We are too civil to books. For a few golden sentences we will turn over and actually read a volume of four or five hundred pages.

Ralph Waldo Emerson

 
 
 
 
 
Tác giả: Ninh Hạ
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 916 / 4
Cập nhật: 2016-06-27 09:57:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cho Những Con - Sợi Dây Chuyền
Thân tặng tuổi trẻ tị nạn Việt Nam
1.
Trang về đến nhà chạy thẳng vào phòng riêng đóng chặt cửa nằm úp mặt xuống giường khóc nức nở. Trút theo giòng nước mắt tất cả uất ức thất vọng trước sự việc phũ phàng bất ngờ vừa xẩy ra mà Trang chẳng thể nào hiểu được.
Nghe tiếng đập cửa và giọng hốt hoảng của mẹ:
“Trang! Trang! con làm sao vậy?”
Trang gào lên:
“Mẹ để con yên. Mặc kệ con... mặc kệ con.”
Bà Viên ngạc nhiên đến sững sờ. Lần đầu tiên Trang dám lớn tiềng trả lời cộc lốc vô lễ như thế với mẹ. Bà lẩm bẩm:
“Thôi đúng rồi! Hèn gì người ta nói, ở đây tự do quá con cái riết trở thành mất dạy coi mẹ cha không ra gì cả.”
Cố nén giận bà đập cửa nói với vào:
“...Nhưng mày cũng phải nói cho tao biết chuyện gì đã xẩy ra chứ?”
Trang đã ngưng khóc nhưng còn tức tưởi:
“Con đã nói là mặc kệ con mà!”
“Ừ. Thôi mặc kệ mày. Chút nữa ba mày về tao kể cho ông... rồi đừng trách.”
Bà quay xuống bếp lo cơm chiều. Tuy dọa con nhưng bà sẽ chẳng bao giờ cho chồng biết. Tính ông nghiêm khắc nóng nẩy không chịu được thái độ của con, thế nào cũng ầm ĩ lên. Rồi thì cha con mặt lầm mày lì, chiến tranh lạnh hàng tuần. Không khí bữa cơm tối gia đình đông đủ trở nên nặng nề khó chịu.
May mà chiều nay chồng vắng nhà. Ông theo bạn đi họp mặt tiệc tùng. Bà cũng mong có những dịp như thế để ông có nơi mà cười đùa hàn huyên giải tỏa phiền muộn lo âu. Bà thấy hình như đàn ông, bên cạnh vợ con, bạn bè là một nhu cầu không thể thiếu cho một cuộc sống bình thường.
Bà và mấy con cũng có đi theo ông mấy lần, giờ thì bỏ cuộc ở nhà. Lúc đầu ông cằn nhằn, cuối cùng thấy vợ con cũng chẳng vui vẻ gì ở mấy chỗ đó, ông đành nhượng bộ đi một mình. Lý do rất đơn giản. Bà và mấy con nhất là đám con gái không chịu được mùi khói thuốc lá. Các ông ở nhà ngại vợ ngại con còn kiêng khem hạn chế, khi gặp nhau có một hai lon bia vào thì đua nhau hút liên tu bất tận nhả khói mịt mù ngột ngạt.
Bà cũng lấy làm lạ. Khi còn ở bên nhà thì không đến nỗi, qua đây nghe mùi thuốc lá thấy choáng váng nhức đầu buồn nôn. Mấy đứa con giải thích rằng ở đây trời lạnh mà nhà cửa lại kín mít bịt bùng. Khổ hơn hết là tóc tai áo quần đầy mùi thuốc. Trời lạnh cách mấy, khuya bao nhiêu, làm biếng mệt mỏi cách nào, khi tan tiệc về nhà cũng phải vội vàng gội đầu tắm rửa ngay. AÔo lạnh khăn quàng cả tuần sau còn nặằng mùi.
