Nguyên tác: Want To Stay Alive?
Số lần đọc/download: 185 / 15
Cập nhật: 2020-06-07 21:39:53 +0700
Chương 4
T
in về việc trong một thành phố nổi tiếng hơn cả Monte Carlo bởi những người nhà giàu phù phiếm có một tên giết người đang hoạt động đã chễm chệ chiếm những trang đầu tiên trên các báo. Như bầy chim ăn xác thối, các nhà báo nước ngoài, các nhóm quay phim của các đài truyền hình độc lập và dân viết lách cùng truyền thanh đổ đến Paradise City. Họ tràn ngập các khách sạn và các mô ten và sẵn sàng chui cả vào lều ở khi thuê phòng gay go.
Tất cả bọn họ đều muốn săn tìm được bác gác cổng Jack Anders – người duy nhất nhìn thấy Đao phủ, nhưng đám người quấy rầy ấy không lần ra bác ta. Thị trưởng Hedley, sau cuộc gặp gỡ chớp nhoáng với giám đốc khách sạn Plaza Beach đã thuyết phục Anders rằng tốt hơn hết là bác nên về ở với người em ở Dallas, như vậy yên tĩnh hơn. Anders vốn sáng ý, ông hiểu ngay rằng nên ưng thuận. Những người giàu, những ông già bà lão kỳ quặc có thể quay lưng lại với ông nếu ông trở thành ngôi sao của màn ảnh truyền hình. Tắm trong những tia sáng đèn chiếu, xin lỗi, đó là dành cho họ, chứ không phải cho người gác cửa khách sạn.
Anders bí mật rời khỏi thành phố, nhưng trước đó, Beigler đã thẩm vấn ông, có mặt cả Terrell và ông thị trưởng Hedley.
Beigler biết rằng trước mặt ông ta là một chiến binh già, một người lọc lõi, đầu óc ông ta làm việc một cách minh mẫn, có thể hoàn toàn tin cậy vào lời khai của ông ta. Anders sẽ không phóng đại và tô điểm để tự phô trương, tuy nhiều người có thể bị cám dỗ như thế. Những điều Anders cho biết có thể tin cậy được.
— Chúng ta sẽ không vội vã, Jack ạ. – Beigler yêu cầu. – Một lần nữa ta sẽ trở lại tất cả từ đầu. – Ông nhìn vào sổ tay của mình. – Mrs. Browler bao giờ cũng ra khỏi khách sạn vào 9:45 à?
Anders gật đầu.
— Ngày nào cũng thế?
Anders lại gật đầu.
— Cái lệ đó lâu chưa?
— Từ ngày bà ta đến ở khách sạn chúng tôi… khoảng năm năm.
— Mrs. Browler là một nhân vật có tiếng tăm. Một người đàn bà kì quặc, phải không?
— Có thể nói như vậy.
— Việc bà ta vẫn ra khỏi vào thời gian ấy có nhiều người biết không?
— Có.
— Tốt, Jack ạ. Điều đó rõ rồi. Bây giờ đến phát bắn. Ông đứng nói chuyện với bà ấy… Khi đó mọi chuyện đã xảy ra. Hãy kể lại lần nữa chuyện ấy xảy ra như thế nào.
— Tôi đã nói rồi: căn cứ vào vết thương ở đầu, vào cách Mrs. ngã, tôi hiểu ngay rằng kẻ kia bắn bằng súng trường cực mạnh. – Anders bắt đầu giải thích. – Tôi nhìn tứ phía. Tên bắn tỉa chỉ có thể lấp ở hai ba chỗ, nhưng thuận tiện nhất là mái câu lạc bộ Pelota. Tôi nhìn về phía ấy và thấy tên giết người.
— Được, bây giờ kể chậm hơn. – Beigler ngắt lời ông ta. – Ông đã nói với chúng tôi rằng ông thoáng nhìn thấy tên giết người. Hãy cố chắt gạn từ đó ra một điều gì. Bây giờ tôi không đòi hỏi một sự kiện nào cả. Tôi quan tâm đến ấn tượng. Ông có hiểu tôi muốn nói gì không? Ấn tượng đó có đúng hay không, không quan trọng. Chỉ là tôi muốn biết cảm tưởng thôi.
Anders nghĩ ngợi.
— Tôi thấy sự chuyển động. Không hẳn là con người, mà là sự chuyển động. Nhưng tôi hiểu ngay: ở đấy có một người. Nó núp xuống sau bức tường chắn, còn tôi hiểu; đấy chính là tay bắn tỉa… và tôi chạy tới bắt hắn.
— Tôi hỏi không phải về chuyện ấy. – Beigler kiên nhẫn ngăn ông ta lại. – Ông nhìn thấy sự chuyển động và hiểu rằng ở đấy có một người. Rất hay, còn bây giờ ông có cảm tưởng như thế nào về người ấy?
Anders sững sờ nhìn Terrell và Hedley, rồi lại nhìn Beigler.
— Tôi cung cấp cho các ông những sự việc. – Ông ta lầu bầu.
— Các sự việc thì tôi đã ghi rồi. – Beigler vỗ vào cuốn sổ tay. – Còn bây giờ thì như thế này nhé, mò mẫm thôi. Ông thoáng nhìn thấy kẻ đó núp xuống sau bức tường chắn. Nó da trắng hay da màu? Nhưng ông đừng nghĩ… cái gì lập tức nhảy đến ngay trong đầu? Tôi chẳng cần ông có lầm hay không. Da trắng hay da màu?
— Da màu. – Anders lập tức chợt tỉnh ngộ và lắc đầu. – Chính tôi cũng chẳng biết tại sao tôi lại nói như thế nữa. Tôi không biết. Tôi chỉ nhìn thấy sự chuyển động, chứ không phải chính bản thân hắn.
— Nhưng có cảm tưởng hắn da màu chứ gì?
— Tôi không biết. Vâng… có lẽ là như thế. Mà có thể chỉ là nước da rám nắng. Tôi không thể tuyên thệ được. Nhưng nó da màu, quả thực là tôi có cảm giác như vậy.
— Nó mặc thế nào?
Mặt Anders thoáng lộ vẻ lo ngại.
— Làm sao tôi biết được? Tôi đã nói rằng…
— Sơ mi đen, trắng hay màu?
— Có lẽ màu. – Anders xoa cái cằm đổ mồ hôi. – Tôi cố gắng giúp các ông, nhưng các ông đừng dồn ép quá, không thì tôi sẽ không nói đúng sự thật.
Beigler nhìn Terrell, Terrell gật đầu.
— Tốt lắm, Jack, cám ơn. – Beigler nói. – Ông đã giúp chúng tôi rất nhiều.
Khi Anders ra rồi, Hedley nói một cách cáu kỉnh.
— Chẳng ra sao cả, giúp đỡ! Đúng là anh ép ông ta khai cung giả.
