca nhiều giọng của chúng vang lên suốt từ sáng đến tối. Thật khó mà kìm mình được – thảo nguyên vẫy gọi hấp dẫn biết bao nhiêu.
Cùng với mùa xuân tin vui cũng đến với nhà tôi: bố tôi về.
Suốt mùa đông bố tôi lang thang khắp vùng mỏ tìm việc nhưng vô hiệu. Từ khi bố tôi bị chúng cấp cho “thẻ căn cước chó sói” không nơi nào nhận bố tôi vào làm. Mà thẻ đó là thẻ gì nhỉ? Bố tôi đi tới đâu, người ta cũng trả lời:
- Xéo! Mày biết hát bài “Marseillaise”, cứ đi mà hát nữa đi!
Thế là bố tôi quay về, tay không, gầy guộc, râu ria xồm xoàm. Áo bố tôi rách rưới, đôi giày cũ rích, ngả một màu hung đỏ quạch, mòn vẹt gót và mất cả cá. Giá như bố tôi không mỉm cười khi bước vào nhà thì hai mẹ con không nhận ra.
Bố tôi không mua quà về. Trong túi rỗng không của bố tôi tôi chỉ thấy một mẩu bút chì và tôi sờ thấy dưới lần lót áo một tập giấy gì đó màu đỏ với dòng chữ: “Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga”. Tôi liền rút ra một tờ. Trên tờ giấy có một bài thơ ngắn:
Sa hoàng người Nga
Mang quân phục Phổ.
Bộ trưởng của mi
Bất lương tôi tớ.
Một lũ nghị sĩ
Ăn cắp, rượu chè.
Sĩ quan cần vụ
Trưng diện gớm ghê
Còn bản thân vua
Khác gì gia súc
Dài ba ác-sin*.
Tôi không kịp đọc tiếp: bố tôi vào. Tôi chỉ kịp nhét lại tờ giấy xuống dưới lần lót, nhưng vẫn còn lúng túng với chiếc áo.
- Bắt được thằng ăn trộm nhé, – bố tôi bước vào, vui vẻ đùa. Bố tôi thật là hiền và rõ là buồn nhớ mẹ con tôi. – Con tìm gì trong túi áo bố thế?
- Bố hứa mua quà về, mà chả có, – tôi phụng phịu vờ giận dỗi.
- Quà phải lao động mới có. Con giải được câu đố, sẽ có quà.
- Câu đố gì ạ?
- Nào, con nghe đây và giải đi. Câu đố thứ nhất như thế này: “Chém kiếm vào nhà, nữ bá tước bước ra và ngồi xuống đệm bông”…
Bố tôi giấu nụ cưới hóm hỉnh, khoan thai móc túi thuốc, cuộn một điếu, đoạn lấy ra hòn đá lửa, mồi và cái đánh lửa, nện vài cái vào hòn đá lửa và bắt đầu thổi lửa.
- Đoán ra chưa? – bố tôi vừa châm thuốc, vừa hỏi.
- Chưa ạ.
- Xoàng quá… Thôi được, giải câu thứ hai vậy: “Xà ngang vắt qua suốt nước Nga, dựng đứng dậy – sẽ dẫn đến tận trời”. Đoán đi.
- Con chịu.
- Con nghĩ đi chứ.
- Con đã nghĩ rồi.
- Ê-hê, thế mà đòi giải đố…
Bố tôi moi trong túi áo gi-lê ra một miếng đường nhỏ bọc trong mảnh vải con, rồi đưa cho tôi.
- Gặm đi… Còn câu đố của bố rất dễ. Câu thứ nhất là đá lửa, que đánh lửa và tia lửa. Câu thứ hai là con đường. Những con đường xuyên khắp nước Nga không đo nổi và cũng chẳng đếm xuể. Dù có đi bao nhiêu chăng nữa cũng không thể đi hết các con đường. Mỗi người chúng ta tự chọn cho mình một con đường và sẽ đi theo con đường đó suốt cuộc đời mình. Rồi con cũng sẽ có con đường của con…
Giọng bố tôi đượm buồn như thương xót tôi. Bố, bố ơi, tôi cũng rất thương bố tôi. Tôi nép sát bên vai gầy guộc của bố tôi và thấy vui thích, thanh thản. Tôi rất thích những lúc bố tôi ở nhà, nhưng những dịp ấy thường rất hiếm.
Thế mà ngay hôm ấy tôi lại được ở bên bố tôi. Chúng tôi nằm trên bãi cỏ sau nhà kho và bố tôi kể về những thành phố xa xôi, về những người thợ mỏ sống ở đó.
Hạnh phúc của tôi bỗng bất ngờ bị cắt đứt. Buổi tối bọn cảnh sát ập tới. Chúng tôi vừa ngồi vào ăn tối thì có tiếng gõ cửa. Bố tôi rút vội những tờ áp-phích đỏ trong áo ra và giấu vào thùng đựng nước rửa tay. Chỉ sau đó bố tôi mới ra mở cửa và bọn cảnh sát, gươm giáo loảng xoảng, ùa vào nhà.
Tên cảnh sát trưởng, người đầy những khuy vàng chóe, bước vào trước mọi người.
- Giơ tay lên! – hắn ra lệnh.
Bố tôi giơ tay lên và chúng bắt đầu lục soát bố tôi. Mẹ tôi ngồi sững trên ghế đẩu như bị hóa đá.
Ba tên cảnh sát bắt đầu rạch gối, làm tung tóe lông vịt ra sân. Bọn chúng giẫm cả ủng lên giường lục lọi sau tranh Chúa. Một thằng xỉa cả kiếm vào hòm quần áo. Chúng qua lại chỗ thùng nước rửa tay có tới mười lần, nhưng không thằng nào nghĩ tới việc mở nắp ra. Trong lúc chúng khám xét, mọi người tụ họp trong sân và nhìn qua cửa sổ. Bọn cảnh sát xua họ đi.
Tên cảnh sát trưởng thấy mệt, muốn quỵ đến nơi, liền ngồi xuống chiếc ghế đẩu. nhưng ghế bị gãy.
- Đi làm chính trị thì biết, mà ghế tốt lại không có, – hắn cằn nhằn, níu tay một thằng cảnh sát đứng dậy.
Hắn không ngồi nữa và cứ đứng thế tra hỏi bố tôi:
- Thằng cầm đầu bọn mày, biệt hiệu là Mityai từ Peterburg tới, hiện ở đâu?
- Tôi không biết ai tên thế cả, – bố tôi trả lời và định vuốt ve con mèo, nhưng tên cảnh sát trưởng đá bay nó đi.
- Ustinov, mày đừng có dại dột, thế nào chúng tao cũng tóm được nó, còn mày thì rục xương trong tù. Tao biết hết cả bọn cầm đầu chúng mày: cả thằng Prepodobnyi, cả thằng Mityai và thằng Bogdan nữa. Chả mấy chốc chúng tao sẽ tóm hết, lúc đó mới trắng mắt ra.
Tôi hoảng sợ. Bogdan chính là tên gọi của bố tôi. Sao tên cảnh sát không tóm luôn bố tôi và kêu lên: “Giữ lấy nó, chính nó, thằng hoạt động bí mật Bogdan!” Thế có nghĩa là tên cảnh sát trưởng không biết bí danh ấy của bố tôi, không biết! – tôi thấy sướng quá.
Ria mép tên cảnh sát màu hung hung gần như đỏ. Chúng vểnh sang hai bên như hai củ cà-rốt trông đến kinh. Bố tôi cau có trả lời:
- Ngài cảnh sát trưởng, chính quyền trong tay các ngài, các ngài muốn làm gì thì làm. Chúng tôi, những người thợ, là những người bị áp bức. Cánh của chúng tôi đã bị trói chặt.
Thằng cảnh sát gõ gõ tay lên mép bàn:
- Cẩn thận kẻo có ngày cánh của mày sẽ bị gông lại. – Hắn chậm rãi đi quanh phòng, rồi quay lại chỗ bố tôi, thân mật đặt tay lên vai bố tôi.
- Ustinov, anh là một thợ rèn dày kinh nghiệm. Ở nhà máy, người ta thường bảo những người thợ rèn như anh đi khắp nước Nga cũng không tìm thấy. Anh hãy bỏ hoạt động chính trị đi. Anh còn có gia đình, rồi con trai anh sẽ lớn lên, ái chà, một chàng trai trẻ đẹp biết bao. Anh đã làm hại đời nó. Hãy từ bỏ công việc đó đi và hãy sống theo lời Chúa. Tôi sẽ vì anh mà nói với ngài Hughes một lời, rồi người ta sẽ tăng lương cho anh, sẽ cho anh phòng ở.
Bố tôi nặng nhọc đứng dậy.
- Ngài đến đây để làm gì, ngài cảnh sát trưởng? Để khám xét phải không? Vậy thì cứ làm đi.
Tên cảnh sát nổi giận, bước nhanh ra cửa. Đến cửa hắn quay lại, hăm dọa để tay lên kiếm và nói:
- Tao báo trước: ngày mai không đứa nào được ra khỏi nhà. Chúng mày không tính được một điều gì đâu. Truyền lại cho đồng bọn mày biết thế.
Bố tôi gài chặt cửa sau khi những tên cảnh sát bỏ đi, rồi mới moi những tờ giấy bí mật trong thùng nước rửa tay ra.
Mẹ tôi sợ bọn cảnh sát đến nỗi không dám dọn dẹp nữa. Chúng tôi ngủ giữa đám đồ đạc vứt ngổn ngang. Bố mẹ tôi thì thầm với nhau. Tôi nghe thấy mẹ bảo:
- Anh nghĩ xem, các anh dám chống lại ai thế. Rồi vua sẽ giết chết hết các anh.
Bố tôi phản đối:
- Không phải đâu. Nhân dân là những đám mây sẽ cuốn tất cả vào dông bão.
“Bố chết mất, vua sẽ giết bố, – tôi nghĩ. – Chúng sẽ bắt bố ra trận và ở đó thế nào thì đã rõ ràng – bố sẽ bị cụt cả hai chân… Giá như người ta giao vua cho mình trị tội nhỉ: đầu tiên mình sẽ quất cho hắn một roi cháy da đầu, rồi đâm lưỡi lê vào bụng hắn, lấy kìm kẹp tai hắn”.