Một lần tan tiệc lên xe bus về nhà chen vào chỗ trống ngồi cạnh một bà hình như người Ðại Hàn. Thoáng thấy nét cười lịch sự gượng gạo cố che dấu một cái gì đó rất khó chịu. Hai cánh mũi người lạ phập phồng như đánh hơi, rồi khé né đứng dậy đi về phía cửa. Nghĩ là bà ta sắp xuống xe, nhưng qua mấy trạm vẫn đứng đấy để chịu người lên kẻ xuống xô đẩy. Giật mình, ngượng ngùng nhột nhạt, bà bỗng khám phá ra người lạ không chịu nổi mùi thuốc lá nồng nặc bốc ra từ áo quần tóc tai của mình. Kể từ hôm đó bà và các con không còn theo ông đến những nơi hội họp ăn uống đông người.
2.
Nồi nước trên bếp sôi rít lên làm bà giật mình quay về với nỗi bực dọc vì thái độ vô lễ khác thường của Trang, đứa con gái dễ thương biết điều nhất của bà.
Tới Mỹ chưa đầy một năm, sáu con của bà học hành chăm chỉ. Mấy đứa lớn chịu khó chịu khổ vừa học vừa làm thêm, tiền bạc kiếm được bao nhiêu tiện tặn đem về giúp mẹ trang trải tiền nhà tiền nợ, tiền giúp thân nhân nội ngoại ở bên nhà.
Thâm tâm bà vẫn canh cánh nỗi âu lo. Không biết cái hạnh phúc tưởng chừng đơn giản hiện nay sẽ còn được bao lâu.
Hôm trước đem chuyện con cái ra khoe với chị bạn mới quen qua đây khá lâu, chị bĩu môi:
“Ðể rồi coi chị ơi! Ðừng mừng vội. Mới qua gia đình nào cũng vậy. Con cái ngoan ngoãn. Vài ba năm sau quen nước quen cái, bạn bạn bè bè, quần quần áo áo mốt này mốt nọ, lo thân chúng nó chưa đủ. Ðừng hòng! Lo làm nuôi lấy thân. Dành dụm chút ít dưỡng thân già. Ở đó mà trông nhờ vào chúng nó. Còn khuya!”
Hỏi ra mới biết chị ta là người trong cảnh nên chua chát.
Mà quả thật ở đây việc dạy dỗ con cái khó khăn bội phần.
Trong building đang ở có mấy gia đình con vừa mới lớn lên đã bỏ nhà đi hoang chỉ vì mẹ cha la rầy. Mới nứt mắt đã trốn theo bồ theo bịch, theo băng đảng bụi đời. Có khi chỉ vì xốc nổi muốn chứng tỏ mình có thể tự lập không cần nhờ cậy ai. Ăn mặc thì lố lăng quái dị. Nói năng lấc cấc. Ði đứng nhún nha nhún nhẩy cố bắt chước cho giống Mỹ đen.
Bà tự trấn an. Vô phúc vô phận con hư thì bên nhà cũng hư chẳng cầu qua tới đây. Nhưng bà cũng phải nhận rằng ở xã hội này, bên cạnh sự đề cao hưởng thụ và thỏa mãn vật chất, mầm mống sự hư đốn của con cái đôi khi còn được bảo vệ nhân danh tự do. Việc một đứa con trai mười ba tuổi đầu ở Florida ra tòa từ cha mẹ ruột, rồi cười rạng rỡ đắc thắng khi được kiện, là một việc quá sức ngao ngán và chỉ có thể xẩy ra ở Mỹ.
Bên cạnh sự miệt thị về chính trị, sự khó khăn bế tắc chạy ăn từng bữa, với bà đi Mỹ là để tránh cái chướng tai gai mắt hằng ngày đụng đầu với đám cán bộ cha cán bộ con và họ hàng dòng họ chúng nó. Nhà cao cửa lớn chúng chiếm ở. Hàng quán sang trọng chúng nó vào. Xe đẹp xe sang chúng nó đi. Công lao xương máu khó nhọc mấy đời thoáng chốc rơi về tay lũ đười ươi.
Tuổi tác như vợ chồng bà qua Mỹ thì cũng đã quá muộn màng. Cái được nếu có cũng không thể nào đền bù được cái mất mát to lớn khi phải bỏ nước ra đi. Như hầu hết bạn bè cùng cảnh, ra đi nghĩ cho cùng đều vì tương lai của bầy con trẻ.
