Số lần đọc/download: 870 / 12
Cập nhật: 2017-08-04 07:40:52 +0700
Chương 4
I
N LÀ CÓ PHẦN NHIỀU NGƯỜI LẮM, vây quanh tôi. Họ nói với nhau, những gì tôi không nghe rõ. Mà tại sao họ lại xuất hiện lúc này. Lãng xẹt. Vô duyên thấy mồ. Tôi đang đi chơi với Thục mà. Chúng tôi đứng lại và ngồi xuống một băng ghế đá. Dưới tàn cây khuynh diệp. Ở xa, nắng vàng trải từng thảm mỏng trên lớp cỏ non. Sương còn như những hạt lựu nhỏ, dính trên bụng lá lật ngửa. Người phu quét rác công viên gom gom, những cọng lá lớn, thành từng đống nhỏ, trên lối đi sỏi trắng. Chốc chốc, ông lại chống cây chổi, hất chiếc nón cối lên cao, lim dim đôi mắt, mơ màng qua làn khói đục của điếu thuốc rê ngó chúng tôi, trong ánh khoan dung của một người ngó lại quá khứ mình trong đời sống kẻ khác. Thục nép bên tôi, màu xanh của tấm áo làm bật nổi nước da nhợt nhạt kết quả của những đêm mất ngủ, lo nghĩ. Nỗi chua xót cay cực chia tan trong từng hơi thở. Không một lời nào nói được với nhau lúc đó. Còn nói gì nữa, khi mắt chợt gặp mắt, tay mới vừa chạm tay mà lệ đã đoanh tròng, răng đã nghiến, môi đã mím chặt để đừng thốt lên, đừng nức nở? Tình cảm hai đứa chúng tôi lúc đó, chắc không thể thảm hơn. Những đôi mắt lạc thần, những mái tóc xác xơ, những tia nhìn đẫm ướt.
Họ đến làm gì trong lúc này. Sao họ lại vây quanh tôi. Họ muốn hành hạ chúng tôi đến đâu nữa? Bao nhiêu nữa? Bao nhiêu nữa, mới đủ, mới vừa? Muốn đến đâu nữa? Này xác, này thân, này trái tim, này khối óc, này linh hồn, tất cả đã tả tơi, tất cả đã rời rã. Tôi chỉ còn là một đống thịt nhão, một sinh vật sống hòa trong nỗi chết. Toàn thân tôi, tuyệt vọng đã đắp đầy thành xương, thành thịt, phẫn uất đã kết tụ tan chảy thành máu. Tôi chỉ còn trông chờ một phép lạ. Một phép lạ đến trong chính sự không hy vọng của mình. Tôi ngồi đó. Thục ngồi đó. Thục đó, đôi mắt đó, vuông trán đó, làn tóc đó, chiếc miệng đó... Mà, chúng tôi xa nhau thật sao? Mà chúng tôi mất nhau thật sao? Đôi chân đó, cánh tay đó, làn môi đó... Mà chúng tôi vĩnh viễn xa nhau thật sao? Không. Đừng giết tôi,, không ai có quyền giết chúng tôi. Nhân danh gì? Cái gì.
- Gọi y tá. Gọi y tá.
- Không. Lay nó dậy đã... Nóng quá. Kiếm nước đá đắp lên trán. Xem tim còn thở không? Ai về báo cho mẹ nó biết! Có tiếng khóc của phụ nữ. Tiếng quát tháo. Tiếng chân chạy. Lời chửi thề. Rầm rập. Rầm rập. Tôi không hiểu chuyện gì hết. Tôi cố nhỏm dậy, cố ngóc đầu, nhưng sao đầu tôi nặng quá. Mắt tôi như đã có một vuông lụa bịt kín. Sao không ai mở mắt cho tôi. Ờ, mà Thục sao lại bỏ tôi trong lúc này? Tại sao? Tôi chưa mù mà! Tôi đâu đã què cụt!
- Chưa đến nỗi nào. Một giọng chững chạc, điềm tĩnh.
- Tôi phải làm gì? Sao tôi khổ thế này. Một giọng nước mắt.
- Y tá tới, dẹp ra. Ra ngoài hết. Một giọng gắt gỏng.
- Ông ấy làm sao? Tội nghiệp. Mới về xóm này ở đâu dăm tháng chứ mấy. (Giọng lè nhè đục ồm ồm, có lẽ là một người đã đứng tuổi). Tôi thấy ông ta hoài. Đi đi, về về lầm lũi, như chiếc bóng lủi thủi, như con cò.
Tiếng ồn ào dạt xa được một lát rồi lại tắp gần tôi, chợp chờn, chợp chờn. Cho tới lúc tôi thấy như có người gỡ cho mình tấm băng đen che mắt, tháo cho mình tảng đá nặng quấn cổ.
Tôi ngơ ngác, mở mắt, định thần, thấy mình đang nằm trên giường và chung quanh Hiệp, Doãn, Yến. Nhất là Yến mắt đỏ hoe chăm chú nhìn. Yến mỉm cười. Nụ cười mừng rỡ làm méo lệch cả khuôn mặt nàng còn thoáng kinh hãi.
Hiệp đặt tay lên trán tôi:
- Mày làm mọi người hết hồn. Sáng nay Yến vào trại bảo xin phép cho mày nghỉ. Không biết chuyện gì tao chở Yến về đây, thì gặp lúc mày đang lên cơn mê sảng. Doãn bảo đêm hôm mày nằm ngủ quên không đóng cửa sổ nên bị nhiễm lạnh.
Mùi dầu nóng hừng hực khắp người làm tôi tỉnh lại.
- Vừa kêu y tá chích cho mày đó. Doãn nói. Để xem nếu không được chiều nay mày nên đi bác sĩ coi. Tao lo quá. Tôi hiểu Doãn sợ nếu tôi chết ở đây, trong nhà Doãn, sẽ gây phiền phức không ít cho nó. Nhất là tình trạng bất phục tùng của nó, hiện tại. Tôi lắc đầu ứa nước mắt, nhưng không thể trách Doãn được.
Tôi trở mình quay mặt vào trong vách. Không muốn nhìn ai.
- Không nên nói gì hơn với nó. Hiệp bảo. Thôi ra ngoài đi. Cô Yến có thể ở lại xem nó có cần gì không.
- Nó hiểu lầm ý tao. Doãn nói giọng gay gắt.
- Nhưng thôi, để lúc khác anh. Anh ấy giờ đã như người mất trí rồi. Đâu còn biết phải trái gì nữa.
Tôi lắng nghe tiếng cửa khép sau những bước chân nặng của Hiệp và Doãn. Yến rón rén ngồi xuống. Nàng đặt tay lên người tôi, rồi từ từ tìm tới bàn tay. Hơi lạnh mát từ bàn tay Yến làm tôi rùng mình, đồng thời nhận ra tay mình nóng quá.
- Rót cho anh ly nước. Mở cửa sổ ra. Khó thở quá.
Yến đứng lên:
- Không được anh. Trời nắng. Lại gió nữa, anh.
- Tôi nói mở ra. Đã dễ gì chết ngay mà lo. Chết được lúc này là còn có phước đó. Yến sững sỡ trước lời nói nặng. Gương mặt nàng xịu xuống. Hai cánh tay run lên. Tôi trừng mắt nhìn. Khi không tôi cảm thấy ghê tởm Yến, khinh ghét và căm thù phụ nữ. Tôi chỉ muốn băm vằm, muốn níu giữ lấy Yến, muốn những ngón tay gầy guộc này bấm sâu vào chiếc cổ kia, vọc sâu vào đôi mắt kia. Tất cả những gì, ở Yến, cho tôi nhận ra Yến là đàn bà, Yến là phụ nữ. Yến là người khác phái với tôi. Là kẻ thù, tử thù. Tử thù hay đồng loại với kẻ tử thù của tôi. Tôi trợn mắt nhìn Yến, Yến vẫn đứng sửng, mắt mở lớn nhìn thẳng, không chớp. Tôi nắm tay, nghiến răng, chồm dậy. Nhưng tôi yếu quá. Cái đầu tôi chỉ có thể lúc lắc chứ không thể nhấc lên được. Tôi kiệt lực rồi. Tôi cũng không còn điều khiển nổi tôi nữa. Tứ chi tôi đã vượt ngoài quyền hạn tôi.
Thực tế phũ phàng đã trục xuất tôi khỏi tôi. Tôi duỗi thẳng tay chân, thở dốc, chống mắt nhìn lên đỉnh màn. Đúng lúc đó, Yến òa khóc. Nàng chạy lại ngã soài trên giường và ôm xiết lấy tôi. Tôi nhắm mắt thả mình trôi trên cơn cảm xúc của Yến. Ngặt một điều, nước mắt của Yến không gây chút trắc ẩn nào trong tôi, mặc dù, ý nghĩ thù hận đã tan đi.
Tôi dướn người với tay, định đẩy một cánh cửa sổ, nhưng Yến đã nhanh hơn ghìm giữ tay tôi lại.
- Em van anh. Nếu anh không thương em, không yêu em. Nếu anh không nghĩ đến ngay cả anh nữa. Thì anh cũng phải nghĩ đến Thục. Chị ấy không biết gì chuyện này hết. Hãy nghĩ đến tình yêu mà chị ấy đã dành cho anh, và ngược lại. Anh liều lĩnh, có ích gì đâu. Em không hiểu rõ nguyên nhân nào đã đẩy anh tới chỗ này. Nhưng em tin, chị Thục sẽ đau đớn, sẽ khổ sở vô cùng, nếu biết tin anh.
Tôi cười thầm. Thục. Thục. Chị Thục. Phải đúng con người đó, kẻ mang tên gọi đó, là đầu mối là khởi thủy của cảnh huống bi thảm tôi. Phải con người ấy. Kẻ mang tên gọi kẻ ấy. Chính người đó. Tim tôi thắt lại. Mắt tôi lại muốn ứa lệ. Thục. Không lẽ em giết anh. Không lẽ em phút chốc trở thành một thứ tử thần, mang lưỡi hái vào đời anh, cứ hái đi.
Cứ tiếp tục, cứ thản nhiên hái nốt những giọt mầm hy vọng vừa nảy chồi trên nhánh cây ải mục. Em cứ hái, cứ tiếp tục hái đi, cọng lá xanh duy nhất còn sót lại! Cọng lá đó chính là khối tình anh, là vốn liếng cuối cùng của trái tim anh, là gom góp trọn vẹn, và thu vén sạch sẽ, lần đầu và cũng là lần cuối cùng, cho em. Em cứ hái đi. Mọi người cứ hái đi. Ai cũng có quyền hết. Trừ tôi. Tôi đã mất quyền đó. Trừ tôi, tôi không thể làm được. Vì tôi đã không còn là tôi. Tôi tùy thuộc. Tôi nô lệ... Yến choàng dậy. Có tiếng gõ cửa dồn dập.
