Số lần đọc/download: 29701 / 3227
Cập nhật: 2017-09-08 16:30:11 +0700
Chương 3
Một ngày rồi thôi
Về nhìn nước chảy
Nghe sông vắng người"
48
Từ ngày vào lại Sài Gòn, tôi phát mệt vì con nhỏ Bích Lan.
Ngoài thời gian đến lớp và đi chơi với bạn trai, lúc nào nó cũng lẽo đẽo bám theo tôi. Tôi không thể giãy nó khỏi tôi được nên rốt cuộc tôi mặc cho nó làm cái đuôi của tôi.
Hai đứa tôi thường ngồi quán cà phê vào buổi chiều lúc Bích Lan đi học ra. Đó cũng là cách tôi tránh mặt mẹ tôi. Tôi gần như không thể chịu đựng nổi mỗi khi nhìn vào mặt bà. Tất nhiên mẹ tôi luôn động viên tôi, bà luôn nói với tôi về khả năng mầu nhiệm của y học, về vận may của con người nhưng bao giờ mẹ tôi cũng nói những lời phấn khởi đó bằng cái giọng khiến người nghe buộc phải hiểu ngược lại.
Những lúc đó tôi phải ôm choàng lấy mẹ tôi và cố nói những lời bông đùa để không phải nhìn vào vẻ mặt xót xa của bà nhưng sau những lần như vậy vai áo của tôi thường ướt đẫm. Về sau này tôi chọn cách đi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào có thể được. Tôi làm như vậy không phải vì tôi mà vì mẹ tôi. Khi không nhìn thấy tôi, đầu óc bà sẽ được trám đầy bằng những thứ khác, nhờ vậy bà sẽ lãng đi căn bệnh của tôi cho đến khi tôi trở về nhà vào bữa ăn tối.
Ngồi với Bích Lan tôi cũng chẳng thấy hứng thú gì. Trước đây thấy nó nói năng ngổ ngáo tôi cứ nghĩ nó là con nhỏ vô tâm hời hợt nhưng bây giờ tôi phát hiện ra nó là đứa sầu muộn và cả lo hơn tôi tưởng. Trong khi tôi đang cần một đứa ăn nói bông phèng bạt mạng ngồi cạnh để thấy đời như là mơ thì nó cứ đeo bộ mặt dàu dàu và giương đôi mắt đỏ hoe ra nhìn tôi làm tôi nhận ra càng ngày nó càng giống mẹ tôi và điều đó khiến tôi ngán ngẩm kinh khủng.
Anh chàng người yêu của nó lúc này đang chúi mặt vào tập để chuẩn bị cho cuộc thi tuyển lớn nhất của đời mình nên nó càng dư dả thì giờ để làm khổ tôi.
Nhiều lúc tôi muốn kể cho nó nghe về con Rùa nhưng tôi cố kềm ý định đó lại vì e rằng nó sẽ chẳng dùng thứ gì khác ngoài nước mắt để tắm ướt cõi lòng tôi thêm lần nữa.
Sau lần truyền máu thứ hai, tôi không còn đốt thì giờ trong các quán cà phê vì không muốn Bích Lan tiếp tục quan sát tôi rồi âm thầm dịch nỗi buồn trên mặt tôi ra một thứ ngôn ngữ bi lụy được xây dựng trên tâm trạng của những kẻ sắp chầu trời.
Nó không biết nỗi buồn của tôi có màu xanh của lá duối dại, lá me chua đất, có tiếng máy bay rì rầm giữa chiều hè oi ả, có sự dịu êm của cái tựa đầu đầy gửi gắm giữa hương cỏ tháng năm và ngày mai chắc chắn sẽ có thêm những giọt sương âu sầu nhỏ xuống từ rèm mi dài của một người con gái mà ngay từ bây giờ tôi đã có thể mường tượng ra.
Tôi có sợ chết đâu. Tôi chỉ sợ cái chết của tôi sẽ đem lại nỗi đau cho những người tôi yêu thương nhất và yêu thương tôi nhất.
Những khi ngồi một mình, tôi nhận thấy tôi có lỗi với mẹ tôi thật nhiều. Tôi chưa làm được gì để đỡ đần cho mẹ tôi. Đã thế, gần đây tôi lại nghĩ quá nhiều đến người con gái tôi yêu. Tôi muốn nghĩ đến mẹ tôi nhiều hơn trong những ngày này, nhưng dường như khi tình yêu chạm đến một người con trai con gái nào, tụi nó cũng đều bất hiếu giống như tôi nếu như có thể gọi cái chuyện một đứa con suốt ngày nghĩ đến người yêu thay vì nghĩ đến ba mẹ mình là đồ bất hiếu.
Và con Rùa, đứa con gái đang choán hết tâm trí tôi đó, tôi cũng thấy có lỗi với cả nó. Tôi chỉ thoảng qua đời nó như ngọn gió mùa hè vội vã trong khi tôi lại làm cho nó tin rằng tôi sẽ đi cùng với nó cho đến tận những mùa trăng cuối cùng.
Chỉ có một ý nghĩ duy nhất an ủi tôi, rằng nếu xa tôi vì tôi không còn trên đời nữa con Rùa chắc sẽ không khổ tâm bằng việc tôi còn sống sờ sờ ra đó nhưng chỉ để làm anh họ nó.
Ý nghĩ đó giúp tôi yên lòng được một chút khi tôi thấp thỏm đi đến bệnh viện để thực hiện ca ghép tủy theo lịch hẹn, sự hộ tống của mẹ tôi và hai mẹ con Bích Lan, những người đang cố làm ra vẻ tươi tỉnh một cách khổ sở đến mức người vui vẻ nhất trong ngày hôm đó lại chính là tôi.
49
Đến nơi tôi mới biết tôi chưa phải ghép tủy ngay.
Hôm đó tôi chỉ bị lấy máu để xét nghiệm lần cuối theo đề nghị của các bác sĩ rồi ra về, một tuần sau mới phải quay lại.
Quay lại cũng chỉ để hóa trị, một thời gian sau mới tiến hành phẫu thuật ghép tủy nhưng có vẻ như mọi người bị ám ảnh rằng tôi chỉ còn sống có bảy ngày nữa nên không khí trong nhà thời gian đó thật là buồn thảm.
Mẹ tôi và mẹ Bích Lan cứ nấu hết món ngon lành này đến món bổ béo khác ép tôi ăn.
- Ăn đi con! Ăn để có sức khỏe mà chữa bệnh.
- Ờ,con phải ăn nhiều vào mới được! Trông con gầy quá!
Tôi có cảm giác tôi trở lại thời sáu, bảy tuổi, lúc mà việc ăn ngủ của tôi bị thúc ép và kiểm soát chặt chẽ. Đúng là tôi có gầy đi vì nhiều lý do, cả thể xác lẫn tinh thần. Lần về làng vừa rồi, ai cũng bảo tôi dạo này trông xanh xao và để đáp trả lại những tia nhìn ái ngại, tôi giải thích là do tôi phải học quá nhiều, rằng sinh viên đại học ai cũng phải thường xuyên thức khuya để ôn tập và làm bài.
Tôi lèn chặt bao tử bất cứ thứ gì bày trên bàn trong tuần lễ đó, chỉ để cho hai bà mẹ vui lòng, chẳng thấy ngon miệng mảy may.
Lưỡi tôi chỉ thực sự có cảm giác vào cái ngày sau khi hội chẩn các bác sĩ bất ngờ tuyên bố tôi không bị ung thư máu. Tôi chỉ bị thiếu máu dinh dưỡng do các hồng cầu bị phá hủy. Sau khi đặt cho tôi hàng lô câu hỏi, họ phát hiện lần xét nghiệm trước trùng hợp với thời kỳ tôi đang mắc chứng bướu cổ, và đó là nguyên nhân làm gia tăng lượng bạch cầu trong máu, một dấu hiệu rất dễ nhầm với bệnh ung thư.
Hôm đó, suýt một chút nữa mẹ tôi đã ngất xỉu lần thứ tư trong đời khi nghe tôi báo tin vui. Sở dĩ bà không ngã lăn ra như mọi lần là vì bà cố trấn tĩnh để dò mắt lên tờ bệnh án tôi vừa đưa bà nhưng dĩ nhiên là mẹ tôi chẳng đọc được gì trong đó, một phần do chữ viết của các bác sĩ bao giờ cũng giống như một thứ mật mã, phần khác do mẹ tôi không thể nhìn thấy gì khi tim đập binh binh, mắt mờ lệ, các ý nghĩ thì chạy loạn cả lên không thể nào thu thập được.
Con nhỏ Bích Lan thì vừa cười vừa khóc, tay không ngừng đấm vào lưng tôi những cú theo tôi là không nhẹ chút nào. Nhưng dù nó có đấm mạnh hơn nữa thì tôi cũng không có cảm giác gì ngoài cảm giác hân hoan của kẻ nhìn quanh thấy đời bỗng nhiên toàn một màu hồng.
