Nguyên tác: Белым По Черному
Số lần đọc/download: 908 / 10
Cập nhật: 2017-06-11 10:58:10 +0700
Chương 3 - Một Thứ Kim Loại Lạ Thường Không Tài Nào Bắt Gặp Trong Thiên Nhiên
P
hấn Trắng vừa lẩm bẩm trong mồm như có điều giận dỗi vừa vẽ nhanh trên bảng một bức tranh mới. Đấy là một thành phố đẹp trên bờ biển cả. Trong cảng, những chiếc tàu thủy lớn đang nhả khói, một cầu thang rộng bằng đá hoa chạy từ kè lên đến bờ.
- Xin bắt tay vào việc! - Phấn Trắng ra lệnh cho thím Giẻ Lau khi bức tranh vừa vẽ xong.
Thím Giẻ Lau bắt tay vào việc và trong phút chốc các khách du lịch của chúng ta đã bước đi trên những đường phố tràn ngập ánh nắng của một thành phố phương nam. Hầu hết nhà cửa ở đấy được xây bằng một thứ đá xốp màu xám nhạt.
- Một nơi nổi tiếng! - bác Địa Cầu thốt lên nghe ken két.
- Chắc chắn đây là Odessa[2].
[2] Tên một thành phố cảng của Liên Xô.
- Hoàn toàn đúng, - Phấn Trắng xác nhận. Anh chăm chú xem xét các tường nhà và các bờ giậu như tìm kiếm vật gì. - Đây rồi! - cuối cùng anh thốt lên và chỉ tay vào những vết gì đó trên tường, vẻ đắc thắng.
Các bạn hãy xem đây! Theo các bạn, đây là cái gì nào?
Mọi người tiến lại gần.
- Vỏ, vỏ hến! - bác Địa Cầu thốt lên, đôi mắt nheo lại.
- Ở đâu ra mà lắm thế nhỉ! - thím Giẻ Lau kinh ngạc. - Cả tấm đá đều bằng vỏ hến! To có, nhỏ có, vỡ có, lành có.
- Đây cũng là một loại đá vôi,
- Phấn Trắng nói một cách tự hào. - Nó được gọi là “đá sò”. Trông bên ngoài đá sò chẳng giống tôi tí nào, nhưng kỳ thực đó là họ hàng thân thiết của tôi đấy.
- Nhưng anh cần phải chứng minh điều này! - chị Bút có ý kiến.
- Rồi tôi sẽ chứng minh! Bây giờ các bạn hãy trả lòi hộ tôi: loại nhuyễn thể, vật chủ của những vỏ hến này có thể sống ở đâu nào: dưới nước hay trên cạn?
- Đương nhiên là dưới nước rồi! - thím Giẻ Lau nhún vai – Chỉ có ốc sên là có thể sống trên cạn mà thôi.
- Giỏi! Bây giờ chắc không ai cho rằng cái thứ đó bao gồm hàng tỉ vỏ hến này lại hình thành trên cạn nữa chứ?
- Tất nhiên là không rồi! - bác Địa Cầu tán thành.
- Phải cần biết bao nhiêu vỏ hến để tạo ra loại đá này! - thím Giẻ Lau ngạc nhiên. - Lạ chưa kìa! Tất cả các nhà mới ở đây đều xây bằng loại đá sò này.