- Cứ vào.
Tôi vừa nói vừa nhoài người gắng đẩy hé cánh cửa sổ lấy chút sáng. Yến đặt tay ngập ngừng trên nắm đấm. Cảm giác nặng nề đè xuống, tôi linh cảm mơ hồ có một chuyện gì sắp xảy đến hoặc cho tôi hoặc Yến. Ngay Yến, có lẽ nàng cũng thấy thế. Vì tiếng gõ cửa rất lạ. Tiếng đập thật nhẹ nhàng mà âm vang dội tới vẫn mang theo trong nó một vẻ gì gấp gấp, bàng hoàng.
- Mở cửa đi Yến. Tôi sốt ruột nói. Yến quay nhìn tôi rất nhanh rồi xoay nắm đấm, mở tung...
Nơi khung cửa, tôi không dám tin nhãn lực mình. Tôi cũng không dám quả quyết rằng tôi đang mơ hay tỉnh. Cảnh tượng trong tầm mắt tôi là một cảnh tượng vừa đau lòng vừa cảm động đến chết cứng giác quan, dựng ngược thần trí. Thục. Thục. Thục. Thục nhợt nhạt trong tấm áo lụa tím. Chiếc áo mà Thục đã mặc trong buổi sáng của một chính thức sau nhiều ấp ủ thầm kín, cái buổi sáng của một nụ hôn bỏng lửa thần kỳ, cái buổi sáng của định mệnh dành sẵn, của tương lai mở ra giữa một đắm đuối ngợp mặt. Thục cũng mặc tấm áo đó. Thục cũng nhìn bằng con mắt kinh hoàng đó. Cùng một toàn thân rung động cùng một nhợt nhạt lầm lẫn, như bao nhiêu sinh khí trong châu thân đã bị rút đi, đã bay bổng, đã vút cao, đã... Chỉ còn lại một con người nguyên vẹn là một sinh vật biết xúc cảm, một sinh vật dấu kín trong nó, một nguồn nước mắt, một dòng ẩn chôn trăm nghìn nỗi khốn khó cũng như ngàn vạn khắc giây thăng hoa đời sống. Dòng lệ ấy, cửa ngõ ấy, tôi đã nghĩ, nó như một cách biệt cao cả, một biệt biệt thiêng liêng giữa người và vật, và giữa người với chính người. Nó là một cuốn đi đến tận cùng của mọi tình cảnh làm người trong mọi trường hợp.
Tôi không nhìn thấy nét mặt Yến, nhưng rõ ràng đôi vai Yến đang run lên. Mái tóc ngắn lay động theo nhịp ngúc ngoắc của cái đầu. Có lẽ Yến đang nói một lời gì. Một phân trần, một giải thích. Ừ, cũng phải lên tiếng chứ một câu gì, dù vô nghĩa, và vô ích. Miễn là có. Nhưng. Mà thôi, tốt nhất là đừng giải thích gì hết. Không ai muốn một phân trần về cái đột ngột như thế. Không ai cần một giải thích cho cái đã vượt ngoài trí tưởng. Không thể giải thích phân trần cho một ấn tượng đã thành hình, một định kiến đã gặp cơ hội bén rễ, đứng lên.
Mỗi sự kiện hoặc có hoặc không, mang theo nó một ý nghĩa nào đó, do đấy mọi biện hộ, phủ chính đều không cần thiết và thừa thãi.
Thục vẫn lặng lẽ, nàng như không nhìn vào đâu. Yến sượng sần hết quay nhìn tôi, lại cúi xuống. Đứng chôn chân trước Thục. Tôi cũng không muốn lên tiếng lúc này. Cơn tức tủi đang lấn tới làm tinh thần tôi căng thẳng. Những sợi gân kéo banh mắt tôi mở ra trừng trừng. Một lát, Thục điềm tĩnh tiến lên Yến nghiêng người tránh lối. Khoảng cách giữa tôi và Thục chỉ còn khoảng hai ba bước ngắn. Thục dừng lại, ngoái nhìn Yến. Yến vẫn đứng xõng người, quay lưng lại. Tôi nhắm nghiền mắt. Cố gắng xua đuổi mọi ý tưởng chợt đến.
Tiếng chân đi rồi tiếng cửa khép. Tôi mở mắt lúc Thục đã ngồi xuống mép giường đang khóc, tự bao giờ. Miệng nàng cắn chặt một đầu chiếc khăn tay nhỏ. Bất giác, như bị sai khiến bởi phản ứng tự nhiên, tôi giơ tay định làm một cử chỉ ôm đỡ lấy Thục, nhưng cánh tay giơ mới được nửa chừng đã thõng xuống. Thục ôm chầm lấy tôi, nức nở. Tôi lần tay vuốt vuốt những lọn tóc lòa xòa trên lưng Thục, và cũng để mặc cho tâm hồn mình bềnh bồng trôi xuôi.
Đã bao nhiêu năm rồi, không biết nữa, tôi mới lại có một lần khóc vùi. Khóc như một đứa trẻ con. Khóc như chưa từng được khóc. Khóc như muốn dồn tuôn đến giọt lệ cuối cùng để rồi chẳng bao giờ còn nước mắt cho một lần khóc khác. Thục quều quào lùa những ngón tay run rẩy trên mặt tôi nhòe nhoẹt. Khóc một chập, xong hai đứa lại giương mắt đỏ hoe nhìn nhau rồi lại khóc nữa. Cho tới lúc Hiệp ở đâu, mở cửa bước vào Hiệp giật mình định quay lui, nhưng Thục đã nhìn thấy. Hiệp cười gượng gật đầu chào, nói:
- Thục lại lâu chưa. Làm sao biết Tự nó đau mà đến thăm.
Thục đưa khăn thấm nước mắt, lắc đầu không đáp.
Tôi đưa mắt nhìn Hiệp ra dấu hỏi Yến đâu. Hiệp cài cửa đáp:
- Không thấy. Tao với thằng Doãn vừa ra ngoài kia uống cà phê.
- Đã có ai mua thuốc cho Tự chưa anh, Thục cắt ngang lời Hiệp.
- Có. Y tá vừa chích cho nó rồi đấy. Lát chiều hắn sang nữa. Ở ngay bên cạnh mà. Hiệp đáp.
Thục đứng lên, đi lại phía chiếc bàn nhỏ ở một góc phòng cuối chân giường, tự rót cho mình một ly nước. Uống nửa chừng Thục đưa ly nước về phía tôi. Tôi gật đầu. Hiệp nói, theo ý Thục thì trưa nay cho thằng này ăn uống ra làm sao.
- Cháo hay sữa anh à. Cháo có lẽ tốt hơn. Thục đáp và luồn tay nâng cao đầu tôi lên, nghiêng ly nước cho tôi uống. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt Thục. Đôi mắt lớn, thật lớn, lúc nào cũng mở ra như một thách thức ngạo mạn trước mọi gian dối. Mọi mưu toan thầm lén.
Phải thú thực rằng tôi không ngờ, không thể ngờ rằng Thục đã giữ được cho mình thái độ thật bình tĩnh, kẻ cả. Cái thái độ của một kẻ thừa đủ tự tin để làm chủ mình trong những trường hợp bất ngờ, trước những xảy ra quá quắt. Ở người con gái khác, cùng lứa tuổi như Thục tôi tin họ không thể có được cái bình tĩnh đến lạnh lùng thản nhiên đến bất nhẫn thế.
Giọng nói bình thường và vẻ mặt điềm đạm của Thục khi đối đáp với Hiệp làm tôi đâm hoang mang, áy náy. Phải chăng Thục đã định trước cho nàng một thái độ. Phải chăng, những diễn biến trong gia đình Thục đã đẩy xô Thục tới một quyết định dứt khoát nào đó, dành cho tôi cho cuộc tình này, dành cho Thục và đối tượng chung quanh nàng. Tôi muốn Thục nói ngay, nói hết những diễn biến đã xảy đến trong ngôi nhà đó, từ lúc, Thục đặt chân lên ngưỡng cửa, từ lúc, cánh cửa gỗ màu xanh đã nhạt khép lại sau lưng nàng, lúc tấm lưới sắt đã hạ xuống lúc căn lầu, đêm qua nơi ban công, nàng đã ngồi, đã nghe, đã thấy, đã nghĩ, đã phản ứng, đã quyết định. Nhưng sao tôi không can đảm ngỏ ý ấy với Thục. Tôi lúc này như con thú bị thương lẫn tranh ngay chính vết thương trên thân thể mình. Tôi sợ hãi trước mọi xảy ra. Tôi muốn nhắm mắt, nhắm nghiền hai con mắt mệt mỏi để đừng nhìn thấy gì nữa, để đừng nhớ lại, bất cứ điều gì trong quá khứ ở hôm qua, ở hôm kia, ở cả những khoảng thời gian mà hạnh phúc của tình yêu đã thắp sáng từng phút trong tâm hồn tôi, đã le lói từng giây trong hơi thở tôi, đã ngào nghẹn bao nhiêu lần trong trái tim tôi điên dại, quay cuồng. Tôi muốn quên hết, muốn tẩy xóa thật sạch, thật hoàn toàn mọi tỳ vết, dù là một vết tích rất nhỏ nhoi như một sợi tóc Thục có trong cuốn sách, như những cuốn vé ciné còn giữ mãi còn ướp nguyên hơi hướm đầu tiên của nhau. Tôi muốn trở lại từ đầu. Muốn quay về nhìn lại những bước chân khởi đi và cũng sẽ từ đấy bắt đầu. Bắt đầu với một sửa soạn kỹ lưỡng, một trang bị đầy đủ hơn. Chẳng hạn một ý chí cương quyết và coi rẻ tất cả. Chẳng hạn, theo tính liều lĩnh phiêu lưu trong một dối gạt có kế hoạch, qui mô, để hoặc mất hết, hoặc thu gọn. Tôi muốn làm lại. Làm lại từ đầu. Nhưng vẫn với một người tên Thục. Vẫn trong vòng lận đận hãm giam cầm tù của đôi mắt ấy. Vẫn vùng vẫy tuyệt vọng, trong giọng nói vỡ vụn trẻ thơ của chiếc miệng ấy của những sợi tóc dài liền quấn xiết quanh trái tim tôi một ngày một chậm đuối nhịp đập.
Bắt đầu. Ôi một bắt đầu, mấy tiếng ấy mới quyến rũ làm sao, mấy tiếng ấy, ngắn ngủi. Gọn gàng quá, ở nó, có cả một ma lực dị kỳ hất tung tôi lên cao giữa một vầng ánh sáng, giữa một khoảng ngút bồng lửa cháy. Tôi muốn được một lần trong vai tên làm xiếc, đi lại một lần nữa, trên sợi dây định mệnh giăng ngang. Tôi muốn mọi người hãy nhìn tôi, tinh hảo, như chưa một lần nhìn thấy trong bất cứ một cuộc vui nào, với trò biểu diễn đi trên dây. Trước khi chết, hay cho tôi nghĩ về mình như một thứ anh hùng của tuyệt vọng. Hãy giúp tôi lừa dối, hãy giúp tôi gạt gẫm chính tôi, bằng ánh mắt xảo quyệt của các người, thán phục nhưng đừng trắc ẩn, chạnh lòng - cảm thông nhưng đừng tội nghiệp thương thay. Dù tôi, đích thực, sau ánh mắt đó, chỉ là một thằng khùng, một gã điên, một tên mất trí.