Ở Việt nam đám con mất tương lai chỉ vì cái lý lịch ba đời của ông bà cha mẹ. Qua đến đây mới thấy lo. Không chừng học đòi theo cái xấu tệ nhất của tự do, cái tiêu cực nhất của đời sống gia đình Mỹ, chẳng được là Mỹ mà Việt cũng chẳng còn là Việt. Lai căng mất gốc, dở dở ương ương, nửa nạc nửa mỡ. Tương lai kỳ vọng không những tuột khỏi tầm tay của chúng, mà mẹ cha còn đau đớn mất luôn con.
Thái độ của con gái chiều nay thật ra cũng chẳng đến nỗi nào, nhưng bị ám ảnh như thế nên bà đã bi thảm hóa.
Nghe bước chân rón rén biết Trang xuống bếp bà làm ngơ tiếp tục xào nấu.
“Mẹ! Con xin lỗi.”
Thấy mẹ không quay mặt trả lời biết mẹ còn giận. Trang ấp úng:
“Con... con biết lỗi”
Bà Viên như được xoa dịu nhưng cố làm nư yên lặng.
“Mẹ ơi con bị giựt mất sợi dây chuyền rồi!”
Như vỡ lẽ lý do xui Trang có thái độ như thế, bà quay lại:
“Ði học mà mang nữ trang vàng bạc làm gì. Diện cho cố vào! Hôm kia thằng gì trên lầu ba sáng đi học qua khu chợ Việt nam bị hai thằng Mỹ đen dộng cho mấy đấm bầm tím cả mắt rồi giựt dây chuyền ở chỗ đông người.”
Nhìn mặt con bà thấy như còn đọng trong ánh mắt nét thảng thốt buồn bả lạ thường.
“Mất mười sợi dây chuyền mẹ cũng không tiếc không buồn bằng cái thái độ của con vừa rồi.”
Trang phụng phịu:
“Thôi mà mẹ! Con đã biết lỗi rồi.”
Bà Viên cười mãn nguyện:
“Ði tắm rửa, đợi mấy anh chị về đủ ăn cơm. Của đi thay người. Ðừng tiếc nữa!”
Nói thế nhưng bà biết Trang sẽ buồn lắm. Ðó là kỷ vật ông ngoại đã trao cho đứa cháu mà ông thương yêu và vừa lòng nhứt như nhắc nhở như gửi gắm một ước mơ một hoài bão.
3.
Thời gian chồng tù cải tạo mịt mù tận ngoài Bắc, Trang được mẹ gửi về sống với ngoại ở vùng quê miệt vườn Cần thơ.
Ngoại là nguồn yêu thương tin cậy của Trang. Ngoại uyên thâm Phật pháp, tính tình sảng khoái tự tin, yêu đời yêu người. Ít khi thấy ngoại chê ai. Ai ngoại cũng thương yêu giúp đỡ. Họa hoằn có ai ngoại chê thì quả tình hết thuốc chữa.
Có lần Trang thắc mắc:
“Ngoại ơi, con thấy ai ngoại cũng quen cũng gần gũi được.”
Ngoại xoa đầu cháu rồi giải thích:
“Nhân vô thập toàn. Người nào cũng có cái tốt cái xấu. Nhằm vào cái tốt mà gần, biết cái xấu để răn mình. Có nhiều người thoạt đầu mới gặp thấy ghét không ưa, nhưng về sau mới thấy họ là người tốt, chơi được thân được. Ở lâu mới biết lòng người con ạ. Oán ghét hận thù có khi chỉ vì ngộ nhận.”
Ngày tiễn vợ chồng con gái và lũ cháu qua Mỹ là lần đầu tiên Trang thấy ngoại buồn. Cả nhà đã vào khu vực cách ly với kẻ đưa người tiễn. Như sực nhớ, ông vội vàng xô đẩy chen qua đám đông, cố nài nỉ tên công an cởi vội sơiỳ dây chuyền quàng vào cổ Trang. Ôm cháu một lần cuối như chừng chẳng bao giờ gặp lại. Ông không ngăn được những giọt nước mắt hiếm hoi lăn dài trên má. Trang cũng sụt sùi.
