The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Lịch Sử
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập:
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3972 / 167
Cập nhật: 2015-11-14 02:34:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
4. Chẳng Có Ai Bình Tĩnh Để Xử Lý Tình Hình
iyoka Izumi (26)[5]
Cô Kiyaka Izumi sinh ra ở Kanazawa, một thành phố bên bờ Biển Nhật Bản. Cô làm việc ở phòng quan hệ công chúng của một công ty hàng không nước ngoài. Sau tốt nghiệp cô đi làm cho công ty Đường sắt Nhật Bản, nhưng sau ba năm cô quyết định theo đuổi giấc mơ từ thời thơ ấu là làm việc trong ngành hàng không. Dù chuyển đến làm ở các công ty hàng không là cực kỳ khó khăn ở Nhật – trong một nghìn đơn xin “đổi việc giữa dòng” chỉ có một là được chấp nhận – nhưng cô đã làm được điều kỳ diệu ấy, chỉ để chẳng bao lâu sau khi bắt đầu công việc mới thì gặp phải vụ tấn công bằng hơi độc.
Công việc của cô ở công ty Đường sắt Nhật Bản rất tẻ nhạt không có gì đáng nói. Các đồng nghiệp phản đối cô rời đi nhưng chí cô đã quyết. Công ty đào tạo tốt, nhưng không khí bị công đoàn áp chế thì quá tù túng và bức bối. Cô muốn dùng tiếng Anh trong công việc. Tuy vậy, những kỹ năng cấp cứu mà cô tiếp thu được ở Đường sắt Nhật Bản hóa ra lại là vô giá trong những tình huống bất ngờ…
o O o
Lúc ấy tôi đang sống ở Waseda [Tây Bắc miền Trung Nhật Bản]. Công ty của tôi thì ở Kamiyacho [Đông Nam miền Trung Nhật Bản], nên tôi thường xuyên đi lại bằng xe điện ngầm, lên tuyến Tozai, đổi xe ở Otemachi để bắt tuyến Chiyoda đến Kasumigaseki, rồi xuống giữa chặng từ Hibiya đi Kimayacho. Công việc bắt đầu lúc 8 rưỡi cho nên tôi rời nhà vào quãng 7 giờ 45 hay 7 giờ 50. Như thế tôi đến trước 8 giờ rưỡi một chút nhưng luôn là một trong những người bắt đầu làm việc sớm nhất. Mọi người khác có mặt đúng giờ. Với các công ty Nhật, tôi luôn biết rằng người ta trông chờ nhân viên tới sớm từ ba mươi phút đến một giờ, nhưng với một công ty nước ngoài thì cách nghĩ lại là mọi người bắt đầu công việc theo nhịp độ của riêng từng người. Bạn đến sớm cũng chẳng ghi được thêm điểm nào với cấp trên.
Tôi thức dậy vào khoảng 6 giờ 15 hay 6 giờ 20. Tôi hiếm khi ăn điểm tâm, chỉ uống vội một tách cà phê. Tuyến Tozai khá đông vào giờ đi làm, nhưng nếu bạn tránh cao điểm thì cũng không đến nỗi tệ lắm. Tôi chưa gặp chuyến bị mấy tên bậy bạ sờ soạng hay gì đó khác.
Tôi chẳng mấy khi ốm, nhưng sáng ngày 20 tháng Ba tôi cảm thấy không được khỏe. Dẫu sao tôi vẫn bắt xe đi làm, xuống tuyến Tozai ở Otemachi và đổi sang tuyến Chiyoda, nghĩ, “Trời ạ, hôm nay mình mệt hết hơi.” Tôi hít vào và thình lình hơi thở của tôi đông cứng lại – đúng là thế đấy.
Trên tuyến Chiyoda tôi ở toa đầu. Không quá chen chúc. Các ghế phần lớn đã có người, chỉ có vài hành khách đứng rải rác đây đó. Mình vẫn có thể nhìn suốt tới tận đầu toa đằng kia. Tôi đứng ở phía đầu toa, gần khoang người lái, nắm vào tay vịn bên cửa. Rồi như tôi đã nói, khi hít sâu một cái, tôi thình lình thấy đau. Không, không đau nhiều lắm. Thật ra như là tôi vừa bị bắn hay gì đó, rồi bỗng nhiên hơi thở tôi ngưng hẳn. Giống như nếu tôi hít vào nữa thì ruột gan tất cả sẽ phun hết ra đằng mồm! Mọi cái thành rỗng không hết, chắc là do tôi cảm thấy không được khỏe, tôi nghĩ; nhưng, ý tôi là tôi chưa bao giờ cảm thấy tồi tệ như thế. Cảm giác dữ như thế đó.