Tôi không cần cũng như không trông mong ai đó hiểu tôi. Bởi tôi thấy rất sáng suốt, chính các người còn chưa hiểu được các người. Hãy nhìn thấu mình trước khi dõi tìm kẻ khác.
Thục cất chiếc ly về chỗ cũ, hỏi:
- Còn cô gì đó ở ngoài nhà không anh Hiệp?
- Không. A, cô đó hả. Cô Yến. Đi đâu rồi ấy. Về nhà chắc (Hiệp ngập ngừng, nhún vai) ơ... Cũng được. Cô ta thuộc loại người có lòng. Tội lắm. Lo cho thằng này còn hơn bọn này nữa.
Tôi liếc nhanh, Thục mỉm cười. Nụ cười phẳng lặng như cười để mà cười chứ không kèm theo một ý nghĩa ngay cả khinh khi, miệt thị. Tôi thấy nhức nhối ở ngực, và càng tin hơn nữa. Thục đã có một thái độ, dứt khoát.
Hiệp nhắc tới Nhự và lập lại mong mỏi được gặp mặt. Thục cười buồn: Anh cho Thục một thời gian nữa. Lúc này rối rắm quá. Không tính toán gì được. Thục nhìn Hiệp tiếp: Mà anh yên tâm lúc nào thì Nhự cũng còn còn đó, như một bông hoa chờ giờ mãn khai, như một cánh chim còn đợi phút bay bổng. Duy một điều, Thục lo lắm, lo cho Nhự, cái giờ phút của một chân đi, của một tay nắm, của một hồn mở đó, biết có là một trôi kín dài một kiếp không. Hay rồi cũng chỉ là một chặng đường, một thoắt qua một hạnh phúc được nhìn trước một kỷ niệm bật máu, một dĩ vãng vàng son tơi tả. Thục không muốn Nhự giống Thục dù ở khía cạnh nào. Đừng, đừng ai giống Thục, khổ lắm...
- Em trách móc anh đấy hả Thục? Còn cách nào êm ái hơn không? Tôi ngước mặt nhìn trần nhà. Hiệp kéo ghế nơi bàn viết. Thục trở lại, ngồi tựa lưng vào cuối thành giường, kéo vạt áo sau, phủ chồng lên vạt áo trước chỉ hở ra đôi bàn chân với những ngón chân gầy lốm đốm những chấm máu hồng, thở dài:
- Nào Thục có ý gì đâu. Em chỉ nói em không muốn không mong ai giống em, giống em như thế nào thì cũng khổ hết. Khổ mình và khổ cho cả người yêu của mình nữa (Thục chớp mau đôi mắt đỏ hoe) như anh đó. Em nghĩ em đã làm khổ anh nhiều quá. Em ân hận mà không biết phải làm cách nào khác hơn.
Tham vọng lớn nhất của mỗi chúng ta là tìm cho được cái mặt bên kia của nỗi tuyệt vọng và sự bất lực vì đó là mặt thực của hạnh phúc và chỉ ở đó, người ta mới tìm thấy ý nghĩa. Nhưng (Thục ngập ngừng) cái mặt bên kia, đó, thường lại không có Thục.
- Chiều này chắc trời mưa lớn. Nếu không thì cũng có bão rớt ở đâu đây. Hiệp nói, cười run khuôn mặt trơn bóng, chiếc cằm bạnh và vuông trán dô cao, hếch lên, rắn chắc như một tảng đá tổ ong. Tuy nhiên, (Hiệp nghiêm giọng) do đó người ta càng cần phải sống.
Hãy sống trước khi ra khỏi đời sống. Vì mọi tra hỏi đều không truy nguyên hay khai quật được điều gì ngoài cái dáng vẻ lầm lì cố hữu của vạn vật. Tôi cho rằng thanh niên đại đa số thường mắc phải cái bệnh đeo mặt giả cho bộ mặt thực của mình. Rồi chính họ bị lầm bởi cái, mặt đó. Và họ lầm trước hơn ai hết. Họ tự mặc khoác cho mình nhiều thứ áo không đúng với tầm kích của họ. Họ tự hoặc theo nhau, đội lên đầu, những thứ mũ không phải của họ. Cái nhãn, hiệu đi mượn này đã đưa chúng ta tới chỗ không còn nói được chính tiếng nói của mình không còn thở được đúng hơi thở của mình và cuối cùng, chỉ còn nước mắt chỉ còn những hạt lệ vô tri kia mới là của chính chúng ta. Và, những hạt lệ đó, lại như những chiếc lông ngỗng của Mỵ Châu đánh dấu trên những quãng đường dẫn quanh đến tuyệt vọng. Có khác chăng là ở chỗ, chúng ta không có một Trọng Thủy. Và Trọng Thủy nếu có, chính là ký ức, là bản năng quy hồi của mỗi kẻ.
- Thôi Hiệp. Mày thương tao một chút. Tao đang muốn phát điên, mày chưa thấy sao.
Hiệp chụp mũ lên đầu, đứng thẳng ngó tôi ái ngại:
- Ấy là góp chuyện với Thục cho vui vậy. Chả mấy khi. Hiệp đi ra, tiếp: - Tao trả tự do cho hai ông bà. Chiều tao lại. Thục chịu khó ở đây trông nom nó một chút nghe. Khó lắm. Sống không trôi đã khó rồi. Đừng tạo thêm những khó khăn khác nữa để dìm mình dìm người, dìm lẫn nhau.
- Anh ngồi chơi đã. Thục giữ Hiệp. Hiệp mở cửa không quay lại:
- Còn phải về qua trại xem có chuyện gì không đã, dù tôi có rất nhiều chuyện muốn nói với Thục. Lúc này không tiện. Nhưng Thục hãy nghe tôi, đừng dựa trên căn bản nào khuynh hướng tự nhiên của tâm hồn mình, đời sống mình, mà làm ngược lại nó. Bởi mọi sự nhân danh ngoài mình đều hàm hồ, nông nổi. Kết quả của nó là một ân hận, một tai họa không thể chữa, là đầu mối của tự hủy, tự diệt... Ư, mà nhớ cho gửi lời hỏi thăm Nhự đó nha, Thục. Hiệp cười lớn. Tiếng cười bị cắt ngang bởi cánh cửa khép vội. Nhưng vang âm như còn nhảy múa, lung linh trong căn phòng. Tôi lại trở về với định kiến đầu tiên “như Hiệp thế mà sướng”.
Tiếng chân Hiệp lết đi nặng nề rồi mất hẳn. Chúng tôi bị ném vào cái trống rỗng, hẫng hụt của một khoảng không ngượng nghịu ngỡ ngàng. Sự xuất hiện bất thần xong bỏ đi vội vã của Hiệp, như một cơn lốc nhỏ, một cơn gió lớn, cuốn theo và xóa nhòa tất cả. Cái thiếu vắng mà nó bỏ lại cho chúng tôi là cái thiếu vắng của một chiếc gạch nối, là sự cắt đứt của một nối liền mong manh, là một lật ngược, đảo đầu của một cảnh trí dàn xếp chưa hoàn tất. Mỗi đứa, còn lại, theo đuổi một ý nghĩ riêng. Tôi muốn trở lại, muốn bắt kịp diễn tiến tư tưởng của mình, bỏ dỡ lúc nãy. Nhưng không tài nào nhớ lại được tôi đã nói gì với Thục, tôi đã hỏi gì, đã muốn gì... Và cũng không biết nữa, Thục đã nói những gì với tôi. Tôi lục dưới tấm chăn mỏng, tìm thuốc hút. Tiếng xòe thơm khét của que diêm cho tôi cảm giác ngây ngất nhẹ nhàng, như đang bắt đầu tự dìu bước chân mình trên đoạn đường nhớ tiếc. Những hồi tưởng bỗng tình cờ khập khiễng tìm về. Hình như tôi nghe thấy nhiều tiếng lóc cóc của ngựa chạy trong óc của nhịp gỗ bánh xe thổ mộ. Hình ảnh trở về với tôi trong phút này, lại là những hình ảnh đã cũ, đã nhạt, đã mờ, những hình ảnh không một chút liên hệ tới Thục. Nó là một tiếng lóc cóc của niềng sắt xe thổ mộ cấn xuống mặt đường đầy sương, những sớm nào đã xa khi tôi còn vất vưởng ở phố Hiến con phố dài ngoằng và cũng èo uột như đời sống người dân ở đây. Nó là con phố duy nhất của thị trấn chạy ngang qua tới hai nghĩa địa và cũng là con lộ dẫn ra ngoại ô. Tôi cũng không hiểu sao những hình ảnh đến với tôi trong lúc này, lại không một chút, liên hệ gì tới Thục. Nó đã cũ đã nhạt, đã mờ đã tưởng vĩnh viễn ngủ yên trong một góc âm thầm của ký ức. Đã tưởng nó không còn một dịp thuận tiện nào sống dậy vươn lên đi lại trong tâm trí tôi bằng những bước thật quen bằng những dấu hiệu thật sắc thật nhọn. Đó là sự trở về của Miện. Hình như Miện thường là hình ảnh thứ hai sau mẹ tôi, phút chốc đã sáng lên sáng lói như một ngọn lửa trên chiếc bấc sắp cạn dầu đời sống. Tôi nghiệm thấy như vậy nhiều lần. Lúc đầu tôi cho đó chỉ là một ngẫu nhiên một đoạn nhỏ trong một quay ngược toàn thể trước khi thần chết chính thức đón tôi đi. Nhưng sau tôi mới nhận ra nó xảy đên không theo trình tự trước sau y cứ nơi thời gian. Nó luôn đến kèm theo sau hình ảnh cùng những nghĩ ngợi về mẹ tôi. Miện luôn đứng ở vị trí rực rỡ thứ hai trong giữa cơn cùng quẫn. Miện luôn trở về với chiếc bóng mờ nhạt với mầu xanh của tấm áo cánh lụa cổ xẻ trái tim với khuôn mặt chỉ còn là những nét tượng hiền hậu của một phảng phất dung nhan Maria. Miện luôn trở về với nụ cười không bao giờ còn hé mở, với đôi mắt luôn chết cứng mặc dù những giọt lệ vẫn tiếp tục lăn đi, ngoài tầm ý thức Miện luôn trở về với khuôn mặt được phủ kín hai má bởi mái tóc dài dầy và đen nhánh, một khuôn mặt đã đóng chặt, đã khóa trái, đã nhốt giam tất cả mọi cảm xúc, mọi thường tình của bản năng khi những nụ hôn đã tắt, những vòng ôm đã vĩnh viễn đứt ngang, khi ngày tháng chỉ còn một nghĩa duy nhất đợi chết, cùng mối kiêu ngạo chất ngất đời mình.