Những ngày sau đó là quãng thời gian thật khó diễn tả được thành lời. Cuộc sống của tôi cứ ngây ngây như thế trong không khí có mùi mật ong, mùi rượu gạo và thỉnh thoảng có cả mùi cá ngừ nếu hôm nào mẹ tôi nấu món bún mà tôi ưa thích.
Ngoài món bún cá ngừ, tôi cảm thấy ngon miệng với gần như tất cả những món khác, kể cả những món trước đây tôi không bao giờ đụng đũa vào.
Tâm trạng không chỉ quyết định khẩu vị mà còn ảnh hưởng tới nhiều thứ. Tôi trở lại là con người cởi mở, cười đùa nhiều lần trong một ngày và hát hò nhiều ngày trong một tuần.
Con nhỏ Bích Lan sau khi cởi bỏ chiếc mặt nạ thảm sầu cũng kịp hóa thành con nhỏ láu lỉnh từng tò tò đi theo tôi đòi hôn khiến có một dạo thấy bóng nó ngoài ngõ là tôi lật đật trốn chui trốn nhủi.
Trong khi bay trên đôi cánh của hạnh phúc, tôi dĩ nhiên không quên nghĩ tới con Rùa. Đã năm tháng trôi qua kể từ ngày tôi chia tay nó, bây giờ chắc nó đã lớn thêm được một chút.
Nó hẹn tôi mùa thả diều sang năm về chơi với nó nhân ngày nó tròn mười tám tuổi. Thấy tôi phân vân, nó hẹn thế thôi chứ tôi biết nó vẫn mong sớm gặp lại tôi.
Tôi cũng không thể đợi lâu đến thế để gặp nó. Lần gặp nhau mới nhất, tôi đã làm nó buồn nhiều quá. Tôi đã đi biệt suốt ba năm, ngày trở về lại không thể trải hết lòng mình với nó.
Tôi biết con Rùa không trách cứ gì tôi nhưng ba đêm liền nó lẻn xuống nhà thím Lê leo lên cây me ngồi nhìn vô cho thấy nó nhớ tôi biết bao và tội lỗi tôi gây ra cho nó nếu không ngập đầu thì cũng ngập tới ngang lỗ mũi.
Mười bảy tuổi, đã là một nữ sinh học trường thị trấn nhưng mỗi khi quay về làng con Rùa lại trở lại là cô bé hồn nhiên ngày nào, thích leo trèo chạy nhảy, thích tung tăng trong rừng xanh chơi đùa với cây cỏ chim muông. Con Rùa đi vào trái tim tôi những ngày đầu tiên chính là bằng hình ảnh ngộ nghĩnh và đáng yêu này.
Mẹ tôi không hiểu được tại sao tôi nằng nặc đòi về quê nhưng bà không ngăn cản, chỉ nói: "Về chơi ít thôi, rồi vô lo chữa bệnh và đăng ký đi học lại. Thiếu máu dinh dưỡng không phải là bệnh xoàng đâu con".
Tôi "dạ", nhét cuốn Tâm hồn cao thượng và vài cuốn truyện tranh vào ba lô rồi hớn hở chạy ra bến xe.
Tôi dặn lòng lần này về tôi sẽ bù đắp cho con Rùa. Tôi tặng sách cho nó đọc, lên xóm trên chơi với nó mỗi ngày và khi nào không có ai tôi sẽ cầm tay nó mà không đợi nó phải nhắc.
Lần này tôi sẽ nói với nó là tôi thương nó nhiều lắm, thương ơi là thương, sở dĩ lần vừa rồi tôi không dám bộc lộ tình cảm một cách tự nhiên vì tôi tưởng tôi sắp chết đó thôi. Tôi sẽ kể cho nó nghe chuyện các bác sĩ đã chẩn bệnh nhầm như thế nào và tôi đã không dám về làng ra sao. Ở chỗ này, tôi có nói dối con Rùa một chút. Tôi chưa tiện đề cập lý do thật sự khiến tôi ở lì trong Sài Gòn suốt ba năm trời. Nhưng chuyện gốc gác của nó, sau này thế nào tôi cũng sẽ nói cho nó biết.
Tôi cũng sẽ nói với nó trong quãng thời gian đằng đẵng đó, tôi vẫn thường xuyên gặp nó trong những giấc mơ. Tôi thấy tôi với nó ngồi dưới bóng cây bướm bạc và trong khi tựa đầu vào vai tôi nó hay chỉ tay lên chòm sao Hiệp Sĩ trên đầu để kể với tôi về ông ngoại nó bằng giọng ngân nga như hát.
Tôi sẽ nói với nó đã không ít lần tôi thấy tôi và nó chui vào thác nước để chơi với các con thú nhỏ bên kia đồi. Trong khi nó ngồi với con nai con chỗ vạt thủy trúc um tùm, tôi đi dọc khe nước hái các nhành hoa cúc ngũ sắc để kết thành một chiếc vòng đem về tặng cho nó ướm lên mái tóc.
Rồi tôi nói với nó tôi sẽ không bao giờ xa nó lâu như lần trước. Ờ, không bao giờ có chuyện như thế nữa. Sắp tới tôi không chỉ về thăm nó vào dịp nó tròn mười tám tuổi mà trước đó tôi sẽ về chắc là rất nhiều lần. Hễ có cơ hội là tôi về. Trước giọng điệu hăng hái của tôi, con Rùa chắc sẽ ngạc nhiên lắm. Và không đợi nó hỏi, tôi sẽ nói luôn: tôi muốn gặp nó hoài hoài bởi vì cứ mỗi một ngày qua đi tôi lại nhận ra nó quan trọng đối với tôi biết bao. Rằng không biết từ bao giờ, chắc là từ lâu lắm, tôi cảm giác nếu không có nó bên cạnh, cuộc sống của tôi sẽ vô cùng trống vắng và buồn tẻ.
Trên chuyến xe từ Sài Gòn về quê, những ý nghĩ đó cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi một cách phấn khích như một cuộn băng nghe hoài không biết chán.
Sự nôn nao hạnh phúc đó khiến tôi mỉm cười một mình trong nhiều giờ liền bất chấp cái nhìn dò hỏi của những người ngồi trên các băng ghế bên cạnh.
Và dĩ nhiên khi mỗi tế bào, mỗi nơ ron thần kinh trong tôi bị sự hưng phấn đánh thức để tham gia vào cuộc liên hoan do trí tưởng tượng thiết kế cho buổi hội ngộ sắp tới, tôi đã không ngủ một phút nào cho tới khi xe thả tôi xuống dọc đường quốc lộ.
50
Từ chợ Kế Xuyên về làng Đo Đo chỉ mười cây số, tôi đã qua lại trên con đường này nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó xa đến thế mặc dù tôi đi gần như chạy.
Hôm tôi về con đường đất mấp mô lầy lội vì làng Đo Đo đang vào mùa mưa. Trời vẫn nắng sáng lúc tôi đi nhưng trận mưa hôm trước khiến mặt đất có những vũng nước đọng rải rác và ở các gò đất hai bên đường lũ nấm mối đang hớn hở thi nhau giương những chiếc ô tròn màu trắng xám.
Tiếng chim khúc khích trong các bụi cây ven đường như thể đang chọc ghẹo những bước chân hối hả chốc chốc lại suýt té vì vấp vào những mô đất của tôi.
Con đường sắt nằm im lìm khi không có đoàn tàu chạy qua, nhưng dĩ nhiên tôi không có tâm trí nào nán lại chờ tiếng còi tàu như thói quen.
Cho dù tôi biết đến tối tôi mới có thể gặp được con Rùa khi nó từ thị trấn trở về nhưng tôi vẫn vội vã rảo bước. Con chim xanh hạnh phúc tưởng đã bay đi mất bất ngờ quay về đậu trên vai tôi khiến tôi không muốn trì hoãn một phút giây nào dọc đường.
Với chiếc ba lô nhún nhảy trên lưng, tôi vội vã đi lướt qua những đàn bò đang thong thả gặm cỏ, những hàng rào dâm bụt đỏ chói, những chiếc chong chóng quay vù vù trên tay đám con nít đứng trước các hiên nhà ngó ra. Tôi đi lướt qua nắng, qua gió, qua mùa chong chóng của bọn trẻ làng, qua bà mẹ mùa đông người chị cánh đồng, qua hờn tủi buồn đau để cảm nhận một cách rõ rệt tôi đang bỏ lại sau lưng những ngày ảm đạm.