Và rồi, bây giờ nghĩ lại thì chuyện đó có vẻ hơi kỳ cục, nhưng tôi nghĩ: “Có thể là ông mình vừa qua đời.” Ông sống ở trên mạn Bắc quận Ishikawa và lúc đó đã 94 tuổi. Tôi đã nghe tin ông đang bệnh cho nên có thể cái này là một kiểu điềm báo. Đấy là ý nghĩ đầu tiên của tôi. Có thể ông đã chết hay sao đó.
Một lúc sau không hiểu thế nào tôi lại thở được. Nhưng vào lúc chúng tôi qua ga Hibiya, một chặng dừng trước Kasumigaseki, tôi nổi một trận ho thực sự thảm hại. Lúc ấy mọi người trong toa cũng bật ho lên như điên hết. Tôi biết có cái gì lạ đang xảy ra trong toa xe. Những người khác, họ đang hết sức kích động kia và mọi thứ…
Dù gì thì khi xe điện đỗ lại ở Kasumigaseki, tôi rời xe mà không mấy bận tâm đến chuyện đó nữa. Một số ít hành khách khác gọi nhân viên nhà ga, “Có gì đó không ổn! Lại đây nhanh lên!” rồi đưa anh ta vào toa. Tôi không rõ chuyện gì xảy ra tiếp nữa nhưng nhân viên này là người đã mang cái gói sarin ra rồi chết sau đó.
Tôi rời chuyến Chiyoda rồi đi thẳng sang tuyến Hibiya như thường lệ. Khi xuống hết cầu thang chuyển sang tuyến Hibiya, tôi nghe thấy còi báo động réo Bíp-bíp-bíp. Nhờ thời gian làm việc ở Công ty Đường sắt Nhật Bản (JR) tôi hiểu ngay là có sự cố. Đó cũng là lúc loa nhà ga loan đi một thông báo. Và đúng lúc tôi đang nghĩ, “Tốt hơn là mình ra khỏi đây” thì một chiếc tàu chạy tuyến Hibiya từ phía ngược lại lao đến.
Qua vẻ bối rối của các nhân viên nhà ga tôi có thể thấy đây là một tình huống không bình thường. Chuyến tàu vừa đến vắng tanh, không một bóng hành khách. Mãi về sau này tôi mới biết chính xác là đoàn tàu này cũng bị rải sarin. Họ đã phải trải qua một cơn khủng hoảng ở ga Kamiyacho hay đâu đó và tất cả hành khách đã được kéo ra khỏi tàu.
Sau tiếng còi báo động có một thông báo: “Yêu cầu hành khách di tản khỏi nhà ga.” Người ta tiến về phía cửa ra nhưng tôi bắt đầu cảm thấy buồn nôn. Cho nên thay vì đi thẳng ra ngoài, tôi lại nghĩ tốt hơn là tới nhà vệ sinh đã. Tôi nhìn quanh tìm phòng trưởng ga, vì ngay cạnh đó là khu vệ sinh.
Khi đi ngang qua văn phòng, tôi thấy ba nhân viên nhà ga đang nằm dài ở đó. Hẳn đã xảy ra sự cố chết người. Nhưng tôi vẫn tiếp tục đi tới nhà vệ sinh, và khi ở đó ra thì tôi đi đến một cửa ra trồi lên ở trước tòa nhà của Bộ Thương mại và Công nghiệp. Tất cả những việc đó mất chừng mười phút, tôi cho là vậy. Trong lúc đó người ta đã mang các nhân viên nhà ga tôi trông thấy ở trong văn phòng lên.
Khi ra khỏi cửa, tôi nhìn kỹ một lượt xung quanh, nhưng điều tôi nhìn thấy là – biết nói như thế nào nhỉ? – “địa ngục”, chữ ấy miêu tả hoàn hảo được quang cảnh. Ba người nằm trên mặt đất, thìa chặn ngang miệng để tránh cắn đứt lưỡi. Khoảng sáu nhân viên nhà ga nữa cũng ở đây, nhưng tất cả bọn họ chỉ ngồi trên các luống hoa, ôm đầu kêu khóc. Khi tôi ra khỏi cửa, một cô gái khóc thảm hại. Tôi không biết phải nói gì. Tôi chẳng hiểu chút nào về chuyện đang xảy ra.
