Số lần đọc/download: 6978 / 118
Cập nhật: 2016-03-06 21:42:11 +0700
Chương 4
K
HÔNG PHẢI RIÊNG NHẬT BÁO Vương Đạo mới khai thác vụ Giáo dục thời loạn, trò xin thầy tí huyết mà, hầu như, báo chí nào cũng khai thác vụ này. Song song với tin tức nóng hổi do "bổn báo đặc phái viên" gởi về từ tỉnh X. hàng loạt phóng sự, điều tra về Học đường S.O.S., về Tình thầy duyên trò, bề buôn chữ bán nghĩa vân vân… được đăng tài.Ở những loạt phóng sự gọi là những tang thương rách nát học đường, tôi chỉ tìm thấy xuyên tạc, mạ lỵ giáo giới và những người lãnh đạo giáo dục.
Kể cũng bi đát khi Bộ Văn Hóa Giáo Dục bị chính vài ông thầy giáo sa sả luận tội và cải danh thành Bộ Võ Rừng. Với sự hậu thuẫn của báo chí. Giáo Dục biến ra võ đài đấu võ tự do. Báo chí cũng dùng chữ riêng của báo chí để lố bịch hóa Bộ Văn Hóa Giáo Dục.
Những bài báo như những nỗi buồn liên tiếp đến và đồn trú ở tâm hồn tôi, phũ phàng hơn ngựa chứng. Với tôi, không thêm ngựa chứng nhập bầy bọn ngựa chứng là sắp hết ngựa chứng. Và tôi có thể tự hào đã làm tròn bổn phận của tôi. Nhưng tôi thèm được tự hào hơn: tôi muốn nhìn thấy bốn cậu học trò Phong, Luyện, Thiện, Du ngoan ngoãn ngồi dưới bàn học, tôi tin chắc họ sẽ xuất sẵc. Bởi ngựa chứng luôn là ngựa hay nếu ta mắc nổi dây cương và ngồi trên lưng nó. Điều bắt tôi buồn liên miên la vùng đất thiêng còn sót lại của một xã hội phân hóa, mục nát đã in dấu chân thô bạo, phũ phàng. Chẳng ai thích bảo vệ vùng đất thiêng, vùng đất giáo dục, vùng đất nhiều bóng mát che chở cho niềm tin tưởng của tuổi trẻ, vùng đất nhiều trái cây ngon ngọt, nhiều hoa bướm, nhiều kỷ niệm, nhiều tình nghĩa, vùng đất tạo phẩm cách con người. Xây dựng những đổ vỡ chiến tranh thật dễ. Xây dựng những đổ vỡ của con người mới khó. Chiến tranh chỉ là cái cớ để người ta kết tội phá hoại giáo dục. Thật sự, nền giáo dục hiện tại băng rã là vì người ta nhìn nó bằng đôi mắt của kẻ tính toán giai đoạn mà giáo dục thì đòi hỏi vĩnh cửu. Khi cơ cấu giáo dục bị ví như nơi đánh võ tự do, khi những người làm giáo dục tự miệt thị cái thiên chức của mình, trách chi vùng đất thiêng chả bị xâm phạm, phóng uế. Báo chí phải chịu trách nhiệm tước đoạt niềm tin của học trò ở học đường. Một vài thầy giáo, đã ồn ào tranh đấu vô ý thức.