Đón tôi về là yêu thương, là hạnh phúc giấu giữa những bụi duối dại, dưới bóng dây leo, là những chiếc lá bướm bạc hứng đầy ánh sáng, là hoa huỳnh anh ươm vàng thềm giếng, là hoa dong riềng nhuộm đỏ bờ sông Kiếp Bạc.
Khi bước vào nhà, ôm lấy thím Lê, lần đầu tiên trong đời tôi bật khóc trên vai thím. Khóc vì sung sướng, khóc vì rốt cuộc tôi đã trở về, và khóc vì vừa hờn giận vừa biết ơn số phận đã thử thách và hành hạ tôi quá mức nhưng đến phút chót đã kịp nghĩ lại để hào phóng bù đắp cho tôi tất cả.
- Con về dịp này hay quá. - Thím Lê nói, cũng sụt sịt giống như tôi - Tuần tới là đám giỗ chú con.
Tôi quên mất ngày đám giỗ chú Thảo nhưng tôi nhớ chú mất vào một mùa mưa lê thê trời lạnh đến mức bọn chồi non rủ nhau trốn biệt trong các nách lá.
Thằng Thục đi học trong Tam Kỳ chưa về, trưa đó tôi ăn qua loa một chén cơm rồi leo lên phản nằm một mình. Tôi không ngủ trên xe một phút nào vậy mà tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Tôi trằn trọc một lát rồi ngồi dậy đi loanh quanh trong sân. Khi tôi ngước mặt lên tàng me trước ngõ, hình ảnh con Rùa ngồi khóc trên cây đêm nào chợt hiện ra trong tâm trí khiến tôi tự dưng nhớ nó da diết.
Thế là tôi đi ra cổng.
- Con đi đâu đó con?
Tôi ngoảnh lại, thấy thím Lê đang đứng vịn tay trên cửa ngó ra.
- Dạ con lên thăm cô Út Huệ. - Tôi ngần ngừ một chút rồi nói thêm - Tối con ngủ trên nhà cô Út luôn nha thím.
Nghe tôi trả lời, thím chỉ "Ờ" một tiếng rồi không nói gì thêm. Đi một quãng xa, tôi ngoảnh lại thấy thím vẫn đứng chỗ ngách cửa nhìn theo.
Khi đi qua cây cầu treo bắc ngang sông Kiếp Bạc, tôi nhận ra đây không phải là cây cầu cũ. Những miếng ván lát dưới chân, những dây vịn đã được thay mới hoàn toàn. Ờ, thay cây cầu là đúng rồi. Nhưng sao người ta không đúc cầu bê tông nhỉ? Tôi vừa đi vừa nghĩ, không dám nhìn xuống dưới vì sông Kiếp Bạc mùa này nước đầy ắp và phi như ngựa tế tạo cảm giác cây cầu đang trôi nhanh đến chóng mặt.
Dãy bìm bìm vẫn tím ngát bên kia sông khiến tôi cảm thấy lòng dịu đi giữa cái nắng chói chang. Lúc đi ngang bụi cúc tần, tôi cúi xuống bứt một nắm lá me chua đất nhét vào túi áo. Tối nay tôi sẽ tặng con Rùa những chiếc lá hình trái tim này. Tôi sẽ nhai một chiếc và xúi nó nhai một chiếc để nhớ lại ngày đầu tiên hai đứa tôi quen nhau.
Cô Út Huệ có lẽ đang ở ngoài đồng khi tôi đến. Bé Loan trọ học ngoài thị trấn nên nhà vắng hoe. Trên các bức vách chong chóng cắm chi chít: chong chóng tre, chong chóng lá dừa, chong chóng dán giấy kính màu, chong chóng làm từ bao thuốc lá… Nhiều chiếc đang quay tít trong gió đông.
Tôi ra nhà sau nhấc ấm chè đang bắc trên bếp rót một ly uống cho đỡ khát rồi bước sang nhà con Rùa.
Mặc dù biết nó không có nhà vào giờ này, tôi vẫn thấy hồi hộp lạ lùng. Khi những éo le của cuộc đời đã được rũ bỏ, thế giới dường như được sinh ra lần nữa, kể cả chuyện tình của hai đứa tôi. Có lẽ đó là lý do tôi đang bắt gặp mình đi trên những bước chân xao xuyến của lần hẹn hò đầu tiên.
Bà nội con Rùa đang ngồi bên thềm giếng với rổ rau xanh như hình ảnh tôi nhìn thấy hôm nào. Vẫn những cành huỳnh anh đó đang nghịch ngợm quẹt những bông hoa vàng lên lưng bà và lên chiếc nón lá bà đang đội để che nắng.
Bà không ngước lên nhưng không hiểu sao bà vẫn nhận ra tôi.
- Đông mới về hả con?
Tôi nghe tiếng bà hỏi, dịu dàng và thân mật như hỏi một đứa cháu trong nhà. Và tôi khẽ gật đầu, cảm động:
- Dạ.
Tôi lại bối rối gí gí những mũi chân xuống sàn giếng, không biết phải nói thêm gì nữa. Lần trước tôi đã thú nhận với bà chuyện tình cảm của tôi và con Rùa. Nhưng lần đó sở dĩ tôi liều lĩnh như vậy vì tôi đang ở thế cùng đường: tôi đang ấm ức khi đột ngột trở thành anh họ của con Rùa theo cái cách mà tôi không cam chịu. Bây giờ khi tất cả đã suôn sẻ, tôi lại trở lại là một đứa con trai nhút nhát và cảm thấy thật bé nhỏ trước bà.
Bà nội con Rùa bỗng ngừng tay và nhìn tôi bằng ánh mắt khiến tôi cảm thấy lo lắng:
- Có chuyện gì thế bà?
Có cảm giác thời gian ngưng lại một lúc lâu sau câu hỏi của tôi. Và khi thời gian bắt đầu tôi trở lại, tôi nghe tiếng bà thở hắt ra:
- Con về trễ quá!
Trong một giây, ruột gan tôi quặn lại. Tôi về trễ ư? Mới có năm tháng trôi qua, chẳng lẽ con Rùa đã đi lấy chồng rồi sao? Nó hẹn tôi mùa thả diều sang năm về chơi với nó mà. Tự dưng tôi nhớ đến thái độ lạ lùng của thím Lê lúc nãy. Xưa nay chưa bao giờ thím Lê hỏi tôi đi đâu khi tôi ra khỏi nhà. Thím đã làm tôi ngạc nhiên, ngay cả cái cách thím đứng bên cửa nhìn theo tôi lúc tôi đi lên xóm trên cũng làm reo một cái chuông báo động trong đầu tôi nhưng lúc đó tôi vẫn chưa hình dung ra điều gì đang chờ đợi tôi.
Tôi nhìn bà, giọng run run:
- Em Rùa đi lấy chồng rồi hở bà?
- Nó chết rồi, con à.
Câu trả lời của bà nội con Rùa như vẳng lại từ một chốn nào đó mông lung lắm và người tôi đột nhiên lạnh đi. Kèm theo câu nói là những giọt nước mắt ứa ra từ đuôi mắt nhăn nheo và lăn một cách khó nhọc trên gương mặt được chạm trổ bởi chi chít đau thương, đã nhàu đi, như lăn trên một vách đá khô và xám.
Gương mặt héo hắt đó bỗng lùi ra xa tít trước mắt tôi. Cả rổ rau xanh, cả bụi huỳnh anh, cả cái giếng đá cũ kỹ cũng trở nên xa xăm như khuất sau một màn sương dày dù trời đang nắng gắt.
Tôi vịn vào thềm giếng để đừng khuỵu chân xuống nhưng đôi tay tôi bỗng trở nên yếu ớt, cuối cùng tôi đành ngồi bệt xuống nền giếng trơn ướt, trong một giây thấy thế giới thi nhau rạn vỡ: phiến đá, bầu trời, trái tim tôi…
51
Tại sao em lại bỏ tôi ra đi vào lúc này, khi mà tất cả những bi kịch của đời tôi đã được số phận dỡ bỏ?
Tại sao người từ giã cõi đời là em, cô bé ngây thơ, mà không phải là tôi?
Nếu định mệnh giật cái chết ra khỏi tay tôi để trao nó cho em thì liệu điều đó có khác gì trừng phạt tôi suốt đời tìm quên trong chén đắng?
Ở làng Đo Đo, mùa chong chóng đã về và đầu tôi cũng đang quay cuồng trong muôn nỗi rối ren.
Từ khi biết mình không bị ung thư máu, tôi tưởng tôi được sống lại lần thứ hai nhưng giờ đây tôi chua xót hiểu rằng số phận đã lừa tôi, đã vờ làm cho tôi tin rằng lưỡi rìu định mệnh sẽ không bao giờ chém hai lần vào cùng một vết thương để cuối cùng tung ra một cú đánh úp khiến tôi ngã quỵ.