Tôi túm lấy một nhân viên nhà ga và bảo: “Tôi từng làm việc cho Đường sắt Nhật Bản. Tôi đã quen đối phó với các tình huống nguy cấp. Tôi có giúp được theo cách nào đó không?” Nhưng ông ta cứ thất thần nhìn vào khoảng không, chỉ nói được mỗi câu: “Vâng, giúp đi.” Tôi quay sang những người khác đang ngồi ở đó. “Đây đâu phải lúc khóc,” tôi nói. “Chúng tôi đâu có khóc,” họ trả lời, dù trông thì đúng là họ đang khóc. Tôi ngỡ họ đau buồn trước cái chết của các đồng sự.
“Đã có ai gọi xe cứu thương chưa?” tôi hỏi và họ nói đã gọi rồi. Nhưng khi tôi nghe thấy tiếng còi xe cứu thương thì có vẻ nó không đến chỗ chúng tôi. Vì lý do nào đó, chúng tôi là những người cuối cùng được cứu giúp, cho nên những người ở trong tình trạng nghiêm trọng nhất lại được đưa đến bệnh viện muộn. Kết quả là hai người đã chết.
Những người quay phim của Truyền hình Nhật Bản đang quay toàn bộ quang cảnh. Họ đỗ xe ở gần đó. Tôi chạy theo tốp làm phim, nói: “Bây giờ không phải lúc quay phim! Nếu các anh có phương tiện chuyên chở thì đưa những người này đến bệnh viện đi!” Tài xế bàn bạc với nhóm quay phim một chút rồi nói, “Được rồi.”
Khi làm việc cho Đường sắt Nhật Bản, tôi luôn được khuyên nên mang theo một khăn quàng màu đỏ. Gặp trường hợp khẩn cấp bạn có thể vẫy nó để dừng xe lửa lại. Nên tôi đứng đó và nghĩ tới “khăn quàng”. Ai đó cho tôi mượn một chiếc khăn tay nhưng nó bé quá nên rốt cuộc tôi đã đưa nó cho một người tài xế của tốp làm phim của đài truyền hình, dặn: “Đưa những người này đến bệnh viện gần nhất. Đây là một vụ khẩn cấp nên nếu cần thì anh cứ bấm còi, chạy vượt đèn đỏ! Cứ đi là đi, không dừng lại!”
Tôi đã quên mất chiếc khăn tay ấy màu gì; chỉ nhớ nó có in hình gì đó. Tôi cũng không nhớ đã bảo anh ta vẫy nó hay buộc vào gương mặt bên. Lúc đó tôi khá kích động cho nên trí nhớ không rõ rệt. Sau này, khi tôi gặp ông Toyoda, ông nhắc tôi nhớ lại: “Tôi không trả cô chiếc khăn tay được.” rồi cho tôi một chiếc mới. Bị say xe ở ghế sau, ông đã dùng chiếc khăn của tôi.
Chúng tôi chật vật khiêng Takahashi, một nhân viên nhà ga đã chết, vào phía sau xe cùng với một nhân viên khác. Vẫn còn chỗ nên thêm một nhân viên nữa lên xe. Tôi nghĩ khi đó ông Takahashi vẫn còn sống. Nhưng thoạt nhìn ông tôi đã nghĩ: “Ông ấy đi rồi.” Không phải vì tôi từng chứng kiến cái chết, tôi chỉ linh cảm chắc chắn là vậy. Tôi có thể hình dung ra nó; ông ta đang chết như thế. Nhưng dù sao, tôi vẫn cứ phải cố giúp.
Người tài xế nài nỉ, “Cô đi với chúng tôi nhé,” nhưng tôi nói, “Không, tôi không đi.” Vẫn còn nhiều người khác đang được mang lên mặt đất và phải có ai đó trông nom họ cho nên tôi ở lại. Tôi không biết chắc chiếc xe đi đến bệnh viện nào. Tôi cũng không biết sau đó họ ra sao.
Nhưng có một cô gái cạnh đó, khóc lóc, run rẩy suốt. Tôi ở lại với cô, cố an ủi cô, nói: “Đây đây, mọi sự ổn cả mà,” cho tới khi xe cứu thương đến. Suốt thời gian đó, tôi trông nom nhiều người khác nhau, tất cả đều mặt mày trắng nhợt, phờ phạc. Một người, nom sắc diện trông khá già, đang sùi bọt mép. Tôi không ngờ con người ta lại có thể sùi bọt mép ra đến thế. Tôi cởi cúc áo sơ mi, nới lỏng thắt lưng của ông rồi bắt mạch cho ông. Mạch rất nhanh. Tôi cố làm ông tỉnh lại nhưng vô ích. Ông đã mê man hoàn toàn.