— Anders có cái nhìn đã được tập dượt. – Terrell nói một cách mềm mỏng. – Và ông ta có một bản danh sách đáng kể những trận chiến đấu đã tham gia. Đối với tôi, những cảm tưởng của ông ta quan trọng hơn cái gọi là những chứng cứ đáng tin cậy của những người làm chứng bình thường. Anders đã giúp chúng tôi rất nhiều.
Hedley nhún vai và đứng dậy.
— Ba vụ giết người! Vậy mà chúng ta có được cái gì? Chẳng có gì hết.
— Ấy là anh nhìn nhận thế thôi. – Terrell sửa lại cho chính xác hơn. – Còn tôi nghĩ rằng ta đã biết được đôi điều. Lawson ạ, anh không hình dung được công việc của cảnh sát. Hiện giờ chúng tôi có hai sợi dây: một sợi hoàn toàn cụ thể, sợi khác trừu tượng hơn. Chúng tôi biết rằng kẻ giết người có một kẻ nào đó giúp việc. Kẻ đó đã xì hơi lốp ô tô của Riddle để tên giết người có thể bắt gặp Lisa Mendoza một mình. Kẻ đó đeo thẻ vào cổ dề con chó của Mrs. Browler… tức là kẻ giết người có kẻ đồng lõa. Và có thể giả định kẻ giết người đó da màu. Thành thử tôi không đồng ý với anh rằng ta “chẳng có gì”.
— Ờ nhưng điều đó đem lại cho chúng ta cái gì? – Lawson Hedley hỏi. – Tên điên rồ ấy…
— Đừng nổi nóng, Lawson. Đi với tôi. – Terrell đứng lên, đỡ lấy khuỷu tay Lawson, dẫn ông đi dọc hành lang vào phòng các thám tử. Bên tất cả các bàn, công việc đang sôi nổi. Mỗi thám tử nói chuyện với một người làm chứng hoặc chứng kiến vụ giết Mrs. Browler, hoặc có nghe nói gì về phát súng bắn McCuen, hoặc biết điều gì về Riddle và người tình của ông ra; tất cả những người đó dính dáng đến mọi việc, họ khát khao nói ra những điều họ biết được, nói chung là vô dụng, nhưng vẫn có khả năng đưa cảnh sát nhích lại tí chút gần Đao phủ. Chuỗi những người tình nguyện đó kéo dài dọc hành lang, đi xuống phía dưới và ra đường. – Có người nào trong số những người đó, – Terrell nói, – có thể quăng cho chúng ta chiếc chìa khóa, Lawson ạ. Cảnh sát làm việc như thế đó. Sớm muộn gì chúng tôi cũng tóm được nó.
— Tôi phải nói gì với báo chí?
— Nói rằng chúng tôi đang tiến hành điều tra. Không nói gì hơn. – Terrell báo trước. – Điều đó rất quan trọng… nếu anh cần đổ lỗi cho ai thì cứ trút cả cho tôi. Hãy nói: cảnh sát đang làm việc cật lực, không ngơi tay.
Hedley gật đầu, đi trên thang qua bên dãy dài những người kiên nhẫn, mồ hôi mồ kê vì chờ đợi lâu, và ông ra gặp những nhà báo đang rình chộp ông.
— Vậy là cấp trên đã nhổ neo rồi, hãy xem chúng ta đang ở trong ánh sáng như thế nào. – Terrell nói và ngồi vào ghế bành. Ông vươn tay lấy tờ giấy rồi hí hoáy viết cái gì, chắt gạn từ các báo cáo của nhân viên của mình. – Một bức tranh đang hình thành. Nhưng lý do hiện thời vẫn chưa rõ ràng. Tất cả ba nạn nhân đều là những người chơi bài brít hạng nhất và tham gia câu lạc bộ Năm Mươi. Ông rời khỏi bản ghi chép, ngẩng đầu lên. – Chúng ta biết gì về câu lạc bộ này?
Beigler biết Paradise City hơn Terrell nhiều, và cả hai đều biết rõ điều đó. Bất cứ Terrell hỏi câu gì hóc hiểm về thành phố, Beigler bao giờ cũng có sẵn câu trả lời rành rọt và sáng sủa.
— Câu lạc bộ Năm Mươi à? Đấy là một nơi giải trí hào nhoáng của giới thượng lưu… kết nạp hội viên nhất thiết theo quy tắc cá nhân. Tiền đóng góp gia nhập ngót mười lăm ngàn đô la. Hội phí hàng năm gấp hai lần như thế. Nếu anh được kết nạp thì hãy cho rằng anh gia nhập đội ngũ những bậc trưởng giả sừng sỏ nhất thành phố, nhưng anh phải biết chơi bài brít ở trình độ chuyên nghiệp.
— Như vậy McCuen, Riddle, và Mrs. Browler cùng trong một câu lạc bộ… có lẽ ở đây có cái gì… mà có lẽ chẳng có cái gì cả. Cần nói chuyện với một người nào ở câu lạc bộ. Đột nhiên tìm ra lý do gì đó thì sao? Thêm một điều lạ nữa: tên giết người biết lối sống của các nạn nhân của mình. Nó biết rằng Mrs. Browler ra khỏi khách sạn vào chín giờ bốn mươi năm. McCuen bao giờ cũng ra khỏi nhà vào chín giờ ba mươi phút, tối thứ sáu Lisa Mendoza sẽ đến bun ga lô. Một ý nghĩ đơn giản nảy ra: tên này là người địa phương.
Browler gật đầu.
— Cần phải tìm một kẻ có thể biết tất cả những điều đó. Có thể là một kẻ nào trong các nhân viên phục vụ câu lạc bộ. Thêm nữa cần nói chuyện với những người mà Riddle đã nhắc đến; trước khi ông ta từ trên vách núi lao xuống. Tôi sẽ phái người của ta đi.
Chuông điện thoại réo. Terrell cầm lấy ống điện thoại vừa nghe vừa lầu bầu cái gì, rồi nói:
— Được,… cám ơn… vâng, báo cáo trên bàn tôi – Ông đặt ống nói xuống. – Đấy là Melville. Họ đã kiểm tra khẩu súng tìm thấy trên nóc nhà. McCuen và Mrs. Browler bị giết bằng khẩu súng ấy, nhưng cố nhiên ở đó không có dấu tay. Danvaz đã nhận ra nó. Nhưng điều đó cho chúng ta cái gì? Chẳng có cái gì cả.
— Ít ra thì bây giờ tên khốn khiếp ấy cũng không có súng. – Beigler nhận xét.
— Hắn ăn cắp khẩu khác có khó gì? – Terrell bác lại và châm ống điếu.
o O o
Lepski căm ghét nhiều thứ trong đời này, nhưng đáng ngán nhất đối với anh ta là phải hỏi người làm chứng và viết biên bản. Anh ta cho rằng kẻ nào tự nguyện đề nghị hỏi cung mình thì kẻ đó đáng vào bệnh viện dành cho những người trí tuệ kém phát triển. Nhưng lẩn đi đâu được, công việc của cảnh sát mà không có những cuộc hỏi cung như vậy thì vô nghĩa. Khi có thể được, Lepski luôn tìm cách lẩn tránh việc đó, nếu không có lối thoát như lúc này, thì đành phải chịu đựng và cố nén tuy phải gắng gượng không ít công sức.
