Số lần đọc/download: 1217 / 25
Cập nhật: 2016-06-21 08:45:52 +0700
Chương 4
T
háng Giêng, theo thói tục còn thịnh trong dân gian, vốn là một tháng ăn chơi, nên ở tỉnh nhà cuộc sinh hoạt của Khải cũng bắt đầu bằng những ngày nhàn hạ. Do thế, tâm hồn chàng tha hồ bị xâm chiếm bởi mối u hoài gây nên tự những cảnh quen thuộc trong thiên nhiên hợp với những đổi thay trong nhân sự.
Trước hết, và như ta đã thấy, Khải đã bùi ngùi vô hạn về cái vẻ hoang tàn của túp lều tranh trong đó chàng hiện sống cùng với gia đình. Chàng còn bâng khuâng ngao ngán khi nhìn đến ngôi nhà gạch hai tầng mặt ngoảnh ra sông Lô, kết quả của bao năm mồ hôi nước mắt mà phụ thân chàng đã bán cho một ông cai mỏ để lấy tiền vứt uổng vào cái ấp xã Linh Sơn, hoặc khi gặp những mặt lạ, chẳng rõ từ đâu tới, cứ thay dần vào những mặt quen không thấy nữa, cùng những khi đứng ngắm các ngọn núi mờ trong sương, những cây gạo trơ trụi có từng đàn sáo mun chẽo choẹt, những con đường không thay đổi bên trên vẫn phảng phất cái hình ảnh thuở nhỏ của chàng, nhất cái cảnh mấy ngày Tết trong mưa bụi. Những ngày tết bao giờ cũng đầy kỷ niệm: nào những buổi chiều đằng đẵng, chàng khi ấy độ bảy tám tuổi thẩn thơ trên bờ Lô Giang chờ lúc chàng mừng đến phát khóc bởi một cái bè đã hiện ra, đương lừ lừ tiến lại, và sau lắng dần vào bến nước, một cái bè trên có cái dáng thanh thanh của mẹ chàng, nào cái rạo rực đầy lòng, khi chàng nghe tiếng lợn bị cắt tiết, tiếng chày giã mau trên cối đá, hoặc khi chàng hoa mắt bởi cái màu đỏ tưng bừng của câu đối, màu sặc sỡ của những tranh gà, lợn, Tiến lộc, Tiến tài, lại nào cái cảnh chợt thức giấc, giữa giao thừa, trong một bầu không khí ngát mùi trầm và sáng trưng ánh nến, để tai nghe pháo nổ và chuông trống đổ từng hồi, cái cảnh sớm mùng một Tết - chàng, đầu đội mũ vóc đại hồng thêu kim tuyến, mình mặc áo gấm lam, cổ đeo vòng bạc, chân xỏ hài văn, theo cha đến hái lộc ở các sân chùa rồi đi mừng tuổi. Giá chàng có phép màu, như của đức Phật, chàng sẽ phục hồi tất cả các cái ấy, để bốn thằng con chàng cũng được sống những cảm giác y hệt những cảm giác chàng đã sống. Nhưng mà, thời thế đã thay đổi: "Công hầu đệ trạch giai tân chủ; văn vũ y quan dị tích thì!" Ngay mấy ngày Tết vừa rồi cũng đã qua đi, lạnh lẽo đến gần như vô duyên. Và cuộc sống bình thường lại nối tiếp, không phải với những ngày mưa phùn mù mịt gió bấc căm căm của thời xưa, mà với những ngày nóng thiu giò lụa, chảy thịt đông, những ngày có những mảng trời chiều kim nhũ, những dải núi xa màu cổ vịt, những bè mây xám hồng, những trận gió hiu hiu lay động các tầu chuối lá cau xanh bóng: Tạo vật tựa hồ cũng cố ý vô thường như nhân sự, để gieo vào lòng về nỗi chảy trôi của hết thảy sự vật thế gian, Khải tất nhiên muốn ôm ghì lấy hiện tại và gắng chắt gạn nó ở tất cả cái gì là khoái lạc, say đắm bởi không bền. Cùng một lúc, trí tuệ chàng mạt sát cái khuynh