Theo lời bà nội con Rùa, cháu bà chết vào đầu mùa mưa, ngay sau đợt lũ quét đầu tiên tràn qua làng cách đây nửa tháng.
Chiếc cầu treo cũ kỹ bị lũ cuốn trôi nên bọn học trò xóm trên muốn đến lớp trong thời gian đó phải gói cặp sách trong áo mưa đội lên đầu để bơi qua sông mỗi ngày.
Con Rùa là đứa bơi giỏi nhất. Nhưng một hôm nước xiết, trong lúc cứu các đứa bé hơn bị nước cuốn, con Rùa đã kiệt sức vào phút chót nên không thể bơi được vào bờ.
Khi người làng chạy tới, nước đã cuốn nó đi xa.
Ba nó đã chết dưới dòng sông này. Bây giờ tới lượt nó.
Ba nó chết vì cứu bầy khỉ trong rừng. Con Rùa chết vì cứu những đứa trẻ trong làng.
Từ khi thành lập làng, đã nhiều người bỏ mạng dưới dòng sông này vào mùa nước lớn và chưa có ai bị nước cuốn trôi mà tìm được xác. Có phải vì vậy mà con sông quê tôi có tên là Kiếp Bạc?
Hôm đó, tôi và nhà đốt cho con Rùa một nén nhang rồi lảo đảo ra về, cảm giác mặt đất đang nghiêng đi.
Tôi không dám ngồi lâu ở nhà con Rùa vì mỗi khi nhìn lên tấm ảnh của nó, tôi như nghe tiếng nó thì thầm "Sao bây giờ anh mới về?" và mỗi lần như thế tôi lại run run sờ tay lên mớ lá me chua đất nằm im lìm trong túi áo, nước mắt âm thầm ứa ra.
Cô Út Huệ ôm lấy tôi khi tôi vào nhà. Và cô khóc:
- Tội nghiệp con, tội nghiệp con Rùa!
Tôi đã cố nén tiếng khóc vào lòng khi ở trước mặt bà nội con Rùa nhưng lúc này thì tôi không kềm được nữa. Tôi bật khóc theo cô. Tôi biết cô đã đọc bức thư tôi gửi hôm nào nhưng khi cô thay đổi thái độ với chuyện tình cảm của tôi thì con Rùa đã ra đi mãi mãi. Buồn đau xen lẫn uất ức, nước mắt tôi trào ra như suối.
Tôi khóc rất lâu. Nếu thời ấu thơ có lần nào tôi từng khóc dai dẳng vì bị mẹ đánh đòn thì cũng chẳng thấm tháp gì so với lúc này. Trong màn lệ mờ ảo tôi nhìn thấy con Rùa đứng bên kia bờ giậu lôi cuốn Asterix và lưỡi hái vàng từ trong vạt áo ra huơ qua huơ lại trên đầu và háo hức gọi tôi "Anh đọc cho em nghe đi".
Hình ảnh rõ mồn một đến mức tôi phải quay đầu về phía nhà nó để xem có thực là nó đang đứng đó gọi tôi không. Nhưng tôi chẳng thấy gì ngoài bóng lá lắt lay nhưng đang vẫy những chiếc khăn buồn vào mắt tôi.
Đằng sau hàng giậu đó, lời hứa hẹn thơ ngây của con Rùa đêm hôm nào từng đuổi theo tôi "Anh đừng buồn nhé! Em sẽ lớn! Em sẽ lớn nhanh thôi mà!" và khi nghe những lời tha thiết đó vang lên trong đầu, đã sắp nín tôi lại òa ra nức nở.
52
Bé Loan và thằng Thục về làng khi tôi đã bị nỗi đau nướng sắp thành than.
Hôm biết tin con Rùa qua đời, tôi đã không ngủ lại nhà cô Út Huệ như dự tính.
Tôi sợ kỷ niệm dắt tôi đi. Tôi sợ tôi sẽ lang thang qua nhà con Rùa, sẽ lại ngồi trên phiến đá xanh dưới bóng cây bướm bạc nghe những lời yêu thương thao thức vọng về. Tôi sợ khi nhìn thấy con Cổ Dài bên ao rau muống, tôi sẽ nhớ lại hình ảnh con Rùa chở che tôi trong ngày đầu tiên tôi đặt chân qua nhà nó. Tôi sợ cả đàn cá lượn lờ dưới đám bèo tai chuột trong hòn non bộ. Chắc chắn chúng sẽ gợi tôi nhớ lại lời con Rùa trêu tôi khi tôi đứng ì bên con gà bằng đất nung chờ xem nó có gáy hay không.
Tôi cũng không dám đi qua cây cầu treo chòng chành vắt ngang sông Kiếp Bạc. Dòng sông cay nghiệt đó đã cuốn theo nó bao nhiêu người, đã đem người tôi yêu thương đi mất.
Ngay cả cây sầu đông bên này sông nơi tôi từng ngồi, tôi cũng tránh xa. Chính dưới gốc cây này, tôi đã lần đầu tiên chứng kiến con Rùa trở thành thiếu nữa trong tà áo trắng thướt tha khi nó đạp xe đã đến giữa cầu mà linh tính còn giục nó quay trở lại tìm tôi.
Trong ba ngày tiếp theo, tôi ngồi trong nhà thím Lê nhìn mưa lướt thướt kéo ngang cửa sổ. Tôi chạy trốn khỏi vùng yêu thương.
Nhưng tôi tưởng thế thôi. Cây me trước ngõ nhà thím, con Rùa đã từng vắt vẻo và nước mắt nó từng hóa thành sương đêm rơi xuyên qua cành lá để đến đậu trên tóc tôi. Rồi tấm liếp che trước cửa, đôi mắt con Rùa từng lấp ló nhìn trộm tôi hai ngày liền qua khe hở bé xíu. Cửa sổ kế chiếc bàn học là nơi lần đầu tiên tôi trò chuyện với con Rùa và phát hiện ra bên dưới mái tóc xấu xí là một gương mặt vô cùng khả ái với đôi mắt long lanh như hai giọt nước - đôi mắt sáng đến mức mỗi khi chúng chuyển động tôi cứ ngỡ hai vì sao đang sắp sửa đổi ngôi.
Những kỷ niệm vây bọc tôi đến tức thở dù trong ba ngày liền tôi không đặt chân lên xóm trên. Con Rùa đã không còn trên đời nữa nhưng hình ảnh của nó luôn đầy ắp trong tôi. Nhìn đâu tôi cũng thấy nó, điều đó làm tôi tin rằng tình yêu đã tự động dán tất cả những gì liên quan đến con Rùa vào đầu tôi như người ta dán ảnh vào album. Những bức ảnh đó sẽ theo tôi đến lúc tôi cũng chết đi như con Rùa - luôn luôn tươi mới, không bao giờ ố vàng hay mốc meo. Thời gian chỉ đánh bóng chúng lên, làm cho chúng lấp lánh hơn trong tâm tưởng.
Thím Lê có lẽ rất xót xa khi thấy tôi héo đi từng giờ nhưng thím không nói gì với tôi trong những ngày đó. Tôi nghĩ thím vừa muốn an ủi tôi lại vừa muốn tỏ ra không biết gì về chuyện tình cảm của tôi và thím loay hoay giữa hai cảm xúc đó bằng cách ít ra khỏi nhà hơn, chăm sóc tôi nhiều hơn và thường kín đáo quan sát tôi qua khóe mắt.
Các biểu hiện của thằng Thục rất giống mẹ nó. Chiều thứ bảy vừa về tới, thấy tôi ngồi cạnh bàn học, nó chạy ào tới reo lên mừng rỡ "Ồ, anh Đông về hồi nào vậy?" nhưng ngay sau đó nó lập tức khựng lại khi nhận thấy tôi vừa nặn ra một nụ cười gượng gạo để đáp lời nó.
Kể từ lúc đó, thằng Thục cố ép mình làm những chuyện trái với bản tính hiếu động của nó. Nó đi lại rón rén, nói năng khe khẽ và mặc dù không muốn khuấy động tôi, nó vẫn tìm mọi cách để lượn lờ quanh tôi như vờ lục lọi trong ngăn bàn để tìm một cái gì đó, liên tục dời một chiếc ghế từ chỗ này qua chỗ khác chẳng với lý do gì hay thậm chí ngồi yên lặng hằng giờ ngay sau lưng tôi với cuốn sách trên tay.
Cuối buổi chiều, trong khi tôi và thằng Thục đang ngồi buồn thiu trước sân thì bé Loan đột ngột xuất hiện ngay trước cổng. Trở về từ thị trấn, con bé chắc đã biết tất cả những gì đã xảy ra với tôi qua lời kể của cô Út Huệ. Nó biết tối nay tôi không lên xóm trên nên xuống đây tìm tôi.
- Anh Đông!
