Số lần đọc/download: 1389 / 7
Cập nhật: 2015-11-06 17:06:23 +0700
Chương 4
H
ạnh tựa người bên cửa sổ nhìn ra vườn. Trăng càng lúc càng lên cao càng sáng lạ thường. Cả vườn cây thấm đẫm sương đêm. Lá rì rào du dương như một bản đàn êm dịu. Đàn ve mỏi mê không còn sức tấu nhạc, do đó khu vườn tràn đầy tiếng thì thào bí mật xứng hợp với những điều bí mật trong lòng nàng.
Gió nhẹ mơn man lên hai cánh tay trần. Hạnh miết những ngón tay ấm của mình lên vai. Đêm huyền hoặc và tuyệt đẹp. Hạnh không thể nào ngủ được. Đã lâu lắm rồi, Hạnh mới được vui như đêm này, như ngày này. Và cũng lâu lắm rồi Hạnh mới thấy mình sống lại những ngày tuổi hai mươi với trọn vẹn tình cảm của tuổi trẻ. Cái lốt trịnh trọng, mực thước của một cô gái ý thức mình đã quá tuổi xuân thì biến đâu mất, còn lại trong Hạnh một Hạnh tươi trẻ, bừng tỉnh sau giấc ngủ đông.
Hạnh ấp tay vào hai má, da mặt nóng bừng. Hạnh biết nó đã ửng hồng từ sáng nay, bởi những ánh mắt nụ cười, cái nhìn trầm ấm, tin cậy.
- Anh Long.
Tiếng kêu vừa thoát ra, Hạnh đã giật mình nhìn chung quanh. Không có ai, đêm vẫn yên ắng và trên giường Phượng đang ngủ say. Long, người đàn ông nghiêm nghị đó không ngờ đã chiếm lĩnh một chổ đáng kể trong tâm hồn Hạnh. Chỉ mới ngày hôm qua một đêm quen biết mà hai người đã có cảm giác thân tình như đã quen biết từ lúc nào rồi.
Nghiêm trang nhưng trung thực và cởi mở, ông Long đã từng giờ giúp Hạnh tự khám phá ra chính mình, rằng Hạnh vẫn còn trẻ còn đẹp, còn có thể tin vào tương lai và trong cuộc đời này vẫn có những người đàn ông biết nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn của một cô gái để mà trân trọng và quý mến.
Thật ra Hạnh không phải là một cô gái "ế ". Trước đây, đã có rất nhiều chàng trai cảm mến cái nhan sắc và tính tình dịu dàng của Hạnh. Những ngày đi học không ít bạn học cùng trường đeo đuổi, những người hàng xóm mối mai. Thế nhưng Hạnh chưa yêu ai thật sự, yêu theo cái cách dữ dội của tình yêu nghĩa là có thể mặc cho tất cả, bất chấp mọi trường hợp lý do, để sống chung được với người mình yêu. Trong khi đó hoàn cảnh gia đình Hạnh lại có rất nhiều vấn đề.
Hạnh là con út của một gia đình năm anh em, ba trai một gái. Người chị gái đầu là má Phượng, lấy chồng sớm và theo chồng vào tận Sài Gòn lập nghiệp. Người anh thứ hai, thứ ba còn ở xa hơn, tận Cần thơ, lấy vợ Nam và cũng rất ít khi về. Người anh kế mới lấy vợ cách đây ba năm, theo ngành lâm nghiệp làm việc tại Đà Lạt. Chỉ còn Hạnh là gái ở lại với ba mẹ. Hai người ngày càng già yếu, Hạnh không muốn rời xa. Cứ nghĩ đến việc ba mẹ thui thủi một mình trong căn nhà vắng, Hạnh đã thấy mủi lòng.
Càng ngày vị trí của Hạnh trong gia đình càng quan trọng hơn lên. Các anh các chị ở xa, bận bịu con cái, công việc, sinh kế, ít có dịp về thăm nhà, chỉ có những bức thư an ủi thăm hỏi, những món quà vấn an. Còn trên thực tế, Hạnh mới chính là người trực tiếp lo toan từ tinh thần đến vật chất cho ba mẹ, nhất là từ ngày ba mẹ già yếu, không còn buôn bán hoặc làm vườn. Khu vườn bắp bên cồn Hến trở nên xa xôi đối với người lớn tuổi. Do đó, ba mẹ Hạnh cho người bà con làm rẻ và như vậy huê lợi thu nhập nhờ vườn kể như không có.