hướng ấy, coi nó là cái nọc độc còn sót lại của bọn đồ nho. Khải, gần đây thù ghét cái thói hành lạc nói trên, cả cái ảnh hưởng lãng mạn Âu châu hồi thế kỷ mười chín, và cái cách giáo dục giả dối nó làm cho loạt trung lưu thanh niên hiện thời, trong đó có chàng trở nên một hạng vô dụng, mơ hồ, sự sống đến cầu mong ở may rủi (Khải mỉm cười chua chát khi chàng nhớ tới giấc mộng bắt được tiền hôm nào ở Hà Nội). Có điều, như ta đã thấy, chàng bị giam hãm chặt chẽ quá trong khuôn sáo những thói quen, những xúc cảm và những ý tưởng lập thành tự đời nào, nên cái rắp tâm phá hoại và chiến đấu còn mới mẻ của chàng chưa mạnh ngay được, dù rằng chàng có cái nghèo nó vô tình giúp sức. Khải không mất một xu nhỏ tiền thuê nhà, từ ngày chàng về quê; nhưng cái nhà chàng đương ở chính nó đã dột nát quá và chàng cần kiếm tiền sửa chữa để mới khỏi lo gió bão trong mùa hè sắp tới. Thóc ăn lại gần hết; phải xoay tiền đong gạo. Chàng phải làm cách nào cho ra tiền, một khi thiếu vốn? Vả lại, trong cái tình trạng một là ăn người, hai là người ăn, Khải tìm đâu ra một công việc lợi cho chàng mà đồng thời nó lại không là một điều ác hay một dối lừa - kể cả sự viết vội các tiểu thuyết để bán cho các nhà xuất bản! Khải thở dài: "Tiền! Đời bây giờ, đồng tiền đã gần là cái thiên tính thứ hai của con người. Và kiếm tiền là một việc có khi cần hơn chính ngay sự sống nữa! Hãy tiền trước đã. Kể chi cái cách làm nảy ra tiền...". Khải cho thằng người thực giống như anh thợ tạc tượng kia, vì tiếc một hòn đá nên mới gia công đẽo nó thành ông Thiên Lôi, rồi lại vì hoảng sợ trước cái vẻ hung tợn của Thiên Lôi mà anh ta chắp tay lễ thì thụp. Vàng và bạc chẳng qua như đá và đất. Khốn nỗi, thằng người đã hiến nó cái thế lực vạn năng, nên thằng người, rốt cuộc, phải thờ phụng và làm tôi mọi cho nó. Nhưng mà, biết dại thì cũng đã dại rồi. Chỉ còn một việc là phải đào bới bất kỳ ở đâu cho ra tiền ngay tức khắc. Nếu không thế, Khải và gia đình chàng sẽ thiếu miếng ăn nơi ở. Đào bới đâu bây giờ? Khải lúng túng như con mãnh thú sa vào lưới, nó càng giãy giụa, cái lưới càng xô đầy lại. Sau cùng, chàng đâm luẩn quẩn, và lại uống rượu, lại tìm đến các nơi hội họp để nghe người ta bới xấu nhau, theo cái tật chung của hết thảy nó là kết quả của một nền giáo dục đạo đức bố vờ: về thực tế, ai cũng duy vật đến tục tằn, và cẩn trệ nữa; nhưng về lý thuyết, ai cũng tỏ ra độc có mình là chỉ ư chí thiện! Chẳng những rượu, chẳng những làm tai nghe bới xấu, Khải còn hút thuốc phiện nữa, ý định để khuây khỏa mà thực thì để cảm thấy não nùng rằng, ở chàng, tất cả vẫn cứ là mâu thuẫn, là bắt buộc phải mâu thuẫn! Thường thì chàng đọc. Khải đọc bất cứ quyển sách nào lọt đến tay chàng, đọc miệt mài, đọc như kẻ sắp chết đuối cố vơ lấy một vật nổi. Cuộc sống của chàng, thế là cứ liên miên từ đọc sách đến ngủ, từ ngủ đến nói phiếm, từ nói phiếm đến rượu, đến thuốc phiện.