Max Jacoby ngồi bàn bên cạnh cũng đang mướt mồ hôi làm việc. Anh ta vừa thoát được lão già lắm lời đã thấy Mrs. Dunc Browler chết như thế nào. Lão già đưa ra một giả thuyết lạ lùng: tất cả là tại những quả giả trên mũ bà ta. Lão già cam đoan với Jacoby rằng chính những quả đó khiến tên giết người tức giận và khiến hắn bóp cò súng. Rồi thì Jacoby cũng giải thoát khỏi lão ta, còn Lepski thoát khỏi một bà đứng tuổi cố giải thích với anh rằng con chó dễ thương của bà Browler chắc đã nhìn thấy kẻ giết người, chẳng lẽ cảnh sát không thể nào lợi dụng điều đó chăng?
Lepski và Jacoby nhìn nhau.
— Sống ra sao? – Jacoby hỏi, mỉm cười mệt mỏi.
Lepski ý thức rất rõ rằng mình cấp bậc cao hơn, cau có nhìn đồng nghiệp.
— Công việc của chúng ta như thế, – anh ta nói, – Muốn tìm thấy nước thì phải đào sâu.
Một ông già quần áo tã nát, mặt hum húp gieo phịch người xuống chiếc ghế trước bàn Jacoby. Cố nén tiếng rên rỉ, Jacoby đưa tay lấy tờ giấy mới.
— Tôi nghe đây, thưa ngài? Tên và địa chỉ của ông?
Trời ơi, Lepski nghĩ, những kẻ ba hoa biết bao!
Ba tiếng đồng hồ mà không được tích sự gì. Người ta đã thả những hình người bằng sáp ra cho đi dạo chơi! Anh ta ghim tờ biên bản cuối cùng của mình vào và với tay lấy thuốc lá, đột nhiên anh ta lọt vào đám mây hương thơm. Ngước mắt lên, anh thấy một cô gái ngồi trên chiếc ghế đối diện và bây giờ nhìn anh bằng cặp mắt mở rộng, đầy thông cảm.
— Tội nghiệp, các anh thật vất vả. – Cô ta nói dài giọng, Lepski cảm thấy cơn run phản bội ở đầu gối. Con búp bê này thuộc loại ta chỉ gặp trên những trang Playboy. Con chim này đủ sức làm cho cái xác đàn ông phải sống lại: một ả tóc vàng lộng lẫy, mắt to màu tím, lông mi khiến bức tượng đá cũng sẽ phải liếm mép. Còn thân hình mũm mĩm đến nỗi Lepski cảm thấy nghẹt thở. Liền đó anh nhận thấy cả Jacoby, cả lão già mặt hum húp, cả bốn thám tử thuê ở Miami về, cả ba cảnh sát tuần tra giữ gìn trật tự trong đám người xếp hàng – tất cả đều trố mắt nhìn cô gái đẹp ngồi trước mặt họ.
Lepski nhìn khắp phòng bằng con mắt dữ tợn, và mọi người miễn cưỡng trở lại với trách nhiệm của mình.
— Tôi nghe chị đây. – Anh ta nói oang oang bằng giọng cảnh sát. Cái giọng ấy làm cho đa số người cúi rạp xuống, nhưng nó không gây ấn tượng nào đối với cô gái. Cô chỉnh đốn lại một bên vú đồ sộ của mình để nó thoải mái hơn trong cái nịt vú, sửa lại một búp tóc xổ ra trong mái tóc mịn mượt sáng màu và nhắc lại:
— Các ông thật vất vả.
Lepski phát ra một tiếng ồn nhẹ, như con ruồi vô tình bay lọt vào chiếc phong bì. Ông già phù nề, mặt giống như miếng pho mát Hà Lan, cúi về phía trước và phả mùi tỏi vào mặt Lepski.
— Xin lỗi, thưa ông, nhưng lê đy nhỏ nhắn này nói đúng. – Ông ta hớn hở phụ họa. – Rõ ràng là các ông thật vất vả… làm việc hơi quá sức.
Lepski vò nhàu tờ giấy.
— Có lẽ anh làm việc với người làm chứng của anh đi chứ? Lepski quát lên với Jacoby. Giọng nói của anh ta đầy hằn học đến nỗi ông già phù nề ỉu xịu hẳn đi. Thế là Lepski quay về phía cô gái:
— Chị muốn nói điều gì đó chăng?
Cô gái nhìn anh ta bằng cặp mắt đầy khâm phục.
— Ô hô! Tôi đã nghe nói rất nhiều về cảnh sát ở đây, nhưng ông quả là cừ khôi… thật đấy.
Lepski sửa lại cà vạt.
— Này, thưa chị, công việc của chúng tôi ngập đầu ngập cổ. – Anh ta nói, giọng dịu hẳn đi. Vẻ khâm phục thành thật của cô gái đã có tác dụng. – Vậy chị có điều gì cần nói?
— Các bạn gái của tôi bảo rằng phải đến gặp các ông.
Lepski thở dài và lấy tờ giấy sạch.
— Xin chị cho biết tên và địa chỉ của chị.
— Tôi là Mandy Lucas. Tôi làm việc và sống ở câu lạc bộ.
— Câu lạc bộ nào?
— Câu lạc bộ ấy… Pelota.
— Chị sống ở đấy à?
Cô gái nheo cái mũi nhỏ xinh đẹp.
— Tôi có một phòng ở đấy… nói chung không thể gọi đó là cuộc sống được.
— Chị muốn cho chúng tôi biết điều gì chăng, Ms. Lucas?
— Nói chung các bạn gái của tôi bảo tôi phải đến các ông, tôi không tin chắc lắm… chà, ở nơi này mùi mẽ khó chịu quá! Quá đông người… nhưng tôi đã gặp ông! Ô hô! Khi tôi kể với các bạn gái về ông, họ sẽ bỏ hết quần áo trong ra.
Lepski tròn mắt lại. Anh ta liếc ngang Jacoby, anh chàng cũng đang trố mắt nghe câu chuyện giữa hai người, còn lão già phù nề thì cười khúc khích.
Sực nhớ bây giờ mình là thám tử loại một, Lepski nhoai người về phía trước và lấy một bộ mặt khá nghiêm khắc của cảnh sát.
— Ms. Lucas, chị muốn báo cho tôi biết điều gì?
Thu xếp vú bên kia cho thoải mái hơn, cô gái nói:
— Hãy gọi tôi là Mandy… Các bạn tôi không bao giờ gọi tôi là Ms. Lucas.