Khổ nỗi, mặc dù thương em út, nhưng vì ở xa, nên các anh chị đành trao trọng trách chăm sóc ba mẹ cho Hạnh. Có Hạnh, ai cũng yên tâm với công việc của mình. Có lẽ vậy mà các anh chị càng ngày càng thưa những lời giục giã em gái đi lấy chồng. Lâu dần, mọi người đều có cảm giác như Hạnh không lấy chồng hoặc không lấy được chồng và xem việc nuôi dưỡng sớm hôm của Hạnh với ba mẹ là chuyện bình thường, đến nỗi Hạnh cũng nghĩ như vậy. Hạnh bằng lòng với số phận và vui sướng làm một người con hiếu thảo, mặc dù thỉnh thoảng vẫn có vài người mai mốt đánh tiếng, lúc đó, Hạnh chỉ cười và mẹ lại thở dài nói:
- Con Hạnh của tui nó không chịu, cứ đòi ở rứa nuôi tui thôi.
Nhưng hôm nay mọi việc đổi khác. Hạnh không còn là Hạnh thường ngày. Cô Hạnh khép kín, ngày hai buổi lặng lẽ đi đi về về vui với công việc may vá, bếp núc và chăm lo cha mẹ già đã nhường chỗ cho cô Hạnh tươi trẻ. Tình yêu, niềm vui và sức sống đưa Hạnh trở về cái thời mơ mộng hồi đi học. Cuộc gặp gỡ bất ngờ đã trở thành kỷ niệm đẹp không thể nào quên.
Ngay từ lần gặp đầu ở trường Quốc gia Âm nhạc, Hạnh đã nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên của ông Long. Sau đó là những cử chỉ lịch sự, chăm sóc, cố tình được gần Hạnh. Dù sao với tuổi đời, Hạnh đủ tinh tế trong nhận xét để biết rằng người đàn ông này đang để ý mình. Riêng Hạnh, nàng cũng cảm thấy lòng vui không ngờ. Dần dần trong câu chuyện trao đổi, Hạnh tự nhiên có cảm tình và thấy mến ông Long. Mãi đến tối nay, khi ngồi uống trà ngắm trăng, ông Long đã tâm sự với Hạnh về cuộc đời mình.
- Cuộc đời của tôi là một chuỗi những thành đạt. Năm 22 tuổi, tôi đã tốt nghiệp trường kịch nghệ với hạng ưu và trở thành diễn viên nổi tiếng mà không phải kinh qua thời gian tập sự lận đận như những người khác. Rồi sau đó, chán nghề diễn viên tôi học khóa đạo diễn và cũng thành công với nghề của mình. Chuyển sang điện ảnh, tôi cũng không kém các đồng nghiệp khác. Dưới quyền tôi là hai đoàn kịch nói và những bộ phim đoạt nhiều giải thưởng lớn, tôi có đủ tiền bạc, nhà cửa. Năm 30 tuổi, tôi cưới Mộng Thu, một nữ họa sĩ nổi tiếng và cũng là nhà vẽ kiểu thời trang sáng giá nhất nước. Tôi đúng là người sung sướng phải không cô?
Hạnh bối rối gật đầu:
- Dạ...thật tình sống ở tỉnh, tôi không biết nhiều và hoàn toàn về ông. Nhưng tôi có nghe tiếng.
Ông Long cười chua chát.
- Tôi biết cô nghe tiếng gì rồi. Việc chẳng ra gì của gia đình tôi phải không?
Hạnh cúi đầu không đáp. Ông Long im lặng nhìn Hạnh một giây rồi thở dài:
- Báo chí thì đồn đãi. Nhưng họ biết gì về chuyện của chúng tôi chứ?
Bỗng dưng ông Long giận dữ một cách bất ngờ. Ông đập mạnh tay lên thành ghế, nói chồm người về phía Hạnh gằn giọng. Hạnh bóp hai tay vào nhau vừa lạ lùng vừa ái ngại:
- Tôi... Tôi...
Ông Long bỗng cười lớn:
- Trời ơi, xin lỗi cô... Tôi thật điên... Cô đằm thắm và nhu mì thế này làm sao mà hiểu hết mọi việc.
Nhìn gương mặt ông Long, Hạnh chợt buồn cho ông, cảm thấy muốn an ủi ông chút ít. Nàng nói nhẹ nhàng:
- Tôi có thể không hiểu hết, nhưng vì sự quen biết và kính mến ông, tôi nghĩ rồi tất cả sẽ qua đi kể cả nỗi đau cũng như niềm vui.