Xa quê hương với Trang đơn giản là xa ngoại. Sợi dây chuyền là vật bất ly thân, ông sắm khi lãnh tháng lương đầu tiên của đời quân ngũ.
Mất kỷ vật của ngoại Trang buồn lắm, nhưng đau đớn hơn là niềm tin yêu vui sống trên mảnh đất mới thoáng chốc đã sụp đổ tan tành. Khác với mẹ cha thường than thở tiếc nuối kỷ niệm quê nhà. Nhiều bạn bè của cha mẹ suy sụp thất vọng bởi thực tế khác xa với ảo tưởng mong ước. Trang vui sướng hòa nhập vào cuộc sống mới.
4.
Trang dấu mẹ trường hợp bị mất của.
Hôm nay trời đang độ thu. Nắng vương nhẹ trên hàng cây maple trở màu. Trời không trong mà như vẩn đục mù sương se lạnh. Trường học nửa ngày tan sớm. Trang và con bạn mới quen nhưng chóng thân rủ nhau tung tăng trên con đường ngập lá vàng. Mùa thu vàng rực rỡ. Cảnh đẹp như trong mấy tấm lịch Nhật màTrang đã thấy ở quê nhà.
Không sợ lạc đường, hai đứa men theo con đường nhỏ song song với đường chính có tuyến xe bus đưa về tận nhà. Qua khỏi mấy block Trang đi dần vào một vùng nhà trệt. Thảm cỏ xanh rờn được chăm bón. Hoa và hoa muôn màu sặc sỡ. Hình như từng gốc cây ngọn cỏ, mọi ngõ ngách đều có bàn tay người chăm sóc. Ðây mới thật là Mỹ như sự mường tượng của Trang. Thỉnh thoảng đôi người ăn mặc lịch sự tản bộ trên đường cười chào niềm nở.
Gặp hai người đàn ông đi ngược chiều, Trang lên tiếng chào hỏi với nụ cười hồn nhiên tự tin. Một trong hai người lạ đi qua nửa bước rồi kéo bạn quay phắt lại, nét mặt thoáng hung dữ lạ thường. Hoảng hốt lo sợ, linh tính báo cho Trang biết có chuyện chẳng lành. Cúi xuống nhìn thẳng vào sợi dây chuyền Trang đeo, nhanh như cắt người đàn ông túm lấy giựt mạnh, thô bạo đẩy Trang té xuống thảm cỏ, ném mạnh sợi dây chuyền vào bụi hoa. Con bạn đứng chết trân, Trang thì sợ đến kinh khiếp. Muốn kêu cứu nhưng khớp quá chẳng ra lời. Ðợi khi hai người Mỹ khuất sau góc đường, hai đứa mới hoàn hồn co giò chạy một mạch gần đứt hơi ra đến con đường chính đón xe bus về nhà.
Trang mất của không phải vì kẻ chiếm đoạt tham tiền túng quẫn mà bởi một sự hận thù nào đó Trang chưa giải thích được. Kể từ hôm đó mỗi khi ra khỏi nhà hễ thấy người Mỹ, dù đen dù trắng, nhìn mình Trang có cảm giác bất an. Trang mất đi cái hồn nhiên yêu đời phát sinh từ tấm lòng yêu thương tin cậy mọi người.
Lúc này Trang nhớ ngoại và cần có ngoại.
5.
Thời gian trôi thật nhanh.
Lúc còn ở quê nhà Trang thấy sao ai cũng có quá nhiều nhàn rỗi mà ngày tháng lại ù lì chậm chạp. Ở đây cuộc sống tất bật, ngày tháng cũng vùn vụt trôi qua thật nhanh. Thấm thoát mà đã qua tám mùa tuyết lạnh. Chuyện xẩy đến với Trang rồi cũng rơi dần vào quên lãng chỉ còn để lại một thoáng kỷ niệm buồn và một thắc mắc không lời giải.