Tôi đã ngậm bồ hòn theo dõi những bài báo điều tra, tường thuật vụ cậu học trò tỉnh X. hành hung thầy giáo. Và tôi rất xấu hổ thấy ông thầy chạy về Sài gòn họp báo tố cáo cậu học trò, ông thầy quyết ăn thua đủ cùng cậu học trò hỗn láo. Học trò đánh thầy là chuyện không thể chấp nhận được. Song vẫn có thể tha thứ. Với kẻ thù, người ta âu yếm chiêu hồi. với học trò, người ta thiếu hẳn khoan dung, thiếu hẳn cái đức của bậc thầy. Trò đánh thầy, thầy họp báo tố cáo, đổ ngàn tội lên đầu trò rồi đòi chính quyền tỏ thái độ. Chính quyền sợ mang tiếng dung dưỡng phần tử bất hảo, truy nã cậu học trò nông nổi, vô lễ như truy nã tội đồ nguy hiểm. Cậu học trò sợ quá, trốn đi biệt. Chưa biết cậu ta trốn nơi nào, có trốn ra bưng biền để tránh khỏi sự đòi hỏi của luật pháp trừng trị xứng đáng của thầy cậu và để thực sự trở thành một tội đồ nặng ắp căm thù cuộc đời.? Tôi không bằng lòng thái độ và hành động của đồng nghiệp ở tỉnh X. Người làm nghề dạy học chẳng khác chi ngưởi huấn luyện ngựa. Để ngựa quật ngã, để ngựa đá tức là chưa đủ tài dạy ngựa. Xã hội VN hôm nay không thể dấu giếm che đậy sự tang thương, rách nát. Rách nát toàn diện. Rách nát từ những ngày Mạc đăng Dung ngu muội, dốt nát lãnh đạo và giáo huấn tự xưng mình là thần tượng tuổi trẻ. Rồi thần tượng phù du, giả hình bị đổ đạp sớm chiều. Những bài học phản bội diễn tiến không ngừng trong khoảng thời gian tối tăm nhất của lịch sử dân tộc đã khiến cho tuổi trẻ hoang mang. Từ nỗi hoang mang, tuổi trẻ trở nên bất bình thường. Và xã hội cũng bất bình thường. Cậu học trò hành hung thầy giáo ở tỉnh X. chỉ là nạn nhân của một xã hội xáo trộn bởi những âm mưu phản bội. Ông thầy cậu không hiểu cậu, không hiểu hoàn cảnh xã hội, không xét lại tư cách của ông và không độ lượng nên ông đã quên hẳn lý thuyết sư phạm. Giáo dục không đồng nghĩa với kết án. Nhà trường không phải là tòa án và thầy giáo chẳng bao giờ là ông biện lý.
Còn những vụ ghê gớm hơn, đáng kết tội hơn đã xẩy ra ở nhà trường. Thí dụ, vụ một số sinh viên một phân khoa nọ xuất bản báo miệt thị, chửi bới thầy mình thậm tệ, rồi sự việc được xếp bỏ, quên lãng. Vì các ông ông thầy không muốn ăn thua đủ với học trò, các ông thầy có lòng khoan dung, thương môn đệ như thương cuộc đời. Tôi rất tiếc những ngọn đuốc ấy đã cháy sáng mà chưa gom nổi một ngọn đuốc tỉnh X., mà chưa thắp sáng nổi thiên chức giáo dục của đồng nghiệp tỉnh X. của tôi. Có lẽ cũng chưa thắp sáng nổi thiên chức giáo dục của một sô thầy giáo ồn ào tranh đấu. Họ la hoảng giáo giới gặp màu giáo nạn. Toàn cõi Việt Nam dễ chừng, có đến cả một triệu học trò, chục ngàn thầy giáo, không đếm xuể học trò ngoan ngoãn, chăm chỉ, không kể hết thầy giáo đầy ắp lương tâm chức nghiệp. Nhưng người ta đã đếm trên đầu ngón tay những ông thầy đã sa ngã để nhục mạ giáo giới, người ta cũng kể trên đầu ngón tay những cậu học trò hành hung thầy giáo và hài tội chính quyền địa phương nhục mạ, áp bức những nhà giáo cô thế để báo động: giáo nạn, giáo nạn. Ích lợi gì đâu? Có chăng là làm phôi pha tình nghĩa thầy trò, rào dây thép gai ngăn chặn những niềm thông cảm và đẩy kẻ phạm tội ở học đường ra xã hội nghiệt ngã.