Miện đã quên mình là dòng dõi của một giòng họ cách mạng và văn học có tiếng. Miện đã chọn cái nhỏ nhoi cái tầm thường nhất, nhưng cũng không thể người hơn là làm phụ nữ. Và nàng đã cắn bập máu môi mình bước những bước chân đá tảng trên những rũ bỏ, đổ nát. Miện đã dành quyền chọn lấy cho mình cả một hoang phế sau lưng và nhục nhằn trước mặt. Trong cuộc thách đố với định mệnh, nàng đã nhận lời, đã thề đã nguyện với sự chứng giám của riêng trái tim nàng, của chính tâm hồn nàng. Và Miện đã ngửa mặt bước tới, và Miện đã cúi đầu bấm chân bước đi.
Tôi chưa một lần tự vấn lương tâm và hổ thẹn với chính mình rằng đã bội phản Thục, dù chỉ trong tư tưởng. Ngay đến những giấc mơ chập chờn, ngắn ngủi, bao giờ, Thục cũng là hình ảnh của hàng đầu, của duy nhất của độc tôn của vô cùng, và tôi cũng không nghĩ rằng tôi đã phản bội Thục, trong những ngẫu nhiên trở về của một dĩ vãng thăm thẳm? Vì bao giờ thì Thục cũnh vẫn là hình ảnh cuối cùng và kết thúc cùng lúc với sự nhắm mắt buông xuôi của tôi trong phút giây gần kề hay tiếp cận nỗi chết. Tôi nghĩ tôi không trách nhiệm về bất cứ một tìm về nào của những phần đời sống đã thất lạc. Và tôi cũng cho rằng Thục chẳng đến nỗi hẹp hòi với tôi, với một con chiên lầm lẫn giữa lòng tin và óc mù quáng, với một người, đã chọn nàng làm đích đến cuối cùng, làm nơi thắp sáng lên ý nghĩa đời sống của mình, làm nơi chứng minh thiên đường luôn có thật, nhưng chỉ có hạ giới và chỉ có duy ở một người. Chỉ có ở một người.
Mỗi người là thiên đường hay địa ngục đối với một kẻ khác.
Với anh, tình yêu là đất hứa, với anh, em chính là thiên đường. Là thiên đường của riêng anh, đó Thục.
Thục chậm rãi giữ im lặng nhìn trên khuôn mặt tôi khép hờ đôi mắt mệt mỏi còn hoen những hạt lệ vừa ứa. Tôi cảm thấy bàn tay Thục lần nhẹ, kéo thẳng tấm chăn ngang ngực tôi. Tôi mở mắt ra, lúc bàn tay hai đứa đan vào nhau, tự bao giờ và không biết đứa nào đã đưa tay nắm trước. Tôi miết dần bàn tay Thục về phía môi hôn. Sức phản kháng nhẹ nhàng và yếu đuối của Thục làm tăng thêm nỗi thèm muốn được gắn chặt môi mình trên những ngón tay run thon, đang rung động như những cọng lá rùng mình trong cơn gió lạnh. Thục ngã nhoài hẳn người trên ngực tôi. Cái sức nặng đẫm mùi hương quen thuộc cho tôi cái cảm tưởng như có thể kết đúc thành khối. Một khối thủy tinh, một khối ngọc thạch có thể nâng đặt trong một vị trí cao trên tầm mắt, để đôi chân thành khẩn quỳ xuống. Tôi nhín nhịn từng hơi thở để nhịp đập đừng lay động nỗi hòa tan êm ái sức nặng đè kia. Để mùi hương còn mãi mãi thấm lọt vào từng tế bào của cảm giác, từng chân tóc của nỗi mê man đứng thẳng. Khi những ngón tay Thục vừa chạm dính vào làn môi tôi, cũng là lúc, những giọt lệ lại bắt đầu chạy quanh. Tôi nói qua những kẽ tay Thục ngát thơm mùi con gái. Bé có giận anh không? Bé còn yêu anh không? Còn thương anh không?... Tôi hỏi, hình như, là những câu hỏi đã tích lũy trong suốt thời gian kinh hoàng qua. Những câu hỏi vút đi, vượt ngoài sự kiểm soát của trí não. Nó bốc bay từ tiềm thức, tự nỗi dày vò dằn vặt của một thoáng mất nhau, xa nhau, vĩnh viễn. Thục không đáp, nhưng đôi vai Thục rung. Những ngón tay Thục bấu chết lấy hai bả vai tôi nhô xương Thục nói trong cảm xúc, một câu hỏi gì đó, tôi không nghe rõ chỉ nhận được chữ Yến, Yến. Hình như Thục hỏi tôi về sự liên hệ giữa tôi và Yến. Yến là thế nào của anh? À, có lẽ, có lẽ Thục muốn hỏi thế. Tôi không đáp thẳng vào câu hỏi. Thì anh đã có dịp nói về Yến cho Bé nghe rồi mà. Thục đã quên sao? Quên, nào Thục quên được, dù rất ao ước.
Một trong những mối bất lực lớn nhất của con người là không thể nào quên được, những điều mình muốn quên. Vì càng muốn quên bao nhiêu, người ta lại càng nghĩ, nhớ tới bấy nhiêu. (Thục ngập ngừng). Em ngại quá, mỗi khi đến anh, đừng bắt em phải đối phó trong bất cứ trường hợp nào, với ai, có lẽ mai kia em sẽ không đến ngôi nhà này nữa, em sợ tất cả mọi đụng độ. Anh đừng bắt em phải bình tĩnh để xét lại vị trí hiện tại của em trong đời sống anh, cũng như em không muốn phải thắc mắc về một sự có mặt nào đó, khác hơn em, trong anh. Người ta có thể không nhìn hiện tại, qua dĩ vãng, như là một cái gì đã có, không thay đổi. Em đã chấp nhận quá khứ của anh, quá khứ hình thành bởi những lầm lỡ, những hoang phí, những lố lăng quá trớn. Nên, em xin anh đừng bắt em phải chấp nhận thêm, một chua xót nào nữa.
Tôi muốn Thục quên hẳng chuyện Yến, mặc dù, Yến lúc này, trong thần trí Thục mới là vấn đề, mới quan trọng, mới đáng nói. Làm sao Bé tới đây với anh được? Ở nhà không cấm sao? Tôi cố tình hỏi quanh co để kéo dài phút chạm mặt với sự thực phũ phàng. Cái sự thực của một quyết định cay nghiệt; quyết định của gia đình Thục, cấm hẳn mọi sự liên hệ giữa hai đứa. Em đi khám bệnh, thừa cơ hội ghé qua đây cho anh biết. Em, em, muốn nói với anh từ đây sắp tới có lẽ chúng mình sẽ khó khăn hơn, tronh việc tìm đến với nhau. Thục nhỏm người sững sờ mở lớn đôi mắt lạc thần, nhìn tôi rồi từ từ khép lại, tiếp, em không biết phải tính sao bây giờ. Bà và mẹ cùng đồng ý với quyết định sẽ bác bỏ đến cùng cuộc tình của chúng mình. Với những lý do như mình vẫn thường dự đoán trước. Mẹ bảo, mấy đứa kia sao cũng được. Riêng Thục phải theo ý của mẹ. Tôi ngắt lời Thục em thấy không anh đã nói với em rồi mà, cái khó khăn ghê gớm cho anh, không phải chỉ do nơi một số thành kiến của Ba, Mẹ, mà phần chính vì em là người mà ba mẹ đặt nhiều hy vọng một ngày kia không những em mà người chồng của em nữa, sẽ đem đến cho gia đình em, ít nhiều hãnh diện. Không bậc cha mẹ nào lại nỡ nhìn con cái như một phương tiện hay một nguồn lợi tức, một động sản tới ngày triển thu huê lợi. Thục đưa tay ra dấu bảo tôi đừng nói nữa. Anh có thương em không, nếu thương em, xin anh đừng nói gì thêm. Em hiểu ý anh, muốn nói gì. Em cũng hiểu, Ba Mẹ, mong muốn, những gì ở nơi em. Nhưng anh đừng quên em, chính em mới là quyết định cuối cùng.
Một quyết định, bao giờ cũng là một khép kín, chôn chặt cùng lúc với một nở ra bát ngát thênh thang. Em thương Mẹ lắm. Thương như thế nào, anh rõ. Em nghĩ em khó có thể bỏ mẹ được. Em muốn đời em phải làm được một cái gì đó, vừa ý mẹ. Em đã tự nguyện không bao giờ em đi vào vết xe mà các anh các chị em đã đi. Nhưng cay đắng cho em, là em không thể dứt bỏ tình yêu em anh một cách dễ dàng. Em không muốn đóng vai một thiếu nữ vì hiếu quên tình. Em sống không phải với những ảo ảnh hão huyền ấy. Nhưng em cũng không thể nhắm mắt đạp đổ tất cả, để chọn anh. Vì em nghĩ: Mẹ đã già. Mẹ già lắm rồi, anh biết, em e Mẹ cũng chả còn sống được bao năm. Thục xòe tay bưng mặt. Em đã nói rằng em không ngờ đời mẹ lại có thể khổ đến thế này, em nói em khổ hơn anh nhiều mà anh đâu có tin.
Chúng ta sống như không để sống mà để xót xa cho đời sống không ra đời sống.
Tôi nhủ thầm đúng như mình đã nghĩ, gia đình Thục sẽ quyết liệt. Liệu Thục có đủ nghị lực, đủ tinh tường cho một nín đợi âm thầm trải qua suốt một thời gian không hạn định, Thục, em có đủ kiên nhẫn, đủ sức chịu đựng và nhất là ý chí cương quyết để chờ đến một ngày nào, ba mẹ sẽ thay đổi ý kiến, hay một ngày nào, mũi tên hòn đạn vô tình sẽ đem anh đi?
- Hay em sẽ mỗi ngày mỗi thấy, mỗi ngày mỗi thêm hài lòng với nhân danh hiếu để, vùi đẫm tình yêu của anh, bôi đen cuộc tình chung này, để có một người nào đó tất nhiên, không phải là anh rồi, cũng như H, như L, em sẽ dấm dúi gói ghém chằng cột kỹ lưỡng những kỷ niệm của hai đứa trao cho một người bạn, với một lời giải thích, mà vạn nhất có nghe được, anh cũng sẽ cảm động vô cùng. “Tao yêu H, như mày đã biết. Nhưng tao không thể lấy H, được. Vì ông cụ bà cụ tao không bằng lòng mà tao không muốn làm phiền lòng bố mẹ tao, tao không còn cách nào khác hơn. Thôi thì mày vì tao, giữ lấy cho tao kỷ niệm này, mai mốt, có lấy chồng mày cũng nhớ đừng vứt bỏ, tội nghiệp tao và tủi cho tình H.” Phải thế không Thục, nếu anh nhớ không lầm, đó là những lời cuối cùng của L, nói với em, trước khi L, đi lấy chồng. Và em, em cũng nói vậy, hay một câu nào khác hơn. Ví dụ...