Năm ngoái ngoại mất. Trang khóc đến mấy ngày. Buồn bã cả tháng khôn nguôi. Trang chưa qua một mất mát nào lớn hơn sâu đậm hơn là mất ngoại. Ðang khỏe mạnh, sáng khăn gói đi thăm người bệnh bên sông, chiều về kêu choáng váng vào giường nằm một lúc sau thì mất. Ngoại sống thoải mái, chết cũng nhẹ nhàng. Sống thương yêu giúp đỡ mọi người, chết cũng chẳng phiền hà con cháu lấy một ngày.
Ngoại ơi! Ngoại là Bồ tát, là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.
Trang nhớ rất rõ như mới hôm nào gần đây thôi.
Nhớ rõ ràng nét mặt hiền lành chòm râu dài phất phơ trong bộ áo bà ba nâu sồng bạc màu. Nhớ đôi bàn tay da mồi nhăn nheo vân vê quấn thuốc. Trang nhớ, nhớ rất rõ cả màu nắng đong đưa qua hàng cau một buổi xế chiều êm ả trên hàng hiên thềm nhà. Nhớ cả mùi hương hoa cau lẫn mùi hăng hắc của khói thuốc rê, mùi bùn non của ruộng vườn thoang thoảng. Tất cả như gần gũi như lẩn quất đâu đây. Thế mà ngoại đã mất, đã xa chẳng còn gặp lại. Kỷ vật ngoại cho cũng không còn.
Hôm sau ngày ngoại mất, Trang ra khu chợ Việt nam làm một sợi chuyền vàng và tượng y hệt, đeo vào cổ để tưởng nhớ ngoại.
Chiều hôm đó, Trang còn nhớ ngoại dặn dò đủ điều.
Ngoại nói nhiều như muốn tận dụng khoảng thời gian quý báu còn được ông cháu bên nhau:
“Qua bên gắng mà học cho có bằng có cấp. Ðất nước người ta phải có học có tài mới làm nên sự nghiệp. Không như mình đây mánh mung thời cơ, chó nhảy bàn độc. Vô học vô tài mà vẫn làm lãnh tụ, làm lớn làm giàu. Mai kia mốt nọ đất nước đổi thay không ưng ở thì về, về đây với ngoại. Cái bên đó là thừa là thường, thì bên mình là thiếu là quý. Ðừng đua đòi ham nhà ham xe ham có tiền cho sớm bỏ ngang thì phí đời, phí đi một dịp may ngàn năm một thuở. Trước kia dễ dầu gì mà được qua Mỹ học.”
Ngoại nhìn mông lung ra vườn. Tiếng ngoại buồn buồn xa vắng. Thoảng xa tiếng chèo khua nước, tiếng nói tiếng hò âm vang từ dòng sông vọng lại. Trang hưởng những giây phút thật yên bình bên ngoại.
“Ngoại đã từng tu nghiệp bên đó ngoại biết. Kỳ thị là điều luật pháp cấm kỵ, nhưng trong đời sống thì có mọi lúc mọi nơi. Bạn bè của ngoại thư về và rồi đây con sẽ thấy. Giờ không phải chỉ giữa Mỹ trắng Mỹ đen với mình, mà buồn là sự phân ly giữa những người cùng chung màu da huyết thống, tuy bỏ nước ra đi trong những điều kiện hoàn cảnh thời gian khác nhau nhưng cùng chung cảnh ngộ mất nước ly hương. Không phải toàn bộ nhưng điều đau lòng đó có thật. Sống qua chiến tranh và dưới nhiều chế độ chính trị gạt gẫm, muốn sống phải xoay xở luồn lách. Riết rồi người mình trở nên ích kỷ và nghi kỵ. Cố tìm cái khác nhau để khinh người và khen mình.”
Thấy Trang tư lự, ngoại đứng phắt dậy dắt tay cháu ra vườn cải hoa vàng. Ông cháu lúi húi hái mớ rau nấu canh cho bữa cơm chiều.