Nó gọi, và bước lại chỗ tôi ngồi. Nó không ôm tôi như mọi lần mà nắm lấy tay tôi:
- Anh đi lại đằng này với em đi!
Tôi đứng lên theo đà kéo của nó, ngơ ngác:
- Đi đâu vậy em?
- Đi ra bờ sông em chỉ anh xem cái này!
Tôi sợ ra bờ sông. Từ hôm trở về từ nhà cô Út Huệ, tôi không bao giờ bén mảng ra sông, thậm chí không đủ can đảm đi về phía đó.
Nhưng lúc này tôi để mặc bé Loan lôi tôi đi. Tôi chẳng biết ngoài bờ sông có gì đáng xem, nhưng có bé Loan bên cạnh và thằng Thục lẽo đẽo phía sau dù sao tôi cũng không đến nỗi quá buồn như khi một mình đối diện với dòng sông.
Từ xa tôi đã thấy nhiều bóng người thấp thoáng trên cầu, không rõ họ là ai và đang làm gì.
Chỉ khi đi đến chỗ cây sầu đông, tôi mới nhận ra đó là những người thợ săn trong làng. Ông "Asterix" Hai Sắn, ông "Panoramix" Bảy Thành, ông "Obelix" Bốn Lai và chú Ngãi đứng túm tụm giữa cầu.
Họ đứng đó, đã không còn cây súng nào trên tay, thay vào đó là những bó hoa vạn thọ, hoa sen, hoa bìm bìm và các loại hoa dại như cúc tần, mào gà, chút chít…
Trong bóng chiều chập choạng, họ lặng lẽ rút từng nhánh hoa thả xuống dòng sông, chậm rãi, nghiêm trang và buồn bã.
- Hồi trước mấy người này ghét chị Rùa kinh khủng! - Bé Loan thì thầm bên tai tôi - Nhưng từ ngày chị Rùa bị nước cuốn trôi, chiều nào họ cũng đến đây, cũng rải hoa xuống dòng sông này.
Tôi hiểu tại sao như vậy. Thằng Thục cũng biết nguyên nhân làm thay đổi thái độ của những người thợ săn đối với con Rùa. Nhưng cũng như tôi, Thục không nói gì, chỉ lặng thinh dõi mắt theo những cánh hoa đang bập bềnh trên sóng và trôi mãi về phía xa, nơi có lẽ giờ này con Rùa đang chìm vào giấc ngủ quạnh hiu.
Tự nhiên tôi hỏi:
- Sáng mai tụi em đi vô rừng chơi với anh không?
- Vô rừng á? - Bé Loan reo lên, nhưng rồi nó chợt xịu mặt xuống - Mẹ em không cho đi đâu!
Tôi đặt tay lên vai nó, trầm ngâm:
- Anh sẽ xin mẹ dùm em.
Thằng Thục rụt rè hắng giọng:
- Trước đây anh từng vô rừng với bạn Rùa…
- Ờ. Vì vậy mà anh muốn đi thăm lại những nơi tụi anh đã đi. Ngày mốt anh về lại Sài Gòn rồi.
Lần này vào lại Sài Gòn, không biết chừng nào tôi mới quay về lần nữa. Xa làng dĩ nhiên tôi rất bịn rịn, nhưng làng gợi cho tôi quá nhiều ký ức đau buồn. Tôi đành làm con đà điểu, rúc đầu vào phương Nam để hy vọng một ngày nào vết xước trong lòng tôi sẽ kéo da non.
Dường như hiểu được tâm trạng của tôi, thằng Thục và bé Loan không kêu ca như thường lệ "Sao anh đi sớm thế?".
Mỗi đứa đứng một bên, im lặng thò tay ra nắm tay tôi.
Đằng trước mặt, những người thợ săn tiếp tục rải hoa xuống dòng sông, vẫn im lìm như trong một khúc phim câm.
Mặt trời đã khuất hẳn sau núi. Bên trên những ngọn đồi, dãy ráng chiều bị hồi quang nhuộm thành màu đỏ bầm khiến bầy chim về tổ ngỡ chân trời đang bốc cháy.
Chúng nháo nhác bay về phía cánh rừng xa, vừa bay vừa kêu thảng thốt.
53
Tôi hy vọng ngày mai trời sẽ khô ráo như chiều nay. Sau đợt lũ quét đầu mùa, mưa rơi cầm chừng để chờ trút nước vào những ngày đông chí.
Cuối buổi chiều, khi những người thợ săn ra về, tôi và thằng Thục đưa bé Loan quay lại xóm trên.
Sau vài mẩu chuyện vu vơ, rời rạc và gượng gạo, ba anh em lặng thinh rảo bước bên nhau.
Khi tôi đi ngang qua vùng dạ lý hương, mùi hương quen thuộc mách tôi rằng trái đêm sắp chín. Bất giác tôi nghe cay cay nơi sống mũi khi nhớ lại đêm nào tôi đưa con Rùa từ nhà thím Lê trở về sau khi nó trèo xuống khỏi cây me trước ngõ.
Tối đó, tôi không ngủ lại nhà cô Út Huệ, cũng không bước chân qua nhà con Rùa.
Nhưng sáng hôm sau, trước khi dẫn thằng Thục và bé Loan vào rừng, tôi nôn nao băng hàng rào giậu, xin phép bà nội con Rùa đặt cuốn Tâm hồn cao thượng và dăm cuốn truyện tranh lên đầu tủ, ngay trước bức ảnh thờ của nó.
Đây là những cuốn sách tôi đem về cốt để tặng con Rùa nhưng nó đã không kịp đọc.
Tôi đốt một nén nhang, cố đừng khóc trước mặt thằng Thục và bé Loan. Nhưng khi tôi bước ra cửa, đã thấy nước mắt nhòe trên mặt hai đứa em tôi.
Trời hửng nắng lúc ba đứa tôi đặt chân lên con đường mòn dẫn vào rừng. Hôm qua trời chỉ mưa nhẹ lúc đầu ngày nên sáng nay cảnh vật khô ráo, cỏ hai bên đường tốt tươi và trong không khí phảng phất gió lạnh tràn về từ phương Bắc.
Thằng Thục đeo trên vai một cái túi bằng vải gai bó theo ba nắm xôi đậu phộng và một hũ muối mè. Nó cũng nhét theo mấy nhánh tỏi, nhúm vôi bột và vài quả chanh để phòng vắt bám.
Không biết nghe ai bày, trước khi ra khỏi nhà, nó và bé Loan đều quàng khăn kín cổ, nón kéo sụp xuống trán, ống tay áo và ống quần cột túm lại bằng dây thun.
Tôi nhìn bộ dạng hai đứa em, không khỏi phì cười:
- Đã gần một ngày nay trời không mưa, vắt không bò ra đâu!
Bé Loan lỏn lẻn:
- Mẹ em dặn thế mà.
Tôi kéo cái nón vải của nó cao lên khỏi trán:
- Nếu mẹ em có dặn thế thì cũng phải để cho con mắt thấy đường chứ! Hơn nữa, đã tới cửa rừng đâu.
Ba anh em men theo con đường đất đi mãi về phía tây, nơi những đỉnh núi xanh mờ quấn mây ngang đầu một cách điệu đàng như các cô gái chít khăn voan trắng.
Lúc đi ngang bụi duối dại lấm tấm hoa vàng, tôi đã định chỉ cho thằng Thục và bé Loan xem "căn nhà" của con Rùa và khoe với tụi nó tôi và con Rùa từng chui vào nấp mưa trong đó nhưng sau một thoáng ngần ngừ tôi quyết định đi luôn. Nếu con Rùa còn sống, có thể tôi sẽ hào hứng khoe điều đó với hai đứa em tôi nhưng vì bây giờ con Rùa không còn nữa, tôi muốn cất giữ những kỷ niệm kia trong ngăn kéo riêng tư của ký ức. Tôi sẽ không mở ngăn kéo đó cho bất cứ ai nhìn thấy để những gì tôi có được với con Rùa sẽ mãi mãi thuộc về riêng tôi.
Ngay cả chuyến đi rừng này, thoạt đầu tôi cũng không định rủ thằng Thục và bé Loan. Tôi muốn một mình lần về kỷ niệm. Nhưng tôi lại không thể để thung lũng bên kia đồi trở thành một thế giới bị bỏ quên. Tôi nghĩ con Rùa có lẽ không bao giờ muốn thế.
Rừng hiện ra trong tầm mắt tôi khi mồ hôi bắt đầu lấp lánh trên ngấn cổ của bé Loan, lúc này đã bỏ khăn quàng ra vì trời đã bắt đầu nóng bức.
- Em chưa vô rừng bao giờ! - Bé Loan hồi hộp nói khi đặt chân qua cửa rừng.
- Em cũng thế. - Thằng Thục nhanh nhẩu tiếp lời, trông nó có vẻ hứng thú khi không ngừng trông ngang liếc ngửa.