Cũng nhiều khi, chàng tự an ủi rằng chàng sống vậy là để đợi chờ. Nhưng, liền ngay đấy, chàng lại hãi hùng bởi một ý nghĩ khác: bao nhiêu kẻ; đã chỉ vì chờ đợi như chàng mà mái tóc hoa râm lúc nào không kịp biết!
Nào những ai,
Bảy bước thân nam tử,
Ngang dọc chí tang bồng?
Đường mây chưa bổng cánh hồng,
Tiêu ma tuế nguyệt ngại ngùng tu mi!
Mấy vần thơ của Tản Đà chợt vang lên trong tư tưởng chàng, như một hồi lệnh đám ma. Khải lại nhớ ra rằng chàng đã ba mươi nhăm tuổi: "Ta sống chẳng nhẽ chỉ để già rồi chết!" Và, từ cái chết có thể xảy đến cho chính mình chàng, Khải nghĩ đến cái chết của Vũ Trọng Phụng, và đến một câu bạn chàng đã than thở với chàng...
Nguyên một hôm, chừng vài tháng trước khi Phụng chết, Khải đã rủ Phụng vào một hiệu cơm tây, phố Đường Thành. Đôi bạn vừa ăn uống vừa thân mật trao đổi những ý tưởng riêng về thời thế, về xã hội, và tất nhiên về cái cảnh ngộ của văn sĩ Việt Nam. Bỗng, Phụng hất hàm cho Khải chú ý đến một thanh niên vừa ngồi xuống bên một bàn gần đấy, một thanh niên có bộ mặt xám như tro và một cặp môi tựa hồ cái vết sâu quảng đương liền dấu.
- Thằng ấy - Phụng đáp cái nhìn dò hỏi của Khải - ở cùng phố với tao. Bố nó trước làm nghề cho vay lãi... giàu lắm! Tên nó gọi là thằng Dưỡng. Nó hiện là chủ một cái gia tài lớn có vài ba mươi vạn, nhiều đến nỗi nó không biết dùng của làm gì nữa, ngoài cái việc trô thả cửa, và ném tiền vào các trọ cô đầu để mua lấy bệnh tiêm la!... Thời kỳ thứ hai rồi cơ đấy!... Phụng cười mũi: "Những thằng như bọn mình thì lại chẳng bao giờ thừa ra được dù là một đồng trinh nhỏ! Vô lý, chung quanh chúng mình, thực nhiều cái vô lý!... và chó đểu nữa là khác...".
Hai người im lặng một lúc lâu. Khải ái ngại nhìn cái dung nhan gầy xọp và xanh xao của bạn chàng, cái dung nhan rõ ràng là đã bị phủ dưới bóng Tử thần. Sau, Phụng dằn mạnh cốc nước lọc xuống mặt bàn và kết luận:
- Không phải tao tham ăn đâu, nhưng giá, mỗi ngày tao được một bữa như thế này - một bữa thôi, mày nghe chưa! Tao đã chẳng đến nỗi mắc phải cái bệnh lao ác hại!
... Khải cảm thấy tràn ngập cả tâm hồn chàng một sự rã rời kỳ lạ, một sự cần thiết vu vơ, và một tức giận nặng nề bởi bất lực...
Kim ở ngoài chợ về, nhìn vẻ mặt chồng một cách tò mò và hỏi:
- Gì thế, mình?
Chàng thở dài:
- Nghĩ đến sinh kế mà lo quá!
- Lo chứ lại không lo! Nàng ngồi xuống cái ghế đối diện với Khải: Chính tôi cũng đã dò hỏi khắp nơi, đã suy tính đủ mọi cách, nhưng... thất vọng!