— Được, Mandy… – Lepski bắt chéo chân, vội chuyển chiếc bút bi từ phía bên phải bàn sang phía bên trái, làm phát ra một tiếng động sâu trầm nghe như tiếng đá rơi. – Bây giờ nói đi, cái gì dẫn chị đến gặp chúng tôi.
— Ông muốn biết thật ư? Tôi đã nói với các bạn gái rằng tôi đến đây làm quái gì, chỉ làm mất thời giờ… đúng là tôi đã nói thế thật đấy. – Cô ta chớp hai hàng mi dài. – Tôi biết ở đây các ông rối rít tít mù như thế nào. Nhưng bọn con gái cứ thúc tôi đến…
— U hu. – Thì ra thế, Lepski nghĩ, chưa biết chừng huyết áp sẽ tăng vọt lên cũng nên. – Đấy là công việc của tôi. Còn thời gian quỷ quái của tôi thì không phải là điều chị cần quan tâm… vậy chị nói đi.
— Ô hô! Ở đây nóng nực quá! – Cô ta đứng lên, ngúng nguẩy cặp đùi, kéo chiếc mi ni giuýp lên một chút để cho phần kín của cơ thể thở đôi chút, rồi lại ngồi xuống. – Mr. thám tử, ông đã có vợ chưa?
— Có rồi. – Lepski trả lời, hoàn toàn thất vọng.
Cô ta cúi người về phía trước, thì thầm với giọng tin cậy.
— Thế thì ông sẽ hiểu. Cái quần đùi dùng một lần này, thật là kinh khủng, chỉ muốn cởi ra thôi!
Mắt Lepski như muốn trồi hẳn ra.
— Thế vợ ông có bao giờ than phiền không? – Cô gái hỏi.
— Mandy! – Lepski nói, giọng khàn đặc. – Tôi yêu cầu chị, nói đi, chị đến đây để làm gì?
— Ô hô! Ôi, xin lỗi. Ông đừng cáu với tôi. Tôi thăm hỏi tí chút thôi mà. Thế thực tình ông muốn biết… không cười cợt chứ?
— Nói đi! – Lepski ra lệnh bằng giọng khiến con sáo sậu đang nói phải ngạc nhiên.
— Ờ, nói chung tôi đã thấy gã trai đó. Đúng là viên kẹo ngon lành! – Cô ta cúi về phía trước, phần trước áo hơi trễ xuống, và trước mắt Lepski hiện ra trong giây lát cặp vú của cô ta với tất cả sự choáng lộn của nó. – Nói chung tôi bình thản đối với những người nước da thẫm màu. Ồ không, ông đừng nghĩ rằng tôi có gì chống những người da màu. Ông hiểu đấy. Nhưng tôi dửng dưng với họ. Thông thường là như vậy. Tuy nhiên đối với bà già thì đôi khi… Nói chung anh ta là một người đàn ông, anh chàng này thì thật nhìn không chán mắt.
Lepski phát ra một âm thanh như tiếng ong vỡ tổ.
— Chị nhìn thấy con người đó khi nào, Mandy?
— Ngay sau phát súng kinh hoàng đó. Nó làm tôi thức giấc, tiếng súng ấy. Thế rồi tất cả sự ồn ào và hỗn loạn sau đó. – Cô ta kéo dây đeo nịt vú lên. – Cứ mỗi khi thức giấc thì tôi không phải là người nữa. Ông có thường như thế không? Ta hoàn toàn không phải là người… mắt như dính nhựa… đầu như gang.
Những ngón tay Lepski biến thành những cái móc.
— Chị đã nhìn thấy con người đó ở chỗ đỗ ô tô à?
— Ờ, ở đó người chạy đi chạy lại… ông có biết thế nào không?
— Tôi nghe chị đây.
Khi tôi thấy những con người đó, tôi nghĩ rằng quả thực đây là những con rối nhảy Mexico… ông ạ, chúng nhảy như người sống… trẻ em trông thấy bao giờ cũng ngã bổ chửng.
Lepski phát ra một âm thanh như tiếng cưa đĩa vấp phải cái mấu mắt.
Mandy nhìn chằm chằm anh ta.
— Mẹ tôi dạy tôi rằng khi phát ra một âm thanh như thế thì phải nói “pardon” (4).
4. Tiếng Pháp: xin lỗi. (ND)
Lepski đưa mắt nhìn vào sổ tay của mình, gắng hết sức tự chủ, và ngừng một lúc rồi nói:
— Thôi được, người ta nhảy cẫng lên như những con rối Mexico, rồi thế nào nữa?
— Tay cớm đáng thương ấy… tay cảnh sát ấy mà… anh ta nằm đấy. Thế là lúc đó cơn ngái ngủ của tôi bay biến. Khỏi phải nói! Mắt hầu như lòi ra! Lúc ấy gã đẹp trai nọ ra khỏi xe.
Lepski ngả người lên lưng ghế. Để trấn tĩnh, anh ta lẩm nhẩm mấy nhịp quốc ca.
— Chị thấy một người ra khỏi xe ở chỗ đỗ xe phải không?
Cô ta mở to mắt.
— Thì đúng vậy, tôi có nói gì khác đâu? Chính thế đấy. Nói chung khi tôi buột ra những điều mà chính tôi chẳng biết là nói gì. – Cô ta nhướn dậy khỏi ghế, dùng tay điều khiển cái váy thế nào đó, khiến tất cả mọi người trong phòng đều phải chú ý, rồi lại ngồi xuống. – Với các ông không bao giờ xảy ra chuyện như thế ư? Ờ, chẳng hạn các ông nói điều gì đó rồi sau quên sạch sành sanh. Các ông không vấp phải vấn đề như thế ư?
Lepski nới nỏng cà vạt.
— Không có vấn đề như vậy.
— Còn tôi thì cứ luôn vấp phải chuyện như thế. Tôi quả là khổ tâm vì chuyện ấy.
— Vậy chị đã nói rằng một người ra khỏi ô tô ở bến đỗ xe. Chính vì thế chị đến đây phải không?
— Vâng, bọn con gái cứ thôi thúc tôi, bọn nó bảo phải đến cảnh sát để kể về chuyện đó. – Cô ta cười rúc rích một cách bồn chồn. – Không, thực tình xin thứ lỗi cho tôi. Tôi biết chỉ tổ làm mất thời giờ của các ông, nhưng chúng nó…
— Chị không hề làm mất thời giờ của chúng tôi, – Lepski ngắt lời cô ta. – Tôi ngồi đây chỉ để thu thập tin tức. – Anh ta ghi nhanh cái gì trên giấy, rồi đẩy nó về phía cô gái. – Ở đây có ghi rằng tại bến đỗ xe nơi cảnh sát McNeil bị giết chết, một người da màu đã ra khỏi ô tô, và chính mắt chị nhìn thấy. Đúng không?
Nheo mắt kiểu người bị cận thị, cô ta chăm chú đọc những dòng đã viết, rồi gật đầu.
— Dường như đúng, nhưng có lẽ cần phải thêm rằng đấy là xe của tôi, ắc qui xe đã hết điện và xe nằm không đã một tháng trời.