Suốt đêm tôi mơ thấy toàn điều dữ nên khi ánh mặt trời vừa ló vào cửa sổ, tôi vội choàng dậy. Cửa đã bị cài then phía ngoài. Cả bố mẹ đều không có nhà. Tôi hoảng sợ. Thế nghĩa là tên cảnh sát trưởng đã nhốt tôi và bắt bố mẹ đi rồi.
Tôi lấy đà hích vai vào cửa, làm bật then ngoài ra.
Ngoài đường, bọn lính Cozak vung vẩy roi ngựa qua lại dọc phố, chắc để theo dõi xem có ai ra khỏi nhà không.
Tôi nép bên cổng đợi chúng đi qua mới lao như tên bắn qua đường, đến nhà chú Anisim Ivanovich.
Cửa nhà chú mở toang, có lẽ cũng bị chúng đập khóa. Chú Anisim Ivanovich mặc chiếc áo sạch sẽ, chuẩn bị đi đâu đó. Chú đang vui. Thím Matrena và Vaska đã làm cho tôi yên tâm: thì ra mẹ tôi đi chợ, còn bố tôi biến đi đâu ngay chính thím và Vaska cũng không biết.
- Chú Anisim, chú có cái gì thế này? – Tôi hỏi khi thấy một chiếc băng đỏ ghim trên ngực chú.
- Cái này hả? – Chú đưa bàn tay gân guốc thô kệch lên vuốt thẳng cái băng. – Cái này là tượng trưng cho tự do đấy, Lenka ạ.
- Để làm gì hả chú?
- Hôm nay là ngày ấy mà.
“Ngày ấy” là ngày gì nhỉ, – tôi thầm nghĩ. – Lễ Phục sinh đã qua, còn ngày lễ Troitsa* thì còn xa”.
Tôi nhận thấy đồ nghề của chú Anisim Ivanovich đã xếp đống lại: cả hai bố con chú đều không làm việc. Trong nhà bốc lên mùi phân bò tươi. Đúng là thím Matrena trát sàn rồi, không biết hôm nay là ngày lễ gì thế nhỉ?
Chú Anisim Ivanovich cho phép Vaska đi chơi cả ngày. Chúng tôi thủ mỗi đứa một mẩu bánh vào túi rồi chạy ra khỏi nhà.
Không khí chung quanh thật dễ chịu biết bao! Một làn gió nhẹ, ấm áp phả vào mặt mùi tử đinh hương thơm dịu. Chú sáo sậu căng diều, lông tơ mượt, hót líu lo trên cây keo cao. Dưới ánh mặt trời bộ lông đen của nó khi ánh lên màu tím, lúc mang màu xanh lá cây, lúc lại chuyển sang màu xanh da trời.
Mùa xuân tô điểm cho ngõ hẻm và những sân nhà ám khói của chúng tôi. Không còn ngôi nhà nào có thể nhận ra được nữa: căn nhà này được quét vôi trắng hòa lẫn với vòm cây táo nở rộ hoa, ngôi nhà kia cỏ mọc xanh trên mái trông như một tảng đá phủ đầy rêu. Còn nhà thằng Ilyukha – hệt cái nhà gỗ đứng trên đôi chân gà từ sau khóm cây keo vàng ló ra cái cửa sổ con, dường như đang nghé theo ai đó.
Đội tuần tiễu Cozak đã không còn trên đường phố nữa, nhưng thằng Zagrebay vẫn lảng vảng bên cửa hiệu lão Murat. Ở một góc phố khác còn có ba tên cảnh sát nữa và kia, kia nữa. Người ta dồn bọn chúng đến đây làm gì mà lắm thế nhỉ? Không lẽ để canh giữ mọi người trong các nhà hầm?
- Vaska, sao hôm nay lại không được ra khỏi nhà? – tôi thì thầm.
Vaska cau đôi mày bợt trắng lại và bực tức trả lời:
- Vua ra lệnh.
- Cậu thì lúc nào cũng chỉ vua và vua… Vua cần cái đó làm gì?
- Tớ làm sao biết được! Hắn muốn gì thì hắn làm. Ví như hắn có thể tặng cậu một thúng vàng, có thể băm cậu ra làm chả chẳng hạn. Hắn chỉ cần nói: “Rán chả thằng Lenka cho tao”. Thế là vĩnh biệt cuộc sống. Thế là hết – và rồi thôi không còn nữa.
“Tai họa rồi, – tôi nghĩ thầm. – Trước kia bố tôi đã bảo là người ta sẽ giết chết vua, thế mà hắn vẫn sống…”
Tôi quyết định thổ lộ điều đó với bạn:
- Vaska, tớ chỉ nói riêng với cậu một điều bí mật, không nói thêm với ai nữa…
- Bí mật gì?
- Bố tớ nói là người ta sẽ giết vua…
Vaska sợ hãi quay sang:
- Khẽ chứ, cảnh sát có thể nghe… Tớ cũng có biết một điều.
- Điều gì cơ hả, Vaska?
- Truyện cổ tích. Truyện về vua Daldon. Cậu muốn, tớ kể cho nghe nhé?
- Có chứ.
- Ra cánh đồng cỏ đi, không ở đây nhỡ ai đó nghe thấy…
- Đi thôi!
2
Vaska quàng cổ tôi cùng đi. Đến góc phố, bọn trẻ con – thằng Abdulka Di-gan và thằng Hy Lạp Ucha – đuổi kịp chúng tôi. Sau đó, chúng tôi nhìn thấy cả thằng Ilyukha tóc hung đỏ. Nó vừa chạy, vừa xếch quần, vừa huýt còi bắt chước tên cảnh sát.
- Cho tao thổi với, – tôi gạ lúc nó chạy tới gần.
- Để mày phun đầy nước bọt vào à… Chúng mày đi đâu đấy?
- Đến nhà ông hai tai một đầu.
- Không phải, nói thật đi, đi đâu đấy?
- Đi chơi.
- Cho tao đi với.
- Đi.
Chúng tôi nối đuôi nhau chạy tới nơi cái hầm đá cắt ngang bên con sông thành bức tường thẳng đứng.
- Tiến lên, theo tớ! – Vaska hô to ra lệnh, rồi vừa chạy vừa lấy gậy chém vào những bụi gai cao. Những bông hoa tím bị phạt đứt bay tung ra, ong bay tán loạn, còn những chú bướm thì giạt sang hai bên.
- Xung pho-ong! – Chúng tôi gào lên, chạy theo Vaska.
Ucha thở hổn hển, nằm sấp áp tai xuống đất nghe ngóng.
- Các cậu ơi, – Ucha reo lên, – tớ nghe thấy cả tiếng cuốc than của các bác thợ cơ.
Chúng tôi biết thừa thằng Ucha nói đùa. Làm sao có thể nghe thấy họ đang làm gì ở sâu tận dưới lòng đất được? Mặc vậy, nhưng chúng tôi vẫn cứ nằm xuống và cùng giỏng tai nghe ngóng.
Vaska đấm đấm xuống đất và kêu lên:
- Bác thợ ơi, chúng cháu nghe thấy bác rồi, bác chui lên đi thôi.
- Cho chúng cháu than với! – Ucha chúi mặt vào đám cỏ, làm loa tay gào lên cho các bác thợ nghe rõ hơn.
Chúng tôi bò phía trên vực sâu của hầm đá, chui xuống núp dưới bóng râm của những bụi cây mận gai. Những cành hoa rủ sát xuống mái đầu chúng tôi. Những con ong bò vẽ thân có sọc, những chú ong mật bận rộn, những con sâu, con bọ vo ve, lao xao, thấp thoáng vụt qua, quay tròn trong khoảng trời xanh mát. Từ phía sông vọng lại tiếng phụ nữ nói chuyện, tiếng chày đập quần áo ướt, tiếng ngỗng kêu quang quác.
Vaska vòng tay ôm chân ngồi bó gối, nghĩ ngợi điều gì đó, mắt nhìn về phía cánh đồng cỏ xa xa, còn chúng tôi ngồi quây tròn, chụm đầu vào nhau chờ đợi.
Vaska ngắt một bông hoa bồ công anh và nằm ngửa ra.
- Thế nào, Vaska?
- Gì?
- Kể truyện cổ tích đi chứ.
Thế là Vaska cười phá lên.
- Vua Oves mang tuốt cả truyện cổ tích đi rồi.
- Đúng đấy, Vaska kể truyện đi! – bọn trẻ đề nghị.
Vaska vứt bông hoa đi, rồi nói:
- Thôi được, nhưng nhớ là câu chuyện rùng rợn đấy. Các cậu không sợ chứ?
- Không.
- Ilyukha, cậu không sợ chứ?
- Tớ còn biết ối chuyện kinh hơn ấy chứ…
- Được rồi, các cậu nghe đây và nhớ là: câu chuyện có đầu có đuôi, cấm cắt ngang giữa chừng. Hiểu chưa?
- Hiểu rồi.
- Thế nhé. Trong một vương quốc nọ, tớ không nhớ rõ vương quốc nào, ở tận xa, xa lắm, tít sau những dãy núi sau biển cả, có hai anh em: một giàu, một nghèo. Ở nhà người giàu yến tiệc linh đình, đàn sáo vang vang, còn ở nhà người nghèo không có lấy một mẩu bánh, chỉ thấy chuột chạy tứ tung. Ở vương quốc đó còn có vua tên là Daldon. Đó là một thằng đại ngốc, nhưng nó vẫn cứ là vua.
Thằng Ilyukha sợ hãi nhìn Vaska, nhưng cậu ta vẫn tiếp tục.
- Một hôm vua Daldon gặp hai anh em và hỏi họ: “Đứa nào trong bọn mày hiền lành hơn?” Thằng anh giàu có vội nhảy lên trước, trả lời: “Tâu Đức Vua – cha đẻ của vương quốc – không có người nào trên thế gian này hiền lành hơn con”. – “Thế còn mày?” – tên vua quay lại, hỏi người nghèo. “Tôi không biết”, – người này trả lời. “Không biết à? Thế thì trẫm có thể tự biết được đứa nào trong bọn bay hiền lành hơn”.
Rồi tên vua nắm tay thằng nhà giàu và hỏi: “Mày có nhìn thấy ba cây sồi ngoài đồng không?” – “Có”. – “Mày sẽ dùng những cây đó làm gì?” Thằng nhà giàu vội nói: “Con sẽ cho cưa những cây đó xuống, xẻ thành gỗ và sẽ làm thành những tòa nhà đồ sộ, sang trọng cho Đức Vua – cha của chúng con”.