Ngoại cười ha hả tiếp tục nói như sợ rằng chẳng còn dịp nào để nói với cháu nữa:
“Xưa kia thì không nói làm gì, giờ đây người Phi người Ðại hàn di dân đến Mỹ là mang theo được cả của cải sang bên đó làm giàu. Tội nghiệp người mình, trừ một số ít, hầu hết bỏ của chạy lấy người. Ðào đâu ra vốn liếng mà buôn với bán?. Nói rằng mẹ con tụi bây đi Mỹ chỉ còn cái quần xà lỏn, tưởng là nói quá mà thật ra phải nói là cả cái quần xà lỏn cũng không còn!”
Trang cười:
“Ngoại ơi là ngoại! Ngoại nói gì mà thảm quá vậy. Mẹ con mua áo quần đủ xài cả năm.”
Trang khoe:
“Ba con mới may một bộ đồ lớn sang lắm. Nói là mặc để xuống máy bay bà con ra đón khỏi khinh.”
“Bày đặt cho tốn kém. Ðồ đó qua bên vất bỏ, chở gỗ về rừng. Tao nói đâu có trật. Mẹ mày kể. Ðể đủ tiền chạy lo dịch vụ giấy tờ xuất cảnh, mua sắm chi phíà phải muối mặt mượn nợ đến hai ngàn đô. Qua bên nai lưng cày mà trả. Cái quần xà lỏn cho đến cái rương nhôm đựng đồ của cha con bây cũng là của mượn nợ của thiên hạ. Có đúng không hả?”
Ngoại đắc chí vuốt râu cười. Trang cũng gập người cười theo:
“Chưa qua tới nơi, nghe ngoại hù con mất tinh thần chưa chừng xin ở lại.”
“Nói cho mầy biết, không phải nói cho mầy sợ. Yên tâm! Ngoại đã có bùa trị.”
“Ừ, ngoại trao cẩm nang để con xuống núi.”
“Ðây là bùa thiêng ngoại trao cho tiểu tặc tử”
Vừa nói vừa cười ngoại lấy ngón tay viết xuống đất. Trang chăm chú đọc lớn “Học!”
Thấy tiểu tặc tử ngu si chưa nghĩ ra, ông đứng dậy vung tay hét lớn:
“Học! Học! Học!”
Giọng ông sang sảng:
“Muốn ngửng mặt lên với thiên hạ, muốn xóa bỏ tị hiềm phân biệt giữa Mỹ và mình, giữa kẻ qua trước người tới sau, chỉ có một con đường là học. Học càng cao càng tốt. Học vấn là con đường tri thức đưa con đến tự tin và bình đẳng, đến tương lai sự nghiệp nơi quê người.”
Cầm lấy tay cháu thân mật:
“Trong đám con cháu, ngoại thấy ở con một tấm lòng vị tha biết thương yêu và giúp đở người. Ðây là điều rất quí và luôn đúng, vì nó sẽ làm cho đời mình có thêm giá trị và ý nghĩa, thêm cả niềm vui. Dặn cháu một điều sau cùng. Cháu của ngoại thông minh chịu khó, ngoại yên tâm. Có thua là thua cái tiếng Mỹ tiếng mẽo. Giỏi mấy thì giỏi mà tiếng Mỹ ú ớ là thua. Là thua đậm. Nhớ lời ngoại!”
Dạ. Con nhớ lời ngoại. Con đã làm theo lời ngoại.
Hẹn sang năm tốt nghiệp sẽ về thăm ngoại. Đem cái ước mơ ôm ấp, cái hoài bảo thiết tha đã trở thành hiện thực về dâng ngoại thì nay ngoại đã khuất núi.
Ngoại ơi. Ngoại ơi!
6.
Trời đã vào xuân.
Hoa tulíp nở đầy công viên, sân nhà.
Xuân ở đây rất ngắn, chỉ đủ cho tulíp nở rồi tàn. Hôm nghe mẹ nói thế, Trang cười nhại theo câu thơ cũ. “Xuân đời chưa kịp hưởng. Nắng mùa hạ vội sang!”. Mẹ mắng yêu. “Con này độ rầy cũng đặt bày thơ với thẩn”. Xứ sở gì mà lạ lùng. Lạnh thì quá lạnh mà nóng thì cũng quá nóng. Quen rồi Trang thấy thà là mùa đông tuyết giá còn hơn cái hực lửa của ngày hè. Năm kia chỉ trong đợt nóng mấy ngày mà đã có hàng trăm người chết. Mùa đông có ngày nào lạnh đến nổi chết nhiều như thế đâu?