- Rừng đẹp lắm đó.
Tôi nói và thận trọng dò theo con đường mòn trên cỏ. Phường săn đã bỏ nghề nhưng những người đi lấy củi vẫn giúp cho đường đi trong rừng không bị cỏ che kín.
So với dạo mùa hè, cỏ dưới chân tôi um tùm hơn và các dây tầm gửi bắt đầu trổ đầy quả trắng trê những thân cây du sam già.
Tôi vừa đi vừa đảo mắt tìm bụi chuối hoang nơi tôi từng hôn con Rùa khi cả hai té chồng lên nhau nhưng khung cảnh trong rừng thay đổi khá nhiều so với cách đây ba năm nên tôi không thể xác định được nó nằm ở đâu, thậm chí không biết có ai đã đốn bụi chuối đó chưa.
Mặt trời lên cao khi chúng tôi đi tới giữa rừng nhưng càng vào sâu không khí càng mát lạnh. Đó là lý do dù không thấy con vật nào, thằng Thục và bé Loan lại vội vã quấn khăn vào cổ.
Tiếng lá reo vi vu, tiếng chim hót với nhiều giọng khác nhau tạo cảm giác thiên nhiên đang tấu lên khúc nhạc chào mừng nhưng tôi không có tâm trạng nào để thưởng thức. Trong khi thằng Thục và bé Loan trầm trồ không ngớt trước âm thanh kỳ diệu của rừng, trước các thân cây uốn éo kỳ dị hoặc trước một chú gà lôi đội mũ đỏ bất thần hiện ra ở một khúc quanh thì tôi cắm mắt xuống đất, lo lắng thấy con đường mòn đã mất hút trong cỏ.
Lần trước khi đi tới chỗ này, con Rùa vẫn thản nhiên bước tiếp. Tôi không có được thái độ ung dung như nó, vì tôi không có con đường mòn nào trong đầu.
Cũng chẳng có con thú nhỏ nào tình nguyện làm kẻ dẫn đường cho tôi. Tôi không phải là bạn của tụi nó. Những con thú nhỏ trong rừng chỉ xem con Rùa là bạn. Nhớ khi con Rùa đặt chân đến đây, bọn khỉ, sóc, nhím, chồn từ các chỗ nấp bí mật nhanh chóng rủ nhau chạy ra, hớn hở bám theo nó. Hôm nay trừ con gà lôi đậu lẻ loi trên cành du sam, ba đứa tôi không nhìn thấy con vật nào khác.
Từ khi phường săn bỏ nghề, các con vật sống trong khu rừng này chỉ có thể nhiều lên chứ không ít đi. Nhưng lúc này có lẽ tụi nó đang giấu mình trong các bụi rậm và thận trọng quan sát ba đứa tôi qua kẽ lá. Tôi đoán thế.
Thấy tôi loay hoay mãi một chỗ, bé Loan hỏi:
- Tới nơi rồi hả anh?
- Mình nghỉ chân một lát đi em.
Tôi đáp và ngồi lên gốc cây trắc bá xù xì.
Để hai đứa em không đọc thấy sự bối rối trên mặt tôi, tôi khoa tay một vòng, giọng cố tỏ ta hào hứng:
- Hồi trước những người thợ săn đặt bẫy quanh đây.
- Họ bảo chị Rùa thường xuyên phá hỏng bẫy của họ, đúng không anh?
- Ờ. Chị Rùa muốn bảo vệ các con vật trong rừng.
Vẻ mặt đằng đằng sát khí của ông Bảy Thành hôm ông xách súng đi tìm con Rùa chợt hiện về trong đầu tôi. Nhớ lại lúc ông nổi điên vung báng sứng đánh văng con gà bằng đất nung trên hòn non bộ, tim tôi vẫn còn nảy tưng tưng. Tôi cũng nhớ buổi trưa nắng nóng con Rùa bị những người thợ săn bao vây cạnh bụi cúc tần. Một thời gian dài trước đó, có lẽ nó cũng từng bị phường săn truy bức nhiều lần. Nhưng con Rùa trước sau vẫn không bị khuất phục. Nó sẵn sàng cãi nhau với súng, sẵn sàng đương đầu với những thách thức để âm thầm bảo vệ những con thú nhỏ tội nghiệp. Một cô bé có tấm lòng nhân hậu như thế, can trường như thế mà rốt cuộc bỏ mình trong sóng nước chỉ vì xả thân cứu người quả là một bất công. Chẳng lẽ người tốt ở đời luôn gặp phải kết cục nghiệt ngã, như con Rùa bây giờ và ba nó trước đây? Đôi lúc tôi bần thần nghĩ, có cảm tưởng số phận luôn dành cho con Rùa những chiếc bánh khét, dù được đúc ra từ chiếc khuôn nào và làm bằng thứ nguyên liệu gì.
Ý nghĩ đó gieo vào lòng tôi cảm giác cay đắng và chán chường, làm mắt tôi rưng rưng, đến mức khi bé Loan hỏi "Giờ mình đi đâu nữa hở anh?", tôi phải quay mặt đi chỗ khác để trả lời nó:
- Anh sẽ đưa tụi em tới chỗ chị Rùa hay tới. Một chỗ không ai biết.
- Chỗ đó ở đâu hở anh?
- Nó ở đằng sau một thác nước.
Tôi ngập ngừng đáp, cố đoán xem thác nước ở về phía nào nhưng tôi không tài nào nhớ ra. May làm sao, thằng Thục đã vô tình giải đáp dùm tôi. Ngón tay nó lướt một vòng quanh đám cây xà cừ, giọng như reo:
- A, hèn gì em nghe có tiếng nước chảy đâu đây.
Tai tôi không thính như tai thằng Thục. Tôi nghiêng nửa đầu về phía sau nín thở nghe ngóng, mất một lúc lâu vành tai tôi mới lọc ra được tiếng róc rách mơ hồ đang trộn lẫn trong vô vàn âm thanh ríu rít của dàn nhạc rừng và phải mất thêm một quãng thời gian như thế nữa tôi mới xác định được tiếng nước kia vọng tới từ phía nào.
54
Tôi chỉ tay vào bức rèm nước khi cả ba đã tới được chân thác:
- Đằng sau thác nước này có một cửa hang. Lát nữa ba anh em mình sẽ đi xuyên qua cái hang đó để đến bên kia ngọn đồi.
Bé Loan vỗ tay bôm bốp, mặt nở ra:
- Ôi, thích quá!
Nó ngước nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò:
- Bên kia ngọn đồi có gì hở anh?
- Có một thung lũng xinh đẹp với rất nhiều hoa trái. Chị Rùa đã giấu con Tập Tễnh ở đó. Đó là nơi vô số con thú nhỏ được sống bình yên. Ông Bốn Lai và những người khác không hề biết thung lũng này.
Thằng Thục không giấu vẻ phấn khích trước cuộc phiêu lưu kỳ thú. Nó nôn nóng:
- Sao mình không chui vô ngay bây giờ hả anh?
- Bây giờ, chúng ta phải bện một sợi dây thật dài đã.
Tôi giải thích cho hai đứa em tôi hiểu là cái hang đó rất sâu, lại nhiều ngóc ngách và chúng tôi có thể lạc đường bất cứ lúc nào. Chúng tôi phải đề phòng bất trắc bằng cách kiếm một sợi dây, rồi cột một đầu dây ở cửa hang để nếu bị lạc chúng tôi sẽ lần theo sợi dây dọ dẫm quay ra. Thậm chí khi qua được bên kia đồi, chúng tôi cũng cần sợi dây này để biết đường trở lại.
Thằng Thục và bé Loan dường như trút bỏ hết mọi mệt nhọc khi nghe về chuyến đi xuyên qua lòng ngọn đồi lát nữa đây. Tụi nó hào hứng nhặt đá nhọn để bóc vỏ cây. Trong không khí sực nức mùi nhựa cây non, những ngón tay của chúng tôi xanh lè như nhúng trong thuốc nhuộm. Trong vòng mười lăm phút, cả ba cặm cụi bện vỏ cây đã tước mảnh thành những sợi dây dài rồi nối chúng lại với nhau.
Thời tiết có vẻ ủng hộ chuyến đi khi các tia nắng không ngừng nhảy nhót trên vai chúng tôi và bên trên những tàng cây, những cụm mây trắng nõn như bông đang báo một ngày ấm áp kéo dài.
- Em đói bụng chưa?
Tôi hỏi bé Loan khi cùng thằng Thục cuộn sợ dây thành từng khoanh tròn.
-Dạ chưa. - Bé Loan lắc đầu, háo hức hỏi - Bây giờ vô hang được chưa anh?
- Ờ, bây giờ mình đi.