- Anh có thể dùng những lời đó với Thục sao? Thục nghiêm mặt giận.
- Không, không phải thế. Đây chỉ là một giả thiết, biết đâu chẳng có thể đúng trong tương lai. Nói thế cũng không hẳn là anh có ý nghi ngờ tình yêu của Thục, anh có thể nghi ngờ chính tâm hồn anh, con người anh, nhưng tuyệt nhiên, chưa một lần vẩn lên trong óc anh, một thoáng nghi hoặc nào về em. Anh có thể nói thẳng với em, dù điều sẽ nói là điều mà anh vẫn tự nhũ, không nên nói cho em biết. Bởi nó là một thứ dao hai lưỡi. Nó có thể đưa em tới chỗ kiêu sa, chỗ muốn đặt lại vấn đề tình yêu mà em đã dành cho anh, nhưng giờ phút này bỗng nhiên anh cảm thấy mình muốn nói. Nói cho hết, nói một lần để rồi không bao giờ nhắc nhở tới nữa. Đó là điều anh không ngờ, thực không ngờ, đời anh lại được gặp em. Em như một niềm mơ ước huyền hoặc mà từ ngày có ý nghĩ thực đó, có tham vọng, không lần nào, anh nghĩ rằng, có thể đạt tới. Ngay giờ phút này, đôi khi anh cũng tự hỏi, có thực không, người con gái tên Thục trong tay anh. Có thực không niềm mơ ước bao năm đã thành hình. Có thực không tấm cửa lớn của đời anh đã mở? Có thực không, tình yêu đã chắp cho anh đôi cánh lớn thần kỳ.
Nhiều lúc, ôm em trong tay mà anh không biết giây phút đó có phải là của anh, hay khác đi, anh có đúng là anh giây phút ấy? Chính vì sự xuất hiện của em là một xuất hiện vượt ngoài tham vọng, nên anh biết trước, một ngày nào đó nếu anh mất em, thì sự mất ấy có nghĩa ngang như sự buột trôi mất nhẵn. Do đó, trong trường hợp này bằng giá nào thì anh cũng phải dành lấy lẽ sống của đời mình. Đó là một lời nguyền. Một lời nguyền anh muốn nhấn mạnh với em.
Thục hôn lên mặt tôi. Không cho tiếp.
Tôi lùa hai bàn tay vào mái tóc Thục bù rối và nước mắt sống lại lặng lẽ chảy. Tôi lập lại với Thục giải pháp giải quyết chuyện bế tắc của hai đứa. Nhưng Thục vẫn tỏ dấu lo sợ, ngần ngại. Tôi bảo, tình yêu tự nó đã đòi hỏi một chọn lựa, không có cách nào khác hơn được. Thục lắc đầu, nhưng Thục đã nói với anh mình phải bình tĩnh từ tốn vì cuối cùng thế nào mình cũng có thể tìm được một giải pháp thỏa đáng cơ mà. Anh muốn tỏ thiện chí với ba, mẹ, với gia đình Thục, để mọi người hiểu rằng chúng mình yêu nhau thành thực và hơn nữa sự cần thiết phải có mặt nhau trong cuộc sống riêng của mỗi đứa, anh sẽ tỏ thiện chí đến mức cuối cùng có thể có được. Nhưng nếu sự bày tỏ cũng như sức chịu đựng của anh, mãi mãi không đem đến cho cuộc tình mình một tia hy vọng nào thì chừng đó, buộc lòng anh phải tự định đoạt lấy cho anh một thái độ, một cách giải quyết dù cho cách giải quyết đó không được sự đồng ý, chấp thuận của Thục. Mà Thục nhớ không đã nhiều lần anh nói với em trong trường hợp nào thì anh cũng không thể để mất em. Anh chỉ cam đành bất lực, khi anh vĩnh viễn xuôi tay. Hạnh phúc em đem đến cho anh, như lát dao giải phẫu đôi mắt mù lòa anh. Anh đã thấy ánh sáng, anh đã thấy trời cao, anh đã thấy tất cả mọi sự vật xung quanh, anh đã thấy lẽ sống thấy cuộc đời, em không có cách nào để bắt đôi mắt anh phải nhắm lại như cũ. Quyết định về số phận ấy, bây giờ hoàn toàn tùy thuộc nơi anh. Và anh đã cương quyết mở mắt nhìn ánh sáng, nhìn trời cao. Anh đã quyết, chân anh phải bước tới, đầu anh phải ngẩng cao dù môi anh có phải mím chặt để ngậm nuốt nhục nhã, dù thân xác anh có phải bầm tím trước những vùi dập bất nhẫn, anh sẵn sàng và vui vẻ nhận đón mọi bẽ bàng bêu riếu. Dù anh chỉ là người, một con người đúng nghĩa trong mắt em, và là một cái gì ngược lại với tất cả ý xấu xa dơ bẩn nhất trong mắt nhìn của những kẻ còn lại. Anh chỉ nhắm mắt, khi em không còn, không còn có nghĩa là em đã chết hay phải chết. Thục vỗ về những ngón tay gầy dài trên khuôn mặt tôi nhăn nhúm. Nàng luôn miệng, thôi, anh đừng nói nữa. Đừng nói nữa. Em đã hứa, em là của anh, em đã hứa em vĩnh viễn thuộc về anh, thuộc về tình yêu này em sẽ giữ mãi mãi điều nguyện đó. Nhưng lúc này anh đừng bắt Thục phải làm điều gì mà em chưa muốn: Thục, không muốn làm gì hơn lúc này. Hãy nghĩ một điều thôi, điều duy nhất, chúng mình đang ở bên nhau chúng mình đang ở cạnh bên nhau, đang ở trong vòng tay của nhau. Tôi dụi mặt mình vào cổ Thục. Tóc của Thục phủ lấp lên ngào ngạt, dịu dịu. Cảm xúc ném tôi lên chóp đỉnh chót của choáng váng, của nhiễu tan, của bàng hoàng, nghi hoặc giữa ranh giới, thiếp mê và thức tỉnh. Bất chợt tôi rùng mình nổi gai ốc, cùng lúc với hai cánh tay tôi xiết lại. Tôi điên dại kê răng cắn vào ngực Thục. Thục oằn người kêu sẽ: Đau. Đau Thục. Đau Thục.
Nếu Doãn không đem ly sữa vào phòng có lẽ chúng tôi cũng quên khuấy rằng, trời đã đứng trưa. Doãn mời Thục ở lại ăn cơm. Thục lắc đầu từ chối, cám ơn anh, tôi phải về nhà, trễ quá rồi. Thục đứng lên vuốt thẳng nếp áo xong ngồi xuống cuối giường, nghiêng đầu chải tóc. Những ngón tay cong lên, nắm hờ chiếc lược nhỏ, gỡ gỡ, từng lọn tóc rối, trên dòng tóc chảy dài. Tôi liên tưởng đến mẹ tôi, những ngày tôi thơ ấu.
Thường vào buổi trưa hè hay vào những chiều có gió, cũng trong dáng điệu đó, mẹ tôi nghiêng đầu chậm rãi gỡ từng cụm tóc rối, người làm với tất cả vẻ chăm chú, quan tâm, nhưng thực, tôi vẫn thường bắt gặp, mắt người lơ đãng dõi theo một cái gì đó, hoặc vệt nắng trưa đang lay động ngoài hè, hoặc những cánh dơi chập choạng bay đi, mà cũng có thể người chẳng chút quan tâm tới những sự vật chung quanh đâu, có thể là mẹ tôi đang nghĩ tới một hình ảnh nào đã qua, một mơ ước nào không thành hay một kỷ niệm đầm ấm nào đã vĩnh viễn mất tận cùng với sự nằm xuống của thầy tôi. Chẳng biết có mối tương quan nào không giữa mái tóc óng mượt của mẹ tôi ngày xưa, trong dáng ngồi nghiêng nghiêng nửa mặt, với mái tóc Thục dài ngát hương cỏ non, vẻ thanh thoát hiền hậu đến ngây thơ thần thánh.
Với tôi, được nhìn Thục chải tóc là một hạnh phúc, một sung sướng lâng lâng, thầm lén. Tôi muốn quỳ dưới chân Thục, như lúc này.
Thục biết tôi nhìn chăm chú, quay lại mỉm cười, chắc Thục muốn trách yêu: Cứ nhìn em hoài...
- Thôi giờ anh cho Thục về. Về không có ở nhà mẹ trông.
Tôi lắc đầu:
- Không. Thục cho anh trọn một ngày hôm nay đi. Chưa bao giờ mình được ở bên nhau trọn ngày hết.
- Thì chị ở lại với nó một chút nữa. Lát chị về. Nó đang ốm mà. Doãn chêm thêm. Tôi biết Thục nể lời Doãn lắm, vì Doãn họa hoằn mới dự vào chuyện riêng của hai đứa tôi. Thục nhăn nhó, khó nghĩ:
- Nhưng...
- Không nhưng gì hết. Nếu Thục về, anh sẽ không uống ly sữa này, anh cũng không uống thuốc nữa.
- Bậy nào anh, Thục nói nhanh.
- Không có bậy gì hết. Anh cương quyết như vậy. Thục muốn tính sao thì tính. Từ ngày yêu nhau, Thục cứ tính thử lại xem, có lần nào mình được ở với nhau trọn lấy một buổi chưa. Trong khi những người khác họ yêu nhau... Tôi nói giọng hờn dỗi (hình như với Thục, tôi đã tự cho phép mình được quyền hờn mát, được quyền nũng nịu, nhõng nhẽo, như với mẹ tôi ngày nào).
- Thôi Tự nó đã nói vậy, tôi nghĩ chị nên ở lại. Ở lại rồi lát tính sau (Doãn tiếp lời tôi xong, mở cửa đi ra). Tôi sẽ đợi chị cùng dùng cơm với chúng tôi ở nhà ngoài.
- Anh ăn hiếp Thục hoài mà kêu thương với yêu Thục gì đâu, không biết nữa.
- Ừa, thôi thì anh không có thương có yêu Thục tý nào hết. Anh ghét Thục lắm. Ghét thấy mồ.
Tôi gượng dậy uống hết ly sữa lúc Thục đem bộ quần áo ngủ của tôi ra nhà sau thay và rửa mặt. Thục trở lại trong bộ quần áo rộng thùng thình. Tôi không nhịn được cười. Thục sun sun mũi:
- Anh cười nữa Thục đi trốn cho mà coi trả quần áo anh đây nè không thèm mặc đâu.