Hôm nay xong giờ học, đuổi theo Jenny và David, Trang chạy ùa ra bải cỏ xanh sân trường. Cả bọn nằm ngửa dang tay soải chân nhìn trời xanh trong vắt. Thích thật! Hơn nửa năm nay mới trút bỏ được cái áo lạnh dầợy cộm nặng trịch, rồi hai ba lớp áo trong, cái khăn quàng vướng víu. Trong chiếc T-shirt quần jean, Trang thấy người nhẹ hẳn, khoan khoái lạ thường.
Những năm gần đây Trang có nhiều bạn đủ mọi chủng tộc, đặc biệt chơi rất thân với chị em Jenny và David, những người Mỹ trắng rất dễ thương, cùng học cùng chơi, cùng hoạt động trong các club sinh viên và công tác thiện nguyện. Ðúng như lời ngoại, vượt qua rào cản ngôn ngữ và học vấn Trang tự tin, không còn tự ti lấn cấn trong tình bạn giữa những người khác màu da chủng tộc.
Ngoài bửu bối của ngoại, Trang còn nhận ra rằng học vấn chỉ là một phần của hành trang. Ðiều kiện ắt có mà không đủ. Phải tháo vát năng nổ xông xáo mới đủ bản lĩnh hòa nhập thành công trên quê người. Việc này không phải nằm nhà mà có được, phải dấn thân. Có điều, những nơi như thế còn thiếu vắng các bạn bè đồng hương, Trang ít khi gặp họ.
Trang nằm nghiêng người xoay về phía Jenny. Tay chống má, kéo sợi dây chuyền ngậm môi, tay mân mê chiếc tượng đeo.
Jenny và David không hẹn cùng ngồi nhổm dậy ngạc nhiên. Chỉ vào chiếc tượng, David hỏi dồn:
“Bạn... bạn đeo cái... cái này?”
“Có chuyện gì thế?”
Jenny bình tỉnh hơn em trai:
“Sao Trang lại đeo dấu hiệu này?”
“Ðây là mẫu kỷ vật của ông ngoại mình.”
“Ông của Trang tôn sùng Hitler?”
“Bậy! ở nước tao làm gì có Hitler. Bộ tụi mày điên sao hỏi tao những câu ngớ ngẩn. Ðây là dấu hiệu chữ Vạn của Phật. Tao tin Phật mà!”
“Sao giống hệt chữ thập ngoặc swastika của Ðức quốc xã?”
“Giống sao được. Ừ! Thoạt nhìn thì giống, nhìn kỹ sẽ thấy hai dấu hiệu ngược chiều nhau. Mààmà giống thế nào được! Hitler là tên sát nhân khủng khiếp của nhân loại. Ðức Phật là đấng từ bi, trân trọng sinh mạng mọi loài chúng sinh, không chỉ nhân loại, muôn thú mà đến cả côn trùng giun dế.”
Một ý nghĩ thoáng nhanh, Trang phát hiện được nguyên nhân bị thô bạo giựt mất sợi dây chuyền tám năm về trước. Thuật lại câu chuyện cho hai bạn nghe.
David chăm chú, Jenny trợn tròn mắt ngạc nhiên:
“Sao có chuyện trùng hợp lạ lùng. Tụi mình ở ngay khu vực đó”
Thì ra Trang đã đi vào khu ở của người Do thái, đúng tuần lễ họ đang đau đớn uất nghẹn tưởng niệm hàng triệu sinh mạng nạn nhân bi thảm đã bị Ðức quốc xã thiêu sống trong lò hơi Holocaust.
Nằm sấp mặt trên thảm cỏ để dấu niềm xúc động bất chợt. Nắm chặc trong tay sợi dây chuyền. Trang run run thổn thức. Vẳng nghe giọng nói trầm buồn của ngoại.
“Oán ghét hận thù có khi chỉ vì ngộ nhận”.
Nghịch Lý Nghịch Lý - Ninh Hạ Nghịch Lý