Tôi nói, khoác cuộn dây qua vai và dẫn đầu cả bọn tiến về phía thác nước.
- Tụi em nhớ nhìn anh. Anh đặt chân chỗ nào tụi em đặt chân chỗ nấy nghe chưa!
Tôi ngước nhìn dải cầu vồng hiện ra trong đám bụi mỏng giữa lưng chừng trời, khẽ giọng dặn hai đứa em trước khi trèo qua những mô đất dọc triền đồi, thận trọng đặt chân lên những bụi cây thấp trong khi tay níu chặt những cành lá đu đưa trên đầu.
Thích thú và sợ hãi, thằng Thục và bé Loan hăm hở bám theo tôi, từ từ men về phía thác nước.
- Đừng sợ, thác này thấp, nước không mạnh lắm đâu!
Tôi nói như hét để át tiếng thác đổ và húc người vào bức màn nước trắng xóa để lọt vào bên trong.
Rất nhanh, thằng Thục và bé Loan cũng chui vào theo, người ướt sũng nhưng mặt mày đứa nào đứa nấy tươi roi rói.
Bé Loan vừa vuốt tóc vừa nhảy loi choi trên nền hang:
- Em muốn chui qua chui lại bức màn này lần nữa quá!
- Lát về rồi chui. Bây giờ phải đi tiếp.
Tôi nói, loay hoay cột một đầu dây vào bụi chà là mọc ngoài rìa hang.
Với sợi dây không ngừng nới ra trên tay, tôi dè dặt dẫn hai đứa em đi sâu vào bên trong, bụng thầm khấn con Rùa nếu có linh thiêng thì dẫn đường cho anh em tôi.
Đang lầm rầm, tôi sực nhớ con Rùa lúc còn sống cũng đâu có thuộc con đường này. Lần trước, nó phải nhờ bọn khỉ dắt đi. Nhưng tôi vẫn hy vọng khi đã hóa thành linh hồn, nó sẽ có khả năng đi xuyên qua ngọn đồi một cách dễ dàng. Và nếu biết hôm nay tôi quay lại thung lũng mộng mơ này để sống lại lần cuối những giây phút đẹp đẽ ngắn ngủi giữa tôi và nó trước khi tôi dứt ruột rời làng, có lẽ nó sẽ phù hộ tôi.
- Lâu quá vậy anh? - Thằng Thục sốt ruột lay cánh tay tôi trong bóng tối.
- Sắp tới rồi. - Tôi đáp, không tin lời mình chút nào - Tụi em khom người xuống kẻo va phải các mỏm đá trên trần hang đó.
Thực sự thì tôi không biết tôi có đi đúng hướng hay không. Chúng tôi đi như người bị bịt mắt, không thấy gì cũng không nghe gì trong lòng đất âm u. Chỉ có sợi dây trên tay giúp tôi vững tâm không sợ bị chôn xác trong lòng ngọn đồi.
À, có. Có một âm thanh. Một tiếng vù lướt qua chúng tôi, thoáng đã mất hút phía sau.
- Có tiếng gì kìa anh! - Bé Loan nói như rên, bàn tay nó run lên trong tay tôi.
Một tiếng khọt khẹt vang lên ngay sau câu nói sợ sệt của con nhóc.
Cứ như có ai vừa bật một ngọn đèn trong đầu tôi.
- Miếng Vá!
Tôi quay lại phía sau hét lớn, dù không chắc nó có phải là thằng Miếng Vá hay không.
Một tiếng vù nữa, lần này là phóng ngược từ phía sau ra phía trước.
- Miếng Vá, đi chậm thôi! Cờ tụi tao theo với!
Tôi lại ré lên, nước mắt tự nhiên ứa ra. Con Rùa! Đúng là con Rùa đã nghe được lời thì thầm của tôi. Nó đã sai con khỉ dẫn đường cho ba anh em tôi. Tôi cắn chặt môi, cố nén một tiếng sụt sịt để thằng Thục và bé Loan không biết là tôi đang khóc.
- A, em biết thằng Miếng Vá này! - Bé Loan reo lên - Thỉnh thoảng nó hay chạy ra làng kiếm chị Rùa, bị chị Rùa đuổi hoài.
- Đuổi á? - Tiếng thằng Thục ngạc nhiên.
- Ờ. Chị Rùa sợ phường săn nhìn thấy nó.
Thằng Miếng Vá chạy khá xa, nhưng tôi vẫn nghe tiếng chí chách đằng trước mặt. Tuy không kềm được tính hiếu động, thằng Miếng Vá có lẽ cũng biết không nên bỏ chúng tôi quá xa.
- Con khỉ này biết đường qua bên kia đồi hả anh? - Thục tò mò.
- Ờ. Nó chạy qua chạy lại hoài.
Thằng Miếng Vá dẫn đường rất nhiệt tình. Tiếng kêu của nó chỉ tắt khi quầng sáng lờ mờ hắt tới từ phía trước cho biết chúng tôi sắp đến cửa hang.
55
Cũng như tôi trong lần đầu nhìn thấy khung cảnh bên kia đồi, thằng Thục và bé Loan gần như sững sờ trước những gì đập vào mắt tụi nó.
- Đẹp quá, anh! - Thục xuýt xoa.
Sau những cơn mưa đầu mùa, cây cỏ trong thung lũng xanh ngút mắt. Các loài hoa nở rộ biến rẻo đất giữa hai sườn núi thành một bức thảm màu. Hoa sao chỉ nở vào tháng năm, nhưng ở đây những bông hoa năm cánh trắng muốt vẫn kết thành từng chùm như giăng đèn trên các lối đi. Các loại hoa cúc chi chít dọc bờ nước, thêu lên cỏ những đường viền rực rỡ.
Bọn thú nhỏ tung tăng khắp nơi. Trong không trung, các loại hạt được gió chăm chỉ phân tán đi bốn phương, và bên cạnh tôi, hai đứa em đang say sưa ngắm những cánh bồ công anh cùng với bọ dừa bay thi trong nắng.
Bé Loan khều tay tôi, giọng vẫn còn ngây ngất:
- Em không ngờ chỗ này đẹp thế.
- Ờ.
- Chị Rùa là người duy nhất biết được chỗ này hả anh?
- Ông ngoại chị Rùa nữa.
- Nhưng ông ngoại chị Rùa mất rồi, xem như chỉ còn mỗi chị Rùa…
Bé Loan đang nói bỗng ngưng bặt, gương mặt đang rạng rỡ của nó lập tức se lại. Câu nói hớ của con nhóc làm không khí lập tức chùng xuống.
Thằng Thục quay mặt đi chỗ khác vờ như không nghe thấy.
Tôi đưa tay xoa má, một cử chỉ hoàn toàn vô thức, miệng đột nhiên đắng nghét. Trng một thoáng, tôi không kiềm được một cái liếc mắt về phía lạch nước xanh, trong đầu hiện ra hình ảnh ngày nào con Rùa ngồi dưới bóng cây tràm liễu tỉ tê kể cho con nai con nghe câu chuyện về cậu bé thành Padova trong tiếng gió rì rào.
Cây tràm liễu với những bím tóc xanh cài hoa đỏ vẫn còn đó. Vẫn còn đó những bụi thủy trúc um tùm bên bờ nước. Chỉ có con Rùa là vắng bóng.
Con Rùa không chỉ vắng bóng ngày hôm nay. Ngày mai, ngày kia, và rất nhiều ngày về sau nữa con Rùa cũng sẽ không bao giờ trở lại thung lũng thần tiên mà nó phải rất khó khăn mới đưa được các con thú nhỏ đến đây.
Nó cũng sẽ không bao giờ trở lại với tôi nữa, mặc dù nó từng bảo nó rất thích tôi và cẩn thận dặn tôi chờ nó lớn. Thế mà trong khi tôi chờ nó thì nó chẳng giữ lời. Nó tệ ghê! Nó ra đi, giao lại cho tôi một xấp ngày trống rỗng và vô vị như giao một xấp giấy bạc mà nếu không có nó bên cạnh, tôi thật chẳng biết tiêu vào chuyện gì.
Một con sóc chạy ngang qua trước mặt, chiếc đuôi dài quẹt vào chân tôi kéo tôi ra khỏi những ý nghĩ buồn thảm.
Tôi nhìn hai đứa em, hít vào một hơi, cất giọng rầu rầu:
- Khi anh đi rồi, tụi em nhớ thỉnh thoảng qua đây chơi với bọn thú nhỏ này nhé.
- Dạ.
- Tụi em nhớ đừng cho ai biết lối đi đằng sau thác nước nghe chưa.
- Dạ.
Tôi đặt tay lên vai bé Loan:
- Nhớ thường xuyên qua chơi với bà nội chị Rùa nữa.
- Em nhớ rồi.
Thằng Thục nhìn chăm chăm vào mặt tôi:
- Thế chừng nào anh về lại?