Người ta đã la hoảng, báo động ầm ỹ về những mụn ghẻ trên thân thể xã hội cùi. Người ta cứ muốn biến những mụn ghẻ ngoài da thành bệnh ung thư máu, ung thư xương… Sự la hoảng, báo động nhằm đúng lúc thủy triều chống đối chính quyền dâng lên. Và giáo dục bị chính trị, bị âm mưu chính trị lôi cuốn. Nhà giáo cũng hoan hô, đả đảo như ai. Nhà giáo toan tính gây áp lực. Chính quyền vuốt ve, an ủi, hứa hẹn bảo vệ nhà giáo. Như thế, khi làm công việc cao quý nhất là dạy học, đám học trò mơ hồ trông thấy con ngáo ộp chính quyền đứng sau lưng ông thầy của mình. Giáo dục đâu phải là giáo nạt. Mà là chinh phục tâm hồn. Học trò không thể chinh phục bằng dọa nạt. Tuổi trẻ không thể bị chinh phuc bởi dọa nạt. Những ai chủ trương dọa nạt tuổi trẻ đều là những người tưới dầu vào lửa dấy động hoặc tưới nước dập tắt nhiệt tình của tuổi trẻ. Bản chất của nhà giáo mãi mãi chỉ là âm thầm phục vụ. Giá trị của nhà giáo được thắp sáng bởi sự âm thầm đó. Nhà giáo ồn ào đấu tranh, to tiếng kể khổ, tôi nghĩ, không những không giải quyết nổi vấn đề mà còn dễ bị ngộ nhận là… thời thượng. Nhà giáo cần phài đứng trên tất cả. Nhà giáo chỉ làm công việc của muôn đời, bởi vì cho đến muôn đời, nhà giáo vẫn là nhà giáo, vẫn là bậc thầy, bất chấp mọi thay đổi dâu biển. Không thể vì vài trường hợp bất thường tạo ra bởi sự ngu muội mà la hoảng lên là giáo nạn. Chỉ khi nào sách giáo khoa bị đốt, tất cả các nhà giáo bị bắt bỏ tù, cổng trường rào dây kẽm gai, học trò bị đày biệt xứ, bấy giờ mới là giáo nạn.
Thời đại tôi đang sống là thời đại của nhiều kẻ lộng ngôn. Những kẻ lộng ngôn đã lừa gạt được khối kẻ nhẹ dạ. Đành chấp nhận. Song ở lãnh vực giáo dục, tôi không chấp nhận những kẻ lộng ngôn, ở lãnh vực giáo dục, người ta cần có tấm lòng. Kẻ lộng ngôn chỉ là những kẻ buôn bán giáo chức cho nhu cầu chính trị giai đoạn. Họ nhân danh giáo giới nhưng họ đã thắp sáng giáo giới một lần nào? Thật mỉa mai khi các bậc thầy kết án tàn nhẫn học trò hành hung mình, đòi hỏi chính quyền tỏ thái độ với học trò hỗn xược rồi lại cổ võ tinh thần bạo động, khích lệ học trò phá trường lớp, đánh hiệu trưởng, đấu tranh với "chủ trương cá mập" bóc lột học trò! Vùng đất thiêng còn sót lại của một xã hội phân hóa, mục nát, vùng đất mà chúng ta trông cậy, để từ đó, chúng ta làm lại xã hội tốt đẹp, lý tưởng đã in những dấu chân thô bạo, vì thế. Và vì thế, nỗi buồn đồn trú ở tâm hồn tôi.
Tôi sợ, rồi đây, mỗi lớp học sẽ có vài con ngựa chứng giẫm nát tình nghĩa thầy trò. Tuổi trẻ đã tìm được lý do nổi loạn. Đến thầy giáo mà còn tố cáo họp báo la lối, đòi chính quyền bắt nhốt học trò của mình thì cuộc đời còn nơi nào để bấu víu, nương tựa. Bạo động đã được khích lệ từ một số thầy giáo. Tôi mong ước danh từ giáo nạn sẽ chỉ là cơn mưa bóng mây. Rổi tạnh ngay, khô chóng, trả lại giáo dục sự im lặng, bình yên và sự tôn nghiêm tuyệt đối của nó. Riêng tôi, tôi sẽ tiếp tục kiên nhẫn, chịu đựng bọn thằng Phong. Có lẽ, ngày mai, tôi phải giải đáp những câu hỏi tàn nhẫn của con ngựa chứng đầu đàn. Thế nào nó cũng sẽ hỏi tôi rằng thầy giáo tỉnh X. đòi bắt nhốt cậu học trò dại dột làm gì.
Tôi đã sửa soạn câu trả lời.