Mặt Lepski đầm mồ hôi. Thiếu chút nữa anh ta đã bỏ lỡ một điều thực sự quan trọng, tất cả chỉ vì anh hoàn toàn mê mụ bởi luồng thông tin hoàn toàn vô nghĩa.
— Xin làm ơn nhắc lại cho.
Mandy nhắc lại câu cuối cùng.
— Vì thế bọn bạn gái cứ thúc tôi đến các ông, còn tôi nói các ông cần quái gì, các ông sẽ cho tôi là con dở người.
— Chẳng ai coi chị là dở người. – Lepski cam đoan với cô ta. – Bây giờ chị hãy kể chi tiết chị đã nhìn thấy gì.
Cô ta lại tròn mắt.
— Nhưng tôi đã nói hết với ông rồi mà.
— Làm ơn nhắc lại tất cả từ đầu.
— Trời ơi. Điều đó quan trọng đến thế ư?
— Hoàn toàn có thể, – Lepski nói, đưa khăn mùi xoa lên khuôn mặt ướt. – Hoàn toàn có thể như thế.
Hai giờ sau, sếp cảnh sát Terrell vào phòng làm việc của thị trưởng Hedley.
Hedley tái nhợt và kiệt quệ, vừa buông ống điện thoại. Ba tiếng đồng hồ không nghỉ, ông nghe tiếng gào thét loạn thần kinh của những người bạn giàu có của mình, mỗi người trong bọn họ chỉ đòi hỏi một điều: cảnh sát hãy bảo vệ tôi. Người nào cũng chỉ nghĩ về mình, thói ích kỷ trâng tráo ấy khiến thị trưởng phẫn nộ. Vì thế bây giờ thấy Terrell, ông thở dài nhẹ nhõm.
— Quái gở! Anh có biết người ta lũ lượt rời bỏ thành phố… như đi chạy nạn!
— Mặc, chúng ta sẽ phải đau đớn phiền não vì họ chắc? – Terrell vừa hỏi vừa ngồi xuống ghế bành.
— Thật chưa từng nghe ai nói thế! Sao anh lại có thể… cố nhiên là chúng ta phải phiền não vì họ!
— Chúng ta đã lần ra đầu mối.
Hedley chăm chú nhìn Terrell, rồi tươi tỉnh hẳn lên, nhoai mình về phía trước.
— Đầu mối thế nào?
— Đã có sự miêu tả tên giết người. Tôi đã nói với anh rồi mà, chúng ta sẽ đào bới, nhất định sẽ với được cái gì, nhưng tôi không ngờ kết quả nhanh đến thế.
— Thôi, đừng dề dà! Nói đi!
— Có sáu cô gái làm việc ở câu lạc bộ Pelota, họ là những người được trả lương để chơi bài cùng với khách. – Terrell bắt đầu, ngồi lại cho thoải mái hơn trong ghế bành. – Họ ở ngay trong câu lạc bộ, tầng trên cùng. Cửa sổ buồng họ trông ra bãi đỗ xe nơi McNeil bị bắn chết. Một trong các cô gái đó… Mandy Lucas… có chiếc Ford riêng, nhưng đã một tháng nay cô ta không dùng xe, nó để ở bãi phía sau câu lạc bộ. Cô ta nhìn ra cửa sổ và thấy đám đông xung quanh xác McNeil. Tiếp đó từ trong xe của cô ta hình như có một ngã trai chui ra và hòa vào đám đông. Xe đã ở trong sân của chúng tôi, ở sở. Dưới ghế ngồi sau, chúng tôi đã tìm thấy khẩu súng đã giết McNeil. Có lẽ tên giết người chui vào xe để trốn Anders, và khi Anders chạy qua rồi, và đám đông bắt đầu xúm xít xung quanh kẻ bị giết thì gã nhét khẩu súng xuống dưới ghế sau, ra khỏi xe và trà trộn với đám đông. Gã trai đó thần kinh thật vững, nhưng gã không tính đến một điều: có thể có người tình cờ ở bên cửa sổ, như Mandy.
— Được, được, tiếp đi, – Hedley nóng nảy ngả người lên lưng ghế bành. – Cô gái đó có thể miêu tả được gã chứ?
— Vâng. Cô ta khá ngu ngốc, nhưng cô ta thề rằng cô ta sẽ nhận ra gã trong cả ngàn người. Tôi không tin những lời cam đoan như thế lắm. Đã bao nhiêu lần những người làm chứng thề rằng họ nhận ra kẻ phạm tội, nhưng khi nhận dạng thì lại phạm sai lầm. Thực ra, cô ta cam đoan rằng gã trai đó là người da đỏ, cả Anders cũng có cảm giác như vậy. Cô ta nói rằng gã trạc hai mươi lăm tuổi, tóc đen dày rậm, vóc người khỏe đẹp. Phải, gã chính là gã da đỏ, chứ không phải da đen, cô ta nhấn mạnh như vậy… gã mặc một chiếc sơ mi hoa màu trắng pha màu vàng và chiếc quần bò màu xanh sẫm.
Hedley đập tay xuống bàn.
— Ờ, đấy đã là một điều gì đó. Rút cuộc ta đã mò được! Thế trên khẩu súng của gã có để lại dấu tay không?
— Không. Gã biết việc gã làm. Không để lại dấu tay.
— Anh đã cho báo chí biết đặc điểm của gã chưa?
— Chưa. – Terrell nhìn Hedley. – Cố nhiên sẽ phải làm điều đó, nhưng trước hết tôi muốn nói chuyện với anh. Anh biết không kém gì tôi rằng ở Paradise City hiện có những người da đỏ Seminole đang làm việc, căn bản là thanh niên, họ có không dưới một trăm người. Hầu hết bọn họ đều mặc sơ mi hoa và quần bò… có thể coi là đồng phục của họ. Đối với phần lớn dân thành phố của chúng ta, tất cả những người da đỏ đều cùng một bộ mặt. Với chúng ta sự miêu tả đó là chỗ dựa lớn, nhưng tai họa cũng không xa.
— Đúng. – Hedley cau trán, suy nghĩ. – Tôi hiểu anh muốn nói gì, nhưng chúng ta không còn lối thoát nào khác, Frank ạ. Tôi với anh bị cơ quan nhà nước phê bình dữ dội: kết quả đâu? Bây giờ tôi cho họp báo chí. Cái tin như vậy không thể che giấu được.
Terrell gật đầu.
— Người của tôi hiện đã ở ngoài đường phố, đang tập trung về khu người da đỏ. Gã trai đó là người địa phương. Điều này tôi không nghi ngờ gì hết. – Terrell đứng lên. – Giá như cô gái nói rằng kẻ giết người là người da trắng thì hay hơn.