Ông Long nhìn đăm đăm Hạnh, mắt ông ánh lên một chớp lửa lạ lùng:
- Cô nói đúng, Hạnh à, mọi việc đang qua, mà đối với tôi kể từ hôm nay nó đã trở thành quá khứ rồi. Cô có nghĩ vậy không?
Hạnh ấp úng:
- Dạ... Dạ...
Ông Long ngã người nhìn lên trên cao. Bầu trời xanh ánh trăng. Ông nói nhỏ như tiếng thì thầm:
- Tôi chưa bao giờ có được một đêm yên tĩnh và dịu dàng như đêm nay. Khung cảnh này, bầu trời nay, tôi không thể nào quên được.
Rồi ông quay sang Hạnh:
- Hạnh ơi, tôi xin nói một điều mong cô bỏ qua cho nếu cô không đồng ý. Nếu tôi nói rằng chúng ta sẽ còn gặp nhau nhiều hơn nữa, cô có bằng lòng không?
Hai má Hạnh đột nhiên nóng bừng như buổi trưa ngoài biển.
Nhịp tim rối loạn, nhưng trong sâu tận tâm hồn Hạnh một dòng suối mát bắt đầu đổ những giòng nước ngọt ngào. Hạnh run rẩy nhìn ông Long bằng ánh mắt vừa sợ hãi, vừa biết ơn.
Ông Long vẫn nói, giọng thì thầm như tiếng nói sâu kín nào đó phát ra.
- Ở tuổi này mà tôi lại nói với Hạnh những lời hẹn hò yêu đương chắc Hạnh sẽ nghi ngại. Bởi dù sao chúng ta chỉ mới quen nhau có một ngày trời. Nhưng nói cho cùng, ở tuổi chúng ta không có thời gian để chờ đợi hoặc chơi trò cút bắt hoặc e dè, tôi chỉ đề nghị với Hạnh hãy cho tôi và Hạnh có thì giờ cùng tìm hiểu nhau. Vì dù mới gặp nhưng tôi biết mình đã không lầm lẫn, thượng đế đã ban phúc cho tôi một lần nữa. Mong rằng linh cảm của tôi là đúng. Hạnh cũng có chút tình cảm với tôi chứ? Tôi van Hạnh đừng để tôi thất vọng.
Hạnh lặng người. Mọi sự xảy ra thật bất ngờ nhưng điều lạ là Hạnh không cho là bất ngờ. Hình như Hạnh đã đợi giây phút này lâu lắm rồi. Đợi mà không chờ. Và bây giờ nó đến, đến rất nhanh và dưới hình thức thẳng thắng không thơ mộng, không lãng mạn như trong tiểu thuyết. Nhưng chính nhờ vậy mà Hạnh cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy tin tưởng, hơn là những lời tỏ tình bình thường giữa hai kẻ yêu nhau.
Hạnh yêu ông Long chưa? Hạnh cũng không biết nữa, chỉ biết chắc chắn một điều, cạnh ông, Hạnh thấy thật bình yên và có cảm giác được che chở, được trìu mến dịu dàng. Bây giờ Hạnh phải nói như thế nào với ông đây. Hình như cũng chẳng cần phải nói vì ông cũng cảm nhận được những chuỗi tư tưởng đang xáo trộn lòng Hạnh. Ông Long nhẹ nâng mấy ngón tay Hạnh lên. Ông cầm rất nhẹ tựa cái nắm tay của ngưòi cha đối với đứa con bé bỏng, rất thương yêu và trân trọng. Và điều đó làm Hạnh bật khóc.
- Hạnh, Hạnh... Sao Hạnh lại khóc? Tôi đã làm điều gì để Hạnh không vừa lòng? Hạnh nói đi.
Ông Long cuống quýt, Hạnh lau vội giòng nước mắt mỉm cười:
- Không, tôi... Hạnh nghĩ là ông còn gia đình con cái...
Ông Long đưa hai tay lên trời:
- Trơì ơi, tôi tưởng Hạnh biết tất cả rồi chứ?
Hạnh ngơ ngác:
- Dạ... Hạnh chỉ nghe gia đình ông có nhiều vấn đề...
Sắc mặt ông Long chợt đanh lại. Ông rút một điếu thuốc, định châm lửa nhưng lại vò nát quăng đi.