- Một thứ đá kỳ diệu, - Phấn Trắng đồng ý. - Nó hết sức tiện lợi! Vừa mềm, vừa nhẹ, lại vừa chắc! Có thể cưa bằng loại cưa thường, có thể đẽo bằng rìu và như các bạn thấy, có thể dùng để xây nhà. Loại nhà này có nhiều chẳng những ở Odessa, mà còn ở Sevastopol, ở Kimperopol, ở Kisinhop, ở Baku và ở các thành phố khác[3]. Riêng thành phố Odessa thì gần như nằm trên một lớp đá sò khổng lồ. Từ xưa người ta đã khai thác nó trong các hầm đá ngầm và xây nhà ngay bên trên các hầm đá ấy. Thế rồi, thời gian trôi qua, phía dưới thành phố đã hình thành một hệ thống đường phố lớn nhỏ chằng chịt. Chẳng mấy ai dám xuống nơi đây nếu không có người thành thạo chỉ đường dẫn lối. Có thể lạc tháng này qua tháng khác trong những hang động hẻo lánh tối tăm và không cách gì tìm được lối ra. Không phải vô cớ mà trong thời kỳ nội chiến và chiến tranh vệ quốc vĩ đại các chiến sĩ du kích đã ẩn náu trong các hang động này. Kẻ thù biết rõ họ ở đâu, nhưng không thể nào tìm ra họ được.
[3] Tên một số thành phố cảng ở miền Nam nước Liên Xô cũ (N.D).
Để tạo ra một lớp đá sò dày như vậy phải mất nhiều triệu năm. Trên đáy biển nông cạn ngày xưa đã có vô số sò hến sinh sống. Số thì sinh sôi nảy nở, số thì chết đi... Thời gian trôi qua và trên đáy biển đã dần dần hình thành một lớp dày hàng mét gồm vỏ hến các nhuyễn thể đã chết, đất bùn.
Các vỏ hến bên dưói bị nát ra do sức nặng của những lớp bên trên đè xuống. Cả khối này bị xẹp dần xuống, nén chặt lại. Nước dần dần hòa tan những mẩu vỏ hến dường như làm cho cái dung dịch này gắn liền lại thành một khối. Ở đây còn có sự hỗ trợ của nhiều thế hệ giun biển và các sinh vật đáy biển khác... Và thế là đá sò đã hình thành. Sau đó biển rút đi, các vỉa đá hiện ra trên đất liền. Toàn bộ câu chuyện là như thế.
- Thế nhưng cái thứ đá sò này có quan hệ gì đến câu chuyện của chúng ta cơ chứ? - Chị Bút tỏ vẻ bực mình. - Chúng ta đang nói đến đá vôi cơ mà!
- Thì vỏ hến do đá vôi tạo nên.
- Cứ cho là như vậy đi. - chị Bút không chịu thua. - Nhưng anh là Phấn cơ mà! Anh đâu có làm bằng đá sò!
- Điều này chúng ta sẽ giải quyết, - Phấn Trắng nói. - Nào thím Giẻ Lau, thím hãy bắt tay vào việc đi.
Vài phút sau, Phấn Trắng đã vẽ lên bảng một chiếc kính hiển vi.
Khi kính đã vẽ xong và thím Giẻ Lau đã xóa sạch những thứ không cần thiết, Phấn Trắng tiến sát lại kính hiển vi và giũ một ít bụi phấn lên vật kính.
- Xin mời! - Phấn Trắng dang rộng đôi tay mòi các bạn của mình. - Các bạn hãy nhìn vào ống kính này xem.
Thật không dễ gì nhìn được vào ống kính hiển vi. Ngay đối với bác Địa Cầu kính hiển vi cũng đã quá cao rồi. Vì vậy Phấn Trắng phải vẽ thêm một chiếc thang. Thế là ba người được tận mắt trông thấy một cảnh tượng kỳ lạ.
Tiện đây tôi cũng rất muốn khuyên các bạn, nếu có dịp, nên nhìn qua thị kính của kính hiển vi và quan sát một dúm bột phấn xem sao. Bạn sẽ được thấy vô số những sự vật khá kỳ lạ. Có vật hơi lớn, giống những gié lúa màu trắng, những quả thông, những vỏ hến. Có cái nhỏ hơn, giống những hoa cúc, những đĩa khay nhỏ và giống cả những chiếc bánh sữa. Những thứ này chính là các bộ xương và vỏ giáp của những cư dân sinh sống ở biển ngày xưa. Những cái hơi lớn là của các động vật tí hon ở biển, là loại chân rễ[4]. Còn những hoa, những đĩa khay là các cặn bã của loài tảo[5] trôi nổi rất bé, các tảo cầu đá[6].