“Giỏi lắm. Thế còn mày, mày sẽ làm gì với những cây sồi ấy?” – tên vua lại hỏi người nghèo. Người này nghĩ một lát, rồi trả lời: “Tôi sẽ chặt cây thứ ba xuống, đặt nó lên trên hai cây kia rồi sẽ treo cổ ngài lên, Đức Vua tôn kính ạ”.
Thằng Ilyukha tóc hung co dúm lại như ngồi phải than bỏng.
- Mày làm sao thế?
- Làm gì có những truyện cổ tích như vậy…
- Không thích thì đừng nghe, còn không được nói láo, – Vaska nói rồi kể tiếp. – Tên vua Daldon nghe Anh Nghèo nói vậy thì rủ: “Ta cùng ra biển đi…” Thế là họ ra biển và đứng ngắm nhìn cá bơi lội dưới nước. Tên vua lẻn ra sau lưng Anh Nghèo và thế là hấp! Hắn đẩy luôn Anh Nghèo xuống biển và bảo: “Cho mày chết đi, mày chết hơn là tao…”
Abdulka Di-gan thậm chí nhỏm dậy, còn Ucha giận dữ gõ gõ chiếc nạng bị nứt toác xuống bãi cỏ.
- Kỳ quặc, sao anh ta lại đến gần biển thế chứ?
- …Anh Nghèo ngã xuống biển và bỗng từ đâu bơi lại một con cá voi quái đản khủng khiếp. Nó bơi lại gần và rồi – hấp! – nuốt chửng luôn Anh Nghèo vào bụng.
Thằng Ilyukha lại cười khẩy ngờ vực:
- Thế ra là nuốt chửng đấy. Thế anh ta đi ủng cơ mà.
Vaska liếc mắt nhìn thằng tóc hung đỏ, rồi bất thình lình đập luôn:
- Ilyukha, một trăm với một trăm là bao nhiêu?
- Hai trăm.
- Thế thì ngồi yên, đồ ngốc, cấm nhúc nhích.
Thằng Ilyukha tức mình, hít mạnh vào:
- Cứ tưởng là gớm lắm…
Một con thằn lằn trườn nhanh trong đám cỏ. Vaska chộp lấy, rồi búng nó sang bên và tiếp tục:
- Và thế là Anh Nghèo chui tọt vào bụng cá voi. Làm thế nào bây giờ? Cá nuốt vào bụng đủ loại tàu thủy cả xe có thắng bò nữa – trong bụng cá chật như ở hội chợ ấy. Anh Nghèo ngồi đấy ngẫm nghĩ: “Kiếm cái gì ăn bây giờ nhỉ?”
Bọn trẻ cười rộ lên.
- Anh Nghèo, nghèo mà khôn ghê, – Ucha kêu lên.
- Có lẽ anh ta cả ngày chưa ăn gì, – Abdulka góp thêm
- Im ngay, đừng cắt ngang chuyện! – Tôi quát bọn trẻ.
Vaska lại kể tiếp:
- …Một lúc sau Anh Nghèo đứng lên và đi quanh những cái xe bò. Anh ta lục lọi trong một xe và tìm thấy trong đống rơm một cái tẩu, thuốc lá và đá đánh lửa. Anh ta cầm lấy tẩu, đánh lửa ngồi hút thuốc. Hút hết một tẩu, anh nhồi tiếp tẩu khác, hút hết lại nhồi tẩu thứ ba – cũng lại hút hết. Như vậy là chú cá voi bị say khói và giạt vào bờ, ngủ thiếp đi…
Bọn trẻ lại định cười phá lên, nhưng Vaska cau mày lại làm chúng im bặt:
- …Thế, Anh Nghèo biết làm gì bây giờ? Không lẽ ngồi trong bụng cá mãi! Anh ta bò qua lỗ tai cá ra ngoài, nhìn quanh và thấy trên bờ có một ông cụ đang ngồi gọt đẽo một cái gì đó. “Cầu Chúa phù hộ cho ông, ông ạ”. – “Cám ơn chú, chàng thanh niên tốt bụng”. – “Ông làm gì đấy?” – “Làm ‘cây đàn tự ca’”. – “Ông cháu mình đổi cho nhau nào: cháu đưa ông cái tẩu tự hút, còn ông cho cháu cây đàn ‘tự ca’ nhé”. – “Nào”. Thế là họ đổi cho nhau.
Vaska ngừng kể, môi vẫn mỉm cười. Cậu liếc nhìn chúng tôi rồi hỏi:
- Chuyện hay không?
- Hay.
- Kể tiếp chứ?
- Kể đi, kể đi.
- Mà có lẽ, không cần nữa nhỉ?
- Cần chứ, cần chứ!
- Thế kể tiếp cho các cậu cái gì được? Thôi được! Anh Nghèo đi trên đường. Cây đàn “tự ca” tự chơi nhạc, tự nhảy múa và tự hát. Nó kể là tên vua Daldon đã dìm Anh Nghèo xuống biển như thế nào. Anh Nghèo đi khắp các thành phố và hầm mỏ, còn cây đàn hát kể về tên vua và sự độc ác của hắn. Nhân dân xúm lại nghe đàn và bảo: “Phải dìm chính tên vua Daldon ấy xuống nước mới được. Nó đè nén áp bức những người nghèo để làm gì chứ?”
Thằng Ilyukha lo lắng liếc nhìn về phía bụi cây xem có ai ở gần đó không.
- …Tiếng đồn về Anh Nghèo lan xa và đến tai vua. – Vaska kể tiếp. – Tên vua Daldon khiếp sợ bảo quân hầu: “Giấu ta đi mau lên, nếu thằng nghèo tới, hãy nói là ta không có nhà, ta đi chợ rồi”.
- Thế quân hầu của vua là bọn nào? – Abdulka bỗng lên tiếng.
Vaska không trả lời ngay.
- Bọn nào à? Đủ loại. Bọn ấy là, chẳng hạn như… lũ lính kỵ binh, bọn nam hầu bá tước…
- Và cả tên đao phủ nữa! – Ucha kêu lên. – Cái lão già với cái rìu, đi chặt đầu mọi người theo lệnh vua ấy mà.
- Chặt chân chứ, – tôi chữa lại.
- Không phải là chân, mà là chặt đầu kia, – Ucha phản đối.
- Các cậu còn cắt ngang tớ nữa không? – Vaska giận dữ hỏi.
- Không, không!
- Và thế nghĩa là bọn lính hầu nghĩ cách giấu tên vua để Anh Nghèo không tìm thấy được. Giấu đi đâu được bây giờ? Lên trời không được rồi – hắn không thể đứng vững trên mây được; xuống nước lại càng không được – hắn sẽ chìm nghỉm. Chúng nghĩ, nghĩ mãi cuối cùng nghĩ ra: giấu tên vua vào quả trứng, cho trứng vào con vịt, vịt vào hòm sắt, khóa hòm sắt bằng cái khóa nặng hàng pút, rồi cho xuống mỏ sâu dưới đất.
Thằng Ilyukha đứng dậy, định bỏ đi.
- Sao thế Vaska? Sao lại có thể nói như vậy về… vua được?
- Đồ ngốc, đây chỉ là truyện cổ tích.
- Rồi mà cổ tích, nếu như cảnh sát nghe thấy!…
Ucha lấy nạng xọc mũ thằng Ilyukha hất vào bụi cây. Thằng Ilyukha giận dữ, thở phì phì rồi uể oải lê đi nhặt mũ.
Vaska lại tiếp tục:
- Thế là Anh Nghèo đi, không biết đã đi lâu hay chóng, gần hay xa, chỉ biết cuối cùng anh đã đến cung đình của nhà vua. Anh nhìn thấy những tòa nhà cao ngất, còn hàng rào xung quanh toàn bằng những thân gỗ sồi và một đầu tì lên trời. Bọn lính hầu nhìn thấy Anh Nghèo thì sợ chết khiếp và thân mật hỏi: “Anh chàng thân mến, anh tìm Đức Vua phải không? Đức Vua Ngài đi chợ rồi, không có nhà đâu”.
Bỗng Vaska nghẹn lời và biến sắc. Tôi quay lại, sững người: tôi thấy đầu lão Zagrebay ló ra ở bụi cây cách tôi có hai bước. Bộ ria mép rậm rì của hắn đụng đậy như đang đánh hơi chúng tôi.
Khóm mận gai bị rẽ đôi ra và tên Zagrebay cùng một gã thanh niên khả ố với cặp mắt lờ đờ lò dò bước ra khoảng trống. Hắn đội chiếc mũ lưỡi trai bóng loáng, một ống quần cho trong ủng, một ống bỏ ngoài lòng thòng, bay phần phật. Tôi đoán ngay ra đó là tên chỉ điểm.
- Chúng mày làm gì ở đây thế? – Tên Zagrebay trợn mắt lên, thì thầm hỏi, vẻ hăm dọa.
Vaska bối rối nhổm dậy. Chúng tôi cũng đứng dậy theo.
- Chúng mày đang làm gì đấy, tao hỏi?
- Chúng tôi chả làm gì cả. Chúng tôi đang chơi, – Vaska cau có trả lời.
- Thế có nhìn thấy những người thợ không? – Tên cảnh sát hỏi và nghi ngờ nhìn chúng tôi.
- Thợ nào?
- Không biết thợ nào à? Bọn thợ ở xưởng ấy. Có thể, bọn chúng đã tụ tập ở đây, bọn chúng nói đến vua phải không?
- Không, chúng tôi không thấy.
Tên cảnh sát yên trí bỏ chiếc mũ trắng với đường viền thêu màu vàng và chiếc phù hiệu bằng sắt tây bị tróc sơn ra, lấy khăn lau mồ hôi trên trán. Tên chỉ điểm uể oải nằm xuống bãi cỏ, rút kẹo trong túi ra, bóc giấy rồi bỏ vào mồm. Hắn có cặp mắt tẻ ngắt, dường như cả cánh đồng cỏ này, những con chim sơn ca đang hót, tên Zagrebay và những người thợ mà hắn phải lùng sục ở các bụi cây đã làm hắn chán ngấy đến chết được. Hắn nằm mút kẹo và dửng dưng nhìn ra thảo nguyên.
Tên cảnh sát xỉ mũi vào chiếc khăn tay to màu trắng, rồi ngồi xổm. Đôi mắt xanh như mắt mèo của hắn cười cười.