- Tôi sẽ nói khái quát cho Hạnh nghe, còn kiểm chứng và tìm hiểu thì Hạnh cần có thời giờ. Tôi lấy Mộng Thu và chúng tôi đã có một thời gian dài hạnh phúc. Có điều ngược đời là tuy tôi là một diễn viên, một đạo diễn, nhưng tôi rất mực chung thủy với vợ mình. Trái lại, Mộng Thu sống rất buông thả. Viện cớ tôi thường rày đây mai đó, không có thì giờ chăm sóc nàng, Thu phụ tôi ngoại tình ngay chính ngưòi bạn thân của chồng. Tôi không thể chịu đựng hơn nữa yêu cầu Thu dứt khoát chọn lựa. Nàng chấp nhận cuộc sống ly thân để thử thách trước khi ly dị như lời khuyên của tòa án. Hầu như bốn năm nay, chúng tôi không còn gặp mặt nhau một ngày nào. Tôi nghĩ ngày quyết định chính thức cũng đã đến lúc rồi. Sau chuyến đi lưu diễn này, tôi sẽ về Sài Gòn xúc tiến việc ly dị cho xong. Đau đấy, nhưng không thể không dứt khoát một lần.
- Còn con cái...
- Con. Chúng tôi chỉ có một mụn gái duy nhất và cháu đã xa chúng tôi vĩnh viễn rồi.
Sự thực của gia đình ông Long, ai phải ai trái, Hạnh không thể hiểu được vì chỉ mới nghe có một bên. Nhưng điều duy nhất chính xác là gia đình ông Long không còn hạnh phúc, sự đổ vỡ hẳn phải đến. Nhìn nét mặt ông Long, qua giọng nói, Hạnh với cái nhạy bén của một phụ nữ hiểu rằng tình yêu đã chết trong gia đình đó, sự nghiệt ngã của cuộc sống và tính cách của hai ngưòi đã khiến họ xa nhau. Nhưng liệu họ có trở về lại với nhau chăng? Tình cũ không rủ cũng tới mà. Nghĩ vậy thôi Hạnh đã nghe lạnh cả người. Ánh mắt mờ đi, niềm thất vọng tràn ngập lòng.
- Tôi chẳng giấu Hạnh điều gì đâu. Hạnh có thể tìm hiểu cuộc đời và cả con người tôi, Hạnh có thể hỏi cả Mộng Thu, vợ tôi. Duy chỉ có một điều, tôi cần Hạnh tin tôi, một điều thôi, Hạnh có hứa với tôi không?
- Điều gì thưa ông?
- Khi nghĩ đến chuyện phải rời xa Huế, rời Hạnh, tự dưng lòng tôi xót xa và đau khổ lạ lùng... Tôi không dám nói Hạnh là tôi đã yêu. Nhưng tôi đoan chắc với Hạnh những cảm giác đó là có thật.
Hạnh run rẩy, ngồi lặng một lúc lâu. Trăng sáng quá, và vườn mát quá. Đó có phải là hạnh phúc. Hạnh phúc đơn sơ mà quá đỗi ngọt ngào. Tại sao mình phải so đo cân nhắc, phải đè nén trái tim rộn rã của mình. Nhưng dù muốn tiết chế, Hạnh cũng chợt hiểu rằng lý trí đã bất lực hoàn toàn, trái tim nàng đang rung một điệu nhảy mà không ai có thể ngưng được.
Ông Long và tất cả bạn bè đã ra về từ lâu mà Hạnh vẫn còn ngây ngất với cảm giác mới lạ trong đời. Mình yêu chăng, có đúng là mình đã yêu anh ấy. Hạnh thầm kêu tên anh với tất cả lòng thân ái:
- Anh Long, anh Long.
Đàn ve chợt bật lên những tiếng nhạc rộn rã, mới đầu lẻ tẻ nhưng sau nhịp nhàng đồng điệu như một ban nhạc vĩ đại trong sân vườn. Hạnh nói thầm.
- Hãy hát lên đi những con ve của ta. Hát lên bài hát vui nhất của các ngưòi.
Hạnh trở vào chỗ nằm. Từ ngoài vườn tiếng đàn ghi-ta hoà nhịp một giọng trầm ấm.
"Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã đưa em về chốn này, tôi xây mãi cuộc vui.
Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi những ngày ngồi ước mơ cùng người.
Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai, tạ ơn ai đã cho tôi còn những ngày quên kiếp sống lẻ loi.
Dù đến rồi đi, tôi cùng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời..."
(TCS)
Hạnh cố nhỏm dậy để xem tiếng hát từ đâu đến và ai hát, nhưng đêm yên tĩnh và tiếng hát như mơn man vỗ về dìu Hạnh vào cơn mơ màng rất đỗi ngọt ngào.