[4] Là động vật nguyên sinh sống ở biển dùng chân giả có nguồn gốc từ nguyên sinh chất như rễ để vận động và thu nhận thức ăn. vỏ giáp của chúng có rất nhiều hình dạng đặc sắc.
[5] Từ chung chỉ một số ngành thực vật bậc thấp, phần lớn sống ở nước, cơ thể là một tản cỏ diệp lục nên tự chế tạo lấy được chất hữu cơtừthức ăn vô cơ và có đời sống tự dưỡng, khác với nấm không có diệp lục.Tảo gồm mấy ngành chính là tảo lục, tảo xanh, tảo nâu, tảo đỏ.
[6] Là loại tảo hay động vật nguyên sinh, sống trôi nổi ở biển, cơ thể dạng hình cẩu và trên vỏ giáp có nhiều mảng đá vôi nhỏ, là bộ phận tạo thành đá vôi ở kỷ Phấn Trắng.
Nếu trong mỗi con mắt tôi và bạn có đeo một chiếc kính hiển vi và chúng ta đứng dưói biển thì chúng ta sẽ thấy như có một trận mưa rào từ trên đổ xuống. Hàng tỉ con chân rễ và tảo cầu đã bị chết, liên tục hết ngày lại đến đêm cứ thế mà lắng xuống đáy biển.
Sau nhiều triệu năm, lớp trầm tích này dày tới hàng trăm mét. Qua thời gian toàn bộ cái khối này dưới tác dụng của trọng lượng bản thân và của nước biển đã dần dần biến thành đá, thứ đá mà tôi và bạn đã nhìn thấy ở Thành phố Trắng. Chính vì vậy mà người ta gọi đá vôi là đá trầm tích.
Đá sò và đá phấn cũng do một thứ nguyên liệu tạo nên. Có điều là đá sò do vỏ hến to tạo nên, còn đá phấn thì do vỏ hến bé tí xíu tạo thành.
Có thể bạn sẽ hỏi tôi: hàng tỉ các sinh vật lớn nhỏ này lấy đâu ra nguyên liệu để tạo nên các vỏ giáp của mình. Từ nước đấy! Mọi thứ cần thiết đều có sẵn, ngay bên cạnh. Chả là hàng nghìn tấn đá vôi đã tan trong nước biển và các đại dương. Và cái trữ lượng này không hề giảm đi. Vô số sông ngòi và suối khe bào mòn và hòa tan đá vôi trên đất liền, mang nó ra đại dương. Thế rồi ở đây, dưới tác dụng của hằng hà sa số những sinh vật lớn nhỏ, đá vôi lại hóa thành đá rắn.
Ngày nay chỉ cần hành tinh của chúng ta nâng đáy biển lên là lập tức sẽ có ngay những dãy núi đá vôi sừng sững.
Nhưng có thể bạn lại muốn hỏi: lẽ nào nước biển không làm tan ngay các vỏ hến và vỏ giáp của những sinh vật ở biển đang lắng xuống đáy? Không. Tất nhiên nó có làm tan một số, nhưng số đó ít lắm, không đáng kể.
Nói chung, trong nước biển không thiếu một thứ gì! Ở đây có thứ muối ăn thông thường mà ai cũng biết, có các chất hóa học khác cũng được gọi là muối, mặc dầu chúng không mặn tí nào. Ở đây còn có các kim loại: ma-giê, kẽm, sắt, đồng và vàng nữa... Vàng, vàng, vàng thật đấy. Tất nhiên là vàng có trong nước rất ít, nhưng mà có.