“Ông già” này thật ra là một nhân viên nhà ga. Chỉ là ông đã cởi áo khoác đồng phục. Ông xanh xao và tóc thưa nên tôi lầm là một hành khách nhiều tuổi. Sau tôi được biết ông là Toyoda, đồng sự của hai nhân viên nhà ga đã chết kia [ông Takahashi và ông Hishinuma]. Ông là người duy nhất trong ba nhân viên nhà ga bị thương còn sống sót, và là một trong những người nằm viện lâu nhất.
Xe cứu thương đến. “Ông này tỉnh không?” họ hỏi. “Không!” tôi hét lên đáp. “Nhưng thấy còn mạch!” Kíp cứu thương ụp mặt nạ ôxy vào miệng ông. Rồi họ nói: “Còn một cái nữa [nghĩa là một mặt nạ hô hấp nữa]. Nếu còn có ai khác đau thì chúng tôi sẽ mang họ đi luôn.” Thế là tôi hít một ít ôxy còn cô gái khóc lóc ấy thì làm một hơi dài. Chúng tôi chưa kịp hít xong thì đám truyền thông ập đến. Họ vây quanh cô gái và cô gái tội nghiệp ấy xuất hiện trên màn hình suốt cả ngày.
Trong khi chăm sóc mọi người, tôi hoàn toàn quên mất sự đau đớn của bản thân. Chỉ khi nói đến ôxy tôi mới chợt thấy, “Nghĩ mà xem, mình cũng đang thở thật kỳ cục.” Nhưng ngay lúc đó thì tôi không liên hệ vụ đánh hơi độc với tình trạng của mình. Tôi chưa sao thì phải trông nom những người thật sự bị tổn thương thôi. Tôi không biết sự cố là gì nhưng dù bất cứ gì thì nó cũng là một sự cố lớn. Và như đã nói trên kia, tôi đã cảm thấy không khỏe từ sáng nên tôi tin cảm giác hơi chuếnh choáng đang có lúc đấy là do chính mình.
Giữa lúc xảy ra tất cả các chuyện này, một đồng nghiệp của tôi đi qua. Anh giúp tôi cứu cô gái ra khỏi vòng vây của giới truyền thông. Rồi anh đề nghị tôi cùng đi bộ đến công ty, và tôi nghĩ: “OK, ta sẽ đi bộ đi làm.” Từ Kasumigaseki đến công ty tôi mất chừng ba mươi phút đi bộ. Trong khi đi tôi thấy hơi khó thở một chút nhưng không tệ đến nỗi phải ngồi xuống nghỉ. Tôi vẫn đi được.
Khi chúng tôi đến công ty, sếp đã thấy tôi trên tivi nên ai nấy đều hỏi, “Cô Izumi, cô thật sự không sao chứ?” Lúc đó đã mười giờ. Sếp bảo, “Hay là cô nghỉ một chút? Không nên tự hành mình quá,” nhưng tôi vẫn thật sự không biết chuyện gì đã xảy ra nên vẫn tiếp tục làm việc. Một lúc sau, phòng Nhân sự gửi thông báo: “Có lẽ là hơi độc, vậy nếu cô cảm thấy có dấu hiệu không khỏe thì phải báo ngay cho bệnh viện.” Và chính lúc đó tình trạng của tôi xấu đi. Họ cho tôi lên một xe cứu thương ở giao lộ Kamiyacho rồi đưa tôi đến bệnh viện Azabu, một bệnh viện nhỏ gần đó. Tại đây có hai chục người đã được chở đến.
Suốt một tuần sau đó tôi có những triệu chứng giống như cảm lạnh. Tôi ho suyễn, và ba ngày sau thì sốt cao, nhiệt độ tăng quá 40 độ C. Tôi chắc nhiệt kế phải vỡ mất. Thủy ngân nhảy vọt thẳng lên đầu cùng thang độ. Cho nên nhiệt độ thật của tôi có thể còn cao hơn thế nữa. Tất cả những gì tôi biết là tôi hoàn toàn bị bất động.
Ngay cả sau khi đã hạ sốt, tiếng khò khè vẫn dai dẳng chừng một tháng sau đó nữa; rõ ràng đó là hậu quả của sarin trong phế quản tôi. Đau không thể ngờ được. Tôi muốn nói là hễ cất tiếng ho là tôi không thể ngừng nổi. Đau đến nỗi tôi không thở được. Tôi ho suốt ngày đêm. Tôi đang nói bình thường thế này là nó thình lình bắt đầu. Ở bộ phận quan hệ công chúng, ông phải gặp gỡ nhiều người, nên làm việc mà ho khù khụ như thế thì quả thật là gay.