- Ơ, hay chưa kìa, thôi thì anh không cười nữa.
Thục tiến lại gần phía đầu giường. Trông Thục thơm ngát như một quả táo nhỏ vừa được hái từ cây buổi sớm, còn ướt sương đêm. Tôi bảo, anh muốn cắn em. Thục cúi thấp người, đưa hai tay bưng lấy mặt tôi. Những ngón tay dịu mát cho tôi cái cảm tưởng yên ổn, tin yêu sự sống đời mình. Tôi lặng lẽ khép hờ đôi mắt mỏi.
Thục cất tiếng dỗ dành giấc ngủ tôi. Lúc đầu tiếng hát còn nhỏ chậm, loãng mờ như những hạt mưa tình cờ bay ngang sau, tiếng hát lên cao dần, cao dần, cao vút, xoáy buốt như chúng không còn là một giọng hát nữa, cũng không còn là những lời trung gian cho một chuyển đạt, một gợi khêu, một gọi dậy, một đánh thức tự đáy cùng tâm thức, nỗi đau thương tuyệt vọng chất ngất nào, mà tôi có cảm tưởng đó chính là nỗi đau đớn bi đát của kiếp người, của đời sống, của chính tôi, của cả hai đứa. Nó là tất cả những gì đã xảy ra có thể sờ nắn được... chiều nay hát cho xanh câu yêu đời, cho người thôi oán trách nhau, cho niềm thương đến bên tôi... chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu, ru người qua chốn thương đau, cho làn nước mắt chìm sâu... Một ngày đời lở dỡ rồi, người về sau khuất chân trời, chỉ còn thương nhớ mà thôi... Bóng tối buồn không mầu...”
Tôi không biết đó có phải là bài Dạ Khúc của Schubert không, tôi nghe loáng thoáng được mấy câu. Và tiếp theo, Thục đã hát cho tôi bao nhiêu bài khác, nhưng tôi không biết vì tôi đã chợp mắt ngay khi những nốt adlib (1) cuối cùng của bản nhạc đầu tiên, được Thục vuốt cao, ngân dài đã như những mảnh thủy tinh cứt đứt lần những đường dây thần kinh trong thân thể tôi. Tôi không biết gì hơn nữa, cho đến lúc bừng mở mắt.
(1) Có nghĩa là tự do hoặc ngân dài hoặc không.
Căn phòng tối nhờ. Gió xẻ qua khe cửa sổ, gai lạnh. Tôi quờ quờ tay hai bên. Thục đã biến mất. Tôi rùng mình khi nhận ra mình đã thiếp đi trong căn phòng trống rỗng này.
Sự có mặt trong vài giờ của Thục đã giúp tôi thư thái trở lại. Nỗi buồn như cũng nhẹ vơi đi phần nào, có còn chăng là vấn đề thái độ của gia đình Thục cần phải giải quyết, nhưng nó không phải là chuyện của một ngày một giờ. Nó đòi hỏi cả tôi lẫn Thục phải kiên nhẫn (nếu không muốn nói là nhẫn nhục với riêng tôi) tế nhị và uyển chuyển. Không có gì đáng phải lo lắng thái quá hết, trường hợp nào thì cũng ăn thua ở Thục. Đúng là chiếc chìa để mở cánh cửa cuối cùng của hạnh phúc hay mối oan kiên trong cuộc tình này là Thục. Là Thục. Doãn vẫn thường nhắc nhở tôi như vậy. Có lần, Doãn hỏi tôi: Mày có hoàn toàn tin tưởng nơi Thục không? Tôi khẳng định tất nhiên, không tin Thục thì tin ai bây giờ. Nếu có một nghi ngờ nào đó là cái nghi ngờ ở nơi tao, tuyệt nhiên không bao giờ ở Thục hết. Phải chăng sự mù quáng mà người ta thường nói đến trong tình yêu, là sự cả tin nơi người mình yêu dấu. Tin như tin một giáo điều, một mặc khải. Tôi cho sự mù quáng ấy là một cần thiết, một yếu tố ắt có và đủ của tình yêu. Còn ý nghĩa nào cao cả hơn sự tự nguyện mù lòa trong tình yêu để nương theo tay dắt. Nếu có thể, nói bằng một cách khác hơn thì sự mù quáng ấy là mồi lửa thắp sáng lên hạnh phúc.
Tôi yên lặng lắng nghe nhịp đập điều hòa của trái tim mình và những chuyển động chung quanh. Tôi không muốn nghĩ rằng Thục đã rời khỏi nơi đây. Thục đã trở về. Tôi tự dỗ dành tôi bằng tin tưởng ngây thơ. Thục đang ở nhà ngoài, Thục đang ở sân trong. Nàng đang giúp Doãn làm một công việc gì đó. Ừ, biết đâu chừng. Và buổi chiều cứ mỗi phút giây thâm đặc, một quánh quyện bóng tối trong phòng tôi. Mùi hương Thục như vẫn còn phảng phất ngát đầy căn phòng. Cổ họng tôi rát khô, miệng đắng chát, nhưng tôi không muốn ngồi dậy, ngay cả việc giản dị hơn là với tay lên đầu giường bật đèn tôi cũng ngại nữa. Tôi nuông chiều lại tính lười biếng của mình để tận hưởng những phút giây đã hái được nơi Thục. Những phút êm đềm, sung sướng đối với tôi thật hiếm hoi, nên tôi thường có thói quen nhai lại thêm một lần nữa những gì mới có. Tôi quay lại thật chậm khúc phim vừa qua, từ lúc Thục xuất hiện, cho đến khi tiếng hát của nàng dỗ dành giấc ngủ tôi ngoan ngoãn. Tôi thường ngừng tay quay ở những đoạn ghi một hình ảnh (ở đây có thể là một câu nói) mà là ý nhị, có ý nghĩa, và bao giờ tôi cũng cười một mình, mãn nguyện trước khi tiếp tục tay quay. Vì thế cho nên, có lẽ, thời gian tôi dành cho sự ngẫm nghĩ cùng hài lòng thú vị có phần nhiều hơn thời gian mà chúng tôi ở bên nhau.
Giữa những tiếng động xô bồ của một buổi nhá nhem trong lòng hẻm, cùng mùi thơm của những món đồ ăn được đặt lên bếp, tôi nhận ra tiếng chân bước nặng nề của Doãn. Tiếng cánh cửa phòng bên mở khép, chốc chốc. Rồi ánh sáng của ngọn đèn điện trong bếp, qua sân, lọt vào phòng tôi do nơi những khe hở của hai cánh cửa sổ khép kín, tôi nghe thấy giọng nói nhỏ nhẹ của một người đàn bà không, chắc con gái hoặc còn trẻ lắm. Giọng nói thật quen q uen vô cùng mà không phải của Thục. Rồi tiếng cười của Hiệp cất lên cùng tiếng máy xe phụt tắtm chạy dọc theo ngôi nhà, khua động đến bức tường cuối cùng của nhà bếp. Tôi cũng nhận ra tiếng chân bước chậm, như ngập ngừng rồi dừng lại ngay trước cửa phòng tôi, tôi giương mắt chờ đợi nhưng bước chân yên lặng một lát xong lại đi thẳng ra nhà ngoài. Biết chắc không phải là của Doãn, nhưng tôi không đoán được là ai.
Hiệp vào. Cánh cửa mở lớn, gió lạnh thốc ùa vào căn phòng, tôi rùng mình nhăn mặt,
lạnh tao đóng cửa lại Hiệp. Sao không bật đèn lớn lên. Hiệp nói, lần tay bật ngọn đèn trên trần cười: - Vừa gặp Yến phải không? Tôi ngạc nhiên đâu có. Hiệp khép cửa Thục đâu, về rồi hả, tôi vừa gặp Yến đi ra. Hiệp lại gần, đặt tay lên trán tôi, bớt nóng rồi, tốt. Tôi cười héo hắt, trong trại có gì lạ không? Sắp hành quân nữa. Hiệp vươn vai, ngáp, chán thấy mẹ, lội hoài, tao nói mày đau rồi, kỳ này đi không có mày cũng mất vui. Tôi hỏi lâu không. Hiệp đáp độ một tuần. Doãn đem cho tôi ly sữa thứ hai, thay bữa cơm chiều. Yến nó vừa ghé qua, tao tưởng mày đã gặp, lát nữa Yến sẽ trở lại, sữa đây uống đi.
Doãn đem đặt ly sữa xuống bàn gỡ điếu thuốc trên đôi môi gẩy tàn xuống đất, thấy đỡ chưa. Khá hơn hồi sáng nhiều. Lát nữa Yến nó có lại thì liệu đó, cứ bừa đi, là đi luôn đấy, tao bảo trước, mày là... Doãn bỏ lững câu nói, Hiệp cười phá lên. Tôi ngượng ngùng, mày cứ nói thế. Doãn nhìn nghiêm khắc, ừ, mầy thì cái gì cũng láo cả, không bảo trước là dám lắm, tao biết tính mầy quá mà. Doãn trở ra, tôi mỉm cười, nhìn theo và nghĩ tới Yến, lát nữa...
Hiệp hỏi còn nhớ Thuận không? Tôi ngơ ngác tỏ dấu không hiểu. Hiệp cười gằn. Thuận trong ngôi chòi lá đêm đi kích đó. Tôi gật đầu, à, à. Sao? Hiệp nhồi thuốc vào ống vố đưa lên miệng bập bập xuống, lắc đầu, buông thõng:
- Chết rồi.
Tôi giật mình, gượng ngồi dậy:
- Ở đâu? Thật không?
- Chứ bộ đùa hả. Chết hôm qua. Ban đêm. Hiệp bật diêm châm lửa, mắt vẫn không rời tôi.
- Bằng cách nào. Bị giết?
- Không. Tự tử. Treo cổ trên cây cao bụng.