- Thế nghĩa là các cháu đang chơi phải không? – Hắn ôn hòa hỏi và, hẳn là muốn mua vui cho chúng tôi, hắn lấy đốc kiếm chọc vào bụng thằng Ilyukha, miệng kêu “hự hự” rồi lăn ra cười không thành tiếng. – A đồ đểu, cái con khỉ tóc hung này! – hắn nói, rồi lại giơ tay cù vào sườn thằng Ilyukha, nhưng cu cậu sợ hãi nép sau Vaska.
Sau đó tên cảnh sát nghiêm mặt lại, thì thầm:
- Thế này các chú nhóc nhé. Chúng mày ở đây theo dõi, được chứ? Nếu thấy bọn thợ tụ tập – chạy ngay lại chỗ tao! – hắn móc trong túi quần ra đồng năm cô-pếch có con đại bàng hai đầu của vua, giơ ra cho chúng tôi xem. – Đứa nào trông thấy đầu tiên, tao sẽ cho cái này, hiểu chưa?
- Hiểu rồi, thưa ngài Zagre… nghĩa là thưa ngài cảnh sát.
- Khá lắm. Cứ ngồi giả vờ chơi đi, nhưng phải để ý theo dõi đấy.
Thằng chỉ điểm và tên cảnh sát cúi xuống, bò vào bụi cây. Giữa đám cành lá thấp thoáng cái lưng dài đen sì của thằng chỉ điểm và cái gáy u gập nếp đỏ lừ của tên cảnh sát. Vaska chụp vội mũ lên đầu.
- Các cậu ngồi đây, tớ về ngay.
- Thế cậu đi đâu?
- Đến phố ông hai râu một cằm.
Bọn trẻ xôn xao:
- Kể nốt chuyện đi, Vaska.
- Không có thì giờ.
- Có thể đi với cậu được không?
- Cứ ngồi lại đây.
Ngồi lại đây – nói thật là dễ, thế còn truyện cổ tích thì sao? Kết cục thế nào: Anh Nghèo có tìm thấy vua không? Đi cắt ngang câu chuyện của người ta, cái thằng ria xồm ấy! Tôi quyết định bỏ rơi bọn trẻ lại. Với riêng tôi, Vaska sẽ kể nốt truyện thôi. Thế là tôi làm như đuổi bắt con bướm, rồi luồn lách qua các bụi cây gai. Tôi cũng chẳng phải chạy đâu xa, Vaska quay trở lại lo lắng. Hóa ra bố cậu sai đi ngắt những bông anh túc dại làm gì đó, rồi mang thật nhanh đến nhà máy.
- Hoa để làm gì thế?
- Không biết. Có lẽ cho ngày lễ nào đó hay cho đám cưới.
- Có lẽ nào ở nhà máy vẫn thường tổ chức những đám cưới?
- Hình như vẫn có đấy.
Phía bên này sông, xen giữa đám cỏ, mọc đầy hoa anh túc dại đỏ. Chỉ trong nháy mắt chúng tôi đã hái được một ôm đầy.
Về nhà chú Anisim Ivanovich gói hoa vào một mảnh vải ướt lớn, cho tất cả vào một cái túi, rồi sai Vaska mang đến cho bố của Alyosha Pupok ở xóm “Thượng Hải”. Tôi sửng sốt: đến cho bố nào nhỉ, nếu như bố của Alyosha đã chết cách đây một năm?
3
Tôi rất không thích mỗi khi người lớn giao cho Vaska một việc gì đó. Cậu ta trở nên nghiêm nghị – không cười, không nô đùa. Tôi hiểu và không còn mong đợi gì ở truyện cổ tích nữa. Vaska sẽ lại nói: “Không có lúc nào nữa, còn phải làm việc chứ!”
Vaska cầm lấy túi, rồi nháy tôi:
- Đi.
Tôi giả vờ ngáp và uể oải nói:
- Thôi cậu, tớ đi làm gì?
- Đi, tớ đã chả đi với cậu đến hiệu bánh kẹo là gì.
- Kể nốt truyện đi, tớ sẽ đi!
Vaska bật cười.
- Chính tớ cũng không biết hết câu chuyện, cậu bạn kỳ quặc ạ!
- Sao lại không biết?
- Rất đơn giản. Làm gì có truyện cổ tích nào như vậy. Tớ bịa ra đấy.
“Láu cá, – tôi cho như vậy. – Làm sao có thể bịa ra truyện cổ tích được?” Chúng tôi im lặng đi bên nhau một lúc. Con Polkan thè lè cái lưỡi hồng hồng chạy phía trước.
Mặt trời đã lên cao và tỏa nắng như thiêu đốt. Đi đất trên đường nóng bỏng rát cả chân. Bụi xôm xốp như bột mì đầy đường.
Một đội hiến binh phi ngựa vượt qua chúng tôi về phía nhà máy. Bụi bốc mù mịt làm chúng tôi phải lấy tay bịt mặt mũi một lúc lâu.
- Vaska này, thật thú vị được biết câu chuyện sẽ xảy ra tiếp như thế nào nhỉ? Có lẽ, phải có một người nào đó biết chứ, – tôi vừa nói vừa nhổ nước bọt để bụi khỏi dính đầy miệng.
Vaska im lặng đi bên tôi, kéo cao cổ áo sơ-mi vải hoa che bụi.
- Tớ sẽ cho người đó bất cứ cái gì người ta muốn, cho tất cả những hòn bi ve của tớ và thêm cả…
- Lúc này làm gì có thời gian, – Vaska nói. – Phải làm việc thôi. Cậu thật như trẻ con ấy, lúc nào cũng chỉ truyện cổ tích.
Truyện cổ tích. Làm thế nào biết được về Anh Nghèo nhỉ? Anh ta có trả thù được tên vua Daldon hay không? Phải tôi, tôi sẽ về phe Anh Nghèo có cây đàn.
Mải suy nghĩ nên tôi không để ý thấy đã qua những hàng quán rẻ tiền và thế là trước mắt chúng tôi sừng sững hình chóp ám khói của hầm mỏ.
Xóm “Thượng Hải” nằm dưới chân hình chóp đó, trông giống như trại người Di-gan dưới chân núi.
Ở đây tất cả đều ám đen vì muội than của nhà máy. Không một gốc cây, không một ngọn cỏ, chỉ toàn bụi và đá. Những túp lều trát đất sét, trộn lẫn phân bò được che bằng những tấm sắt tây han gỉ và những mảnh gỗ mục. Khắp nơi nhan nhản những nhà xí xen lẫn với những mái bếp mùa hè; đây đó lăn lóc những con chó và mèo chết.
Ở xóm “Thượng Hải” phần lớn là công nhân mỏ người Trung Quốc, trong đó có túp lều của Alyosha Pupok.
Hình như cậu ta biết chúng tôi sẽ đến, nên đã đứng chờ sẵn ở bậc cửa.
- Vào đi, chúng tôi chờ các cậu đã lâu, – cậu cao giọng nói và khuôn mặt trắng xanh rạng rỡ nụ cười. Tôi rất thích đôi mắt của Alyosha Pupok – đôi mắt to và buồn buồn như mắt thánh ấy.
Chúng tôi bước vào căn nhà hầm tranh tối tranh sáng. Trên chiếc giường ngổn ngang toàn giẻ rách có một người đang ngồi gọt đẽo một vật gì đó.
- Bố ơi, các cậu ấy mang hoa anh túc tới, – Alyosha nói.
- Tốt lắm, – người đó đứng dậy, vui vẻ đáp lại và tôi ngạc nhiên nhận ra chú công nhân người Trung Quốc đã đứng gác cho hai bố con tôi, khi tôi tắm ở hầm lò. “Thế nghĩa là chú người Trung Quốc này là bố thứ hai của Alyosha Pupok”, – tôi nghĩ vậy.
- Chào đồng chí, – chú chìa tay cho Vaska và thấy chú lắc mạnh và siết chặt hồi lâu bàn tay Vaska, tôi hiểu: chú là một người đôn hậu.
- Chú đẽo cái gì đấy? – tôi hỏi.
Bố của Alyosha nhìn cái gậy đã đẽo xong và hỏi lại tôi:
- Đã khi nào cháu nhìn thấy lá cờ đỏ chưa?
- Rồi ạ.
- Thế tại sao nó đỏ, cháu có biết không?
- Không ạ.
- Vì lá cờ đã nhuộm máu công nhân, cháu ạ! Giờ thì cháu hiểu rồi chứ?
- Rồi ạ.
- Khá lắm, đúng là một người vô sản, – chú quay lại nói với Alyosha. – Chuẩn bị đi con, sắp còi rồi.
Alyosha cầm lấy túi, rồi chúng tôi đi ra.
- Bố cậu tên là gì đấy? – tôi hỏi.
- Wang Li, các chú công nhân thường gọi bố tớ là Vanya. Bố tớ tốt lắm, thương mình.
- Cậu mang hoa cho ai đấy?
- Đó không phải là việc của tớ. Người ta sai mang đi và thế là tớ mang đi, – Alyosha cau có trả lời, hình như không hài lòng về câu hỏi của tôi.
- Hôm nay là ngày Mồng Một tháng Năm mà! – cậu nói tiếp.
- Mồng Một tháng Năm nào cơ? – tôi hỏi lại.
- Ngày lễ của công nhân, chả lẽ các cậu lại không biết à? Ê, thật kỳ lạ… Hôm nay ở nhà máy sẽ có bãi công. Bọn cảnh sát tập trung rất đông, cả bọn lính ở Bakhmut cũng đến. Các cậu có nghe nói về lá cờ không?
- Không.
- Đêm vừa rồi có ai đó đã treo lá cờ đỏ trên ống khói lò đúc gang. Tớ nhìn thấy tận mắt, rất cao, ngay trên đỉnh ống khói ấy. Rất đẹp nhé! Mặt trời lên chiếu rọi vào lá cờ và nó đỏ rực lên như ngọn lửa. Thế là loạn lên. Bọn cảnh sát chạy nháo nhào, nhưng lại sợ leo cao. Thằng cảnh sát trưởng quát công nhân: “Tao sẽ bỏ tù! Đứa nào đã treo lên?”, còn các chú công nhân thì cười giễu: “Không biết”. – “Ta ra lệnh hạ xuống!” – “Không”. – “Tao sẽ cho một trăm rúp!” – “Cám ơn ngài, chúng tôi thích sống hơn”. Bấy giờ tên cảnh sát mới thúc bọn lính của hắn tới chỗ ống khói, còn bọn này vừa nhìn lên đã ngất xỉu… Cuối cùng cũng có một thằng mặt đầy mụn, tụt ủng ra, làm dấu rồi leo lên. Chúng hạ mất cờ xuống, tiếc quá…
Alyosha im bặt, và qua cái cười bí hiểm của cậu, tôi cảm thấy rằng cậu ta còn muốn nói thêm gì nữa nhưng không dám nói.