— Nhưng ít ra ta đã biết được điều gì. – Hedley kết luận.
o O o
Meg nằm trên giường và quan sát con ruồi trên trần nhà. Cô đưa mắt nhìn đồng hồ: gần trưa. Thực ra lúc này chắc đã quá trưa một chút. Đồng hồ của cô cứ một giờ thì chậm mười phút, và nếu cô không vặn lại kim đồng hồ thì chẳng biết nó chỉ mấy giờ, song cô cóc cần.
Meg hoàn toàn kiệt sức vì buồn chán và chờ đợi.
Chuck đi từ lúc cô còn ngủ, và cho đến giờ vẫn chưa thấy mặt mũi đâu.
Meg nhắm mắt và chìm trong trạng thái thiu thiu. Ngủ và làm những điều ngu ngốc, nói chung cô không có khả năng gì hơn.
Thức dậy, cô thấy con ruồi vẫn bậu trên trần như trước. Cô bỗng chợt nghĩ ra, sợ hãi. Chuck đâu? Cô ngồi lên, hất chăn ra. Đã ngần ấy tiếng đồng hồ không có anh ở đây rồi ư? Chẳng lẽ anh đã bỏ cô?
Như cơn lốc, cô từ trên giường nhảy xuống, lao ra mở cửa sổ. Cô thò đầu ra và nhìn túp nhà nơi bà chủ mô ten ở. Mrs. Bertha Harris thoáng hiện ở cửa sổ. Ở chỗ đỗ xe không có xe. Chuck đâu? Cô lại nhìn đồng hồ. Muộn thế rồi ư? Không thể được! Cô áp đồng hồ vào tai. Máy quái quỷ, thậm chí không tích tắc nữa. Thì ra bây giờ có thể còn muộn hơn nữa. Hoang mang, cô xỏ quần, chui đầu qua chiếc xăng đay bẩn thỉu, xỏ chân vào dép, đâm bổ ra cửa. Nhìn thấy hình của mình trong chiếc gương nhỏ trên tường, cô dừng lại và nhìn mình chăm chú hơn.
Trời ơi! Bộ dạng nom đến gớm ghiếc!
Cô đâm bổ vào buồng tắm hương sen, té nước vào mặt, lau mặt và đưa lược qua mái tóc dài rối bù. Ra khỏi nhà tắm, cô thấy Chuck đứng giữa khung cửa mở toang.
— Anh đi đâu đấy? – Cô la lên. – Em chờ đến hết cả hơi…
Chuck đóng cửa lại. Nom anh ta có vẻ tập trung, cau có, điều đó làm Meg sợ.
— Gói ghém hành lý đi! – Hắn nói buông sõng, cụt lủn. – Ta rời khỏi đây.
Hắn tới gần tủ, vơ những đồ lề đơn sơ của mình và quẳng lên giường.
— Thế chúng ta đi đâu?
Chuck chộp lấy tay cô, vặn mạnh và phát vào mông, dữ dội đến nỗi cô thét lên.
— Gói ghém đồ lề đi.
Cô lùi lại tròn mắt nhìn hắn.
— Cần phải thêm nữa chăng? – Hắn hỏi, tiến lại gần với vẻ dậm dọa.
— Không, không!
Cô hối hả lấy chiếc ba lô dưới giường, nhảy tới tủ com mốt và bắt đầu quẳng đồ lề của mình lên giường, cạnh áo quần của hắn.
Cửa ngoài hé mở và Poke ngó vào nhà.
— Chuck. – Gã ra hiệu bảo Chuck ra khỏi nhà và bước theo sau.
— Gói ghém cả đồ lề của anh nữa. – Chuck ra lệnh cho Meg. – Năm phút nữa chúng ta đi. – Và hắn đến gần Poke.
Ba lô của Poke đã gọn gàng.
— Cô ấy thế nào, bình thường chứ? – Poke hỏi.
Chuck gật đầu.
— Phải đi đâu, làm gì, cậu biết chứ?
— Ờ.
— Hãy nói chuyện rõ ràng với bà lão, có thể chúng ta còn thiếu bà ta cái gì chăng. Có điều với bà ta, cậu nên cư xử có văn hóa tí chút.
— Điều đó chúng tôi đã từng học qua rồi. – Chuck lầu bầu một cách nóng nảy.
— Nếu cậu nhớ hết rồi thì tuyệt. – Poke cầm chiếc ba lô dưới đất lên. – Tớ cuốn gói đây. Đừng quên: mười giờ sáng, vào bất cứ ngày nào.
— Tớ sẽ đợi.
Poke đeo ba lô lên vai.
— Tiết mục cuối cùng không được trơn tru lắm. – Gã nói, dường như chẳng nói với ai. – Với lại nhiệm vụ không đơn giản lắm. – Gã nhìn Chuck, và mắt gã lóe lên. – Tên cớm ấy tự chuốc lấy họa vào thân.
Chuck im lặng.
— Đối với kẻ đã giết đồng đội của chúng, bọn cớm căm thù ghê gớm. Vì vậy cậu cũng bị chúng căm thù nếu chúng tóm được.
Mắt Chuck thu hẹp lại.
— Cậu thấy cần dọa tớ à? – Hắn hỏi.
Poke chăm chú nhìn hắn.
— Tớ chỉ muốn cậu nhớ điều đó… với lại cô ấy cũng có thể mang tai vạ.
— Thôi được… Tớ hiểu hết.
— Tớ sẽ cho chúng nó biết tin về tớ. – Poke ra ngoài đường.
Chuck nhìn theo gã. Khi hắn khuất dạng, Chuck đi về phía ngôi nhà nhỏ của Mrs. Harris.
Mrs. Harris đang ăn miếng xúc xích hăm bua bọc trong tờ giấy dùng làm khăn ăn.
— Chúng tôi rời khỏi đây, thưa bà. – Chuck tuyên bố.
Mrs. ngẩng đầu lên cái và cằm bốn ngấn của bà ta biến thành hai ngấn.
— Các anh đã nói là sẽ ở lâu hơn kia mà.
Chuck đã có sẵn một câu chuyện bịa đặt.
— Chúng tôi tình cờ gặp những người bạn. Họ bảo chúng tôi đến chỗ họ. Chúng tôi đã trả tiền cả tuần rồi, phải không? Hãy xem xem ai còn nợ ai: Chúng tôi còn nợ bà hay bà thiếu tiền chúng tôi?
Mrs. Harris cắn một miếng xúc xích hăm bua, và vừa nhai vừa mở quyển sổ ghi.
— Có lẽ chúng ta sòng phẳng với nhau rồi đấy. – Bà tổng kết – Các ông còn hai ngày nữa, nhưng các ông không báo trước cho tôi.
— Vậy là rất ổn rồi, thưa bà. – Chuck đặt lên bàn một tờ đô la. – Đây là biếu chồng bà. Cám ơn bà. Chúng tôi ở mô ten của bà rất thoải mái. Nếu lại đến vùng này, nhất định chúng tôi sẽ dừng chân ở khách sạn của bà.
Mrs. Harris hớn hở.