Tôi nhìn bóng cây bạc hà miêu đong đưa trong bóng nắng, ngập ngừng:
- Anh chưa biết nữa.
Bé Loan đột nhiên sụt sịt:
- Chị Rùa mất rồi, chắc lâu lắm anh mới về.
Nói xong, sợ tôi buồn, nó lật đật nói thêm:
- Em nói vậy thôi chứ chừng nào anh nguôi ngoai thì anh hãy về.
Bé Loan mười ba tuổi, tự nhiên bữa nay nói năng y như người lớn. Tôi cảm động vì bất ngờ, chưa biết nói sao, chợt nghe một làn điệu du dương không biết từ đâu thình lình vẳng tới trong gió trưa.
Đó là một âm thanh rất mơ hồ, thoắt có thoắt không, hòa lẫn trong tiếng gió, tiếng nước chảy và tiếng chim ríu rít. Cũng có thể chính tiếng gió, tiếng nước chảy và tiếng chim ríu rít cùng nhau hòa tấu để dệt nên bản nhạc đó - như thiên nhiên vẫn thường làm thế, nhưng vì đã từng nghe qua bài hát này một lần trí não tôi tức khắc mường tượng ra giai điệu quen thuộc đang chập chờn trong gió:
- Tiếng suối róc rách
Trên cành du sam gầy gò
Con gà lôi, con gà lôi
Đố mày gáy ò ó o…
Như bị ai đánh mạnh vào ngực, tôi thụt lui một lúc hai ba bước, tay chân lạnh đi đột ngột. Ở trong đầu, những ý nghĩ bắt đầu chạy tán loạn.
- Anh làm sao thế? - Thằng Thục chăm chăm nhìn tôi, giọng lo lắng.
Bé Loan bám chặt tay tôi, run run hỏi:
- Anh trúng gió hả anh?
Tôi nghe tiếng hai đứa em tôi nhưng óc tôi đang vón cục lại, còn quai hàm thì đã cứng như gỗ.
Bàng hoàng, mụ mị và gần như không thở được, tôi lặng người mất một lúc. Đến khi bừng tỉnh, tôi vội quay đầu nhìn dáo dác, lòng hoang mang không kể xiết.
Nhưng sau một hồi sục mắt vào các bụi cây, tôi không phát hiện được điều gì khả nghi.
Tôi lao đi như người mất trí.
Một phút sau, tôi đã ở cạnh các hồ nước, nôn nóng quét mắt ra bốn phía. Vẫn không thấy gì ngoài bóng lá rung rinh, tôi phóng một cách điên dại lên mé đồi bên trái nơi rải rác những cây đu đủ hoang, cuống quít tìm kiếm.
Thằng Thục và bé Loan chạy sát đằng sau tôi, té lên té xuống.
- Chạy đi đâu thế anh? - Tiếng bé Loan hoang mang.
Tôi thở hổn hển:
- Im nào!
Ngay lúc đó ánh mắt tôi bắt gặp cây bứa dại trên sườn đồi, thế là tôi vội vã chạy lại, bám cành nhánh thoăn thoắt trèo lên.
- A, hóa ra anh đi hái bứa. Anh nhớ hái nhiều nhiều nhé!
Tôi nghe giọng thằng Thục nhưng tiếng reo của nó lập tức trượt khỏi óc tôi, trôi đi xa tít. Tôi không giỏi trèo cây, nhưng lúc đó đột nhiên tôi biến thành con sóc.
Khi leo gần tới ngọn, tôi đứng kiễng chân trên chạc ba cao nhất. Một tay ôm vòng lấy thân cây cho khỏi ngã, tay kia vẹt các cành lá lòa xòa trước mặt, tôi căng mắt cẩn thận nhìn quanh, cố không bỏ sót một xó xỉnh nào.
Vẫn không có bóng người nào lọt vào mắt tôi.
56
Trong khi tôi đang bối rối, tiếng hát lại vang lên, đột ngột đến mức nếu tôi không ôm cứng thân cây chắc chắn tôi đã ngã xuống đất.
Vẫn là một giai điệu đã bị thiên nhiên pha loãng đến mức không thể nào tin rằng đó là một bài hát nhưng tôi tuồng như nghe rõ từng lời:
- Bầy châu chấu khiêu vũ
Bọ chét ơi, bọ chét à
Con kiến trong hang đã ngủ
Đố mày tìm cho ra…
Trống ngực nện binh binh, tôi quýnh quáng đổi chân để xoay người trên chạc cây, hướng tia nhìn về phía sau, nơi tiếng hát vừa vẳng tới.
Đập vào mắt tôi là một cái hang nằm lưng chừng sườn đồi, cạnh khe nước nhỏ trổ đầy bông tím ven bờ đang róc rách chảy xuống từ trên cao. Lúc đứng cạnh hồ nước, tôi có nhìn về phía này nhưng cửa hang lúc đó bị những tàng cây um tùm che khuất.
Trên phiến đá lớn trước cửa hang, một người con gái nửa nằm nửa ngồi, lưng tựa vào thân cây có vẻ là cây vày ốc, miệng đang nhai một thức gì đó nhìn thấy đống trái cây bên cạnh, tôi đoán là cô gái đang ăn táo hoặc thứ quả gì đó mọc trong thung lũng.
Tim tôi như ngừng đập khi tôi nhận ra đó là con Rùa, mặc dù từ nãy đến giờ tôi chạy cuống lên cũng chỉ để tìm xem có phải nó là người cất lên tiếng hát hay không.
Dù không trông rõ mặt cô gái ngoài mái tóc đen dài xõa trên vai nhưng nhìn những con khỉ đang nhảy nhót chung quanh và con nai đốm (hẳn là con Tập Tễnh) đang nằm thong thả nhai lá bên cạnh cô, tôi tin chắc đó chính là con Rùa, niềm yêu thương vô bờ của tôi.
Tôi mở to mắt, cố làm mình đau bằng cách cắn mạnh vào môi để yên chí là tôi không nằm mơ.
Tay và chân con Rùa nhiều chỗ được băng bó và nẹp lại bằng vỏ cây. Trông nó như một bệnh nhân đang nằm ở một bệnh viện ngoài trời.
Như vậy con Rùa không chết. Ờ, nó bơi giỏi đến thế cơ mà. Trong khi bị nước cuốn, có lẽ nó đã bị thương nhiều chỗ do va phải các tảng đá giữa lòng sông. Có thể nó đã cố lội vào bờ và ngất đi trước khi bạn bè của nó (chắc là bầy khỉ do thằng Miếng Vá cầm đầu) bắt gặp và đem nó về đây.
Những gì tôi đang nhìn thấy còn kể cho tôi biết trong những ngày qua, con Rùa đã tự chữa cho mình bằng các loại cây thuốc với sự trợ giúp đắc lực của đám bạn trong rừng. Nó chưa về làng có lẽ vì vết thương trên người nó chưa lành hẳn nên không tiện di chuyển đó thôi.
Chắc lúc này lòng nó nôn nao lắm, tôi rưng rưng nhủ bụng khi nhớ ra chính nhờ giọng hát của nó cất lên trong lúc nhớ nhà, tôi mới cuống quýt chạy tới đây và tìm thấy nó.
Trong nhiều phút liền, trái tim tôi chạy đua với đủ thứ cảm xúc. Kinh ngạc, hân hoan, nghi ngờ, hạnh phúc, mừng mừng tủi tủi, tất cả cùng một lúc ùa vào tôi khiến tôi giống như người say sóng.
Cuộc sống của tôi những ngày qua bị số phận nhốt trong hầm tối, bây giờ nắp hầm đột ngột mở ra khiến tôi như con thú bị phường săn rọi đèn, choáng váng, ngẩn ngơ, ý nghĩ trong đầu lúc tan chảy ra lúc đông cứng lại rồi lại tan ra…
Như vậy là con Rùa đã giữ lời hứa. Nó cố lớn, và cố sống, để đợi tôi về.
Đầu óc lơ lơ lửng lửng, tôi không biết tôi ngồi xuống chạc cây từ lúc nào. Tay vẫn bám chặt thân cây, hai chân buông thõng, tôi cứ ngồi trơ ra đó, mắt hướng về phía cửa hang, tê liệt mọi phản ứng, cả tiếng nói dường như cũng đánh rơi đâu đó dưới chân đồi.
Chỉ có nước mắt tuôn ra dàn dụa trên mắt tôi, thi nhau rơi xuống…
Thằng Thục và bé Loan đứng dưới gốc cây đợi một hồi không thấy tôi nói gì, tự nhiên thấy ướt trên tóc, liền đưa tay xoa đầu, ngước cố kêu lớn:
- Không có trái bứa nào thì xuống đi anh! Trời sắp mưa rồi đó!
Hết