- Cậu có biết đêm ai đã treo cờ trên ống khói không? – Alyosha hỏi.
- Ai?
- Không ai cả.
- Bố cậu, bác Vanya phải không, – Vaska nói. – Có gì mà chả đoán ra.
Mắt Alyosha vui mừng và lo âu, sáng lên.
- Nhưng các cậu phải im đấy nhé, – cậu nghiêm khắc dặn thêm. – Các cậu có biết cái gì có thể xảy ra vì chuyện này không?
- Chúng tớ biết, không phải chuyện thường đâu.
Chúng tôi tới gần tường nhà máy, đỡ Alyosha lên, đưa cho cậu cái túi, rồi cậu biến mất.
Vaska đứng yên bối rối, mải nghĩ về điều gì đó.
- Có lẽ chúng mình đã mắc sai lầm, – Vaska nói.
- Sai lầm gì?
- Cần phải bảo vệ Alyosha. Nếu bọn cảnh sát giữ cậu ta lại, và tước mất hoa chúng mình sẽ ném đá. Hiểu không?
Vaska lấy ngón chân bíu vào tường để trèo lên cao, rồi chìa tay cho tôi. Con Polkan nhảy choi choi, sủa lên từng hồi: nó trách chúng tôi đã bỏ rơi nó.
Trong nhà máy, chúng tôi vừa chạy đuổi theo Alyosha vừa nhặt những đinh bù-loong đã han gỉ. Bóng dáng mảnh khảnh của cậu với cái túi đeo ở khuỷu tay, thấp thoáng phía xa, giữa các phân xưởng.
Tôi đi lom khom. Bỗng trên mặt đất, tôi nhìn thấy một tờ giấy đỏ, hoàn toàn còn mới, hình như vừa được rải.
- Này, của tớ!
- Này, của cả hai!
Chúng tôi húc phải nhau, nhưng tờ giấy đã sột soạt trong tay Vaska.
- Trong này có viết cái gì ấy, – cậu vừa nói vừa liếc nhìn vào tờ giấy còn thơm mùi mực in. Tôi bỗng nhớ ra, đúng là tôi đã thấy những tờ giấy như thế này trong lần áo lót của bố tôi. Phải chăng bố tôi đi qua đây và đã đánh rơi?
- Tớ biết rồi, – Vaska thì thầm. – Đấy là tờ áp-phích chống lại vua. Này, đọc đi!
Chúng tôi ngồi xuống bên cái đầu máy kéo xe goòng han gỉ đặt giữa đường ray cỏ mọc cao. Liếc nhìn xung quanh xong, tôi mới đánh vần từng chữ.
“Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga. Các đồng chí! Chúng tôi chúc mừng các đồng chí nhân ngày lễ Mồng Một tháng Năm!” – tôi lẩm nhẩm, tránh đọc to những chữ kinh khủng ấy.
Vaska huých tôi:
- Sao thế cậu? Đọc đi!
- “Hãy nhìn xem, các đồng chí công nhân! – Tôi đọc to và quay lại. – Hãy nhìn xem, hôm nay nhà vua và đồng bọn – lũ cảnh sát, hiến binh – của hắn khiếp sợ biết chừng nào. Hãy nhìn xem hắn chuẩn bị sẵn sàng biết bao nhiêu lưỡi lê để chống lại chúng ta”.
- Đưa đây! – Vaska thì thào và nhét tờ áp-phích xuống dưới ngực áo. – Chúng mình sẽ đọc sau. Cần phải theo dõi bảo vệ Alyosha đã.
Chúng tôi không đuổi kịp được Alyosha. Chắc cậu đã đến phân xưởng than cốc, chỗ mẹ cậu làm việc.
Chúng tôi thấy rất nhiều bọn cảnh sát, khắp nhà máy trắng toát quần áo bọn chúng.
Còi bỗng rú lên. Một luồng hơi trắng từ dưới hầm lò bốc cao lên. Còi rúc lên thật không đúng lúc: không phải lúc ăn trưa, cũng chẳng phải “ngày lễ Chúa thứ bảy”. Đấy là còi báo hiệu bãi công!
Công nhân từ các phân xưởng đổ ra. Tiếng còi cảnh sát the thé khó chịu như muỗi kêu lẫn trong tiếng còi gầm rú của nhà máy. Từ tứ phía đáp lại hàng chục tiếng còi khác. Bọn hiến binh cản đường công nhân.
Thằng cảnh sát trưởng (chính tên đã khám nhà chúng tôi) leo lên đống sắt vụn, giơ tay yêu cầu im lặng.
- Thưa các ngài công nhân! – hắn gào lên. – Xin chúc mừng các ngài nhân ngày lễ. Nhưng chính các ngài đã hiểu: cuộc chiến tranh ác liệt đã diễn ra, chúng ta đang cần đạn dược. Bây giờ không phải lúc bãi công. Yêu cầu mọi người giải tán về các phân xưởng.
Nhưng đám người vẫn đông thêm. Người ta từ xưởng đúc, từ lò mác-tanh, từ phân xưởng dát kéo đến. Những người thợ nguội, quần áo lấm lem dầu mỡ, từ phân xưởng cơ khí bước tới, những người thợ lò nâu sạm màu quặng hùng dũng đi vội đến. Những nữ công nhân phân xưởng gạch, quần áo đầy bụi vôi, lẻ tẻ đi tới.
Nhóm thợ trẻ họp thành một ban đồng ca vui nhộn. Họ đứng ngay trước mặt tên cảnh sát trưởng đang diễn thuyết mà hát bằng giọng buồn buồn.
Ngày xửa ngày xưa có một bà già
Có con dê xám bé tí hon…
Những người khác hòa theo:
Thế đó, thế đó
Có con dê xám bé tí hon!
Mặc cho tên cảnh sát trưởng cố ra sức gào át ban đồng ca, bài hát vẫn vang lên:
Bà già rất yêu
Chú dê xám bé tí hon…
Cuối cùng tên cảnh sát không nén được nữa. Hắn vớ lấy gươm:
- Tao không cho phép bỏ nhà máy! Về các phân xưởng. Không tao sẽ đày tất cả đi Sibir!
- Không đủ gông đâu, – công nhân đáp lại. – Chúng tôi ngần này cơ mà, cả một biển người.
- Mời ngài tránh ra, thưa ngài, không chúng tôi sẽ làm bẩn áo ngài đấy.
Cuối cùng xuất hiện những người thợ lò than cốc mặt vàng bệch, quần áo rách bươm cháy xám. Tôi và Vaska suýt kêu lên vì vui sướng: mỗi người trong bọn họ đều có một bông hoa hoặc cài ở khuyết áo, hoặc đính trên mũ hay cầm ngay ở tay. Những bông anh túc đỏ sáng rực lên như những tia lửa nhảy nhót. Và tất nhiên đó là những bông hoa của chúng tôi!
Công nhân reo hò chào đón thợ lò than cốc. Tôi nhận ra bố tôi trong đám đông. Bố tôi tung một tập giấy lên và những tờ giấy từ từ rơi lả tả trên đầu hàng nghìn người, rung rinh vẫy gọi như những cánh chim câu.
Tên cảnh sát trưởng khản đặc cổ. Hắn gào lên, nhưng không còn nghe rõ cái gì nữa. Bỗng cửa nhà máy bật mở tung và bọn hiến binh cưỡi ngựa, gươm tuốt trần, đi nước kiệu vào sân.
- Chuồn thôi! – Vaska hét tôi.
Công nhân chạy tản ra mọi phía và bắt đầu trèo qua rào.
Tôi và Vaska lao về phía lỗ thủng chỗ tường nhà máy, chỗ có dòng nước đen sì hôi thối chảy qua. Lỗ nhỏ quá, phải bò lết qua và người tôi thấm đầy nước bẩn như dầu ma-dút.
Con Polkan hóa ra vẫn chực sẵn chúng tôi ở cổng nhà máy, nên vừa nhìn thấy chúng tôi, nó đã cụp tai, lao theo như tên bắn.
4
Hoảng sợ, người ướt hết, chúng tôi chạy rất lâu trên cánh đồng cỏ và chỉ hoàn hồn khi đã náu mình ở bên dốc dựng đứng của khe hẻm. Chúng tôi nhận ngay ra khe hẻm “Di-gan”. Ở đây có đường hầm sâu dưới đất, nơi trước kia người ta vẫn đào than, rồi sau đó, theo mọi người kể, là chỗ ẩn náu của bọn đào ngũ.
Chúng tôi đứng trên gò mô cao. Cánh đồng cỏ bị thiêu nóng trải rộng ra trước mặt. Một làn không khí oi bức bốc lên và rung rinh trên những ngọn đồi xanh trập trùng. Làn gió thổi thành từng đợt lướt qua ngọn vũ mao ánh bạc. Hoa trên thảo nguyên nhiều vô kể, không đếm và bao quát xuể! Những vòng hoa cỏ phúc thọ đung đưa những chấm vàng trên sườn khe nước. Xa xa thấp thoáng những bụi ngũ vị tử xanh rờn. Những đám mây trắng ùn lại trên bầu trời cao, bao trùm mọi cảnh vật.
Cả cánh đồng cỏ rộng mênh mông tràn ngập niềm vui, và rất tự nhiên chúng tôi phần nào quên đi những nỗi hoảng sợ vừa qua.
Chúng tôi tụt xuống khe, luồn lách qua những cây sồi con xù xì, những cây lê dại và sơn trà. Cỏ dưới đáy khe cao tới tận thắt lưng. Con Polkan lẩn trong đám cỏ. Chúng tôi nhận ra nó qua đàn chim vừa kêu vừa vụt bay lên.
Chúng tôi bỗng gặp một lạch nước trong suốt có thể nhìn rõ cả những hòn đá sỏi dưới đáy!
- Chúng mình quên mất tờ áp-phích, – Vaska nhếch mép nói, rồi rút tờ giấy đỏ trong ngực áo ra. – Gượm đã, ở đây người ta thấy mất. Đi, tớ biết phải đi đâu rồi.