— Các ông bao giờ cũng là những vị khách được hoan nghênh. – Bà ta đặt tờ đô la vào tay. – Thế ông da đỏ cũng đi à?
— Vâng… chúng tôi đi cả.
Hắn trở lại căn nhà nhỏ nơi Meg đang chờ hắn với hai chiếc ba lô đã xếp xong.
— Ta đi thôi. – Chuck ra lệnh, cầm ba lô lên.
— Đi đâu?
Hắn quay trở lại, nhìn cô một cách dữ tợn.
— Bao giờ em mới học được cách giữ miệng? – Hắn quát lên.
— Sao, em không được nói một lời nào ư? – Meg nổi giận, bộc lộ tính cách. – Không được hỏi chúng ta đi đâu ư?
— Thôi, tạnh đi!
Chuck mang ba lô ra chiếc Buick, ném xuống ghế sau và ngồi vào tay lái. Meg ngồi xuống bên cạnh.
— Thế Poke đâu? – Cô ta hỏi. – Chúng ta sẽ không đợi anh ta à?
Chuck chăm chú nhìn cô, và lần này cái nhìn của hắn khiến cô bứt dứt.
— Poke là ai? Em nói chuyện gì vậy? – Hắn hỏi và bật động cơ.
Cô toan mở miệng, nhưng ngậm lại ngay.
Chuck đóng mạch truyền động.
— Vậy là hơn.
Xe rời bãi đỗ và phóng trên đường nhựa về phía Paradise City.
Trong thành phố, Chuck cố gắng hết sức tránh những đại lộ trung tâm, cho xe qua ngõ cụt tới bến cảng, gần đến nơi, hắn tìm một chỗ đỗ xe, ngắt điện và ra khỏi xe.
— Nào đi. – Hắn ra lệnh, lấy ba lô của mình ra khỏi xe. – Lấy ba lô của em ra đi. Ta đi bộ thôi.
Gập mình dưới những chiếc ba lô nặng, họ đi dọc bờ biển. Ở phần này của bến cảng đang diễn ra cuộc buôn bán náo nhiệt bọt biển và rùa.
Rồi họ đi qua một trại mổ rắn mai gầm. Bên trên tòa nhà, một vòng nê ông đỏ hình con rắn cuộn khúc, cách đó một chút là tấm biển nhấp nháy: “Hãy nếm thịt rắn”. Họ chen qua đám đông dày đặc xung quanh chợ hoa quả. Rồi Chuck ra một ngõ mà hai bên có những dãy dài nhà gỗ hai tầng cũ kỹ, ọp ẹp. Chuck dừng lại ở ngôi nhà cuối cùng và ném chiếc ba lô xuống đất.
— Đừng đi đâu cả. – Hắn nói và vào cái khung cửa có treo những dải ni lông nhiều màu sặc sỡ để ngăn không cho ruồi vào nhà.
Ở cuối dãy hành lang ngắn và tối, một người Seminole to béo ngồi bên chiếc bàn và nhằn chiếc chân gà.
— Ở đây chúng tôi đã đặt thuê một phòng. – Chuck nói. Mr. và Mrs. Jones.
Người da đỏ giấu cái xương đã gặm vào đâu đó, hơi nhướn dậy, cho hai tay xuống dưới người và chùi ngón tay vào quần, rồi lại ngồi xuống. Ông ta mỉm cười, để lộ cái miệng đầy răng bịt vàng.
— Một phòng đang chờ ông bà, Mr. Jones. Tầng hai, bên trái, phòng ba.
— Tôi sẽ đưa vợ tôi lên. – Chuck nói.
Người da đỏ tiếp tục rạng rỡ vì hạnh phúc.
— Vâng, thưa Mr. Jones, cố nhiên rồi.
Đấy là căn phòng phía sau của họ, nhìn ra bến. Chiếc giường đôi, một tủ com mốt cọt kẹt và lung lay, một tủ ăn vào tường, và thật đáng ngạc nhiên, có cả máy điện thoại đặt trên chiếc bàn ở đầu giường. Ở đầu kia khoang cầu thang là nhà tắm và nhà vệ sinh hôi thối.
Meg bỏ ba lô xuống sàn và nhìn quanh căn phòng.
— Thực tình mà nói, Chuck ạ, đôi khi em nghĩ rằng anh sẽ “xin chào” em. – Cô thú nhận. – Tại sao lại rời khỏi mô ten? Ở đấy thật tiện lợi. Còn trong cái lỗ khủng khiếp này chúng ta quên đi được cái gì?
Chuck nhìn cô bằng cái nhìn đáng sợ.
— Mô ten nào?
Meg giật mình. Cô đưa hai tay ôm mặt.
— Chuck, thế là thế nào? Anh muốn coi em là con dở người à? Em hỏi anh về Poke, vậy mà anh nói: đấy là ai vậy? Bây giờ em… vậy mà anh nói: mô ten nào? Thế nghĩa là thế nào? Anh làm sao thế… hay không phải anh, mà là em làm sao?
— Anh thì ổn cả, bé em ạ. – Chuck bình tĩnh giải thích. – Chỉ có điều là chúng ta chưa bao giờ gặp Poke. Và chưa bao giờ nghỉ ở mô ten.
Meg thất vọng thọc hai tay vào mái tóc rối bù.
— Có nghĩa là em phải nói với cảnh sát như vậy chứ gì?
Chuck nhếch mép cười.
— Bé em ạ, em thấy đấy, thì ra em vẫn có đầu óc. Đúng, tất cả là như thế. Chẳng có Poke nào hết, cũng chẳng có mô ten nào hết.
Đột nhiên cô cảm thấy cha mẹ cô, những con người rầy rà, đáng khinh ghét, ngôi nhà đáng ghét của họ trở nên một thiên đường trần gian hứa hẹn sự cứu rỗi.
— Không, Chuck. – Cô nắm hai tay đấm vào trán. – Không! Em sẽ đi! Anh cứ việc ở lại với thằng da đỏ điên ấy! Em, không muốn biết gì nữa… Và em sẽ không nói gì với ai đâu! Đủ rồi, em sẽ đi!
— Thật ư?
Hắn nói điều ấy bằng giọng khiến cô đứng ngây ra tại chỗ. Hắn rút ra con dao có lò xo. Thấy lưỡi dao sáng loáng, cô lùi lại.
— Bé em ạ, em đi với chúng anh. – Hắn nói bằng giọng mềm mỏng. – Anh đã báo trước cho em và em đã nói: em đi với các anh. Nếu bây giờ em muốn ra khỏi trò chơi thì anh sẽ phải làm cho em sây sát đôi chút đấy. Chẳng lẽ em muốn cho đến chót đời cứ mang bộ mặt có vết sẹo ư?
Cô khiếp sợ nhìn con dao. Chuck cười thỏa mãn cất con dao vào túi.
— Thôi được, bé em, ta đi xem thành phố đi.
o O o
Poke Toholo bám chặt lấy chiếc cửa xe tải.