Tôi rùng mình nhớ lại khung cảnh của một đêm nằm kích trong căn nhà lá, trời mưa lớn, gió bập bùng bốn phía. Con sông chảy vắt ngang với những trái châu sáng lửng lơ giữa một khoảng không chết chìm trong đe dọa nghẹt thở. Thuận. Chuyện gì đã xảy ra. Chuyện gì đã khiến Thuận phải chết một cách oan nghiệt như vậy? Ngôi miễu thờ. Hình ảnh người thợ săn, đôi rắn thần và lời nguyền bí mật. Tất cả nhộn nhạo trong óc tôi. Tất cả bùng phùng như một mớ chỉ len lẫn lộn... Miếu thờ thiêng lắm, ai cầu xin điều gì cũng được. Nhất là những chuyện thuộc về tình duyên... Thuận đã nói thế. Tôi nhớ loáng thoáng, loáng thoáng, câu nói đêm nào, giữa tiếng mưa đã nhỏ hạt, giữa đôi mắt ngầu đỏ, bén sắc của một cơn điên dại sắp nổ tung trong ông Ba, Thuận, em đã cầu xin điều gì. Điều gì để đến nỗi thảm thiết như vậy. Không còn một cách nào chết êm ái hơn nữa sao em? Thuận, chúng ta có một liên hệ nào với nhau, khác hơn sự tình cờ của đêm hôm ấy. Có thể là một liên hệ nào không, giữa một con người đã khuất, một xác chết, một tử thi, và những người còn thoi thóp thở. Anh muốn nói với Thuận, một điều gì, nhưng nay đã muộn. Đã quá muộn rồi phải không em. Điều anh muốn nói với em, dù chưa một lần, anh giao ước, là cuộc tình giữa anh và Thục. Là những gì anh và Thục vun vén, xây dựng, vun quén những chiếc lá, giữa những trận cuồng phong không ngớt nổi lên, không ngớt thổi tung, tơi tả. Điều anh muốn nói với Thuận, có lẽ không hẳn như thế đâu. Có lẽ anh định nói với Thuận về một người con gái, một nàng tiên nhỏ và tuyệt vời của riêng anh. Một cô bé mới lớn lên, một bước chân chưa vững, mắt nhìn còn luống cuống thơ ngây, một tay đưa còn chín mềm cảm xúc, một môi son còn đẫm ngát lệ đầu đời. Anh muốn nói với Thuận về nàng. Phải chính nàng. Nói về nàng, chính là anh đã nói đến lẽ sống của đời anh, bằng một cách nào khác hơn mà thôi. Nói về nàng, chính là anh muốn nói về một tâm hồn, được nhìn như một báu vật hiếm hoi, một kiếm thấy tình cờ giữa một nửa đời hoài công, tuyệt vọng. Anh muốn nói với Thuận. Muốn nói với Thuận điều đó. Không. Những gì Thuận vừa nghe, mới chỉ như khúc nhạc dạo, lời vào đầu của một khúc mắc đau đớn, của một bất công, một nghiệt ngã lầm lẫn mà anh, cũng như nàng, cũng như chính tình yêu của hai đứa, phải đối đầu, phải gượng, phải gắng, phải cắn răng nói mình chịu đựng, nhắm mắt mà chịu đựng, ngậm hơi mà chịu đựng. Em đoán được phần nào chăng, những điều ở sau phần dạo đầu đó. Em đoán được gì chăng? Phần nào, những quá quắt mà nàng phải đưa vai gánh chịu? Phải ngửa mặt, phải chìa tay, phải quỳ gối, ngậm tăm khứng chịu. Thuận cứ hình dung ra nàng, qua những nét mà anh vừa nói. Thuận cứ vẽ đi, vẽ lớn ra, trong trí tưởng mình, hình ảnh nàng. Hình ảnh của một nàng tiên bé bỏng, hình ảnh của một cô bé quàng khăn đỏ, hay nếu Thuận thích, Thuận có thể vẽ trong óc mình và nhìn nàng qua hình ảnh của một con sóc, một con chim vành khuyên, có đôi cánh xanh, chiếc mỏ vàng, một dúm lông trắng làm duyên ở đâu đó, dưới bụng, nhưng nhất là, nhất là đừng quên, tiếng hát líu lo của nó. Tiếng hót ngọt và trong như một dòng suối, như một chiếc kẹo (mà Thuận có thể ngậm được). Tiếng hót gần, xa, cao bổng trong đám lá, vỡ ra như một tiếng reo trong suốt của thủy tinh trên đá, lúc xuống thấp, thật thấp như những hạt mưa vu vơ reo trên thềm nhà. Những hạt mưa trong. Trở về mái nhà xưa thôi nhé đừng hoài âm xưa... (ờ mà Thuận có biết bản trở về mái nhà xưa không mới được chứ. Anh thật đoảng phải không em? Chả hỏi gì em trước mà cứ nói bừa phứa, như là em đã biết hết không bằng í. Dẫu sau thì em cũng nên tìm biết bản nhạc đó. Trở về... Trở về... đó là niềm ao ước cuối kiếp của mỗi đời). Ừ, anh nói gì Thuận nhỉ. À, anh đang bảo Thuận tưởng tượng vẽ nàng như thế đó. Như thế hay khác hơn thế, và sau đấy em lồng nàng vào một bối cảnh, một sân khấu với những éo le, thảm thiết mà một nhân vật dù có bản lĩnh, dù từng trải, dù có nghị lực và sức phấn đấu đến mấy, cũng phải ngã quỵ xuống trước những văm bằm, những xô xát, những dằng kéo âm thầm tan nát giữa ý thức muốn làm hài lòng bậc sinh thành và thuận theo dòng cuốn xiết của đám đông, của chung quanh, của những gì không có hình dạng nhưng có tên gọi, có những tên gọi thật cao cả, thật đẹp đẽ như chữ hiếu, như đạo đức, như luân lý và một bên là cá nhân, là đời sống, đúng với ý nghĩa của nó, của riêng nàng. Anh nói vậy còn phần nào mơ hồ quá không Thuận? Đúng. Anh cũng nhận ra điều đó nữa, nhưng anh không thể nói rõ hơn. Không thể nói rõ hơn được. Trong trường hợp nào thì người ta cũng phải giữ lấy cho riêng mình một cái gì chứ, phải không em. Nhất là một khi, anh chỉ nhìn em, như một người bạn, một cô em gáim một người mà anh chọn trong những người, để tâm sự. Anh không thể nói rõ hơn. Thuận hiểu cho anh nhé. Hơn nữa, lỡ nàng biết nàng sẽ giận (Nàng ưa giận anh lắm. Chút chút là nàng có thể giận anh đến cả tuần cả tháng. Chút chút là nàng đã có thể khóc, khóc ngon lành, khóc tự nhiên, khóc như mơ, khóc như những giọt lệ lia đầy quá phải tràn. Gớm người đâu mà mau nước mắt thế không biết!) Đó Thuận thấy không. Hoàn cảnh của anh. Hoàn cảnh của nàng, của cuộc tình này. Vậy mà kỳ diệu thay, em biết không, nàng đã chịu được. Kỳ diệu ghê đó chứ phải không em? Chẳng biết phép lạ nào đã giúp nàng được như vậy. Và anh còn thoi thóp đến phút này cũng như trông thấy sự linh diệu hiển hiện ở nơi nàng. Em có nghĩ không tình yêu ghê gớm lắm. Tình yêu nhắc tới hai chữ đó, là anh nghĩ đến nàng. Nghĩ đến nàng anh thấy gai lạnh khắp người. Nghĩ đến nàng là anh muốn quỳ xuống. Anh muốn hôn lên bàn chân nàng. Hôn lên, bàn chân, một tượng trưng sắt đá của lòng kiên trì và sức chịu đựng vượt mức của bất cứ ai trong chúng ta.
Nhưng. Kìa, mà em đâu còn nữa. Em đã chết. Em đã treo cổ. Đã tự tử. Trời, điều ấy ghê gớm quá anh vẫn hằng nghĩ tới. Không. Chả bao giờ anh tin, em đã chết. Chết trong sự xiết cứng của những sợi gai đan vô nghĩa. Chết. Chết. Không. Anh muốn nghĩ đến một chuyện gì khác hơn thế đã xảy ra cho em. Xin đừng xảy ra cho ai trừ tôi, sự thật xiết họng ấy.
- Người ta thường nghĩ đến hạnh phúc cho nhau hay ít ra gần với ý nghĩa đó, khi đã cam đành quẫn chí. Tôi bảo Hiệp. Hiệp lắc đầu, thở ra chán nản:
- Họ nói Thuận chết vì bị ép lấy một người nào đó quen với gia đình nàng.
- Chắc không?
- Nghe nói vậy?
- Thế thì có gì đến đổi phải tự tử. Tao chắc có một uẩn khúc nào khác chứ...
Hiệp nheo mắt nhìn tôi:
- Tao cũng muốn nói với mày về điểm ấy.
-...
- Mày có nghĩ mày cũng là một trong những lý do có thể dẫn đến cái chết đó không?
Tôi cười:
- Mày lãng mạn quá.
- Tại sao?
- Tao không tin Thuận có thể là người có tâm hồn hay có một quan niệm về đời sống cao đến vậy.
- Với phụ nữ có chuyện gì là không thể không xảy ra.
- Tao... câu nói của tôi bị cắt đứt ngay lập tức vì tiếng đập cửa. Tôi nằm xuống. Hiệp gõ gõ tẩu thuốc vào thành giường, đứng lên uể oải.
Hiệp mở cửa, quay lại, nói với tôi:
- Yến. Tụi này vừa nhắc tới Yến xong. Yến thiêng thật.
Yến cười tươi, tóc bới cao, chiếc jupe tím nhạt có chấm hạt dẻ màu vàng. Áo chemise trắng, cổ bẻ lá sen, vai bồng. Yến rực rỡ, cái rực rỡ của một cô gái mới lớn, một làm dáng kín đáo, cái kín đáo vừa đủ làm cho người ta nhận ra. Thấy tôi nhìn chằm chằm, Yến thẹn thùng:
- Anh nhìn làm Yến sợ. Yến kéo ghế ngồi sát giường, nắm lấy tay tôi tiếp, anh khá chưa? Tôi gật đầu, đỡ nhiều rồi. Hiệp ngồi lên bàn:
- Chưa bao giờ tôi thấy Yến đẹp bằng hôm nay.
Yến nhăn nhó:
- Khổ lắm, anh không biết, tối nay Yến đến đây được vì nhờ có vụ đám cưới người chị họ. Má Yến không đi bảo Yến đi một mình. Để bà cụ khỏi nghi, Yến phải theo lời bà cụ đi làm tóc.
- Đám cưới chị Yến mà Yến bỏ, mai mốt chị ta nói lại với má Yến thì sao? Hiệp hỏi.
- Có. Yến đã nghĩ đến điều đó. Trước khi lại đây, Yến đã ghé qua chị ấy. Yến nói thật với chị ấy rằng anh Tự đau, Yến sốt ruột quá, cho Yến lại đây chút xíu, xong nếu kịp Yến trở lại, còn không thì mai mốt Yến sẽ dành trọn một ngày cho chị ấy sai bảo bất cứ một điều gì.
- Yến làm tóc ở đâu vậy? Tôi hỏi.
- Tiệm MD trong cư xá đó anh. Cái tiệm mà anh bảo chủ là chị ruột của anh Đông, bạn anh đó. Tôi gật đầu.
- Anh thấy được không? Yến đưa tay vuốt tóc.
- Được. Đẹp đấy chứ.
Yến cười:
- Anh có nịnh em không? Em thấy nó kỳ kỳ sao ấy.
- Đâu có kỳ. Yến làm tóc trông được lắm đấy chứ!