Chúng tôi lách qua các bụi cây và tới trước một đường hầm bỏ hoang. Những bụi hoa tường vi mọc đầy ở lối vào hầm.
“Không biết có phải tên vua Daldon đã trốn ở đây không?” – tôi nhớ lại câu chuyện của Vaska.
Vaska lẩn vào trong hang. Tôi buộc lòng cũng phải bò vào dù thấy thật kinh khủng.
Chúng tôi ngồi bệt xuống ven chân tường. Nước trong nhà máy đầy váng dầu đã làm bẩn tờ truyền đơn và làm mờ cả những dòng chữ. Thật khó lần đọc được những gì viết trong đó.
- Đọc đi! – Vaska giục.
- “…Hãy nhìn quanh ta! Ngày nào cũng có những vụ nổ hầm, ngày nào cũng có tai nạn. Thằng chủ mỏ Hughes làm giàu bằng xương máu của chúng ta!…”
Con Polkan gầm gừ phía không xa.
Vaska ra hiệu báo trước điều gì đó, nắm lấy tay tôi rồi một mình lén tới lối ra, ngó nhìn xung quanh. Cậu rón rén quay lại và ngồi xuống, đôi mắt căng thẳng chờ đợi sáng lên trong bóng tối lờ mờ.
- Mấy bác công nhân nào đó đang đi ngoài đồng cỏ, – ngừng một lát Vaska tiếp, – tớ biết họ đi đâu rồi.
- Đi đâu, nói đi cậu!
Vaska không trả lời, lấy tờ giấy ở tay tôi, giấu xuống dưới tảng đá.
- Đi tìm súng lục đi.
- Súng lục nào?
- Rõ là súng ấy rồi còn gì! Nếu bọn đào ngũ trốn trong đường hầm thì nghĩa là chúng đã giấu súng lục trong tường.
Chui sâu vào đường hầm còn sợ hơn là rơi vào tay bọn cảnh sát với tờ áp-phích bị ngăn cấm. Và nhỡ nếu đúng có tên vua Daldon ngồi lù lù dưới lòng đất hay tệ hơn nữa là chính con quỷ Shubin* với những chiếc móng chân lông lá lẩn trốn trong bóng tối thì sao? Muốn chống lại Shubin, thật ra, có một cách chắc chắn là làm dấu và đọc bài kinh “Chúa Phục Sinh…”, nhưng tôi đã quên hết cả kinh nguyện vì quá sợ.
Vaska bẻ lấy hai cái gậy, đưa cho tôi một chiếc.
- Chúng ta chui vào đi, Lenka, đừng sợ.
Chúng tôi để con Polkan ở lại gác bên lối vào. Nó ngoan ngoãn nằm xuống bãi cỏ. Chúng tôi đi sâu vào trong, ngày càng cách xa chỗ sáng. Thoang thoảng mùi mốc. Dưới chân bùn bẩn lép nhép. Hai bên trông rõ những cột chống bị mục nát ở dưới và trơn tuột, làm chúng tôi phải bò lồm cồm mới qua được. Sau đó tối đến mức không nhìn rõ cả Vaska nữa. Tôi níu áo và đi theo sau cậu.
Thỉnh thoảng Vaska lại dừng lại, ngồi xệp xuống lấy tay sờ lần dưới các tảng đá xem có súng lục hay không.
Chúng tôi lê bước trong bóng tối như bưng lấy mắt, cúi lom khom cho khỏi cụng đầu vào xà ngang. Càng vào sâu càng sợ trơn. Tôi chờ đợi xem con quỷ Shubin sẽ bật cười khanh khách trong bóng tối, rồi quờ lấy chân.
Vaska lấy đá trong túi ra, đánh lửa lên. Cậu thổi vào bó giẻ cháy âm ỉ và ánh sáng mờ mờ chiếu rọi vòm cuốn ướt át, thấp lè tè. Chúng tôi vấp phải một cái cuốc chim nằm ngang trên đường ray ngập nước.
- Các chú công nhân đã cuốc than ở đây đấy, – Vaska vừa nói vừa sờ sờ chiếc cuốc đã han gỉ.
Chúng tôi lại đi tiếp, rẽ ngoặt sang một ngách, rồi phải bò lết đi vì chiếc khung đỡ sụt xuống đất. Bó giẻ đã tắt ngấm từ lâu. Tôi nhìn quanh: đằng sau tối đen như mực, phía trước cũng thế. Cơn sợ hãi sởn gai ốc chạy dọc sống lưng tôi. Xung quanh yên ắng đến mức nghe rõ cả tiếng o o trong tai. Nghe rõ cả tiếng tí tách của những giọt nước.
- Ở đây mà chơi bịt mắt bắt dê thì tuyệt nhỉ, phải không nào? – Vaska hỏi.
- Ờ, ờ.
- Cậu sao thế?
- Không sao cả.
- Sợ à?
- Khô… khô…ng.
- Tớ lại nghĩ cậu sợ đấy. Sắp tới lối ra rồi. Cậu có thấy tiếng gió thổi không?
Tôi cảm thấy trên mặt mình một luồng hơi mát nhẹ. Trong lòng thanh thản hẳn lên. Và đây kia, ở phía trước đã thấy mờ mờ ánh sáng yếu ớt, xa xa của lối ra. Tôi vượt lên Vaska và lao vút về phía vệt sáng đó.
- Cúi đầu xuống kẻo đụng! – Vaska gọi với theo, nhưng tôi đã chạy biến lên trước nhanh hơn.
5
Lối ra khỏi đường hầm bị sụt lở, cây mọc thành bụi nên tôi không nhận ngay ra được mình vừa bước ra khe Bogodukhovskaya. Đầm nước Bogodukhovskaya ánh lên giữa các cành cây râm mát.
Vừa ở đường hầm ngột ngạt đầy mùi hôi thối mục nát ra gặp làn gió thơm tho tươi mát hơi nước thật dễ chịu lạ thường.
Nhưng mà này!… có tiếng người. Tôi thò đầu ra vừa nhìn quanh đã thấy giữa những bụi cây cơ man là người. Một lá cờ đỏ lớn bay phần phật trước những đợt gió trong lành của thảo nguyên.
Tôi thấy lạnh toát cả gáy. Máu ở thái dương giật thình thịch. Vaska bò ở phía sau. Có lẽ cậu nhận thấy có điều gì không ổn với tôi, nên thì thào:
- Gì ngoài ấy thế?
Tôi không trả lời. Vaska thận trọng rẽ các cành cây ra và mừng rỡ thì thầm:
- Tớ biết ngay mà.
Chúng tôi nín thở và bắt đầu theo dõi.
Một người nào đó thấp bé, béo phị đội chiếc mũ quả dưa cố lên tiếng phát biểu. Đứng trên gốc cây, hắn ta lắc lắc nắm tay béo múp và kêu lên:
- Chúng tôi vẫn không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng: không nên dùng vũ khí! Không nên! Hãy nhớ lại năm 1905. Năm đó đã cho chúng ta, những người làm cách mạng Nga, những gì? Hàng trăm người chết! Hàng nghìn người bị đi đày! Sao các anh, các anh lại muốn đất đá thấm máu nữa sao?
- Năm 1905 dạy chúng ta phải chiến đấu! – Người có bộ râu đen lởm chởm, chính người từ Lugansk đến chỗ chúng tôi và tên là Mityai ấy, đã kêu lớn. Tôi nhận ngay ra bác ta.
- Đấy không phải là đấu tranh, mà là nổi loạn! – Tên béo đội mũ quả dưa the thé đáp lại bác Mityai. – Cuộc nổi loạn đã bắt người thợ phải trả một giá quá đắt. Thôi, xin cám ơn, chúng tôi không muốn năm 1905 lại lặp lại.
- Thế thì cứ nói thẳng ra: chúng tôi không muốn cách mạng! – bác Mityai kêu lên trong tiếng ồn ào hưởng ứng. – Còn chúng tôi thấy rõ lối thoát ở cách mạng và sẽ làm cách mạng, mặc dù cách mạng không làm các ngài, bọn ăn bám chạy theo tư sản, thích thú!
Tên béo rít lên the thé:
- Người thợ không cần những cuộc ẩu đả. Thêm năm cô-pếch vào đồng rúp đối với anh ta còn quý hơn tất cả những cái chính trị của các anh.
- Không đúng!
- Thôi nghe hắn đủ rồi, đả đảo những lời cầu nguyện men-sê-vích!
Lá cờ đỏ buộc chặt vào chiếc gậy mới đẽo bắt đầu bay phấp phới, sau quật phần phật trước gió.
Tôi nhìn thấy chú công nhân trẻ đứng cầm cờ.
- Mày thế nào, mày muốn mua tự do bằng năm cô-pếch thôi à? – Bỗng vang lên một tiếng nói thân thuộc đến nỗi tôi cảm thấy nghẹt thở. Dù trong hàng ngàn tiếng nói tôi vẫn phân biệt được cái giọng khàn khàn ấy. Những bụi cây làm tôi không nhìn thấy bố tôi nhưng tôi biết chắc đấy chính là bố tôi.
Còn tên béo vẫn đang kêu la:
- Công nhân Nga chưa sẵn sàng làm cách mạng! Nhiệm vụ của chúng ta là tổ chức những ủy ban công nhân và những trường học vào chủ nhật. Cái cần không phải là kêu gọi khởi nghĩa, mà là gửi kiến nghị cho viện Duma yêu cầu lợi quyền cho công nhân!
- Đủ rồi. Năm 1905 chúng ta đã yêu cầu rồi và Nga hoàng đã trả lời bằng viên đạn!
Tôi trông thấy rõ ràng chú thợ máy Sirotka nói câu trên, thậm chí chú còn lắc lắc ống tay áo rỗng nữa.
- Đây, Nga hoàng đã trả lời yêu cầu của tôi đây! Các đồng chí! – Chú quay về phía mọi người. – Bọn men-sê-vích kêu gọi chúng ta thoái lui! Chúng bảo vệ tên cai ngục Nga hoàng! Đả đảo bọn men-sê-vích, bọn phản bội sự nghiệp của công nhân!
- Đả-ả đảo! – Mọi người từ bốn phía khe hẻm ủng hộ chú Sirotka.
- Đừng để cho tên men-sê-vích đội lốt công nhân.
Và thế là bắt đầu! Chú thợ mỏ Petya, từ mỏ Pastukhovska đến, ngồi sát đường hầm, cách tôi khoảng ba bước, nhảy lên hét lớn:
- Quẳng nó xuống ao đi!