Hai vợ chồng nhìn nhau; Kim nói tiếp:
- Chết cái, mình không có vốn kia! Giá có dăm ba trăm thì buôn bán sì sằng, chẳng gì cũng đủ chi các món lặt vặt hằng ngày vậy.
- Mình xem thóc ăn còn được bao lâu nữa?
- Còn gì!... chỉ độ cuối tháng sau là hết nhẵn. Gạo, độ này lại cứ mỗi ngày một giá: hôm kia, chị giáo Nhuận vừa đong đồng chín, vậy mà sáng nay đã hai đồng hai một yến! Dầu tây sáu hào một lít. Vải demi fil trước có bốn hào rưỡi, năm hào, giờ hơn một đồng một thước.
Khải đâm liều:
- Cứ việc cao nữa lên!... Rồi thì tất cả đều nhịn, và ở trần, thử xem nó ra làm sao...
- Chỉ nói khoác!... Sáng ngày ra, mới chậm nấu cơm một tí, cả năm bố con đã làm váng nhà lên...
Thằng cu Tí, chừng mãi lúc ấy mới nghe rõ tiếng mẹ, lon ton từ hè sau chạy ra:
- Mợ!... - Nó ngả đầu vào lòng Kim, nũng nịu - Mợ cho con một tri...inh...
- Trinh đâu lại cứ trinh suốt ngày thế! Kim vờ cự song âu yếm vuốt mái tóc con: Mày vừa ăn khoai lang rồi thôi? Các anh mày đi học cả ngày thì chúng nó ăn gì!...
Khải nhìn vợ, nhìn con và thấy mình như ở vào cái ngõ cụt. Bỗng, Kim gọi chàng:
- Này, mình này!
- Gì?
- Không biết ông đã nói mình nghe chưa: ý ông định bán cái khu đất Linh Sơn cho ông phán Thước đấy...
- Nghe rồi; bán quách đi chứ để làm cái nợ gì!
- Nhưng cụ lại bảo sẽ bớt ông Cả Tú mấy miếng đất...
- Thật à?
- Vâng.
- Đất nào nhỉ?
- Nghe đâu cái gò con, gần ngay chỗ ông Cả Tú đương ở bây giờ. Sẵn cả nhà cửa vườn cây tử tế... Kim cúi xuống và, thuận tay, khẽ phát vào mông thằng con út: Diệp, có để mợ nói chuyện với cậu không!
Diệp lẵng nhẵng:
- Cho con mô...ột trinh!
Kim đành phải dúi cho một đồng Khải Định. Diệp, đắc thắng chạy tót ra hè trước. Kim nối câu chuyện:
- Ông bảo lấy chỗ ấy làm hoa màu và nuôi súc vật. Theo ý tôi, như thế cũng hay!
- Còn tôi thì xin hàng!... Tôi đã ngấy lắm cái đất Linh Sơn rồi. Làm việc trồng cấy, phải những người nhà quê, cứ như mình thì lấy ai ra cuốc đất?
- Hãy cứ nghĩ thử xem...
- Chẳng phải nghĩ gì hết; không làm được là không làm, có thế thôi!
- Nhưng tính ông vẫn thích cái cảnh điền viên lắm. Ông bảo hôm nào mình với tôi, hai vợ chồng vào xem thử xem...
Thấy Kim vật nài, Khải tự nhiên nảy ra một ý tò mò:
- Đi thì đi!...
- Mình tưởng tôi không rõ việc trồng cấy là khó hay sao? Có điều, buôn bán đã không buôn bán được, ta phải xoay kế khác vậy, chứ chả nhẽ khoanh tay chịu chết à! Vợ chồng mình đã đành; nhưng còn ông, còn cả một đàn con dại... Miệng ăn núi lở; sẵn lưng vốn còn lo thay huống hồ lại hai bàn tay trắng!...
Khải cười nụ:
- Lý sự lắm rồi, không phải tuyên truyền mãi... Hãy đi châm cái đóm về cho người ta hút thuốc!