Và tôi cứ bị ngủ mê. Hình ảnh những nhân viên nhà ga cắn ngang thìa ở miệng bám chặt trong óc tôi. Trong các giấc mơ, có hàng trăm thân người nằm trên mặt đất, hàng này nối hàng kia đến tận xa xăm. Tôi không biết đã bao nhiêu lần mình thức dậy giữa đêm. Kinh hoàng.
Như tôi đã nói, ở chỗ chúng tôi đứng trước Bộ Thương mại và Công nghiệp, có những người sùi bọt mép. Một nửa con đường rải nhựa đó là địa ngục tuyệt đối. Nhưng ở nửa bên kia, người ta vẫn rảo bộ đi làm như thường lệ. Đang săn sóc một ai đó, tôi nhìn lên và nhìn thấy người qua đường liếc về phía chúng tôi với vẻ như hỏi: “Ở đó xảy ra chuyện quỷ gì thế kia?” nhưng không ai lại gần. Tựa hồ chúng tôi là một thế giới tách biệt. Không ai dừng bước. Tất cả họ đều nghĩ: “Chẳng dính dáng gì đến ta.”
Mấy nhân viên bảo vệ đứng ngay trước mắt chúng tôi tại cổng Bộ. Ở đây chúng tôi có ba người nằm thẳng cẳng trên đất, tuyệt vọng chờ xe cứu thương mãi không thấy đến. Nhưng không ai ở Bộ này gọi hộ người ứng cứu. Họ cũng chẳng buồn gọi cho chúng tôi một chiếc taxi.
Sarin được rải lúc 8 giờ 10, vậy mà hơn một tiếng rưỡi sau xe cứu thương mới tới. Suốt thời gian ấy, những người kia cứ mặc cho chúng tôi ở đây. Thỉnh thoảng tivi chiếu cảnh ông Takahashi nằm chết với chiếc thìa ở miệng, nhưng thôi. Xem thứ đó tôi không chịu nổi.
MURAKAMI:Thử giả định nhé, nếu cô là một trong số những người đang đi làm ở phía bên kia đường lúc đó thì sao. Cô có nghĩ là sẽ qua đường để giúp đỡ không?
Có chứ, tôi nghĩ như vậy. Tôi sẽ không thể lờ họ đi, bất kể chuyện đó có bất thường thế nào đi chăng nữa. Tôi sẽ băng qua đường. Sự thật là mọi chuyện khiến tôi muốn bật khóc nhưng tôi biết nếu tôi mất kiểm soát thì sẽ là chấm hết. Chẳng ai bình tĩnh xử lý tình hình cả. Thậm chí không ai quan tâm đến những người đang bệnh. Tất cả cứ bỏ mặc chúng tôi ở đó mà đi lướt qua. Thật vô cùng kinh khủng.
Về những tội phạm rải hơi độc, tôi thật lòng không thể nói mình cảm thấy giận dữ hay oán hận chúng tới đâu. Tôi cho rằng chẳng qua là tôi không nghĩ tới chúng, và hình như tôi không thể tìm thấy những cảm xúc đó ở trong mình. Tôi chỉ nghĩ đến những gia đình phải gánh chịu tấn thảm kịch ấy, với tôi nỗi đau của họ còn lớn hơn nhiều so với bất cứ cơn giận hay nỗi oán hận nào mà tôi có thể cảm thấy đối với bọn tội phạm. Việc một kẻ nào đó thuộc giáo phái Aum mang sarin lên xe điện ngầm… không phải là vấn đề chính. Tôi không nghĩ đến vai trò của Aum trong vụ đánh hơi độc.
Tôi không bao giờ xem các chương trình tường thuật trên tivi hay bất cứ ở đâu về Aum. Tôi không muốn. Tôi không có ý định sẽ trả lời phỏng vấn. Nếu phỏng vấn mà giúp được những người đau khổ kia hay gia đình của những người đã chết thì đồng ý, tôi sẽ tới và nói chuyện, nhưng chỉ khi họ thực sự muốn biết cái gì đã xảy ra mà thôi. Tôi không thích thông tin đại chúng đưa tôi ra múa may nhí nhố.
Dĩ nhiên xã hội phải trừng trị nghiêm khắc tội ác này. Đặc biệt là khi xem xét đến gia đình những người đã chết, sẽ không thể có chuyện phủi tay dễ dàng. Các gia đình ấy cần phải làm gì đây…? Nhưng ngay cả khi các tội phạm kia có bị tử hình đi nữa thì rốt cuộc cũng giải quyết được gì chứ? Có thể tôi quá nhạy cảm với chuyện chết chóc của con người, nhưng dường như với tôi, án quyết có nặng đến đâu thì ta cũng chẳng ăn nói được gì với những gia đình kia cả.
Ngầm Ngầm - Haruki Murakami Ngầm