Cổ tên béo đỏ gay, đầu hắn giống hệt chiếc búa to và hắn kêu rít lên:
- Các người không thể bịt được miệng chúng tôi! (Nào có ai bịt miệng hắn đâu, người ta chỉ định đẩy nó xuống thôi.) Chúng tôi không ít hơn bọn bôn-sê-vích các người đâu, chúng tôi cũng đấu tranh cho tự do…
Mọi người được dịp cười tên béo đó một cách thỏa thích. Người ta gọi nó thật là đúng: thực tế hắn khá nhỏ bé* – trông như một thằng lùn chỉ khác có cái bụng to.
Công nhân dồn thằng béo xuống.
Bác Mityai đứng lên thay thế. Lời bác vọng tới tôi từng đoạn một:
- Bọn men-sê-vích các người tồi hơn cả quân thù. Các người làm ra vẻ là bạn của công nhân và bằng những lời lẽ đẹp đẽ muốn lôi kéo họ xa rời cách mạng. Không được đâu! Không có cuộc cách mạng nào thắng bằng lời nói suông được. Cần phải đáp lại những viên đạn của Nga hoàng bằng đạn!…
Tôi suy nghĩ xem tôi và Vaska phải làm gì: quay trở lại theo đường hầm thì thật kinh khủng, ở lại cũng nguy hiểm.
Tôi thấy hình như con Polkan đang hoảng hốt sủa ở đâu đó xa xa. Nhưng đó, tất nhiên, chỉ là cảm giác, con chó của chúng tôi ở cách đây khá xa. Nhưng bỗng nghe thấy tiếng chân lội oàm oạp, tôi quay lại: trong bóng tối sâu thẳm của đường hầm thấp thoáng có ánh lửa.
- Ai thế, Vaska?
- Nấp đi.
Không có chỗ nào mà nấp cả. Tôi sợ dúm cả người. Tôi nép sát vào tường, nấp giữa những cột chống hầm ngầm. Những giọng nói rì rầm vọng lại. Nhờ ánh lửa tới gần những bóng người in lên nền tường ẩm ướt chập chờn di động.
Tôi nín thở. Ai đang lẻn tới chỗ chúng tôi thế nhỉ?
Một tên đi qua chỗ tôi, nghe ngóng rồi quay lại thì thào:
- Thưa ngài, chúng nó ở đây.
Tôi nhận ra thằng chỉ điểm rớt dãi lòng thòng. Sau đó thằng cảnh sát trưởng rón rén lom khom đi tới, thận trọng liếc nhìn ra ngoài hang, rồi thì thầm với các tên cảnh sát đứng sau:
- Chuẩn bị… Phải bắt sống bọn cầm đầu!
Vì hoảng sợ nên tôi quên biến cả Vaska, thậm chí không nhìn thấy cậu ta trốn vào đâu nữa. Bỗng tôi nghe thấy sát bên một tiếng không ra rên, cũng chẳng phải bò rống, rồi thấy Vaska hét lên:
- Ôi!
Thằng cảnh sát trưởng và bọn lính ngồi thụp ngay xuống.
- Đứa nào ở đây thế? – tên cảnh sát trưởng rít lên, rồi vội vã đưa tay sờ soạng quanh mình.
- Ối, giẫm gãy chân rồi! – Vaska lấy hết sức hét lên.
- Câm ngay, đồ súc sinh!
Trong ánh lửa tôi nhìn thấy Vaska ngồi dưới đất, đang vặn vẹo người.
- Ôi, cứu tôi với, đau quá! – cậu gào lên.
Tên cảnh sát trưởng bịt mồm Vaska lại, nhưng cậu vùng ra, kêu tướng lên.
Dưới khe hẻm nghe thấy tiếng cành cây gãy và tiếng chú thợ mỏ Petya:
- Các đồng chí! Báo động!
- Còn đứng đấy làm gì nữa lũ ngu xuẩn! – tên cảnh sát trưởng hét bọn lính, rồi rút súng lục ra khỏi bao, lao ra khỏi đường hầm đầu tiên.
Từ phía khe vọng lại tiếng súng, tiếng kêu la và tiếng đánh nhau ồn ào, loạn xạ.
Vaska túm lấy tôi, lao vào trong đường hầm, tay giơ về phía trước để tránh đụng phải xà ngang. Cậu không còn kêu và than thở về cái chân đau nữa, nghĩa là giả vờ đau…
Thật là một ngày khủng khiếp, không còn hiểu nổi cái gì nữa…
6
Tin bọn cảnh sát bắn giết công nhân ở khe Bogodukhovskaya làm nhiều người chết và bị thương, lan xa khắp cánh đồng có vùng mỏ. Người ta kể là tên cảnh sát trưởng đã xé tan lá cờ đỏ và những tờ truyền đơn vấy máu rải khắp khe. Tin này do những người chạy thoát nói lại.
Tôi không biết bố tôi ra sao: bố tôi còn sống hay đã chết mất rồi. Tôi đứng khóc bên hàng rào nhà máy, còn Vaska kéo tôi đi tìm bố. Nhưng tìm bố tôi ở đâu bây giờ, khi mà khắp nơi đã xảy ra một điều gì đó, không thể tưởng tượng được!
Một đám đông tới hàng nghìn công nhân xôn xao bên nhà máy. Công nhân đào than từ các mỏ lân cận vũ trang bằng búa, cuốc chim và rìu kéo tới hỗ trợ cho công nhân của nhà máy.
Công nhân chuẩn bị chiến đấu: họ đẩy những tảng đá nặng, những cột cao, những toa goòng và những tấm sắt xếp chồng lên nhau thành một ụ chiến đấu. Trên cùng cắm lá cờ đỏ – một chiếc sơ-mi đẫm máu của ai đó buộc chặt vào chiếc gậy.
Bác Mityai chỉ huy công nhân. Chính bác đã cắm lá cờ đỏ trên chiến lũy. Lẫn trong đám đông công nhân có cả chú Wang Li bố Alyosha và chú thợ mỏ Petya. Rồi chúng tôi cũng nhìn thấy cả chú Anisim Ivanovich. Chú xúc động điều khiển chiếc xe của mình chạy bên chiến lũy, chỉ cho công nhân cách dựng.
Tôi và Vaska cúi thấp xuống để chú khỏi nhìn thấy.
Bỗng từ một phố gần đấy một thằng phi ngựa như bay tới, quay ngựa một vòng, tay giơ cao thanh kiếm. Một đội kỵ binh, súng ống đầy đủ, đi nước kiệu tới. Đích thân tướng Shatokhin, tên thị trưởng, cùng thằng cảnh sát trưởng đi xe ghế mềm ở phía trước. Thằng cảnh sát trưởng đứng trên thành xe hét toáng lên:
- Giải-ải tán!
Tiếp sau đó là một loạt súng nổ.
Bác Mityai đứng lên chiến lũy. Giọng bác vang lên nghe ghê gớm:
- Các đồng chí! Chúng ta quyết bảo vệ quyền sống! Đả đảo tên Nikolai Khát máu!
Công nhân nhặt đá lên, trong đám đông thấy xuất hiện những cái búa… Tên sĩ quan chỉ huy còn trẻ, đi găng trắng, dẫn đầu bọn Cozak, giật mạnh con ngựa ô chồm lên hai chân sau, rồi quay lại bọn kỵ binh, lớn tiếng, kéo dài giọng ra lệnh:
- Tuốt kiếm ra! Theo ta, tiến lên, tiến lên!
Những lưỡi kiếm tuốt ra khỏi bao vụt sáng như ánh chớp. Bọn lính Cozak cúi rạp trên mình ngựa, xông vào đám công nhân.
Những tảng đá, mảnh quặng và mẩu sắt bay vụt ra đón đầu chúng.
Những con ngựa của bọn Cozak lồng lên: con vẹo sang bên sườn, con uốn cổ dài xuống thành vòng tròn. Một con chồm lên hai chân sau, thở phì phì, đùn bọt hồng ra mép và dậm dậm chân dường như muốn tránh xa trận bão đá. Bọn lính Cozak ùa vào đám đông và quay tít kiếm trên đầu, thúc ngựa xéo đạp lên mọi người. Một bọn khác hung tợn như thú dữ thẳng tay quất roi có đầu chì vào vai, tay và lưng các chú công nhân. Tôi nhìn thấy chú thợ mỏ Petya bấu chặt vào dưới sống mũi con ngựa xám. Tên Cozak lấy hết sức quất roi vào đầu chú, nhưng chú vẫn không buông mũi ngựa cho tới khi con vật ngã khuỵu xuống: thằng lính ngã lộn qua đầu ngựa xuống đất.
Trận đòn roi diễn ra xung quanh trông phát khiếp.
Bọn hiến binh ập đến hỗ trợ bọn Cozak. Chú thợ máy Sirotka kêu lên:
- Các đồng chí, anh em! Hãy đánh chết bọn tay sai Nga hoàng đi! “Vùng lê-ên hỡi các nô lệ-ệ ở thế gian. Vùng lê-ên hỡi ai cực khổ bần hà-àn!…”
Thằng chỉ điểm dãi rớt bẩn thỉu vớ hòn gạch lao thẳng tới chú Sirotka, nhưng chú thợ mỏ Petya đã từ phía sau lấy búa đập vào đầu nó, và hắn theo đà lao xuống hào nước, chỗ tôi và Vaska nấp. Chiếc kẹo từ túi thằng chỉ điểm lăn xuống hố, còn chính hắn thì nằm nguyên, đầu vỡ toác.
Khoảng hai mươi tên hiến binh luồn lách qua đám đông đến chỗ ụ chiến đấu đang xây dở, nơi lá cờ đẫm máu đang phần phật bay. Một số thằng khác xông đến chỗ bác Mityai đã được công nhân vây quanh thành một bức tường kín chắc. Bọn hiến binh giật lá cờ xuống và bắt đầu xé vụn. Chú Wang Li lấy gậy đánh chúng, nhưng gậy lại bị gãy. Từ đám người thấy tách ra một chú công nhân, chú chạy sang một bên, cởi cúc áo cổ, rút trong ngực ra một mảnh vải đỏ, rồi buộc vào chiếc gậy gãy. Tên Cozak từ trên mình ngựa vụt roi vào mặt chú và chú ngã xuống cùng với lá cờ.