- Lại thêm anh nữa.
Những lời khen tặng làm Yến sung sướng. Hai má Yến ửng đỏ. Những ngón tay Yến, lúng túng trên tấm chăn đắp ngang ngực tôi. Hiệp xem đồng hồ.
- Thôi tao đi đây, đêm nay cần ngủ sớm.
- Ừ, về đi. Xong nhớ hỏi kỹ chuyện Thuận dùm tao nhé.
- Tất nhiên. Trễ lắm là bốn ngày nữa, tao gặp lại mày.
- Anh Hiệp đi đâu vậy anh? Yến hỏi.
- Công tác, tôi đáp.
Hiệp cầm mũ đi ra. Tôi bảo Yến đứng lên, tắt chiếc đèn lớn, bật đèn bàn. Ánh sáng trong căn phòng dịu lại. Tôi bảo Yến ngồi xuống giường. Tôi nắm lấy tay Yến. Hồi trưa Yến buồn không? Tôi muốn nhắc đến chuyện Yến bất ngờ gặp Thục, Yến thở dài. Chính em đang muốn hỏi anh, một câu tương tự. Tôi cười, nghĩa là sao. Yến cúi mặt, Yến biết phận Yến, Yến nói thật. Anh chọn chị Thục để dâng hết tình yêu thương là đúng. Thục xứng đáng hơn em nhiều, em nói thực, thực đó, anh đừng nghĩ ngợi. Tôi nắm chặt tay Yến. Yến nói tiếp, giọng trầm hơn, chuyện xảy ra hồi trưa là chuyện mà em biết rằng trước sau gì nó cũng phải đến. Em vẫn sợ điều ấy, sợ nhưng không thể biết nó xảy ra lúc nào để tránh. Lẽ ra, em không nên đến đây, làm phiền anh nữa. Vai trò của em, chiếc bóng em, bên cạnh đời anh đã không còn lý do gì để tồn tại. Em biết thế. Nhưng lúc này, lúc này, anh đang đau, chị Thục lại không thể thăm anh thường, em muốn em tạm thời thay chị ấy trong một thời gian, sau đó, em sẽ không bao giờ đến nữa Yến nói, nghẹn ngào muốn khóc.
Yến làm vậy, anh buồn. Lúc nào anh cũng coi Yến như một người em gái của anh, Thục cũng biết điều đó. Em cám ơn anh, nhưng riêng em, em không thể chỉ thấy em, trong vị trí của một người em gái; anh hiểu cho em và đôi khi em nghĩ chính anh cũng không thể nhìn em như vậy. Tôi ngượng với câu nói của mình. Tôi ngượng với chính tôi, nhiều hơn với Yến. Tôi ngượng trước lời gian dối. Sự thực thì Thục không hề hay biết một chút gì về những liên hệ giữa tôi và Yến, Thục chỉ biết một cách sơ lược, qua những gì tôi kể. Đằng sau những lời nói đó còn có một cái gì khác hơn thế. Sự thật, đau đớn hơn. Sự thực tàn tệ. Tàn tệ hơn thế nhiều. Ý nghĩa dùng Yến như một phương tiện giải quyết nhu cầu lại đến với tôi.
Tôi sợ hãi, tôi luôn lẫn tránh ý nghĩ này. Nó là một mặc cảm ghê gớm, của tôi trong cuộc tình, với Thục. Tôi không đủ can đảm nói thực với Thục. Tôi cũng không đủ nghị lực gạt Yến ra khỏi vòng tay tôi. Một mặt tôi lại áy náy lo âu không ít sau mỗi lần gặp Yến, nghĩ tới một ngày kia, nếu Thục, vì lý do gì, hay biết mọi chuyện; có thể Thục sẽ hết yêu tôi, hay vì tình yêu mà Thục đang dành cho tôi, vì thế giảm sút, vì thế sứt mẻ. Trong trường hợp đó, tôi không hy vọng gì, hòng mong ở Thục một bao dung, rộng lượng. Tôi không có quyền đó. Tôi đã đòi hỏi Thục quá nhiều. Những đòi hỏi của tôi, là những đòi hỏi mà một người con gái bình thường khó có thể thực hiện nổi. Hơn nữa, tình trạng chúng tôi lúc này, rất mong manh, dễ vỡ. Lúc này, tôi nghĩ, hơn bao giờ hết, cần gầy dựng vun bồi thêm niềm tin nơi Thục.
Chỉ có một niềm tin tưởng tuyệt đối nơi nhau, nơi tình yêu của mình, mới đủ mãnh lực giúp chúng tôi vượt qua cơn khốn quẫn. Muốn hay không thì chuyện của tôi và Thục, cả gia đình nàng đã rõ. Muốn hay không thì hầu như cả gia đình Thục đã tỏ ý phản đối bất mãn. Và đau đớn thay, muốn hay không, chúng tôi cũng không thể xa nhau. Tôi nhớ tới một đoạn thơ của ai đó, có mấy câu: “đời tôi là đời nàng - đời nàng là đời tôi - đời chúng tôi là một”. Là một. Là một, không còn cách nào khác hơn thế. Tôi có thể chết, Thục có thể chết nhưng tình yêu của chúng tôi không thể chết. Nó có đời sống riêng của nó. Nó có một trái tim để thở những hơi thở riêng. Nó có một đôi mắt nhìn, những cảnh sắc riêng nó có một khối óc, để nghĩ riêng cho nó một đời sống đó... Tất cả mọi mưu toan hủy diệt hay xâm phạm vào thế giới này, là một tham vọng hảo huyền, một mưu toan không tưởng. Tôi cay đắng nhớ tới những lời dè bỉu, những bêu riếu, nhiếc móc mà Thục đã và còn phải chịu. Nàng sẽ còn phải chịu. Nhiều hơn thế nữa, từ nhiều phía trong cuộc tình này. Và cũng không thể có một giải pháp nào khác hơn sự nhẫn nhục, chịu đựng. Chúng ta chỉ còn trông chờ nơi thời gian. Thời gian sẽ giúp ba, má nhìn thấy đâu là đời sống đích thực của em. Thời gian sẽ chứng minh cho mọi người thấy, chúng ta không thể xa nhau, chúng ta không thể mất nhau và hạnh phúc chỉ có thể có khi bên em là anh và ngược lại. Tôi nhớ Thục nói vậy.
Chúng ta sống không chỉ cho hôm nay, cho ngày mai, mà cho suốt cuộc đời mình và xa hơn, cho thế hệ kế tiếp mà chúng ta sẽ tạo nên. Do đó, nếu phải hy sinh bao nhiêu năm trong hàm oan trong nhục nhã đớn đau thảm thiết, chúng ta cũng hãy sẵn sàng nghị lực và sức phấn đấu. Thục. Thục ơi, cơn bão lớn đã bắt đầu mở vào đời sống anh và em. Gió đã nổi, đã hất tung cát bụi, đã đập nát mặt anh, đã xé ngọt da thịt anh. Mưa đã xối xả trút xuống. Ngày tháng đã chỉ còn là một chuỗi dài của những cực hình, của thấp thỏm, của hoảng hốt, của nước mắt thầm vụng và của đêm dài khôn nguôi. Dẫu sao thì anh cũng chỉ xin em một điều. Một điều thôi, một điều đã cũ, cũ nhưng là một chân lý, và đó là tất cả chìa khóa để chúng ta mở lấy cánh cửa đời mình, mở lấy hạnh phúc, mở lấy sự sống cho chính mình. Anh muốn nói. Hãy đi để sẽ đến. Không thể có một điểm đến, nếu chân ta chưa bước - không thể có, một ngày mai rực rỡ, nếu trước đây không là đêm tăm tối.
Nhục nhã là những thang dây để chúng ta leo đến vinh quang. Tuyệt vọng là đỉnh núi cao mà chúng ta phải trèo dẫm lên trên, để thấy được hạnh phút bát ngát. Anh đã sẵn sàng, đã dọn mình cho làm một cuộc hành hương về tới đất Hứa. Hành lý mà anh đem theo trong chuyến đi dưới bóng tử thần này, không có gì khác hơn tình yêu em đã cho anh, không có gì khác hơn những lời hứa tự đôi môi em thơm ngát, tự trái tim em thánh thiện, tự tâm hồn em thanh khiết cao cả.
Nếu thánh Moise chỉ phạm một trong mười điều giới răn của Chúa, là tỏ ý không tuyệt đối tin tưởng nơi quyền phép tối thượng của Chúa, thì anh trong ánh sáng tình em cũng chỉ phạm một lỗi lầm duy nhất, anh không thể bình tĩnh yên lòng khi xa em. Anh luôn luôn điên cuồng, luôn luôn rồ dại. Sự ngăn cách, sự vắng xa bằn bặt cho chúng ta nhìn thấy rõ nỗi khẩn thiết phải có nhau trong đời sống, và tình yêu, nơi sự thực chỉ ngời sáng tuyệt vời trong niềm hốt hoảng mất tăm đó, nhưng nó cũng lại là những mũi kim rút lần máu huyết trong thân thể ra. Anh đang tự hỏi vóc dạng anh sẽ ra sao, sau cơn cùng quẫn này? Thục ơi.
Yến mệt mỏi ghé nằm bên tôi. Mùi nước hoa quen thuộc gợi thức mối cám dỗ lẫn quất. Tại sao Yến không là Thục? tại sao? Thục. Thục.
Thêm một lần nữa, anh đã phản bội em. Thêm một lần nữa anh đã tự gạt gẫm anh bằng một người không phải là em trong tay anh.
Những ẩn ức bị áp chế lúc nào cũng như chờ đợi cơ hội để bục vỡ, tràn ra chan chứa.
Yến khóc khi ngồi dậy, mặc quần áo, bật đèn. Tôi úp mặt xuống gối. Đã có phút nào mình sống được cho nhau chưa em? Phải chăng đời mình không bao giờ có thực? Chúng ta cùng chờ đợi hoài công một vô vọng trong một ngày mai bất tận, hay một ngày mai của sự chết rữa tan. Ám ảnh giết Thục rồi tự tử lại khuấy đục thần trí tôi.
Không dễ gì giết một người nhưng cũng không khó gì, khi nhân danh sự sống bị tước đoạt và tình yêu tuyệt vọng.
Yến về lúc trời bắt đầu đổ mưa. Tôi bảo Yến tắt đèn, xong ngồi dậy. Chúng tôi hôn nhau, cùng không thấy mặt.
Tôi ngồi tựa lưng vào thành giường, trong bóng tối, cho tới khi thấy lạnh ở hai má. Tôi cắn môi đưa tay quệt ngang mắt, nằm xuống.
Những người thân yêu đang giết lần mòn chúng ta. Và ngay chúng ta cũng đang tự tay giết mình. Phải không em.
Mưa mỗi lúc một đều hạt, tiếng ai hát từ xa vọng lại. Bóng tối mềm nhũn và mát dượi.