Thật là kỳ lạ: trong nước lại có vàng! Phải nói rằng, khi Phấn Trắng nói điều này với các bạn của anh, ai cũng tròn xoe mắt. Chị Bút hỏi, vẻ chế giễu:
- Chắc là anh muốn ám chỉ vàng khi anh khoe rằng anh cùng họ hàng với kim loại chứ gì?
- Không... Tôi muốn nói một thứ kim loại hoàn toàn khác cơ, - Phấn Trắng bình tĩnh đáp.
Vả lại vàng trong nước biển rất ít. Kim loại mà dòng họ đá vôi chúng tôi xem như ông tổ của mình không quí như vàng đâu, nhưng lại hay hơn vàng rất nhiều.
- Hay thật, hay thật! - thím Giẻ Lau lắc đầu. - Theo anh, một nhà bác học, thì biển không phải là nước nữa mà là một thứ cháo đặc à? Nó chứa nào là muối, nào là kim loại, nào là đá vôi. Mặc dầu tôi chưa hề sống ở biển và không đọc thông viết thạo lắm, nhưng tôi cũng biết rằng nước biển hoàn toàn trong suốt và không nhìn thấy gì trong đó.
- Đúng thế - Phấn Trắng gật đầu. - Trong suốt. Nhưng chẳng lẽ nhìn thấy được muối đã tan trong thức ăn hay sao? Hay lẽ nào lại nhìn thấy được đường đã tan trong nước chè hay sao? Thật ra thì muối và đường đã tan nhanh hơn các chất khác rất nhiều, nhưng các chất này cũng tan, mặc dầu tan chậm, tan ít. Theo tôi biết, trên đời này không có chất gì là không bị nước hòa tan, dù là rất ít.
- Ái chà! - thím Giẻ Lau thở dài. - Đơn giản như vậy, mà tôi đâu có hiểu!
- Đừng buồn, thím Giẻ Lau ạ, - chị Bút an ủi, - Thím tưởng anh ta hiểu biết nhiều lắm đấy à? Anh ta hãy giải thích xem, dựa vào đâu anh ta dám bảo đá vôi cùng họ với kim loại nào. Thím sẽ thấy, cái thứ đá núi này thua cuộc với tôi mà xem.
- Để rồi xem, - Phấn Trắng nhún vai, - Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Vấn đề chúng tôi có họ hàng với kim loại, không phải chỉ riêng chị Bút, mà đã hàng trăm năm chưa có người nào nghĩ đến. Nguyên nhân là ông tổ rất kính mến của họ đá vôi chúng tôi là một thứ kim loại tàng hình. Nếu như không nhìn thấy ông ta trong nước biển, thì đấy cũng là chuyện dễ hiểu. Ngay cả trên đất liền cũng không tài nào bắt gặp ông ta. Kim loại này được gọi là canxi.
Từ xưa con người đã biết đồng, sắt, vàng, bạc, bạch kim, thiếc, chì, thủy ngân... Nhưng con người mới biết canxi cách đây có hai thế kỷ rưõi. Thế mà điều ngạc nhiên nhất là hầu như chỗ nào người ta cũng bắt gặp nó. Nhưng canxi thì hình như lẩn tránh con người, lúc hóa thành một tảng đá vôi, lúc hóa thành một cột đá hoa, lúc lại biến thành thứ đá Auorite đục xanh. Sở dĩ như thế vì canxi không thể sống đon độc, nó nhất thiết phải hóa hợp với các chất khác. Và chính lúc đó nó đội chiếc mũ tàng hình đấy. Các nhà hóa học sau khi điều chế được một cục kim loại màu trắng bạc này trong phòng thí nghiệm, vừa mới đưa nó ra ngoài không khí là lập tức canxi biến ngay thành... đá vôi.
- Thật là kỳ diệu! - thím Giẻ Lau thở dài. - Làm sao lại có thể như thế được? Kim loại - bỗng chốc lại biến thành đá vôi.