Nhưng lúc đó có một tiểu thư cầm ô, trong nháy mắt đã cởi bỏ bao ô và thay vào cái ô trong tay cô giờ đây phần phật trước gió lá cờ đỏ. Thằng cảnh sát có ria mép túm lấy đuôi sam của cô tiểu thư, giúi đầu cô ta xuống đất, nhưng các chú công nhân đã giật lấy cái ô cờ và lá cờ cán ô được chuyển từ tay này qua tay khác, phần phật trôi đi trên đầu mọi người.
Giữa tiếng ầm ầm của trận đánh, bác Mityai lớn tiếng kêu gọi mọi người không đầu hàng, nhưng bọn hiến binh đã ùa tới chỗ bác. Bác hất bọn chúng ra, nhưng chúng ùa đến đông như kiến.
Tôi nhìn thấy cách chỗ chúng tôi không xa một người đàn bà tóc rối bù chạy tới chỗ thằng sĩ quan chỉ huy đang chỗm chệ trên mình ngựa, bà giật phanh ngực áo ra, hét lên:
- Này đây, đồ hèn hạ, hãy bắn vào ngực tao đang nuôi con đây này!
Bọn hiến binh, Cozak và cảnh sát dồn công nhân đến cổng nhà máy. Dưới sức ép của mọi người, cánh cổng kêu răng rắc.
Đám đông ùa vào nhà máy, theo sau là bọn Cozak. Những tiếng đánh nhau bắt đầu xa dần…
Thế rồi chúng tôi vẫn tìm được bố tôi. Các chú công nhân đã mang bố tôi bị thương vào buồng nồi hơi.
Người bố tôi đầy máu. Bố tôi ngồi trên chiếc hòm, tựa người vào tường. Chú thợ mỏ Petya và hai chú nữa lấy những mảnh vải băng đầu cho bố tôi.
Tôi khóc to, nhưng bố tôi không nghe thấy. Bố tôi nhắm mắt, nhắc đi nhắc lại như mê sảng.
- Rồi chúng mày cũng sẽ đến ngày tận số… Không lẽ máu này lại chảy ra một cách vô ích!…
7
Cuộc nổi dậy trong thành phố mấy ngày liền vẫn chưa dịu đi chút nào.
Ngày Mồng Một tháng Năm cuộc chiến đấu diễn ra trên khắp các đường phố. Những đại đội kỵ binh Cozak điều từ Bakhmut tới khu trung tâm trong thành phố đã dồn công nhân đến tận hàng rào nhà thờ và bắt đầu đánh đập. Những người bị vây không còn chỗ nào để trốn chạy ngoài cách chúi vào nhà thờ. Nhưng cha cố lại dồn đuổi họ ra. Công nhân tự vệ bằng những đồ dùng trong Nhà thờ: họ lấy chân để các cây nến, bẻ thân gỗ các bức tranh thánh làm gậy, và lấy những tập kinh thánh bằng đồng đánh trả bọn Cozak. Một chú công nhân quẳng cả bình hương trầm vào tên cảnh sát. Người ta kể là cha Ioann đã đứng ở bậc tam cấp nhà thờ hét lớn: “Hãy biết sợ Chúa! Người ta phá Nhà thờ!” Còn ai nghe cố đạo nữa, khi mà bọn Cozak đang dùng gươm đâm chém mọi người.
Đến ngày thứ ba tên thống đốc từ Yekaterinoslav về và ra lệnh phạt roi tất cả những người bị bắt. Lính vây chặt quảng trường “Chữa cháy” thành một hàng rào dày đặc – không thể đi qua được. Người ta kể là tên thống đốc đã nhạo báng công nhân và trước mỗi trận đòn đã chúc mừng công nhân “nhân ngày Mồng Một tháng Năm”.
Chú Wang Li và chú Sirotka bị bỏ tù, rất nhiều người bị đưa vào các đại đội tội phạm. Bố tôi được các chú công nhân giấu đi đâu đó, còn bác Mityai mặc dù được các chú công nhân hết sức bảo vệ, vẫn bị bọn cảnh sát bắt được. Tên thống đốc hình như đã nói: “Chúng tao tìm kiếm mày đã lâu, tên dân chủ xã hội! Bây giờ thì đừng có hòng thoát khỏi tòa án của chúng tao!”
Chỉ mãi đến ngày thứ năm mới có thể đi lại trong thành phố một cách yên ổn. Người ta kể với tôi và Vaska rằng cả quảng trường “Chữa cháy” bị vấy máu. Nhưng chúng tôi không tìm thấy dấu vết gì. Còn những người lính chữa cháy đã chỉ cho chúng tôi chỗ đặt chiếc ghế dài dùng để nọc công nhân ra đánh – ngay bên đài kỷ niệm của Nga hoàng. Còn chiếc ghế tên thống đốc đã ngồi nghỉ đặt ngay đối diện. Chúng tôi còn thấy cả vết chân ghế lún xuống đất. Chắc là tên thống đốc phải to béo lắm.
Bọn vệ binh cưỡi ngựa đi diễu khắp phố. Con đường gần tòa án thành phố chật ních người. Chúng tôi lắng nghe các câu chuyện và hiểu là chúng đang xử bác Mityai, nhân vật chính của phong trào cách mạng trong thành phố. Chúng tôi định lách lại gần, nhưng bọn Cozak chỗm chệ trên ngựa vây quanh tòa án chĩa giáo ra hăm dọa, thỉnh thoảng lại hét lên:
- Lùi lại!
Tôi và Vaska leo lên cây. Từ đấy nhìn rõ cả cửa sổ tòa án và cửa ra vào có lính gác.
Công nhân tụ tập dưới gốc cây. Một người trong bọn họ, có lẽ đã được dự phiên tòa xử, sôi nổi kể:
- Tên thẩm phán tuyên bố: “Cho bị cáo nói lời cuối cùng”. Anh ấy bèn đứng lên và thế là anh nói thẳng vào mặt chúng: “Không, thưa các ngài, ở đâu còn có hàng ngàn nông dân bị chết đói, còn có công nhân bị bắn chết vì bãi công, ở đó khởi nghĩa còn tiếp tục cho tới khi nào quét sạch khỏi mặt đất sự ô nhục của loài người – đó là chế độ Nga hoàng!”
Người đó nghe có vẻ giống như bác Mityai vì chính tôi đã thấy bác đánh nhau với bọn hiến binh dũng cảm như thế nào và có lẽ, không phải chỉ có một tên đã bị ăn bạt tai…
Tôi tụt xuống thấp hơn để nghe chuyện chú công nhân cho rõ hơn, thì bỗng mọi người nhốn nháo:
- Chúng đang dẫn ra, đang dẫn ra!
Tôi thấy từ trong tòa án bước ra hai tên lính cầm gươm tuốt trần, theo sau chúng – tôi suýt khóc vì thương xót – là bác Mityai bị gông, sau bác còn hai tên lính mang gươm nữa.
Ra khỏi tòa án, bác Mityai mỉm cười, giơ cái xích lên làm nó kêu loảng xoảng:
- Các đồng chí, đây, luật pháp của chúng đây!
Thằng lính đi sau đá bác:
- Đi, không nói chuyện!
- Tạm biệt các đồng chí! Hẹn gặp nhau ngoài chiến lũy!
- Tha lỗi cho chúng tôi, đồng chí Mityai! – vang lên khắp mọi phía.
Tôi và Vaska nhảy từ trên cây xuống, nhưng bị mọi người ép lại. Không còn nghĩ ra được cách nào lại gần bác Mityai. Bọn kỵ binh Cozak lấy roi ngựa vụt mọi người tới tấp.
Chúng tôi đi theo tới tận nhà tù. Ở đó bọn sen đầm và cảnh sát lại càng nhiều hơn. Nhà tù chật ních người bị bắt và từ sau bức tường ở đó vọng ra tiếng ồn ào lo lắng.
Một chiếc khăn đỏ thò ra qua chấn song sắt cửa sổ và có ai đó kêu lớn:
- Hỡi anh em! Hãy tiếp tục chiến đấu!
Tên lính canh nhặt hòn gạch ném vào cửa sổ, miệng chửi rủa tục tĩu.
Chúng tôi bỏ đi vì sợ lại xảy ra bắn nhau.
Trong lòng thấy nặng nề – chúng đánh đập người của chúng ta. Còn bọn tiểu thư nhà giàu ăn diện chải chuốt lại cùng các sĩ quan ngồi thoải mái trên ghế đệm nhung của những cỗ xe song mã kéo qua các cửa hiệu giàu có ở đường phố chính.
Tôi kéo Vaska về nhà.
Mặt trời đã lặn. Phương tây tràn ngập ánh hồng.
Tới chợ chúng tôi thấy một đám đông phụ nữ và trẻ em đang đứng nghe một người nào đó. Chúng tôi lại gần. Một ông già cầm đàn băng-đu-ra, khoanh tròn chân, ngồi bệt dưới đất. Tóc ông cụ bạc trắng, lông mày rậm rì. Ông cụ gảy đàn nhưng không hát mà nói, lúc khẽ chỉ vừa đủ nghe, lúc lại cất cao giọng giận dữ:
Hây, hây…
Nếu tôi chết hãy chôn tôi nhé,
Trước thảo nguyên rộng lớn bao la
Vùng Ukraina yêu dấu thiết tha.
Cụ già siết chặt dây đàn rồi im bặt. Và bỗng cụ lại gảy tiếp. Dây đàn bật vang lên và ông cụ bắt đầu nói, giọng hăm dọa:
Hãy chôn đi và hãy vùng lên,
Đập tan xiềng xích, đấu tranh.
Chí ta vấy máu quân thù hôi tanh…
Hây, hây!…
Một sự phỏng đoán kỳ lạ bỗng lóe sáng trong đầu tôi: “Thôi đúng rồi, đây chính là Anh Nghèo với cây đàn mà Vaska đã kể đây! Thế nghĩa là anh ta vẫn còn đang đi quanh trái đất để tìm vua”. Câu chuyện cổ cũng giống như đời sống và tôi không thể hiểu đâu là sự thật, đâu là điều tưởng tượng.
Tôi định nói điều đó với Vaska thì từ góc phố tên Zagrebay khệnh khạng bước ra.
Cụ già đứng dậy, bỏ đi. Chúng tôi im lặng theo tiễn ông cụ tới tận ngoại ô, rồi đứng đó nhìn mãi theo Anh Nghèo đang đi trên đường ra cánh đồng cỏ.
- Ông cụ đi tìm vua… phải không, Vaska?
Vaska không trả lời.