Người lái xe, một gã chắc nịch, thân hình một mẩu, mặt lấm chấm tàn hương, đầu hói, đang buồn chết người… chỉ muốn ba hoa chuyện dóc với một người nào đó… bất kể ai. Khi thấy Poke đứng bên lề đường xin đi nhờ xe, anh ta hãm phanh và giúp Poke đưa ba lô lên ca bin. Vừa ngồi cho thoải mái hơn và xe gầm rú lao về phía Paradise City thì người lái xe lên tiếng:
— Này, anh bạn. Anh định đi về vùng ấy là nhầm! Anh có nghe đài phát thanh không? Không à? Sao lại thế? Tôi chỉ nghe đài khi không ở nhà, ở nhà thì phải nghe vợ nói. Anh có nghe nói về Đao phủ không? Thì đấy… Vẫn là thế thôi! Giá như có cái gì mới, đằng này người ta vẫn nói về một chuyện như thế. Chán cả tai… nhưng bây giờ là chuyện hoàn toàn khác! Mọi người xung quanh chỉ bàn tán về tên bất lương đó! Thế anh ở đâu tới? Từ Jacksonville à? Phải, cố nhiên là tôi biết… Nghỉ phép hả? Đúng, người anh em ạ, cậu đi nghỉ phép không đúng chỗ rồi, tớ nói đích xác đấy! Tên đao phủ ấy… tớ cho rằng não nó nóng chảy rồi. Đài phát thanh vừa truyền đi: cảnh sát đang tìm một tên da đỏ nào đó. Chuyện ấy không phải do những tên ngốc nghếch bịa đặt ra đâu… cảnh sát của chúng tớ tinh khôn lắm. Nếu người ta đã tuyên bố là ba kẻ giàu sụ bị tên da đỏ giết chết thì đúng là như thế. Cậu hiểu không, tớ không hề thù ghét người da đỏ… nhưng đối với tớ, tất cả bọn họ đều như nhau… cậu hiểu chứ. Đừng cho rằng tớ phân biệt chủng tộc. Tớ cho rằng đối với người da đỏ, tất cả người da trắng đều như nhau. Phải thôi, lô gích lắm! Không, nhưng cậu thử hình dung xem! Những kẻ giàu sụ ấy bị gã da đỏ giết chết. Phải nói rằng tôi nghĩ như thế nào về việc ấy ư? Thế này này: tất cả mọi người đều tôn kính ba kẻ béo mập ấy. Thì đấy, đài vừa nói về gã nọ. Con đĩ Mandy Lucas đã chính mắt nhìn thấy gã nọ. Ả giải trí cho bọn nhà giàu ở Pelota. Về cái nhà này, tớ sẽ còn kể với cậu nhiều chuyện nữa. Đại loại là ả nhìn thấy gã kia ra khỏi xe của ả… cậu tưởng tượng ra không? Ra khỏi xe của ả! Bây giờ tớ lái xe đến tiệm cà phê lấy cái gì đó, còn ả vay vo trong chiếc xe con của ả… chiếc xe con! Con đĩ! Không, tớ cũng sẵn lòng đú đởn với một ả như thế. Mọi món của ả đều ngon lành. Chỉ riêng cặp vú đã đáng giá rồi. Nói chung, cảnh sát bảo vệ ả. Ả tuyên bố rằng ả nhận ra gã kia trong số một ngàn người, thế là cảnh sát định bắt tất cả người da đỏ trong thành phố đứng dàn thành hàng, sao cho không còn người nào ở nhà, còn ả chỉ việc trỏ tay vào gã kia. Cậu có thích thế không? Anh bạn ạ, tớ nói với cậu rằng người da đỏ lúc này tốt nhất là không nên ló mặt đến Paradise City… coi chừng kẻo người ta túm lầm đuôi thì lúc ấy đi mà làm cho rõ sự thể!
Nghe tràng ba hoa thao thao ấy, mặt Poke vẫn thản nhiên, nhưng cặp mắt đen của gã rực lửa.
o O o
Viên cảnh sát Wargate ngáp dài, vươn vai… đã đến lúc hút thuốc lá. Đã 2:45. Anh ta đứng canh ở bãi đỗ ô tô sau câu lạc bộ Pelota hai giờ trước. Trung sĩ Beigler ra chỉ thị cho anh ta:
— Này, Mike, – Beigler nói. – chỉ có thể vào buồng cô gái này bằng thang chữa cháy. Cô ta là người làm chứng duy nhất của chúng ta. Cậu chịu trách nhiệm về sự an toàn của cô ta.
Nhiệm vụ ấy làm phật lòng Wargate. Ai cần đến ả, con đĩ ấy, ả có nhiều danh dự cần phải bảo vệ đến thế ư? Nhưng anh ta ăn lương để làm việc đó, vì vậy phải thực hiện mệnh lệnh, anh ta khổ sở vì thèm hút thuốc và thương thân.
Poke từ sau góc nhà xuất hiện như một bóng ma đen, áp sát vào bức tường có bóng tối dày đặc đổ xuống. Tay gã cầm con dao. Gã bắt đầu quan sát Wargate đang thong thả đi đi lại lại. Từ câu lạc bộ vang ra tiếng trống gõ liên hồi, tiếng kèn sắc xô phôn rền rĩ. Wargate dừng lại, tựa lưng vào cái thang chữa cháy. Anh ta nhìn khắp cái bãi tràn ngập ánh trăng, chen chúc xe đậu. Còn nửa tiếng nữa câu lạc bộ đóng cửa, trước đó sẽ không có ai xuất hiện ở đây. Có thể hút thuốc được.
Lúc anh ta quẹt diêm, Poke ném con dao.
Tiếng thét của Wargate chìm trong tiếng gầm rú inh tai của kèn sắc xô phôn. Poke tiến về phía trước, rút con dao ra khỏi tấm thân và lau dao vào tay áo Wargate, rồi leo lên cái thang chữa cháy.
Ở cửa buồng của sáu cô gái sống ở tầng trên cùng của câu lạc bộ đều có biển đề tên. Vì vậy Poke tìm buồng của Mandy Lucas không khó khăn gì.
Khi gã hé mở cửa buồng, mùi nước hoa rẻ tiền và mùi mồ hôi xộc vào người gã.
Ánh trăng dội thẳng vào người cô gái đang ngủ. Sau khi trở thành người làm chứng chính, Mandy lập tức từ bỏ công việc ở câu lạc bộ. Cô ta chỉ có mỗi một việc là ngủ: tranh thủ ngủ bù.
Cô ta mơ thấy giây lát xúc động khi lần đầu tiên trong đời, ca mê ra truyền hình chĩa vào cô ta.
Bàn tay đeo găng tới gần cô ta. Cô gái tỉnh giấc, cảm thấy nghẹt thở, quẫy lộn trong cơn khiếp sợ, thân cô ta cong oằn đi, nhưng Poke bóp rất chặt. Tay kia gã đâm vào tim cô ta lưỡi dao sắc như dao cạo.