- Sắt cũng thế thì sao? - Phấn Trắng hỏi. - Tại sao không ai ngạc nhiên khi thấy sắt để ngoài trời bị han gỉ, nghĩa là biến thành những mảnh gỉ vụn màu nâu không giống kim loại tí nào? Toàn bộ vấn đề là ở chỗ sắt và nhiều kim loại khác có tính chất kết hợp với oxy trong không khí. Trong trường họp này sắt biến thành gỉ sắt mà ai cũng biết, còn canxi thì biến thành đá vôi. Nhưng còn một điều khiến ta ngạc nhiên hơn nữa là chỉ cần cho canxi vào lửa, nó sẽ cháy bùng lên, làm cho ngọn lửa nhuốm màu đỏ da cam và bị cháy thiêu, chỉ để lại một dúm vôi tí tẹo.
Nhiều hợp chất canxi dễ tan trong nước. Và chính những dung dịch này, như tôi đã nói, được các sinh vật khác nhau ở biển sử dụng để tạo ra các vỏ giáp của mình.
Các bạn thấy đấy, đá vôi chúng tôi hơi có họ hàng với kim loại. Và chúng tôi thậm chí còn có thể xem mình như là quặng vậy - Phấn Trắng kết thúc câu chuyện của mình. - Thế nào, hõi các bạn của tôi, ai là người thắng cuộc?
- Hãy khoan! - chị Bút kêu lên, mặc dầu chưa ai kịp nói ra lời nào. - Tôi không đồng ý. Tôi không nghĩ đến thứ kim loại tàng hình mà ngay trên cạn cũng không tìm thấy ấy đâu. Tôi cho rằng Phấn Trắng muốn nói cậu ta có họ hàng với kim loại thực mà ai cũng có thể nhìn thấy, chứ không phải với cái thứ... cái thứ can xíu này!
- Không phải can xíu mà là canxi, - Phấn Trắng chữa lại. - Thôi được. Chúng ta cứ cho là chị Bút đã không hiểu hết điều tôi nói. Thế còn cái khoản tuổi của tôi, nguồn gốc trầm tích ở biển của tôi thì các bạn nghĩ thế nào?
- Đúng là anh thắng cuộc rồi! - thím Giẻ Lau gật đầu về phía Phấn Trắng.
- Phấn-ấn... Phấn-ấn... - bác Địa Cầu lắp bắp không nói nên lời.
- Cái gì mà cứ Phấn-ấn mãi thế? - chị Bút phát cáu.
- Phấn Trắng đúng! - bác Địa Cầu nói một mạch. - Chị Bút thua cuộc!
- Không, chưa hẳn như vậy! Anh ta hãy chứng minh anh ta thuộc loại đá núi đã nào. Đá trầm tích thì cần gì phải nói, đây muốn nói về đá núi cơ... Những ngọn đồi cỏn con mà chúng ta nhìn thấy ở Thành phố Trắng ấy trông không giống núi lắm.
- Tôi đã nói rồi, - Phấn Trắng nhún vai, - đá núi không những chỉ có ở núi. Chẳng qua đây là tên gọi những tích tụ khoáng vật tạo thành vỏ quả đất mà thôi.
- Đấy, đấy! - chị Bút thốt lên vẻ đắc thắng. - Tôi cũng nghĩ như vậy đấy: đá núi chỉ là tên gọi dòng họ của anh mà thôi. Còn khi đánh cuộc với anh, tôi muốn ám chỉ loại đá núi tạo thành những ngọn núi thật sự. Anh hãy chứng minh loại đá vôi của anh tạo thành các ngọn núi xem nào!
- Tôi sẽ chứng minh điều này! - Phấn Trắng nhảy lên. - Và chứng minh ngay bây giờ.
Lúc này chiếc đồng hồ ở phòng ngoài thong thả điểm bảy tiếng. Một tia nắng từ mái nhà bên cạnh chiếu xuyên qua cửa sổ. Có tiếng giày lê từ hành lang vọng vào.
- Bà phục vụ đấy! - thím Giẻ Lau thét lên the thé...